Ngày 28-12-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 29/12: Trung thành với lề luật – Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến – Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức
Giáo Hội Năm Châu
02:16 28/12/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa”. Ông bà cũng lên để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để làm điều người ta quen làm theo luật dạy,thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng :

“Muôn lạy Chúa, giờ đây

theo lời Ngài đã hứa,

xin để tôi tớ này được an bình ra đi.

Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ

Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:

Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,

là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”

Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Người. Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:34 28/12/2023

27. Thiên thần kiêu ngạo khi ở trên thiên đàng sáng chói thì lớn tiếng hô “ta không phục tùng”; nhưng tôi khi ở trong thế giới tối tăm này thì phải hô to “tôi nguyện phục tùng”.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:38 28/12/2023
38. KHÔNG CẦN CÚ MÈO NGỒI

Vào thời Đường Huyền Tôn, đại thần Trương Cửu Lịnh biếu mấy củ khoai sọ cho Tiêu Quýnh, khoai sọ còn có một tên gọi khác là “cú mèo ngồi”, cho nên khi viết thư thì ông ta dùng tên “cú mèo ngồi”.

Sau khi họ Tiêu nhận lễ vật và thư, thì viết thư phúc đáp:

- “Bái tạ ngài đã biếu khoai sọ, chỉ có điều là chưa thấy cú mèo ngồi. Nhưng gia đình tôi rất sợ yêu quái, không muốn nhìn mấy con ác điểu ấy (1), cho nên, ngài không cần phải đem đến”.

Lúc Cửu Lịnh nhận thư phúc đáp thì đúng lúc đang mời khách ăn tiệc, và lấy lá thư ra cho quý khách coi, cả phòng tiệc cười ha ha.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 38:

Thời xưa củ khoai sọ còn gọi là củ “cú mèo ngồi” nhưng có người không biết, không biết là vì chưa bao giờ nghe nói cũng như chưa thấy bao giờ, cho nên đã làm trò cười cho mọi người...

Người Ki-tô hữu thời xưa cũng như người Ki-tô hữu thời nay còn có một tên gọi khác là người có đạo, nhưng vẫn có nhiều người không biết, họ không biết là vì người Ki-tô hữu không nói cho họ biết, tức là chúng ta chưa sống đúng với tinh thần của người có đạo, tức là tinh thần Phúc Âm của người Ki-tô hữu trong cuộc sống của mình.

Người có đạo là người có chân lý của Thiên Chúa trong mình, chân lý của Thiên Chúa là những gì mà Đức Chúa Giê-su đã dạy họ trong Phúc Âm tức là kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như chính mình...

Tôi là người Ki-tô hữu và cũng là người có đạo, nhưng tôi giữ đạo như những trẻ con sợ ba mẹ đánh mới học bài, cho nên có nhiểu người chung quanh tôi vẫn chưa hiểu được người Ki-tô hữu có phải là người có đạo hay không, cho nên có lúc tôi đã làm trò cười cho thiên hạ vì cách sống của mình...

(1) Người xưa coi chim cú là loài ác điểu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lạy Chúa, con đồng ý
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
04:56 28/12/2023

LẠY CHÚA CON ĐỒNG Ý...
LỄ Đức Mẹ LÀ MẸ THIÊN CHÚA

Nhờ mầu nhiệm Nhập thể, Đức Maria thực sự là Mẹ Thiên Chúa. Bởi chính tổng lãnh Gabriel, theo lệnh Thiên Chúa, đến và loan báo cho Đức Maria: "Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavid, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacob đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận... Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa" (Lc 1 31-35).

1. Đức Mẹ TIN TƯỞNG VÀ TỰ DO ĐÁP LỜI XIN VÂNG.

Dù nhập thể là sáng kiến của Thiên Chúa, nhưng việc Đức Mẹ mang thai Con Thiên Chúa không là sự ép buộc, không là gán ghép từ phía Thiên Chúa, khiến Đức Mẹ không còn chọn lựa nào.

Đúng hơn, VIỆC ĐÓN NHẬN BÀO THAI NGÔI HAI THIÊN CHÚA TRONG LÒNG DẠ, LÀ CHỌN LỰA HOÀN TOÀN TỰ DO CỦA Đức Mẹ.

Bởi trước khi mời Đức Mẹ làm mẹ của Con mình để cộng tác tích cực vào chương trình cứu độ mà mình thực hiện, Thiên Chúa đã không áp đặt, nhưng ngỏ lời cách hết sức tôn trọng và tỏ bày tình yêu đặc biệt đối với một ái nữ là thụ tạo do chính mình tạo ra.

Nhận ra sự cao cả ấy của Đức Mẹ, Hội Thánh không ngần ngại tuyên xưng: "Thiên Chúa đã cử Con mình đến trong thế gian. Nhưng để tạo một thân xác cho Người, Thiên Chúa đã muốn có sự tự do cộng tác của một thụ tạo. Với mục đích ấy, từ trước muôn đời, Thiên Chúa đã chọn một thiếu nữ Israel, một cô gái Do Thái, quê tại Nazaret xứ Galilê, ‘một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi Đavit, trinh nữ ấy tên là Maria’ (Lc 1, 26-27) để làm mẹ của Con mình" (GLCG, số 488).

Theo thói quen, khi nói đến mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa, người ta thường nghĩ đến ngày Chúa Giêsu Giáng sinh. Hiểu như thế chỉ mới nhấn mạnh đến tính thành sự, và kết quả hoàn hảo của mầu nhiệm này mà thôi.

Đúng hơn, ngày Con Thiên Chúa Giáng sinh chỉ là đỉnh điểm của mầu nhiệm Nhập thể, một mầu nhiệm hết sức cao cả đã được chuẩn bị từ ngàn xưa, nay trở nên hiệu lực.

Mầu nhiệm nhập thể đã được chuẩn bị từ ngàn xưa ấy, lại khởi đi từ ngay sau lời thưa “Xin Vâng” của Đức Maria. Bởi từ chính thời điểm đó, Đức Mẹ đã thực sự mang Chúa Cứu Thế trong chính lòng dạ mình.

Vì vậy mầu nhiệm nhập thể được thực hiện từ trời cao, không khởi đầu ở hang Bêlem trong ngày Giáng sinh, nhưng là NGAY TRONG CUNG LÒNG Đức Mẹ, KỂ TỪ LÚC THÀNH THAI TRONG NGÀY TRUYỀN TIN.

Mầu nhiệm Nhập thể làm cho Đức Maria nên vinh dự hết sức, bởi xét về mặt nhân trần, Chúa Cứu Thế cũng chính là người con ruột thịt do chính Đức Mẹ sinh ra. Đức Mẹ trao ban cho Đấng hằng trao ban và tạo thành nên Đức Mẹ bản tính nhân loại của mình, ngay từ khi Đức Mẹ xưng mình là "Nữ Tỳ của Chúa".

Chẳng bao giớ có ai, và ngay chính bản thân Đức Mẹ, dám nghĩ rằng, ngay sau khi tự nhận mình là Nữ Tỳ, tức khắc lại được Chúa nâng lên làm Mẹ của Chúa, tức khắc Chúa lại thành thai trong lòng Mẹ.

Và như thế, lễ Giáng sinh mà chúng ta mừng kính hàng năm vào ngày 25.12, thánh lễ tôn vinh sự cao cả và quý giá vô cùng của mầu nhiệm Nhập thể không phải chỉ gói gọn có một ngày mà thôi.

Thánh lễ ấy được khởi đi từ Chúa nhật thứ IV mùa Vọng, Chúa nhật gần cận của lễ Giáng sinh, Chúa nhật mà phụng vụ của Hội Thánh tường thuật và đề cao biến cố Truyền Tin, đề cao thái độ đáp trả hoàn toàn tin tưởng trong lời Xin Vâng của Đức Maria, khởi đầu cho việc Con Thiên Chúa nhập thể làm người.

2. SỨC MẠNH CỦA LỜI XIN VÂNG.

Thiên Chúa đã thành công trong việc mời gọi Đức Mẹ cộng tác vào chương trình cứu rỗi nhờ sự rất mực vâng phục của Đức Mẹ. Từ đó, Chúa cũng sẽ thành công trong việc trao ban Chúa Giêsu, Con Một của mình cho thế giới, để cứu chuộc thế giới.

Có ai ngờ, một nữ tỳ bé nhỏ là thế, yếu đuối là thế, nghèo hèn là thế, chỉ với vài lời "Xin Vâng", lập tức trở nên Bà Hoàng cao cả: MẸ THIÊN CHÚA.

Có ai ngờ, chỉ với những lời thưa "Xin Vâng" quá đơn giản của một thụ tạo, Thiên Chúa đã biến đổi cả một dòng lịch sử, làm mới tất cả những gì mà loài người xưa đã phá hỏng.

Có ai ngờ, chỉ với những tiếng "Xin Vâng" xem ra tầm thường, lại có thể làm cho cả thế giới, qua mọi thời, đón nhận một món quà vô giá: THIÊN CHÚA NHẬP THỂ LÀM NGƯỜI. Người là chính con người sống giữa con người. Nhờ Người, bỗng dưng con người trở nên thành viên của gia đình Thiên Chúa.

Riêng cá nhân Đức Mẹ, có ai ngờ, chỉ với những lời "Xin Vâng" ngắn gọn, đã làm cho Đức Mẹ không chỉ là Mẹ của Thiên Chúa, mà từ nay trở nên Mẹ của cả gia đình nhân loại, có Thiên Chúa ở giữa gia đình ấy.

Có ai ngờ, với lời "Xin Vâng" đơn sơ, Thiên Chúa dẫn dắt Đức Mẹ hoàn toàn đi vào nhiệm cuộc cứu độ của Người. Nhờ đó Đức Mẹ trở nên Đấng hiệp công hoàn hảo trong ơn cứu độ mà chính Người Con của Đức Mẹ thực hiện.

Bởi vậy, thánh Luca coi trọng diễn tiến của câu chuyện Truyền tin là phải. vì với những suy nghĩ như trên, tôi thấy, sự kiện thiên thần nhận lãnh sứ mệnh từ Thiên Chúa đến truyền tin cho Đức Maria có một vị trí lớn.

Nếu nó không là trung tâm thì cũng hết sức quan trọng trong việc Con Thiên Chúa làm người. Nó loan báo cho cả thế giới qua mọi thời gian biết: THIÊN CHÚA ĐÃ LÀM NGƯỜI BẮT ĐẦU NƠI CUNG LÒNG MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ.

3. CHÚNG TA ĐI CON ĐƯỜNG CỦA Đức Mẹ.

Hồng Y Fulton John Sheen, một diễn giả truyền hình nổi tiếng ở Mỹ, chấp nhận lời đề nghị của nhiều bạn trẻ xin chứng hôn cho họ, với điều kiện, họ phải hứa với ngài, mỗi ngày vợ chồng phải đọc chung với nhau 50 kinh Kính Mừng.

Bây giờ các gia đình, các Kitô hữu, nhất là các bạn trẻ hầu như rất ít lần chuỗi. Họ lo nhiều thứ của cuộc sống, nhưng có một lời kinh nối kết họ với chính Thiên Chúa, với Đức Maria, nối kết vợ chồng, nối kết con người, nối kết mọi tình yêu của con người với nhau, thì người ta lại bỏ qua, chẳng thấy ai lo lắng, chẳng thấy mấy người quan tâm.

Ngoài ra, ở lời kinh Kính Mừng mà chuỗi Mân Côi giới thiệu cho chúng ta, còn là lời kinh chúng ta học nơi ngôi trường của Đức Maria về sự thánh thiện trong tinh thần vâng phục của Mẹ Thiên Chúa.

Vì thế, khi lần chuỗi, chắc chắn tiếng Xin Vâng của Đức Mẹ sẽ được gợi lên trong tâm trí, để chúng ta, nhờ bắt chước Đức Mẹ, xin vâng thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh mà vững vàng trên đường đời, nhất là những lúc cuộc đời chúng ta phải đối diện cùng bão táp và mọi thứ ghập ghềnh.

Lời kinh Mân Côi sẽ dạy chúng ta yêu mến Chúa, yêu mến anh chị em theo tinh thần bác ái của Đức Mẹ. Nhờ tình yêu bác ái nảy sinh, vợ chồng tin tưởng và tha thứ cho nhau khi đối diện cùng chướng ngại; bạn bè "bỏ chín làm mười" để không khoét sâu thêm những rạn nứt; người với người sẽ đón nhận nhau nếu lỡ xảy ra bất cứ đổ vỡ nào...

Đức cha Fulton John Sheen không vô lý khi đề nghị người trẻ bước vào đời sống gia đình phải lần chuỗi. Vì khi siêng năng lần chuỗi, chúng ta thực sự đi trên con đường của Đức Mẹ mà đến cùng Chúa trong lòng vâng phục thánh ý Chúa trọn cuộc đời của từng người.
Chính Hồng Y Fulton J. Sheen, trong một lần giảng thuyết, đã diễn giải lời thiên thần Gabriel khi truyền tin cho Đức Mẹ: "Này cô Maria, cô có đồng ý đem xương thịt cho Con Thiên Chúa không? Liệu Thiên Chúa có trở nên loài người qua thân xác của cô không?".

Mỗi khi lần chuỗi, chúng ta cũng có thể nói được những lời như trên, để mặc lấy tâm tình của Đức Mẹ mà sống trọn vẹn cho thánh ý Chúa trong một đời xin vâng mà chúng ta có thể dâng lên Chúa: "Lạy Chúa, CON THỰC SỰ ĐỒNG Ý mang xương thịt, mang tấm thân, mang cuộc đời con làm chất liệu cho Con Một của Chúa tùy nghi sử dụng cho vinh danh Chúa và vinh danh của chính Ngài. Lạy Chúa, qua con đường sự sống của chính con, Chúa hãy nên loài người để làm một với từng người chúng con".
 
Tòng thuộc Thánh Thần
Lm. Minh Anh
13:56 28/12/2023

TÒNG THUỘC THÁNH THẦN
“Thánh Thần hằng ngự trên ông!”.

Con người đeo đuổi niềm vui trong mọi quan lộ. Một số tìm được nó, số khác thì không! Sẽ dễ dàng hơn khi mô tả một vài nơi không tìm thấy nó: Nơi người vô tín, Voltaire, “Ước gì tôi chưa từng sinh ra!”; nơi người lắm tiền, Jay Gould, tỷ phú, “Tôi là người khốn khổ nhất trên đời!”; nơi người có địa vị, Lord Beaconsfield, “Tuổi trẻ là sai lầm, trưởng thành là đấu tranh, tuổi già là hối tiếc!”. Vậy niềm vui thực sự ở đâu? Câu trả lời rất đơn giản, “Chỉ trong Chúa Kitô, nơi những ai ‘tòng thuộc Thánh Thần!’”.

Kính thưa Anh Chị em,
“Chỉ trong Chúa Kitô, nơi những ai ‘tòng thuộc Thánh Thần’”, con người mới có niềm vui đích thực! Kết luận trên, một lần nữa, được gặp thấy trong các bài đọc hôm nay. Lời Chúa nói đến những nhân vật khá độc đáo, từ cụ già Simêon, bà mẹ trẻ Maria và Giuse đến những con người “ở lại trong ánh sáng” theo cách nói của Gioan.

Trước hết, Luca mô tả Simêon với ba lần đề cập Thánh Thần, “Thánh Thần hằng ngự trên ông”; “Ông được Thánh Thần linh báo”; và “Được Thần Khí thúc đẩy”. Simêon sống với Thánh Thần, học lắng nghe những linh hứng của Thánh Thần, trò chuyện với Thánh Thần. Không chỉ được truyền cảm hứng, Simêon còn được Thánh Thần tác động mạnh mẽ để kịp lên đền thờ gặp Đấng Kitô. Cuối cùng, đầy Thánh Thần, ông ẵm lấy Đấng Kitô và cất lên “Nunc dimittis” bất hủ. Hãy dành một chút thời gian để chiêm ngắm cụ già này, một người ‘tòng thuộc Thánh Thần’, phó mình cho những chuyển động của Thánh Thần!

Thứ đến, Giuse và Maria, những con người ngoan nguỳ với Thánh Thần. Cách riêng Maria, người đã không gây ra bất kỳ một trở ngại nào cho công việc của Thánh Thần. Gioan Phaolô II mô tả, “Đức Maria đã trung thành đáp ứng mọi yêu cầu của Thiên Chúa, đáp ứng mọi chuyển động của Chúa Thánh Linh”. Trước cửa đền, Maria nghe những lời tiên tri của Simêon, một công cụ của Thánh Thần, “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn”. Maria chấp nhận ‘lưỡi gươm’ đâm thấu tâm hồn được báo trước; bởi lẽ, Mẹ đã ‘tòng thuộc Thánh Thần’.

Theo cách nói của Gioan, ‘tòng thuộc Thánh Thần’ - bài đọc một - còn là những ai “đi trên con đường Đức Giêsu đã đi”, những người “yêu thương anh em mình!”. Gioan gọi họ là những người “bước đi trong ánh sáng”, “ở lại trong ánh sáng”; những ai “biết Thiên Chúa” và “Tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo” nơi họ.

Anh Chị em,
“Thánh Thần hằng ngự trên ông!”. Ẵm lấy Hài Nhi trên tay, đầy Thánh Thần, Simêon chúc tụng Thiên Chúa, “Nunc dimittis”. Với trình thuật này, Đức Phanxicô có một ý tưởng khá thú vị, “Khi Maria để Simêon ôm lấy Đứa Con của Lời Hứa vào lòng, ông bắt đầu hát - cử hành một “phụng vụ” đích thực - ông hát những giấc mơ của mình. Bất cứ khi nào Mẹ Maria đặt Chúa Giêsu vào giữa dân Ngài, họ đều gặp được niềm vui. Cũng thế, chỉ có điều này mới làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên phong phú và giữ cho tâm hồn chúng ta được sống: đặt Chúa Giêsu vào nơi Ngài thuộc về, giữa dân Chúa!”. Thánh Vịnh đáp ca có chung một tâm tình, “Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con lạc lối trong những quan lộ. Vì niềm vui của con chỉ ở nơi Chúa, khi con ‘tòng thuộc Thánh Thần’. Chỉ khi đó, con mới có thể hát lên “Nunc dimittis!””, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Church Documents
Thu Trinh 29 Dec 2023
VietCatholic Media
20:56 28/12/2023
1. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cảm ơn Mỹ về gói viện trợ mới nhất, và nhận định rằng an ninh của Âu Châu và Mỹ phụ thuộc vào phản ứng mạnh mẽ đối với Nga

Trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối thứ Năm 29 tháng 12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cảm ơn Hoa Kỳ về gói vũ khí trị giá lên tới 250 triệu Mỹ Kim.

Ông cho biết:

“Sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong liên minh gồm hơn 50 quốc gia cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine là rất quan trọng để chống khủng bố và xâm lược không chỉ ở Ukraine mà trên toàn thế giới.

Trong năm nay, Mỹ đã cung cấp 34 gói viện trợ quân sự trị giá hơn 24 tỷ Mỹ Kim. “Patriot”, “Abrams”, xe thiết giáp, ATACMS, CPICM, phòng không, hỏa tiễn, đạn pháo, khả năng rà phá bom mìn và các thiết bị quan trọng khác.

Một quyết định lịch sử cung cấp cho Ukraine máy bay phản lực F-16 đã được đưa ra. Chúng tôi sẽ luôn biết ơn tất cả sự hỗ trợ này.

Để bảo vệ tự do và an ninh không chỉ ở Ukraine và Âu Châu mà còn ở Hoa Kỳ, chúng ta phải tiếp tục đáp trả hành động xâm lược đang diễn ra của Nga một cách mạnh mẽ và kiên quyết nhất có thể.”

2. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy sẽ có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán

Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine hôm thứ Năm cho biết Ukraine và Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungary, đang chuẩn bị một cuộc gặp giữa Volodymyr Zelenskiy và Thủ tướng Viktor Orbán trong tương lai gần.

Ông Andriy Yermak đã đưa ra nhận xét của mình sau cuộc gọi với Ngoại trưởng Hung Gia Lợi, Péter Szijjártó, Reuters đưa tin.

Yermak cho biết “Chúng tôi đang nỗ lực tổ chức một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo trong thời gian tới”.

Yermak cũng bày tỏ hy vọng là sau cuộc gặp gỡ lịch sử này, mọi hiểu lầm sẽ được dẹp tan.

3. Tổng thống Biden đã đề xuất thành lập các nhóm công tác nhằm tịch thu 300 tỷ của Nga

Theo Financial Times, Hoa Kỳ đã đề xuất các nhóm công tác từ các quốc gia G7 tìm cách thu giữ 300 tỷ Mỹ Kim tài sản bị phong tỏa của Nga.

Chủ đề này đã được thảo luận trong tháng này bởi cả các bộ trưởng và thứ trưởng tài chính G7, theo những người nắm rõ thông tin.

Theo Financial Times, Mỹ, với sự hậu thuẫn của Anh, Nhật Bản và Canada, đã đề xuất công việc chuẩn bị nên bắt đầu để có thể sẵn sàng cho cuộc gặp tiềm năng của các nhà lãnh đạo G7 vào khoảng ngày 24 tháng 2 - ngày diễn ra cuộc tấn công năm 2022 của Putin vào Kyiv.

Kế hoạch tịch thu 300 tỷ của Nga nhắm đến hai mục tiêu: Thứ nhất, trong bối cảnh dự luật viện trợ cho Ukraine gặp khó khăn tại Quốc Hội Hoa Kỳ, số tiền trên là rất cần thiết để duy trì guồng máy chiến tranh. Thứ hai, Nga có thể phải nhượng bộ để không bị mất số tài sản khổng lồ này.

4. Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, tìm cách chia rẽ Liên Hiệp Âu Châu

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước RIA và kênh truyền hình Rossiya 24, ông Lavrov cho biết một số người ở phương Tây đang đề nghị Mạc Tư Khoa nên thảo luận về hòa bình ở Ukraine vì Mỹ và các đồng minh đã thất bại trong việc đánh bại lực lượng Nga ở Ukraine.

Ông nói thêm rằng ông tin rằng có những dấu hiệu phương Tây đang thay đổi chiến thuật và chiến lược đối với Ukraine.

Ông Lavrov nói: “Phương Tây đang thực sự thay đổi chiến thuật của mình - thậm chí có thể nghĩ đến việc thay đổi toàn bộ chiến lược. Bởi vì nếu “thất bại chiến lược của Nga” là một đường lối của phương Tây thì đường lối này đã thất bại thảm hại.”

Ông ta nói thêm: “Có một số người thì thầm với tôi: tại sao bạn không gặp ai đó ở Âu Châu, người sẵn sàng nói chuyện, nói về Ukraine mà không cần đến chính Ukraine”.

5. Hai người đàn ông Nga bị kết án tù vì đọc thơ chỉ trích việc Nga xâm chiếm Ukraine

Hai người đàn ông Nga đã bị kết án tù dài hạn vì đọc những bài thơ chỉ trích việc Nga tấn công quân sự vào Ukraine.

Artyom Kamardin bị kết án bảy năm và Yegor Shtovba năm năm sáu tháng vì kêu lên “Nhục nhã, đáng xấu hổ!” trong phòng xử án, theo AFP.

Kamardin, 33 tuổi, cho biết việc giam giữ anh vào tháng 9 năm 2022 là bạo lực, cho rằng các sĩ quan đã cưỡng hiếp anh và buộc anh quay một video xin lỗi đồng thời đe dọa bạn gái lúc bấy giờ là Alexandra Popova, hiện là vợ anh.

Vào đêm trước khi bị bắt, anh ta đã đọc bài thơ “Hãy giết tôi đi, người dân quân!” trên quảng trường Mạc Tư Khoa, nơi những người bất đồng chính kiến đã tụ tập từ thời Xô Viết. Kamardin cũng hô khẩu hiệu phản đối dự án “Nước Nga đế quốc mới” nhằm sáp nhập miền nam Ukraine.

Cả hai người này đều bị kết tội “kích động hận thù” và “kêu gọi các hoạt động đe dọa an ninh nhà nước”.

Kamardin khai trước tòa rằng anh không biết hành động của mình vi phạm pháp luật.

“Tôi không phải là anh hùng và việc vào tù vì niềm tin của mình chưa bao giờ nằm trong kế hoạch của tôi,” anh nói trong một tuyên bố đăng trên kênh Telegram của những người ủng hộ anh.

Shtovba, 23 tuổi, cũng cho biết anh không vi phạm pháp luật.

Trong tuyên bố cuối cùng trước tòa, được đăng bởi trang web độc lập Mediazona, anh đã hỏi thẩm phán: “Tôi đã làm gì trái pháp luật? Đọc thơ mà cũng trái pháp luật à?”

Theo OVD-info, Nikolai Dayneko, người bị bắt cùng thời điểm, đã bị kết án 4 năm tù vào tháng 5 năm ngoái.

Đây là bản án mới nhất trong một loạt các bản án nặng nề chống lại những người Nga phản đối việc xâm lược Ukraine, trong các phiên tòa mà các nhà phê bình đã tố cáo là vô lý.

6. Tàu chở hàng treo cờ Panama bị trúng thủy lôi của Nga

Các quan chức Ukraine hôm thứ Năm cho biết chiếc tàu chở hàng đang hướng tới cảng sông Danube để bốc ngũ cốc đã va phải một thủy lôi của Nga ở Hắc Hải hôm thứ Tư, khiến hai thành viên thủy thủ đoàn bị thương.

Reuters đưa tin, đây là vụ việc mới nhất về một tàu dân sự va phải thủy lôi của Nga ở Hắc Hải, điều mà Kyiv nói là một ví dụ nữa về các cuộc tấn công tăng cường của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng vận tải và cảng biển.

Bộ chỉ huy quân sự miền nam Ukraine cho biết trên Telegram:

Một tàu dân sự treo cờ Panama đã bị nổ tung do trúng thủy lôi của Nga ở Hắc Hải...Con tàu mất hướng và khả năng kiểm soát, đồng thời một đám cháy bùng phát ở boong trên.

Nhà lãnh đạo văn phòng công tố khu vực Odesa cho biết trong một cuộc họp báo rằng một thuyền trưởng và một thủy thủ, là một công dân Ai Cập, đã bị thương và người này phải vào bệnh viện ở thành phố Izmail. Ông nói thêm rằng vụ việc xảy ra vào sáng sớm thứ Tư tại một cửa sông.

Mạc Tư Khoa đã gia tăng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng cảng của Ukraine kể từ giữa tháng 7, khi nước này rút khỏi thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc làm trung gian cho phép vận chuyển ngũ cốc của Ukraine qua Hắc Hải một cách an toàn.

Kyiv kể từ đó đã thiết lập một tuyến đường thay thế, ôm lấy bờ biển phía tây của Hắc Hải. Họ cho biết các lực lượng Nga đã liên tục thả các thủy lôi ở khu vực lân cận.
 
VietCatholic TV
Sau vụ chìm 2 tàu, Nga tin Ukraine đã có F-16. Putin di chuyển vũ khí hạt nhân. Nhật tặng Patriot
VietCatholic Media
03:02 28/12/2023


1. Không quân Ukraine cung cấp thông tin cập nhật về F-16

Ukraine đã bác bỏ các thông tin từ một số cơ quan truyền thông Hoa Kỳ cho rằng nước này đã có F-16. Cũng có những đồn đoán từ các blogger quân sự Nga mà không có bất cứ bằng chứng nào là không quân Ukraine đã bay những chiếc F-16 tấn công vào bán đảo Crimea đánh chìm 2 tàu chiến của Nga, sau đó bay sang Rumani.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Air Force Official Provides Update on Game-Changing Weapons”, nghĩa là “Quan chức Không quân Ukraine cung cấp thông tin cập nhật về vũ khí thay đổi cuộc chơi.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Lực lượng Không quân Ukraine cho biết các chiến đấu cơ F-16 có khả năng thay đổi cục diện cuộc chơi đã “sẵn sàng” được chuyển giao cho Ukraine nhưng sẽ không đến cho đến khi phi công và nhân viên hỗ trợ chuẩn bị đầy đủ.

Các phi công Ukraine đã được huấn luyện trên các máy bay phản lực do Mỹ sản xuất ở Đan Mạch trước chuyến giao hàng đầu tiên được mong đợi. F-16 là bản nâng cấp đáng kể cho các máy bay MiG và Sukhoi thời Liên Xô mà Không quân Ukraine đã dựa vào kể từ khi cuộc chiến với Nga bắt đầu vào ngày 24/2/2022.

Đã có nhiều đồn đoán về thời điểm máy bay sẽ bay ở Ukraine. Newsweek trích dẫn một nguồn tin của Hoa Kỳ khi đưa tin vào sáng thứ Tư rằng Kyiv “có khả năng” đã nhận được những chiếc máy bay phản lực đầu tiên, một tuyên bố đã bị bác bỏ trong một tuyên bố của phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat.

Trong một cuộc phỏng vấn truyền thông Ukraine được chia sẻ trên kênh Telegram “Warriors Ukraine”, Ihnat đã cung cấp thông tin cập nhật về tình trạng của các máy bay phản lực, nói rằng việc đưa máy bay vào “tầm ngắm của đối phương” trước khi quá trình huấn luyện hoàn tất sẽ là vô nghĩa.

“Quả thực, lô đầu tiên có thể đã sẵn sàng, nhưng quá trình này vẫn đang diễn ra,” Ihnat nói. “Việc đưa máy bay đến đây để đứng trước tầm ngắm của đối phương, chờ đợi mọi thứ sẵn sàng 100% có ích gì?”

Ông nói thêm: “Cơ sở hạ tầng, các phi công hiện đang được đào tạo với các giảng viên, cũng như nhân viên kỹ thuật của ngành hàng không, là những điều cơ bản mà chúng tôi cần”. “Chúng ta dùng máy bay để chiến đấu với chúng chứ không phải để giữ khư khư.”

Bộ Quốc phòng Ukraine hôm thứ Ba thông báo rằng nhóm phi công F-16 đầu tiên của họ đã hoàn thành chương trình huấn luyện cơ bản ở Vương quốc Anh và chuyển sang huấn luyện cùng các máy bay phản lực ở Đan Mạch mà không tiết lộ mốc thời gian chính xác cho việc máy bay đến Ukraine..

Trong khi các quan chức Ukraine và Mỹ mô tả việc giới thiệu F-16 sắp tới là “sự thay đổi cuộc chơi”, thì Putin lại khẳng định rằng các máy bay phản lực này sẽ không tạo ra sự khác biệt nào trong cuộc chiến, đồng thời cho biết vào tháng 9 rằng sự phát triển này “chỉ đơn giản là kéo dài xung đột”.

Trong một cuộc phỏng vấn do RBC Ukraine công bố hôm thứ Tư, Ihnat nói rằng Kyiv có những kế hoạch “hoành tráng” cho F-16, cho rằng công nghệ vượt trội sẽ giúp “giành được ưu thế trên không và chống lại việc sử dụng bom dẫn đường hàng không”.

Trung tâm An ninh Thông tin và Truyền thông Chiến lược “Spravdi” của Ukraine cho biết như trên hôm thứ Tư rằng “quá trình mua chiến đấu cơ F-16 của Ukraine đang đi đến đích”, ước tính rằng “việc sử dụng F-16 trong chiến đấu có thể bắt đầu”. sớm nhất là vào mùa xuân năm 2024.”

Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy và Bỉ đều đồng ý hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine bằng cách cùng nhau cung cấp cho Kyiv hàng chục chiếc F-16.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuần trước đã thông báo với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy rằng lô hàng đầu tiên gồm 18 máy bay phản lực từ Hà Lan sẽ sớm được gửi đi.

2. Putin đã di chuyển vũ khí hạt nhân của mình

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Moved His Nuclear Weapons”, nghĩa là “Putin đã di chuyển vũ khí hạt nhân của mình”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Nhà độc tài Vladimir Putin đã di chuyển một số vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình trong tuần này trong bối cảnh cuộc chiến với Ukraine.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm thứ Ba xác nhận rằng chuyến vận chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Nga đã hoàn thành, hãng tin AP đưa tin. Lukashenko trước đó tuyên bố rằng việc vận chuyển vũ khí hạt nhân từ Nga sang Belarus có liên quan đến nỗ lực kiềm chế các mối đe dọa từ Ba Lan, một thành viên của NATO, trong bối cảnh Mạc Tư Khoa đang xảy ra chiến tranh với Ukraine.

Thông báo trong tuần này được đưa ra vài tháng sau khi Nga lần đầu tiên tuyên bố đang lên kế hoạch triển khai một số vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, đồng minh của Putin và Mạc Tư Khoa.

Vào tháng 5, Lukashenko xác nhận một số vũ khí hạt nhân đã được gửi đến Belarus, khiến Mỹ và các quốc gia phương Tây khác lo ngại.

Reuters đưa tin, hồi tháng 5, ông Lukashenko nói: “Việc chuyển giao vũ khí hạt nhân đã bắt đầu”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng nói về hoạt động vận chuyển vũ khí hạt nhân vào tháng 5, nói rằng: “Về cơ bản, tập thể phương Tây đang tiến hành một cuộc chiến tranh không tuyên bố chống lại các nước chúng ta”. Ông nói thêm rằng các quốc gia phương Tây đang tìm cách “kéo dài và leo thang xung đột vũ trang ở Ukraine”.

Vào tháng 6, Putin xác nhận rằng chuyến hàng vũ khí hạt nhân chiến thuật đầu tiên đã đến Belarus và chúng đang được đóng tại nước này. Ông được hỏi về việc vận chuyển vũ khí hạt nhân tới Belarus và liệu Nga có cân nhắc khả năng sử dụng chúng hay không.

“Tại sao chúng ta phải đe dọa cả thế giới? Tôi đã nói rằng việc sử dụng các biện pháp cực đoan là có thể xảy ra trong trường hợp có mối nguy hiểm đối với vị thế nhà nước của Nga”, ông Putin đáp lại, theo BBC, đồng thời cho biết thêm rằng điều này sẽ đóng vai trò như một lời nhắc nhở đối với bất kỳ quốc gia nào khác “nghĩ đến việc gây ra một cuộc tấn công chiến lược đối với chúng tôi.”

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói sau bình luận của Putin: “Chúng tôi không có lý do gì để điều chỉnh tư thế hạt nhân của mình”.

“Chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân”, Blinken cho biết vào tháng 6 và nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ “tiếp tục theo dõi tình hình rất chặt chẽ và rất cẩn thận”.

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sắp bước sang năm thứ ba vào tháng 2 với việc giao tranh vẫn tiếp diễn ở nhiều vùng của Ukraine. Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine một số gói hỗ trợ quốc phòng khác nhau, bao gồm viện trợ kinh tế và thiết bị quân sự.

Tưởng cũng nên biết thêm: Khi nói đến vũ khí hạt nhân nhiều người không phân biệt được vũ khí hạt nhân chiến thuật và vũ khí hạt nhân chiến lược. Khả năng Putin dám dùng đến vũ khí hạt nhân chiến lược là rất thấp. Nhưng điều đó không đúng với vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì?

Thuật ngữ “vũ khí hạt nhân chiến thuật” dùng để chỉ các đầu đạn hạt nhân nhỏ và cả hệ thống phóng ra chúng, được thiết kế để dùng trên chiến trường hoặc cho một cuộc tấn công có giới hạn.

Chúng được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu của đối phương trong một khu vực cụ thể hạn hẹp mà không gây ra các tác động phóng xạ trên một diện tích rộng.

Đầu đạn hạt nhân chiến thuật nhỏ nhất có thể có trọng lượng một kiloton hoặc ít hơn. Để so sánh, quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima năm 1945 là 15 kiloton.

Tuy nhiên, đầu đạn hạt nhân chiến thuật lớn nhất có thể lớn tới 100 kiloton, tức là gần 7 lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima.

3. Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đề nghị tham gia NATO của Thụy Điển

Sự chấp thuận của Hội đồng đã xóa bỏ một trở ngại khác trong quá trình gia nhập khối của Thụy Điển sau khi Nga xâm chiếm Ukraine. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cho biết như trên vào chiều Thứ Tư, 27 Tháng Mười Hai.

Ông đã trì hoãn việc phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển trong 19 tháng qua.

Quyết định này là một bước quan trọng hướng tới việc mở rộng liên minh quân sự sau 19 tháng trì hoãn trong đó Ankara yêu cầu Stockholm một số nhượng bộ liên quan đến an ninh.

Ủy ban, do Đảng Công lý và Phát triển, gọi tắt là Đảng AK, cầm quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan kiểm soát, đã bỏ phiếu ủng hộ nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển, sau khi nước này nộp đơn vào năm ngoái ngay sau khi Nga xâm chiếm Ukraine.

Bước tiếp theo là cuộc bỏ phiếu của toàn thể quốc hội, trong đó Đảng AK và các đồng minh chiếm đa số. Tư cách thành viên NATO của Thụy Điển dự kiến sẽ được thông qua và sau đó biện pháp này sẽ được chuyển đến tay ông Erdogan. Nếu ký nó thành luật, ông sẽ kết thúc một quá trình kéo dài gần hai năm và khiến một số đồng minh của Ankara ở phương Tây thất vọng.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo ủy ban Fuat Oktay đã hạ thấp kỳ vọng về một cuộc bỏ phiếu nhanh chóng tại phiên khoáng đại của Quốc hội, nói với các phóng viên rằng chủ tịch Quốc Hội sẽ quyết định thời gian bỏ phiếu. Quốc hội cũng có kỳ nghỉ hai tuần vào đầu tháng Giêng.

“Quyết định đệ trình lên đại hội đồng đã được đưa ra ngay bây giờ, nhưng điều này không nên được hiểu là dấu hiệu rằng nó sẽ được thông qua đại hội đồng với tốc độ tương tự. Không có chuyện đó”, Oktay nói.

Trong tuyên bố sau khi được ủy ban phê duyệt, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết Thụy Điển hoan nghênh động thái này và mong muốn được gia nhập NATO.

Nhà lãnh đạo NATO Jens Stoltenberg cũng hoan nghênh sự chấp thuận của ủy ban quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.

“Tôi hoan nghênh cuộc bỏ phiếu của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ về việc phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển,” ông Stoltenberg nói, đồng thời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Hung Gia Lợi hoàn tất việc phê chuẩn của họ “càng sớm càng tốt”.

Tất cả các thành viên NATO, hiện nay là 31, được yêu cầu phê duyệt tư cách thành viên mới.

Ông Erdogan đã phản đối vào tháng 5 năm ngoái đối với yêu cầu gia nhập liên minh của cả Thụy Điển và Phần Lan vì điều mà ông nói là nhằm bảo vệ những người mà Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là “khủng bố” cũng như việc họ bảo vệ các lệnh cấm vận thương mại.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn đề xuất của Phần Lan vào tháng 4 nhưng vẫn để Thụy Điển chờ cho đến khi nước này thực hiện thêm các bước để trấn áp các thành viên địa phương của Đảng Công nhân người Kurd, là nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh Âu Châu và Hoa Kỳ liệt vào danh sách nhóm khủng bố.

Đáp lại, Stockholm đã đưa ra một dự luật quy định việc trở thành thành viên của một “tổ chức khủng bố” là bất hợp pháp.

Thụy Điển và các thành viên NATO Phần Lan, Canada và Hà Lan cũng thực hiện các bước nhằm nới lỏng các chính sách xuất khẩu vũ khí ảnh hưởng đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi Hung Gia Lợi, thành viên NATO cũng chưa phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là rào cản chính trong việc bổ sung Thụy Điển vào liên minh quân sự và tăng cường phòng thủ ở khu vực Biển Baltic.

Ông Erdogan cũng đã liên kết việc Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển với việc Mỹ chấp thuận bán chiến đấu cơ F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau cuộc gọi với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tháng này, ông cho biết Washington đang xem xét việc phê chuẩn để thực hiện yêu cầu.

4. Máy bay F-16 đầu tiên có thể đã có mặt ở Ukraine

Trong bản tin đánh đi hôm thứ Năm 28 Tháng Mười Hai, thông tấn xã Tass của nhà nước Nga khẳng định rằng khả năng lực lượng không quân Ukraine đã sử dụng những máy bay này là khá cao.

Những chiếc máy bay phản lực F-16 đầu tiên được hứa cung cấp cho Kiev /ki-ép/ có thể đã đến Ukraine, thông tấn xã Tass nói. Người Nga gọi Thủ đô của Ukraine là Kiev /ki-ép/, thay vì Kyiv như cách gọi của người Ukraine và phương Tây. Tass cho rằng Ukraine đã yêu cầu các đối tác phương Tây bàn giao máy bay F-16 từ lâu.

Diễn biến này xảy ra sau khi phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho rằng lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 2 máy bay ném bom chiến thuật Su-24 gây ra vụ phá hủy chiến hạm Nga Novocherkassk. Phía Ukraine nói không có máy bay nào của họ bị bắn hạ. Trong khi đó, các blogger quân sự Nga cho rằng chính F-16 đã tấn công chiếc chiến hạm xấu số.

Tuy nhiên, phương Tây nhấn mạnh rằng việc bàn giao như vậy sẽ không thể thực hiện được nếu không đào tạo sơ bộ phi công và nhân viên mặt đất. Hôm thứ Ba, Bộ Quốc phòng Anh thông báo rằng các phi công Ukraine đầu tiên đã hoàn thành khóa huấn luyện cơ bản về máy bay F-16 do Không quân Hoàng gia tổ chức.

Cuối tháng 8, Hà Lan tuyên bố sẵn sàng chuyển 42 máy bay F-16 do Mỹ sản xuất tới Ukraine, trong khi Đan Mạch hứa cung cấp 19 máy bay. Chính quyền Mỹ đã phê duyệt bước này. Kyiv bày tỏ hy vọng Ukraine sẽ nhận được máy bay vào nửa đầu năm 2024. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết việc này sẽ diễn ra không sớm hơn mùa xuân năm sau.

5. Gói quân sự mới trị giá 250 triệu Mỹ Kim của Tổng thống Biden dành cho Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “What's Included in Biden's New $250 Million Military Package for Ukraine”, nghĩa là “Những gì được bao gồm trong Gói quân sự mới trị giá 250 triệu Mỹ Kim của Tổng thống Biden dành cho Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chính quyền Tổng thống Biden đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 250 triệu Mỹ Kim cho Ukraine trong khi yêu cầu về gói viện trợ lớn hơn nhiều vẫn bị Quốc hội giữ lại.

Hôm thứ Tư, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Thiếu Tướng Pat Ryder, cho biết viện trợ, được thực hiện thông qua thẩm quyền rút vốn của tổng thống đã được phê duyệt trước đó, sẽ giúp “đáp ứng các nhu cầu an ninh và quốc phòng quan trọng của Ukraine”.

Thiếu Tướng Pat Ryder cho biết gói này bao gồm một số lượng chưa xác định hỏa tiễn phòng không Stinger, hỏa tiễn dẫn đường bằng dây quang học phóng bằng ống phóng và “các thành phần của hệ thống phòng không”.

Hơn 15 triệu viên đạn vũ khí nhỏ cũng được bao gồm, cùng với đạn dành cho Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, đạn Hệ thống hỏa tiễn đất đối không tiên tiến quốc gia, gọi tắt là NASAMS, và đạn pháo 155ly và 105ly.

Ngoài ra, Thiếu Tướng Pat Ryder cho biết gói hàng này còn chứa các hệ thống chống áo giáp Javelin và AT-4 cũng như “các phụ tùng thay thế, thiết bị y tế, bảo trì và các thiết bị phụ trợ khác”.

Gói này được công bố trong khi số phận của yêu cầu 60 tỷ Mỹ Kim tài trợ bổ sung cho Ukraine của Tổng thống Joe Biden đang bị treo trong thế cân bằng trước việc các thành viên Quốc Hội ngày càng phản đối viện trợ và cố gắng ràng buộc bất kỳ khoản tài trợ nào với các yêu cầu chính sách biên giới Mỹ-Mễ Tây Cơ.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Antony Blinken gọi đề nghị mới nhất của Bộ Quốc phòng là “gói vũ khí và thiết bị cuối cùng trong năm dành cho Ukraine” trước khi kêu gọi Quốc hội phê chuẩn gói lớn hơn để hỗ trợ Ukraine và “các lợi ích an ninh quốc gia”.

Blinken cho biết: “Sự hỗ trợ của chúng tôi rất quan trọng trong việc hỗ trợ các đối tác Ukraine của chúng tôi khi họ bảo vệ đất nước và quyền tự do của họ trước sự xâm lược của Nga”. “Điều bắt buộc là Quốc hội phải hành động nhanh chóng, càng sớm càng tốt để thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta bằng cách giúp Ukraine tự vệ và bảo đảm tương lai của mình.”

Thiếu tướng Pat Ryder, thư ký báo chí của Ngũ Giác Đài, cho biết trong cuộc họp ngắn tuần trước rằng việc thông qua gói lớn hơn là rất quan trọng đối với thành công trên chiến trường của Ukraine, đồng thời lập luận rằng “điều bắt buộc là chúng tôi phải có đủ kinh phí cần thiết để bảo đảm rằng họ nhận được những gói hàng khẩn cấp nhất nâng cao khả năng chiến trường mà họ yêu cầu.”

Chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tới Washington, DC vào đầu tháng này, bao gồm một cuộc gặp với các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, những người đã miễn cưỡng phê duyệt thêm viện trợ, dường như không cải thiện được cơ hội giành được gói viện trợ lớn hơn của Kyiv.

Zelenskiy bày tỏ sự lạc quan rằng một bước đột phá sẽ sớm đến bất kể tình trạng bế tắc hiện nay. Ông nói với các phóng viên vào tuần trước rằng ông “tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ không phản bội chúng tôi”.

Ukraine gần đây cũng không nhận được gói viện trợ của Liên minh Âu Châu trị giá 50 tỷ euro, tương đương khoảng 55 tỷ Mỹ Kim, vì Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán phủ quyết đề xuất này tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels hồi đầu tháng này.

Tuy nhiên, Orbán, một đồng minh của Putin, tuần trước đã ra tín hiệu rằng ông có thể cho phép Liên Hiệp Âu Châu đi tiếp nếu Hung Gia Lợi được miễn tham gia. Các nguyên thủ quốc gia Liên Hiệp Âu Châu khác đã chỉ ra rằng họ mong đợi gói này sẽ được phê duyệt vào đầu năm tới, bất chấp sự phản đối tiềm tàng từ Orbán.

6. Nhật dự định tặng hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine. Nga phản ứng

Maria Zakharova, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga, đã cảnh báo rằng động thái của Nhật Bản chuyển giao hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine sẽ gây ra “hậu quả nghiêm trọng” cho mối quan hệ Nga-Nhật.

Reuters đưa tin Zakharova đã đưa ra bình luận vào hôm thứ Tư sau khi có quyết định của Tokyo chuyển giao hệ thống phòng không Patriot cho Kyiv.

Nhật Bản, quốc gia đã cùng các đồng minh phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, đã mở rộng danh sách đen xuất khẩu vào đầu tháng này. Nó cũng bao gồm lệnh cấm sử dụng kim cương của Nga cho mục đích phi công nghiệp.

7. Putin tuyên bố bồi thường rất trọng hậu cho các binh sĩ Nga bị thương tật, nhưng họ chỉ nhận được rau quả

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Soldier's Only Compensation for War Injuries Was Vegetables: Report”, nghĩa là “Báo cáo khoản bồi thường duy nhất cho thương tích chiến tranh của người lính Nga là rau.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một báo cáo mới, một người lính Nga bị thương nặng khi chiến đấu ở Ukraine chỉ nhận được hai thùng cà rốt và một túi hành từ chính phủ thay vì số tiền mà gia đình anh ta nghĩ rằng anh ta sẽ nhận được.

Báo cáo được công bố hôm thứ Ba bởi cơ quan điều tra độc lập Mozhem Obyasnit, tiếng Nga có nghĩa là “Chúng tôi có thể giải thích”, được cho là đã phỏng vấn vợ của người lính về câu chuyện.

Bài báo của Mozhem Obyasnit cho biết Oleg Rybkin, 45 tuổi, bị gọi nhập ngũ từ vùng Volgograd của Nga để chiến đấu ở Ukraine vào tháng 9/2022. Vào tháng 6, Rybkin đã tham chiến gần làng Robotyne ở tỉnh Zaporizhzhia. Như tờ báo này đã lưu ý, Robotyne là nơi giao tranh ác liệt trong giai đoạn mùa hè của cuộc phản công năm 2023 của Ukraine cho đến khi Kyiv tuyên bố đã giải phóng thị trấn khỏi lực lượng của Putin vào cuối tháng 8.

Người phụ nữ cho biết khi phục vụ ở Robotyne, Rybkin “bị thương ở bụng, gan, thận” và “khớp đầu gối phải của anh ta đã bị phá hủy”.

Rybkin được cho là đã trải qua một cuộc phẫu thuật tại một bệnh viện địa phương ở Ukraine trước khi trải qua ca phẫu thuật bụng tại một bệnh viện ở Sevastopol, Crimea. Ủy ban quân y của Nga sau đó cho rằng Rybkin “tạm thời không đủ sức khỏe” để chiến đấu và anh ta được gửi đến Saint Petersburg để tiếp tục phục hồi.

Vợ của người lính, Irina Rybkina, mô tả chồng mình đang vô cùng đau đớn và cần được phẫu thuật đầu gối mà anh chưa bao giờ nhận được. Tuy nhiên, anh ta đã sớm được cho là phải quay trở lại đơn vị của mình.

“Anh ấy bị đau nặng, đầu gối không thể duỗi thẳng và không thể đi lại nếu không có nạng. Anh ấy đang dùng thuốc giảm đau và thuốc ngủ,” Irina nói với Mozhem Obyasnit, đồng thời công bố một bức ảnh trên trang web của mình về những gì được cho là trích từ hồ sơ bệnh án của chồng cô.

Các chuyên gia y tế đã nói với Irina rằng chồng cô cần phải phẫu thuật thay khớp gối, nhưng cô khẳng định rằng bộ chỉ huy quân sự Nga không muốn bị buộc phải trả 3 triệu rúp tức là 32.730 Mỹ Kim tiền bồi thường và một khoản trợ cấp suốt đời mà Oleg sẽ nhận được nếu anh ta được tìm thấy vĩnh viễn không đủ khả năng để phục vụ.

Thay vì đồng rúp và tiền trợ cấp, Irina nói với Mozhem Obyasnit rằng sự giúp đỡ duy nhất mà các quan chức chính phủ Nga dành cho gia đình cô là hai thùng cà rốt và một túi hành do nông dân địa phương trồng.

Mozhem Obyasnit đưa tin rằng Oleg hiện đang trở lại phục vụ trong đơn vị của mình bằng cách sử dụng nạng.

8. Nga tấn công trả thù vụ chìm 2 tàu ở bán đảo Crimea

Một người đã thiệt mạng sau khi lực lượng Nga gửi hàng chục máy bay không người lái tấn công Ukraine trong cuộc không kích qua đêm mới nhất của họ. Phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết như trên trong cuộc họp báo sáng Thứ Năm, 28 Tháng Mười Hai.

Cô cho biết một người đàn ông 35 tuổi đã thiệt mạng do mảnh vỡ từ máy bay không người lái bị bắn rơi trong khu dân cư. 4 người khác, trong đó có một đứa trẻ 6 tuổi, bị thương.

Đại Úy Alyona Lyutnytska cũng báo cáo một trường hợp tử vong riêng do bị pháo kích vào Kherson trong đêm.

Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết 32 trong số 46 máy bay không người lái do Iran sản xuất do Nga phóng đã bị bắn hạ. Những chiếc này đã bị bắn rơi ở các khu vực miền trung, miền nam và miền tây Ukraine, nó nói thêm. Phần lớn số còn lại tấn công gần tiền tuyến, chủ yếu ở vùng Kherson phía nam.

9. Nga lên giây cót tinh thần cho dân chúng bằng cách loan tin về một loại trọng pháo mới

Hôm Thứ Tư, 28 Tháng Mười Hai, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết các loại pháo mới nhất của Nga sẽ sớm được triển khai chống lại lực lượng Ukraine như một phần của “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Ông cho biết việc thử nghiệm các đơn vị pháo tự hành mới, có tên Coalition-SV, đã hoàn thành và việc sản xuất hàng loạt đã bắt đầu, với lô thí điểm đầu tiên sẽ được giao vào cuối năm nay..

Coalition-SV sẽ sớm xuất hiện trên chiến trường ở Ukraine, vì cần có pháo loại này để mang lại lợi thế so với các loại trọng pháo của phương Tây về tầm bắn.

Theo cách nói của Konashenkov thì những khẩu pháo mới này sắp được triển khai nhưng chưa được triển khai. Tuy nhiên, hãng thông tấn nhà nước Tass của Nga đưa tin hồi đầu tháng này rằng các khẩu pháo của Coalition-SV đã được triển khai tới tiền tuyến ở Ukraine.
 
Putin hết thời: Hình ảnh sống động lính Nga bỏ xe tăng T-90, chạy. Phó chủ tịch Duma rơi từ cửa sổ
VietCatholic Media
16:09 28/12/2023


1. Video gây đau đớn cho người Nga khi lính lái xe tăng T-90 bỏ xe chạy

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Drone Forces Crew to Abandon Russia's Prized T-90 Tank: Video”, nghĩa là “Video cho thấy máy bay không người lái Ukraine buộc kíp lái xe tăng T-90 quý giá của Nga bỏ xe chạy.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đoạn phim mới xuất hiện cho thấy một máy bay không người lái giá rẻ của Ukraine đã buộc kíp lái xe tăng T-90M của Nga phải nhảy ra khỏi các phương tiện quý giá dọc tiền tuyến.

Một đoạn video ngắn lan truyền trên mạng, ban đầu được lực lượng lục quân Ukraine đăng tải hôm thứ Tư, cho thấy một máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất của Ukraine lao vào xe tăng tiên tiến của Nga. Một chế độ xem hai màn hình cùng lúc hiển thị cả nguồn cấp dữ liệu từ máy bay không người lái của Ukraine và máy bay không người lái tấn công trước khi nó đâm vào chiếc xe tăng.

Đoạn phim được cho là của Lữ đoàn cơ giới số 47 của Ukraine.

Các thành phần của lữ đoàn - vốn đang vận hành xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A6 do phương Tây cung cấp - đã đóng quân xung quanh thị trấn Avdiivka của Donetsk và trước đó đã chiến đấu tại các điểm nóng xung quanh khu vực phía nam Zaporizhzhia.

Dmytro Lazutkin, phát ngôn nhân của Lữ đoàn 47, nói với Newsweek hồi đầu tháng này rằng lữ đoàn đã được triển khai quanh sườn phía bắc của Avdiivka, đồng thời cho biết thêm Mạc Tư Khoa đã tăng cường sử dụng máy bay không người lái FPV quanh thị trấn đang bị bao vây.

Lazutkin cho biết Ukraine cần nhiều máy bay không người lái FPV của riêng mình cũng như cần đạn dược.

Quân đội Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái cảm tử FPV đạt hiệu quả cao. Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng chuyển đổi kỹ thuật số của Kyiv, người chỉ đạo các nỗ lực sử dụng máy bay không người lái của Ukraine chống lại Nga, cho biết các phương tiện không người lái của FPV đã nhanh chóng trở thành “kẻ thay đổi cuộc chơi” trên chiến trường Ukraine, hạ gục hàng loạt phần cứng của Nga.

“Đôi khi chúng hoạt động hiệu quả hơn cả pháo binh”, ông trùm máy bay không người lái của Kyiv nói với Newsweek vào đầu tháng 12. “Vì vậy, máy bay không người lái FPV thực sự là một cuộc cách mạng công nghệ, mặc dù bản thân công nghệ này khá dễ dàng. Nhưng hóa ra nó lại rất hiệu quả.”

Những chiếc máy bay không người lái giá rẻ này được biết đến với khả năng tiêu diệt xe tăng, như T-90 của Nga. Vào giữa tháng 8, Lữ đoàn tấn công trên không số 80 của Ukraine đã đăng một đoạn clip cho thấy một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào một chiếc xe tăng T-90 đã rơi xuống một vách đá ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này. Vào cuối tháng 10, Bộ Quốc phòng Ukraine đã công bố một đoạn video cho thấy một máy bay không người lái có chất nổ tấn công, sau đó đánh vào xe tăng T-90 của Nga.

Nga đã ca ngợi xe tăng T-90M, còn được gọi là “Proryv-3” hay “Đột phá-3”. Cuối tháng 12/2022, truyền thông nhà nước Nga đưa tin T-90M đã được triển khai tới Ukraine lần đầu tiên.

Chuyên gia quốc phòng và công nghệ quân sự Michael Peck nói với Newsweek vào tháng 3 năm 2023 rằng T-90M “có vẻ ấn tượng, nhưng xe tăng Nga luôn trông đẹp cho đến khi chúng thực sự được sử dụng trong chiến đấu”.

Trên Telegram, nhiều người Nga đã bày tỏ nỗi buồn khi thấy kíp lái bỏ xe tăng chạy. Tuy nhiên, cũng có người nói cuộc chiến này là cuộc chiến của Putin. Các binh sĩ Nga bỏ xe chạy để giữ mạng không có gì là sai.

2. Phó chủ tịch Duma Tobolsk, bạn thân của Putin, người giàu nhất khu vực rơi từ cửa sổ tầng ba xuống đất

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally Found Dead After Falling From Third Floor Window: Reports”, nghĩa là “Báo cáo cho biết đồng minh của Putin được tìm thấy đã chết sau khi rơi từ cửa sổ tầng ba”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Truyền thông nhà nước Nga đưa tin Vladimir Egorov, một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, được phát hiện đã chết hôm thứ Tư.

Egorov là phó chủ tịch Duma thành phố Tobolsk. Ông ta qua đời ở 46 tuổi. Egorov là nhà lãnh đạo của đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền của Putin trong khu vực, đã rơi từ cửa sổ tầng ba của một ngôi nhà trên phố Kedrovaya ở Tobolsk thuộc tỉnh Tyumen. Kênh Telegram của Nga Baza, có liên kết với các cơ quan an ninh Nga, đưa tin..

Nhật báo Nga Izvestia cũng dẫn nguồn tin cho biết Egorov có thể đã rơi từ cửa sổ tầng ba xuống đất vỡ sọ chết.

Cơ quan báo chí của Tổng cục Điều tra khu vực Tyumen nói với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti của Nga rằng các nhà điều tra đang “xác định tất cả các tình tiết của vụ việc”.

Năm ngoái, Egorov đã trở thành một trong những Dân biểu giàu nhất của Tobolsk, với thu nhập công khai lên tới 9,1 triệu rúp một tháng hay khoảng 1,2 triệu Mỹ Kim một năm theo hãng tin RBC của Nga đưa tin hôm thứ Năm.

Kênh Baza của Nga cho rằng từ khi bắt đầu “hoạt động quân sự đặc biệt”, là cách nói của người Nga chỉ cuộc xâm lược Ukraine cho đến nay, Egorov là người thứ 42 gặp phải cái chết bi thảm té từ cửa sổ trên các tầng lầu cao xuống đất vỡ sọ chết. Các chuyên gia cho rằng cách thức chết cùng một kiểu bi thảm như thế là cách thức khủng bố tinh thần cho những ai mà bạo chúa không hài lòng.

3. Mạc Tư Khoa cảnh báo Phần Lan sẽ 'phải chịu đau khổ' trong đợt đe dọa mới nhất

Một trong những nhà ngoại giao hàng đầu của Mạc Tư Khoa cho biết Phần Lan sẽ là “người chịu thiệt hại đầu tiên” nếu chiến tranh nổ ra giữa NATO và Nga.

Mikhail Ulyanov, đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, nói với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti trong một cuộc phỏng vấn: “Vì họ là hàng xóm của chúng tôi, họ sẽ là những người đầu tiên phải chịu thiệt hại”.

Phần Lan gia nhập NATO vào tháng 4 năm nay, trở thành thành viên thứ 31 của liên minh, nhằm đáp trả cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine. Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.340 km với Nga, là đường biên giới dài nhất trong số các thành viên NATO.

Ulyanov cũng chỉ trích quyết định của Phần Lan ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ vào tháng 12, cho phép quân đội Mỹ tiếp cận các căn cứ của Phần Lan và cho phép Mỹ lưu trữ thiết bị quân sự trên đất Phần Lan.

“Đây đã là một thách thức nghiêm trọng,” ông ta nói.

Phần Lan trong tháng này đã tạm thời đóng cửa biên giới đất liền với Nga để ứng phó với một lượng lớn người di cư và người xin tị nạn băng qua nước này. Helsinki đã cáo buộc Nga đứng đằng sau làn sóng người nhập cư, là điều mà Điện Cẩm Linh phủ nhận.

4. Sau khi mất 3.000 quân trong một tuần, Nga rút quân và tung ra máy bay không người lái

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Deploys Kamikaze Drones After Losing 3,000 Troops in One Week”, nghĩa là “Nga triển khai máy bay không người lái Kamikaze sau khi mất 3.000 quân trong một tuần.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo Đại tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, quân đội Nga đã tăng cường các cuộc tấn công dọc theo mặt trận phía đông ở Ukraine, bao gồm cả việc triển khai thêm các máy bay không người lái “kamikaze”.

Hôm thứ Tư, Tướng Syrskyi, chỉ huy quân đội của Kyiv dọc mặt trận phía đông, nói rằng Mạc Tư Khoa đã mất hơn 3.000 quân trong khu vực trong tuần qua. Miền Đông Ukraine đã chứng kiến một số trận chiến khốc liệt nhất trong cuộc chiến kéo dài 22 tháng, và Tướng Syrskyi lưu ý trong bài đăng của mình rằng bối cảnh “vẫn còn khó khăn”.

Bất chấp tổn thất, Nga vẫn tiếp tục nỗ lực tấn công ngay phía bắc thành phố Bakhmut, một thị trấn công nghiệp ở vùng phía đông Donetsk đã bị Mạc Tư Khoa chiếm sau nhiều tháng giao tranh tàn khốc vào mùa xuân. Syrskyi báo cáo rằng Nga đã triển khai hơn 2.000 quân trong cuộc chiến giành Kupiansk - một thành phố ở vùng Kharkiv, nơi có trung tâm hỏa xa quan trọng ở phía đông bắc Ukraine.

“ Đối phương gần đây đã tăng cường đáng kể việc sử dụng xe thiết giáp, máy bay không người lái cảm tử và tiếp tục tiến hành bắn pháo dữ dội”.

Trong khi Ukraine phần lớn đang dẫn đầu cuộc chiến máy bay không người lái kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược, Mạc Tư Khoa vẫn không thiếu nguồn cung cấp cho các cuộc không kích của riêng mình, nhờ có rất nhiều máy bay không người lái kamikaze Shahed-131 do Iran sản xuất được cung cấp cho quân đội Điện Cẩm Linh. Các máy bay cảm tử có khả năng bay lượn trong không phận, chờ đợi trước khi tìm thấy và tấn công mục tiêu.

Không quân Ukraine tuần trước cho biết Nga đã trang bị đủ máy bay không người lái cảm tử để tấn công Ukraine gần như mỗi ngày. Các quan chức Kyiv trước đó đã cảnh báo rằng Mạc Tư Khoa đang tích trữ máy bay không người lái và hỏa tiễn trong mùa thu để khởi động một làn sóng tấn công mới vào mùa đông.

Mạc Tư Khoa đã phóng khoảng 7.400 hỏa tiễn và 3.700 máy bay không người lái tấn công Shahed kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào tháng 2 năm 2022, Phát ngôn nhân Lực lượng Không quân Kyiv, Yury Ihnat, cho biết trong các bình luận trên truyền hình vào tuần trước, theo Reuters đưa tin. Lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 1.600 hỏa tiễn của Mạc Tư Khoa và khoảng 2.900 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của nước này.

Ihnat nói thêm trong bình luận của mình rằng có từ 10 đến 15 khu vực của Ukraine đang “bắn hạ Shaheds mỗi đêm”.

Syrskyi lưu ý trong báo cáo hôm thứ Tư rằng binh lính Kyiv thể hiện “sự chuyên nghiệp và lòng dũng cảm phi thường” bất chấp tình hình ngày càng khó khăn ở miền đông Ukraine. Ngoài việc Mạc Tư Khoa mất hàng ngàn quân, Tướng Syrskyi còn báo cáo rằng 361 đơn vị thiết bị của Nga - bao gồm 43 xe tăng và 83 xe thiết giáp - đã bị phá hủy trong tuần qua.

Ông nói: “Trong điều kiện chiến sự đang diễn ra, ưu tiên của chúng tôi vẫn là bảo toàn tính mạng của binh lính, sử dụng hiệu quả các phương tiện gây sát thương bằng hỏa lực, trinh sát liên tục và ra quyết định nhanh chóng”.

5. Hắc Hải là một cái bẫy lớn cho Hạm đội Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Crimea Ship Attack Exposes Black Sea 'Trap' for Russian Fleet”, nghĩa là “Vụ tấn công 2 tàu ở bán đảo Crimea cho thấy Hắc Hải là một cái bẫy cho Hạm đội Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Một cố vấn quốc hội Ukraine cho biết, cuộc tấn công thành công mới nhất của Ukraine nhằm vào Hạm đội Hắc Hải của Nga nói lên “cái bẫy” mà các tàu chiến của Mạc Tư Khoa đang mắc phải, khi Điện Cẩm Linh tính toán cái giá phải trả cho một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hành trình vào cảng Feodosia của Crimea.

Hàng chục quân nhân Nga mất tích hoặc bị thương sau khi tàu đổ bộ lớn Novocherkassk lớp Ropucha bị hỏa tiễn hành trình Ukraine bắn trúng và dường như bị phá hủy khi đang thả neo vào rạng sáng thứ Ba. Mạc Tư Khoa đã thừa nhận thiệt hại về con tàu.

Andriy Ryzhenko, thuyền trưởng hải quân Ukraine đã nghỉ hưu và hiện là chuyên gia chiến lược tại công ty tư vấn quốc phòng và hậu cần Sonata, nói với Newsweek rằng ông tin rằng “hầu hết thủy thủ đoàn cũng đã thiệt mạng”.

Con tàu dài khoảng 370 feet và được thiết kế để đổ bộ, với thủy thủ đoàn lên tới 87 người. Các tàu lớp Ropucha cũng đóng vai trò vận tải quân sự quan trọng đối với lực lượng vũ trang Nga và tàu Novocherkassk được cho là mang theo đạn dược – có thể là máy bay không người lái kamikaze Shahed do Iran sản xuất – khi bị tấn công. Những đạn dược này khuếch đại vụ nổ sau đó.

Ivan Stupak, cựu sĩ quan Cơ quan An ninh Ukraine và hiện là cố vấn cho ủy ban an ninh, quốc phòng và tình báo quốc gia của quốc hội Ukraine, nói với Newsweek về cuộc tấn công: “Họ đang trong quá trình dỡ hàng khỏi tàu”.

“Hỏa tiễn đến vào cùng thời điểm và tiêu diệt rất nhiều thủy thủ đoàn cũng như những người khác xung quanh tàu. Số thương vong có thể tăng lên.”

Hạm đội Hắc Hải, vốn không thể được tăng cường bởi các tàu từ các hạm đội khác của Nga kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển Bosporus và Dardanelles đối với hoạt động vận chuyển quân sự từ tháng 2 năm 2022, hiện đã mắc vào một “cái bẫy”, Stupak nói.

Các blogger ủng hộ chiến tranh ở Nga đã than thở về thất bại hàng hải mới nhất. Một bài đăng trên kênh Romanov Light, nơi có gần 135.000 người, cho biết: “Đối phương đang hạ gục một cách có hệ thống tàu đổ bộ lớn của chúng ta, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ hậu cần hiện tại, còn là lực lượng dự bị trong trường hợp cầu Crimea bị hư hại”.

“Sau khi phần lớn tàu đổ bộ lớn bị vô hiệu hóa, đối phương có thể tiến hành một cuộc tấn công khác vào cầu Crimea, cũng như hệ thống hóa các cuộc tấn công vào các điểm giao nhau ở phía bắc Crimea. Sau đó, đối phương sẽ công khai 'phong tỏa Crimea', điều này sẽ tạo ra lý lẽ đòi tăng cường cung cấp vũ khí tầm xa “.

Stupak cho biết bất kỳ hy vọng nào về việc phong tỏa hoàn toàn bán đảo bị tạm chiếm đều là “câu chuyện cổ tích” vì Ukraine không có lực lượng hải quân thông thường. Thay vào đó, nước này dựa vào hỏa tiễn tầm xa và thuyền không người lái của hải quân để tấn công tàu Nga.

“Cách duy nhất là sử dụng hỏa tiễn tầm xa”, Stupak nói về việc ngăn chặn các hoạt động của Nga ra vào Crimea.

Tuy nhiên, ông nói thêm, Hắc Hải đã trở thành một hố đen về tài nguyên hải quân Nga. Stupak cho biết kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện Công ước Montreux, “Hắc Hải đã trở thành một vũng nước; đó là một cái bẫy cho hạm đội Nga.”

“Khi bắt đầu cuộc chiến, số lượng tàu chiến Nga thuộc các lớp và loại khác nhau - từ nhỏ đến lớn - là khoảng 80 chiếc. Nhưng hiện tại, con số gần đúng đã giảm xuống còn 50 chiếc. Vì vậy, gần 50% Hạm đội Hắc Hải bị phá hủy hoặc hư hại nặng nề.”

Stupak cho biết, lực lượng bị tấn công hiện đang “cố gắng sống sót”, chuyển các tàu có giá trị cao ra khỏi các cảng Crimea đang bị cháy và hướng tới vùng biển an toàn hơn ở Novorossiysk và những nơi khác.

Ryzhenko cho biết Kyiv sẽ tiếp tục trau dồi chiến lược “vũ khí tổng hợp” gồm “hỏa tiễn, máy bay không người lái trên biển và trên không xâm nhập và tiêu diệt các mục tiêu có giá trị nhất của Nga ở bán đảo Crimea”.

Ông nói: “Trong vùng nước hạn chế, việc sử dụng bất kỳ tàu cỡ trung bình hoặc lớn hơn nào đều rất nguy hiểm. “Thật dễ dàng để tìm, xác định và tiêu diệt những con tàu lớn này.”

6. Tổng thống Ukraine đã cảm ơn “tất cả các chiến binh Ukraine” sau vụ bắn chìm 2 tàu Nga

Tổng thống Ukraine đã cảm ơn “tất cả các chiến binh Ukraine” tham gia trong vụ bắn chìm 2 tàu Nga và giữ vững các tuyến phòng thủ ở miền Nam và miền Đông Ukraine.

Ông cũng nhấn mạnh rằng ưu tiên của Ukraine vẫn như cũ: “Củng cố đất nước, bảo vệ người dân và củng cố vị thế của chúng ta trong mọi lĩnh vực”.

Ông cũng đề cập đến cuộc họp về công việc của Ukraine với NATO vào năm 2024. Trong video, Zelenskiy nói:

Chiến lược của Ukraine trong quan hệ với liên minh là hoàn toàn rõ ràng: đó là nền tảng an ninh cho cả Ukraine và toàn bộ Âu Châu, bao gồm cả Ukraine. Chúng tôi đang xây dựng các chiến thuật hành động tương ứng phù hợp với chiến lược này.

7. Nga mất 8 chiến đấu cơ sau 3 tuần dẫn đến các suy đoán về F-16 của Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine F-16 Speculation Mounts as Russia Loses 8 Fighter Jets in 3 Weeks”, nghĩa là “Suy đoán về F-16 của Ukraine tăng lên khi Nga mất 8 chiến đấu cơ sau 3 tuần”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ cho biết các chiến đấu cơ F-16 do phương Tây cung cấp có thể đã có mặt ở Ukraine sau khi Kyiv tuyên bố giành được một loạt chiến thắng nổi bật trước các tài sản của Nga trên không và trên biển.

Các đồng minh phương Tây của Ukraine đã hứa cung cấp cho Kyiv các máy bay phản lực F-16 tiên tiến do Mỹ sản xuất từ nhiều tháng trước, nhưng vẫn còn câu hỏi về thời điểm chính xác máy bay này sẽ bay lên bầu trời Ukraine.

Kyiv đã kêu gọi mua các máy bay phản lực, điều này sẽ tăng cường khả năng của Ukraine trong việc cạnh tranh với sự thống trị của Nga trên bầu trời và tiến hành nhiều cuộc tấn công hơn vào các mục tiêu quan trọng của Nga. Những chiếc F-16 được trang bị hệ thống điện tử hàng không và radar hiện đại hơn, đồng thời được thiết kế để phóng các loại vũ khí theo tiêu chuẩn NATO mà Ukraine đang sử dụng trên các máy bay phản lực cũ thời Liên Xô.

Trong những ngày gần đây, các kênh Telegram thân Nga đã suy đoán rằng Ukraine có thể đã sử dụng các máy bay phản lực tiên tiến để tiêu diệt các tài sản quan trọng của Nga, mặc dù chưa có xác nhận nào cho thấy Ukraine đã nhận được các máy bay phản lực này.

Một nguồn tin của Mỹ nói với Newsweek hôm thứ Tư rằng có khả năng Ukraine đã thực sự nhận được chiếc F-16 đầu tiên như đã hứa.

Trong ba tuần qua, Nga được cho là đã mất 8 máy bay phản lực - một đòn giáng mạnh vào lực lượng không quân Mạc Tư Khoa.

Vào ngày 5 tháng 12, quân đội Ukraine cho biết họ đã bắn hạ một máy bay phản lực của Nga quanh Đảo Rắn, một tiền đồn ở Hắc Hải cách bờ biển Ukraine khoảng 30 dặm, gần Rumani.

Mười hai ngày sau, truyền thông Ukraine đưa tin Mạc Tư Khoa đã mất một chiến đấu cơ-ném bom Su-34 sau khi Kyiv tấn công một căn cứ không quân của Nga. Trong một diễn biến khác, lực lượng không quân Ukraine cho biết Mạc Tư Khoa đã bắn hạ một trong những máy bay ném bom chiến thuật Su-25 của chính Nga trong cùng ngày.

Hôm 22/12, Ukraine cho biết họ đã bắn hạ thêm 3 máy bay ném bom Su-34 của Nga, trước khi Kyiv cho biết vào đêm Giáng Sinh rằng họ đã hạ gục một chiếc Su-30 và một chiếc Su-34 của Nga.

Rạng sáng ngày 26/12, một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Ukraine đã làm hư hại tàu đổ bộ Novocherkassk của Nga ở Crimea. Kể từ đó, các kênh Telegram thân Nga đã suy đoán rằng một chiếc F-16 đã được sử dụng để bắn hỏa tiễn hành trình vào tàu Nga và mối đe dọa mà các máy bay phản lực trong tay Ukraine có thể gây ra cho Điện Cẩm Linh.

“Chiếc máy bay này được tích hợp vào hệ thống chỉ huy và kiểm soát của NATO, và đó là mối nguy hiểm”, một blogger quân sự nổi tiếng của Nga cho biết hôm thứ Ba, cùng với suy đoán rằng sau khi tấn công chiếc F-16 này đã bay sang Rumani.

Dù chưa công bố chính thức nhưng không phải là Ukraine không thể đã nhận được ít nhất lô F-16 đầu tiên. Vào giữa tháng 10, Ukraine đã ra mắt hỏa tiễn ATACMS trong cuộc tấn công bắt mắt vào các căn cứ không quân của Nga, tiêu diệt hàng loạt trực thăng Nga. Các cuộc tấn công được cho là đã khiến Mạc Tư Khoa bất ngờ, với vũ khí được xác nhận sau khi Ukraine lần đầu tiên bắn hỏa tiễn.

Điều tương tự cũng có thể đúng với các máy bay phản lực nhanh được chờ đợi từ lâu và có thể mang lại cho Ukraine một lợi thế rất cần thiết khi chiến tuyến trì trệ trong những tháng mùa đông khắc nghiệt.

Daniel Rice, cựu cố vấn đặc biệt của chỉ huy trưởng Ukraine, Tướng Valery Zaluzhny, cho biết: “Tôi hy vọng phương Tây đã học được cách KHÔNG công bố các hệ thống vũ khí mới, như đã được thực hiện trong hầu hết 20 tháng đầu của cuộc chiến”.

“Các lực lượng Nga nên học 'một cách khó khăn' khi Ukraine phát triển vũ khí mới”, Rice, hiện là hiệu trưởng của Đại học Mỹ ở Kyiv, nói với Newsweek.

Ngày 22/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết chính phủ Hà Lan đang bắt đầu chuẩn bị giao lô 18 máy bay phản lực F-16 đầu tiên cho Ukraine.

Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết riêng rằng nhân viên của Ukraine phải được đào tạo bài bản trước khi chuyển giao máy bay phản lực, cũng như phải có “cơ sở hạ tầng phù hợp”. Chính phủ Hà Lan cho biết các máy bay phản lực có thể được sửa đổi và “một số máy bay cần được tu bổ công phu”.

Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Ba cho biết “nhóm phi công Ukraine đầu tiên” được quân đội Anh huấn luyện đã hoàn thành khóa huấn luyện cơ bản ở nước này và “hiện đang học lái chiến đấu cơ F-16 ở Đan Mạch, sau khi hoàn thành chương trình cơ bản đào tạo ở Anh.”

Đầu tháng 11, một số chiếc F-16 đã đến cơ sở của Rumani được thiết kế để đào tạo phi công Ukraine, trong khi những chiếc khác đang được huấn luyện tại căn cứ không quân ở Arizona.

“Mọi thứ đang diễn ra theo đúng kế hoạch”, phát ngôn nhân lực lượng không quân Ukraine, Đại tá Yuriy Ihnat cho biết như trên, theo truyền thông Ukraine.

8. Thủ tướng Donald Tusk cho biết Ba Lan đang tiến gần hơn đến việc chấm dứt phong tỏa tài xế xe tải ở một số cửa khẩu biên giới với Ukraine.

“Chúng tôi gần như tin tưởng rằng hành động của chúng tôi có thể mang lại kết quả cho cả các cuộc đàm phán ở Kyiv và Brussels”, ông Tusk nói trong một cuộc họp báo. “Tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ đạt được mức tối đa mà các tài xế xe tải mong muốn, nhưng có vẻ như những gì đạt được sẽ cho phép chúng tôi giải tỏa cảm xúc và giảm bớt sự phong tỏa ở biên giới.”

Các tài xế Ba Lan đã chặn một số điểm giao cắt với Ukraine kể từ ngày 6 tháng 11, yêu cầu Liên Hiệp Âu Châu khôi phục một hệ thống theo đó các công ty Ukraine cần có giấy phép để hoạt động trong khối và điều tương tự đối với các tài xế xe tải Âu Châu vào Ukraine.

Nông dân Ba Lan đã chấm dứt lệnh phong tỏa một trong những cửa khẩu biên giới giữa Ukraine và Ba Lan vào Chúa Nhật, đồng nghĩa với việc việc di chuyển của xe tải đã được khôi phục hoàn toàn. Ba cửa khẩu biên giới khác vẫn bị các tài xế xe tải chặn lại.

Reuters đưa tin Thứ trưởng Cơ sở hạ tầng Ba Lan, Dariusz Klimczak, cho biết hôm thứ Sáu, sau cuộc họp ở Kyiv, rằng ông hy vọng các cuộc biểu tình của tài xế xe tải ở biên giới với Ukraine có thể được giải quyết trước cuối năm nay.

9. Chính trị gia Nga kêu gọi hòa bình ở Ukraine bị từ chối cơ hội tranh cử tổng thống

Một chính trị gia người Nga kêu gọi hòa bình ở Ukraine đã thất bại trong việc kháng cáo trước việc các quan chức bầu cử từ chối chấp nhận đề cử của cô cho cuộc đua tổng thống nước này, hãng tin AP đưa tin.

Vladimir Putin gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tháng Ba.

Cựu nhà lập pháp khu vực Yekaterina Duntsova đã thúc đẩy tầm nhìn của mình về một nước Nga “nhân đạo”, “hòa bình, thân thiện và sẵn sàng hợp tác với mọi người trên nguyên tắc tôn trọng”.

Cuối tuần qua, ủy ban bầu cử trung ương Nga đã từ chối chấp nhận đề cử ban đầu của Duntsova bởi một nhóm người ủng hộ, với lý do có sai sót trong thủ tục giấy tờ, bao gồm cả lỗi chính tả.

Hôm thứ Tư, tòa án tối cao Nga đã bác bỏ kháng cáo của Duntsova chống lại quyết định của ủy ban.

Sau khi thua kiện, Duntsova cho biết cô sẽ bắt đầu thành lập đảng chính trị của riêng mình để đại diện cho “hòa bình, tự do và dân chủ”.

Cô nói: “Chúng ta sẽ giành được quyền sống mà không sợ hãi, tự do ngôn luận và cảm thấy tự tin về tương lai.”

10. Pháo kích của Nga đã khiến 70% Kherson không có điện

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Năm 28 Tháng Mười Hai, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết cuộc pháo kích của lực lượng Nga hôm thứ Tư đã “làm hư hỏng nặng” cơ sở hạ tầng của thành phố Kherson “70% các gia đình” đã không có điện.

“Do cuộc pháo kích của Nga ngày hôm qua, cơ sở hạ tầng năng lượng của Kherson đã bị hư hại nghiêm trọng. 70% thuê bao vẫn không có nguồn điện”, cô nói.

“Các kỹ sư điện đang làm việc. Bây giờ họ xác định mức độ thiệt hại và ngay lập tức bắt đầu công việc khôi phục khẩn cấp. Thật khó để nói khi nào chúng sẽ được hoàn thành.”

Nhà ga là một trong những tòa nhà bị tấn công. Các quan chức Ukraine cho biết vụ nổ xảy ra khi một đoàn tàu được chuẩn bị di tản cư dân, khiến một sĩ quan cảnh sát thiệt mạng và 4 người khác bị thương.

11. Viện trợ của Liên Hiệp Âu Châu sẽ không thay đổi kết quả chiến tranh, Mạc Tư Khoa nói

Điện Cẩm Linh cho biết bất kỳ khoản viện trợ mới nào của Liên minh Âu Châu dành cho Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến kết quả của cuộc xung đột.

Nó nói thêm rằng chi tiêu như vậy sẽ chỉ gây tổn hại cho nền kinh tế Âu Châu.

Liên Hiệp Âu Châu đang có kế hoạch cung cấp 20 tỷ euro cho Ukraine. Số tiền này không cần sự đồng ý của Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungary.

Bình luận về kế hoạch này, phát ngôn nhân Dmitry Peskov cho biết, trách nhiệm của những người nộp thuế ở Liên Hiệp Âu Châu là nhận ra rằng tiền của họ đang bị chi tiêu sai mục đích.

Nga tin rằng lực lượng không quân Ukraine đã nhận được F-16, và thậm chí đã dùng F-16 để tấn công bán đảo Crimea. Bình luận về F-16, Peskov cho rằng loại chiến đấu cơ này sẽ không thể thay đổi tình thế chiến trường.

12. Bộ trưởng Ấn Độ cho biết ông Putin có thể gặp ông Modi vào năm tới

Phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh cho biết, sau cuộc hội đàm được tổ chức trước đó tại Mạc Tư Khoa giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, ông Putin cũng sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ vào ngày hôm nay.

Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng với ông Lavrov, ông Jaishankar cho biết ông dự kiến Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ gặp nhau vào năm tới. Ông cho biết các cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza cũng như thương mại và đầu tư song phương đã được thảo luận trong cuộc gặp.

Trong báo cáo của Reuters, Jaishankar tuyên bố rằng thương mại Ấn Độ-Nga dự kiến sẽ đạt 50 tỷ Mỹ Kim trong năm nay. Kể từ khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Mạc Tư Khoa vì cuộc chiến ở Ukraine, Ấn Độ đã trở thành một trong những đối tác kinh tế cốt lõi của Nga bằng cách chuyển phần lớn xuất khẩu dầu sang Ấn Độ và tăng cường nỗ lực ngoại giao.
 
Ngỡ ngàng: Thượng Phụ Kirill họp với các tướng Nga bàn kế sách xâm lược. Phản ứng của HY Fernández
VietCatholic Media
18:59 28/12/2023


1. Linh mục Chính Thống Giáo Nga cáo buộc Thượng Phụ Kirill tham dự cuộc họp với các tướng lĩnh Nga

Cha Ioann Koval, một linh mục Chính Thống Giáo, hiện đang coi sóc một giáo xứ Chính Thống Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi bị Thượng Phụ Kirill huyền chức vì chống lại cuộc xâm lược Ukraine của Putin, đã cáo buộc Thượng Phụ Kirill đang gây ra gương mù thảm hại khi tham gia vào cuộc họp của các tướng lãnh Nga cùng với Vladimir Putin để bàn thảo về các bước tiếp theo trong cuộc xâm lược Ukraine.

Cáo buộc của ngài được chứng minh cụ thể bằng video mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Cha Ioann Koval cho rằng việc một giáo sĩ tham gia vào một cuộc bàn thảo chém giết như thế là gương mù thảm hại cho Giáo Hội.

Ngài lưu ý rằng Thượng phụ Kirill đã gọi cuộc xâm lược Ukraine của Nga là “sự kiện hiện tại” và đã tránh sử dụng các thuật ngữ như chiến tranh hoặc xâm lược. Kirill chấp thuận cuộc xâm lược và đã ban phước cho những người lính Nga đang chiến đấu ở đó.

Cha Ioann Koval cho biết vì lý do đó, một số linh mục của Giáo Hội Chính thống Nga ở Ukraine và cả ở Nga đã ngừng nhắc đến tên Kirill trong buổi lễ. Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa coi Ukraine là một phần của “lãnh thổ giáo luật” của họ, và Kirill không ngừng cho rằng quân đội Nga đã chọn một con đường rất đúng đắn.

Trong những ngày sau khi thế giới biết về vụ thảm sát Bucha năm 2022 bởi quân xâm lược Ukraine của Nga, Kirill nói rằng những người trung thành của ông nên sẵn sàng “bảo vệ ngôi nhà của chúng ta” trong mọi trường hợp.

Vào ngày 6 tháng 3 năm 2022 (ngày lễ Chúa nhật Tha thứ), trong phụng vụ tại Nhà thờ Chúa Kitô Đấng Cứu Thế, ông biện minh cho cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, nói rằng cần phải đứng về phía “Donbas” (tức là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk), nơi ông Kirill cho biết Ukraine đang tiến hành một cuộc “diệt chủng” kéo dài 8 năm.

Mặc dù ngày lễ được dành riêng cho khái niệm về sự tha thứ, Kirill cho biết không thể có sự tha thứ nếu không đưa ra “công lý” trước, nếu không thì đó là sự đầu hàng và sự yếu đuối. Bài phát biểu đã bị cộng đồng quốc tế giám sát chặt chẽ, khi Kirill nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Putin rằng Nga đang chống lại “chủ nghĩa phát xít” ở Ukraine. Trong suốt bài giảng lễ, Kirill không sử dụng thuật ngữ “người Ukraine”, mà gọi đơn giản cả người Nga và người Ukraine là “những người Nga thánh thiện”, đồng thời tuyên bố những người lính Nga ở Ukraine đã “hy sinh mạng sống của mình vì bạn hữu”, khi phân tích Phúc âm Thánh Gioan. Ông ta nói như trên bất kể thực tế là những người lính Nga tàn sát dân lành Ukraine, tấn công vào các hạ tầng cơ sở của Ukraine.

Vào ngày 9 tháng 3 năm 2022, sau phụng vụ, ông tuyên bố rằng Nga có quyền sử dụng vũ lực chống lại Ukraine để bảo đảm an ninh của Nga, rằng người Ukraine và người Nga là một dân tộc, rằng Nga và Ukraine là một quốc gia, rằng phương Tây xúi giục người Ukraine giết người Nga, gieo rắc sự bất hòa giữa người Nga và người Ukraine và cung cấp vũ khí cho người Ukraine vì mục đích cụ thể này, và do đó phương Tây là đối thủ của Nga và của Chúa.

Trong một lá thư gửi Hội đồng các Giáo hội Thế giới được gửi vào tháng 3 năm 2022, Kirill biện minh cho cuộc tấn công vào Ukraine để hạn chế sự mở rộng NATO, bảo vệ tiếng Nga và thành lập Giáo hội Chính thống Ukraine.

Sau vụ thảm sát Bucha vào ngày 3 tháng 4, Kirill, phát biểu tại Nhà thờ chính của Lực lượng Vũ trang Nga, đã ca ngợi các lực lượng vũ trang vì những “chiến công” phục vụ, và nói rằng nước Nga là nước “yêu chuộng hòa bình nhất hoàn cầu”.

Nhà thờ St Nicholas Chính thống Nga ở Amsterdam, Hà Lan, đã tuyên bố rằng họ không thể hoạt động trong tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa nữa vì thái độ của Kirill đối với cuộc xâm lược của Nga, và thay vào đó đã yêu cầu gia nhập Tòa thượng phụ Đại kết Constantinople. Giáo Hội Chính thống Nga ở Lithuania đã tuyên bố rằng họ không chia sẻ quan điểm và nhận thức chính trị với Kirill và do đó đang tìm kiếm sự độc lập khỏi Mạc Tư Khoa.

Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Sự Hiệp nhất Kitô giáo, nói rằng việc hợp pháp hóa “cuộc chiến tranh tàn bạo và phi lý” của Đức Thượng Phụ Kirill là luận lý của “một tà giáo”.

Kirill ủng hộ việc huy động công dân ra mặt trận ở Ukraine, ông kêu gọi công dân hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nếu họ cống hiến mạng sống cho đất nước của mình, họ sẽ ở bên Chúa trong vương quốc của Ngài bất kể các tội lỗi họ phạm trong đời.

2. Hồng Y Fernández nói ‘Mỗi giám mục có quyền phân định việc áp dụng’ Tuyên ngôn Fiducia supplicans

Trước những chống đối liên quan đến Tuyên ngôn Fiducia supplicans, Hồng Y Víctor Manuel Fernández nói với tờ Pillar Catholic rằng việc áp dụng một tài liệu đã được Đức Giáo Hoàng phê chuẩn là bắt buộc. Tuy nhiên, trước các chống đối dồn dập hơn, ngài đã thay đổi thái độ.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường trình nhan đề “Fernández: ‘It’s proper for each bishop’ to discern application of Fiducia Supplicans,” nghĩa là “Hồng Y Fernández nói “Việc phân định của mỗi giám mục xem có nên áp dụng Tuyên ngôn Fiducia supplicans hay không là chính đáng.”

Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández, đã bình luận về sự miễn cưỡng của từng giám mục và hội đồng giám mục đối với tuyên bố Fiducia Supplicans, và nói rằng “việc mỗi giám mục địa phương phân định về Tuyên ngôn là điều thích hợp”.

Tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin thiết lập sự phân biệt giữa các phép lành phụng vụ và một loại phép lành mới có tính chất không chính thức, đồng thời khuyến khích ban phép lành cho những người trong “các tình huống bất thường” và “các cặp đồng giới”, và cho rằng nếu được thực hiện với một số biện pháp phòng ngừa nhất định, chúng không gây ra nhầm lẫn với việc chấp thuận hành vi hoặc hoàn cảnh trái với tín lý.

Trong một cuộc phỏng vấn đăng trên tờ báo ABC của Tây Ban Nha, Fernández đã trả lời những lời chỉ trích và ý kiến khác nhau được các Hồng Y, giám mục và các hội đồng giám mục đưa ra, đồng thời bảo đảm rằng “nếu văn bản được đọc với thái độ bình thản, có thể thấy rằng nó ủng hộ với sự rõ ràng và đơn giản tuyệt vời của giáo huấn Công Giáo lâu đời về hôn nhân và tính dục.”

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng những người chỉ trích Fiducia Supplicans “không thể không đồng ý với tín lý đó”, và lưu ý rằng theo cách hiểu của ngài, những phản đối đối với tài liệu này có liên quan đến “việc ban phước lành không phù hợp trong bối cảnh khu vực của họ mà dễ bị nhầm lẫn với sự hợp pháp hóa của một liên minh bất hợp pháp.”

Đặc biệt là ở Phi Châu, nơi “có luật trừng phạt đến mức bỏ tù những ai chỉ cần tuyên bố mình là người đồng tính, hãy tưởng tượng xem một một phép lành như thế sẽ làm được điều gì,” nhà lãnh đạo Bộ Giáo Lý Đức Tin nói và nói thêm rằng “điều đó phù hợp với từng địa phương”. Giám mục đưa ra sự phân định đó trong giáo phận của mình hoặc trong bất kỳ trường hợp nào, để đưa ra hướng dẫn thêm”.

Sau ấn bản ngày 18 tháng 12 của Fiducia Supplicans, đã có những tuyên bố từ nhiều giám mục hoặc hội đồng giám mục trên khắp thế giới bày tỏ những ý kiến khác nhau.

Các giám mục từ một số quốc gia như Đức, Áo và Pháp đã bày tỏ sự hài lòng với tuyên bố này, và một số người trong số họ thậm chí còn đi xa hơn khi nói rằng các linh mục không thể từ chối ban những phép lành phi nghi lễ này cho những người trong hoàn cảnh trái luật.

Tại các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Ukraine, Ghana, Kenya và Mễ Tây Cơ, các giám mục đã thể hiện sự ủng hộ của mình đồng thời cảnh báo về khó khăn trong việc bảo đảm rằng những cử chỉ mục vụ này không khiến người dân bối rối về sự thay đổi trong giáo lý về hôn nhân và tính dục trong Giáo Hội Công Giáo.

Theo xu hướng đó, giám mục của Orihuela-Alicante ở Tây Ban Nha, Đức Cha José Ignacio Munilla, lưu ý rằng mặc dù tuyên bố này không phải là “dị giáo” nhưng việc áp dụng nó có thể “hỗn loạn”.

Các giám mục của ít nhất 4 quốc gia đã cấm áp dụng Fiducia Supplicans: là Kazakhstan, Malawi, Zambia và Cameroon.

Hồng Y Fernández nói với ABC rằng trong trường hợp của những người đồng tính luyến ái, phép lành không chính thức hoặc “mục vụ” được Fiducia Supplicans cho phép không có nghĩa là, “chấp nhận một cuộc hôn nhân, cũng không phải là sự phê chuẩn cuộc sống mà họ đang sống, cũng không phải là một sự xá tội. Đó là một cử chỉ đơn giản của sự gần gũi mục vụ không có cùng những yêu cầu của một bí tích.”

Đức Hồng Y nói thêm: “Chúng ta sẽ phải làm quen với việc hiểu rằng nếu một linh mục ban phép lành đơn giản này thì ông ấy không phải là một kẻ dị giáo, ông ấy không phê chuẩn bất cứ điều gì, ông ấy cũng không phủ nhận giáo lý Công Giáo về hôn nhân”.

Khi được hỏi liệu tuyên bố này có phải là bước đầu tiên hướng tới việc chấp nhận hành vi đồng tính luyến ái hay coi hôn nhân là sự kết hợp giữa những người cùng giới hay không.

Đức Hồng Y nói: “Nhận thức đó hoàn toàn không chính xác, và bất cứ ai nói rằng chưa đọc văn bản hoặc đang 'có tâm trạng tồi tệ', hãy cho phép tôi diễn đạt. Tuyên bố nêu rõ ràng và không ngừng rằng đây là những lời chúc phúc không mang tính nghi thức, do đó chúng không được hiểu là hôn nhân.”

Bộ Giáo Lý Đức Tin là cơ quan của Giáo triều Rôma nhằm bảo đảm sự hiệp nhất trong đức tin của Giáo Hội. Tuyên bố của ngài nói rằng “việc mỗi giám mục địa phương phân định về Tuyên ngôn là điều thích hợp” gây ra lo ngại là thay vì cổ vũ hiệp nhất vào bảo vệ đạo lý của Giáo Hội, Bộ Giáo Lý Đức Tin dưới thời Hồng Y Víctor Manuel Fernández đang khuyến khích tình trạng trăm hoa đua nở và phân mảnh.


Source:Catholic News Agency