Ngày 24-12-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lời Ca Nguyện Cầu Đêm Giáng Sinh 24/12/2020
Giáo Hội Năm Châu
00:19 24/12/2020

Video bắt đầu lúc 8g tối 24/12/2020 giờ Việt Nam
 
Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh 24/12/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
00:29 24/12/2020


Bài Ðọc I: Is 62, 1-5

“Ngươi đẹp lòng Chúa”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Vì Sion, tôi sẽ không im tiếng, và vì Giêrusalem, tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi Ðấng công chính xuất hiện như ánh sáng, Ðấng Cứu độ Sion đến như ngọn đuốc sáng ngời.

Mọi dân tộc sẽ thấy Người là Ðấng công chính của ngươi, và mọi đế vương sẽ thấy vinh hiển Người. Chính Chúa sẽ đặt cho ngươi một tên mới. Ngươi sẽ là triều thiên vinh hiển trong tay Chúa, và vương miện quyền bính trong tay Thiên Chúa ngươi. ngươi sẽ không còn gọi là kẻ bị ruồng bỏ, và đất ngươi sẽ không còn gọi là chốn hoang vu. Ngươi sẽ được gọi là “kẻ Ta ưa thích”, và đất ngươi sẽ được gọi là đất có dân cư, vì ngươi đẹp lòng Thiên Chúa và đất ngươi sẽ có dân cư.

(Như) thanh niên sẽ ở cùng trinh nữ, con cái ngươi sẽ ở trong ngươi; (như) người chồng sẽ vui mừng vì vợ, Thiên Chúa ngươi cũng sẽ vui mừng vì ngươi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 4-5. 16-17. 27 và 29

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời

Xướng: Ta đã ký minh ước cùng người Ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Ðavít là tôi tớ của Ta rằng: “Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ”.

Xướng: Phúc thay dân tộc biết hân hoan, lạy Chúa, họ tiến thân trong ánh sáng nhan Ngài. Họ luôn luôn mừng rỡ vì danh Chúa, và tự hào vì đức công minh Ngài.

Xướng: Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và Ðá Tảng cứu độ của con”. Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì.

Bài Ðọc II: Cv 13, 16-17. 22-25

“Thánh Phaolô làm chứng về Chúa Kitô, con vua Ðavít”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Phaolô đến Antiôkia thuộc Pisiđia, vào hội đường, đứng lên, giơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng rồi nói: “Hỡi người Israel và những kẻ kính sợ Thiên Chúa, hãy nghe đây. Thiên Chúa Israel đã chọn Tổ phụ chúng ta, Người đã thăng tiến dân Người khi họ còn cư ngụ trong nước Ai-cập, và Người ra tay mạnh mẽ đưa cha ông chúng ta ra khỏi nước ấy.

“Sau khi loại bỏ Saolê, Chúa đã đặt Ðavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính Người đã phán: “Ta đã gặp được Ðavít, con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta”.

“Bởi dòng dõi Ðavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Ðức Giêsu làm Ðấng Cứu Ðộ, Ðấng mà Gioan đã báo trước, khi ông đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ông tuyên bố: “Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người”.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Ngày mai tội lỗi trần gian sẽ được xoá bỏ, và Ðấng Cứu Thế sẽ ngự trị trên chúng ta. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 1, 1-25 (bài dài)

“Dòng dõi Chúa Giêsu Kitô, con vua Ðavít”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Sách gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Ðavít, con của Abraham. Abraham sinh Isaac; Isaac sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa; Phares sinh (bởi bà Thamar) và các anh em người. Giuđa sinh Phares và Zara Esrom; Esrom sinh Aram; Aram sinh Aminadab; Aminadab sinh Naasson; Naasson sinh Salmon; Salmon sinh Booz do bà Rahab; Booz sinh Giobed do bà Rút. Giobed sinh Giêsê; Giêsê sinh vua Ðavít.

Ðavít sinh Salomon do bà vợ của Uria; Salomon sinh Robo-am; Roboam sinh Abia; Abia sinh Asa; Asa sinh Giosaphát; Giosaphát sinh Gioram; Gioram sinh Ozia; Ozia sinh Gioatham; Gioatham sinh Achaz; Achaz sinh Ezekia; Ezekia sinh Manas-se; Manasse sinh Amos; Amos sinh Giosia; Giosia sinh Giêconia và các em trong thời lưu đày ở Babylon.

Sau thời lưu đày ở Babylon, Giêconia sinh Salathiel; Salathiel sinh Zorababel; Zorababel sinh Abiud; Abiud sinh Eliakim; Eliakim sinh Azor; Azor sinh Sađoc; Sađoc sinh Akim; Akim sinh Eliud; Eliud sinh Eleazar; Eleazar sinh Mathan; Mathan sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse, là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Ðức Kitô.

Vậy, từ Abraham đến Ðavít có tất cả mười bốn đời, từ Ðavít đến cuộc lưu đày ở Babylon có mười bốn đời, và từ cuộc lưu đày ở Babylon cho đến Chúa Kitô có mười bốn đời.

Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, bà đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo:

“Hỡi Giuse con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền. Ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau, cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.

Ðó là lời Chúa.
 
Thứ Sáu 25/12: Món quà tình yêu - Suy Niệm của Lm. Anthony Nguyễn Ngọc Dũng sdb
Giáo Hội Năm Châu
01:13 24/12/2020


Phúc Âm: Lc 2, 15-20

“Các mục tử đã gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi các thiên thần biến đi, thì các mục tử nói với nhau rằng: “Chúng ta sang Bêlem và coi xem sự việc đã xảy ra mà Chúa đã cho chúng ta được biết”. Rồi họ hối hả tới nơi và gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ đã hiểu ngay lời đã báo về Hài Nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.

Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những sự việc đó, và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.

Ðó là lời Chúa.
 
Hãy Là Một Ánh Sao – Bài Giảng Lễ Giáng Sinh 2020
Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng
11:07 24/12/2020
Hãy Là Một Ánh Sao – Bài Giảng Lễ Giáng Sinh 2020

Đêm nay-đêm ánh sáng, bởi thế gian đang tràn ngập lấp lánh quả châu, đèn chớp, sao sáng lung linh. Niềm vui của Lễ Giáng Sinh vì thế rõ nét hơn với ý nghĩa: Chúa là ánh sáng soi tỏ vào đêm tối nhân gian. Nhiều văn nghệ sĩ dù Công Giáo hay không, khi viết về Noel thường luôn có sao sáng: “Bài hát đêm đông chạnh lòng tôi nhớ nhiều. Tà áo Noel thướt tha trong chiều nao. Dập dìu trên đường đi lễ. Lấp lánh sao đêm tuyệt vời. Đẹp thay ôi mùa sao sáng” (dư âm mùa Giáng Sinh); “Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời” (mùa sao sáng); “Long lanh sao trời đẹp thêm đôi mắt, áo trắng em bay đôi cánh thiên thần” (Bài thánh ca buồn); và không thể quên: “Trông hang Bêlem ánh sáng tỏa lan tưng bừng. Nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng” (Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời).

Giữa đêm đông lạnh giá, khung cảnh u buồn, ảm đạm, cảnh vật chìm vào tang tóc, cây cỏ trơ trụi, khô cằn, mọi sinh vật tìm nơi trú ẩn, ánh sáng của ngôi sao trở nên thiết yếu và thiết thân vì đem lại niềm hy vọng. Ánh sao dắt ba vua tới hang đá, nơi Thiên Chúa hài nhi đang nằm trong máng cỏ. Ánh sao giúp người lênh đênh trên biển tìm về nhà, cho người thám hiểm tìm ra phương hướng, cho những ai lạc lối trở về chính lộ vv... Ánh sao là để soi tỏ cho người khác thấy đường tới đích điểm, chứ không phải để đến với chính nó. Chính vì đặc tính quên mình ấy, ánh sao gây cảm hứng mạnh mẽ cho hồn nghệ sĩ.

Nhờ có ánh sao, đêm đông trở nên ấp áp hơn, tươi vui hơn, trần gian nhìn thấy ánh sáng. Nhờ có ánh sao, các mục đồng quây quần hát mừng Chúa, ba đạo sĩ thấy đường đến hang Belem, chiêm ngắm Chúa Hài Nhi đơn sơ bên máng cỏ hang lừa. Nhờ có ánh sao người ta dễ dàng nhận ra Chúa, cảm nghiệm tình yêu thương vô bờ bến Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Mừng Lễ Giáng Sinh, đón nhận tình yêu Con Chúa làm người, mỗi người chúng ta hãy trở nên một ánh sao cho gia đình, cho khu xóm, cho nơi làm việc của mình bằng cách sống cho tha nhân nhiều hơn. Mỗi khi đi xưng tội, ai cũng mong ước được thứ tha, mong cha giải tội thật vui vẻ dễ tính, nghĩa là muốn ngài vừa nghe tội vừa phải cười tươi nữa (!). Thế nhưng bản thân ta lại rất cứng lòng và khó tha thứ, cho dù đối với bạn bè, với hàng xóm, hay thậm chí với người trong cùng gia đình với mình. Bởi theo chủ nghĩa cá nhân hưởng thụ nên ta rất ích kỷ và không quan tâm tới tha nhân. ĐTC Phanxicô trong sứ điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình năm 2021, đề nghị ta kiến tạo nền “Văn hóa Chăm sóc”: mời gọi tất cả mọi người sẵn sàng thể hiện sự quan tâm, lòng trắc ẩn, để hòa giải và hàn gắn, đồng thời nâng cao sự tôn trọng và chấp nhận nhau”.

Là ánh sao, chúng ta hãy đem người khác đến với Chúa qua đời sống vui tươi, nhân hậu. Là ánh sao, chúng ta không tìm vinh danh mình, nhưng sống vì tha nhân, sống quảng đại không tính toán, chỉ mong phụng sự Chúa. Trong một thế giới đầy đố kỵ thù hận, tham lam, lười biếng, chúng ta trở nên ánh sao khi luôn yêu thương tha thứ, khi nhẹ nhàng với của cải vật chất, khi trung thực trung tín chu toàn phận sự của mình, nhưng không phải để sống cho mình mà cho tha nhân với lòng trắc ẩn.

Kính chúc quý vị cảm nghiệm sự tuyệt diệu của tình yêu Con Chúa làm người, và hãy là một ánh sao chiếu vào một thế giới đang tràn ngập bóng tối của sợ hãi và sự xấu.

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:22 24/12/2020

2. Khi con người ta quay đầu trở lại khóc lóc sám hối những tội của mình thì cảm thấy có sự an ủi rất lớn.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:25 24/12/2020
17. GIỐNG NHƯ THẦN NÔNG

Thầy thuốc Trần Quân Hựu là người Dương Châu, nói năng rất hài hước.

Giữa năm Hồng Võ, ông ta thường vô ra trong hoàng cung, hoàng đế rất sủng ái tin dùng và thường cùng với ông ta nói chuyện gian nan khốn khó trong quân đội: hồi ấy trong quân thiếu lương thực, hoàng đế và binh sĩ thường ăn vỏ cây rể cỏ.

Một hôm, hoàng đế hỏi:

- “Ta giống quân vương nào ở thời đại trước?”

Trần Quân Hựu nói:

- “Giống ông thần nông”.

Hoàng đế vặn hỏi duyên cớ tại sao, ông ta trả lời:

- “Nếu không giống ông thần nông thì tại sao nếm được bách thảo?”

Hoàng đế nghe xong thì cười ha ha.

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 17:

Nhắc nhở hoàng đế khi hoàng đế cao hứng thao thao bất tuyệt nói về những chiến công của mình, thật không dể chút nào, bởi vì như thế sẽ chạm tự ái của hoàng đế và có khi mất đầu như chơi, nhưng thầy thuốc Trần Quân Hựu đã làm được, bởi vì ông ta biết cách khuyên bảo nhắc nhở mà không làm cho nhà vua tự ái.

Có một vài giáo dân có ý tốt lành muốn các linh mục của giáo hội ngày càng trổi vượt hơn trong thiên chức linh mục, trong bổn phận và trong cuộc sống của mình, nên có những lời góp ý không mấy tế nhị làm cho các linh mục chạm tự ái và trở nên cố chấp, coi những lời góp ý của giáo dân là không có ký lô gam nào cả, nên lời góp ý trở thành lời phê bình các linh mục.

Mục đích của giáo dân thì tốt nhưng phương pháp làm thì chưa được đẹp nên trở thành “đối thủ” của một vài linh mục, nên chăng phải học hỏi thầy thuốc Trần Quân Hựu góp ý cho hoàng đế, ông ta khôn ngoan lợi dụng khi nhà vua vui vẻ, lợi dụng sự thân cận và sự tin tưởng của hoàng đế để góp ý, làm cho hoàng đế vui vẻ cười ha ha quên mất mình là hoàng đế đánh đông dẹp bắc khi Quân Hựu so sánh mình với...ông thần nông.

Đừng bạ đâu góp ý, cũng đừng nói sau lưng, nhưng góp ý chân thành trong yêu mến, thì chắc chắn lời góp ý của chúng ta sẽ thành công, vì tất cả các linh mục của Đức Chúa Giê-su đều là những người hiểu rất rõ về giá trị của lời góp ý chân thành...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thánh Lễ Giáng Sinh 25/12/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic
16:58 24/12/2020


Bài Ðọc I: Is 52, 7-10

“Khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðẹp thay chân người rao tin trên núi, người rao tin thái bình, người rao tin mừng, người rao tin cứu độ, nói với Sion rằng: Thiên Chúa ngươi sẽ thống trị!

Tiếng của người canh gác của ngươi đã cất lên. Họ sẽ cùng nhau ca ngợi rằng: Chính mắt họ sẽ nhìn xem, khi Chúa đem Sion trở về. Hỡi Giêrusalem hoang tàn, hãy vui mừng, hãy cùng nhau ca ngợi! Vì Chúa đã an ủi dân Người, đã cứu chuộc Giêru-salem. Chúa đã chuẩn bị ra tay thánh thiện Người trước mặt chư dân; và khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn xem ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4. 5-6

Ðáp: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta

Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.

Xướng: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca!

Xướng: Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với cây đàn cầm với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua.

Bài Ðọc II: Dt 1, 1-6

“Chúa đã phán dạy chúng ta qua người Con”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ. Nguyên vốn là phản ảnh sự vinh quang và là hình tượng bản thể Ngài, Người Con đó nâng giữ vạn vật bằng lời quyền năng của mình, quét sạch tội lỗi chúng ta, và ngự bên hữu Ðấng Oai Nghiêm trên cõi trời cao thẳm. Tên Người cao trọng hơn các thiên thần bao nhiêu, thì Người cũng vượt trên các thiên thần bấy nhiêu.

Phải, vì có bao giờ Thiên Chúa đã phán bảo với một vị nào trong các thiên thần rằng: “Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã hạ sinh Con”? Rồi Chúa lại phán: “Ta sẽ là Cha Người, và Người sẽ là Con Ta”. Và khi ban Con Một mình cho thế gian, Chúa lại phán rằng: “Tất cả các thiên thần Chúa hãy thờ lạy Người!”

Ðó là lời Chúa.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Ngày thánh đã dọi ánh sáng trên chúng ta. Hỡi các dân, hãy tới thờ lạy Chúa, vì hôm nay ánh sáng chan hoà đã toả xuống trên địa cầu. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 1, 1-18 {hoặc 1-5. 9-14}

“Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta”.

Bắt đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.

Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng.

Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.

Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.

Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: “Ðây là Ðấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi, nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi”.

Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác. Bởi vì Chúa ban Lề luật qua Môsê, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Ðức Giêsu Kitô. Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Ðấng ngự trong Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta.

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Mừng đáng mừng nhất
Lm. Minh Anh
17:52 24/12/2020
TIN MỪNG ĐÁNG MỪNG NHẤT

“Đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại,

cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân; hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời thiên thần loan báo cho các mục đồng đêm Con Thiên Chúa xuống thế làm người vẫn vang vọng nơi mỗi người chúng ta. Đêm nay, Đêm Thánh vô cùng, đêm đất trời giao duyên, đêm người, Chúa giao hoà; đêm người làm con Chúa; Chúa Con làm người. Đêm mà từ đó, con người được nâng từ thấp lên cao, từ đất lên trời, từ tối nên sáng, từ mất nên được; cũng là đêm mà Chúa bỏ trời cao, cúi xuống đất thấp, sống kiếp con người. Và đó là tin mừng trọng đại, ‘tin mừng đáng mừng nhất’, vì “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sự sống đời đời”.

Người thời nay đón mừng Giáng Sinh, nhưng mấy ai hiểu hết ý nghĩa đích thực của lễ Giáng Sinh, “Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em”, nghĩa là, Ngài sinh ra cho anh, cho tôi, cho tất cả mọi người: người giàu, người nghèo; người học thức, người ít chữ; người lành thánh, hạng tội nhân; người hạnh phúc, người bất hạnh; cho các linh hồn đã qua đời cũng như bao thế hệ sẽ chào đời. Và không chỉ đến, không chỉ sống, không chỉ nói yêu thương; Ngài còn hiến mình đến chết và sống lại để cứu chuộc con người đang lầm than, bị trói buộc trong bóng đêm tội lỗi và thần chết. Đó là ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh, đó là ‘tin mừng đáng mừng nhất’.

Chúng ta thử đặt mình vào vị trí của các mục đồng, những người thường xuyên có những niềm phấn khích bé nhỏ. Họ là những người chăn chiên nghèo hèn, đơn sơ, ngày đêm đi sau đoàn vật. Đêm hôm đó, tình bạn của họ vẫn thắm thiết khi họ tụ tập bên nhau; chuyện trò, cười đùa và ở với nhau. Họ không nhận ra một điều gì đó sắp xảy ra. Khi họ đang cùng nhau chuyện vãn, một thiên thần của Chúa hiện ra với họ báo cho họ một ‘tin mừng đáng mừng nhất’. Chắc hẳn họ đã rất choáng váng; nhưng đó mới chỉ là khởi đầu; thiên thần thông báo rằng, Đấng Cứu Độ Thế Giới đã sinh ra và, trước sự ngạc nhiên, họ lại được chứng kiến đạo binh các thiên thần trên trời hợp tiếng tung hô, “Gloria in excelsis Deo!”, “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời!”.

Những mục đồng khiêm nhường này là những con người đầu tiên được mời gọi lên đường đi chào đón Vua Trời. Điều đáng kinh ngạc trước hết là, Thiên Chúa đã không mời những con người được cho là quan trọng của thời đại đến thờ phượng Con của Người; những kẻ đầu tiên được mời là những người chăn chiên tội nghiệp. Điều này tiết lộ một sự thật là, trong cái nhìn của Thiên Chúa, mọi người đều bình đẳng; Thiên Chúa không chọn những ai mà thế gian yêu thích, những người được cho là quan trọng dưới con mắt người đời. Không, Thiên Chúa chọn những con người rốt hết để báo cho họ ‘tin mừng đáng mừng nhất’. Như vậy, Thiên Chúa nhìn nhận giá trị và phẩm giá cao cả của mỗi người theo một cách khác và mong muốn mọi người, bất kể họ là ai, giàu hay nghèo, quyền thế hay yếu hèn… đến với Ngài, để yêu mến và tôn thờ Ngài.

Giáng Sinh là thời điểm của nhiều điều thú vị, nhưng hơn bất cứ điều gì khác, Giáng Sinh phải là thời điểm để chúng ta lùi lại hầu tận hưởng ý nghĩa sâu sắc và phong phú của sự kiện thiêng liêng này. Trước hết, phải thấy rằng, Thiên Chúa đã bước vào trần gian, mang lấy thân phận phàm nhân và khi làm vậy, Người có thể đồng cảm với chúng ta về những gì chúng ta phải trải qua trong cuộc sống; Thiên Chúa thấu hiểu kiếp người! Thiên Chúa đã sống kiếp người.

Thứ hai, sự ra đời của Đấng Cứu Độ Thế Giới và sự tỏ mình của Ngài cho những người chăn chiên nói lên rằng, mỗi người trong chúng ta đều được mời đến gặp gỡ Ngài. Ngài hạ mình cách thẳm sâu nhất để ai ai cũng có thể nhận biết Ngài và tình yêu hoàn hảo Ngài dành cho họ. “Đừng sợ”, như thiên thần đã nói, hãy đến và nhìn xem Đấng Kitô đã đến, Ngài là Cứu Chúa của chúng ta. ‘Đừng ngại’ đến gặp Ngài, yêu mến Ngài, tôn thờ Ngài và trở nên thân quen với Ngài; Đấng Kitô được ban cho chúng ta hôm nay ngay khi còn là một đứa trẻ sơ sinh, nhỏ bé, yếu đuối, mong manh và ngây thơ. ‘Đừng chần chờ’ để nhìn vào sự hiện diện khiêm tốn của Ngài và dâng lời ngợi khen Thiên Chúa vì sự giáng lâm của Ngài cách đây hơn 2,000 năm, và hôm nay, trên các bàn thờ trong Thánh Thể để ở với chúng ta mọi ngày. Đó cũng là ‘tin mừng đáng mừng nhất’.

Ngày 17/12/1903, sau nhiều nỗ lực, anh em Wilbur & Orville Wright đã thành công trong việc đưa “cỗ máy bay” của họ lên khỏi mặt đất. Xúc động, họ gửi điện báo tin cho chị gái mình là Katharine, “Chúng em thực sự đã bay được 36 mét. Sẽ về nhà vào dịp Giáng Sinh”. Katharine vội vã đến chỗ biên tập viên của một tờ báo địa phương cũng là bạn của cô và cho anh ta xem tin nhắn. Anh ta liếc nhìn nó và nói, “Thật tuyệt vời! Các cậu ấy sẽ về nhà đón Giáng Sinh”. Anh ấy hoàn toàn bỏ qua một thông tin lớn, những người đàn ông đã bay! Một ‘tin mừng đáng mừng’.

Anh Chị em,

Người bạn của cô Katharine chỉ lưu ý mấy anh em nhà Wright về ăn lễ Giáng Sinh nhưng đã quên mất sự kiện là những người đàn ông này đã ‘bay lên khỏi đất’ với cỗ máy nặng hơn 300kg, mở đầu cho kỷ nguyên hàng không; hôm nay, nhiều người ăn lễ Giáng Sinh, mừng lễ Giáng Sinh nhưng lại quên mất một sự kiện trọng đại hơn, đã có một người đã ‘bay từ trời xuống’, đó là Giêsu Ngôi Hai, Con Thiên Chúa xuống thế làm người và đó là ‘tin mừng đáng mừng nhất’.

Anh Chị em,

Trong thời đại hôm nay, nhiều nơi trên thế giới, lễ Giáng Sinh trở nên rất thế tục; không ít người đón mừng một lễ Giáng Sinh không có Chúa; thiên hạ mừng sinh nhật của một người mà không biết người ấy là ai! Ngoài các nhà thờ và các gia đình con cái Chúa, hoa đèn giăng mắc khắp phố phường nhưng đố ai tìm được một chữ “Giêsu”! Rất ít người dành thời gian này để thực sự cầu nguyện, cảm tạ và thờ phượng Thiên Chúa vì những gì Người làm; càng rất ít người công bố sứ điệp yêu thương của mầu nhiệm Nhập Thể cho gia đình, bạn bè vào ngày trọng đại này.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chúng con yêu mến Chúa, chúng con tôn thờ Chúa; cảm ơn Chúa vì món quà không thể lường được là sự hiện diện thiêng liêng của Chúa ở giữa chúng con. Cảm ơn Chúa, đã mời chúng con tham gia cùng những người chăn chiên nghèo khi họ đến thờ lạy Chúa.

Chớ gì lễ Giáng Sinh này giúp con hiểu được sâu sắc hơn tình yêu đáng kinh ngạc Chúa dành cho con; vì con biết rằng, Chúa đến vì con, cứu độ con và mời con đến thờ phượng Chúa; đồng thời, như các mục đồng, con sẽ loan truyền sứ điệp yêu thương này cho anh chị em con.

Kính chúc Anh Chị em một lễ Giáng Sinh nồng nàn yêu thương, một Năm Mới chan hoà phúc lộc của Chúa, MERRY CHRISTMAS & HAPPY NEW YEAR”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài Giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ Đêm Giáng Sinh 24/12/2020
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
16:16 24/12/2020


Lúc 7h30 tối thứ Năm 24 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Đêm Giáng Sinh. Đây là năm thứ 8 ngài cử hành thánh lễ này trong cương vị Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh.

Do hoàn cảnh đại dịch coronavirus kinh hoàng, thánh lễ thay vì được tổ chức ở bàn thờ chính như thường lệ, đã được cử hành tại bàn thờ Ngai Tòa với một cộng đoàn rất hạn chế. Ngoài ra, thánh lễ cũng phải cử hành sớm hơn.

Trước đây, lễ Đêm Giáng Sinh tại Vatican được cử hành đúng nửa đêm. Năm 2009, vì tình trạng sức khoẻ của ngài, Đức Bênêđíctô XVI đã chuyển lễ Đêm Giáng Sinh ở Vatican từ nửa đêm sang 10 giờ tối. Sau khi Đức Phanxicô được bầu vào ngôi Giáo Hoàng năm 2013, thánh lễ Đêm Giáng Sinh ở Vatican được cử hành lúc 9:30 tối. Như thế, năm nay thánh lễ được cử hành 2 giờ trước thường lệ, để anh chị em có thể về đến nhà trước giờ giới nghiêm là 10 giờ tối, được đưa ra như một phần trong các biện pháp làm chậm sự lây lan của coronavirus.

Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha nói:

Đêm nay, lời tiên báo vĩ đại của Tiên tri Isaia đã được ứng nghiệm: “một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng chúng ta” (Is 9: 6).

Một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Chúng ta thường nghe rằng niềm vui lớn nhất trong cuộc đời là một đứa trẻ chào đời. Đó là một điều gì đó phi thường và thay đổi mọi thứ. Điều đó mang lại một sự phấn khích khiến chúng ta quên đi sự mệt mỏi, khó chịu và những đêm mất ngủ, vì nó khiến chúng ta tràn ngập niềm hạnh phúc khôn tả và khôn sánh. Ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh là thế này: Chúa Giêsu Giáng Sinh là “sự mới mẻ” giúp chúng ta được tái sinh mỗi năm và tìm thấy nơi Ngài sức mạnh cần thiết để đối mặt với mọi thử thách. Tại sao? Thưa: Vì sự ra đời của Người là dành cho chúng ta - cho tôi, cho anh chị em, cho tất cả mọi người. “Cho” là một từ được lặp đi lặp lại trong đêm thánh này: Tiên tri Isaia nói tiên tri rằng “một hài nhi được sinh ra cho chúng ta”. Thánh Vịnh lặp lại rằng “Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. Thánh Phaolô thì nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu đã “hiến thân cho chúng ta” (Tt 2:14), và trong Tin Mừng, sứ thần đã tuyên bố: “Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho các ngươi” (Lc 2:11).

Tuy nhiên, đối với chúng ta, những từ đó thực sự có ý nghĩa gì? Những từ ấy nói lên rằng Con Thiên Chúa, Đấng thánh thiện tự bản chất, đã đến để làm cho chúng ta, với tư cách là con cái của Thiên Chúa, được nên thánh nhờ ân sủng. Đúng thế, Thiên Chúa đã đến thế gian trong hình hài của một hài nhi bé nhỏ để làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Thật là một món quà tuyệt vời! Ngày hôm nay, Thiên Chúa làm chúng ta kinh ngạc và Ngài nói với mỗi người chúng ta rằng: “Con thật tuyệt vời”. Anh chị em thân mến, đừng bao giờ nản lòng. Nếu anh chị em bị cám dỗ để cảm thấy mình chỉ là một sai lầm thì Chúa nói với anh chị em rằng “Không phải như thế đâu, con là con của Ta!” Nếu anh chị em có cảm giác thất bại hay bất toàn, hay sợ hãi rằng anh chị em sẽ không bao giờ thoát ra khỏi con đường hầm tối tăm thử thách thì Chúa nói với anh chị em: “Hãy can đảm, Thầy ở cùng anh em”. Ngài làm điều này không phải bằng lời nói, mà bằng cách biến mình thành một hài nhi sống với anh chị em và cho anh chị em. Bằng cách này, Ngài nhắc nhở anh chị em rằng điểm khởi đầu của mọi sự tái sinh là sự thừa nhận rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Đây là trái tim hy vọng bất diệt của chúng ta, là cốt lõi nhiệt năng mang lại sự ấm áp và ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Có một sự thật tuyệt vời ẩn sâu bên dưới tất cả những điểm mạnh và điểm yếu của chúng ta, mạnh mẽ hơn tất cả những tổn thương và thất bại trong quá khứ, những nỗi sợ hãi và lo lắng của chúng ta về tương lai, đó là chúng ta là những con trai, con gái được Chúa yêu dấu. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta không và sẽ không bao giờ phụ thuộc vào chúng ta. Đó là tình yêu hoàn toàn nhưng không, và ân sủng thuần khiết. Tối nay, Thánh Phaolô nói với chúng ta, “ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện” (Tt 2:11). Không có gì quý hơn điều này.

Một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Chúa Cha đã không ban cho chúng ta một điều gì, hay một vật gì; Ngài đã ban cho chúng ta Con Một của Người, là tất cả niềm vui của Người. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào sự vô ơn của chúng ta đối với Thiên Chúa và sự bất công của chúng ta đối với rất nhiều anh chị em của mình, một mối nghi ngờ có thể nảy sinh. Liệu Chúa có đúng không khi ban cho chúng ta quá nhiều như thế? Liệu Chúa có đúng không khi vẫn tin tưởng nơi chúng ta? Liệu Người có đánh giá chúng ta quá cao hay không? Tất nhiên, Chúa đánh giá chúng ta quá cao, nhưng Ngài làm như thế vì Ngài yêu chúng ta đến điên cuồng. Chúa không thể không yêu chúng ta. Đó là đường lối của Người, là điều rất khác với chúng ta. Chúa luôn yêu chúng ta bằng một tình yêu lớn hơn chúng ta dành cho chính mình. Đây là bí mật của Ngài để đi vào trái tim của chúng ta. Thiên Chúa biết rằng chúng ta trở nên tốt hơn chỉ khi chúng ta chấp nhận tình yêu trung tín của Ngài, một tình yêu không thay đổi đã thay đổi chúng ta. Chỉ có tình yêu của Chúa Giêsu mới có thể biến đổi cuộc sống của chúng ta, chữa lành những tổn thương sâu sắc nhất của chúng ta, và giải thoát chúng ta khỏi vòng luẩn quẩn của thất vọng, giận dữ và phàn nàn liên tục.

Một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Trong máng cỏ thấp hèn của chuồng ngựa tối tăm, Con Thiên Chúa hiện diện thực sự. Nhưng điều này đặt ra một câu hỏi khác. Tại sao Chúa lại sinh ra vào ban đêm, không có chỗ ở đàng hoàng, trong cảnh nghèo đói và bị chối bỏ, trong khi Người xứng đáng được sinh ra như một vị vua oai phong lẫm liệt nhất trong những cung điện huy hoàng tráng lệ nhất? Tại sao lại như thế? Thưa: Để làm cho chúng ta hiểu được tình yêu bao la của Người đối với thân phận con người của chúng ta: thậm chí Chúa chạm đến tận đáy sự bần cùng của chúng ta bằng tình yêu cụ thể của Người. Con Thiên Chúa sinh ra đã bị ruồng bỏ, để nói với chúng ta rằng mọi người bị ruồng bỏ đều là con của Thiên Chúa. Ngài đến với thế giới khi mỗi đứa trẻ chào đời, yếu đuối và dễ bị tổn thương, để chúng ta có thể học cách chấp nhận những điểm yếu của mình bằng tình yêu dịu dàng. Và để khám phá điều gì đó quan trọng. Như xưa Ngài đã làm ở Bethlehem, thì nay chúng ta cũng hãy làm như thế, Thiên Chúa thích làm nên những điều kỳ diệu thông qua sự nghèo khó của chúng ta. Ngài đã đặt toàn bộ ơn cứu rỗi của chúng ta trong máng cỏ của một chuồng gia súc. Ngài không sợ sự nghèo khó của chúng ta, vì thế chúng ta hãy để cho lòng thương xót của Ngài biến đổi hoàn toàn!

Đó là ý nghĩa của câu một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cũng nghe thấy từ “cho” ở một nơi khác. Sứ thần tuyên bố với các mục đồng: “Đây sẽ là dấu chỉ cho anh em: một hài nhi nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Dấu chỉ đó, Hài nhi trong máng cỏ, cũng là dấu chỉ cho chúng ta, hướng dẫn chúng ta trong suốt cuộc đời. Ở Bethlehem, một cái tên có nghĩa là “Nhà Bánh”, Thiên Chúa nằm trong máng cỏ, như muốn nhắc nhở chúng ta rằng, để sống, chúng ta cần có Người, giống như bánh chúng ta ăn. Chúng ta cần được lấp đầy bằng tình yêu nhưng không, trung tín và cụ thể của Người. Nhưng trái lại, quá thường chúng ta lại thèm khát giải trí, thành công và những thú vui trần tục, và nuôi dưỡng cuộc sống bằng những lương thực không làm chúng ta thỏa mãn và khiến chúng ta trống rỗng bên trong! Qua tiên tri Isaia, Chúa đã phàn nàn rằng con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó, còn chúng ta, dân Người, lại không biết Người, là nguồn sống của chúng ta (x. Is 1: 2-3). Đúng là như thế: trong lòng ham muốn chiếm hữu vô tận của mình, chúng ta chạy theo vô số máng cỏ chứa đầy phù du mà quên mất máng cỏ Bethlehem. Máng cỏ, nghèo nàn về mọi thứ nhưng giàu tình yêu thương, dạy chúng ta rằng phần lương đích thực trong cuộc sống đến từ việc để chúng ta được Chúa yêu thương và đến lượt chúng ta yêu thương người khác. Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta một tấm gương. Ngài, Ngôi Lời của Thiên Chúa, đã trở thành một hài nhi mới sinh; Người không nói một lời nào nhưng dâng hiến cuộc sống. Chúng ta thì lại khác, chúng ta ba hoa đủ thứ lời, nhưng thường ít nói về điều lành phúc đức.

Một người con được ban cho chúng ta. Cha mẹ của những trẻ nhỏ biết họ được yêu cầu phải có nhiều tình yêu thương và sự kiên nhẫn. Chúng ta phải cho chúng ăn, chăm sóc chúng, tắm rửa cho chúng và quan tâm đến tính dễ bị tổn thương và nhu cầu của chúng, những điều này thường rất khó hiểu. Một đứa trẻ khiến chúng ta cảm thấy được yêu thương nhưng cũng có thể dạy chúng ta cách yêu thương. Chúa đã chào đời trong hình hài một đứa trẻ để khuyến khích chúng ta quan tâm đến người khác. Những giọt nước mắt lặng lẽ của Người khiến chúng ta nhận ra sự vô dụng trong nhiều lần bộc phát nóng nảy của mình. Tình yêu không tự vệ của Người nhắc nhở chúng ta rằng thời gian của chúng ta không phải là để dành cho việc cảm thấy tủi thân, mà là để an ủi những giọt nước mắt đau khổ. Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta trong cảnh nghèo khó và thiếu thốn, để nói với chúng ta rằng khi phục vụ người nghèo, chúng ta sẽ bày tỏ tình yêu thương của mình đối với Người. Từ đêm này trở đi, như một nhà thơ đã viết, “Nơi ở của Chúa là bên cạnh tôi, đồ đạc của Ngài là tình yêu” (EMILY DICKINSON, Poems, XVII).

Một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Hài Nhi đã làm cho con trở thành một đứa trẻ. Chúa yêu con như con là, chứ không phải như con tưởng tượng con sẽ là. Khi đón nhận Chúa, Hài Nhi của máng cỏ, một lần nữa con đón nhận trọn cuộc đời mình. Khi chào đón Chúa, Bánh của sự sống, con cũng mong muốn được trao tặng cuộc sống của con. Lạy Chúa, Đấng Cứu Rỗi của con, xin dạy con biết phục vụ. Lạy Chúa, Đấng đã không để con lẻ loi, xin hãy giúp con an ủi các anh chị em của Chúa, vì từ đêm nay trở đi, tất cả đều là anh chị em của con.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Xuân Lộc: Ngày hội ngộ dành cho những người bảo vệ môi trường- Mùa Vọng 2020
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
11:17 24/12/2020
Sáng ngày Thứ Ba 22/11/2020, khoảng hơn 300 anh chị em đang làm công tác bảo vệ môi trường trong Giáo phận đã có ngày Hội Ngộ dành riêng đặc biệt trước ngày Lễ Giáng Sinh. 300, là con số khách tham dự đại diện cho rất nhiều công nhân vệ sinh môi trường thuộc nhiều công ty, hợp tác xã, và những người đang tham gia bảo vệ môi trường tại cá giáo xứ. Vì thế, màu áo và logo trong đồng phục của những công nhân đến từ công ty xử lý chất thải Sonadezi, từ Hợp tác xã Dịch vụ Môi trường Trúc Anh đã làm cho ngày Hội ngộ này thật đẹp và ý nghĩa. Điểm đặc biệt nữa trong số những khách mời tham dự, có cả những người không phải là Công Giáo, nhưng vẫn tham dự một cách chân thành, với niềm vui và sự hứng thú.

“Hội Ngộ dành cho những người bảo vệ môi trường- Dọn đường Chúa đến” là chủ đề của ngày gặp gỡ do Giáo phận tổ chức. Bên cạnh đó, những áp-phích được thiết kế với những nội dung như “Môi trường &Lòng Thương xót Chúa- Giữ gìn môi trường là xây dựng lãnh địa Lòng Thương xót Chúa; Những ai làm đẹp môi trường sống là góp phần xây dựng lãnh địa Lòng Thương xót Chúa” trưng bày trong khuôn viên TGM chắc hẳn sẽ đánh động những người xem và đọc.

8g00, các khách mời theo đoàn được đón tiếp, dùng bữa sáng nhẹ tại gian hàng của quý Hiền mẫu Giáo xứ Chánh Tòa phục vụ. Sau phần đón tiếp, ban tổ chức đã hướng dẫn anh chị em khách mời cùng bắt đầu chương trình ngày hội ngộ tại hội trường TGM, vói lời kinh thánh hóa.

Liền sau đó, trong vai trò MC, Ông Chánh Ngọc- thuộc giáo xứ Ninh Phát- đã dần đưa những khách mời trở nên thân thiện, tự nhiên hơn qua những bài hát, băng reo, vũ điệu. Nếu hằng ngày, những công nhân vệ sinh môi trường này đang phải gồng gánh trên vai những nặng nề không chỉ về công việc lẫn thanh danh, thì hôm nay, trong buổi gặp gỡ này, có lẽ họ đang cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn, thấy mình được trân trọng và biết ơn.

Phần chia sẻ lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của những người đang làm công tác bảo vệ môi trường do Cha Gb Nguyễn Ngọc Bảo- Phó ban tổ chức- dẫn dắt, đặt câu hỏi với người chia sẻ. Với hai đơn vị có nhiều công nhân tham dự ngày Hội Ngộ, những chia sẻ của họ chắc chắn không chỉ nói cho những người tham dự cùng nghe, nhưng sẽ vang và đến với những người khác nữa, nhất là những con cái trong Giáo Phận Xuân Lộc này. Ngoài việc chia sẻ những nặng nhọc từ công việc, họ nói lên ao ước, mong sao mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường cách cụ thể như phân loại rác ngay từ nguồn –từ hộ gia đình “Mong sao người Kitô hữu làm gương trong việc xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, giảm tải công việc nặng nhọc cho công nhân thu gom rác, xử lý” – Anh Nguyễn Văn Hải, HTX Dịch vụ Môi trường tại TP Long Khánh chia sè.

Một chia sẻ khác thật đặc biệt và cảm động đến từ Bà Ngô Thị Nguyên, sinh sống tại khu vực Giáo xứ La Ngà. Dù không phải là người Công Giáo, nhưng hằng ngày, Bà vẫn lên Nhà Thờ để quét lá, nhặt rác, “Tôi đi quét Nhà Thờ cũng là vì con trai tôi nói: Ba mất rồi, mà con thì không ở cạnh Má, thôi thì, mỗi ngày Má lên Nhà Thờ quét dọn, như vậy con thấy vui và an tâm. Và tôi nghe lời con trai, lên xin Cha xứ, và rồi gia nhập hội quét Nhà thờ cùng với mọi người. Và hôm nay, tôi được Đức Cha mời tham dự ngày hôm nay, tôi vui lắm!”

Dù trong khoảng chưa đầy một tiếng đồng hồ, nhưng những chia sẻ của họ thật quý giá và cảm động.

Vì mục đích của Ngày Hội Ngộ là dành để “Dọn đường cho Chúa đến”, nên trong buổi sáng này, một số ông bà, anh chị em là người Công Giáo cũng đến lãnh nhận ơn Chúa từ Bí tích Hòa Giải ngay trong buổi sáng này.

9g30, Đức Cha Giáo Phận đã đến gặp gỡ, chào thăm mọi người đang hiện diện, cũng như chia sẻ tâm tình của Ngài, cũng như của quý Đức Cha Giáo Phận đến tất cả những người đang mang trong mình trọng trách bảo vệ môi trường.

Trước khi lắng nghe Đức Cha chia sẻ, Cha Đa Minh Ngô Công Sứ, trong vai trò Trưởng ban tổ chức, đã thay mặt mọi người để chào thưa, cũng như bày tỏ niềm vui và hạnh phúc khi được Đức Cha quan tâm và yêu thương cách đặc biệt – như một chị đến từ Giáo xứ Dốc Mơ đã nói trong phần chia sẻ- “Nếu với công việc của chúng con không được nhiều người trân trọng, thì Đức Cha lại rất yêu thương, lại rất quan tâm, đỡ nâng, và cho chúng con có ngày hôm nay.” Chính niềm vui mà nhiều người đang cảm nhận, Cha Đa Minh tiếp, “là động lực để chúng con tiếp tục làm đẹp cho cuộc đời.”

Bằng tâm tình rất gần gũi, Đức Cha chào thăm hết mọi người và nói đến những mục đích của ngày gặp gỡ. Với ý muốn mời mọi người trở về “ngôi nhà Tổ” của Giáo Phận, Đức Cha diễn giải, đây là ngôi nhà mà mọi người đều có chỗ ở đó, luôn được mời trở về nhà, từ thế hệ này sang thế hệ khác, một “ngôi nhà Tổ” dành cho mọi người, không phân biệt ai.

“Cùng mừng lễ Giáng Sinh, cùng chia sẻ niềm vui Giáng Sinh” tại “ngôi nhà Tổ” này là ý thứ hai trong chia sẻ của Đức Cha Giáo phận. Đây cũng là mục đích tiếp theo ý Đức Cha Giáo phận cùng với Đức Cha Phụ Tá Gioan và Đức Cha Cố Đa Minh mong muốn, nhờ đó, ngày Hội Ngộ được tổ chức. “Dù mong muốn được mừng Lễ Giáng Sinh với tất cả mọi người, nhưng vì hoàn cảnh, quý Đức Cha chỉ chọn một số những thành phần cụ thể để cùng mừng Lễ Giáng Sinh, mà trong số đó, là ông bà, anh chị em- những người đang làm công tác bảo vệ môi trường, thành phần được tuyển chọn.” Nói với tất cả mọi người, đặc biệt là những anh chị em không phải là người Công Giáo, Đức Cha chia sẻ “Ngày Lễ Giáng Sinh là ngày của niềm vui, nên Đức Cha mong ước mọi người, dù là Công Giáo hay không Công Giáo, cũng cùng hưởng nếm niềm vui này: Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, đem tình yêu xuống cho mọi người. Vì thế, niềm vui Giáng Sinh cũng dành cho cả người ngoài Công Giáo.”

Bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn với những công nhân, những người bảo vệ môi trường, được Đức Cha nói “Tôi muốn nói lên lòng kính trọng và biết ơn với quý ông bà, vì quý vị đã làm một công việc, mà với nhiều người, xem ra công việc ấy kém giá trị. Nhưng cho dẫu có nhiều người coi thường công việc của quý ông bà, nhưng hãy tin rằng vẫn có các Đức Giám Mục, các cha, các tu sĩ nam nữ và nhiều người khác rất kính trọng và biết ơn các anh chị em.” Không dừng lại ở đó, Đức Cha Giáo phận đã ngỏ lời tri ân họ mang tính công khai, khi chương trình ngày hội ngộ đang được phát trực tuyến “Thay mặt mọi người – cả những người chưa nói lời cám ơn – tôi xin cám ơn ông bà, anh chị em, những người đang vất vả hằng ngày để làm vệ sinh và bảo vệ môi trường.” Đức Cha tiếp “Một môi trường sạch, đường xá không rác là nhờ đến anh chị em. Và hãy thử tưởng tượng, nếu một ngày không có anh chị em thu dọn vệ sinh, gom rác, thì rác thải sinh hoạt của chúng ta ra sao, đường phố có thể sạch đẹp được không, có thể nào không có mùi hôi thối được chăng?”

Đặc biệt, từ những giá trị tinh thần tự nhiên, Đức Cha đã đẩy lên công việc của những người làm công tác này lên tầm giá trị siêu nhiên khi hằng ngày họ lao động cho môi trường “Khi quý ông bà làm cho môi trường xanh, sạch, đẹp, thì quý vị không chỉ là kiếm sống, nhưng trên hết tất cả, quý ông bà anh chị em đang cộng tác với Thiên Chúa- Đấng tạo dựng nên vũ trụ, trái đất- để bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất này, bảo vệ công trình Thiên Chúa dựng nên.”

Không chỉ chia sẻ tâm tình với những anh chị em làm công tác môi trường, nhưng Đức Cha còn nhắn gửi đến tất cả mọi người, đặc biệt là con cái trong Giáo phận “Qua phương tiện truyền thông trực tuyến, những người đang lắng nghe hay sẽ nghe, tôi xin mọi người: Hãy biết quan tâm, hãy biết ngỏ lời cám ơn đối với những người, những nhân viên vệ sinh môi trường. Xin mọi người hãy tìm cách làm thế nào để cho của những anh chị em đang phải làm vệ sinh môi trường được nhẹ nhàng hơn, được sạch sẽ hơn nhờ chính ý thức và hành động cụ thể trong việc gìn giữ vệ sinh và bảo vệ môi trường của từng người.”

Trước khi kết thúc phần chia sẻ, và lãnh nhận phép lành của Đức Cha Giáo Phận, ban tổ chức đã gửi đến từng người tham dự món quà của Đức Cha Giáo Phận, một phần quà có cả giá trị tinh thần lẫn vật chất mừng Lễ Giáng Sinh và dịp Năm Mới 2021 sắp đến.

Trịnh trọng và thân tình, quý khách mời hôm đó đã cùng dùng tiệc Giáng Sinh cùng với quý Đức Cha Giáo phận và quý Cha trong tình yêu thương con cùng một Cha trên trời trong nhà ăn tại Tòa Giám Mục.

Nếu lần thứ nhất được tổ chức vào dịp gần Tết Nguyên Đán 2020, thì năm nay, lần thứ hai, Ngày Hội Ngộ dành cho anh chị em đang làm công tác vệ sinh, dọn dẹp, bảo vệ môi trường, không phân biệt họ thuộc tôn giáo nào, được Giáo phận tổ chức vào dịp Lễ Giáng Sinh 2020, đem lại nhiều ý nghĩa của việc loan tin vui và chia sẻ hạnh phúc đến cho những người chưa biết Chúa.

Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
 
Đại Lễ Giáng Sinh Tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm
Trần Văn Minh
18:10 24/12/2020
Melbourne, từ lúc 8 giờ tối Thứ Năm 24/12/2020. Hợp cùng Giáo Hội Hoàn Vũ, Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm, thuộc Tổng Giáo phận Melbourne đã cử hành đại lễ Vọng Giáng Sinh 2020 thật trọng thể.

Thánh lễ trên lễ đài


Xem hình

Trong một ngày trời chiều hơi lạnh dù đang mùa Hè Nam Bán Cầu. Thời tiết có chút lạnh thất thường của Melbourne, lý tưởng cho các sinh hoạt ngoài trời và ý nghĩa của đêm Giáng Sinh. Đã được mọi người từ khắp nơi tề tựu đông đủ, để về ngôi nhà chung, cùng nhau dâng lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2020 trong niềm hân hoan mừng Đấng Cứu Thế nhập thể. Những tà áo dài đủ mầu sắc, và với đủ mọi thành phần dân Chúa từ quý cụ ông, cụ bà đi phải chống gậy, đi phải bám vào xe. Cho đến nam thanh, nữ tú, và các cháu thiếu nhi, với nét mặt tươi vui đã về dâng lễ mừng Chúa Sinh ra đời, vì Ngài là vị cứu tinh cho nhân loại. Ai cũng đến sớm để chào hỏi nhau và cũng để chụp hình trước giờ lễ.

Năm nay, cơn đại dịch Covid-19 đã không chừa bất cứ một quốc gia nào, cũng không chừa một nơi chốn nào và Melbourne cũng không ngoại lệ mà còn được kể là tệ hại hơn! Với những biện pháp cấm cách gắt gao, hầu như nhà thờ phải đóng cửa! Qua lời khẩn thiết cầu nguyện, Melbourne đã giảm bớt các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh. Nhưng, biện pháp phòng ngừa vẫn còn phải áp dụng, khoảng cách an toàn, mọi người phải mang khẩu trang vẫn phải tuân thủ, nên đại lễ năm nay mọi người đều phải ngồi cách xa nhau trong khoảng cách an toàn, từ trong nhà thờ, trong Hall, trên sân ngoài trời trước lễ đài, đều có người đến dâng lễ cùng cộng đoàn ngồi.

Đại lễ có hai phần chính: phần diễn nguyện Giáng Sinh và phần Đại Lễ Giáng Sinh. Phần diễn nguyện do các đoàn thể trong cộng đoàn, từ các em trong Đoàn Thiếu nhi, các thiếu niên giới trẻ và các ca đoàn trình diễn thật xuất sắc. Các em thiếu nhi và thiếu niên diễn lại hoạt cảnh thời sự về tai ương xẩy ra trong năm qua, như thảm họa cháy rừng, và gẩn nhất là đại dịch mà chúng ta đang phải hứng chịu, với lời khẩn cầu thật đơn sơ của các cháu thiếu nhi khẩn thiết cầu xin Chúa Hài Đồng xin thương chúng con. Hai cô Thanh Huyền và Lệ Hằng của Ca đoàn Babylon có sự phụ diên của các em múa làm cho sân khấu sinh động hơn. Kế đến là Ca đoàn Vô Nhiễm với một màn múa nhiều ý nghĩa. Kết thúc là phần trình diễn của Ca đoàn Cecilia.



Các diễn viên diễn rất hay, lại được sự phụ giúp của phần kỹ thuật âm thanh, ánh sáng nổi tiếng của anh Thành Khổng, và các anh Hạnh, Thiện, phần cắm hoa của cô Minh Nguyệt và nhiều người của cộng đoàn, đã giúp cho buổi đại lễ và diễn nguyện Giáng Sinh Năm 2020 rất tốt đẹp.

Đúng 9 giờ tối, Đại lễ Giáng Sinh do Linh mục Giuse Nguyễn Bảo Quốc SSS Quản nhiệm Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm chủ tế, và đặc biệt có Linh mục Raphael Võ Đức Thiện cựu Quản nhiệm cộng đoàn đồng tế. Sau khi đoàn đồng tế rước tượng Chúa Hài Đồng đặt nằm trong hang đá. Ca đoàn Cecilia dù phải giãn cách đã xuất sắc thể hiện các bản thánh ca của đêm Giáng Sinh cực Thánh thật tốt đẹp.

Trong bài chia sẻ, Linh mục Võ Đức Thiện đã nói về mầu nhiệm Giáng Sinh, ý nghĩ vè sự nhập thể Con Chúa xuống trần qua một, câu chuyện về một người đã hiểu ra ý nghĩa của Con Thiên Chúa xuống thế làm người.

Cuối lễ, Ông Cao Minh Đức, trưởng Ban mục vụ của cộng đoàn lên chúc mừng Giáng Sinh đến quý cha, quý tu sỹ nam, nữ, và toàn thể cộng đoàn. Trong cương vị trưởng ban mục vụ, ông cũng cám ơn đến tất cả các đoàn thể đã đóng góp cho phần diễn nguyện bằng cách hy sinh thời giờ để tập luyện. Quý vị trong các đoàn thể và cá nhân đã giúp trang trí lễ đài, cây thông, hang đá, cắm hoa cùng với cha quản nhiệm để không khí ngày đại lễ thêm long trọng và xinh tươi chào đón Chúa Giáng Sinh giúp tăng thêm niềm vui cho cả cộng đoàn.

Kết thúc đại lễ là phần phát quà của Ông già Noel, mọi người trước khi chia tay đã hân hoan chúc mừng Giáng Sinh an bình cho nhau. Trời về khuya, gió mát lạnh sau một thời gian dài bị cấm, nay có dịp gặp lại nhau, thấy mọi người cũng vui hơn. Lời chúc mừng Giáng Sinh. Ai cũng tươi cười rạng rỡ từ các em bé cho đến các cụ già trong niềm vui Mừng Chúa Giáng Sinh 2020.
 
Giáo xứ Tân Việt Thánh lễ Nửa đêm Giáng Sinh 2020
Vinh sơn Trần văn Đẩu
21:56 24/12/2020
“ Trong bầu khí thinh lặng thánh thiêng của Thánh lễ Nửa đêm hôm nay, chúng ta dâng lên Chúa tất cả tâm tình tạ ơn vì những gì Thiên Chúa đã dành cho Giáo hội, giáo xứ và mỗi người chúng ta”. Trên đây là lời nhắn nhủ của Lm chánh xứ Tân việt- Đaminh Vũ Ngọc Thủ - với cộng đoàn trong Thánh lễ Nửa đêm mừng Chúa Giáng Sinh do ngài chủ sự, diễn ra lúc 21g00 thứ năm 24/12/2020, tại nhà thờ Tân Việt, hạt tân Sơn Nhì.

Đến hiệp dâng Thánh lễ có quý tu sĩ, quý chức HĐMV, các đoàn thể CGTH và cộng đoàn dân Chúa.

Trước Thánh lễ, lúc 20g30 cộng đoàn tham dự giờ canh thức với chủ đề Thiên Chúa đồng hành với người trẻ hướng đến sự trưởng thành toàn vẹn.

Đúng 21g00, đại diện quý chức, các đoàn thể đón Lm chủ tế và Chúa Hài Đồng từ hang đá cuối nhà thờ tiến lên cung thánh bắt đầu Thánh lễ.

Xem Hình

Trước khi tiến lên bàn thờ, Lm chủ tế giơ cao tượng Chúa Hài Đồng cho toàn thể cộng đoàn cùng chiêm ngắm.

Đầu lễ Lm chủ tế nhắn nhủ: Trong bầu khí thinh lặng thánh thiêng của Thánh lễ Nửa đêm hôm nay, chúng ta dâng lên Chúa tâm tình tạ ơn vì những gì Thiên Chúa đã dành cho giáo hội, giáo xứ và mỗi người chúng ta.

Chia sẻ Tin mừng Lm chủ tế nói: Bài Tin mừng chúng ta nghe hôm nay rất thân quen trong đêm Chúa Giáng sinh, Thánh Giuse thuộc dòng tộc vua Đa vít quê quán ở Be lem cho nên từ Naderet đưa Đức Maria về quê quán để khai sổ. Đúng vào dịp đó Đức Maria mãn nguyệt khai hoa, Ông bà nghèo đến nỗi không có tiền thuê quán trọ nên tìm hang đá giữa đêm đông lạnh lẽo để sinh con.

Ngài quảng diễn thêm Chúa Giêsu mà chúng ta dang chiêm ngắm trong thinh lắng Chúa nói với chúng ta rất nhiều điều từ niềm vui nỗi buồn, hạnh phúc hay đau khổ hãy đến với ta, ta sẽ bổ sức cho các ngươi.

Ngài kết luận Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy yêu thương chịu đựng lẫn nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

Thánh lễ tiếp tục với lời nguyện tín hửu và dâng của lễ.

Trước khi kết thúc Thánh lễ Lm chủ tế gởi lời chúc mừng Giáng sinh đến toàn thể cộng đoàn dân Chúa.

Thánh lễ kết thúc lúc 22g30, mọi người cùng chúc nhau lời chúc tốt đẹp nhất trong khi ra về trong bình an và niềm vui của đêm Giáng sinh.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Văn Hóa
Các Mục đồng ngày lễ Chúa Giêsu giáng sinh
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
12:59 24/12/2020
Hằng năm khắp nơi trong toàn thể Giáo hội Công gíao đều xây dựng hang đá mừng biến cố trọng đại Chúa Giêsu gíang sinh làm người trong không khí tưng bừng vui mừng cùng tin tưởng.

Những bộ tượng đặt trong hang đá giáng sinh ngoài hài nhi Giêsu, Đức Mẹ Maria, Thánh Giuse ra còn có tượng các người mục đồng, và những con vật chiên bò lừa của họ nữa.

Quang cảnh cảnh này ngay từ thời Giáo hội sơ khai cuối thế kỷ 1. sang đầu thế kỷ 2. sau Chúa giáng sinh đã được viết thuật lại trong sách phúc âm theo Thánh sử Luca

„Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật.9 Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng.10 Nhưng sứ thần bảo họ: "Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân. (Lc 2,8-10).

Các mục đồng là ai, và tại sao hài nhi Giêsu, Con Thiên Chúa, lại sinh ra giữa nơi họ trú ngụ để canh giữ đàn súc vật?

Các người chăn dắt đàn súc vật di chuyển chỗ ở nay đây mai đó tìm đồng cỏ xanh tươi, suối nước uống trong lành cho súc vật như chiên, cừu, bò…được gọi là những mục đồng.

Họ có cuộc sống khổ cực, nghèo cùng đơn giản ngoài đồng ruộng, trên sướn núi dưới thung lũng hoang dã. Xã hội cần những mục đồng nuôi chăm sóc đàn súc vật. Nhưng họ lại bị nhìn với ánh mắt coi thường khinh rẻ cùng bị nghi kỵ. Vì họ bị cho là những người thất học hay ít học có cuộc sống nghèo cực khổ ngoài lề hay bên ngoài sinh hoạt nếp sống xã hội.

Theo Kinh Thánh nơi sách Sáng Thế đã nói đến nghề nghiệp mục đồng ngay từ thời cổ đại, thời đồ đá. Tổ phụ Isaac có hai người con: Esau làm nghề mục đồng săn bắt thú vật ngoài đồng ruộng, và Jacob trầm tĩnh hơn làm nghề nông. ( Sáng Thế ký 25,5-11).

Theo truyền thống Do Thái và truyền thống văn hóa Hylạp nghề mục đồng được nhìn theo khía cạnh tích cực. Các vị tổ phụ, như Thánh Tiên tri Mose, Vua thánh David là những người mục đồng chăn dắt đàn súc vật trên đồng cỏ.

Và Thánh vịnh đã nói đến Thiên Chúa là người mục đồng chăn dắt nuôi dưỡng con người.( Tv 23,1).

Chính Thiên Chúa đã đoan hứa Đấng cứu thế là một vị mục đồng sẽ sinh ra cho toàn dân. ( Sách Tiên tri Mika 5,4).

Vì thế, sự sinh ra của Vị mục tử Đấng cứu thế, mang lại sự công chính cho dân chúng được trông mong chờ đợi nơi mục đồng xứ Bethlehem.

Các Hoàng đế vua chúa của đế quốc Roma thời xa xưa như Caesare, Augustus cũng tự nhận hay được phong là những vị mục tử ( đồng) với nhiệm vụ lo cho dân được no cơm ấm áo có đời sống hòa bình thịnh vượng.

Khi suy tư về vai trò của các mục đồng, người Hylạp nghĩ rằng các mục đồng nhận ra nơi hài nhi Giêsu sơ sinh là vị vua. Nhà thơ Vergil có suy tư Thiên Chúa thường mặc khải những điều bí ẩn nhiệm mầu cho các mục đồng. Và nhà thần học, giáo phụ Origenes ( 185-245) cũng có suy tư như Vergil, khi cho rằng Thiên Thần loan tin vui hài nhi Giêsu giáng sinh trước hết cho các mục đồng. Vì họ là những người đơn sơ chất phác sẵn sàng đón nhận Ngôi Lời của Thiên Chúa.

Nơi nhiều nền văn hóa hình ảnh người mục đồng là hình ảnh một người cha có tầm hồn tầm nhìn bao quát biết lo liệu.

Hài nhi Giêsu, Con Thiên Chúa, đã chọn mở mắt chào đời giữa họ và cho họ trước tiên. Họ là những người tiên khởi được tận mắt nhìn thấy, cùng tận tai nghe tiếng Thiên Thần Chúa hiện đến báo tin vui mừng: Hài nhi Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng cứu thế sinh ra cho trần gian ở ngay giữa chuồng nuôi súc vật của họ bên vùng Bethlehem.

Và họ là những người đầu tiên được nhìn tận mắt hài nhi Giêsu. Cũng có thể có ai trong bọn họ đã sốt sắng nói một vài lời thân thương với hài nhi Giêsu, có thể họ đã chạm bàn tay thân ái vào hài nhi Giêsu nữa không chừng! Và tuy nghèo nàn, nhưng lòng cảm thương họ cũng có thể mang món qùa gì trong tầm tay đang có cho hài nhi Giêsu đã sinh ra giữa cảnh hèn hạ thiếu thốn qúa cám cảnh trong chuồng nuôi súc vật.

Và như thế, Chúa Giêsu đã mang đến sự kính trọng nhân phẩm của họ là hình ảnh con Thiên Chúa. Chúa Giêsu, Con Thiên muốn có cuộc sống nghèo nàn gần gũi con người không phân biệt giai cấp.

Hằng năm mừng lễ sinh nhật Hài nhi Giêsu xuống trần gian, các mục đồng trong đêm thánh năm xưa được nhắc nhớ đến là những người đầu tiên hành hương kéo đến thăm viếng chiêm ngưỡng hài nhi Giêsu. Nhưng họ lại không được kính trọng là những vị Thánh trong Gíao Hội. Và trong nếp sống phụng vụ Giáo Hội họ không có chỗ đứng ngày lễ kính tưởng nhớ.

Kinh Thánh nói đến các mục đồng được Thiên Chúa hiện ra báo tin, và họ là những nhân chứng cho biến cố đêm thánh hài nhi Giêsu sinh ra làm người. Nhưng họ chỉ được kể như một tập thể những người canh giữ đàn súc vật ngoài đồng ruộng. Tên của họ không được biết nhắc đến. Và sau này kinh thánh cũng không nói đến họ nữa.

Nhưng niềm vinh dự cao cả cho họ là sau này khi đi rao giảng nước Thiên Chúa, chính Giêsu đã nghĩ nhớ đến họ, đến đời sống công việc trách nhiệm đầy lòng yêu thương của họ. Nên ngài đã nhận mình là người mục đồng chăn dắt đoàn chiên! ( Phúc âm Thánh Gioan 10, 11- 14).

Còn vinh dự nào cao qúi hơn nữa cho những Mục Đồng của đêm thánh vô cùng năm xưa ở cánh đồng Bethlehem!

Mừng lễ Chúa giáng sinh Giêsu

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa, Chương Mười Hai
Vũ Văn An
21:48 24/12/2020

Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa
Nguyên tác: Jaroslav Pelikan,
Bản tiếng Việt: Vũ Văn An





CHƯƠNG MƯỜI HAI: CON NGƯỜI PHỔ QUÁT

Vì sự thật ở trong Chúa Giêsu, nên anh em hãy nên mới trong tinh thần tâm trí anh em, và mặc lấy bản tính mới.

“Khám phá Thế giới và Con người” và “Phát triển Cá nhân” là hai thể tài chính của Phong Trào Phục Hưng trong các thế kỷ 14, 15 và 16, như Jacob Burckhardt, nhà giải thích hiện đại nổi tiếng nhất của phong trào này, từng phát biểu:

“Thời Trung Cổ, cả hai phía của ý thức con người, tức phía nhìn vào bên trong và phía nhìn ra bên ngoài, đều nằm mơ hay nửa ngủ nửa tỉnh dưới một tấm màn chung. Tấm màn này được dệt bằng đức tin, ảo tưởng, và các thiên kiến trẻ con, qua đó, thế giới và lịch sử được khoác cho nhiều sắc mầu kỳ lạ...[Nhưng trong phong trào Phục Hưng ở Ý] phía chủ quan... tự khẳng định...: con người trở thành một cá nhân tâm linh, và nhận ra mình như vậy. Hãy coi các kiểu nói uomo singolare uomo unico như các giai đọan cao hơn và cao nhất của việc phát triển cá nhân” (1).

Burckhardt không nói việc thay đổi trên là do việc bác bỏ thẩm quyền của nhân vật Giêsu; nhưng điều đáng lưu ý là, trong bối cảnh này, ông không hề nhắc chi tới Chúa Giêsu cả.

Tuy nhiên, nghịch lý thay, chính ý niệm và danh xưng Phục Hưng (rinascimento, tái sinh), bất chấp nguồn gốc tối hậu của nó là đâu, đã đi vào ngữ vựng của nền văn minh Âu Châu chủ yếu nhờ giáo huấn của Chúa Giêsu (2). Tin Mừng Gioan cho thấy Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng “thật, quả thật, tôi nói cho ông hay, trừ khi sinh ra một lần nữa [renatus trong Bản Phổ Thông], người ta không thế thấy nước Thiên Chúa” (Ga 3:3). Và ở gần cuối Sách Khải Huyền được gán cho cùng vị Thánh Tông Đồ Gioan, Chúa Giêsu “Đấng ngự trên ngai, phán “này đây, Ta làm mọi sự ra mới” (Kh 21:5). Mặc dù họ đặt việc “sinh ra mới” của Phong Trào Phục Hưng ở thế tương phản với sự suy đồi biểu kiến của Gôtích hay man rợ thời Trung Cổ, các nhà duy nhân bản của Phong Trào Phục Hưng không chịu lép bất cứ người trình bầy thần học Trung Cổ nào trong việc họ ca ngợi Chúa Giêsu và lòng tôn sùng đối với Người. Thực thế, Erasmus thành Rotterdam, khi trích dẫn đoạn Tin Mừng Gioan vừa dẫn, đã làm cho việc đồng nhất Phong Trào Phục Hưng với con người Chúa Giêsu càng minh nhiên hơn nữa. Trong lời nói đầu của ấn bản “Tân Ước Hy Lạp” năm 1516 của mình, ông viết “Triết lý của Chúa Kitô, một triết lý chính Người gọi là ‘tái sinh’ [renescentia], đâu là gì khác hơn là việc phục hồi bản tính [nhân loại] trở lại sự tốt lành nguyên thủy lúc nó được tạo dựng” (3). Cuốn Vita Nuova (đời sống mới) của Dante dường như cũng thăm dò cùng một thể tài đổi mới và “sự sống mới” này. Cho nên, trong công thức khá thích hợp của Kanrad Burdach, “Phong trào Phục Hưng, một phong trào từng thiết lập ra một ý niệm mới về nhân tính, nghệ thuật, và sinh hoạt văn chương và bác học” xuất hiện “không phải để chống lại Kitô giáo” cũng như phần lớn thuật chép sử hiện đại như Burckhardt từng tưởng tượng, “nhưng xuất hiện từ cái sinh khí trọn vẹn của việc phục hồi tôn giáo” (4). Từ đó, chính danh hiệu Con Người Phổ Quát, một danh hiệu đã được biết, cả trong các tạp chí bình dân, như là một khẩu hiệu của Phong Trào Phục Hưng (5), và là danh hiệu các nhà duy nhân bản không những sử dụng mà còn cố gắng hiện thân, có thể dùng như một tóm lược nói về thế đứng được tư duy và nghệ thuật Phục Hưng dành cho Chúa Giêsu, như là Đấng duy nhất có thể được gọi là uomo singolare uomo unico theo nghĩa hẹp nhất và toàn diện nhất. Vì “Con Người Phổ Quát” trong truyền thống Kitô giáo vốn đã là danh hiệu của Người từ lâu (6) và trong phong Trào Phục Hưng, nó đã trở thành của riêng họ.

Nỗ lực coi Phong Trào Phục Hưng như một cuộc nổi loạn của phái duy thiên nhiên chống lại các ý tưởng truyền thống và trung cổ về Chúa Kitô như tín lý nhập thể và ý niệm hai bản tính, thần thiêng và nhân bản, dường như đã trở thành gần như qui điển nơi các sử gia thế kỷ 19 của nghệ thuật Phục Hưng. Về nguồn gốc các giải thích này cũng như về phần lớn nguồn gốc của cả lịch sử tư tưởng lẫn lịch sử mỹ thuật trong thế kỷ 19, chúng ta phải tìm tới Goethe. Tiểu luận của ông về bức tranh Last Supper của Leonard da Vinci, viết bằng tiếng Đức năm 1817 và công bố bằng bản dịch tiếng Anh, sau đó, chỉ 4 năm, đã coi việc Leonard mô tả Chúa Giêsu như là “cố gắng mạnh bạo nhất nhằm gắn bó với thiên nhiên, trong khi, cùng một lúc, đối tượng có tính siêu nhiên” với kết quả là “sự uy nghi, ý muốn không bị kiểm soát, quyền năng của Thần Tính” không được nói lên (7). Trong cuốn sách gây ảnh hưởng rộng rãi The Renaissance. Studies in Art and Poetry, Walter Pater, trong khi thừa nhận mình mang ơn Goethe, tuy nhiên đã đưa ra kết luận riêng của mình là “dù [Leonard da Vinci] liên tục xử lý các đối tượng thánh thiêng, ông là người phàm tục nhất trong các họa sĩ”. Cho nên, Pater tìm cách giải thích Last Supper của Leonardo, dù nó xử lý một trong các chủ đề thánh thiêng nhất, như là một bức tranh trong đó, việc thiết lập Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu trong đêm Người bị phản bội chỉ cung cấp “cái cớ cho một loại công trình đưa người ta ra ngoài lãnh vực các liên tưởng qui ước”. Gợi hứng của công trình này là chủ nghĩa duy thiên nhiên, duy thẩm mỹ hoàn toàn tách biệt với các thể tài, theo qui ước, vẫn được liên kết với hình ảnh Chúa Giêsu:

“Ở đây là một cố gắng nữa để bứng một thể tài có sẵn ra khỏi lĩnh vực liên tưởng theo qui ước của nó. Sau mọi khai triển huyền nhiệm của thời Trung Cổ, điều lạ là cố gắng coi Phép Thánh Thể, không như Mình Thánh lu mờ trên bàn thờ, nhưng như người sắp từ giã bằng hữu mình... Vasari cho rằng chiếc đầu của nhân vật chính không bao giờ được hoàn tất. Nhưng hoàn tất hay không hoàn tất, hay một phần do hiệu quả của việc nó dần dần bị lu mờ đi với thời gian, đầu của Chúa Giêsu vẫn đã thâu tóm tình cảm của cả nhóm – những bóng ma qua đó bạn nhìn thấy bức tường, mờ ảo như bóng những lá cây trên bức tường vào một buổi chiều mùa thu. Khuôn mặt đó nguyên tuyền có tính mờ ảo, mang tính bóng ma (spectral) hơn hết” (8).

Tuy nhiên, gần đây hơn, các sử gia về nghệ thuật Phục Hưng đã tiến tới chỗ giải thích điều được cho là chủ nghĩa duy thiên nhiên này một cách tinh tế và sâu sắc hơn. Do đó, một chuyên khảo bởi sử gia nghệ thuật Leo Steinberg về việc các họa sĩ Phục Hưng đã mô tả ra sao tính dục của Chúa Giêsu đã tiếp nhận một chủ đề đáng lẽ có thể dẫn tới chủ nghĩa duy cảm (sensationalism), nhưng thay vào đó, đã liên kết chủ đề này với các chủ đề quán xuyến chính trong tín lý nhập thể như “tân điểm(centrum) của nền chính thống Kitô giáo”. Nó lập luận rằng không giống như nhiều tiền thân của nó trong lịch sử Kitô giáo, “nền văn hóa Phục Hưng không những đẩy mạnh nền thần học nhập thể (như Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp cũng đã làm) mà nó còn phát triển các mô thức có tính đại biểu thoả đáng để phát biều nền thần học này nữa”. Cho nên, nó kết luận “chúng ta có thể coi nghệ thuật Phục Hưng như giai đoạn trước hết và sau hết của nghệ thuật Kitô Giáo với tư cách có thể đòi hỏi cho mình trọn vẹn tính chính thống của Kitô giáo” (9). Mặc dù có thể có vấn đề với lối giải thích này về các hệ luận thần học của các ảnh tượng Byzantine, lối giải thích này vẫn mạnh mẽ hơn nhiều đối với Chúa Kitô của Phong Trào Phục Hưng, một lối giải thích trong đó, lịch sử nghệ thuật và lịch sử trí thức cùng đến với nhau.

Một trong nhiều bức chân dung Phục Hưng về Chúa Giêsu như Con Người Phổ Quát có thể phối hợp cách tuyệt vời một số chủ đề quán xuyến và “hình ảnh” mà chúng ta đang thảo luận xuyên suốt sách này là bức “Chúa Cứu Thế” (The Savior) của Kyriakos Theotokopoulos, người mà hậu thế gọi là El Greco. Người mẫu cho bức chân dung là một thanh niên Do Thái ở Toledo, vì El Greco muốn coi trọng căn tính Do Thái của Chúa Giêsu. Rõ ràng là ông đã học được phong cách vẽ chân dung từ các bậc thầy của Phong Trào Phục Hưng Ý, nhất là từ sư phụ của ông là Titian. Nhưng điều làm cho bức chân dung này cách biệt với nhiều bức chân dung khác cùng thời là một đặc tính khác: “ánh sáng trong các bức tranh của ông gần như không có bất cứ điều gì chung với ánh sáng ban ngày. Nó đại diện cho một loại ‘bừng nở mầu sắc siêu nhiên’ như René Huyghe đã nhận định... Nó được mô tả như “một loại trải nghiệm tâm linh tỏa ra từ con mắt linh hồn đầy đức tin của El Greco’” (10). Chúa Giêsu này quả thực là một nhân vật lịch sử, và Người quả thực là người Do Thái; nhưng Người được vẽ hình một cách như vẫn đứng trong truyền thống ảnh tượng Byzantine, trong tư cách Chúa Giêsu Hiển Dung. Và tất cả những điều này tràn ngập tinh thần huyền nhiệm Kitô Tây Ban Nha của thế kỷ 16, nền huyền nhiệm mà El Greco vốn làm việc trong bầu khí của nó. Kết quả là một tổng hợp tuyệt diệu nhiều truyền thống nghệ tuật, huyền nhiệm và thần học khác nhau, một tổng hợp làm cho sự hiện diện của nó được cảm nhận cùng khắp viễn tượng Phục Hưng về Chúa Giêsu như Con Người Phổ Quát.

Một phát ngôn viên đại biểu cho quan điểm Phục Hưng này về Con Người Phổ Quát là Donato Acciaiuoli, một nhà duy nhân bản và chính khách, thuộc một trong các gia đình nổi danh nhất Florence. Trong một bài giảng ngày 13 tháng 4 năm 1468, bàn về cùng một chủ đề như bức tranh của Vinci, ông trình bầy Phép Thánh Thể khác hẳn “nhiều cuộc tìm hiểu tinh tế mà các tiến sĩ [kinh viện] vốn làm liên quan đến chất thể, mô thức, nguyên nhân tác thành và nguyên nhân mục đích của nó, và việc bản thể của bánh và rượu biến đổi ra sao để trở thành thân thể hết sức thực sự của Chúa Kitô”. Nhưng sẽ là một việc lỗi thời nghiêm trọng khi hiểu một tranh luận như thế chống nền thần học kinh viện có tính triết lý như là việc bác bỏ tín lý chính thống về việc nhập thể của Con Thiên Chúa trong con người mang tên Giêsu. Trái lại, Acciaiuoli tái khẳng định tín lý đó một cách thành thực và mạnh mẽ dù ông tách mình ra khỏi chủ trương kinh viện (hay như chính ông nói, ra khỏi sự bóp méo và biến chất không cần thiết):

“Chúa Giêsu Kitô, Cứu Chúa của chúng ta, thưa các cha qúy mến, sau khi thụ hưởng bản tính nhân loại bởi việc trước nhất mang xác phàm của chúng ta và sau đó qua suốt đời sống Người trong việc giảng dậy người ta và truyền bá học thuyết của Người nơi các người nghe, trong việc giải thoát người yếu đuối và làm người chết sống lại, trong việc tha tội và trong những việc làm thánh thiện nhất, đã hiến mình như điển hình độc đáo của mọi thứ nhân đức”.

Cho nên, như Trinkaus nhận định, đối với Donato, Phép Thánh Thể là “mô thức quan trọng nhất qua đó Chúa Kitô củng cố đức tin vào giáo thuyết của Người, như là việc tưởng niệm cuộc Nhập Thể thần thiêng nhờ đó và qua đó, Chúa Kitô trở thành bậc thầy vĩ đại của loài người”. Trong lòng tôn kính Chúa Giêsu như “bậc thầy và gương mẫu”, Donato Acciaiuoli quả đã tham dự cuộc phục hồi của Thánh Phanxicô (hay, có lẽ hay hơn, cuộc phục hưng của ngài) đối với bức chân dung của Tin Mừng và đối với Chúa Giêsu vốn được ca ngợi trong cùng một thế kỷ bởi cuốn Gương Phúc Chúa Kitô. Như thế, “quả là khó và chủ yếu là võ đoán nếu tách quan điểm của các nhà nhân bản về bản tính nhân loại ra khỏi cách tiếp cận đặc biệt của họ đối với tôn giáo (đặc biệt, bức tranh của họ về Chúa Giêsu), hay, mặt khác, làm ngược lại” (11).

Dante Alighieri, mà chỗ đứng trong lịch sử huyền nhiệm Kitô đã được khảo sát trên đây, cũng chiếm một chỗ đứng quan trọng trong lịch sử tranh ảnh Phục Hưng về Chúa Giêsu. Các quán quân của thời Trung Cổ và Phục Hưng có thể tranh luận về việc người nào trong số họ có nhiều ảnh hưởng đối với Dante; nhưng vì các mục đích hiện tại của chúng ta, như Jacob Burckhardt đã thừa nhận, điều cần phải nhấn mạnh là “ở mọi điểm chủ yếu” trong các giải thích có hệ thống của ông về Phong Trào Phục Hưng Ý, “nhân chứng đầu tiên phải nêu ra là Dante”, có lẽ một cách hùng biện hơn cả trong trình bày của Burckhardt về chính lý tưởng l’uomo universale, Con Người Phổ Quát (12). Tuy nhiên, đến một mức mà Burckhardt vẫn chưa đánh giá thỏa đáng, gợi hứng của Dante cho lý tưởng đó, cũng như cho cả thi ca và sự nghiệp chính trị của ông, là điều không thể tách biết khỏi con người của Chúa Giêsu.

Gợi hứng đó làm cho sự hiện diện của nó được cảm nhận trong chính tựa đề cuốn sách đầu tiên của Dante, Vita Nuova. “Đời sống mới” mà nó đề cập có ý nói trước nhất đến tuổi trẻ Dante vì nhà thơ cũng dùng cùng một cụm từ trong Divine Comedy để mô tả các năm đầu đời của ông (13). Nhưng giản lược ý nghĩa của nó vào giai đoạn đó mà thôi không hẳn đúng cho chính cụm từ và cho lập luận của công trình,vì các hình ảnh tinh tế và cách chơi chữ nhiều lớp lang của nó. Do đó, trong Vita Nuova, Dante giới thiệu một phụ nữ tên Giovanna (Gioanna), người tình của “người bạn đầu tiên” của ông, Guido Cavalcanti; tên gọi đùa của cô là Primavera (Xuân). Nhưng ở đây, người ta bảo Dante rằng sở dĩ Giovanna được gọi là Primavera vì, trong tư cách người loan báo cho Beatrice, nàng đến đầu tiên (“prima verrà”). Như thế, theo một nghĩa nào đó, tên của nàng phát xuất từ tên gọi đùa của nàng, và nàng được gọi là Giovanna để tôn vinh Thánh Gioan Tẩy Giả, người cũng đã đến trước như người được sai đến để loan báo việc xuất hiện của Chúa Kitô (14). Do đó, chính Beatrice, như sự nhập thể của tình yêu, theo kiểu nói của Singleton, là “một loại suy và ẩn dụ của Chúa Kitô” (15).

Nếu đó là điều Beatrice thực sự là “ngay trong Vita Nuova” thì hẳn “trong Commedia, nàng hẳn trở thành biểu tượng của thần học, ngành học được ơn thánh soi sáng, thậm chí chính đức tin Kitô giáo” (16). Gần cuối Purgatorio, nàng hứa với Dante rằng “với em mãi mãi anh sẽ là một công dân của Rome ấy nơi Chúa Kitô ngự, một ‘người Rôma’”, nghĩa là thiên đàng (17). Paradiso, xuyên suốt, là một toàn cảnh lời hứa ấy được nên trọn. Như “hướng dẫn viên dịu dàng và qúy yêu” của nhà thơ (18), Beatrice có chức năng hướng dẫn ông, và độc giả, đến với Chúa Kitô và Mẹ Người, những Đấng không bao giờ có thể tách rời nhau và đôi khi hầu như không tài nào có thể phân biệt được. Trong lời Beatrice nói với Dante sau đây, Đức Maria là “bông hồng trong đó Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành xác phàm” nhưng giống như mọi thứ hoa trong “vườn” Thiên Chúa, ngài cũng “nở rộ dưới các tia sáng của Chúa Kitô” chứ không phải do năng lực của chính ngài (19). Ngài là “bông hoa xinh đẹp mà tôi luôn kêu cầu sáng chiều”, bông hoa mà tình yêu thiên thần vẫn ca hát rằng nó sẽ “lượn quanh ngài, hỡi Đức Bà Thiên Quốc, cho đến lúc ngài theo chân Con ngài và thậm chí làm cho lãnh giới cao nhất có tính thần thiêng hơn bằng cách bước vào đó” (20). Chính giữa luồng thánh ca dâng kính Nữ Vương Thiên Đàng, Regina Coeli, ấy mà Thánh Phêrô và Giáo Hội chiến thắng nhận được “kho tàng chiến thắng dưới Con Thiên Chúa hiển dương và Đức Maria” (21). Dựa trên những cảnh tượng như thế như ba khổ thơ sau cùng, mô tả Thiên Cung với Thánh Bernard thành Clairvaux và Đức Nữ Trinh, một số học giả nổi danh về Dante đã gợi ý rằng tập chú của Paradiso là tập chú vào Đức Maria hơn là vào Chúa Kitô, Đấng, ở cuối bài thơ, dường như đã trở thành siêu việt đến nỗi với tới không được. Sau khi đã dành cho “Beatrice một vị trí trong diễn trình cứu độ khách quan... một yếu tố phá vỡ tín lý của Giáo Hội”, Dante dường như đã hòa lẫn Beatrice và Đức Maria thành nguyên mẫu “người nữ muôn thuở” của Goethe và người thay thế cho Chúa Giêsu Kitô (22). Nhưng nếu đó là ấn tượng của một số học giả, thì nó vẫn không phải là ý định của nhà thơ (23). Vì dù cho ông ngây ngất trước khúc thơ dâng kính Đức Maria, ông vẫn mô tả dung nhan ngài như “khuôn mặt giống Chúa Kitô” (24). Bằng đôi mắt, ngài hướng dẫn nhà thơ chú ý tới “Ánh sáng trường cửu” nhờ đó chính ngài được soi sáng, và tới Tình Yêu trường cửu, nhờ đó, ngài được cứu vớt và nâng đỡ, Ánh Sáng và Tình Yêu chỉ phát xuất qua Chúa Giêsu, Con Người Phổ Quát, Con Thiên Chúa và Con Đức Maria (25).

Dante cũng rút tỉa từ nhân vật Giêsu để xây dựng lý thuyết chính trị của ông. Vốn thuộc phe Ghibelline, ông ủng hộ quyền của đế quốc chống lại các đòi hỏi trần thế của ngôi giáo hoàng. Lý lẽ thần học biện minh cho các đòi hỏi này là việc Chúa Kitô ủy nhiệm cho Thánh Phêrô, trao cho ngài chìa khóa nước trời, để “bất cứ điều gì [quodcumque)” ngài buộc hay tha ở dưới đất, bất luận trong Giáo Hội hay trong nhà nước, cũng được cầm hay tha ở trên trời (Mt 16:18-19). Nhưng Dante nhấn mạnh rằng Chúa Kitô không có ý định để chữ “bất cứ điều gì” này bị hiểu là “tuyệt đối” và bất phân biệt, nhưng có nghĩa nó “phải liên quan đến một loại sự việc đặc thù mà thôi”, tức là, quyền ban ơn xá tội và tha thứ” (26). Mặc dù tín lý kinh thánh về việc dựng nên một nhân loại duy nhất theo hình ảnh Thiên Chúa hàm nghĩa một chính quyền thế giới duy nhất là điều tốt nhất, nhưng điều này không có nghĩa ngôi vị Giáo Hoàng có cả thẩm quyền tinh thần lẫn trần đời hay nó nên hành xử như một chính quyền thế giới (27). Vì con người được dựng nên cho hai mục tiêu “hạnh phúc ở đời này... và hạnh phúc ở cuộc sống trường cửu” (28). Hạnh phúc ở đời sống trường cửu là hồng phúc và thành quả của Chúa Kitô và của sự đau khổ của Người; nhưng ngay giữa lúc Người đang đau khổ, cũng chính một Chúa Kitô này đã phán với Phôngxiô Philatô: “Nước Tôi không thuộc thế gian này” (Ga 18:36).

Theo Dante, không nên coi điều ấy, như chủ nghĩa duy tục sau này sẽ chủ trương, “như thể Chúa Kitô, vốn là Thiên Chúa, không phải là chúa tể của thế gian này”; đúng hơn, nó có nghĩa “như một gương sáng cho Giáo Hội”, Người không thi hành quyền thống trị các vương quốc trần gian (29). Như thế, sẽ công bình hơn cho chủ trương của Dante trong De Monarchia (Về Chế Độ Quân Chủ) khi nói rằng điều có vấn đề với ông là mối tương quan giữa hai nhóm câu nói của Chúa Giêsu, cả hai đều có thẩm quyền, và vấn đề quen thuộc thuộc khoa giải thích là quyết định xem câu nói nào phải được giải thích dưới ánh sáng của câu nào. Ông lý luận rằng, điều trung thành nhất đối với thánh ý Thiên Chúa như đã phát biểu rõ ràng trong cuộc sống và giáo huấn của Chúa Giêsu là để Giáo Hội là Giáo Hội và đế quốc là đế quốc, chứ không được bắt tính cách chủ yếu của người này phụ thuộc người kia. Mặt khác, như Kantorowics đã nhận xét rất đúng:

“Tính nhị nguyên của mục đích không nhất thiết hàm nghĩa sự mâu thuẫn trong các lòng trung thành hay thậm chí một phản đề. Không hề có phản đề giữa ‘nhân bản’ và ‘Kitô hữu’ trong công trình của Dante, người đã sáng tác trong tư cách Kitô hữu và ngỏ lời với xã hội Kitô giáo, và là người, trong đoạn cuối của cuốn De Monarchia, đã nói rõ ràng rằng ‘theo một cách nào đó [quodammodo], hạnh phúc tử sinh được sắp đặt hướng tới hạnh phúc bất tử’” (30).

Cả với điều đó, thẩm quyền cao nhất của ông là ơn mạc khải vốn xuất hiện nơi Chúa Giêsu Kitô. Tuy thế, phần lớn các học giả Phục Hưng có lẽ đều gặp nhau ở phán đoán cho rằng “nếu chúng ta cố gắng đánh giá sự đóng góp tích cực của nền học giả duy nhân bản vào nền thần học Phục Hưng, ta phải nhấn mạnh trước hết tới các thành quả của họ trong điều có thể gọi là nền ngữ học thánh thiêng” (31). “Nền ngữ học thánh thiêng” theo nghĩa này tham dự vào ‘việc phục hồi văn hóa cổ thời’ tổng quát hơn, như Burckhardt đã gọi, trong đó, các nhà duy nhân bản Phục Hưng đã vướng vào. Burckhardt gợi ý rằng “nếu không nhờ sự hào hứng của một số nhà sưu tập thời ấy, những người đã không từ bất cứ cố gắng nào hay thiếu thốn nào trong các cuộc tìm kiếm của họ, thì chắc chắn chúng ta chỉ sở hữu được một phần rất nhỏ nền văn chương, đặc biệt của Hy Lạp, mà hiện chúng ta đang có trong tay” (32). Nhiệt tâm đối với nền văn chương cổ điển thời cổ không phải chỉ là niềm hoài cổ hay thu tích học hỏi, dù cả hai điều này chắc chắn đều có đó. Đúng hơn nó được đặt cơ sở trên niềm xác tín rằng nguồn gốc chính gây ra sự hời hợt và mê tín hiện nay là sự ngu dốt về quá khứ cổ điển và do đó, việc phục hồi quá khứ này sẽ là liều thuốc cứu chữa. Khẩu hiệu vì thế là “Ad fontes!” (“trở về nguồn!”).

Mặc dù “các nguồn” cổ điển trên bằng cả tiếng Latinh lẫn Hylạp, với Cicero có lẽ là tác giả quan trọng nhất, nhưng sự canh tân vĩ đại do chủ nghĩa nhân bản của Phong Trào Phục Hưng khởi xướng đã kích thích người ta nghiên cứu văn chương Hy Lạp. Petrarch tiếp nhận sách viết tay của Homer từ Nicholas Sygeros thành Constantinople và rất qúy hóa nó, nhưng không bao giờ học để đọc được nó, đến nỗi, như chính ông viết trong lá thư gửi cho người tặng sách, điều “chắc chắn là một thú vui, nhưng không ích lợi gì, khi xem người Hy Lạp trong bộ quần áo riêng của họ” (33). Câu truyện cảm kích này có thể nhắc nhở ta rằng IliadOdyssey phần lớn không được ai biết đến thời Trung Cổ, ngoại trừ như là bối cảnh làm nền cho Aeneid. Nhưng khi các học giả Hy Lạp từ Constantinople di cư tới Tây Phương, mang theo các sách cổ điển chép tay của họ, họ quả đã giúp kích thích người ta biết đến các tác giả Hy Lạp (34). Tuy nhiên, danh sách các tác giả này không những chỉ bao gồm các triết gia, thi sĩ, kịch tác gia cổ điển Hy Lạp, mà còn bao gồm các giáo phụ và nhà soạn nhạc thánh ca Hy Lạp nữa (35). Trên hết, một bản văn Hy Lạp mà mọi người háo hức muốn học để đọc được là Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp. Vì tiếng Hy Lạp của Homer và Platông phần lớn không được ai biết đến trong hầu hết thời Trung Cổ thế nào, thì phần lớn các nhà thần học và giảng thuyết hàng đầu thời Trung Cổ đều không có khả năng đọc bản văn nguyên thủy của Tân Ước một cách có thế giá như vậy. Ngay Thánh Augustinô cũng thế, sự hiểu biết của ngài về tiếng Hy Lạp Kinh Thánh và giáo phụ cũng rất giới hạn. Dù có thiên tài về khoa giải thích, ngài cũng đã không đưa ra được các phán đoán độc lập về ngữ học của riêng mình hoặc sử dụng được các học giả Kitô giáo nói tiếng Hy Lạp là những người thuộc một ngôn ngữ vốn là ngôn ngữ nguyên thủy của Tân Ước. Hoàn cảnh này phát sinh ra một “sự ‘cô lập huy hoàng’ sẽ có những hậu quả rất đáng kể đối với nền văn hóa của Giáo Hội Latinh” (36). Thánh Tôma Aquinô, cũng thế, trong các giải thích của ngài, ngài lệ thuộc vào bản dịch Latinh của Kinh Thánh, và đôi khi vào bản dịch sai. Chẳng hạn, ngài đã bước theo các người đi trước trong việc áp dụng câu 5:32 của thư Êphêsô nói về hôn nhân: “đây là một mầu nhiệm vĩ đại” mà bản Phổ Thông vốn dịch là “Sacramentum hoc magnum est” như bằng chứng kinh thánh chứng minh hôn nhân là một trong bẩy bí tích của Giáo Hội (37).

Việc tái thu nhận Tân Ước Hy Lạp của các học giả Phương Tây trong các thế kỷ 15 và 16 đem đến một việc duyệt xét có hệ thống về ngữ học mọi bản văn đã từng được sử dụng làm bằng chứng như thế. Người tiên phong trong chiến dịch này là học giả người Ý Lorenzo Valla, người vốn là “nhà nhân bản độc đáo và gây ảnh hưởng nhiều nhất trong số các nhà nhân bản Ý” (38). Trong cuốn châm biếm Tán Dương Thánh Tôma Aquinô (Encomium of Saint Thomas Aquinas), ông kêu gọi phải từ chủ nghĩa kinh viện trở về thời cổ đại Kitô giáo chân chính do Thánh Augustinô và các giáo phụ khác đại diện, nhưng trên hết, trở về chính Tân Ước (39). Cuốn Chú Giải Tân Ước (Annotations on the New Testament) của Valla không phải là cuốn chú giải tổng thể và có hệ thống về các sách Tin Mừng và các thư, nhưng gồm các ghi chú không liên tục về văn phạm và ngữ học của một số bản văn khác nhau. Ông tấn công việc đồng hóa ngây ngô hạn từ nguyên thủy trong tiếng Hy Lạp mystērion với hạn từ Latin sacramentum, vì thực sự hạn từ này không hề có ý nói đến các hành động nghi thức của Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập, nhưng có ý nói đến sự thật này: Thiên Chúa trước đây vốn dấu ẩn nhưng nay đã mạc khải trong Chúa Kitô. Tương tự như thế, lời kêu gọi, mà với nó Chúa Giêsu đã bắt đầu rao giảng, không nói như thời Trung Cổ đọc sai, là “hãy làm việc đền tội [Poenitentiam agite]”, mà là “Hãy ăn năn” (repent) nghĩa là “hãy hồi hướng tâm trí các ngươi lại”; và lời thiên thần chào Trinh Nữ Maria, kecharitōmenē trong tiếng Hy Lạp không hẳn có nghĩa “đầy ơn thánh (gratia plena)” như Kinh Kính Mừng vốn đọc, mà có nghĩa là “rất được sủng ái” (highly favored) (40).

Mặc dù việc Valla áp dụng khoa ngữ học thánh vào các bản văn Hy Lạp của Tân Ước gây tranh cãi vào thời ông và, cùng với việc các nhà Cải Cách sử dụng loại ngữ học ấy, giúp kích thích Công Đồng Trent biến bản Phổ Thông bằng tiếng Latinh trở thành bản văn chính thức của Kinh Thánh, không phải Valla, mà là đồng nghiệp nổi tiếng hơn của ông là Erasmus thành Rotterdam, người đã nâng việc phục hồi sứ điệp nguyên thủy của Chúa Giêsu, dựa vào các nguồn tiếng Hy Lạp, lên hàng một chương trình tổng thể cải cách Giáo Hội và phục hưng thần học. Ông làm thế vào năm 1505 khi cho công bố cuốn Chú Giải Tân Ước của Valla, với lời nói đầu của chính ông được gọi là “Lời dạy khai mạc của Erasmus như là Giáo sư toàn quyền ngỏ cùng Thế giới Kitô giáo” (41). Ông nhấn mạnh, thần học phải đặt cơ sở trên văn phạm. Quả là “Ad fontes”: kiến thức Tân Ước trong nguyên bản Hy Lạp là điều có tính yếu tính cho một nhà giải thích sứ điệp của các sách Tin Mừng. Tân Ước nguyên thủy bằng tiếng Hy Lạp phải được giải phóng khỏi mọi dịch sai trong Bản Phổ Thông, các giải thích sai do các nhà thần học sau đó áp đặt, và các sai lạc về bản văn do các người sao chép đưa vào. Để đạt mục tiêu này, năm 1516, Erasmus cho công bố cuốn sách quan trọng nhất của ông, Novum Instrumentum, bản in đầu tiên Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp, một cuốn sẽ cách mạng hóa mãi mãi hình ảnh Chúa Giêsu trong nền văn hóa Tây Phương. Ảnh hưởng hiển nhiên nhất của nó có thể phát sinh nhờ Phong Trào Cải Cách Thệ Phản, nhưng việc nghiên cứu Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp thì không hề chỉ giới hạn nơi người Thệ Phản. Vì không những các nhà nhân bản Công Giáo La Mã như Valla và Erasmus, mà cả một vị giáo phẩm trổi vượt của Giáo Hội Công Giáo La Mã ở Tây Ban Nha, Đức Hồng Y Ximénez, Tổng Giám Mục Toledo và sáng lập viên của Đại Học Alcalá, cũng cổ vũ việc nghiên cứu ấy, tạo ra cả một việc in ấn Sách Thánh phong phú đa ngôn ngữ, tức cuốn Thánh Kinh Bằng Nhiều Thứ Tiếng Của Đại Học Complutense (The Complutensian Polyglot Bible) gồm 6 cuốn; phần Tân Ước của nó đã in năm 1514, 2 năm trước cuốn Novum Instrumentum, nhưng chỉ lưu hành sau cuốn của Erasmus.

Mặc dù Erasmus được tưởng nhớ nhất nhờ cuốn Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp và các tác phẩm châm biếm của ông, nhất là cuốn Ca Ngợi Điên Rồ (The Praise of Folly) năm 1509, nhưng cũng trong các công trình này, ông dấn thân vào ơn gọi suốt đời ông là dùng ngữ học thánh làm phương thế khám phá và tái khám phá philosophia Christi “Triết lý của Chúa Kitô”. Trong Ca Ngợi Điên Rồ, ông kêu gọi các vị Giáo Hoàng coi trọng tước hiệu “đại diện Chúa Kitô” của các ngài và “bắt chước đức khó nghèo, các trách vụ, giáo huấn, thập giá, và sự dửng dưng của Người đối với tiện nghi”; vì điều hiển nhiên từ việc đọc các sách Tin Mừng là “toàn bộ giáo huấn của Chúa Kitô không khắc ghi điều gì mà chỉ là đức hiền lành, sự khoan dung, và không quan tâm tới chính sự sống của mình” (42). Một cách hùng biện hơn cả, ông trình bày triết lý của Chúa Kitô này trong cuốn Enchiridion militis Christiani (Thủ Bản của Hiệp Sĩ Chúa Kitô) xuất bản năm 1503. Thể tài chính của nó là “Hãy biến Chúa Kitô thành mục đích duy nhất của đời bạn. Hãy dành cho Người hết mọi hứng khởi của bạn, hết mọi cố gắng của bạn, hết mọi nhàn rỗi cũng như mọi bận bịu của bạn. Và đừng coi Chúa Kitô chỉ như một lời nói, một biểu thức trống rỗng, nhưng đúng hơn như đức ái, như sự đơn sơ, kiên nhẫn và trong trắng – tóm lại, trong mọi sự Người đã dạy chúng ta”. Vì Chúa Giêsu là “nguyên mẫu duy nhất của sự tốt lành” (43).

Chúa Giêsu chân chính, do đó, là Chúa Giêsu của các sách Tin Mừng, mà cuộc đời và giáo huấn cần được nghiên cứu dựa vào các nguồn nguyên thủy trong Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp. Trong phần kết luận của cuốn Enchiridion, Erasmus bênh vực việc phối hợp philosophia Christi và chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo chống lại “một số kẻ gièm pha nghĩ rằng tôn giáo đích thực chẳng có chi liên quan với các môn nhân văn [bonae literae]” hay với “việc hiểu biết tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh” (44). Nhưng chính nhờ việc nghiên cứu có tính nhân bản các sách Tin Mừng, bằng cách sử dụng cùng các phương pháp văn chương và bác học ngữ học mà các nhà nhân bản đồng nghiệp của Erasmus vốn áp dụng vào các bản văn khác của cổ thời cổ điển, độc giả có thể khám phá ra ý nghĩa của các sách Tin Mừng và nhờ thế học được “lời lẽ sự sống” do Chúa Giêsu nói ra, những lời “tuôn ra từ một linh hồn không bao giờ, dù chỉ một lúc, tách biệt khỏi thần tính, và một mình chúng phục hồi chúng ta trở lại sự sống muôn đời” (45). Các sách Tin Mừng là chìa khóa để biết Chúa Giêsu. Tuy nhiên, cùng một lúc, điều ngược lại cũng đúng: Chúa Giêsu là chìa khóa để biết ý nghĩa của các sách Tin Mừng và của Sách Thánh nói chung. Thay vì “mãi bằng lòng với chữ viết trống không” dù cho nó có vững chãi về bản văn và chính xác về văn phạm, độc giả nên “bước vào các mầu nhiệm sâu xa hơn” vốn chỉ có đó qua con người Chúa Giêsu. Vì “không ai biết Chúa Con ngoài Chúa Cha và bất cứ người nào Chúa Con chọn để mạc khải Người” (46).

Trong cố gắng muốn gỡ con người và sứ điệp của Chúa Giêsu ra khỏi các biến thái mà các nhà thần học kinh viện đã áp đặt lên chúng, Erasmus đã quay trở lại với “chủ nghĩa Socrát Kitô giáo” của nhiều nhà văn Kitô giáo tiên khởi. Châm ngôn “hãy tự biết mình” là một châm ngôn được nhiều nhà văn cổ điển cổ thời “tin là được trời gửi đến”, nhưng một Kitô hữu phải chấp nhận nó vì nó rất ăn ý với sứ điệp Kinh Thánh và giáo huấn của Chúa Giêsu. Vốn là “tác giả của khôn ngoan và Chính Người là Sự Khôn Ngoan hiện thân, là Ánh sáng đích thực, Đấng một mình phá tan đêm đen điên rồ trần gian”, Chúa Giêsu Kitô từng dạy rằng “triều thiên khôn ngoan là các ngươi tự biết mình” (47). Do đó, sứ điệp của Người là mạc khải từ chính Thiên Chúa, không có mạc khải này, chỉ có “điên rồ” và bóng tối. Thế nhưng Erasmus cũng đưa ra lời kêu gọi này: “Đường Chúa Kitô là đường có lý và hợp luận lý nhất ta phải bước theo... Khi bạn từ bỏ thế gian để theo Chúa Kitô, bạn không bỏ mất điều gì cả. Đúng hơn, bạn đổi nó để lấy một điều tốt hơn nhiều. Bạn đổi bạc lấy vàng, đổi đá lấy qúy kim” (48). Và, để duy trì “chủ nghĩa Socrát Kitô giáo” này, ông “tiến cử phái Platông một cách cao độ nhất” trong tất cả các phái cổ điển, “không những vì tư tưởng của họ mà còn vì cách họ phát biểu rất gần với cách phát biểu của các sách Tin Mừng” (49). Vì sự hòa hợp ấy với những điều tốt đẹp nhất từng được dạy và biết đến ở khắp mọi nơi là điều đã làm cho Chúa Giêsu thành Con Người Phổ Quát.

Việc rõ ràng đánh đồng philosophia Christi với triết lý ngoại giáo này đã khiến Martin Luther xác tín rằng Erasmus không nghiêm túc trong việc tán thành sứ điệp Kinh Thánh, nhưng trong yếu tính là một kẻ hoài nghi, “một Epicurus” và một người dạy luân lý. Vì có quá nhiều sử gia của Phong Trào Cải Cách và sử gia của tín lý Kitô giáo là sản phẩm của gia tài Lutherô, nên họ có khuynh hướng theo chân Luther trong phán đoán này. Nhưng khi làm thế, họ không những đọc sai Erasmus mà còn làm chứng gian chống lại ông. Như một nhà giải thích Erasmus từng nhận định, “phần lầm lẫn, hiểu sai cho là tính phù phiếm ngoại giáo trong thời nghiêm túc, đã phản bội Erasmus” (50). Vì khi qua đời ngày 12 tháng 7 năm 1536, Erasmus, trung thành đến cùng với philosophia Christi và với Giáo Hội do Con Người Phổ Quát thiết lập, không phải như Giáo Hội hiện là mà như Chúa Giêsu muốn nó là, đã lãnh nhận các bí tích của Giáo Hội ấy, dầu thánh của phép xức dầu và của ăn đàng (viaticum) cho chuyến hành trình sau cùng và chết miệng còn đọc Kinh cầu cùng Chúa Giêsu, kinh mà ông lặp đi lặp lại “O Jesu misericordia, Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót; Domine libera me, Lạy Chúa xin giải thoát con” (51).
______________________________________________________________________________________________

Ghi Chú

(1) Jacob Burckhardt, The Civilization of the Renaissance in Italy, bản tiếng Anh của Samuel George Chetwynd Middlemore, 2 vols (1929; New York: Harper Torchbooks, 1958) 1:143 và ghi chú 1; in ngả trong nguyên bản.
(2) Harold Rideout Willoughby, Pagan Regeneration (Chicago: University of Chicago Press, 1929) tr. 287-88.
(3) Erasmus, Paracelsis, In Christian Humanism and the Reformation: Selected Writings of Erasmus, ed. John C. Olin (New York: Fordham University Press, 1975) tr. 100.
(4) Konrad Burdach, “Sinn und Ursprung der Worte Renaissance und Reformation” Reformation Renaissance Humanismus, 2nd ed. (Berlin and Leipzig: Gebruder Paetel, 1926) tr. 83.
(5) Webster’s Third New International Dictionnary of the English Language Unabridged s.v “Renaissance” (trích dẫn Horizon Magazine).
(6) Xem Pelikan, Christian Tradition, 2: 75-90
(7). Goethe, “Observations on Leonard da Vinci’s celebrated Picture of the Last Supper” in Goethe on Art. Ed. John Gage (Berkeley and Los Angeles: University of California Press, 1980) tr. 192.
(8). Walter Pater, The Renaissance. Studies in Art and Poetry: The 1893 text, ed. Donald H. Hill (Berkeley and Los Angeles: University of California Press, 1980) tr 93-95.
(9) Leo Steinberg, The Sexuakity of Christ in Renaissance Art and in Modern Oblivion (New York: Pantheon, 1983) tr.71-72
(10) Treasures of the Vatican (New Orleans: Archdiocese of New Orleans, 1984) tr. 57
(11) Charles Trinkaus, In Our Image and Likeness: Humanity and Divinity in Italian Humanist Thought, 2 vols (Chicago: University of Chicago Press, 1973) 2:644-50.
(12) Jacob Burckhardt, The Civilization of the Renaissance 1:151; xem cả 1:147
(13) Dante: Purgatorio 30.15
(14) Dante, Vita Nuova 24, trong Mark Musa, Dante’s “Vita Nuova”: A Translation and an Essay (Bloomington: Indiana University Press, 1973) tr. 52.
(15) Charles S. Singleton, An Essay on the “Vita Nuova” (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1949) tr. 112.
(16) Bergin, Dante, tr.85.
(17) Dante, Purgatorio 32.101-02
(18) Dante Paradiso, 23.34
(19) Dante Paradiso, 23.71-74
(20) Dante Paradiso, 23.106-08
(21) Dante Paradiso 23.133-39.
(22) Ernst Robert Curtius, European Literature and the Latin Middle Ages, bản tiếng Anh của Willard R. Trask (Princeton: Princeton University Press, 1973) tr.372-73
(23) Muốn có một cuộc thảo luận cẩn trọng, nên xem Etienne Gilson, Dante and Philosophy, bản tiếng Anh của Vaid Moore (New York: Sheed and Ward, 1949) tr. 1-80.
(24) Dante Paradiso 32.85-86.
(25) Dante Paradiso 33.43; 33.135
(26) Dante, On World-Goverment or De Monarchia, bản tiếng Anh của Herbert W. Schneider (New York: Liberal Arts Press, 1957) tr.64
(27) Dante, De Monarchia 1.8 Schneider ed. tr. 11
(28) Dante, De Monarchia 3.16 Schneider ed. tr. 78
(29) Dante, De Monarchia 3.15 Schneider ed. tr. 77
(30) Ernst H. Kantorowics, The King’s Two Bodies: A Study in Medieval Political Theology (Princeton: Princeton University Press, 1957) tr. 464.
(31) Paul Oskar Kristeller, Renaissance Thought: The Classic, Scholastic, and Humanistic Strains (New York: Harper Torchbooks, 1961) tr. 79
(32) Jacob Burckhardt, The Civilization of the Renaissance 1.196
(33) Petrarch to Nicholas Sygeros, 10 tháng Giêng 1354, trong Letters from Petrarch, ed. Morris Bishop (Bloomington: Indiana University Press, 1966) tr. 153
(34) Deno J. Geanakoplos, Greek Scholars in Venice. Studies in the Dissemination of Greek Learning from Byzantium to Western Europe (Cambridge Mass., Harvard University Press, 1962)
(35) Xem Pelikan, Christian Tradition 4:76-78
(36) Peter Brown, Augustine of Hippo tr.271
(37) Thánh Thomas Aquinas, Summa Theologica 3.44; Pelikan, Christian Tradition 3:212; 4:295
(38) Charles Trinkaus, “Introduction” to Valla trong Renaissance Philosophy of Man ed. Ernst Cassirer et al. (Chicago: University of Chicago Press, 1948) tr.147
(39) Hanna Holborn Gray, “ Valla’s Encomium of St Thomas Aquinas and the Humanist Conception of Christian Antiquity” trong Three Essays (Chicago: University of Chicago Press,1978) tr. 23-40
(40) Về tất cả các đoạn này xin xem Pelikan, Christian Tradition 4:308-09.
(41) E. Harris Harbison, The Christian Scholar in the Age of Reformation (New York: Charles Sribner’s Sons, 1956) tr. 85.
(42) Erasmus, The Praise of Folly, trong The Essential Erasmus, ed. John Patrick Dolan (new York: New American Library, 1964) tr. 157, 165.
(43) Erasmus, Enchiridion 2.4, 2.6; Dolan ed. tr. 58, 71
(44) Erasmus, Enchiridion kết luận; Dolan ed. tr. 93
(45) Erasmus, Enchiridion 1.1; Dolan ed. tr. 33
(46) Erasmus, Enchiridion 1.2; Dolan ed. tr. 38; Lc 10:22
(47) Erasmus, Enchiridion 1.3; Dolan ed. tr. 42, 40. Xem tr. 81 bên trên
(48) Erasmus, Enchiridion 2.3; Dolan ed. tr. 56-57
(49) Erasmus, Enchiridion 1.2; Dolan ed. tr. 36
(50) Marjorie O’Rourke Boyle, Christening Pagan Mysteries: Erasmus in Pursuit of Wisdom (Toronto:University of Toronto Press, 1981) tr.92
(51)Roland H. Bainton, Erasmus of Christendom (New York: Charles Scribner’s Sons, 1969) tr. 272.
 
VietCatholic TV
Tuyệt vời: Lời Chúc Giáng Sinh và Năm mới của Tổng thống Trump tràn đầy đức tin và hy vọng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
01:20 24/12/2020


1. Thông điệp chúc mừng Giáng Sinh của tổng thống Donald Trump

Chúng tôi đã tường thuật với quý vị và anh chị em buổi lễ thắp sáng cây thông Giáng Sinh của tổng thống Donald Trump và phu nhân tại Tòa Bạch Ốc.

Trong chương trình này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và anh chị em lời cầu chúc Giáng Sinh và Năm Mới của tổng thống và phu nhân.

Mở đầu tổng thống nói:

Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến mọi gia đình trên toàn quốc. Đệ nhất phu nhân và tôi muốn chúc tất cả các bạn một mùa Giáng Sinh thật vui vẻ. Đối với những Kitô hữu, đây là một khoảng thời gian để nhớ đến ân sủng vĩ đại nhất Thiên Chúa đã ban cho thế giới. Hơn 2000 năm trước Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel đã hiện ra với Đức Maria và thánh thiên thần nói rằng “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”. Chín tháng sau, Chúa Kitô được sinh ra ở thị trấn Bethlehem. Con Thiên Chúa đã đến thế giới này trong một chuồng gia súc nghèo hèn.

Như các tín hữu Kitô ở khắp mọi nơi biết rõ, sự ra đời của ngôi Hai Thiên Chúa và là vị cứu tinh của chúng ta đã thay đổi lịch sử mãi mãi. Vào ngày lễ Giáng Sinh, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì Người đã sai con trai duy nhất của Người đến để chết cho chúng ta và ban hòa bình vĩnh cửu cho toàn thể nhân loại. Hơn hai thiên niên kỷ sau sự ra đời của Chúa Giêsu Kitô, những lời dạy của Ngài tiếp tục truyền cảm hứng và nâng đỡ hàng tỷ tỷ người trên toàn cầu. Lời Thiên Chúa vẫn đong đầy trái tim chúng ta với tràn trề hy vọng và đức tin. Và các Kitô hữu ở khắp mọi nơi vẫn cố gắng sống theo điều răn bất hủ của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ của ngài: hãy yêu thương nhau. Trên tất cả, trong suốt mùa thánh thiêng này linh hồn chúng ta tràn đầy lòng cảm mến, ngợi khen và chúc tụng dành cho Thiên Chúa toàn năng đã ban Con Một của Ngài cho chúng ta để cứu chuộc thế giới. Đêm nay, chúng ta cầu xin Thiên Chúa tiếp tục ban phước cho quốc gia này và chúng ta cầu nguyện xin Chúa ban cho mọi gia đình một mùa Giáng sinh tràn đầy niềm hy vọng và hòa bình.

Thay mặt cho Melania và toàn bộ gia đình Trump, xin gửi lời chúc mừng Giáng Sinh đến tất cả mọi người và những lời chúc tốt đẹp nhất cho một năm mới hạnh phúc và tuyệt vời. Cảm ơn tất cả các bạn.


Source:White House

2. Tuyên bố vào giờ chót của Tòa Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Latinh ở Giêrusalem

Hôm 15 tháng 12, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, 55 tuổi, là Tân Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Latinh tại Giêrusalem vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào tháng 10 vừa qua, cho biết ngài và 5 vị khác trong Tòa Thượng Phụ đã nhiễm coronavirus.

Trong bối cảnh như thế, Tòa Thượng Phụ đã không thể đưa ra một chương trình lễ Giáng Sinh cho mãi đến đầu tuần này sau khi Bộ Y Tế Israel xác nhận ngài đã vượt qua được virus Tầu độc địa.

Thông báo của Tòa Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Latinh ở Giêrusalem cho biết như sau:

Đức Thượng Phụ Pierbattista Pizzaballa muốn cho mọi người biết rằng, sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và sau khi đã đáp ứng các hạn chế theo quy định, hôm nay, ngày 22 tháng 12 năm 2020, Ngài đã nhận được xác nhận chính thức từ Bộ Y tế Israel rằng Ngài có thể tự do đi lại, không cần cách ly nữa. Do đó, ngài sẽ chủ sự các cử hành Giáng sinh ở Bethlehem.

Nhân dịp này, ngài cũng bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với tất cả những ai, bằng nhiều cách khác nhau, đã bày tỏ tình đoàn kết và cầu nguyện cho ngài trong thời kỳ này.

Trong một thông báo khác, chính quyền Palestine cho biết là theo truyền thống, vào chiều ngày 24 tháng 12, các thiếu nhi tại Bethlehem sẽ chào đón Đức Thượng Phụ đến từ Giêrusalem. Tuy nhiên, năm nay chính quyền Palestine hạn chế chỉ cho các thiếu nhi ở địa phương tham gia vào cuộc rước này. Các thiếu nhi ở các thành phố lân cận không được phép tham gia.

Đúng nửa đêm, Đức Thượng Phụ, cùng với các Giám Mục Phụ Tá của ngài sẽ cử hành thánh lễ tại đền thờ Giáng Sinh trên quảng trường Máng Cỏ. Trong thánh lễ này, ngoài một số linh mục, và tu sĩ dòng Phanxicô quản thủ Thánh Mộ, không giáo dân nào được phép tham gia.

Cách hang đá Bethlehem 2.5km về phía đông, tại nhà nguyện Cánh Đồng Chăn Chiên, nơi theo truyền thống thiên thần đã hiện ra với các mục đồng, các linh mục dòng Phanxicô sẽ cử hành một thánh lễ khác cho anh chị em giáo dân trong vùng, và cũng được cử hành đúng vào nửa đêm.


Source:Latin Patriarchate of Jerusalem


3. Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Thổ Nhĩ Kỳ qua đời vì COVID-19

Hôm thứ Tư 23 tháng 12, Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Đức Cha Rubén Tierrablanca González, Giám Quản Tông Tòa của Istanbul và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Thổ Nhĩ Kỳ, đã qua đời hôm thứ Hai do các biến chứng liên quan đến COVID-19. Vị Giám Mục 68 tuổi này đã phải nhập viện ba tuần trước và phải dùng đến máy trợ thở.

Đây là một tin rất buồn cho Giáo Hội tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi việc bổ nhiệm một Giám Mục rất khó khăn vì chính sách chèn ép đến mức bách hại thẳng tay của chính quyền Hồi Giáo.

Ngài là “Một người cống hiến cho đối thoại giữa các tôn giáo, đặc biệt là với những người Hồi giáo Sufi mà ngài đã phát triển mối quan hệ thân thiết,” Đức Cha Paolo Bizzetti, Giám Quản Tông Tòa của Anatolia và là chủ tịch Caritas Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

“Trong nhiều năm, ngài là cha tổng đại diện của Đức cha Louis Pelâtre, vì vậy ngài nhận thức rõ rằng Giáo hội Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là một tôn giáo thiểu số rất nhỏ, không được pháp luật công nhận, nhưng có giá trị lớn. Ngài thích ở đất nước này, mặc dù anh ấy biết giới hạn của nó”.

Chính Đức Cha Bizzeti cũng bị bệnh nặng với COVID-19 nhưng hiện đang hồi phục. Ngài cho biết đã “luôn được thông báo về tình trạng của Đức Cha Tierrablanca.”

“Thật không may, tình trạng hôn mê kéo dài về mặt y tế không phải là một dấu hiệu tích cực. Chúng tôi đã hy vọng những phản ứng thuận lợi sau khi ngài nhận được một loại thuốc thử nghiệm mới vào tuần trước”; nhưng thay vào đó, “cơ thể của ngài đã không chịu nổi”. Virus đã thắng thế.

Đức Cha Bizetti nói: “Chúng tôi là bạn của nhau. Khi tôi đến Istanbul, tôi đã đến ở với ngài. Ngài là một mục tử, nhưng trên hết ngài là một người trầm tính, tốt bụng và luôn chào đón. Tôi chưa bao giờ thấy ngài tức giận hay lo lắng; ngài biết cách thực hiện nhiệm vụ của mình một cách khiêm tốn, ngay cả khi là chủ tịch Hội đồng Giám mục... Ngài thật là một người đàn ông đáng yêu! “

“Ngài thích sự đa dạng văn hóa, lịch sử, tôn giáo cổ đại của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài đã đến Istanbul với một kế hoạch do các tu sĩ dòng Phanxicô lập, đặc biệt tập trung vào đối thoại giữa các tôn giáo, mà ngài đã dẫn đầu. Đồng thời, ngài không bao giờ quên những khó khăn mà các Kitô hữu phải đối mặt với tư cách là thiểu số tại đất nước này. Quan trọng hơn, ngài không phải là một người chùn bước khi đối mặt với vấn đề hoặc khó khăn.”

Đức Cha Rubén Tierrablanca González sinh ngày 24 tháng 8 năm 1952 tại Cortazar, miền trung Mễ Tây Cơ. Ngài sang Thổ Nhĩ Kỳ truyền giáo vào năm 2003 và vào năm 2016, ngài trở thành Giám Quản Tông Tòa tại thủ đô kinh doanh của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như giám quản tông tòa tại Constantinople cho người Hy Lạp. Năm 2018, ngài được bầu làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Thổ Nhĩ Kỳ.

Thời trẻ, ngài theo học tại tiểu chủng viện dòng Phanxicô và nhập tập viện ngày 22 tháng 8 năm 1970. Ngài khấn trọn vào ngày 2 tháng 8 năm 1977, sau đó được thụ phong linh mục Dòng Anh Em Hèn Mọn vào năm sau.

Vị đại diện tông tòa của Istanbul “là một người theo chủ nghĩa hiện thực; ngài không có ảo tưởng và chọn những vấn đề cần giải quyết để thúc đẩy sự phát triển của Giáo hội địa phương. Trước hết, điều này đòi hỏi phải thúc đẩy đời sống giáo phận, bao gồm nhiều nam nữ tu sĩ từ nước ngoài, đặc biệt là từ Âu châu và phương Tây.” Vì lý do này, “ngài đã dấn thân xây dựng cộng đồng địa phương, tìm người để phục vụ miền Giám Quản Tông Tòa Istanbul.”

‘Đối với các tín hữu, sự mất mát này là một nỗi buồn lớn. Đồng thời, chúng ta biết rằng ngài này đã đến thiên đường vào đêm trước Giáng sinh “.

Đối với vị Giám Quản Tông Tòa của Anatolia và là chủ tịch Caritas Thổ Nhĩ Kỳ, “ba khía cạnh trong sứ mệnh của Đức Cha Tierrablanca sẽ vẫn là: con người của đối thoại và cộng tác, ngay cả ở mức đồng nghị; liên tục tìm kiếm đối thoại với các tôn giáo khác, dựa trên sự tôn trọng và chấp nhận; và mong muốn xây dựng Giáo hội Thổ Nhĩ Kỳ ở cấp giáo phận bằng cách gia tăng trách nhiệm và chăm sóc mục vụ.”


Source:Asia News


4. Trung Quốc tấn phong một Giám Mục mới

Cha Phêrô Lưu Căn Châu (Liu Genzhu, 刘根珠) được tấn phong làm giám mục giáo phận Hồng Đông – Lâm Phần (Hongdong-Linfen, 洪东-临汾) thuộc tỉnh Sơn Tây vào sáng thứ Ba 22 tháng 12. Việc bổ nhiệm của ông đã được Tòa thánh và bọn cầm quyền Trung Quốc công nhận.

Cha Lưu Căn Châu đã trở thành tổng đại diện của giáo phận Lâm Phần từ năm 2010. Giáo phận đã trống tòa kể từ năm 2006, sau cái chết của Đức Cha Tôn Nguyên Mặc (Sun Yuanmo, 孙元墨). Mặc dù cha Lưu là ứng viên được Tòa thánh xem xét trong một thời gian dài, Tòa Thánh đã không có ý muốn bổ nhiệm ngài làm Giám Mục vì thấy ngài đi nước đôi. Bọn cầm quyền Bắc Kinh cũng tỏ ra nghi ngờ ngài.

Lễ tấn phong giám mục này là lần thứ hai sau khi thỏa thuận Trung Quốc-Vatican được gia hạn vào tháng 10 vừa qua. Đầu tiên là lễ tấn phong Giám Mục cho linh mục Tôma Trần Thiên Hào (Chen Tianhao, 陈天豪) 58 tuổi, được tấn phong giám mục cho giáo phận Thanh Đảo (Qingdao,青岛), tỉnh Sơn Đông (Shandong, 山东).

Tin tức về việc tấn phong Giám Mục cho Cha Lưu Căn Châu ngay lập tức được Hiệp hội Yêu nước và Hội đồng Giám mục Trung Quốc đưa tin. Tòa Thánh, cho đến nay, vẫn giữ im lặng về buổi lễ này.

Cả hai linh mục Phêrô Lưu Căn Châu và Tôma Trần Thiên Hào đều là các chủ tịch hay phó chủ tịch của Hiệp hội Yêu nước địa phương.

Chủ phong trong lễ tấn phong Giám Mục cho cha Lưu Căn Châu là Đức Cha Phaolô Mạnh Ninh Hữu (Meng Ningyou, 孟宁友) giám mục Thái Nguyên (Taiyuan, 太原) và là Chủ tịch Hiệp hội Yêu nước tỉnh Sơn Tây. Những người phụ phong gồm có Đức Cha Vũ Tuấn Vĩ (Wu Junwei, 武俊伟) của giáo phận Vận Thành (Yuncheng, 运城); Đức Cha Đinh Linh Bân (Ding Lingbin, 丁灵斌)của Giáo phận Trường Trị (Changzhi, 长治). Đồng tế trong thánh lễ có Đức Cha Phaolô Mã Tồn Quốc (Ma Cunguo - 馬存國) Giám Mục Sóc Châu (Shouzhou -朔州).

Đức Cha Phaolô Mạnh Ninh Hữu là một trong 7 Giám Mục Trung Quốc được tha vạ tuyệt thông sau khi hiệp định Vatican - Trung Quốc được ký kết ngày 22 tháng 9, 2018.

Hồi tháng 7 vừa qua, Đức Cha Mã Tồn Quốc đã là Giám Mục thầm lặng thứ ba ra “hồi chánh” với bọn cầm quyền chỉ trong vòng hơn một tháng. Hai “hồi chánh viên” khác là Đức Cha Phêrô Lý Huệ Nguyên (Li Huiyuan - 李慧源) của giáo phận Phượng Tường (Fengxiang - 凤翔) và Đức Cha Lâm Gia Thiện (Lin Jiashan - 林家善) của giáo phận Phúc Châu (Fuzhou -福州).

Linh mục Dương Tức (Yang Yu, 杨玉), Phó tổng thư ký Hội đồng Giám mục Trung Quốc, đã công bố nhiệm vụ mà cơ chế này giao cho vị tân giám mục, thay mặt cho tất cả các giám mục Trung Quốc, trong đó có các nhiệm vụ cơ bản là “hướng dẫn các linh mục và tín hữu của giáo phận tôn trọng Hiến pháp, bảo vệ sự thống nhất của đất nước và sự hòa hợp xã hội, yêu đất nước và Giáo hội, theo phương châm Trung Quốc Hóa Công Giáo, góp phần hiện thực hóa Giấc mơ Trung Hoa.”

Tân Giám mục Lưu Căn Châu sinh ngày 12 tháng 10 năm 1966 tại huyện Hồng Đông tỉnh Sơn Tây. Năm 1991, ông hoàn thành chương trình học tại chủng viện tỉnh Thiểm Tây và được thụ phong linh mục cùng năm. Tháng 6 năm 2010, ông được bổ nhiệm làm Tổng đại diện giáo phận Lâm Phần. Ông là thành viên của Hiệp hội Yêu nước Trung Quốc, và là phó chủ tịch của Hiệp hội Yêu nước của tỉnh Sơn Tây.

Theo thống kê mới nhất được thực hiện vào năm 2014, giáo phận Hồng Đông – Lâm Phần có khoảng 40 ngàn tín hữu, với 16 giáo xứ và một trăm nhà nguyện; khoảng 50 linh mục đang tham gia vào công việc mục vụ ở đó; một hội dòng các nữ tu trong giáo phận hoạt động trong việc dạy giáo lý và chăm sóc y tế.


Source:Asia News
 
Giáng sinh tại hai nước Đức Thánh Cha viếng thăm năm ngoái; Thái Lan và Nhật Bản
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:38 24/12/2020


Một năm sau khi Đức Thánh Cha viếng thăm 2 quốc gia này, tình hình Giáo Hội tại những nơi này ra sao?

Trước hết là tại Thái Lan, năm 2015, viện Gallup hợp tác với tổ hợp thăm dò dư luận WIN đã phỏng vấn 64,000 người trên thế giới về quan điểm tôn giáo và việc thực hành niềm tin tôn giáo của họ. Kết luận được đưa ra cho thấy Thái Lan, nơi Phật Giáo chiếm đa số; và Armenia nơi Kitô Giáo chiếm đa số là hai quốc gia sùng đạo nhất.

93.6% trong tổng số 67.8 triệu dân Thái theo Phật giáo Nam Tông. Trong khi đó, trong 3 triệu người Armenia, 98% là các tín hữu Kitô, đông nhất là các tín hữu thuộc Giáo Hội Armenia Tông Truyền với 92.6%.

Trong tổng số 67.8 triệu người Thái, chỉ có 380,000 người theo đạo Công Giáo. Giáo Hội Công Giáo tại Thái gồm hai giáo tỉnh là Giáo tỉnh Bangkok với Tổng giáo phận Bangkok và 5 giáo phận là các Giáo phận Chanthaburi, Chiang Mai, Nakhon Sawan, Ratchaburi, Surat Thani; Giáo tỉnh Thare – Nonseng với Tổng giáo phận Thare – Nonseng, và 3 giáo phận là Nakhon Ratchasima, Ubon Ratchathani và Udon Thani.

Theo Thai Catholic, cơ quan thông tin của Hội Đồng Giám Mục Thái, ngay sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha từ 20 đến 23 tháng 11 năm ngoái 2019, lễ Giáng Sinh năm ngoái được kể là tưng bừng nhất. Các thánh đường đều đông chật, cả người Công Giáo lẫn anh chị em Phật tử.

Ở Thái, mọi người đàn ông bắt buộc phải sống trong chùa trong một khoảng thời gian là 3 tháng trước khi đến tuổi 20. Mặc dù thời gian dự kiến là ba tháng, một số chỉ ở một hoặc hai ngày là biến mất. Hầu hết ở lại trong ít nhất là một vài tuần. Kỷ luật này có thể là một cản trở đối với công việc truyền giáo. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất vẫn là cuộc sống bận rộn ở thành phố không khuyến khích người ta tìm đến với ánh sáng Tin Mừng. Bù lại, người Thái tỏ ra hiền hòa, cởi mở với tôn giáo. Các vụ tấn công đốt phá các thánh đường rất họa hiếm.

Trong bối cảnh xã hội như thế, Giáng Sinh là một dịp tốt để truyền giáo. Trong số 436 giáo xứ tại Thái lan, giáo xứ nào cũng chăng đèn kết hoa làm hang đá như những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Cho đến nay, tử vong tại Thái Lan vì COVID-19 là 60 người, trong số 5,716 trường hợp nhiễm coronavirus. Tuy vậy, Thái Lan vẫn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch coronavirus. Nguồn lợi du lịch ngày nay gần như không còn. Nhiều người sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực.

Chính vì thế, trong mùa Giáng Sinh năm nay, Caritas Thái đã tung ra một chiến dịch cứu trợ theo phương châm lá rách đùm lá nát.

Thái Lan theo chế độ quân chủ lập hiến từ năm 1932. Vua Thái được coi là Nguyên thủ quốc gia, Thống soái Lực lượng Vũ trang Hoàng gia, là người bảo hộ Phật giáo và người đứng đầu các tôn giáo.

Thái có một luật đặc biệt cấm không ai được phê bình nhà vua hay hoàng tộc. Luật này gọi là lèse-majesté, hay luật “khi quân”. Ai vướng vào tội này có thể bị tù tội rất nặng.

Vị vua hiện tại của Thái Lan là ông Vajiralongkorn (hoặc Rama X) lên ngôi kể từ tháng 10 năm 2016. Khi xảy ra đại dịch coronavirus, ông trốn sang Đức và điều hành mọi sự từ bên Đức. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra phản đối chế độ quân chủ lập hiến. Cho đến nay, hàng chục người, tất cả đều là những người trẻ đã bị bắt và có những lo ngại rằng họ sẽ bị kết án rất nặng dựa theo luật “khi quân”.

Tại Nhật Bản, tình hình đại dịch coronavirus xem ra bi đát hơn. Cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này tử vong tại Nhật Bản đã lên đến 2,944 người chết, trong số 200,658 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ của ngày thứ Ba 22 tháng 12, có 2,135 trường hợp nhiễm coronavirus được xác nhận. Số người chết vì tự tử do mất công ăn việc làm, hục hặc trong gia đình trong thời gian bị cô lập vì COVID-19 gấp 5 lần con số những người chết vì virus Tầu độc địa này.

Vị linh mục quý vị và anh chị em đang xem thấy trong đoạn video này là cha Michael Yamamoto là cha sở nhà thờ Kogun (小郡),quận Ogori, thuộc tỉnh Fukuoka cách thành phố Nagasaki 126km về phía Đông Bắc. Tên ngôi nhà thờ này có nghĩa là “Dân được Chúa gọi”. Ngôi nhà thờ được khánh thành vào năm 1962, và nhận Thánh Phanxicô Xavier làm quan thầy, lễ mừng vào ngày 3 tháng 12 hàng năm.

Nagasaki, nơi Đức Thánh Cha viếng thăm ngày 23 tháng 11 năm ngoái, là Tổng giáo phận lớn thứ hai tại Nhật với 62,265 người Công Giáo trong tổng số 1.3 triệu dân. Tức là chiếm 4.5% dân số. Fukuoka là giáo phận thuộc về giáo tỉnh Nagasaki.

Theo cha Yamamoto, địa phương của ngài may mắn không bị thiệt hại nghiêm trọng trong thời gian đại dịch coronavirus. Mọi việc đã trở lại bình thường như những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Giáng Sinh, theo cha Yamamoto là một cơ hội tốt để truyền giáo. Nhiều người, kể cả những người không có đạo cũng đến nhà thờ tham dự các buổi ca hát thánh ca bằng tiếng Anh và tiếng Nhật.

Nhật Bản là đất nước đã có đến 434 vị tử đạo đã được tuyên phong, và hàng trăm ngàn các vị tử đạo chưa được biết đến; nhưng giờ đây 99% dân số là vô thần. Sau thế chiến thứ hai, đứng trước những tàn phá kinh hoàng của chiến tranh, chủ nghĩa hiện sinh phát triển rất mạnh.

Trong các nước trên thế giới, Nhật Bản được kể là quốc gia nơi chủ nghĩa thế tục được coi là khủng khiếp nhất. Đa số người dân Nhật không có bất cứ một niềm tin tôn giáo nào. Theo tin tưởng chung, xã hội Nhật có thể coi là một xã hội duy vật chất thậm chí nói được là vô đạo.

Cuộc điều tra của viện Gallop vào năm 2006 cho thấy 70% dân số Nhật không có một niềm tin tôn giáo nào. Trong 30% còn lại, 15% xưng mình theo Thần Đạo (Shinto), 75% xưng mình là tín hữu Phật Giáo nhưng trong thực tế niềm tin tôn giáo không có mấy ảnh hưởng đến các quyết định trong cuộc sống hàng ngày. Điều này thể hiện rõ trong xu hướng tự tử tăng mạnh trong thanh niên và những người già cả, phá thai được dùng như cách thức kiểm soát sinh sản, và một tình trạng tổng quát của một cuộc sống không chút hy vọng.
 
Phóng sự đặc biệt: Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh tại Vatican giữa thời đại dịch
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:50 24/12/2020


Lúc 7h30 tối thứ Năm 24 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Vọng Giáng Sinh. Đây là năm thứ 8 ngài cử hành thánh lễ này trong cương vị Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh.

Do hoàn cảnh đại dịch coronavirus kinh hoàng, thánh lễ thay vì được tổ chức ở bàn thờ chính như thường lệ, đã được cử hành tại bàn thờ Ngai Tòa với một cộng đoàn rất hạn chế. Ngoài ra, thánh lễ cũng phải cử hành sớm hơn.

Trước đây, lễ Đêm Giáng Sinh tại Vatican được cử hành đúng nửa đêm. Năm 2009, vì tình trạng sức khoẻ của ngài, Đức Bênêđíctô XVI đã chuyển lễ Đêm Giáng Sinh ở Vatican từ nửa đêm sang 10 giờ tối. Sau khi Đức Phanxicô được bầu vào ngôi Giáo Hoàng năm 2013, thánh lễ Đêm Giáng Sinh ở Vatican được cử hành lúc 9:30 tối. Như thế, năm nay thánh lễ được cử hành 2 giờ trước thường lệ, để anh chị em có thể về đến nhà trước giờ giới nghiêm là 10 giờ tối, được đưa ra như một phần trong các biện pháp làm chậm sự lây lan của coronavirus.

Trong khi Đức Thánh Cha và đoàn đồng tế đang tiến lên bàn thờ, ca đoàn cùng cộng đoàn hát bài “The First Noel - Noel đầu tiên” bằng tiếng Ý là “Nella notte”

Mùa Giáng Sinh đầu tiên, các thiên thần kể lại rằng
Là khi có một nhóm người chăn cừu nghèo trên cánh đồng
Nơi mà họ thường chăn dắt những chú cừu
Vào một đêm mùa đông lạnh giá

Noel, noel, noel, noel
Vua dân Do Thái đã ra đời!
Họ đã nhìn và thấy một ngôi sao
Rực chói cả bầu trời phương Đông xa kia
Và khi đó mặt đất bừng toả sáng
Thế là liên tục như vậy cả ngày và đêm
Noel, noel, noel, noel
Vua dân Do Thái đã ra đời!
Nhờ ánh sáng của ngôi sao ấy
Từ đất nước phương xa có ba người đàn ông đã đến
Vì mục đích tìm kiếm một vì vua
Thế là họ dõi theo ngôi sao ấy

Noel, noel, noel, noel
Vua dân Do Thái đã ra đời!
Ngôi sao kia di chuyển mãi gần đến hướngTây Bắc
đến vùng Bethlehem, nó dừng lại
Dừng và nghỉ hẳn tại nơi
Chính nơi đây, nơi Chúa Giêsu đã ra đời

Noel, noel, noel, noel
Vua dân Do Thái đã ra đời!
Và ba người đàn ông ấy bước đến
Họ cung kính quỳ xuống
Dâng lên vì vua của mình
Nào là vàng bạc, nhũ hương và mộc dược qúy giá

Noel, noel, noel, noel
Vua dân Do Thái đã ra đời!
Nào thì chúng ta cùng hợp tiếng
Ngợi ca Thiên Chúa
Đã làm cho Trời và Đất giao hoà
Với tất cả tình thương nhân loại

Noel, noel, noel, noel
Vua dân Do Thái đã ra đời!

Một ca trưởng đang hát bài công bố Tin Mừng Giáng Sinh, thường được gọi là Kalenda

Ngày thứ bảy trong tháng âm lịch. Nhiều thời đại đã qua kể từ khi Chúa tạo thành Trời Đất và hình thành nên con người theo hình ảnh của Người; nhiều thế kỷ đã trôi qua sau trận Đại Hồng Thủy, khi Đấng Chí Thánh đặt một cầu vồng trên trời như một dấu hiệu của giao ước và hòa bình;

Bao năm đã trôi qua sau cuộc di cư của Ápraham, là tổ phụ trong đức tin của chúng ta, từ miền Ur của người Chanđê, và hai mươi mốt thế kỷ sau đó là cuộc di cư của dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, dưới sự hướng dẫn của Môise, mười ba thế kỷ sau khi Ða-vít được xức dầu phong vương, một ngàn năm sau đó; trong tuần lễ thứ sáu mươi lăm theo lời tiên tri Ða-ni-ên; vào năm thứ một trăm chín mươi bốn triều Olympiad; sau khi thành Rôma được thành lập năm bảy trăm năm mươi hai, vào năm thứ 40 dưới thời cai trị của Caesar Octavian Augustus, khi toàn thế giới đang sống trong hòa bình: Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian.

Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế.

Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người.

Đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đặt tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong máng cỏ, ở trên ngai nhỏ trước bàn thờ chính.

Khi bài ca Vinh Danh được xướng lên, tất cả các chuông của Đại Vương cung Thánh đường được đánh lên cùng với đàn phong cầm.

Cạnh máng cỏ ở trước Bàn thờ Tuyên Xưng đức tin, có một ngai nhỏ trên đó có đặt một sách Tin Mừng, để nói lên rằng trong biến cố vĩ đại của đêm Giáng Sinh: Lời của Thiên Chúa đã làm người.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Đêm nay, lời tiên báo vĩ đại của Tiên tri Isaia đã được ứng nghiệm: “một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng chúng ta” (Is 9: 6).

Một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Chúng ta thường nghe rằng niềm vui lớn nhất trong cuộc đời là một đứa trẻ chào đời. Đó là một điều gì đó phi thường và thay đổi mọi thứ. Điều đó mang lại một sự phấn khích khiến chúng ta quên đi sự mệt mỏi, khó chịu và những đêm mất ngủ, vì nó khiến chúng ta tràn ngập niềm hạnh phúc khôn tả và khôn sánh. Ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh là thế này: Chúa Giêsu Giáng Sinh là “sự mới mẻ” giúp chúng ta được tái sinh mỗi năm và tìm thấy nơi Ngài sức mạnh cần thiết để đối mặt với mọi thử thách. Tại sao? Thưa: Vì sự ra đời của Người là dành cho chúng ta - cho tôi, cho anh chị em, cho tất cả mọi người. “Cho” là một từ được lặp đi lặp lại trong đêm thánh này: Tiên tri Isaia nói tiên tri rằng “một hài nhi được sinh ra cho chúng ta”. Thánh Vịnh lặp lại rằng “Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. Thánh Phaolô thì nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu đã “hiến thân cho chúng ta” (Tt 2:14), và trong Tin Mừng, sứ thần đã tuyên bố: “Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho các ngươi” (Lc 2:11).

Tuy nhiên, đối với chúng ta, những từ đó thực sự có ý nghĩa gì? Những từ ấy nói lên rằng Con Thiên Chúa, Đấng thánh thiện tự bản chất, đã đến để làm cho chúng ta, với tư cách là con cái của Thiên Chúa, được nên thánh nhờ ân sủng. Đúng thế, Thiên Chúa đã đến thế gian trong hình hài của một hài nhi bé nhỏ để làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Thật là một món quà tuyệt vời! Ngày hôm nay, Thiên Chúa làm chúng ta kinh ngạc và Ngài nói với mỗi người chúng ta rằng: “Con thật tuyệt vời”. Anh chị em thân mến, đừng bao giờ nản lòng. Nếu anh chị em bị cám dỗ để cảm thấy mình chỉ là một sai lầm thì Chúa nói với anh chị em rằng “Không phải như thế đâu, con là con của Ta!” Nếu anh chị em có cảm giác thất bại hay bất toàn, hay sợ hãi rằng anh chị em sẽ không bao giờ thoát ra khỏi con đường hầm tối tăm thử thách thì Chúa nói với anh chị em: “Hãy can đảm, Thầy ở cùng anh em”. Ngài làm điều này không phải bằng lời nói, mà bằng cách biến mình thành một hài nhi sống với anh chị em và cho anh chị em. Bằng cách này, Ngài nhắc nhở anh chị em rằng điểm khởi đầu của mọi sự tái sinh là sự thừa nhận rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Đây là trái tim hy vọng bất diệt của chúng ta, là cốt lõi nhiệt năng mang lại sự ấm áp và ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Có một sự thật tuyệt vời ẩn sâu bên dưới tất cả những điểm mạnh và điểm yếu của chúng ta, mạnh mẽ hơn tất cả những tổn thương và thất bại trong quá khứ, những nỗi sợ hãi và lo lắng của chúng ta về tương lai, đó là chúng ta là những con trai, con gái được Chúa yêu dấu. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta không và sẽ không bao giờ phụ thuộc vào chúng ta. Đó là tình yêu hoàn toàn nhưng không, và ân sủng thuần khiết. Tối nay, Thánh Phaolô nói với chúng ta, “ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện” (Tt 2:11). Không có gì quý hơn điều này.

Một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Chúa Cha đã không ban cho chúng ta một điều gì, hay một vật gì; Ngài đã ban cho chúng ta Con Một của Người, là tất cả niềm vui của Người. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào sự vô ơn của chúng ta đối với Thiên Chúa và sự bất công của chúng ta đối với rất nhiều anh chị em của mình, một mối nghi ngờ có thể nảy sinh. Liệu Chúa có đúng không khi ban cho chúng ta quá nhiều như thế? Liệu Chúa có đúng không khi vẫn tin tưởng nơi chúng ta? Liệu Người có đánh giá chúng ta quá cao hay không? Tất nhiên, Chúa đánh giá chúng ta quá cao, nhưng Ngài làm như thế vì Ngài yêu chúng ta đến điên cuồng. Chúa không thể không yêu chúng ta. Đó là đường lối của Người, là điều rất khác với chúng ta. Chúa luôn yêu chúng ta bằng một tình yêu lớn hơn chúng ta dành cho chính mình. Đây là bí mật của Ngài để đi vào trái tim của chúng ta. Thiên Chúa biết rằng chúng ta trở nên tốt hơn chỉ khi chúng ta chấp nhận tình yêu trung tín của Ngài, một tình yêu không thay đổi đã thay đổi chúng ta. Chỉ có tình yêu của Chúa Giêsu mới có thể biến đổi cuộc sống của chúng ta, chữa lành những tổn thương sâu sắc nhất của chúng ta, và giải thoát chúng ta khỏi vòng luẩn quẩn của thất vọng, giận dữ và phàn nàn liên tục.

Một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Trong máng cỏ thấp hèn của chuồng ngựa tối tăm, Con Thiên Chúa hiện diện thực sự. Nhưng điều này đặt ra một câu hỏi khác. Tại sao Chúa lại sinh ra vào ban đêm, không có chỗ ở đàng hoàng, trong cảnh nghèo đói và bị chối bỏ, trong khi Người xứng đáng được sinh ra như một vị vua oai phong lẫm liệt nhất trong những cung điện huy hoàng tráng lệ nhất? Tại sao lại như thế? Thưa: Để làm cho chúng ta hiểu được tình yêu bao la của Người đối với thân phận con người của chúng ta: thậm chí Chúa chạm đến tận đáy sự bần cùng của chúng ta bằng tình yêu cụ thể của Người. Con Thiên Chúa sinh ra đã bị ruồng bỏ, để nói với chúng ta rằng mọi người bị ruồng bỏ đều là con của Thiên Chúa. Ngài đến với thế giới khi mỗi đứa trẻ chào đời, yếu đuối và dễ bị tổn thương, để chúng ta có thể học cách chấp nhận những điểm yếu của mình bằng tình yêu dịu dàng. Và để khám phá điều gì đó quan trọng. Như xưa Ngài đã làm ở Bethlehem, thì nay chúng ta cũng hãy làm như thế, Thiên Chúa thích làm nên những điều kỳ diệu thông qua sự nghèo khó của chúng ta. Ngài đã đặt toàn bộ ơn cứu rỗi của chúng ta trong máng cỏ của một chuồng gia súc. Ngài không sợ sự nghèo khó của chúng ta, vì thế chúng ta hãy để cho lòng thương xót của Ngài biến đổi hoàn toàn!

Đó là ý nghĩa của câu một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cũng nghe thấy từ “cho” ở một nơi khác. Sứ thần tuyên bố với các mục đồng: “Đây sẽ là dấu chỉ cho anh em: một hài nhi nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Dấu chỉ đó, Hài nhi trong máng cỏ, cũng là dấu chỉ cho chúng ta, hướng dẫn chúng ta trong suốt cuộc đời. Ở Bethlehem, một cái tên có nghĩa là “Nhà Bánh”, Thiên Chúa nằm trong máng cỏ, như muốn nhắc nhở chúng ta rằng, để sống, chúng ta cần có Người, giống như bánh chúng ta ăn. Chúng ta cần được lấp đầy bằng tình yêu nhưng không, trung tín và cụ thể của Người. Nhưng trái lại, quá thường chúng ta lại thèm khát giải trí, thành công và những thú vui trần tục, và nuôi dưỡng cuộc sống bằng những lương thực không làm chúng ta thỏa mãn và khiến chúng ta trống rỗng bên trong! Qua tiên tri Isaia, Chúa đã phàn nàn rằng con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó, còn chúng ta, dân Người, lại không biết Người, là nguồn sống của chúng ta (x. Is 1: 2-3). Đúng là như thế: trong lòng ham muốn chiếm hữu vô tận của mình, chúng ta chạy theo vô số máng cỏ chứa đầy phù du mà quên mất máng cỏ Bethlehem. Máng cỏ, nghèo nàn về mọi thứ nhưng giàu tình yêu thương, dạy chúng ta rằng phần lương đích thực trong cuộc sống đến từ việc để chúng ta được Chúa yêu thương và đến lượt chúng ta yêu thương người khác. Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta một tấm gương. Ngài, Ngôi Lời của Thiên Chúa, đã trở thành một hài nhi mới sinh; Người không nói một lời nào nhưng dâng hiến cuộc sống. Chúng ta thì lại khác, chúng ta ba hoa đủ thứ lời, nhưng thường ít nói về điều lành phúc đức.

Một người con được ban cho chúng ta. Cha mẹ của những trẻ nhỏ biết họ được yêu cầu phải có nhiều tình yêu thương và sự kiên nhẫn. Chúng ta phải cho chúng ăn, chăm sóc chúng, tắm rửa cho chúng và quan tâm đến tính dễ bị tổn thương và nhu cầu của chúng, những điều này thường rất khó hiểu. Một đứa trẻ khiến chúng ta cảm thấy được yêu thương nhưng cũng có thể dạy chúng ta cách yêu thương. Chúa đã chào đời trong hình hài một đứa trẻ để khuyến khích chúng ta quan tâm đến người khác. Những giọt nước mắt lặng lẽ của Người khiến chúng ta nhận ra sự vô dụng trong nhiều lần bộc phát nóng nảy của mình. Tình yêu không tự vệ của Người nhắc nhở chúng ta rằng thời gian của chúng ta không phải là để dành cho việc cảm thấy tủi thân, mà là để an ủi những giọt nước mắt đau khổ. Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta trong cảnh nghèo khó và thiếu thốn, để nói với chúng ta rằng khi phục vụ người nghèo, chúng ta sẽ bày tỏ tình yêu thương của mình đối với Người. Từ đêm này trở đi, như một nhà thơ đã viết, “Nơi ở của Chúa là bên cạnh tôi, đồ đạc của Ngài là tình yêu” (EMILY DICKINSON, Poems, XVII).

Một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Hài Nhi đã làm cho con trở thành một đứa trẻ. Chúa yêu con như con là, chứ không phải như con tưởng tượng con sẽ là. Khi đón nhận Chúa, Hài Nhi của máng cỏ, một lần nữa con đón nhận trọn cuộc đời mình. Khi chào đón Chúa, Bánh của sự sống, con cũng mong muốn được trao tặng cuộc sống của con. Lạy Chúa, Đấng Cứu Rỗi của con, xin dạy con biết phục vụ. Lạy Chúa, Đấng đã không để con lẻ loi, xin hãy giúp con an ủi các anh chị em của Chúa, vì từ đêm nay trở đi, tất cả đều là anh chị em của con.

Lời nguyện giáo dân

Sau khi kết thúc kinh Tin Kính, Đức Thánh Cha mời gọi cộng đoàn dâng lên các lời nguyện cho các nhu cầu của Giáo Hội và thế giới. Ngài nói:

Với niềm vui và lòng biết ơn, chúng ta hãy hướng về Chúa Cha, Đấng đã sai Con của Ngài là Chúa Giêsu đến để đổi mới và hiệp nhất nhân loại trong một gia đình.

1. Cầu cho Giáo hội thánh thiện: Xin Chúa cho Giáo Hội vui mừng loan báo mầu nhiệm Con Mẹ Giáng Sinh đã mở ra những nẻo đường mới cho tự do và bình an.

2. Cầu cho Đức Thánh Cha Phanxicô của chúng ta, tất cả các giám mục, linh mục và phó tế: Xin Chúa hãy chạm đến trái tim của mỗi người với món quà là ân sủng của Chúa.

3. Cầu cho các dân tộc bị chia cắt bởi chiến tranh và bạo lực: Xin Chúa cho giấc mơ của các tiên tri thành hiện thực, mọi ách thống trị sẽ bị phá vỡ và không ai phải chịu áp bức và lăng nhục nữa.

4. Cầu cho những người bị thiệt thòi, những người phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh và nghèo đói: Xin cho sự dịu dàng mà Đức Maria đã chăm sóc Con Chúa khơi dậy trong các cộng đồng Kitô hữu những thái độ nhân từ và chăm sóc.

5. Cầu cho chúng ta đang tụ họp ở đây: Lạy Chúa xin cho lời loan báo an bình được các thiên thần hát tiếp tục vang lên trong lòng chúng con, và giúp chúng con làm cho cuộc sống của mình trở thành một lời ngợi ca không ngừng.

Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện:

Lạy Cha, xin hãy lắng nghe những lời cầu xin của chúng con và cho phép chúng con nhận ra lòng nhân từ vô tận của Cha qua việc Chúa Kitô Con Cha chào đời từ cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Vì Chúa Kitô, Chúa chúng con. Amen


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Phóng sự đặc biệt: Thánh Lễ Nửa Đêm tại Bethlehem ngay nơi Con Chúa xuống thế làm người
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:57 24/12/2020


Được hiện diện tại đúng nơi Chúa Giáng Sinh, vào đúng lễ Giáng Sinh là một ước mơ của nhiều người trên thế giới. Quý vị và anh chị em có thể thấy niềm hạnh phúc ngập tràn trên khuôn mặt những khác hành hương may mắn này. Tuy nhiên, đó là những hình ảnh Đêm Giáng Sinh năm ngoái 2019. Năm nay, vì virus Tầu độc địa, không một ai có được cái may mắn đó.

Thật vậy, đại dịch coronavirus đã gây ra một bối rối rất lớn tại Bethlehem nơi con Chúa xuống thế làm người.

Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, 55 tuổi, là Tân Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Latinh tại Giêrusalem vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào tháng 10 vừa qua, cho biết ngài và 5 vị khác trong Tòa Thượng Phụ đã nhiễm coronavirus.

Trong bối cảnh như thế, Tòa Thượng Phụ đã không thể đưa ra một chương trình lễ Giáng Sinh cho mãi đến đầu tuần này. Ngài cho biết Giáo hội ở Thánh Địa Giêrusalem đã chuẩn bị cho “một Lễ Giáng sinh được thu nhỏ, rất nhỏ”.

Hiện tại, “tình hình kinh tế không cho phép tổ chức lễ lớn”. Ngài giải thích thêm rằng việc khóa cửa vì coronavirus, và thiếu người hành hương đã làm cho khu vực này lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính lớn, đặc biệt là đối với các gia đình có công việc phụ thuộc vào người hành hương, chẳng hạn như hướng dẫn viên du lịch, tài xế taxi và chủ cửa hàng.

Những tác động này đang được cảm nhận đặc biệt ở Bethlehem, nơi có khoảng 7,000 người hoạt động trong ngành du lịch hiện đang thất nghiệp do hậu quả của đại dịch.

Theo truyền thống, vào chiều ngày 24 tháng 12, các thiếu nhi tại Bethlehem đã cháo đón Đức Thượng Phụ đến từ Giêrusalem. Tuy nhiên, năm nay chính quyền Palestine /pa-lét-tin/ hạn chế chỉ cho các thiếu nhi ở địa phương tham gia vào cuộc rước này. Các thiếu nhi ở các thành phố lân cận không được phép tham gia.

Đúng nửa đêm, Đức Thượng Phụ, cùng với các Giám Mục Phụ Tá của ngài đã cử hành thánh lễ tại đền thờ Giáng Sinh trên quảng trường Máng Cỏ. Trong thánh lễ này, ngoài một số linh mục, tu sĩ dòng Phanxicô quản thủ Thánh Mộ, không giáo dân nào được phép tham gia.

Cách đó 2.5km về phía đông hang đá Bethlehem, tại nhà nguyện Cánh Đồng Chăn Chiên, nơi theo truyền thống thiên thần đã hiện ra với các mục đồng, các linh mục dòng Phanxicô đã cử hành một thánh lễ khác cho người dân trong vùng, và cũng được cử hành đúng vào nửa đêm.

Trong bài giảng tại hang đá Bethlehem, trước một nhà thờ gần như trống rỗng, Đức Thượng Phụ đã giải thích ý nghĩa của mầu nhiệm Giáng Sinh khi Ngôi Hai Thiên Chúa vốn dĩ là Thiên Chúa đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế, Đức Thượng Phụ nói:

“Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa.” (Lc 2: 10-11)

Anh chị em thân mến,

Cầu mong bình an của Chúa chúng ta ở cùng anh chị em!

Tôi chắc chắn rằng chúng ta đều muốn mừng lễ Giáng sinh này theo một cách rất khác với cách này. Chúng ta muốn rằng Bethlehem có thể vang dội sứ điệp Giáng Sinh, và không khí nó luôn có vào thời điểm này trong năm được đặc trưng bởi niềm vui và những cử mừng trên các đường phố của thành phố này, đặc biệt là các cử hành dành cho các trẻ em của chúng ta.

Nhưng năm nay, mọi thứ đều không được như thế. Mọi thứ đều bị giản lược đến mức chỉ còn là những điều tối cần thiết, và không có không khí lễ hội thường đặc trưng cho thời kỳ này: không còn những người hành hương, những người đã mang niềm vui của họ đến Bethlehem từ khắp nơi trên thế giới vì sự ra đời của Đấng Cứu Rỗi, và mang lại nụ cười cho nhiều gia đình. Nhiều người đã phải nghỉ việc trong vài tháng qua; chúng ta không thể gặp nhau với số lượng lớn trong cộng đồng để cử hành phụng vụ; chúng ta đã không thể gặp gỡ với các nhóm khác nhau để tổ chức các bữa tiệc và các cuộc họp trong giai đoạn này. Nói tóm lại, chúng ta có một lễ Giáng Sinh quá đơn sơ đến mức có lẽ không ai muốn nhớ rằng đã từng có một lễ Giáng Sinh như thế trong đời.

Đại dịch và nỗi sợ hãi do nó gây ra đã trực tiếp hoặc gián tiếp đặt một dấu ấn lớn trong đời sống dân sự và tôn giáo của chúng ta, và dường như đã làm tê liệt chúng ta. Năm 2020 sắp trôi qua này, đã được đặc trưng bởi những nỗi sợ hãi: sức khỏe, kinh tế và thậm chí cả chính trị. Mọi thứ dường như đã bị đảo lộn bởi loại virus nhỏ nhưng mạnh mẽ này, nó đã nhanh chóng xóa sổ các dự án của chúng ta trong một thời gian kỷ lục, và khiến chúng ta mất phương hướng.

Vâng, thật là một thách thức lớn để sống mà không sợ hãi trong thế giới của chúng ta, một thế giới với sự năng động của nó không bao giờ ngừng nuôi dưỡng rất nhiều lo lắng. Đôi mắt của cơ thể nhìn thấy tất cả các lý do để sợ hãi.

Tuy nhiên, con mắt của Thần Khí nhìn thấy những dấu chỉ mà Thiên Chúa gởi đến cho con người: những dấu chỉ về sự hiện diện của Ngài, sức mạnh tiềm ẩn của Ngài, vương quốc của Ngài, phát sinh trong chúng ta khi chúng ta dành chỗ cho Ngài. Và đâu là những dấu chỉ khiến chúng ta yên tâm rằng Chúa sắp bắt đầu Vương quốc của Ngài? Chúng ta không có những bằng chứng to lớn và đánh động. Chúng ta không có những dấu chỉ tuyệt vời. Sẽ không có gì làm đảo lộn thế giới để chứng minh cho sự kiện này. Vương quốc của Chúa Kitô không liên quan gì đến quyền lực của Caesar Augustus, cũng chẳng có liên hệ gì với những biểu hiện quyền lực hữu hình. Đó không phải là cách Nước Trời đến. Một hài nhi nằm trong máng cỏ là dấu chỉ sự khởi đầu của Vương quốc mới.

Nhưng đó là một dấu chỉ mà chúng ta dễ dàng bị tuột mất; chúng ta có thể đi ngang qua mà không hề nhận ra bởi vì chúng ta bị bao bọc bởi những lo lắng và sợ hãi. Chúng ta đóng chặt tâm trí của mình trong quan điểm trần tục đến nỗi chúng ta không nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa; chúng ta không dành chỗ cho niềm tin vào Ngài: “không có phòng trong nhà trọ” (Lc 2: 7). Sự sợ hãi ngăn cản chúng ta cởi mở với Chúa, và do đó chúng ta trở nên vô sinh thay vì đáp lại lời kêu gọi trở thành người mang Chúa đến cho anh chị em mình.

Những người chăn chiên trong Phúc Âm đã đón nhận lời mời gọi của thiên sứ và lên đường để nhìn và nhận ra Chúa Kitô là Chúa trong dấu chỉ đó, nơi hài nhi được đặt trong máng cỏ.

Chúa Giêsu đến để lật ngược suy nghĩ của chúng ta, để làm ngạc nhiên sự mong đợi của chúng ta, để lay chuyển hiện sinh của chúng ta, đánh thức chúng ta khỏi ảo tưởng rằng mọi thứ chúng ta đều biết, mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta; và cứu chúng ta ra khỏi suy nghĩ cho rằng sự chán nản là câu trả lời hợp lý duy nhất cho thực tế đáng buồn của thế giới chúng ta.

Hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta nhận ra một lần nữa dấu chỉ sự hiện diện của Ngài trong thực tại của chúng ta, khi đối mặt với nghịch cảnh. Chúng ta phải quyết định xem có nên giới hạn bản thân mình bằng một tầm nhìn hạn hẹp vào hiện sinh của chúng ta trong thế giới ngày nay, với logic của quyền lực và sự sợ hãi; hay có thể mở rộng viễn kiến của mình bằng con mắt của Thần Khí để nhận ra sự hiện diện của Nước Trời ở giữa chúng ta. Chúng ta phải quyết định xem nên nhường chỗ cho sự thất vọng và khó khăn của thế giới hay làm cho bản thân có khả năng yêu thương và vui mừng, bất chấp mọi thứ. Ngày hôm nay mắt chúng ta nhìn thấy những gì? thấy sự hiện diện nào? Chúng ta có giống như những người chăn cừu có khả năng vượt ra ngoài vẻ bề ngoài và nhận ra công việc của Thiên Chúa trên thế giới này không?

Ơn gọi của chúng ta là trở thành một dấu chỉ. Những gì mắt chúng ta nhìn thấy là những gì cuộc sống của chúng ta loan báo một cách cụ thể. Nếu chúng ta nhìn bằng con mắt của Thần Khí, chúng ta cũng sẽ có một đời sống phong phú trong Thánh Linh, và do đó có thể sinh hoa kết quả.

Chúng ta quyết định tổ chức lễ Giáng sinh năm nay, bằng mọi giá, đó là vì chúng ta tin rằng Chúa Kitô đã được sinh ra và đang hiện diện. Giờ đây, chúng ta trở thành dấu chỉ của niềm vui lớn, niềm vui Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta - và trở thành nhân chứng của niềm vui này “tại Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa, xứ Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1: 8 ).
 
Thánh Ca
Đi Tìm Chúa Tôi – Trình bày: Cẩm Yến
Giáo Hội Năm Châu
00:16 24/12/2020

Video bắt đầu từ 8gtối 24/12/2020 theo giờ Việt Nam

Đi Tìm Chúa Tôi (Mary’s Boy Child)

Rực sáng lung linh giữa đêm trường chói ngời ánh sao đưa đường
Ta Cùng lắng nghe, muôn tiếng thiên thần đi tìm ngôi lời giáng sinh
Này một hài nhi vừa sinh ra đời
Hãy đến mau kính dâng, lạy Người
Cùng báo tin vui cho muôn người
Chung lời thiên thần hát ca
Vinh danh Chúa khắp tầng trời cao
An bình trần thế nay lành
Hang lừa tối tăm trong máng rơm hèn
Đơn nghèo vua trời Chúa ta
Hang lừa tối tăm trong máng rơm hèn
Đơn nghèo vua trời Chúa ta
Này người trần thế từ lâu mong chờ
Thế cứ sao vẫn luôn ơ hờ (vẫn luôn ơ hờ)
Người đến bên ta có đâu ngờ
Ngôi hai ra đời như lời người hứa xưa
Nay ra đón Chúa vào nhà ta
Trong phận nghèo khách xa lạ
Dang rộng cánh tay tha thiết kêu mời
Xin ngài thăm nhà chúng ta

Một ngày mọi nơi trên thế gian mong chờ một hài nhi dã vì tình yeu thuong giang sinh cuu nhan loai
cùng hoà vang với thế giới đang mong chờ
một ngày vui người về từ trời cao

Này một hài nhi vừa sinh ra đời
Hãy đến mau kính dâng, lạy Người
Cùng báo tin vui cho muôn người
Chung lời thiên thần hát ca
Nay ra đón Chúa vào nhà ta
Trong phận nghèo khách xa lạ
Dang rộng cánh tay tha thiết kêu mời
Xin ngài thăm nhà chúng ta
Dang rộng cánh tay tha thiết kêu mời
Xin ngài thăm nhà chúng ta

- Một ngày mọi nơi trên thế gian mong chờ một hài nhi vị thần của trời cao giáng sinh đã về nào cùng hoà vang thế giới đang mong chờ một ngày vui người về từ trời cao

- Chúa ra đời ngôi hai chúa con đêm nay Thiên Chúa ra đời ta đi khắp nơi Mừng vui Thiên Chúa ra đời Hãy hát lên hoà vang cùng đất trời khúc ca một ngày vui…