Ngày 31-12-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Nhật Lễ Đức Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa 1/1/2023 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
02:07 31/12/2022


BÀI ĐỌC 1 Ds 6:22 27

Bài trích sách Dân số.

Đức Chúa phán với ông Mô sê: “Hãy nói với A ha ron và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ít ra en, anh em hãy nói thế này:

Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em!

Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em

và dủ lòng thương anh em!

Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn

và ban bình an cho anh em!

Chúc như thế là đặt con cái Ít ra en

dưới quyền bảo trợ của danh Ta,

và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Gl 4:4 7

Bài trích thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Galát.

Thưa anh em, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.

Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp ba, Cha ơi!”

Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Hr 1:1 2

Alleluia. Alleluia. Alleluia.

Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.

Alleluia. Alleluia. Alleluia.

TIN MỪNG Lc 2:16 21

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca

Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bê lem. Họ gặp bà Ma ri a, ông Giu se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi này.

Tất cả những ai nghe đều ngạc nhiên về những gì các người chăn chiên nói cho biết. Còn bà Ma ri a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.

Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo.

Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

Đó là Lời Chúa.
 
Ôi Nhiệm lạ !
Lm Minh Anh
20:43 31/12/2022

ÔI NHIỆM LẠ!
“Maria ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng”.

Kính thưa Anh Chị em,

Ngày đầu năm dương lịch, Hội Thánh mừng kính Nữ Trinh Maria, Mẹ Thiên Chúa. Thật ý nghĩa khi chúng ta tập trung vào một sự thật không tưởng rằng, ‘Thiên Chúa cũng có một người mẹ!’. ‘Ôi nhiệm lạ!’. Đúng thế, Chúa Giêsu Kitô, là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, đã chọn đi vào thế giới loài người như mọi người, nghĩa là, ngang qua một người mẹ!

Đức Maria được gọi là “Mẹ Thiên Chúa” vì một thực tế đơn giản rằng, Chúa Giêsu, Con của Mẹ, là Thiên Chúa. Không chỉ là mẹ phần xác, cũng không chỉ là mẹ bản tính nhân loại của Con, nhưng Maria còn là Mẹ của Ngôi Vị Giêsu, Con Thiên Chúa, một Ngôi Vị Thiên Chúa; và Ngôi Vị đó đã mặc lấy xác thịt trong lòng Thân Mẫu rất thánh. Vì thế, Maria là Mẹ Thiên Chúa.

Mặc dầu việc trở thành Mẹ Chúa Trời là một quà tặng thuần khiết từ Thiên Chúa Cha chứ không do công nghiệp riêng của Mẹ; nhưng nơi Đức Maria, có một phẩm tính đặc biệt mà chỉ mình Mẹ có, khiến Mẹ là người duy nhất đủ điều kiện để hoàn thành vai trò làm mẹ cao cả này. Phẩm tính đó là đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Trước hết, chính Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ khỏi mọi tội lỗi ngay từ khi tượng thai trong lòng mẫu thân Anna. Đặc ân này là ơn thánh sủng được ban trước cho Mẹ khởi đi từ cuộc sống, cái chết và sự phục sinh mai ngày của Giêsu, Đấng Mẹ cưu mang; hồng ân thánh sủng này còn có tên là ‘ơn cứu độ!’. Và vượt thời gian, Thiên Chúa đã lấy quà tặng ân sủng này để trao trước cho Mẹ vào lúc Mẹ được tượng thai; bằng cách ấy, Thiên Chúa đã làm cho Mẹ trở nên một công cụ hoàn hảo, khiết trinh vẹn toàn, để mang Con Một Ngài vào trần gian. ‘Ôi nhiệm lạ!’.

Thứ hai, Maria luôn trung thành với quà tặng ân sủng này suốt cuộc đời mình. Mẹ không bao giờ phạm tội, không bao giờ dao động, cũng không bao giờ quay lưng lại với Chúa. Chính sự lựa chọn tuân theo ý muốn Thiên Chúa mãi mãi về mọi mặt nơi Mẹ đã khiến Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa cách trọn vẹn hơn; hơn cả hành động đơn thuần cưu mang Con Chúa trong lòng. Chúa Giêsu sẽ xác nhận điều này, “Ai chu toàn ý muốn của Cha tôi, người ấy là anh em, chị em và là mẹ tôi”. Và như thế, Mẹ đã trở nên môn đệ của Con, môn đệ của Lời. Nói cách khác, Mẹ là “Nữ Trinh, ái nữ của Con”. Một cách thú vị, là mẹ nhưng vẫn là nữ trinh, là mẹ mà vẫn là ‘ái nữ’ và là môn đệ của Con mình. Mẹ trong Chúa, Lời trong Mẹ; sự kết hiệp tuyệt vời giữa Mẹ với Chúa và Lời Ngài khi Mẹ thuộc trọn về Chúa. Và như thế, vĩnh viễn Mẹ là Mẹ của Giêsu, Thiên Chúa, hoàn hảo và thánh thiện. ‘Ôi nhiệm lạ!’.

Chuyện kể về Lincoln. Bất chấp sự bận rộn, ông thường đến bệnh viện để cổ vũ thương binh. Lần kia, thấy một người lính đang hấp hối, ông nói, “Tôi có thể giúp gì cho bạn?”; người lính trả lời, “Xin viết cho mẹ tôi một lá thư”. Lincoln làm theo, “Mẹ yêu quý, con bị thương nặng, không hy vọng phục hồi. Mẹ đừng buồn. Xin Chúa chúc lành cho Mẹ và Cha, hôn Mary và John giúp con”. Chàng trai không còn sức để ký tên, Lincoln ký thay; sau đó, ông viết thêm, “Viết giúp con trai bà, Abraham Lincoln”. Yêu cầu được đọc lá thư, người lính tỏ ra nghi ngờ; anh hỏi, “Ông có phải là tổng thống của chúng tôi?”; Lincoln thì thầm, “Phải! Giờ đây, tôi có thể làm gì nữa?”; chàng trai yếu ớt đáp, “Ngài có thể nắm tay tôi?”. Người đàn ông cao lớn, gầy gò cúi xuống cầm tay người lính, thì thầm những lời ấm áp cho đến khi thần chết lẻn vào cùng ánh bình minh!”.

Anh Chị em,

Trên thập giá, Chúa Giêsu không nhờ thánh Gioan viết một lá thư nào cho Mẹ mình; thay vào đó, Ngài trối Mẹ cho Gioan. ‘Ôi nhiệm lạ!’. Gioan đại diện cho cả Hội Thánh, đón Mẹ về nhà; nên Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh, Mẹ của chúng ta. Không như người lính trẻ, đã chết; Giêsu sẽ sống lại hiển vinh và Maria sẽ là Nữ Vương Thiên Đàng, rồi đây, vui mừng hoan lạc miên viễn với Con bên hữu Đức Vua; ở đó, Mẹ vẫn hằng đau đáu trong lòng phần rỗi của mỗi người chúng ta. Nỗi khắc khoải ấy khiến Mẹ không chỉ liên lỉ cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta mà thậm chí, còn hiện ra nơi này nơi khác để nhắc nhở bạn và tôi ăn năn hoán cải.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ, xin giúp con để tâm đến những gì Chúa đang làm trên cuộc đời con; hầu như Mẹ, con luôn thuận theo mọi ý muốn của Chúa. Và như thế, đời con cũng nhiệm lạ như đời Mẹ!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một vị Thánh vừa từ giã chúng ta - Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã về Nhà Cha.
Đặng Tự Do
05:36 31/12/2022


Văn phòng Báo chí Tòa thánh vừa thông báo rằng Đức Giáo Hoàng Danh dự đã qua đời lúc 9:34 sáng Thứ Bảy 31 tháng 12, tức là 3:34 chiều theo giờ Việt Nam, tại nơi ở của ngài ở Tu viện Mẹ Giáo Hội, nơi mà Đức Giáo Hoàng danh dự 95 tuổi đã chọn làm nơi cư trú sau khi thoái vị vào năm 2013.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh nói:

“Tôi vô cùng đau buồn thông báo với các bạn rằng Đức Giáo Hoàng Danh dự, Bênêđictô XVI, đã qua đời hôm nay lúc 9:34 sáng tại Tu viện Mẹ Giáo Hội ở Vatican. Thông tin thêm sẽ được cung cấp càng sớm càng tốt. Kể từ sáng thứ Hai, ngày 2 tháng Giêng năm 2023, thi thể của Đức Giáo Hoàng Danh dự sẽ được đặt tại Đền Thờ Thánh Phêrô để các tín hữu có thể tỏ lòng thành kính.”
 
Thư ký của Đức Bênêđictô XVI bật khóc khi nói về một số cuộc tấn công nhắm vào ngài.
Đặng Tự Do
05:57 31/12/2022


Trong buổi lễ mừng sinh nhật lần thứ 95 của Đức Bênêđictô XVI vào ngày 18 tháng 6, thư ký riêng của ngài đã rơi nước mắt khi nói về sức khỏe ngày càng giảm sút của vị giáo hoàng danh dự và ký ức về một số cuộc tấn công nhắm vào ngài.

Khung cảnh đặc biệt xúc động. Trước đám đông tụ tập vào ngày 18 tháng 6 tại Cung điện Nymphenburg ở Munich để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 95 của Đức Bênêđictô XVI (sinh ngày 16 tháng 4), thư ký riêng của ngài, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, đã có một bài phát biểu kéo dài vài phút. Khi nói về tình trạng sức khỏe của Đức nguyên Giáo hoàng và một số chuyện buồn, Đức Tổng Giám Mục đã không cầm được nước mắt.

“Tôi sẽ không bao giờ tin rằng đoạn đường cuối cùng giữa Tu viện Mater Ecclesiae và cổng thiên đường của Thánh Phêrô…” Ngài nói đến đây thì dừng lại vài giây và cố gắng che giấu cảm xúc đang tràn ngập trong lòng mình. Rồi nói tiếp “Và Cổng Thiên đường của Thánh Phêrô sẽ dài như vậy,” ngài thì thầm bằng giọng run run.

Và để tiếp tục, ngài rút chiếc khăn tay ra: “Đây là điều mà Đức Bênêđictô XVI đã ủy thác cho tôi….” ngừng lại một lúc, Đức Tổng Giám Mục nói … “Khi chúng tôi đề cập đến sức nặng và sự đau khổ của tuổi già và những lời chỉ trích lặp đi lặp lại về con người và hành động của ngài nhiều thập niên trước đây. Ngay cả sau khi từ chức, Đức Bênêđictô XVI đã trả lời một cách thẳng thắn và thuyết phục trước những câu hỏi và thách thức quan trọng của thời đại, luôn luôn dưới ánh sáng của đức tin. Và đó là đặc điểm của ngài.”

Những lời chỉ trích lặp đi lặp lại mà Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein đến ám chỉ đến cuộc tấn công vào đầu năm nay trong đó người ta bỏ ra hàng trăm ngàn Euro để cố gắng bôi lọ Đức Giáo Hoàng Danh dự đã giải quyết không đến nơi đến chốn 4 trường hợp lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ. Ngài thực ra chẳng có lỗi gì trong những trường hợp này. Tuy nhiên, câu chuyện này gây đau buồn cho ngài.

Đức Hồng Y Dominik Duka, Tổng Giám Mục thủ đô Prague, hay còn gọi là Praha, đã cáo buộc Hồng Y Reinhard Marx của Munich đã “bôi nhọ và làm hoen ố” danh tiếng của Đức Bênêđíctô XVI. Đức Hồng Y Duka nói rằng ngài “quy trách nhiệm cho Tổng giám mục Munich, là Đức Hồng Y Reinhard Marx, và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, là Giám Mục Georg Bätzing của Limburg vì đã bôi nhọ và làm hoen ố danh tiếng của Đức Giáo Hoàng Đức Bênêđíctô XVI.”

Hồng Y Reinhard Marx là người được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô tấn phong Hồng Y.

Sau đó, Đức Tổng Giám Mục ứa nước mắt khi ngài nói cụ thể hơn về tình trạng sức khỏe yếu kém của Đức Bênêđictô XVI: “Trong khi đó, Đức Giáo Hoàng Danh Dự…”, Đức Tổng Giám Mục cố gắng hết sức để kìm lại tiếng nức nở và cho phép một vài giây im lặng trôi qua … đã trở thành một ông già, thể chất yếu ớt, nhưng trí tuệ và ánh mắt, tạ ơn Chúa, vẫn tỉnh táo và sáng suốt. Ngay cả khi giọng nói của ngài ngày càng yếu ớt và không thể hiểu được. Vài năm gần đây, sức mạnh của ngài đã tốt hơn. Nhưng mặc dù sức lực suy giảm, ngài vẫn giữ được sự thanh thản khiêm nhường trong lòng. Vì nó đã từng thể hiện có lẽ rõ ràng nhất trước toàn thế giới trong những khoảnh khắc khó khăn.”

Đức Tổng Giám Mục kết luận bằng cách ca ngợi sự hài hước và hòa nhã của Đức Giáo Hoàng Danh Dự, người mà ngài biết rõ và đặc biệt ngưỡng mộ: “Tính hài hước không thể thay đổi của ngài, được bao bọc trong sự dịu dàng cá nhân vốn luôn là đặc điểm nổi bật trong tính cách của ngài. Ngài vui mừng như một đứa trẻ khi được nghe kể về buổi lễ hôm nay. Và ngài nhờ tôi gửi đến tất cả các bạn những lời chúc ấm áp.”

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Tổng Giám Mục Georg Gansweïn thể hiện mình rất xúc động trước công chúng. Ngay trong tang lễ của bào huynh Đức Bênêđictô XVI vào năm 2020, anh đã đọc với giọng run run bức thư mà vị giáo hoàng danh dự gửi cho người anh quá cố này.
Source:famillechretienne.fr
 
Đức Bênêđictô XVI chia sẻ niềm khao khát Thiên Đàng trong bức thư về cái chết của người bạn thân nhất
Đặng Tự Do
05:59 31/12/2022


Nhiều bạn bè đã ở đó, Đức Giáo Hoàng Danh dự nói, và tôi hy vọng tôi có thể sớm tham gia cùng họ.

Khi nghe tin người bạn “thân thiết nhất” của mình, Cha Gerhard Winkler, qua đời vào ngày 22 tháng 9 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô XVI đã gửi một lá thư chia buồn đầy xúc động.

Bức thư ngày 2 tháng 10 gửi cho tu viện trưởng của cộng đồng Xitô người Áo ở Wilhering nói về niềm khao khát Thiên đàng của Đức Giáo Hoàng Danh dự.

“Bây giờ anh ấy đã đến bờ bên kia, nơi chắc chắn có nhiều bạn bè đang chờ đợi anh ấy. Tôi hy vọng rằng tôi có thể sớm gia nhập cộng đoàn của họ,” Đức Bênêđíctô tâm sự.

Trong lá thư của mình, được chia sẻ trên trang web của cộng đồng tu viện, Đức Bênêđictô XVI nói rằng ngài “bị ảnh hưởng sâu sắc” bởi cái chết của Cha Winkler, một người đã ghi dấu trong tâm hồn ngài bởi “sự vui vẻ và đức tin sâu sắc”.

Đức Giáo Hoàng danh dự bảo đảm rằng ngài hiệp nhất trong lời cầu nguyện với cộng đồng Xitô Wilhering.

Cha Gerhard Bernhard Winkler chào đời ở Wilhering vào năm 1931 và hai mươi năm sau gia nhập cộng đồng tu sĩ trong giáo phận của mình. Được thụ phong vào năm 1955, đúng bốn năm sau ngày anh em Ratzinger trở thành linh mục, Cha Gerhard Bernhard Winkler trở thành một giáo sư thần học, giống như Cha Joseph Ratzinger, và trở thành bạn của vị giáo hoàng tương lai.

Là một chuyên gia về lịch sử Giáo hội thời trung cổ và hiện đại tại Đại học Regensburg bên Đức và sau đó là Đại học Salzburg bên Áo, công trình của ngài về lịch sử của dòng Xitô, và người sáng lập dòng, Thánh Bernard thành Clairveaux, được công nhận là đặc biệt quan trọng.

Đức Giáo Hoàng danh dự hiện đã 95 tuổi. Kể từ khi thoái vị vào năm 2013, ngài đã sống hưu trí trong tu viện Mẹ Giáo Hội, giữa khu vườn của Vatican.

Đức Bênêđíctô tưởng tượng Thiên Đàng như thế nào?

Trong cuốn “Di chúc cuối cùng”, là cuốn sách phỏng vấn Đức Bênêđictô XVI, ngài đã đưa ra những suy tư về Thiên đàng:

Khi được hỏi ngài nghĩ sao về tin tưởng của các tín hữu rằng 'cuộc sống vĩnh cửu' là một cuộc sống viên mãn, Đức Bênêđictô nói: “Chắc chắn! Khi đó, chúng ta thấy mình thực sự ở nhà.”

Đáp lại câu hỏi ngài đang mong đợi điều gì, Đức Giáo Hoàng Danh dự nói:

“Có nhiều chiều kích khác nhau. Một số nặng về thần học. Thánh Augustinô đã nói một điều là một tư tưởng vĩ đại và là một niềm an ủi lớn lao ở đây. Ngài giải thích đoạn Thánh Vịnh 'luôn luôn tìm kiếm thiên nhan Chúa' như sau: điều này áp dụng cho 'mãi mãi'; đến muôn đời. Thiên Chúa vĩ đại đến nỗi chúng ta không bao giờ kết thúc cuộc tìm kiếm của mình. Ngài luôn mới mẻ. Với Thiên Chúa, có cuộc gặp gỡ vĩnh viễn, bất tận, với những khám phá mới và niềm vui mới. Những điều như vậy là vấn đề thần học. Đồng thời, ở góc độ hoàn toàn là con người, tôi mong được đoàn tụ với cha mẹ, anh chị em, bạn bè của mình và tôi tưởng tượng rằng nó sẽ đáng yêu như ở mái ấm gia đình của chúng tôi.”

Toàn văn bức thư chia buồn của Đức Bênêđictô trước cái chết của Cha Gerhard Bernhard Winkler như sau:

Kính thưa Cha Bề Trên,

Tin tức mà cha chia sẻ với tôi về sự ra đi của Giáo sư Gerhard Winkler đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi. Trong số tất cả các đồng nghiệp và bạn bè của tôi, anh ấy là người thân nhất. Sự vui vẻ và niềm tin sâu sắc của anh ấy luôn thu hút tôi. Bây giờ anh đã sang bờ bên kia, nơi chắc chắn có nhiều bạn bè đang chờ đợi anh. Tôi hy vọng rằng tôi có thể sớm gia nhập cộng đoàn của họ. Trong thời gian chờ đợi, tôi hiệp nhất trong lời cầu nguyện với ngài và cộng đồng tu viện Wilhering.

Lời chào chân thành và lời chúc phúc,

Trong Chúa Kitô

Bênêđictô



 
Những lời cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI. Chương trình Thánh lễ an táng
Đặng Tự Do
16:32 31/12/2022
Vatican đã thông báo hôm thứ Bảy rằng Thánh lễ an táng của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI sẽ diễn ra vào lúc 9:30 sáng Thứ Năm, ngày 5 tháng 1 năm 2023, tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Ngài sẽ được an táng trong hầm mộ dưới Đền Thờ Thánh Phêrô.

Phát ngôn nhân của Vatican, Matteo Bruni cho biết, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ trì lễ tang, và các nghi thức sẽ đơn sơ phù hợp với mong muốn của Đức Bênêđictô là “được thực hiện dưới dấu chỉ của sự đơn giản”.

Việc Đức Bênêđictô qua đời ở tuổi 95 đã được loan báo tại Rôma vào ngày 31 tháng 12. Thi hài của ngài hiện vẫn để trong Tu Viện Mẹ Giáo Hội, và sẽ được quàn tại Đền Thờ Thánh Phêrô từ sáng Thứ Hai, ngày 2 tháng Giêng, để các tín hữu kính viếng.

Trong một tuyên bố bằng văn bản vào sáng ngày 31 tháng 12, Bruni nói: “Tôi vô cùng đau buồn thông báo với các bạn rằng Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI, đã qua đời hôm nay lúc 9h34 tại Tu Viện Mẹ Giáo Hội ở Vatican.”

Bruni sau đó nói với các nhà báo rằng Đức Bênêđictô XVI đã lãnh nhận bí tích xức dầu bệnh nhân vào ngày 28 tháng 12, với sự hiện diện của những người phụ nữ tận hiến đã giúp điều hành gia đình ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Đức Bênêđictô XVI vào cuối buổi sáng ngày 28 tháng 12, sau buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ngài, trong đó ngài xin cầu nguyện cho vị giáo hoàng danh dự “đang bị bệnh nặng”.

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng của ngài trong nhiều năm, đã tháp tùng Đức Giáo Hoàng Danh dự trong những giờ phút cuối cùng, cho biết như sau

“Đức Giáo Hoàng Danh dự đã nói với tôi và với tất cả những người đã đồng hành cùng với ngài trong những giờ cuối cùng của ngài là: Xin hãy cầu nguyện cho tôi! - Tôi muốn chuyển lời yêu cầu này của Đức Giáo Hoàng Danh dự đến tất cả những người mà cái chết của ngài gây xúc động.

Đối với tôi, cái chết của ngài có nghĩa là một mất mát to lớn và cá nhân. Tôi vô cùng biết ơn và đồng thời cũng rất buồn.”

Đức Bênêđictô XVI qua đời được củng cố bằng các Bí Tích Thánh và tràn đầy hy vọng về Nước Thiên Chúa.

Tổ chức Tagespost dành cho Báo chí Công Giáo xin cúi đầu kính trọng và đau buồn sâu sắc trước một vị Giáo hoàng vĩ đại và là vị Thầy vĩ đại của Giáo hội.

Ngay khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng, các quan sát viên đã nhận định rằng vị Tân Giáo Hoàng này có một phẩm chất không chỉ nổi bật trong số các vị Hồng Y mà còn là hiếm hoi trong nhân loại: một trí tuệ thông minh xuất chúng. Thế giới truyền thông đề cập đến trí thông minh sắc bén của ngài “a razor intellect”, trong khi giới khoa bảng tại Cambridge như Piers Paul Read đề cập đến trí thông minh “đáng kinh ngạc của ngài -an amazing intellect”.

Ngài có khả năng đánh giá một khối lượng thông tin lớn lao về thời đại, văn hóa và thế giới chúng ta đang sống và rồi đưa ra đánh giá này trong một thứ ngôn ngữ mà từ quan điểm thuần lý không làm sao thách thức lại được. Ngài nói với một giọng nói đầy quyền lực. Không phải thứ quyền lực chính trị thủ đắc từ cương vị của mình để bắt người ta phải vâng phục, nhưng là quyền lực trí tuệ: một đặc sủng hiếm hoi có sức đánh động người nghe với cùng một lực dù cho họ có cảm tình hay không với quan điểm của người nói.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 không chỉ được nhớ đến như một trí tuệ thông minh xuất chúng. Ngài sẽ được nhớ đến như một Thầy dậy xuất sắc của Giáo Hội không chỉ qua các giáo huấn của ngài mà qua chính cuộc đời của ngài. Ngài yêu mến Giáo Hội và khiêm nhường tột cùng khi quyết định thoái vị vào ngày 11 tháng Hai, 2013 khi nhận thức rõ rằng ngài không còn đủ sức lực tinh thần và thể lý để gánh vác trọng trách mục tử toàn thể Hội Thánh.

Trong những ngày qua, thế giới Công Giáo và ngoài Công Giáo đã tràn ngập những lời cầu nguyện dành cho ngài. Vì thế, Tổ chức Tagespost dành cho Báo chí Công Giáo, do chính Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI thành lập, có một cuốn sổ chia buồn kỹ thuật số hiện đã có trên cổng thông tin điện tử của cơ quan này tại đây. Những người muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với cuộc sống và công việc của ngài hoặc nỗi đau của họ có thể làm như vậy. Trang chia buồn mời những người đưa tang cùng cầu nguyện với những lời cầu nguyện cổ điển từ phụng vụ Công Giáo cho người quá cố.

Đồng thời với lời chia buồn bằng văn bản, một ngọn nến “ảo” được thắp lên để tưởng nhớ vị giáo hoàng quá cố.
 
Đức Bênêđictô, Tiến sĩ Hội thánh trong tương lai,
Vũ Văn An
16:34 31/12/2022

Theo Aleteia, https://aleteia.org/2022/12/31/one-of-the-truly-great-pope-Bênêđíctô-passes-at-95-on-last-day-of-2022/, khi đưa tin Đức Bênêđíctô XVI qua đời, đã cho hay các nhà lãnh đạo thế giới và tôn giáo đưa ra những đánh giá ban đầu về tác động của nhà thần học kiêm mục tử khiêm tốn nhưng lỗi lạc này.



Ra đi bình yên

Tờ báo cho hay: Vào tháng 2 năm 2022, vị Giáo hoàng hưu trí từng ám chỉ đến cái chết sắp tới của ngài, cho thấy rằng ngài rất bình an trước ngưỡng cửa sự chết.

“Không lâu nữa, tôi sẽ thấy mình đứng trước vị thẩm phán cuối cùng của cuộc đời mình,” Đức Bênêđictô XVI viết trong một lá thư. “Mặc dù, khi nhìn lại cuộc đời dài của mình, tôi có thể có lý do rất lớn để sợ hãi và run rẩy, nhưng tôi vẫn vui mừng, vì tôi tin chắc rằng Chúa không chỉ là vị quan tòa công bình, mà còn là người bạn và người anh em, chính Người đã đau khổ vì những khuyết điểm của tôi, và do đó cũng là Đấng biện hộ, 'Đấng Bảo Trợ' của tôi. Dưới ánh sáng giờ phán xét, ân sủng được làm một Kitô hữu càng trở nên rõ ràng hơn đối với tôi. Nó cho tôi kiến thức, và thực sự tình bạn, với vị thẩm phán của cuộc đời tôi, và do đó cho phép tôi tự tin bước qua cánh cửa tối tăm của cái chết”.

Ngài vẫn hoạt động cho đến cuối cùng. Vào tháng 10 năm 2022, ngài đã viết một lá thư cho Hội nghị Thường niên của Quỹ Vatican Joseph Ratzinger/Giáo hoàng Bênêđictô XVI, diễn ra tại Đại học Steubenville của Dòng Phanxicô ở Ohio. Bức thư mô tả Công đồng Vatican II là “không chỉ có ý nghĩa mà còn cần thiết”.



Chuyến đi nước ngoài gần đây nhất của ngài là vào tháng 6 năm 2020, khi ngài đến thăm người anh trai ốm yếu của mình ở Đức, Đức Ông George Ratzinger. Đức ông Ratzinger qua đời ngày 1 tháng 7 năm 2020, hưởng thọ 96 tuổi.

Lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ

Cái chết của Đức Bênêđictô đánh dấu lần đầu tiên sau sáu thế kỷ, một Người kế vị Thánh Phêrô qua đời khi không tại chức. Người cuối cùng là Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XII.

Mặc dù các Hồng Y trên thế giới sẽ không đến Vatican để dự mật nghị bầu chọn người kế vị, nhưng nhiều vị dự kiến sẽ đổ về Thành phố Vĩnh cửu để chia tay.

Cả trong và ngoài Giáo hội, Đức Bênêđictô XVI được công nhận là một người có trí tuệ xuất chúng và là một người nhân từ.

“Joseph Ratzinger sẽ được nhớ đến như một trong những bộ óc Kitô giáo thực sự vĩ đại trong 100 năm qua; một người đã kết hợp đức tin và lý trí với sự tao nhã và rõ ràng trong cách diễn đạt ở một mức độ phi thường, nhưng vẫn thể hiện sự khiêm tốn cá nhân trong suốt cuộc đời của mình,” Đức Tổng Giám Mục hưu trí Charles J. Chaput, O.F.M. Cap., của Philadelphia, nói với Aleteia như thế. “Ngài là đối tác thần học của thiên tài triết học Karol Wojtyla và là người con trung thành của Vatican II và nhiệm vụ cải cách đích thực của nó”.

Tiến sĩ Hội thánh tương lai

Một số trí thức Công Giáo dự đoán rằng một ngày nào đó Đức Bênêđíctô sẽ được tuyên bố là Tiến sĩ Hội thánh.

Linh mục Dòng Tên, Joseph Fessio, người sáng lập và biên tập viên của nhà xuất bản Ignatius Press, có bằng tiến sĩ do Giáo sư Joseph Ratzinger tại Đại học Regensburg hướng dẫn, nói: “Tôi không tin rằng việc trở thành giáo hoàng là bằng chứng của sự thánh thiện, cũng không phải là cơ sở đủ để phong thánh. Nhưng là Joseph Ratzinger thì có. Tôi không biết bất cứ ai từng làm việc gần gũi với ngài lại không nhận ra sự thánh thiện và tài năng của ngài. Ngoài việc hy vọng được santo subito [phong thánh ngay tức khắc], tôi còn mong ngài được tuyên bố là Tiến sĩ Hội thánh”.

Cha D. Vincent Twomey, SVD, Giáo sư hồi hưu về Thần học tại Đại học Giáo hoàng St. Patrick, Maynooth, Ireland, cũng là một cựu nghiên cứu sinh tiến sĩ của Ratzinger, cho biết Đức Bênêđictô XVI sẽ được nhớ đến “trên hết là vì sản phẩm văn học và học thuật của ngài. Các bài viết của ngài về nhiều chủ đề thần học và triết học có sự rõ ràng và chiều sâu khiến cho thần học của ngài trở nên truyền cảm hứng và do đó mang tính giải phóng. Thần học của ngài cũng kích thích nghiên cứu sâu hơn về mặt học thuật, vì tất cả những gì ngài có thể làm là phác họa những đường nét của sự thật. Các thế hệ tương lai thuộc mọi tầng lớp xã hội sẽ tìm thấy nguồn cảm hứng trong các bài giảng của ngài và trong các bài viết mục vụ của ngài với tư cách là giáo hoàng; thông điệp của ngài về tình yêu và hy vọng phải được xếp vào hàng xuất sắc nhất từng được viết ra từ ngòi bút của một vị giáo hoàng.”

Robert Royal, chủ tịch của Viện Faith & Reason, nhận xét rằng cái chết của Đức Bênêđíctô “đánh dấu sự kết thúc của một cuộc đời vĩ đại đã thay đổi Giáo hội — và thế giới — và sẽ tiếp tục như vậy trong nhiều năm tới. Với sự thông minh, trí tưởng tượng, sự khiêm tốn và đức tin vững vàng, ngài giống với các Giáo phụ, những người mà ngài yêu mến, nghiên cứu và gánh vác trong thời đại khó khăn của chúng ta. Ngài đồng hành với các ngài và nên được phong là Tiến sĩ Hội thánh. Chúa ban cho ngài phần thưởng vĩnh cửu mà ngài rất xứng đáng.”

Tiến sĩ Peter Kreeft, giáo sư triết học tại Đại học Boston và là tác giả của cuốn Wisdom From the Psalms [Sự khôn ngoan từ các Thánh vịnh], đã gọi Đức Bênêđíctô là “hồng ân của Thiên Chúa, một trong những giáo sư giỏi nhất mà chúng ta từng có, ngang hàng với Đức Grêgôriô Cả, Lêô Cả và Lêô XIII. Người chắc chắn làm thánh và cuối cùng là một Tiến sĩ Hội thánh".

Mark Brumley, chủ tịch của Ignatius Press, đã xuất bản bản dịch tiếng Anh của nhiều cuốn sách của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô, nói rằng cùng với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô “đã phục vụ Chúa và dân của Người một cách mạnh mẽ bằng cách giúp Giáo Hội Công Giáo tiếp tục thực hiện cải cách một cách trung thành, chứ không phải hoàn toàn gián đoạn hoặc quay trở lại quá khứ một cách thiếu phê phán. Ngài là một động lực chính cho sự trung thành với Tin Mừng và bắt tay với thế giới hiện đại.”

George Weigel, thành viên cao cấp xuất sắc và Giữ ghế William E. Simon về Nghiên cứu Công Giáo tại Trung tâm Chính sách Công và Đạo đức, nói rằng Đức Bênêđíctô là “một trong những nhà thần học Công Giáo sáng tạo nhất của thời hiện đại và được cho là nhà thuyết giáo giáo hoàng vĩ đại nhất kể từ Đức Thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả. Trong hơn 30 năm quen biết và trò chuyện với ngài, tôi thấy ngài là một Kitô hữu phong nhã hoàn hảo, một người có đức tin sâu sắc và tính tình dễ mến. Tôi có đặc ân được dạy và làm việc với nhiều người đàn ông và đàn bà xuất sắc; không ai tôi từng gặp có đầu óc minh mẫn và ngăn nắp hơn Joseph Ratzinger. Ngài tin rằng sự thật của Tin Mừng là sự thật của thế gian, và ngài đã nỗ lực hết sức để giúp những người khác hiểu sự thật này”.

Tim Gray, chủ tịch của Viện Augustine, nói rằng Đức Bênêđíctô “đã chúc lành cho Giáo hội bằng cách làm gương cho việc đức tin tìm kiếm sự hiểu biết ra sao trong thời hậu hiện đại. Khiêm tốn bổ sung cho người bạn và là người tiền nhiệm của mình, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô Cả, ngài đã cho thấy cách Công đồng Vatican II đã trung thành áp dụng Lời Chúa và việc loan báo Tin Mừng như một phương cách để chúng ta vượt qua cuộc khủng hoảng về sự thật mà chúng ta đang phải đối diện. Tôi đặc biệt nghĩ rằng Thông điệp về Hy vọng của ngài, ‘Spe Salvi,’ mang tính tiên tri. Ngài nói về niềm hy vọng thách thức chúng ta từ bỏ sự thoải mái để ôm lấy thập giá, cố gắng hướng tới niềm hy vọng mà Chúa Kitô đã dành sẵn cho chúng ta trên thiên đàng. Tôi cầu nguyện để lúc này, ngài có thể thể hiện niềm hy vọng mà ngài ấp ủ và niềm hy vọng mà ngài đã thách thức Giáo hội nắm giữ trên tất cả những niềm hy vọng khác”.

Phản ứng của các nhà lãnh đạo thế giới

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, thông qua Đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa thánh, nói rằng ông và Đệ nhất phu nhân Jill Biden “cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và tất cả các tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của Đức Giáo Hoàng Hưu trí Bênêđictô XVI.” Biden ca ngợi “lòng dũng cảm” và “niềm tin” của vị giáo hoàng người Đức khi ngài được bầu làm giáo hoàng năm 2005, “khi thế giới thương tiếc cái chết của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.”

Đối với Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Đức Bênêđíctô “là một người khổng lồ về đức tin và lý trí.” Trong một dòng tweet, cô bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với “chiều sâu tinh thần, văn hóa và trí tuệ trong huấn quyền của ngài”.

Tổng thống Ý Sergio Matarella cho biết cái chết của Đức Bênêđictô XVI “là một sự thương tiếc đối với nước Ý,” khi đề cập đến “sự dịu dàng” và “sự khôn ngoan” của cố giáo hoàng, cũng như “sự khiêm tốn” và “sự thanh thản” của ngài trong vai trò là giáo hoàng hưu trí, sau khi nghỉ hưu. Matarella gọi ngài là một nhân vật “không thể quên đối với người dân Ý,” người đã nài nỉ “đối thoại”.

Đối với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, “thế giới đang mất đi một nhân vật nổi bật trong Giáo Hội Công Giáo, một nhân cách tranh đấu và một nhà thần học thông minh.”

Chủ tịch chính phủ Tây Ban Nha Pedro Sánchez đã viết rằng vị giáo hoàng hưu trí là “một nhà thần học vĩ đại tận tụy phục vụ người khác, công lý và hòa bình”.

Vị giáo chủ của Giáo hội Anh giáo, Tổng Giám mục Canterbury Justin Welby, đã công nhận Đức Bênêđíctô là “một trong những nhà thần học vĩ đại nhất trong thời đại của ngài, gắn bó với đức tin của Giáo hội và trung thành bảo vệ nó”.

Welby nói trong một tuyên bố: “Rõ ràng là Chúa Kitô là gốc rễ của tư tưởng và là nền tảng cho lời cầu nguyện của ngài, đồng thời nhấn mạnh đến “quyết định dũng cảm và khiêm tốn từ chức giáo hoàng”.

Vô cùng biết ơn Chúa

Đức Tổng Giám Mục Timothy P. Broglio của Tổng giáo phận Quân đội Hoa Kỳ, đồng thời là chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, nói rằng sự ra đi của vị giáo hoàng hưu trí “nghe có vẻ trái ngược với những nốt nhạc đau buồn và lòng biết ơn trong trái tim tôi.”

“Giáo hội cảm ơn vì sứ vụ quý báu của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI,” Đức Tổng Giám Mục Broglio nói như thế trong một tuyên bố. “Là một nhà thần học xuất sắc, người đã cống hiến tài năng của mình như một động lực tại Công đồng Vatican II, ngài tiếp tục trong suốt cuộc đời lâu dài của mình để trở thành một giáo sư đức tin hữu hiệu. Là một linh mục, giáo sư đại học và nhà thần học, tổng giám mục và Hồng Y, tiếng nói của ngài trong việc đào sâu một sự hiểu biết đích thực đã dẫn tất cả chúng ta đến một tình yêu chân lý và mầu nhiệm Thiên Chúa sâu sắc hơn. Chúng ta sẽ mất nhiều năm để nghiên cứu sâu hơn về kho tàng kiến thức phong phú mà ngài đã để lại cho chúng ta.

“Bản thân tôi nhớ nhiều cuộc gặp gỡ với ngài khi tôi phục vụ trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và tôi sẽ không bao giờ quên lời chào của ngài dành cho tôi tại Buổi Yết kiến chung đầu tiên mà tôi tham dự vài tuần sau khi ngài được bầu vào Ngai Tòa Phêrô. 'Ci conosciamo' (chúng ta biết nhau) là những lời chào đón nồng nhiệt của ngài khi ngài nắm lấy tay tôi trong tay ngài.

“Các thế hệ sẽ tiếp tục được làm phong phú thêm bởi những cuốn sách, bài diễn thuyết và bài giảng của ngài. Tất cả đều bộc lộ chiều sâu của việc học hỏi và suy gẫm, điều thiết yếu cả trong thời đại chúng ta và trong tương lai.

“Trong khi chúng ta đau buồn vì ngài không còn ở đây với chúng ta nữa, tôi cùng với người Công Giáo ở khắp mọi nơi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc lên Chúa vì hồng ân Giáo hoàng Bênêđictô XVI và sứ vụ của ngài. Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa ban cho ngài sự an nghỉ vĩnh hằng.”
 
Chúc thư thiêng liêng của Đức Giáo Hoàng Hưu trí Bênêđíctô XVI
Vũ Văn An
17:46 31/12/2022
Tòa Thánh vừa công bố Chúc thư Thiêng liêng của Đức Giáo Hoàng Hưu trí Bênêđíctô XVI đề ngày 29 tháng Tám 2006.



Chúc thư Thiêng liêng của tôi

Tôi cảm ơn cha mẹ tôi, những người đã cho tôi cuộc sống trong những thời điểm khó khăn và chuẩn bị cho tôi một ngôi nhà tuyệt vời với tình yêu thương của các ngài, một điều đã tỏa sáng suốt những ngày của tôi như một ánh sáng rực rỡ cho đến ngày hôm nay. Đức tin sáng suốt của cha tôi đã dạy anh chị em chúng tôi tin tưởng và đứng vững như kim chỉ nam giữa mọi hiểu biết khoa học của tôi; lòng mộ đạo chân thành và lòng tốt bao la của mẹ tôi vẫn là một di sản mà tôi không thể cảm ơn bà cho đủ. Chị gái tôi đã phục vụ tôi một cách vị tha và đầy quan tâm ân cần trong nhiều thập niên; anh trai tôi đã luôn mở đường cho tôi bằng sự sáng suốt trong các phán đoán của anh, với sự quyết tâm mạnh mẽ và sự vui vẻ của trái tim anh; không có việc luôn luôn tiến lên và đồng hành mới này, tôi đã không thể tìm ra con đường đúng đắn.

Tôi cảm ơn Thiên Chúa từ tận đáy lòng vì có rất nhiều bạn bè, nam cũng như nữ, những người mà Người luôn đặt ở bên cạnh tôi; vì những người đồng nghiệp ở mọi giai đoạn trên con đường của tôi; vì những giáo viên và học sinh mà Người đã ban cho tôi. Tôi xin phó thác, một cách biết ơn, tất cả họ cho lòng nhân hậu của Người. Và tôi muốn cảm ơn Chúa vì ngôi nhà xinh đẹp của tôi ở chân đồi Bavaria thuộc dãy Alps, nơi tôi có thể nhìn thấy vẻ huy hoàng của chính Đấng Tạo Hóa tỏa sáng hết lần này đến lần khác. Tôi cảm ơn người dân quê hương tôi đã cho tôi nhiều lần trải nghiệm vẻ đẹp của đức tin. Tôi cầu nguyện cho đất nước của chúng ta sẽ mãi mãi là một đất nước của niềm tin và tôi yêu cầu các bạn, những người đồng hương thân mến, đừng để niềm tin của bạn bị lung lạc. Cuối cùng, tôi tạ ơn Chúa vì tất cả vẻ đẹp mà tôi có thể cảm nghiệm được trong các giai đoạn khác nhau của cuộc hành trình của tôi, nhưng đặc biệt là ở Rôma và Ý, nơi đã trở thành quê hương thứ hai của tôi.

Từ tận đáy lòng, tôi cầu xin sự tha thứ của tất cả những ai tôi từng sai phạm cách nào đó.

Điều tôi đã nói trước đây với đồng bào của mình, giờ đây tôi muốn nói với tất cả những ai được ủy thác cho sự phục vụ của tôi trong Giáo hội: Hãy vững vàng trong đức tin! Đừng để mình bị bối rối! Thông thường, dường như thể khoa học - một mặt là khoa học tự nhiên; mặt khác, là nghiên cứu lịch sử (đặc biệt là chú giải Kinh thánh) - có những hiểu biết không thể bác bỏ nhưng trái ngược với đức tin Công Giáo. Từ xa xưa, tôi đã chứng kiến những thay đổi trong khoa học tự nhiên và đã thấy những điều hiển nhiên chắc chắn chống lại đức tin đã biến mất như thế nào, chứng tỏ chúng không phải là khoa học mà là những diễn giải triết học chỉ biểu kiến thuộc về khoa học - cũng như, đàng khác chính trong đối thoại với các khoa học tự nhiên, mà đức tin đã học được cách hiểu các giới hạn trong phạm vi các khẳng định của nó và do đó tính đặc thù của nó. 60 năm nay, tôi đã đồng hành trên con đường thần học, đặc biệt là nghiên cứu Kinh thánh, và đã chứng kiến những luận điểm dường như không thể lay chuyển được nhưng đã sụp đổ cùng với sự thay đổi của các thế hệ, hóa ra chỉ là những giả thuyết: thế hệ tự do (Harnack, Jülicher, v.v.), thế hệ chủ nghĩa hiện sinh (Bultmann, v.v.), thế hệ chủ nghĩa Mác. Tôi đã thấy, và thấy, từ mớ giả thuyết rối rắm, tính hợp lý của niềm tin đã xuất hiện và đang xuất hiện trở lại như thế nào. Chúa Giêsu Kitô thực sự là Đường, Sự Thật và Sự Sống - và Giáo Hội, trong mọi khuyết điểm của mình, thực sự là Thân Thể của Người.

Cuối cùng, tôi khiêm tốn xin (mọi người): cầu nguyện cho tôi, để Chúa đón nhận tôi vào nơi ở vĩnh cửu, bất chấp mọi tội lỗi và khuyết điểm của tôi. Đối với tất cả những người được giao phó cho tôi, lời cầu nguyện chân thành của tôi vang lên ngày này qua ngày khác.

Biển Đức PP XVI
 
18 nhà truyền giáo đã thiệt mạng trên thế giới
Đặng Tự Do
17:59 31/12/2022


Vào năm 2022, theo thông tin được thu thập bởi Agenzia Fides, 18 nhà truyền giáo đã thiệt mạng trên thế giới: 12 linh mục, 1 tu sĩ, 3 tu sĩ, 1 chủng sinh, 1 giáo dân. Phân tích theo lục địa cho thấy con số cao nhất được ghi nhận ở Phi Châu, nơi có 9 nhà truyền giáo bị giết (7 linh mục, 2 tu sĩ), tiếp theo là Mỹ Châu Latinh, với 8 nhà truyền giáo bị giết (4 linh mục, 1 tu sĩ, 1 tu sĩ, 1 chủng sinh, 1 giáo dân) và sau đó là từ Á Châu, nơi 1 linh mục bị giết là Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, dòng Đa Minh. Trong những năm gần đây, Phi Châu và Mỹ Châu thay nhau đứng đầu trong bảng xếp hạng thê thảm này: từ 2011 đến 2021 Mỹ Châu đứng đầu bảng trong 8 năm và Phi Châu trong 3 năm 2018, 2019, và 2021. Từ năm 2001 đến 2021, tổng số giáo sĩ bị giết là 526.

Hiện nay, danh sách hàng năm của Fides không chỉ liên quan đến các nhà truyền giáo cho muôn dân theo nghĩa chặt chẽ, mà còn tìm cách ghi lại tất cả các Kitô hữu Công Giáo tham gia vào hoạt động mục vụ theo một cách nào đó, những người đã chết một cách bạo lực, ngay cả khi không rõ ràng là “vì hận thù đức tin”. Vì lý do này, tốt hơn là không sử dụng thuật ngữ “các vị tử đạo”, nhưng là “các nhân chứng”, để không ảnh hưởng đến tiến trình tuyên phong của Giáo Hội. Cũng vậy, chúng tôi sử dụng thuật ngữ “truyền giáo” cho tất cả những người đã được rửa tội, ý thức rằng “nhờ Bí tích Rửa tội đã lãnh nhận, mọi thành phần dân Chúa đã trở thành môn đệ truyền giáo. Mỗi người đã được rửa tội, bất kể chức năng của họ trong Giáo hội và mức độ giáo dục đức tin của họ, là một chủ thể tích cực của việc rao giảng Tin Mừng”

Thông tin ít ỏi về cuộc sống và hoàn cảnh đã gây ra cái chết bạo lực của 18 nhà truyền giáo nam nữ này cho chúng ta những hình ảnh về cuộc sống hàng ngày, ngay cả khi trong những bối cảnh đặc biệt khó khăn, được đánh dấu bằng bạo lực, nghèo đói, thiếu công bằng và tôn trọng sự sống con người. Những người khác ở chung với họ thường chịu chung số phận với những người truyền giáo. Các linh mục bị giết trong khi họ chuẩn bị cử hành Thánh lễ với cộng đồng mà họ lãnh đạo, để bẻ bánh và thánh hiến rượu, sẽ là lương thực và sự sống cho rất nhiều tín hữu. Một nữ tu bác sĩ bị giết khi đang làm nhiệm vụ tại trung tâm y tế của giáo phận, sẵn sàng cứu sống những người khác, và ai biết được nữ tu ấy đã cứu bao nhiêu người trong quá khứ. Một nữ tu thiệt mạng trong một cuộc tấn công khi thực hiện nhiệm vụ: thay vì nghĩ đến việc cứu lấy mạng sống của chính mình, nữ tu ấy lại đi kiểm tra xem tính mạng của các cô gái ở trong ký túc xá có an toàn không. Một giáo dân khác bị giết khi đang trên đường đến nhà thờ để hướng dẫn phụng vụ Lời Chúa cho các tín hữu trong khu vực đó, những người không có linh mục thường trú.

Tất cả những vị bị giết đều sống trong những hoàn cảnh bình thường của con người và xã hội. Các vị chia sẻ cuộc sống hàng ngày với anh chị em của họ, với những rủi ro và nỗi sợ hãi, bạo lực và khó khăn, thiếu thốn, mang những cử chỉ nhỏ bé hàng ngày làm chứng nhân cho niềm hy vọng. Các ngài ban phát các phép bí tích, giúp đỡ người nghèo, chăm sóc trẻ mồ côi và người nghiện ma túy, tham gia vào các dự án phát triển, và mở cửa nhà mình cho bất cứ ai cần đến sự giúp đỡ của các ngài. Và một số vị đã bị giết bởi chính những người mà họ giúp đỡ. Trong nhiều trường hợp các vị thường sinh ra ở cùng một vùng đất nơi họ chết, vì vậy họ không ngây thơ, nhưng bất chấp mọi thứ khuyên bảo, răn đe buộc im lặng, cấm cản không cho tuyên bố đức tin, họ không thể không làm chứng.

Ngày nay, người ta nói nhiều về chủ nghĩa giáo sĩ trị và tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Nhưng hãy cẩn thận: cường điệu hóa những biểu hiện hiếm hoi này có nguy cơ xuyên tạc sự thật. Hầu hết các linh mục sống thánh thiện, thanh bần, dấn thân loan báo Tin Mừng, nâng đỡ người nghèo, chống lại bất công. Đó mới là bức tranh thật của Giáo Hội.
 
14 năm liên tiếp, Mễ Tây Cơ là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất đối với các linh mục
Đặng Tự Do
17:59 31/12/2022


Từ năm 2018 đến năm 2022, khoảng 24 cuộc tấn công hàng tuần vào các nhà thờ và cộng đồng Công Giáo đã được ghi nhận.

Một cuộc điều tra của Trung tâm Đa phương tiện Công Giáo, gọi tắt là CCM, tiết lộ rằng Mexico, trong 14 năm liên tiếp, là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất đối với việc thi hành chức tư tế. Có bảy linh mục bị sát hại trong giai đoạn 2018 đến 2022.

Theo công việc được thực hiện bởi các linh mục Omar Sotelo Aguilar, giám đốc CCM và Guillermo Gazanini Espinosa, điều phối viên giúp các đơn vị điều tra, trong năm qua đã có gần 800 vụ tống tiền, đe dọa và hành hung các linh mục ở Cộng hòa Mexico; Chủ yếu động cơ của những tội ác này có liên quan đến việc lừa đảo và chiếm đoạt bất hợp pháp các nguồn tài nguyên cần thiết từ các nạn nhân được dùng để thi hành chức vụ của mình.

Vào năm 2022, theo các tuyên bố của chính các giám mục, các ngài đã bị cản trở quyền đi lại bởi các trạm kiểm soát tội phạm có tổ chức; một số chi tiết được cung cấp bởi Đức Hồng Y José Francisco Robles Ortega, Tổng Giám mục Guadalajara, Sigifredo Noriega Barceló Giám mục Zacatecas và Rafael Sandoval Sandoval, Giám mục Autlán, là những vị đã tuyên bố rằng các ngài đã bị giam giữ và các băng đảng hoạt động ở phía bắc của bang Jalisco và Zacatecas đòi quyền sử dụng đất từ các cha xứ; Lệ phí có thể chiếm một nửa số tiền thu được từ các quyên góp trong nhà thờ. Đây là nguồn thu nhập chính của nhiều giáo xứ và cộng đồng Công Giáo trong nước.

Từ năm 2018 đến năm 2022, khoảng 24 cuộc tấn công hàng tuần vào các nhà thờ và cộng đồng Công Giáo đã được ghi lại. Trong số này có những vụ cướp thông thường, các cuộc tấn công với mục đích xúc phạm và tấn công trực tiếp vào các linh mục và các nhà lãnh đạo của các cộng đồng Công Giáo, ngoài ra còn có các vụ giết người nhằm vào các giáo sĩ vì nhiều lý do, chủ yếu là những vụ bắt nguồn từ các hoạt động mục vụ của các ngài khi các vị lên tiếng chống bất công, chống lại các băng đảng. Rồi, cũng có các vụ cướp của hoặc một nguyên nhân khác.

Cuối cùng, CCM chỉ ra rằng trong quá trình tổng hợp các vụ tấn công và tội ác chống lại người Công Giáo và giáo dân, không có kết quả cụ thể nào trong các cuộc điều tra tương ứng của các cơ quan chức năng và chỉ một tỷ lệ tối thiểu bị kết án. Có những yếu tố cho phép chúng tôi biết liệu các nạn nhân và gia đình của họ có nhận được công lý và bồi thường thiệt hại hay không.
 
Các nghi thức cho sự ra đi của Đức Bênêđictô có thể là khuôn mẫu cho các cựu giáo hoàng trong tương lai
Đặng Tự Do
18:00 31/12/2022


Khi Đức Giáo Hoàng Grêgôriô thứ 12, vị giáo hoàng cuối cùng thoái vị trước Đức Bênêđíctô, qua đời vào năm 1417, thế giới đã không theo dõi.

Đức Grêgôriô đã thoái vị hai năm trước đó vào năm 1415 và trải qua những ngày còn lại của mình trong bóng tối cách Rôma hàng trăm dặm. Ngài được chôn cất lặng lẽ ở Recanati, một thị trấn gần bờ biển phía bắc Adriatic.

Sẽ rất khác với sự ra đi của Đức Bênêđictô 95 tuổi, người mà Vatican cho biết là đang trong tình trạng nghiêm trọng nhưng ổn định sau khi sức khỏe của ngài đột ngột xấu đi vào dịp Giáng Sinh.

Vatican có những nghi thức phức tạp tỉ mỉ cho những gì xảy ra sau khi một vị giáo hoàng đang trị vì qua đời nhưng không có nghi lễ nào được công chúng biết đến đối với một vị nguyên giáo hoàng.

Sau khi Đức Bênêđíctô qua đời, Vatican ít nhất sẽ phải viết một phần các giao thức mới. Các nguồn tin của Vatican cho biết những giao thức mới có thể là khuôn mẫu cho các Đức Giáo Hoàng khác chọn thoái vị thay vì trị vì suốt đời, bao gồm cả chính Đức Thánh Cha Phanxicô vào một ngày nào đó.

Những giao thức dành cho một vị giáo hoàng qua đời khi đang trị vì bao gồm một hiến pháp dài 30 trang có tên là “Universi Dominici Gregis,” tiếng Latinh có nghĩa là “Mục tử toàn thể dân Chúa,” và “Ordo Exsequiarum Romani Pontificis, “ (Các nghi thức tang lễ cho một Giáo hoàng Rôma) và một sách lễ dầy hơn 400 trang bao gồm phụng vụ, âm nhạc và những lời cầu nguyện.

Các quy tắc đó nói rằng việc chôn cất một giáo hoàng nên diễn ra trong khoảng từ bốn đến sáu ngày sau khi ngài qua đời như một phần của thời gian để tang kéo dài 9 ngày được gọi là Novendiale.

Các quan chức Vatican, những người phát biểu với điều kiện giấu tên vì họ không được phép thảo luận những vấn đề như vậy, cho biết kịch bản về sự ra đi của Đức Bênêđictô sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố chính: Đức Bênêđictô có để lại bất kỳ chỉ thị và quyết định nào mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đồng ý thực hiện hay không.

Một quan chức Vatican cho biết Đức Phanxicô thường ca ngợi người tiền nhiệm của mình là một vị giáo hoàng vĩ đại đã can đảm thoái vị, vì vậy ngài có thể muốn tiễn biệt Đức Bênêđictô theo nghi thức long trọng nhất có thể, và như thế ngài sẽ hoan hỉ thực thi tất cả các ước muốn của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.

Vị giáo hoàng cuối cùng qua đời, là Thánh Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô II, được chôn cất vào ngày 8 tháng 4 năm 2005, sáu ngày sau khi ngài qua đời. Đầu tiên, thi thể của ngài được đặt trong Sảnh đường Clêmentinô có bích họa dành cho các nhân viên Tòa Thánh và sau đó được chuyển đến Đền Thờ Thánh Phêrô cho công chúng.

Hàng triệu người đã xếp hàng hàng giờ để được gặp ngài, trong sự kiện có lẽ là lớn nhất trong lịch sử Vatican. Đông đảo các quốc vương cũng như tổng thống đã tham dự tang lễ của ngài.

Đầu tiên ngài được chôn cất trong hầm mộ dưới Đền Thờ Thánh Phêrô và sau đó được chuyển đến một nhà nguyện ở tầng chính của đại đền thờ này vào năm 2011 sau khi ngài được tuyên Chân Phước.

Các nguồn tin cho biết nhiều người muốn tỏ lòng kính trọng với Đức Bênêđíctô, là người đã kế vị Đức Gioan Phaolô năm 2005 và đã thoái vị vào năm 2013, vì vậy có thể sẽ có một thời gian để dân chúng tỏ lòng ngưỡng mộ.

Vào năm 2020, người viết tiểu sử được ủy quyền của Đức Bênêđíctô, Peter Seewald, được trích dẫn nói với tờ báo Passauer Neue Presse của Bavaria rằng vị giáo hoàng danh dự đã chuẩn bị một di chúc thiêng liêng nói rằng ngài muốn được chôn cất trong cùng một hầm mộ nơi Đức Gioan Phaolô II đã an nghỉ ban đầu.

Đức Bênêđíctô, với tư cách là Niên Trưởng Hồng Y Đoàn, đã chủ trì lễ tang của Đức Gioan Phaolô II vào năm 2005 tại quảng trường Thánh Phêrô và Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ chủ trì lễ tang của Đức Bênêđíctô.

Sau cái chết của một giáo hoàng đang trị vì, người phụ trách các công việc bình thường tại Vatican cho đến khi bầu chọn giáo hoàng mới là Hồng Y Nhiếp Chính.

Vị trí hiện do Hồng Y người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan Kevin Farrell nắm giữ nhưng vì Giáo hội có một giáo hoàng và sẽ không có mật nghị bầu chọn người khác nên Farrell sẽ không có vai trò gì cả khi Đức Bênêđíctô ra đi.

Hầu hết công việc, bao gồm cả việc lên chương trình cho một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Vatican, sẽ do Đức ông Diego Ravelli, người chủ trì các nghi lễ của Đức Giáo Hoàng đảm trách.
 
Những mốc quan trọng trong cuộc đời của Đức Nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI, vừa qua đời ở tuổi 95:
Thanh Quảng sdb
21:00 31/12/2022
Những mốc quan trọng trong cuộc đời của Đức Nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI, vừa qua đời ở tuổi 95:

- 16-04-1927: Sinh tại Marktl am Inn, một thị trấn nhỏ ở Bavaria miền nam nước Đức, và được đặt tên là Joseph Ratzinger.

- 1941: Ngài bị buộc tham gia Đoàn thanh niên Hitler.

- 1951: Ngài được thụ phong linh mục.

- 1977: Được bổ nhiệm làm TGM München và trở thành Hồng Y.

- 1981: Đứng đầu bộ giáo lý của Tòa thánh Vatican, Ngài chịu trách nhiệm quan trọng trong việc điều tra các trường hợp lạm dụng.

- 19-4-2005: Được bầu làm giáo hoàng kế vị Đức Gioan Phaolô II, lấy hiệu là Bênêđictô XVI.

- Tháng 1 năm 2006: phát hành Thông điệp đầu tiên "Thiên Chúa là tình yêu", tiếp theo là "Được cứu rỗi hy vọng" vào tháng 11 năm 2007 và "Bác ái trong sự thật" vào tháng 7 năm 2009.

- Tháng 9 năm 2006: Qua bài phát biểu trong đó Ngài quy án quan điểm Hồi giáo liên đới với bạo lực! Nhưng sau đó Ngài đã xin lỗi về quan điểm đó.

- Ngày 11 tháng 2 năm 2013: Ngài tuyên bố từ chức, có hiệu lực từ ngày 28 tháng 2. Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên từ chức kể từ thời Trung Cổ, và trở thành vị Giáo hoàng danh dự.

- Ngày 20 tháng 1 năm 2022: Ngài công khai xin sự tha thứ và cảm thông với các nạn nhân của lạm dụng tính dục, nhưng Ngài mạnh mẽ từ chối đã không dung nhượng cho các linh mục khi Ngài là Tổng giám mục từ năm 1977 đến 1982 tại TGM München Đức.

- Ngày 31 tháng 12 năm 2022: Ngài qua đời tại Vatican, hưởng thọ 95 tuổi.
 
Bài Giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi Kinh Hát Kinh Chiều Tạ Ơn Te Deum chiều Giao Thừa 31 tháng 12 năm 2022
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
21:44 31/12/2022


“do một người nữ sinh ra” (Gal 4:4).

Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa làm người, không phải từ trời cao ngự xuống trần gian. Ngài được sinh ra bởi Đức Maria. Ngài không giáng trần vào cung lòng một người phụ nữ mà là sinh bởi một người phụ nữ. Điều này về cơ bản là khác biệt - nó có nghĩa là Chúa muốn mặc lấy xác thịt từ Đức Mẹ. Ngài không sử dụng Mẹ, nhưng yêu cầu Mẹ nói “xin vâng”, yêu cầu sự tán thành của Đức Mẹ. Và như thế, cùng với Mẹ bắt đầu cuộc hành trình chậm rãi thai nghén một nhân tính không tội lỗi, tràn đầy ân sủng và chân lý, tràn đầy tình yêu và lòng trung tín. Một nhân tính đẹp đẽ, tốt lành và chân thật, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, nhưng đồng thời, được dệt bằng xác thịt của chúng ta do Mẹ Maria hiến dâng…không bao giờ thiếu Mẹ…luôn luôn được Mẹ đồng ý…trong tự do, trong sự nhưng không, trong tôn trọng, trong tình yêu.

Và đây là cách Thiên Chúa đã chọn để bước vào thế giới và bước vào lịch sử. Đây là cách. Và cách này là điều quan yếu, quan yếu như chính sự thật rằng Ngài đã đến. Tư cách làm mẹ Thiên Chúa của Đức Maria – tình mẫu tử đồng trinh, sự đồng trinh sinh hoa trái – là cách biểu lộ sự tôn trọng tối đa của Thiên Chúa đối với tự do của chúng ta. Đấng tạo dựng nên chúng ta khi không có chúng ta, lại không muốn cứu chúng ta mà không có chúng ta (x. Thánh Augustinô, Bài giảng CLXIX, 13).

Con đường Người chọn để đến cứu độ chúng ta là con đường mà Người cũng mời gọi chúng ta đi theo Người để tiếp tục dệt nên nhân loại – một nhân loại mới, tự do, hòa giải – cùng với Người. Đây là từ chủ yếu: nhân loại được hòa giải. Đó là một phong cách, một cách quan hệ với chúng ta, từ đó phát sinh ra muôn vàn những đức tính tốt đẹp và tử tế của con người khi sống với nhau. Một trong những nhân đức này là lòng tốt, như một lối sống nuôi dưỡng tình huynh đệ và tình bạn xã hội (x. Thông điệp Fratelli tutti, 222-224).

Và nói về lòng tốt, vào lúc này, tự nhiên tôi nghĩ đến Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô XVI thân yêu, người đã từ biệt chúng ta sáng nay. Chúng ta cảm động khi nhớ đến ngài như một người cao thượng, rất nhân từ. Và chúng ta cảm thấy lòng biết ơn: lòng biết ơn Thiên Chúa vì đã ban Đức Giáo Hoàng Danh dự cho Giáo hội và thế giới; lòng biết ơn đối với Đức Giáo Hoàng Danh dự về tất cả những điều tốt lành mà ngài đã thực hiện, và trên hết, về chứng tá đức tin và lời cầu nguyện của ngài, đặc biệt là trong những năm cuối cùng của cuộc đời chiêm niệm của ngài. Chỉ có Thiên Chúa mới biết giá trị và sức mạnh của lời chuyển cầu của ngài, của những hy sinh mà ngài đã dâng vì lợi ích của Giáo Hội.

Và tối hôm nay, tôi muốn nhắc lại lòng tốt cũng như một đức tính dân sự, đặc biệt khi nghĩ đến giáo phận Rôma của chúng ta.

Lòng tốt là một khía cạnh quan trọng của văn hóa đối thoại, và đối thoại là điều không thể thiếu để sống trong hòa bình, để sống như anh chị em, những người không phải lúc nào cũng đồng ý với nhau – điều này là bình thường – nhưng vẫn nói chuyện với nhau, lắng nghe nhau và cố gắng hiểu nhau và tiến về phía nhau. Chúng ta chỉ cần nghĩ xem “thế giới sẽ như thế nào nếu không có cuộc đối thoại kiên nhẫn của nhiều người hào phóng, những người đã giữ các gia đình và cộng đồng lại với nhau. Khác với bất đồng và xung đột, đối thoại bền bỉ và dũng cảm không gây xôn xao dư luận, nhưng âm thầm giúp thế giới sống tốt đẹp hơn” (thượng dẫn., 198). Vì vậy, lòng tốt là một phần của đối thoại. Nó không chỉ là vấn đề về “cách cư xử tốt”; nó không phải là vấn đề về “nghi thức”, về cách cư xử nhã nhặn…. Không. Đây không phải là điều chúng ta muốn đề cập đến khi nói về lòng tốt. Thay vào đó, đó là một đức tính tốt cần được học hỏi và thực hành hàng ngày để đi ngược dòng chảy; và nhân bản hóa xã hội của chúng ta.

Tác hại của chủ nghĩa cá nhân tiêu dùng đang ở trước mắt mọi người. Và thiệt hại nghiêm trọng nhất là những người khác, những người xung quanh chúng ta, bị coi là chướng ngại vật cho sự bình yên, hạnh phúc của chúng ta. Những người khác “gây bất tiện” cho chúng ta, “làm phiền” chúng ta, cướp đi thời gian và nguồn lực của chúng ta mà chúng ta muốn dùng theo ý mình. Xã hội theo chủ nghĩa cá nhân và theo chủ nghĩa tiêu dùng của chúng ta có xu hướng hung hăng, vì xem những người khác là đối thủ cạnh tranh của họ (xem thượng dẫn., 222). Tuy nhiên, trong chính những xã hội này của chúng ta, và ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất mà chúng ta phải đối mặt, có những cá nhân chứng minh làm thế nào có thể “tu dưỡng lòng tốt” và do đó, bằng phong cách sống của họ, họ “trở thành những ngôi sao sáng trên bầu trời giữa mịt mùng đêm đen” (thượng dẫn.).

Trong Thư gửi tín hữu Galát, được trích làm Bài đọc cho phụng vụ này, Thánh Phaolô cũng, nói về hoa trái của Chúa Thánh Thần, trong đó có một điều được nhắc đến bằng từ tiếng Hy Lạp chrestotes (x. 5:22). Đây là điều mà chúng ta có thể hiểu là “lòng tốt”: một thái độ nhân từ nâng đỡ và an ủi người khác và tránh mọi hình thức thô bạo và khắc nghiệt. Đó là cách đối xử với người lân cận của mình, cẩn thận để không gây tổn thương bằng lời nói hoặc hành động; cố gắng làm nhẹ đi gánh nặng của người khác, khuyến khích, an ủi, nâng đỡ, và không bao giờ hạ nhục, hành hạ hay coi thường (x. Fratelli tutti, 223).

Lòng tốt là liều thuốc giải độc chống lại một số bệnh lý trong xã hội của chúng ta: đó là liều thuốc giải độc chống lại sự tàn ác, là thứ không may có thể chui vào như chất độc thấm vào tim, làm say các mối quan hệ; một liều thuốc giải độc chống lại sự lo lắng và sự điên cuồng mất tập trung vốn khiến chúng ta tập trung vào bản thân, khép kín đối với người khác (x. thượng dẫn., 224). Những “căn bệnh” này trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta khiến chúng ta trở nên hung hăng, khiến chúng ta không thể hỏi “tôi có thể không”, hay đi xa hơn là nói “xin lỗi”, hay đơn giản là nói “cảm ơn”. Ba từ vô cùng nhân bản để sống với nhau: xin phép, xin lỗi, cảm ơn. Với ba từ này, chúng ta tiến bước trong hòa bình, trong tình bạn của con người. Đó là những lời tử tế: xin phép, xin lỗi, cảm ơn. Sẽ rất tốt nếu chúng ta nghĩ xem liệu chúng ta có sử dụng chúng thường xuyên trong cuộc sống hay không: xin phép, xin lỗi, cảm ơn. Và vì thế, khi chúng ta gặp một người tử tế trên đường phố, trong một cửa hàng, hoặc trong văn phòng, chúng ta vô cùng ngạc nhiên, đó dường như là một phép màu nhỏ bởi vì thật không may, lòng tốt không còn phổ biến nữa. Nhưng, tạ ơn Chúa, vẫn còn những con người nhân hậu, biết gạt bỏ mối bận tâm riêng tư để quan tâm đến người khác, biết trao tặng nụ cười, trao lời động viên, lắng nghe người cần tâm sự điều gì đó, hay muốn được giải tỏa (x. thượng dẫn.).

Anh chị em thân mến, tôi nghĩ rằng việc coi lòng tốt như một đức tính cá nhân và dân sự có thể giúp ích rất nhiều cho việc cải thiện cuộc sống trong các gia đình, cộng đồng và thành phố. Vì lý do này, khi chúng ta hướng tới năm mới với tư cách là Thành phố Rôma, mong muốn của tôi dành cho tất cả chúng ta đang sống ở đây là chúng ta có thể phát triển đức tính này: lòng tốt. Kinh nghiệm dạy rằng lòng nhân ái, nếu nó trở thành một phong cách sống, có thể tạo ra một lối sống lành mạnh với nhau, nó có thể nhân bản hóa các mối quan hệ xã hội, xua tan sự hung hăng và thờ ơ (x. thượng dẫn.).

Chúng ta hãy nhìn vào hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria. Hôm nay và ngày mai, tại Đền Thờ Thánh Phêrô này, chúng ta có thể tôn kính Mẹ qua hình ảnh Đức Mẹ Carmine thành Avigliano, gần Potenza. Chúng ta đừng coi thường thiên chức làm mẹ của Đức Mẹ! Chúng ta hãy để cho mình kinh ngạc trước sự lựa chọn của Thiên Chúa, Đấng đã có thể đến thế gian bằng hàng ngàn cách khác để biểu lộ quyền năng của Người, nhưng thay vào đó, lại muốn được thụ thai hoàn toàn tự do trong cung lòng Đức Maria, muốn được hình thành trong chín tháng như mọi trẻ thơ và, cuối cùng, được sinh ra bởi Đức Mẹ, được sinh ra bởi một người phụ nữ. Chúng ta đừng vượt qua điều này một cách nhanh chóng. Chúng ta hãy dừng lại để chiêm ngắm và suy niệm vì ở đây có một nét cốt yếu của mầu nhiệm cứu độ. Và chúng ta hãy cố gắng học hỏi “phương pháp” của Thiên Chúa, sự tôn trọng vô hạn của Ngài, “lòng nhân từ” của Ngài, có thể nói như vậy, bởi vì con đường cho một thế giới nhân bản hơn được tìm thấy trong tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Trinh Nữ Maria.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh người mẹ an ủi người con
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:47 31/12/2022
Hình ảnh người mẹ an ủi người con

Bước vào ngưỡng cửa năm mới dương lịch hằng năm, nếp sống phụng vụ Giáo Hội Công Giáo khai mạc ngày đầu năm mới, 01.tháng Một với lễ Đức Mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa.

Lễ mừng kính này diễn tả hình ảnh sứ điệp gì cho tâm hồn đức tin chúng ta ngày khởi đầu năm mới?

Lễ mừng kính này gợi nhắc ngay đến hình ảnh người mẹ an ủi người con đang lưng tròng nước mắt ngắn dài kêu khóc trong vòng tay của mình.

Ôi một hình ảnh tuyệt đẹp, chan chứa tình mẫu tử lan tỏa bầu khí nồng ấm cùng cảm động biết bao!

Người tín hữu Công Giáo xưa nay có tập tục thói quen tốt lành đạo đức sùng kính Đức Mẹ Maria, như lần chuỗi kinh mân côi với lời kinh Kính mừng Maria, kinh cầu Đức Mẹ Maria, kinh Truyền tin…

Cung cách sống đức tin, cầu nguyện quen thuộc bình dân cùng sống động này với nhiều người muốn nói lên tâm tình tin nhận Đức Mẹ Maria là người bầu cử trung thành cho đời sống mình trước Thiên Chúa

Nhưng có thể với nhiều người khác, lại không thích hợp cho lắm đến mức độ hoài nghi, cùng không sao có thể thực hiện được!

Suy nghĩ tin rằng Thiên Chúa trao ban mẹ Maria cho con người chúng ta, không chỉ nơi hài nhi Giêsu đang khóc lóc kêu la đòi mẹ, nhưng còn cho cả những con người đang đi sống trong thung lũng đầy nước mắt đau khổ trần gian luôn cần sự an ủi giúp đỡ trong vòng tay yêu thương từ mẫu của người mẹ nữa.

Tình trạng thung lũng đầy nước mắt nơi đời sống nhân loại xưa nay luôn hằng xảy diễn ra, như từ hai năm vừa qua vi trùng bệnh dịch Covid 19 lây lan đe dọa đời sống gây khủng hoảng về mọi phương diện, rồi bây giờ từ 10 tháng nay chiến tranh bên đất nước Ukraina gây ra hoang mang chao đảo khủng hoảng, nhà cửa đường xá, cơ cấu nền tảng đời sống bị tàn phá đổ nát, hàng ngàn người tử vong, làm cho đời sống văn hóa cũng như kinh tế hoang mang sụp đổ cùng khan hiếm thiếu hụt, đắt đỏ…nhất là sự hoài nghi hận thù, hay dửng dưng ích kỷ lan tràn trong đời sống.

Và còn nhiều hoàn cảnh bi đát tang thương khốc liệt đã cùng đang diễn xảy ra như môi trường sinh thái trái đất bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu toàn cầu, nóng cháy rừng cùng đồng ruộng,thiên tai mưa lụt giông bão, ít mưa nên mực nước sông hồ cạn, động đất, nạn nghèo đói bệnh tật lan tràn trên khắp nơi…

Đó là những thử thách to lớn kinh hoàng đòi hỏi trong con đường đời sống nhân loại về kinh tế, về an ninh, về lương thực, về tình liên đới bác ái nhân đạo với nhau.

Những điều đó làm cho đời sống con người ngày càng có thêm gánh nặng lo âu sợ hãi, nhất là vào dịp đầu năm mới. Vì năm mới như tờ giấy còn trắng trơn chưa có dấu vết hình ảnh chữ viết nào. Và không ai biết trước được tương lai năm mới sẽ diễn biến xảy ra như thế nào cho đời sống!

Con người càng cảm nhận ra rằng đời sống gặp nhiều chao đảo như mất thăng bằng trong xã hội, trong Giáo hội Chúa ở trần gian, và cả nơi gia đình cũng như cá nhân mỗi người nữa...

Con người nhiều khi như một em bé đang trong chới với sắp ngã té! Vì thế cần người mẹ giang vòng tay ôm ấp nâng đỡ an ủi, lau khô dòng nước mắt trên gò má và trong tâm hồn, cùng vực dậy cho đứng vững.

Người mẹ là người tuyệt vời, mà Thiên Chúa tạo dựng phú bẩm ban cho nhân loại, làm công việc này thần thánh cùng tình người rất tuyệt hảo.

Ai cũng có, cũng cần người mẹ trần gian sinh thành nuôi dưỡng, an ủi chúng ta trong suốt dọc đời sống do Thiên Chúa trao ban cho.

Và Thiên Chúa cũng trao ban cho những người tín hữu Chúa Kitô mẹ Maria, là người mẹ niềm tin tinh thần, để an ủi lau khô dòng nước mắt hoang mang đau khổ trong đời sống thung lũng đầy nước mắt.

Tin nhận Đức Mẹ Maria là người mẹ niềm tin tinh thần nói lên lòng tin cậy nơi Đức Mẹ Maria. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, trước khi chết trên thập gía đã trối mẹ Maria lại cho con người: Đây là Mẹ con!

Với niềm tin có thể nói được rằng, nơi mẹ Maria tâm hồn con người, như một em bé được người mẹ cho ngồi vào lòng, hay trong vòng tay yêu thương của người mẹ, lắng nghe tâm sự đời sống, an ủi lau khô dòng nước mắt mang lại sự can đảm bình an cho tâm hồn.

Đức Mẹ Maria theo phương diện nhân loại là người mẹ với bàn tay chan chứa tình mẫu tử cho con người. Và đồng thời, Maria trong sứ mạng được Thiên Chúa trao cho đã sinh thành nuôi dưỡng cùng chịu đau khổ với con mình là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, trong suốt dọc đời sống trên trần gian. Đức Mẹ Maria đã trở thành mẹ Thiên Chúa.

Xin đốt thắp những ngọn nến kính mừng mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa, và lời kinh cầu nguyện xin ơn che chở an ủi, sự hòa bình cho mọi dân tộc trên thế giới, cùng cho những người đã qua đời.

Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu. Cầu cho chúng con!

Chúc mừng Năm Mới Dương Lịch

Trung tâm hành hương Đức Mẹ Kevelaer, ngày 01. 01.2023

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Thông Báo
Cáo phó về tang lễ cuả Cha Bề Trên Dominic Hạnh
Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm
18:02 31/12/2022
DVBDTT_Img_8078
 
Thư ra mắt của Hội Tác Quyền Thánh Ca
Hội Tác Quyền Thánh Ca
23:34 31/12/2022


 
Văn Hóa
Lá thư Canada 1/1/2023 : Xin Chúc Thân Tâm An Lạc - Trà Lũ
Trà Lũ
11:08 31/12/2022
Tôi ở đây gần 50 năm mà chưa bao giờ thấy dân Canada mừng lễ Giáng Sinh và tết tây rầm rộ và náo nức như năm nay. Mọi sinh hoạt như đang hồi phục. Hai năm qua tất cả hầu như đã bị họa Cô Vít làm gián đoạn và chậm lại. Ông Nga lúc đầu hung hăng xâm lăng Ukraine, tưởng sẽ nuốt cái nước này trong hai ngày ai ngờ gần 300 ngày mà chưa nuốt được, còn đang mắc kẹt ở cổ. Ông Tàu thì vẫn hung hăng ở Biển Đông nhưng vẫn chưa được gì cụ thể, Đài Loan vẫn quyết chiến.

Thế giới vẫn đang mù mịt thì may quá Giải Bóng Đá World Cup ở Katar đã bùng lên một nguồn sáng mới, một niềm vui mới. Hai đội bóng Argentina và Pháp đã làm thế giới ngưỡng mộ, và ngôi sao Messi đã hiện ra sáng chói. Nào ai ngờ anh câu thủ mang áo số 10, 35 tuổi của Argentina đá giỏi đến thế.

Làng An Lạc của tôi vẫn tiếp tục sinh hoạt, cũng sôi nổi lắm. Cây nêu đã dựng rồi, bàn thờ tổ đã bày xong. Các nhà quân tử tức phe liền ông gặp nhau thì bao giờ cũng nói chuyện tầm bậy rôi cười đập bàn đập ghế, phe các bà thì gặp nhau là chúi vào nói chuyện đi chợ và nấu nướng. Cụ Chánh tiên chỉ hôm qua hỏi cả làng đã làm những gì trong mấy ngày tuyết rơi giá buốt. Chị Ba Biên Hòa trả lời ngay là chị nghe nhạc Giáng sinh, ôi chương trình Gloria Giáng Sinh của Thúy Nga sao mà nó hay tha thiết và ấm cúng làm vây. Hết Thúy Nga rồi sang André Rieu, ôi cái ông vua 73 tuổi của Hà Lan sao mà tài ba và duyên dáng làm vậy. Rồi phải kể tới chương trình văn nghệ của Đại Hội Giới Trẻ của Giáo phận Hà Nội lần thứ 18, đúng là những tinh hoa của miền Bắc, hay hết sức vậy đó. Ông ODP thì bảo ông cũng nghe nhạc giáng sinh của Thúy Nga và rất nhiều nhà thờ, lúc nào chán thì xem các màn đấu võ của Bruce Lee. Ôi cái anh chàng Á Châu này gân quá, anh chả to lớn gì nhưng người lúc nào cũng gân guốc, đấu 10 trận thì chỉ thua 1 hay 2, nhiều võ sĩ to lớn vạm vỡ đã bị anh cho đo ván. Ấy thế mà có một võ sĩ VN đã hạ được Bruce Lee này, ngon quá. Đó là anh Nguyễn Trần Duy Nhất, coi đã mắt quá chừng. Anh Nhất cũng chỉ cao bằng Bruce Lee mà võ lực mạnh mẽ đánh bại được cái anh chàng Bruce Lee lúc nào cũng hiu hiu tự đắc. Ngoài ra, tôi còn thấy anh Nhất hạ rất nhiều cao thủ các nước khác. Xem Bruce Lee đã mắt mà coi Duy Nhất còn đã mắt hơn và mát ruột hơn, đêm ngủ ngon quá sức. Chị Ba Biên Hòa kể tiếp : Tôi không coi đấu võ như các bác, khi nào nghe nhạc mệt rồi thì tôi mở chương trình du lịch của hãng diện ảnh HUY Hà, ôi các chương trình này vừa hay, vừa bổ ích, vừa trí thức, nghe đã quá. Tôi rất thích lời hướng dẫn và diễn giải vừa lưu loát vừa có chất lượng của diễn viên Phạm Ngọc Phước. Ông và công ty của ông đã đưa chúng tôi di rất nhiều nơi nổi tiếng, nhiều nơi chỉ dám ước mơ chứ không thể ngờ mình được xem và được hướng dẫn rành mạch như vậy.

Trong bữa ăn họp làng ngày dựng cây nêu ở sân nhà cụ Chánh tuần qua, chúng tôi đã nói bao nhiêu chuyện vui, chuyện cười. Các cụ có biết chúng tôi nói về đề tài gì không? Thât bất ngờ. Cô Tôn Nữ gốc Huế kể rằng trong sở làm, cô rất thân với một cô đồng nghiệp da trắng Canada tên là Jane, không có chuyện nào bí mậtt mà hai cô giấu nhau. Bữa đó trong giờ ăn trưa cô Jane mới hỏi cô Tôn Nữ : Nếu vợ chồng mày cãi nhau dữ dội thì mày đe dọa chồng mày thế nào cho ổng sợ? Cô Tôn Nữ trả lời ngay. Tao đe thế này: Anh mà còn lộn xộn nữa thì tôi sẽ ra đi, sẽ dọn về ở với mẹ tôi. Cô Jane bèn cười hà hà rồi vỗ vai bạn : mày thua rồi vì chỉ thua thì mới dọn đi. Người Canada chúng tao thường đe thế khác : Anh mà còn lộn xộn với tôi nữa thì tôi sẽ mời mẹ tôi đến ở đây ngay với tôi, ngay tức thì. Tao có kinh nghiệm, 100 anh chồng nghe tin mẹ vợ tới thì anh nào cũng co vòi lại hết.

Cả làng đã vỗ tay và òa ra cười khi nghe lời cô Jane chí lý này. Người vỗ tay và cười lâu nhất là anh John. Anh bảo mẹ vợ là đề tài gây tiếng cười nhiều nhất ở Canada. Mọi người nghe thế liền bắt anh kể xem cái nhiều của anh là bao nhiêu. Anh bèn kể ra một mớ. Tôi chỉ xin lựa ra đây vài chuyện tiêu biểu.

- Anh chàng kia có những 3 vợ, khi chết lại được thánh Peter mở cửa cho vào thiên đàng. Có người khiếu nại thì thánh cả liền trả lời: khi sống ở trần gian mà sống được với 3 bà mẹ vợ thì nó phải là người nhân đức lắm, nó đáng được vào thiên đàng.

- Có một cặp vợ chồng trẻ đi du lịch Âu Châu, bà mẹ vợ cũng xin đi theo. Khi đến nước Do Thái thì tự nhiên bà mẹ vợ phải gió độc lăn đùng ra chết. Anh con rể được cơ quan mai táng cho biết : nếu chôn xuống đất thì giá hai ngàn, nếu hỏa thiêu thì năm ngàn. Anh ta xin hỏa thiêu. Ai cũng thắc mắc tại sao anh chọn giải pháp tốn tiền như vậy, anh bèn trả lời : Cái đất Do Thái này linh thiêng lắm, ngày xưa Chúa Jesus chết xong người ta đem chôn và chỉ sau 3 ngày thì Chúa sống lại, nên tôi sợ bả cũng sẽ sống lại, nên phải xin hỏa thiêu cho chắc ăn.

- Có một cặp vợ chồng anh chàng kia di picnic trong rừng, hái được một loại nấm rất tươi tốt đã đem về nhà ăn. Anh ăn không hết liền chia cho bạn bè. Có người bạn bảo : Coi chừng nghe, có thể là nấm độc ăn vào là chết đó. Anh chàng hái nấm đã cười hề hề : Tao làm món nấm này, bà mẹ vợ tao khen ngon, đã ăn rất nhiều, mà bây giờ bả vẫn còn sống nhăn.

Phe các bà lên tiếng : nãy giờ toàn nghe chuyện cười về mẹ vợ, vậy chứ anh không có chuyện gì về bố chồng sao? Anh John cười hà hà ngay vì các bà đã gãi đúng chỗ ngứa của Anh. Anh đáp : có chứ nhiều chứ, các bà đã sẵn sàng nghe chuyện bố chồng chưa? Ai nấy đều gật đầu hoan hô, vì nếu đã có chuyện cười về mẹ vợ thì cũng phải có chuyện về bố chồng cho cân xứng chứ. Thế là Anh John kể ngay 2 chuyện. này.

Chuyện 1. Rằng nhà kia chỉ có 3 người, anh con trai phải đi lính quân dịch ở xa, ở nhà chỉ còn cô con dâu và ông bố chồng góa vợ. Bữa đó trời nóng, ông bố chồng tuổi còn xồn xồn nằm võng ngoài hè đọc báo, cô con dâu thì làm bếp bên trong. Cô lên tiếng hỏi : Bố ơi báo chí có cho biết nước nào hiện giờ căng thẳng không bố? Ông bố nhìn cô con dâu ăn mặc hở hang, máu dê nổi lên bèn đáp : Thế giới bằng an vô sự, chỉ có Cu Ba là dậy sóng. Ý ông bố này là ý dê xồm, ông nói cây súng của ông chứ không phải xứ Cuba của Fidel Castro căng thẳng. May mà chỉ có vậy chứ bão tố đã không xảy ra.

Chuyện 2. Rằng có đoàn du lịch VN sang thăm xứ Tiệp Khắc. Bữa đó xe chở khách đi coi thành phố. Xe chạy được một lúc thì có một bà lên tiếng xin xe ngừng để ba đi đái. Bà vào chỗ đi đái rồi buồn bã chạy ra bảo mọi người : họ không cho đái vì họ đòi 2 Cu cơ. Bà ngồi bên ngạc nhiên nói ngay: Đàn bà chúng mình một cu còn chả có chứ nói gì tới 2 cu, vậy làm sao bây giờ. Một ông biết tiếng Tiệp ngồi bên nghe xong liền phá ra cười : Cu đây là tên đồng bạc của Tiệp Khắc chứ không phải là cây súng của đàn ông. Bà VN thẹn đỏ mặt, và đã đem 2 cu vào đi đái.

Chị Ba Biên Hòa nghe đến đây thì không cho anh John kể chuyện mẹ vợ và bố chồng nữa vì ngày tết mà nói chuyên tầm phào là không nên. Chị bảo chồng : anh kể sang đề tài khác đi. Anh John liền vâng lời vợ, xin đổi đề tài. Nhưng anh cũng xin thêm một câu ca tụng tiếng MẸ của VN hay tuyệt vời. Anh bảo trong tiếng Việt có 2 chữ để chỉ một cái gì chót vót, đó là tiếng ‘thấy mẹ’, như ngon thấy mẹ, đau thấy mẹ, nhớ thấy mẹ, thế nhưng trong lãnh vực tình yêu thì không ai nói ‘yêu thấy mẹ’ bao giờ cả. Yêu là không thấy mẹ bao giờ

Cái anh này giỏi thiệt. Rồi được đà vì có nhiều tiếng vỗ tay, anh nói tiếp : Người Việt Nam nói ĂN tết, ôi chữ ĂN nó giầu làm sao, nó bao quát mọi lãnh vực : ăn cơm, ăn phở, ăn bò, ăn gà,rồi nó bò sang nhiều lãnh vực khác, như ăn gian ăn cắp, ăn xin, ăn ké, ăn mày, ăn hối lộ… Nghe đến đây thì Ông Từ Hòe xin nói thêm một câu : Bây giờ ở VN, người ta cũng nói bọ cán bộ CSVN cũng ăn dữ lắm, chúng ăn đủ mọi thứ, cái gì cũng ăn, trừ việc ăn năn!

Nghe nhắc đến VC thì bà cụ B.95 lên tiếng xin thôi ngay vì cụ bảo tết đang vui mà nhắc tới VC là mất vui liền. Làng đã ngưng ngay, và chuyển sang mục nghe nhạc Giáng Sinh, chương trình Andre Rieu. Ôi cái anh chàng Rieu này sao mà giỏi làm vậy. Phe các bà chịu anh này lắm, vừa đẹp trai, vừa tài giỏi, vừa là nhạc sĩ vỹ cầm, vừa là nhạc trưởng chỉ huy cả một nhạc đoàn trăm người, vừa là một MC hùng biện và linh hoat. Các bà các cô ai cũng mê ông Rieu xồn xồn này.

Ông Từ Hòe nghe tới tiếng MC thì ông giơ tay xin kể một chuyện về nghề MC ngày xưa ở VN thập niên 1970. Hồi đó đa số các xuất hát đều có MC là Ngọc Phu hay La Thoại Tân, và MC nào cũng có 1 cung cách giới thiệu giống nhau khi giới thiệu ca sĩ, đại loại nói như thế này : Thưa quý vị, sau đây là tiếng hát của ca sĩ Thanh thúy, ca sĩ Ánh Tuyết, ca sĩ Bạch Yến… và để làm nổi tên ca sĩ thì MC thường lên giọng rất cao tiếng cuối cùng của tên ca sĩ. Thế nhưng nhiều khi ông MC đã bị hố mà chữa không kịp khi lên cao chót vót tên ca sĩ, Thái Thanh hóa ra Thái Thánh, Khánh Ly hóa thành Khánh Lý, Lệ Thu hóa thành Lệ Thú… Trót lên cao tiếng cuối cùng mất rồi chữa không kịp nữa. cả rạp ai cũng phá ra cười.

Chuyện này làm tôi nhớ tới câu hát ‘ Lúa thơm cho đủ hai mùa’ của Phạm Duy. Đa số các ca sĩ đều hát ‘ lúa thơm cho đụ hai mùa’.Chị Ba nghe đến đây liền cười rồi vỗ vai chồng là anh John : anh nhớ nghe, anh phải cẩn thận khi nói chữ ĐỦ, không được nói giọng Huế chữ này nha. Anh John cũng không phải tay vừa. Anh đáp ngay : Nhưng nếu tôi đọc bài thơ của một cô học sinh Huế nói với một cây si đang đi theo thì phải cho tôi nói tiếng Huế chứ. Cả làng nghe đến đây thì ai cũng bảo : Đâu, bài thơ lời Cô Huế nói ra sao? Anh John đọc ngay :

Người ở mô răng mà kỳ dữ rứa
Giờ ra chơi mà cứ ngó miết người ta
Và reo lên khi thoáng thấy đi qua
Tụi bạn tưởng có răng rồi mới rứa
Người ở mô mà vô duyên rứa hỉ
Trao phong bì rồi hấp tấp bỏ đi
Ờ thương thương nhớ nhớ làm chi
Về ba mạ biết ri là chết !
Mắc cớ chi theo người ta cho mệt
Người răng mà ưa lẽo đẽo làm đuôi

Ông Từ Hòe gật gù. Tiếng Huế và các cô gái Huế đều có bùa mê. Tôi có mấy thằng bạn, 10 thằng ra làm viêc ở Huế thì 8 thằng lấy vợ Huế. Mọi người đều ngạc nhiên vì xưa kia ông cũng ở Huế. Ông biết mọi người đang thắc mắc về ông, nhưng ông tảng lờ và tiếp tục ca ngợi các cô gái Huế. Ông khen hay lắm. Ông bảo Em đã đẹp lại gốc Huế thì đương nhiên phải thấp thoáng vẻ hoàng phái của một tiểu thư hay một mệnh phụ Công Tằng Tôn Nữ nào đó. Làn da mái tóc, dáng đi, giọng nói đều toát ra mùi Huế, ai hít phải đều ngất ngây, đêm về không sao ngủ được…

Cụ Chánh lên tiếng xin chuyển đề vì chuyện các cô Huế thì dài lắm,, ra giêng làng ta sẽ bàn tiếp. Cô Tôn Nữ liền đáp ngay : các bác đã ngấy rồi phải không? nếu thế thì xin các bác nói chuyện về tuổi già, chắc vui lắm vì già nên đầy kinh nghiệm. Ai cũng gật gù. Ông già ODP liền kể : Tôi năm nay đã mon men gần 80, lúc tôi 75 thì có ông bạn già kể một chuyện vui với đề tài về hưu.

Rằng có ông lão già kia vừa về hưu và vừa đi bệnh viện về, đêm đầu tiên ngủ ở nhà, ông thấy khó ngủ nên ông tập trung theo dõi các cơ thể cũng đã về già như ông. Ông cố lắng ghe và ông cảm thấy các cơ thể của đang tổ chức một buổi họp, và đa số cơ thể nào cũng ‘xin về hưu’. Chỉ huy cuộc họp là bộ não. Não nói : ai có ý gì thì cứ việc nói. Trái Tim liền thưa :

Tôi làm việc đã hơn 70 năm, nay tôi xin về hưu. Bộ Não chủ tọa liền đáp : Không được, mi mà về hưu thì chúng tao chết hết. Rồi sau tim thì đến gan, phèo phổi, dạ dày.. cũng đều xin về hưu... Bỗng phía dưới có tiếng phều phào vọng lên : Tôi yếu quá rồi xin cho tôi về hưu. Mọi cơ quan đều ngó nghiêng mà không biết cơ nào phát biểu. Não là chủ tọa nói lớn : Ai ở phía dưới vừa nói đó, xin đứng dậy nói cho rõ hơn. Từ phía dưới tiếng phều phào đáp ngay : Lão mà đứng lên được thì đã chả thèm xin về hưu như các bác. Các cơ thể tim gan phèo phổi liền im hết vì cái anh chàng ở hạ lưu này rất có lý. Các bác đã biết tên anh này rồi chứ?

Chuyện này làm tôi nhớ một câu đối nổi tiếng về tuổi già của ôngchủ bút Thời Báo ngày xưa:

…Hàm răng mang nặng : hàm răng giả
Túi đạn đeo thừa : túi đạn chay !

Các bà các cô nghe đến đây thì ai đều cười thét lên và đấm nhau thùm thụp. Cụ Chánh cũng cười rồi bảo, tuổi già thì như vậy đó. Riêng lão thì lão thích nhất bài thơ vịnh tuổi già của BS Phạm Biểu Tâm, nó nói đúng tuổi già của lão quá :

…Rù rờ đổ vỡ thật là hư
Biết nói mần răng đặng nữa chừ
Ăn uống vãi rơi làm họ bực
Ra vào đụng chạm thấy mình dư
Người quen gặp lại nhìn ngơ ngẩn
Để trước quên sau kiếm mệt đừ
Ai ngờ ngày nay ra thế đấy
Xưa kia lỗi lạc một tay cừ.

Lời thơ mang nhiều nỗi buồn vì tuổi già quả là vô dụng. Biết thế nên BS Tâm an ủi ta và chỉ ta một con đường. Tôi yêu mấy dòng thơ này quá :

Trăm năm trước thì ta không có
Trăm năm sau có cũng như không
Cuộc đời sắc sắc không không
Hơn nhau chỉ một tấm lòng mà thôi

Cụ Chánh nghe đến đây thì khen hai bài thơ đầy kinh nghiệm sống, là bài học quý giá, rồi cụ phát biểu thêm : Chúng ta đang bước vào mùa vui cuối năm, mùa lễ lớn của đạo Chúa, mùa lễ tết của dân tộc. Lão thật sung sướng vì thấy dân làng ta ai cũng được ấm no hạnh phúc trên miền đất thiên đàng Canada này. Lão hằng nhớ lời cha xứ dạy lão lúc còn bé tí : Có Chúa mọi sự mọi xong, không Chúa long đong suốt đời.

Kính chúc các cụ độc giả : Năm Mới thân và tâm luôn an lạc, Pax vobis. Peace be with you. La Paix soit avec vous.

Amen Alleluia.

TRÀ LŨ
 
VietCatholic TV
Putin cuối năm vẫn xui: Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn Nga nổ tung cùng 5 kho đạn. Mỹ cảnh báo trục Nga-TQ
VietCatholic Media
03:13 31/12/2022


1. Quân Ukraine áp sát Svatove. 5 kho đạn và 20 chiến xa của Nga nổ tung.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 31 tháng 12, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong 24 giờ qua thành công nổi bật nhất của quân Ukraine là các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã tấn công 5 kho đạn dược và một hệ thống tác chiến điện tử của Nga. Đây là những kho đạn rất lớn nên chúng đã nổ tung trong nhiều giờ và gây thương vong cho các lính canh Nga. Một số được ghi nhận là mới được chuyển từ Nga sang để tiếp tế cho các chiến trường Lyman, Bakhmut và Avdiivka.

Trong ngày qua, quân đội Nga đã tiến hành 16 cuộc không kích, trong đó có 15 cuộc nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự. Đối phương đã sử dụng 8 máy bay không người lái cảm tử Shahed-136 và tất cả chúng đều bị bắn hạ. Ngoài ra, những kẻ xâm lược Nga đã khai hỏa bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt 17 lần. Các cuộc tấn công bằng pháo của Nga vào các khu định cư hòa bình đã khiến 3 người chết và 10 người bị thương.

Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, quân đội Nga tiếp tục mở các tấn công theo hướng Lyman và Bakhmut; trong khi cố gắng cải thiện các vị trí chiến thuật của chúng ở hướng Kupiansk và Avdiivka.

Tại Bakhmut, quân Wagner tấn công đồng loạt theo 3 hướng. Hướng Nam, quân Wagner và cái gọi là lực lượng Cộng hòa Nhân Dân Donetsk tiến từ phía Odradivka, tấn công vào làng Opyne.

Hướng Đông, từ Pokrovske, Trung Đoàn 254 súng trường cơ giới tìm cách kiểm soát hai xa lộ T0504 và M03. Hướng Bắc, Trung Đoàn Xe Tăng Cận Vệ số 59, và Tiểu Đoàn 148 Trinh Sát, cả hai cùng thuộc Sư Đoàn 144 súng trường cơ giới đang tham chiến trong chiến trường Soledar đã được điều động tăng viện cho quân Wagner, tìm cách tấn công vào làng Pidhorodne, để xuyên thủng phòng tuyến quân Ukraine về phía Bắc.

Quân Nga tung một lực lượng lớn như thế nhằm quyết tâm chiếm cho được thành phố Bakhmut. Tuy nhiên, theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, tình hình không đáng ngại vì quân chính quy Nga, quân Cộng hòa Nhân Dân Donetsk và cả quân Wagner chủ yếu chỉ là các tân binh mới bị gọi nhập ngũ nhát đảm, không có tinh thần chiến đấu, và không có kinh nghiệm chiến trường.

Quân phòng vệ Ukraine được sự yểm trợ của pháo binh và không quân Ukraine đã bẻ gãy tất cả 3 mũi tấn công. Quân Nga đã rút lui vào cuối ngày thứ Sáu bỏ lại hàng trăm xác đồng đội.

Theo các nguồn tin tình báo, kể từ ngày 29 tháng 12, một bệnh viện ở Bilovodsk của vùng Luhansk đã quá tải với quân nhân Nga bị thương.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết quân Ukraine đang áp sát Svatove. Trong ngày pháo binh Ukraine đã đánh trúng sở chỉ huy của Trung Đoàn 488 súng trường cơ giới trong thành phố Svatove. Vẫn chưa rõ thương vong của quân Nga. Ông cũng không nói rõ chi tiết để bảo vệ bí mật hành quân. Thông thường, điều đó có nghĩa là quân Ukraine đang sắp tái chiếm một khu vực.

Trong vùng Kherson, quân đội Nga đã tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Kachkarivka và thành phố Kherson.

Trong khu vực Zaporizhzhia, các lực lượng không quân Ukraine đã tiến hành 5 cuộc tấn công vào các cụm quân địch. Trong ngày qua, quân đội Ukraine cũng đã bắn hạ máy bay không người lái trinh sát Orlan-10 của Nga đang tìm cách trinh sát các vị trí quân Ukraine. Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh Ukraine cũng đã bắn trúng 6 cụm quân và thiết bị quân sự của địch, 5 kho đạn dược và 1 hệ thống tác chiến điện tử.

Trong 24 giờ qua, 690 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 8 xe tăng, 12 xe thiết giáp, 6 hệ thống pháo.

Tính chung, từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 30 tháng 12 năm 2022, 105,250 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổng thiệt hại chiến đấu của quân Nga còn bao gồm 3,026 xe tăng, 6,059 xe thiết giáp, 2,010 hệ thống pháo, 423 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 212 hệ thống tác chiến phòng không, 283 máy bay, 267 trực thăng, 1,740 máy bay không người lái, 711 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu chiến, 4,683 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 180 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Stoltenberg cảnh báo Putin vẫn muốn 'làm chủ Ukraine'

Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, cho biết Vladimir Putin vẫn chưa từ bỏ kế hoạch “kiểm soát Ukraine” và cảnh báo mọi người “chuẩn bị cho chặng đường dài”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên báo chí rằng “không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Putin đã thay đổi mục tiêu chung của cuộc chiến này”, đó là “làm chủ Ukraine”.

Ông nói, Nga đã huy động “nhiều binh lính mới” và “đã thể hiện sự sẵn sàng chịu đựng những tổn thất đau đớn”.

Đây chưa phải là kết thúc. Chiến tranh là không thể đoán trước, thành ra, chúng ta phải chuẩn bị cho một chặng đường dài và cả những cuộc tấn công mới của Nga. Chúng ta không nên đánh giá thấp Nga.

Người đứng đầu NATO kêu gọi các đồng minh hỗ trợ quân sự cho Ukraine “để thuyết phục Tổng thống Putin rằng ông ta sẽ không đạt được mục tiêu làm chủ Ukraine”.

Ông Stoltenberg nói:

Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng hỗ trợ quân sự cho Ukraine là con đường nhanh nhất dẫn đến hòa bình. Chúng tôi biết rằng hầu hết các cuộc chiến đều kết thúc trên bàn đàm phán – có lẽ cuộc chiến này cũng vậy – nhưng chúng tôi biết rằng những gì Ukraine có thể đạt được trong các cuộc đàm phán này phụ thuộc chặt chẽ vào tình hình quân sự.

Vì vậy, nếu bạn muốn một giải pháp hòa bình, cần thiết phải bảo đảm rằng Ukraine chiếm ưu thế với tư cách là một quốc gia dân chủ độc lập, và cách tốt nhất để đạt được điều đó là hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

3. Bộ Quốc Phòng Nga tuyên bố có một kho hỏa tiễn bất tận. Phản ứng của Ukraine

Hôm 19 tháng 12, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov nói với hãng tin Pravda của Ukraine rằng Nga chỉ có đủ hỏa tiễn để tấn công hàng loạt vào Ukraine “nhiều nhất là hai hoặc ba, có thể thêm bốn lần nữa là cùng”.

“Nhưng sau đó họ sẽ hoàn toàn không có hỏa tiễn, điều này là không thể chấp nhận được, bởi vì họ có thể gặp những thách thức hoàn toàn khác và họ phải để lại ít nhất một số dự trữ,” Danilov nói.

John Erath, giám đốc chính sách cấp cao tại Trung tâm kiểm soát và không phổ biến vũ khí, nói với Newsweek rằng những bình luận của Danilov về kho hỏa tiễn của Nga có khả năng mang tính chiến lược.

“Mục tiêu của Danilov là trấn an công chúng Ukraine rằng họ có thể tiếp tục chiến đấu, vì vậy mọi bình luận nên được đọc theo cách đó,” Erath nói. “ý chí phản kháng lại Nga là yếu tố quan trọng cho đến nay”

“Kyiv nhận thức rõ rằng chiến lược của Nga là làm suy yếu ý chí kháng cự thông qua các cuộc tấn công vào dân thường và cơ sở hạ tầng, đồng thời muốn báo hiệu rằng những điều này sẽ không đạt được mục tiêu của họ.”

Phản ứng lại tuyên bố của Danilov, hôm thứ Sáu 30 tháng 12, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, tuyên bố rằng “Nga có một kho hỏa tiễn bất tận.”

Tờ Kyiv Independent cho biết, đáp lại tuyên bố này của Nga, Đại Tá Yuriy Ihnat, phát ngôn viên của lực lượng không quân Ukraine, đã đặt ra một số nghi ngờ về tuyên bố của Nga về kho dự trữ hỏa tiễn của nước này.

Yuriy Ihnat cho biết trái ngược với những gì Nga tuyên bố, các lệnh trừng phạt quốc tế sẽ cản trở nước này sản xuất thêm các hỏa tiễn hành trình. Ông tin rằng Nga thiếu hỏa tiễn đến mức các hỏa tiễn của Nga sẽ được ném vào Ukraine ngay khi chúng vừa rời khỏi dây chuyền sản xuất.

4. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhắc lại mối quan ngại về “liên kết của Trung Quốc với Nga” sau cuộc điện đàm Putin-Tập

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ned Price, đã bày tỏ lo ngại về “sự liên kết của Trung Quốc với Nga khi Mạc Tư Khoa tiếp tục cuộc xâm lược tàn bạo và bất hợp pháp vào Ukraine” sau cuộc điện đàm hôm thứ Sáu giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

“Bắc Kinh tuyên bố trung lập, nhưng hành vi của họ cho thấy rõ ràng rằng họ vẫn đang đầu tư vào các mối quan hệ chặt chẽ với Nga,” ông Ned Price nói.

“Mỹ và Âu Châu đã cảnh báo Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về hậu quả của việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga trong cuộc chiến chống Ukraine hoặc hỗ trợ có hệ thống để trốn tránh lệnh trừng phạt”.

“Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của Bắc Kinh,” phát ngôn nhân nói, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng “những người đứng về phía Mạc Tư Khoa trong cuộc chiến phi nghĩa này chắc chắn sẽ thấy mình ở phía sai lầm của lịch sử.”

Ông kết luận rằng: “Thế giới đang theo dõi xem quốc gia nào đứng lên bảo vệ các nguyên tắc cơ bản về tự do, quyền tự quyết và chủ quyền, và quốc gia nào sát cánh hoặc ngầm hỗ trợ Nga trong cuộc chiến có tính toán trước và không bị khiêu khích”.

Tưởng cũng nên nhắc lại là vào hôm thứ Sáu 30 tháng 12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình qua liên kết video tại Điện Cẩm Linh ở Mạc Tư Khoa. Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã tuyên bố sẽ tăng cường quan hệ giữa Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh trong bối cảnh cuộc chiến của tổng thống Nga ở Ukraine.

Khi hai bên tổ chức hội đàm song phương qua hội nghị truyền hình, Putin đã mời Tập đến thăm Mạc Tư Khoa vào mùa xuân. Putin mô tả đó là một minh chứng công khai về “sức mạnh của quan hệ Nga-Trung trong các vấn đề chính”.

Tuyên bố của Putin, kéo dài khoảng 8 phút, nhấn mạnh tầm quan trọng của “quan hệ đối tác chiến lược” Nga-Trung “trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng”.

Nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng hợp tác quân sự có một “vị trí đặc biệt” trong mối quan hệ giữa hai nước. Ông cho biết Điện Cẩm Linh muốn “tăng cường hợp tác giữa các lực lượng vũ trang của Nga và Trung Quốc”.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng ông Tập đã nói với ông Putin rằng con đường dẫn đến các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine sẽ không suôn sẻ và Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì “lập trường khách quan và công bằng” về vấn đề này.

Tập Cận Bình đã gọi Putin là “người bạn thân yêu” của mình trong bài phát biểu giới thiệu của mình, nói rằng:

Phía Trung Quốc lưu ý rằng phía Nga cho biết họ chưa bao giờ từ chối giải quyết xung đột thông qua đàm phán ngoại giao và bày tỏ sự đánh giá cao về điều này.

Chủ tịch Trung Quốc cho biết, thông qua một phiên dịch, rằng “trước tình hình quốc tế khó khăn và không đơn giản”, Bắc Kinh sẵn sàng “tăng cường hợp tác chiến lược với Nga, tạo cơ hội phát triển cho nhau, trở thành đối tác toàn cầu vì lợi ích của nhau, vì nhân dân các nước chúng ta và vì lợi ích ổn định trên toàn thế giới”.

5. Zelenskiy thề phòng không Ukraine sẽ trở nên “mạnh mẽ hơn nữa” trong năm mới

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng ông nghĩ lực lượng phòng không của Ukraine có thể trở thành “một sức mạnh lớn nhất ở Âu Châu” và giúp duy trì an ninh cho đất nước của ông cũng như Âu Châu.

“Lực lượng phòng không của Ukraine có thể trở thành lực lượng mạnh nhất ở Âu Châu và đây sẽ là sự bảo đảm an ninh không chỉ cho đất nước chúng ta mà còn cho toàn bộ lục địa,” Zelenskiy đã đưa ra lập trường trên trong bài phát biểu gởi quốc dân đồng bào hàng đêm hôm thứ Sáu.

“Năm nay, chúng ta không chỉ duy trì hệ thống phòng không mà còn khiến chúng mạnh hơn bao giờ hết,” Zelenskiy tiếp tục. “Nhưng trong năm mới, lực lượng phòng không Ukraine sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, thậm chí hiệu quả hơn”.

Tổng thống Ukraine cũng cho biết ông đã tổ chức một cuộc họp với Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine vào hôm thứ Sáu, với điểm thảo luận chính là về vùng Donbas ở miền đông Ukraine, “nơi đang diễn ra những trận chiến khốc liệt nhất”. Ông cho biết Ukraine đang giữ vững các vị trí của mình tại các thành phố Bakhmut, Soledar và Kreminna.

Ông cũng nhấn mạnh rằng: “Cũng có những khu vực tiền tuyến mà chúng ta đang dần tiến lên”

Zelenskiy cũng gọi vấn đề cung cấp điện là “một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của năm tới”.

6. Văn phòng tổng thống Ukraine cho biết hơn 1,800 khu định cư đã được tái chiếm

Tổng cộng 1,884 khu định cư của Ukraine đã được giải phóng khỏi sự xâm lược của Nga kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào ngày 24/2, theo một quan chức của tổng thống Ukraine.

“Cơ sở hạ tầng là một trong những ưu tiên chính của chúng ta,” Kyrylo Tymoshenko, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu, đồng thời cho biết thêm rằng “15,199 đối tượng cơ sở hạ tầng đã được khôi phục, gần như nhiều đối tượng đang trong quá trình được phục hồi.”

Tymoshenko nói thêm: “Ở biên giới phía bắc, chúng ta đang thiết lập các cấu trúc bảo vệ - hàng rào chống phương tiện và người, hàng rào chống mìn, bằng các phần bê tông cốt thép”.

Tymoshenko cho biết có 11,500 cái gọi là “Điểm bất khả chiến bại” ở Ukraine cung cấp dịch vụ và nơi trú ẩn khẩn cấp cho người Ukraine không có điện sau các cuộc tấn công của Nga.

Ông nói rằng Ukraine đã nhận được một lô đơn vị vệ tinh Starlink khác từ Ba Lan sẽ cung cấp năng lượng cho các “Điểm bất khả chiến bại” cũng như hướng tới các cơ sở năng lượng và y tế.

“Đây là lô thứ ba chúng tôi nhận được từ Ba Lan và là phần đầu tiên của một lô lớn sẽ đến vào cuối tháng Giêng”.

Ông cũng đề cập đến cái mà ông gọi là “sự diệt chủng trên không” ở Kyiv và than phiền rằng điều đó “vẫn tiếp tục cho đến ngày nay”.

Nga đã thực hiện 52 cuộc không kích vào thành phố Kyiv kể từ khi bắt đầu chiến tranh và hơn 600 tòa nhà đã bị hư hại.

120 thường dân Kyiv đã thiệt mạng trong năm nay do pháo kích của Nga, trong đó có 5 trẻ em. 495 cư dân khác đã bị thương, trong đó có 30 trẻ em.

Ông cũng cho biết còi báo động không kích đã vang lên 638 lần ở Kyiv kể từ cuộc xâm lược.

Ông viết: “Tổng thời gian báo động là 693 giờ 49 phút. “Điều này cộng lại là gần 29 ngày! Cư dân thành phố đã ở trong các hầm tránh bom trong toàn bộ một tháng dương lịch!”
 
Một vị Thánh vừa từ giã chúng ta: Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã về Nhà Cha .
VietCatholic Media
05:52 31/12/2022


Văn phòng Báo chí Tòa thánh vừa thông báo rằng Đức Giáo Hoàng Danh dự đã qua đời lúc 9:34 sáng Thứ Bảy 31 tháng 12, tức là 3:34 chiều theo giờ Việt Nam, tại nơi ở của ngài ở Tu viện Mẹ Giáo Hội, nơi mà Đức Giáo Hoàng danh dự 95 tuổi đã chọn làm nơi cư trú sau khi thoái vị vào năm 2013.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh nói:

“Tôi vô cùng đau buồn thông báo với các bạn rằng Đức Giáo Hoàng Danh dự, Bênêđictô XVI, đã qua đời hôm nay lúc 9:34 sáng tại Tu viện Mẹ Giáo Hội ở Vatican. Thông tin thêm sẽ được cung cấp càng sớm càng tốt. Kể từ sáng thứ Hai, ngày 2 tháng Giêng năm 2023, thi thể của Đức Giáo Hoàng Danh dự sẽ được đặt tại Đền Thờ Thánh Phêrô để các tín hữu có thể tỏ lòng thành kính.”

Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI tên khai sinh là Joseph Aloisius Ratzinger. Ngài chào đời ngày 16 tháng 4 năm 1927. Ngài cai quản Hội Thánh Công Giáo từ ngày 19 tháng 4 năm 2005 cho đến khi ngài thoái vị vào ngày 28 tháng 2 năm 2013. Việc bầu Đức Bênêđíctô làm giáo hoàng đã diễn ra trong mật nghị giáo hoàng năm 2005 sau khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được Chúa gọi về.

Được thụ phong linh mục năm 1951 tại quê hương Bavaria, Cha Ratzinger dấn thân vào sự nghiệp học thuật và trở thành một nhà thần học được đánh giá cao vào cuối những năm 1950. Ngài được bổ nhiệm làm giáo sư chính thức vào năm 1958 ở tuổi 31. Sau một thời gian dài làm giáo sư thần học tại một số trường đại học Đức, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Munich và Freising và được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tấn phong Hồng Y vào năm 1977. Đó là một sự thăng tiến bất thường cho một người có ít kinh nghiệm mục vụ. Năm 1981, ngài được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, là một trong những thánh bộ quan trọng nhất của Giáo triều Rôma. Từ năm 2002 cho đến khi được bầu làm giáo hoàng, ngài cũng là Niên trưởng Hồng Y đoàn.

Theo ký giả lão thành chuyên về Vatican, Sandro Magister, trước khi trở thành Giáo Hoàng, ngài là “nhân vật chính trên sân khấu Vatican trong một phần tư thế kỷ”; ngài có ảnh hưởng "không ai sánh kịp khi thiết lập các ưu tiên và phương hướng của Giáo Hội" với tư cách là một trong những người thân cận nhất của Đức Gioan Phaolô II. Ngài đã sống ở Rome từ năm 1981.

Các bài viết phong phú của ngài thường bảo vệ các giá trị và giáo lý Công Giáo truyền thống. Trong thời gian cai quản Giáo Hội, Đức Bênêđíctô XVI ủng hộ việc quay trở lại các giá trị cơ bản của Kitô Giáo để chống lại sự gia tăng thế tục hóa của nhiều nước phương Tây. Ngài coi việc thuyết tương đối phủ nhận chân lý khách quan, và đặc biệt là phủ nhận chân lý luân lý, là vấn đề trung tâm của thế kỷ 21.

Giáo huấn của ngài tập trung vào tầm quan trọng của Giáo Hội Công Giáo và sự hiểu biết về tình yêu cứu độ của Chúa. Đức Bênêđictô cũng làm sống lại một số truyền thống, kể cả việc nâng Thánh lễ Latinh lên một vị trí nổi bật hơn. Ngài củng cố mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và nghệ thuật, thúc đẩy việc sử dụng tiếng Latinh và giới thiệu lại lễ phục truyền thống của Đức Giáo Hoàng, vì lý do đó ngài được gọi là vị "giáo hoàng của thẩm mỹ". Ngài cũng đề cao mối tương quan giữa đức tin và lý trí, giữa đạo lý và khoa học. Vì thế, ngài được mô tả là “lực lượng trí thức chính trong Giáo hội” kể từ giữa những năm 1980.

Vào ngày 11 tháng 2 năm 2013, Đức Bênêđíctô bất ngờ tuyên bố thoái vị trong một bài phát biểu bằng tiếng Latinh trước các Hồng Y, với lý do "tâm trí và thể chất thiếu sức mạnh" do tuổi cao. Việc thoái vị của ngài có hiệu lực vào ngày 28 tháng 2 năm 2013. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên từ chức kể từ khi Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XII thoái vị vào năm 1415. Trước Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XII, vào năm 1294, Đức Giáo Hoàng Celestinô V là vị Giáo Hoàng đầu tiên thoái vị.

Ngài được Đức Phanxicô kế vị vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, và ngài chuyển đến Tu viện Mẹ Giáo Hội mới được trùng tu ở Vatican để nghỉ hưu vào ngày 2 tháng 5 năm 2013. Khi nghỉ hưu, Đức Bênêđictô XVI thỉnh thoảng xuất hiện trước công chúng cùng với Đức Phanxicô.

Ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Đức, Đức Bênêđíctô còn thông thạo tiếng Latinh, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha ở mức độ lưu loát. Ngài cũng biết tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp trong Kinh thánh. Ngài là thành viên của một số học viện khoa học xã hội, chẳng hạn như Học Viện Khoa Học về Luân Lý và Chính Trị của Pháp. Ngài thích chơi piano và thích nhạc của Mozart và Bach.

Vào ngày 4 tháng 9 năm 2020, Đức Bênêđictô XVI trở thành người sống lâu nhất đã từng nắm giữ chức vụ mục tử toàn thể Hội Thánh, ở tuổi 93, 4 tháng, 16 ngày, vượt qua Đức Lêô XIII, qua đời năm 1903. Đức Bênêđictô cũng là vị Hồng Y cuối cùng còn sống trong số các vị Hồng Y được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tấn phong.
 
ĐTGM Gänswein bật khóc khi nói về sức khoẻ của Đức Bênêđíctô và những tấn công nhắm vào ngài
VietCatholic Media
05:55 31/12/2022


1. Thư ký của Đức Bênêđictô XVI bật khóc khi nói về sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Danh Dự

Trong buổi lễ mừng sinh nhật lần thứ 95 của Đức Bênêđictô XVI vào ngày 18 tháng 6, thư ký riêng của ngài đã rơi nước mắt khi nói về sức khỏe ngày càng giảm sút của vị giáo hoàng danh dự và ký ức về một số cuộc tấn công nhắm vào ngài.

Khung cảnh đặc biệt xúc động. Trước đám đông tụ tập vào ngày 18 tháng 6 tại Cung điện Nymphenburg ở Munich để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 95 của Đức Bênêđictô XVI (sinh ngày 16 tháng 4), thư ký riêng của ngài, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, đã có một bài phát biểu kéo dài vài phút. Khi nói về tình trạng sức khỏe của Đức nguyên Giáo hoàng và một số chuyện buồn, Đức Tổng Giám Mục đã không cầm được nước mắt.

“Tôi sẽ không bao giờ tin rằng đoạn đường cuối cùng giữa Tu viện Mater Ecclesiae và cổng thiên đường của Thánh Phêrô…” Ngài nói đến đây thì dừng lại vài giây và cố gắng che giấu cảm xúc đang tràn ngập trong lòng mình. Rồi nói tiếp “Và Cổng Thiên đường của Thánh Phêrô sẽ dài như vậy,” ngài thì thầm bằng giọng run run.

Và để tiếp tục, ngài rút chiếc khăn tay ra: “Đây là điều mà Đức Bênêđictô XVI đã ủy thác cho tôi….” ngừng lại một lúc, Đức Tổng Giám Mục nói … “Khi chúng tôi đề cập đến sức nặng và sự đau khổ của tuổi già và những lời chỉ trích lặp đi lặp lại về con người và hành động của ngài nhiều thập niên trước đây. Ngay cả sau khi từ chức, Đức Bênêđictô XVI đã trả lời một cách thẳng thắn và thuyết phục trước những câu hỏi và thách thức quan trọng của thời đại, luôn luôn dưới ánh sáng của đức tin. Và đó là đặc điểm của ngài.”

Những lời chỉ trích lặp đi lặp lại mà Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein đến ám chỉ đến cuộc tấn công vào đầu năm nay trong đó người ta bỏ ra hàng trăm ngàn Euro để cố gắng bôi lọ Đức Giáo Hoàng Danh dự đã giải quyết không đến nơi đến chốn 4 trường hợp lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ. Ngài thực ra chẳng có lỗi gì trong những trường hợp này. Tuy nhiên, câu chuyện này gây đau buồn cho ngài.

Đức Hồng Y Dominik Duka, Tổng Giám Mục thủ đô Prague, hay còn gọi là Praha, đã cáo buộc Hồng Y Reinhard Marx của Munich đã “bôi nhọ và làm hoen ố” danh tiếng của Đức Bênêđíctô XVI. Đức Hồng Y Duka nói rằng ngài “quy trách nhiệm cho Tổng giám mục Munich, là Đức Hồng Y Reinhard Marx, và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, là Giám Mục Georg Bätzing của Limburg vì đã bôi nhọ và làm hoen ố danh tiếng của Đức Giáo Hoàng Đức Bênêđíctô XVI.”

Hồng Y Reinhard Marx là người được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô tấn phong Hồng Y.

Sau đó, Đức Tổng Giám Mục ứa nước mắt khi ngài nói cụ thể hơn về tình trạng sức khỏe yếu kém của Đức Bênêđictô XVI: “Trong khi đó, Đức Giáo Hoàng Danh Dự…”, Đức Tổng Giám Mục cố gắng hết sức để kìm lại tiếng nức nở và cho phép một vài giây im lặng trôi qua … đã trở thành một ông già, thể chất yếu ớt, nhưng trí tuệ và ánh mắt, tạ ơn Chúa, vẫn tỉnh táo và sáng suốt. Ngay cả khi giọng nói của ngài ngày càng yếu ớt và không thể hiểu được. Vài năm gần đây, sức mạnh của ngài đã tốt hơn. Nhưng mặc dù sức lực suy giảm, ngài vẫn giữ được sự thanh thản khiêm nhường trong lòng. Vì nó đã từng thể hiện có lẽ rõ ràng nhất trước toàn thế giới trong những khoảnh khắc khó khăn.”

Đức Tổng Giám Mục kết luận bằng cách ca ngợi sự hài hước và hòa nhã của Đức Giáo Hoàng Danh Dự, người mà ngài biết rõ và đặc biệt ngưỡng mộ: “Tính hài hước không thể thay đổi của ngài, được bao bọc trong sự dịu dàng cá nhân vốn luôn là đặc điểm nổi bật trong tính cách của ngài. Ngài vui mừng như một đứa trẻ khi được nghe kể về buổi lễ hôm nay. Và ngài nhờ tôi gửi đến tất cả các bạn những lời chúc ấm áp.”

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Tổng Giám Mục Georg Gansweïn thể hiện mình rất xúc động trước công chúng. Ngay trong tang lễ của bào huynh Đức Bênêđictô XVI vào năm 2020, anh đã đọc với giọng run run bức thư mà vị giáo hoàng danh dự gửi cho người anh quá cố này.
Source:famillechretienne.fr

2. Đức Bênêđictô XVI chia sẻ niềm khao khát Thiên Đàng trong bức thư về cái chết của người bạn 'thân nhất'

Nhiều bạn bè đã ở đó, Đức Giáo Hoàng Danh dự nói, và tôi hy vọng tôi có thể sớm tham gia cùng họ.

Khi nghe tin người bạn “thân thiết nhất” của mình, Cha Gerhard Winkler, qua đời vào ngày 22 tháng 9 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô XVI đã gửi một lá thư chia buồn đầy xúc động.

Bức thư ngày 2 tháng 10 gửi cho tu viện trưởng của cộng đồng Xitô người Áo ở Wilhering nói về niềm khao khát Thiên đàng của Đức Giáo Hoàng Danh dự.

“Bây giờ anh ấy đã đến bờ bên kia, nơi chắc chắn có nhiều bạn bè đang chờ đợi anh ấy. Tôi hy vọng rằng tôi có thể sớm gia nhập cộng đoàn của họ,” Đức Bênêđíctô tâm sự.

Trong lá thư của mình, được chia sẻ trên trang web của cộng đồng tu viện, Đức Bênêđictô XVI nói rằng ngài “bị ảnh hưởng sâu sắc” bởi cái chết của Cha Winkler, một người đã ghi dấu trong tâm hồn ngài bởi “sự vui vẻ và đức tin sâu sắc”.

Đức Giáo Hoàng danh dự bảo đảm rằng ngài hiệp nhất trong lời cầu nguyện với cộng đồng Xitô Wilhering.

Cha Gerhard Bernhard Winkler chào đời ở Wilhering vào năm 1931 và hai mươi năm sau gia nhập cộng đồng tu sĩ trong giáo phận của mình. Được thụ phong vào năm 1955, đúng bốn năm sau ngày anh em Ratzinger trở thành linh mục, Cha Gerhard Bernhard Winkler trở thành một giáo sư thần học, giống như Cha Joseph Ratzinger, và trở thành bạn của vị giáo hoàng tương lai.

Là một chuyên gia về lịch sử Giáo hội thời trung cổ và hiện đại tại Đại học Regensburg bên Đức và sau đó là Đại học Salzburg bên Áo, công trình của ngài về lịch sử của dòng Xitô, và người sáng lập dòng, Thánh Bernard thành Clairveaux, được công nhận là đặc biệt quan trọng.

Đức Giáo Hoàng danh dự hiện đã 95 tuổi. Kể từ khi thoái vị vào năm 2013, ngài đã sống hưu trí trong tu viện Mẹ Giáo Hội, giữa khu vườn của Vatican.

Đức Bênêđíctô tưởng tượng Thiên Đàng như thế nào?

Trong cuốn “Di chúc cuối cùng”, là cuốn sách phỏng vấn Đức Bênêđictô XVI, ngài đã đưa ra những suy tư về Thiên đàng:

Khi được hỏi ngài nghĩ sao về tin tưởng của các tín hữu rằng 'cuộc sống vĩnh cửu' là một cuộc sống viên mãn, Đức Bênêđictô nói: “Chắc chắn! Khi đó, chúng ta thấy mình thực sự ở nhà.”

Đáp lại câu hỏi ngài đang mong đợi điều gì, Đức Giáo Hoàng Danh dự nói:

“Có nhiều chiều kích khác nhau. Một số nặng về thần học. Thánh Augustinô đã nói một điều là một tư tưởng vĩ đại và là một niềm an ủi lớn lao ở đây. Ngài giải thích đoạn Thánh Vịnh 'luôn luôn tìm kiếm thiên nhan Chúa' như sau: điều này áp dụng cho 'mãi mãi'; đến muôn đời. Thiên Chúa vĩ đại đến nỗi chúng ta không bao giờ kết thúc cuộc tìm kiếm của mình. Ngài luôn mới mẻ. Với Thiên Chúa, có cuộc gặp gỡ vĩnh viễn, bất tận, với những khám phá mới và niềm vui mới. Những điều như vậy là vấn đề thần học. Đồng thời, ở góc độ hoàn toàn là con người, tôi mong được đoàn tụ với cha mẹ, anh chị em, bạn bè của mình và tôi tưởng tượng rằng nó sẽ đáng yêu như ở mái ấm gia đình của chúng tôi.”

Toàn văn bức thư chia buồn của Đức Bênêđictô trước cái chết của Cha Gerhard Bernhard Winkler như sau:

Kính thưa Cha Bề Trên,

Tin tức mà cha chia sẻ với tôi về sự ra đi của Giáo sư Gerhard Winkler đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi. Trong số tất cả các đồng nghiệp và bạn bè của tôi, anh ấy là người thân nhất. Sự vui vẻ và niềm tin sâu sắc của anh ấy luôn thu hút tôi. Bây giờ anh đã sang bờ bên kia, nơi chắc chắn có nhiều bạn bè đang chờ đợi anh. Tôi hy vọng rằng tôi có thể sớm gia nhập cộng đoàn của họ. Trong thời gian chờ đợi, tôi hiệp nhất trong lời cầu nguyện với ngài và cộng đồng tu viện Wilhering.

Lời chào chân thành và lời chúc phúc,

Trong Chúa Kitô

Bênêđictô

3. Những Lời Cầu Nguyện Và Cảm Xúc Tại Quê Hương Đức Giáo Hoàng Danh dự

Sức khỏe ngày càng giảm sút của Đức Giáo Hoàng Danh dự đã gây ra một làn sóng xúc động ở vùng Bavaria nơi ngài chào đời.

Một số ít tín hữu ở thị trấn Regensburg của Đức đã bất chấp cái lạnh vào sáng sớm hôm thứ Năm để tham dự thánh lễ tại nhà thờ chính tòa kiểu gothic, nơi có một bức chân dung lớn của vị nguyên giáo hoàng được đặt trên bàn thờ.

Giám Mục Phụ Tá của Regensburg nói với các tín hữu: “Tôi yêu cầu anh chị em đồng hành với Đức Bênêđíctô trong chuyến hành trình cuối cùng của ngài”.

Lòng kính trọng Đức Bênêđíctô đặc biệt sâu sắc ở thành phố thời trung cổ bên bờ sông Danube, nơi ngài đã sống và làm việc tại trường đại học địa phương trong nhiều năm.

Hôm thứ Tư, Đức đương kim Giáo hoàng đã kêu gọi tất cả người Công Giáo dâng một “lời cầu nguyện đặc biệt” cho người tiền nhiệm của ngài, vì sức khỏe của Đức Bênêđíctô đã xấu đi đáng kể trong những ngày gần đây.

Ở Regensburg, mọi người đều có những giai thoại về Đức Giáo Hoàng Danh dự. Ngài đã giảng dạy tại trường đại học địa phương từ năm 1969 đến năm 1977 và thường xuyên trở lại thăm anh trai mình, là trưởng ca đoàn nhà thờ.

“Ngài thường đi ngang qua nhà chúng tôi,” Birgit Steib, 53 tuổi, nói trên đường rời khỏi buổi lễ buổi sáng. Vốn là một nhà sinh vật học chuyên nghiệp, bà cho biết bà bị “rúng động” trước tin tức từ Vatican, nơi Đức Bênêđictô XVI vẫn còn sống.

“Ngài là một nhà thần học vĩ đại. Tôi đã học được rất nhiều điều từ ngài,” Eva Maria Strobel, 64 tuổi, giáo viên dạy môn tôn giáo tại một trường trung học, cho biết sau thánh lễ tại nhà thờ ở đại học Saint John, bên cạnh nhà thờ lớn.

“Ngài thường xuyên ở Regensburg. Nó giống như chúng tôi ở trong cùng một gia đình,” cô nói, nhớ lại niềm tự hào mà người dân địa phương cảm thấy khi Đức Bênêđíctô được bầu vào ngôi Giáo Hoàng vào năm 2005. “Trong thánh lễ tại nhà thờ chính tòa, tất cả chúng tôi đều vỗ tay tán thưởng.”

“ Mọi người đều rất gắn bó với Đức Bênêđictô XVI ở đây. Anh chị em rất xúc động khi biết rằng một vị giáo hoàng từ Regensburg sắp qua đời”

Khoảng 120 kilômét từ Regensburg về phía nam tại thị trấn Marktl am Inn, quê hương của Đức Bênêđictô XVI, bầu không khí cũng ảm đạm.

Vào tối thứ Tư tại nhà thờ Saint Oswald ở Marktl, nơi vị Đức Giáo Hoàng Danh dự, tên khai sinh là Joseph Ratzinger, đã được rửa tội, một ngọn nến đỏ được thắp sáng trước bức chân dung của Đức Giáo Hoàng.

Cornelia Haubrich, 59 tuổi, sống tại địa phương cho biết: “Nhiều khách du lịch đến Marktl chỉ vì ngài.

Cô nhớ lại đã đến “rất gần” với Đức Giáo Hoàng trong chuyến viếng thăm vào tháng 9 năm 2006, một khoảnh khắc “đặc biệt” đối với gia đình cô.

https://www.ibtimes.com/prayers-emotion-ailing-ex-pope-benedicts-german-home-region-3651914
 
Tin vui đầu năm cho Ukraine: Mỹ sẽ tặng thiết giáp M2. Các vụ tấn công sân bay Nga vẫn tiếp diễn
VietCatholic Media
17:16 31/12/2022


1. Ukraine có thể nhận xe chiến đấu M-2 của Mỹ. Chúng chính xác là những gì Quân đội Ukraine cần để tiếp tục tấn công.

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Ukraine Could Get American M-2 Fighting Vehicles. They’re Exactly What The Ukrainian Army Needs To Stay On The Offensive”, nghĩa là “Ukraine có thể nhận xe chiến đấu M-2 của Mỹ Chúng chính xác là những gì Quân đội Ukraine cần để tiếp tục tấn công”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Bloomberg đưa tin, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc tài trợ cho Ukraine một số xe chiến đấu bộ binh M-2 dư thừa của Lục quân Mỹ.

Đó chính xác là những gì quân đội Ukraine cần nhất khi cuộc chiến rộng lớn hơn của Nga với Ukraine đang tiến đến tháng thứ 11, mùa đông ẩm ướt thấm ngày càng sâu, mặt đất đóng băng và Ukraine bố trí lực lượng cho một cuộc phản công mới có thể xảy ra.

M-2 nặng 25 tấn do BAE Systems sản xuất, là xe chiến đấu bộ binh. IFV là một loại xe bọc thép chở quân, nhờ có pháo gắn trên tháp pháo, nó cũng có thể chiến đấu. Ngoài việc đưa quân đi khắp chiến trường, IFV đi cùng và bảo vệ xe tăng cũng như di chuyển bộ binh.

M-2 được lắp súng nòng xoay, hay chain gun, 25 ly, bệ phóng hỏa tiễn chống tăng TOW, áo giáp nhiều lớp có thể làm chệch hướng hỏa lực súng máy hạng nặng và khoang chở quân có thể chứa sáu bộ binh.

Hiện đã 40 tuổi, M-2 không phải là IFV tốt nhất thế giới, nhưng nó được cho là vượt trội hơn cả những xe thiết giáp IFV mới nhất trong kho vũ khí của Nga và Ukraine. Mark Hertling, một tướng quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, đã ca ngợi M-2. “Súng nòng xoay, TOW, tốc độ, bảo trì dễ dàng hơn, tổ lái nhỏ hơn, tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn, phương tiện sẵn có…”

Có lẽ quan trọng hơn, Quân đội Hoa Kỳ có hàng nghìn chiếc M-2 cũ hơn trong kho. Ngay cả vài trăm trong số chúng cũng sẽ cải thiện đáng kể sức mạnh chiến đấu tấn công của quân đội Ukraine.

Người Ukraine không có đủ IFV khi người Nga tấn công hồi tháng Hai. Gần một năm sau, sự thiếu hụt IFV thậm chí còn lớn hơn.

Ukraine có khoảng ba chục lữ đoàn lục quân và thủy quân lục chiến hạng nặng, và mỗi lữ đoàn hạng nặng, như thế đòi hỏi phải có một trăm phương tiện chiến đấu bộ binh trở lên. Bắt đầu với kho vũ khí trước chiến tranh, trừ đi những tổn thất trong chiến đấu và bổ sung thêm những xe thiết giáp mà người Ukraine chiếm được từ người Nga, người Ukraine ngày nay sở hữu vài nghìn xe thiết giáp.

Nhưng đó là quá ít để trang bị cho tất cả các lữ đoàn hạng nặng của họ - chưa nói đến việc tăng cường thêm hai chục lữ đoàn Địa Phương Quân đang ngày càng tham gia vào các chiến dịch tấn công của Ukraine.

Bất chấp sự thiếu hụt, các đồng minh NATO của Ukraine chỉ quyên góp vài trăm IFV—tất cả đều là xe thiết giáp cũ. Ukraine đã không nhận được một IFV nào không phải của Liên Xô từ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức hoặc bất kỳ đồng minh nào khác.

Thay vào đó, các quốc gia NATO đã gửi tới Ukraine hàng nghìn chiếc APC được trang bị vũ khí hạng nhẹ - chủ yếu là M-113 - mỗi chiếc có thể chở khoảng một chục bộ binh nhưng thường thiếu tháp pháo và đại bác. Chúng có thể chuyển quân, nhưng họ không thể chiến đấu.

Đúng là M-113 nhanh và đáng tin cậy. Nhưng tất cả những APC điền vào IFV có thể gây rủi ro cho các lữ đoàn hạng nặng của Ukraine — và có khả năng giải thích nhu cầu lâu dài đối với các IFV “Frankenstein” kết hợp các bộ phận của nhiều loại xe bọc thép vô chủ hoặc bị hư hỏng. Ukraine đang khao khát IFV đến mức họ sản xuất chúng từ đống đổ nát chiến trường.

Hơn cả máy bay chiến đấu, hơn cả xe tăng, thậm chí còn hơn cả pháo binh, Ukraine cần IFV để duy trì tư thế tấn công trong năm thứ hai của cuộc chiến. Hoa Kỳ cuối cùng đang xem xét cung cấp chúng.

2. Putin kết thúc năm với một chuỗi những thất bại đáng nhục nhã

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ends Year With a Trail of Embarrassing Losses”, nghĩa là “Putin kết thúc năm với một chuỗi những thất bại đáng nhục nhã.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Các kế hoạch của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho năm 2022 dường như không diễn ra như ông mong đợi, và năm 2022 kết thúc với nhiều thất bại hơn đối với nhà lãnh đạo.

Một ví dụ là hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, gọi tắt là CSTO, vào cuối tháng 11, quy tụ sáu quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Armenia đóng vai trò là chủ nhà của cuộc họp, và thủ tướng nước này, Nikol Pashinyan, đã công khai chỉ trích CSTO cũng như từ chối ký vào tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh.

Nhiều phương tiện truyền thông cũng lưu ý rằng Pashinyan dường như bước ra khỏi Putin trong một bức ảnh chụp chung các nhà lãnh đạo CSTO. Tuần này, Pashinyan đã tham dự một cuộc họp khác của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ— gọi là Cộng đồng các quốc gia độc lập, gọi tắt là CIS—ở St. Petersburg, nơi ông được tường trình là tỏ ra thân mật hơn.

Khả năng rạn nứt với một đồng minh xảy ra khi nhiều người ở Nga được cho là đang đặt câu hỏi về cuộc chiến ở Ukraine.

Khi Putin phát động cuộc xâm lược vào cuối tháng 2, nhiều nhà phân tích kỳ vọng lực lượng của ông sẽ giành chiến thắng nhanh chóng trước hàng phòng thủ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của phương Tây, Ukraine đã gây bất ngờ cho Nga bằng quân đội của mình và khiến Putin phải chịu nhiều thất bại trên chiến trường.

Khi một năm sắp kết thúc, Putin đã đưa ra một dấu hiệu tiềm năng khác về việc cuộc chiến đang diễn ra tồi tệ như thế nào đối với Nga khi ông hủy bỏ cuộc họp báo cuối năm thường niên của mình. Đây là lần đầu tiên Putin hủy bỏ sự kiện này sau 10 năm. Việc hủy bỏ sự kiện đó dẫn đến suy đoán rằng nhà lãnh đạo không muốn đối mặt với các câu hỏi của phóng viên về Ukraine.

Hôm thứ Sáu, The Washington Post đã đăng một bài báo dài nêu chi tiết về sự bất đồng mà Putin đang phải đối mặt ở Nga.

Câu chuyện cho biết Putin “có vẻ bị cô lập hơn bao giờ hết” khi nhiều thành viên của giới thượng lưu Nga không hài lòng về hướng đi của cuộc chiến. Giới tinh hoa được cho là chia rẽ giữa những người ủng hộ leo thang chống lại Ukraine và những người muốn Putin chấm dứt cuộc tấn công.

Tờ Post cũng cho biết ở Nga ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng cuộc chiến ở Ukraine đã khiến nước này thụt lùi về mặt quan hệ đối tác tài chính. Tờ báo lưu ý rằng Mikhail Zadornov, chủ tịch của một trong những ngân hàng lớn nhất của Nga, đã nói chuyện với Nhật báo RBK có trụ sở tại Mạc Tư Khoa vào tuần trước và nói rằng “các mối quan hệ kinh tế chung” ở phương Tây đã được xây dựng từ thời Liên Xô giờ đây đã “bị phá hủy” và cần phải mất nhiều thập kỷ tới để xây dựng lại.”

Trong khi Putin vẫn nhận được sự ủng hộ từ Belarus và Iran, các nhà lãnh đạo khác có truyền thống hợp tác với Nga đang bày tỏ sự không hài lòng về cuộc chiến.

Đầu tháng này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã viết một bài xã luận cho tờ báo Nga Kommersant kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Mặc dù Modi không nêu tên Putin hay Nga trong câu chuyện, nhưng ông đặc biệt chỉ trích việc tranh giành “lãnh thổ hoặc tài nguyên”.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, cũng tuyên bố vào tháng 9 rằng ông có “những câu hỏi và mối quan tâm” về cuộc chiến. Trong cuộc gặp ảo hôm thứ Sáu với Putin, ông Tập nói rằng Trung Quốc và Nga nên “tăng cường phối hợp chiến lược” nhưng không đề cập rõ ràng đến Ukraine.

“Trung Quốc sẽ không thò đầu ra ngoài. Michael Kimmage, giáo sư lịch sử tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và là cựu thành viên của ban hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao, nói với Newsweek.

Kimmage nói thêm: “Nhưng đồng thời đối với Trung Quốc, họ không thích cuộc chiến này. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều cách mà nó gây trở ngại cho các kế hoạch kinh tế của Trung Quốc.”

Tuy nhiên, ngay cả với những vấn đề hiện tại của mình, Putin vẫn còn duy trì được rất nhiều quyền lực, Kimmage nói.

Ông nói: “Phần lớn người dân Nga ủng hộ chiến tranh và nước Nga đang gặp khó khăn về kinh tế. “Putin không biết cách chiến thắng trong một cuộc chiến, nhưng chắc chắn ông ấy biết cách giữ quyền kiểm soát ở Mạc Tư Khoa.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để bình luận.

3. Vương quốc Anh cho biết Nga đang 'vất vả chống lại các mối đe dọa từ trên không' ngay trên lãnh thổ của mình

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia 'Struggling to Counter Air Threats' on Its Own Territory: U.K.”, nghĩa là “Vương quốc Anh cho biết Nga đang 'vất vả chống lại các mối đe dọa từ trên không' ngay trên lãnh thổ của mình.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo cập nhật mới nhất của tình báo Anh, Nga đang gặp khó khăn trong việc chống lại các mối đe dọa từ trên không ngay trên lãnh thổ của mình khi tiếp tục cuộc chiến với Ukraine.

“Nga từ lâu đã dành ưu tiên rất cao cho việc duy trì hệ thống phòng không tiên tiến trên mặt đất, nhưng ngày càng rõ ràng rằng họ đang phải vật lộn để chống lại các mối đe dọa từ trên không sâu bên trong nước Nga”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết hôm thứ Năm trong một cuộc họp báo về tình báo trên Twitter.

Bộ Quốc Phòng Anh đề cập đến vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào Căn cứ không quân Engels của Nga hôm thứ Hai, mà chính quyền Nga cho biết đã khiến ba quân nhân thiệt mạng, đồng thời đổ lỗi cho Ukraine về vụ tấn công.

“Một thách thức đối với Nga có lẽ là nhu cầu đặc biệt đối với lực lượng phòng không tầm trung, hiện đại của họ, chẳng hạn như SA-22 Pantsir, thường được cho là sẽ đóng vai trò chính trong việc chống lại các máy bay không người lái”.

“Cùng với việc cung cấp khả năng phòng thủ cho các địa điểm chiến lược như Engels, các hệ thống này hiện đang được yêu cầu với số lượng lớn để bảo vệ các trụ sở chiến trường gần tiền tuyến ở Ukraine.”

Cuộc tấn công hôm thứ Hai 26 tháng 12 vào căn cứ không quân Engels là cuộc tấn công thứ hai trong ba tuần. Căn cứ cách lãnh thổ do Ukraine kiểm soát gần nhất hơn 600 km, là một trong những “căn cứ hoạt động chính của lực lượng máy bay ném bom chiến lược của Nga”.

Yuriy Ignat, phát ngôn viên của Lực lượng Không quân Ukraine, gần đây đã bóng gió về sự tham gia của Kyiv trong cuộc tấn công mới nhất.

Ignat gần đây đã nói với hãng truyền thông Ukraine Gazeta.ua rằng “đây là những hậu quả của những gì Nga đang làm trên đất của chúng ta. Nếu người Nga nghĩ rằng cuộc chiến sẽ không ảnh hưởng đến họ ở sâu trong hậu phương, thì họ đã nhầm. Những điều như vậy đang xảy ra ngày càng thường xuyên hơn và chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ chỉ có lợi cho Ukraine”.

Nga đã phóng một loạt hỏa tiễn vào Ukraine trước đó vào thứ Năm, nhắm vào một số thành phố, bao gồm Kyiv, Lviv, gần biên giới Ba Lan và thành phố Odesa phía tây nam.

Quân đội Ukraine cho biết đã bắn hạ 54 hỏa tiễn trong tổng số 69 quả do Nga bắn, theo Reuters. Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov đã tweet rằng “việc bắn hạ 54 hỏa tiễn đã cứu sống hàng chục người và bảo vệ các bộ phận quan trọng trong cơ sở hạ tầng kinh tế của chúng ta.”

Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko cho biết có 3 người bị thương trong các cuộc tấn công. Ngoài ra, gần một nửa dân số ở Kyiv bị mất điện. “Bốn mươi phần trăm người tiêu dùng của thủ đô không có điện sau cuộc tấn công của Nga,” ông nói thêm.

“Sự man rợ vô nghĩa. Đây là những từ duy nhất xuất hiện trong đầu khi chứng kiến Nga phóng một loạt hỏa tiễn khác vào các thành phố yên bình của Ukraine trước thềm Năm mới”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết trên Twitter để phản ứng trước vụ tấn công hỏa tiễn của Nga. “Không thể có 'sự trung lập' khi đối mặt với những tội ác chiến tranh hàng loạt như vậy. Giả vờ 'trung lập' đồng nghĩa với việc đứng về phía Nga.”

Mặc dù tình báo của một số nước phương Tây được tường trình đã chỉ ra rằng Nga đang phải vật lộn để chiến đấu ở Ukraine với khả năng giảm số lượng hỏa tiễn, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm thứ Sáu rằng họ sẽ “không bao giờ” hết hỏa tiễn Kalibr.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để bình luận.

4. Bộ Quốc Phòng Anh cho biết Nga có thể tấn công Ukraine một lần nữa trong những ngày tới để làm suy yếu tinh thần

Bộ Quốc phòng Anh cho biết có “khả năng thực tế” là các lực lượng Nga sẽ tiến hành các cuộc tấn công tầm xa vào Ukraine trong những ngày tới để làm suy yếu tinh thần của người dân Ukraine trong giai đoạn năm mới.

Trong bản cập nhật tình báo hàng ngày, Bộ Quốc Phòng Anh này cho biết kể từ tháng 10, Nga đã theo mô hình chung là tung ra một làn sóng tấn công dữ dội cứ sau 7 đến 10 ngày một lần, chủ yếu nhắm vào mạng lưới phân phối điện của Ukraine. Mới nhất là vào hôm thứ Bẩy 31 tháng 12. Toàn văn bản nhận định của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh như sau:

Vào ngày 29 tháng 12 năm 2022, các lực lượng Nga đã phát động một đợt tấn công tầm xa khác trên khắp Ukraine, một lần nữa chủ yếu nhắm vào mạng lưới phân phối điện. Kể từ tháng 10, Nga đã duy trì một mô hình chung là tiến hành một làn sóng tấn công dữ dội cứ sau 7 đến 10 ngày.

Nga gần như chắc chắn sẽ đi theo đường lối này trong nỗ lực áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine. Tuy nhiên, có khả năng thực tế là Nga sẽ phá vỡ mô hình này để tấn công một lần nữa trong những ngày tới nhằm làm suy yếu tinh thần của người dân Ukraine trong kỳ nghỉ lễ năm mới.

5. Bộ trưởng Quốc phòng Reznikov phát biểu với người Nga: Còn một vài tuần nữa trước khi Điện Cẩm Linh đóng cửa biên giới, áp đặt thiết quân luật

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết vào đầu tháng Giêng, chính quyền Nga sẽ đóng cửa biên giới với công dân nam, tuyên bố thiết quân luật và khởi động một làn sóng động viên khác.

Reznikov đã đưa ra dự đoán trên trong một bài phát biểu bằng video với những người Nga trong độ tuổi nhập ngũ.

“Vào đêm giao thừa, tôi muốn nói chuyện với các công dân Nga trong độ tuổi nhập ngũ. Trước hết, điều này liên quan đến cư dân của các thành phố lớn của Nga. Tôi biết chắc chắn rằng các bạn sẽ có ít nhất một số lựa chọn trong khoảng một tuần kể từ bây giờ. Vào đầu tháng Giêng, chính quyền Nga sẽ đóng cửa biên giới với nam giới trước khi tuyên bố thiết quân luật và tung ra một làn sóng huy động khác. Biên giới cũng sẽ bị đóng cửa ở Belarus”, người đứng đầu Bộ Quốc phòng cho biết.

Theo Reznikov, Điện Cẩm Linh từ lâu đã nhận ra rằng ý tưởng về một cuộc chiến chống lại Ukraine đã trở thành một thảm họa.

“Nhưng họ không thể thừa nhận điều đó với các bạn. Vì khi đó họ sẽ phải chịu trách nhiệm về tất cả... Những kẻ đã gây ra cuộc tàn sát đẫm máu. Những kẻ phạm tội ác chiến tranh khủng khiếp giờ đang kêu gọi các bạn hãy tập hợp lại để bảo vệ nước Nga bởi vì 'có kẻ thù ở khắp mọi nơi',” Reznikov nói.

Nhưng trên thực tế, ông giải thích, giới lãnh đạo Nga không có ý định bảo vệ Nga: “Họ đang bảo vệ chính họ. Vị trí, tài sản và sự giàu có của họ. Và vì điều này, họ muốn chuyển tội lỗi của họ sang các bạn. Để khiến các bạn đồng lõa với tội ác”.

Như Reznikov đã chỉ ra, lý do duy nhất mà người Nga được cử tham gia cuộc chiến này là “để các bạn bảo vệ bọn tội phạm, cung điện, tài khoản ngân hàng của chúng và chính bạn cũng trở thành tội phạm”.

“Bạn có thể chết hoặc tổn hại sức khỏe của mình chỉ để ngăn những người này khỏi trách nhiệm... Điện Cẩm Linh không còn mục tiêu nào trong cuộc chiến này... Họ có thể nói với các bạn rằng có một loại 'Kế hoạch B' nào đó. Một số loại vũ khí bí mật. Rằng những chiến thắng sẽ sớm được nhìn thấy, một lần nữa. Nhưng toàn bộ kế hoạch của họ là kéo theo chiến tranh. Để giết càng nhiều người càng tốt và đưa tình hình vào bế tắc. Bạn sẽ bị giết chỉ vì điều này”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.

Như đã đưa tin, người đứng đầu cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov cho biết, do tổn thất nặng nề ở mặt trận, giới lãnh đạo Nga quyết định phát động đợt huy động mới từ ngày 5 Giêng.
 
Những lời cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI. Chương trình Thánh lễ an táng ngài
VietCatholic Media
17:57 31/12/2022


1. Những lời cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI. Chương trình Thánh lễ an táng

Vatican đã thông báo hôm thứ Bảy rằng Thánh lễ an táng của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI sẽ diễn ra vào lúc 9:30 sáng Thứ Năm, ngày 5 tháng 1 năm 2023, tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Ngài sẽ được an táng trong hầm mộ dưới Đền Thờ Thánh Phêrô.

Phát ngôn nhân của Vatican, Matteo Bruni cho biết, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ trì lễ tang, và các nghi thức sẽ đơn sơ phù hợp với mong muốn của Đức Bênêđictô là “được thực hiện dưới dấu chỉ của sự đơn giản”.

Việc Đức Bênêđictô qua đời ở tuổi 95 đã được loan báo tại Rôma vào ngày 31 tháng 12. Thi hài của ngài hiện vẫn để trong Tu Viện Mẹ Giáo Hội, và sẽ được quàn tại Đền Thờ Thánh Phêrô từ sáng Thứ Hai, ngày 2 tháng Giêng, để các tín hữu kính viếng.

Trong một tuyên bố bằng văn bản vào sáng ngày 31 tháng 12, Bruni nói: “Tôi vô cùng đau buồn thông báo với các bạn rằng Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI, đã qua đời hôm nay lúc 9h34 tại Tu Viện Mẹ Giáo Hội ở Vatican.”

Bruni sau đó nói với các nhà báo rằng Đức Bênêđictô XVI đã lãnh nhận bí tích xức dầu bệnh nhân vào ngày 28 tháng 12, với sự hiện diện của những người phụ nữ tận hiến đã giúp điều hành gia đình ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Đức Bênêđictô XVI vào cuối buổi sáng ngày 28 tháng 12, sau buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ngài, trong đó ngài xin cầu nguyện cho vị giáo hoàng danh dự “đang bị bệnh nặng”.

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng của ngài trong nhiều năm, đã tháp tùng Đức Giáo Hoàng Danh dự trong những giờ phút cuối cùng, cho biết như sau

“Đức Giáo Hoàng Danh dự đã nói với tôi và với tất cả những người đã đồng hành cùng với ngài trong những giờ cuối cùng của ngài là: Xin hãy cầu nguyện cho tôi! - Tôi muốn chuyển lời yêu cầu này của Đức Giáo Hoàng Danh dự đến tất cả những người mà cái chết của ngài gây xúc động.

Đối với tôi, cái chết của ngài có nghĩa là một mất mát to lớn và cá nhân. Tôi vô cùng biết ơn và đồng thời cũng rất buồn.”

Đức Bênêđictô XVI qua đời được củng cố bằng các Bí Tích Thánh và tràn đầy hy vọng về Nước Thiên Chúa.

Tổ chức Tagespost dành cho Báo chí Công Giáo xin cúi đầu kính trọng và đau buồn sâu sắc trước một vị Giáo hoàng vĩ đại và là vị Thầy vĩ đại của Giáo hội.

Ngay khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng, các quan sát viên đã nhận định rằng vị Tân Giáo Hoàng này có một phẩm chất không chỉ nổi bật trong số các vị Hồng Y mà còn là hiếm hoi trong nhân loại: một trí tuệ thông minh xuất chúng. Thế giới truyền thông đề cập đến trí thông minh sắc bén của ngài “a razor intellect”, trong khi giới khoa bảng tại Cambridge như Piers Paul Read đề cập đến trí thông minh “đáng kinh ngạc của ngài -an amazing intellect”.

Ngài có khả năng đánh giá một khối lượng thông tin lớn lao về thời đại, văn hóa và thế giới chúng ta đang sống và rồi đưa ra đánh giá này trong một thứ ngôn ngữ mà từ quan điểm thuần lý không làm sao thách thức lại được. Ngài nói với một giọng nói đầy quyền lực. Không phải thứ quyền lực chính trị thủ đắc từ cương vị của mình để bắt người ta phải vâng phục, nhưng là quyền lực trí tuệ: một đặc sủng hiếm hoi có sức đánh động người nghe với cùng một lực dù cho họ có cảm tình hay không với quan điểm của người nói.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 không chỉ được nhớ đến như một trí tuệ thông minh xuất chúng. Ngài sẽ được nhớ đến như một Thầy dậy xuất sắc của Giáo Hội không chỉ qua các giáo huấn của ngài mà qua chính cuộc đời của ngài. Ngài yêu mến Giáo Hội và khiêm nhường tột cùng khi quyết định thoái vị vào ngày 11 tháng Hai, 2013 khi nhận thức rõ rằng ngài không còn đủ sức lực tinh thần và thể lý để gánh vác trọng trách mục tử toàn thể Hội Thánh.

Trong những ngày qua, thế giới Công Giáo và ngoài Công Giáo đã tràn ngập những lời cầu nguyện dành cho ngài. Vì thế, Tổ chức Tagespost dành cho Báo chí Công Giáo, do chính Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI thành lập, có một cuốn sổ chia buồn kỹ thuật số hiện đã có trên cổng thông tin điện tử của cơ quan này tại đây https://www.benedictusxvi.com/pope-benedict-xvi?q=%2Fpope-benedict-xvi&cHash=6a44eafd4a2bbf37a76064021087dbfa. Những người muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với cuộc sống và công việc của ngài hoặc nỗi đau của họ có thể làm như vậy. Trang chia buồn mời những người đưa tang cùng cầu nguyện với những lời cầu nguyện cổ điển từ phụng vụ Công Giáo cho người quá cố.

Đồng thời với lời chia buồn bằng văn bản, một ngọn nến “ảo” được thắp lên để tưởng nhớ vị giáo hoàng quá cố.

2. 18 nhà truyền giáo đã thiệt mạng trên thế giới

Vào năm 2022, theo thông tin được thu thập bởi Agenzia Fides, 18 nhà truyền giáo đã thiệt mạng trên thế giới: 12 linh mục, 1 tu sĩ, 3 tu sĩ, 1 chủng sinh, 1 giáo dân. Phân tích theo lục địa cho thấy con số cao nhất được ghi nhận ở Phi Châu, nơi có 9 nhà truyền giáo bị giết (7 linh mục, 2 tu sĩ), tiếp theo là Mỹ Châu Latinh, với 8 nhà truyền giáo bị giết (4 linh mục, 1 tu sĩ, 1 tu sĩ, 1 chủng sinh, 1 giáo dân) và sau đó là từ Á Châu, nơi 1 linh mục bị giết là Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, dòng Đa Minh. Trong những năm gần đây, Phi Châu và Mỹ Châu thay nhau đứng đầu trong bảng xếp hạng thê thảm này: từ 2011 đến 2021 Mỹ Châu đứng đầu bảng trong 8 năm và Phi Châu trong 3 năm 2018, 2019, và 2021. Từ năm 2001 đến 2021, tổng số giáo sĩ bị giết là 526.

Hiện nay, danh sách hàng năm của Fides không chỉ liên quan đến các nhà truyền giáo cho muôn dân theo nghĩa chặt chẽ, mà còn tìm cách ghi lại tất cả các Kitô hữu Công Giáo tham gia vào hoạt động mục vụ theo một cách nào đó, những người đã chết một cách bạo lực, ngay cả khi không rõ ràng là “vì hận thù đức tin”. Vì lý do này, tốt hơn là không sử dụng thuật ngữ “các vị tử đạo”, nhưng là “các nhân chứng”, để không ảnh hưởng đến tiến trình tuyên phong của Giáo Hội. Cũng vậy, chúng tôi sử dụng thuật ngữ “truyền giáo” cho tất cả những người đã được rửa tội, ý thức rằng “nhờ Bí tích Rửa tội đã lãnh nhận, mọi thành phần dân Chúa đã trở thành môn đệ truyền giáo. Mỗi người đã được rửa tội, bất kể chức năng của họ trong Giáo hội và mức độ giáo dục đức tin của họ, là một chủ thể tích cực của việc rao giảng Tin Mừng”

Thông tin ít ỏi về cuộc sống và hoàn cảnh đã gây ra cái chết bạo lực của 18 nhà truyền giáo nam nữ này cho chúng ta những hình ảnh về cuộc sống hàng ngày, ngay cả khi trong những bối cảnh đặc biệt khó khăn, được đánh dấu bằng bạo lực, nghèo đói, thiếu công bằng và tôn trọng sự sống con người. Những người khác ở chung với họ thường chịu chung số phận với những người truyền giáo. Các linh mục bị giết trong khi họ chuẩn bị cử hành Thánh lễ với cộng đồng mà họ lãnh đạo, để bẻ bánh và thánh hiến rượu, sẽ là lương thực và sự sống cho rất nhiều tín hữu. Một nữ tu bác sĩ bị giết khi đang làm nhiệm vụ tại trung tâm y tế của giáo phận, sẵn sàng cứu sống những người khác, và ai biết được nữ tu ấy đã cứu bao nhiêu người trong quá khứ. Một nữ tu thiệt mạng trong một cuộc tấn công khi thực hiện nhiệm vụ: thay vì nghĩ đến việc cứu lấy mạng sống của chính mình, nữ tu ấy lại đi kiểm tra xem tính mạng của các cô gái ở trong ký túc xá có an toàn không. Một giáo dân khác bị giết khi đang trên đường đến nhà thờ để hướng dẫn phụng vụ Lời Chúa cho các tín hữu trong khu vực đó, những người không có linh mục thường trú.

Tất cả những vị bị giết đều sống trong những hoàn cảnh bình thường của con người và xã hội. Các vị chia sẻ cuộc sống hàng ngày với anh chị em của họ, với những rủi ro và nỗi sợ hãi, bạo lực và khó khăn, thiếu thốn, mang những cử chỉ nhỏ bé hàng ngày làm chứng nhân cho niềm hy vọng. Các ngài ban phát các phép bí tích, giúp đỡ người nghèo, chăm sóc trẻ mồ côi và người nghiện ma túy, tham gia vào các dự án phát triển, và mở cửa nhà mình cho bất cứ ai cần đến sự giúp đỡ của các ngài. Và một số vị đã bị giết bởi chính những người mà họ giúp đỡ. Trong nhiều trường hợp các vị thường sinh ra ở cùng một vùng đất nơi họ chết, vì vậy họ không ngây thơ, nhưng bất chấp mọi thứ khuyên bảo, răn đe buộc im lặng, cấm cản không cho tuyên bố đức tin, họ không thể không làm chứng.

Ngày nay, người ta nói nhiều về chủ nghĩa giáo sĩ trị và tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Nhưng hãy cẩn thận: cường điệu hóa những biểu hiện hiếm hoi này có nguy cơ xuyên tạc sự thật. Hầu hết các linh mục sống thánh thiện, thanh bần, dấn thân loan báo Tin Mừng, nâng đỡ người nghèo, chống lại bất công. Đó mới là bức tranh thật của Giáo Hội.

3. 14 năm liên tiếp, Mễ Tây Cơ là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất đối với các linh mục

Từ năm 2018 đến năm 2022, khoảng 24 cuộc tấn công hàng tuần vào các nhà thờ và cộng đồng Công Giáo đã được ghi nhận.

Một cuộc điều tra của Trung tâm Đa phương tiện Công Giáo, gọi tắt là CCM, tiết lộ rằng Mexico, trong 14 năm liên tiếp, là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất đối với việc thi hành chức tư tế. Có bảy linh mục bị sát hại trong giai đoạn 2018 đến 2022.

Theo công việc được thực hiện bởi các linh mục Omar Sotelo Aguilar, giám đốc CCM và Guillermo Gazanini Espinosa, điều phối viên giúp các đơn vị điều tra, trong năm qua đã có gần 800 vụ tống tiền, đe dọa và hành hung các linh mục ở Cộng hòa Mexico; Chủ yếu động cơ của những tội ác này có liên quan đến việc lừa đảo và chiếm đoạt bất hợp pháp các nguồn tài nguyên cần thiết từ các nạn nhân được dùng để thi hành chức vụ của mình.

Vào năm 2022, theo các tuyên bố của chính các giám mục, các ngài đã bị cản trở quyền đi lại bởi các trạm kiểm soát tội phạm có tổ chức; một số chi tiết được cung cấp bởi Đức Hồng Y José Francisco Robles Ortega, Tổng Giám mục Guadalajara, Sigifredo Noriega Barceló Giám mục Zacatecas và Rafael Sandoval Sandoval, Giám mục Autlán, là những vị đã tuyên bố rằng các ngài đã bị giam giữ và các băng đảng hoạt động ở phía bắc của bang Jalisco và Zacatecas đòi quyền sử dụng đất từ các cha xứ; Lệ phí có thể chiếm một nửa số tiền thu được từ các quyên góp trong nhà thờ. Đây là nguồn thu nhập chính của nhiều giáo xứ và cộng đồng Công Giáo trong nước.

Từ năm 2018 đến năm 2022, khoảng 24 cuộc tấn công hàng tuần vào các nhà thờ và cộng đồng Công Giáo đã được ghi lại. Trong số này có những vụ cướp thông thường, các cuộc tấn công với mục đích xúc phạm và tấn công trực tiếp vào các linh mục và các nhà lãnh đạo của các cộng đồng Công Giáo, ngoài ra còn có các vụ giết người nhằm vào các giáo sĩ vì nhiều lý do, chủ yếu là những vụ bắt nguồn từ các hoạt động mục vụ của các ngài khi các vị lên tiếng chống bất công, chống lại các băng đảng. Rồi, cũng có các vụ cướp của hoặc một nguyên nhân khác.

Cuối cùng, CCM chỉ ra rằng trong quá trình tổng hợp các vụ tấn công và tội ác chống lại người Công Giáo và giáo dân, không có kết quả cụ thể nào trong các cuộc điều tra tương ứng của các cơ quan chức năng và chỉ một tỷ lệ tối thiểu bị kết án. Có những yếu tố cho phép chúng tôi biết liệu các nạn nhân và gia đình của họ có nhận được công lý và bồi thường thiệt hại hay không.

4. Các nghi thức cho sự ra đi của Đức Bênêđictô có thể là khuôn mẫu cho các cựu giáo hoàng trong tương lai

Khi Đức Giáo Hoàng Grêgôriô thứ 12, vị giáo hoàng cuối cùng thoái vị trước Đức Bênêđíctô, qua đời vào năm 1417, thế giới đã không theo dõi.

Đức Grêgôriô đã thoái vị hai năm trước đó vào năm 1415 và trải qua những ngày còn lại của mình trong bóng tối cách Rôma hàng trăm dặm. Ngài được chôn cất lặng lẽ ở Recanati, một thị trấn gần bờ biển phía bắc Adriatic.

Sẽ rất khác với sự ra đi của Đức Bênêđictô 95 tuổi, người mà Vatican cho biết là đang trong tình trạng nghiêm trọng nhưng ổn định sau khi sức khỏe của ngài đột ngột xấu đi vào dịp Giáng Sinh.

Vatican có những nghi thức phức tạp tỉ mỉ cho những gì xảy ra sau khi một vị giáo hoàng đang trị vì qua đời nhưng không có nghi lễ nào được công chúng biết đến đối với một vị nguyên giáo hoàng.

Sau khi Đức Bênêđíctô qua đời, Vatican ít nhất sẽ phải viết một phần các giao thức mới. Các nguồn tin của Vatican cho biết những giao thức mới có thể là khuôn mẫu cho các Đức Giáo Hoàng khác chọn thoái vị thay vì trị vì suốt đời, bao gồm cả chính Đức Thánh Cha Phanxicô vào một ngày nào đó.

Những giao thức dành cho một vị giáo hoàng qua đời khi đang trị vì bao gồm một hiến pháp dài 30 trang có tên là “Universi Dominici Gregis,” tiếng Latinh có nghĩa là “Mục tử toàn thể dân Chúa,” và “Ordo Exsequiarum Romani Pontificis, “ (Các nghi thức tang lễ cho một Giáo hoàng Rôma) và một sách lễ dầy hơn 400 trang bao gồm phụng vụ, âm nhạc và những lời cầu nguyện.

Các quy tắc đó nói rằng việc chôn cất một giáo hoàng nên diễn ra trong khoảng từ bốn đến sáu ngày sau khi ngài qua đời như một phần của thời gian để tang kéo dài 9 ngày được gọi là Novendiale.

Các quan chức Vatican, những người phát biểu với điều kiện giấu tên vì họ không được phép thảo luận những vấn đề như vậy, cho biết kịch bản về sự ra đi của Đức Bênêđictô sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố chính: Đức Bênêđictô có để lại bất kỳ chỉ thị và quyết định nào mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đồng ý thực hiện hay không.

Một quan chức Vatican cho biết Đức Phanxicô thường ca ngợi người tiền nhiệm của mình là một vị giáo hoàng vĩ đại đã can đảm thoái vị, vì vậy ngài có thể muốn tiễn biệt Đức Bênêđictô theo nghi thức long trọng nhất có thể, và như thế ngài sẽ hoan hỉ thực thi tất cả các ước muốn của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.

Vị giáo hoàng cuối cùng qua đời, là Thánh Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô II, được chôn cất vào ngày 8 tháng 4 năm 2005, sáu ngày sau khi ngài qua đời. Đầu tiên, thi thể của ngài được đặt trong Sảnh đường Clêmentinô có bích họa dành cho các nhân viên Tòa Thánh và sau đó được chuyển đến Đền Thờ Thánh Phêrô cho công chúng.

Hàng triệu người đã xếp hàng hàng giờ để được gặp ngài, trong sự kiện có lẽ là lớn nhất trong lịch sử Vatican. Đông đảo các quốc vương cũng như tổng thống đã tham dự tang lễ của ngài.

Đầu tiên ngài được chôn cất trong hầm mộ dưới Đền Thờ Thánh Phêrô và sau đó được chuyển đến một nhà nguyện ở tầng chính của đại đền thờ này vào năm 2011 sau khi ngài được tuyên Chân Phước.

Các nguồn tin cho biết nhiều người muốn tỏ lòng kính trọng với Đức Bênêđíctô, là người đã kế vị Đức Gioan Phaolô năm 2005 và đã thoái vị vào năm 2013, vì vậy có thể sẽ có một thời gian để dân chúng tỏ lòng ngưỡng mộ.

Vào năm 2020, người viết tiểu sử được ủy quyền của Đức Bênêđíctô, Peter Seewald, được trích dẫn nói với tờ báo Passauer Neue Presse của Bavaria rằng vị giáo hoàng danh dự đã chuẩn bị một di chúc thiêng liêng nói rằng ngài muốn được chôn cất trong cùng một hầm mộ nơi Đức Gioan Phaolô II đã an nghỉ ban đầu.

Đức Bênêđíctô, với tư cách là Niên Trưởng Hồng Y Đoàn, đã chủ trì lễ tang của Đức Gioan Phaolô II vào năm 2005 tại quảng trường Thánh Phêrô và Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ chủ trì lễ tang của Đức Bênêđíctô.

Sau cái chết của một giáo hoàng đang trị vì, người phụ trách các công việc bình thường tại Vatican cho đến khi bầu chọn giáo hoàng mới là Hồng Y Nhiếp Chính.

Vị trí hiện do Hồng Y người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan Kevin Farrell nắm giữ nhưng vì Giáo hội có một giáo hoàng và sẽ không có mật nghị bầu chọn người khác nên Farrell sẽ không có vai trò gì cả khi Đức Bênêđíctô ra đi.

Hầu hết công việc, bao gồm cả việc lên chương trình cho một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Vatican, sẽ do Đức ông Diego Ravelli, người chủ trì các nghi lễ của Đức Giáo Hoàng đảm trách.
 
Toàn văn Di Chúc của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI. Thánh Lễ An Táng tại Vatican
VietCatholic Media
23:56 31/12/2022


1. Những lời cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI. Chương trình Thánh lễ an táng

Vatican đã thông báo hôm thứ Bảy rằng Thánh lễ an táng của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI sẽ diễn ra vào lúc 9:30 sáng Thứ Năm, ngày 5 tháng 1 năm 2023, tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Ngài sẽ được an táng trong hầm mộ dưới Đền Thờ Thánh Phêrô.

Phát ngôn nhân của Vatican, Matteo Bruni cho biết, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ trì lễ tang, và các nghi thức sẽ đơn sơ phù hợp với mong muốn của Đức Bênêđictô là “được thực hiện dưới dấu chỉ của sự đơn giản”.

Việc Đức Bênêđictô qua đời ở tuổi 95 đã được loan báo tại Rôma vào ngày 31 tháng 12. Thi hài của ngài hiện vẫn để trong Tu Viện Mẹ Giáo Hội, và sẽ được quàn tại Đền Thờ Thánh Phêrô từ sáng Thứ Hai, ngày 2 tháng Giêng, để các tín hữu kính viếng.

Trong một tuyên bố bằng văn bản vào sáng ngày 31 tháng 12, Bruni nói: “Tôi vô cùng đau buồn thông báo với các bạn rằng Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI, đã qua đời hôm nay lúc 9h34 tại Tu Viện Mẹ Giáo Hội ở Vatican.”

Bruni sau đó nói với các nhà báo rằng Đức Bênêđictô XVI đã lãnh nhận bí tích xức dầu bệnh nhân vào ngày 28 tháng 12, với sự hiện diện của những người phụ nữ tận hiến đã giúp điều hành gia đình ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Đức Bênêđictô XVI vào cuối buổi sáng ngày 28 tháng 12, sau buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ngài, trong đó ngài xin cầu nguyện cho vị giáo hoàng danh dự “đang bị bệnh nặng”.

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng của ngài trong nhiều năm, đã tháp tùng Đức Giáo Hoàng Danh dự trong những giờ phút cuối cùng, cho biết như sau

“Đức Giáo Hoàng Danh dự đã nói với tôi và với tất cả những người đã đồng hành cùng với ngài trong những giờ cuối cùng của ngài là: Xin hãy cầu nguyện cho tôi! - Tôi muốn chuyển lời yêu cầu này của Đức Giáo Hoàng Danh dự đến tất cả những người mà cái chết của ngài gây xúc động.

Đối với tôi, cái chết của ngài có nghĩa là một mất mát to lớn và cá nhân. Tôi vô cùng biết ơn và đồng thời cũng rất buồn.”

Đức Bênêđictô XVI qua đời được củng cố bằng các Bí Tích Thánh và tràn đầy hy vọng về Nước Thiên Chúa.

Tổ chức Tagespost dành cho Báo chí Công Giáo xin cúi đầu kính trọng và đau buồn sâu sắc trước một vị Giáo hoàng vĩ đại và là vị Thầy vĩ đại của Giáo hội.

Ngay khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng, các quan sát viên đã nhận định rằng vị Tân Giáo Hoàng này có một phẩm chất không chỉ nổi bật trong số các vị Hồng Y mà còn là hiếm hoi trong nhân loại: một trí tuệ thông minh xuất chúng. Thế giới truyền thông đề cập đến trí thông minh sắc bén của ngài “a razor intellect”, trong khi giới khoa bảng tại Cambridge như Piers Paul Read đề cập đến trí thông minh “đáng kinh ngạc của ngài -an amazing intellect”.

Ngài có khả năng đánh giá một khối lượng thông tin lớn lao về thời đại, văn hóa và thế giới chúng ta đang sống và rồi đưa ra đánh giá này trong một thứ ngôn ngữ mà từ quan điểm thuần lý không làm sao thách thức lại được. Ngài nói với một giọng nói đầy quyền lực. Không phải thứ quyền lực chính trị thủ đắc từ cương vị của mình để bắt người ta phải vâng phục, nhưng là quyền lực trí tuệ: một đặc sủng hiếm hoi có sức đánh động người nghe với cùng một lực dù cho họ có cảm tình hay không với quan điểm của người nói.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 không chỉ được nhớ đến như một trí tuệ thông minh xuất chúng. Ngài sẽ được nhớ đến như một Thầy dậy xuất sắc của Giáo Hội không chỉ qua các giáo huấn của ngài mà qua chính cuộc đời của ngài. Ngài yêu mến Giáo Hội và khiêm nhường tột cùng khi quyết định thoái vị vào ngày 11 tháng Hai, 2013 khi nhận thức rõ rằng ngài không còn đủ sức lực tinh thần và thể lý để gánh vác trọng trách mục tử toàn thể Hội Thánh.

Trong những ngày qua, thế giới Công Giáo và ngoài Công Giáo đã tràn ngập những lời cầu nguyện dành cho ngài. Vì thế, Tổ chức Tagespost dành cho Báo chí Công Giáo, do chính Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI thành lập, có một cuốn sổ chia buồn kỹ thuật số hiện đã có trên cổng thông tin điện tử của cơ quan này tại đây https://www.benedictusxvi.com/pope-benedict-xvi?q=%2Fpope-benedict-xvi&cHash=6a44eafd4a2bbf37a76064021087dbfa. Những người muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với cuộc sống và công việc của ngài hoặc nỗi đau của họ có thể làm như vậy. Trang chia buồn mời những người đưa tang cùng cầu nguyện với những lời cầu nguyện cổ điển từ phụng vụ Công Giáo cho người quá cố.

Đồng thời với lời chia buồn bằng văn bản, một ngọn nến “ảo” được thắp lên để tưởng nhớ vị giáo hoàng quá cố.

2. Chúc thư thiêng liêng của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tòa Thánh vừa công bố chúc thư của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Chúc thư thiêng liêng của tôi

Tôi cảm ơn cha mẹ tôi, những người đã cho tôi cuộc sống trong những thời điểm khó khăn và chuẩn bị cho tôi một ngôi nhà tuyệt vời với tình yêu thương của các ngài, một điều đã tỏa sáng suốt những ngày đời tôi như một ánh sáng rực rỡ cho đến ngày hôm nay. Đức tin sáng suốt của cha tôi đã dạy anh chị em chúng tôi tin tưởng và đứng vững như kim chỉ nam giữa mọi hiểu biết khoa học của tôi; lòng mộ đạo chân thành và lòng tốt bao la của mẹ tôi vẫn là một di sản mà tôi không thể cảm ơn bà cho đủ. Chị gái tôi đã phục vụ tôi một cách vị tha và đầy quan tâm ân cần trong nhiều thập niên; anh trai tôi đã luôn mở đường cho tôi bằng sự sáng suốt trong các phán đoán của anh ấy, với quyết tâm mạnh mẽ và sự hân hoan của trái tim anh ấy; không có sự luôn luôn tiến lên và đồng hành này, tôi đã không thể tìm ra con đường đúng đắn.

Tôi cảm ơn Thiên Chúa từ tận đáy lòng vì có rất nhiều bạn bè, nam cũng như nữ, những người mà Người luôn đặt ở bên cạnh tôi; những người đồng nghiệp ở mọi giai đoạn trên con đường của tôi; những giáo viên và học sinh mà Người đã ban cho tôi. Tôi xin phó thác, một cách biết ơn, tất cả họ cho lòng nhân hậu của Người. Và tôi muốn cảm ơn Chúa vì ngôi nhà xinh đẹp của tôi ở chân đồi Bavaria thuộc dãy Alps, nơi tôi có thể nhìn thấy vẻ huy hoàng của chính Đấng Tạo Hóa tỏa sáng hết lần này đến lần khác. Tôi cảm ơn người dân quê hương tôi đã cho tôi nhiều lần trải nghiệm vẻ đẹp của đức tin. Tôi cầu nguyện cho đất nước của chúng tôi sẽ mãi mãi là một đất nước của niềm tin và tôi yêu cầu anh chị em, những người đồng hương thân mến, đừng để niềm tin của anh chị em bị lung lạc. Cuối cùng, tôi tạ ơn Chúa vì tất cả vẻ đẹp mà tôi có thể cảm nghiệm được trong các giai đoạn khác nhau của cuộc hành trình dương thế, nhưng đặc biệt là ở Rôma và Ý, nơi đã trở thành quê hương thứ hai của tôi.

Từ tận đáy lòng, tôi cầu xin sự tha thứ của tất cả những ai tôi từng sai phạm cách nào đó.

Điều tôi đã nói trước đây với đồng bào của mình, giờ đây tôi muốn nói với tất cả những ai được ủy thác cho sự phục vụ của tôi trong Giáo hội: Hãy vững vàng trong đức tin! Đừng để mình bị bối rối! Thông thường, dường như khoa học - một mặt là khoa học tự nhiên; mặt khác, là nghiên cứu lịch sử (đặc biệt là chú giải Kinh thánh) - có những hiểu biết không thể bác bỏ nhưng trái ngược với đức tin Công Giáo. Từ xa xưa, tôi đã chứng kiến những thay đổi trong khoa học tự nhiên và đã thấy những điều hiển nhiên chắc chắn chống lại đức tin đã biến mất như thế nào, chứng tỏ chúng không phải là khoa học mà chỉ là những diễn giải triết học biểu kiến cho khoa học – mặt khác chính trong đối thoại với các khoa học tự nhiên, mà đức tin đã học được cách hiểu các giới hạn trong phạm vi các khẳng định của mình và tính đặc thù của nó. 60 năm nay, tôi đã đồng hành trên con đường thần học, đặc biệt là nghiên cứu Kinh thánh, và đã chứng kiến những luận điểm dường như không thể lay chuyển được nhưng đã sụp đổ cùng với sự thay đổi của các thế hệ, hóa ra chỉ là những giả thuyết: thế hệ tự do (Harnack, Jülicher, v.v.), thế hệ chủ nghĩa hiện sinh (Bultmann, v.v.), thế hệ chủ nghĩa Mác. Tôi đã thấy hết lần này đến lần khác, từ những mớ giả thuyết rối rắm đó, tính hợp lý của niềm tin đã xuất hiện và đang xuất hiện trở lại như thế nào. Chúa Giêsu Kitô thực sự là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống - và Giáo Hội, bất kể những khuyết điểm của mình, thực sự là Thân Thể của Người.

Cuối cùng, tôi khiêm tốn xin mọi người: cầu nguyện cho tôi, để Chúa đón nhận tôi vào nơi vĩnh cửu, bất chấp mọi tội lỗi và khuyết điểm của tôi. Đối với tất cả những người được giao phó cho tôi, lời cầu nguyện chân thành của tôi vang lên ngày này qua ngày khác.

+ Bênêđíctô thứ 16

3. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trước sự qua đi của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI

Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI đã qua đời vào ngày 31 tháng 12. Đức Tổng Giám Mục Timothy P. Broglio của Tổng Giáo phận Quân đội, Hoa Kỳ, đồng thời là chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố sau. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

“Sự ra đi của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, vang lên những nốt nhạc có vẻ trái ngược với những nốt đau buồn trộn lẫn những nốt lòng biết ơn trong trái tim tôi.

“Giáo hội tạ ơn vì sứ vụ quý báu của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Là một nhà thần học xuất sắc, người đã cống hiến tài năng của mình như một động lực tại Công đồng Vatican II, ngài tiếp tục trong suốt cuộc đời lâu dài của mình để trở thành một thầy dậy đức tin hiệu quả. Là một linh mục, giáo sư đại học và nhà thần học, tổng giám mục và Hồng Y, tiếng nói của ngài trong việc đào sâu một sự hiểu biết đích thực đã dẫn tất cả chúng ta đến tình yêu chân lý và mầu nhiệm Thiên Chúa sâu xa hơn. Chúng ta sẽ mất nhiều năm để nghiên cứu sâu hơn về kho tàng kiến thức phong phú mà ngài đã để lại cho chúng ta.

“Cá nhân tôi nhớ nhiều cuộc gặp với ngài khi tôi phục vụ trong Phủ Quốc vụ khanh, và tôi sẽ không bao giờ quên lời chào của ngài dành cho tôi trong Buổi tiếp kiến chung đầu tiên mà tôi tham dự vài tuần sau khi ngài ấy đắc cử vào sứ vụ kế vị Thánh Phêrô. “Ci conosciamo” - chúng ta biết nhau - là những lời chào đón nồng nhiệt của ngài khi ngài nắm lấy tay tôi.

“Tất cả chúng ta đều nhớ ngài đã gây chấn động thế giới như thế nào vào năm 2013 khi tuyên bố thói vị trách nhiệm Giám mục Rôma, và khi làm như vậy, ngài tiếp tục giảng dạy về lòng can đảm, khiêm nhường và tình yêu đối với Giáo hội. Ngài nhận ra những yêu cầu to lớn đối đè nặng lên ngài với tư cách là mục tử toàn thể Hội Thánh gồm một tỷ người Công Giáo trên toàn thế giới, và những hạn chế về thể chất của Ngài đối với một nhiệm vụ to lớn như vậy. Ngay cả khi đã nghỉ hưu, rút lui để sống một cuộc đời thầm lặng cầu nguyện và học hỏi, ngài vẫn tiếp tục dạy chúng ta cách trở thành môn đệ chân chính của Chúa Kitô, trong khi vẫn đóng góp vào di sản của Người.

“Các thế hệ sẽ tiếp tục được làm phong phú thêm bởi những cuốn sách, những bài diễn thuyết và bài giảng của ngài. Tất cả đều bộc lộ chiều sâu của việc học hỏi và suy ngẫm, là điều cần thiết cả trong thời đại chúng ta và trong tương lai.

“Trong khi chúng ta đau buồn vì ngài không còn ở đây với chúng ta nữa, tôi cùng với người Công Giáo ở khắp mọi nơi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc lên Chúa vì hồng ân Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và sứ vụ của ngài. Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa ban cho Ngài sự an nghỉ vĩnh hằng.”

4. Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày hòa bình thế giới

Nhân ngày Ngày Hòa bình thế giới lần thứ 56, cử hành vào ngày 01 tháng Giêng năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi thăng tiến tình huynh đệ nhân loại như một phương dược chống lại những hậu quả của đại dịch Covid-19 và thảm trạng chiến tranh.

Ngày Hòa bình thế giới năm nay có đề tài là: “Không ai có thể tự cứu thoát một mình. Tái khởi hành từ Covid-19 để cùng nhau vạch ra những con đường hòa bình”.

Trong Sứ điệp công bố ngày 16 tháng Mười Hai vừa qua, Đức Thánh Cha nhắc đến những hậu quả đau thương và dư âm của đại dịch Covid-19 và nay “sau ba năm, đây là lúc dành thời gian để tự hỏi, học hỏi, tăng trưởng và để cho mình được biến đổi, trong tư cách cá nhân và cộng đoàn... Ngày hôm nay, chúng ta được kêu gọi tự hỏi: chúng ta đã học được gì từ tình trạng đại dịch? Đâu là những con đường mới chúng ta phải đi theo để từ bỏ những xiềng xích do các tập quán cũ của chúng ta tạo nên, để được chuẩn bị tốt đẹp hơn, để dám thực hiện những điều mới mẻ?” (n.3)

Đức Thánh Cha cũng nói đến thách đố mới đang được đề ra cho nhân loại là chiến tranh tại Ukraine và tất cả các cuộc xung đột khác rải rác trên thế giới, tượng trưng sự thất bại cho toàn thể nhân loại chứ không phải chỉ liên hệ đến những phe trực tiếp can dự. Tuy người ta đã tìm được vắc-xin chống Covid-19, nhưng vẫn chưa tìm được những giải pháp thích đáng cho chiến tranh”. (n.4)

Trước tình trạng trên đây, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tinh thần chung và viết rằng: “Chúng ta không còn có thể chỉ nghĩ đến không gian những lợi lộc cá nhân hoặc quốc gia, nhưng phải suy nghĩ dưới ánh sáng công ích, với một ý thức cộng đồng, một tập thể chúng ta cởi mở đối với tình huynh đệ đại đồng”.

“Chúng ta được kêu gọi đương đầu với những thách đố của thế giới chúng ta với tinh thần trách nhiệm và cảm thương. Chúng ta phải duyệt lại vấn đề bảo đảm sức khỏe công cộng cho mọi người; thăng tiến những hoạt động hòa bình để chấm dứt các xung đột và chiến tranh đang tiếp tục gây chết chóc và nghèo đói; chăm sóc một cách có phối hợp căn nhà chung của chúng ta và thực thi những biện pháp rõ ràng và hiệu quả, để đương đầu với sự thay đổi khí hậu; để bài trừ virus là sự chênh lệch và bảo đảm lương thực, công ăn việc làm xứng đáng cho mọi người, nâng đỡ những người không được đồng lương tối thiểu và đang ở trong tình trạng rất khó khăn. Sự kiện có những dân tộc đang chịu đói là điều làm thương tổn chúng ta. Chúng ta cần phát triển, với những chính sách thích hợp, việc tiếp đón và hội nhập, đặc biệt đối với những người di cư và những người sống như bị gạt bỏ trong các xã hội chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta xả thân trong những tình trạng như thế, với ước muốn vị tha, được tình thương vô biên và lòng thương xót của Thiên Chúa soi sáng, thì chúng ta mới có thể xây dựng một thế giới mới và góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa là Nước tình thương, công chính và hòa bình”.