Ngày 08-12-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy cho Chúa cơ hội
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:59 08/12/2009
CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG, năm C

Lc 3, 10-18

Mùa vọng là mùa của hy vọng. Thiên Chúa không bao giờ nản chán con người. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người, không bao giờ thất vọng vì con người dẫu con người có cứng lòng, phản bội vv…Thiên Chúa luôn theo đuổi chương trình cứu độ của Ngài. Con người được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, chính vì thế Thiên Chúa luôn yêu thương con người và luôn chờ đợi con người trở về, sám hối ăn năn và hoàn toàn tin tưởng, phó thác nơi Ngài. Ba bài đọc hôm nay, đặc biệt bài Tin mừng cho chúng ta thấy sám hối tập thể là quan trọng vì mỗi người chúng ta đều liên đới với nhau trong một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện và tông truyền.

Đọc đoạn Tin mừng Lc 3, 10-18, chúng ta thấy việc thánh Gioan Tảy Giả, rao giảng, làm phép rửa thống hối đã mang lại những kết quả thật khả quan. Đó là việc nhiều thành phần xã hội đã ùa tới dòng sông Giođan xin Gioan làm phép rửa cho họ. Những người thu thuế, những binh lính đến hỏi Gioan: ” Chúng tôi phải làm gì ?”. Gioan kêu gọi những người thu thuế hãy chia sẻ cái ăn, cái mặc với tha nhân, với đồng bào, đồng loại. Gioan khuyên những người thu thuế và binh lính hãy sự sự công bằng và tôn trọng người khác. Gioan không đưa ra những chỉ dẫn trừu tượng, trên mây trên gió nhưng Ngài đã đưa ra chỉ dẫn rất cụ thể. Gioan đòi hỏi họ phải chứng tỏ bằng những hành động cụ thể: thay đổi cách đối xử, cách sống, cách suy nghĩ đối với anh em. Thánh Gioan đã hoàn toàn minh chứng rằng Gioan Tẩy Giả giáo huấn cũng là Chúa Giêsu giáo huấn. Do đó, thánh Gioan cũng là một con người chuộng thực tế và hữu hiệu như Chúa Giêsu. Thánh sử Luca cũng mạnh mẽ khẳng định vai trò của Gioan Tẩy Giả. Gioan Tẩy Giả chỉ là người dọn đường. Chính Chúa Giêsu mới là Đấng Thiên Sai được Thiên Chúa Cha sai đến. Gioan tự nhận Ngài không xứng đáng cởi giây giầy cho Chúa. Thánh Luca phân biệt rõ ràng cho nhân loại hay: phép rửa của Gioan là phép rửa thông thường nơi người Do Thái, phép rửa bằng nước.Phép rửa của Chúa Giêsu là phép rửa bởi lửa và Thánh Thần. Lửa là biểu tượng của Chúa Thánh Thần.

Chúa nhật 3 mùa Vọng, năm C nhằm giúp con người, mỗi người và chúng ta hãy sẵn sàng đổi mới bằng hành động cụ thể và mỗi người đều liên đới với nhau, nên tất cả đều mang chiều kích sám hối tập thể. Thánh Phaolô trên đường Đamas sau khi bị đánh ngã ngựa, bị mù lòa, đã thân thưa với Chúa: ” Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”. Chúa muốn con làm gì phải là lời thân thưa của mọi người, sẵn sàng làm theo ý của Chúa. Tuy nhiên, mọi người luôn phải noi gương bắt chước Mẹ Maria khi thưa lời xin vâng làm theo ý Chúa: ” Xin Chúa cứ làm cho tôi như Lời Ngài nói “ ( Lc 1, 38 ).

Chính vì thế, điểm nhấn quan trọng và chính yếu mỗi người chúng ta phải lưu tâm: ” sám hối chính là hướng tới một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn là quay trở về với quá khứ để thay đổi mà thôi”. Sám hối là trở về với một Đấng vô cùng thánh thiện: Đức Giêsu Kitô.

Chúa muốn mỗi người chúng ta phải có thái độ nghe lời rao giảng để như dân chúng xưa khi nghe Gioan Tẩy Giả rao giảng phép rửa thống hối xin ơn tha tội, họ đã kéo đến với Ông và xin Ông làm phép rửa.Thái độ của mọi thành phần xã hội lúc đó là dấu chứng họ đang nhận biết Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sám hối, quay về với Chúa và chuẩn bị đường để chúng con mau mắn đến với anh em. Xin Chúa ban thêm lòng tin để chúng con sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa và thực thi Lời Chúa trong đời sống của mình. Amen.
 
Nhân mùa vọng mở đầu năm thánh: Thử Tìm Hiểu Về Thần Học Đức Mến
Lê Đình Thông
08:52 08/12/2009
NHÂN MÙA VỌNG MỞ ĐẦU NĂM THÁNH: THỬ TÌM HIỂU VỀ THẦN HỌC ĐỨC MẾN

Trong sứ điệp mở đầu nghi thức khai mạc Năm thánh tại Sở Kiện (24-11-2009), Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI tán dương ba nhân đức đối thần xuyên suốt lịch sử đạo công giáo ở Việt Nam, từ đời vua Lê Trang Tông tới nay gần 480 năm, được ghi dấu bằng 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam và 350 năm thiết lập hai Đại diện Tông Tòa Đàng trong và Đàng ngoài: ‘‘Lễ khai mạc Năm Thánh nhằm ngày lễ kính 117 vị thánh Tử đạo hiển vinh của đất nước. Việc nhớ lại chứng từ cao quý của các ngài sẽ giúp toàn thể dân Chúa tại Viêt Nam thúc đẩy đức mến, gia tăng đức cậy và củng cố đức tin mà đôi lúc bị thử thách bởi đời sống thường ngày.’’ Nhận định này lại càng có ý nghĩa vì mùa vọng của niên lịch phụng vụ nhằm mùa đông giá lạnh của hai miền Bắc - Trung:

Thấy ai đói rách thì thương,
Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn.
Thương người như thể thương thân,
Người ta phải bước khó khăn đến nhà.
Đồng tiền bát gạo mang ra,
Rằng đây "cần kiệm" gọi là làm duyên.


Sứ điệp của Đức Bênêdictô XVI về ba nhân đức đối thần, nhất là đức mến trong sinh hoạt mục vụ của Giáo hội Việt Nam từ khởi nguyên đến nay là thời điểm thích hợp để tìm hiểu về thần học đức mến.

1) Vấn đề từ ngữ:

Cổ ngữ Hy lạp có 4 từ ngữ nói về tình yêu: philein, stergein, eran, agapan. Cổ ngữ Do Thái có động từ aheb và danh từ ahabab để chỉ tình yêu.

Stergein nói về tình cha mẹ đối với con cái. Kinh thánh không sử dụng thuật ngữ này.

Eran nói về tình yêu nam nữ. Platon sử dụng từ ngữ này với ý nghĩa trong sáng trong biện chứng tình yêu. Trong Cựu ước, sách Châm ngôn dùng từ Eran:

Hãy yêu mến khôn ngoan,

Khôn ngoan sẽ chở che bảo vệ. (Cn 4,6)

Trong tiếng latinh, caritas mang ý nghĩa cao quý hơn là amor. Theo Cicéron: ‘‘Khi nói về thần linh, cha mẹ, tổ quốc, những nhân vật lỗi lạc, ta nên dùng caritas. nếu là vợ chồng, con cái, anh chị em, từ ngữ amor thích hợp hơn’’ (Partitiones ora., 88).

Theo linh mục Reniero Cantalamessa (dòng Phanxicô), ‘‘Bài ca đức mến (hymne à la charité) của thánh Phaolô là thuật từ tôn giáo có nghĩa là ‘‘tình yêu’’ (amour). Đây chính là bài ngợi ca tình yêu (hymne à l’amour) nổi tiếng nhất và cao quý độc nhất vô nhị. Tên chung của tình yêu là eros, Τừ ngữ này chưa đủ để diễn đạt ý niệm Kinh thánh nên được thay bằng agapè nhằm diễn tả tình yêu thiêng liêng, hoặc đức mến (charité). Sự khác biệt chính yếu giữa hai tình yêu như sau: tình yêu theo nghĩa hẹp là tình yêu lứa đôi. Tình yêu thiêng liêng liên hệ đến mọi người. Tình yêu lứa đôi được diễn tả qua câu nói của Violetta trong nhạc kịch Traviata của Verdi: ‘‘Alfred, yêu em đi như tình yêu của em dành cho anh’’. Đức mến được thể hiện qua Tin mừng theo Thánh Gioan: ‘‘Thầy ban một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã thương yêu anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau’’ (Ga 13,34-35).

Hai tình yêu này không đối ngược nhau, ngược lại cả hai cùng triển nở: Tình yêu eros là khởi điểm; Tình yêu agapè là đích điểm. Trong Tân ước, từ ngữ agapè mang ý nghĩa tôn giáo, với 117 lần sử dụng, trong số thánh Phaolô sử dụng 75 lần, thánh Gioan: 25 lần (chỉ riêng Thư 1 của thánh Gioan: 18 lần).

Trong tiếng Việt, ‘‘tình yêu‘’ là ngôn ngữ dân gian, trong khi ‘‘đức mến’’ phối hợp Hán (đức) - Việt (mến) nhằm nói rằng yêu thương là nhân đức đối thần (vertu théologale). Thần học tín lý nói đến các nhân đức đối thần chủ yếu liên hệ đến Thiên Chúa (des vertus qui ont principalement Dieu pour objet).

Theo Huỳnh Tịnh Của,

Tình là lòng, tình ý; Yêu là mến thương.

Mến: thương, yêu.

Vì ngôn ngữ tình yêu dịu ngọt bao giờ cũng được diễn tả bằng tiếng mẹ đẻ. Đức mến thay vì đức ái nhằm thể hiện ý nghĩa này.

Trong ngôn ngữ nước ta, ‘‘Yêu’’ là động từ, ‘Tình yêu‘’ là danh từ.

2) Đức mến trong Cựu ước:

Cựu ước mời gọi các tín hữu yêu mến Thiên Chúa. Cả sách Xuất hành lẫn sách Giêrêmia đều dùng hình ảnh người chồng hoặc người cha để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Người. Thánh vịnh là bản tình ca ngợi khen Thiên Chúa trác tuyệt:

‘‘Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con.’’ (Tv 18,2)
‘‘Hết mọi người hiếu trung với Chúa, hãy yêu mến Chúa đi '’ (Tv 31,24)
‘’Lòng tôi yêu mến Thiên Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi khẩn nài.’’ (Tv 116,1)


Danh hiệu Yahvé (Giavê): những ai yêu mến Thiên Chúa trong Thánh kinh là cổ văn Do thái (Tanakh) thuật lại Môsê nghe được từ ngữ này trên núi Horeb, trong sa mạc Sinai. Năm 2008, Giáo hội quyết định dùng danh hiệu ‘‘Thiên Chúa ‘’ thay vì ‘‘Yahvé’’.

Sách Đệ nhị luật quy định giới răn yêu Chúa. Sách được gọi là Đệ nhị luật (Deutéronome) vì theo tiếng Hy lạp, deuteronomos có nghĩa là bộ luật thứ hai. Sách chép lại những lời của Môsê phán cùng dân Do thái.

Sách Đệ nhị luật có đoạn viết về ‘‘Shema’’, có nghĩa là lắng nghe, như sau:

‘‘Nghe đây, hỡi Israël, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng dạ, hết sức anh em. Những lời tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng. Anh em phải lặp lại những lời này cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi ngủ cũng như khi thức dậy, phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu, phải viết lên khung cửa nhà anh em, và lên cửa thành của anh em.’’ (Đnl 6.15)

Ngoài ý nghĩa giới răn, đức mến là ân sủng Thiên Chúa ban cho dân Người:

‘‘Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cắt bì tâm hồn anh em và tâm hồn dòng dõi anh em, để anh em yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng dạ, ngõ hầu anh em được sống.’’ (Đnl 30,6)

Trong Cựu ước, tình yêu tha nhân, ‘‘thương người như thể thương thân’’ được nói trong sách Sáng thế dưới chủ đề huynh đệ. Trong câu chuyện giữa Caïn và Abel, từ ngữ ‘‘anh em’’ được dùng 7 lần (St 4,1-12). Sách Lêvi gồm 7 chương quy định những lề luât do Môsê đưa ra. Từ chương 17 đến 26 là các quy luật tôn giáo và xã hội, trong đó có câu: ‘‘Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là Đức Chúa’’ (Lv 19,18).

Giới răn này được áp dụng cả cho những di dân: ‘‘Khi có ngoại kiều cư ngụ trong xứ các ngươi, các ngươi đừng bức hiếp họ. Các ngươi phải cư xử với họ như người bản xứ, như một người trong các ngươi; các ngươi phải yêu họ như chính mình, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều trên đất Ai cập. Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi.’’ (Lv 20,33-34)

Giới răn yêu thương còn bao gồm cả kẻ thù:

‘‘Kẻ thù con có đói, hãy cho nó bánh ăn,
Nó có khát, hãy cho nước uống’’ (Cn 25,21).


Trong sách Hôsê, Chúa phán: ‘‘Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các người nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu’’ (Hs 6,6).

Giới răn yêu Chúa và yêu tha nhân bàng bạc trong Cựu ước là tiền đề của đức mến trong Tân ước. Tài liệu về tương quan giữa Tân ước và Cựu ước do Ủy ban Giáo hoàng về Thánh kinh công bố năm 2001 quy định: ‘‘Việc lấy Tân ước để giải thích Kinh thánh Do Thái khởi đi từ tiền đề thần học theo đó Kinh thánh Do Thái cóuy lực là nhờ được linh ứng từ trời. Tiền đề này thiết yếu đi đến hệ luận là những điều được viết ra trong Cựu ước phải được hoàn thành trong Tân ước. Theo hệ luận này, việc Đức Kitô giáng sinh, tử nạn và phục sinh hoàn toàn có liên hệ đến những điều đã nói trong Cựu ước’’(điều 6).

Tổng mục Giáo lý của Hội thánh Công giáo (Compendium du Catéchisme de l’Église catholique) công bố theo Tự sắc (Motu Proprio) ngày 20-5-2005 qui định ‘‘Các tín hữu tôn kính Cựu ước như Lời Chúa đích thực. Các ghi chép làm chứng cho tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, chuẩn bị cho sự giáng lâm của Chúa Kitô.’’ Trong Tân ước, bốn Phúc âm là lời chứng về cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu có vị trí vô song trong Giáo hội.’’ ‘‘Cựu ước chuẩn bị cho Tân ước và Tân ước hoàn tất Cựu ước. Cả hai soi sáng lẫn cho nhau (l’Ancien Testament prépare le Nouveau et le Nouveau accomplit l’Ancien. Les deux s’éclairent mutuellement).

Sau đây, ta tìm hiểu Tân ước đã soi sáng những giáo huấn của Cựu ước về đức mến như thế nào ?

3) Đức mến trong Phúc âm nhất lãm:

Trong chương ‘‘Tám mối phúc thật’’, thánh sử Matthêu chép lại lời Chúa Giêsu như sau: ‘‘Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn’’ (Mt 5,17). Như vậy, lời hằng sống (Parole vive) đã kiện toàn ngôn ngữ Cựu ước (langue de l’Ecriure) như được trình bầy trong phần sau đây.

Ba Phúc âm nhất lãm: Matthêu, Maccô và Luca đều trình thuật việc Chúa Giêsu rao giảng hai giới răn quan trọng nhất, là yêu Chúa và yêu người. Ta thử đối chiếu giữa ba đoạn Phúc âm nhất lãm:

- Matthêu: ‘‘Khi nghe tin Đức Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng, thì những người Pharisêu họp nhau lại. Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi để thử Đức Giêsu rằng: ‘‘Thưa Thầy, trong sách luật Môsê, điều răn nào là điều răn quan trọng nhất ?’’ Đức Giêsu đáp: Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy’’ (Mat 22,34-40).

- Maccô: ‘‘Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giêsu và những người thuộc nhóm Xađốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giêsu đối đáp hay, ông đến gần người và hỏi: ‘’Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu ?’’ Đức Giêsu trả lời: ‘‘Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Israen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác hơn hai điều răn đó’’ (Mc, 12,28-31).

- Luca: ‘‘Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giêsu để thử người rằng: ‘‘Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?’’ Người đáp: ‘‘Trong luật Môsê đã viết gì ?’’ Ông ấy thưa: ‘‘Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình. Đức Giêsu bảo ông ta: ‘‘Ông trả lời đúng lắm, Cứ làm như vậy là sẽ được sống.’’

Đạo Thiên Chúa là đạo của tình yêu. Tình yêu của Đức Kitô chính là khuôn vàng thước ngọc cho chúng ta noi theo, vì ngài luôn làm theo thánh ý Thiên Chúa, yêu loài người đến độ hy sinh mạng sống. Thánh Phêrô đã tóm tắt cuộc đời Chúa Kitô trong câu nói: ‘‘Đức Giêsu xuất thân từ Nazarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu và tấn phong cho Người. Đi tới đâu Người thi ân giáng phúc tới đó’’ (Cv 10,37). Điều răn thứ nhất là yêu Chúa trên hết mọi sự, vì ta chỉ thờ phượng một mình Ngài mà thôi. Giới răn thú hai là yêu mến người thân. Hẳn trong chúng ta cũng người thưa với Chúa như nhà luật sĩ: ’’Lạy Chúa, ai là người thân cận của con ?’’, để được Chúa Giêsu trả lời:

‘‘Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thấy Lêviđi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy lên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: ‘‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.’’ Vậy trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?’’ (Lc 10,29-36).

Trong ‘‘tam nhân đồng hành’’, người thân là người ‘‘chạnh lòng thương‘’, đến gần săn sóc vết thương, đưa về quán trọ, đài thọ mọi chi phí giúp cho người bất hạnh sớm được bình phục. Như vậy, yêu người (nói chung) không chỉ yêu người thân cận, nhưng cũng có thể thương mến một người hoàn toàn xa lạ. Vì tình yêu chân chính không xây bờ dắp lũy, không suy hơn tính thiệt. Ta yêu người bằng con tim biết rung động, ‘‘vui với người vui, khóc với người khóc’’ (Rm 12,15), không bằng trí óc suy hơn tính thiệt. Yêu tha nhân là biến đức mến thành việc làm cụ thể, vì thương người như thể thương thân không chỉ là những ngôn từ suông.

4) Đức mến trong thánh thư thánh Phaolô:

Đức mến là từ ngữ thông dụng nhất trong thần học thánh Phaolô. Trong văn bộ Phaolô (corpus paulinien), thánh nhân sử dụng 236 lần đức mến trên tổng số 320 lần trong Kinh thánh. Thuật từ này chuyển ngữ từ agapê trong cổ ngữ Hy lạp. Ngày nay, ta có xu hướng phân biệt giữa tình yêu dâng hiến (amour d’oblation) và tình yêu chiếm hữu (amour captatif). Thánh Phalô không sử dụng đức mến theo ý nghĩa éros.

Không có thánh thư nào mà thánh Phaolô không nói đến đức mến. Trong thư thứ 1 gửi Hội thánh Thêxalônica, thánh Phaolô viết:

‘‘Còn về tình huynh đệ, anh em không cần ai viết cho anh em, vì chính anh em đã được Thiên Chúa dạy phải thương yêu nhau’’ (1Tx 4,9).

Thư gửi tín hữu Êphêxô có đoạn viết: ‘‘Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử’’ (Ep 1,5).

Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh nhân viết: ‘‘Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. Quả vậy, khi chúng ta không có sức mà làm được gì vì còn là người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.’’ (Rm 5,8)

Chương 8 Thánh thư gửi tín hữu Rôma, thánh nhân ca tụng tình yêu của Thiên Chúa như sau: ‘‘Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ?’’ (Rm 8,35)

Thử thách trên đường trần giúp ta trưởng thành trong đức mến: ‘‘Sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp vào nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái’’ (Ep 4,15-16).

Trong thư gửi tín hữu Philipphê, ngài viết: ‘‘Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý tưởng như nhau’’ (Pl 2,1-2). Để có thể đạt được đồng tâm nhất trí, ‘‘trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân’’ (Cl 3,14-15).

Những trích đoạn trên đây là tiền đề đưa đến chung khúc ‘‘Bài ca đức mến’’ diễn tả đây đủ hai giới răn: yêu Chúa và yêu người từng được triển khai trong Phúc âm nhất lãm:

‘‘Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy diền chân thật. Đức mến tha thứ tât cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được’’ (1 Cr 13,4-12). ‘‘Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mền.’’ (1 Cr 13,13)

Trong bài ca đức mến, thánh nhân đưa ra biểu đồ phủ định - xác định (négation/affirmation), gồm 8 không và 7 có như sau:

- 8 điều không là: không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy điều gian ác.

- 7 điều có là: nhẫn nhục, hiền hậu, vui khi thấy điều chân thật, tha thứ, tin tưởng, hy vọng, chịu đựng.

Trong 8 điều không, thứ nhất là không ghen tương. 7 điều không kế tiếp nhằm xóa đi cái tôi vị kỷ, đáng ghét.

Trong 7 điều có, cần nhất là biết nhẫn nhục. Có nhẫn nhục thì mới hiền hậu. Hiền hậu đem lại niềm vui; có niềm vui mới sẵn lòng tha thứ, Có tha thứ là có tin tưởng, hy vọng và chịu đựng.

14 thánh thư của thánh Phaolô sắp theo thứ tự từ dài đến ngắn là giáo huấn xúc tích về đức mến, khuyên nhủ các tín hữu đông tây, kim cổ, trong số có tín hữu nước Việt hiện sống tâm tình Năm Thánh 2010.

5) Đức mến theo thánh Gioan:

Tuy văn phong có khác biệt nhưng tín lý giữa hai thánh tông đồ Phaolô và Gioan hoàn toàn đồng nhất. Đức mến là chủ đề đươc khai triền từ thánh thư thứ 1.

Thánh Gioan là môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến. Trong bữa tiệc ly, Gioan tựa đầu vào lòng Đức Giêsu (Ga 13,23). Thánh Gioan đứng cạnh thân mẫu của Người (Ga 19,26). Thánh Gioan đã tới mộ trước nhất. ‘‘Ông đã thấy và đã tin’’ (Ga 20,8). Thánh Gioan đã chứng kiến việc Chúa Giêsu hiện ra ở hồ Tibêria (Ga 21,7). ‘‘Người môn đệ đươc Chúa Giêsu thương mến’’ (danh hiệu của thánh Gioan). Chính vì tình thương mến này, trong bốn thánh sử, thánh Gioan là người duy nhất mang hồn thơ. Ngài viết lời tựa Phúc âm thứ tư theo thể thơ. Mặt khác, Phúc âm theo thánh Gioan cũng như thư thứ nhất của thánh nhân khai triển chủ đề tình yêu trong học thuyết công giáo.

Theo thánh nhân, ‘‘phàm ai yêu thương, thì đã được sinh ra từ Thiên Chúa, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không có lòng yêu thương là không nhận biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.’’ (1 Ga 4,7-8).

Trong câu kế tiếp, thánh nhân đã giải nghĩa tình yêu của Thiên Chúa: ‘‘Thiên Chúa đã sai Con Một đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nha.’’ (1 Ga 4,11).

Phúc âm theo thánh Gioan chép rằng: ‘‘Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này, là anh em có lòng yêu thương nhau’’ (Ga, 13,34-35). Giới răn này đã kết hợp giữa đức mến và tình huynh đệ (charité fraternelle).

6) Quyền tông huấn về Đức mến:

Trong tiếng Pháp, magistère (do tiếng latinh magister: thầy) là trách vụ giáo huấn của các vị giám mục và đức giáo hoàng, theo nhiệm vụ được Chúa Kitô giao cho các thánh tông đồ. Vì vậy, chúng tôi đề nghị chuyển ngữ magistère là quyền tông huấn. Có hai loại tông huấn: tông huấn thường và tông huấn đặc biệt về các vấn đề tín lý. Quyền này dựa trên giáo huấn của thánh Phaolô: ‘‘Hội thánh của Thiên Chúa hằng sống là cột trụ và điểm tựa của chân lý ‘’ (colonne et soutien de la vérité) (1 Tm 4,15). Hiến chế Lumen Gentium chỉ rõ ‘‘Hội thánh tiếp nhận từ các thánh tông đồ giới răn của Chúa Kitô và rao giảng chân lý cứu độ’’ (LG 17).

- Công đồng Trente (1542-1563):

Công đồng Trente là công đồng đại kết thứ 19 được Giáo hội công giáo công nhận. Công đồng do đức thánh cha Phaolô III triệu tập vào năm 1542 để đáp ứng thỉnh cầu của Martin Luther. Công đồng kéo dài 18 năm, với 25 khóa họp, trải qua 5 triều đại giáo hoàng, họp tại 3 thành phố. Công đồng Trente là một trong số các công đồng quan trọng, được công đồng Vatican II trích dẫn nhiều nhất. Phiên họp khoáng đại đầu tiên của công đồng diễn ra tại Nhà thờ lớn Trente (Ý) ngày 13-12-1545, tính đến ngày 13-12-2009 (ngày chúng tôi thuyết trình đề tài này tại Giáo Xứ Việt Nam tại Paris) là đúng 464 năm.

Theo công đồng Trente, đức mến không gì khác hơn là Chúa Thánh thần hành động trong ta. Chương 6 của sắc lệnh công đồng về thánh hóa (décret sur la justification), thường được gọi là biện chứng đời sống tình cảm đối thần (dialectique de la vie théologale affective), nhân đức này tiến triển không ngừng ơn thánh hóa (grâce sanctifiante) và đức mến (charité).

Theo các nghị phụ công đồng Trente, không ai đươc nên công chính nếu không được hưởng công nghiệp cuộc Tử nạn của Chúa Kitô. ‘‘Chúng ta tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tinh yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh thần mà Người ban cho chúng ta’’ (Rm 5,2-5).

- Công đồng Vaticanô II (1962-1965):

Đức Thánh Cha Gioan XXIII khai mạc công đồng Vaticanô II ngày 11-10-1962 sau 4 năm chuẩn bị. Có tất cả 80 hồng y, 7 thượng phụ, 2 594 tổng giám mục và giám mục, 97 bề trên dòng, 52 giáo dân, 101 quan sát viên ngoài công giáo, tổng cộng là 2932 vị. 17 vị giám mục miền Nam là những nghị phụ Việt Nam lần đầu tiên tham dự một công đồng đại kết.

Hai văn kiện công đồng quan trọng nhất đều đề cập đến đức mến:

Hiến chế Lumen Gentium : Trong phần kết luận, các nghị phụ cho rằng đức cậy chỉ trọn vẹn nếu đức mến nên trọn vẹn, như lời thánh Phaolô: ‘‘Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến’’ (1 Cr 13,13).

Theo điều 42 của Hiến chế, ‘‘Thiên Chúa là tình yêu, ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy’’ (1 Ga 4,16). ‘‘Vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà người ban cho chúng ta’’ (Rm 5,5). Chính vì vậy, ân sủng chủ yếu và tối cần chính là đức mến. ‘‘Đức mến như hạt giống tốt, tăng trưởng và trổ sinh hoa trái’’.

Điều 4 của hiến chế đề cập đến đức mến trong tương quan với các linh mục: ‘‘Theo hình ảnh của Linh mục Thượng phẩm muôn đời, là chủ chăn và giám mục chăm sóc linh hồn chúng con, trên hết, các vị chủ chăn của Chúa Kitô phải làm tròn chức vụ trong sự thánh thiện và lòng nhiệt thành, khiêm tốn và can đảm. Một sứ vụ chu toàn là phương cách thánh hóa lý tưởng. Được chọn trong sự viên mãn của chức linh mục, các ngài lãnh nhận ân sủng bí tích trong việc chu toàn nhiệm vụ đức mến nhờ lời cầu nguyện’’.

Hiến chế Gaudium et Spes: Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay là một trong các văn kiện quan trọng của công đồng Vaticanô II. Văn kiện này được 2 307 giám mục thông qua và được Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành ngày 8-12-1965, ngày cuối cùng của công đồng. Hiến chế bắt đâu bằng: Gaudium et Spes (Vui mừng và hy vọng), được dùng để đặt tên cho văn kiện lịch sử này. Hiến chế viết về tình yêu vợ chồng như sau: ‘‘Chúa Kitô ban dồi dào ơn phúc cho tình yêu muôn hình ấy, một tình yêu phát xuất từ nguồn mạch tình yêu Thiên Chúa và được tác thành theo gương kết hiệp của Chúa Kitô và Giáo Hội. Thực vậy, như xưa kia Thiên Chúa đến gặp gỡ dân Ngài bằng một giao ước yêu thương và trung thành, ngày nay Ðấng Cứu Thế, Bạn Trăm Năm của Giáo Hội, cũng đến với đôi vợ chồng qua Bí Tích Hôn Phối. Người còn ở lại với họ để hai vợ chồng cũng mãi mãi trung thành yêu thương nhau bằng sự tự hiến cho nhau như Người đã yêu thương Giáo Hội và đã nộp mình vì Giáo Hội. Tình yêu vợ chồng đích thực được kết nhập trong tình yêu Thiên Chúa, được hướng dẫn và thêm phong phú nhờ quyền năng cứu chuộc của Chúa Kitô và hoạt động cứu rỗi của Giáo Hội, để hai vợ chồng được dẫn dắt cách hữu hiệu đến cùng Thiên Chúa, cũng như được nâng đỡ và kiện cường trong nhiệm vụ cao cả làm cha mẹ. Bởi đó, vợ chồng Kitô hữu được củng cố và như được thánh hiến bằng một bí tích riêng để được lãnh nhận các bổn phận và phẩm giá của bậc sống họ; nhờ sức mạnh của bí tích này, họ được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô mà chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình của họ, nhờ đó tất cả đời sống của họ được thấm nhuần đức tin, cậy, mến, và càng ngày họ càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của họ và sự thánh hóa lẫn nhau; và bởi đấy, cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa.’’

Kết luận:

Trong phần mở đầu, chúng tôi đã nói đến sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đề cao ba nhân đức đối thần xuyên suốt lịch sử đạo công giáo ở Việt Nam. Trong phần kết luận chúng tôi lại xin trích dẫn huấn giáo của Đức Bênêdictô XVI, tác giả hai thông điệp đều nói về tình yêu: Caritas Deus Est (28-1-2006) và Caritas in veritate (7-7-2009). Trong bài buấn giáo ngày 27-11-2008, Đức Bênêdictô XVI đã nói đức tin mà không có đức mến không còn là đức tin thực sự, mà chỉ là đức tin chết. Tình yêu tha nhân mang ý nghĩa đặc biệt trong Kitô học. Chỉ những ai thương sót người anh em đau khổ, thiếu thốn mới thực hiện trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa. Thái đô dửng dưng, khép kín trước đồng loại là đóng cửa không đón nhận Chúa Thánh Thần, quên lãng Chúa Kitô và phú nhận tình yêu thương nhân loại của Ngôi Cha. ‘‘Vì xưa Ta đói, các người đã cho ăn; Ta khát, các người đã cho uống; Ta là khách lạ, các người đã tiếp rước; ta trần truồng, các người đã cho mặc; Ta đau yếu, các người đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các người đến hỏi han’’ (Mt.25,35-36). ‘‘Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy’’ (Mt 25,45).

Chúng ta cùng nghe ‘‘Khi xưa Ta đói’’ của Linh mục Thành Tâm, cảm hứng theo Mt 25,35-36: http://ThanhCaVietNam.org/ThanhCaVN/#Play,3396

Paris, ngày 8 tháng 12 năm 2009
 
Mùa Vọng và những đặc điểm trong Mùa Vọng có ý nghĩa gì?
Jos. Tú Nạc, NMS
12:04 08/12/2009
Mùa Vọng là gì?

Mùa Vọng, một từ bắt nguồn từ tiếng La-tinh “sự đến” hoặc “đang đến” là giai đoạn chuẩn bị cho sự ra đời của Chúa Trời. Mùa Vọng bắt đầu bốn Chúa Nhật trước lễ Giáng Sinh và cũng là sự bắt đầu mùa Giáng Sinh, nó kéo dài qua Lễ Rửa của Chúa chúng ta. Chúa Nhật thứ nhất MùaVọng cũng đánh dấu sự bắt đầu của năm phụng vụ, “Ngày Năm Mới” của Giáo Hội, vào lúc mà chúng ta thay đổi chu kỳ của những bài đọc trong Thánh Lễ.

Mùa Vọng là thời gian của niềm hoan hỷ trông chờ, nhưng cũng là của sự sám hối và chuẩn bị mừng Đại lễ Giáng Sinh. Màu phụng vụ của mùa này là màu đỏ tía, một biểu tượng của sự ăn năn thống hối, cũng được dùng trong Mùa Chay. Giáo hội cố gắng khuyên can việc trang hoàng lộng lẫy, nhạc vui tươi náo nhiệt, ngay cả lễ cưới trong Mùa Vọng, để ấp ủ một cảm giác mong đợi êm đềm.

Ai đã thiết lập Mùa Vọng?

Thomas J. Talley trong Những Nguồn Gốc của Năm Phụng vụ (the Origins of the Liturgical Year – Pueblo Publishing Company), thấy sự bắt đầu của mùa vọng trong Điều luật Thứ tư của Hội đồng Saragosa ( the Fourth Canon of the council of Saragosa) vào năm 380. Vào năm 567, Hội đồng Tôn giáo Tours (the Synod of Tours) đã thiết lập một tháng Mười Hai ăn chay. Và năm 581, Hội đồng Macon đạ ra lệnh một Mùa Vọng Chay cho dân chúng từ Lễ mừng Thánh Martin (11 tháng Mười Một) tới Lễ Giáng Sinh. Điều này dẫn đến cái tên Mùa Chay Thánh Martin.

Vào thế kỷ thứ bảy và thứ tám, những tập kinh giảng đã qui định sáu Chúa Nhật trong Mùa Vọng.

Theo Harper Collins Encyclopedia of Catholicism được biên soạn bởi Richard P. McBien, DGH Gregory, Nhân vật Vĩ đại, qua đời năm 604, là người sáng tạo thực sự của Mùa Vọng La Mã. Đức Gregory đã thiết lập mùa này vào bốn tuần và đã soạn kinh cầu mùa và những bài đáp ca. Gaul (Pháp) đã làm phong phú cho mùa này với những yếu tố thuộc thuyết mạt thế và sự liên hiệp những nghi thức của Pháp quốc Giáo hội và La Mã quay trở lại Giáo hội La Mã vào khoảng thế kỷ thứ 12.

Vòng hoa Mùa Vọng là gì?

Vòng hoa Mùa Vọng là một trong những truyền thống phổ biến nhất của chúng ta. Nguồn gốc của nó ở vào thời kỳ tiền Ki-tô giáo Đức và Bán đảo Thụy- Đan, nơi mà dân chúng tập trung để tưởng niệm sự trở lại của mặt trời sau điểm chí mùa đông. Vòng hoa hình tròn này được làm bằng những cây có lá xanh quanh năm với bốn cây nến trải đều tiêu biểu chu kỳ của một năm và cuộc sống kéo dài suốt mùa đông. Vì những ngày này dài hơn, người ta đã thắp sáng những ngọn nến để tạ ơn “thần mặt trời” cho sự sáng. Đối với chúng ta, ánh sáng của những ngọn nến Mùa Vọng tượng trưng sự hứa hẹn nhập thế của Chúa Giê-su, ánh sáng của thế gian.

Để làm một vòng hoa Mùa Vọng, bắt đầu với một vòng tròn Styrofoam, có thể mua ở những cửa hang mỹ nghệ. Và cắt bốn lỗ cân đối vào chỗ mà bạn sẽ cắm bốn cây nến. Theo truyền thống có ba cây nến màu đỏ tía và ba cây nến màu hồng (cho Chúa Nhật thứ ba), nhưng những cây nến màu xanh cũng có thể được dùng. Màu đỏ tía nhắc nhở chúng ta hướng tâm hồn của chúng ta về Thiên Chúa, màu hồng là màu của sự hân hoan. Đặt những nhánh cây xanh trên vòng Styrofoam. Thay thế chúng có khi người ta còn sấy khô để bảo vệ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Khuyến khích trẻ em tham gia nếu chúng có thể, bang cách gom những nhánh cây, đặt những cây nến v.v…

Tại sao những cây nến hồng thắp sáng là Chúa Nhât thứ ba Mùa Vọng?

Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng được biết đến như Chúa Nhật Mừng Vui bởi vì trong tiếng Latinh, những lời đầu tiên của phần mở đáp ca là “Gaudete in Domino Semper” (Luôn mừng vui trong Chúa”. Vào Chúa Nhật này, lễ phục màu hống được cho phép và cây nến hồng được thắp sáng như một điều nhắc nhở rằng chúng ta được gọi mời để hân hoan.

Cây Jesse là gì?

Một truyền thống cổ đại đã được hồi phục vào bán thế kỷ 20 như một như một việc làm thường xuyên Mùa Vọng. Cây Jesse tượng trưng cho gia đình Jesse, thân phụ Vua David. Tách khỏi dòng họ gia đình này, Thiên Chúa đã ép buộc thân xác và sống giữa nhân trần. Dòng dõi Chúa Giê-su theo Tin Mừng của Thánh Mathew (Mt 1:1-17) đặt tên một người từ mỗi thế hệ trước khi Chúa Giê-su ra đời. Cây Jesse có thể được làm bằng giấy, vải, những nhánh cây hoặc một cây Giáng Sinh đặt trên mặt bàn. Làm hoặc thêm sự trang trí mỗi ngày của Mùa Vọng để biểu hiện tổ tiên Chúa Giê-su.

Posadas là gì?

Từ “posada” có nghĩa là “nơi nương tựa” hay “hang thú.” Phong tục Mùa Vọng này phổ biến khắp thế giới nói tiếng Tây Ban Nha, diễn lại cuộc hành trình của Maria và Giu-se từ Nazareth tới Bethlehem và công việc tìm kiếm hang thú của họ dọc theo đường. Nghi thức tôn giáo này kéo dài chín ngày (từ ngày 16 đến 24 tháng Mười Hai). Thể hiện những tháng Mẹ Maria mang thai. Một nhóm người đi từ nhà này đến nhà khác trên đường quê của họ, đóng vai những người du hành trên đất lạ để cố tìm hang thú. Những người trong nhà là những người giữ quán trọ đã từ chối họ. Tại ngôi nhà cuối cùng tất cả đều được mời vào cầu nguyện và thanh tẩy nghỉ ngơi.

Những ngày lễ trọng nào rơi vào trong thời gian Mùa Vọng và Giáng Sinh?

Ở Hoa kỳ, Lễ mừng Sự Thụ Thai Trinh Khiết, ngày 8 tháng Mười Hai, là một ngày lễ buộc. Mẹ Maria là người bảo trợ của Hoa Kỳ dưới tiêu đề này. Những lễ khác là ngày Giáng Sinh, 25 tháng Mười Hai, và Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, ngày 1 tháng Một. Trong những năm khi ngày 1 tháng Một rơi vào thứ Bảy hoặc thứ Hai lễ buộc được tùy ý lựa chọn.

Thánh Nicolas là sự thực?

Thánh Nicolas Myra đã sống và giành được uy tín về sự thiêng liêng thánh thiện lâu dài trước khi Giáo Hội bắt đầu tiến trinh tuyên phúc trang trọng của mình. Ngài đã được công nhận là thánh bởi tính chất thừa nhận thán phục đông đảo.

Những nhà sử học và những nhà viết tiểu sử thánh nhân đều viết một cách khái quát rằng nhiều điều được nói về Nicolas là truyền thuyết. Lại nữa, nên nhớ rằng vào thời Nicolas không có sự điều tra nghiên cứu và chứng thực về những phép lạ được xác nhận trước lúc qui luật phong thánh ra đời. Việc giải thích nguồn gốc nguyên nhân những điều kỳ diệu và lạ lùng đối với một cá nhân là cách thức cổ đại về sự kết tội những người biểu lộ về sự linh thiêng của cá nhân đó.

Bạn vẫn thấy Nicolas được liệt kê trong những từ điển thánh nhân khác nhau, chẳng hạn, Dictionary of Saints – John Delaney (Doubleday). Và bạn cũng thấy Nocolas được ghi trong lịch La Mã vào ngày 6 tháng Mười Hai. Ở đó, Ngài được ghi rõ sự tưởng nhớ tùy ý lựa chọn. Mặt khác, những thánh đường và cộng đồng vào ngày này có thể chọn để cử hành nghi lễ hoặc phụng vụ tôn vinh Thánh Nicolas hoặc nghi thức phụng vụ vào một ngày thường trong Mùa Vọng.

(Nguồn: American Catholic)
 
Mẹ Vô Nhiễm
Ngô xuân Tịnh
17:40 08/12/2009
Khiết trinh hơn đóa hoa sen
Mùi bùn không thể vương lên chút nào
Quyền năng Thiên Chuá tối cao
Dựng nên tuyệt phẩm quà trao loài người
Mẹ là vô nhiễm trinh thai
Mẹ là tạo vật an bài quyền năng
Hương thơm hoa huệ trắng ngần
Quý hơn tất cả châu trân loài người
Đồng quy phẩm hạnh hương Trời
Ngôi nhà tiền định tuyệt vời Chúa Cha
Ngôi Hai Thiên Chúa chính là
Ngôi Lời nhập thế đến và trở nên
Con Người mặc lốt phàm nhân
Công trình cứu độ trao ban loài người
Mẹ là Mẹ của Chúa Trời
Mẹ là Mẹ của loài người chúng con
Xin dâng lên Mẹ xác hồn
Bàn tay Mẹ dẫn lối mòn sớm trưa
Cầu đời lắt lẻo đong đưa
Trong bàn tay Mẹ con chưa sợ gì
Trần gian thử thách dẫn về
Thiên đàng bến đợi tràn trền phúc vinh.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:50 08/12/2009
BẠN LỚN CỦA RỒNG (1)

N2T


Có một người đi đến bác sĩ thần kinh nói rằng cứ mỗi buổi tối đều có một con rồng quái dị ba chân ba đầu đến quấy rầy ông ta, làm cho tinh thần của ông ta suy nhược, đêm đêm mất ngủ, nhiều lần suy sụp, thậm chí lại còn có ý định tự sát nữa.

- “Tôi nghĩ là tôi có thể giúp được.” bác sĩ nói tiếp: “Nhưng tôi cảnh cáo trước với ông là cần phải có thời gian một hai năm, hơn nữa phải tốn ba ngàn đồng.”

- “Ba ngàn đồng !” người đàn ông kinh ngạc la lên: “Vậy thì thôi vậy, về nhà tôi sẽ nghĩ cách làm bạn với nó vậy !”

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Có người vì sợ tốn tiền mà không đi khám bệnh chữa bệnh, để rồi khi bệnh nặng thì không chữa kịp, làm khổ mình và làm khổ người thân trong gia đình.

Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu cũng như thế: có người biết mình đang sống trong tội nhưng vẫn không dứt ra khỏi tội; có người biết những sai lầm của mình nhưng không chịu sửa đổi; lại có người vì sợ trở thành “thánh” không có dịp để hưởng thụ những thú vui trên đời, nên chấp nhận sống với tội lỗi để hưởng thụ mọi sự của thế gian.

Không ai có thể làm bạn với con rồng ba chân ba đầu vì nó dữ tợn khủng khiếp, không thể thỏa hiệp chung sống với thú dữ vì sẽ có ngày sẽ bị thú dữ làm hại.

Con rồng dữ ba chân ba đầu chính là tội lỗi, và không ai có thể chấp nhận sống chung với tội lỗi, bởi vì sẽ có ngày mất linh hồn và trở thành công cụ đắc lực nhất của ma quỷ.

---------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:51 08/12/2009
N2T


34. Đức nhẫn nại khiến cho người ta trong hoàn cảnh thuận lợi biết tự mình khiêm tốn, trong nghịch cảnh thì biết điềm tĩnh.

(Thánh Cyprianus)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:53 08/12/2009
N2T


311. Thành thực mới là hạt nhân của đạo đức.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Benedict XVI lưu tâm đến tình trạng đau thương của Giáo Hội Ái Nhĩ Lan
Bùi Hữu Thư
10:35 08/12/2009
Rôma, Thứ Hai 7 tháng 12, 2009 (Le Monde vu de Rome) – Linh Mục Federico Lombardi, Giám đốc Văn Phòng Truyền Thông của Tòa Thánh đã xác định với giới báo chí ngày thứ hai 7 tháng 12, là Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ tiếp kiến Đức Hồng Y Sean Brady, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ái Nhĩ Lan và Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin, Tổng Giám Mục Dublin, ngày thứ sáu 11 tháng 12 này.

Linh mục Lombardi xác nhận: Thực tâm Đức Thánh Cha muốn biết rõ và lượng giá “tình trạng đau thương của Giáo Hội Ái Nhĩ Lan sau khi phúc trình của ‘Uỷ Ban Murphy’ được công bố mới đây.”

Các giới hữu trách của Tòa Thánh và Khâm Sứ Tòa Thánh tại Ái Nhĩ Lan cũng sẽ hiện diện trong buổi tiếp kiến.

Phúc Trình Murphy, được phổ biến ngày 20 tháng Năm vừa qua bởi Bộ Tư Pháp của Chính Phủ Ái Nhĩ Lan, cho hay Tổng Giáo pHận Dublin và các giới chức khác trong Giáo Hội đã che dấu những việc bạo hành và xử tệ đối với các trẻ em do các linh mục vi phạm trong các cơ sở Công Giáo Ái Nhĩ Lan.

Tổng Giáo phận Dublin như vậy đã che dấu trên 300 trường hợp bạo hành do trên 40 linh mục đã vi phạm trong gần 30 năm.

Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin, Tổng Giám Mục Dublin cho hay: Sau khi được biết nội dung chi tiết của phúc trình vào tháng 6 vừa qua, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã tỏ ra “rất xúc động và bất bình, khi nghe được một số những điều ghi trong phúc trình Ryan, khi nghe biết những nỗi đau khổ của các trẻ em, và những hành vi hoàn toàn trái nghịch với cách biểu hiệu tình yêu của Thiên Chúa.” Ngài cũng khẳng định rằng Đức Thánh Cha Benedict XVI đã yêu cầu “duyệt xét kỹ kưỡng” đời sống của Giáo Hội Ái Nhĩ Lan.

Ngày 27 tháng 11 vừa qua, Tổng Giám Mục Dublin đã xin tha thứ cho việc che dấu các trường hợp bạo hành trẻ em. Ngài cũng nhấn mạnh: “Mãi mãi sẽ không thể có lời xin lỗi nào cho đầy đủ.”
 
VietCatholic phỏng vấn Đức Hồng Y George Pell và các Giám Mục Úc trong lễ Cung Hiến Đền Thờ Perth
Đặng Tự Do
11:30 08/12/2009
Từ Perth, thủ phủ miền Tây Úc Đại Lợi, Đức Hồng Y George Pell Tổng Giám Mục Sydney, Đức Tổng Giám Mục Barry James Hickey của tổng giáo phận Perth, thư ký Hội Đồng Giám Mục Úc Châu và Đức Cha Phụ Tá Don Sproxton lên tiếng ca ngợi cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại địa phương và trên toàn thế giới đã quảng đại giúp đỡ về tài chính và lời cầu nguyện trong việc xây dựng Vương Cung Thánh Đường Perth.

Lời cám ơn đặc biệt của các Giám Mục Úc Châu đã được gởi đến thông tấn xã Công Giáo VietCatholic trong nỗ lực quảng bá cho việc xây cất ngôi Vương Cung Thánh Đường hiện đại này. Đức Hồng Y George Pell và các Giám Mục Úc tại Perth đã dành cho VietCatholic một cuộc phỏng vấn ngay sau khi kết thúc thánh lễ. Linh mục nhạc sĩ Phêrô Nguyễn Mộng Huỳnh quản nhiệm Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Tây Úc cũng đã dành cho VietCatholic một cuộc phỏng vấn về những đóng góp của cộng đoàn Việt Nam trong việc xây dựng ngôi thánh đường này. Xin xem trong video.

Hôm nay 8 tháng 12 năm 2009, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là một ngày đáng ghi nhớ trong lịch sử của tổng giáo phận Perth. Đó là ngày ngôi Vương Cung Thánh Đường xây dựng 144 năm - nay đã hoàn tất với đợt xây dựng và đại trùng tu cuối cùng mà kinh phí lên đến 32 chấm 9 triệu Úc Kim.

Hôm nay là ngày khải hoàn của tất cả những ai đã dự phần vào việc xây dựng một chứng tích lâu dài cho các thế hệ mai sau về tình yêu và niềm tin vào Thiên Chúa và Giáo Hội của cha ông họ. Trong niềm tự hào và vinh dự chung của tổng giáo phận, anh chị em trong cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Tây Úc cũng cảm thấy rất hãnh diện. Những người chạy trốn cộng sản, đặt chân đến mảnh đất này không một đồng xu dính túi, đã đóng góp nhiều nhất trong con số 32 chấm 9 triệu Úc Kim.

Ngược dòng lịch sử, hai ngày trước Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm 1859, thống đốc tiểu bang là ông Arthur Kennedy đã cấp cho Giáo Hội Công Giáo mảnh đất tại đây, ngay giữa khu thị tứ của thành phố để xây Vương Cung Thánh Đường theo lời thỉnh cầu của Đức Cha Serra.

4 năm sau đó, ngày 8/2/1863, Đức Cha Salvado của giáo phận New Norcia đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi thánh đường.

Hai năm sau, ngày 29/1/1865, ngôi thánh đường này đã được cha Griver khánh thành dù chưa hoàn thành hết các hạng mục. Nhiều phần phải bỏ dỡ vì việc xây cất nhà thờ gặp rất nhiều khó khăn do dân số Công Giáo trong vùng quá ít ỏi.

Tuy nhiên, tình hình có những thay đổi thuận lợi hơn sau khi mỏ vàng được khám phá tại Kalgoorlie. Từ tháng 6 năm 1893, những người Âu Châu tấp nập đổ về sinh sống tại Tây Úc khiến dân số Công Giáo gia tăng đáng kể. Năm 1905, một cố gắng nữa đã được đưa ra dưới thời Đức Cha Gibney và đã hoàn thành thêm được một số hạng mục nữa.

Ngày 25/4/1926 Đức Tổng Giám Mục Clune đặt viên đá đầu tiên trùng tu ngôi thánh đường này với hy vọng đó là lần chót mọi sự sẽ được hoàn tất. Tuy nhiên, 4 năm sau đó, trước một cộng đoàn đông đảo gồm 17,000 anh chị em giáo dân, đang phải cố vượt qua những khó khăn của cuộc Đại Khủng Hoảng năm 1930, Đức Cha Clune đã khánh thành ngôi nhà thờ vẫn còn nhiều phần dở dang. Ngài tuyên bố “Chúng ta phải đành để lại cho hậu thế những phần còn lại chúng ta không có khả năng hoàn tất được”.

Hai năm trước đây, tháng 2 năm 2007, khi nền kinh tế Úc đang lên "vùn vụt", Đức Tổng Giám Mục Barry James Hickey khởi công trùng tu và hoàn thành hết các hạng mục bị bỏ dở từ năm 1930 với hy vọng có thể khánh thành vào ngày 15/8 năm nay.

Tuy nhiên, lại một lần nữa, khủng hoảng tài chính thế giới lại xảy ra. Những khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay cũng đã có những tác động sâu xa đến tiến trình xây dựng ngôi thánh đường này. Nhưng, cuối cùng, tổng giáo phận đã vượt qua được hết những khó khăn và hôm nay đây là ngày khải hoàn.

Trong buổi lễ hôm nay, chúng tôi nhận thấy có đông đảo các Giám Mục Úc Châu gồm hơn 20 vị trong đó có Đức Hồng Y George Pell của tổng giáo phận Sydney, Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Lazzarotto sứ thần Tòa Thánh tại Úc, Đức Tổng Giám Mục Barry James Hickey của tổng giáo phận Perth, thư ký Hội Đồng Giám Mục Úc Châu và Đức Cha Phụ Tá Don Sproxton, và hàng trăm các linh mục của tổng giáo phận và các giáo phận trên toàn nước Úc. Trong số này có đông đảo các linh mục Việt Nam chúng ta.

Nghi thức cung hiến Vương Cung Thánh Đường là một cử hành trọng thể ở ba lãnh vực khác nhau. Trước hết, chúng ta cung hiến một tòa nhà dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa.

Tiếp theo đó, toàn thể cộng đoàn dân Chúa hình thành nên nhiệm thể của Giáo Hội được tái cung hiến như một đền thờ của Thiên Chúa.

Và sau cùng mỗi cá nhân chúng ta được tái cung hiến cho Thiên Chúa và cho anh chị em chúng ta.

Trong buổi lễ hôm nay chúng tôi đã có dịp phỏng vấn các vị Hồng Y, Tổng Giám Mục, và Giám Mục. Sau đây là những lời các ngài gởi đến quý vị độc giả của VietCatholic và cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Tây Úc.

Lời chào của Đức Hồng Y George Pell, Tổng Giám Mục Sydney

Good evening, I am very happy to say a word to the Vietnamese Catholic Community over here in Western Australia.We’ve had a magnificent evening in the new cathedral. It’s a beautiful marriage of the old and the new, a wonderful place of worship it would be a marvelous public sign of importance of God and his son Jesus. I know the wonderful work the Vietnamese, the Australian Vietnamese has done in Sydney and I believe that they made a big contribution to this cathedral too so I ask God to bless you, to bless all your families so that you can hand on the faith onto the young people and continue the all the marvelous work that you’re doing, may God bless you all.

Chào anh chị em,

Tôi rất vui được nói vài lời với cộng đoàn Công Giáo Việt Nam nơi miền đất Tây Úc. Chúng ta vừa trải qua một buổi chiều huy hoàng nơi Vương Cung Thánh Đường mới này. Thật là một cuộc giao duyên tuyệt đẹp giữa cái cũ và cái mới, một nơi phượng tự tuyệt vời như một dấu chỉ công khai về tầm quan trọng của Chúa Cha và Chúa Con. Tôi biết những nỗ lực tuyệt vời của người Việt Nam, của những người Úc gốc Việt ở Sydney. Và tôi tin chắc rằng người Việt Nam nơi đây cũng đã đóng góp lớn lao cho Vương Cung Thánh Đường này. Vì thế, tôi khẩn xin Thiên Chúa ban phép lành cho anh chị em, cho gia đình anh chị em để anh chị em có thể truyền lại niềm tin cho thế hệ trẻ và tiếp tục những công việc tuyệt vời anh chị em đang thực hiện. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.

Lời chào của Đức Tổng Giám Mục Barry James Hickey của tổng giáo phận Perth

I would like to greet the Vietnamese Catholics wherever they are. I’m Archbishop Barry Hickey speaking from Perth. We’ve just opened our cathedral, it’s the most beautiful building, it was an old building and had many changes and now we’ve put a modern part on it and it looks splendid. It’s a real place of prayer, when you come to Perth why not call in and you’ll be surprised at how beautiful this cathedral is and you’ll knell down and thank God. God bless you all and have a happy Christmas.

Tôi chào thăm những người Công Giáo Việt Nam khắp nơi trên thế giới. Tôi là Tổng Giám Mục Barry Hickey đang nói với anh chị em từ Perth. Chúng tôi vừa mới khánh thành Vương Cung Thánh Đường. Đây là một nhà thờ cổ và đã có nhiều thay đổi và giờ đây chúng tôi đã đưa một phần hiện đại thêm vào, đến nay ngôi thánh đường trông rất huy hoàng. Đây thực sự là nơi cầu nguyện. Khi anh chị em ghé thăm Perth đừng quên ghé thăm thánh đường này. Khi đó, anh chị em sẽ kinh ngạc trước vẻ đẹp của ngôi đền thờ, cũng như sẽ bái gối tán tụng Thiên Chúa. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và cầu chúc anh chị em Mùa Giáng Sinh vui vẻ.

Lời chào của Đức Giám Mục Phụ Tá Don Sproxton của tổng giáo phận Perth

So we’ve just completed the mass of dedication for the cathedral and the Feast of the Immaculate Conception and we’ve had a wonderful celebration a very appropriate way for us to open the cathedral and to invite the people back from the parish that they’ve been for 3 years. We’ve invited them back to be the people of the cathedral parish. So tonight is a wonderful occasion and were very grateful for all of the help that we’ve received particularly from the Vietnamese community and also their prayers of support from all over the world, because I’ve understand that from the last time I spoke to you many of you have shown great interest in this project so we thank you and I’m sure the Blessed Mother will pray for us and bless us as we go forward from this night of this opening and we create a wonderful parish community here within in the city.Thank you.

Chúng ta vừa kết thúc thánh lễ cung hiến Vương Cung Thánh Đường và thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Chúng ta vừa trải qua một buổi cử hành tuyệt vời trong một cách thức xứng hợp để khánh thành Vương Cung Thánh Đường và mời gọi anh chị em trở về ngôi nhà thờ mình sau 3 năm xây dựng. Vì thế tối nay thật là dịp tuyệt vời. Chúng tôi chân thành cám ơn sự trợ giúp đặc biệt của cộng đoàn Công Giáo Việt Nam và lời cầu nguyện của anh chị em từ mọi nơi trên thế giới. Tôi biết là từ lần sau cùng tôi thưa chuyện với anh chị em, nhiều người trong anh chị em đã chú ý đến đề án này. Cho nên, tôi cám ơn anh chị em và tôi tin chắc rằng Đức Mẹ sẽ cầu bầu cho chúng ta và ban phép lành cho chúng ta từ đêm khánh thành nhà thờ này trở đi. Tôi tin là chúng ta sẽ hình thành một cộng đoàn tuyệt vời nơi thành phố này. Cám ơn anh chị em.
 
Đức Thánh Cha đề nghị liệu pháp chính trị hữu hiệu trong việc hỗ trợ các gia đình
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
13:25 08/12/2009
ROMA - Chúa nhật 06/12 /2009 (zenit.org)- Đức giáo hoàng Bênêdictô XVI đề nghị giải pháp chính trị hiệu quả trong việc trợ giúp các gia đình đông con.

Đức Thánh Cha đã ngỏ lời chào đến hiệp hội gia đình đông con tại Italia sau khi đọc Kinh Truyền Tin. Hiệp hội này đã tham dự buổi cầu nguyện Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật vừa rồi tại quảng trường Thánh Phêrô.

« Cha gửi lời chào nồng hậu đến các khách hành hương nói tiếng Ý, cách riêng đối với Hiệp Hội gia đình đông con tại Ý vốn tâm đắc phương châm: « Càng Đông con, càng có tương tương lai ».

« Anh chị em thân mến, Cha cầu nguyện cho các con, Đức Thánh Cha nói tiếp, ngõ hầu sự quan phòng của Thiên Chúa luôn luôn dìu dắt anh chị em trong mọi lúc khi trong khi an vui cũng như trong khi gian nan nguy khó. Cha ước mong rằng những liệu pháp chính trị hữu hiệu không ngừng phát triển để hậu thuẫn cho các gia đình nói chung, và các gia đình đông con nói riêng ».

Buổi diễu hành với khẩu hiệu « càng đông con, càng có tương lai » đã quy tụ khoảng 400 gia đình tại Roma. Trước đó, các gia đình đã tham dự thánh lễ Chúa Nhật tại Vương Cung Thánh Đường của Vatican.

Buổi xướng Kinh Truyền Tin kết thúc bằng màn thả bóng bay trên bầu trời. Đoàn người này sau đó đã tụ tập trên những đường phố Roma để ăn trưa. Bữa ăn được tổ chức với sự cộng tác của Hội Những Người Trồng Trọt Ý.
 
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tín thác nơi Mẹ Thiên Chúa
LM. Trần Đức Anh, OP
13:44 08/12/2009
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi các tín hữu tín thác nơi Mẹ Thiên Chúa giữa những thử thách trong cuộc sống.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài huấn dụ ngắn tại buổi đọc kinh Truyền Tin trưa hôm 8-12-2009, lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, với hàng chục ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới trời mưa nhẹ.

Sau khi giải thích về mầu nhiệm Đức Mẹ vô nhiễm và sự vâng phục của Mẹ đối với thánh ý Thiên Chúa, ĐTC nói: ”Mỗi khi chúng ta cảm nghiệm sự yếu đuối của mình và cám dỗ, chúng ta có thể hướng về Mẹ và tâm hồn chúng ta nhận được ánh sáng và an ủi. Cả trong những thử thách của đời sống, trong những bão tố làm lung lay niềm tin cậy, chúng ta hãy nghĩ mình là con của Đức Mẹ và căn cội cuộc sống của chúng ta ăn rễ sâu trong ơn thánh vô biên của Thiên Chúa. Cả Giáo Hội, dù bị những ảnh hưởng tiêu cực của thế giới, luôn tìm được nơi Mẹ ngôi sao hướng dẫn và bước theo con đường Chúa Kitô đã chỉ”.

Và ĐTC kết luận rằng ”Mẹ Maria thực là Mẹ Giáo Hội như Đức Phaolô 6 và Công đồng chung Vatican 2 đã long trọng tuyên xưng. Vì thế trong khi chúng ta cảm tạ Chúa vì dấu chỉ tuyệt vời lòng từ nhân của Ngài, chúng ta hãy phó thác cho Đức Mẹ Vô Nhiễm mỗi người chúng ta, gia đình, cộng đoàn, toàn thể Giáo Hội và thế giới”

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC đặc biệt chào các thành viên Hàn lâm viện Tòa Thánh về Đức Mẹ Vô Nhiễm, với ĐHY Maria Deskur người Ba Lan làm chủ tịch, hiện diện tại buổi đọc kinh.

Kính viếng tượng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm

Lúc 4 giờ chiều cùng ngày 8-12-2009, theo truyền thống lâu đời của các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm, ĐTC đã đến Quảng trường Tây Ban Nha đặt vòng hoa và cầu nguyện trước tượng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, đối diện với trụ sở của Bộ truyền giáo.

ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma, ĐHY Julian Herranz người Tây Ban Nha, nguyên chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật, cùng với Ông thị trưởng Gianni Allemano của thành Roma, và đông đảo tín hữu đã chào đón ĐTC. Đặc biệt có hàng chục bệnh nhân ngồi trên ghế lăn được ở gần tượng đài Đức Mẹ.

Ngỏ lời với các tín hữu tại chân tượng đài Đức Mẹ, ĐTC nhắc đến sự hiện diện của Mẹ giữa lòng các thành phố Kitô, qua các thánh đường, nhà nguyện, các bích họa, và tại Quảng trường Tây Ban Nha ở Roma này. Sự hiện diện của Đức Mẹ nhắc nhở cho chúng ta về Tin Mừng ”Nơi nào nhiều tội lỗi thì ơn thánh càng trổi vượt hơn” (Rm 5,20).

ĐTC nói: ”Chúng ta rất cần Tin Mừng này dường nào. Thực vậy, mỗi ngày qua báo chí, truyền hình, truyền thanh, sự ác được kể lại, lập lại, phóng đại làm cho chúng ta trở nên quen thuộc với những điều kinh khủng nhất, khiến chúng ta không còn nhạy cảm nữa và có thể nói là bị ngộ độc, vì sự ác không hoàn toàn bị loại bỏ và ngày qua ngày nó tích lũy. Con tim trở nên chai đá và tư tưởng trở nên đen tối. Vì thế, thành phố này đang cần Mẹ Maria, sự hiện diện của Mẹ nói với chúng ta về Thiên Chúa, nhắc nhở chúng ta về chiến thắng của Ơn Thánh trên tội lỗi và giúp chúng ta hy vọng cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất xét theo loài người”.

ĐTC tố giác xu hướng lên án người khác, và các phương tiện truyền thông có xu hướng làm cho chúng ta trở thành ”khán giả”, như thể sự ác chỉ liên hệ tới người khác mà thôi, mà quên đi những khuyết điểm của mình. Trong bối cảnh đó, ngài cảnh giác chống lại sự ô nhiễm về tinh thần, không kém phần nguy hiểm so với sự ô nhiễm về môi sinh. Sự ô nhiễm tinh thần làm cho khuôn mặt chúng ta không còn nụ cười, u tối, không còn chào và nhìn mặt nhau nữa. Chúng ta nhìn mọi sự một cách hời hợt.

Và ĐTC nói rằng: ”Đức Mẹ Vô Nhiễm giúp chúng ta tái khám phá và bảo vệ chiều sâu của con người, vì nơi Mẹ có sự trong sáng hoàn toàn của linh hồn trong thân xác. Mẹ dạy chúng ta cởi mở đón nhận hoạt động của Thiên Chúa, nhìn tha nhân như Chúa nhìn họ, nhìn họ với lòng từ bi, yêu thương và dịu dàng vô biên”.

Trước khi đến tượng đài Đức Mẹ, ĐTC đã dừng lại trước Nhà Thờ dòng Đa Minh ở đầu đường Condotti để đón nhận lời chào mừng của hiệp hội các nhà doanh thương tại con đường nổi tiếng này. (SD 8-12-2009)
 
Đức Thánh Cha cầu xin Đức Mẹ giúp đỡ chúng ta trong việc tìm kiếm sự thánh thiện
Bùi Hữu Thư
23:19 08/12/2009
Kinh Truyền Tin ngày 8 tháng 12, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Rôma, Thứ Ba ngày 8 tháng 12, 2009 (Le Monde vu de Rome) – Trong kinh Truyền Tin ngày 8 tháng 12, nhân dịp Lễ Trọng Mừng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người: “Chúng ta hãy cầu xin Đức Nữ Đồng Trình Vô Nhiễm Nguyên Tội đồng hành với chúng ta trên con đường trở lại và tìm kiếm sự thánh thiện.”

Trước các khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã lập lại về “niềm vui vô biên chúng ta đã có Đức Vô Nhiễm Nguyên Tội là Mẹ!” Ngài giải thích: “Mỗi khi chúng ta cảm nghiệm được sự mỏng dòn cuả chúng ta và bị sự dữ cám dỗ, chúng ta có thể quay về Mẹ, và trái tim chúng ta sẽ nhận được ánh sáng và niềm an ủi.”

Đức Thánh Cha tiếp: “Ngay trong những thử thách của cuộc đời, khi những sóng gíó ba đào làm lung lay đức tin và niềm hy vọng, chúng ta phải nghĩ rằng chúng ta là con cái của Mẹ và nguồn gốc của sự hiện hữu của chúng ta đã bắt rễ sâu vào ân sủng vô biên của Thiên Chúa. Chính Giáo Hội, dù bị phơi bầy trước các ảnh hưởng tiêu cực của thế giới, vẫn luôn tìm được nơi Mẹ ngôi sao soi lối để đi theo con đường được Chúa Kitô hướng dẫn.”

Ngài đã khẳng định: “Đức Mẹ chính là Mẹ của Giáo Hội. Trong khi chúng ta cảm tạ Thiên Chúa về dấu chỉ tuyệt vời này của lòng nhân ái của Người, chúng ta hãy gửi gấm nơi Đức Mẹ Maria Đồng Trình mỗi người trong chúng ta, gia đình chúng ta và mọi cộng đoàn, tất cả Giáo Hội và toàn thể thế giới.”
 
Top Stories
SRI LANKA: Une église catholique a été attaquée au nord de Colombo par des bouddhistes extrémistes
Eglises d'Asie
10:10 08/12/2009
Le 6 décembre dernier, un groupe de plusieurs centaines d’individus armés de bâtons et de sabres a pris d’assaut l’église catholique Notre-Dame de la Rose mystique à Crooswatta, dans la paroisse de Kotugoda, à Ja-Ela, à quelques kilomètres au nord de Colombo, alors que venait de s’achever la messe de 7 h 00 du matin. Le groupe, constitué de bouddhistes extrémistes, a saccagé l’édifice, brisant les statues, l’autel et tout le mobilier liturgique avant de s’en prendre au curé de la paroisse, le P. Jude Denzil Lakshman, qui essayait faire fuir les fidèles. Le prêtre, attaqué au sabre, n’a eu la vie sauve que grâce à l’intervention d’un jeune paroissien. Les assaillants ont également incendié la voiture du prêtre ainsi que plusieurs véhicules dont la plupart étaient des motocyclettes appartenant à des familles pauvres. Blessés, plusieurs paroissiens ont dû être transportés à l’hôpital.

A l’annonce de l’attaque de leur église, quelque 500 catholiques ont organisé un sit-in dans les rues en signe de protestation, réclamant que la police arrête les responsables de l’agression. Pour le moment, une seule personne a été écrouée par les forces de l’ordre.

Dans cette localité où coexistent, non sans tensions, quelque 300 familles catholiques et 350 familles bouddhistes, la paroisse catholique ne peut achever la reconstruction de l’église, commencée en 2007, en raison des violences commises par des bouddhistes extrémistes, encouragés par les responsables du monastère bouddhique voisin. Les heurts entre les deux communautés ont pris de l’ampleur ces dernières années. En 2006, une statue de la Vierge Marie avait été fracassée et, en 2007, toutes les statues de l’église détruites. Le 6 octobre 2007, malgré une première décision de justice en faveur des chrétiens, la police de Ja-Ela avait suspendu la célébration de l’Eucharistie, en plein office, pour « troubles à l’ordre public ». Quelques jours auparavant, le responsable du monastère bouddhique voisin avait menacé la communauté catholique de « lui retirer une quinzaine de vies » si la construction de l’église n’était pas stoppée immédiatement, la présence d’un édifice chrétien étant « une insulte » pour toutes les familles bouddhistes de la région.

En 2008, la Cour suprême, saisie par la communauté catholique de Crooswatta, avait annulé la décision de la police locale interdisant les travaux d’agrandissement de l’église et l’accroissement des activités de la paroisse, avec la création notamment de classes de catéchisme et la célébration d’offices supplémentaires. Le 28 juillet 2008, le juge avait réaffirmé le droit constitutionnel de tout citoyen à la liberté de religion et de culte et ordonné la reprise des travaux et des activités liturgiques et paroissiales.

Dès l’annonce de l’attaque du 6 décembre dernier, des policiers ainsi que des forces armées ont été déployés sur place afin de prévenir d’autres incidents. Une base de l’armée de l’air, située à proximité de l’église de Crooswatta, a fourni des unités pour sécuriser la zone, tandis que plusieurs hauts responsables du gouvernement, dont le ministre de l’Aviation, étaient dépêchés sur les lieux.

La communauté catholique et ses représentants, dont le P. Cyril Gamini Fernando, vicaire épiscopal de la région nord de l’archidiocèse de Colombo, ont rapporté aux enquêteurs que la police locale était demeurée passive à chacun des incidents qui s’étaient produits à propos de l’église, allant jusqu’à relâcher les personnes qui avaient été reconnues par des témoins comme des assaillants, sans jamais fournir la protection de la communauté chrétienne demandée par la Cour suprême en 2008.

De son côté, Mgr Malcom Ranjith Patabendige Don, archevêque de Colombo, a instamment demandé que les mesures de sécurité mises en place par les forces de l’ordre concernent non seulement l’église mais aussi et surtout les paroissiens. Outre l’église, les maisons des chrétiens du village sont en effet régulièrement attaquées et mises à sac.

Le curé de Notre-Dame de la Rose mystique, explique cette nouvelle attaque de son église (la troisième en quatre ans) « par la peur ressentie par une majorité de bouddhistes face au nombre croissant de chrétiens dans la région (...) ». En revanche, il rejette catégoriquement les informations diffusées par des médias locaux selon lesquelles ce serait l’attaque par des catholiques d’un temple bouddhique qui aurait amené des bouddhistes à s’en prendre à sa communauté, en représailles (1).

(1) www.archdioceseofcolombo.com, 6 décembre 2009; Guardian, 16 octobre 2007; Ucanews, 7 décembre 2009; Asianews, 15 octobre 2007.

(Source: Eglises d'Asie, 8 décembre 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Kính mời tham dự trò chơi - Trời cho mang tên''Vần Thơ Dâng Mẹ''
Lm. Trăng Thập Tự
09:07 08/12/2009
KÍNH MỜI THAM DỰ TRÒ CHƠI – TRỜI CHO MANG TÊN “VẦN THƠ DÂNG MẸ”

Phong trào ĐOAN HỨA GIỮ GÌN KHIẾT TỊNH TRƯỚC HÔN NHÂN đang được nhiều bạn trẻ khắp nơi hưởng ứng.

Thứ Bảy, ngày 5.12.2009, nhóm Sinh Viên Công Giáo Vinh tại Qui Nhơn đã vừa mừng Đại Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, bổn mạng nhóm, bằng cuộc hành hương về Gò Thị ( Thánh Anrê Kim Thông ) và đền thánh Vĩnh Thạnh ( Thánh Giám Mục Stêphanô Thể ) với chủ đề “Sen giữa lầy”.

Chủ đề này đã gợi hứng cho Linh Mục Trăng Thập Tự viết nên một bài thất ngôn bát cú kính mừng Mẹ. Bài thơ đã được chia sẻ trong Thánh Lễ nhóm tại Nhà Thờ Gò Thị.

Mời bạn thưởng thức bài thơ và tham dự trò chơi – trời cho này theo thể lệ ghi sau bài thơ.

SEN GIỮA LẦY

Về thăm vườn cũ thuở Ê-đen
Thanh thoát ô kìa một đóa sen.
Trong trắng giữa lầy trong trắng gọi
Lặng thầm trên sóng lặng thầm khen.
Gọi mời ai giữ gìn cao quý
Khen ngợi Ai thương đoái mọn hèn.
Hướng tạ ơn Trời chưa nháy mắt
Ngoảnh nhìn sen đã nở đua chen.


Trăng Thập Tự

( Mến tặng các bạn sinh viên, Mừng Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8.12.2009 )

THỬ TÀI ĐƯỜNG LUẬT

Xưa kia người mình có một trò chơi văn chương thịnh hành là xướng họa thơ Đường luật. Mấy thập niên gần đây trò chơi lại được nhiều người hâm mộ, đa số ở lớp cao niên nhưng cũng không thiếu những bạn trẻ. Vừa chọn từ, đặt câu cho vần điệu thật chỉnh, niêm luật sít sao, vừa dệt ý diễn tình cho thanh thoát, việc họa thơ Đường luật nói được là một tổng hợp giữa toán học và thi ca… Nó có sức giúp người làm thơ tiến nhanh trong việc mài giũa kỹ năng diễn tả…

Xin xem bản tóm luật thơ Đường và ví dụ xướng và hoạ ở phụ lục 1 và 2 cuối bản thể lệ.

Việc viết lời bình cho bài Đường luật cũng là một trò chơi văn chương khác.

Để bày tỏ đồng cảm với những bạn trẻ đang quan tâm tới việc ĐOAN HỨA GIỮ GÌN KHIẾT TỊNH TRƯỚC HÔN NHÂN, Linh Mục tác giả Trăng Thập Tự xin mời bạn đọc bốn phương cùng họa lại bài xướng trên đây. Bạn nào không có thiên khiếu làm thơ, có thể viết lời bình bằng văn xuôi.

Tác phẩm dự thi:

Có thể chọn một trong hai thể loại hoặc cả hai thể loại để dự thi, mỗi thể loại lại có thể tham dự với nhiều bài khác nhau.

Hai thể loại dự thi là:

- Một bài thất ngôn bát cú họa lại bài “Sen giữa lầy” trên đây.

- Một bài bình thơ hoặc ca tụng Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội dựa theo hình ảnh và ý tưởng của bài thơ trên đây.

Mọi người đều có thể tham gia cuộc đua, không phân biệt già trẻ. Xin ghi rõ “dự thi vần thơ dâng Mẹ” và ghi rõ họ tên, địa chỉ nhà, số điện thoại và điện chỉ email.

Thời hạn nhận bài:

Trước ngày Lễ Truyền Tin 25.3.2010, bài dự thi xin gởi cùng lúc về hai địa chỉ: ttmvcssr@gmail.com và gopnhattho@yahoo.com

Quà tặng hạng nhất:

Tác giả bài họa hay nhất sẽ được trao tặng 1 bộ gồm 5 tác phẩm sau đây:

1. Bộ sách sưu tầm và nghiên cứu 6 tập “Ở thượng nguồn thi ca Công Giáo Việt Nam” của nhà thơ Lê Đình Bảng, có chữ ký của tác giả;
2. Bộ Tuyển tập Thi phẩm Xuân Ly Băng. 2 tập, có chữ ký của tác giả;
3. Tuyển tập “Mà nghe Chúa khẽ”, 2 tập, của Nguyễn Đông A, có chữ ký của tác giả;
4. Tập thơ “Có Ai Về Cát Minh” của Lm. Trăng Thập Tự, có chữ ký của tác giả;
5. Tập thơ “Sứ điệp tình thương” của Lm. Nguyễn Xuân Văn ( 1922 – 2001 )

Tác giả bài bình hay nhất sẽ được trao tặng 1 bộ gồm 5 tác phẩm như trên.

Quà tặng hạng nhì:

Tác giả 10 bài họa tiếp theo sẽ được trao tặng 1 bộ gồm các tác phẩm số 2, 3, 4 và 5

Tác giả 10 bài bình tiếp theo sẽ được trao tặng 1 bộ gồm các tác phẩm số 3, 4 và 5

Quà tặng khích lệ:

Tất cả các tác giả có bài tham dự khác cũng sẽ được trao tặng tập chia sẻ về kinh nghiệm làm thơ cho Chúa của tác giả Trăng Thập Tự và một trong các tập sưu tầm truyện kể Nối Lửa Cho Đời của Lm. Lê Quang Uy.

Chúng tôi cũng ước mong nhiều tác giả khác tham gia tặng quà với tác phẩm có chữ ký, cũng ước mong có những ân nhân đóng góp thêm những quà tặng cụ thể khác để trò chơi – trời cho “Vần thơ dâng Mẹ” thêm hào hứng.

Công bố kết quả trên mạng ngày 22.4.2010 và trao giải: Tại chương trình ĐIỂM HẸN GIÊSU, lúc 19g ngày thứ năm 6.5.2010 ( các tác giả ở xa không về dự được, quà tặng sẽ được chuyển đến bằng đường bưu điện hoặc cầm tay )

Mọi thông tin về trò chơi – trời cho này sẽ được thông báo trên các websites:

www.huongvedaihoidanchua.net và www.dcctvn.net

PHỤ LỤC 1: LUẬT THƠ THẤT NGÔN BÁT CÚ ( 8 câu 7 chữ )

Bài thất ngôn bát cú gồm 8 câu, mỗi câu 7 chữ. Các chữ thứ 2, 4, 6 và 7 phải đúng luật bằng trắc như dưới đây ( Các chữ thứ 1, 3 và 5 tự do, bằng hay trắc đều được ). Chữ cuối các câu 1, 2, 4, 6, và 8 phải ăn vần với nhau. Hai câu 3-4 phải đối nhau. Hai câu 5-6 phải đối nhau.

Lấy ví dụ bài: “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan

Bước tới đèo Ngang, / bóng xế tà,

Cỏ cây chen đá, / lá chen hoa

Lom khom dưới núi, / tiều vài chú

Lác đác bên sông, / rợ mấy nhà

Nhớ nước / đau lòng con quốc quốc.

Thương nhà/ mỏi miệng cái gia gia.

Dừng chân đứng lại / trời, non, nước,

Một mảnh tình riêng / ta với ta.

Thật ra, luật Thơ Đường rất phức tạp, cũng không cần bàn sâu ở đây. Chúng tôi cũng sẽ chú trọng nhiều đến nội dung ý tưởng gửi gấm vào bài thơ hoạ của anh chị em tham dự cuộc chơi, vốn đa số là những người không chuyên về Thơ Đường.

PHỤ LỤC 2: QUI TẮC XƯỚNG HỌA

Bài họa phải lấy lại đúng 5 vần của bài xướng. Nơi bài thơ trong cuộc chơi của chúng ta, 5 vần ấy là: đen ( cuối câu 1 ), sen ( cuối câu 2 ), khen ( cuối câu 4 ), hèn ( cuối câu 6 ), chen ( cuối câu 8 ).

Bạn có thể xem nhiều ví dụ nơi bài viết về Thánh Philipphê Phan Văn Minh tại:

http://hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=19&Act=Detail&ID=196&CateID=109

Dưới đây, xin ghi bài xướng của Thánh nhân và hai trong số các bài họa.

Bài xướng của Thánh Philipphê Phan Văn Minh:

Gia Tô Cơ Đốc Đấng Con Trời,
Đặc cách lâm phàm cứu khắp nơi.
Chẳng lấy lợi danh mà tạo nghiệp,
Không dùng vương bá để xây đời.
Vâng lời thiên mệnh đành thân diệt,
Gánh tội nhân gian chịu máu rơi,
Dĩ nhược thắng cường mệnh chứng tỏ
Kiếp sau hiện hữu sống muôn thời.

Một số bài thơ họa:

1. Bài họa của Andreas Phong:

Khôn giỏi làm sao khỏi lẽ Trời,
Cái vòng luẩn quẩn diễn đòi nơi.
Lớp xây lớp phá, xây xây mãi,
Sự nhục sự vinh, để để đời.
Dục vọng dễ gì người dứt bỏ,
Kiêu căng khó thể kẻ buông rơi.
Từ trời sức sống Gia-tô xuống,
Trợ lực nhân sinh thoát họa thời.

2. Bài họa của Jacobus Tiên:

Thương người nghèo khổ sống ngoài trời,
Gió thét mưa gào chẳng chỗ nơi.
Mang năng đọa đầy vì thói thế,
Nếm nhiều cay đắng bởi tình đời.
Noi gương Cơ-đốc: lành tuân giữ,
Nhớ nghĩa Gia-tô: hận bỏ rơi.
Thánh giá: ngọn đèn soi bể khổ,
Cho thuyền cập bến được phùng thời.
 
Cộng Đoàn Các Thánh Tử Đạo VN tại Sacramento được trở thành Giáo xứ
Tắc Hà
11:46 08/12/2009
SACRAMENTO - Ngày 29.11.2009, trong Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng, Đức Cha Jaime Soto, Giám Mục Giáo Phận Sacramento đã tuyên bố Cộng Đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được thành lập từ năm 1986 nay chính thức trở thành “Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam" (GXCTTĐVN) tại Giáo Phận Sacramento, California. Ngài đã bổ nhiệm cha Nguyễn Ngọc Ban làm Linh Mục Chánh Xứ tiên khởi một ngày và kể từ ngày hôm sau, tức ngày 30 tháng 11 năm 2009, cha Trần Bình Khả được bổ nhiêm làm Chánh Xứ thay thế cha Ban. Được biết cha Ban và cha Khả đều thuộc chi Dòng Đồng Công và đây cũng là môt Giáo Xứ duy nhất dành riêng cho người Viêt Nam trong Giáo Phân.

Giáo dân Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Thủ Phủ California rất vui mừng và hãnh diện vì kể từ hôm nay, 29 tháng 11 năm 2009, Cộng Đoàn đã chính thức được gọi là Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam! Đây cũng là một niềm vui, một hãnh diện chung cho người Việt trên đất Mỹ; vì Thủ Phủ California đã có một Giáo Xứ đặc biệt phục vụ cho người Viêt Nam.

Nhìn về quá khứ, Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Sacramento đã bắt đầu thành hình với một con số giáo dân khoảng trên dưới 50 người vào cuối năm 1975. Lúc bấy giờ, chưa có cha Việt Nam chính thức làm Tuyên Úy cho Cộng Đoàn; vì thế cha Nguyễn Văn Tịnh được mời từ San Jose đến dâng Lễ cho mỗi Chúa Nhật đầu tháng. Cộng Đoàn cũng không có cơ sở chính thức để tham dự Thánh Lễ và đã phải di chuyển từ nhà thờ Sain Francis of Assisi trên đường 26th đến USCC Newman Center trên đường Newman Court.

Năm 1979, dưới sự hướng dẫn của cha cố Nguyễn Văn Vi, vị Tuyên Úy tiên khởi, Cộng Đoàn đã mượn nhà thờ Saint Peter tại 6210 McMahon Drive để dâng Thánh Lễ Chúa Nhật. Cuối năm 1981, Cộng Đoàn lại một lần nữa chuyển đến nhà thờ Saint Paul tại 8720 Florin Road, lúc này số giáo dân đã tăng lên khoảng 400 người.

Vào cuối năm 1983, với sự đóng góp của giáo hữu Công Giáo tại Sacramento và các vùng lân cận, cùng lòng quảng đại của một gia đình ân nhân người Mỹ, Lammerding, Cộng Đoàn Cộng Giáo Việt Nam tại Sacramento đã mua được 5 mẫu đất cùng với môt căn nhà 3 phòng ngủ tại 10371 Jackson Road, Sacramento. Phòng khách của căn nhà được sửa lại và căng bạt nới dài khoảng 15 mét ra phía ngoài dùng làm nơi dâng lễ.

Đầu năm 1986, Cộng Đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam bắt đầu dự án xây dựng nhà thờ trên khu đất năm mẫu đường Jackson. Kể từ năm đó (1986), Cộng Đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được chính thức thành hình. Tháng 9 năm 1986, cha Nguyễn Văn Hoan được mời về làm Tuyên Úy cho Cộng Đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam thay cho cha cố Nguyễn Văn Vi đã qua đời. Cha Hoan và ban chấp hành Cộng Đoàn tiếp tục dự án xây dựng nhà thờ. Ngày 5 tháng 11 năm 1988, Thánh Đường Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được hoàn tất và Thánh Hiến dưới sự chủ tọa của Đức Cha Francis A. Quinn, Đức Giám Mục Giáo Phận Sacramento.

Đầu năm 1994, cha Quản Nhiệm Nguyễn Văn Hoan được thuyên chuyển vì hết nhiệm kỳ. Từ tháng Tư cho đến tháng 6, cha Nguyễn Dũng tạm thời phục vụ Cộng Đoàn; sau đó Cha trở về nhà Dòng dạy học. Đầu tháng 6 năm 1994, cha Nguyễn Ngọc Ban thuộc chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ được mời về làm Quản Nhiệm với sự phụ tá lần lượt của các cha Cao Xuân Cảnh, Trần Dũng Lực, và Lương Minh Tuất.

Vì số Giáo Hữu Việt Nam mỗi ngày mỗi tăng, và để thuận tiện cho phần lớn người Công Giáo Việt Nam hiện tập trung ở miền Nam Sacramento, Cộng Đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã được sự chấp thuận của Đức Cha William Weigand dời về một địa điểm mới tại 8181 Florin Road.

Dưới sự lãnh đạo của cha Nguyễn Ngọc Ban và lòng hăng say nhiệt thành của rất đông giáo dân trong Cộng Đoàn, dự án xây dưng ngôi Thánh Đường chứa trên 1.200 người đã được hoàn thành trên một miếng đất 10 mẫu (acre); thêm vào đó là một Hội Trường chứa trên 2.000 người, cùng 11 lớp học mỗi lớp chứa được 35 học sinh, và hai văn phòng. Chúa Nhật ngày 28 tháng 6 năm 2009, Đức Cha Jaime Soto đã dâng Lễ Tạ Ơn và Thánh Hiến ngôi Thánh Đường này. Trong Thánh Lễ có sự hiện diện của Đức Cha Mai Thanh Lương, Đức Cha Phụ Tá Giáo Phân Orange, cha Trần Mại, Giám Tỉnh Dòng Đồng Công cùng gần 20 quý Linh Mục Mỹ và Việt Nam.
 
Lễ Mẹ Vô Nhiễm tại TRung Tâm Thánh Mẫu La Vang
Trương Trí
11:58 08/12/2009
HUẾ - Từ sáng sớm ngày 8.12.2009, trong sương mù của ngày đầu đông, hàng ngàn chiếc xe máy và hàng chục xe ô tô từ khắp nơi trong giáo phận Huế cũng như mọi miền đất nước hướng về Thánh địa Lavang, để tham dự thánh lễ mừng kính trọng thể Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội.

Hình ảnh tại La Vang

Đúng 8 giờ, đoàn đồng tế được rước long trọng từ tháp cổ Vương cung Thánh đường tiến về Linh đài Đức Mẹ trong tiếng hát vang vọng giữa bầu trời, bài ca nhập lễ do các nữ tu hội dòng Con Đức Mẹ Vô nhiễm:“Nữ vương hòa bình, đây bao tâm hồn thao thức...Mẹ chẳng vương tội truyền, bông huệ ngát hương thiêng...”.

Thánh lễ do Đức Giám mục phụ tá Phanxicô Xaviê Lê văn Hồng chủ sự, cùng đồng tế có Đức Tổng Giám mục giáo phận Huế và đông đảo linh mục.

Mở đầu thánh lễ, Đức Giám mục chủ tế đã nhắn nhủ cộng đoàn: Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội năm nay được vào những ngày đầu tiên trong năm Thánh của giáo hội công giáo tại Việt nam. Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu, đầu của hội thánh, nên Mẹ cũng là Mẹ của giáo hội, nhiệm thể của Đức Kitô.

Trong năm Thánh này, Đền Thánh Lavang cũng đã được Đức Tổng Giám mục giáo phận chỉ định cho mọi người được hưởng ơn toàn xá khi đi hành hương cá nhân hay đoàn thể. Ngoài ra, những lần tham dự các nghi thức trọng thể do Đức Tổng Giám mục giáo phận chủ sự, cộng đoàn cũng nhận được ơn toàn xá, với các điều kiện thông thường.

Đức cha Phụ tá nói tiếp: Trong thánh lễ này, chúng ta qui tụ về bên Mẹ Lavang, để cùng nhau tôn vinh Mẹ và cùng Mẹ dâng lời chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa, vì đã thương ban cho Mẹ đặc ân cao quý, khỏi vương mắc tội tổ tông, ngay từ phút đầu đời khi còn trong lòng bà Anna.

Chúng ta khẩn thiết nài xin Mẹ giúp chúng ta sống tâm tình của năm Thánh giáo hội, đó là tâm tình tạ ơn, sám hối, canh tân, hòa giải với Thiên Chúa và mọi người, để năm Thánh này mang lại nhiều hoa trái tốt lành cho mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn cũng như cho toàn thể giáo hội Việt nam.

Trong bài giảng lễ, Đức Giám mục phụ tá nhấn mạnh đến việc Đức Giáo hoàng Piô IX đã công bố tín điều ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI vào năm 1854. Và chỉ bốn năm sau, Đức Mẹ đã hiện ra tại Lộ Đức với Bernadette, Mẹ đã xác nhận lại đặc ân này:” TA LÀ ĐẤNG CHẲNG HỀ MẮC TỘI TỔ TÔNG”. Khi công bố tín điều Mẹ Vô nhiễm và buộc mọi người phải tin, giáo hội hoàn toàn dựa trên sự mạc khải của Thiên Chúa. Đức Cha chủ tế đã nói: tội lỗi bắt đầu xuất hiện kể từ khi hai ông bà nguyên tổ nghe lời quỷ dử, phản bội Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa là tình yêu, Người không từ bỏ chúng ta, Người chỉ chỉ giận trong giây lát nhưng yêu thương chúng ta suốt cả đời. Người thiết lập một chương trình mới, đó là chương trình cứu độ. Người đã chon Mẹ Maria là Eva thứ hai để cộng tác tích cực với Người trong chương trình cứu độ đó.

Mừng lễ Mẹ Vô nhiễm vào tuần đầu mùa vọng, giáo hội nhắc nhở chúng ta hảy mặc lấy tâm tình của Mẹ để chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa giáng sinh như Mẹ đã hoan hỷ đón nhận trong ngày truyền tin. Đó là thưa xin vâng tận đáy lòng, mang một khát vọng mong chờ Chúa đến, và nhất là chuẩn bị một tâm hồn trong sạch và khiêm tốn.

Sau thánh lễ, Đức Giám mục phụ tá cùng Đức Tổng Giám mục đã ban phép lành toàn xá. Cộng đoàn dân Chúa cung kính đón nhận trong niềm hân hoan và sốt sắng. Thánh lễ kết thúc, mọi người ra về thỏa mản được sự khao khát được kề bên Mẹ để ngợi ca tôn vinh Mẹ.
 
Bài giảng Lễ kết thúc Năm Thánh Đức Mẹ TàPao
+ GM Giuse Vũ Duy Thống
12:01 08/12/2009
KẾT THÚC NĂM THÁNH ĐỨC MẸ TÀPAO

(Bài giảng của Đức Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết ngày Lễ Đức Maria vô nhiễm nguyên tội 8.12.2009)

Trang Tin Mừng chọn đọc trong thánh lễ hôm nay là hoạt cảnh Truyền Tin, rất quen thuộc với tín hữu thường xuyên đọc kinh Mân Côi, cách riêng kinh Kính mừng. Nhưng việc Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đâu có liên quan gì đến việc Truyền Tin mà phải chọn đọc hoạt cảnh ấy. Hay là việc Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội không được Phúc Âm nào tường thuật nên phải mượn hoạt cảnh Truyền Tin để “điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa”? Thưa không phải vậy. Hoạt cảnh Truyền Tin dẫu không có mối liên quan trực tiếp với Lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội, nhưng qua lời chào mở đầu của thiên thần Gabriel và qua lời thưa kết thúc của Đức Maria, người ta gặp được những yếu tố nền tảng, từ đó xây dựng tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội và cũng từ đó hình thành niềm vui của phụng vụ thánh lễ hôm nay. Những yếu tố nào?

1. Danh xưng “đầy ơn phúc” trong lời sứ thần chào Đức Mẹ.

Từ thuở tạo thiên lập địa đến buổi Truyền Tin, chưa hề có ai được xưng hô là người đầy ơn phúc. Chỉ một mình Thiên Chúa, Đấng là chủ kho tàng ơn sủng mới tự mình có đầy tràn ơn phúc thôi, còn loài thụ tạo được hưởng nhờ ơn mưa móc cũng phỉ chí toại lòng lắm rồi. Thế mà bỗng dưng một thiếu nữ Sion lại được thiên thần chào là “đầy ơn phúc”. Thật lạ lùng. Chính Đức Maria nghe lời chào ấy còn bối rối cơ mà. Nhưng tiếng “đầy ơn phúc” cần được diễn tả nôm na hơn nữa, mới có thể lột tả được ý nghĩa chính yếu.

Chắc anh chị em đã tiếp cận ít nhiều với hình ảnh nổi 3 chiều của kỹ thuật số hiện đại, gọi là kỹ thuật 3D. Tiếng “đầy ơn phúc” cũng có thể được diễn tả theo kỹ thuật 3D. “Đầy ơn phúc” thực ra là phân từ quá khứ của một động từ, nghĩa đầy đủ là “đã được ban đầy ơn sủng”. Có 3 chữ D: “đã, được, đầy”. “Đã”: Ơn phúc Đức Maria đạt được là một tiến trình đã khởi đầu trong quá khứ và còn được kéo dài mãi trong suốt cuộc đời Mẹ. “Được”: Ơn phúc Đức Maria có được không phải là do tự Mẹ, theo kiểu vốn tự có, mà là do nhận được từ tình thương Chúa. “Đầy”: Ơn phúc Đức Maria nhận được là một tình trạng trọn vẹn, tràn đầy, không có trường hợp thứ hai trong loài thụ tạo.

Nhìn lời chào “đầy ơn phúc” theo kỹ thuật 3D là “đã được ban đầy ơn sủng”, ta mới thấy mối liên quan khít khao với đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, vốn là một ơn sủng Chúa ban để chuẩn bị Đức Maria cho thiên chức làm mẹ Đấng Cứu Thế. Dầu Mẹ đã được Chúa Cha ưu ái tuyển chọn dành riêng ngay từ lúc khởi đầu hiện hữu; nhưng là thụ tạo, Mẹ cũng cần đến ơn cứu độ của Chúa Giêsu như mọi người, có điều là người ta cần ơn thánh chữa trị (bí tích rửa tội) vì đã vướng mắc tội truyền, còn Mẹ hưởng ơn thánh phòng ngừa (đã được ban đầy ơn phúc) nên được giữ gìn khỏi vướng mắc; và Mẹ được Chúa Thánh Thần che bóng, biến đời Mẹ nên cung điện thánh thiện xứng hợp cho Thiên Chúa ngự trị. Như vậy, nơi lời chào “đầy ơn phúc” của thiên thần, ta gặp thấy Đức Maria sáng lên với vị trí ưu tuyển được hưởng đầy tràn mọi ơn, trong đó Vô Nhiễm Nguyên Tội là đặc ân một ở phút khởi đầu cuộc đời Mẹ.

2. Tiếng “Xin Vâng” trong lời Đức Mẹ đáp lại sứ thần.

Không chỉ là thụ tạo ưu tuyển ung dung hưởng hồng ân Chúa, Mẹ còn là phần tử ưu tú của gia đình nhân loại biết tích cực đáp lại hồng ân và làm phát triển hồng ân ấy để phục vụ ơn cứu chuộc nhân loại. Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội không chỉ là đặc ân dành riêng cho cá nhân Đức Maria, nhưng còn là ân sủng nhắm tới chương trình cứu rỗi toàn thể nhân loại. Đặc ân ấy dầu gọi là “vô nhiễm” nhưng không chỉ có khía cạnh tiêu cực khép kín, được giữ gìn khỏi tội tổ tông, kiểu đài các con gái nhà giầu lúc nào cũng phải kín cổng cao tường sợ nắng gió mưa sương, nhưng còn mang khía cạnh tích cực là được chuẩn bị để có thể mở lòng đón nhận tình yêu của Chúa, để có thể sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa một cách quảng đại, và để có thể hợp tác với ơn thánh mà không chút cò kè so đo tính toán.

Như thế, Vô Nhiễm Nguyên Tội từ phía Thiên Chúa là hồng ân dành riêng cho người được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, và Đức Maria đã lọt vào mắt xanh Thiên Chúa, được giữ gìn trong tình trạng thánh đức ngay từ khi bắt đầu hiện diện trong đời. Nhưng Vô Nhiễm Nguyên Tội từ phía Đức Mẹ lại là một nỗ lực đầu tư hợp tác cả đời, để vốn liếng hồng ân kia được triển nở sinh lời trăm muôn cho đời mình đã đành, và còn cho đời con đời cháu trong tương lai nữa. Chỉ khi nào công ơn Chúa và công sức con người gặp nhau, thì việc “đầy ơn phúc” kia mới bừng lên mà trở thành công trình mang tên Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Tất cả được thể hiện qua lời đáp “xin vâng”. Một lời thật ngắn nhưng âm vang cả đời. Một lần thưa lên là ngàn lần răm rắp thực thi khít khao không sai chạy, dù trên đỉnh vinh quang hay dưới vực đau thương quay quắt. Một lời vừa biểu lộ sự hiến dâng cộng tác tích cực, vừa thể hiện niềm yêu mến tin tưởng phó thác. Chả thế mà sau này Giáo Lý Công Giáo đã không ngần ngại diễn tả đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội một cách tích cực hơn: vì Mẹ toàn thánh nên nơi Mẹ không thể gặp bất cứ tì vết nào, kể cả tì vết của Nguyên Tội.

3. Theo Mẹ và cậy nhờ Mẹ, con đi

Lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội hôm nay trình bày cho ta rõ nét chân dung của Đức Maria, người đã đón nhận ơn Chúa cách trọn vẹn và phục vụ ơn Chúa cách tròn đầy, không vì lợi riêng mà vì ích chung. Hiểu như thế, bỗng dưng ta thấy gần gũi Đức Mẹ hơn cả bao giờ. Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội dẫu chỉ một mình Mẹ hưởng nhận, nhưng hiệu quả của đặc ân ấy con cái Mẹ tất cả đều được hưởng nhờ.

Với tiếng “Xin vâng”, Mẹ nêu gương tham gia cộng tác hết tình và hết mình vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, bất kể đời mình sẽ ra sao và bất kể tương lai sẽ như thế nào. Trong Năm thánh Đức Mẹ Tàpao, ta đã đến học dưới mái trường Đức Maria về lòng tin cậy mến, thiết nghĩ đó cũng là cách thiết yếu và thiết thực mô phỏng tiếng Fiat của Mẹ hôm nay trong đời mỗi người.

Với lời “Kính mừng Maria đầy ơn phúc”, Mẹ không chỉ được chào bằng một danh hiệu tuyệt vời dành cho thụ tạo ưu tuyển, để có lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội hôm nay, mà còn được giới thiệu trong một vị trí có một không hai giữa lòng Giáo Hội, là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ nhân loại, để từ đó một cách thường hằng, Mẹ nên Hiền Mẫu chuyển cầu che chở nâng đỡ ủi an mọi người trên đường lữ thứ trần gian, và một cách đặc biệt, Mẹ nên nguồn cậy trông cho tất cả những ai, không phân biệt lương giáo, đang gặp phải những nỗi đau trong đời như đau đớn xác thân vì bệnh tật, đau khổ tinh thần vì thất vọng thử thách, đau buồn vì cảnh gia đình tan tác hay đau thương vì nỗi vĩnh quyết chia xa hoặc đau điếng mãn tính cấp tính vì tình đời đen bạc trâu đánh, bò đá… Hãy bền lòng cậy trông ký thác, phần còn lại là kiên tâm làm theo hướng dẫn của Mẹ.

Kết thúc năm thánh Đức Mẹ Tàpao, như thế, không phải là lúc mãn nguyện nghỉ ngơi, mà chính là lúc quyết tâm cùng Mẹ lên đường ra khơi thực thi những gì Chúa Giêsu truyền dạy như trong tiệc cưới Cana, cách riêng đón nhận ý Chúa từng ngày, cho dẫu có lúc phải để nước mắt nuốt vào trong như Mẹ trên núi Canvê.

Nhân đây, xin ngỏ lời cám ơn đến mọi thành phần Dân Chúa Giáo Phận nhà đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công trong Năm Thánh, và đã tích cực tham gia ngày hành hương hàng tháng cho từng đoàn thể hoặc từng giới. Xin cám ơn quý khách hành hương đến từ nhiều nơi đã hợp lòng tham dự, làm cho những cử hành đạo đức nơi đây được diễn ra cách sốt sắng và xứng đáng. Và cuối cùng, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria tại núi rừng Tàpao, xin Chúa nâng đỡ mọi người chúng ta trong hành trình dương thế.

Cách đây hơn một tháng, người tôi quen đến thăm và ngỏ ý muốn đi viếng Đức Mẹ Tàpao. Tôi tháp tùng đến lễ đài, có ý dừng lại, thực bụng rất ngại phải lên Tượng đài giữa trưa nắng nóng, nhưng người ấy cứ nằng nặc đòi lên. Đành chiều. Đến chân Tượng đài Đức Mẹ, chúng tôi đọc chung một chục kinh và kết thúc bằng kinh Lạy Nữ Vương với ý khấn riêng của từng người. Không biết khách khấn gì mà vừa dứt lời kinh thì điện thoại cầm tay của người ấy reo lên tín hiệu. Khách phải lui vào bóng râm để trả lời và phút sau trở ra với nét mặt hớn hở gấp mười lần lúc trước. Người ấy bảo: Mới khấn vừa dứt lời là Đức Mẹ ban ơn ngay; một công việc khó khăn đã gây lo lắng từ lâu bỗng dưng được giải quyết dễ dàng và nhanh chóng. Tôi không hỏi để biết thêm chi tiết, chỉ biết trên đường xuống núi, lòng tôi thấy rộn vui với xác quyết:

Đến cùng Đức Mẹ Tàpao, Vững lòng cầu khấn, lẽ nào về không?
 
Giáo phận Thanh Hóa long trọng khai mạc Năm Thánh 2010
Vân Sơn
12:26 08/12/2009
THANH HÓA – Hoà chung niềm hân hoan mừng Năm thánh 2010 của Giáo hội Việt Nam, ngày hôm nay 08.12.2009 giáo phận Thanh hoá chính thức khai mạc Năm thánh 2010 tại nhà thờ Chính Toà. Cùng chung sự kiện trọng đại này, cộng đoàn dân Chúa giáo phận Thanh hoá vui mừng chào đón Đức cha Giuse Nguyễn Năng, tân giám mục giáo phận Phát Diệm vào đồng tế trong thánh lễ khai mạc.

Hình ảnh khai mạc Năm Thánh tại Thanh Hóa

Từ sáng sớm, khắp các nẻo đường Thanh hoá, mọi người nô nức đổ về trung tâm giáo phận, số lượng người ước tính khoảng trên 15 ngàn. Đội trống giáo xứ Ba Làng với gần 400 em, mặc sắc phục dân tộc cách điệu với các mầu xanh, đỏ, tím, vàng là nhóm có mặt đầu tiên đã khuấy động bầu khí ngày lễ bằng những cuộc diễu hành với các điệu trống từ khuôn viên nhà thờ Chính Toà vào Toà giám mục.

Càng đến gần giờ khai mạc lượng người đổ về càng đông, hơn 300 bảo vệ của hai giáo xứ Hữu Lễ và Chính Toà đã làm việc hết mình từ phân luồng giao thông, xắp xếp xe, chỗ ngồi để bảo đảm cho mọi người có chỗ ngồi và yên tâm tham dự thánh lễ cách sốt sắng.

Đúng 8g30, xe của Đức cha Phát Diệm đến Toà giám mục, Đức cha Thanh hoá ra tận cổng chào đón Đức cha Phát Diệm và dẫn ngài vào Toà giám mục trong tiếng vỗ tay chào mừng của mọi người và đội kèn đồng của giáo xứ Tam Tổng tấu bài chào đón Đức cha Giuse - tân giám mục giáo phận Mẹ Phát Diệm.

9g00, đoàn rước đồng tế bắt đầu tiến bước sau hiệu lệnh tuyên bố của người dẫn lễ. Đi đầu là thánh giá, đền hầu, sách Lời Chúa được một chủng sinh cung nghênh, tiếp đến là kiệu hài cốt Thánh tử đạo, logo giám mục của Đức cha Phát Diệm, đại diện các hội dòng Mến thánh giá Thanh hoá, dòng Saint Paul Đà Nẵng, dòng Carmel Nha Trang, quí thầy đại chủng viện, và cuối cùng là linh mục đoàn giáo phận và hai Đức cha.

Trước khi bước vào nghi thức khai mạc Năm thánh, Đức cha Giuse Thanh hoá đã thể hiện sự trân trọng khi giới thiệu Đức cha Giuse Nguyễn Năng trước cộng đoàn dân Chúa tham dự thánh lễ; tiếp đến cha Tổng đại diện Phêrô Vũ tiến Phúc thay mặt cho giáo dân Thanh hoá đọc lời chúc mừng, tặng hoa và quà cho Đức cha Giuse trong cương vị giám mục chính toà giáo phận Mẹ Phát Diệm. Trong phần đáp từ, Đức cha Phát Diệm xúc động cảm ơn Đức cha Thanh hoá, cảm ơn giáo phận đã đón tiếp ngài cách long trọng trong một thánh lễ đặc biệt như thế này. Ngài cũng cảm ơn cộng đoàn giáo dân Thanh hoá, cảm ơn Đức cha Giuse đã gánh trọng trách giám quản giáo phận Phát Diệm trong thời gian trống toà.

Nghi thức khai mạc Năm thánh bắt đầu với phần tuyên bố thư chung về Năm thánh của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh gửi cộng đoàn giáo dân giáo phận Thanh hoá. Trong thư chung Đức cha Giuse kêu gọi mọi người “Sống Năm thánh có nghĩa là tăng cường học tập, lắng nghe những giáo huấn đặc biệt của Năm Thánh, là hưởng ứng lời kêu gọi của các cấp chủ chăn giáo phận và giáo xứ một cách nồng nhiệt hơn, nhất là quan tâm theo dõi các ngày lãnh ơn toàn xá, siêng năng lui tới các trung tâm hành hương trong mỗi giáo hạt do giáo phận quy định để lĩnh ơn toàn xá”. Thể hiện tình hiệp thông “không biên giới giữa mọi dân tộc, ngôn ngữ và màu da... tăng cường mối quan hệ bác ái, thân hữu với mọi thành phần xã hội, bất luận khác biệt tôn giáo, chính kiến hay quá khứ. Nếu cần phải xin lỗi để tái lập tình nghĩa, hàn gắn đổ vỡ, anh chị em hãy can đảm đi bước trước. Năm Thánh là Năm toàn xá, có nghĩa là chúng ta phải biến mình thành một cỗ máy tha thứ triệt để, rốt ráo như chính Chúa đã tha thứ cho chúng ta”. Đức cha Giuse cũng nhắc mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận phải thể hiện tinh thần truyền giáo theo giáo huấn của Tin mừng “Giáo Hội tự bản chất là Giáo Hội sứ vụ. Không truyền giáo, chúng ta chưa phải là Kitô hữu. Tỉnh Thanh hóa là một trong những vùng tỷ lệ công giáo thấp nhất trong nước. Điều đó có nghĩa: với tư cách là Kitô hữu Thanh hóa, chúng ta có trách nhiệm lớn lao hơn Kitô hữu trong các tỉnh khác. Truyền giáo không có nghĩa là bành trướng. Truyền giáo là để loan báo con đường hạnh phúc của Chúa cho những ai chưa biết Người. Giúp đồng loại hạnh phúc hơn, đó phải là tâm niệm của mỗi người chúng ta trong Năm Thánh này”.

Sau khi cộng đoàn nghe thư chung về Năm Thánh, Đức cha Giuse tiến bước ra lễ đài đánh 3 hồi trống khai mạc và long trọng tuyên bố Năm Thánh giáo hội Việt Nam 2010 chính thức tại giáo phận Thanh Hoá, cùng lúc đó chuông nhà thờ Chính Toà, bóng bay, pháo hoa và những tiếng vỗ tay của cộng đoàn tham dự cùng vang lên tạo lên một bầu khí tưng bừng và linh thiêng trong giờ khắc trọng đại này.

Chương trình khai mạc được tiếp nối bằng nghi thức kính nhớ tổ tiên. Hai Đức cha; cha tổng đại diện; chủng sinh, nữ tu và 1 giáo dân tiến ra trước bàn thờ các thánh tử đạo niệm hương, kính nhớ tổ tiên và các bậc tiền bối đã đổ máu đào để nuôi dưỡng và truyền lại gia sản đức tin cho hậu thế.

Tiếp đến hai Đức cha tiến ra trước lễ đài cử hành nghi thức sám hối. Đây là phần nghi thức để lại dấu ấn đặc biệt cho cộng đoàn tham dự thánh lễ, mọi người như lặng đi khi hai Đức cha quỳ xuống, cúi đầu xin lỗi Chúa, xin lỗi bề dưới, xin lỗi tha nhân, xin lỗi bà con lương dân, mọi thành phần xã hội vì những thiếu sót, lỗi lầm mà trong quá trình rao giảng, làm chứng cho Chúa ở trần gian đã vô tình mắc phải. Kết thúc phần sám hối là kinh Năm thánh 2010 được cất lên và cộng đoàn Thanh hoá cùng hoà mình trong lời kinh thể hiện tình hiệp thông với các Kitô hữu trên mọi miền đất nước.

Trong bài giảng lễ, Đức cha Giuse Nguyễn Năng đã gợi lại lịch sử hào hùng của giáo hội Việt Nam, điển hình là các thánh tử đạo “hơn 100.000 chứng nhân đã đổ máu mình ra để làm chứng cho Đức Tin, trong số đó 117 vị đã được phong hiển thánh và một chân phước là thánh Anrê Phú Yên. Giáo phận Thanh Hóa cũng hãnh diện vì cũng đóng góp nhiều người con đã đổ máu mình ra để làm chứng cho đức tin” - như là mẫu gương để mọi người noi theo và dấn thân loan truyền Tin mừng trong thời đại hôm nay, nhất là trong bối cảnh giáo hội Việt Nam 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm và 350 thiết lập hai giáo phận Tông toà Đàng trong và Đàng ngoài.

Ngài cũng đề cập đến những lỗi phạm “Giáo hội là thánh thiện nhưng ôm ấp trong lòng những tội nhân. Khi nhìn lại lịch sử, chúng ta nhìn nhận rằng chính chúng ta, những người con của Chúa, chúng ta chưa sống thánh thiện, chưa sống đúng Tin Mừng của Chúa. Vì thế, như Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã nói trong Tông thư “Ngàn Năm Mới Đang Đến” để chuẩn bị bước vào năm 2000: Giáo hội không thể bước vào ngàn năm mới nếu không thanh tẩy ký ức, nếu không biết sám hối. Và quả thực, nhân danh toàn thể Giáo hội, Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã xin lỗi, xin lỗi Chúa, xin lỗi nhân loại, xin lỗi anh chị em. Do đó, khi kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận đầu tiên và mừng 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm, chúng ta cũng không thể bước vào giai đoạn mới nếu hôm nay chúng ta không nhìn lại để sám hối tội lỗi của mình”.

Bài giảng khép lại với lời khích lệ cộng đoàn hãy thể hiện tinh thần Năm thánh trong mọi sinh hoạt của đời sống thường ngày: “Người Kitô hữu phải trở thành muối của thế gian, và men của xã hội. Hãy góp phần tích cực để thánh hóa thế giới, cách riêng là để đổi mới đất nước Việt Nam. Hãy có những hành động cụ thể để xây dựng công lý, hòa bình và liên đới, và làm cho mọi người nhận biết và tin vào Chúa Kitô... Ngày mai phải được xây dựng từ bây giờ. Dung mạo Giáo hội ngày mai được viết bằng nỗ lực của mỗi người ngay từ hôm nay, những nỗ lực nhỏ bé hằng ngày với quyết tâm đổi mới Giáo hội và bản thân. Như vậy, ngày lễ hôm nay không phải là một lễ hội, và Năm Thánh 2010 sẽ thực sự là một biến cố cứu độ cho chúng ta và cho anh chị em chúng ta”.

Trước lời nguyện hiệp lễ, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã ngỏ lời cảm ơn Ban tổ chức Năm thánh, cảm ơn cộng đoàn đã về tham dự thánh lễ. Ngài cũng thông báo các địa điểm hành hương Năm thánh trong mỗi giáo hạt đã được quy định và đề trong lịch phụng vụ giáo phận. Ngài khuyến khích mọi người hãy thể hiện tinh thần Năm thánh cách thiết thực bằng cách tham gia các sinh hoạt tại các giáo xứ, giáo hạt khi tại nơi đây tổ chức các sự kiện về Năm thánh.

Giáo phận Thanh hoá đã chính thức khai mạc Năm thánh 2010, ước mong tinh thần Năm thánh được thể hiện mọi lúc mọi nơi trên mảnh đất Xứ Thanh yêu dấu.
 
Khánh thành ngôi thánh đường giáo họ Thọ Lộc, Thái Bình
Trường Giang
12:56 08/12/2009
THÁI BÌNH - Sáng nay 08/12/2009, lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ cắt băng khánh thành ngôi thánh đường giáo họ Thọ Lộc, sau hơn ba năm xây dựng. Đồng thời Đức cha làm phép bàn thờ và dâng thánh lễ tạ ơn với sự hiện diện của nhiều linh mục, nam nữ tu sỹ, giáo dân sở tại và ân nhân miền Nam và hải ngoại.

Đôi dòng tiểu sử

Giáo họ Thọ Lộc thuộc giáo xứ Nguyệt Lãng, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Thọ Lộc được thành lập năm 1858, nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm bổn mạng. Lúc đầu giáo họ dựng một ngôi nhà thờ năm gian bằng tranh vách đất. Năm 1916, giáo họ xây dựng ngôi thánh đường thứ hai bảy gian bằng gỗ lim thay thế ngôi nhà thờ cũ rách nát. Năm 1954 trùng tu lại ngôi thánh đường này. Nhờ sự cầu bầu của hiền phúc Tử Đạo Đaminh Chuyên, quê hương Thọ Lộc, dưới sự dẫn dắt của cha Phêrô Đinh Văn Hùng, và tấm lòng quảng đại của quý vị ân hai miền Nam – Bắc và hải ngoại, ngày 12/05/2006 Đức ông Hierônimô Nguyễn Phúc Hạnh đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi thánh đường mới, với tổng diện tích 420m2, chiều dài 36,5m, rộng 12,5m, nóc cao 13,5m, tum cao 22,5m, tháp chuông cao 37m. Sau hơn ba năm miệt mài với bao công sức lẫn mồ hôi ngôi thánh đường đã hoàn thành tốt đẹp và khang trang như ngày hôm nay.

Niềm vui dâng trào

Ngôi thánh đường đã xây dựng hoàn tất, giáo dân trong họ rất vui mừng, vì những công lao vất vả và sự cộng tác giúp đỡ của nhiều bàn tay quảng đại đã biến ước mơ của giáo họ thành hiện thực. Hôm nay trong ngày lễ bổn mạng của giáo họ, và đặc biệt là “ngày hội” của giáo họ, vì được đón vị chủ chăn giáo phận tới cắt băng khánh thành ngôi thánh đường và dâng lễ tạ ơn cầu nguyện cho giáo họ.

8h30, Đức cha về tới giáo họ Thọ Lộc, cha Đaminh Bùi Thế Truyền (quản nhiệm), ban hội đồng mục, nhiều đoàn kèn nam, nữ và đội trống sấm giáo xứ Hoàng Xá ra đón chào Đức Giám mục, tại cổng chào được trang trí rất đẹp trong ngày lễ trọng đại này.

Nghi thức cắt băng khánh thành ngôi thánh đường

Đúng 9h00, đoàn đồng tế tiến ra tiền sảnh ngôi thánh đường, tuy không rộng lắm, nhưng nền rất cao và thoáng đãng, lúc này các cửa nhà thờ vẫn đóng kín. Khi Đức cha và các cha đồng tế an tọa, một vị đại diện giáo họ Thọ lộc chào mừng Đức cha, quý cha và quan khách cũng như quý cộng đoàn hiện diện. Tiếp theo quý vị đại diện giáo họ Thọ Lộc và các vị lãnh đạo chính quyền địa phương lên tặng hoa Đức cha. Sau đó Đức cha, Đức ông Hiêrônimô Hạnh, cha xứ tiền nhiệm Phêrô Hùng, người đặt nền móng cho công trình này và cha quản nhiệm Đaminh Truyền cắt băng khánh thành ngôi thánh đường, những chùm bóng bay với nhiều sắc màu cùng bay lên bầu trời, những quả pháo giấy cũng được nổ tung, làm cho lòng người nơi đây cũng thêm phấn chấn. Từ nay giáo họ Thọ Lộc đã có ngôi thánh đường khang trang, đẹp đẽ, để sớm hôm người tín hữu cất lên lời kinh thánh thót ca tụng những kỳ công Thiên Chúa đã ban cho giáo họ và cho mỗi gia đình.

Thánh Lễ tạ ơn Thiên Chúa

Nghi thức cắt băng kết thúc, Đức giám mục giáo phận dùng gậy chủ chăn của mình gõ vào cánh cửa chính ba lần, tức khắc cửa liền mở ra, chủ chiên dẫn đoàn chiên tiến vào trong thánh đường, trong khi ca đoàn hát bài ca “Cửa hỡi hãy mở ra…”. Trong bài giảng Đức cha khen ngợi và khích lệ tinh thần đoàn kết, sự nhiệt tình của từng người giáo dân trong họ, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của các ân nhân, đồng lòng xây dựng ngôi nhà Chúa nơi quê hương. Đồng thời Đức cha nhấn mạnh đến việc xây dựng ngôi thánh đường tâm hồn mỗi người giáo dân Thọ Lộc nói riêng và người tín hữu Chúa Ki-tô nói chung. Thiên Chúa muốn ngôi thánh đường tâm hồn mỗi người luôn trong sạch, chân thành, vị tha, không giả dối.

Sau khi chia sẻ Lời Chúa, Đức Giám mục làm phép bàn thờ, ngài xông hương bàn thờ, tiếp theo một cha và một thày phó tế giúp xông hương từ trên cung thánh tới cuối nhà thờ. Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể.

Trước khi nhận phép lành cuối thánh lễ, một vị đại diện giáo họ Thọ Lộc cám ơn Đức cha chủ chăn giáo phận, quý cha, quý khách và những ai đã làm nên sự thành công của ngày lễ trọng đại này.
 
Một nét đẹp Mùa Giáng Sinh: ‘Lễ Hội Giáng Sinh Của Những Người Có Hoàn Cảnh Đặc Biệt’
Giuse Pham
13:13 08/12/2009
SAIGÒN - Trong cái se se lạnh của mùa đông và giữa những tấp nập nhộn nhịp của Mùa Giáng Sinh đang đến gần, của những ngày cuối năm nhiều bận rộn, nhiều năm qua Nhóm Đức Tin & Văn Hóa, với sự đồng hành của Linh mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, sau những giờ lao động kiếm sống, đã cố gắng dành thời gian còn lại để cùng nhau thực hiện Lễ Hội Giáng Sinh Của Những Người Có Hoàn Cảnh Đặc Biệt.

Hình ảnh sinh hoạt

Như tên gọi của nó, đây là một Lễ Hội của những Người có Hoàn Cảnh Đặc Biệt như: Khiếm thị, khiếm thính, bại liệt, khuyết tật, bệnh nhân phong, người có HIV/AIDS, thiếu nữ cơ nhỡ, trẻ em mồ côi, trẻ em đường phố, các em sắc tộc… Lễ Hội này được thành lập chỉ với mục đích mang lại niềm vui Giáng Sinh cho những người có hoàn cảnh đặc biệt đó, không phân biệt tôn giáo.

Lễ Hội đã trở nên quen thuộc với nhiều Mái ấm, Nhà mở, Cơ sở từ thiện, Trung Tâm Hướng Nghiệp, Trung tâm phát huy, Lớp Tình thương…, vì từ năm 2001 đến nay Nhóm Đức Tin & Văn Hóa liên tiếp thực hiện Lễ Hội này tại một số nơi trong Saigon. Lễ Hội cũng đã được sự hưởng ứng, cộng tác tích cực của nhiều đơn vị, của nhiều Ca sĩ, Nhạc sĩ, Nghệ sĩ, các nhà tài trợ, quý ân nhân trong nhiều năm qua.

Tại Văn phòng Nhóm Đức Tin & Văn Hóa số 44 Tú Xương, Quận 3, chúng tôi được biết, bất chấp khủng hoảng kinh tế, Lễ Hội 2009 vẫn được tiếp tục thực hiện tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận Tp.HCM, vào ngày 19 tháng 12 năm 2009 với chủ đề “Liên Đới và Phát Triển”. Qua tiếp xúc với Ban Tổ Chức, được ông Phạm Khắc Thiện, Trưởng Ban tổ chức, cho biết nội dung hoạt động cũng như những năm trước: Đưa đón và phát quà cho người có hoàn cảnh đặc biệt (gồm bánh, tiền mặt và phiếu mua hàng) - Tổ chức các gian hàng hội chợ nhằm giới thiệu và bán sản phẩm, gian hàng ẩm thực do người có hoàn cảnh đặc biệt thực hiện - Tổ chức các trò chơi dân gian có phát thưởng cho các em thiếu nhi tham dự - Văn nghệ mừng Chúa Giáng Sinh do nhiều Ca sĩ, Nghệ sĩ và Người có Hoàn cảnh Đặc biệt cùng nhau thực hiện.

Lễ Hội năm nay, được tổ chức ở không gian rộng rãi và mới mẻ của Trung Tâm Mục Vụ, nên số người tham dự tăng cao. Sáng Chủ nhật, 6.12.2009, đã có cuộc họp sơ bộ giữa Ban Tổ chức với đại diện các Mái ấm, Nhà mở, Trung tâm Khuyết tật, Trung tâm Phát triển, Cơ sở từ thiện… Con số các đơn vị đăng kí tham dự năm nay tăng cao, gần gấp đôi năm ngoái: 80 đơn vị, với 4.500 người có Hoàn Cảnh Đặc Biệt. Được biết sở dĩ số người tham dự năm nay tăng cao như vậy là do địa điểm thuận lợi, mặt bằng rộng và hơn nữa vì lí do kinh tế một vài nơi không tổ chức Giáng sinh riêng, mà muốn tham gia Lễ Hội chung này. Ngoài Tp.HCM, có một số đơn vị đến từ Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu – Bà Rịa… Nếu tính cả bạn bè, thân hữu và khách mời … thì dự tính con số người tham dự Lễ Hội năm nay sẽ lên đến 7000-7500 người.

Việc số người tham dự Lễ Hội tăng cao là một niềm vui, nhưng đồng thời cũng là nỗi lo cho Ban Tổ chức. Được biết chi phí của Lễ Hội năm 2008 là 250 triệu đồng. Năm nay, chi phí ước tính phải lên tới trên 450 triệu đồng. Chắc chắn Người có Hoàn Cảnh Đặc Biệt rất cần đến sự cộng tác của tất cả chúng ta, vì đây hoàn toàn là một Lễ Hội tự lực và tự nguyện của nhiều nhóm thiện nguyện. Ước mong các bạn trẻ, quí‎ thân hữu và quí ân nhân đến chung vui, mua sản phẩm và khích lệ Người có Hoàn Cảnh Đặc Biệt trong Lễ Hội Giáng Sinh 2009.

Địa điểm: Trung tâm Mục vụ, 6bis Tôn Đức Thắng, Q.1
Thời gian: Ngày 19-12-2009. Từ 9g30 đến 21g
Địa điểm liên lạc: Cô Thu Trinh, VP. Nhóm Đức tin & Văn hóa
Đt. 08.39322216
Hoặc Lm Nguyễn Thái Hợp, O.P.
(Email: paulthaihop@yahoo.com; Đt. 0918456754)
 
Chanthaburi, Thái Lan mừng 300 năm ngày lập giáo phận đầu tiên
Thanh Trúc/ RFA
13:22 08/12/2009
THÁI LAN - Những người Thái gốc Việt theo đạo Thiên Chúa tại tỉnh Chanthaburi của Thái Lan sẽ long trọng cử hành thánh lể đại trào ngày 12 tới đây, nhằm kỷ niệm 300 năm thành lập giáo phận đầu tiên và 150 năm nhà thờ chánh toà được xây dựng trên địa phận này.

Đạo Thiên Chúa đến Chanthaburi

Nhà thờ chánh toà Chanthaburi, Thái Lan
Cách đây ba thế kỷ, vào khi đạo Công Giáo ở Việt Nam bị cấm đoán bị bách hại bởi các vị vua triều Nguyễn, nhiều giáo dân dắt díu nhau sang Thái Lan lánh nạn và định cư tại vùng Chanthaburi lúc ấy còn đất rộng người thưa chứ chưa đông đảo như hiện nay.

150 năm sau đó, nhà thờ chánh toà được xây dựng lên ở Chanthaburi. Có thể nói di dân Việt chính là những người đầu tiên du nhập và phát triển đạo Thiên Chúa tại giáo phận Chanthaburi cách thủ đô Bangkok 400km về phía đông.

Linh mục Lê Đức, đang làm việc tại tỉnh Nongbualamphu mạn Đông Bắc, nơi cũng có nhiều giáo dân người Thái gốc Việt nhưng không đông và không có một lịch sử lâu đời như Chanthaburi, cho biết tuần tới ông sẽ có mặt tại Chanthaburi nhân dịp giáo phận này cử hành lễ kỷ niệm 300 năm:

“Ngày 12 tháng Mười Hai này họ sẽ tổ chức một thánh lễ rất là lớn để mừng 150 năm nhà thờ chánh toà và 300 năm ngày phát triển cộng đồng. Tại vì cách đây 300 năm thì bắt đầu những người Công Giáo đầu tiên tới giáo phận này là những người Công giáo Việt Nam. Từ đó thì giáo phận Chanthaburi phát triển theo thời gian.

Trong dịp này họ cũng muốn nhấn mạnh sự hiện diện của cộng đồng Việt Nam tại đây. Vì thế họ đã mời Đức Hồng Y cùng một số giám mục và linh mục từ Việt Nam đến tham dự trong thánh lể đại trào là một thánh lễ lớn mà trong đó sẽ có các đức giám mục, các linh mục trong giáo phận, các linh mục đến từ những giáo phận lân cận và dĩ nhiên rất là đông gíáo dân trong giáo phận và cả những nơi khác.”

Dưới mắt linh mục Lê Đức, những giáo dân gốc Việt đang được nói đến hầu hết có nếp sống và ngôn ngữ như người Thái Lan vì đã định cư tại đất nước này quá lâu:

“Qua nhiều thế hệ nên bây giờ dường như họ không còn nói được tiếng Việt nữa. Dĩ nhiên là con cháu của họ di cư ra những nơi khác, nhiều người lập gia đình với người Thái, vì thế rất khó đoán có bao nhiêu người gốc Việt đang sống ở đây. Tháng 12 này là lần đầu tiên tôi đến đây, lúc đó tôi mới có sự tham khảo chính xác hơn.”

Được biết hàng gíao phẩm cao nhất từ Việt Nam sang tham dự đại lễ kỷ niệm một trăm năm mươi năm thành lập nhà thờ chánh toà Chanthaburi là đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn.

Từ Bangkok, ông Trần Văn Trọng, đại diện Hiệp Hội Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan, xác nhận sẽ có một phái đoàn từ Việt Nam sang: “Trưởng phái đoàn là Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, có bốn giám mục và sáu linh mục ở Hải Phòng, Nha Trang, Sài Gòn.”

Phái đoàn từ Việt Nam sẽ đến Thái Lan từ ngày 9, thể theo lời mời của đức giám mục địa phận ChanthabBuri. Tưởng cũng nên biết vị giám mục đương nhiệm địa phận Chanthaburi hiện giờ là người Thái Lan, còn vị tiền nhiệm là một người Thái gốc Việt.

Vốn am hiểu tình hình trong cộng đồng con Chúa ở Thái Lan, ông Trần Văn Trọng cho biết tiếp:

“Có thể nói trong giáo hội Thái Lan này số đông Đức Cha số đông các linh mục cũng như các tu sĩ nam nữ đều có giòng máu Việt Nam. Mặc dù Thái Lan là một nước Phật giáo nhưng mà chính quyền cũng như nhân dân Thái Lan họ rất tôn trọng tự do tín ngưỡng.”

Vẫn còn người đọc kinh tiếng Việt

Từ Chanthaburi, linh mục Chalerm Kijmongkhol, người Thái gốc Việt, đang phục vụ trong toà giám mục tỉnh, cho biết giáo phận Chanthaburi có tám ngàn giáo dân, số linh mục người Thái gốc Việt lên tới tám mươi vị, chưa kể giòng Mến Thánh Giá của các nữ tu người Thái Lan gốc Việt trong địa phần này.

“Chanthaburi này có tám ngàn người giữ đạo Thiên Chúa, giữ đạo tốt lắm.”

Tuy nhiên vì đã sống qua bao đời trên xứ người, linh mục Chaalerm nói, tiếng mẹ đẻ của giao dân bị mai một đi rất nhiều:

“Tổ tiên lại đây đã 300 năm rồi mà cha đây đã thế hệ thứ tư thứ năm rồi. Ít người còn nói tiếng Việt được lắm. Những người đang đọc kinh tiếng Việt đó thì mấy bài kinh đó cũng lâu rồi, 300 năm rồi. Bây giờ đọc kinh tiếng Thái làm lễ tiếng Thái.

Khi trước làm lễ có mấy người già cũng đọc kinh tiếng Việt. Khi có người chết đi cầu nguyện cho người chết thì mấy người già khoảng 80 hơn hoặc 90 hơn thì lại chung nhau đọc kinh Kính Mừng đọc kinh Lạy Cha tiếng Việt.”

Theo ước lượng của linh mục Chalerm Kijmongkhol, trên 10.000 giáo dân Thái gốc Việt sẽ về tham dự đại lễ mừng ba trăm năm thành lập giáo phận và một trăm năm mươi năm xây dựng nhà thờ chánh toà.

Bên cạnh đó, sẽ có mười vị giám mục Thái Lan hiện diện trong sự kiện lịch sử của giáo phận Chanthaburi nói riêng và Giáo Hội Công Giáo Thái Lan nói chung.

Niềm mong ước của linh mục Chalerm Jijmongkhol ở Chanthaburi này là không chỉ lo giữ đạo cho tốt mà giáo dân cần trau dồi thêm tiếng Việt vào khi những tuyến du lịch từ Việt Nam qua miền Đông và Đông Bắc Thái Lan càng ngày càng phát triển.

(Nguồn: RFA)
 
ĐHY GB Phạm Minh Mẫn trả lời phỏng vấn Fides về cuộc gặp gỡ sắp tới giữa Chủ tịch Việt Nam và ĐTC Beneđictô XVI
ĐHY Phạm Minh Mẫn
20:41 08/12/2009
Thông Tấn Fides tại Vatican phỏng vấn ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn trả lời về cuộc gặp gỡ sắp tới giữa Chủ tịch Việt Nam và ĐTC Beneđictô XVI

Phóng viên Paolo Affatato của hãng Thông tấn Fides của Vatican đã gửi 4 câu hỏi phỏng vấn ĐHY Phạm Minh Mẫn, và hôm nay ĐHY GB Mẫn đã trả lời cho Fides đồng thời Ngài cũng có gửi trực tiếp cho VietCatholic những câu hỏi và trả lời như sau:

1. What are your hopes and your feelings about the meeting of the President of Viet Nam with the Pope? Đức Hồng Y có những hy vọng nào và cảm tưởng của ĐHY ra sao về cuộcc gặp gỡ của Chủ Tịch Việt Nam với Đức Giáo Hoàng?

ĐHY Phạm Minh Mẫn: Thế giới toàn cầu hoá hôm nay đang thu hẹp thành một ngôi làng, nơi đó các quốc gia trở thành những gia đình sống thân cận với nhau. Theo truyền thống văn hoá Việt Nam, các gia đình đó thường ứng xử với nhau theo tình làng nghĩa xóm. Điều tôi cảm nhận là Vatican và Việt Nam xem ra đều có thiện chí muốn xây dựng một mối quan hệ tương tự như thế. Và tôi hy vọng hoàn cảnh hôm nay có những thuận lợi cho đôi bên hình thành mối quan hệ đó.

2. What are the main issues that will be discussed? Những vấn đề chính nào sẽ được bàn tới?

ĐHY Phạm Minh Mẫn: Tôi nghĩ rằng mối quan hệ nào cũng có thể có những bất đồng. Nhưng tôi hy vọng rằng qua đối thoại trong sự tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng sự thật, dần dần đôi bên hiểu nhau hơn, và cùng nhau vượt qua những bất đồng trong tình làng nghĩa xóm. Ngày 4.12.2009, tôi có phổ biến bản tin "Tìm hiểu dư luận, bình luận, nhận định về Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI và Thông điệp "Tình Yêu trong Chân Lý", nhằm góp phần vào sự hiểu biết nhau hơn (xem bản văn I đính kèm ở dưới).

3. What does the Catholic community in Viet Nam expect from the visit? Cộng Đồng Công Giáo tại Việt Nam kỳ vọng gì từ cuộc gặp gỡ này?

ĐHY Phạm Minh Mẫn: Cộng đồng công giáo tại Việt Nam, nói chung, mong đợi những người chủ gia đình trong ngôi làng toàn cầu hoá này mỗi ngày đồng cảm với nhau hơn, cùng nhau đem lại hoà khí cho các gia đình trong ngôi làng, chung sức giúp cho các gia đình đó phát triển toàn diện và vững bền, xây dựng ngôi làng thành một cộng đồng nhân loại mới sống trong chân lý và tình yêu, trong công lý và hoà bình.

4. What is the situation of the Church in Viet Nam today? Tình trạng Giáo Hội tại Việt Nam ngày nay ra sao?

ĐHY Phạm Minh Mẫn: Sau cuộc viếng thăm Ad Limina hôm cuối tháng 6 vừa qua, theo lời giáo huấn của Đức Thánh Cha, tôi có ghi lại đôi nét về hình ảnh giáo phận Thành phố của Tổng giáo phận hiện nay, nói lên phần nào tình hình Giáo Hội tại Việt Nam (xem bản văn II đính kèm).

I. TÌM HIỂU DƯ LUẬN, BÌNH LUẬN, NHẬN ĐỊNH VỀ ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐITÔ XVI

VÀ THÔNG ĐIỆP “TÌNH YÊU TRONG CHÂN LÝ”


1. Qua truyền thông, tôi thấy một số đông lãnh đạo các tôn giáo có lời kêu gọi mọi người, mọi giới quan tâm học hỏi, nghiên cứu Thông điệp “Tình yêu trong chân lý” nhằm cùng nhau khám phá định hướng và động lực xây dựng một thế giới an lành hơn, tốt đẹp hơn cho nhân loại đang đối diện với những vấn đề nghiêm trọng cùng khủng hoảng trong tình hình xã hội hôm nay.

2. Gần đây, tân Thủ Tướng Nhật Bản có đưa ra nhận định rằng phát triển một xã hội tự do, bình đẳng, dân chủ, mà thiếu tình huynh đệ, thì sự phát triển để lại nhiều khó khăn nan giải.

3. Nhà bình luận Michael Winters của tuần báo The America bình luận rằng, qua Thông điệp “Tình yêu trong chân lý”, Đức Giáo Hoàng Bêneđitô XVI đóng góp một phần quan trọng trong việc xây dựng một nền nhân bản toàn diện. Nền nhân bản mới nầy đòi hỏi một con đường phát triển mới, với những cơ cấu tổ chức mới và luật lệ mới, cho thế giới toàn cầu hoá hôm nay.

Nội dung của Thông điệp cho thấy nền nhân bản toàn diện không những bao quát các phương diện của cuộc sống, như văn hoá và xã hội, kinh tế và chính trị, song còn bao gồm phương diện vật chất và tinh thần, khoa học và đức tin, tâm lý và luân lý, lý trí và tâm linh, tiến hoá và phát triển, tình huynh đệ đại đồng và tinh thần trách nhiệm liên đới. Tất cả các phương diện đó không tách biệt nhau, song liên kết mật thiết và tạo nên một thể thống nhất trong nền nhân bản mới. Đó là một nền nhân bản vừa toàn diện, vừa mở ra với siêu việt.

4.Ngoài ra, ý nghĩa nội dung của Thông điệp cho người chú tâm nghiên cứu thấy Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI có một cái nhìn toàn diện, một thái độ mở đường, và một phong cách phục vụ cho sự sống và sự phát triển con người cùng nhân loại trong thế giới hôm nay.

Cái nhìn toàn diện. Ý nghĩa nội dung của Thông điệp cho thấy toàn diện ở đây không những bao gồm các chiều kích nêu trên, song còn bao gồm chiều rộng và chiều dài, chiều cao và chiều sâu của khoa xã hội học và lịch sử, của khoa học kỹ thuật và thần học, của lý trí và đức tin, của tự nhiên và siên nhiên. Nói theo lý Thiền, đó là cái nhìn từ đỉnh Thái Hoà. Nói theo lẽ đạo, đó là cái nhìn dưới ánh sáng Thượng Trí của Đấng Chí Tôn. Đó là cái nhìn theo sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hoá và là Người Chủ của lịch sử nhân loại, vượt lên trên sự khôn ngoan hạn hẹp của thụ tạo trong thế gian.

Thái độ mở đường. Trong Thông điệp, khi đề cập đến những vấn đề nghiêm trọng cùng khủng hoảng trong cuộc sống thế giới ngày nay, Đức Giáo Hoàng không có thái độ chỉ trích hay kết án, song coi đó là cơ hội để soi sáng và mở đường cho các giới hữu trách vượt qua chướng ngại và tiến bước trên con đường phát triển đích thực, toàn diện và vững bền. Rõ ràng đó là thái độ đối thoại và hợp tác xây dựng cùng phát triển một cộng đồng nhân loại mới sống trong chân lý và tình yêu của Đức Kitô Đấng cứu độ.

Phong cách phục vụ. Qua Thông điệp, Đức Giáo Hoàng thể hiện một phong cách giống như phong cách của Chủ chiên nhân hậu, quảng đại và hy sinh, tân tình chăm lo cho đoàn chiên, - chiên trong đàn và ngoài đàn, chiên lạc và chiên đau yếu cùng bị thương tích. Đó cũng là phong cách của Chúa nhập thể làm người, đồng cảm và đồng hành với nhân loại, quảng đại yêu thương và khiêm tốn phục vụ cho sự sống và sự phát triển của họ cho đến cùng.

Toà TGM ngày 4.12.2009

+ ĐHY Phạm Minh Mẫn

II. 30 NĂM GIÁO HỘI SỐNG TRONG MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI VIỆT NAM

1. Giáo Hội sống Mầu Nhiệm Vượt Qua trong môi trường xã hội Việt Nam sau năm 1975

Năm 1975 là thời điểm thay đổi chế độ chính trị tại Việt Nam. Sự thay đổi đó làm tan rã khung nếp văn hoá xã hội kinh tế chính trị cũ, lôi kéo theo nhiều mất mát và giới hạn cho Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam. Cộng thêm hơn 10 năm đất nước đóng cửa, mối liên hệ với thế giới và mối hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu hầu như bị cắt đứt.

Riêng Tổng Giáo phận Sàigòn đổi tên là Tổng Giáo phận Thành phố HCM, với nhiều mất mát:

(1) về nhân sự: số linh mục từ 414 còn 226, số giáo dân từ 516.000 còn 387.184,

(2) về cơ sở giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo: mất đi gần 400 cơ sở. Do đó không còn trường công giáo là nơi dạy giáo lý, giáo dục đức tin cho giới trẻ. Không còn bệnh viện công giáo, không còn những trung tâm từ thiện nhân đạo. Không còn những tổ chức hoạt động bác ái xã hội, chỉ còn cơ sở phụng tự.

Tuy nhiên, nhờ đó công việc mục vụ trong giáo phận tập trung vào trung tâm và đỉnh cao của đời sống đạo là Chúa Giêsu Thánh Thể và Lời Chúa, xây dựng cộng đoàn giáo xứ thành gia đình Chúa, nơi đó có Chúa là Cha, mọi người có chung một Cha và là anh em một nhà, chung một phép Rửa, một lòng tin cậy mến.

Và cũng nhờ đó mà các gia đình, các cộng đoàn tín hữu dành nhiều thời giờ hơn cho đời sống cầu nguyện hiệp thông với Chúa và bác ái liên đới huynh đệ với nhau trong gia đình cũng như trong cộng đoàn tín hữu, giáo xứ, dòng tu. Mọi người có nhiều cơ hội hơn để sống và lớn lên trong chân lý và tình yêu cứu độ của Chúa Kitô, và cộng đoàn giáo phận cũng như giáo xứ ngày càng trở nên muối men và ánh sáng Tin Mừng trong môi trường mới. Hình ảnh khiêm tốn làm chứng nhân Tin Mừng đã dần dần đổi thay lối nhìn của nhiều người trong xã hội về Giáo Hội: từ một tổ chức bị coi là ngoại lai, thù nghịch, trở thành một tổ chức có tiềm năng góp phần phục vụ dân tộc và phát triển đất nước.

2. Ân huệ Chúa thương ban cho Giáo Hội sống trong môi trường Việt Nam hôm nay

Chúa thương đồng hành với dân Chúa như Người gieo nhiều hạt giống hồng ân cứu độ, hạt giống đức tin, hạt giống ơn gọi linh mục, tu sĩ.

- Hiện nay, giáo phận có 200 giáo xứ, 5.289 thành viên Hội đồng giáo xứ, 6.254 giáo lý viên thiện nguyện, 900 ca đoàn, 25 đoàn thể tông đồ giáo dân với số thành viên là trên 90.000. 90% số giáo dân đi lễ Chúa nhật; 100% trẻ đi học từ giáo lý Khai Tâm đến sau Thêm Sức.

- ĐCV có 180 đại chủng sinh của 3 giáo phận. Giáo phận có lớp Dự Bị với sỉ số 20, và 300 dự tu chờ vào Đại Chủng Viện.

- 85 dòng tu, tu đoàn, tu hội, với 300 cộng đoàn và số thành viên là 5.047, nhiều trăm thành viên đi tu học tại nhiều nước, với nhiều trăm thành viên đi truyền giáo tại 46 quốc gia thuộc 5 châu.

- Ngoài ra có 50 dòng tu và một số giáo phận từ châu Âu, Mỹ, Á, Úc, đến tìm ơn gọi trẻ trong giáo phận.

- Đến nay, trong giáo phận, đã từng bước mở 190 cơ sở mới, nhà trẻ, lớp tình thương, dạy nghề, bác ái từ thiện nhân đạo, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, đồng thời khắc phục những hậu quả tiêu cực của phát triển xã hội.

3. Dân Chúa chăm sóc và vun tưới cho những hạt giống hồng ân cứu độ đơm bông kết trái

Chúa thương ban ơn cho các gia đình công giáo, các cộng đoàn tín hữu trở nên thửa đất màu mỡ, nhờ được chăm sóc và được vun tưới bằng nguồn nước trong lành là đời sống cầu nguyện và phụng vụ bí tích của các tín hữu, và nguồn phân bón là đời sống bác ái hy sinh và gian khổ của mọi người. Nhờ đó các hạt giống hồng ân cứu độ phát triển xanh tươi và đơm bông kết trái.

Nay, theo lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha, gia đình giáo phận cần tiếp tục chăm sóc những hạt giống đó với những nỗ lực như sau:

- góp phần xây dựng Trung Tâm Mục Vụ và Trung Tâm Văn Hoá công giáo thành nơi mở rộng và nâng cao kiến thức đức tin,

- liên đới với nhau để giúp các gia đình công giáo, 200 cộng đoàn giáo xứ, 300 cộng đoàn tu sĩ, 12 Ban Mục vụ giáo phận, 25 đoàn thể tông đồ giáo dân, trở thành những ngôi trường giáo dục đức tin, thành trì bảo vệ đức tin, chứng nhân lưu truyền đức tin,

- liên đới với nhau để tạo điều kiện cho mọi người ý thức sống trong chân lý và tình yêu cứu độ của Chúa Kitô, nhằm góp phần vào sự phát triển Giáo Hội cùng con người và đất nước Việt Nam cách toàn diện và vững bền.

4. Kinh nghiệm về đời sống cầu nguyện và yêu thương phục vụ

Chính nhờ đón nhận Chúa Thánh Thần cùng tình yêu của Chúa Kitô, và nhờ đời sống kiên trì cầu nguyện trong mọi gian truân, mà Phaolô đã cống hiến cuộc đời và mạng sống mình cho sứ vụ Phúc Âm hoá và xây dựng Giáo Hội theo đường lối yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô.

4.1 "Sống trong chân lý và tình yêu, mọi người sẽ được lớn lên về mọi phương diện, vươn đến Chúa Kitô, là Đầu". (Eph 4,15)

Tình yêu dưới ánh sáng của lý trí trong văn hoá: 4 biển anh em một nhà.

Tình yêu dưới ánh sáng của đức tin vào Chúa Kitô: mọi người là con một Cha, anh em một nhà.

Trong lịch sử truyền giáo, có 2 loại nhà truyền giáo: loại tôn trọng văn hoá bản địa như Mattêô Ricci và loại áp đặt văn hoá ngoại lai.

Trong thực tế gia đình và xã hội có 2 loại tình yêu: tình yêu tôn trọng và tình yêu áp đặt.

Tình yêu đối với quê hương và tổ quốc ngày nay là cùng nhau khám phá định hướng và động lực phát triển toàn diện con người và phát triển vững bền đất nước. (x. Caritas in Veritate)

4.2 Tình yêu phục vụ đòi hỏi hội nhập, đối thoại và hợp tác

Hội nhập: hội nhập vào truyền thống văn hoá của dân tộc nhằm khám phá những hạt giống Lời Chúa trong mỗi nền văn hoá, vun tưới cho những hạt giống đó phát triển. Nhờ vậy làm phong phú nền văn hoá đó.

Đối thoại và hợp tác: truyền thống đối đầu quen thuộc từ xa xưa, ăn sâu vào tâm khảm, vào nếp nghĩ và lối sống con người, kể cả người Kitô hữu. Công Đồng Vatican II mở ra hướng đi mới: đối thoại trong tinh thần bác ái nhằm tìm kiếm sự thật. Tuy nhiên hướng đi này xem ra còn mới mẻ và xa lạ với nhiều người vì họ vẫn quan niệm chân lý là điều gì phù hợp với ích lợi riêng của mình, đem lại lợi nhuận cho bản thân và phe nhóm của mình. Do đó, việc đối thoại và hợp tác rất khó khăn và kết quả có giới hạn, ngay trong lãnh vực phục vụ người nghèo nhất, người bị bỏ rơi, cũng như trong việc phát triển đất nước.

4.3 Đời sống cầu nguyện: "Trong gian truân, hãy kiên nhẫn và chuyên cần cầu nguyện". (x. Rom 12,12)

Lời khuyên của ĐHY Glemp, giáo chủ Balan đã trải qua 3 chế độ: "Hãy kiên nhẫn và cầu nguyện".

Cầu nguyện để sáng suốt nhận ra ý Chúa, đường lối của Chúa, đồng thời để có sức mạnh tiến bước theo đường lối đó trong mọi hoàn cảnh và trong mọi khó khăn thử thách.

Kiên nhẫn cầu nguyện, vì lẽ công việc đổi mới, tâm trí và lòng dạ con người là công việc của Chúa Thánh Thần, tất nhiên với sự cộng tác của người thành tâm thiện chí.

Kiên nhẫn và cầu nguyện như Chúa dạy (x. Kinh Lạy Cha), như Hội Thánh dạy (x. 20 Mầu Nhiệm Mân côi), còn là nguồn nước trong lành vun tưới cho các hạt giống hồng ân cứu độ phát triển xanh tươi và đơm bông kết trái.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đức Maria qua các thời đại (4
Vũ Văn An
01:06 08/12/2009
Chương 3: Evà và Việc Bảo Đảm Nhân Tính Đích Thực của Chúa Giêsu

Cũng như vì sự bất tuân của một người, mà nhiều người thành có tội,thì cũng nhờ sự tuân phục của một người, mà nhiều người thành công chính – Thư gửi tín hữu Rôma 5:19

Hai thế kỷ thứ hai và thứ ba sau Chúa Kitô là thời đáng ghi nhớ do các chuyển dịch văn hóa và biến động tri thức lẫn linh đạo. Thời này vốn được các sử gia gọi là Thời Cuối Cổ Đại, tức khoảng thời gian nằm giữa hai nền văn hóa Hy Lạp và văn hóa Byzantine-Trung Cổ. Thời này, việc so sánh giữa Đức Maria và bà Evà là tụ điểm hàng đầu để người ta xem sét hai vấn đề chính có liên quan tới đời sống và tư tưởng, hai vấn đề sẽ còn tiếp tục được thời đại ta coi như quan tâm muôn thuở. Đó là ý nghĩa của thời gian và lịch sử con người và việc định nghĩa thế nào là nhân bản đúng nghĩa (1).

Đóng góp chính yếu của niềm tin Israel vào việc phát triển tư tưởng Tây Phương chính là việc giải thích lịch sử. Điều này không có nghĩa là các nền văn hóa khác, như văn hóa cổ điển Hy Lạp chẳng hạn, không bàn tới vấn đề ý nghĩa lịch sử con người. Một cách đặc biệt, chính trong tư tưởng của Platông, vấn đề ấy đã được chú ý tỉ mỉ. Cuốn thứ bốn trong bộ Luật của Platông có chứa một phân tích sâu sắc về sức mạnh tương đối của một vài lực lượng trong lịch sử như sau: “Thiên Chúa cai quản mọi loài, nhưng may rủi [tyche] cùng cơ may [kairos] có cộng tác với Người trong việc cai quản công việc của con người. Tuy nhiên, còn cái nhìn thứ ba và ít cực đoan hơn đó là kỹ thuật [techne] cũng có mặt ở đây nữa” (2). Như Constantine Despotopoulos đã nhấn mạnh, nghiêm chỉnh suy nghĩ về mối liên hệ qua lại giữa ba lực lượng này, có thể đem lại cho ta cái cơ sở của một nền triết học có tầm xa về lịch sử (3). Cũng thế, các sử gia của Nhã Điển xưa, mà trên hết là Thucydides trong Điếu Văn Pericles, và cả Herodotus nữa, đều đã dấn thân vào suy tư nghiêm chỉnh loại này khi họ cân nhắc lịch sử Hy Lạp (4).

Tuy thế, sự xuất hiện niềm tin Israel và sự du nhập Thánh Kinh Do Thái vào thế giới La Hy, trước nhất qua bản dịch sang tiếng Hy Lạp của các người Do Thái nói tiếng Hy Lạp ở Alexandria và sau đó, một cách lớn lao và có tính quyết định hơn, qua sứ vụ và sự bành trướng của Kitô Giáo trong toàn bộ thế giới Địa Trung Hải, đã thách thức, và sau cùng, đã biến đổi hoàn toàn các quan điểm đang thịnh hành lúc đó về thiên nhiên và mục đích của diễn trình lịch sử. Lúc này, nói như bộ Luật của Platông rằng “Thiên Chúa cai quản mọi loài” đã có một nghĩa hoàn toàn khác, khi các “may rủi” lịch sử hay kairos được nói tới chính là cuộc xuất hành của Israel ra khỏi Ai Cập và việc trao ban lề luật cho Môsê trên núi Xinai, hay cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Vì, theo một nghĩa nào đó, niềm tin “Thiên Chúa cai quản mọi loài” đã được củng cố thêm khi hạn từ “Thiên Chúa” được coi như không còn ám chỉ các thần minh trên Núi Olympus cũng như Đấng Duy Nhất trong triết học Platông nữa, mà là Đấng Thiên Chúa của Ápraham, của Ixaác và của Giacóp, hay Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Bất chấp những dị biệt sâu sắc và từ căn bản không thể giảng hòa được, Do Thái giáo và Kitô Giáo đều coi lịch sử con người như một diễn trình trong đó sự cai quản của Thiên Chúa là do sáng kiến riêng của Người. Môsê không dùng cái thông minh sắc sảo của ông để khám phá ra Thiên Chúa khi chăn đoàn cừu cho Gít-rô trên cánh đồng Ma-đi-an; đúng hơn, chính Thiên Chúa đã chọn ông, đã tìm kiếm ông, kêu gọi ông từ bụi gai bừng lửa, và đặt lên vai ông nhiệm vụ nói với Pharaô rằng: “Hãy để dân Ta đi!” Cũng thế, Tân Ước không phải là trình thuật về việc làm thế nào cái khuynh hướng hướng thượng trong lịch sử con người đã có thể đạt đến trình độ thần thiêng, như thể xác phàm đã trở thành Lời Thiên Chúa; trái lại, “từ khởi thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Và Ngôi Lời trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (6). Như thế, theo một nghĩa triệt để và có tính biến đổi, lịch sử đã được nhìn từ trên cao, như bản ghi lại các hành động của Thiên Chúa hằng sống. Như Tân Ước đã nói, “mọi ơn phúc tốt đẹp và mọi ơn phúc hoàn hảo đều do từ trên mà ban xuống, từ Cha các nguồn sáng mà đến; với Người, không có đổi thay cũng chẳng có bóng dáng tráo trở” (7).

Nhưng đó mới chỉ là nửa phần câu truyện, vì cùng một lúc, cả hai truyền thống Do Thái lẫn Kitô Giáo đều quan niệm rằng cũng một lịch sử ấy đã từ bên dưới mà có, như một bản ghi chép các hành động thực sự của con người, những hành động mà con người trong tư cách các chủ thể tự do phải chịu trách nhiệm về phương diện luân lý. Giữa những biến đổi và biến động lịch sử của thế giới Địa Trung Hải ở thế kỷ thứ hai và thứ ba, tâm trí nhậy cảm của thời cuối Cổ Đại cố gắng cân nhắc xem liệu lịch sử con người có một ý nghĩa nào dễ nhận ra chăng. Một trong những tâm trí cao thượng nhất là Marcus Aurelius, qua đời năm 180. trong cuốn II bộ Các Suy Niệm, không viết bằng La Ngữ (dù ông là Hoàng Đế La Mã), nhưng viết bằng Hy Ngữ, ông đã đặt câu hỏi như sau về thời đại của mình: “Hẳn phải có một số phận bất hạnh không thể lay chuyển được và một quy luật không thể vi phạm được, hay một sự quan phòng đầy nhân hậu, nếu không chỉ còn là hỗn mang vô mục đích và không ai trị được. Mà nếu đã là số phận không cưỡng lại được, thì tại sao còn tìm cách chống trả nó? Còn nếu đã có sự quan phòng đầy lòng nhân hậu, thì bạn chỉ cần ráng hết sức để xứng đáng được hưởng ơn cứu giúp của đấng thần thiêng. Nếu là hỗn mang không có hướng đi, thì hãy tạ ơn vì giữa biển khơi sóng bão, bạn có trong mình một trí khôn ở đàng lái” (8). Để xem sét ba chọn lựa như hoàng đế triết gia Marcus Aurelius vừa phác họa trên đây, Do Thái Giáo, và sau đó Kitô Giáo, đã coi lịch sử như vũ đài trong đó cả “sự quan phòng đầy nhân hậu” lẫn việc con người sẵn sàng chịu trách nhiệm đều cùng hành động khiến cho không điều nào trong hai điều ấy bị hiểu là tách biệt nhau. Đó là ý nghĩa sâu sắc nhất của hạn từ berith, giao ước, trong tiếng Hi-bá-lai, trong đó, cả hai bên giao ước đều cam kết làm một số điều nhất định, dù một bên là Đấng dựng nên trời đất, còn bên kia là con người tạo vật. Về bên thực sự nhân bản trong biện chứng lịch sử này, quan điểm Kitô Giáo vẫn coi Evà và Đức Maria là những khuôn mặt chủ chốt (9).

Thời sơ khai của Kitô Giáo, người ta có tập tục coi ba chương đầu của sách Sáng Thế như là lời báo trước Chúa Kitô sẽ xuất hiện. Bởi thế, chúng đã lên khuôn cho câu truyện Chúa Kitô bị ma qủy cám dỗ như một thứ diễn thuật (midrash) lại câu truyện cám dỗ Adong và Evà. Tên cám dỗ nói với Evà: “ngày ngươi ăn nó… ngươi sẽ nên như Thiên Chúa” (10). Còn với Chúa Kitô, Đấng “đã ăn chay 40 ngày và 40 đêm, và sau đó thấy đói”, tên cám dỗ nói: “nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy truyền cho những hòn đá này thành bánh ăn” (11). Trong thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô đã đưa ra một so sánh như sau: “Cũng như do tội lỗi một người [tức Adong] mà tội lỗi đã vào trần gian, và với tội lỗi là sự chết thế nào… thì nhờ ơn huệ Thiên Chúa, vì một người là Chúa Giêsu Kitô, ơn thánh Chúa còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người như vậy” (12). Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, ngài khai triển điều trên với nhiều chi tiết hơn như sau: “Như có lời đã chép: con người đầu tiên là Adong được dựng nên thành một sinh vật, còn Adong cuối cùng là thần khí ban sự sống… Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến” (13). Nhưng đối với phạm trù lịch sử từ bên dưới đi lên, nghĩa là như bản ghi chép các hành động thực sự nhân bản, những hành động mà con người phàm tục phải chịu trách nhiệm, thì sự so sánh có tính tương phản giữa Adong Thứ Nhất, là người “bởi đất mà ra, thuộc về đất” và Adong Thứ Hai, tức Chúa Kitô, là “Thần khí ban sự sống”, một so sánh vốn có một quá trình phát triển quan trọng trong lịch sử tư tưởng, cũng đã phát sinh ra nhiều vấn nạn nghiêm trọng, mà chúng tôi sẽ bàn đến trong phần thứ hai của chương này.

Đối với một số vấn đề ấy, sự so sánh có tính tương phản giữa Evà và Đức Maria đem lại một cái nhìn sâu sắc và một sửa đổi quan trọng. Ở đây, Thánh Irênê, giám mục Lyons, người có lẽ đã sinh ra tại Tiểu Á khoảng năm 130 và chết khoảng năm 200, đã phát biểu sự so sánh này một cách hết sức rõ ràng, trong cả hai trước tác của ngài hiện còn tồn tại: đó là một đoạn trong chuyên khảo Chống Lạc Giáo (viết bằng Hy Ngữ nhưng phần lớn được bảo tồn trong bản dịch Latinh), và một công trình người ta tưởng đã thất lạc vĩnh viễn nhưng mới tìm lại được trong thế kỷ này trong một bản dịch Armenia, tức cuốn Epideixis (Chứng Minh Giáo Huấn Tông Đồ). Mang các yếu tố trong Sáng Thế và trong các Phúc Âm đặt song đối với nhau, như Vườn Địa Đàng với Vườn Diệtsimani, cây biết lành biết dữ với cây thánh giá, Thánh Irênê đã đạt đến những so sánh song đối có tính canh tân và làm ta bái phục hết sức:

Và cũng như qua một trinh nữ bất tuân [tức Evà], nhân loại bị đánh gục và bị chết thế nào, thì qua Đức Trinh Nữ [Maria] hằng vâng phục lời Thiên Chúa, nhân loại đã được hồi sinh, nhận lại sự sống thế ấy. Vì Chúa chúng ta [Chúa Kitô] đã đến tìm chiên lạc, và chính nhân loại là con chiên lạc ấy; do đó, Người đã không trở nên một vóc thể nào khác, mà đã tiếp nhận một vóc thể từ chính người đàn bà vốn do Adong sinh ra [tức Đức Maria]; vì Adong nhất thiết sẽ được phục hồi trong Chúa Kitô, nên tử sinh đã được tháp nhập vào bất tử. Thì Evà [vì nhất thiết sẽ được phục hồi] trong Đức Maria, nên một nữ trinh, nhờ trở nên người bênh vực một nữ trinh, cũng sẽ cởi bỏ và tiêu diệt được sự bất tuân Trinh Nữ kia bằng sự tuân phục Trinh Nữ này” (14).

Đây không phải chỉ là sự so sánh giữa Adong Thứ Nhất “bởi đất mà ra, thuộc về đất” với Adong Thứ Hai, tức Chúa Kitô, “Thần khí ban sự sống”, nói cách khác, một so sánh song đối giữa người trần gian và đấng trên trời, mà còn là một tương phản giữa sự bất tuân gây họa do một con người hoàn toàn là người tức Evà và sự tuân phục có tính cứu vớt của một con người hoàn toàn là người, đấng không hẳn “từ trời” nhưng chỉ là “từ đất” mà ra là chính Đức Maria, Evà Thứ Hai. Điều tuyệt đối chính yếu từ hai trình thuật trên là sự bất tuân của Evà và sự tuân phục của Đức Maria được nhìn như những hành động của ý chí tự do, chứ không phải là những hậu quả của cưỡng ép, dù là do ma qủy như trường hợp của Evà hay do Thiên Chúa như trường hợp Đức Maria.

Khi nói rằng đối với việc phát triển học lý về Đức Maria, các tác giả Kitô Giáo, như Thánh Irênê trong đoạn văn này, chính là các chứng tá quan trọng cho thấy tình trạng truyền thống ở hậu bán thế kỷ thứ hai, ta đã nêu lên một câu hỏi đáng lưu ý là liệu có phải Thánh Irênê đã sáng chế ra ý niệm Đức Maria là Evà Thứ Hai hay ngài chỉ rút tỉa ý niệm đó từ kho truyền thống của “thời trước”. Đọc Chống Lạc Giáo và nhất là Chứng Minh Giáo Huấn Tông Đồ, ta thấy ngài trích dẫn sự so sánh giữa Evà và Đức Maria một cách hết sức thản nhiên không cần biện luận hay bênh vực chi cả, như thể cho rằng độc giả đã hoàn toàn đồng ý như thế vì đã quá quen thuộc với nó rồi. Ta dám nói như thế vì trong vấn đề này cũng như nhiều vấn đề khác, Thánh Irênê vốn coi mình như người canh giữ và chuyển giao các tín điều từng được các thế hệ trước trao lại, kể cả từ chính các tông đồ nữa (16). Độc giả thời nay chắc chắn phải xem sét, có khi phải chấp nhận khả thể này là Thánh Irênê có lý khi coi mình như trên, và do đó, đến hậu bán thế kỷ thứ hai, người ta đã rất tự nhiên khi nhìn Evà “bà mẹ của mọi sinh linh” (17) và Đức Maria, mẹ Chúa Kitô, cùng một lúc với nhau, và do đó đã hiểu và đã giải thích mỗi người trong hai người đàn bà quan yếu nhất của lịch sử nhân loại này trên căn bản người kia. Có lẽ vì muốn nhắn gửi các độc giả hiện đại như thế, nên năm 1958, điêu khắc gia Đức, ông Toni Zanz, đã khắc “sự so sánh trên” vào cánh cửa kim khí, lúc tái thiết Nhà Thờ Sankt Alban tại Cologne, từng bị Thế Chiến II tiêu hủy, qua hình ảnh: phía dưới bên trái là Adong và Evà lúc sa ngã, phía trên bên phải là Adong Thứ Hai và Evà Thứ Hai lúc chịu đóng đinh và cứu chuộc.

Một khi đã đưa vào tự vựng, thì biện chứng giữa Evà và Đức Maria tự nó có cuộc sống riêng. Thật vậy, trong La Ngữ, tên Eva viết ngược lại thành Ave, tức lời thiên thần chào Đức Maria trong bản Phổ Thông và đã được triệu triệu linh hồn vang dội lại trong lời kinh Ave Maria, nên xem ra đã có sẵn một ý nghĩa kỳ diệu về thánh mẫu học ngay trong cái tên ấy rồi. Một cách nghiêm trang và sâu sắc hơn, các khai triển chung quanh việc bất tuân của Evà và sự tuân phục của Đức Maria đã sản sinh ra nhiều so sánh tâm lý rộng dài giữa hai người đàn bà này. Trong số ấy, sự giải thích tiêu cực về người đàn bà như đã được thể hiện nơi Evà - dễ bị tổn thương, phi lý, dễ xúc cảm, gợi dục, sống nhờ kinh nghiệm giác quan hơn là tâm trí và lý trí, và do đó dễ làm mồi cho tên cám dỗ qủy quyệt – đã gieo rắc nhiều nguyên mẫu (vơ đũa cả nắm) rất quen thuộc, có tính vu khống, chống lại đàn bà, vốn hằn sâu trong ngôn ngữ và tư tưởng của nhiều dân tộc, khắp các châu lục, chứ không riêng gì Phương Tây. Các tác giả ưa tranh biện ngày nay đang lục lọi các công trình của giáo phụ lẫn thời Trung Cổ để tìm ra các nguyên mẫu này, và họ đã gom góp cả một danh mục đồ sộ mà ngày nay ta thường thấy xuất hiện trên nhiều sách báo. Không phải để bênh vực các nguyên mẫu này cho bằng để đem lại một tu chính cần thiết cho lịch sử, chúng tôi xin nhấn mạnh rằng các công trình tư tưởng thời giáo phụ và Trung Cổ đã trình bày được một thế cân bằng cho các nguyên mẫu kia, qua các giải thích sâu rộng hơn về người đàn bà như đã được thể hiện nơi Đức Maria, “Người Đàn Bà Dũng Cảm [mulier fortis]”, mà trong tư cách hậu duệ và trả thù cho Evà Thứ Nhất, đã đạp dập đầu con rắn và đánh bại ma qủy (18). Công lý lịch sử đòi phải bao gồm cả hai cực của cuộc biện chứng. Trong Thiên Đàng Đã Mất [Paradise Lost], John Milton, một “tác giả rõ ràng chống Đạo Công Giáo và việc Giáo Hội này thờ kính Đức Maria”, đã viết những giòng sau đây khi chào mừng Evà:

… Thiên thần Kính Mừng

Lời chào kính mãi sau này

Dùng chúc phúc Maria, Evà thứ hai (20).

Khi viết như thế ông đã trích dẫn lời chào của thiên thần “Kính mừng Maria” và với lời chào ấy đã nhắc lại sự so sánh thời xưa được dùng làm chủ đề cho chương này. Nhưng vì là một người Thanh Giáo và Thệ Phản, ông trích dẫn như thế trong một bối cảnh văn chương và thần học đã đánh mất phần lớn bức chân dung của Công Giáo về Đức Maria, từng được dùng làm trái cân thăng bằng. Bởi thế, Milton đã đặt vào miệng Adong sau khi sa ngã lời “Ave Maria”với Đức Trinh Nữ Maria bằng một thứ ngôn ngữ rõ ràng cố ý làm cho cả Evà lẫn Đức Maria hiểu vị thế thích đáng của họ trong sơ đồ lịch sử nhân loại:

… Hỡi Mẹ Trinh Nữ, Kính Chào

Cao trọng trong tình yêu Trời Cao,

Nhưng vẫn từ Hạ Bộ (Loines) ta

Mà sinh hạ làm người… (21).

Việc Milton chẩn đoán tỉ mỉ biến cố Evà sa ngã về phương diện tâm lý, sau khi nó xẩy ra, đã được người ta chào đón như một khảo sát nhân vật thật sáng chói, dù thiếu sót. Tuy nhiên nếu nhìn cuộc mổ xẻ cơn cám dỗ trong bối cảnh tư tưởng giáo phụ và Trung Cổ về Evà Thứ Nhất và Evà Thứ Hai, thì rõ ràng Thiên Đàng Đã Mất đã quá nhấn mạnh đến một trong hai cực của biện chứng. Và điều ấy cũng đúng đối với nhiều nhà văn khác, vốn thua kém Milton.

Trở lại các phạm trù của Marcus Aurelius và của Thánh Irênê (hai người gần như sống cùng thời với nhau ở thế kỷ thứ hai), ta thấy nếu dùng ngôn ngữ của vị trước, thì chủ đề chính trong tư tưởng của vị sau là có “một sự quan phòng đầy nhân hậu”. Sự quan phòng này tự chứng tỏ mình nhân hậu khi đem lại diễn trình “tái tiến tạo [anakephalaiosis]” lịch sử nhân bản, trong đó, mỗi giai đoạn liên tiếp của tội lỗi con người đều được tái lập bằng một giai đoạn cứu rỗi của Thiên Chúa trong Chúa Kitô (22). Nhưng hình ảnh của phái Khắc Kỷ về “sự quan phòng đầy nhân hậu” này thường có sắc thái một tất yếu duy mệnh, một thứ ananke heimarmene, đầy hoài nghi đối với ý chí tự do. Cái thứ tất yếu có tính duy mệnh này không hẳn không phù hợp với cái nhìn sâu sắc vào động lực học và tâm lý học con người, như đã thấy không những nơi Marcus Aurelius mà trên hết cả nơi Tolstoy nữa (23). Trong lời bạt nổi tiếng thứ hai cho cuốn Chiến Tranh và Hòa Bình, Tolstoy tấn công các nền triết lý hiện đại về lịch sử vì những quyến luyến lâu lắc của chúng đối với quan điểm không thể nào chủ trương được về ý chí tự do. Ông đã kết luận với một phương châm nổi tiếng như sau: “Cần thiết phải từ bỏ cái thứ tự do chưa hề hiện hữu, và nhìn nhận sự tùy thuộc [nghĩa là duy mệnh] mà ta chưa hề ý thức” (24).

Chủ đề coi Đức Maria như Evà Thứ Hai cũng đại biểu cho lời phê phán, và cho việc thay thế, một quan điểm khác vốn rất thịnh hành ở thời Cổ Đại và Hậu Cổ Đại: đó là lý thuyết lịch sử theo chu kỳ (cyclical theory) được tượng hình chủ yếu bằng chiếc bánh xe như trong triết học Porphyry. Nó đã được Charles N. Cochrane, một nhà nghiên cứu Herodotus, lên công thức như là “niềm tin vào một sự tái diễn không cùng các hoàn cảnh ‘đặc trưng’”. Đô Thị Thiên Chúa (City of God) của Thánh Augustinô đã đáp lại niềm tin đó bằng “niềm tin của Kitô hữu rằng bất chấp mọi biểu kiến, lịch sử nhân loại không bao gồm một loạt các khuôn mẫu lặp đi lặp lại, nhưng đánh dấu một tiến bộ chắc chắn, dù có ngập ngừng, hướng tới mục tiêu tối hậu. Trong tư thế đó, nó có một khởi đầu, một khúc giữa, và một kết thúc, [exortus, processus, et finis]” (25). Vì theo Thánh Augustinô, thuyết chu kỳ đúng ở chỗ biện phân được các “khuôn mẫu lặp đi lặp iại”, nhưng những khuôn mẫu này không bác bỏ tính đặc thù của những biến cố và những con người không thể lặp đi lặp lại được, là những biến cố và những con người chỉ xuất hiện độc nhất vô nhị, có một lần và chỉ một lần mà thôi: Adong và Evà không tiếp tục được dựng nên hết lần này đến lần khác, không chịu thua sự rù quyến của tên cám dỗ hết lần này qua lần khác và cũng không bị đuổi khỏi địa đàng hết lần này qua lần nọ. Nhưng nhờ diễn trình tái tiến tạo (recapitulation) của thánh Irênê, một Adong Thứ Hai đã xuất hiện trong con người của Chúa Giêsu Kitô, một lần cho muôn đời, để sửa chữa lại sự thiệt hại do Adong Thứ Nhất gây ra; và một Evà Thứ Hai đã xuất hiện trong con người của Đức Trinh Nữ Maria, để, như lời Thánh Irênê, “một trinh nữ, nhờ trở thành người ủng hộ một trinh nữ, đã tháo gỡ và hủy diệt được sự bất tuân của trinh nữ bằng sự tuân phục của trinh nữ” (26) - một diễn trình không phải là lặp đi lặp lại mà là tái tiến tạo.

Ấy thế nhưng những lời trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô đã trích dẫn trên đây rằng “Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến” (27) đã lên bản sắc cho một quan niệm thứ hai của thời Hậu Cổ Đại mà khuôn mạo Đức Maria đem lại một đáp ứng: đó là ý niệm “thần nhân [ho theios aner]”. Ý niệm này, khi đem áp dụng vào lối hiểu của Kitô Giáo về con người của Chúa Giêsu Kitô, đã dẫn người ta đến một nguy cơ hầu như không thể thoát được là “con người thứ hai, đấng là Chúa từ trời mà đến” vì được quan niệm như hơn người phàm trần bình thường nên đã trở thành ít người hơn. Khuynh hướng trích dẫn trên đây từng được Louis Ginzberg phát biểu rằng: ”cũng như ngọc trai phát sinh do kích thích tố trên vỏ trai thế nào, thì truyền thuyết cũng phát sinh do một kích thích nào đó trên Thánh Kinh” (28) đã xuất hiện từ thời kỳ đầu tiên của tư duy Kitô Giáo về Chúa Giêsu Kitô, và về Đức Maria. Chứng cớ quan trọng nhất cho thấy khuynh hướng này là Phúc Âm ngụy thư gọi là Phúc Âm Đầu Hết Của Giacôbê (29). Mặc dầu là một ngụy thư, tức một Phúc Âm không được chính thức nhận vào quy điển Tân Ước, nó vẫn đã “ảnh hưởng chủ chốt trên các truyền thuyết về Đức Maria, vì đã cung ứng phần lớn các tư liệu căn bản cho tiểu sử của Ngài” (30). Một số các truyền thuyết về Đức Trinh Nữ chứa trong Phúc Âm Đầu Hết Của Giacôbê là: sự khiết trinh nguyên vẹn của Đức Maria không những khi thụ thai mà cả khi sinh con nữa, cũng như ý niệm liên hệ cho rằng Ngài sinh con mà không đau đớn như những người đàn bà bình thường, và do đó cả lời giải thích cho hay “các anh em của Chúa Giêsu” nói tới trong các Phúc Âm hẳn phải là các con của Thánh Giuse do đời vợ trước sinh hạ (31). Dù không rõ ràng mấy, nhưng người ta có cơ sở giả thiết rằng các truyền thuyết như thế về Đức Trinh Nữ Maria có thể mặc nhiên hàm ý một ngần ngại không muốn gán trọn bản tính nhân loại cho người Con Thiên Chúa của ngài, vì sự do dự này đã được minh nhiên phát biểu trong các nguồn tài liệu khác gần như cùng thời với Phúc Âm Đầu Hết Của Giacôbê. Thánh Irênê, người mà ta mang ơn đã trình bày đại qui mô sự song hành giữa Evà và Đức Maria, có thể đã là một trong những nguồn nhờ đó ta học biết rằng: một do dự như thế nơi các đồ đệ của Valentinus, vị thầy theo Ngộ Đạo Thuyết, đã dẫn họ đến chỗ quả quyết rằng Chúa Giêsu đã không được “sinh ra” bởi một trinh nữ theo nghĩa thông thường chút nào, nhưng đã “đi qua Đức Maria như nước chẩy qua đường ống”, không những không kèm theo những cơn đau đớn mà còn không có cả sự can dự của một người mẹ theo nghĩa hoàn toàn thụ động (32). Nghệ thuật Kitô Giáo cuối cùng đã chống lại khuynh hướng ấy bằng những bức chân dung vẽ Đức Maria mang thai (33). Chính cũng để trả lời cho việc đe dọa của Ngộ Đạo Thuyết đối với vấn đề nhân tính đích thực của Chúa Giêsu, cũng như bênh vực địa vị có một không hai không những của Chúa Giêsu Kitô mà còn của Đức Maria nữa trong lịch sử cứu rỗi, mà Thánh Irênê đã tìm ra vai trò nhất định của Đức Nữ Trinh.

Cuộc tranh đấu trí thức quan trọng nhất trong 5 thế kỷ đầu của lịch sử Kitô Giáo - thực ra là của cả lịch sử ấy – đã xẩy ra để trả lời cho nghi vấn phải chăng bản tính Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô y hệt như bản tính Thiên Chúa nơi Thiên Chúa Hóa Công (34). Đức Maria nữa, nay đã được định nghĩa là Theotokos hay Mẹ Thiên Chúa (35), cũng là câu trả lời cho thách đố đó. Dù sự thách thức đối với thần tính trọn vẹn của Con Thiên Chúa này đã xuất hiện ở những thời kỳ trước đó trong phong trào Kitô Giáo, như đã thấy rõ trong việc những kẻ hoài nghi khác từng nhắc lại câu tên cám dỗ nói với Chúa Giêsu: “nếu ông là Con Thiên Chúa” (36), nhưng sự thách thức đặc biệt ở thế kỷ thứ hai và thứ ba này là một sự thách thức đã phát xuất từ một hướng ngược lại, để tra vấn xem liệu con người thần nhân này có thực sự là “người” theo nghĩa trọn vẹn nhất của hạn từ này hay không hay liệu bằng cách này hay cách khác cần phải tránh cho Người khỏi những hệ quả dây dưa phát sinh từ một nhân tính đích thực. Nhiều phong trào trong tư duy và lòng sùng kính Kitô Giáo ở các thế kỷ thứ hai và thứ ba mà cuối cùng người ta đã gom lại một mối để kết án như là “Ngộ Đạo Thuyết” đã có chung cái nhìn mà sau này gọi là “ảo nhân thuyết” (docetism do chữ Hy Lạp dokein có nghĩa ‘coi như”) với ý nghĩa cho rằng nhân tính của Chúa Giêsu “chỉ là biểu kiến bề ngoài”; ngược lại, những tư tưởng gia đầu hết, những người được coi là “chính thống”, là những người cố gắng chứng minh chiều kích thực sự nhân bản trong cuộc đời và con người của Chúa Giêsu, ngược với các khuynh hướng “ảo nhân thuyết” và “ngộ đạo thuyết” nói trên.

Dù nhiều biến cố riêng rẽ trong Phúc Âm đã trở thành bãi chiến trường cho cuộc tranh chấp này, thí dụ ngay ý niệm Người ăn uống giống hệt cách của con người (37), nhưng có hai lúc trong cuộc đời Ngưòi được cả hai bên tập trung vào, đó là lúc Người sinh ra và lúc Người chịu đóng đinh: theo lời Kinh Tin Kính Của Các Tông Đồ, “sinh bởi bà Maria đồng trinh, chịu nạn đời quan Phônxiô Philatô”. Trong bản thánh nhạc cuối cùng, sáng tác trước khi ông qua đời, và chắc chắn là một trong những sáng tác tuyệt hảo nhất và cũng cảm động nhất, Wolfgang Amadeus Mozart đã dùng âm nhạc mà khẳng định rằng chính hai biến cố “thật đã sinh bởi Trinh Nữ Maria [vere natum de Maria Virgine]” và “thật đã hy sinh trên thánh giá vì nhân loại [(vere) immolatumin cruce pro homine]” đã bảo đảm cả ơn cứu độ cho con người lẫn “thân xác đích thực [verum corpus] trong Phép Thánh Thể - và ông đã khẳng định như thế qua việc ngỏ một lời Ave khác đối với “thân xác đích thực” này: Ave verum corpus (38). Đối với cả hai phía, sự chịu nạn và sự chết trên thánh giá là bằng chứng cho một bản tính “nhân loại, hết sức nhân loại”, nói theo thuật ngữ của Nietzche. Ở đó, chịu đau đớn bị coi là bất xứng với bản tính thực sự Thiên Chúa; vì, như mọi người đồng ý, dù chẳng mấy thảo luận, bản tính Thiên Chúa thường được coi như có phẩm chất yếu tính vượt trên khả năng đau đớn hay đổi thay, một phẩm tính được triết học Hy Lạp kêu là apatheia, tính không thể chịu đau đớn, và đã được đưa vào học lý Kitô Giáo khi nói đến Thiên Chúa (39). Người ta cho rằng một trong các bậc thầy hàng đầu của Ngộ Đạo Thuyết, tức Basilides, từng tởm gớm cái ý niệm gán thống khổ cho Đấng Kitô Thiên Chúa, đến nỗi nhân Phúc Âm kể rằng trên đường lên núi Canvariô, binh lính Rôma “khi dẫn [Chúa Kitô] đi, đã bắt ông Simon, người vùng Kirênê, vừa từ quê lên, và đặt lên ông cây thánh giá, để ông vác cho Chúa Giêsu” (40) đã cho rằng Simong Kirênê đã được đánh tráo với Chúa Giêsu và chịu đóng đinh thế cho Ngài, nhờ thế Chúa Giêsu không chịu cái ô nhục chịu đóng đinh và chịu chết (41). Bởi thế, khi tóm lược câu trả lời cho các ý tưởng trên của một tác giả Kitô Giáo thời sơ khai, tức Thánh Inhaxiô thành Antiốc, Virginia Corwin đã viết như thế này: “Sự kiện việc giảng dạy về thập giá và tử hình của Chúa Giêsu tiếp tục là ‘một trở ngại đối với những kẻ không tin’ (Eph.18:1) không nên làm ta ngạc nhiên, và Thánh Inhaxiô cho ta thấy những nhà tư tưởng ảo nhân thuyết, vốn là địch thủ của ngài, hết sức tởm gớm điều đó. Trong tâm trí Thánh Inhaxiô, nó chính là chứng cớ sau cùng và hết sức hiển nhiên cho thấy Chúa Kitô thực sự đã làm người và bước vào lãnh vực lịch sử” (42). Xem ra một phần vì ý thức được cuộc tranh luận này mà nhiều bản kinh tin kính thời Kitô Giáo sơ khai, gồm cả Kinh Tin Kính Các Tông Đồ và Kinh Tin Kính Nixêa và Constantinốp, đã thêm câu “dưới thời quan Phôngxiô Philatô” vào câu Chúa Giêsu chịu khổ hình, do đó đã xác nhận Người là người thực sự và khẳng định việc chịu khổ hình ấy là một biến cố thực sự lịch sử xẩy ra không phải “hồi xửa hồi xưa” theo huyền thoại hay theo thuyết nhân ảo, nhưng ở một nơi chốn trên bản đồ và trong một thời gian đặc thù trong lịch sử đế quốc Rôma (43).

Nhưng quan Phôngxiô Philatô chỉ là một trong hai nhân vật được nhắc tới trong các Kinh Tin Kính, và là người thứ hai. Người kia, được nhắc đến đầu tiên, chính là Đức Trinh Nữ Maria; vì biến cố khác có tính quyết định nhân tính thực sự của Chúa Giêsu là, theo Kinh Tin Kính Các Tông Đồ, Ngài “sinh bởi bà Maria đồng trinh”, một công thức đôi khi được phát biểu với thứ tự hơi khác giữa các chữ hơn là câu “dưới thời quan Phôngxiô Philatô” (44). Cả ở đây nữa, chiến dịch của thuyết nhân ảo nhằm tránh cho Người khỏi các hệ lụy của việc trở thành nhân bản toàn diện đã có một số giải thích khéo léo, bao gồm cả giải thích này: lúc sinh ra, Người đi qua cung lòng Đức Trinh Nữ Maria như nước chẩy qua ống dẫn, mà không ảnh hưởng gì tới trung gian ấy và (quan trọng hơn nữa) không bị trung gian ấy ảnh hưởng (45). Chống lại kiểu ví von và cái lý thuyết núp phía sau nó, ta phải nhấn mạnh đến việc Người thực sự sinh bởi Trinh Nữ Maria. Vì, Tertulianô, người sáng lập ngôn ngữ Latinh Kitô Giáo, khi chống lại Marcion, đã viết rằng: “Với quan điểm coi thân xác Chúa Giêsu chỉ là ảo giác, tưởng tượng, Marcion cho rằng việc Người sinh ra không cung cấp được bất cứ bằng chứng nào về bản thể nhân loại của Người”. Ngược lại, đối với Tertulianô, “vì Người là ‘sự thật’, nên Người là xác thịt; vì Người là xác thịt, nên Người đã sinh ra…Người không phải là bóng ma” (46). Luận lý của biện luận này thật rõ ràng, dù người ta có chấp nhận thực chất của nó hay không: Sự cứu rỗi tùy thuộc nhân tính đích thực và toàn diện của Chúa Kitô khi Người sống và khi Người chết; mà nhân tính đích thực và toàn diện ấy tùy thuộc việc Người có được thực sự sinh ra hay không; và việc Người có thực sự sinh ra hay không tùy thuộc việc Người có hay không có một bà mẹ thực sự là người theo nghĩa đầy đủ. Và nếu, như Thánh Irênê và nhiều vị khác từng chủ trương, chính sự vâng phục tự ý và trinh khiết của Đức Maria đã tháo gỡ và sửa lại được sự bất tuân cũng tự ý và khiết trinh của Evà, thì Đức Maria phải trở thành cả Evà Thứ Hai lẫn người bảo đảm chính yếu cho nhân tính của Chúa Kitô.

Tất cả các điểm trên được tản văn nhất là thi ca trình bày dưới hình thức hoa mỹ của một bão hòa đối với biện chứng và hân hoan trong phản đề, như các dòng sau đây của thi sĩ siêu hình Anh sau này thuộc thời Baroque, Richard Crashaw, một người Thanh Giáo trở lại Công Giáo La Mã:

Kính chào, mọi diệu kỳ trong một cảnh tượng!

Cõi Vĩnh hằng gói trọn trong khoảnh khắc!

Hạ trong Đông, Ngày trong Đêm!

Trời trong Đất, và Chúa trong người!

Cao cả tí hon! Mà cuộc sinh hạ cao vời

Nâng được Đất lên Trời, hạ được Trời xuống Đất (47)

cho đến khi Đức Trinh Nữ Maria được coi như Đức Bà Của Các Nghịch Lý: Trinh Nữ mà Mẫu Thân, Mẹ Người mà Mẹ Chúa.

Tuy chỉ là một tạo vật, nhưng Ngài lại là Đấng mà qua Ngài, Ngôi Lời Tạo Hóa đã hiệp nhất mình với một bản tính nhân loại tạo dựng (48). Trong công thức tuyệt diệu của Thánh Grêgôriô thành Nyssa nhằm tương phản Adong Thứ Nhất với Adong Thứ Hai, ta thấy “lần đầu tiên, [Thiên Chúa Ngôi Lời] lấy bụi từ đất và tạo nên con người, [nhưng] lần này, Người lấy bụi từ Đức Trinh Nữ để không những chỉ tạo nên con người, mà là tạo ra con người quanh chính họ” (49). Mặc dù chủ thuyết Ariô, từng bị Thánh Athanasiô đánh bại, thường được coi (và được coi rất đúng) là một bác khước thiên tính tròn đầy và hoàn toàn nơi Chúa Kitô, nhiều lạc giáo thời trước đó về Chúa Kitô, và như một số nhà giải thích (50) cho rằng trong đó có cả chủ thuyết Ariô nữa, đã phạm sai lầm khi bác khước nhân tính tròn đầy và hoàn toàn của Người. Dù ngay từ đầu, đã có những lời dạy bị các nhà soạn thảo Tân Ước chống lại bằng cách nhấn mạnh tới các đặc tính hữu hình, rờ mó được của thân xác Chúa Kitô, vẫn có một số các giải thích cố gắng tránh cho Người khỏi cái tính cụ thể đầy tởm gớm mà xác thịt con người vốn thừa hưởng. Và vì không còn gì trong thân xác con người cụ thể hơn, và đối với nhiều người trong số họ, không còn gì tởm gớm hơn là các diễn trình sinh nở của con người, nên họ hết sức chú tâm đến việc không để cho nhân tính của Người lệ thuộc các diễn trình ấy. Điều ấy tất yếu biến Đức Maria thành chủ điểm hàng đầu cho việc tái giải thích của họ, cũng như cho các giải đáp chính thống. Không những một số các nhà ngộ đạo thuyết chủ trương rằng Chúa Kitô “không tiếp nhận gì nơi Đức Nữ Trinh” (51), mà (cũng theo phúc trình của Thánh Gioan Đamát, rõ ràng trích dẫn Thánh Irênê) (52) họ còn nói rằng Người đi qua thân xác Đức Maria như đi qua “một máng chuyển [dia solenos]” nghĩa là, không bị ảnh hưởng bởi trung gian thụ động là mẹ Người. Điều này xem ra chỉ là một hình thức quá khích của ý niệm khá phổ biến thời xưa, cho rằng ngay cả trong việc thụ thai và hạ sinh bình thường, người mẹ cũng chỉ hành động như “mảnh đất” đối với đứa con thôi, chứ thực ra đứa con được sinh ra hoàn toàn nhờ ”hạt giống” [sperma] của người cha (53). Để trả lời cho quan điểm ngộ đạo này về Đức Maria, các thần học gia chính thống cổ xưa nhất đã nhấn mạnh rằng dù Chúa Kitô được tượng thai cách siêu nhiên không cần tác nhân một người cha phàm trần, Người đã “thực sự [alethos] được hạ sinh” cùng một cách như mọi con người phàm trần khác (54). Ngay cả trước đó, như đã nhắc ở chương 1, khi tông đồ Phaolô muốn quả quyết rằng Con Thiên Chúa, Đấng đến “vào thời viên mãn”, đã chia sẻ nhân tính đích thực của chúng ta, ngài đã viết rằng Chúa Kitô “đã được sinh ra bởi một người đàn bà” (55), dù xem ra không phải vì thế mà thánh tông đồ ngụ ý xa gần gì tới việc sinh hạ mà còn đồng trinh hay tới chính con người Đức Trinh Nữ Maria.

Sau khi tiếp nhận sự so sánh trên từ các tác giả Hy Lạp, các thần học gia Phương Tây sau cùng đã có thể lợi dụng được sự trùng hợp tình cờ về chữ nghĩa trong tiếng Latinh, như đã nói ở trên, để chơi chữ bằng cách viết ngược hai chữ Eva/Ave. Theo sách Sáng Thế, Evà Thứ Nhất là mẹ mọi người sống [mater panton ton zonton], và do đó Bản Bẩy Mươi đã dịch như sau: “Và Adong gọi tên vợ mình là Sống [zoe], chứ không hẳn Evà (56). Như thế, Evà Thứ Hai cũng đã trở nên bà mẹ mới của tất cả những ai tin và sống nhờ niềm tin vào người Con Thiên Chúa của Ngài.

_____________________________________________________________________

Ghi Chú

1. Xem hợp tuyển sâu sắc các tư liệu gốc cho chương này và các chương kế tiếp trong Sergio Alvarez Campo chủ biên, Corpus Marianum Patristicum, 5 cuốn (Burgos: Aldecoa, 1970-81).

2. Plato Laws 709B (bản dịch của Benjamin Jowett).

3. Constantine Despotopoulos, Philosophy of History in Ancient Greece (Athens: Academy of Athens, 1991), 78-80.

4. Xem Norma Thompson, Herodotus and the Origins of the Political Community (New Haven & London: Yale University Press, 1996).

5. Xh 3.

6. Ga 1:1,14.

7. Gc 1:17.

8. Marcus Aurelius, Meditations XII.14 (Bản dịch của Maxwell Staniforth).

9. Lino Cignelli, Maria nuova Eva nella patristica greca sec.II-IV (Assisi: Studio teologico Porzuncola, 1966).

10. St 3:5.

11. Mt 4:2-3.

12. Rm 5:12, 15.

13. 1 Cor 15:45, 47.

14. Thánh Irênê, Proof of the Apostolic Preaching 33 (Bản dịch của Joseph P. Smith, đã duyệt lại).

15. Trong Browm và những người khác, Mary in the New Testament, 257 (Thêm các chữ nghiêng).

16. Xem The Christian Tradition, 1:108-20.

17. St 3:20.

18. Xem chương 6 bên dưới.

19. Mary Christopher Pecheux, “The Concept of the Second Eve in Paradise Lost” PMLA 75 (1960):359.

20. John Milton, Paradise Lost V.385-87.

21. Milton Paradise Lost XII.379-81.

22. Xem The Christian Tradition, 1: 141-46.

23. Isaiah Berlin, “The Hedgehog and the Fox” trong Russian Thinkers, Henry Hardy và Aileen Kelly chủ biên (New York: Penguin Books, 1979), 22-81.

24. Tolstoy, War and Peace, Lời Phi Lộ Thứ Hai, ch.12 (bản dịch của Aylmer & Louise Maude).

25. Charles Norris Cochrane, Christianity and Classic Culture (Oxford: Clarendon Press 1944), 483-84, tóm lược luận chứng trong Quyển XII City of God của Thánh Augustinô.

26. Thánh Irênê, Proof of the Apostolic Teaching 33 (Bản dịch của Joseph P. Smith, đã duyệt lại).

27. 1Cor 15:45-47.

28. Ginzberg, Legends of the Bible, xxi.

29. H.R. Smid, Proevangelium Jacobi: A Commentary (Assen: Van Gorcum 1975), rất hữu ích và cân bằng.

30. Brown và những người khác, Mary in the New Testament, 248-49.

31. Proevangel of James 19:3-20, 17:20, 9:2.

32. Thánh Irênê, Against Heresies I.vii.2, III.xi.3.

33. Gregor Martin Lechner, Maria Gravida: Zum Schwangerschaftmotive in der bildenden Kunst (Munich:Schnell und Steiner, 1981).

34. Adolf von Harnack, [Grundrisz der] Dogmengeschicht, ấn bản thứ tư (Tubingen: J.C.B. Mohr [Paul Siebeck], 1905), 192.

35. Xem chương 4 bên dưới.

36. Mt 4:3,6.

37. Thánh Inhaxiô, Epistle to the Trallians 9.

38. Một sửa sai hữu ích đối với những giải thích tiêu chuẩn về mối liên hệ của Mozart với niềm tin tôn giáo tìm thấy nơi Hans Kung, Mozart, Traces of Transcendence, bản dịch của John Bowden (London: SCM Press, 1992).

39. Jaroslav Pelikan, Christianism and Classical Culture: The Metamorphosis of Natural Theology in the Christian Encounter with Hellenism (New Haven and London: Yale University Press, 1993), 328.

40. Lc 23:26.

41. Theo thánh Irênê, Against Heresies I.xxiv.4.

42. Virginia Corwin, St Ignatius and Christianity in Antioch (New Haven: Yale University Press, 1960), 170.

43. Xem bảng trong Schaff, 1:53.

44. Schaff, 1:53.

45. Theo Thánh Irênê, Against Heresies I.vii.2.

46. Tertullianô Against Marcion III.xi.

47. Richard Crashaw, “The Shepherds’Hymn” trong The New Oxford Book of English Verse, 1250-1950, Helen Garner chủ biên (Oxford: Oxford University Press, 1972), 314.

48. Imago Dei, 129, 71.

49. Thánh Grêgôriô thành Nyssa, Against Eunomius IV.3 (PG 45:637).

50. Xem cuộc thảo luận về các quan điểm này trong William P. Haugaard, “Arius: Twice a Heretic? Arius and the Human Soul of Christ”, Church History 29 (1960): 251-63.

51. Thánh Irênê trích dẫn trong Against Heresies III.xxxi.1.

52. Thánh Gioan Đamát On Heresies 31 (PG 94:697).

53. Peter Robert Lamont Brown, The Body and Society: Men, Women and Sexual Renuntiation in Early Christianity (New York: Columbia University Press, 1988), 111-14.

54. Thánh Inhaxiô, Epistle to the Trallians ix.1

55. Gl 4:4; xem chương 1 ở trên.

56. St 3:20 (bản Bẩy Mươi).
 
Một khám phá bất ngờ: Thời đại suy thoái giúp gia đình thêm bền vững
Trần Mạnh Trác
19:40 08/12/2009
Washington (CNS)-Dù là suy thoái kinh tế, thời buổi này đã để lộ ra một lớp thảm đỏ dưới chân: “Nó giúp cho tình trạng hôn nhân tại Hoa Kỳ thêm bền vững”, đó là ý kiến cuả một chuyên gia về hôn nhân hàng đầu thế giới.

"Nhìn vào xu hướng suy giảm cuả ly hôn thì chúng ta thấy rằng nhiều cặp vợ chồng đã khám phá ra là hôn nhân đã hỗ trợ họ về kinh tế và xã hội trong thời gian khó khăn", ông W. Bradford Wilcox, Giám đốc Dự án Hôn nhân Quốc gia tại Đại học Virginia, viết trong một báo cáo về "Hôn nhân tại Mỹ: Tình trạng Liên Bang năm 2009". ("Marriage in America: The State of Our Unions 2009.")

Wilcox, trong báo cáo phát hành ngày 7 tháng 12, cho biết hàng triệu người Mỹ đã áp dụng những điều mà ông gọi là "một chiến lược giải cứu tại gia" ("a homegrown bailout strategy") "để sống qua cơn bão kinh tế dựa vào hôn nhân và gia đình riêng của họ."

Bằng chứng cho thấy từ khi bắt đầu suy thoái kinh tế, tỷ lệ ly hôn đã suy giảm, từ tháng 12 năm 2007 đến hết năm 2008 giảm từ 17.5 phần ngàn xuống còn 16.9 phần ngàn trên các phụ nữ đã lập gia đình.

Ông nói rằng hôn nhân đã được củng cố bởi quyết định cuả nhiều cặp vợ chồng không dùng nợ qua thẻ tín dụng nữa, người Mỹ đã giảm 90 tỷ nợ tập thể trong năm qua, theo báo cáo cuả Ủy Ban Dự Trữ Liên Bang.

Wilcox nói rằng tình trạng suy thoái đã hồi sinh "nền kinh tế gia đình," với người Mỹ càng ngày càng sản xuất thức ăn riêng của họ, tự may vá và ăn uống ở nhà thường xuyên hơn.

"Tinh thần hợp tác kinh tế, đoàn kết gia đình và sự tiết kiệm đã tạo lợi ích cho hôn nhân. Cơn Đại Suy Thoái đã bồi dưỡng định chế hôn nhân như thể đã trải ra một tấm thảm nhung cho các cô dâu chú rể," ông nói.

Bản báo cáo tập trung vào chủ đề ‘tiền bạc có ảnh hưởng như thế nào đến hôn nhân’, đã được xuất bản bởi hai cơ quan ‘Dự án Hôn nhân Quốc gia’ và ‘Trung tâm Hôn nhân và Gia đình tại Học Viện về các giá trị tại Mỹ’. Đây là báo cáo thứ 10 kể từ khi bắt đầu có các báo cáo hàng năm.

Trong một bài viết khác, Jeffrey Dew, giáo sư phụ khảo về vấn đề “gia đình, tiêu thụ và phát triển con người” tại Đại học Utah, cho rằng các cặp vợ chồng biết tiết kiệm thì có cơ hội tốt nhất để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Gọi ‘nợ do thẻ tín dụng’ là "một cơ hội bình đẳng phá vỡ hôn nhân," gs Dew nói, "Không phân biệt là cặp vợ chồng giàu hay nghèo, công nhân hay trung lưu. Nếu họ chồng chất nợ một cách đáng kể, thì hôn nhân của họ có vấn đề."

Ngược lại, các cặp vợ chồng biết tiết kiệm và tích luỹ tài sản thì quan hệ lứa đôi mạnh mẽ hơn và ít khi đi tới ly dị, ông nói.

Trích dẫn một nghiên cứu năm 2008 cuả tạp chí Tư vấn và Kế hoạch Tài chính, ông cho biết những người cảm thấy người phối ngẫu của mình không xử lý tiền bạc đúng "thì cũng khai rằng họ ít có hạnh phúc hôn nhân."

Trong một nghiên cứu khác, gs Dew nói: "cảm giác cho rằng người phối ngẫu tiêu tiền một cách ngu xuẩn làm tăng nguy cơ ly hôn lên 45 phần trăm cho cả hai phía nam và nữ. Chỉ có Ngoại Tình và Rượu/Ma Tuý là những nguy cơ cao hơn."

Alex Roberts, một học giả tại Học Viện về các giá trị cuả Mỹ, nói rằng mặc dù kinh tế suy thoái đã ảnh hưởng tới xu hướng hôn nhân và ly hôn, hiệu quả có thể không được lâu dài.

"Khi một cặp vợ chồng quyết định đình hoãn hôn nhân hoặc ly dị vì lý do suy thoái, nó thường không có nghĩa là mong muốn của họ bị giảm," ông viết. "Có thể là họ chỉ đình hoãn một thời gian tạm mà thôi."

Bởi vì cả hai việc kết hôn và ly dị đều tốn kém, Roberts cho biết, nhiều cặp vợ chồng "phải dẫm chân tại chỗ trong khi nền kinh tế còn suy yếu."

"Nhưng khi suy thoái kết thúc, chúng ta có thể sẽ thấy tỷ lệ kết hôn và ly dị tăng cao trở lại," ông nói thêm.

Trong một bài viết có tiêu đề "Sự khôn ngoan tiền bạc: Nàng để dành, chàng tiêu xài", Ronald T. Wilcox, một giảng viên tại Dự án Hôn nhân Quốc gia và là giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Virginia, gợi ý rằng có nhiều khi chúng ta nên đảo ngược cách quản lý tiền bạc thường thấy trong hôn nhân.

"Đối với nhiều cặp vợ chồng, người chồng nên đóng một vai trò chủ động hơn trong việc thiết lập ngân sách chi tiêu hàng tuần hoặc hàng tháng và thực hiện các việc mua sắm cần thiết," ông viết. "Ngay cả nếu họ không thích, cách hoạt động không tự nhiên này có thể dẫn đến một ngân sách cân đối hơn cho gia đình."

Người vợ, mặt khác, nên phụ trách các kế hoạch tài chính dài hạn và xử lý các khoản đầu tư của gia đình, Ronald Wilcox khuyến khích. "Họ cần phải đầu tư một cách bình tĩnh hơn, thiết lập đầu tư và thay đổi chúng ít thường xuyên hơn, một cách mà người chồng của họ ít có khả năng làm," ông nói.
 
Thông Báo
Cáo Phó: Nữ tu Matta Nguyễn thị Nhục thuộc Dòng MTG Hà Nội đã tạ thế
Hội Dòng MTG Hà Nội
10:20 08/12/2009
CÁO PHÓ
"Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” (Ga. 11,25)

Trong niềm hy vọng vào sự phục sinh của Chúa Kitô,
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội và gia đình trân trọng kính báo:

NỮ TU MATTA NGUYỄN THỊ NHỤC
Sinh ngày: 22 tháng 2 năm 1917
Nguyên quán: Ngọc Thành - Cộng Hoà – Vụ Bản – Nam Định
Nhập Dòng ngày: 15 tháng 8 năm 1928
Khấn Dòng năm: 1931
Khấn Trọn Đời ngày: 14 tháng 9 năm 1983
Đã được Chúa gọi về lúc 22 giờ15 phút, ngày 7 tháng 12 năm 2009
Hưởng thọ 93 tuổi, 82 năm nhập Dòng, 79 năm khấn Dòng.

Thánh lễ nhập quan cử hành lúc 10 giờ, ngày 8 tháng 12 năm 2009
Tại Tu viện Mến Thánh Giá Đạo Truyền - Bình Lục - Hà Nam
Thánh lễ an táng cử hành tại nhà thờ xứ Đạo Truyền
Vào lúc 9 giờ, ngày thứ năm, 10 tháng 12 năm 2009
Do Đức Cha Phụ tá Lơrensơ Chu Van Minh chủ sự.
An táng tại nghĩa trang giáo xứ Đạo Truyền, Bình Lục, Hà Nam

Xin quý vị cầu nguyện cho nữ tu Matta Nguyễn Thị Nhục.
R.I.P


TIỂU SỬ MẸ MATTA NGUYỄN THỊ NHỤC
Mẹ Matta, Nguyễn Thị Nhục, sinh ngày 22 tháng 2 năm 1917, tại thôn Ngọc Thành, xã Cộng Hoà, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội, là con út trong gia đình đạo đức, gồm có 9 anh chị em.
1925: Mẹ Gia nhập Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội
1928-1930: Học tập và phục vụ tại cộng đoàn Mến Thánh Giá Đạo Truyền
1930: Được gọi vào Nhà Tập
1931: Được tuyên khấn lần đầu
1930-1946: Phục vụ tại cộng đoàn và giáo xứ Đạo Truyền, nuôi trẻ nghèo đói năm 1945.
1946-1955: Phục vụ tại nhà in Têrêsa Hà Nội (nhà báo Trung Hoà, số 2 Lý Thái Tổ Hà Nội)
1954: Trong lúc xã hội có nhiều biến động, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn thử thách. Trong khi nhiều linh mục và nhà Dòng di cư vào Nam, thì Mẹ Matta vẫn vâng lời Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê không di cư vào Nam, vẫn trung kiên ở lại với Địa phận để coi giữ nhà dòng, giúp đỡ các cha gặp khó khăn, bị quản thúc. Ý Chúa quan phòng, nhờ có Mẹ Matta và một số chị em khác ở lại nên đã giữ được các cơ sở của nhà Dòng. Trong thời gian này, Mẹ giúp nhiều việc cho Địa phận vì lúc đó các linh mục cũng bỏ đi Nam nhiều, Mẹ nhận các đệ tử (9,10 tuổi) và một số các chị lớn hơn vào đệ tử vào nhà 31 Nhà Chung-Hà Nội. Mẹ nuôi dưỡng, dạy dỗ các chị trưởng thành, tiếp nối các công việc của Mẹ, lo cho Hội Dòng phát triển.
1955-1958: Phụ trách cộng đoàn Mến Thánh Giá Hà Nội
1958-1962: Phụ trách cộng đoàn Mến Thánh Giá Đạo Truyền.
Thời gian này Mẹ đã tổ chức mở lớp giáo lý đầu tiên cho miền Đạo Truyền và Tiêu Hạ. Đây là những hạt giống giúp cho thế hệ trẻ sống đức tin trong hoàn cảnh đạo Công giáo bị cấm cách. Ngoài ra Mẹ còn mở lớp dạy nghề thêu ren cho một số chị em.
1962-1983: Phục vụ tại cộng đoàn và giáo xứ Đạo Truyền
14-09-1983: Được tuyên khấn trọn đời (Khấn công khai theo Giáo Luật)
1983-1987: Tổng Phụ trách Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội. Mặc dầu thời cuộc rất khó khăn về mọi mặt nhưng Mẹ vẫn thao thức, khát khao muốn tái lập lại nhà dòng Mến Thánh Giá tại giáo xứ Bói Kênh. Ước nguyện này mãi đến năm... mới thực hiện được.
1987-2009: Sống, phục vụ tại cộng đoàn và giáo xứ Đạo Truyền.
12-2008: Mẹ ngã bệnh lần thứ nhất, được sự quan tâm chăm sóc của chị em, sức khoẻ M ẹ dần dần bình phục.
01-12-2009: Mẹ ngã bệnh lần thứ hai. Dù chị em trong dòng luôn tận tình chăm sóc nhưng sức khoẻ Mẹ mỗi ngày một yếu.
Sau một thời gian thụ bệnh, Mẹ Matta Nguyễn Thị Nhục được Chúa gọi về lúc 22 giờ 15 phút, ngày 7 tháng 12 năm 2009, hưởng thọ 93 tuổi, với 82 năm sống và phục vụ trong Dòng, trong đó có 79 năm khấn dòng.

Mẹ Matta Nguyễn Thị Nhục là một nữ tu đạo đức, thánh thiện, hết lòng yêu mến Hội Dòng, luôn cố gắng tu dưỡng và rèn luyện, sẵn sàng đảm nhận và chu toàn mọi công việc mà Giáo Hội và Hội Dòng trao phó. Mẹ sống âm thầm, giản dị, khiêm tốn, luôn nêu gương sáng và tận tình giúp đỡ mọi người. Đời sống tu trì và phục vụ của Mẹ là một tấm gương cho các chị em trong Hội Dòng. Mẹ ra đi là một mất mát lớn cho Hội Dòng MTG Hà Nội nói chung và cho cộng đoàn MTG Đạo Truyền nói riêng. Nhưng trong niềm tin vào Thiên Chúa, chúng ta tin rằng Mẹ sẽ được về bên Chúa, sống một đời sống mới mà bấy lâu Mẹ đã từng ao ước. Khi Mẹ ở bên Chúa, Mẹ sẽ luôn nhớ cầu nguyện cho Hội Dòng để Hội Dòng ngày càng vững mạnh và thánh thiện hơn trong tình yêu của Thiên Chúa.

Trong tâm tình thương tiếc, chúng ta cùng phó thác Mẹ Mátta Nguyễn Thị Nhục cho lòng nhân từ của Chúa. Xin Chúa đón nhận linh hồn người con yêu dấu của Chúa vào Nước Trời hưởng hạnh phúc ngàn thu cùng Người.
 
Tin Đáng Chú Ý
CsVN lần ra thủ phạm gây ra nghèo đói cho mình: Khí Hậu
Hà Long
10:08 08/12/2009
Copenhagen - thứ hai, 07/12/2009 – Hôm nay tất cả dân cư thế giới nhìn về thủ đô Đan Mạch, thành phố Copenhagen với Cuộc Họp Thượng Đỉnh Thế Giới về Khí Hậu lần thứ 15 (COP 15) đã được khai mạc trọng thể trong khu triển lãm quốc tế.

Cuộc Họp Thượng Đỉnh của 192 quốc gia muốn gióng một tiếng chuông thật to để bảo vệ trái địa cầu. Đây là cuộc họp lớn nhất và nhiều nguyên thủ quốc gia cùng với các đại biểu tham dự đông nhất t ừtrước tới nay. Chỉ riêng các đại biểu đã lên đến con số 15.000 người. Thủ tướng Đan Mạch, ông Lars Lokke Rasmussen cho biết nước Đan Mạch sẽ tiếp đón 110 nguyên thủ quốc gia đến Copenhagen.

Thủ đô Đan Mạch, Copenhagen, một thành phố nhỏ trong Âu Châu, chỉ có vọn vẹn 518.574 dân cư, tuy nhiên là một thủ phủ quan trọng trong vùng Bắc Âu, nay được thế giới hướng về với một tia sáng hy vọng để cứu nguy trái đất.

Giới hay chơi chữ đã sửa đổi lại một mẫu tự trong danh gọi Copenhagen (theo nghĩa tiếng Đan là hải cảng của thương gia) thay vì chữ C thành chữ H = „Hopenhagen“ để nói lên niềm hy vọng lớn lao vfao cuộc họp COP 15. Điều này có thể liên quan đến một đánh giá của đại học Leicester (Anh quốc) về đời sống người Đan Mạch tại thủ đô Copenhagen là những dân cư hạnh phúc nhất trên địa cầu.

Thế giới ngày càng lo âu về biến đổi môi trường do khí hậu gây ra vì trái đất ngày càng „nóng“ lên. 14 cuộc họp đã qua người dân chỉ thấy các nhà nguyên thủ nói miệng chứ không hành động như qua 2 nghị quyết quan trọng tại Rio de Janeiro (Ba Tây) vào năm 1982 và tại Kyoto (Nhật) năm 1997. Từ kỳ họp thứ COP 15 này tất cả cư dân địa cầu trông chờ một kết quả cụ thể mà mọi quốc gia phải chung sức tải giảm khí độc là nguyên do chính làm cho trái đất gia tăng nhiệt độ.

Việt Nam chúng ta cũng có những đại biểu đến tham dự. Không biết có nguyên thủ Nguyễn Minh Triết đại diện cho csVN tại Copenhagen? Chỉ lo ngại bác Triết tuyên bố lung tung giống như khi thăm Cuba thì trái địa cầu chúng ta sẽ „nổ tung“ từng mảnh vụn (Cuba thức thì Việt Nam ngủ - Việt Nam gác thì Cuba nghỉ). Theo dòng tư tưởng lớn của bác Triết chúng ta có thể thêm vào câu trên vài chữ cho ý nghĩa phong phú để 2 tên nghèo đói nhất thế giới hiện nay thay nhau CANH GIỮ KHÔNG KHÍ cho thế giới: Cuba nín thì Việt Nam thở - Việt Nam xuống tấn thì Cuba xì...

Chưa cần Bác Triết vung đao chém không khí thì hôm nay một tin tức được báo chí đứng bên „lề phải“ đưa tin rất trang trọng: „Nông dân Phan Thị Ánh dự hội nghị Copenhagen“.

Bà Ánh tường thuật về kiến thức môi trường với báo Tuổi Trẻ: “Tôi là một nông dân mà gia đình đã nhiều đời làm muối. Cũng đôi lần tôi có nghe tivi nói về biến đổi khí hậu toàn cầu. Rồi bà con hàng xóm cũng nói ra nói vào, người nghe được ở đâu nói gì thì nói thế đó chứ thật ra cũng không biết chính xác là gì. Chỉ có một điều mà tôi chắc chắn là khí hậu những năm gần đây quá thất thường".

Để bồi bổ thêm ý tưởng sâu rộng nữ đồng chí Ánh lập luận:

"Trước đây, cứ đến ba tháng hè là đúng ba tháng trời nắng ráo, không một ngày mưa, còn giờ thì mưa nắng thất thường quá. Có hôm trời nắng ráo 37-38°C, mấy chị em trên đồng muối chúng tôi mồ hôi ướt cả áo rồi bỗng nhiên trời chuyển mưa, vậy là coi như mất trắng.“

Và bà Ánh tìm kết luận cho việc nghèo đói xảy ra từ việc thay đổi khí hậu bằng cách ngửa tay xin viện trợ:

„Hai vợ chồng phải chạy vạy khắp nơi để tìm việc mong kiếm thêm chút thu nhập, nhiều lúc chồng tôi phải vào tận Đà Nẵng, Huế để làm phụ hồ mới đủ nuôi ba đứa con ăn học. Ở quê tôi, nhiều gia đình buộc phải cho con nghỉ học vì thu nhập từ ruộng muối bây giờ quá thấp do thiên tai liên miên. Chồng tôi hay nói đùa: vợ chồng mình có bốn bàn tay, chỉ cần một trong số đó dừng lại là đói cả nhà.

Tôi muốn mang tiếng nói của người dân quê tôi cũng là tiếng nói của người nông dân Việt Nam đến với hội nghị, hi vọng ở đó người ta có những giải pháp để giúp cuộc sống của chúng tôi ổn định hơn”.

Mèn đất ơi! csVN có lẽ đang manh nha muốn hưởng phúc lộc từ quỹ dự định 30 tỉ đô la giúp các nước nghèo làm giảm nhiệt trái đất. Điều này đã được điều nghiên đi vào quỹ đạo „xin tiền“ muôn thuở của đỉnh cao trí tuệ csVN. Chẳng lạ gì các chuyên viên tại COP 15 đã đưa danh sách 11 quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng thay đổi khí hậu, trong đó có Việt Nam nghèo đói.

Nông dân Phan Thị Ánh được giao thi hành cho phi vụ kiếm tiền một cách quang minh chính đại này.

Các câu hỏi đặt ra về thiệt hại từ ảnh hưởng môi trường hoặc tự csVN làm cho người dân nghèo và đói.

- Tại sao nông dân đói? Tại ông khí hậu! Tại ông sân Gôn? Tại nhà nước khoanh vùng dự án lấy hết đất canh tác của nông dân?

- Tại sao dòng sông Thị Vải chết? Tại ông Vedan, kết quả mới được sở Tài nguyên và Môi trường kết luận hôm 07/12/2009! (Khoảng 2.600 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản của 2 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu bị ảnh hưởng).

- Tại sao hơn 100 nạn nhân bị chết vì lũ? Tại 50 thủy điện tại quảng Nam! Tại nạn phá rừng hỗn loạn? Chỉ nhìn vào bài toán kinh tế do báo „lề phải“ đưa ra, có lẽ cả thế giới phải chào thua cách phát triển của csVN: Dự kiến năm 2015 khi 50 nhà máy thủy điện (tại Quảng Nam) đi vào hoạt động sẽ tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách của tỉnh Quảng Nam hằng năm khoảng 800 tỉ đồng. Trong lúc đó chỉ tính trong cơn bão lũ số 9 vừa qua, Quảng Nam bị thiệt hại giá trị hơn 4.000 tỉ đồng, trong đó riêng huyện Đại Lộc là 650 tỉ đồng. Ông Mai Anh Súy, phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, phản ứng gay gắt việc thủy điện A Vương xả lũ khiến cả huyện bị ngập nặng nề nhất trong 100 năm qua. Ông nói lúc đang mưa bão, lũ lên báo động 3, dân tình hoang mang. Đùng một cái thủy điện A Vương xả hơn 100 triệu m3 nước trong vài giờ lúc đêm khuya. Hàng vạn hộ dân trở tay không kịp, mất mát rất lớn. Ông Súy xót xa: “Lũ đã lớn còn xả nước thủy điện, lại chồng thêm lũ “nhân tạo” thì thiếu trách nhiệm quá. Quảng Nam đang đạt kỷ lục thế giới vì trong 1 tỉnh có đến 50 thủy điện. Người đọc không dám bình phẩm gì thêm nữa nếu không nói rằng đúng là bọn đại ác ôn đang giết hại dân lành!

- Tại sao hồ Linh Quang (P. Văn Chương, Q. Đống Đa, Hà Nội) biến thành bãi rác khi đã được đầu tư hơn 100 tỉ đồng để cải tạo? Tại ông tham nhũng!

- Tại sao hai bên đường An Dương Vương (đoạn từ cầu Mỹ Thuận đến tiếp giáp đại lộ Đông Tây) thuộc ranh giới giữa quận Bình Tân và Q.8, Sàigòn "biến" thành… sông bùn lầy lội từ nhiều tháng qua. Tại vì các tham quan vô cảm, vô tâm!

- Tại sao có việc sai trái nghiêm trọng tại bãi rác Đa Phước (Sàigòn)? Tại các túi tham không đáy của các quan lên đến 9 triệu đô la! Có phải các quan đem kinh phí môi trường gửi ngân hàng lấy lãi?

- Tại sao Bản án “treo” suốt 15 năm về khu vực đầm Sen, đầm Hồng (nay thuộc tổ 19 - phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) không được giải quyết? Người dân lỡ tiền mua phải phần đất do chính quyền xã bán trái phép đã bấn lên khi TAND thành phố Hà Nội tuyên bản án số 757, tháng 9/1995 về vụ "vi phạm quản lý, sử dụng đất đai". Điểm chú ý quan trọng, sau hàng chục năm, do quá trình lấn chiếm, xáo trộn và buông lỏng trong quản lý… ngoài một phần nhỏ của hồ được giao làm dự án, đến nay diện tích đầm Hồng đã giảm gần một nửa. Tại vì các quan ở đây lắm quyền quá không ai dám đụng vào!

- Tại sao hồ Cầu Tình đang hấp hối? Hồ Cầu Tình, thuộc P. Gia Thụy, Q. Long Biên- Hà Nội đã bị ô nhiễm nặng tới mức người ta có thể đi lại trên rác giữa lòng hồ như đi trên đất bằng! Dân chủ động lấn chiếm hồ, xả thải ra hồ như một điều hết sức tự nhiên… Tại vì chính quyền bất lực!

Các câu hỏi trên được trích ra và giải đáp từ các nhật báo của csVN trong vài ngày nóng bỏng vừa qua.

Kết thúc bài viết này được trích dẫn lời ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa nói về môi trường tại VN vào thứ hai, 07/12/2009 dịp họp cuối năm của HĐND TP.HCM:

„Về tình trạng ô nhiễm môi trường, tôi thấy năng lực quản lý không theo kịp tốc độ phát triển. Quản lý đất công và sử dụng đất công cũng còn nhiều bất cập. Để giải quyết, cần có sự phối hợp giữa Thành phố và các cơ quan Trung ương. Nguyên nhân chính là kỷ cương vẫn còn bị buông lỏng. Đất đai vẫn là "miếng bánh" béo bở nhất để tranh giành“.

Song song tại Hà Nội các cử tri Hà Nội còn nhiều bức xúc trước Kỳ họp thứ 19 HĐND thành phố Hà Nội khóa XIII từ ngày 8 đến 11/12 được VOV đưa tin: Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường… vẫn là những vấn đề bức xúc của cử tri. Ô nhiễm môi trường vẫn là chủ đề nóng ở nhiều địa phương trong thành phố. Cử tri nhiều quận, huyện nêu đích danh những địa chỉ đen gây ô nhiễm môi trường, nhất là ở một số làng nghề, bệnh viện, bãi rác… ảnh hưởng xấu tới đời sống người dân.

Đáng tiếc bài báo không nêu đích danh kẻ gây ra ô nhiễm môi trường trên mặt báo!

Bauxite Tây Nguyên và 2 nhà máy điện nguyên tử sẽ là những „dự án vĩ đại“ nằm xa ngoài tầm tay của kẻ quyết định về kỹ thuật lẫn môi trường. Dân nghèo sẽ là những nạn nhân khốn cùng gánh chịu hậu quả trầm trọng sau này.

Đói, nghèo tại VN do thiên tai khí hậu hay do nhân tai gây ra?
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Đà Lạt Mờ Sương
Nguyễn Ngọc Liên
23:09 08/12/2009

ĐÀ LẠT MỜ SƯƠNG



Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên ( Hình chụp hồ Tổng Lệ )

Mặc dù bao năm sống miệt mài

Làm thân du mục chẳng bằng ai

Tuổi đời cứ mỗi năm chồng chất

Nhưng Đà Lạt ơi! vẫn nhớ hoài...

(Trích thơ của Nguyễn Như Sơn)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Từ Điển Thuật Ngữ Công Giáo
Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo: Sandals - Sexagesima
Nguyễn Trọng Đa
16:39 08/12/2009
Sandals
Giày giám mục. Là giày với phần trên bằng lụa thêu hay nhung thêu, được Đức Giáo hòang, giám mục và các giám chức khác mang trong các nghi thức trọng thể. Các đan sĩ, tu sĩ nam và nữ tu thuộc các Dòng đi chân đất mang xăngđan da, nhưng tu sĩ các Dòng khác cũng mang, tùy theo luật sống của họ.
Sanguine Temperament
Khí chất đa huyết. Là một trong bốn khí chất cổ điển, có đặc tính là dễ vui và lạc quan, cả trong khi gặp khó khăn lớn. Tuy nhiên người có khí chất này phải cẩn thận đừng để quên đi các vấn đề, hoặc không dám đối diện với thực tế vấn đề.
Sanhedrin
Thượng Hội đồng Do thái, công nghị. Là tòa án tối cao của Do Thái giáo, họat động từ thế kỷ thứ ba hoặc thứ tư trước Công nguyên, cho đến khi thành Jerusalem sụp đổ năm 70. Trong nhiều thế kỷ trước đó, đã có các tòa án hoặc hội đồng, nhưng không thể biết khi nào thành hình thật sự Thượng Hội đồng Do thái. Josephus, sử gia Do Thái, là tác giả đầu tiên gọi tên Thượng Hội đồng Do thái, khi nó họat động dưới thời Vua Antiochus Đại đế. Thượng Hội đồng Do thái gồm có 71 thành viên, được chọn từ ba tầng lớp người Do thái—trưởng lão của các gia đình lớn, các thượng tế và các kinh sư, đa số là luật sư của phái Pharisee (Pha-ri-sêu). Phái Sadducee (Xa-đốc) luôn có nhiều đại diện. Thẩm quyền của Thượng Hội đồng Do thái chỉ giới hạn trong vùng Judaea (Giu-đê-a), do đó tòa này không có hành động chống lại Chúa Giêsu, khi Chúa rao giảng ở vùng Galilee (Ga-li-lê.) Thượng Hội đồng Do thái họp trong khu vực Đền thờ Jerusalem (Giê-ru-sa-lem). Bất cứ người Do thái nào cũng có thể xuất hiện trước tòa để nhờ làm sáng tỏ các điều phức tạp trong luật Moses (Mô-sê.) Thượng Hội đồng Do thái có quyền đưa ra phán quyết trừng phạt những ai vi phạm luật (Mt 26:47-50; Mc 14:43-46), trong đó có cả án tử hình nữa (Mc 14:64; Ga 11:53). Nhưng, như đã xảy ra trong vụ đóng đinh Chúa Giêsu vào Thánh giá, Thượng Hội đồng Do thái cần xin sự chuẩn thuận của quan tổng trấn Roma trước khi án tử hình được thi hành (Mc 15:1). Phần lỗi do kết án Chúa cách bất công là một phần thuộc về phần tử quá khích trong Thượng Hội đồng Do thái (Ga 18:31), và một phần thuộc về quan chức Roma chính thức muốn xoa dịu nhóm người địa phương hùng hổ (Mc 15:15). Việc Thượng Hội đồng Do thái bách hại Kitô hữu không chấm dứt sau cái chết của Chúa Giêsu. Nó còn tiếp tục sau lễ Ngũ Tuần, như trong trường hợp các thánh Phêrô, Phaolô, Gioan và Têphanô (Cv 4:3, 5:17-18, 5:33, 7:57-58, 23:1-10). (Từ nguyên Hi Lạp synedrion, hội đồng, một nhóm người hội họp chung.)
Santa Claus
Santa Claus, Ông già Noel. Là từ ngữ tiếng Mỹ của từ ngữ Hà Lan là thánh Nicholas (Sint Nikolaas), giám mục giáo phận Myra ở Lycia, sống dưới thời vua Diocletian. Từ lâu ngài được tôn kính như vị thánh bổn mạng của nhi đồng, đem quà cho trẻ em vào ngày 6-12, và việc ngài liên kết với Lễ Chúa Giáng Sinh đã được người Tin Lành Hà Lan phổ biến ở New Amsterdam. Họ vẽ ngài như một pháp sư Bắc Âu. Hiện nay ngài được cho là hiện thân thế tục hóa của tinh thần Lễ Noel.
Santa Cruz
Santa Cruz, “Thánh giá.” Là một nhà thờ truyền giáo thành lập ngày 25-9-1791, ở Vịnh Monterey tại Santa Cruz, bang California (Mỹ.)
Sarabites
Đan sĩ tự lập Sarabite. Là một giới đan sĩ khổ hạnh trong thời Giáo hội sơ khai, họ sống hoặc trong nhà riêng, hoặc sống từng nhóm nhỏ gần thành phố, và không biết bề trên cao hơn của mình. Thánh Biển Đức nói về họ cách mạnh mẽ trong chương đầu của Luật ngài, vì họ là người tự quyết định điều gì thánh và điều gì là không thánh, và do đó đi theo tính kiêu ngạo của mình. Từ ngữ này vẫn còn được dùng để mô tả các tu sĩ làm theo ý riêng của mình và độc lập với huấn quyền của Giáo hội.
Saragossa (Shrine)
Đền thánh Saragossa. Là đền thánh dâng kính Đức Mẹ Cột, gần thành phố Saragossa, miền đông bắc Tây Ban Nha, nơi Đức Mẹ cho là đã hiện ra thời Giáo hội sơ khai, yêu cầu xây dựng một nhà thờ ở đó để dâng kính Mẹ. Sau cuộc hiện ra, cột đá ngọc thạch anh, mà Đức Mẹ đứng trên đó, vẫn còn đó và nó trở thành một thánh tích rất được mến mộ. Một nhà thờ được xây theo yêu cầu và cột đá đứng ở trong nhà thờ. Cột đá cao 1,8m hầu như được để tự nhiên, nay được bọc bằng bạc. Trên cột đá là một tượng gỗ Đức Mẹ màu đen, cao khỏang 37,5cm, được dát vàng. Áo của Đức Mẹ được thay đổi luôn, dường như mỗi ngày mỗi kiểu. Việc sùng kính Đức Mẹ Cột, khởi xướng ở Saragossa, đã được các người thám hiểm Tây Ban Nha mang qua Tân Thế giới, và các khu truyền giáo của họ hãnh diện về nhiều phép lạ nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ. Một số trong các phép lạ khác thường nhất tại đền thánh đã được chứng thực bằng người làm chứng có thề hứa. Đức Trinh Nữ Cột trở thành chủ đề trong kinh nguyện, thánh ca và sự biểu lộ lòng yêu nước. Đức Mẹ thường được cầu khẩn trong tình trạng khẩn cấp chiến tranh. Thủ cấp của Don John nước Áo, một Kitô hữu thắng trận tại Vịnh Lepanto, an nghỉ gần cột đá thánh trong đền thánh Đức Mẹ.
Sarah
Sarah, bà Xa-ra. Là vợ của ông Abraham (Áp-ra-ham.) Tên nguyên thủy của bà là Sarai (Xa-rai), nhưng khi Đức Chúa hứa với Abraham rằng vợ ông sẽ sinh một con trai, Chúa dạy ông hãy đổi tên vợ thành Sarah (St 17:15). Vì bà đã 90 tuổi, bà chế giễu lời hứa ấy, tuy nhiên Đức Chúa giữ lời Ngài hứa. Đứa trẻ chào đời và ông Abraham vâng lời Chúa đặt tên con trẻ là Isaac (I-xa-ác, St 21:2-3). Một tình hình rắc rối xảy đến cho ông Abraham khi Isaac lớn lên thành thiếu niên. Vì trước đó vài năm bà Sarah cho phép nữ tì của mình là Hagar (Ha-ga) trở thành vợ bé của ông Abraham (thời ấy cho phép như thế), và một con trai là Ishmael (Ít-ma-ên) ra đời. Giờ đây bà Sarah cũng có con trai nữa, bà lấy làm buồn về tình hình mà chính bà đã gây ra. Bà nói với Abraham: “Ông hãy đuổi hai mẹ con đứa nữ tỳ này đi, vì con trai đứa nữ tỳ không được thừa kế cùng với I-xa-ác, con trai tôi” (St 21:10). Abraham bị buộc phải làm như vậy, nhưng Đức Chúa che chở Hagar và Ishmael, và bảo đảm với họ rằng sẽ cho Ishmael thành một dân tộc lớn (St 21:17-21). Sarah sống 127 tuổi và qua đời ở Hebron (Khép-rôn), miền Canaan (Ca-na-an, St 23:1-2). Khi Abraham qua đời nhiều năm sau đó, hai con trai Isaac và Ishmael chôn cất ông bên cạnh mộ Sarah (St 25:9-10). (Từ nguyên Do Thái cổ S_r_h, “công chúa.”)
Sarum Rite
Nghi lễ Sarum. Là qui định về chi tiết của phụng vụ Roma, khi chúng được thực hiện trước thời Cải cách ở Anh, Scotland, và Ireland. Nghi lễ này được bảo trợ bởi thánh Osmund, Giám mục giáo phận Salisbury (qua đời năm 1099), người đã đưa một số truyền thống phụng vụ Norman vào nghi lễ Latinh. Nghi lễ Sarum rất giống với nghi lễ Dòng Đaminh ngày nay, và nó được nghi lễ Roma duyệt lại của thánh Giáo hòang Piô X thay thế.
Satan
Satan, tướng quỷ, quỷ, Xa-tan. Là tướng của các thiên thần sa ngã. Là kẻ thù của Chúa, của nhân loại và của mọi sự tốt lành. Các tên khác của Satan là quỷ dữ, Beelzebul (Bê-en-dê-bun), Belial (Bê-li-a), và Lucifer. Con rắn cám dỗ bà Eve (E-va) được đồng hóa với Satan (St 3). Cả trong Cựu Ước và Tân Ước, Satan được xem là kẻ thù của Chúa, đem sự dữ và cám dỗ con người thách thức luật Chúa (Kn 2:24; I Sb 21:1; G 1:6-12). Ngay cả Chúa Giêsu cũng bị Satan cám dỗ trong hoang địa (Mt 4:1-11). Sau đó, chính phái Pharisee (Pha-ri-sêu) đã tố cáo Chúa Giêsu là “Ông này trừ được quỷ chỉ là nhờ dựa thế quỷ vương Beelzebul” (Mt 12:24). Thánh Phaolô cảnh báo tín hữu Côrintô chống lại cám dỗ của Satan (I Cr 7:6). Các qui chiếu đến Satan có rất nhiều trong Kinh thánh. Nét chính của giáo huấn này là rằng một thế lực ác xấu đang hoạt động trong thế giới, cố gắng làm hư hỏng các kế hoạch của Chúa. (Từ nguyên Latinh Satan; từ chữ Hi Lạp Satan; từ chữ Do thái cổ s_t_n, sự dữ, kẻ thù; từ chữ s_t_n, âm mưu chống lại người khác.)
Satanism
Phái thờ Satan (Xa-tan), quỷ quái. Là việc thờ Satan, thờ phượng ma quỷ. Việc này đã có từ thời thượng cổ, được thực hành dưới tên khác nhau nơi người đa thần giáo, trong việc cầu khẩn và làm nguôi giận các thần dữ. Nhưng phái thờ Satan được gọi đúng tên là một sự phản lọan chống lại Kitô giáo hoặc Giáo hội Công giáo. Phái này xuất hiện trong thế kỷ 12 và đạt đỉnh cao trong Thánh Lễ Đen, một sự bắt chước có tính hài hước Hy tế Tạ ơn. Phái thờ Satan hiện đại đã lan rộng trong các nhóm tôn thờ ma quỷ, cầu xin quỷ trợ giúp, làm các nghi thức thờ quỷ, trong đó có vẽ biếm hoạ bảy phép Bí tích, thiết lập “Giáo hội của Satan" được công nhận về pháp lý, và cho rằng có quyền siêu phàm để làm hại những ai chống lại họ. Về mặt triết học, phái thờ Satan lấy quan niệm của phái Manikêô (nhị nguyên) về vũ trụ, cho rằng có hai nguyên lý sáng tạo trong vũ trụ, nguyên lý lành và nguyên lý dữ. Phái thờ Satan tôn thờ điều mà Kitô hữu gọi là “nguyên lý sự dữ.”
Satisfaction
Đền tội. Là sự đền tội cho điều sai trái, nhất là thực hiện việc đền tội do linh mục nêu ra trước khi ngài ban xá giải. Việc đền tội chủ yếu là hối nhân muốn chấp nhận việc đền tội đã đưa ra và thực thi đầy đủ. Hiệu quả của hai yếu tố này là cất đi ít nhiều hình phạt tạm do các tội đã được xưng. Trong thời Giáo hội sơ khai, cho đến thời Trung Cổ, việc đền tội thường là nghiêm khắc. Sau thời ấy, việc đền tội giảm nhẹ hơn qua điều đã được biết với tên gọi là các ân xá. (Từ nguyên Latinh satisfacere: satis, vừa, đủ + facere, làm, thực hiện.)
Saturday
Ngày thứ bảy. Được gọi theo tên thần Roma là thần Saturn, Ngày thứ bảy của một tuần lễ được Giáo hội dành để kính Đức Trinh Nữ Maria. Từ thời các Giáo phụ, Ngày thứ bảy được dùng để nhớ đến đức tin trung thành của Đức Mẹ trong Ngày thứ bảy Tuần thánh đầu tiên, khi Chúa Kitô nằm trong mồ. (Từ nguyên tiếng Anh trung cổ Saterday; từ Anh cổ Saeterdaeg, viết tắt của Saeternegdaeg, ngày của thần Saturn.)
Saul
Saul, Sa-un. Là con trai của ông Kish (Kít); ông cai trị Israel với tư cách là vị vua đầu tiên trong 20 năm vào khỏang năm 1000 trước Công nguyên. Ông là người cao ráo, trẻ và đẹp trai (I Sm 9:2-3), nhưng nhân cách phức tạp của ông đem đến cho ông nhiều rắc rối. Khi dân Israel xin ông Samuel (Sa-mu-en), vị ngôn sứ và thủ lĩnh rất đáng kính trọng của họ, tấn phong cho họ một vị vua để bảo vệ an ninh cho họ, Samuel cầu xin Đức Chúa, và Chúa gợi ý ông Saul làm vua (I Sm 8-10). Trong thời đầu, Saul chứng tỏ là rất thành công nhờ các chiến thắng quân sự (I Sm 11:14-15), nhưng ông không chứng tỏ sự kính trọng hoặc vâng lời Đức Chúa, và Samuel, người xin tước Vua cho ông, đã tỉnh ngộ. Thay vào đó, Samuel khuyến khích sự thăng tiến của người con rể của Saul là David (Đa-vít), và đã bí mật xức dầu tấn phong cho David như là vị vua tương lai (I Sm 13:8-15). Saul trở nên ghen ghét với David và đã nhiều lần cố gắng giết hại ông. Mỉa mai thay, cả công chúa của Saul là Michal (Mi-khan), người đã kết hôn với David (I Sm 19:11-12), và hòang tử Jonathan, con vua, đứng về phe chàng thanh niên David chống lại thân phụ của họ, và đã làm mọi cách để bảo vệ David khỏi ông vua tức giận điên cuồng (I Sm 19:1-7). Cuối cùng, trong trận chiến ác liệt giữa người Do Thái và người Philistine (Phi-li-tinh), cả ba hòang tử của Saul đều tử trận. Bị thương nặng, vua Saul tự sát luôn (I Sm 31:1-6). Việc này dọn đường cho David trở thành Vua của Israel trong 40 năm kế đó.
Savior
Đấng Cứu Thế, Vị Cứu Tinh. Là một tước hiệu của Chúa Giêsu Kitô, nổi lên từ việc hy sinh mạng sống của Ngài để cứu chuộc tòan thể nhân lọai, và nhờ đó Ngài đã mang lại cho nhân lọai tội lỗi các ân sủng cần thiết để đạt tới thiên đàng. Như thế chỉ nhờ việc đền tội của Chúa Kitô và lời cầu khẩn Danh Chúa mà mỗi người có thể được cứu độ (Cv 4:12). (Từ nguyên Latinh salvator, từ chữ salvare, cứu vớt.)
S.C.
S.C., Sacra Congregatio—Thánh bộ.
Scala Sancta
Scala Sancta, Cầu thang thánh. Là cầu thang với 28 bậc thang bằng cẩm thạch, nay được phủ gỗ lên, dẫn lên nhà nguyện giáo hòang trong Điện Lateran. Cầu thang này được cho là cầu thang ở tư dinh quan Pilate (Phi-la-tô), được Chúa Cứu thế thánh hóa bằng cách bước lên cầu thang trong cuộc Khổ Nạn của Chúa. Cầu thang thánh được thánh nữ Helena mang về Roma, và khách hành hương quỳ gối để lên cầu thang này.
Scales
Cái cân. Là biểu tượng của tổng lãnh thiên thần Michael (Mi-ca-e), vị thánh bổn mạng của những người dùng cân trong nghề nghiệp của họ, bởi vì thánh Michael được xem là vị thực hiện quyết định về số phận muôn đời của mỗi người trong ngày Phán Xét. Phẩm thiên thần bệ thần (Thiên tòa) cũng có biểu tượng tương tự, dựa vào câu “Chúa là vị thẩm phán chí công, Ngài ngự Thiên toà xét xử, bênh vực và bảo vệ quyền lợi con" (Tv 9:5).
Scandal
Gương mù, gương xấu, sự vấp phạm, tai tiếng. Là bất cứ hành vi hay sự thiếu sót nào, không nhất thiết là có tội trong chính nó, dường như dẫn dụ người khác làm điều sai trái về luân lý. Gương xấu trực tiếp, còn gọi là gương ma quỷ, có ý định cố ý dẫn dụ người khác phạm tội. Trong gương xấu gián tiếp, một người làm điều gì mà đã đóan trước rằng nó sẽ ít nhất dẫn một người phạm tội, nhưng điều này là bị buộc phải làm hơn là mong muốn làm. (Từ nguyên Latinh scandalum, vật chướng ngại.)
S.C.C.
S.C.C., Sacra Congegatio pro Clericis—Thánh bộ Giáo sĩ.
S.D.
S.D., Servus Dei—Tôi tớ Chúa, Tôi tớ của Thiên Chúa
Septuagesima
Septuagesima, Chủ nhật Bảy Mươi. Là ngày thứ 70 trước lễ Phục Sinh, và là Chủ nhật thứ ba trước mùa Chay. Từ ngữ này không còn sử dụng trong Nghi lễ Latinh, từ khi phụng vụ được duyệt lại sau Công đồng chung Vatican II.
Septuagint
Septuagint, Bản Bảy Mươi. Là bản dịch quan trọng nhất của Cựu Ước, từ tiếng Do thái cổ ra tiếng Hi Lạp. Truyện kể rằng Vua Ai Cập Ptolemy II (309-246 trước Công nguyên) muốn có một bản chép Luật Do thái cho thư viện của ông. Eleazer, thượng tế Do thái, phái sáu học giả từ mỗi một trong Mười Hai Chi tộc đến Alexandria để dịch phần Kinh thánh này. Do số người của họ là 70, bản dịch hợp tác của họ được gọi là Bản Bảy Mươi, viết tắt là LXX. Kitô hữu thời kỳ đầu dùng Bản Bảy Mươi làm nền tảng cho niềm tin của họ vào Chúa Giêsu như là Đấng Thiên sai (Messiah, Mê-si-a.) Qua dòng thời gian, bản này trở thành sở hữu của Kitô giáo, trong khi người Do thái không quan tâm tới nó nữa. (Từ nguyên Latinh septuaginta, bảy mươi.)
Sepulcher
Chỗ hổng đựng đá thánh. Là một hốc nhỏ ở tảng đá bàn thờ, trong đó đặt thánh tích của một thánh nhân. Theo các qui định của Giáo hội từ Công đồng chung Vatican II “tập tục đặt thánh tích các thánh, dù là tử vì đạo hay hiển tu, vào trong hay dưới bàn thờ cung hiến, là được tán dương. Nhưng điều quan trọng là phải chứng thực đó là thánh tích thật sự" (Ordo Missae ‘Nghi thức Thánh lễ’, V, 266). (Từ nguyên Latinh sepulcrum, mồ, từ chữ sepelire, chôn cất.)
Sequence
Ca tiếp liên. Là một bài ca vui mừng được hát hay đọc trước bài Tin mừng trong Thánh lễ vào một số ngày lễ lớn trong năm. Các ca tiếp liên còn được sử dụng là ca tiếp liên Victimae Paschali (Tán tụng Chiên Vượt Qua) lễ Phục sinh, ca tiếp liên Veni Sancte Spiritus (Lạy Chúa Thánh Thần Tạo Dựng, xin ngài hãy đến) lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, và ca tiếp liên Lauda Sion (Hỡi Sion hãy ngợi khen) lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa (Corpus Christi.) Bài ca Dies Irae (Ngày thịnh nộ) trong một số lễ cầu hồn không phải là một ca tiếp liên theo nghĩa chặt chẽ. (Từ nguyên Latinh sequentia, sự đi theo, chuỗi câu hát.)
Seraphic Blessing
Lời chúc lành cho Anh Lêô. Là lời chúc lành do thánh Phanxicô Átxidi viết ra theo lời xin của Tu sĩ Leo ở Núi Alverna năm 1224. Lời chúc lành là như sau: “Xin Chúa chúc lành và gìn giữ con. Xin Người tỏ lộ dung nhan Người cho con và thương xót con. Xin Người ngoảnh mặt lại nhìn con và ban cho con được bình an (Ds 6,24-26). Xin Chúa chúc lành cho con, hỡi Lêô yêu quí." Lời chúc này dựa vào lời của Đức Chúa nói với ông Moses (Mô-sê, Ds 6:22-27), và hiện nay là một trong các chúc lành trọng thể trong Mùa Thường niên, mà linh mục có thể ban vào cuối Thánh lễ.
Seraphic Contemplation
Chiêm ngưỡng Chúa. Là sự nâng trí khôn cùng tâm hồn lên, ở lại nơi Chúa và nếm hưởng niềm vui của Thánh Thần. Lòng mến của linh hồn là cao lớn hơn sự hiểu biết của linh hồn, với tâm hồn hướng về đối tượng vượt qua điều tâm trí hiểu về điều ý chí yêu mến.
Seraphim
Thiên thần Seraphim, Luyến thần. Đây là phẩm thiên thần ở đẳng cao nhất trong chín phẩm thiên thần. Ý nghĩa gốc của từ ngữ này là “thiêu đốt bằng lửa,” ý nói đến tình yêu lớn lao sâu đậm của các thiên thần này với Chúa Ba Ngôi. (Từ nguyên Do Thái cổ saraf, số nhiều là serafim, đốt, sôi nổi.)
Sermon On The Mount
Bài giảng trên núi. Là một bài giảng đầy đủ nhất của Chúa Giêsu được ghi lại trong Tân Ước. Chúa giảng với một đám đông trên một trong các ngọn đồi gần thành Capernaum (Ca-phác-na-um.) Bài giảng dài tới ba chương trong Tin mừng theo thánh Mátthêu (Mt 5, 6, 7). Bản tóm tắt cũng xuất hiện trong Tin mừng theo thánh Luca (Lc 6:20-49). Bài giảng trên núi nêu ra lối sống mà một môn đệ đích thực của Chúa Kitô cần sống, nếu người ấy tìm kiếm Nước Trời. Bài giảng mở đầu với Tám Mối Phúc như là các hướng dẫn cho người muốn làm “muối đất." Chúa Giêsu giải thích cách thức Luật Mới chu tòan Luật Cũ, nhưng đưa nó vào một cấp mới, trong đó tình yêu là động cơ cuối cùng cho việc giữ luật. Chúa dạy Kinh Lạy Cha như là cách thức mà người môn đệ có thể tiếp cận với Chúa là Cha. Luật Vàng hướng dẫn mọi người trong mối quan hệ với những người khác. Hôn nhân là theo thể chế một vợ một chồng, và các môn đệ của Chúa Kitô phải muốn các thánh giá.
Serpent, Brazen
Con Rắn đồng. Là tượng trưng cho việc Chúa Kitô chịu đóng đinh. Con Rắn đồng quấn trên thánh giá nhắc nhớ lại lời của Đấng Cứu thế: “Như ông Moses (Mô-sê) đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy" (Ga 3:14). Mặc dầu được nêu ra trong Kinh thánh, Con Rắn đồng chỉ trở thành biểu tượng tiêu chuẩn cho Chúa Chịu Đóng Đinh kể từ thế kỷ 13 mà thôi.
Serpent, Coiled
Con rắn quấn. Là biểu tượng của Satan (Xa-tan), tức quỷ dữ. Tên cám dỗ trong Vườn địa đàng (Vườn Eden, Ê-đen) xuất hiện với hình con rắn biết nói, khôn khéo hỏi han, nên dễ dàng dụ được bà Eve (E-và.) Trong liên quan với Đức Maria, con rắn tượng trưng cho sự thực hiện lời sứ ngôn: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." (St 3:15). Con rắn quấn và ngậm quả táo trong miệng, bao quanh quả địa cầu, xuất hiện như biểu tượng của quỷ dữ đã bị Chúa Kitô chiến thắng qua Đức Maria, trong các ảnh tượng Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội.
Serra International
Serra Quốc tế, Hội Câu lạc bộ Serra. Là một tổ chức dưới sự lãnh đạo Công giáo, có mục đích cổ vũ ơn gọi làm linh mục và tu sĩ. Kể từ năm 1951, Hội sáp nhập vào Hội Giáo hoàng cổ vũ ơn gọi Linh mục.
Server
Người giúp lễ. Còn gọi là lễ sinh (acolyte), người giúp lễ là một thiếu niên hay người nam trưởng thành giúp Linh mục trong thánh điện, nhất là trong phụng vụ Thánh thể. Trong các chỉ thị hậu Công đồng về thừa tác viên ở bàn thờ, người giúp lễ mang áo chùng trắng hoặc áo các phép (Ordo Missae ‘Nghi thức Thánh lễ’, 1970, III, 81).
Service
Phục vụ, phụng sự. Nói chung, là sự thực hiện nghĩa vụ tôn giáo với tư cách là một thụ tạo đối với Chúa, và chu toàn trách nhiệm luân lý của mình về đáp ứng nhu cầu của người khác. Phụng sự Chúa là bổn phận đầu tiên của con người, dù là cá nhân hay xã hội, được thực hiện trong hành vi thờ phượng và cầu nguyện; và trong hành vi nhân đức như được luật tự nhiên và luật mặc khải của Chúa qui định. Việc này phù hợp với ba điều răn đầu tiên của Mười Điều Răn. Và được tóm lược trong lệnh truyền “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22:37). Phục vụ tha nhân là bổn phận thứ hai của một con người, phát sinh từ bổn phận thứ nhất và tùy thuộc vào đó. Việc này phù hợp với bảy điều răn cuối của Mười Điều Răn, và được tổng hợp trong lệnh truyền “ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22:39). Chúa Kitô nói rằng toàn bộ luật và sách các Ngôn sứ đều nằm trong hai lệnh truyền phục vụ này. (Từ nguyên Latinh servus, người nô lệ, người tôi tớ, thuộc quyền của người khác.)
Servile Fear
Nô úy. Là nỗi sợ vị kỷ dựa vào sự sợ đau khổ cho chính mình nếu người khác bị xúc phạm. Đây là sợ bị trừng phạt vì làm sai trái, mà không bị tác động bởi danh dự hoặc cảm thức bổn phận, và chẳng có chút nào bởi tình yêu. Tuy nhiên về mặt thần học, có thể cùng hiện diện với lòng thảo hiếu. Không thể có sự tương hợp trong cả lòng mến Chúa và sự kính sợ Chúa. Đối tượng của lòng mến Chúa là sự tốt lành thiện hảo của Chúa, sợ Chúa vì Ngài là Đấng Công bình. Tuy nhiên, nô úy, nếu không có lòng mến Chúa nhưng chỉ có yêu mình và sợ Chúa trừng phạt, thì ít là trên lý thuyết là mâu thuẫn với lòng yếu mến Chúa thật sự.
Servile Work
Lao động nặng. Lúc ban đầu là lao động của các nông nô, và họ được nghỉ lao động các ngày Chủ nhật và ngày lễ nghỉ, để thờ phượng Chúa. Cho đến gần đây, lao động nặng, bị cấm ngày Chủ nhật, là lao động chủ yếu về thể lý. Hiện nay, lao động nặng là lao động thủ công nặng, hoặc lao động mà trong xã hội thường được gắn liền với nỗ lực liên lỉ, và không bị ràng buộc phải làm khi người ta có sự tự do để tránh nó. Mặc nhiên trong việc Giáo hội cấm lao động nặng ngày Chủ nhật là sự trung thành với giới răn của Chúa là giữ luật ngày Sabbath (sa-bát.) Điều này có nghĩa là tránh các hoạt động, vốn ngăn cản sự canh tân cho linh hồn và thể xác, nghĩa là công việc hoặc việc kinh doanh không cần thiết, sự đi mua sắm hay việc nhà không cần thiết.
Servites
Tu sĩ Dòng Tôi tớ Đức Mẹ. Dòng Tôi tớ Đức Mẹ được thành lập tại Florence (Ý) năm 1233 bởi bảy thành viên hội đồng thành phố, và các vị này được phong thánh với tên gọi chung là “Bảy vị thánh lập Dòng”, trong đó có hai vị bề trên đầu tiên của Dòng là thánh Buonfiglio dei Monaldi và thánh Alessio de' Falconieri, người vẫn là một thầy trợ sĩ. Dòng được Tòa thánh phê chuẩn năm 1249 và tái phê chuẩn năm 1304. Dòng làm công tác tông đồ giữa các Kitô hữu và người ngòai Kitô giáo, cổ vũ lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, nhất là Đức Mẹ với tước hiệu Đức Mẹ Sầu Bi. Có nhiều Hội Dòng nữ tu, cả Hội Dòng Tòa thánh lẫn Hội Dòng giáo phận, đặc biệt sùng kính Đức Mẹ Sầu Bi. Các Hội Dòng nổi tiếng nhất là Dòng Nữ Tôi tớ chiêm niệm (Dòng Nhì) do hai người đền tội của thánh Philip Benizi (1233-85) sáng lập vào lúc ngài qua đời; và các Nữ tu Dòng ba, do thánh Juliana Falconieri thành lập năm 1306, dòng này lo chăm sóc bệnh nhân và người nghèo, cùng giáo dục trẻ em.
Servus Servorum Dei
Servus Servorum Dei, “Tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa.” Một danh hiệu mà Đức Giáo hòang đôi khi sử dụng để tự xưng mình trong các văn kiện chính thức. Vị đầu tiên dùng danh hiệu này là thánh Giáo hòang Gregory Cả (trị vì 590-604), và danh hiệu được sử dụng phổ biến kể từ thời Đức Giáo hòang Gregory VII (1073-85).
Seth
Seth, ông Sết. Là con trai thứ ba của ông Adam (A-đam) và bà Eve (E-và), Seth ra đời sau khi anh Abel (A-ben) qua đời. Ông trở thành thân phụ của nhiều con trai và con gái, nhưng người duy nhất được nhắc đến tên trong sách Sáng thế (St) là ông Enosh (E-nốt, St 4:25). Ông Seth sống thọ 912 tuổi (St 5:6-8).
Seven Churches Of Asia
Bảy Hội thánh A-xi-a. Là bảy giáo đoàn tại Tiểu Á được thánh Gioan nhắc đến trong sách Khải huyền (Kh). Đó là các giáo đòan Ephesus, Smyrna, Pergamum, Thyatira, Sardis, Philadelphia, và Laodicea (Ê-phê-xô, Xi-miếc-na, Péc-ga-mô, Thy-a-ti-ra, Xác-đê, Phi-la-đen-phi-a và Lao-đi-ki-a, Kh 1:11). Khi đang ở trên đảo Patmos (Pát-mô), thánh Gioan được Chúa ra lệnh giáo dục và khuyên nhủ các giám mục của bảy Hội thánh này, hoặc là khen ngợi hoặc là khiển trách các vị về cách thức các vị đang quản trị giáo phận của mình.
Seven Councils
Bảy Công đồng đầu tiên. Là bảy công đồng chung đầu tiên của Giáo hội, đó là công đồng Nicaea (năm 325), Constantinople I (381), Ephesus (431), Chalcedon (451), Constantinople II (553), Constantinople III (680-81), và Nicaea II (787). Đây là các công đồng duy nhất mà các Giáo hội Đông phương và Tây phương đều công nhận, và đối với các Giáo hội Đông phương ly khai, các công đồng này là chứng tá duy nhất về tính chính thống của Kitô giáo.
Seven Deacons
Bảy Phó tế. Là bảy vị trợ tá đầu tiên được các Tông đồ truyền chức để lo chăm sóc người nghèo và các việc vật chất khác, và nhờ đó Mười Hai Tông đồ chuyên chăm bổn phận đầu tiên là rao giảng đức tin mới. Thánh Stephen (Tê-pha-nô), vị thánh tử đạo tiên khởi, là một trong Bảy Phó tế này (Cv 6:1-6).
Seven Dolors Scapular
Bộ áo Bảy Sự Thương Khó. Là bộ áo của phụng hội do Dòng Tôi tớ Đức Mẹ thiết lập. Bộ áo màu đen và thường có ảnh Đức Mẹ Sầu Bi.
Seven Gifts
Bảy ơn Chúa Thánh Thần. Là các ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần phú bẩm trong linh hồn khi Rửa tội, và được mỗi người duy trì trong tình trạng ân sủng, cụ thể là: ơn khôn ngoan (wisdom), ơn hiểu biết (understanding), ơn nhận thức (knowledge), ơn chỉ bảo (counsel), ơn can trường (fortitude), ơn thánh thiện (piety) và ơn kính sợ Thiên Chúa (fear of the Lord.)
Seven Heavens
Bảy tầng trời. Là niềm tin dân gian, không hề được Giáo hội khẳng định, nói rằng thiên đàng được chia thành bảy tầng (cấp độ) hạnh phúc, cấp cao nhất là tầng thứ bảy. Cụm từ “tầng trời thứ bảy” là dấu vết của niềm tin này.
Seven Sacraments
Bảy Bí tích. Là bảy nghi thức do Chúa Kitô thiết lập để ban ơn mà Bí tích nêu ý nghĩa, cụ thể là Bí tích Rửa tội, Bí tích Thêm sức, Bí tích Mình thánh Chúa, Bí tích Giải tội, Bí tích Xức dầu bệnh nhân, Bí tích Truyền chức thánh, Bí tích Hôn phối. Số lượng, tên các Bí tích và định chế bản chất của chúng (mục đích và nghi thức chủ yếu) do Chúa Kitô qui định, đã được Công đồng chung Trent (Denzinger 1601) định nghĩa ngày ngày 3-3-1547.
Seventh Crusade
Cuộc Thập tự chinh thứ bảy. Được Đức Giáo hòang Innocent IV thuyết giáo, cuộc Thập tự chinh này (1248-54) do thánh Louis nước Pháp chỉ huy. Nhưng nhà vua bị bắt giữ tại Ai Cập. Khi được trả tự do, vua trở về Pháp.
Seven Words Of Christ
Bảy lời sau cùng của Chúa Kitô. Là những lời sau cùng của Chúa Kitô nói trên thánh giá, được ghi lại trong các Tin mừng theo thánh Máccô, Luca và Gioan. Chuỗi bảy lời này là “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm"; "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng" nói với người trộm lành; "Thưa Bà, đây là con của Bà," nới với Đức Mẹ Mari; "Đây là mẹ của anh," Chúa Kitô nói với thánh Gioan; “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?"; khi quá khát nước, Chúa Kitô kêu lên “Tôi khát”; và rồi nói "Thế là đã hoàn tất!." Và khi mọi sứ ngôn đã hoàn thành, Chúa nói lời cuối: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha." Nhiều bản nhạc oratô diễn giải các lời trên đã được sáng tác.
Sexag
Sexag, Sexagesima—Chủ nhật Sáu Mươi, Ngày thứ 60 trước lễ Phục Sinh.
Sexagesima
Sexagesima, Chủ nhật Sáu Mươi. Là ngày thứ sáu mươi trước lễ Phục Sinh, và là chủ nhật thứ hai trước mùa Chay. Từ ngữ này không còn được sử dụng kể từ khi phụng vụ được duyệt lại sau Công đồng chung Vatican II.