Ngày 03-05-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 3 Phục Sinh 04/05 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:57 03/05/2025

BÀI ĐỌC 1 Cv 5:27b-32,40b-41

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

Bấy giờ, vị thượng tế hỏi các Tông Đồ rằng: “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giê-ru-salem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi!”

Bấy giờ ông Phê-rô và các Tông Đồ khác đáp lại rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. Đức Giê-su đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn tha tội. Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người.”

Bấy giờ, họ cho gọi các Tông Đồ lại và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giê-su, rồi thả các ông ra. Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Bài trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ. Kh 5:11-14

Tôi là Gio-an, tôi thấy, và tôi nghe tiếng muôn vàn thiên thần ở chung quanh ngai, các Con Vật và các Kỳ Mục. Số các thiên thần có tới ức ức triệu triệu. Các vị lớn tiếng hô:

“Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc.”

Tôi lại nghe mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô:

“Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên

lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!”

Bốn Con Vật thưa: “A-men.” Và các Kỳ Mục phủ phục xuống thờ lạy.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG

Alleluia. Alleluia. Đức Ki-tô nay đã phục sinh, chính Người đã tạo thành vạn vật và xót thương cứu độ loài người. Alleluia.

TIN MỪNG Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. Ga 21:1-19

Khi ấy, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Tibê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Gali-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su.

Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê- rô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.

Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.”

Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.”

Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có thương mến Thầy không?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có thương mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con thương mến Thầy.”

Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”

Đó là Lời Chúa.
 
Đam Mê Chữ Yêu
Nguyễn Trung Tây
03:11 03/05/2025
Đam Mê Chữ Yêu
Nguyễn Trung Tây


Yêu, một từ đơn giản. Chỉ có ba chữ, y, ê, u. Một âm, ieu. Nhưng ý nghĩa thì không đơn giản. Yêu, tình yêu đích thực đòi hỏi âm lượng mạnh mẽ và sức nóng cháy bỏng.

Tình yêu không tồn tại khi chỉ âm ấm hoặc lờ lợ. Nghe có vẻ lạ tai, nhưng đó là sự thật. Hoặc yêu với cả trái tim, hoặc không yêu gì cả. Không có khu vực trung lập. Không có nửa vời. Tình yêu đam mê. Tình yêu quyết liệt, hoặc có hoặc không.

Đó là lý do tại sao, vào một buổi sáng sớm bên bờ biển Tibêria, sau khi ăn bánh mì và cá nướng trên than hồng với các môn đệ, Đức Giêsu Phục Sinh tự nhiên quay sang Phêrô. Và Ngài hỏi, không chỉ một, mà đến ba lần:
“Simon, con có yêu Thầy hay không?”

Ba lần cùng một câu hỏi tới người đã chối Thầy ba lần. Không phải trước mặt vua chúa hay quan quyền, mà trước mặt những người bình thường. Thậm chí là một cô đầy tớ gái.

Bạn ta thắc mắc:
“Tại sao lại có nhu cầu hỏi cùng một câu đến ba lần tới người ba lần chối Thầy? Hay đây chỉ là sự lặp lại? Một trùng hợp ngẫu nhiên?”

Không ai biết. Nhưng có thể suy đoán, một bài toán đơn sơ. Có lẽ Đức Giêsu đang khơi dậy hồn người ngư phủ, không phải niềm hối hận, mà là một tình yêu đam mê! Tình yêu nhiệt thành, nóng như lửa than hồng. Một tình yêu đủ sâu để dẫn dắt chăm sóc đàn chiên của Đấng Phục Sinh. Bởi nếu Phêrô không yêu bằng một ngọn lửa bừng cháy trong tâm, làm sao Đức Giêsu dám trao phó cho người ngư phủ những con chiên mà Ngài đã sống chết vì họ?

Chẳng lạ chi, sau mỗi lần Phêrô trả lời, Đức Giêsu đều gửi trên đôi vai người ngư phủ cùng một sứ mạng:
“Hãy chăm sóc chiên của Thầy.”
“Hãy chăn dắt chiên của Thầy.”
“Hãy nuôi dưỡng chiên của Thầy.”

Tình yêu luôn đi đôi, vai sánh vai với sứ mạng. Cả hai luôn luôn song hành đi bên nhau. Không yêu cháy bỏng, mục vụ đó, sứ vụ ống sáo. Tình yêu thật thà, phục vụ trao ban, trọn vẹn.

Chẳng lạ chi, Môisen truyền lệnh rõ ràng tới dân du mục trước khi vào Đất Hứa:
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi,
hết lòng, hết linh hồn,
và hết sức ngươi” (Đnl 6:5)

Tại sao lại phải là những lời mạnh mẽ như vậy?
Bởi vì Thiên Chúa biết, nếu tình yêu chỉ âm ấm, thiếu vắng chiều sâu nhiệt huyết, dân du mục sẽ quên Người khi nếm sữa và mật ong trên vùng đất mới. Họ sẽ bỏ Người lại sau lưng để chạy theo các vị thần ngoại bang, Ba’al, Astarte.

Tình yêu, một từ đơn giản, ngắn gọn âm, nhưng lại mãnh liệt đòi hỏi.

Tôi đã sống ở Papua New Guinea được hai năm rưỡi, đủ lâu để bạn thân gần xa thắc mắc:
“Bạn ta, anh yêu điều gì ở Niugini? Chữ yêu không hời hợt, nhưng rung động trái tim.”

Và tôi trả lời:
“Tôi yêu những nụ cười rạng rỡ, đầy niềm vui trên khuôn mặt người dân Niugini.

Và khi họ hỏi tiếp: “Bạn ta, còn gì nữa không?”

Và tôi đáp, “Tôi yêu người Niugini vùng cao nguyên. Cách họ trò chuyện vang vang, cách họ ngồi lại bên nhau, cười nói rộn ràng. Một nền văn hóa năng lượng, sinh động kết nối.

Thiên Chúa yêu, yêu đam mê. Yêu đến nỗi đã sai chính Con Một của Người đến cứu chuộc.

Tôi tự hỏi, và tôi mời bạn cùng tự hỏi:
“Tôi có yêu Thiên Chúa say mê hay không?
Tôi có yêu tha nhân và tạo vật của Người, bằng tình yêu cháy bỏng than hồng hay không?"

Tôi mời tôi, đừng sống nửa vời, đừng lờ lợ nước hến!
Nhưng yêu, yêu chân thật, yêu trọn vẹn và yêu đam mê.
 
Chúa chăm lo cho no lòng thỏa dạ
Lm Nguyễn Xuân Trường
16:38 03/05/2025

 
Xô tới trước
Lm Minh Anh
16:40 03/05/2025
XÔ TỚI TRƯỚC
“Chúa đó!”.

“Vinh quang lớn nhất không phải là không bao giờ ngã, mà là biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã!” - Khổng Tử.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay tường thuật lần hiện ra thứ ba sau phục sinh của Chúa Giêsu cho các môn đệ; Gioan kịp nhận ra Ngài khi nói với Phêrô, “Chúa đó!”. Để rồi Ngài dành cho Phêrô ba câu hỏi một nội dung, “Anh có yêu mến Thầy không?”. Câu trả lời của Phêrô - người biết đứng dậy - là điều kiện của một con người được ‘xô tới trước!’.

Với Phêrô, đây là ‘lần gọi thứ hai’. Lần gọi thứ nhất, cách đây ba năm, tại biển hồ này, Phêrô được gọi khi Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai; lần gọi thứ hai, cũng tại đây, Phêrô được ‘gọi lại’ khi khởi đầu sứ vụ công khai của các môn đệ Ngài. Lần này, Ngài chỉ hỏi Phêrô, “Anh có yêu mến Thầy không?”. Và người đã từng chối Thầy sẽ phải cúi mặt lí nhí, “Thầy biết hết mọi sự, Thầy biết, con yêu mến Thầy!”. Để sau đó, Ngài trao cho ông chiên mẹ, chiên con và cả đoàn chiên.

Vậy đâu là khác biệt giữa hai lần gọi? Sau lần gọi thứ nhất, Phêrô đã dứt khoát đi theo Chúa, nhanh nhẹn, chóng vánh nếu không nói là khá tự tin và không ít tự phụ để rốt cuộc, chối Thầy trước một nữ tỳ vô danh. Và lần gọi thứ hai cho thấy Thiên Chúa không bỏ cuộc với bất cứ ai, Ngài chỉ muốn ‘xô tới trước’ những con người Ngài yêu thương. Thiên thần hay ác quỷ, ánh sáng hay bóng tối, mạnh mẽ hay yếu nhược, nồng nàn hay dửng dưng, gần gũi hay xa cách, ngọt ngào hay cay đắng, thánh thiện hay tội lỗi… tất cả đều bộc lộ nơi một con người. Chúa Giêsu thấy rõ điều đó nơi Phêrô; ấy thế, Ngài không loại trừ, Ngài vẫn chọn gọi ông một lần nữa vì nhất định Phêrô phải được Ngài ‘xô tới trước’.

Lần dỡ các trang Tin Mừng, đã bao lần chúng ta chứng kiến Chúa Giêsu xô những con người tới phía trước. Ngài xô Zakêu, “Hãy xuống mau vì hôm nay tôi phải lưu lại nhà ông”; Ngài xô Lêvi đang ngồi ở bàn thu thuế, “Hãy theo tôi” để ông trở thành tông đồ thánh sử; Ngài xô biệt phái Nicôđêmô trong đêm bước ra với ánh sáng để ông trở thành tông đồ táng xác Thầy; Ngài xô Saolô trên đường Đamas để ông trở thành tông đồ dân ngoại; Ngài xô người nữ ngoại tình khỏi vòng tròn nghiệt ngã về nhà bình an, cũng như đã kịp xô anh trộm lành vào nước thiên đàng.

Anh Chị em,

“Chúa đó!”. “Sự hiện diện của Chúa Phục Sinh biến đổi mọi thứ: bóng tối trở thành ánh sáng, công việc vô ích một lần nữa trở nên có kết quả và đầy hứa hẹn, cảm giác mệt mỏi và bị bỏ rơi nhường chỗ cho một động lực mới và niềm tin chắc chắn rằng, Ngài đang ở cùng chúng ta!” - Phanxicô. Dù ở đấng bậc nào, hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang gọi, đang hỏi mỗi người chúng ta, “Con có yêu mến Thầy không?”. Chúng ta sẽ nhanh nhảu trả lời hay sẽ nín thinh? Với Ngài, tình yêu thuở ban đầu nơi chúng ta còn nồng nàn hay đã nhạt phai? Chúng ta có cảm nhận được như Phêrô, “Ôi, tình yêu che lấp muôn vàn tội lỗi!”. Chúa đã quên hết quá khứ xấu xa hầu xô mỗi chúng ta về phía trước. Ước gì bạn và tôi có thể nói, “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa!” và Ngài chỉ cần ngần ấy!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, thì ra, Chúa chỉ muốn con yêu mến Chúa. Cho con đừng phí thời giờ vào những việc không đâu hầu luôn sẵn sàng để Chúa xô con tới trước!”, Amen.

(Gp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đếm ngược đến ngày khai mạc Cơ Mật Viện: Những phẩm chất cần tìm kiếm ở vị Giáo Hoàng tiếp theo
J.B. Đặng Minh An dịch
03:38 03/05/2025

Edward Petin phân tích gia của tờ National Catholic Register có bài nhận định nhan đề “Conclave Countdown: Qualities to Look for in the Next Pope”, nghĩa là “Đếm ngược đến ngày khai mạc Cơ Mật Viện: Những phẩm chất cần tìm kiếm ở vị Giáo Hoàng tiếp theo”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Những phẩm chất của một vị Giáo Hoàng không chỉ đơn thuần là những phẩm chất của một dạng giám đốc điều hành Giáo Hội Công Giáo.

Tối thiểu, ngài phải có đức tin mạnh mẽ và lòng khiêm nhường, sẵn sàng tuân thủ giáo huấn của Giáo hội và truyền thống tông đồ, và thể hiện danh hiệu cổ xưa của Đức Giáo Hoàng là servus servorum Dei, Người tôi tớ của các Người tôi tớ Chúa.

Nhưng ngài cũng phải sở hữu những phẩm chất đặc biệt khác, và lý tưởng nhất là thể hiện sự thánh thiện tuyệt vời cùng đức hạnh nổi bật — đức hạnh mà, như tôi đã viết trong cuốn sách The Next Pope xuất bản năm 2020, có thể được hiểu rõ nhất bằng cách nhìn vào tấm gương của Thánh Phêrô trong Tân Ước.

Được Chúa Kitô Phục sinh yêu cầu “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy” (Ga 21:17) sau khi Phêrô chối Người, một vị Giáo Hoàng phải thể hiện tình yêu dành cho Chúa Kitô, tình yêu này lan tỏa đến mọi thành viên trong thân thể huyền nhiệm của Chúa Kitô — “đàn chiên” mà Chúa Kitô là Người Chăn Chiên Nhân Lành.

Không giống như một chính trị gia chỉ tập trung vào thế giới này, trách nhiệm chính của một vị Giáo Hoàng là giúp dẫn dắt hàng triệu linh hồn đến thế giới tiếp theo. Do đó, lòng bác ái của ngài phải cho phép ngài “chăm sóc” đàn chiên thông qua việc cai quản, “nuôi dưỡng” đàn chiên thông qua phụng vụ và dạy họ giáo lý lành mạnh như một nhà tiên tri — về bản chất, ba munera hay ba nhiệm vụ của một giám mục là giảng dạy, cai quản và thánh hóa.

Thánh Phêrô mở rộng chủ đề này bằng cách khuyên nhủ các linh mục:

“Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế, khi Vị Mục Tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát.” (1 Pr 5:2-4)

Hơn nữa, cũng giống như Thánh Phêrô, người đã được mặc quần áo và dẫn đến nơi mà ngài “không muốn đến”, một vị Giáo Hoàng phải luôn khiêm nhường và phục tùng Chúa Quan Phòng. Và như Phêrô, “tảng đá” mà Giáo hội hữu hình được thành lập trên đó, người kế nhiệm ngài, nhờ ân sủng Chúa, phải mạnh mẽ về cả tính cách và đức tin.

Được giao phó “chìa khóa Nước Trời,” với quyền “buộc và tháo,” Đức Giáo Hoàng phải phán đoán công bằng, điều hòa công lý với lòng thương xót để cứu rỗi các linh hồn. Ngài cũng được kêu gọi xác nhận các tín hữu trong giáo lý của Giáo Hội, duy trì truyền thống và bảo vệ sự chính thống — những trách nhiệm vừa được đề cập đến xác định sứ mệnh chính của Thánh Phêrô. Ngài phải bảo vệ kho tàng đức tin và, trong khi làm như vậy, duy trì sự hiệp nhất của Giáo Hội.

Một trong những hướng dẫn tốt nhất về phẩm chất của Đức Giáo Hoàng đến từ Thánh Bernard xứ Clairvaux trong một hướng dẫn có tựa đề “Về sự cân nhắc”. Những suy nghĩ của vị tu sĩ Xitô này đã tác động đến các vị Giáo Hoàng trong suốt nhiều thế kỷ, đặc biệt là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV, cai quản Giáo Hội từ 1740 đến 1758. Ngài coi đó là quy tắc để đánh giá sự thánh thiện của một vị Giáo Hoàng. Đức Bênêđíctô đã tóm tắt “lời khuyên vàng” của Thánh Bernard, đưa ra một manh mối tốt về những gì cần tìm kiếm ở các Hồng Y được coi là papabile, như sau:

Đức Giáo Hoàng không nên quá bận tâm vào hoạt động nhưng phải nhớ rằng công việc chính của mình là xây dựng Giáo hội, cầu nguyện và dạy dỗ mọi người.

Trên hết mọi đức tính khác, một Đức Giáo Hoàng phải vun đắp lòng khiêm nhường: “Bạn càng được nâng cao hơn người khác bao nhiêu, thì lòng khiêm nhường của bạn càng phải được thể hiện nhiều hơn nữa.”

Lòng nhiệt thành của một Đức Giáo Hoàng phải liên quan đến sự thánh thiện cá nhân của mình, chứ không phải danh dự thế gian.

Một Đức Giáo Hoàng phải có những người bạn nổi tiếng vì sự tốt lành của họ.

Bởi vì cơ cấu quyền lực dễ tiếp nhận những người tốt hơn là đào tạo ra những người tốt, nên Đức Giáo Hoàng nên cố gắng thăng chức cho những người đã được chứng minh là có đức hạnh.

Khi đối phó với kẻ gian ác, Đức Giáo Hoàng nên quay mặt lại với họ: “Hãy để kẻ không sợ con người, phải sợ tinh thần giận dữ của bạn. Hãy để kẻ khinh thường lời khuyên răn của bạn, phải sợ lời cầu nguyện của bạn.”

Đức Bênêđíctô XIV cũng lưu ý đến đặc điểm thứ bảy, được Công đồng Trentô nhấn mạnh: đó là một Đức Giáo Hoàng phải chọn các Hồng Y từ những người xuất chúng nhất về học vấn và đức hạnh, những người là mục tử tốt và có trình độ cao.

Theo lời thề cổ xưa mà các Đức Giáo Hoàng đã tuyên thệ khi nhậm chức giám mục Rôma, các ngài cũng phải có lòng nhiệt thành trong việc truyền bá Đức tin Công Giáo, khuyến khích và khôi phục kỷ luật tôn giáo, và bảo vệ các quyền của Tòa thánh.

Thánh Robert Bellarmine, tu sĩ dòng Tên thế kỷ 16 và là Tiến sĩ Hội Thánh, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một vị Giáo Hoàng trong việc có khả năng bổ nhiệm các giám mục tốt, bảo đảm rằng các ngài hoàn thành nhiệm vụ của mình và nếu cần thiết, buộc các ngài phải làm như vậy. Hơn nữa, nhận thức sâu sắc về những gì cần thiết để một người trở thành một vị Giáo Hoàng tốt và thánh thiện, Thánh Robert đã than thở trước một Cơ Mật Viện vào năm 1605 rằng ngài không thể nghĩ ra một ứng cử viên nào phù hợp để trở thành giám mục của Rôma.

“Chúng ta cần nhiều lời cầu nguyện,” ngài viết, “vì tôi không thấy một người nào trong Hồng Y Đoàn sở hữu những phẩm chất cần thiết. Và tệ hơn nữa, không ai quan tâm tìm kiếm một người như vậy. Đối với tôi, có vẻ như đối với Đại diện của Chúa Kitô, chúng ta không tìm kiếm một người biết thánh ý của Chúa, nghĩa là, người thông thạo Thánh kinh; thay vào đó chúng ta đang tìm kiếm chỉ một người biết ý muốn của Đại Đế Giúttinianô và các nhà cầm quyền tương tự khác. Chúng ta đang tìm kiếm một hoàng tử thế tục tốt, chứ không phải một giám mục thánh thiện thực sự dành trọn cuộc đời mình cho lợi ích của các linh hồn.”

Cuối cùng, các Hồng Y đã bầu Đức Hồng Y Camillo Borghese, 52 tuổi, lấy hiệu là Phaolô Đệ Ngũ. Triều Giáo Hoàng của ngài gặp nhiều căng thẳng bởi các cuộc xung đột như Chiến tranh Ba mươi năm, tranh chấp với Galileo Galilei và nạn gia đình trị, nhưng ngài đã có những đóng góp đáng kể cho cảnh quan kiến trúc của Rôma trước khi qua đời ở tuổi 70.

Người ta thường tự hỏi Chúa Thánh Thần can thiệp nhiều đến mức nào vào một Cơ Mật Viện. Đức Hồng Y Joseph Ratzinger giải thích rằng Ngôi Ba của Chúa Ba Ngôi “không thực sự kiểm soát công việc, mà giống như một nhà giáo dục giỏi, để lại cho chúng ta nhiều không gian, nhiều tự do, mà không hoàn toàn từ bỏ chúng ta.”

“Vì vậy, vai trò của Thánh Linh nên được hiểu theo nghĩa linh hoạt hơn nhiều, không phải là Ngài ra lệnh cho người ta phải bỏ phiếu cho ai. Có lẽ lời bảo đảm duy nhất mà Chúa Thánh Thần đưa ra là mọi thứ không thể bị hủy hoại hoàn toàn.” Ngài nói thêm: “Có quá nhiều trường hợp phản chứng về các Giáo Hoàng mà rõ ràng là Thánh Linh sẽ không chọn!”

Nhiều yếu tố khác cũng sẽ quyết định những người mà các Hồng Y cuối cùng lựa chọn, chẳng hạn như tuổi tác, vị trí địa lý, khuynh hướng thần học, kinh nghiệm và sức khỏe cá nhân. Nhưng xét về phẩm chất cá nhân, đây là những phẩm chất, ít nhất là trong lịch sử, đã đóng vai trò là khuôn mẫu để chi phối các lựa chọn của các Hồng Y.


Source:National Catholic Register
 
Những ảnh hưởng bên ngoài: Đức và Trung Quốc đang cố gắng tác động đến Cơ Mật Viện như thế nào
J.B. Đặng Minh An dịch
04:04 03/05/2025

Jonathan Liedl, biên tập viên cao cấp của tờ National Catholic Register, có bài nhan đề nhan đề “Outside Influences: How Germany and China Are Trying to Impact the Conclave”, nghĩa là “Những ảnh hưởng bên ngoài: Đức và Trung Quốc đang cố gắng tác động đến Cơ Mật Viện như thế nào”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Những động thái mới nhất của Tiến trình Công Nghị Đức và Đảng Cộng sản Trung Quốc rõ ràng là nhằm tác động đến những gì diễn ra bên trong Nhà nguyện Sistina — nhưng liệu chúng có gây ra phản tác dụng không?

Có bằng chứng xác đáng cho thấy các sự kiện trong những ngày trước Cơ Mật Viện có thể ảnh hưởng đến việc ai sẽ được bầu là Giáo Hoàng.

Phát xuất từ một từ tiếng Ý có nghĩa là “một căn phòng bị khóa”, Conclave hay Cơ Mật Viện thực sự là một nơi tách biệt với thế giới bên ngoài. Nhưng điều đó không có nghĩa là các sự kiện diễn ra bên ngoài Nhà nguyện Sistina không nằm trong tâm trí của các Hồng Y cử tri khi các ngài bắt đầu thời kỳ cách ly.

Hai vấn đề có thể nảy sinh trong tâm trí 133 vị bỏ phiếu bầu Đức Giáo Hoàng khi Cơ Mật Viện bắt đầu vào ngày 7 tháng 5 là các phước lành cho người đồng giới ở Đức và thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc.

Đây không phải là ngẫu nhiên. Thay vào đó, đây là kết quả của một cặp diễn biến gần đây từ bên ngoài Rôma, chắc chắn sẽ định hình các cuộc trò chuyện đang diễn ra tại Vatican ngay lúc này — và các lá phiếu sẽ được bỏ trong vòng chưa đầy một tuần nữa.

Đầu tiên, vào ngày 23 tháng 4, chỉ hai ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô qua đời, Hội đồng Giám mục Đức đã công bố hướng dẫn về “lễ ban phước” cho các cặp trong “những tình huống bất thường” — bao gồm cả các cặp đồng giới. Việc bảo đảm các lễ ban phước chính thức cho các cặp đồng giới từ lâu đã là mục tiêu của chiến dịch Tiến Trình Công Nghị bị chỉ trích nhiều của Đức, và động thái mới nhất này thách thức Tuyên ngôn Fiducia Supplicans, là hướng dẫn năm 2023 của Vatican về chủ đề này, trong đó chỉ cho phép ban phước “tự phát” cho những người tình cờ có mối quan hệ đồng giới, chứ không phải “hợp pháp hóa tình trạng của cặp đó”.

Sau đó, mặc dù không có Đức Giáo Hoàng nào để phê chuẩn việc bổ nhiệm giám mục, chính quyền Trung Quốc đã “bầu” hai giám mục mới vào ngày 28 tháng 4, bao gồm một giám mục trong một giáo phận đã do một giám mục được Vatican công nhận lãnh đạo. Diễn biến này là diễn biến mới nhất trong một loạt các kết quả đáng ngờ kể từ khi Vatican ký một thỏa thuận năm 2018 tham gia vào một quá trình chung với chính phủ Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục, một thỏa thuận mà Vatican thừa nhận đã bị lạm dụng nhiều lần, nhưng vẫn được gia hạn vào năm 2024.

Ở giai đoạn này của quá trình lựa chọn Đức Giáo Hoàng tiếp theo, thật khó để tưởng tượng rằng bất kỳ diễn biến nào trong số này xảy ra mà không có những người chịu trách nhiệm có ý định tác động đến Cơ Mật Viện.

Interregnum — tiếng Latin có nghĩa là “giữa các triều đại” — là thời điểm mà phần lớn đời sống thể chế của Giáo hội bị đình trệ. Các nhà lãnh đạo các bộ của Vatican không còn giữ chức vụ, các quá trình phong thánh bị đình chỉ và việc bổ nhiệm các nhà ngoại giao đại diện cho Đức Giáo Hoàng bị tạm dừng. Bất kỳ động thái nào trong giai đoạn này đều không phải là ngẫu nhiên — nó có ý nghĩa cao hơn và có mục đích tạo ra tác động.

Trên thực tế, khoảng thời gian giữa cái chết của Đức Giáo Hoàng và thời điểm bắt đầu cách ly các Hồng Y cử tri thường được đánh dấu bằng những nỗ lực mạnh mẽ nhằm tác động đến các Hồng Y cử tri bầu Đức Giáo Hoàng — thông qua các chiến dịch truyền thông hay các hành động khiêu khích như từ Đức và Trung Quốc.

Và không phải không có lý do: Có bằng chứng xác đáng cho thấy các sự kiện trong những ngày trước Cơ Mật Viện có thể ảnh hưởng đến việc ai sẽ được bầu làm Giáo Hoàng.

Ví dụ, vào năm 2013, người ta tin rằng triển vọng trở thành Giáo Hoàng của Đức Hồng Y Angelo Scola đã bị ảnh hưởng sau khi cảnh sát Ý đột kích các văn phòng trên khắp tổng giáo phận của ngài như một phần của cuộc điều tra tham nhũng liên quan đến một trong những cộng sự cũ của vị Hồng Y người Milan - chỉ vài giờ trước khi Cơ Mật Viện bắt đầu vào ngày 12 tháng 3. Và vào năm 1914, Cơ Mật Viện bầu Đức Giáo Hoàng bắt đầu chỉ ba ngày sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, có thể đã ảnh hưởng đến các Hồng Y để lựa chọn nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm là Hồng Y Giacomo della Chiesa, người đã trở thành Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15.

Trên thực tế, khả năng các Hồng Y cử tri bị ảnh hưởng quá mức bởi các sự kiện và chiến dịch gây áp lực trước Cơ Mật Viện đã khiến một số người cho rằng các ngài nên bị cô lập ngay sau khi vị đương kim Giáo Hoàng qua đời.

Ở Đức, thông điệp gửi đến các Hồng Y cử tri có vẻ rõ ràng: Tiến Trình Công Nghị không hề chậm lại, và các Hồng Y nên bầu một vị Giáo Hoàng sẵn sàng “gặp gỡ người Đức ở nơi họ đang ở” — ở chỗ mà ngày càng vượt ra ngoài phạm vi của giáo lý chính thống Công Giáo.

Đối với Trung Quốc, động thái này có thể nhằm mục đích củng cố thế thượng phong của mình trong thỏa thuận với Vatican, khiến bất kỳ sự đảo ngược nào cũng có vẻ quá rủi ro đối với người Công Giáo Trung Quốc. Đồng thời, một nhà phân tích coi nỗ lực của Trung Quốc nhằm khuấy động sự bất mãn về thỏa thuận giữa các Hồng Y là một động thái chiến lược nhằm làm suy yếu triển vọng trở thành Đức Giáo Hoàng của người có liên quan nhiều nhất với họ, Hồng Y Pietro Parolin, Ngoại trưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhằm nâng cao vị thế của Hồng Y người Phi Luật Tân Luis Antonio Tagle.

Nếu điều này là đúng, Trung Quốc không phải là nước duy nhất cố gắng hạ thấp vị thế của Hồng Y Parolin ngay trước Cơ Mật Viện. Vị giám mục người Ý này đã là chủ đề của một số hình ảnh tiêu cực trên phương tiện truyền thông trong tuần này, bao gồm cả từ hai kênh truyền thông Công Giáo cấp tiến ở Hoa Kỳ

Đối với những động thái của Đức và Trung Quốc, cả hai đều có thể được coi là nỗ lực nhằm kìm hãm các Hồng Y cử tri và người mà họ chọn làm Đức Giáo Hoàng tiếp theo.

Tất nhiên, chúng có thể có tác dụng ngược lại. Kiểu đe dọa giáo hội này có thể thúc đẩy các Hồng Y cử tri ủng hộ một vị Giáo Hoàng sẵn sàng hơn Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc đối đầu với sự ngoan cố của Đức và sự bắt nạt của Trung Quốc.

Đức Thánh Cha Phanxicô coi trọng việc đối thoại với cả những nhà hoạt động của Tiến Trình Công Nghị Đức và những đảng viên Cộng sản Trung Quốc. Đức Cố Giáo Hoàng tin rằng những đột phá chỉ có thể xảy ra khi bạn vẫn đang trong cuộc trò chuyện. Nhưng sau những diễn biến mới nhất này, giờ đây có thể dễ dàng hơn trong số các Hồng Y khi lập luận rằng đường lối này không mang lại kết quả mong muốn. Một hướng hành động mới — có lẽ ít sẵn sàng chấp nhận những vi phạm những điều đã được thỏa thuận hoặc vượt qua các ranh giới của tín lý và kỷ luật của Giáo Hội — có thể được các Hồng Y cử tri ủng hộ. Và như thế dẫn đến kết quả hoàn toàn trái ngược với những gì các nhà lãnh đạo Giáo hội Đức và các quan chức Trung Quốc có thể đã dự định.

Tất nhiên, cũng có thể một cuộc đối đầu như vậy chính là mục tiêu mà Trung Quốc hướng đến – nhưng các giám mục Đức thì không.

Nhưng trong khi động cơ và tác động thực sự của chúng có thể chưa rõ ràng, thì những thay đổi từ Đức và Trung Quốc trong thời kỳ trống ngôi Giáo Hoàng chắc chắn có ý định ảnh hưởng đến Cơ Mật Viện. Và với những ngày tháng đang dần trôi qua trước khi 133 cử tri bị nhốt, hãy chờ đợi thêm những nỗ lực tác động đến quan điểm mà các ngài mang theo vào Nhà nguyện Sistina.


Source:National Catholic Register
 
Các Hồng Y giải quyết vấn đề lạm dụng, tài chính và truyền giáo trước khi diễn ra mật nghị
Vũ Văn An
14:56 03/05/2025

Nhà thờThánh Phêrô được nhìn thấy ở phía sau khi một Hồng Y đến dự cuộc họp chung trước mật nghị tại Vatican, Thứ Hai, ngày 28 tháng 4 năm 2025. (Nguồn: Gregorio Borgia/AP.)


Elise Ann Allen của Crux, ngày 3 tháng 5 năm 2025, tường trình rằng: Các Hồng Y giải quyết vấn đề lạm dụng, tài chính và truyền giáo trước khi diễn ra mật nghị

Chỉ còn bốn ngày nữa là đến khi mật nghị bầu vị giáo hoàng mới bắt đầu, các Hồng Y đang giải quyết nhiều thách thức mà vị giáo hoàng tiếp theo sẽ phải đối diện, và kêu gọi một cách rộng rãi để làm rõ hơn, nhưng cũng phải tiếp nối Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Phát biểu với các nhà báo sau cuộc họp chung của Hồng Y đoàn ngày 2 tháng 5, Đức Hồng Y người Colombia Jorge Enrique Jimenez Carvajal, 83 tuổi, tổng giám mục danh dự của Cartagena, cho biết giáo hội cần một vị giáo hoàng có thể nói chuyện với mọi ngóc ngách trên thế giới, “Và giúp mang lại ánh sáng hy vọng cho rất nhiều người đang sống một cuộc sống khó khăn như vậy.”

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đánh dấu thế giới và đánh dấu xã hội”, ngài nói, và thêm rằng vị giáo hoàng tiếp theo có thể đến từ bất cứ đâu, và địa lý không quan trọng.

Trên hết, “chúng ta cầu xin Chúa rằng vị này là người tốt nhất có thể. Cầu mong ngài có một trái tim rất lớn, nơi mọi người đều phù hợp, tất cả đàn ông, tất cả đàn bà, tất cả những người đau khổ”, ngài nói, nhấn mạnh đến nhu cầu “nhiều tính liên tục hơn bất cứ điều gì khác”.

Trong phiên họp sáng hôm đó, ngài nói, một giám mục đã có bài phát biểu phân tích hạn từ “tính liên tục” và cách hiểu ba triều đại giáo hoàng gần đây nhất – Gioan Phaol II, Benedict XVI và Phanxicô – với “phép giải thích liên tục”.

“Thật đáng lưu ý”, ĐHY Carvajal nói, khi nói rằng tính liên tục ngụ ý một số yếu tố nhất định của quá khứ “được sinh ra mới và cái mới đang được tạo ra… Giáo hội vun đắp tính liên tục”, ngài nói.

Trong khi một mức độ căng thẳng nhất định khi đưa ra quyết định là bình thường, Carvajal cho biết, thì sự phân cực là một vấn đề, bởi vì "Giáo hội là một tổ chức không hướng đến sự phân cực. Trên thực tế, giáo hội tin rằng sự phân cực, thông thường hoặc hầu như luôn luôn, đều có hại".

"Điều mà giáo hội tìm kiếm nhiều hơn là thúc đẩy sự hợp nhất... Sự hợp nhất phải được xây dựng, và việc xây dựng này rất khó khăn, bởi vì ngày nay có vẻ khác, bởi vì có những tình huống khác nhau", nhưng đó là nhiệm vụ của giáo hội, ngài nói.

Bất kể quyết định nào được đưa ra và bất cứ ai được bầu, ĐHY Carvajal cho biết các Hồng Y đều "nhất trí" về nhu cầu ủng hộ vị giáo hoàng tiếp theo.

Các Hồng Y hiện đã họp trong tám ngày tại các phiên họp chung trước mật nghị, trong thời gian đó, các vị tìm hiểu nhau và phát biểu về tình hình thế giới và giáo hội, để thiết lập khuôn mạo cho người kế vị tiếp theo của Thánh Phêrô.

Trong các phiên họp chung đầu tiên, đã có những lời chỉ trích đáng kể về Đức Giáo Hoàng Phanxicô và di sản của ngài trong số các thành viên bảo thủ hơn của "lực lượng bảo thủ cũ", tuy nhiên, các can thiệp gần đây đã làm nổi bật sự nhấn mạnh của Đức Phanxicô vào công cuộc truyền giáo và tính đồng nghị.

Người phát ngôn của Vatican Matteo Bruni trong các cuộc họp báo thường kỳ hàng ngày đã nêu bật một số chủ đề được giải quyết trong các phiên họp chung, bao gồm sự nhấn mạnh vào công cuộc truyền giáo, nhu cầu của giáo hội trong việc nói chuyện với các thế hệ trẻ hơn và nhu cầu rao giảng Tin Mừng một cách hiệu quả "từ các giáo xứ đến giáo triều" tại Rome.

Các chủ đề về các tai tiếng lạm dụng tài chính và giáo sĩ cũng đã được giải quyết như là "vết thương" tiếp tục gây đau khổ cho giáo hội, và nhu cầu nâng cao nhận thức hơn nữa để xác định "con đường cụ thể để chữa lành".

Một trong những vấn đề nổi cộm nhất mà tân giáo hoàng phải đối diện là thâm hụt ngân sách nghiêm trọng của Vatican và cuộc khủng hoảng lương hưu đang rình rập. Trong khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để giải quyết vấn đề này, thì vấn đề này vẫn chưa được giải quyết và vẫn là một trong những ưu tiên cấp bách nhất đối với vị giáo hoàng mới.

Vào thứ Tư, ngày 30 tháng 4, một số giám mục đã trình bày về tình hình tài chính của Vatican, với vị Hồng Y người Mỹ Kevin Farrell, chủ tịch Ủy ban Đầu tư, phát biểu về vai trò và hoạt động của ủy ban.

Vị Hồng Y người Áo Christoph Schönborn, chủ tịch Ủy ban Giám sát Hồng Y của Viện Công trình Tôn giáo (IOR), thường được gọi là Ngân hàng Vatican, đã nói về tình hình hiện tại của nó, trong khi vị Hồng Y người Tây Ban Nha Fernando Vérgez Alzaga, chủ tịch danh dự của Tòa Thống đốc Thành phố Vatican, đã cung cấp thông tin chi tiết về Tòa Thống đốc, bao gồm một số công trình cải tạo.

Vị Hồng Y người Ba Lan Konrad Krajewski, Giám mục Tông tòa, cũng đã nói về cam kết của Bộ Phục vụ Bác ái.

Các chủ đề khác đã nảy sinh trong các cuộc thảo luận bao gồm phụng vụ, tầm quan trọng của luật giáo luật và giá trị của tính đồng nghị, một thuật ngữ thông dụng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngụ ý một phong cách lãnh đạo hợp tác hơn với sự nhấn mạnh vào việc biến giáo hội thành một nơi chào đón và bao gồm hơn cho tất cả các thành viên của nó.

Các mối liên hệ giữa tính đồng nghị, tính hợp đoàn và sứ mệnh trong giáo hội đã được nêu bật, cũng như nhu cầu vượt qua chủ nghĩa thế tục và vượt qua sự phân cực và chia rẽ trong xã hội. Giá trị của tính đồng nghị trong vấn đề này đã được nhấn mạnh, “liên quan chặt chẽ đến tính hợp đoàn giám mục, như một biểu hiện của sự đồng trách nhiệm dị biệt hóa”, Ông Bruni cho biết vào ngày 2 tháng 5.

Các tài liệu tham khảo cũng đã được nêu ra đối với các văn kiện của Công đồng Vatican II, đặc biệt là các hiến chế tông đồ Lumen Gentium và Gaudium et Spes, và cách thúc đẩy nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ hơn.

Các Con Số

Việc đạt được sự đồng thuận đối với vị giáo hoàng mới sẽ là một thách thức đối với các Hồng Y, vì có nhiều vị Hồng Y hơn - 135 cử tri tham gia, thay vì 115 và 117 của hai mật nghị trước - và nhìn chung, các vị đa dạng hơn nhiều, với nhiều vị không quen thuộc với Rome và không thể nói tiếng Ý.

Hai cử tri, Hồng Y Antonio Cañizares Llovera, Tổng giám mục danh dự của Valencia, và Hồng Y John Njue, Tổng giám mục danh dự của Nairobi, Kenya, không thể tham gia do bị bệnh, nghĩa là số cử tri có mặt tại Rome để bỏ phiếu sẽ là 133.

ĐHY Carvajal trong bình luận của ngài với các nhà báo đã lưu ý rằng "nhiều người trong chúng tôi không biết nhau" trước khi đến Rome để họp trước mật nghị, nhưng ngài cho biết sự kiện có rất nhiều sự đa dạng và giờ đây các vị đang hiểu nhau hơn, là một hồng ân cho giáo hội.

Nhìn chung, nhóm Hồng Y sẽ bầu người kế nhiệm Đức Phanxicô trẻ hơn và đa dạng hơn, phản ánh mong muốn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về một giáo hội hoàn cầu hơn, phản ánh tốt hơn thực tại trên thực tế.

Độ tuổi trung bình của các Hồng Y cử tri, những người dưới 80 tuổi, là 70, tuy nhiên, có một số người ở độ tuổi giữa 40 và giữa 50, bao gồm Hồng Y Mykola Bychok của giáo phận Thánh Phêrô và Phaolô ở Melbourne (giáo phận Ukraine), 45 tuổi; Hồng Y Giorgio Marengo của Mông Cổ, 50 tuổi; Hồng Y Américo Manuel Alves Aguiar của Setubal, Bồ Đào Nha, 51 tuổi; Hồng Y người Ấn Độ Syro-Malabar George Jacob Koovakad, giám đốc hưu trí của đối thoại liên tôn, 51 tuổi; và Hồng Y người Litva Rolandas Makrickas, phó giám mục của Giáo hội Đức Bà Cả, 53 tuổi.

Khoảng 80 phần trăm các Hồng Y cử tri được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm, nhiều vị trong số này phát xuất từ Nam bán cầu hơn so với các mật nghị trước đây.

Trong khi 51 phần trăm Hồng Y cử tri đến từ châu Âu vào năm 2005 và 2013, năm nay chỉ có 43 phần trăm đến từ châu Âu, trong khi tỷ lệ phần trăm của những người đến từ Mỹ Latinh, Châu Á và Thái Bình Dương, Châu Phi và Trung Đông đã tăng lên một vài phần trăm.

Năm nay, người Mỹ Latinh chiếm 18 phần trăm Hồng Y cử tri, trong khi các Hồng Y Châu Á và Thái Bình Dương chiếm 16 phần trăm, và các Hồng Y từ Châu Phi và Trung Đông chiếm 14 phần trăm. Các Hồng Y Bắc Mỹ, chiếm 11 phần trăm trong hai mật nghị trước, hiện chiếm chín phần trăm.

Với những vị được Đức Phanxicô bổ nhiệm, hiện có nhiều Hồng Y bỏ phiếu từ Châu Á và Thái Bình Dương hơn là từ Ý, đánh dấu một sự thay đổi đáng kể so với quá khứ. Cũng có sự sụt giảm đáng kể về số lượng Hồng Y từ giáo triều, từ 27 phần trăm vào năm 2013 xuống chỉ còn 20 phần trăm hiện nay.

Không có ứng cử viên nghiêm túc nào trong số những người Mỹ, ngoại trừ Hồng Y Robert Prevost, một người bản xứ Chicago đã dành gần 30 năm làm nhà truyền giáo ở Peru với dòng Augustinian của ngài, vì ngài được coi là ôn hòa, trong khi những vị khác được coi là quá thiên về bên phải hoặc quá thiên về bên trái.

Đánh giá về khuôn mạo của vị giáo hoàng tiếp theo, vị Hồng Y người Ý Camillo Ruini, 94 tuổi, cựu đại diện của Rome, trong một bức thư ngỏ gửi đến các Hồng Y trước cuộc mật nghị cho biết triều giáo hoàng của Đức Phanxicô là điều gì đó "đặt câu hỏi và làm rung chuyển sâu sắc giáo hội".

Là một người khổng lồ bảo thủ, Ruini cho biết ngài hy vọng giáo hội trong tương lai sẽ từ thiện, nhưng "an toàn về mặt giáo lý, được quản lý theo luật pháp, hợp nhất sâu sắc trong chính nó".

Ngài nhấn mạnh vào nhu cầu "chắc chắn về chân lý và sự an toàn của tín lý", nhưng than thở rằng triều giáo hoàng của Đức Benedict XVI đã "bị phá hoại bởi năng lực kém cỏi của ngài trong việc quản lý".

“Đây là mối quan ngại áp dụng cho mọi thời đại, bao gồm cả tương lai gần”, ngài nói và nhấn mạnh sự cần thiết phải khắc phục cả mối đe dọa bên trong và bên ngoài đối với sự hiệp nhất của giáo hội.

Tương tự như vậy, vị Hồng Y bảo thủ người Đức Gerhard Ludwig Müller đã nói với tờ báo Ý La Reppublica rằng có "sự đánh giá cao nhất trí" đối với việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô quan tâm đến người di cư, người nghèo và khắc phục sự chênh lệch giữa "trung tâm và ngoại vi".

Tuy nhiên, ngài cho biết đôi khi Đức Phanxicô "quá mơ hồ", trong khi Benedict XVI đưa ra "sự rõ ràng về thần học hoàn hảo".

"Mọi người đều có đặc sủng và khả năng riêng và tôi nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô có nhiều đặc sủng và khả năng hơn trong chiều hướng xã hội", ngài nói, bày tỏ niềm tin rằng vị giáo hoàng tiếp theo nên làm rõ về việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho phép ban phước cho những cá nhân trong các kết hợp đồng tính, cũng như lựa chọn bổ nhiệm một phụ nữ làm tổng trưởng Bộ Tu Sĩ, vì đây là một "cơ quan giáo hội" chứ không phải là một vai trò hành chính.

Ngài cũng nhấn mạnh nhu cầu phải vạch ra một ranh giới cứng rắn hơn trong đối thoại với Hồi giáo và với Trung Quốc trong tương lai, không cho phép thái độ "tương đối" đối với bản năng bạo lực trong Hồi giáo, và kiên quyết cho phép "những người cộng sản bổ nhiệm giám mục".

Đức Hồng Y người Đức Walter Kasper, 92 tuổi, cũng đã trả lời phỏng vấn với La Reppublica trong đó ngài ca ngợi sự dấn thân của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đối với tính đồng nghị và cho biết điều đó nên là kim chỉ nam cho tương lai.

"Tôi không nghĩ chúng ta có thể quay lại, điều đó thật vô nghĩa. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tiến về phía trước, ngay cả khi có một vị giáo hoàng mới", ngài nói, đồng thời cho biết bản thân các tín hữu đã "bỏ phiếu bằng đôi chân của họ" về những gì họ muốn ở một vị giáo hoàng khi họ đổ xô đến dự tang lễ của Đức Phanxicô, với khoảng 200,000 người tham dự.

ĐHY Kasper bày tỏ niềm tin của ngài rằng giáo hội sẽ “tiến lên theo bước chân của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đây là thông điệp chính của ngài: Chúa Giêsu Kitô đã rao giảng lòng thương xót, Người đã sống lòng thương xót và Người đã chết vì chúng ta trên thập giá vì lòng thương xót, và do đó lòng thương xót là trọng tâm đức tin của giáo hội”.

“Tôi hy vọng rằng [các Hồng Y] sẽ sớm đạt được sự đồng thuận về vị giáo hoàng tiếp theo, theo bước chân của Đức Phanxicô”, ngài nói.

Bốn Hồng Y cử tri vẫn cần phải đến Rome trước khi bắt đầu mật nghị vào ngày 7 tháng 5, sẽ bắt đầu bằng Thánh lễ và tuyên thệ giữ bí mật vào sáng hôm đó, và đóng cửa Nhà nguyện Sistine và bỏ phiếu đầu tiên vào buổi tối hôm đó.
 
Các Hồng Y cảm thấy áp lực về thời gian, muốn có nhiều lời cầu nguyện và thảo luận hơn
Vũ Văn An
15:13 03/05/2025

VATICAN-POPE-CONSISTORY-CARDINALS-2024. Antoine Mekary | ALETEIA


Kathleen N. Hattrup của Aleteia ngày 03/05/25, tường trình: Trong khi một số Hồng Y thừa nhận rằng các ngài cảm thấy thời gian trôi qua quá nhanh, một vị đã đảm bảo: "Vào đúng thời điểm, chúng tôi sẽ sẵn sàng và chúng tôi sẽ trao cho Giáo hội vị giáo hoàng mà chính Chúa đã muốn".

Các vị Hồng Y đã họp lại vào sáng thứ Bảy, ngày 3 tháng 5 năm 2025, cho đại hội đồng thứ chín của các vị để chuẩn bị cho mật nghị. Chỉ còn bốn ngày nữa là đến ngày cánh cửa đóng lại sau lưng các vị, Đức Hồng Y Jean-Paul Vesco, Tổng giám mục Algiers, cho biết các ngài cần "nhiều thời gian hơn để cùng nhau cầu nguyện".

Bị báo chí tấn công như mọi buổi sáng tại cổng Vatican, hầu hết các Hồng Y đều cho biết họ vẫn chưa quyết định ứng viên, bao gồm cả Charles Maung Bo, 76 tuổi người Myanmar, người nói rằng ngài "chưa có".

"Các bạn đang thực hiện một bài tập truyền thông rất hay [để lựa chọn các ứng viên]; nhưng chúng tôi vẫn chưa làm được", Hồng Y người Ý Fernando Filoni, 79 tuổi cho biết.

"Với tôi, có vẻ như chúng ta cần thêm thời gian, ít nhất là đối với tôi", Hồng Y người Thụy Điển Anders Arborelius, 75 tuổi đồng ý. Ngài giải thích: "Chúng tôi đang cố gắng có được tầm nhìn về toàn thể Giáo hội".

Hồng Y Jean-Paul Vesco cũng muốn "có thêm thời gian để cầu nguyện cùng nhau, thảo luận nhiều hơn với nhau".

"Chúng tôi cảm thấy chưa sẵn sàng", vị Hồng Y người Pháp-Algeria 63 tuổi cho biết.

Hồng Y Vesco nhấn mạnh đến trách nhiệm tinh thần của các Hồng Y cử tri: "Chúng tôi phải tìm ra người mà Chúa đã chọn".

“Nhưng tôi chắc chắn rằng vào đúng thời điểm, chúng tôi sẽ sẵn sàng, và chúng tôi sẽ trao cho Giáo hội vị giáo hoàng mà Chúa, chính Chúa, đã muốn cho Giáo hội của Người,” ngài cũng khẳng định.

“Chúng tôi lại đến để cầu nguyện và làm việc để tìm ra người phù hợp. Không ai là hoàn hảo, nhưng chúng tôi sẽ tìm thấy người đó,” Đức Hồng Y William Seng Chye Goh, 67 tuổi, Tổng giám mục Singapore cho biết.

Mật nghị sẽ bắt đầu vào chiều ngày 7 tháng 5. Nếu cuộc bỏ phiếu bắt đầu vào chiều ngày đầu tiên, sẽ chỉ có một cuộc bỏ phiếu. Vào những ngày tiếp theo, hai cuộc bỏ phiếu được tổ chức vào buổi sáng và hai cuộc bỏ phiếu vào buổi chiều.
 
Tại sao tôi muốn vị Giáo hoàng tiếp theo được quấn trong Áo choàng của Đức Mẹ Maria
Vũ Văn An
15:36 03/05/2025

Enguerrand Quarton, “Đức Trinh Nữ của Lòng Thương Xót” (Chi tiết), 1452, Musée Condé, Chantilly, Pháp; Bối cảnh: Stefano Tamarro (ảnh: Wikimedia Commons / Shutterstock)


Giáo hội đang đứng trước ngã ba văn hóa. Vị Giáo hoàng tiếp theo phải lãnh đạo với lòng can đảm và sự sáng suốt — và giao phó sứ mệnh của mình cho Đức Mẹ Maria, Mẹ của Giáo hội.

Đó là bình luận của Grady Connolly của National Catholic Register, ngày 2 tháng 5 năm 2025.

Vị Giáo hoàng tiếp theo sẽ đảm nhận một trong những trách nhiệm quan trọng và tế nhị nhất của thời đại chúng ta: hợp nhất Giáo hội trong chân lý đồng thời mở rộng tình yêu của Chúa Kitô cho những người chưa gặp Người. Trong một thế giới mà phương tiện truyền thông xã hội định hình cả văn hóa và lương tâm, Giáo hội trở nên dễ thấy hơn bao giờ hết — nhưng cũng dễ bị phơi bày hơn. Giữa tiếng ồn kỹ thuật số được đánh dấu bằng sự nhầm lẫn, sợ hãi và sự thù địch ngày càng tăng đối với đức tin, nhiều người tin rằng phản ứng đúng đắn là chống trả bằng sự hung hăng. Nhưng bản năng này cuối cùng lại không hiệu quả.

Sự hung hăng có thể tiếp thêm năng lượng cho những người đã bị thuyết phục, nhưng nó có xu hướng xua đuổi những người vẫn đang tìm kiếm. Nó có thể tạo ra tâm lý chúng ta chống lại họ, tập hợp những người tin tưởng vào tinh thần đấu tranh trong khi xóa bỏ khát vọng gặp gỡ của con người. Tin Mừng không phải là tiếng kêu chiến đấu được hét lên từ phía sau bức tường — đó là lời mời gọi, được nói trực tiếp, từ trái tim đến trái tim.

Theo nhiều cách, phương tiện truyền thông xã hội đã làm rạn nứt chứng từ của Giáo hội. Nhiều cộng đồng trực tuyến tuyên bố bảo vệ sự chính thống thường kết thúc bằng việc gieo rắc sự chia rẽ và nhầm lẫn, tạo thành các phòng vọng khiến nhiều người từ bỏ thẩm quyền mà họ tuyên bố tôn trọng. Đức Thánh Cha tiếp theo phải nhìn thấu màn sương mù hỗn loạn này và dẫn dắt Giáo hội trở lại sự hiệp nhất — không phải bằng sự thỏa hiệp, mà bằng sự hiệp thông bắt nguồn từ những lời dạy của Chúa Giêsu Kitô.

Một trong những khía cạnh đáng ngưỡng mộ nhất trong triều đại của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là cam kết không ngừng nghỉ của ngài trong việc mang lại hy vọng và ánh sáng tình yêu của Chúa cho tất cả mọi người, Công Giáo và không phải Công Giáo. Chứng tá của ngài nhắc nhở thế giới rằng truyền giáo không phải là giành chiến thắng trong các cuộc tranh luận; mà là giành được các linh hồn. Đức Thánh Cha, Đại diện của Chúa Kitô, mang sứ mệnh nhắc nhở mọi con người rằng họ thuộc về ai và tiết lộ cho họ "nhịp đập của Giáo hội" — tình yêu tuôn trào mà Chúa Kitô đã trao cho Giáo hội của Người thông qua các bí tích.

Chúng ta đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần — thời đại mà các Kitô hữu phải sốt sắng cầu nguyện để có được các ân huệ của Người: sự khôn ngoan, hiểu biết, lời khuyên bảo, lòng dũng cảm, kiến thức, lòng đạo đức và lòng kính sợ Chúa. Khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên một tâm hồn sốt sắng, người đó sẽ tỏa sáng Chúa Kitô. Nhưng chính vì đây là giờ của Chúa Thánh Thần, nên kẻ thù không ngừng làm sai lệch các ân huệ của Người — đặc biệt là trong thời đại này, khi chúng ta còn đang bối rối sâu sắc về ý nghĩa của việc làm người.

Vị Giáo hoàng tiếp theo sẽ thừa hưởng một Giáo hội đang đứng bên bờ vực thẳm. Chủ nghĩa tương đối không còn là mối đe dọa trừu tượng nữa — nó đang định hình tâm trí, định nghĩa lại đạo đức và dẫn dắt toàn bộ các thế hệ vào sự tuyệt vọng, tê liệt về mặt tinh thần và thậm chí là ngoại giáo. Chúng ta phải cầu nguyện để vị kế nhiệm tiếp theo của Thánh Phêrô sẽ nhận ra sự tàn phá của chủ nghĩa tương đối và, với tình yêu, dẫn dắt Giáo hội không chỉ công bố chân lý mà còn sống chân lý đó với niềm vui và lòng nhiệt thành.

Với sự kết hợp mật thiết của Đức Mẹ với Chúa Thánh Thần như là bạn đời của Người, sẽ là khôn ngoan — thực sự là điều cần thiết — khi vị giáo hoàng tiếp theo hoàn toàn đón nhận ân sủng của Đức Mẹ. Sự kết hợp hoàn hảo giữa sự dịu dàng và sức mạnh của Mẹ là liều thuốc giải độc cho một thế giới nghiện sự thoải mái và thỏa hiệp. Với sự hướng dẫn của Đức Mẹ, Giáo hội có thể củng cố sứ mệnh của mình: dẫn dắt các linh hồn đến với cuộc sống vĩnh hằng và đánh thức trên thế giới nỗi sợ tội lỗi thánh thiện và khao khát những điều của thiên đàng.

Tôi cầu xin cho sứ mệnh của giáo hoàng sẽ là truyền cảm hứng cho các Ki-tô hữu đã chịu phép rửa tội được ơn mạnh dạn chia sẻ Tin Mừng— không chỉ thông qua lời nói hay tranh luận, mà thông qua chứng tá sống động về lòng cảm thương, chân lý và ơn cứu chuộc. Thế giới đang khao khát sự sáng suốt và khao khát biết điều gì là thực. Vị Giáo hoàng tiếp theo phải là một người chăn chiên dẫn dắt bằng cả lòng dũng cảm và sự dịu dàng.

Ánh đèn sân khấu hoàn cầu sẽ đổ dồn về Rome khi vị giáo hoàng mới được bầu. Đây không chỉ là một khoảnh khắc chính trị — mà là cơ hội có tính thế hệ để cứu rỗi các linh hồn. Thế giới sẽ dõi theo, tự hỏi liệu Giáo hội có vẫn kiên định trong thông điệp của mình hay không. Câu trả lời phải là Có — thông qua tiếng nói của vị giáo hoàng tiếp theo.

Trên hết, tôi cầu xin để ngài sẽ không coi những linh hồn lạc lối là kẻ thù mà là những đứa con đáng kính của Chúa khao khát mục đích. Tôi cầu xin để ngài sẽ nhắc nhở thế giới rằng lòng cảm thương, tình yêu và sự hiệp nhất không đối lập với chân lý khách quan — chúng là sự viên mãn sâu sắc nhất của chân lý, như Đức Maria đã nhắc nhở chúng ta.
 
VietCatholic TV
Tướng Mỹ: Với tốc độ hiện tại, Nga phải mất 200 năm và hàng chục triệu thương vong để chiếm Ukraine
VietCatholic Media
03:04 03/05/2025


1. Với tốc độ hiện tại, Nga sẽ mất hàng thế kỷ và hàng chục triệu thương vong để chiếm được Ukraine

Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng ông đồng ý với khẳng định gần đây của Tổng thống Trump rằng có thể đạt được thỏa thuận nếu các bên trong cuộc xung đột sẵn sàng nhượng bộ.

Theo Tổng thống Trump, nhượng bộ lớn nhất của Nga là đồng ý không chiếm toàn bộ Ukraine. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Nga không chiếm toàn bộ Ukraine không phải là thiện chí của Nga, mà là do Nga không có khả năng đó. Chỉ một vài thị trấn nhỏ ở Donbas đã mất hơn 3 năm và hơn nửa triệu quân thì nói chi đến chuyện chiếm cả nước Ukraine.

Lực lượng Nga đã chiếm được khoảng 68 dặm vuông của Ukraine vào tháng 4. Nhưng họ đã mất 4.800 xe cộ và hơn 36.600 binh lính tử trận và bị thương, theo một nhà thống kê thu thập dữ liệu chủ yếu từ các nguồn chính thức của Ukraine bao gồm cả bộ tổng tham mưu ở Kyiv.

Trong cùng tháng đó, tổn thất của Ukraine là “tối thiểu”, nhà phân tích Konrad Muzyka của Rochan Consulting tại Ba Lan kết luận.

Ukraine trải dài trên 233.000 dặm vuông, 19% trong số đó nằm dưới sự xâm lược của Nga. Với tốc độ tiến và mất hiện tại, người Nga sẽ chiếm được phần còn lại của Ukraine vào năm 2256 với cái giá là 101 triệu thương vong. Dân số hiện tại của Nga là 144 triệu người.

Thật đáng kinh ngạc, tổn thất lớn về người và thiết bị vẫn chưa làm tê liệt quân đội Nga ở Ukraine. Điện Cẩm Linh đang trang bị cho lực lượng của mình hàng ngàn phương tiện dân sự, bao gồm xe tay ga, xe hơi nhỏ gọn và thậm chí ít nhất một xe buýt.

Trong khi đó, mỗi tháng, Nga tuyển dụng 30.000 quân, Tướng Christopher Cavoli, chỉ huy lực lượng Lục quân Hoa Kỳ tại Âu Châu, phát biểu với các nhà lập pháp Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 4. Vì nhiều người bị thương cuối cùng cũng trở lại tiền tuyến nên quân đội Nga tuyển dụng nhiều quân hơn số quân mất mỗi tháng.

Kết quả là, Cavoli cho biết, lực lượng Nga ở Ukraine thực sự đang tăng lên. Hiện tại, con số này không dưới 600.000 quân, “mức cao nhất trong suốt cuộc chiến và gần gấp đôi quy mô của lực lượng xâm lược ban đầu” vào tháng 2 năm 2022, Cavoli cho biết.

Điện Cẩm Linh đã xoay xở để duy trì và thậm chí mở rộng nỗ lực tuyển dụng của mình như thế nào phụ thuộc vào hai điều: tiền bạc và tâm trạng. Janis Kluge, phó giám đốc Phân ban Đông Âu và Âu Á tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh Đức, giải thích rằng việc tuyển dụng kỷ lục được “thúc đẩy bởi tiền thưởng ghi danh cao và suy đoán rằng chiến tranh sẽ sớm kết thúc”.

Liệu tiền bạc và sự rung cảm tốt đẹp có bền vững hay không vẫn là một câu hỏi mở. “Nói chung, ngân sách quốc phòng của Nga sẽ chiếm 40% tổng chi tiêu của chính phủ, mức cao nhất kể từ Chiến tranh Lạnh”, Cavoli nói. Để so sánh, Hoa Kỳ chỉ chi 13% ngân sách liên bang cho quân đội.

Chi tiêu này đã thúc đẩy thái độ của người Nga đối với cuộc chiến, ngay cả khi tổng số thương vong vượt quá 800.000 vào đầu năm nay. “Là kết quả trực tiếp của chi tiêu quốc phòng, các khoản đầu tư của Nga vào cơ sở công nghiệp của mình đã làm giảm tỷ lệ thất nghiệp quốc gia xuống còn 2,4%”, Cavoli cho biết. “Nền kinh tế Nga đang trong tình trạng chiến tranh và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai gần”.

Nhưng thế trận chiến tranh không phải lúc nào cũng hiệu quả. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã tuyên bố sẽ duy trì mức chi tiêu quân sự cao ngay cả khi giá dầu giảm mạnh và thiệt hại từ các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine làm giảm doanh thu từ xuất khẩu năng lượng, cắt giảm tăng trưởng kinh tế ở Nga hơn một nửa so với một năm trước.

Để kéo dài cơn sốt chi tiêu thời chiến, Putin đã tăng thuế cá nhân và thuế doanh nghiệp vào năm ngoái. “Lãnh đạo Nga không chỉ chuẩn bị tăng gánh nặng thuế cho người dân Nga mà còn thay đổi các ưu tiên phát triển kinh tế”, Alexander Kolyandr, một nhà phân tích tại Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu ở Washington, DC giải thích. Rõ ràng, các ngành công nghiệp chiến tranh là ưu tiên.

Mất mát quá nhiều nhưng được rất ít ở Ukraine và phải duy trì nỗ lực tốn kém thông qua việc chi tiêu ồ ạt, các nhà lãnh đạo Nga đang đi trên dây về kinh tế và chính trị.

Nhưng mối nguy hiểm không ngăn cản họ. Theo Cavoli, Putin và các bộ trưởng và tướng lĩnh của ông đang cam kết cho một cuộc chiến tranh lâu dài—một cuộc chiến có thể mở rộng ra ngoài Ukraine. “Chế độ Nga đã cải tổ các cấu trúc quân sự, kinh tế và xã hội của mình để duy trì cái mà họ mô tả là cuộc đối đầu lâu dài với phương Tây—những thay đổi mang tính hệ thống minh họa cho ý định của Nga là đối đầu với chúng ta trong tương lai gần”, Cavoli cảnh báo.

[Forbes: At The Current Rate, It Would Take Russia Centuries And Tens Of Millions Of Casualties To Capture Ukraine]

2. Tướng Syrskyi cho biết Ukraine phá hủy 83.000 mục tiêu của Nga bằng máy bay điều khiển từ xa vào tháng 4, tăng 8% so với tháng 3

Máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công và phá hủy hơn 83.000 mục tiêu của Nga vào tháng 4, tăng 8% so với tháng 3, Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi báo cáo.

“Vào tháng 4, các đơn vị hệ thống điều khiển từ xa của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đạt được kết quả khả quan trong việc tiêu diệt đối phương”, Tướng Syrskyi nói. “Hiệu quả sát thương tăng thêm 5%”.

Tướng Syrskyi cho biết thành công ngày càng tăng nhấn mạnh nhu cầu mở rộng hơn nữa hoạt động máy bay điều khiển từ xa.

Ông nói thêm: “Chiến tranh công nghệ cao ngày nay đòi hỏi phải liên tục tiến về phía trước, hiệu quả thậm chí còn cao hơn và mở rộng quy mô nỗ lực trong lĩnh vực máy bay điều khiển từ xa”.

Tổng tư lệnh cũng lưu ý rằng ông đã tổ chức cuộc họp thường kỳ hàng tháng với các chỉ huy đơn vị máy bay điều khiển từ xa để phối hợp cải tiến.

Ukraine và Nga đều phụ thuộc rất nhiều vào máy bay điều khiển từ xa để giám sát và tấn công.

Kyiv đã nhanh chóng mở rộng sản xuất máy bay điều khiển từ xa trong nước, tích hợp chúng vào các vai trò trinh sát và chiến đấu. Vào ngày 9 tháng 2, Bộ Quốc phòng Ukraine đã khởi động sáng kiến “Drone Line” để đẩy nhanh việc điều động trên chiến trường.

Ukraine cũng đã phát triển các loại máy bay điều khiển từ xa lai hỏa tiễn tầm xa, chẳng hạn như các mẫu Palianytsia và Peklo, sử dụng động cơ phản lực làm phương án thay thế cho hỏa tiễn hành trình. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã đặt mục tiêu sản xuất ít nhất 30.000 máy bay điều khiển từ xa tầm xa vào năm 2025.

Tướng Syrskyi nhấn mạnh rằng việc ưu tiên máy bay điều khiển từ xa cho phép Ukraine gây tổn thất cho lực lượng Nga từ xa và bảo toàn được mạng sống của bộ binh.

[Kyiv Independent: Ukraine destroys 83,000 Russian targets using drones in April, Syrskyi says, up 8% on March]

3. Nhà lập pháp Azerbaijan đổ lỗi cho Nga về vụ tấn công mạng vào tháng 2

Hãng thông tấn APA đưa tin, Ramid Namazov, nhà lãnh đạo ủy ban chống lại các mối đe dọa hỗn hợp của quốc hội Azerbaijan, cho biết vào ngày 2 tháng 5 rằng Nga đứng sau vụ tấn công mạng vào phương tiện truyền thông Azerbaijan hồi tháng 2.

Theo Namazov, cuộc điều tra phát hiện ra rằng cuộc tấn công mạng nhằm vào Azerbaijan diễn ra vào ngày 20 tháng 2 được thực hiện bởi nhóm APT29 khét tiếng, còn được gọi là Cozy Bear, được cho là có liên quan đến Cục Tình báo nước ngoài của Nga.

“Các hoạt động của APT29, chuyên thực hiện hoạt động gián điệp mạng, chủ yếu nhắm vào các cơ quan chính phủ, phái bộ ngoại giao nước ngoài, cũng như các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, năng lượng, truyền thông và các lĩnh vực quan trọng khác”, nhà lập pháp này cho biết.

Namazov cho rằng vụ tấn công là hành động trả đũa cho việc đóng cửa Tòa nhà Nga tại Baku vào đầu tháng 2 và việc có thể đóng cửa chi nhánh đài phát thanh Sputnik của Azerbaijan.

Ông nói thêm: “Chính vì những quá trình này mà vụ việc can thiệp mạng có động cơ chính trị này đã xảy ra”.

Azerbaijan, quốc gia có mối quan hệ lịch sử với Nga, đã chứng kiến mối quan hệ với Mạc Tư Khoa suy yếu sau vụ tai nạn ngày 25 tháng 12 của chuyến bay J2-8243 khiến 38 người thiệt mạng. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã cáo buộc Nga gây ra vụ tai nạn.

Các nhóm tin tặc Nga đã tham gia vào nhiều hình thức chiến tranh mạng khác nhau trong suốt cuộc chiến toàn diện, bao gồm các cuộc tấn công mạng vào Ukraine, tấn công cơ sở hạ tầng dân sự ở Âu Châu và can thiệp vào các cuộc bầu cử ở nước ngoài.

[Kyiv Independent: Azerbaijani lawmaker blames Russia for February cyberattack]

4. JD Vance thừa nhận cuộc chiến của Putin ở Ukraine sẽ không kết thúc ‘sớm’

Phó Tổng thống Hoa Kỳ JD Vance cho biết vào tối thứ năm rằng cuộc chiến của Điện Cẩm Linh tại Ukraine vẫn chưa kết thúc và bây giờ Nga và Ukraine phải chấm dứt giao tranh khi Washington đang cân nhắc rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình.

Vance cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bret Baier của Fox News: “Nga và Ukraine sẽ phải đi đến một thỏa thuận và chấm dứt cuộc xung đột tàn khốc này”.

“Nó sẽ không đi đến đâu cả, Bret. Nó sẽ không kết thúc sớm đâu,” ông ta nói thêm.

Bình luận của Vance được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Washington ký một thỏa thuận với Kyiv để chia sẻ lợi nhuận từ tài nguyên khoáng sản của Ukraine để đổi lấy viện trợ tái thiết từ Hoa Kỳ.

Mặc dù Mỹ vẫn chưa đạt được nhiều thành công trong việc chấm dứt thù địch sau hơn ba năm kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện, Vance cũng ca ngợi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là người duy nhất có thể làm dịu căng thẳng giữa Mạc Tư Khoa và Kyiv.

“Tôi không nghĩ bất kỳ ai có thể thực hiện được thỏa thuận này, ngoại trừ Donald J. Trump. Và khi tôi nói thỏa thuận này, ý tôi là, khiến những người này thực sự đề xuất một giải pháp hòa bình,” Vance nói.

Trong một cuộc phỏng vấn riêng với Fox News vào thứ năm, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio cho biết cần phải sớm có một “bước đột phá thực sự” trong cuộc xung đột, nếu khTổng thống Trump sẽ thu hẹp nỗ lực chấm dứt chiến tranh.

“Tôi nghĩ tổng thống sẽ phải đưa ra quyết định về việc chúng ta sẽ dành thêm bao nhiêu thời gian cho việc này,” Rubio cho biết.

Vào thứ Hai, Putin đã tuyên bố lệnh ngừng bắn tạm thời trong ba ngày bắt đầu từ ngày 8 tháng 5 để đánh dấu sự kết thúc của Thế chiến II. Đáp lại, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha đã kêu gọi lệnh ngừng bắn kéo dài ít nhất 30 ngày.

Giao tranh vẫn tiếp diễn không ngừng trong thời gian này. Vào thứ sáu, một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Nga đã làm 29 người bị thương ở Zaporizhzhia. Vào thứ năm, Nga cáo buộc Ukraine về một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa gây tử vong vào một khu chợ ở vùng lãnh thổ bị Nga tạm chiếm — Kyiv đã phủ nhận cáo buộc đó, tuyên bố rằng cuộc tấn công chỉ nhắm vào quân nhân.

[Politico: JD Vance admits Putin’s war in Ukraine won’t end ‘anytime soon’]

5. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Graham tuyên bố 72 thượng nghị sĩ ủng hộ lệnh trừng phạt ‘nghiền nát xương tủy’ chiến tranh Nga

Ít nhất 72 thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã sẵn sàng bỏ phiếu cho các lệnh trừng phạt “nghiền nát” đối với Nga và áp dụng thuế quan lớn đối với các quốc gia ủng hộ Mạc Tư Khoa, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham nói với các phóng viên trong các bình luận được Bloomberg đưa tin vào ngày 1 tháng 5.

Dự luật này sẽ áp đặt các hình phạt mới đối với Nga và áp thuế 500% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia mua dầu, sản phẩm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên hoặc uranium của Nga nếu nhà độc tài Vladimir Putin tránh né các cuộc đàm phán hòa bình nghiêm chỉnh để chấm dứt chiến tranh với Ukraine.

“Mục tiêu là giúp tổng thống,” Graham nói. “Tôi nghĩ (Tổng thống Hoa Kỳ Donald) Tổng thống Trump là người giỏi nhất để đạt được mục tiêu đó, nhưng các lệnh trừng phạt này thể hiện quan điểm của Thượng viện rằng chúng tôi coi kẻ xấu chính là Nga.”

Ông nói thêm rằng Putin “sẽ phạm sai lầm lớn nếu cố gắng lợi dụng Tổng thống Trump”, gọi các lệnh trừng phạt là “một công cụ trong hộp công cụ của Tổng thống Trump”.

Graham, người ủng hộ mạnh mẽ viện trợ quân sự cho Ukraine và là đồng minh thân cận của Tổng thống Trump, cho biết ông hy vọng dự luật sẽ nhận được đủ sự ủng hộ tại Hạ viện.

Thông báo này được đưa ra khi các quan chức Hoa Kỳ tăng cường nỗ lực để bảo đảm lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine. Mặc dù hứa sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, Tổng thống Trump cho đến nay vẫn tránh đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Mạc Tư Khoa.

Vào ngày 24 tháng 4, sau khi Nga phóng 215 hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa qua Ukraine, giết chết ít nhất 12 thường dân và làm bị thương 87 người ở Kyiv, Tổng thống Trump gọi cuộc tấn công là “không cần thiết” và “thời điểm rất tệ”, kêu gọi trực tiếp Putin “Vladimir, dừng lại!” nhưng không nêu rõ bất kỳ hậu quả nào.

Putin gần đây đã tuyên bố lệnh ngừng bắn “nhân đạo” mang tính biểu tượng từ ngày 8 đến ngày 11 tháng 5, trùng với lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã bác bỏ động thái này vào ngày 28 tháng 4, gọi đây là “một nỗ lực thao túng khác” và nhắc lại yêu cầu của Ukraine về lệnh ngừng bắn ngay lập tức, toàn diện và vô điều kiện trong 30 ngày.

Kyiv đã chấp nhận lệnh ngừng bắn toàn phần trong 30 ngày do Washington đề xuất vào tháng 3, nhưng Mạc Tư Khoa vẫn tiếp tục bác bỏ kế hoạch này và tiếp tục các hoạt động tấn công.

[Kyiv Independent: Republican Graham claims 72 senators back 'bone-crushing' sanctions on Russia]

6. Nhóm của Tổng thống Trump chuẩn bị các phương án kinh tế chống lại Nga, Bloomberg đưa tin

Các quan chức Mỹ đã chuẩn bị một số phương án để Tổng thống Donald Trump tăng áp lực kinh tế lên Mạc Tư Khoa nhằm đáp trả việc Putin tiếp tục miễn cưỡng chấm dứt chiến tranh với Ukraine, Bloomberg đưa tin ngày 2 Tháng Năm, trích dẫn nguồn tin giấu tên.

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ áp thuế quan và trừng phạt Nga để buộc Mạc Tư Khoa phải đàm phán, nói rằng “chúng ta có thể làm theo cách dễ dàng hoặc khó khăn”. Cho đến nay, những lời đe dọa này vẫn chưa thành hiện thực.

Tuy nhiên, gần đây Tổng thống Trump đã đặt câu hỏi về ý định đạt được hòa bình của Nga sau các cuộc tấn công liên tục của Nga vào Ukraine. Kyiv đã nhiều lần thúc giục Tổng thống Trump tăng cường áp lực lên Nga.

Người ta không biết những lựa chọn nào đang được cân nhắc. Các nguồn tin nói với Bloomberg rằng Tổng thống Trump vẫn chưa đưa ra quyết định, vì những nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt chiến tranh vẫn đang được tiến hành.

Họ nói thêm rằng bất kỳ quyết định nào cũng chỉ phụ thuộc vào tổng thống Hoa Kỳ.

Một ngày trước đó, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Tammy Bruce cho biết Hoa Kỳ vẫn cam kết hỗ trợ các nỗ lực hòa bình ở Ukraine nhưng sẽ thu hẹp vai trò trung gian trực tiếp.

Những phát biểu này phản ánh sự thay đổi đáng kể trong đường lối của Washington sau nhiều tháng ngoại giao bị đình trệ nhằm làm trung gian cho lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine.

Đầu năm nay, Hoa Kỳ đã tăng cường hoạt động ngoại giao, bao gồm đàm phán các đề xuất ngừng bắn trong 30 ngày và lệnh ngừng bắn một phần nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng dân sự.

Mạc Tư Khoa đã bác bỏ những sáng kiến này và lực lượng Nga đã tăng cường các cuộc tấn công trên khắp Ukraine.

Ngược lại, Kyiv đã chấp nhận kế hoạch ngừng bắn do Hoa Kỳ hậu thuẫn và tiếp tục yêu cầu chấm dứt giao tranh vô điều kiện.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham phát biểu vào ngày 1 tháng 5 rằng ít nhất 72 thượng nghị sĩ đã sẵn sàng bỏ phiếu thông qua các lệnh trừng phạt và thuế quan mới toàn diện đối với Nga, nếu Putin tiếp tục tránh các cuộc đàm phán hòa bình nghiêm chỉnh.

[Kyiv Independent: Trump's team prepares economic options against Russia, Bloomberg reports]

7. Ở rìa thế giới, chiến đấu cơ của Pháp và Thụy Điển ngăn chặn Putin

Mặt trời vừa mới mọc khi máy bay chở dầu màu bạc của không quân Pháp cất cánh từ miền nam nước Pháp hướng đến miền bắc Thụy Điển.

Việc Pháp điều động Airbus A330 Multi Role Tanker Transport vào tháng 4 là một phần của sứ mệnh Pégase High North đến căn cứ không quân Luleå cực bắc của Thụy Điển. Đây là chuyến thăm thứ ba của không quân Pháp trong năm nay — một ví dụ cụ thể về việc Paris chuyển hướng sang phòng thủ Âu Châu sau nhiều thập niên tập trung chủ yếu vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Sahel.

Đây cũng là dấu hiệu cho thấy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai cường quốc quốc phòng của Âu Châu khi châu lục này tăng chi tiêu quân sự để chống lại mối đe dọa từ Nga, trong bối cảnh có nhiều câu hỏi về cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh của Âu Châu dưới thời Tổng thống Trump.

Tướng Patrice Hugret, nhà lãnh đạo phái bộ Pháp, cho biết: “Chúng tôi đang chứng minh rằng chúng tôi có khả năng hoạt động trên khắp Âu Châu trong nửa ngày”.

Việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO — chấm dứt nhiều thập niên trung lập sau cuộc xâm lược Ukraine của Putin vào năm 2022 — đang tập trung nhiều hơn vào Bắc Cực vì khu vực này đang trở thành nguồn căng thẳng ngày càng gia tăng đối với NATO, Nga và thậm chí cả Trung Quốc.

Điều đó khiến căn cứ Thụy Điển trở thành “điểm lý tưởng... để bảo vệ biên giới phía đông”, Đại tá Peter Greberg, chỉ huy căn cứ không quân Luleå, cho biết. “Chúng tôi cách căn cứ quân sự đầu tiên của Nga khoảng 600 đến 700 km. Theo góc nhìn bay, thì không quá xa”.

Mặc dù có vị trí địa lý rất khác nhau — Thụy Điển là quốc gia Bắc Cực có chung đường biên giới trên biển với Nga, trong khi Pháp nằm ở sườn phía nam của NATO và giáp với Biển Địa Trung Hải — Paris và Stockholm lại có sự tương đồng đáng ngạc nhiên về chính sách quốc phòng và hai nước đang ngày càng gần nhau hơn.

Cả hai nước đều có chung tầm nhìn về khả năng tự cung tự cấp về quân sự, bao gồm một ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh, phát triển rộng khắp và quân đội có khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình mà không cần nhiều sự trợ giúp từ bên ngoài.

“Chúng tôi buộc phải phát triển một bộ năng lực hoàn chỉnh cho lực lượng không quân của mình. Trước khi gia nhập NATO, chúng tôi không thể dựa vào bất kỳ ai khác”, Thiếu tướng Jonas Wikman, chỉ huy lực lượng không quân Thụy Điển, phát biểu khi đứng trước các chiến đấu cơ Rafale của Pháp và Gripen của Thụy Điển trên đường băng căn cứ không quân Luleå.

“Đó là điểm chung của chúng ta,” Tướng Nicolas Chambaz, người phụ trách quan hệ quốc tế tại lực lượng không quân và vũ trụ Pháp, đồng tình. “Thụy Điển và Pháp dễ dàng hợp tác với nhau vì chúng ta có cùng một tư duy.”

Những tâm hồn đồng điệu

Mối quan hệ quân sự giữa Pháp và Thụy Điển đã kéo dài hàng thế kỷ. Năm 1631, theo Hiệp ước Bärwalde, Pháp đã đồng ý cung cấp hỗ trợ tài chính để giúp quốc gia Bắc Âu này trong Chiến tranh Ba mươi năm chống lại Habsburg Áo; Hoàng gia Thụy Điển là hậu duệ của một chỉ huy thời Napoleon đã phản bội.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nỗ lực củng cố mối quan hệ này bằng chuyến thăm cấp nhà nước vào Tháng Giêng năm 2024. Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã đến Paris một vài lần trong năm nay, bao gồm cả việc tham gia cuộc họp của “liên minh các nước đồng minh” với Ukraine.

Tổng tư lệnh quân đội Thụy Điển, Tướng Micael Bydén, đã đến thăm Pháp trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi đất nước ông gia nhập NATO, trong khi Macron gần đây đã bổ nhiệm phó giám đốc cơ quan mua sắm vũ khí DGA, Thierry Carlier, làm đại sứ Pháp tại Thụy Điển.

Carlier cho biết: “Bối cảnh địa chính trị chỉ đưa chúng ta lại gần nhau hơn”.

Mối quan hệ chặt chẽ hơn không có nghĩa là sự hòa hợp hoàn toàn. Các nhà sản xuất vũ khí của Pháp và Thụy Điển cũng là những đối thủ cạnh tranh khốc liệt, khi Dassault của Pháp và Saab của Thụy Điển cạnh tranh giành hợp đồng ở Nam Mỹ. Tổ hợp công nghiệp quân sự của Thụy Điển cũng có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ so với Pháp.

Tuy nhiên, MBDA và Saab của Pháp cũng cam kết tăng cường hợp tác, và cả Paris và Stockholm đều tham gia vào dự án hỏa tiễn tấn công tầm xa Âu Châu.

“Quan hệ đối tác với Thụy Điển mở đường cho việc mua chéo”, Carlier cho biết. Ông xác nhận rằng Pháp đang đàm phán để mua máy bay giám sát GlobalEye của Saab để thay thế máy bay Boeing E-3 Sentry AWACS cũ kỹ của mình và cho biết ông hy vọng cả hai nước sẽ thúc đẩy hợp tác về phòng không và lĩnh vực hải quân.

Quan trọng hơn, Thụy Điển cũng nằm trong số các nước Âu Châu quan tâm nhất đến đề xuất của Macron về việc thảo luận về cách sử dụng vũ khí hạt nhân của Pháp để bảo vệ Âu Châu, một số quan chức Pháp và Thụy Điển cho biết.

Chủ đề này đã được đề cập khi Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pål Jonson gặp người đồng cấp Pháp Sébastien Lecornu tại Paris vào tháng 3; một số máy bay Rafale được gửi đến Luleå trong quá trình điều động Pégase High North có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

“Câu hỏi về khả năng răn đe [hạt nhân Âu Châu] đang lờ mờ hiện ra ở hậu cảnh. Chúng tôi theo dõi điều này rất chặt chẽ tùy thuộc vào cách người Mỹ hoạt động và hành động”, Jakob Hallgren, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Thụy Điển, cho biết khi đề cập đến những lo ngại ngày càng tăng về độ tin cậy của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump.

Kế hoạch phòng thủ của NATO

Vào mùa đông, với tuyết rơi dày và bóng tối gần như 24 giờ một ngày, điều kiện ở căn cứ không quân Luleå, một phi trường được bảo vệ nghiêm ngặt nằm cuối con đường dài được bao quanh bởi những hàng cây cao, trở nên rất khắc nghiệt.

Bây giờ, khi các máy bay Gripens và Rafales bay vút lên bầu trời xanh ngắt của mùa xuân, hầu như không còn sương giá nữa.

“Ngày càng có nhiều lực lượng không quân đến Luleå,” Stefan Kaarle, một phi công đã phục vụ trong không quân Thụy Điển trong 30 năm, cho biết. “Đây là một khu vực khá quan trọng của thế giới hiện nay và nhiều quốc gia NATO muốn chứng tỏ rằng họ có thể hoạt động từ phía bắc cao.”

Sự gần gũi của Thụy Điển với Nga, và trước đây là Liên Xô, đã thúc đẩy các phi công Thụy Điển học cách hạ cánh trên đường bộ và xa lộ — một kỹ thuật đòi hỏi hậu cần và hỗ trợ cụ thể. Một kỹ năng như vậy có thể hữu ích cho các đồng minh NATO khác vì nó hạn chế sự phụ thuộc vào các phi trường, nơi có thể dễ dàng bị các lực lượng đối phương nhắm tới hơn.

Đại tá Frédéric Dalorso, phó trưởng phái bộ Pégase High North, cho biết: “Chúng tôi không nhất thiết cần điều đó ở Pháp, nhưng việc có nhiều lực lượng hỗ trợ cũng là điều tốt”.

Một trong những mục tiêu của phái bộ Pháp, ông giải thích, là diễn tập các kế hoạch phòng thủ khu vực của NATO. Người Pháp đã nỗ lực cải thiện các kỹ năng Agile Combat Employment của họ — một kế hoạch cơ động của NATO ngụ ý bay nhanh và xa — trong khi người Thụy Điển đào tạo để tiếp nhiên liệu cho chiến binh của họ từ MRTT của Pháp.

Việc tiếp nhiên liệu trên không đã được xác định là một lỗ hổng năng lực quan trọng đối với Âu Châu nếu Hoa Kỳ rút quân khỏi lục địa này.

Tại Luleå, Thụy Điển và Pháp đã làm việc về bảo trì chéo và hậu cần bằng cách sử dụng thợ máy địa phương và phụ tùng địa phương, ví dụ như lốp máy bay. Nói rộng hơn, mục tiêu của Pégase High North cũng là xác định các khu vực ưu tiên cho các kế hoạch phòng thủ khu vực của NATO.

Dalorso cho biết: “Theo cách đó, nếu chúng tôi cần điều động trong sáu tháng hoặc một năm, các liên hệ sẽ được thiết lập sẵn”.

[Politico: At the edge of the world, French and Swedish warplanes deter Putin]

8. Cuộc tấn công của Nga vào Kharkiv làm 47 người bị thương

Theo chính quyền địa phương, một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Nga vào thành phố Kharkiv ở đông bắc Ukraine đã làm ít nhất 47 người bị thương vào ngày 2 tháng 5. Ít nhất tám người đã phải vào bệnh viện.

Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, đã phải hứng chịu nhiều cuộc không kích liên tiếp trong suốt cuộc chiến tranh toàn diện.

Thống đốc tỉnh Kharkiv Oleh Syniehubov cho biết, một số ngôi nhà, cửa hàng và xe cộ đã bị hư hại sau các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa, và một số tòa nhà đã bốc cháy. Những người ứng cứu đầu tiên đã được điều động đến các địa điểm bị tấn công.

Cuộc tấn công nhắm vào 12 địa điểm ở bốn quận của thành phố, bao gồm Kyivskyi, Osnovianskyi, Slobidskyi và Saltivskyi.

Lực lượng Nga đã tăng cường tấn công vào các thành phố và thị trấn của Ukraine trong những tuần gần đây, gây ra nhiều thương vong ở Kryvyi Rih, Sumy, Kyiv, Odesa và Kharkiv.

Vào tháng 3, ít nhất 164 thường dân đã thiệt mạng và 910 người bị thương, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc — tăng 50% so với tháng 2 và 70% so với tháng 3 năm ngoái. Hầu như tất cả các tổn thất đều xảy ra trên đất do chính phủ Ukraine kiểm soát và phần lớn là do hỏa tiễn tầm xa hoặc đạn dược lơ lửng.

Các quan chức Ukraine đã nhiều lần kêu gọi tăng cường hỗ trợ phòng không để bảo vệ các thành phố lớn như Kharkiv khỏi các cuộc tấn công trên không liên tục của Nga.

[Kyiv Independent: Russia's attack on Kharkiv injures 47]

NewsUKEve03May2025
 
Ukraine tấn công mạnh vào Krasnodar, đe dọa các cuộc diễn binh. NATO cảnh giác mưu toan của Putin
VietCatholic Media
16:18 03/05/2025


1. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chấp thuận bán dịch vụ hỗ trợ, huấn luyện F-16 cho Ukraine

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phê duyệt khoản tiền lên tới 310,5 triệu đô la cho dịch vụ hỗ trợ và đào tạo F-16 cho Ukraine, cho thấy Tòa Bạch Ốc tiếp tục ủng hộ Kyiv.

Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng đã xác nhận tin tức này trong một tuyên bố chính thức, lưu ý rằng Ukraine đã yêu cầu “thiết bị và dịch vụ hỗ trợ máy bay F-16 của mình”.

Các thiết bị và dịch vụ bao gồm “sửa đổi và nâng cấp máy bay; đào tạo nhân sự liên quan đến hoạt động, bảo trì và hỗ trợ duy trì; phụ tùng thay thế”. Quyết định này vẫn cần được Quốc hội phê chuẩn.

Việc bán hàng được đề xuất sẽ cải thiện an ninh của Ukraine vì nước này là “một động lực cho sự ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế ở Âu Châu”.

Ngoài ra, việc mua bán này sẽ cải thiện “năng lực của Ukraine trong việc ứng phó với các mối đe dọa hiện tại và tương lai bằng cách bảo đảm các phi công của nước này được đào tạo hiệu quả” và góp phần vào “quá trình hiện đại hóa toàn diện lực lượng không quân Ukraine”.

Gần đây nhất, Ukraine đã nhận được lô hàng chiến đấu cơ F-16 vào tháng 3 năm 2025. Vào tháng 4, Hoa Kỳ cũng thông báo rằng nhiều chiến binh khác đang được chuẩn bị để chuyển giao cho Ukraine.

Một số quốc gia, bao gồm Bỉ, Đan Mạch, Hòa Lan và Na Uy, đã đóng góp chiến đấu cơ F-16 và huấn luyện để tăng cường nỗ lực phòng thủ của Ukraine.

F-16 được sử dụng trong cả hoạt động tấn công và phòng thủ. Máy bay đã được sử dụng để đánh chặn hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa của Nga trong các cuộc không kích chống lại Ukraine. Chúng cũng có thể được điều động để phóng hỏa tiễn và bom vào các vị trí của Nga dọc theo tuyến đầu.

[Kyiv Independent: US State Department approves sale of F-16 training, support services for Ukraine]

2. Các quan chức Nga tuyên bố cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa nhắm vào vùng Krasnodar Krai của Nga

Các quan chức địa phương khẳng định có bốn người bị thương khi Vùng Krasnodar của Nga được cho là đã trở thành mục tiêu tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine vào rạng sáng ngày 3 tháng 5. Veniamin Kondratev, Thống đốc khu vực Krasnodar của Nga, cho biết như trên.

Ukraine thường xuyên tấn công các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga khi Mạc Tư Khoa tiếp tục tiến hành cuộc chiến chống lại Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cho biết 89 máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã bị chặn trên Crimea bị tạm chiếm và 23 máy bay khác trên vùng biển Hắc Hải.

Bốn người bị thương ở Novorossiysk, trong đó có hai trẻ em, Kondratev tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng ba tòa nhà dân cư và một trạm trung chuyển ngũ cốc đã bị hư hại tại thành phố cảng của Nga. Một tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại Novorossiysk do vụ tấn công, Kondratev cho biết.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố lực lượng phòng không của nước này đã bắn hạ 170 máy bay điều khiển từ xa của Ukraine vào đêm mùng 2 rạng sáng mùng 3 tháng 5, chủ yếu trên bầu trời Crimea và Krasnodar Krai, cùng với một số hỏa tiễn và 14 thuyền điều khiển từ xa của hải quân ở Hắc Hải.

Vào ngày 25 tháng 4, Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU cho biết một tàu nước ngoài đã bị bắt giữ vì bị cáo buộc liên quan đến việc vận chuyển ngũ cốc bị đánh cắp của Ukraine từ các vùng lãnh thổ bị Nga tạm chiếm.

Các quan chức Nga tuyên bố rằng họ đã tìm thấy các mảnh vỡ từ máy bay điều khiển từ xa bị bắn hạ ở các làng Taman, Yurovka, Tsibanobalka và thị trấn Anapa.

Có báo cáo về một vụ hỏa hoạn ở Taman và cửa sổ của ba ngôi nhà bị vỡ.

Kondratev tuyên bố rằng thuyền điều khiển từ xa của hải quân Ukraine đã được phát hiện ngoài khơi bờ biển Novorossiysk.

“Tại vùng biển gần Novorossiysk, một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và tàu điều khiển từ xa của chính quyền Ukraine đang bị đẩy lùi”, ông nói lúc 3:31 sáng giờ địa phương.

Vùng Krasnodar nằm ở phía đông Crimea, ngăn cách bởi eo biển Kerch tại điểm gần nhất giữa hai vùng lãnh thổ.

Ukraine chưa chính thức bình luận về các cuộc không kích được đưa tin và tờ Kyiv Independent không thể xác minh độc lập các tuyên bố này.

Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi báo cáo vào ngày 1 tháng 5 rằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công và phá hủy hơn 83.000 mục tiêu của Nga vào tháng 4, tăng 8% so với tháng 3.

“Vào tháng 4, các đơn vị hệ thống điều khiển từ xa của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đạt được kết quả khả quan trong việc tiêu diệt đối phương”, Syrskyi cho biết.

Các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine thường nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm cả các tòa nhà dân cư.

Chính quyền khu vực đưa tin, ít nhất hai người đã thiệt mạng và 33 người bị thương trong các cuộc tấn công của Nga trên khắp Ukraine vào ngày 1 tháng 5.

3. Điện Cẩm Linh cho biết Nga sẵn sàng huy động quân đội như trong Thế chiến II ‘bất cứ lúc nào’

Hôm Thứ Bẩy, 03 Tháng Năm, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết, Nga có thể huy động quân đội cho chiến tranh ở quy mô tương đương với Liên Xô trong Thế chiến II nếu cần thiết.

“Nếu một quốc gia vĩ đại cần phải đứng lên, nó sẽ đứng lên bất cứ lúc nào. Không ai có thể nghi ngờ,” Peskov nói

Ông tuyên bố rằng “hàng triệu” người Nga đã và đang hỗ trợ nỗ lực quân sự chống lại Ukraine bằng cách thu thập viện trợ, gửi thiết bị và đạn dược ra tiền tuyến bằng tiền cá nhân và dệt lưới ngụy trang.

“Khoảng 30 triệu người dân Liên Xô đã hy sinh trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phát xít”, ông nói thêm.

Bình luận của Peskov được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Nga tuyển dụng 30.000 đến 40.000 người vào quân đội mỗi tháng, các nguồn tin thân cận với tình báo Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu nói với tờ Wall Street Journal.

Thay vì chế độ nghĩa vụ quân sự chính thức, Điện Cẩm Linh đã dựa vào các ưu đãi tài chính và các chiến dịch tuyển dụng mạnh mẽ để lấp đầy hàng ngũ của mình, bao gồm cả việc cung cấp các hợp đồng béo bở cho những người tình nguyện.

Trong khi Putin đã tránh được một đợt tuyển quân quy mô lớn khác sau cuộc động viên một phần năm 2022 gây mất lòng dân khiến hơn 261.000 người Nga phải di cư, thì các nhà lãnh đạo quân đội được cho là đang gây áp lực với Điện Cẩm Linh để khởi xướng một đợt tuyển quân rộng rãi hơn.

Tốc độ tuyển quân hiện tại đủ để bù đắp cho số quân tiền tuyến mà Nga báo cáo bị mất, mà NATO ước tính là khoảng 1.000 quân mỗi ngày. Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết vào ngày 30 tháng 4 rằng Nga đã mất 951.960 quân kể từ khi phát động cuộc xâm lược toàn diện vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga Alexei Zhuravlev cho biết vào Tháng Giêng rằng có thể cần phải huy động quân đội lớn hơn để chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng với các quốc gia phương Tây trong vòng ba đến bốn năm tới.

“Cần phải chuẩn bị cho dân số nam giới và tất nhiên là phải bảo vệ quê hương. Chúng ta nên nói về điều đó và không nên ngại ngùng về điều đó”, Zhuravlev nói.

Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrskyi trả lời LB.ua vào ngày 9 tháng 4 rằng Nga có thể huy động tới 5 triệu quân dự bị được huấn luyện, với tổng năng lực tiềm tàng là 20 triệu người.

Vào ngày 31 tháng 3, Putin đã ra lệnh thực hiện lệnh nhập ngũ mùa xuân thường kỳ cho 160.000 người — lệnh gọi nhập ngũ lớn nhất của Nga trong 14 năm. Mặc dù những người nhập ngũ chính thức bị cấm tham gia chiến đấu ở tiền tuyến, nhiều người vẫn gián tiếp bị lôi kéo vào cuộc chiến thông qua nhiều phương pháp tuyển dụng khác nhau.

[Kyiv Independent: Kremlin says Russia ready for mass mobilization like in WWII 'at any moment']

4. Ukraine phải ‘tăng tốc việc tạo ra các hệ thống đạn đạo’, Tổng thống Zelenskiy nói

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Ukraine cần “tăng tốc độ chế tạo hệ thống đạn đạo của Ukraine càng nhiều càng tốt”, ông đưa ra lập trường trên trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối Thứ Sáu, 02 Tháng Năm.

Tổng thống Zelenskiy đưa ra tuyên bố này sau cuộc gặp với Tổng tư lệnh, tại đó ông được báo cáo tóm tắt về nguồn cung cấp quân sự, nhân sự và chương trình hỏa tiễn của Ukraine, bao gồm cả hoạt động phát triển và sản xuất trong nước.

Tổng thống Zelenskiy cho biết: “Năng lực tầm xa của chúng ta là sự bảo đảm rõ ràng và hiệu quả cho an ninh của Ukraine”.

Hỏa tiễn tầm xa là thành phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ của Ukraine chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Nga. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, các đối tác phương Tây đã miễn cưỡng và chậm trễ trong việc cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn tầm xa vì lo sợ leo thang.

Kyiv lần đầu tiên bắt đầu nhận được hỏa tiễn tầm xa của Hoa Kỳ, cụ thể là Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật của quân đội, gọi tắt là ATACMS, vào mùa thu năm 2023 - hơn một năm sau khi Nga phát động cuộc xâm lược. Vào thời điểm đó, Ukraine chỉ được phép điều động những hỏa tiễn này chống lại các mục tiêu trong lãnh thổ Ukraine bị tạm chiếm.

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nới lỏng các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng ATACMS vào tháng 11 năm 2024, cho phép Kyiv phóng chúng vào các mục tiêu quân sự ở Nga.

Ukraine cũng đã nhận được hỏa tiễn Storm Shadow của Anh và hỏa tiễn SCALP của Pháp. Tuy nhiên, đầu năm nay, Ukraine được cho là đã hết nguồn cung cấp ATACMS.

Trong khi ngành sản xuất máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã thành công - cung cấp hơn 95% máy bay điều khiển từ xa được sử dụng ở tuyến đầu - thì chương trình phát triển hỏa tiễn lại chậm hơn, với một số ngoại lệ đáng chú ý. Năm ngoái, Ukraine đã thử nghiệm thành công hỏa tiễn đạn đạo đầu tiên do nước này sản xuất và đã sản xuất được 100 hỏa tiễn.

Sự kết hợp giữa sự miễn cưỡng và hạn chế của phương Tây, cũng như nguồn cung cấp hỏa tiễn tầm xa hạn chế, đã nhấn mạnh nhu cầu phát triển chương trình hỏa tiễn trong nước của Ukraine.

[Kyiv Independent: Ukraine must 'accelerate creation of ballistic systems,' Zelensky says]

5. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ đang chuyển trọng tâm khỏi việc hòa giải chiến tranh ở Ukraine, kêu gọi Kyiv và Mạc Tư Khoa tham gia trực tiếp

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Tammy Bruce cho biết vào ngày 2 tháng 5 rằng Hoa Kỳ vẫn cam kết hỗ trợ các nỗ lực hòa bình ở Ukraine nhưng sẽ thu hẹp vai trò trung gian trực tiếp của mình.

Bruce nói với các phóng viên rằng: “Ông ấy (Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump) cũng biết rằng có một khu vực khác trên thế giới, cả một địa cầu đang cần được quan tâm”.

“Chúng tôi sẽ không bay vòng quanh thế giới để làm trung gian cho các cuộc họp; đó là vấn đề giữa hai bên, và bây giờ là lúc họ cần trình bày và phát triển những ý tưởng cụ thể về cách chấm dứt cuộc xung đột này.”

Những phát biểu này phản ánh sự thay đổi đáng kể trong đường lối của Washington sau nhiều tháng ngoại giao bị đình trệ nhằm làm trung gian cho lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine.

Ngoại trưởng Marco Rubio và Tổng thống Trump trước đó đã cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ rút khỏi các nỗ lực hòa giải nếu không đạt được tiến triển có ý nghĩa nào.

Vào ngày 18 tháng 4, Tổng thống Trump phát biểu, “Nếu một trong hai đảng gây khó khăn, chúng tôi chỉ nói rằng: 'các người thật ngu ngốc, các người thật ngốc nghếch, các người thật tệ hại', và chúng tôi sẽ bỏ qua”.

“ Bộ trưởng cũng đã nói rất rõ rằng trong khi phong cách của chúng tôi sẽ thay đổi, thì phương pháp chúng tôi đóng góp vào vấn đề này cũng sẽ thay đổi theo hướng chúng tôi sẽ không phải là người trung gian”.

Phó Tổng thống JD Vance cũng đồng tình với sự thay đổi này vào ngày 1 tháng 5 khi nói với Fox News rằng cuộc chiến ở Ukraine khó có thể kết thúc “sớm”.

“Giờ đây, người Nga và người Ukraine sẽ phải tự quyết định khi mỗi bên đều biết các điều khoản hòa bình của bên kia là gì. Họ sẽ phải tự đưa ra thỏa thuận và chấm dứt cuộc xung đột tàn khốc này”, Vance nói với Bret Baier của Fox News.

Đầu năm nay, Hoa Kỳ đã tăng cường hoạt động ngoại giao, bao gồm đàm phán các đề xuất ngừng bắn trong 30 ngày và lệnh ngừng bắn một phần nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng dân sự.

Mạc Tư Khoa đã bác bỏ những sáng kiến này, và các lực lượng Nga đã tăng cường các cuộc tấn công trên khắp Ukraine. Vào ngày 24 tháng 4, Nga đã phóng 215 hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa, giết chết ít nhất 12 thường dân và làm bị thương 87 người chỉ riêng ở Kyiv.

Tổng thống Trump chỉ trích cuộc tấn công là “không cần thiết” và “thời điểm rất tệ”, trực tiếp kêu gọi Putin: “Vladimir, dừng lại!” Tuy nhiên, ông vẫn chưa đưa ra bất kỳ hậu quả hoặc lên án nào.

Ngược lại, Kyiv đã chấp nhận kế hoạch ngừng bắn do Hoa Kỳ hậu thuẫn và tiếp tục yêu cầu chấm dứt giao tranh vô điều kiện.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham phát biểu vào ngày 1 tháng 5 rằng ít nhất 72 thượng nghị sĩ đã sẵn sàng bỏ phiếu thông qua các lệnh trừng phạt và thuế quan mới toàn diện đối với Nga, nếu Putin tiếp tục tránh các cuộc đàm phán hòa bình nghiêm chỉnh.

[Kyiv Independent: US shifting focus from Ukraine war mediation, calling for Kyiv and Moscow to engage directly, State Dept. says]

6. ‘Putin đã trì hoãn và cản trở các cuộc thảo luận’ — Ngoại trưởng Anh nói chuyện với Vance

Ngoại trưởng Anh David Lammy đã nói chuyện với Phó Tổng thống Hoa Kỳ JD Vance vào hôm Thứ Bẩy, 03 Tháng Năm, trong đó hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine.

Sau những nỗ lực tăng cường làm trung gian cho một giải pháp hòa bình để chấm dứt cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ thu hẹp vai trò của mình như một bên trung gian. “Chúng tôi sẽ không bay vòng quanh thế giới chỉ trong chớp mắt... đó là vấn đề giữa hai bên”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Tammy Bruce cho biết vào ngày 2 tháng 5.

Lammy lên án Putin vì không tham gia vào các cuộc đàm phán có ý nghĩa để chấm dứt chiến tranh của Nga với Ukraine.

“Putin đã trì hoãn và cản trở các cuộc thảo luận đủ lâu rồi. Thế giới đang mất kiên nhẫn”, Lammy nói.

Lammy cho biết Hoa Kỳ và Anh cam kết chấm dứt cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine. Các đồng minh của Ukraine đã gặp nhau tại Luân Đôn vào ngày 23 tháng 4, nơi họ thảo luận về việc đạt được một giải pháp hòa bình.

Lammy cho biết: “Chúng tôi tái khẳng định mong muốn chung của chúng tôi về việc chấm dứt cuộc xâm lược man rợ của Nga vào Ukraine và cam kết của chúng tôi về một nền hòa bình lâu dài”.

Lammy và Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey đã gặp Ngoại trưởng Andrii Sybiha và Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov tại cuộc họp ở Luân Đôn vào ngày 23 tháng 4.

“Chúng tôi biết ơn Vương quốc Anh vì sự lãnh đạo và hỗ trợ của họ. Chúng tôi sẽ thảo luận về các cách để củng cố Ukraine và bảo đảm hòa bình và an ninh lâu dài”, Sybiha nói.

Điện Cẩm Linh đã cho thấy dấu hiệu không muốn tiến tới thỏa thuận hòa bình với Ukraine. Chính quyền Nga đã liệt kê các yêu cầu tối đa trong các cuộc đàm phán ngừng bắn do Hoa Kỳ làm trung gian

Putin nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt chiến tranh giữa Nga và Ukraine đều phải bao gồm quyền kiểm soát hoàn toàn của Nga đối với bốn tỉnh của Ukraine mà Mạc Tư Khoa chỉ chiếm một phần, ba nguồn tin tại Mạc Tư Khoa quen thuộc với các cuộc đàm phán nói với Bloomberg.

7. Bốn dấu hiệu cho thấy Nga có thể đang chuẩn bị cho chiến tranh với NATO

Trong khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vẫn đang là tâm điểm chú ý, nhà độc tài Vladimir Putin đang âm thầm đặt nền móng cho một cuộc xung đột tiềm tàng với NATO, các báo cáo cho biết.

Nga đang mở rộng sự hiện diện của quân đội dọc theo các khu vực biên giới với phương Tây, tăng chi tiêu quân sự với tốc độ kỷ lục và tăng cường các hoạt động bí mật chống lại phương Tây.

Đô đốc người Hòa Lan Rob Bauer, nhà lãnh đạo ủy ban quân sự của liên minh, cho biết tại Brussels vào Tháng Giêng năm ngoái rằng NATO phải “dự kiến điều bất ngờ” và chuẩn bị cho một cuộc tấn công của Nga.

Trong khi đó, các quan chức tình báo và quân sự đã cảnh báo trong những tuần gần đây rằng các quốc gia thành viên NATO phải sẵn sàng cho một cuộc xung đột tiềm tàng với Nga.

Tờ Wall Street Journal đưa tin hôm thứ Hai rằng Nga đang mở rộng sự hiện diện quân sự dọc biên giới với Phần Lan và Na Uy để chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột với liên minh quân sự này.

Điện Cẩm Linh đang có kế hoạch thành lập một trụ sở quân đội mới tại thành phố Petrozavodsk của Nga, cách biên giới Phần Lan khoảng 100 dặm về phía đông, nơi sẽ giám sát hàng chục ngàn quân trong nhiều năm tới. Nhiều binh lính trong số này sẽ được điều động đến khu vực này sau khi chiến tranh Ukraine kết thúc.

Đồng thời, Nga đang tăng cường tuyển quân và đẩy nhanh sản xuất vũ khí.

Các chuyên gia quân sự Nga nói với tờ báo rằng việc tăng cường quân sự dọc biên giới Phần Lan có thể là một phần trong kế hoạch chuẩn bị rộng rãi hơn của nhà độc tài Vladimir Putin cho một cuộc xung đột có thể xảy ra với NATO.

“Khi quân đội trở về [từ Ukraine], họ sẽ nhìn qua biên giới đến một quốc gia mà họ coi là đối phương”, Ruslan Pukhov, giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ, một nhóm nghiên cứu quốc phòng có trụ sở tại Mạc Tư Khoa, cho biết. “Logic của thập niên qua cho thấy chúng ta đang mong đợi một số xung đột với NATO”.

Edward Arnold, thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Royal United Services, gọi tắt là RUSI, nói với Newsweek rằng có những dấu hiệu cho thấy Nga đang bắt đầu giữ lại các thiết bị mới sản xuất để điều động tới Ukraine và thay vào đó, đang phân bổ lại một số nhân sự tới các khu vực khác, bao gồm vùng Baltic và Bắc Âu.

“Tuy nhiên, hoạt động này không phải là sự tích tụ,” Arnold nói. “Nhiều đơn vị thường đóng quân ở phía bắc đã trở nên không hiệu quả trong chiến đấu khi chiến đấu ở Ukraine, vì vậy hoạt động này của Nga đang tái cân bằng và tái cấp vốn cho các lực lượng đã mất. Do đó, nó chỉ ra rằng Nga đã bắt đầu nhìn 'ra ngoài Ukraine'.”

Cảnh báo tình báo của Đức, Lithuania và Đan Mạch

Cộng đồng tình báo Đức đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng tham vọng của Nga vượt ra ngoài Ukraine. Một báo cáo của Cơ quan Tình báo Liên bang Đức, gọi tắt là BND vào tháng 3 đã cảnh báo rằng Putin đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột với NATO.

Theo đánh giá của BND, Nga có thể hoàn toàn sẵn sàng cho một “cuộc chiến tranh thông thường quy mô lớn” vào năm 2030.

Báo cáo cho biết: “Nga tự nhận thấy mình đang trong một cuộc xung đột có hệ thống với phương Tây và sẵn sàng thực hiện các mục tiêu đế quốc của mình thông qua vũ lực quân sự, thậm chí vượt ra ngoài Ukraine”.

Trong khi đó, cơ quan tình báo VSD của Lithuania đánh giá rằng mặc dù Mạc Tư Khoa có thể chưa sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công toàn diện vào liên minh, nhưng họ có thể cố gắng “thử NATO” bằng một hoạt động quân sự hạn chế chống lại một hoặc nhiều quốc gia thành viên để đánh giá mức độ nghiêm chỉnh mà khối này sẽ thực hiện nghĩa vụ phòng thủ tập thể.

Một cuộc tấn công của Nga vào bất kỳ thành viên NATO nào cũng sẽ kích hoạt Điều 5 trong hiến chương của liên minh, trong đó nêu rõ rằng một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên sẽ phải hứng chịu phản ứng tập thể.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch, gọi tắt là DDIS cũng cảnh báo vào tháng 2 rằng Nga có thể sẵn sàng tiến hành một “cuộc chiến tranh quy mô lớn” ở Âu Châu trong vòng năm năm tới. Mặc dù “hiện tại không có mối đe dọa nào về một cuộc tấn công quân sự thường xuyên vào Vương quốc”, nhưng có khả năng “mối đe dọa quân sự từ Nga sẽ gia tăng trong những năm tới”, cơ quan này cho biết.

Tăng cường chi tiêu quân sự

Chi tiêu quân sự của Nga đang tăng với tốc độ kỷ lục, với chi tiêu dự kiến sẽ đạt khoảng 120 tỷ euro vào năm 2025—hơn 6 phần trăm GDP của quốc gia này. Con số này so với 3,6 phần trăm trước chiến tranh.

Theo ấn bản tiếng Nga của tờ BILD, quân đội Nga cũng sẽ mở rộng lên 1,5 triệu quân, trong khi khối lượng vũ khí và trang thiết bị đồn trú dọc biên giới NATO dự kiến sẽ tăng 30–50 phần trăm.

Theo báo cáo Cân bằng quân sự của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế công bố vào tháng 2, chi tiêu quân sự của Nga đã vượt qua Âu Châu.

Hoạt động gián điệp và phá hoại

Phương Tây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hoạt động quân sự gia tăng của Nga gần các tuyến cáp thông tin liên lạc ngầm quan trọng. Các thành viên NATO ngày càng lo ngại rằng Putin có thể nhắm vào các tuyến cáp ngầm và cơ sở hạ tầng quan trọng có ý nghĩa sống còn đối với các hệ thống thông tin liên lạc toàn cầu.

Trong một ví dụ, một tàu chở hàng của Nga đã lảng vảng trên các tuyến cáp thông tin liên lạc dưới biển ở Thái Bình Dương trong nhiều tuần, làm dấy lên mối lo ngại về khả năng phá hoại của Nga. Việc cắt đứt các tuyến cáp ngầm quan trọng có thể làm tê liệt thông tin liên lạc và phá vỡ nền kinh tế toàn cầu — một động thái sẽ phục vụ cho lợi ích của Nga trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào trong tương lai với NATO.

Tháng này, đại sứ Nga tại Vương quốc Anh, Andrei Kelin, cũng từ chối phủ nhận các báo cáo của giới truyền thông rằng Nga đang theo dõi tàu ngầm hạt nhân của nước này trên vùng biển xung quanh Anh.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết trong một báo cáo được công bố vào tháng 3 rằng Nga đang tiến hành một chiến dịch phá hoại và lật đổ ngày càng leo thang và bạo lực nhằm vào các mục tiêu của Âu Châu và Hoa Kỳ tại Âu Châu.

Báo cáo lưu ý rằng số lượng các cuộc tấn công của Nga ở Âu Châu đã tăng gần gấp ba lần trong giai đoạn 2023-2024, sau khi đã tăng gấp bốn lần trong giai đoạn 2022-2023.

Báo cáo cho biết: “Dữ liệu cho thấy Nga gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ và Âu Châu và chính phủ Nga, bao gồm cả nhà độc tài Vladimir Putin, không thể tin cậy được”.

NATO đang phản ứng thế nào?

Khi các quốc gia thành viên NATO bày tỏ mối quan ngại ngày càng tăng về an ninh tập thể của Âu Châu, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã kêu gọi các quốc gia Âu Châu tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng. Ủy ban Âu Châu đã đề xuất vào tháng 3 giải phóng khoảng 800 tỷ euro, hay 867 tỷ đô la, tiền tài trợ để dành cho chi tiêu quốc phòng bổ sung.

Trong khi đó, quốc gia thành viên NATO là Lithuania đã gia cố một cây cầu gần biên giới với Nga bằng các kim tự tháp bê tông chống tăng, được gọi là “răng rồng”. Các công trình này lần đầu tiên được sử dụng trong Thế chiến II và cản trở sự tiến quân của xe tăng và bộ binh cơ giới.

Thông báo tương tự được đưa ra sau đó từ quốc gia láng giềng Latvia.

Roger Hilton, nghiên cứu viên quốc phòng tại tổ chức tư vấn GLOBSEC có trụ sở tại Slovakia, trước đây đã nói với Newsweek rằng các quốc gia vùng Baltic “quyết tâm bảo đảm những gì đã xảy ra với Ukraine sẽ không xảy ra với họ”.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã cảnh báo Putin vào tháng 3 về một phản ứng “tàn khốc” nếu Mạc Tư Khoa tấn công bất kỳ thành viên nào của liên minh. “Nếu bất kỳ ai tính toán sai lầm và nghĩ rằng họ có thể thoát tội khi tấn công Ba Lan hoặc bất kỳ đồng minh nào khác, họ sẽ phải đối mặt với toàn bộ sức mạnh của liên minh khốc liệt này. Phản ứng của chúng tôi sẽ rất tàn khốc. Điều này phải rõ ràng với Vladimir Vladimirovich Putin và bất kỳ ai khác muốn tấn công chúng tôi”, Rutte nói.

[Newsweek: Four Signs Russia Could Be Preparing for War With NATO]

8. Euroclear của Bỉ sẽ phân phối lại 3,4 tỷ đô la từ các tài sản bị đóng băng của Nga, báo chí đưa tin

Euroclear, gã khổng lồ dịch vụ tài chính của Bỉ, có kế hoạch tịch thu và phân phối lại 3 tỷ euro, hay 3,4 tỷ đô la, từ các quỹ bị đóng băng của Nga để bồi thường cho các nhà đầu tư phương Tây có tài sản bị Mạc Tư Khoa tịch thu, Reuters đưa tin vào ngày 2 tháng 5, trích dẫn các nguồn tin thân cận với vấn đề này.

Khoản tiền này được trích từ quỹ 10 tỷ euro, hay 11,3 tỷ đô la, tiền mặt bị đóng băng theo lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, nhằm đáp trả việc Nga tịch thu hàng tỷ đô la tài sản do phương Tây nắm giữ trong năm qua, các nguồn tin cho biết.

Động thái này đánh dấu sự leo thang trong áp lực tài chính của Âu Châu đối với Mạc Tư Khoa. Đây là trường hợp đầu tiên phân phối trực tiếp các khoản tiền đóng băng của Nga để bù đắp tổn thất cho các nhà đầu tư phương Tây.

Cho đến nay, phương Tây vẫn dựa vào việc phân bổ lại thu nhập lãi suất phát sinh từ các tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine. Vào tháng 10 năm 2024, Nhóm Bảy (G7) đã phê duyệt khoản vay gần 50 tỷ đô la cho Ukraine, được hoàn trả bằng số tiền thu được từ các tài sản bị đóng băng này.

Euroclear được cho là đã nhận được sự chấp thuận từ chính quyền Bỉ vào tháng 3 để tiến hành thanh toán. Công ty đã thông báo cho khách hàng về việc giải ngân trong một tài liệu ngày 1 tháng 4 mà Reuters đã xem xét.

Quan trọng là việc phân phối lại sẽ không ảnh hưởng đến hơn 200 tỷ euro, hay 226,9 tỷ đô la, dự trữ của ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng trong Liên minh Âu Châu, hai nguồn tin cho biết với Reuters.

Tuy nhiên, động thái này sẽ làm giảm lượng tiền mặt, cổ phiếu và trái phiếu bị đóng băng của Nga trong khối này - những tài sản được coi rộng rãi là đòn bẩy đối với Mạc Tư Khoa và là nguồn tài trợ tiềm năng cho việc tái thiết Ukraine.

Điện Cẩm Linh trước đây đã cảnh báo về hành động trả đũa nếu các nước phương Tây tịch thu tài sản của Nga để sử dụng ở Ukraine. Vào đầu năm 2024, Nga đã sửa đổi luật pháp của mình để tạo điều kiện cho việc tịch thu ngược lại tài sản do phương Tây sở hữu.

Một dự thảo luật được thông qua vào tháng 2 nêu rõ thủ tục để Mạc Tư Khoa tịch thu tài sản nước ngoài nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ukraine đã thúc giục các đồng minh của mình, đặc biệt là Bộ Tài chính Hoa Kỳ, chính thức hóa cơ chế sử dụng các khoản tiền đóng băng của Nga để tài trợ cho quốc phòng và tái thiết Ukraine.

[Kyiv Independent: Belgium's Euroclear to redistribute $3,4 billion from frozen Russian assets, media reports]
 
04.05 Diễn biến bầu Giáo Hoàng. Nghẹt thở: Giờ nào biết kết quả? Các ký giả Công Giáo dự đoán ai?
VietCatholic Media
17:11 03/05/2025


1. Các Hồng Y thảo luận về truyền giáo và sứ mệnh tại Đại hội đồng lần thứ tám. Tòa Thánh phủ nhận các tin đồn về sức khoẻ của Đức Hồng Y Parolin

Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Matteo Bruni, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về một sự việc liên quan đến sức khỏe của Hồng Y Parolin, Bruni đã phủ nhận một cách dứt khoát rằng sự việc được báo cáo trên các phương tiện truyền thông xã hội là thêu dệt từ A đến Z.

“Không, điều này không xảy ra. Điều đó không đúng sự thật.” Bruni cũng phủ nhận rằng các bác sĩ hoặc y tá đã can thiệp: “Không, hoàn toàn không.”

Theo các phương tiện truyền thông Ý, Đức Hồng Y đã bị xây xẩm mặt mày trong khi tham dự Đại Hội Đồng và được các y tá và bác sĩ cấp cứu.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, nguyên Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh dưới thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã là tâm điểm của nhiều lời đồn đoán sau khi Đức Hồng Y Becciu, từng là phụ tá của ngài, cương quyết đòi phải được tham gia bầu Giáo Hoàng. Đức Hồng Y Becciu sau đó đã nhanh chóng rút lại yêu cầu này. Chuyện này vừa tạm lắng xuống thì lại xảy ra vụ Trung Quốc bổ nhiệm Giám Mục trái phép trong thời gian trống ngôi Giáo Hoàng. Theo nhiều quan sát viên, điều đó cho thấy thỏa thuận Vatican - Bắc Kinh đã thất bại thảm hại. Đức Hồng Y Pietro Parolin là kiến trúc sư trưởng của thỏa thuận Vatican - Bắc Kinh, và cho đến nay vẫn nhiệt tình ủng hộ cho thỏa thuận này.

Chính quyền địa phương tại Thượng Hải và Hà Nam đã bổ nhiệm Giám Mục trái phép trong thời gian Tòa Thánh trống ngôi Giáo Hoàng cho hai linh mục Ngô Kiến Lâm (Wu Jianlin, 吴建林) và Lý Kiến Lâm (Li Janlin, 李建林). Diễn biến này được nhiều ng người cho rằng chắc chắn có ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng các Hồng Y cử tri lựa chọn Đức Hồng Y Pietro Parolin vào ngôi Giáo Hoàng.

Liên quan đến Đại hội đồng lần thứ 8, ông Matteo Bruni cho biết truyền giáo, tình huynh đệ, tính đồng nghị và sự hiệp nhất là một số chủ đề được thảo luận tại Đại hội đồng.

Ông nhấn mạnh rằng có 25 bài phát biểu được đưa ra trong Hội nghị. Trong số các chủ đề được thảo luận có:

- Truyền giáo

- Giáo Hội như một cộng đồng huynh đệ truyền giáo

- Nhu cầu truyền bá Phúc Âm, đặc biệt là cho giới trẻ

- Các Giáo Hội Đông Phương, nỗi đau khổ và chứng tá của họ

- Câu hỏi làm sao để việc truyền bá Phúc Âm có hiệu quả ở mọi cấp độ, từ giáo xứ đến Giáo triều Rôma

- Bổn phận làm chứng và hiệp nhất, theo ánh sáng của đoạn Tin Mừng: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em hãy yêu thương nhau.”

- Nguy cơ phản chứng, bao gồm lạm dụng tình dục và bê bối tài chính

- Tính trung tâm của phụng vụ

- Tầm quan trọng của giáo luật

- Tính đồng nghị và tính đồng đoàn, Tính đồng nghị và sứ mệnh, Tính đồng nghị và tính thế tục

- Yêu cầu giải thích về tính liên tục giữa các Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Bênêđíctô XVI và Phanxicô

- Đề cập mạnh mẽ đến vai trò của Bí tích Thánh Thể và tầm quan trọng của nó trong công tác truyền giáo

2. Ống khói được lắp đặt trên đỉnh Nhà nguyện Sistina

Cơ Mật Viện sẽ bắt đầu vào ngày 7 tháng 5 và Rôma đang bận rộn chuẩn bị. Các Hồng Y đã kêu gọi các tín hữu trên toàn thế giới gia tăng lời cầu nguyện khi khi Cơ Mật Viện chuẩn bị bắt đầu vào lúc 4:30 chiều giờ địa phương ngày 7 tháng 5.

Giám đốc Văn phòng Báo chí Vatican, Matteo Bruni, báo cáo rằng hơn 180 Hồng Y, bao gồm hơn 120 cử tri, đã tham dự Đại hội đồng lần thứ 8, sau một ngày nghỉ vào ngày 1 tháng 5. Một số vị đến đây lần đầu tiên vào hôm Thứ Sáu, 02 Tháng Năm, và do đó đã tuyên thệ giữ bí mật.

Bruni đưa tin bốn Hồng Y cử tri vẫn chưa đến Rôma. Cho đến nay, 133 Hồng Y đã được lên lịch tham gia Cơ Mật Viện.

Vào sáng Thứ Sáu, 02 Tháng Năm, năm ngày trước khi khai mạc Cơ Mật Viện, các công nhân đã lắp đặt ống khói nổi tiếng trên mái Nhà nguyện Sistina, từ đó khói sẽ bốc lên để báo hiệu kết quả bỏ phiếu.

Ống khói có thể nhìn thấy từ Quảng trường Thánh Phêrô, bên phải đền thờ, được kết nối với hai bếp lò nằm cách đó 30 mét. Một trong hai bếp sẽ được sử dụng để đốt các lá phiếu và bếp còn lại để tạo ra khói. Khói đen có nghĩa là không có sự đồng thuận. Khói trắng có nghĩa là một vị Giáo Hoàng mới đã được bầu.

Lần đầu tiên bếp lò được sử dụng trong Cơ Mật Viện là vào năm 1939, trong cuộc bầu cử chọn ra Đức Piô XII.

Bếp thứ hai, được sử dụng lần đầu tiên vào tháng 4 năm 2005, tạo ra khói bằng hệ thống điện tử. Các ống dẫn từ hai bếp gặp nhau cách mặt đất khoảng hai mét để tạo thành một ống khói duy nhất. Một hệ thống điện trở và thông gió đặc biệt giúp cải thiện luồng khói hướng lên trên.

Chỗ ở cho các Hồng Y cũng đang được sắp xếp tại cả nhà trọ Santa Marta và dinh thự lân cận.

Ông Matteo Bruni cho biết thêm vào ngày 7 tháng 5, Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y đoàn, sẽ chủ sự Thánh lễ Pro Eligendo Papa, tức là thánh lễ cầu nguyện cho cuộc Bầu cử Đức Giáo Hoàng, sẽ được cử hành lúc 10:00 sáng tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Cơ Mật Viện sẽ chính thức bắt đầu lúc 4:30 chiều với buổi cầu nguyện tại Nhà nguyện Pauline, có sự tham dự của các Hồng Y cử tri, những người sẽ đọc Kinh cầu các Thánh trước khi tiến vào đoàn rước vào Nhà nguyện Sistina.

Các ngài sẽ hát bài Veni Creator và sau đó tuyên thệ long trọng sẽ trung thành thực hiện Munus Petrinum hay Sứ Vụ Phêrô nếu được bầu làm Giáo Hoàng và sẽ giữ bí mật tuyệt đối về Cơ Mật Viện.

3. Chúng ta có thể biết kết quả bầu Giáo Hoàng vào lúc mấy giờ?

Sau đây là thời gian mà mọi người có thể nhìn thấy những đám khói bốc lên từ những ống khói nổi tiếng nhất thế giới.

Cơ Mật Viện bầu người kế nhiệm Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chính thức khai mạc vào ngày 7 tháng 5, và các Hồng Y cử tri của Hồng Y đoàn dự kiến sẽ bỏ phiếu một lần vào ngày đầu tiên đó. Tuy nhiên, trong lịch sử cận đại chưa lần nào cuộc bỏ phiếu đầu tiên này bầu ra được một vị Giáo Hoàng. Ngoài ra, không thể loại trừ khả năng là Hồng Y Đoàn quyết định không bỏ phiếu vào ngày 7 Tháng Năm. Vì thế, có lẽ không nên kỳ vọng quá nhiều rằng chúng ta sẽ có một vị Tân Giáo Hoàng ngày thứ Tư 7 Tháng Năm.

Từ ngày 8 tháng 5 trở đi, các Hồng Y cử tri sẽ bỏ phiếu hai lần vào buổi sáng và hai lần vào buổi chiều cho đến khi một vị Tân Giáo Hoàng mới được bầu.

Hai trong số 135 Hồng Y cử tri không đến được vì lý do sức khỏe nên có 133 Hồng Y cử tri. Và do đó, vị Tân Giáo Hoàng cần phải nhận được ít nhất là 89 phiếu.

Theo Vatican News, nếu không có vị Tân Giáo Hoàng mới sau ba ngày bỏ phiếu, các Hồng Y sẽ được nghỉ ít nhất một ngày để cầu nguyện, thảo luận về cuộc bầu cử với các Hồng Y khác. Các ngài sẽ nghe một bài chia sẻ từ Đức Hồng Y Dominique Mamberti, là Hồng Y trưởng đẳng Phó tế.

Nhưng điều này sẽ xảy ra vào lúc mấy giờ?

Mỗi Cơ Mật Viện đều khác nhau và với 133 vị tham gia bầu cử, đông nhất từ trước đến nay, cuộc bỏ phiếu có thể sẽ không diễn ra nhanh chóng.

Tuy nhiên, dựa trên các Cơ Mật Viện trước đây, sau đây là thời điểm người ta có thể thấy khói bốc lên từ ống khói của Nhà nguyện Sistina. Xin lưu ý với quý vị và anh chị em tất cả đều chỉ là thời gian gần đúng. Như chúng tôi nói ở trên, mỗi buổi có 2 cuộc bỏ phiếu. Nếu cuộc bỏ phiếu thứ nhất bầu được Giáo Hoàng, các phiếu bầu sẽ được đốt ngay lập tức. Nếu cuộc bỏ phiếu thứ nhất KHÔNG bầu được Giáo Hoàng, các phiếu bầu KHÔNG được đốt nhưng sẽ chờ đốt chung với các phiếu bầu của cuộc bỏ phiếu thứ hai.

Thời điểm thứ nhất: 10:30 sáng giờ địa phương Rôma, tức là 3:30 chiều giờ Việt Nam; 6:30 chiều giờ Sydney, Melbourne; và 1:30 sáng giờ California. Nếu điều này xảy ra, chúng ta có vị Tân Giáo Hoàng.

Thời điểm thứ hai: Vào giữa trưa theo giờ địa phương Rôma, tức là 5 giờ chiều giờ Việt Nam; 8 giờ tối giờ Sydney, Melbourne; và 3 giờ sáng giờ California. Nếu điều này xảy ra, chúng ta có thể có vị Tân Giáo Hoàng, cũng có thể là không.

Thời điểm thứ ba: 5 giờ chiều giờ địa phương Rôma, hay 10 giờ tối giờ Việt Nam; 1 giờ sáng giờ Sydney, Melbourne; và 8 giờ sáng giờ California. Nếu điều này xảy ra, chúng ta có vị Tân Giáo Hoàng.

Thời điểm thứ tư: Vào 7 giờ tối theo giờ địa phương Rôma, tức là 12 giờ khuya giờ Việt Nam; 3 giờ sáng giờ Sydney, Melbourne; và 10 giờ sáng giờ California. Nếu điều này xảy ra, chúng ta có thể có vị Tân Giáo Hoàng, cũng có thể là không.

Việc bỏ phiếu diễn ra như thế nào?

Sau khi kiểm phiếu xong, phiếu bầu sẽ được đốt để thông báo kết quả bầu cử đến toàn thế giới.

Nếu khói có màu đen thì sẽ không có Đức Giáo Hoàng mới và các Hồng Y sẽ bỏ phiếu lại sau vài giờ hoặc vào sáng hôm sau.

Nhưng nếu khói có màu trắng, hãy hủy bỏ kế hoạch của bạn và ngồi xuống trước chiếc tivi gần nhất hoặc kênh phát trực tiếp và nín thở chờ đợi để xem ai là Người kế vị mới của Thánh Phêrô.

Khoảng nửa giờ đến một giờ sau khi khói trắng xuất hiện, Đức Hồng Y Dominique Mamberti, là Hồng Y trưởng đẳng Phó tế, sẽ công bố “Habemus Papam” (Chúng ta đã có Đức Giáo Hoàng!), và Đức Giáo Hoàng mới sẽ ban phước lành đầu tiên từ ban công của Đền thờ Thánh Phêrô.

Sẽ cần bao nhiêu cuộc bỏ phiếu phiếu?

Có lẽ không nhiều lắm. Hoặc có thể là khá nhiều.

Do Đức Thánh Cha Phanxicô phải nằm bệnh viện trong thời gian dài, cộng thêm 15 ngày kể từ khi ngài qua đời cho đến khi Cơ Mật Viện bầu Đức Giáo Hoàng khai mạc, các Hồng Y cử tri có khá nhiều thời gian để cân nhắc phiếu bầu của mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu vào ngày thứ hai của Cơ Mật Viện, trong cuộc bỏ phiếu thứ năm. Cần lưu ý rằng trong khi việc từ chức của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 hoàn toàn bất ngờ, không có lễ tang của Đức Giáo Hoàng hoặc quá trình tang lễ nào khác trước Cơ Mật Viện, nghĩa là các Hồng Y cử tri ít bị phân tâm hơn trong giai đoạn trước Cơ Mật Viện thông thường.

Vị tiền nhiệm của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16, cũng được bầu vào ngày thứ hai của Cơ Mật Viện, nhưng ngài được bầu rất sớm trong cuộc bỏ phiếu thứ tư. Tương tự như thời điểm hiện tại, ngài được bầu sau khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị lâm bệnh kéo dài, và ngài ngay lập tức được giới truyền thông gọi là “papabile”, vì đã phục vụ lâu dài trong Giáo triều và được biết đến là rất thân thiết với Gioan Phaolô Đệ Nhị.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị được bầu chỉ vài tuần sau khi Đức Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô I nhậm chức Đức Giáo Hoàng trong 33 ngày, đã được bầu vào ngày thứ ba của Cơ Mật Viện Hồng Y trong cuộc bỏ phiếu thứ tám.

Trong Cơ Mật Viện trước đó, diễn ra vào tháng 8 năm 1978, Đức Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô I đã được bầu trong cuộc bỏ phiếu thứ tư.

4. Một số Hồng Y đã có danh sách 'papabili' của các ngài

Khi Cơ Mật Viện đến gần, các Hồng Y tiếp tục họp hầu như mỗi ngày. Khi các ngài hiểu nhau hơn, các ngài lập danh sách những người có thể được bầu vào ngôi Giáo Hoàng.

Trong phiên họp toàn thể lần thứ 7 để chuẩn bị cho Cơ Mật Viện, một số Hồng Y thừa nhận các ngài đã có danh sách “papabili” của mình. Điều này đã được một số vị tham dự tiết lộ với báo chí trên đường phố Rôma.

Bầu không khí “tốt” và “thanh thản”, các Hồng Y được các nhà báo phỏng vấn tại lối vào Vatican đều cho biết như trên.

“Có một bầu không khí thanh bình và đối thoại tuyệt vời. [...] Đối thoại hoàn toàn cởi mở, không có áp lực hay phân cực”, Đức Hồng Y người Colombia Jorge Jiménez Carvajal, tổng giám mục danh dự của Cartagena và là người không bỏ phiếu vì đã 83 tuổi, cho biết.

Khi được hỏi về chân dung của Vị Giáo Hoàng tương lai, Hồng Y người Serbia Ladislav Nemet, 68 tuổi, cho biết ngài hy vọng sẽ có “một Vị Giáo Hoàng nhân hậu như Chúa Giêsu”. Nhưng ngài nhấn mạnh rằng kết quả của Cơ Mật Viện “luôn là điều bất ngờ”.

“Có thể có những điều bất ngờ, theo nghĩa tích cực của từ này, đúng vậy!” Đức Hồng Y Carvajal nói.

Trong khi các Hồng Y không nhắc đến bất kỳ cái tên papabili nào, một số vị cho biết các ngài đã có danh sách “rất rõ ràng”.

“Trong tim tôi, tôi có năm cái tên,” Đức Hồng Y Gregorio Rosa Chávez, Giám Mục Phụ Tá danh dự của San Salvador, cho biết. Vị Hồng Y 82 tuổi không có quyền bỏ phiếu này thừa nhận rằng trong những ngày này, “mọi người đều đang nghĩ về danh sách của họ.”

Giáo Hội “đã di chuyển về phía nam”

Cách đó vài bước, một nhà báo của La Repubblica đã phỏng vấn Đức Hồng Y Schönborn người Áo, Tổng giám mục danh dự của Vienna. Đức Hồng Y cũng không còn quyền bỏ phiếu. Đối với ngài, trong những năm gần đây, Giáo hội “đã di chuyển về phía nam, đến Á Châu, Phi Châu và Mỹ Châu Latinh”.

“Đó là sự thật, không phải là một ý tưởng, và nó sẽ ảnh hưởng đến tương lai của Giáo hội,” ngài nhấn mạnh, chỉ ra nhu cầu tìm kiếm “một mục tử khôn ngoan và thánh thiện.”

“Chúng ta phải hiểu rằng Chúa Thánh Thần muốn dẫn dắt Giáo hội đến đâu. Á Châu? Mỹ Châu? Âu Châu?” Đức Hồng Y Chávez hỏi.

Ngài nói thêm rằng di sản của Đức Thánh Cha Phanxicô là “cơ sở cho cuộc thảo luận”.

“Tôi cảm nhận được sự đồng thuận về tính liên tục. Chúng ta là công dân của một thế giới có xung đột và tầm nhìn khác nhau, nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói về tính đa diện và đa dạng để xây dựng sự thống nhất. Mọi người đều có quan điểm của mình,” Đức Hồng Y Chávez nhấn mạnh.

Vị Hồng Y người Salvador bày tỏ hy vọng của mình về “một mục tử lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe mọi người”. Ngài cũng bình luận rằng Giám mục tiếp theo của Rôma nên nói tiếng Ý, vì tiếng này “dễ học”.

Về thời gian diễn ra Cơ Mật Viện, Đức Hồng Y Chávez ước tính “không quá ba ngày”.

“Hai, ba, bốn ngày,” Đức Hồng Y Jorge Jiménez Carvajal nói, trước khi nói thêm: “Chúng tôi không biết.”

5. 10 vị Hồng Y có thể trở thành Đức Giáo Hoàng tiếp theo theo báo chí Công Giáo

Tờ Aleteia tuyên bố rằng “chúng tôi không tuyên bố có thể dự đoán tương lai, đọc được suy nghĩ hoặc phân định được thánh ý của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, đây là cái nhìn tổng quan về một số Hồng Y mà mọi người đang nói đến trước cuộc bầu cử.” Tóm lại, tờ báo chỉ tổng kết những bàn tán từ các phương tiện truyền thông Công Giáo khác và xếp theo thứ tự vần chữ cái tên của các Hồng Y.

Đức Hồng Y Fridolin Ambongo

Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu, một tu sĩ dòng Capuchin, là Tổng giám mục của Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo. Ngài cũng là chủ tịch của Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar.

Đức Hồng Y Ambongo trở nên nổi tiếng khi ngài làm việc với Đức Thánh Cha Phanxicô để đưa ra phản ứng của người Phi Châu đối với việc ban phước cho các cặp đồng giới, ngài gọi đó “thực dân văn hóa”, một thuật ngữ mà Đức Giáo Hoàng thường sử dụng

Nếu được bầu, ngài sẽ là Đức Giáo Hoàng Capuchin đầu tiên và là Đức Giáo Hoàng Phi Châu đầu tiên sau hơn một thiên niên kỷ. Mặc dù đã có một số Giáo Hoàng liên kết với một số loại dòng Phanxicô, nhưng không có Đức Giáo Hoàng dòng Phanxicô Capuchin nào được bầu.

Một điều có thể gây bất lợi cho Đức Hồng Y Ambongo là tuổi tác của ngài – ở tuổi 65, ngài vẫn còn khá trẻ và về mặt lý thuyết có thể đảm nhiệm sứ vụ Giáo Hoàng trong nhiều thập niên. Sau 26 năm làm Đức Giáo Hoàng của Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị và 12 năm của Đức Thánh Cha Phanxicô, Hội đồng Hồng Y có thể chưa muốn có thêm một triều đại dài nữa.

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke

Là một người được những người Công Giáo có tư tưởng truyền thống ưa chuộng, Hồng Y Raymond Leo Burke, 76 tuổi, cựu Tổng giám mục St. Louis, Chánh án Tòa án Tối cao và là Người bảo trợ danh dự của Dòng Quân sự Toàn quyền Malta, đã có tên trong một số danh sách.

Ngài đã gần như tử vong vì COVID vào năm 2021, và kể từ đó, ngài không còn hoạt động nhiều trước công chúng như trước khi mắc bệnh.

Năm 2023, Đức Hồng Y Burke là một trong năm Hồng Y – cùng với các Hồng Y Robert Sarah, Walter Brandmüller, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân và Juan Sandoval Íñiguez – đã viết một bản dubia trước Thượng hội đồng về tính đồng nghị.

Chưa bao giờ có một Đức Giáo Hoàng nào đến từ Hoa Kỳ – hay thậm chí là Bắc Mỹ – và có phần không chắc rằng năm 2025 sẽ là năm chúng ta có vị Giáo Hoàng đầu tiên đến từ Bắc Mỹ.

Đức Hồng Y Peter Erdo

Là người Hung Gia Lợi, Đức Hồng Y Peter Erdo, Tổng giám mục Esztergom-Budapest và Giáo chủ của Hung Gia Lợi, được coi là một trong những thành viên bảo thủ nhất của Hồng Y đoàn.

Đức Hồng Y Erdo, 77 tuổi, cùng với các Hồng Y cử tri khác là Hồng Y Philippe Barbarin, Josip Bozanić, Vinko Puljic và Peter Turkson, là năm Hồng Y cử tri cuối cùng của Hồng Y đoàn được Thánh Gioan Phaolô II bổ nhiệm.

Ở tuổi 51 khi được tấn phong, Đức Hồng Y Erdo là một trong những thành viên trẻ nhất của Hồng Y đoàn.

Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller

Đến từ Mainz, Đức, Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, 77 tuổi, đã dành phần lớn thời gian làm giám mục của mình ở Rôma và các vùng lân cận, mặc dù ngài từng là Giám mục của Regensburg từ năm 2002 đến năm 2012.

Về mặt tư tưởng và thần học, Đức Hồng Y Müller là người bảo thủ – mặc dù ngài được cho là không thích nhãn hiệu đó – ngài là người rất thân thiết với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16. Nhiều nhà quan sát thừa nhận rằng các nhãn hiệu bảo thủ hay tiến bộ, truyền thống hay tự do không thực sự áp dụng cho Giáo hội, vì chúng là nhãn hiệu chính trị và bị hiểu lầm.

Đức Hồng Y Müller là Hồng Y-Tổng trưởng danh dự của Bộ Giáo lý Đức tin, một vai trò mà Đức Bênêđíctô tương lai cũng đã đảm nhiệm trong nhiều năm.

Đức Hồng Y Pietro Parolin

Đức Hồng Y Pietro Parolin là Quốc Vụ Khanh của Đức Thánh Cha Phanxicô. Vị Hồng Y gốc Ý 70 tuổi này đã đảm nhiệm vai trò này kể từ tháng 10 năm 2013 và sẽ chủ trì Cơ Mật Viện sắp tới.

Trước khi chuyển đến Vatican, ngài là Sứ thần Tòa thánh tại Venezuela từ năm 2009 đến năm 2013.

Là một người “ôn hòa” về thần học, cùng với sự gần gũi của ngài với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, việc bầu Parolin có thể được coi là sự tiếp nối của triều Giáo Hoàng Phanxicô. Và, ngài sẽ mang công việc ngoại giao trọn đời của mình vào một tình hình quốc tế ngày càng phức tạp. Đức Hồng Y Pietro Parolin có thuận lợi là trong vai trò Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, tất cả các Hồng Y đều biết ngài là ai. Tuy nhiên, ngài cũng có 2 vấn đề. Thứ nhất là vụ mua bán địa ốc ở Luân Đôn. Thứ hai, ngài là kiến trúc sư của thoả thuận bí mật giữa Vatican và Bắc Kinh mà nhiều người cho rằng Tòa Thánh đã nhượng bộ quá nhiều cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bắc Kinh cũng vừa tự ý bổ nhiệm hai Giám Mục trong thời gian Tòa Thánh trống ngôi Giáo Hoàng. Những người ủng hộ ngài cho rằng nếu ngài không được bầu làm Giáo Hoàng thì đó là một sự can thiệp thô bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào Cơ Mật Viện bầu tân Giáo Hoàng.

Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa

Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Dòng Anh Em Hèn Mọn, đã bắt đầu được bàn tán như một ứng cử viên tiềm năng nhiều tháng trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô qua đời. Tên của ngài Pierbattista Pizzaballa có nghĩa là điệu nhảy pizza.

Với tư cách là Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, vị tu sĩ dòng Phanxicô gốc Ý đã trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế kể từ khi chiến tranh nổ ra tại giáo phận của ngài vào tháng 10 năm 2023. Đức Hồng Y Pizzaballa đã tự nguyện chịu bị bắt để trao đổi các con tin người Israel bị Hamas bắt giữ, và vẫn là một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng và có năng lực cho đàn chiên của mình ở Gaza.

Tuy nhiên, giống như Đức Hồng Y Ambongo, Đức Hồng Y Pizzaballa còn khá trẻ: ngài mới 60 tuổi và mới trở thành Hồng Y được chưa đầy hai năm.

Đức Hồng Y Robert Sarah

Đức Hồng Y Robert Sarah, 79 tuổi, đến từ Guinea, suýt chút nữa là không còn đủ điều kiện để bỏ phiếu trong Cơ Mật Viện – ngài sẽ bước sang tuổi 80 vào tháng 6. Ngài là Tổng trưởng danh dự của Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích.

Là người cải đạo sang Công Giáo khi còn trẻ, Đức Hồng Y Sarah được nhiều người biết đến như một người nhiệt thành bảo vệ các giáo lý và thực hành truyền thống của Giáo hội.

Đức Hồng Y Sarah rất thân thiết với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16; Đức Bênêđíctô đã viết lời bạt cho cuốn sách xuất bản năm 2016 của Sarah, Sức mạnh của sự im lặng: Chống lại chế độ độc tài của tiếng ồn.

Đức Hồng Y Luis Tagle

Đức Hồng Y Luis Tagle, Phó Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, là người gốc Phi Luật Tân.

Đức Hồng Y Tagle, 67 tuổi, được nâng lên Hồng Y đoàn vào năm 2012. Trong Cơ Mật Viện năm 2013, khi đó ngài là Tổng giám mục giáo tỉnh Manila trẻ tuổi, ngài được liệt kê vào danh sách papabili – điều này đã không thành hiện thực, nhưng đáng chú ý.

Tuy nhiên, vào năm 2022, Đức Hồng Y Tagle đã bị cách chức nhà lãnh đạo Caritas International, điều này có thể khiến mọi người cảnh giác khi ủng hộ ngài tại Cơ Mật Viện này.

Nếu được bầu, ngài sẽ trở thành Đức Giáo Hoàng người Á Châu đầu tiên.

Đức Hồng Y Peter Turkson

Đức Hồng Y Peter Turkson, 76 tuổi, người Ghana, đã đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau trong giáo triều kể từ năm 2009.

Hiện tại, ngài là Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, nhưng trước đây là Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy Phát triển Con người Toàn diện.

Trước khi đến Vatican, Turkson là Tổng giám mục của Cape Coast, Ghana, từ năm 1992 đến năm 2009.

Giống như Đức Hồng Y Tagle, Đức Hồng Y Turkson cũng được nhắc đến như là người có khả năng được bầu làm Giáo Hoàng trong Cơ Mật Viện năm 2013.

Đức Hồng Y Matteo Zuppi

Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Tổng giám mục Bologna và chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, gần như chưa từng được biết đến trong giới Bắc Mỹ cho đến khi ngài thực hiện sứ mệnh hòa bình đặc biệt thay mặt cho Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ngài đến Washington, đã được gợi ý là người có thể trở thành Giáo Hoàng tiếp theo.

Đức Hồng Y Zuppi, 69 tuổi, là người được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn để lãnh đạo hội đồng giám mục Ý. Trước khi trở thành tổng giám mục của Bologna, ngài là Giám Mục Phụ Tá của Rôma.

Nếu được bầu, Đức Hồng Y Zuppi sẽ là Đức Giáo Hoàng người Ý đầu tiên kể từ triều đại 33 ngày của Đức Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô I vào năm 1978.

6. Tại sao Cơ Mật Viện sắp tới sẽ là bước đi quyết định đối với Âu Châu

Solène Tadié, ký giả Pháp, có bài nhận định nhan đề “Why the Upcoming Conclave Will Be a Decisive Step for Europe”, nghĩa là “Tại sao Cơ Mật Viện sắp tới sẽ là bước đi quyết định đối với Âu Châu”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Khi các ngài bước vào Nhà nguyện Sistina để bầu người kế vị sứ vụ của Thánh Phêrô, các Hồng Y Âu Châu sẽ gánh trên vai trách nhiệm nặng nề về số phận của lục địa của các ngài, nơi đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có kể từ Giáo hội của những thế kỷ đầu tiên. Vào thời điểm mà một số người cho rằng Âu Châu có thể sớm trở nên không liên quan vì sự nổi bật ngày càng tăng của Nam bán cầu — nơi Giáo hội đang phát triển nhanh nhất — thì Âu Châu vẫn là trung tâm về mặt thể chế và thần học, một nhân tố chủ chốt trong kết quả của Cơ Mật Viện.

Với 53 trong số 135 Hồng Y có quyền bỏ phiếu hiện nay đến từ Âu Châu — một phần ba trong số đó là người Ý — các ưu tiên và mối quan tâm chung của các ngài sẽ không chỉ ảnh hưởng đến việc lựa chọn Đức Giáo Hoàng tiếp theo mà còn cả định hướng của Giáo hội trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Tuy nhiên, ngày càng rõ ràng rằng khối Âu Châu không còn thống nhất nữa. Những chia rẽ về di sản cải cách của Đức Thánh Cha Phanxicô và phản ứng của Giáo hội đối với nhiều biểu hiện khác nhau của chủ nghĩa thế tục phản ánh những đường đứt gãy sâu sắc hơn về văn hóa và thần học. Các Hồng Y Âu Châu sẽ phải đối mặt với một hành động cân bằng khó khăn: bảo tồn các giáo lý và bản sắc truyền thống của Giáo hội trong khi thích nghi với thực tế xã hội mới.

Giải quyết vấn đề thế tục, lạm dụng tình dục, chia rẽ trong giáo hội

Một trong những mối quan tâm cấp bách nhất đối với các ngài sẽ là chủ nghĩa thế tục lan rộng và sự mất mát đáng kể của ảnh hưởng tôn giáo ở Âu Châu. Từng là trung tâm của thế giới Kitô giáo, Âu Châu hiện có những quốc gia mà số người tuyên bố rằng họ “không có tôn giáo” chiếm đa số. Nhìn chung, số người tham dự thánh lễ đã giảm mạnh kể từ những năm 1970 và ảnh hưởng đạo đức của Giáo hội đối với đời sống công cộng đã gần như hoàn toàn bị vô hiệu hóa, đặc biệt là ở các quốc gia như Pháp và Đức. Nhu cầu giải quyết những thách thức ngày càng tăng đối với các tổ chức tôn giáo và quyền tự do tôn giáo trong các xã hội thế tục này, nơi các phong trào ủng hộ sự sống hoạt động hợp pháp nhưng phải đối mặt với áp lực xã hội và chính trị gia tăng đe dọa sự tham gia của họ vào diễn ngôn công khai, có thể là ưu tiên chính đối với nhiều người trong số các Hồng Y.

Những xu hướng đáng báo động này đi kèm với một hiện tượng mới có ý nghĩa: sự gia tăng ngoạn mục về số lượng người trẻ tuổi được rửa tội trong các lễ Phục sinh tại một số quốc gia của Lục địa Cũ — trước hết là Pháp, Anh và Bỉ. Nhu cầu đi kèm với hiện tượng này một cách thích hợp để nó đơm hoa kết trái trong thời gian dài cũng không thoát khỏi sự chú ý của các Hồng Y cử tri, đặc biệt là khi các giám mục Pháp vừa tuyên bố sẽ tổ chức một hội đồng tỉnh để đáp ứng những thách thức của những người dự tòng mới từ Lễ Hiện xuống năm 2026 trở đi.

Các Hồng Y sẽ tìm kiếm một vị Giáo Hoàng có khả năng truyền cảm hứng cho sự tôn trọng của các nhà lãnh đạo Âu Châu và có thể nói chuyện với các thế hệ trẻ để tìm kiếm các điểm tham chiếu về đạo đức và bản sắc, theo cách phù hợp với ngôn ngữ và quy tắc ngày nay.

Hơn nữa, cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục vẫn là một vết thương lớn trong Giáo hội Âu Châu. Các vụ tai tiếng ở Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ và Ý đã làm tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin của công chúng. Trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra một số cải cách, nhiều Hồng Y Âu Châu tin rằng cần có hành động quyết liệt hơn. Một số Hồng Y sẽ thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn, trong khi những vị khác có thể thận trọng hơn khi tiếp cận các cải cách cơ cấu sâu hơn, vì lo ngại điều này có thể tạo ra bầu không khí nghi ngờ quá mức và cuối cùng làm suy yếu chức linh mục và thẩm quyền của Giáo hội, hoặc thậm chí gây nguy hiểm cho ấn tín giải tội.

Câu hỏi về sự hiệp nhất bền vững của Giáo Hội Công Giáo cũng được nêu ra bởi Tiến Trình Công Nghị Đức gần đây, và có kế hoạch biến nó thành một hội đồng công đồng thường trực, thách thức một số giáo lý cốt lõi của Giáo hội liên quan đến tình dục, việc truyền chức cho phụ nữ và việc rao giảng của giáo dân, gây ra căng thẳng với Vatican. Thượng hội đồng về tính đồng nghị do Đức Giáo Hoàng Phanxicô khởi xướng từ năm 2021 đến năm 2024 đã làm tăng thêm sự chia rẽ ngày càng tăng giữa các giám mục Âu Châu về mức độ thẩm quyền mà các Giáo hội quốc gia nên có trong việc định hình thực hành Công Giáo, đây sẽ là một lĩnh vực quan tâm không thể tránh khỏi khác.

Đồng thời, việc định nghĩa lại các phong trào chính trị đang diễn ra trên khắp Âu Châu, đặc biệt được đánh dấu bằng sự nổi lên của các đảng dân túy cánh hữu, chắc chắn sẽ có tác động đến đời sống của các Giáo hội quốc gia. Với nhiều nhà lãnh đạo mới này công khai khẳng định đức tin Kitô giáo và sự đồng cảm của họ với Giáo Hội Công Giáo, nhiều Hồng Y có thể có xu hướng bầu một vị Giáo Hoàng có thể khéo léo tham gia đối thoại với họ và do đó duy trì ảnh hưởng của Tòa thánh mà không làm tổn hại đến tính độc lập và tính phổ quát của nó.

Cuối cùng, các Hồng Y chắc chắn sẽ ghi nhớ việc thực hiện trong tương lai của Tự Sắc Traditionis Custodes, áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc cử hành Thánh lễ La tinh truyền thống. Điều này đã gây ra rất nhiều căng thẳng giữa hàng giáo phẩm của Giáo hội và các cộng đồng địa phương, thường chủ yếu bao gồm những người trẻ tuổi, là tương lai của Kitô giáo.

Những động lực tương phản này đã thúc đẩy sự xuất hiện của ba khối chính sẽ định hình đường lối của các Hồng Y bỏ phiếu đối với Cơ Mật Viện.

Ba khối trong Hồng Y đoàn

Khối cải cách hoặc “ủng hộ Phanxicô” tìm kiếm sự tiếp nối với đường lối mục vụ của Đức Giáo Hoàng người Á Căn Đình, chủ yếu tập trung vào lòng thương xót, công lý xã hội và đối thoại liên tôn. Nhóm này cởi mở với các cải cách về các vấn đề như bao gồm các cặp đồng giới, quyền được rước lễ cho các cặp đã ly hôn và tái hôn, và sự tham gia nhiều hơn của giáo dân. Họ cũng ủng hộ việc thúc đẩy đại kết và đối thoại với Hồi giáo nhiều hơn. Các Hồng Y như Matteo Zuppi của Ý, José Tolentino de Mendonça của Bồ Đào Nha (cũng là Tổng trưởng Bộ Văn hóa và Giáo dục), Jean-Marc Aveline của Pháp và Grzegorz Ryś của Ba Lan nằm trong số đó. Họ có khả năng sẽ thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của Giáo hội vào xã hội hiện đại.

Mặt khác, khối bảo thủ ủng hộ sự rõ ràng về giáo lý và tính nhất quán về mặt đạo đức hơn là sự linh hoạt trong mục vụ. Nhóm này coi trọng sự phân quyền và sự tiến hóa về giáo lý, coi những thay đổi như vậy là mối đe dọa đối với sự hiệp nhất và thẩm quyền lịch sử của Giáo hội. Các ngài có thể sẽ ủng hộ việc làm rõ và sắp xếp lại các Tự Sắc khác nhau của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vốn bị một bộ phận của Giáo hội thể chế và tín hữu coi là gây nhầm lẫn, như nhà Vatican học người Ý Andrea Gagliarducci gần đây đã chỉ ra. Các Hồng Y như Gerhard Müller từ Đức, Péter Erdő từ Hung Gia Lợi hoặc Wim Eijk từ Hòa Lan đại diện cho những nhân vật nổi bật trong nhóm này.

Khối cuối cùng, có thể được định nghĩa là những người ổn định thể chế, tập trung vào sự quản lý của Vatican và sự ổn định nội bộ. Nhóm này tìm cách cân bằng giữa truyền thống và sự linh hoạt trong mục vụ mà không đưa ra những thay đổi lớn về mặt cấu trúc. Các Hồng Y như Hồng Y Pietro Parolin người Ý, nguyên Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Hồng Y Kurt Koch người Thụy Sĩ, nguyên Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy Hiệp nhất Kitô giáo; và Hồng Y Claudio Gugerotti người Ý, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo hội Đông phương, đều nằm trong nhóm này. Cho dù là cấp tiến hay bảo thủ, những vị này về cơ bản được coi là thực dụng và có khả năng ủng hộ một vị Giáo Hoàng có khả năng đoàn kết các phe phái khác nhau trong Giáo hội và khôi phục lại uy tín của Vatican mà không đưa ra những cải cách mang tính đoạn tuyệt với quá khứ.

Duy trì trọng lượng thể chế của Âu Châu

Các Hồng Y cử tri Âu Châu, trong đó có 17 vị người Ý, có khả năng sẽ nỗ lực duy trì ảnh hưởng của mình trong việc quản lý Vatican, vì một Đức Giáo Hoàng mới từ Nam bán cầu có thể củng cố thêm sự thay đổi văn hóa do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng. Do đó, thách thức của các ngài sẽ là tìm một vị Giáo Hoàng có thể duy trì sức nặng về mặt thể chế của Âu Châu mà không làm ảnh hưởng đến động lực đang phát triển của Nam bán cầu.

Mặc dù vị Giáo Hoàng tiếp theo có thể không phải là người Âu Châu, nhưng phiếu bầu của các Hồng Y Âu Châu sẽ có sức nặng đáng kể. Các ngài sẽ muốn, với tư cách là người kế nhiệm mới của Thánh Phêrô, một người có khả năng củng cố sự rõ ràng về giáo lý và khôi phục uy tín của Giáo hội, đồng thời ứng phó với những thực tế xã hội và chính trị mới mà không gây mất lòng các phe phái chủ chốt. Không một ứng cử viên nào có thể đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn này, nhưng các ưu tiên của các Hồng Y Âu Châu sẽ có sức nặng lớn đối với chương trình nghị sự của vị Giáo Hoàng tiếp theo. Tất cả các rủi ro đều cao hơn, vì sự mất mát ảnh hưởng của Âu Châu được củng cố theo thời gian có thể thay đổi hoàn toàn bộ mặt của Giáo hội hoàn vũ.