Ngày 23-12-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tặng phẩm của người nghèo
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
01:18 23/12/2022

TẶNG PHẨM CỦA NGƯỜI NGHÈO
LỄ GIÁNG SINH

Có một câu chuyện thế này: Vào đêm lễ Giáng sinh, không riêng người Công Giáo, nhưng hầu như mọi người, đều đổ ra đường để đi đâu đó mừng đêm tưng bừng, đêm lễ hội. Vì thế mọi ngã đường sớm đông nghẹt.

Theo dòng người đông đảo, Tôi – tác giả kể – bước về hướng nhà thờ. Chiếc loa phóng thanh trên đỉnh nhà thờ trổi bản nhạc mừng Chúa Giáng sinh thật vui, không làm tôi chú ý cho lắm.

Một cảnh tượng khác đập vào mắt tôi: Một người đàn ông trạc bốn mươi, chắc là bảo vệ nhà thờ, lôi xồng xộc một em bé ra ngoài khuôn viên nhà thờ. Trên tay em là xấp vé số dày cộm. Vừa lôi em, miệng anh vừa la lối: “Ra ngoài bán, ở đây không phải chỗ!”.

Cùng lúc, tôi nghe một giọng nói ấm áp từ phía sau lưng: “Này anh, thôi đừng đuổi em bé. Đêm nay Chúa Giáng sinh là để cho em và cho những người cơ nhỡ, bất hạnh, nghèo khó như em”.

Phản xạ tự nhiên, Tôi xoay người lại xem giọng nói của ai? À, chiếc áo chùng thâm. Hóa ra một linh mục. Tôi còn nghe cha nói thêm: “Cần phải có những người như em bé này ở trong nhà thờ đêm nay, để họ hiểu rằng, Chúa cũng nghèo lắm, nghèo như chính bản thân họ vậy”.

Vị linh mục bước đi. Người bảo vệ nhìn theo, ánh mắt vẫn chứa đầy một khoảng không im lặng. Chắc anh ngỡ ngàng lắm, nhưng cũng thẹn lắm vì vừa nhận ra bài học quý giá. Tôi nhìn lên bầu trời hít thở không khí đêm đông lành lạnh thật sảng khoái, chợt nhận ra ánh sao đêm nay sáng và đẹp tuyệt vời…

Có thể khi dẫn chứng câu chuyện và những hình ảnh mà câu chuyện lột tả, sẽ có nhiều ý kiến: đồng ý và không chấp nhận, khen hoặc thấy khó chịu; cũng có thể cho rằng, anh bảo vệ đúng, vị linh mục chưa đúng… Riêng tôi, chỉ nhằm một chủ: minh họa cho những gì đã suy nghĩ, để nhấn mạnh đến một điều quan trọng và lớn lao hơn nhiều: Tình Yêu Thiên Chúa nơi mầu nhiệm Nhập Thể.

Nội dung câu chuyện thật ngắn, thật đơn sơ, nhưng tôi thấy chất chứa bên trong nó là cảm nhận về một quà tặng của Tình Trời được gởi trao cho người trần, một quà tặng tuyệt đối, quà tặng vô giá được ban tặng nhưng không: Thiên Chúa đã trao tặng chính người Con Một dấu ái của Ngài: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì không phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Câu Lời Chúa được thánh Gioan ghi lại, là trích một trong những lời thoại Chúa Giêsu trao đổi với ông Nicôđêmô. Thánh Gioan không hiển nhiên nhắc tới hai tiếng “quà tặng”, nhưng khi lặp lại lời của Chúa: “Thiên Chúa đã YÊU… đến nỗi đã BAN”, thì không là nói bằng ngôn ngữ của quà tặng đó sao.

Và trong hai tiếng quà tặng đã hàm chứa TÌNH YÊU và sự TRAO BAN. Nơi Thiên Chúa, dù quà tặng chính là một ân ban thần linh diệu kỳ lại quá sức cụ thể nơi một con người mang tên Giêsu Kitô.

Vì nơi Thiên Chúa làm người mang tên Giêsu Kitô, đã là Thiên Chúa giàu có, nhưng chấp nhận hủy mình để trao dâng tất cả, để tỏ lòng yêu thương, thì lời của linh mục: “Đừng đuổi em bé. Đêm nay Chúa giáng sinh là ĐỂ CHO em và cho người cơ nhỡ, bất hạnh, nghèo khó như em”, và “Cần phải có những người như em bé này ở trong nhà thờ đêm nay, để họ hiểu rằng, Chúa cũng nghèo lắm, NGHÈO NHƯ CHÍNH HỌ VẬY”, thật đáng chú ý và đáng suy nghĩ.

Cũng vậy, không hề nhắc tới hai tiếng “quà tặng”, nhưng qua lời đối thoại, những kiểu nói: “ĐỂ CHO”, hay “CHÚA CŨNG NGHÈO NHƯ CHÍNH HỌ VẬY”, tác giả đã đặt lên môi nhân vật ngôn ngữ của quà tặng, một quà tặng chứa đầy tình yêu.

Nhưng trong lời đối thoại của nhân vật linh mục, chỉ có “những người cơ nhỡ, bất hạnh, nghèo khó” mới đáng lãnh nhận quà tặng Giêsu.
Đọc lại Tin mừng của đêm Giáng sinh, ta cũng sẽ thấy rõ điều này. Ngay sau khi Đấng tự hiến mình đã sinh làm người, thiên thần loan tin mừng Giáng sinh.

Nhưng lời của thiên thần: “Hôm nay Đấng Cứu Thế giáng sinh cho các ngươi” (Lc 2, 11) KHÔNG THỂ NÀO VANG ĐẾN DINH TỔNG TRẤN PHILATÔ, HOẶC NGAI VÀNG VUA HÊRÔĐÊ HAY DINH THƯỢNG TẾ CAIPHA, LẠI THUỘC VỀ NHỮNG MỤC ĐỒNG, NHỮNG NGƯỜI CHỈ BIẾT LÀM QUEN VỚI CÁI NGHÈO, LÀM BẠN VỚI ĐÀN SUC VẬT. NGHÈO VẬT CHẤT ĐÃ VẬY, HỌ CÒN LÀ NHỮNG NGƯỜI DỐT NÁT, CHỌN CHO MÌNH KIẾP SỐNG RÀY ĐÂY MAI ĐÓ…

Và dấu chỉ của quà tặng vô giá mà thiên thần giới thiệu là gì? Đó là: “Đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Ngài: các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 12).

Một dấu chỉ quá đỗi đơn sơ, nghèo hèn. Nhưng chất chứa trong dáng vẻ đơn nghèo, dấu chỉ ấy là một dấu chỉ vĩ đại, dấu chỉ về một tặng phẩm thần linh: Thiên Chúa làm người!

Hóa ra quà tặng thần linh được dâng tặng, được trao ban, không phải chỉ có những người hèn hạ, khốn khổ mới có thể lãnh nhận. NHƯNG CHÍNH ĐẤNG BAN TẶNG CHÍNH MÌNH CŨNG TRỞ NÊN NGƯỜI NGHÈO. Chỉ có hiến mình dâng tặng như thế, quà tặng Giêsu mới thật là quà tặng cần thiết và tròn đầy ý nghĩa.

Vậy để đón nhận và hiến dâng trọn vẹn quà tặng của yêu thương, đòi người ta phải có sự trút bỏ bằng một tinh thần nghèo khó, bằng một ý thức hiến mình thực sự, không thể làm khác được.

Như vậy chính trong sự nghèo khó, người ta lại trở nên giàu có, vì có chính Thiên Chúa làm tặng phẩm vô giá của mình. Bởi vậy, ta mới hiểu vì sao Chúa Giêsu lại nói: “Phúc cho các ngươi là những người nghèo” (Lc 6, 20).
 
Ngày 24/12: Lời Kinh Benedictus - Lạy Chúa chúng con chúc tụng Chúa - Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ.
Giáo Hội Năm Châu
02:28 23/12/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, ông Da-ca-ri-a, cha của Gio-an, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng:

“Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en
đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.
Từ dòng dõi trung thần Đa-vít,
Người đã cho xuất hiện
Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta,
như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ
mà phán hứa tự ngàn xưa:
sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù,
thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét;
sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên
và nhớ lại lời xưa giao ước;
Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham
rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù,
và cho ta chẳng còn sợ hãi,
để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người,
mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.
Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,
bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ
là tha cho họ hết mọi tội khiên.
Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,
soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
và trong bóng tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an.”

Đó là lời Chúa
 
Lễ Vọng Giáng Sinh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:39 23/12/2022
LỄ GIÁNG SINH

(THÁNH LỄ ĐÊM )


Tin mừng: Lc 2, 1-14.

“Hôm nay, Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em.”


Bạn thân mến,

Đêm nay cả thế giới hân hoan vui mừng vì Đức Chúa Giê-su đã sinh ra, đêm nay được gọi là đêm bình an, bình an cho những tâm hồn biết chờ đợi ngày giờ Chúa đến, bình an cho những người đang bị áp bức, bình an cho những người thành tâm thiện chí xây dựng một xã hội công bằng yêu thương.

Đêm bình an này, diễm phúc trước hết là các mục đồng, tức là thành phần nghèo khó trong xã hội, bởi vì Chúa đến để đem niềm an vui đến cho họ, chính những người chăn chiên nghèo hèn mộc mạc ấy được thiên thần loan báo tin vui: “Hôm nay. Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em.”

Đêm bình an này, bạn cũng sẽ hòa niềm vui chung với mọi người bằng những cuộc vui thâu đêm, hay bằng những cuộc đua xe nguy hiểm? Tôi có kinh nghiệm nho nhỏ của đêm lễ giáng sinh như thế này, xin chia sẻ với bạn: Trước thánh lễ, bạn đi một vòng thành phố để ngắm sự nhộn nhịp của mọi người mừng lễ Giáng Sinh, sau đó bạn vào trong nhà thờ, kiếm một góc nhỏ nào đó để suy tư về mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người, đó là mầu nhiệm của tình yêu, của tha thứ và của bình an...

Bạn thân mến,

Đêm bình an này, bạn đừng quên cầu nguyện cho những mảnh đời bất hạnh, họ là những người mà Đức Chúa Giê-su –qua bạn là sứ thần của Ngài- muốn bày tỏ tình yêu thương đối với họ, bạn hãy là người đầu tiên đến báo tin vui cứu độ này cho họ, bằng hành động bác ái đầy lòng nhân ái và cảm thông với mọi người.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin mừng cho toàn dân
Lm. Thái Nguyên
05:10 23/12/2022



TIN MỪNG CHO TOÀN DÂN
Ngày 24 tháng 12: Lễ Nửa Đêm : Lc 2, 1-14

Suy niệm

Lễ Chúa giáng sinh đã trở thành một đại lễ của nhân loại, là ngày hội lớn nhất trên thế giới, được đón mừng bởi mọi quốc gia, mọi dân tộc, mọi tầng lớp xã hội. Tuy nhiên, dưới con mắt người đời, thì hoàn cảnh Đức Giêsu chào đời có vẻ quá tầm thường, vì Ngài sinh ra như một kẻ yếu đuối, nghèo nàn, nơi hang lừa máng cỏ hôi tanh ngoài đồng hoang. Nếu Ngài là Chúa, sao Ngài không sinh ra trong cung vàng điện ngọc, hay ít ra một nơi xứng đáng? Vì tư tưởng của loài người không phải là tư tưởng của Thiên Chúa. Chính qua việc giáng sinh nghèo hèn như thế, Thiên Chúa mới biểu lộ được tình yêu sâu thẳm của Ngài đối với loài người chúng ta. Ngài phải xuống mức thấp nhất của thân phận con người, để từ đó nâng loài người chúng ta lên từ mọi tình trạng.

Vì thế, việc Thiên Chúa làm người là niềm vui vĩ đại cho loài người, cách riêng là cho những người nghèo hèn khốn khổ, vì trước tiên, sứ thần đã loan báo cho những người chăn chiên ngay trong đêm khuya: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: “Hôm nay, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em trong thành Đavít, Ngài là Đấng Kitô Đức Chúa”. Họ đã đến và “đã gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”. Họ vui mừng ca tụng Thiên Chúa, vì đâu ngờ những kẻ nghèo hèn như họ mà lại là những kẻ đầu tiên được chứng kiến việc Thiên Chúa làm người.

Thiên Chúa đã làm người để con người được làm con Thiên Chúa Niềm vui Giáng Sinh là niềm vui thánh thiện, niềm vui linh thiêng, niềm vui làm cho chúng ta được sống và sống dồi dào trong bình an và hạnh phúc của Thiên Chúa. Tuy nhiên, thế giới cho tới hôm nay vẫn còn đầy những oan khiên. Vẫn còn hằng triệu người không có việc làm, không được học hành, không được tôn trọng phẩm giá, bị bóc lột sức lao động, bị tước đoạt phẩm giá làm người; còn biết bao cái chết âm thầm do nghèo đói và tệ nạn, do sự kỳ thị chủng tộc và ngay chính các tôn giáo, do chiến tranh hận thù và bạo lực. Tất cả chỉ vì lòng dạ tham lam, ích kỷ và độc ác của xã hội loài người chúng ta.

Thiên Chúa sinh xuống làm người không nhà không cửa, và tiếng kêu khóc của Ngài là tiếng kêu than của hàng triệu trẻ em hằng năm đang bị giết chết do nạn phá thai. Thiên Chúa làm trẻ thơ để nói lên tiếng nói của trẻ thơ, vì có biết bao trẻ thơ không có tuổi thơ. Trong ý nghĩa đó, lễ Chúa giáng sinh mời gọi chúng ta biết tôn trọng và bảo vệ sự sống, biết quan tâm giúp đỡ những người cùng khổ, nhắc nhở chúng ta đừng nhắm mắt làm ngơ trước bao tệ nạn xã hội; thúc giục chúng ta can đảm diệt trừ bất công, xóa bỏ hận thù, và tích cực góp phần xây dựng một xã hội bình đẳng, công bằng và đầy tình nhân ái.

Chắc chắn Chúa Giêsu sẽ không thể đến với chúng ta, nếu ta không đến với anh chị em mình. Ngài không thể ngự vào lòng chúng ta khi tấm lòng đó thiếu vắng tình yêu: tình yêu thương ở giữa gia đình, giữa ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em và đặc biệt đối với những người nghèo khổ ta gặp hằng ngày. Ngoài việc đói khát lương thực hằng ngày, thì còn biết bao người đang đói khát tình thương, đói khát niềm tin, nhất là đói khát Thiên Chúa. Chính vì cơn đói khát đó mà bao nhiêu người sống không ra người, và càng mất đi tính cách là con cái Thiên Chúa.

Trách nhiệm về thế giới hôm nay phải nói trước tiên là Kitô hữu, vì là những người đã được phúc đón nhận ơn cứu độ. Tình trạng thế giới tùy thuộc rất nhiều vào đời sống của chúng ta. Không thể ngồi đó mà lo thiên đàng cho riêng mình, một thiên đàng rất mộng mị vì chứa đầy ích kỷ. Cũng không thể rửa tay tuyên bố mình vô tội khi vẫn đầy những lấm láp hằng ngày. Nhìn vào Giáo Hội, ta thấy còn nhiều chia cắt, nhiều xáo trộn, nhiều đổ vỡ, nhiều ly tán, nhiều gương mù gương xấu…

Mừng lễ Chúa giáng sinh, đòi ta làm một cuộc cách mạng bản thân, không thể sống ung dung trước tình trạng của bao người nghèo khổ, yếu đau, cô đơn, tật nguyền; bao nhiêu gia đình đang sống cảnh lầm than, buồn sầu, thất vọng. Chúng ta không giải quyết những vấn đề của xã hội, nhưng phải làm sao cho Chúa được nhận biết và yêu mến. Muốn thế, ta phải trở nên khuôn mặt và tấm lòng của Chúa giữa đời hôm nay. Người ta cần nhìn thấy Chúa nơi chúng ta hơn tất cả những gì khác. Đó là món quà giáng sinh tuyệt hảo nhất mà ta có thể trao tặng cho mọi người; là niềm vui lớn lao để mọi người có thể cùng đồng thanh ca vang khúc hát của các thiên thần khi xưa: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương".

Cầu nguyện

Lạ lùng thay Thiên Chúa đã làm người,
một mầu nhiệm yêu thương quá thẳm sâu,
trí phàm nhân con chẳng sao hiểu thấu,
chỉ lặng chìm chiêm ngắm Chúa mà thôi.
Con hoan hỷ tôn thờ và chúc tụng,
Đấng sinh ra trong máng cỏ nghèo hèn,
rồi lớn lên trong thân phận mọn hèn,
hoàn tất đời mình như kẻ thấp hèn.
Nhìn máng cỏ,
trái tim con thật bùi ngùi xúc động,
vì thấy một tình yêu quá bao la,
là tình yêu Thiên Chúa không lùi bước,
trước vô tâm từ khước của con người.
Nơi máng cỏ,
con chiêm ngắm một tình yêu khiêm hạ,
Thiên Chúa cúi mình trao tặng cho con,
không phải những ân ban gì mới lạ,
mà chính Ngài Đấng vượt trên tất cả.
Qua máng cỏ,
trong túp lều bé nhỏ nơi hang đá,
Chúa đã lặng lẽ đi vào đời con,
thật nhẹ nhàng bước xuống cõi lòng con,
và đã luôn âm thầm sống trong con.
Con muốn chọn cách sống Chúa đã chọn,
con muốn sống cuộc đời Chúa đã sống,
Chúa làm người trở nên giống như con,
xin cho con được trở nên giống như Chúa.
Xin cho con biết ẩn mình trong Chúa,
như Chúa vẫn ẩn mình ở trong con,
để con sống một tình yêu vẹn tròn,
thuộc về Chúa Đấng làm con nên trọn. Amen.
 
Đón nhận Chúa
Lm. Thái Nguyên
05:12 23/12/2022


ĐÓN NHẬN CHÚA
Lễ Giáng Sinh Rạng Đông : Lc 2, 15-20
Suy niệm

Một điều lạ lùng là việc Chúa giáng sinh được loan báo trước tiên cho những người chăn chiên, gọi là mục đồng. Mục đồng tượng trưng cho những người quê mùa, bé nhỏ, nghèo hèn, thấp kém, bị coi thường ở ngoài đời cũng như trong đạo. Thế nhưng Thiên Chúa lại ưu ái và tỏ mình ra cho họ trước nhất. Đúng như lời Đức Giêsu sẽ tuyên bố sau này trên đường đi ra giảng Tin Mừng: “Những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót” (Lc 13, 30).

Bậc thang giá trị của người đời thường đi ngược với bậc thang giá trị của của Thiên Chúa. Vì Chúa thấy được sự thực từ bên trong, còn con người thì chỉ thấy cái hào nhoáng bên ngoài, nên thường thích những gì mà người ta coi trọng, còn Thiên Chúa lại chọn những gì người ta coi thường. Nên Ngài đã chọn làm người tầm thường, sinh ra trong cảnh tầm thường, sống với những gì tầm thường, yêu lấy những con người tầm thường. Có ai ngờ hào quang Thiên Chúa lại ẩn giấu trong những điều mà người ta coi đó là tầm thường. Ngài là Đấng ẩn mình (Deus absconditus) để chúng ta được tự do thể hiện mình. Nhưng chỉ trong sự thể hiện đơn sơ khiêm nhường, ta mới có thể đón nhận Chúa.

Thực ra đây là đường hướng và phương sách ngay từ đầu của mầu nhiệm nhập thể, còn gọi là mầu nhiệm tự hủy (kenosis), mầu nhiệm tự hạ vì yêu thương. Vì trong mầu nhiệm này, Thiên Chúa rời khỏi vị thế của mình, ra khỏi bản thân mình để đón nhận thân phận làm người thấp nhất, sống cuộc đời nghèo khó nhất, và chết đau thương tủi nhục nhất. Dường như Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa khi Chúa mặc lấy thân xác con người, hòa nhập với hạng người cùng đinh, gần gũi với những người tội lỗi, và chết não nề như một tên gian phi. Nhưng nhờ vậy mà Chúa cứu chuộc con người từ chỗ khốn cùng nhất, từ trong bóng tối của sự chết, để đưa vào ánh sáng của sự sống.
Con người kiêu căng tự nâng mình lên, đã làm hư hỏng kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa. Nên Ngài phải tự hạ xuống thế làm người để làm nên một cuộc sáng tạo mới mà chúng ta gọi là mầu nhiệm cứu chuộc. Biến cố giáng sinh đã khởi đầu mầu nhiệm cứu chuộc này. Lễ giáng sinh mời gọi ta chiêm ngắm và tiếp tục thể hiện mầu nhiệm nhập thể trong đời sống. Nhờ việc chiêm ngắm ta mới ngộ ra tình yêu sâu thẳm và linh nghiệm của Thiên Chúa trên đời sống mình, để từ đó ta mới biết đón nhận mọi người như Chúa đã đón nhận ta, nghĩa là dám xóa mình, quên mình, dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và toan tính khôn ngoan của người đời, để sống một cuộc sống khác, đó là cuộc sống của Thiên Chúa làm người để con người biết làm con Thiên Chúa.

Trong chúng ta, ai cũng mong cho mình được trọng vọng, được nể nang, được ca tụng, được mọi người cảm kích, và được chức tước địa vị càng nhiều càng tốt. Thế nhưng đó là quan niệm và ước vọng của phàm nhân, một lối sống phàm tục, không phải lối sống của người Kitô hữu, vì đi ngược với mầu nhiệm nhập thể. Lối sống đó làm cho Ngôi Hai Thiên Chúa không thể tiếp tục hạ sinh vào cuộc sống của chúng ta, vì ta đang đặt mình làm trung tâm và đang qui hướng mọi người mọi sự về bản thân mình. Trong tâm hồn ta không có chỗ để Chúa ngự vào, vì không phải là hang đá thanh bần để Chúa được sinh ra.

Bởi thế, giáo phụ Origène đã nói lên rằng:“Dù Chúa Giêsu có sinh ra cả ngàn lần tại Bêlem, xứ Giuđêa, điều đó chẳng ích lợi gì nếu Ngài không sinh ra chỉ một lần trong đời sống của bạn”. Thật vậy, có nghĩa gì đâu nếu Chúa không sinh xuống lòng ta, hay nói cách khác, mừng lễ Giáng Sinh chỉ là chuyện vô ích, khi lòng ta không được cảm hóa và cải hóa bằng một lối sống đơn sơ khiêm nhường. Tâm hồn chúng ta vẫn là một tòa nhà cao ốc, vẫn là một dinh thự nguy nga, mà Chúa thì lại không sinh ra ở những chỗ đó. Chúa muốn chọn nơi bé nhỏ mọn hèn. Vì thế, đòi ta phải từ bỏ lối sống vương giả hay một lối sống quá tiện nghi cầu kỳ, để tâm hồn mình trở thành như hang lừa máng cỏ.
Trở thành hang lừa máng cỏ nghĩa là trở thành một tâm hồn đơn sơ khiêm hạ; một tinh thần nghèo khó, thanh tịnh; một tấm lòng rộng mở, bao dung. Các mục đồng được ưu tiên diện kiến Chúa Hài Nhi cũng biểu trưng cho những tính cách như vậy. Và đó cũng chính là tâm tình và tính cách sống của Chúa Giêsu khi chấp nhận sinh hạ làm người. Giờ đây đến lượt chúng ta, những người được kêu gọi để sống mầu nhiệm nhập thể, sống hạ mình vì yêu thương, để qua chúng ta, từ tâm hồn mình, Chúa lại được sinh ra cho người khác. “Mầu mhiệm” Giáng Sinh là như vậy, để Chúa có thể thấm nhập và làm nên những con người mới.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Từ muôn thuở là Ngôi Lời Thiên Chúa,
nhờ Ngài mà muôn vật được tạo thành,
Ngài tràn đầy ân sủng và sự thật,
là sự sống là ánh sáng vĩnh hằng.
Chúng con quá ngỡ ngàng và vui sướng,
vì Thiên Chúa đã tỏ lòng xót thương,
cho Ngôi Lời nhập thể làm người thế,
để cứu thoát nhân trần khỏi bến mê.
Thật lòng trí chúng con không thể tưởng,
Con Thiên Chúa trở nên con loài người,
là Thiên Chúa thật và là người thật,
để từ đây Ngài thần hóa chúng con,
từ những kẻ sinh ra trong hèn mọn,
nay lại được trở nên con Thiên Chúa.
Chúa đã nhận lấy thân phận của con,
những gì là mỏng giòn và yếu đuối,
để đời con có Ngài nguồn an ủi,
không còn phải lủi thủi giữa cuộc đời.
Chúa đã đến sống cuộc đời như con,
cho con biết sống cuộc đời như Chúa,
dám vươn lên với tấm lòng cao thượng,
tìm mọi cách để thể hiện tình thương,
làm ánh sao soi rọi giữa đêm trường,
làm muối men cho cuộc đời nồng thắm.
Xin cho con được gặp Chúa hôm nay,
trong mọi nơi mọi lúc mọi hoàn cảnh,
luôn trung thành trước cuộc sống đổi thay,
và hăng say bước theo Chúa mỗi ngày,
luôn gieo rắc niềm tin yêu hy vọng,
để được Chúa là tất cả ước mong. Amen.





 
Ánh sáng và bóng tối
Lm. Thái Nguyên
05:14 23/12/2022


ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI
Ngày 25 tháng 12. Lễ Ban Ngày : Ga 1, 1-18
Suy niệm

Đối với tác giả Tin Mừng thứ IV, Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời. Bằng danh xưng này, thánh Gioan muốn diễn tả ra thực tại thâm sâu nhất của Đức Giêsu, Đấng nhiệm xuất từ Thiên Chúa và tầm mức tối quan trọng của Người đối với ơn cứu rỗi cho loài người chúng ta.
Tương quan của Ngôi Lời Thiên Chúa với chính Thiên Chúa được xác định ở đây với ba ý: Ngôi Lời thì vĩnh cửu và vô tạo như Thiên Chúa; Ngài sống trong sự hợp nhất trường tồn với Thiên Chúa; Ngài là Thiên Chúa theo cùng một cách như Thiên Chúa là Thiên Chúa. Trong tất cả những gì Đức Giêsu làm, thì qua đó Ngài không phải là Đấng mang mọi lời của Thiên Chúa, mà chính là Lời Thiên Chúa, là Lời đầu tiên và Lời cuối cùng của Thiên Chúa. Lời vững chắc và đáng tin như chính Thiên Chúa trong chính thần tính của Ngài. Nơi Ngài, Thiên Chúa tự mạc khải cho chúng ta được biết chính Thiên Chúa.

Tương quan đặc biệt của Ngôi Lời với loài người được diễn tả bằng sự sống và ánh sáng. Đặc tính căn bản của Ngôi Lời chắc chắn là sự sống vô cùng viên mãn, tức không có chút gì là bóng tối sự chết và giới hạn nơi Ngài. Như thế, Ngôi Lời có đặc điểm như Thiên Chúa, và Ngài là Thiên Chúa hằng sống (x. Ga 5,26). Nhờ sự sống viên mãn không hề cạn kiệt của Ngài, Ngôi Lời đã trở thành ánh sáng cho loài người chúng ta, là những kẻ sống trong bóng tối và đang bị đe dọa bởi sự chết.

Nhưng cũng chính ở đây, thánh Gioan cho thấy công trình của Ngôi Lời gặp một sức mạnh đối nghịch. Đó là bóng tối ngăn cản loài người đến với ánh sáng. Tuy nhiên, đã là ánh sáng thì tự nó chiếu vào bóng tối. Thực tế, chúng ta thấy ánh sáng Chúa đã chiếu soi, nhưng bóng tối của sự dữ vẫn luôn hoành hành trên thế giới, trong từng quốc gia, từng cộng đoàn, từng gia đình, từng con người, như bức tường chắn ngang giữa nhân loại với Thiên Chúa và giữa con người với nhau.

Ánh sáng đã chiếu soi trong bóng tối, nhưng bóng tối cứ vẫn là bóng tối, khi lòng người cứ đóng kín phủ che, che khuất cuộc đời, che khuất cả lương tri: đó là bóng tối của dục vọng, của phân chia và thù hằn ghen ghét, của tham lam và tranh chấp bạo tàn, của ngạo mạn và tiền tài danh vọng... Không chỉ bóng tối của cõi đời thế tục, mà còn là bóng tối trong cõi chốn tu trì. Không phải chỉ bóng tối của quyền hành xã tắc, mà còn là bóng tối của Giáo Hội phẩm hàm. Ngôi Lời là ánh sáng chiếu soi, nhưng tiếc thay mọi người lại vẫn hay chọn bóng tối, vì bóng tối dễ chịu hơn, đồng lõa hơn (x. Ga 3, 19). Bóng tối ở ngoài ta và bóng tối ở trong ta. Hãy can đảm xóa tan bóng tối trong ta, bằng cách mở tâm hồn ra để cho mình được yêu thương và được chiếu sáng: “Ai yêu thương anh em mình thì ở trong ánh sáng” (1Ga 2, 10).

Tuy nhiên, ánh sáng Chúa không phải lúc nào cũng chiếu soi, cho dù ta sống lành thánh. Vẫn có những đêm tối đức tin làm ta lo âu, sợ hãi và nghi ngờ, thấy như không hề có Chúa trong cuộc đời. Đêm tối đôi khi thật kinh khủng, làm ta hoang mang, hoảng loạn, nhưng rất cần thiết để thanh luyện lòng tin. Ta cứ kiên trì dù ánh sáng không còn. Ánh sáng ấy chỉ lẩn khuất trong bóng đêm để lòng ta thêm khao khát. R. Tagore đã từng trải nghiệm về điều đó, nên đã nói lên một xác tín thâm sâu rằng, đêm tối lại là lúc “chủ ngươi đang thức và chờ ngươi tới nơi hẹn hò tình tự”. Quả thực, Thiên Chúa vẫn dành cho ta những niềm vui bất ngờ, khôn tả, vì thế “đừng để thời gian trôi đi trong bóng tối. Hãy thắp sáng đèn tình yêu bằng cuộc sống của ngươi”.

Ánh sáng mang lại sự sống. Không có sự sống nếu không có ánh sáng. Ngôi Lời là ánh sáng duy nhất phát xuất từ Thiên Chúa để đem lại sự sống cho nhân loại. Sự sống đó chỉ có thể phát triển bằng tình yêu, mà Thiên Chúa là tình yêu, được thể hiện sung mãn nơi Đức Giêsu, Đấng đã đến để cho con người được sống và sống dồi dào. Vì thế, mỗi cử chỉ hay hành vi được làm vì yêu thương của chúng ta đều có giá trị vô biên, vì khi đó ta ở trong ánh sáng của Ngôi Lời Thiên Chúa, và nhờ vậy ta biểu hiện chính Thiên Chúa cho anh chị em mình.
Thiên Chúa đã một lần nhập thể trong thế gian, và Ngài còn đang tiếp tục nhập thể trong ta, khi ta để cho Ngài hóa thân thành Ánh Sáng Tình Yêu trong mỗi suy tư và hành động của mình. Nhờ đó mọi người xung quanh tiếp tục đón nhận ánh sáng của niềm vui ơn cứu độ: chính là sự sống mới muôn đời cho tất cả những ai tin vào Ngài.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Đời người là một hành trình vượt qua,
qua bóng tối để vươn tới ánh sáng,
ánh sáng chân lý, ánh sáng tình yêu,
ánh sáng an vui và sự sống muôn đời.
Trong ánh sáng của Ngôi Lời Thiên Chúa,
chúng con nên ánh sáng cho trần gian,
nhưng bóng tối vẫn bàng bạc mênh mang,
bóng tối gian dối và ích kỷ bạo tàn,
bóng tối thù hằn và kiêu căng ngạo mạn,
khiến bao người phải nhức nhối tâm can.
Bóng tối làm con lo sợ và nao núng,
vì sự ác luôn thao túng hoành hành,
khiến biết bao người lành phải khổ đau,
giữa âu sầu mà Chúa đâu chẳng thấy.
Cũng như các tông đồ trước bão giông,
thấy Chúa bất động trong cơn biến động,
nhưng cũng là một cách Chúa hành động,
tạo nên chuyển động trong lòng các ông.
Cho con an tâm dù ánh sáng không còn,
nhưng tin còn tay Chúa vẫn đỡ nâng,
thật ra ánh sáng chỉ tạm ẩn khuất,
để lòng con ngày càng thêm khao khát,
tập sống phó thác trước mọi nguy nan,
không để cuộc đời mình phải dở dang.
Xin cho con cứ an lòng vững dạ,
mở lòng ra để sống với tất cả,
thắp sáng tin yêu để dẫn lối đưa đường,
giúp bao người vượt thoát cảnh đau thương,
gieo hy vọng để tìm về một hướng,
đạt tới Chúa là chính cõi thiên đường. Amen.


 
Hồng ân cao quý nhất
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
05:33 23/12/2022


Ngày sinh nhật của Chúa cứu thế là một sự kiện đem lại niềm vui chan hòa cho mọi người khắp nơi. Có người vui vì thấy phố phường nhộn nhịp, nhiều sinh hoạt vui chơi diễn ra tưng bừng, cảnh trí trang hoàng xinh đẹp bắt mắt. Có người vui vì được tham dự Thánh lễ trọng thể có đông người tham dự, lời ca tiếng hát ngân vang lay động lòng người… Tuy nhiên, niềm vui chính đáng nhất là niềm vui của người tín hữu được ơn nhận biết rằng sự kiện Chúa Giê-su sinh xuống làm người mang đến cho nhân loại một hồng ân cao quý và tuyệt vời khôn tả. Giờ đây, chúng ta hãy dành chút thời gian để trải nghiệm niềm vui đó.

Có một ao hồ nhỏ bé nằm cạnh đại dương bát ngát bao la, cách nhau bởi một bờ ngăn hẹp.

Nước ao quanh năm đen ngòm, dơ bẩn; nước biển lúc nào cũng sạch sẽ trong lành.

Nước ao không thể trở thành nước biển, không thể trong lành như nước biển, nếu không có người phá bỏ bờ ngăn.

Một khi bờ ngăn được phá bỏ thì nước ao sẽ hòa chung với nước biển; hai bên nên một với nhau.

Xin mượn hình ảnh nầy để diễn tả mầu nhiệm Chúa xuống thế làm người.

Con người thì nhỏ bé, Thiên Chúa vô cùng lớn lao;

Con người tội lỗi nhơ uế, tựa như ao nước bẩn; Thiên Chúa hết sức tốt lành thánh thiện, tựa như đại dương trong lành bát ngát bao la.

Giữa con người và Thiên Chúa có một ngăn cách diệu vợi, ngút ngàn, vô tận vô biên.

Ngăn cách nầy khiến con người phải xa lìa Thiên Chúa, không thể liên kết với Ngài. Chỉ khi nào ngăn cách nầy được xóa bỏ, con người mới có thể lại gần Thiên Chúa, giao hòa với Thiên Chúa và nên một với Ngài như ao nước hòa vào đại dương.

Thế rồi lịch sử được lật sang trang mới. Ngôi Hai Thiên Chúa hạ mình xuống thế làm người, mặc lấy thân xác con người, trở thành người thật như chúng ta. Nhờ đó, ngăn cách ngàn trùng giữa Thiên Chúa và nhân loại được xóa bỏ, loài người được giao hòa cùng Thiên Chúa, hòa nhập với Thiên Chúa như nước ao hòa chung với đại dương. Thế là từ giây phút lịch sử trọng đại nầy, con người nên một với Thiên Chúa, mang bản tính Thiên Chúa, ở trong Thiên Chúa và được Thiên Chúa hiện diện ngay trong thân xác mình như trong đền thờ của Ngài.

Nhờ ân huệ nầy, chúng ta có thể tâm niệm như thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Chúa Giê-su đang sống trong tôi” (Galat 2,20). Nói cách cụ thể hơn, tôi làm việc, tôi ăn uống, nghỉ ngơi… nhưng không phải tôi, mà là Chúa Giê-su đang làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi trong tôi. Chúa với tôi tuy hai mà một.

Và đặc biệt, khi chúng ta tiếp nhận Chúa Giê-su trong bí tích Thánh thể, chúng ta được trở nên cùng máu thịt với Ngài, được ở trong Chúa và Chúa ở trong ta, cả hai hoàn toàn nên một.

Ôi! Thật tuyệt vời! Nhờ Chúa xuống thế làm người mà con người thấp hèn bé mọn mà được nâng lên hàng cao cả, lên bậc thần thánh, nên một với Thiên Chúa toàn năng.

Đây là ân huệ cao vời hơn tất cả những ân huệ khác Thiên Chúa ban tặng cho loài người chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy vui mừng hoan hỉ và hết lòng cảm tạ hồng ân Thiên Chúa trong ngày lễ mừng Chúa giáng sinh nầy.

Lạy Chúa Giê-su,

Nhờ việc hạ mình xuống thế làm người hèn mọn như chúng con, Chúa nâng con người lên địa vị cao vời tột bậc, không thể nào cao hơn được nữa. Xin giúp chúng con sống sao cho xứng hợp với giá trị và địa vị cao cả của mình. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:53 23/12/2022

30. Nhờ con đường yêu thương mà Thiên Chúa đến gần nhân loại, nhân loại đến gần Thiên Chúa. Ngược lại, nơi đâu không có đức ái thì không nhìn thấy được yêu thương của Thiên Chúa.

(Thánh James of the March)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:55 23/12/2022
22. LẤY DÊ ĐỔI TRÂU

Lương Huệ vương ngồi trên điện chính, đúng lúc dưới điện có người dắt một con trâu đi ngang qua, Huệ vương hỏi:

- “Dắt trâu đi đâu vậy?”

Người dắt trâu trả lời:

- “Đi giết nó và lấy máu của nó bôi lên cái chuông.”

Huệ vương nói:

- “Tha cho nó đi, ta không nhẫn tâm nhìn thấy dáng run rẩy sợ hãi của nó, quá tội nghiệp!”

Người dắt trâu hỏi:

- “Như vậy không cần lấy máu bôi chuông nữa sao?”

Huệ vương vội vàng trả lời:

- “Sao lại không, giết con dê thay cho nó!”

( Mạnh tử)

Suy tư 22:

Cái tâm của Lương Huệ vương đúng là bất bình thường, hay nói đúng hơn Lương Huệ vương có cái tâm thiên vị, nhìn dáng con trâu run rẩy sợ hãi và dáng vẻ con dê run rẩy sợ hãi thì có gì là khác nhau chứ ! Đúng là lòng “đạo đức” của các vua chúa.

Con người ta ai cũng có sự phán đoán, mà phán đoán đúng hay sai là do cách suy nghĩ của mỗi người, nhất là các linh mục, sự phán đoán của các ngài trong toà cáo giải rất là quan trọng, và cũng có khi trong cuộc sống đời thường sự phán đoán của các ngài làm cho giáo dân buồn hay vui, lo sợ hoặc vui mừng. Người sống theo giáo điều thì phán đoán theo nguyên tắc giáo điều; người sống theo hoàn cảnh thì phán đoán theo hoàn cảnh.

Cũng một vấn đề đó mà “linh mục hoàn cảnh” phán đoán rất tế nhị, hợp tình hợp lý cho bổn đạo, trái lại “linh mục giáo điều” thì lại làm cho bổn đạo lo sợ, bất an và thêm xa Chúa, bởi vì họ sợ Chúa phạt theo như sự phán đoán giáo điều của ngài.

“Giáo điều” hay “hoàn cảnh” đối với con chiên bổn đạo thì họ không cần qua tâm, họ chỉ biết rằng khi lương tâm của họ không ổn, có vấn đề cần giải quyết thì họ đi gặp linh mục, thế thôi.

“Giáo điều” hay “hoàn cảnh” không quan trọng, quan trọng chính là linh mục phán đoán theo lương tâm của Thiên Chúa hay lương tâm của cá nhân. Lương tâm của Thiên Chúa là bao dung, là hiền hòa, là tha thứ, mà lương tâm của cá nhân thì thiên vị, kiêu căng và hờn giận.

Tôi phải dùng lương tâm của Thiên Chúa để phán đoán theo hoàn cảnh của giáo dân, cũng giống như Đức Chúa Giê-su của chúng ta đã xuống thế làm người, để chia sẻ thân phận con người và để cứu độ trần gian khỏi những cám dỗ tội lỗi của ma quỷ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Giáng Sinh (Lễ ban ngày)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:56 23/12/2022
LỄ CHÚA GIÁNG SINH

(Lễ ban ngày)

Tin mừng: Ga 1, 1-18.

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.”


Bạn thân mến,

Hôm nay là lễ Giáng Sinh, là ngày mà Giáo Hội Công Giáo hân hoan mừng ơn cứu độ đến giữa loài người, như lời của thánh Gioan tông đồ đã loan báo: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” Bạn có thấy Ngài đang hiện diện giữa thế gian không, bạn đã có lần nào gặp Ngài chưa?

Đức Chúa Giê-su đã trở nên người phàm chứ không phải trở nên một vi thiên thần sáng chói, Ngài trở nên người nghèo khó sinh hạ tại hang đá Bê-lem chứ không phải nơi hoàng cung sang trọng. Bây giờ thì bạn đã thấy Ngài rồi đó.Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành người phàm, Đức Chúa Giê-su đã trở thành anh em của chúng ta, Ngài đang cùng bạn trò chuyện hằng ngày đó, Ngài đang co ro bên vệ đường đó, Ngài đang lạnh lẽo thiếu thốn vì những trận lụt kinh hoàng vừa qua đó, Ngài đang bị những người quyền thế áp bức đó.v.v...

Bạn thân mến,

Bạn phải làm thế nào để lễ Giáng Sinh năm nay thật có ý nghĩa, không những đối với bạn mà còn đối với người khác nữa, chẳng hạn như bạn đi thăm hỏi một Giê-su đang nằm trong bệnh viện, hoặc bạn có thể hy sinh số tiền vui chơi ngày giáng sinh của bạn, và dành cho những Giê-su nhỏ nghèo hèn đang lượm bao ny lon và rác bên những đống rác hôi thối của thành phố...

Đó là sự cảm nhận về Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta đó.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Giáng Sinh vui tình hiệp thông
Lm Nguyễn Xuân Trường
22:00 23/12/2022

GIÁNG SINH VUI TÌNH HIỆP THÔNG

Niềm vui mừng Chúa giáng sinh ngày nay là niềm vui chung của hàng tỷ người trên thế giới. Giáng Sinh đem tới nhiều niềm vui của mua sắm, trang hoàng, ăn uống, thăm hỏi, tặng quà, múa hát, đi lễ. Tất cả những niềm vui ấy bắt nguồn từ niềm vui tình hiệp thông vĩ đại qua lời loan báo: “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

1. Hiệp thông Trời với đất. Chúa giáng sinh đã hiệp thông trời với đất, Thiên Chúa với con người. Nơi Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa và con người hiệp thông thành một. Ngày xưa khi nguyên tổ phạm tội thì cửa địa đàng đã đóng lại, sự hiệp thông yêu thương giữa con người với Thiên Chúa bị cắt đứt. Hôm nay Chúa giáng sinh thì cửa Trời mở ra, các thiên thần hát khúc ca củng cố sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người:
Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người Chúa thương.

2. Hiệp thông người với người. Lắng nghe những lời Kinh Thánh kể về Chúa giáng sinh và ngắm nhìn hang đá giáng sinh, chúng ta thấy một sự hiệp thông gần gũi giữa con người với nhau: sang giàu với nghèo hèn, trí thức với bình dân, quyền uy với bé mọn, Do thái với dân ngoại… được diễn tả qua hình ảnh các mục đồng, ba vua, Mẹ Maria, thánh Giuse quây quần quanh Hài nhi Giêsu ở giữa. Thêm vào đó, còn có sự hiện diện và hiệp thông của các thiên thần và loài vật với con người khi Chúa giáng sinh.

Thiên Chúa là tình yêu. Mà yêu thì luôn muốn sống hiệp thông cùng nhau, một lòng một dạ gắn bó với nhau. Thiên Chúa từ trời giáng sinh làm người là đã trở nên “cùng hội cùng thuyền” với con người để cứu độ nhân loại. Thế nên, hãy hiệp thông với Chúa bằng cách để Chúa sinh ra trong lòng dạ, trong gia đình, trong cộng đoàn chúng ta, để nhờ tình yêu Chúa, chúng ta mở lòng ra sống hiệp thông với nhau và với cả vạn vật quanh ta. Có như thế, chúng ta mới thực vui hưởng Giáng Sinh an lành hạnh phúc. Amen.
 
Những khoảng lặng cần thiết
Lm Minh Anh
22:04 23/12/2022

NHỮNG KHOẢNG LẶNG CẦN THIẾT
“Này đây, ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra!”.

Richard Wurmbrand, mục sư Rumani gốc Do Thái, sau 14 năm ở tù, chia sẻ trong “Mes Prisons Avec Dieu”, tạm dịch, “Ở Tù Với Chúa” rằng, có lúc quá tuyệt vọng, ông suýt mất đức tin đến nỗi chỉ muốn tự tử, vì dường như Chúa đã quên ông! Cho đến ngày kia, qua một khe hở ở trần nhà, ông nhìn thấy một tổ chim. Kìa, chim mẹ đang bón mồi cho lũ con! Ông chợt nhận ra rằng, Chúa không bao giờ bỏ ông; và ở tù là một trong ‘những khoảng lặng cần thiết’ để hiểu biết Chúa hơn!

Kính thưa Anh Chị em,

Như Richard Wurmbrand, cha của Gioan, Zacharia, cũng có một trải nghiệm tương tự. Lời Chúa sáng 24/12 tiết lộ, chín tuần trăng bị câm của Zacharia là một trong ‘những khoảng lặng cần thiết’ đã đem Zacharia, người cha tội nghiệp, đến gần Thiên Chúa và hiểu biết Ngài hơn!

Trong thời gian buộc phải lặng thinh, có lẽ, Zacharia thoạt đầu cảm thấy bức bối, khó chịu; nhưng dần dần, thất vọng biến thành cam phận; rồi, cam phận hoá nên chấp nhận. Và nhờ kiên trì đón nhận những gì đang xảy ra và biết chìm sâu trong cô tịch, Zacharia đã bắt đầu yêu thích sự thử thách Thiên Chúa muốn ông trải qua, ông đã sẵn sàng ôm lấy nó. Cũng thế, đau khổ của chúng ta chỉ có thể có một ý nghĩa tích cực, một giá trị cứu rỗi, khi chúng ta ôm lấy nó, tháp nhập nó vào thánh giá Chúa Kitô! Chính lời cầu nguyện và sự im lặng đã đưa Zacharia đến sự hiểu biết sâu sắc hơn về Thiên Chúa. Đó là một trong ‘những khoảng lặng cần thiết’ để Zacharia đạt được sự thân mật với Ngài khi ông khám phá ra cách thức ở lại với Chúa từ trong sâu thẳm lòng mình!

Và cuối cùng, im lặng thánh thiện này đã bùng lên những gì phải bùng lên; đó là lời ngợi khen! Trong cơn hoạn nạn, vào một thời điểm nào đó, Zacharia hẳn đã nhớ lại lời thiên sứ, “Này đây, ông sẽ bị câm cho đến ngày các điều ấy xảy ra!”. Thế rồi, hy vọng xâm chiếm trái tim ông! Và Zacharia đã có chín tháng chuẩn bị cho bài ca Benedictus bất hủ của mình cùng thời gian thai nghén của Elisabeth. Tuyệt vời thay, lời đầu tiên ông thốt ra khi lưỡi được buông lỏng không phải là một lời trách móc Đấng khiến ông đau khổ, mà là một bài thánh ca ngợi khen lòng thương xót của Ngài; không chỉ với ông, gia đình ông, nhưng với cả nhân loại tội lỗi, “Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Israel, đã viếng thăm cứu chuộc dân Người”. Lời ca đó ứng với những gì Ngài đã hứa cho Đavít qua miệng ngôn sứ Nathan trong bài đọc Samuel hôm nay, “Nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta”. Tâm tình của Zacharia, một lần nữa, hoà quyện với tâm tình của Đavít qua Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng!”.

Anh Chị em,

Chín tháng im ắng là khoảng lặng của Zacharia, Bêlem là khoảng lặng của Con Thiên Chúa. Tối hôm nay, chúng ta Mừng Chúa Giáng Sinh, kỷ niệm Đấng Cứu Độ xuống thế ôm lấy ‘những khoảng lặng cần thiết’ của Ngài. Vì vâng lời Chúa Cha và vì yêu thương nhân loại, Ngài đã làm người như chúng ta. Không chỉ ẩn cư, lặng thinh, Ngài còn trở nên vô danh, thành người rốt hết, chấp nhận cái chết tủi nhục trên thập giá do những kẻ Ngài yêu; vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài. Bao thử thách đã xảy ra với Richard Wurmbrand, với Zacharia và ngay cả với Con Thiên Chúa trong những ‘những khoảng lặng cần thiết’ này, đến nỗi Ngài phải thưa lên, “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con!”. Vậy mà, Chúa Giêsu đã vượt qua, Wurmbrand và Zacharia đã vượt qua; niềm hy vọng nơi họ lớn hơn những thử thách. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với mỗi người chúng ta. Hãy cứ trông chờ vào lòng trung thành của Thiên Chúa, để khi thời gian đến, bạn và tôi cũng sẽ cất lên ‘những bài ca Benedictus’ đẹp đẽ tương tự!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin ban cho con ân sủng và sức mạnh, để con tận dụng ‘những khoảng lặng cần thiết’, biến chúng thành thời khắc chuẩn bị cho ‘những bài Benedictus’ ngợi ca thánh danh Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đình Chiến Đêm Giáng Sinh & Lời Cầu Chúc Giáng Sinh 2022
Thanh Quảng sdb
14:56 23/12/2022
Đình Chiến Đêm Giáng Sinh & Lời Cầu Chúc Giáng Sinh 2022

Là những người Việt, chúng ta đã từng cảm nghiệm chiến tranh tương tàn và niềm vui khi được đình chiến vào các dịp Lễ Giáng Sinh hay Năm mới. Xưa trên quê hương mình những ngày Giáng sinh thường có ngừng chiến và gần đây truyền thống tốt đẹp này cũng được Liên hiệp quốc đứng ra hòa giải đình chiến cho nhiều nơi... Năm nay chúng ta tự hỏi: Không biết Liên xô và Ukraine có đình chiến trong dịp này không?

Mời quí vị xem Video Lời Ca Nguyện Cầu “Đêm An Bình Giữa Cuộc Chiến” & Lời Chúc Giáng sinh và Năm mới 2023

Cuộc đình chiến đêm Giáng sinh bắt người từ thế chiến thứ nhất năm 1914. Cuộc chiến đã cướp đi hàng triệu sinh mạng con người… Một tuần trước lễ Giáng sinh, binh lính hai bên tham chiến đối đầu nhau là Đức và Anh Quốc đã băng qua các chiến hào để trao đổi lời chúc cho nhau. Vào ngày và đêm trước Lễ Giáng Sinh cũng như đúng ngày lễ, binh sĩ từ hai phía dò dẫm tiến vào vùng giao tranh, ngồi lại với nhau, trao đổi thức ăn và quà kỷ niệm. Họ trao đổi tù binh, tổ chức chung lễ an táng, rồi hát với nhau các ca khúc Giáng sinh trước khi chia tay.

Năm sau, một ít đơn vị cố sắp xếp những cuộc hưu chiến, số lượng các cuộc ngừng bắn không nhiều bằng năm 1914, một phần do mệnh lệnh nghiêm nhặt từ cấp trên ngăn cấm binh lính hai bên biểu lộ tình thân hữu.

Đình chiến chỉ đơn giản là tình trạng thụ động, cả hai phía công khai tránh những hoạt động gây hấn, trong khi ở một số chiến tuyến, binh sĩ hai bên trò chuyện hoặc tìm đến chiến hào bên kia để thăm hỏi nhau.

Theo ký thuật thời thế chiến, Đại úy Bruce Barinsfather cho hay những người lính Đức thắp nến trong chiến hào, treo trên cây Giáng sinh, rồi cử hành lễ bằng cách hát vang những ca khúc Giáng sinh: "Stille Natch! Heilige Natch!"(phiên bản tiếng Đức của bài Đêm thánh vô cùng). Một người lính Anh đã la lên:" Họ đang hát, chúng ta hãy hát theo!". Thế là các người lính Anh đáp lễ bằng cất lên những ca khúc Giáng sinh… Tiếng kêu chào hỏi và chúc mừng Giáng sinh vang lên từ hai bên chiến tuyến. Ngay sau đó nhiều người băng qua vùng trận địa, tặng cho nhau những món quà như thức ăn, thuốc lá, rượu, và những vật kỷ niệm như nút áo và mũ. Những khẩu đại pháo cũng im tiếng...

Tác giả Henry Williamson, lúc ấy là một binh nhì 19 tuổi thuộc Lữ đoàn London Rifle, viết trong thư gởi mẹ nhân lễ Boxing Day, “Con viết thư cho mẹ từ chiến hào. Bây giờ là 11 giờ sáng. Cạnh con là lò sưởi than, đối diện con là hầm trú ẩn ẩm ướt. Mặt đất trơn trợt trong giao thông hào, bên ngoài là băng giá. Con đang ngậm tẩu. Trong tẩu có thuốc. Dĩ nhiên, mẹ sẽ nói thế. Nhưng đừng vội. Trong tẩu là thuốc lá Đức. Ha ha, mẹ sẽ nói, là của một tù binh hoặc con tìm thấy trong một chiến hào chiếm được. Ồ không! Đó là quà của một người lính Đức. Vâng, một lính Đức còn sống đến từ chiến hào của anh ấy. Hôm qua lính Anh và Đức gặp và bắt tay nhau trên mặt trận, giữa những chiến hào, trao đổi vật kỷ niệm, và bắt tay nhau. Vâng, suốt ngày lễ Giáng sinh, và như con viết. Thật tuyệt vời!”

Năm 2005, Hưu chiến đêm Giáng sinh được dựng thành phim Joyeux Noël, được đề cử cho thể loại "Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất" tại Giải Oscar lần thứ 78. Câu chuyện này cũng được trình bày ngắn gọn trong một cuốn phim năm 1969 của Richard Attenborough, Oh What a Lovely War.

Ngày 21 tháng 11 năm 2005, người cựu binh cuối cùng của cuộc hưu chiến đêm Giáng sinh, Alfred Anderson, qua đời ở Newtyle, Scotland, thọ 109 tuổi.

Chúng ta cầu xin cho bầu khí ngừng chiến trong đêm Giáng sinh được tái thể hiện ngay trong cuộc chiến khốc liệt Liên xô và Ukraine
 
Hai năm nữa phụ nữ có thể đứng đầu Thánh Bộ tại Vatican?
Thanh Quảng sdb
16:33 23/12/2022
Hai năm nữa phụ nữ có thể đứng đầu Thánh Bộ tại Vatican?

Hai Bộ mà Đức Thánh Cha có trong tâm trí Ngài sẽ có những người phụ nữ đảm trách là “Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống” và “Bộ Phát triển Con người Toàn diện”.

Theo ZENIT Rome, 22.12.2022 thì trong một cuộc phỏng vấn với tờ ABC của Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ lần đầu tiên trong lịch sử của Tòa Thánh, ngài đã nghĩ đến một phụ nữ đứng đầu một Thánh Bộ tại Giáo triều Rôma.

Khi các nhà báo nhắc khéo rằng ngài đã bổ nhiệm một số phụ nữ vào “các vị trí hàng đầu,” nhưng vẫn chưa có một phụ nữ nào đứng đầu một Thánh Bộ, Đức Thánh Cha trả lời: “Đúng vậy, nhưng sẽ có. Tôi đang nhắm tới một Thánh Bộ sẽ trống ngôi trong hai năm nữa. Và tôi nghĩ không có gì cản trở một phụ nữ sẽ làm chủ tịch của Thánh Bộ đặc trách về giáo dân.”

Sau đó, khi được hỏi về “việc bổ nhiệm đó phụ thuộc vào điều gì?”, Đức Thánh Cha trả lời nó tùy thuộc vào “nếu Bộ đó có tính chất Bí tích, thì Bộ đó phải được lãnh đạo bởi một Giám mục. Dù vấn đề được tranh luận ở đây là liệu thẩm quyền bắt nguồn từ sứ mệnh, như Đức Hồng Y [Marc] Ouellet [người Canada] nghĩ, hay từ một Bí tích, như [Đức Hồng Y người Tây Ban Nha Antonio Maria] Rouco Varela khẳng định. Điều đó là một cuộc tranh luận lý thú giữa các Hồng Y, một câu hỏi mà các nhà thần học cần tiếp tục bàn thảo.”

Câu trả lời đầu tiên khiến người ta tự hỏi một người phụ nữ có thể lãnh đạo Thánh Bộ nào? Tông hiến Predicate Evangelium nói rằng Giáo triều Rôma có 16 Bộ. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu, một số Bộ “có tính chất bí tích”, do đó, nó phải được lãnh đạo bởi một Giám mục. Như các bộ: 1) Giáo lý Đức tin, 2) Các Giáo hội Đông phương, 3) Việc thờ phượng và Kỷ luật Bí tích, 4) Phong thánh, 5) Giám mục, 6) Giáo sĩ, 7) Tu sĩ thánh hiến và 8) Hiệp nhất Kitô hữu.

Có những bộ dường như nằm giữa hai bản chất bí tích và phi bí tích, chẳng hạn như Truyền giáo và Đối thoại giữa các tôn giáo. Còn các bộ khác phụ nữ có thể lãnh đạo như là: 1) Dịch vụ Từ thiện, 2) Giáo dân, Gia đình và Đời sống, 3) Văn hóa và Giáo dục, 4) Phát triển Con người Toàn diện, 5) Pháp luật và 6) Truyền thông.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Konrad Krajewski đang phụ trách Bộ Phục vụ Bác ái, mới 59 tuổi, mà tuổi về hưu được ấn định là 75. Đức Hồng Y José Tolentino de Mendonça vừa được bổ nhiệm vào Thánh Bộ Văn hóa và Giáo dục. Ngài mới 57 tuổi nên Bộ này chưa cần tới. Đức Tổng Giám Mục Filippo Iannone đứng đầu Thánh Bộ Luật Pháp 65 tuổi, nên cũng chưa cần. Cuối cùng, ông Paolo Ruffini, là một giáo dân duy nhất đứng đầu Thánh Bộ Truyền Thông, mới 66 tuổi, nên Bộ Truyền thông cũng chưa có nhu cầu.

Trong viễn ảnh này, có nghĩa là hai Bộ khả thi trong tâm tưởng của Đức Thánh Cha có thể là Bộ “Giáo dân, Gia đình và Sự sống” và Bộ “Phát triển Con người Toàn diện”. Trên thực tế, Chủ tịch của Thánh Bộ thứ nhất là Đức Hồng Y Kevin Joseph Farrell đã 75 tuổi vào ngày 2 tháng 9 năm 2022. Và Đức Hồng Y Michael Czerny, Dòng Tên là Chủ tịch của Thánh Bộ thứ hai, đạt 77 tuổi vào ngày 18 tháng 7 năm 2023. Họ là hai vị chủ tịch sẽ nghỉ hưu vì tuổi tác.

Điều khiến người ta lưu ý hai điều: thứ nhất, dù là ĐHY Farrell hay Czerny, thì các ngài vẫn còn hai năm nữa mới mãn nhiệm kỳ. Và, thứ hai, thực tế cả hai Thánh Bộ này đều đã có những phụ nữ nắm giữ các chức vụ thứ hai và thứ ba trong Thánh Bộ: như trường hợp của Thánh Bộ Phát triển Con người, Nữ tu Alessandra Smerilli đang nắm chức vụ thứ hai; và Thánh bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống, hai Thứ trưởng của Bộ là phụ nữ: Bà Linda Ghisoni lo về lãnh vực Giáo dân, và Gabriella Gambino lo về lãnh vực Gia đình và Đời sống.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chương trình Trao gửi yêu thương tại Tòa TGM Huế năm 2022
Ban Truyền Thông TGP Huế
10:14 23/12/2022
Chương trình “Trao gửi yêu thương” tại Tòa TGM Huế năm 2022

Trong niềm vui Mừng Chúa Giáng Sinh, lúc 15g00 ngày 22.12.2022, tại Tòa Tổng Giám Mục Huế đã tổ chức chương trình “Trao gửi yêu thương” để chia sẻ niềm vui đến bà con lương giáo có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm bệnh tật…trên địa bàn thành phố Huế.

Xem Hình

Chương trình này được hình thành dựa trên những ưu tư của Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh để muốn dành sự quan tâm đặc biệt đối với người nghèo, nhất là những năm vừa qua đời sống của mọi người bị ảnh hưởng nhiều do đại dịch Covid-19, hoặc chịu thiệt hại nặng nề vì lũ lụt ở Miền Trung.

Đến với chương trình “Trao gửi yêu thương”, bà con là những khách mời của Tổng Giáo phận Huế được đón tiếp và chia sẻ thân tình của Đức ông Jérome Nguyễn Ngọc Hàm, quý Cha và quý Nữ tu trong Tòa TGM Huế, Tiền Chủng Viện Huế, Nhóm Thiện Tâm, quý Thanh tuyển Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Các bà con tham dự cùng nhau dùng bữa tiệc nhẹ, thưởng thức các ca khúc Giáng sinh, những điệu nhảy vui nhộn do các thanh tuyển và các chú chủng sinh thuộc Tiền Chủng Viện Huế trình diễn. Sau đó nhận những phần quà Giáng Sinh và tấm thiệp Noel với lời chúc Giáng Sinh an lành.

Ban Truyền Thông TGP Huế
 
Đêm Sao Sáng tại giáo xứ St. Maria Goretti, San Jose, California
Thái Phạm
18:06 23/12/2022
 
Thông Báo
Lời chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới của Ban Giám Đốc VietCatholic
Ban Giám Đốc VietCatholic
17:42 23/12/2022
 
VietCatholic TV
Diễn từ của ĐTC Phanxicô trước Giáo triều Rôma trong cuộc tiếp kiến chúc mừng Giáng Sinh 22/12/2022
VietCatholic Media
02:31 23/12/2022

Sáng thứ Năm 22 tháng Mười Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các Hồng Y và thành viên khác của Giáo triều Roma, đến chúc mừng ngài nhân dịp Giáng Sinh và Năm mới. Đức Thánh Cha mời gọi mọi người thực thi tinh thần hoán cải, và loại trừ mọi thứ võ khí, chiến tranh, và bạo lực, bắt đầu từ chính bản thân mình.

Lên tiếng sau lời chúc mừng của Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y đoàn, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến!

1. Một lần nữa Chúa ban cho chúng ta ân sủng được mừng mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh. Mỗi năm, khi quỳ gối trước Hài Nhi nằm trong máng cỏ (x. Lc 2:12), chúng ta có thể nhìn đời mình dưới ánh sáng đặc biệt này. Đó không phải là ánh sáng vinh quang của thế gian này, mà là “ánh sáng đích thực, soi sáng mọi người” (Ga 1:9). Đối với chúng ta, sự khiêm nhường của Con Thiên Chúa, Đấng đã dự phần vào thân phận con người của chúng ta, là một bài học để nhìn mọi sự đúng như bản chất của chúng. Như Chúa đã chọn sự thanh bần, nghĩa là không chỉ thiếu của cải, mà là hoàn toàn đơn sơ, cũng vậy, mỗi chúng ta được mời gọi trở về với những gì thiết yếu trong cuộc sống của chính mình, loại bỏ tất cả những gì thừa thãi và là những trở ngại tiềm ẩn trên con đường tu tập, con đường nên thánh. Và con đường nên thánh đó là không thể tương nhượng.

2. Đồng thời, chúng ta cần nhận thức rõ ràng rằng khi nhìn lại cuộc sống và quá khứ của mình, chúng ta phải luôn bắt đầu bằng việc hồi tưởng lại tất cả những điều tốt đẹp mà chúng ta đã biết. Vì chỉ khi chúng ta ý thức được lòng nhân hậu của Chúa đối với chúng ta, chúng ta mới có thể nêu đích danh sự dữ mà chúng ta đã trải qua hoặc chịu đựng. Nhận thức về sự nghèo khó của chúng ta, nếu không đi kèm với việc nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, sẽ nghiền nát chúng ta. Do đó, thái độ nội tâm mà chúng ta phải là đánh giá cao lòng biết ơn, như một điều quan trọng nhất.

Để giải thích lòng biết ơn này, Tin Mừng thuật lại câu chuyện mười người phong cùi được Chúa Giêsu chữa lành; nhưng chỉ có một người trong số họ, một người Samaria, trở lại cám ơn Người (x. Lc 17,11-19). Ngoài việc được chữa lành thể xác, hành động tạ ơn của anh đã mang lại cho anh ơn cứu rỗi hoàn toàn (xem câu 19). Cuộc gặp gỡ của anh ấy với sự tốt lành do Thiên Chúa ban cho anh ta không phải là hời hợt; nó đã chạm đến chính trái tim của anh. Đó là cách nó nên diễn ra: nếu không liên tục thực hành lòng biết ơn, cuối cùng chúng ta sẽ chỉ liệt kê những thất bại của mình và đánh mất điều quan trọng nhất là những ân sủng mà Chúa ban cho chúng ta mỗi ngày.

3. Nhiều điều đã xảy ra trong năm nay và trước hết, chúng ta muốn cảm tạ Chúa vì mọi ơn lành của Người. Tuy nhiên, chúng ta hy vọng rằng trong số những phước lành đó có sự hoán cải của chúng ta. Hoán cải là một câu chuyện không bao giờ kết thúc. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với chúng ta là nghĩ rằng chúng ta không còn cần phải hoán cải, với tư cách cá nhân hay cộng đồng.

Hoán cải là luôn luôn học lại cách tiếp nhận sứ điệp Tin Mừng một cách nghiêm túc và đem sứ điệp Tin Mừng ra thực hành trong cuộc sống của chúng ta. Nó không chỉ đơn giản là tránh điều ác mà là làm tất cả những điều lành phúc đức mà chúng ta có thể. Đó là ý nghĩa của việc được hoán cải. Tin Mừng đi đến đâu, chúng ta luôn như trẻ thơ cần học hỏi đến đó. Ảo tưởng rằng chúng ta đã học được mọi thứ khiến chúng ta rơi vào sự kiêu ngạo tâm linh.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 60 năm khai mạc Công đồng Vatican II. Công đồng là gì nếu không phải là một thời điểm hoán cải tuyệt vời cho toàn thể Giáo hội? Như Thánh Gioan XXIII đã nhận xét: “Tin Mừng không thay đổi; chính chúng ta mới bắt đầu hiểu Lời Chúa đầy đủ hơn”. Việc hoán cải mà Công đồng khơi dậy là một nỗ lực để hiểu Tin Mừng đầy đủ hơn và làm cho Tin Mừng trở nên có liên quan, sống động và hữu hiệu trong thời đại chúng ta.

Như đã xảy ra nhiều lần khác trong lịch sử của Giáo hội, trong thời đại của chúng ta cũng vậy, chúng ta cảm thấy được kêu gọi, với tư cách là một cộng đồng tín hữu, hãy hoán cải. Quá trình này còn lâu mới hoàn thành. Suy tư hiện tại của chúng ta về tính đồng nghị của Giáo hội là kết quả của niềm xác tín của chúng ta rằng tiến trình hiểu biết sứ điệp của Chúa Kitô không bao giờ kết thúc, trái lại không ngừng thách thức chúng ta.

Ngược lại với hoán cải là “bất động”, là niềm tin thầm kín rằng chúng ta không có gì khác để học hỏi từ Tin Mừng. Đây là sai lầm cố gắng giản lược sứ điệp của Chúa Giêsu trong một hình thức duy nhất có giá trị vĩnh cửu. Thay vào đó, hình thức của sứ điệp ấy phải có khả năng thay đổi liên tục, để bản chất của sứ điệp của Chúa Giêsu có thể không thay đổi. Lạc giáo đích thực không chỉ bao gồm việc rao giảng một Phúc Âm khác (x. Gl 1:9), như Thánh Phaolô đã nói với chúng ta, mà còn bao gồm trong việc ngừng dịch thông điệp của Phúc Âm sang các ngôn ngữ và lối suy nghĩ ngày nay, đó chính là điều mà Vị Tông Đồ Dân Ngoại đã làm. Bảo tồn có nghĩa là giữ cho sống động chứ không phải cầm tù sứ điệp của Chúa Kitô.

4. Tuy nhiên, vấn đề thực sự, và là vấn đề mà chúng ta thường xem nhẹ, là việc hoán cải không chỉ làm cho chúng ta nhận thức được điều ác để chúng ta có thể chọn điều thiện; nhưng hoán cải cũng buộc cái ác phải thay đổi chiến thuật của nó, trở nên quỷ quyệt hơn, tìm ra những lớp ngụy trang mới mà chúng ta khó có thể nhìn thấu. Trận chiến là có thật. Kẻ cám dỗ tiếp tục quay trở lại, cải trang, nhưng chắc chắn hắn quay trở lại.

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu dùng một dụ ngôn để minh họa trận chiến này diễn ra như thế nào vào những thời điểm khác nhau và theo những cách khác nhau: “Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được.”(Lc 11:21-22). Vấn đề lớn đầu tiên là khi chúng ta đặt quá nhiều niềm tin vào bản thân, vào chiến lược và chương trình của mình. Đây là “thuyết pelagiô” mà tôi thường nói đến. Thực ra, một số thất bại của chúng ta có khi lại là một ân sủng, vì chúng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không nên đặt niềm tin hoàn toàn vào chính mình, mà chỉ tin vào một mình Chúa mà thôi. Một số thất bại của chúng ta, cũng như Giáo hội, là một lời kêu gọi mạnh mẽ để đặt Chúa Kitô trở lại trung tâm, vì như Người nói: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán” (Lc 11 :23). Điều đó thật dễ dàng xảy ra.

Anh chị em thân mến, kết án sự dữ là chưa đủ, kể cả sự dữ đang âm thầm ẩn nấp giữa chúng ta. Chúng ta cần phải đáp lại bằng cách chọn con đường hoán cải. Chỉ lên án thôi cũng có thể tạo ra ảo tưởng rằng chúng ta đã giải quyết được vấn đề, trong khi điều thực sự quan trọng là tạo ra những thay đổi để bảo đảm rằng chúng ta không còn để mình bị giam cầm bởi những đường lối tư duy xấu xa, thường là lối suy nghĩ của thế gian này. Một trong những đức tính hữu ích nhất để thực hành về mặt này là đức tính cảnh giác. Chúa Giêsu dùng một ví dụ nổi bật để minh họa sự cần thiết phải cảnh giác, nghĩa là chú ý đến chính mình và Giáo hội. Ngài nói với chúng ta rằng: “Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi. Mà vì tìm không ra, nó nói: ‘Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi.’ Khi đến nơi, nó thấy nhà được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước.” (Lc 11:24-26). Sự hoán cải ban đầu của chúng ta tuân theo một khuôn mẫu nhất định: điều ác mà chúng ta thừa nhận và cố gắng loại bỏ khỏi cuộc sống của mình thực sự đã rời bỏ chúng ta, nhưng chúng ta sẽ thật ngây thơ khi nghĩ rằng nó sẽ biến mất luôn. Trong một thời gian ngắn, nó trở lại dưới một vỏ bọc mới. Trước đây, nó có vẻ thô bạo và dữ dội, bây giờ nó hiện lên thanh lịch và tinh tế. Chúng ta cần nhận ra điều đó và một lần nữa vạch mặt nó. Hãy để tôi nói theo cách này: chúng là “những con quỷ tao nhã”: chúng xâm nhập một cách trơn tru mà chúng ta thậm chí không hề hay biết. Chỉ có thực hành tự vấn lương tâm hàng ngày mới có thể giúp chúng ta ý thức được chúng. Do đó, việc xét mình có một tầm quan trọng trong việc canh chừng ngôi nhà của chúng ta.

Chẳng hạn, vào thế kỷ 17, có trường hợp nổi tiếng của các nữ tu ở Port Royal. Một trong những tu viện trưởng của họ, Mẹ bề trên Angélique, đã khởi đầu rất tốt; Mẹ bề trên đã cải tổ bản thân và tu viện của mình một cách “đầy đặc sủng”, thậm chí trục xuất cha mẹ khỏi tu viện. Bà là một phụ nữ rất tài năng, được sinh ra để cai trị, nhưng sau đó cô ấy trở thành linh hồn của cuộc phản kháng Jansenist, không khoan nhượng và không khuất phục ngay cả khi đối mặt với thẩm quyền giáo hội. Về bà và các nữ tu của bà, người ta nói rằng họ “trong sáng như thiên thần và kiêu hãnh như ác quỷ”. Họ đã đuổi được con quỷ, nhưng ma quỷ đã trở lại mạnh mẽ gấp bảy lần, và dưới chiêu bài thắt lưng buộc bụng và nghiêm khắc, ma quỷ đã đưa ra sự cứng nhắc và tự cho rằng họ tốt hơn những người khác. Con quỷ, một khi bị đuổi, luôn luôn quay trở lại; mặc dù dưới một vỏ bọc khác, nhưng nó luôn quay trở lại. Chúng ta hãy cảnh giác!

5. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu kể nhiều dụ ngôn nhắm vào những người công chính, kinh sư và Pharisêu, để vạch trần ảo tưởng cho mình là công chính và coi thường người khác (x. Lc 18:9). Chẳng hạn, trong một dụ ngôn chúng ta thường gọi là dụ ngôn về lòng thương xót (x. Lc 15), Người kể chuyện con chiên lạc và chuyện người con út của người cha tội nghiệp, là người coi cha mình như đã chết. Những câu chuyện ngụ ngôn này nhắc nhở chúng ta rằng cách đầu tiên dẫn đến tội lỗi là đi chệch hướng, lạc lối và làm điều sai trái tỏ tường. Tuy nhiên, những câu chuyện ngụ ngôn này cũng bao gồm những câu chuyện về đồng xu bị mất và người con trai cả. Những câu chuyện ngụ ngôn này đã đánh trúng mục tiêu: chúng ta có thể lạc lối ngay cả khi ở nhà, giống như đồng xu của người phụ nữ đó, và chúng ta có thể bất hạnh ngay cả khi về mặt chính thức vẫn trung thành với bổn phận của mình, giống như người con cả của người cha nhân từ. Những người lên đường và lạc lối rất dễ nhận ra họ đã lang thang bao xa; đối với những người ở nhà, không dễ để đánh giá đúng mức địa ngục mà họ đang sống, tin chắc rằng họ chỉ là nạn nhân, bị đối xử bất công bởi chính quyền được thành lập và, trong phân tích cuối cùng, bởi chính Chúa. Điều này thường xảy ra ở đây, ở nhà này biết bao!

Anh chị em thân mến, tất cả chúng ta đều đã có kinh nghiệm về việc lạc lối, giống như con chiên đó, hoặc bỏ Chúa lại phía sau, giống như người con út đó. Những tội lỗi này đã khiến chúng ta bị sỉ nhục và chính vì lý do này, nhờ ân sủng của Chúa, chúng ta đã có thể đối mặt với chúng một cách thẳng thắn. Vào thời điểm này trong cuộc sống của mình, chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến thực tế là, theo nghĩa chính thức, chúng ta hiện đang sống “ở nhà”, trong các bức tường của tổ chức, phục vụ Tòa thánh, ngay trung tâm của Giáo Hội. Chính vì lý do này, chúng ta dễ rơi vào cám dỗ nghĩ rằng mình an toàn, tốt hơn người khác, không cần hoán cải nữa.

Tuy nhiên, chúng ta đang gặp nguy hiểm hơn tất cả những người khác, bởi vì chúng ta bị bao vây bởi những “con quỷ thanh lịch”, những kẻ không bước vào ầm ĩ, nhưng đến với những bông hoa trên tay. Thưa anh chị em, xin thứ lỗi cho tôi nếu đôi khi tôi nói những điều nghe có vẻ gay gắt và chói tai; không phải vì tôi không tin vào giá trị của lòng tốt và sự thuyết phục. Đúng hơn, đó là bởi vì thật tốt khi chúng ta dành sự âu yếm cho những người mệt mỏi và bị áp bức, và có can đảm “làm khổ những người thoải mái”, như Tôi Tớ Chúa Don Tonino Bello thích nói. Vì có những lúc sự thoải mái mà họ được hưởng chỉ là sự lừa dối của ma quỷ chứ không phải là ân sủng của Thánh Linh.

6. Tôi muốn nói một lời cuối cùng về chủ đề hòa bình. Trong số các tước hiệu mà ngôn sứ Isaia trao cho Đấng Mêsia là tước hiệu “Hoàng Tử Bình An” (9:5). Chưa bao giờ chúng ta cảm thấy khát khao hòa bình lớn như lúc này. Tôi nghĩ đến Ukraine bị chiến tranh tàn phá, nhưng cũng nghĩ đến nhiều cuộc xung đột đang diễn ra ở những nơi khác nhau trên thế giới của chúng ta. Chiến tranh và bạo lực luôn là một thảm họa. Tôn giáo không được cho phép mình thúc đẩy xung đột. Tin Mừng luôn là Tin Mừng của hòa bình, và không thể nhân danh Thiên Chúa để tuyên bố chiến tranh là “thánh thiện”.

Bất cứ nơi nào sự chết, chia rẽ, xung đột và đau khổ vô tội ngự trị, ở đó chúng ta chỉ có thể nhận ra Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Vào thời điểm này, chính tôi muốn hướng suy nghĩ của chúng ta đến những người đang đau khổ nhất. Lời của Dietrich Bonhoeffer có thể giúp ích cho chúng ta. Anh đã viết từ phòng giam của mình như sau: “Dĩ nhiên, theo quan điểm của Kitô Giáo, lễ Giáng Sinh trong phòng giam khó có thể được coi là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng. Rất có thể, nhiều người trong tòa nhà này sẽ tổ chức lễ Giáng Sinh ý nghĩa và đích thực hơn ở những nơi chỉ tổ chức lễ này trên danh nghĩa. Sự đau khổ, buồn phiền, nghèo khó, cô đơn, bất lực và tội lỗi có ý nghĩa gì đó hoàn toàn khác dưới mắt Thiên Chúa so với theo phán đoán của con người; Chúa hướng về chính những nơi mà con người quay lưng lại; Chúa Kitô đã sinh ra trong chuồng ngựa vì không có chỗ cho Người trong quán trọ – một tù nhân nắm bắt điều này tốt hơn những người khác, và đối với anh ta đây thực sự là một tin tốt lành” (Letters and Papers from Prison, Letter to his Father, 17 December 1943 ).

7. Anh chị em thân mến, nền văn hóa hòa bình không chỉ được xây dựng giữa các dân tộc và các quốc gia. Nó bắt đầu trong trái tim của mỗi người chúng ta. Khi cảm thấy đau khổ vì sự lan rộng của chiến tranh và bạo lực, chúng ta có thể và phải đóng góp cho hòa bình bằng cách cố gắng loại bỏ khỏi trái tim mình mọi hận thù và oán giận đối với các anh chị em mà chúng ta cùng chung sống. Trong Thư gửi tín hữu Êphêsô, chúng ta đọc thấy những lời này, những lời này cũng được tìm thấy trong Kinh Thần Vụ: “Hãy loại bỏ khỏi anh em mọi cay đắng, phẫn nộ, giận dữ, tranh cãi, vu khống, cùng với mọi ác ý, và hãy tử tế với nhau, nhân từ tha thứ nhau, như Thiên Chúa trong Chúa Kitô đã tha thứ cho anh em” (4:31-32). Chúng ta hãy tự hỏi: Chúng ta có bao nhiêu cay đắng trong lòng? Cái gì đang nuôi dưỡng những điều ấy? Đâu là nguồn gốc của sự phẫn nộ thường tạo ra khoảng cách giữa chúng ta và châm ngòi cho sự tức giận và oán ghét? Tại sao việc nói xấu sau lưng dưới mọi hình thức lại trở thành cách duy nhất để chúng ta nói về những thứ xung quanh mình?

Nếu chúng ta thực sự muốn chiến tranh chấm dứt và nhường chỗ cho hòa bình, thì mỗi chúng ta phải bắt đầu với chính mình. Thánh Phaolô nói rõ ràng với chúng ta rằng lòng tốt, lòng thương xót và sự tha thứ là liều thuốc để chúng ta xây dựng hòa bình.

Tử tế có nghĩa là luôn chọn điều thiện trong cách chúng ta liên hệ với nhau. Bên cạnh bạo lực vũ khí, còn có bạo lực lời nói, bạo lực tâm lý, bạo lực lạm dụng quyền lực và bạo lực giấu giếm của những lời đàm tiếu, tất cả đều có hại và hủy diệt sâu sắc. Trước mặt Hoàng Tử Bình An đến thế gian, chúng ta hãy vứt bỏ mọi loại vũ khí. Mong sao không ai trong chúng ta trục lợi từ vị trí và vai trò của mình để hạ thấp người khác.

Lòng thương xót có nghĩa là chấp nhận sự thật rằng những người khác cũng có giới hạn của họ. Ở đây cũng vậy, thật công bằng khi chấp nhận rằng các cá nhân và tổ chức, chính vì họ là con người, nên cũng bị giới hạn. Một Giáo hội trong sạch và chỉ dành cho người trong sạch chỉ là sự trở lại với lạc giáo Cathari. Nếu đúng như vậy, Phúc Âm và toàn bộ Kinh Thánh đã không cho chúng ta biết những hạn chế và thiếu sót của nhiều người mà ngày nay chúng ta thừa nhận là thánh.

Cuối cùng, sự tha thứ có nghĩa là luôn cho người khác cơ hội thứ hai, với nhận thức rằng chúng ta trở thành thánh nhân nhờ những hoán cải và bắt đầu lại. Chúa làm điều này với mỗi người chúng ta; Ngài tiếp tục tha thứ cho chúng ta; Ngài tiếp tục đặt chúng ta trở lại trên đôi chân của mình; Ngài luôn cho chúng ta một cơ hội khác. Chúng ta cũng nên làm như vậy. Anh chị em thân mến, Thiên Chúa tha thứ không bao giờ mệt mỏi; chúng ta là những người mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ.

Để mọi cuộc chiến kết thúc, cần phải có sự tha thứ. Nếu không, công lý sẽ trở thành sự trả thù, và tình yêu chỉ được coi là một hình thức của sự yếu đuối.

Thiên Chúa trở thành Hài Nhi, và Hài Nhi ấy, khi đã lớn, để mình bị đóng đinh trên thập giá. Không có gì yếu hơn một người bị đóng đinh, nhưng sự yếu đuối đó đã trở thành sự mạc khải quyền năng tối cao của Thiên Chúa. Trong sự tha thứ, quyền năng của Thiên Chúa luôn hoạt động. Xin cho lòng biết ơn, hoán cải và bình an là quà tặng của Lễ Giáng Sinh này.

Chúc anh chị em một Giáng Sinh vui vẻ! Và một lần nữa, xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
TT Zelenskiy đã trở về. TT Ba Lan đón người anh hùng. Những chi tiết nghẹt thở trong chuyến công du
VietCatholic Media
04:16 23/12/2022


1. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy có lẽ đã về đến Kyiv

Lúc 9g tối ngày thứ Năm, theo giờ địa phương Kyiv, tức là 2 giờ sáng ngày thứ Sáu 23 tháng 12, UkrInform, là thông tấn xã chính thức của Ukraine đã phát đi diễn từ của tổng thống Ukraine gởi quốc dân đồng bào. Video này được thu hình tại Tòa Đại Sứ Ukraine ở Warsaw.

Bên cạnh đó còn có các videos khi Tổng thống Zelenskiy bước xuống từ một chiếc chuyên cơ dành cho tổng thống Hoa Kỳ.

Một đồng nghiệp Ukraine cho biết chuyến công du Hoa Kỳ của Tổng thống Zelenskiy đã diễn ra trong bối cảnh an ninh nghiêm ngặt vì lo ngại rằng người Nga sẽ tìm cách giết chết Ông Zelenskiy; và đoạn đường nguy hiểm nhất là lúc đi bằng tầu hỏa từ Kyiv đến biên giới Ba Lan.

Các chi tiết liên quan đến chuyến đi đã được giữ tuyệt mật. Tuy nhiên, trong chuyến viếng thăm binh sĩ Ukraine đang bảo vệ thành phố Bakhmut, chính Tổng thống Zelenskiy đã tiết lộ với anh em binh sĩ rằng ông sẽ lên đường sang Hoa Kỳ vào ngày thứ Tư. Một Đại Úy Đại đội trưởng của lữ đoàn 93 Cơ giới, được gắn huy chương đã đề nghị tổng thống mang huy chương mà anh ta mới nhận được trao cho tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden như một lời tri ân của anh ấy vì những vũ khí mà đơn vị của anh đã nhận được từ chính quyền Hoa Kỳ để bảo vệ quê hương.

Các anh em binh sĩ cũng đã ký tên vào một lá cờ và nhờ tổng thống mang đến trao cho Quốc Hội Hoa Kỳ.

Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Zelenskiy và anh em binh sĩ Ukraine đã diễn ra tại nhà máy rượu vang của thành phố Bakhmut, nơi mà hôm 13 tháng 12, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, tuyên bố đã chiếm được. Các phương tiện truyền thông Nga đã được huy động hết cỡ để che đậy sự sỉ nhục này. Cho đến nay, các nhà tuyên truyền Nga vẫn đang phải cố gắng thuyết phục dân chúng Nga rằng chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tới thành phố Bakhmut của vùng Donetsk chỉ là ‘chương trình’ dàn dựng được quay trong một studio.

Người Nga chú ý đến biến cố Tổng thống Zelenskiy thăm thành phố Bakhmut, đương nhiên họ cũng biết được Tổng thống Zelenskiy sẽ công du Hoa Kỳ vào ngày thứ Tư.

Video do CNN chi nhánh TVN ở Ba Lan ghi lại khoảnh khắc Zelenskiy đến bằng tàu hỏa ở ga Przemysl, gần biên giới Ba Lan và Ukraine. Zelenskiy sau đó được nhìn thấy trong một chiếc xe màu trắng đang chờ khởi hành cùng một đoàn xe. Zelenskiy đã được nhìn thấy đi cùng với Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine Bridget Ann Brink.

Theo TVN, ông Zelenskiy sau đó bay từ sân bay Rzeszow đến Washington trong một chuyên cơ của tổng thống Mỹ. Các nguồn tin địa phương cho biết họ nhìn thấy ít nhất là 4 chiến đấu cơ của Ba Lan bay lên hộ tống một chiếc máy bay đang cất cánh từ sân bay Rzeszow.

2. Zelenskiy: Chúng tôi trở về mang đến Donbas và miền nam những quyết định mà lực lượng của chúng ta đang chờ đợi

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng ông đang trên đường trở về từ Washington với kết quả tốt và đang đưa ra các quyết định mà các lực lượng Ukraine đang chiến đấu ở Donbas và miền nam đất nước đã chờ đợi.

Ông cho biết như trên trong một diễn từ video mới, bình luận về kết quả chuyến thăm của ông tới Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Đồng bào Ukraine thân mến, chúc các bạn sức khỏe,!

Hôm nay sẽ là một bài phát biểu rất ngắn và trong những điều kiện khác thường, nhưng như mọi khi – tôi sẽ đề cập đến những gì chúng ta đã đạt được.

Chúng tôi đang trở về từ Washington - chúng tôi đang mang về những kết quả tốt. Với một cái gì đó sẽ thực sự giúp đỡ.

Khi chúng tôi nói “những Patriots” ở Ukraine và ở Hoa Kỳ, chúng tôi đều muốn nói đến việc bảo vệ nhà nước và người dân. Vấn đề này đã được giải quyết cho Ukraine. Có cả những hỗ trợ tài chính quá.

Ngoài ra còn có các thỏa thuận khác - nhiều hơn về điều đó sẽ được đề cập đến sau.

Tôi cảm ơn Tổng thống Biden vì sự giúp đỡ, khả năng lãnh đạo quốc tế và quyết tâm giành chiến thắng của ông ấy.

Tôi biết ơn Quốc hội Hoa Kỳ - cả hai viện, cả hai đảng, tất cả những người ủng hộ Ukraine, tất cả những người muốn chiến thắng nhiều như tất cả chúng ta. Sẽ có chiến thắng!

Vinh quang cho mỗi chiến binh của chúng ta! Vinh quang cho tất cả những người bảo vệ nhà nước của chúng ta! Chúng tôi đang mang đến Ukraine, Donbas, Bakhmut và phía nam những quyết định mà Lực lượng Phòng vệ của chúng ta đang chờ đợi.

Trên đường về, tôi gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Tôi cảm ơn anh ấy, tất cả người Ba Lan, những thành phố - những người giải cứu Rzeszów vì tất cả những gì họ làm cho Ukraine và sự bảo vệ cho chúng ta - sự bảo vệ cho Âu Châu.

Hôm nay, trong một hình thức đặc biệt, trực tiếp, chúng tôi đã thảo luận về sự tương tác của chúng tôi với tổng thống Andrzej. Tôi nói với anh ấy về những gì tôi nghe được ở Hoa Kỳ, về tầm nhìn chiến lược của chúng tôi trong năm tới... Chúng tôi đang chuẩn bị, củng cố lực lượng chung của chúng tôi.

Và một điều nữa - hôm nay là ngày lễ chuyên nghiệp của những người mang đến cho chúng ta sự bình thường, hiện đại và chính xác mức độ hạnh phúc mà nhà nước khủng bố muốn tiêu diệt. Hôm nay là Ngày của Công nhân Năng lượng. Tôi xin chúc mừng tất cả các bạn, những người bảo vệ ánh sáng Ukraine, và cảm ơn vì công việc của các bạn. Chúng tôi cũng mang đến những thỏa thuận mới để giúp bạn!

Niềm tự hào cho Ukraine!

3. Ba Lan tiết lộ chi tiết về cuộc gặp Zelenskiy-Duda

Cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda kéo dài hai giờ và kết luận là “rất lạc quan”.

“Phía Ukraine đã thông báo cho Ba Lan về những gì họ nghe được ở Washington. Hầu hết các thông tin được giữ bí mật, nhưng kết luận là rất, rất lạc quan. Và đây là tin tức quan trọng nhất có thể được tiết lộ,” Jakub Kumoch, Trưởng phòng Chính sách Quốc tế tại Phủ Tổng thống Ba Lan, nói với TVN24, Ukrinform đưa tin.

Như ông nhấn mạnh, Nga hy vọng sử dụng mùa đông để gia tăng sự mệt mỏi trong chiến tranh và cố gắng tạo ra một hình ảnh truyền thông cho rằng một số nước phương Tây được cho là đang ủng hộ những nhượng bộ ngay lập tức đối với Nga.

“Người Ukraine đã nhận được sự bảo đảm rất rõ ràng từ Mỹ rằng điều này không đúng và Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với họ,” Kumoch nhấn mạnh.

Người đứng đầu Cục Chính sách Quốc tế lưu ý rằng phái đoàn Ukraine hài lòng với chuyến thăm và thỏa thuận chuyển giao hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine được đặc biệt hoan nghênh.

“Chúng tôi hy vọng rằng những hỏa tiễn này sẽ sớm bảo vệ bầu trời Ukraine”, chính trị gia Ba Lan nhấn mạnh.

Kumoch cũng cho biết Ba Lan đã được thông báo về chuyến thăm của Zelenskiy ngay từ đầu nhưng giữ bí mật vì vấn đề an ninh.

“Zelenskiy giờ đây không chỉ là đối tác khu vực quan trọng nhất của Ba Lan mà còn là bạn cá nhân của Andrzej Duda,” Kumoch nói.

Zelenskiy và Duda đã nêu ra nhiều chủ đề với trọng tâm là tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine và các vấn đề nhân đạo, những vấn đề cực kỳ quan trọng, đặc biệt là đối với những người Ukraine di cư tạm thời phải rời Ukraine để chạy trốn chiến tranh.

4. Lực lượng Ukraine tấn công sở chỉ huy Nga, hai kho đạn

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 23 tháng 12, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết hôm thứ Năm pháo binh Ukraine đã tấn công một sở chỉ huy và hai kho đạn dược của quân xâm lược Nga.

Vào ngày 22 tháng 12, quân xâm lược Nga đã tiến hành 5 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và 5 cuộc không kích. Ngoài ra, người Nga đã thực hiện khoảng 15 cuộc tấn công sử dụng nhiều hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, trong đó có cuộc tấn công ban đêm vào cơ sở hạ tầng dân sự của thành phố Marhanets, vùng Dnipropetrovsk. Vào ban ngày, kẻ thù đã pháo kích vào Chasiv Yar ở vùng Donetsk, gây ra thương vong dân sự.

Lực lượng phòng vệ Ukraine đã tấn công một khu vực tập trung nhân sự của kẻ thù gần Mykolaivka, quận Skadovsk, vùng Kherson. Hậu quả là có ít nhất 140 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến và 8 xe tải Kamaz chở đạn bị phá hủy.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết các nguồn tình báo cho biết cuộc tấn công ngày 20 tháng 12 vào sân bay dã chiến của quân Nga ở quận Kakhovka của vùng Kherson, nơi một Lữ Đoàn Dù Nga đang chờ di tản đã làm ít nhất 150 binh sĩ Nga tử trận và khoảng 50 người khác bị thương. Có tới 20 thiết bị quân sự của Nga đã bị phá hủy, trong đó thiệt hại nặng nhất là chiếc máy bay vận tải chuyển quân trị giá 115 triệu Mỹ Kim. Quân Nga đã cưỡng bức các bệnh nhân của bệnh viện Kakhovka phải xuất viện để có nơi điều trị cho các thương binh.

Ngoài ra, các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh Ukraine hôm thứ Năm 22 tháng 12 đã tấn công một sở chỉ huy, hai kho đạn dược và ba khu tập trung binh sĩ Nga.

Từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 22 tháng 12, lực lượng phòng vệ Ukraine đã loại bỏ khoảng 100.400 binh sĩ Nga.

5. Mỹ sẽ sớm bắt đầu huấn luyện hỏa tiễn Patriot cho quân đội Ukraine

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết Mỹ đã huấn luyện khoảng 3,100 binh sĩ Ukraine về các hệ thống khác nhau, trong đó việc huấn luyện về các hệ thống hỏa tiễn Patriot mới được công bố sẽ bắt đầu “rất sớm”.

Gần một nửa số binh sĩ đó đã được huấn luyện về pháo M777 hoặc bệ phóng hỏa tiễn HIMARS, hai trong số những hệ thống rất quan trọng đối với các hoạt động của Ukraine cho đến nay. Các lực lượng Ukraine cũng đã được huấn luyện về các phương tiện khác như các loại pháo binh, và máy bay không người lái và các hệ thống tác chiến chiến thuật.

Ngũ Giác Đài sẽ sớm bắt đầu đào tạo binh sĩ Ukraine về cách vận hành và bảo trì hệ thống hỏa tiễn Patriot, sau thông báo chính thức hôm thứ Tư trong chuyến thăm của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tới Washington.

Mặc dù Ngũ Giác Đài không chỉ định chính xác khi nào khóa đào tạo sẽ bắt đầu hoặc mất bao lâu để người Ukraine thành thạo hệ thống phức tạp này, Tướng Kirby cho biết hôm thứ Tư rằng nó sẽ bắt đầu “rất sớm” và sẽ mất “vài tháng”.

Ngũ Giác Đài cho biết hệ thống Patriot có giá từ 450 đến 550 triệu USD, tùy thuộc vào cấu hình của bệ phóng. Mỗi quả hỏa tiễn trị giá khoảng 4 triệu USD.

Mỹ cũng sẽ sớm bắt đầu một chương trình huấn luyện mở rộng cho các lực lượng Ukraine, bao gồm diễn tập chung và huấn luyện vũ khí kết hợp. Chương trình này sẽ huấn luyện khoảng 500 binh sĩ mỗi tháng trong các hoạt động chiến đấu lớn hơn.

6. Bakhmut đã trở thành biểu tượng của sự kháng cự quyết liệt của người Ukraine

Trong bài phát biểu của mình trên Đồi Capitol vào tối thứ Tư, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đưa thành phố tiền tuyến Bakhmut lên vũ đài thế giới, mô tả tình hình ở đó bằng những thuật ngữ cảm động.

Trong bài phát biểu dài khoảng 25 phút, có sáu phút dành riêng cho tình hình trong và xung quanh thành phố. Các thành viên của Quốc hội đã đứng dậy và vỗ tay bốn lần khi Zelenskiy kể lại số phận của Bakhmut.

Đây là lý do tại sao thành phố đã trở thành một điểm tập hợp cho sự dũng cảm của Ukraine:

Nhiều tháng giao tranh khốc liệt: Bakhmut nằm trên những ngọn đồi thoai thoải của vùng Donbas phía đông Ukraine. Nó nằm trên con đường dẫn đến các thành phố lớn hơn và quan trọng hơn về mặt chiến lược là Sloviansk và Kramatorsk.

Trong 10 tháng chiến tranh của Nga với Ukraine vừa qua, thành phố này đã trở nên nổi tiếng. Nó thường được gọi là khu vực tranh chấp và nóng bỏng nhất của cuộc xung đột. Các cố vấn và tướng lĩnh của Zelenskiy đã gọi các trận chiến giành Bakhmut là “khốc liệt”, “nóng bỏng” và “khó khăn”.

Lửa và diêm sinh do cuộc tiến công của Nga gây ra đã khiến thành phố Bakhmut trở thành đống đổ nát, một lớp vỏ bốc khói của chính nó trước đây. Số phận này đã nung nấu sức mạnh của Bakhmut như một biểu tượng của sự phản kháng Ukraine. Trước các cuộc tấn công tàn khốc của Nga, thành phố vẫn đang cầm cự.

Trên mặt đất ở Bakhmut: Nhiều nhóm CNN đã đến thăm thành phố trong những tháng gần đây. Họ đã chứng kiến sự tàn phá và hoang tàn. Họ đã tận mắt chứng kiến tác động của nó đối với những người lính Ukraine ở đó, và dư chấn ảnh hưởng đến những cư dân kiên cường còn ở lại. Thành phố Bakhmut ngày nay là một nghĩa trang mênh mông xác lính Nga. Trên các con đường Fyodor Maksimenko và Patrice Lumumba gần nhà máy rượu vang nơi Tổng thống Zelenskiy đến thăm vào hôm thứ Ba, ngổn ngang xác quân Wagner.

Bất chấp tất cả những điều đó, Ukraine đã ngăn cản quân đội của Mạc Tư Khoa vượt qua thành phố, cho phép Kyiv củng cố các thành phố quan trọng xung quanh và giảm bớt đòn tấn công nếu Nga chiếm ưu thế ở đó.

Trong khi chờ đợi, Bakhmut không chỉ trở thành một thành phố chiến đấu để sinh tồn – giờ đây nó còn là trái tim đang đập và là một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất của cuộc kháng chiến của Ukraine.

7. Dự luật chuyển tài sản bị tịch thu của các nhà tài phiệt Nga cho người dân Ukraine được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua

Dư chấn từ diễn văn của Tổng thống Zelenskiy trước Quốc Hội Hoa Kỳ, vào tối thứ Tư 21 tháng Hai, có thể thấy rõ trong cuộc bỏ phiếu thông qua dự luật của Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham liên quan đến tài sản của các nhà tài phiệt Nga bị tịch thu và chuyển chúng cho người dân Ukraine được thông qua dễ dàng.

“Dự luật này sẽ cho phép Bộ Tư pháp thông qua Bộ trưởng Ngoại giao chuyển tiền thu được từ tài sản bị tịch thu của các nhà tài phiệt Nga hoặc của các thực thể bị trừng phạt khác cho người dân Ukraine,” Graham nói. “Đó sẽ là công lý cho những người dân Ukraine đau khổ từ lâu. Đó sẽ là một sự giải thoát cho những người đóng thuế ở Mỹ… Đó sẽ là những đòn tồi tệ đối với các nhà tài phiệt Nga.”

8. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine bình luận về khả năng Nga tấn công Ukraine từ Belarus trong mùa đông này

Nguy cơ về một cuộc tấn công lặp lại của người Nga từ lãnh thổ Belarus vẫn còn đó, nhưng cho đến hôm nay, nhóm tấn công của Nga vẫn chưa được thành lập ở Belarus.

Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov đã đưa ra lập trường trên trong một chương trình truyền hình.

“Liên bang Nga đã phát động một cuộc tấn công từ Belarus vào Kyiv thông qua Chernobyl. Nguy cơ này, tất nhiên, vẫn còn. Và khi chúng ta nói về giai đoạn mùa đông – từ tháng Giêng đến tháng 4, theo hướng này – trước hết chúng ta đánh giá sự sẵn sàng của người Nga thông qua lực lượng dự bị huy động của họ để tạo ra một nhóm tấn công tiềm năng. Việc các lực lượng vũ trang Bêlarut sẽ tham gia vào nỗ lực này là một vấn đề khác. Lãnh thổ Belarus có thể được sử dụng làm mục tiêu tấn công chúng ta nếu người Nga thành lập nhóm tấn công của họ ở đó. Cho đến hôm nay, không có nhóm tấn công nào như vậy được thành lập,” Reznikov nói.

Theo người đứng đầu quốc phòng, kẻ thù cần thời gian để tạo ra nó.

Như tin đã đưa, ngày 19 tháng 12, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm tại Minsk.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine, Dmytro Kuleba, bình luận về cuộc họp, lưu ý rằng Putin tiếp tục áp lực Lukashenko hỗ trợ tối đa cho các lực lượng vũ trang Nga.

9. Lực lượng Không quân cho biết Nga có tới sáu sân bay ở Belarus có thể gây ra mối đe dọa cho Ukraine

Nhìn chung, Nga sử dụng khoảng 40 sân bay để thực hiện các cuộc không kích chống Ukraine, trong đó có 5 hoặc 6 sân bay nằm trên lãnh thổ Belarus.

Yuriy Ihnat, phát ngôn nhân của Bộ Tư lệnh Lực lượng Không quân,cho biết như trên tại một cuộc họp báo tại Trung tâm Truyền thông Ukraine.

“Có ít nhất 5-6 sân bay chính như vậy mà Nga sử dụng để tạo ra một mối đe dọa nhất định từ hướng này. Tổng cộng, Nga sử dụng gần 40 sân bay để tấn công Ukraine, để phù hợp với hàng không chiến thuật của họ, nhóm hàng không của họ. Đó không chỉ là hàng không chiến thuật, mà còn là máy bay trực thăng, máy bay chở hàng, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay tấn công mặt đất,” Ihnat nói.

Theo phát ngôn nhân, người Nga không bao giờ rời khỏi các sân bay của Belarus. Máy bay của họ đang ở trong không phận Belarus. Đặc biệt, kể từ cuộc xâm lược toàn diện, một hoặc một số máy bay phát hiện radar tầm xa A-50 đã bay tới đó, theo dõi tất cả các mục tiêu trên không trên lãnh thổ Ukraine. Loại này kết hợp với máy bay tiếp vận IL-22. Ngoài ra còn có một chiếc MiG-31.

Ông nhấn mạnh rằng: “Máy bay chiến thuật của Nga thường xuyên đóng quân tại các sân bay của Belarus”

Ihnat nhấn mạnh rằng người Nga di chuyển thiết bị đến các sân bay của Belarus tùy thuộc vào nhiệm vụ. Hàng không là một loại lực lượng khá cơ động, năng động, có thể triển khai nhanh chóng.

“Hôm nay, nhân tiện, hoạt động hàng không của kẻ thù cũng tăng lên ở mặt trận. Rõ ràng là các phi công của chúng ta cũng thực hiện nhiều cuộc không kích hơn.” Ihnat cho biết thêm rằng mỗi ngày, có từ 10 đến 15 nhóm không kích.

10. Mỹ lên kế hoạch gửi bộ dụng cụ chế tạo bom chính xác tới Ukraine

Theo nhiều quan chức Mỹ, Mỹ đang lên kế hoạch gửi cho Ukraine thiết bị điện tử có thể chuyển đổi các loại vũ khí không dẫn đường thành “bom thông minh”, mang lại khả năng tấn công chính xác ở mức độ cao.

Các nguồn tin cho biết quyết định chuyển các bộ dụng cụ tới Ukraine, lần đầu tiên được Washington Post đưa tin, dự kiến sẽ được đưa ra trong gói viện trợ an ninh tiếp theo của Ukraine ngay trong tuần này.

Bộ dẫn đường này kết hợp các hệ thống định vị toàn cầu, đồng thời có thể được kết nối với các quả bom có trọng lượng và kích cỡ khác nhau, để tạo ra thứ mà Ngũ Giác Đài gọi là Đạn tấn công trực tiếp chung, hay JDAM. Quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng công nghệ trên các loại bom từ 500 pound đến bom 2,000 pound để tấn công với độ chính xác cao.

Các quan chức không cho biết có bao nhiêu bộ dụng cụ như vậy hoặc loại JDAM cụ thể nào sẽ được cung cấp.

Những quả bom chính xác có thể giúp Ukraine tấn công các tuyến phòng thủ cố định của Nga hoặc các mục tiêu lớn khác. Nhưng chúng thường được thả từ máy bay ném bom trên không hoặc máy bay chiến đấu. Lực lượng Không quân Ukraine sẽ cần tìm cách tấn công và phóng JDAM từ máy bay thời Liên Xô cũ kỹ của họ, giống như họ đã làm với hỏa tiễn chống bức xạ HARM do Mỹ sản xuất hồi đầu năm nay.

Theo Không quân Hoa Kỳ, các bộ dụng cụ này cung cấp cho bom không điều khiển một tầm bắn khoảng 15 dặm, nghĩa là chúng sẽ không cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
 
Sứ Thần Tòa Thánh tại Kyiv: Chúng tôi không biết có sống sót được qua mùa đông này hay không
VietCatholic Media
05:47 23/12/2022


1. Đức Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine nói về tình hình nước này

“Chúng tôi không biết chúng tôi sống sót thế nào trong mùa đông này. Chúng tôi không biết mình có thể sống còn ra sao trong dịp Giáng Sinh này”.

Trên đây là lời Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, người Lituani, Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine, trong sứ điệp gửi tổ chức bác ái “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” và được hãng tin Ecclesia của Công Giáo Bồ Đào Nha truyền đi hôm 22 tháng Mười Hai vừa qua.

Đức Tổng Giám Mục Kulbokas cho biết: “có một tâm tình lo âu nơi toàn thể dân chúng” và kể lại rằng: Hôm qua, tôi đi từ thủ đô Kiev đến thành phố Lvov. Trong hành trình dài 7 tiếng đồng hồ này, tôi không thể dùng điện thoại di động hoặc Internet do hậu quả các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga chống Ukraine... Tình trạng thiếu sót như thế trong hệ thống thông tin chỉ là một trong nhiều thí dụ về tình trạng tàn phá do các cuộc tấn công của lực lượng Nga. Thêm vào đó là giá lạnh cam go trong mùa này. Một cái giá lạnh được dùng như võ khí chống lại nhân dân Ukraine”.

Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ cho biết “có một làn sóng liên đới liên tục” đến từ các linh mục, nữ tu và các giám mục, nhờ tình liên đới của các ân nhân trên thế giới đối với nhân dân Ukraine đang chịu đau khổ”, bắt đầu từ ngày 24 tháng Hai năm nay với cuộc xâm lăng của Nga.

Đức Sứ thần Tòa Thánh nói thêm rằng: “Chúng tôi biết ơn, đặc biệt là đối với lời cầu nguyện của anh chị em vì kinh nguyện đang được dâng lên Thiên Chúa là Cha chúng ta. Đây là điều quan trọng nhất chúng tôi đang nhận được từ anh chị em... Chúng tôi đánh giá cao sự gần gũi của anh chị em đối với Ukraine, tình bác ái thực sự của anh chị em. Chúng tôi không biết chúng tôi sẽ sống lễ Giáng Sinh này thế nào, sống sót ra sao trong mùa Giáng Sinh này. Đây là một thời kỳ khó khăn. Nhưng với sự trợ giúp và bác ái mà chúng tôi đang nhận được từ các nơi trên thế giới, điều này có nghĩa như một lễ Giáng Sinh mỗi ngày, mỗi ngày chúng ta sống, vì chúng tôi không biết ngày mai chúng tôi sẽ có gì. Mỗi ngày đối với chúng tôi là Giáng Sinh. Vì thế xin vui lòng cầu nguyện cho chúng tôi và xin Chúa chúc lành cho anh chị em”.

2. Đức Thánh Cha tiếp Giáo triều Roma nhân lễ Giáng Sinh và Năm mới

Sáng ngày 22 tháng Mười Hai năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các Hồng Y và thành viên khác của Giáo triều Roma, đến chúc mừng ngài nhân dịp Giáng Sinh và Năm mới. Đức Thánh Cha mời gọi mọi người thực thi tinh thần hoán cải, và loại trừ mọi thứ võ khí, chiến tranh, và bạo lực, bắt đầu từ chính bản thân mình.

Lên tiếng sau lời chúc mừng của Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y đoàn, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cảm tạ Chúa vì những ơn lành trong năm sắp kết thúc, trước khi đề cập đến nhu cầu cần hoán cải và nói rằng: “Đối ngược với hoán cải là thái độ cố định, nghĩa là âm thần xác tín mình không cần một sự hiểu biết nào thêm về Tin mừng. Thật là một sai lầm khi muốn cô đọng sứ điệp của Chúa Giêsu trong một hình thức duy nhất có giá trị mãi mãi. Trái lại, hình thức phải luôn có thể thay đổi để bản chất được giữ nguyên. Lạc giáo đích thực không những chỉ hệ tại sự rao giảng một Tin mừng khác (Xc Gl 1,9), như thánh Phaolô nhắc nhở, nhưng cũng hệ tại ngưng diễn tả Tin mừng trong những ngôn ngữ và cách thức hiện tại, điều mà thánh Tông đồ dân ngoại đã làm. Bảo tồn có nghĩa là duy trì sinh động chứ không cầm tù sứ điệp của Chúa Kitô”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng: “Thật là quá ít ỏi nếu chỉ tố giác sự ác, kể cả sự ác len lỏi giữa chúng ta. Điều ta phải làm là quyết định hoán cải đứng trước sự ác ấy. Nguyên việc tố giác có thể tạo cho chúng ta ảo tưởng là đã giải quyết vấn đề, nhưng trong thực tế, điều đáng kể là thực hiện những thay đổi để chúng ta không bị đặt trong tình trạng để cho mình bị cầm tù vì những lô-gích của sự ác”.

Đức Thánh Cha cảnh giác những người làm việc tại giáo triều đừng “nghĩ rằng cuộc sống của mình hiện nay là ‘ở nhà’, giữa các bức tường của cơ chế, phục vụ Tòa Thánh, ở nơi con tim của thân mình Giáo hội; nhưng chính vì thế chúng ta có thể sa vào cám dỗ nghĩ rằng mình được an toàn, tốt đẹp hơn, để rồi không cần hoán cải. Chúng ta gặp nguy hiểm nhiều hơn những người khác, vì chúng ta bị thứ quỷ ‘có học thức’, giáo dục, vây bủa”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến chiến tranh tại Ukraine và các xung đột khác ở các nơi trên thế giới và nói rằng: “Chiến tranh và bạo lực luôn là một thất bại. Tôn giáo không bao giờ được tiếp tay nuôi dưỡng xung đột. Tin mừng luôn luôn là Tin mừng hòa bình, và không ai có thể nhân danh Thiên Chúa để tuyên bố một cuộc chiến tranh là “thánh”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Nền văn hóa hòa bình không phải chỉ được xây dựng giữa các dân nước. Nó bắt đầu trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Trong khi chúng ta đau khổ vì chiến tranh và bạo lực bành trướng, chúng ta có thể và phải đóng góp phần của mình cho hòa bình bằng cách nhổ bỏ khỏi tâm hồn chúng ta mọi căn cội ghét bỏ và oán hận đối với các anh chị em đang sống cạnh chúng ta... Thánh Phaolô nói rằng: “lòng từ nhân, thương xót và tha thứ là phương dược chúng ta có để xây dựng hòa bình. Từ nhân là luôn chọn cách thức tốt đẹp để có mối tương quan giữa chúng ta với nhau. Không phải chỉ có bạo lực võ khí, nhưng cũng có bạo lực lời nói, tâm lý, bạo lực vì lạm dụng quyền bính, bạo lực ẩn nấp trong những lời nói hành nói xấu người khác, gây ra bao nhiêu thiệt hại”.

Sau diễn văn trên đây, Đức Thánh Cha lần lượt bắt tay chúc mừng mọi người đến chào thăm và chúc mừng ngài.

3. Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô về biện phân: Luôn thưa chuyện với Chúa Thánh Thần

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung, thứ tư ngày 21 tháng 12, 2022, tại Hội trường Phaolô VI, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục nói về biện phân, nhấn mạnh đến việc phải luôn thưa chuyện với Chúa Thánh Thần. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Chúng ta hãy tiếp tục – chúng ta đang kết thúc – loạt bài giáo lý về biện phân. Bất cứ ai đã theo dõi những bài giáo lý này cho đến nay đều có thể nghĩ: thực hành biện phân phức tạp làm sao! Trên thực tế, chính cuộc sống mới phức tạp và nếu chúng ta không học cách đọc nó, dù phức tạp như thế nào, chúng ta có nguy cơ lãng phí cuộc đời mình, sử dụng những chiến lược kết cục khiến chúng ta nản lòng.

Trong lần gặp gỡ đầu tiên, chúng ta đã thấy rằng mỗi ngày, dù muốn hay không, chúng ta luôn thực hiện những hành vi biện phân liên quan đến những gì chúng ta ăn, đọc, tại nơi làm việc, trong các mối liên hệ của chúng ta, mọi điều. Cuộc sống luôn đưa ra cho chúng ta những lựa chọn, và nếu chúng ta không đưa ra những lựa chọn có ý thức thì cuối cùng chính cuộc đời sẽ chọn cho chúng ta, đưa chúng ta đến nơi chúng ta không muốn.

Tuy nhiên, không nên thực hiện sự biện phân một mình. Hôm nay, chúng ta hãy xem xét một cách chuyên biệt hơn một số phương thế hỗ trợ về phương diện này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành biện phân không thể thiếu này trong đời sống thiêng liêng, ngay cả khi chúng ta đã gặp chúng theo một cách nào đó trong quá trình học giáo lý này. Nhưng một bản tóm tắt sẽ giúp chúng ta rất nhiều.

Một trong những phương thế hỗ trợ không thể thiếu đầu tiên là dùng Lời Chúa và giáo lý của Giáo hội để lượng định. Chúng giúp chúng ta đọc được những gì đang khuấy động trong lòng mình, học cách nhận ra tiếng nói của Chúa và phân biệt tiếng nói đó với những tiếng nói khác dường như tranh giành sự chú ý của chúng ta, nhưng cuối cùng lại khiến chúng ta bối rối. Kinh thánh cảnh cáo chúng ta rằng tiếng nói của Chúa vang lên trong sự thanh tĩnh, trong sự chú ý và trong im lặng. Chúng ta hãy nhớ lại kinh nghiệm của Tiên tri Êlia: Chúa không phán với ông qua gió đập vỡ đá, cũng như trong lửa hay động đất, nhưng Người phán với ông qua làn gió nhè nhẹ (xem 1 Các Vua 19:11-12). Đây là một hình ảnh rất đẹp giúp chúng ta hiểu cách Chúa nói. Tiếng Chúa không tự áp đặt; Tiếng nói của Chúa kín đáo, tôn trọng – cho phép tôi nói, tiếng nói của Chúa thật khiêm tốn – và vì lý do đó, tạo ra hòa bình. Và chỉ trong bình an chúng ta mới có thể đi sâu vào trong chính mình và nhận ra những ước muốn đích thực mà Chúa đã đặt để trong lòng chúng ta. Nhiều khi không dễ đi vào sự bình yên trong tâm hồn bởi vì chúng ta quá bận rộn với việc này, việc kia, cả ngày… Nhưng xin anh chị em hãy tĩnh tâm lại một chút, đi vào chính mình, vào trong chính mình. Dừng lại trong hai phút. Chứng kiến những gì trái tim của anh chị em đang cảm thấy. Anh chị em hãy làm điều này, nó sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều vì ngay lúc bình tâm đó, tiếng Chúa liền nói: “Này, nhìn đây, nhìn kia, việc con đang làm tốt lắm…”. Khi chúng ta cho phép mình yên tĩnh, tiếng Chúa sẽ đến ngay lập tức. Người đang đợi chúng ta làm điều này.

Đối với người tín hữu, Lời Chúa không chỉ là một bản văn để đọc. Lời Chúa là sự hiện diện sống động, là công trình của Chúa Thánh Thần an ủi, hướng dẫn, ban ánh sáng, sức mạnh, lấy lại sức, và niềm say mê cuộc sống. Đọc Kinh Thánh, đọc một đoạn, một hay hai đoạn Kinh Thánh, giống như một bức điện tín ngắn của Thiên Chúa đi ngay vào trái tim. Lời của Thiên Chúa là một chút - và tôi không phóng đại ở đây - đó là một chút tiền vị thiên đàng thực sự. Một vị thánh và mục tử vĩ đại, thánh Ambrôsiô, giám mục Milan, hiểu rất rõ điều này, khi ngài viết: “Khi tôi đọc Sách Thánh, Thiên Chúa trở lại và bước đi trên thiên đàng trần gian” (Các thư, 49.3). Với Kinh Thánh, chúng ta mở cửa cho Chúa bước đi. Thật thú vị.

Mối liên hệ cảm giới với Kinh thánh này, với Kinh thánh, với Tin Mừng, dẫn chúng ta cảm nghiệm được mối liên hệ cảm giới với Chúa Giêsu. Chúng ta đừng sợ điều này! Trái tim nói với trái tim. Và đây là một trợ cụ không thể thiếu khác không nên coi là đương nhiên. Chúng ta thường có một ý tưởng lệch lạc về Thiên Chúa, nghĩ về Người như một quan tòa ủ rũ, một quan tòa khắc nghiệt, sẵn sàng bắt quả tang chúng ta. Trái lại, Chúa Giêsu mặc khải về một Thiên Chúa đầy lòng cảm thương và dịu dàng đối với chúng ta, sẵn sàng hy sinh bản thân để đến với chúng ta, giống như người cha trong dụ ngôn đứa con hoang đàng (x. Lc 15:11-32). Một lần, có người hỏi – tôi không biết đó là một bà mẹ hay một bà bà đã nói với tôi điều này – “Tôi cần phải làm gì trong thời điểm này?” – “thì, hãy lắng nghe Chúa, Người sẽ cho chị biết chị nên làm gì. Hãy mở lòng ra với Chúa”. Đây là lời khuyên tốt. Tôi nhớ có một lần, có một cuộc hành hương của các bạn trẻ được thực hiện mỗi năm một lần đến Đền thờ [Đức Mẹ] Lujan, cách thủ đô Buenos Aires 70 km. Phải mất cả ngày để đi hành hương ở đó. Tôi đã từng ngồi tòa giải tội ban đêm. Một thanh niên khoảng 22 tuổi, xăm trổ đầy mình… “Chúa ơi”, tôi nghĩ, “người này là ai nhỉ?” Và anh ấy nói với tôi, “cha biết đấy, con đến vì con có một vấn đề nghiêm trọng, và con đã nói với mẹ con, và mẹ con nói với con, 'Hãy đến với Đức Mẹ. Hãy hành hương và Đức Mẹ sẽ cho con biết’. Và con đã đến. Con đã tiếp xúc với Kinh thánh ở đây. Con đã lắng nghe Lời Chúa và nó chạm đến trái tim con và con cần phải làm điều này, điều này, điều này, điều này”. Lời Chúa chạm đến trái tim và thay đổi cuộc đời anh chị em. Và tôi đã chứng kiến điều này nhiều lần. Vì Chúa không muốn tiêu diệt chúng ta. Chúa muốn chúng ta mạnh mẽ hơn, tốt hơn mỗi ngày.

Bất cứ ai đứng trước Tượng Chịu Nạn đều cảm nhận được sự bình an mới tìm thấy, học biết không sợ hãi Thiên Chúa vì trên thập giá, Chúa Giêsu không làm ai sợ hãi. Đó là hình ảnh của sự yếu đuối hoàn toàn, đồng thời cũng là hình ảnh của tình yêu trọn vẹn, có khả năng đối đầu với bất cứ thử thách nào vì chúng ta. Các thánh luôn hướng về Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh. Trình thuật Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu là cách chắc chắn nhất để đối đầu với sự dữ mà không bị nó lấn át. Ở đó không có sự phán xét, thậm chí không có sự cam chịu, bởi vì nó được chiếu rọi bằng ánh sáng vĩ đại nhất, ánh sáng của Lễ Phục sinh, cho phép chúng ta, trong những hành động khủng khiếp đó, nhìn thấy một kế hoạch vĩ đại hơn mà không một ngăn cản, trở ngại hay thất bại nào có thể phá vỡ. Lời Chúa luôn khiến chúng ta nhìn vào một khía cạnh khác – nghĩa là, thập giá ở đây, điều này thật khủng khiếp, nhưng cũng có điều gì khác nữa, đó là hy vọng, là phục sinh. Lời Chúa mở mọi cánh cửa vì Người là cửa, Người là Chúa. Chúng ta hãy cầm lấy Tin Mừng, cầm lấy Kinh Thánh trong tay – 5 phút mỗi ngày, không hơn. Hãy mang theo một cuốn Tin Mừng bỏ túi bên mình, trong ví của anh chị em, và khi anh chị em đi du lịch, hãy đọc nó một chút. Đọc một đoạn văn nhỏ trong ngày. Hãy để Lời Chúa đến gần trái tim anh chị em. Hãy làm điều này và anh chị em sẽ thấy cuộc sống của anh chị em thay đổi như thế nào, với sự gần gũi của Lời Chúa. “Vâng, thưa cha, nhưng con đã quen đọc cuộc đời của các thánh”. Điều này là tốt. Nhưng đừng bỏ bê Lời Chúa. Hãy mang Tin Mừng theo anh chị em. Một phút mỗi ngày….

Thật đẹp khi nghĩ về cuộc sống của chúng ta với Chúa như một mối liên hệ với một người bạn, một mối liên hệ lớn lên từng ngày. Tình bạn với Chúa. Đã có bao giờ anh chị em nghĩ về điều này chưa? Thế nhưng, đây là cách! Hãy nghĩ về Chúa, Đấng ban cho chúng ta… Chúa không ban cho chúng ta quá nhiều sao? Chúa yêu chúng ta, Người muốn chúng ta là bạn hữu của Người. Tình bạn với Chúa có thể thay đổi trái tim. Lòng đạo đức là một trong những hồng ân cao cả của Chúa Thánh Thần, ban cho chúng ta khả năng nhận ra tình phụ tử của Thiên Chúa. Chúng ta có một người Cha dịu dàng, một người Cha trìu mến, một người Cha yêu thương chúng ta, người luôn yêu thương chúng ta. Khi trải nghiệm điều này, trái tim chúng ta tan chảy và những nghi ngờ, sợ hãi, cảm giác không xứng đáng tan biến. Không gì có thể cản trở tình yêu đến từ việc tiếp xúc với Chúa.

Và tình yêu này nhắc nhở chúng ta về một sự trợ giúp lớn lao khác, ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng hiện diện trong chúng ta và hướng dẫn chúng ta, làm cho Lời Chúa mà chúng ta đọc trở nên sống động, gợi lên những ý nghĩa mới, mở ra những cánh cửa dường như đã đóng, chỉ ra những con đường trong cuộc sống nơi dường như chỉ có bóng tối và hoang mang. Tôi hỏi anh chị em – Anh chị em có cầu nguyện với Chúa Thánh Thần chưa? Nhưng Người là ai? Đấng Vô Danh Vĩ Đại. Chắc chắn, chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha bằng Kinh Lạy Cha. Chúng ta cầu nguyện với Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta quên Chúa Thánh Thần! Một lần nọ, khi đang dạy giáo lý cho các em nhỏ, tôi đã đặt câu hỏi: “Ai trong các con biết Chúa Thánh Thần là ai?” Và một trong số các em nói, "Con biết!" - "Và Người là ai?" – “Người bại liệt”, em đó trả lời tôi! Em đó đã nghe nói, "the Paraclete", nhưng nghĩ rằng đó là "người tê liệt [paraclytic]". Biết bao lần – điều này khiến tôi nghĩ – Chúa Thánh Thần ở đằng kia như một Người không đáng kể. Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống cho linh hồn! Anh chị em hãy để Người vào. Anh chị em hãy nói chuyện với Chúa Thánh Thần giống như anh chị em nói chuyện với Chúa Cha, như anh chị em nói chuyện với Chúa Con. Nói chuyện với Chúa Thánh Thần – Đấng không hề bị tê liệt, phải không? Người là sức mạnh của Giáo hội, Người là người sẽ dẫn dắt anh chị em tiến tới. Chúa Thánh Thần là sự biện phân trong hành động, là sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta. Người là ơn phúc, ơn phúc lớn nhất mà Chúa Cha bảo đảm cho những ai cầu xin (x. Lc 11:13). Và Chúa Giêsu đã gọi Người là gì? “hồng ân” – “Hãy ở lại đây tại Giêrusalem và chờ đợi hồng ân Thiên Chúa”, đó là Chúa Thánh Thần. Thật thú vị khi sống cuộc đời của chúng ta trong tình bạn với Chúa Thánh Thần. Người thay đổi anh chị em. Người làm cho anh chị em phát triển.

Các Giờ Kinh Phụng Vụ mở ra những khoảnh khắc chính của việc cầu nguyện hàng ngày với lời khẩn cầu này: “Lạy Thiên Chúa, xin lưu tâm giúp đỡ con. Lạy Chúa, xin mau mau cứu giúp con”. "Lạy Chúa, xin cứu giúp con!" bởi vì một mình con không thể tiến tới, con không thể yêu, con không thể sống…. Lời kêu gọi cứu rỗi này là lời thỉnh cầu không thể kìm nén được, nó tuôn chảy từ sâu thẳm con người chúng ta. Mục tiêu của sự biện phân là nhận ra ơn cứu rỗi mà Thiên Chúa đang thực hiện trong cuộc đời tôi. Nó nhắc nhở tôi rằng tôi không bao giờ đơn độc và nếu tôi gặp khó khăn, đó là vì tiền đặt cọc của trò chơi rất cao. Chúa Thánh Thần luôn ở cùng chúng ta. “Ôi, thưa cha, con đã làm một việc thật tồi tệ. Con cần đi xưng tội. Con không thể làm bất cứ điều gì…". Được rồi, con đã làm một điều gì đó khủng khiếp? Hãy trò chuyện với Chúa Thánh Thần, Đấng đang ở với con và hãy nói với Người rằng: “Xin giúp con, con đã làm điều thật kinh khủng này…” Đừng bao giờ anh chị em từ bỏ cuộc đối thoại này với Chúa Thánh Thần. “Lạy Cha, con mắc tội trọng” – điều đó không thành vấn đề. Hãy thưa chuyện với Người để Người giúp đỡ và tha thứ cho anh chị em. Đừng bao giờ anh chị em từ bỏ cuộc đối thoại này với Chúa Thánh Thần. Và với những sự trợ giúp mà Chúa ban cho chúng ta, chúng ta không cần phải sợ hãi. Hãy tiếp tục tiến về phía trước, can đảm và hân hoan!
 
TT Zelenskiy đã về đến Kyiv. Sĩ quan đặc vụ Nga bị đặt bom. Mỹ tố cáo Bắc Hàn trao vũ khí cho Wagner
VietCatholic Media
17:15 23/12/2022


1. Tổng thống Zelenskiy đã về đến Kyiv bình an

Trong một video rất ngắn gởi đến đồng bào vào sáng thứ Sáu 23 tháng 12, theo giờ địa phương, tổng thống nói:

“Chào buổi sáng mọi người! Tôi chào tất cả các bạn. Các bạn có nghe thấy điện thoại của chúng tôi đã đổ chuông không? Tôi đang ở văn phòng của tôi. Chúng tôi đang làm việc hướng tới chiến thắng. Chúc mọi người một ngày tốt lành! Chúng ta sẽ đánh bại tất cả họ,” Zelenskiy nói.

Theo các phương tiện truyền thông địa phương, các biện pháp phi thường đã được thực hiện để đưa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy từ Kyiv đến thủ đô của Hoa Kỳ là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ hữu nghị quan trọng như thế nào đối với cả hai nước.

Sau khi thăm tiền tuyến ở miền đông Ukraine vào thứ Ba, ngay buổi tối hôm đó ông đã đáp xe lửa qua đêm hướng tới biên giới Ba Lan. Video phát hàng đêm của tổng thống nói chuyện với quốc dân đồng bào vẫn được phát vào giờ thường lệ như thể ông vẫn còn đang ở Kyiv.

Ông đã lên máy bay của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, được hỗ trợ bởi một máy bay do thám của NATO và ba máy bay chiến đấu F-15 của không quân Ba Lan.

Tin tức về chuyến thăm Washington bắt đầu lan truyền vào đầu tuần này, nhưng nó đã không được xác nhận cho đến sáng sớm thứ Tư, khi các quan chức Mỹ cảm thấy chắc chắn rằng nhà lãnh đạo Ukraine đang trên đường tới thủ đô của Mỹ một cách an toàn.

Chuyến thăm đã được thảo luận trong nhiều tháng nhưng những bước chuẩn bị cuối cùng đã được thực hiện nhanh chóng - hai tổng thống đã nói về điều đó vào ngày 11 tháng 12 và lời mời đã được gửi tới ông Zelenskiy ba ngày sau đó. Chỉ khi chuyến thăm đã được xác nhận, các kế hoạch cuối cùng mới có thể được thực hiện.

Không có gì ngạc nhiên khi không có thông tin chính thức nào về chuyến đi được tiết lộ - an ninh xung quanh các chuyến thăm của tổng thống được thắt chặt ngay cả trong thời bình, nhưng đối với một nhà lãnh đạo thời chiến thì rủi ro vẫn lớn hơn.

Nhiều nhà lãnh đạo và quan chức phương Tây đã đi tàu đến thăm ông Zelenskiy ở Kyiv, nhưng đây là lần đầu tiên ông ra nước ngoài kể từ khi chiến tranh ở Nga bắt đầu.

Không lâu sau đó, dữ liệu chuyến bay cho thấy một chiếc Boeing C-40B của Không quân Hoa Kỳ - được cho là đang chở ông Zelenskiy - cất cánh từ sân bay Rzeszow khoảng 80 km về phía tây.

Máy bay hướng về phía tây bắc tới Vương quốc Anh, nhưng trước khi nó đi vào không phận phía trên Biển Bắc, một máy bay do thám của Nato đã quét qua khu vực. Được biết, vùng biển này thường có các tàu ngầm Nga tuần tra.

Và một máy bay chiến đấu F-15 của Mỹ, cất cánh từ một căn cứ ở Anh, đã hộ tống chuyến bay của ông Zelenskiy trong một phần hành trình.

Cuối cùng, vào khoảng giữa trưa ở Washington - gần 10 giờ sau khi cất cánh và còn nhiều giờ di chuyển nữa của tổng thống Ukraine - chiếc máy bay đã hạ cánh gần Washington.

Khi đến nơi, ông được Mật vụ bảo vệ - giống như trường hợp của tất cả các nguyên thủ quốc gia đến thăm - nhưng vị thế của ông Zelenskiy với tư cách là nhà lãnh đạo của một quốc gia đang có chiến tranh với Nga có nghĩa là các quan chức an ninh phải hết sức cảnh giác.

“Chúng tôi biết rõ rằng Nga có lực lượng ở đất nước này và có thể cố gắng làm điều gì đó”, một quan chức cấp cao nói với ABC News. “Chúng tôi biết những gì đang bị đe dọa.”

Chuyến thăm đã diễn ra suôn sẻ và đến thứ Năm, ông Zelenskiy đã trở lại đất Âu Châu, và ông đã dừng lại ở Ba Lan để gặp tổng thống Andrzej Duda.

2. Nổ lớn tại Melitopol

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Sáu 23 tháng 12, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong 24 giờ qua, Nga đã tăng cường tấn công vào các khu vực dân cư bất kể lễ Giáng Sinh đang gần đến.

“Trong một hành động khủng bố khác nhằm vào thường dân ở Kramatorsk, người Nga đã tấn công thành phố bằng hai hỏa tiễn. Hai cơ sở giáo dục, 12 tòa nhà chung cư và ba ngôi nhà tư nhân bị hư hại. Thật may là không có thương vong”

Các quan chức tại thành phố Kherson ở miền nam Ukraine cho biết đã có thêm các cuộc pháo kích của lực lượng Nga từ bên kia sông vào hôm thứ Sáu khiến 2 người thiệt mạng.

Giao tranh ác liệt đang diễn ra xung quanh làng Yakovlivka. Quân Nga bị đẩy lui bỏ lại hàng trăm xác đồng đội.

Ở trung tâm thành phố Melitopol, một vụ nổ rất lớn đã xảy ra tại một bãi đậu xe. Một chiếc xe của đặc vụ Nga FSB đã bị đặt bom khi họ bỏ xe đi ăn trưa. Khi họ trở lại, mở máy xe, chiếc xe phát nổ, cả 2 đặc vụ Nga đều qua đời..

Trong 24 giờ qua, quân đội Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 550 binh sĩ Nga, 2 xe tăng, 5 xe thiết giáp, 6 hệ thống pháo và một hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov lưu ý rằng hôm thứ 5, lần đầu tiên Putin dùng từ “chiến tranh” thay cho cụm từ “cuộc hành quân đặc biệt”. Dù gọi bằng từ ngữ gì đi chăng nữa, tính từ ngày 24 tháng 2, cho đến 23 tháng 12, “tổng thiệt hại trong chiến đấu của quân xâm lược là 100.950 binh sĩ bị loại khỏi vòng chiến, cùng với 3.005 xe tăng, 5.986 xe thiết giáp, 1.984 hệ thống pháo, 414 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 212 hệ thống phòng không, 283 máy bay chiến đấu, 267 máy bay trực thăng, 1.698 máy bay không người lái cấp tác chiến và chiến thuật, 653 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu chiến, 4.622 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 178 đơn vị thiết bị đặc biệt.

3. Mỹ tin rằng công ty đánh thuê Wagner Group của Nga đang mở rộng ảnh hưởng và nhận vũ khí của Triều Tiên

Tình báo mới được giải mật của Hoa Kỳ cho thấy nhóm lính đánh thuê Nga Wagner đã có ảnh hưởng mở rộng và đang tuyển mộ những người bị kết án - bao gồm một số người có tình trạng y tế nghiêm trọng - từ các nhà tù để bổ sung cho quân đội của Mạc Tư Khoa.

Nhóm này gần đây đã nhận vũ khí từ Triều Tiên, một quan chức hàng đầu của Mỹ cho biết, và nhận định rằng đó là một dấu hiệu cho thấy vai trò ngày càng tăng của nhóm này trong cuộc chiến ở Ukraine.

Và Mỹ tin rằng Wagner có thể bị mắc kẹt trong cuộc chiến quyền lực với chính quân đội Nga khi họ tranh giành ảnh hưởng với Điện Cẩm Linh.

John Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết: “Trong một số trường hợp nhất định, các quan chức quân sự Nga thực sự phụ thuộc vào lệnh của Wagner. Đối với chúng tôi, rõ ràng là Wagner đang nổi lên như một trung tâm quyền lực đối địch với quân đội Nga và các bộ khác của Nga.”

Những tiết lộ về Tập đoàn Wagner được đưa ra một ngày sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelenskiy tới Washington, nơi ông cảm ơn Hoa Kỳ vì sự hỗ trợ quân sự và nói rằng cần nhiều hơn nữa để chống lại những bước tiến của Nga.

Một số thông tin cơ bản: Wagner đã nổi lên như một nhân vật chủ chốt trong cuộc xung đột kéo dài 10 tháng. Nhóm này thường được mô tả là đội quân ngoài sổ sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nó đã mở rộng dấu ấn của mình trên toàn cầu kể từ khi được thành lập vào năm 2014 và đã bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Phi Châu, Syria và Ukraine.

Kirby cho biết Hoa Kỳ ước tính Wager hiện có khoảng 50,000 binh sĩ được triển khai bên trong Ukraine, trong đó 4,000 người có thể là những tù nhân được tuyển dụng từ các nhà tù của Nga. Ông cho biết nhóm đã chi 100 triệu đô la mỗi tháng để tài trợ cho các hoạt động của mình tại Ukraine.

Người sáng lập nhóm, Yevgeny Prigozhin, thậm chí đã đích thân đến các nhà tù ở Nga để tuyển mộ những người bị kết án ra tiền tuyến và chiến đấu. Kirby cho biết một số người trong số họ mắc “các bệnh nghiêm trọng”.

“Có vẻ như ông Prigozhin sẵn sàng ném xác Nga vào máy xay thịt, ở Bakhmut. Trên thực tế, hàng ngàn chiến binh Wagner đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh chỉ trong vài tuần gần đây và chúng tôi tin rằng 90% trong số hàng ngàn chiến binh đó thực tế là những người bị kết án,” Kirby nói.

Prigozhin, người đôi khi được gọi là “đầu bếp của Putin,” đã có quan hệ thân thiết với tổng thống Nga. Nhưng Kirby gợi ý rằng Prigozhin đang làm việc để củng cố những mối quan hệ đó thông qua việc tuyển dụng lính đánh thuê của mình.

Ông nói: “Tất cả là về việc Prigozhin xem ra đắc lực như thế nào đối với ông Putin và ông ta được đánh giá cao như thế nào ở Điện Cẩm Linh. Trên thực tế, chúng tôi có thể đi xa hơn khi nói rằng ảnh hưởng của Prigozhin đang được mở rộng.”

Kirby cho biết, tháng trước, Wagner đã nhận được lô hàng hỏa tiễn từ Triều Tiên, một dấu hiệu cho thấy Nga và các đối tác quân sự của họ tiếp tục tìm cách lách các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của phương Tây.”

Wagner, không phải chính phủ Nga, đã trả tiền cho thiết bị. Mỹ không tin rằng nó sẽ thay đổi đáng kể cục diện chiến trường ở Ukraine - nhưng gợi ý rằng Triều Tiên có thể đang lên kế hoạch cung cấp thêm vật liệu.

4. Reznikov: Quân đội Ukraine sẽ nhanh chóng làm chủ hệ thống Patriot

Quân đội Ukraine sẽ nhanh chóng học cách vận hành hệ thống phòng không Patriot, vốn nằm trong gói hỗ trợ an ninh mới của Mỹ dành cho Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã đưa ra tuyên bố liên quan sau cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd J. Austin III.

“Đã có một cuộc điện thoại với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd J. Austin III. Tôi bày tỏ lòng biết ơn về một gói hỗ trợ an ninh khác, đặc biệt là các khả năng mới để bảo vệ bầu trời của chúng ta khỏi các cuộc tấn công tàn bạo của Nga. Những người lính yêu nước Ukraine sẽ nhanh chóng làm chủ các hệ thống này. Họ đã nhiều lần chứng tỏ kỹ năng của mình,” Reznikov cho biết như trên.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã thông báo rằng các hệ thống Patriot được bao gồm trong gói hỗ trợ an ninh trị giá 1.85 tỷ USD cho Ukraine.

5. Putin nói hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot đã “cũ” và Nga sẽ “luôn tìm ra thuốc giải”

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm thứ Năm rằng hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot là hệ thống “cũ” và Nga sẽ “luôn tìm ra thuốc giải độc”.

“Liên quan đến Patriot, đây là một hệ thống khá cũ và nó không hoạt động tốt như S-300 của chúng tôi”, ông Putin nói khi được một phóng viên đề nghị bình luận về quyết định của Mỹ cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine..

“Những người phản đối chúng tôi nghĩ rằng đây là vũ khí tự vệ, đó là những gì họ nói,” Putin nói. “Nhưng đó là suy nghĩ của họ và chúng tôi sẽ luôn tìm ra thuốc giải.”

“Vì vậy, những người làm điều đó chỉ đang lãng phí thời gian của họ,” Putin nói.

Một số thông tin cơ bản: Hệ thống radar của Patriot kết hợp “các chức năng giám sát, theo dõi và tham gia trong một đơn vị”, mô tả từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, gọi tắt là CSIS, cho biết, điều này khiến nó nổi bật giữa các hệ thống phòng không khác. Sự tương tác của hệ thống với các mối đe dọa từ trên không đang bắn tới là “gần như tự chủ” ngoài việc cần “quyết định phóng cuối cùng” từ con người vận hành nó.

6. Danilov cảnh báo các huấn luyện viên Iran không nên đến Ukraine

Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng

“Việc huấn luyện điều khiển các máy bay không người lái bởi các huấn luyện viên người Iran cho quân đội Nga diễn ra ở những thời điểm khác nhau. Tôi muốn lưu ý rằng khi một loại vũ khí nhất định được cung cấp, chúng tôi biết từ kinh nghiệm của chính mình rằng việc huấn luyện phải được tiến hành. Hơn nữa, việc đào tạo được thực hiện bởi những người cung cấp các loại vũ khí này và bởi các công ty cung cấp chúng. Nhưng trong khi việc huấn luyện các chàng trai của chúng tôi diễn ra bên ngoài đất nước của chúng tôi, thì việc huấn luyện những chiếc máy bay không người lái này cho các binh sĩ Nga đã diễn ra ngay trên đất nước chúng tôi, ở Crimea bị xâm lược, và trên các phần lãnh thổ bị tạm chiếm của chúng tôi. Điều này đã và đang xảy ra trong vùng Kherson,” Danilov nói.

Về vấn đề này, ông đã cảnh báo những người hướng dẫn người Iran về nguy cơ bị tiêu diệt trên lãnh thổ Ukraine.

“Điều chúng tôi có thể nói chắc chắn là một số người trong số họ có thể sẽ không còn về nhà với hình thức mà họ đã đến nữa. Chúng tôi có tình báo, có các chuyên gia của chúng tôi, những người trực tiếp giải quyết vấn đề này. Hôm nay, tôi sẽ không khuyên bất kỳ đại diện nào của quốc gia khác đến lãnh thổ của chúng tôi để chiến đấu bên phía Liên bang Nga. Nguy cơ bị tiêu diệt trên lãnh thổ của chúng tôi sẽ cực kỳ lớn đối với các bạn”, Danilov nói.

Trước đó, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết các huấn luyện viên người Iran đang giúp những kẻ xâm lược Nga phóng máy bay không người lái kamikaze từ khu vực huấn luyện Crimea và vùng Kherson.

7. Iran cảnh báo Zelenskiy rằng “sự kiên nhẫn đối với những cáo buộc vô căn cứ không phải là vô hạn”

Iran đã đáp lại những cáo buộc của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong diễn từ trước Quốc Hội Hoa Kỳ, và cảnh báo về “sự kiên nhẫn có giới hạn đối với những cáo buộc vô căn cứ”.

Bộ Trưởng Ngoại Giao nước này là Hossein Amir-Abdollahian cho rằng bài phát biểu do Zelenskiy đọc từ Điện Capitol của Hoa Kỳ lặp đi lặp lại “những lời buộc tội và những tuyên bố khiếm nhã.”

“Chúng tôi luôn tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, bao gồm cả Ukraine, và ông Zelenskiy nên biết rằng sự kiên nhẫn chiến lược của Iran đối với những cáo buộc vô căn cứ là có hạn. Ông Zelenskiy nên học hỏi từ số phận của một số nhà lãnh đạo của các quốc gia dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ”.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, ông Zelenskiy nói rằng hàng trăm máy bay không người lái chết người do Iran gửi tới Nga đã trở thành mối đe dọa đối với “cơ sở hạ tầng quan trọng”.

Một số thông tin cơ bản: Tháng trước, chính phủ Iran đã thừa nhận rằng họ đã gửi một số lượng hạn chế máy bay không người lái tới Nga trong những tháng trước khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, nhưng đã phủ nhận việc cung cấp thiết bị quân sự để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine.

Zelenskiy lập luận một cách mạnh mẽ rằng Nga đã “tìm thấy một đồng minh” ở Iran.

Ông Zelenskiy nói: “Đó là cách một kẻ khủng bố đã tìm ra kẻ khủng bố khác”.

“Việc họ sẽ tấn công các đồng minh khác của các bạn chỉ là vấn đề thời gian nếu chúng ta không ngăn chặn họ ngay bây giờ.”

Cho đến nay lập trường của Iran hết sức lắt léo. Ban đầu, Bộ Ngoại giao Iran quyết liệt phủ nhận, bất kể các bằng chứng không thể chối cãi là xác các máy bay không người lái bị bắn hạ. Trong cuộc phản công giành lại các lãnh thổ trong khu vực Kharkiv, quân Ukraine còn tịch thu được tại Kupiansk, các máy bay không người lái Shahed-136 còn nguyên vẹn.

Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, tiết lộ rằng ông khá ngạc nhiên vì trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với phía Iran, Bộ Trưởng Ngoại Giao nước này là Hossein Amir-Abdollahian, vẫn tiếp tục khẳng định rằng “Chính trị của chúng tôi là chúng tôi phản đối chiến tranh và sự leo thang chiến tranh ở Ukraine”.

Ngoại trưởng Iran nói “Cáo buộc Iran gửi hỏa tiễn cho Nga để sử dụng chống lại Ukraine là không có cơ sở. Chúng tôi có hợp tác trong các vấn đề quốc phòng với Nga, nhưng việc gửi vũ khí và máy bay không người lái chống lại Ukraine chắc chắn không phải là chính trị của chúng tôi.”

Sau đó, Ngoại trưởng Iran lại nói rằng Iran có gởi cho Nga một số máy bay không người lái, nhưng đó là trước cuộc xâm lược vào Ukraine.

Trong gần hai tuần, từ ngày 17 tháng 11 đến đầu tháng 12, Nga đã không sử dụng máy bay không người lái tấn công Shahed-136 do Iran sản xuất trong các cuộc không kích chống lại Ukraine.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 12, các máy bay không người lái chết người của Iran lại xuất hiện.

8. Ở vùng Kherson vừa được giải phóng, cảnh sát đã phát hiện ra bảy phòng tra tấn

Sau khi giải phóng các lãnh thổ Ukraine ở vùng Kherson, cảnh sát đã tìm thấy bảy phòng tra tấn và tám nơi giam giữ những người bị tước đoạt tự do.

Phát ngôn nhân của cảnh sát quốc gia Ukraine cho biết:

“Hiện tại, bảy phòng tra tấn và tám nơi tước tự do người dân đã được ghi nhận tại các vùng lãnh thổ vừa được giải phóng: ba phòng tra tấn và một nhà tù được đặt ngay tại thành phố Kherson, bốn phòng tra tấn khác và bảy nhà tù ở vùng ngoại ô thành phố.”

Theo quan chức này, đây không phải là tất cả các phòng tra tấn do người Nga dựng lên tại thành phố Kherson và vùng phụ cận, mà chỉ là những phòng được cảnh sát phát hiện, bởi vì còn nhiều địa điểm chưa được phát hiện. Bên cạnh đó, các nhóm điều tra không chỉ bao gồm các đặc vụ cảnh sát, đó là lý do tại sao các cơ quan khác cũng tìm được các địa điểm khác không được nêu trong báo cáo này.

Tại trung tâm khu vực, phòng tra tấn lớn nhất đã được thiết lập trong trại giam tạm thời, nơi có hơn 300 trường hợp bị giam giữ đã được xác nhận. Các nạn nhân đã được xác định và hiện đang làm chứng. Nhưng, phát ngôn nhân cảnh sát nhấn mạnh rằng, con số này đang tăng lên hàng ngày: “Số lượng chính xác những người đã trải qua phòng tra tấn này vẫn chưa được xác định.”

Ông lưu ý rằng tổng cộng hơn 8.000 thủ tục tố tụng hình sự đã được tiến hành để xác định sự thật về các tội ác chiến tranh trên lãnh thổ của vùng Kherson kể từ khi bắt đầu chiến sự.

9. Một địa điểm chôn cất hàng loạt khác được tìm thấy ở các khu vực không có người ở của vùng Kherson

Ba mươi sáu ngôi mộ khác đã được phát hiện tại nghĩa trang trong khu định cư của các nhà địa chất gần Kherson sau khi lãnh thổ này được giải phóng khỏi quân xâm lược Nga.

“Trước đó, tại làng Pravdyno, quận Kherson, người ta đã phát hiện ra ngôi mộ của một số người có dấu vết tra tấn và vết thương do đạn bắn,” Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ Ukraine Yevheniy Yenin cho biết như trên, các thi thể được phát hiện đã được khai quật và gửi đi giám định pháp y.

36 ngôi mộ khác được tìm thấy tại nghĩa trang trong khu định cư của các nhà địa chất gần Kherson. “Có một ngôi mộ tập thể trong đó các quân nhân cũng được chôn cất. Tổng cộng, trong thời gian xâm lược, các nhà xác đã tiếp nhận khoảng 700 thi thể, trong đó khoảng 100 người bị giết trong các chiến dịch quân sự. Cho đến nay, danh tính của 12 người trong số họ vẫn chưa được xác định”, Thứ trưởng cho biết

Theo ông, công việc hiện đang được tiến hành để nhanh chóng thu thập các mẫu DNA từ người thân để xác định danh tính nạn nhân.

Yenin cũng thông báo về kết quả khai quật các thi thể ở vùng Izium, Kharkiv. “Hơn 450 thi thể đã được đưa ra khỏi các khu chôn cất... Người ta xác định sơ bộ rằng một số người chết vì vết thương do đạn bắn và vết thương do nổ mìn”.

Theo ông, dấu hiệu tra tấn đã được tìm thấy ở ít nhất 40 người ở Izium.

Hiện tại, cuộc điều tra trước khi xét xử đang diễn ra. Các lực lượng thực thi pháp luật thực hiện tất cả các hành động và biện pháp điều tra cần thiết nhằm xác định danh tính các thi thể và xác định hoàn cảnh khiến những người này chết và thủ phạm của tội ác chiến tranh.

Như đã đưa tin, ngày 10/9, quân đội Ukraine đã giải phóng Izium, vùng Kharkiv, khỏi quân xâm lược Nga. Thị trấn đã bị quân đội Nga chiếm từ đầu tháng Tư.

Vào ngày 16 tháng 9, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy thông báo rằng hơn 400 thi thể, bao gồm cả những người có dấu hiệu bị tra tấn, đã được tìm thấy trong một ngôi mộ tập thể ở Izium vừa được giải phóng.
 
Lố bịch: Nga tuyên bố Argentina đoạt World Cup nhờ chích vắc-xin Sputnik. Giáng Sinh ở Ukraine
VietCatholic Media
17:18 23/12/2022


1. Hầu hết người Ukraine trong và ngoài nước sẽ mừng Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 thay vì 7 tháng Giêng

Reuters đưa tin nhiều người trong số hàng triệu người Ukraine tị nạn ở trung và đông Âu có kế hoạch tổ chức lễ Giáng Sinh sớm trong năm nay để thể hiện tình đoàn kết với chủ nhà, học những bài hát mừng bằng ngôn ngữ mới để cổ vũ ngày lễ và cầu nguyện cho người thân ở quê nhà.

Người Ukraine thường tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 7 tháng Giêng – là điểm chung với người Nga – nhưng Giáo Hội Chính thống của nước này đã dần chuyển khỏi quỹ đạo của Mạc Tư Khoa trong những năm gần đây.

Sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga trong năm nay, Giáo Hội Chính Thống cho biết giờ đây các giáo đoàn sẽ cử hành vào ngày 25 tháng 12 – điều mà nhiều người tị nạn cho biết họ sẽ đón nhận.

Svetlana Safonova, 48 tuổi, cho biết khi trốn khỏi Lviv vào tháng 3, cô không tưởng tượng mình sẽ phải đón Giáng Sinh xa chồng và con gái lớn đang phục vụ trong quân đội Ukraine. Safonova, người dự định làm món bánh bao khoai tây truyền thống cùng cậu con trai 9 tuổi và gia đình cháu gái, cho biết:

Chúng tôi muốn kỷ niệm vào ngày 25 tháng 12 để tôn trọng Bulgaria và một lần nữa cho thấy chúng tôi cắt đứt quan hệ với Nga. Chúng tôi sẽ đến một nhà thờ Chính thống giáo và cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine cũng như sức khỏe của những người lính và trẻ em của chúng tôi.

Vasil, 45 tuổi và Marina, 36 tuổi, Khymyshynets, những người đã chạy trốn khỏi ngôi làng gần Kyiv vào tháng 3 cùng với hai đứa con của họ sau khi một quả hỏa tiễn hoặc đạn pháo phát nổ gần nhà của họ, hiện đang sống trong một căn hộ hai phòng ở Praha.

Gia đình không đủ tiền mua một cây thông vì phải tiết kiệm để gửi quà cho người thân ở Ukraine, đã nướng bánh quy Giáng Sinh và dán cành thông và đèn Giáng Sinh lên tường trong khi bọn trẻ tập hát những bài hát mừng bằng tiếng Tiệp.

Chúng tôi quyết định chỉ sử dụng một số cành thông để trang trí sao cho đẹp mắt và khiến bọn trẻ vui vẻ.

Lyubomyr Mysiv - Phó Giám đốc Nhóm nghiên cứu xã hội học của Ukraine đã có một bài thuyết trình tại trung tâm báo chí Kyiv vào sáng thứ Ba 20 tháng 12 về đề tài: “Người Ukraine muốn tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày nào?”.

Theo ông, 91% những người được hỏi muốn cử hành lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12. Lý do chủ yếu là việc cử hành vào ngày 25 tháng 12 theo lịch Gregoriô thay vì ngày 7 tháng Giêng có thể được xem là một động thái tách biệt với Chính Thống Giáo Nga, mà người đứng đầu Giáo Hội này, là Thượng Phụ Kirill, đã nồng nhiệt ủng hộ cuộc xâm lược của Putin.

Giáo Hội Chính thống của Ukraine đã quyết định cử hành lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12. Đức Tổng Giám Mục Epiphanius Đệ Nhất của Kyiv và Toàn Ukraine đã cho biết như trên, và coi quyết định này như là một cách để Ukraine thoát dần khỏi tầm ảnh hưởng của Chính Thống Giáo Nga.

Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương có thể cũng đang cân nhắc để từ năm 2023 sẽ cử hành lễ Giáng Sinh theo lịch Công Giáo Latinh.

2. Nga tuyên bố giành được vô địch World Cup với gợi ý lố bịch rằng Á Căn Đình đoạt giải vì đất nước của họ đã sử dụng vắc-xin cô vít Sputnik V

Ký giả Eleanor Dye của tờ Daily Mail có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Russia claims World Cup victory with ridiculous suggestion that Argentina won because their country used Sputnik V Covid vaccine”, nghĩa là “Nga tuyên bố lố bịch rằng Á Căn Đình giành được vô địch World Cup vì đất nước của họ đã sử dụng vắc-xin cô vít Sputnik V”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Nga đã tuyên bố chiến thắng tại World Cup với gợi ý lố bịch rằng Á Căn Đình chiến thắng vì đất nước của họ đã sử dụng vắc-xin Sputnik V.

Á Căn Đình là một trong những quốc gia đầu tiên sử dụng rộng rãi vắc xin Sputnik V Covid-19 của Nga.

Nhưng sau đó, Á Căn Đình đã chuyển sang Moderna và AstraZeneca khi Nga không thể cung cấp đủ liều cho mũi tiêm thứ hai khi nước này chạy đua để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta vào năm 2021.

Quỹ tài sản chủ quyền của Nga, nơi tài trợ cho vắc xin cho biết: 'Phần lớn liều vắc xin Sputnik V đã được xuất khẩu đến Á Căn Đình”.

'Ngay cả tổng thống Á Căn Đình cũng đã được tiêm phòng Sputnik V”.

'Hôm nay đội tuyển quốc gia đã đánh bại Pháp trong loạt sút luân lưu và trở thành nhà vô địch thế giới. Trùng hợp chăng? Chúng tôi không nghĩ như vậy.'

Nga đã tổ chức World Cup cuối cùng vào năm 2018 nhưng không được phép tham dự Qatar sau lệnh cấm từ FIFA vào tháng 2 sau cuộc xâm lược Ukraine.

Trước đó nó đã vượt qua vòng loại trực tiếp sau khi về nhì ở bảng H ở vòng loại UEFA.

Trận đấu duy nhất của đội tuyển nam quốc gia Nga trong năm 2022 là chiến thắng 2-1 trước Kyrgyzstan vào tháng 9.

Trong các cuộc chiến pháp lý tại Tòa án Trọng tài Thể thao, FIFA lập luận rằng việc để Nga thi đấu có thể gây ra nhiều cuộc tẩy chay và thiệt hại 'không thể khắc phục và hỗn loạn' cho giải đấu của họ.

Các quốc gia khác đã công bố sản xuất Sputnik V bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Mexico và Ai Cập.


Source:Daily Mail

3. Đức Thượng phụ Chính thống ở Giêrusalem nói rằng các Kitô hữu Palestine là mục tiêu của các nhóm Israel cực đoan

Thượng phụ Chính thống Hy Lạp của Giêrusalem, Theophilos III, cảnh báo rằng các Kitô hữu ở Thánh Địa đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công lặp đi lặp lại và liên tục của các nhóm cực đoan Israel, đặc biệt là ở Thánh Địa Giêrusalem.

Đức Thượng phụ đã đưa ra tuyên bố tại buổi lễ thắp sáng cây thông Giáng Sinh hàng năm được tổ chức vào tối thứ Sáu tại Khách sạn Imperial của Cổng Jaffa ở Thành phố Cổ của Giêrusalem.

Phát biểu từ ban công của khách sạn Imperial, một tài sản của Giáo hội Chính thống Hy Lạp là mục tiêu mà những người Do Thái định cư muốn tiếp quản, Thượng phụ Theophilos nói rằng “Các Kitô hữu đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công liên tục và lặp đi lặp lại của các nhóm cực đoan Israel, đặc biệt là ở Thánh Địa Giêrusalem”.

“Trong thập kỷ qua, vô số tội ác đã được thực hiện chống lại các Kitô hữu, bao gồm các cuộc tấn công bằng lời nói và thể xác nhằm vào hàng giáo sĩ, các cuộc tấn công nhắm vào các nhà thờ, các thánh địa đã bị phá hoại và xúc phạm một cách có hệ thống, bên cạnh việc liên tục đe dọa các công dân Kitô giáo, những người mà tất cả những gì họ muốn là sống một cuộc sống bình thường như quyền được Chúa ban cho tất cả mọi người”

“Các nhóm cực đoan này đang thực hiện tội ác của họ trong một nỗ lực có chủ ý nhằm trục xuất các Kitô hữu khỏi Giêrusalem và các khu vực khác của Thành Thánh.”


Source:palestinechronicle.com