Ngày 06-05-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:37 06/05/2025

118. Khuyên người khác sống tu đức hoặc nói năng hòa nhã thì là đi vòng vèo, nhưng chính mình bày tỏ sự lương thiện thì mới là đường tắt.

(Thánh Senica)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:40 06/05/2025
34. ĐẠP BẸP HỒ LÔ

Có một quán rượu đưa ra quy định như sau: phàm khách đến mua rượu hoặc uống rượu, chỉ cần nói rượu chua thì sẽ bị ông ta cột lại dưới gốc cây và trừng phạt.

Một hôm, có một đạo sĩ vác cái hồ lô to tổ bố vào tiệm rượu, nhìn thấy có người bị cột dưới gốc cây thì hỏi tại sao như vậy. Chủ quán trả lời:

- “Hắn ta hại tôi, nói là rượu của tôi chua nên bị phạt.”

Đạo sĩ nói:

- “Xin đưa tôi một ly uống thử xem sao?”

Chủ tiệm đến rót rượu, đạo sĩ uống một miếng và vội vàng chạy khỏi, chủ quán vì không nghe đạo sĩ nói rượu chua nên rất phấn khởi, liên nói lớn:

- “Ngài quên cái hồ lô rồi.”

Đạo sĩ vừa chạy vừa nói:

- “Ta không cần, ta không cần, ông giữ lại đạp bẹp nó làm bảng hiệu bán giấm !”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 34:

Thời nay các cửa hàng quốc doanh thường nói khách hàng như là thượng đế, nhưng khi khách hàng hỏi mua lượng giá thì bị nhân viên bán hàng mắng như tát nước vào mặt thượng đế; thời nay người ta cạnh tranh nhau để moi tiền của thượng đế, nhưng khi thượng đế phê bình hàng hóa không tốt và cung cách phục vụ của nhân viên bán hàng chưa lịch sự, thì bị các bảo vệ có tính cô hồn dập vào mặt thượng đế.

Không phải khách hàng là thượng đế, nhưng túi tiền của khách hàng mới là thượng đế; không phải người ta vì thượng đế mà phục vụ, nhưng vì túi tiền của thượng đế mà phục vụ.

Người Ki-tô hữu không gọi khách hàng là thượng đế, nhưng họ nhìn thấy thượng đế là Đức Chúa Giê-su trong con người của khách hàng, nên phục vụ họ với thái độ yêu thương và hòa nhã; người Ki-tô hữu không gọi khách hàng là thượng đế, nhưng vẫn cứ phục vụ họ cách vui vẻ ân cần, vì họ -khách hàng- là anh em chị em của họ trong Đức Chúa Giê-su Ki-tô…

Bắt khách trói dưới gốc cây chỉ vì khách chê rượu của mình chua là hành động của kẻ gian ác, cô hồn; đạo sĩ bỏ chạy lập tức quên cả hồ lô khi nếm rượu, là người khôn ngoan biết hậu quả giữa chữ “chua” và chữ “giấm” thì khác nhau rất xa…

Người Ki-tô hữu càng khôn ngoan hơn khi hiểu rõ hậu quả giữa chữ thật và chữ nịnh thì khác nhau xa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 07/05: Quyền năng của Đức Giêsu Phục Sinh – Lm. Giuse Vũ Ngọc Tuyển, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
02:15 06/05/2025

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

Hồi ấy, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri.

Có mấy người sùng đạo chôn cất ông Tê-pha-nô và khóc thương ông thảm thiết.

Còn ông Sao-lô thì cứ phá hoại Hội Thánh: ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục.

Vậy những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo lời Chúa.

Ông Phi-líp-phê xuống một thành miền Sa-ma-ri và rao giảng Đức Ki-tô cho dân cư ở đó. Đám đông một lòng chú ý đến những điều ông Phi-líp-phê giảng, bởi được nghe đồn và được chứng kiến những dấu lạ ông làm. Thật vậy, các thần ô uế vừa kêu lớn tiếng vừa xuất khỏi nhiều người trong số những kẻ bị chúng ám. Nhiều người tê bại và tàn tật được chữa lành. Trong thành, người ta rất vui mừng.

Đó là lời Chúa
 
Chiên tôi thì nghe, biết và theo tôi
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
03:20 06/05/2025
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH NĂM C : GA 10,27-30

7Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. 28Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. 29Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không cai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. 30Tôi và Chúa Cha là một.”

CHIÊN TÔI THÌ NGHE, BIẾT VÀ THEO TÔI

Chúa nhật Thứ tư Phục sinh mỗi năm trở lại như là ngày của Mục tử và của ơn gọi, đặc biệt là ơn gọi Linh mục và tu sĩ. Trong cả ba năm, sách bài đọc Tin Mừng luôn công bố một đoạn lấy từ chương 10 thánh Gio-an. Trong đoạn ngắn được phụng vụ hôm nay cắt từ chương đó, tương quan giữa Mục tử Giê-su và đoàn chiên Giáo Hội được xác định dựa trên loạt động từ và kiểu nói đặc trưng : nghe, biết, theo, ban sự sống đời đời, không diệt vong, không cướp được.

1. Lắng nghe Mục tử và Cha Người.

Qua chùm từ ngữ này, được liên kết với nhau bởi một sợi chỉ thiêng liêng sáng ngời, có thể xây dựng câu chuyện toàn bộ về ơn gọi Ki-tô hữu. Ơn gọi này xuất phát từ một tiếng nói vang lên bên ngoài chúng ta : “Những kẻ không tìm Ta, Ta đã cho chúng gặp; những kẻ không hỏi Ta, Ta đã xuất hiện cho chúng thấy” (Rm 10,20). Ơn Thiên Chúa đi trước mọi tính toán cá nhân và phá vỡ sự im lặng của tâm thức, y như lời sáng tạo của Người đã phá vỡ sự im lặng của hư vô vậy. Do đó con người phải “lắng nghe”; và chúng ta biết rằng trong ngôn ngữ Kinh Thánh, động từ này chất chứa nhiều âm vang cũng như bao hàm việc gắn bó, vâng phục, chọn lựa sự sống.

Nhưng trước khi lắng nghe Đức Ki-tô, cần phải nhắm mắt một chút. Như vừa thấy, một giọng nói muốn thấu đến chúng ta. Không những từ bên trên những tiếng động của cuộc đời mà cả từ bên trên những xì xào phù phiếm hay xấu xa của con tim chúng ta.

Ngay trước lời khẳng định đầy âu yếm của mình, “chiên của tôi thì nghe tiếng tôi”, Đức Giê-su đã có với người Do-thái một cuộc trao đổi gay gắt : “Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói thẳng cho chúng tôi biết – Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin.” Người đã chẳng nói với những từ mà trong bầu khí đầy xúc cảm của một cuộc tranh luận, rất có thể bị giải thích sai lạc, song đã nói qua mọi hành vi của mình : “Những việc tôi làm làm chứng cho tôi” (x. Ga 10,24-25)

Giờ đây Đức Giê-su nói với chúng ta qua các chữ của Tin Mừng nhưng cũng tiếp tục nói qua các hành vi và qua chính bản chất Con Thiên Chúa của Người nữa. Chỉ cần mở một cuốn Tin Mừng ra, ai nấy đều có thể thấy và nghe Người, tuy nhiên lắm kẻ vẫn mù quáng và điếc đặc.

Vì có một khó khăn trong vấn đề nghe. Thánh Gio-an bảo ta rằng chẳng phải những “dấu chỉ” (các phép lạ) hay các từ ngữ làm chúng ta gắn bó sâu xa với Đức Giê-su. Phải có một kiểu trong sáng của con mắt và lỗ tai, tự do của trí óc, sẵn sàng của quả tim. Đến cùng Người với nhiều ý tưởng làm sẵn, với lắm tâm tình tiêu cực, sẽ có nguy cơ biến độc giả Tin Mừng thành những một kẻ nhìn mù quáng và kẻ nghe điếc lác. Chỉ duy những ai rất sẵn sàng mới nhận được tác động của con người ấy, mới thật sự nghe được tiếng nói ấy.

Vậy là phải tin để tin? Phải được chinh phục trước? Chúng ta đã suy ngắm mầu nhiệm này bao lần rồi. Chúng ta biết phải chú ý đến độ nào tới ơn lôi kéo đến cùng Đức Ki-tô và phải tích cực đến độ nào để khai thác ơn ấy. Công việc nội tâm kép này biến ta thành “một con chiên nghe tiếng Người.” Lúc ấy, các dấu chỉ trở nên rõ ràng, và lời Người mở lòng ta đón nhận đức tin. Chúng ta biết nghe Người vì chúng ta “theo Người.”

Khi nghe tiếng Người, chúng ta nghe một tiếng khác, tiếng của Chúa Cha : “Chúa Cha và tôi là một.” Vốn sắp làm cho người Do-thái giận dữ (“Họ lấy đá để ném Đức Giê-su”, c.31), khẳng định này đẩy chúng ta vào trong một thái độ lắng nghe đầy kinh ngạc thán phục : khi Đức Giê-su nói, thì chính tiếng nói của Chúa Cha thấu đến chúng ta ! Có lẽ chính trong Thánh lễ Giáng sinh mà ta đọc được bản văn đẹp nhất về vấn đề này : “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán với cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào những ngày sau hết này, Thiên Chúa đã phán với chúng ta qua một Người Con… mà nhờ Người Con ấy, Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ” (mở đầu thư Hip-ri).

Chớ bao giờ quên điều rất chắc chắn này : trong các lời của Đức Giê-su rung lên sự thật của Thiên Chúa và lòng âu yếm của Thiên Chúa. Nhưng Người cũng có nhiều đòi hỏi đấy chứ? Đúng ! song chúng ta có tin Thiên Chúa là tình yêu chăng? Nếu tin thì, vì Đức Giê-su là tiếng nói của tình yêu ấy, ta có thể đón nhận các đòi hỏi ấy như thành phần của cùng sứ điệp tình yêu.

2. Hiểu biết và bước theo Mục tử.

Bấy giờ mới thiết lập một mối hiệp thông thân mật và sâu xa giữa Đức Ki-tô và môn đệ; mối hiệp thông này được xác định bởi một từ Kinh Thánh quan trọng : “biết”. Sự hiểu biết này bao gồm trí tuệ, trái tim, hành động và ở sâu bên trong con người đến độ trở thành trên miệng Đức Giê-su của Gio-an chính định nghĩa về sự sống đời đời : “Sự sống đời đời là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa thật duy nhất, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô” (17,3). Con người đã nghe, làm cho mình được Thiên Chúa nhận biết và đã nhận biết Thiên Chúa thì “theo” Đức Ki-tô như Mục tử độc nhất của mình. Việc bước theo này phải là thường nhật và liên tục, kể cả khi ở chân trời thấp thoáng bóng chó sói sẵn sàng cấu xé xác ta và dày vò hồn ta. Giây phút đó xuất hiện trong tâm trí chúng ta hai động từ khác của đoạn về Mục tử : chúng ta sẽ không bao giờ “diệt vong” và chẳng ai có thể “cướp” chúng ta khỏi bàn tay chắc chắn và toàn năng của Đức Ki-tô được.

Sự an toàn này dựa trên thần tính của Đức Ki-tô, Đấng vốn “làm một với Chúa Cha” : thật thế, ngay từ trong Cựu Ước đã có tuyên bố về Thiên Chúa rằng “không ai có thể giật cái gì khỏi bàn tay của Người được” (x. Is 43,13). Sự an toàn này được diễn tả rõ ràng bởi Phao-lô trong một thánh thi đặt vào cuối thư Rô-ma chương 8 : “Tôi tin chắc rằng : cho dù là sự chết hay sự sống, thiên sứ hay quản thần, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hoặc bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (8,38-39). Niềm thanh thản này từng được xác nhận bởi một con người mới thoạt nhìn xem ra như bị nuốt chửng trong miệng sự dữ. Đó là Rosanna Benzi (1948-1991), một phụ nữ Ý bị giam mình ngay từ tuổi trẻ trong buồng phổi thép (hay “lá phổi sắt”). Được phát minh từ những năm 1920, "lá phổi sắt" là máy thở áp lực hỗ trợ các bệnh nhân bại liệt không thể tự hô hấp do virus làm tê liệt khối cơ ở ngực. Với chiều dài hơn 2m và cân nặng khoảng 320kg, nó hoạt động như một thiết bị thông gió, làm giãn nở và mở rộng các lá phổi. Khi đóng máy, bệnh nhân chỉ để lộ đầu ra ngoài. Từ nơi đó Rosanna Benzi đã làm báo, viết sách an ủi nhiều người và đã nói lên câu này : “Tôi bằng lòng, tôi hãnh diện vì đã không để mình bị đánh bại. Tôi chẳng có gì tiếc nuối. Tôi lập lại rằng tôi hạnh phúc vì đã sống 20 năm nay và sẵn sàng sống những năm tháng còn lại cách bình thản theo thánh ý Thiên Chúa. Bình thản và vui tươi !” Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII từng viết thư cảm ơn, khen ngợi và ban phép lành cho cô.

Mục tiêu ơn gọi Ki-tô hữu, thật thế, không tối tăm hay bất định nhưng nằm trong câu cuối cùng được Mục tử Giê-su thốt lên : “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời.” Trong ngôn ngữ Gio-an, “sự sống đời đời” không ám chỉ một khoảng thời gian vô tận, một sự bất tử của linh hồn như lời dạy của các triết gia Hy-lạp, nhưng trái lại là chính sự sống thần linh, sự sống của Đấng Đời Đời, là mối hiệp thông cuộc sống, bình an, hữu thể với chính Thiên Chúa. Lắng nghe Thiên Chúa nơi Đức Giê-su chắc chắn là dấn thân trên những con đường khó khăn nhưng dẫn đến sự sống : “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; chúng theo tôi và tôi ban cho chúng sự sống đời đời.”

Việc mô tả cách biểu tượng kinh nghiệm này được thấy trong bài đọc 2 hôm nay (Kh 7,9.14-17), bài đọc làm sáng lên trong trí chúng ta một bức tranh hoành tráng. Trong bức tranh đó, đoàn lũ đông đảo các môn đệ thuộc mọi miền, mọi thời và mọi nền văn hóa của hành tinh chúng ta không còn đói khát, không còn bị tổn thương bởi các biến động của thiên nhiên và lịch sử, không còn nếm biết vị đắng của nước mắt, không còn phải uống thuốc độc của thần chết, vì Thiên Chúa đã ban cho mọi tín hữu của Người “nguồn nước trường sinh.”

Đó là lúc hiệp thông trọn hảo với Thiên Chúa, bỏ lại sau mình thời gian trong đó đã họ đã phải đắm mình trong máu của thử thách, của đau khổ và của gian truân vì tham dự vào cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô. Giờ đây họ khoác lên y phục sáng chói như của thiên thần trong ngày Chúa sống lại (x. Lc 24,4). Từ đây họ ở trong niềm vui và trên họ căng ra chiếc lều đầy sao của bầu trời, hình ảnh Đền thờ thiên quốc hoàn hảo trong đó Thiên Chúa sẽ hiện diện, hiện diện không như một phản ảnh cần chiêm ngắm trong một tấm gương, nhưng tỏ tường, diện đối diện (x. 1Cr 13,12).
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Con ngựa về ngược: Hồng Y Mamberti?
Vũ Văn An
14:53 06/05/2025



Ed. Condon của The Pillar, ngày 06 tháng 5 năm 2025, có một tiên đoán: Một ứng viên vào giờ thứ 11 đang nổi lên giữa một cuộc tranh luận chia rẽ.

Theo ông, trong 24 giờ cuối cùng trước khi mật nghị bầu giáo hoàng bắt đầu, các cuộc thảo luận xung quanh các ứng viên tiềm năng đã lên đến đỉnh điểm.

Sau một tuần tích lũy động lực, làn sóng ủng hộ Hồng Y Robert Phanxicô Prevost dường như đã chững lại, với Hồng Y người Honduras Oscar Rodriguez Maradiaga được cho là đã rời Rome trong sự thất vọng sau khi không giành được sự ủng hộ nhất trí dành cho ngài trong số các Hồng Y Mỹ Latinh — thậm chí một số người còn cho rằng ngài ủng hộ Hồng Y người châu Phi Fridolin Ambongo.

Hồng Y người Philippines Luis Antonio Tagle cũng dường như đã chạm đến giới hạn trong các hội đồng chung trước mật nghị, với sự ủng hộ vững chắc từ các Hồng Y châu Á khác, nhưng không tạo ra được bước đột phá quyết định trong cơ quan hoàn cầu và thuyết phục họ rằng ngài có thể cai trị với cùng sức mạnh mà ngài rao giảng.

Các Hồng Y châu Âu dường như đang chia phiếu bầu của họ theo nhiều cách, với những người "bảo thủ" chủ yếu hướng về Hồng Y người Hungary Péter Erdő, và những tiếng nói tự do hơn ngày càng dành sự cân nhắc cho Hồng Y người Pháp Jean-Marc Aveline.

Hồng Y Pietro Parolin, từ lâu được coi là ứng cử viên thỏa hiệp trung dung tự nhiên, đã chứng kiến sự ủng hộ của ngài giảm dần giữa những suy gẫm về thành tích của ngài với tư cách là một quản trị viên giáo triều và nhà ngoại giao Vatican.

Tóm lại, trái ngược với kỳ vọng của trí tuệ được công nhận, các Hồng Y càng cố gắng tìm hiểu nhau trong hai tuần ở Rome, họ dường như càng đi xa khỏi bất cứ sự đồng thuận nào về việc ai sẽ là vị giáo hoàng tiếp theo.

Sự không chắc chắn đó đang khiến nhiều người trong hội đồng cảm thấy không ổn, một số người trong số họ lo sợ một mật nghị dài sẽ gây ra sự không chắc chắn và chia rẽ cho thế giới đang chờ đợi bên ngoài — mặc dù, cần lưu ý rằng một số người khác đang nói rằng sẽ không có gì tệ nếu mật nghị kéo dài.

Tuy nhiên, giữa lúc bất ổn, một ứng cử viên mới vào phút chót đã bắt đầu được thảo luận, với số lượng người ủng hộ ngày càng tăng trong số các Hồng Y giáo triều quen thuộc nhất với lý lịch lặng lẽ của ngài — ngày càng được các Hồng Y coi là ấn tượng một cách lặng lẽ.

Hồng Y Dominique Mamberti, 73 tuổi, ít được các Hồng Y nghĩ đến và ít được những người theo dõi mật nghị chú ý trong những ngày sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua đời. Sinh ra ở Châu Phi nhưng mang quốc tịch Pháp, ngài đã phục vụ nhiều năm với tư cách là nhà ngoại giao Vatican chuyên nghiệp, bao gồm cả tại Liên hợp quốc ở New York và ở các khu vực xung đột như Sudan.

Dưới thời Đức Benedict XVI, Mamberti được bổ nhiệm làm người đứng đầu bộ phận ngoại giao của Phủ Quốc vụ khanh và được giao nhiệm vụ cố gắng duy trì trật tự trong nhiệm kỳ thường hỗn loạn của Hồng Y Tarcisio Bertone làm Quốc vụ khanh.

Năm 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm chánh án Tòa án Tối cao, bổ nhiệm ngài làm chánh án của tòa án giáo luật cao nhất của Giáo hội. Đó là một sự thay đổi đáng kể về tốc độ, nhưng một đồng nghiệp và thẩm phán đồng nghiệp của Mamberti nói rằng ngài đã làm việc rất chăm chỉ.

Một người thân cận với các giáo đoàn nói với The Pillar rằng Mamberti "thực sự có sự chuẩn bị tốt hơn để trở thành giáo hoàng so với hầu hết mọi người", chỉ ra công việc của ngài với tư cách là một nhà ngoại giao hoàn cầu quen thuộc với tình trạng rối loạn chức năng nội bộ của Vatican.

"Ngài đã làm một công việc bất khả [dưới thời ĐHY Bertone], và giờ đây đã dành 10 năm để đọc mọi lời kháng án của một giáo phận chống lại mọi thánh bộ tại Vatican. Đó là một tư cách giáo sư về việc quản trị tồi và tốt. Giáo hội thực sự cần những điều như vậy, và một giai đoạn quản lý yên tĩnh, có trách nhiệm có thể hấp dẫn."

Những người ủng hộ ngài chỉ ra rằng, ngài đã tránh xa một số vấn đề gây tranh cãi và các vụ tai tiếng lớn đã đeo bám các ứng viên khác. Mặc dù ngài từng là nhà ngoại giao trưởng của Vatican và trong Phủ Quốc vụ khanh, nhưng ngài đã rời đi trước các vụ tai tiếng về thỏa thuận bất động sản ở London và thỏa thuận gây tranh cãi giữa Vatican và Trung Quốc.

"Theo nghĩa đó, ngài là [Hồng Y] Parolin không có hành lý", như một người ủng hộ đã nói.

Có lẽ cũng quan trọng không kém, ngài không thuộc nhóm hay phe phái ý thức hệ rõ ràng nào trong Hồng Y đoàn. Trong bài giảng tại Nhà thờ Thánh Phêrô vào Chúa Nhật, khi ngài chủ trì Thánh lễ cuối cùng trong chín ngày tang lễ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngài đã bày tỏ lòng tôn kính đối với cố giáo hoàng, người mà ngài nói rằng "tất cả chúng ta đều ngưỡng mộ" vì chứng tá của ngài về "tình yêu của Chúa".

"Ngài đã cảnh báo những người quyền thế rằng chúng ta phải vâng lời Chúa hơn là vâng lời con người và công bố cho toàn thể nhân loại niềm vui của Tin mừng", Mamberti nói.

"Sứ mệnh chính là tình yêu, trở thành sự phục vụ cho Giáo hội và toàn thể nhân loại", ĐHY Mamberti nói, đồng thời đặt nền tảng cho việc công bố Tin mừng ra bên ngoài trong sự tôn thờ Chúa, điều mà ngài gọi là "một chiều kích thiết yếu của sứ mệnh của Giáo hội và của đời sống tín hữu".

Một Hồng Y dường như đã nhận xét sau Thánh lễ rằng trước đó ngài không để ý đến ĐHY Mamberti, nhưng ngài "trông giống" một giáo hoàng.

Người ta nói, trong số ít các Hồng Y hiện đang thúc đẩy lý lẽ bênh vực Mamberti, có một số Hồng Y cấp cao của Vatican, cả những người trong mật nghị và những người trên 80 tuổi, những người đặc biệt lo ngại việc bỏ phiếu trở nên bế tắc và gay gắt.

Tất nhiên, có một khoảng cách dài giữa sự ủng hộ thầm lặng của một số ít Hồng Y và đa số hai phần ba trong một mật nghị. Nhưng, theo những người tung tên Mamberti, ngài có thể nổi lên như một ứng viên được đồng thuận nếu nhiều vòng bỏ phiếu không mang lại kết quả rõ ràng — một pontifex theo nghĩa đen của một "người xây cầu".

Có vẻ như đó là một kết quả không thể xảy ra, và những ứng viên được mong đợi được mong đợi vì những lý do chính đáng. Nhưng nếu tất cả các ứng viên rõ ràng và có khả năng hơn thấy không thể đạt được đa số đột phá, thì những điều kỳ lạ hơn có thể xảy ra.
 
Các Hồng Y có cuộc họp tiền mật nghị cuối cùng
Vũ Văn An
15:10 06/05/2025

Một vị Hồng Y, quảng trường Thánh Phêrô 30 tháng Tư, 2025. Dimitar DILKOFF / AFP


Tạp chí Aleteia, ngày 06/05/25, tường trình: Các Hồng Y bắt đầu chuyển vào phòng của họ tại Santa Marta và bước vào sự im lặng sâu hơn. Thời gian đang trôi qua.

Cuộc họp chung thứ 12 và - trừ khi có những tình huống bất ngờ - cuối cùng của các Hồng Y trước khi mật nghị bắt đầu vào thứ Ba, ngày 6 tháng 5, vào buổi sáng, tại Hội trường Thượng hội đồng. Chỉ còn vài giờ nữa là đến mật nghị, sẽ khai mạc vào ngày 7 tháng 5 lúc 4:30 chiều tại Nhà nguyện Sistine, các Hồng Y đã kín đáo với báo chí.

Đối diện với nhiều nhà báo hơn cả ngày hôm trước, các Hồng Y đã né tránh hơn so với những ngày trước. Một số lượng lớn cảnh sát, một số mặc thường phục, có mặt để hộ tống các Hồng Y đi bộ đến và giữ họ tránh xa đám đông máy ảnh. Một số được hộ tống kín đáo qua các hàng cột của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô để tránh tiếp xúc với báo chí.

Trong số ít vị phát biểu, Hồng Y người Thụy Điển Anders Arborelius cho biết ngài vẫn chưa "hoàn toàn chắc chắn" về lựa chọn của mình cho cuộc bầu vị giáo hoàng tương lai. "Tất cả chúng tôi đều đang suy nghĩ về điều đó", ngài giải thích.

"Giáo hội cần một người kế nhiệm thánh thiện có thể giúp thế giới khám phá lại Chúa Kitô và truyền bá Tin mừng", vị giám mục của Stockholm nói với Aleteia, chỉ ra tầm quan trọng của việc "thúc đẩy hòa bình".

"Tôi hơi mệt, nhưng tôi ổn", vị tu sĩ dòng Cát Minh 75 tuổi, người cũng có tên trong nhiều danh sách papabili, khẳng định.

Các Hồng Y sẽ sớm bị cắt đứt khỏi thế giới

Nhiều Hồng Y đến bằng xe hơi, có lẽ mang theo vali để họ có thể ổn định trong phòng của mình tại dinh thự Santa Marta, nơi họ có thể ở từ sáng nay. Các Hồng Y có thời gian đến sáng mai để chuyển vào.

Trong những ngày gần đây, tất cả những người thường trú tại hai ngôi nhà của Saint Martha - ngôi nhà cũ và ngôi nhà mới - đều phải rời khỏi khuôn viên, nơi đã được tái cấu trúc và bảo vệ để có thể tiếp nhận 133 Hồng Y sẽ bỏ phiếu bầu người kế nhiệm Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Chỉ có phòng 201 - căn hộ của vị giáo hoàng quá cố - vẫn chưa có người ở. Căn hộ vẫn được niêm phong cho đến khi bầu ra giáo hoàng mới, người mà nếu muốn sẽ có thể cư trú tại đó trong những ngày đầu tiên của triều đại giáo hoàng. Ngài cũng sẽ đến thăm các căn hộ của giáo hoàng tại Điện Tông tòa, nơi cũng đã được niêm phong sau khi Đức Phanxicô qua đời vào ngày 21 tháng 4 và có thể chọn chuyển đến đó.

Khoảng 100 người, bao gồm cả giáo sĩ và giáo dân, những người sẽ tham gia vào các khía cạnh hậu cần, an ninh và tâm linh của mật nghị, đã tuyên thệ vào chiều ngày 5 tháng 5 tại Nhà nguyện Pauline để đảm bảo tính bí mật hoàn toàn của các cuộc thảo luận.

Các Hồng Y cử tri sẽ tắt điện thoại di động của mình tại dinh thự Santa Marta và sẽ không thể lấy lại cho đến khi cuộc họp kín kết thúc.

Các Hồng Y trên 80 tuổi vẫn được tự do di chuyển, nhưng họ sẽ dành những ngày này để hiệp nhất tinh thần với các Hồng Y cử tri, Matteo Bruni, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, giải thích trong cuộc họp báo vào tối Thứ Hai.
 
Thánh Gioan trong Dầu và Mật nghị bầu Giáo Hoàng
Vũ Văn An
15:33 06/05/2025



JD Flynn của The Pillar, ngày 6 tháng 5, 2025, hiện có mặt tại Rôma, cho hay:Mọi thứ đã sẵn sàng trong Nhà nguyện Sistine để bầu ra một vị giáo hoàng.

Nhưng trước khi đi sâu vào vấn đề đó, có một truyền thống địa phương trong Giáo phận Rôma mà bạn nên biết; một lễ nghi phụng vụ diễn ra vào năm nay chỉ một ngày trước khi Hội đồng Hồng Y vào Nhà nguyện Sistine và bầu ra vị Đại diện của Chúa Kitô trên trái đất.

Lễ này chính thức được gọi là Thánh Gioan tại Cổng Latinh, vì Cổng Latinh là nơi có nhà thờ có liên quan ở Rôma. Nhưng người dân địa phương gọi đó là San Giovanni in Oleo — "Thánh Gioan trong Dầu".

Câu chuyện kể rằng Thánh Gioan Tông đồ và là Tin mừng gia— vị tông đồ mà Chúa Giêsu yêu mến — đã bị bắt tại Ephesus, bị đưa đến Rôma và bị đưa ra xét xử một cách biểu diễn bởi hoàng đế Domitian, một nhà dân túy chuyên quyền mà một số người coi là một nhà độc tài.

Domitian, trong nỗ lực khôi phục lại sự vĩ đại của thành phố Rôma, là một nhà xây dựng đồ sộ và là một nhà quản lý kinh tế có năng lực, nhưng ông cũng là một kẻ đàn áp dữ dội các Ki-tô hữu— ông không thích họ vì những tuyên bố của họ về thần tính của Chúa Kitô bị coi là phạm thượng, và ông đang nhắm đến việc khôi phục lại nền văn hóa La Mã, bao gồm cả sự thống trị của tôn giáo ngoại giáo.

Có thể Domitian cũng không thích các Ki-tô hữu vì đạo đức khó chịu của họ không chấp nhận mối quan hệ ngoài luồng được đồn đại của ông với cháu gái của chính mình, nhưng không ai có thể thực sự chắc chắn.

Dù sao đi nữa, theo những câu chuyện — được Tertullian và sau đó là Thánh Jerome đề cập — Domitian đã đưa tông đồ Gioan ra xét xử cách nào đó.

Sau đó, tuyên bố ngài có tội chống lại nhà nước, Domitian đã ném Thánh Gioan vào một thùng dầu sôi lớn.

Bạn sẽ nhớ lại San Giovanni in Oleo.

Thông thường, khi thịt chạm vào dầu nóng, protein sẽ bị phân hủy và độ ẩm chuyển thành hơi nước, nấu chín nhanh chóng.

Nhưng điều đó đã không xảy ra với Thánh Gioan.

Có vẻ như ngài đã ngâm mình hoàn toàn trong dầu trong vài phút. Nhưng theo Thánh Jerome: "Ngài đã trở ra sạch sẽ và khỏe mạnh hơn khi bước vào".

Domitian dường như đã rất tức giận đến nỗi đã bắt Gioan uống một ly thuốc độc ngay tại chỗ. Khi điều đó không hiệu quả, ông đã nghĩ ra hình phạt tốt nhất có thể tiếp theo và đày ngài đến Hy Lạp, nơi Thánh Gioan đã có những hình ảnh khải huyền, được ghi lại trong sách Khải Huyền.

Nhà nguyện nhỏ bé San Giovanni trong Dầu được cho là được xây dựng tại nơi Chúa tha chết cho Thánh Gioan. Hầu như nhà nguyện này đóng cửa, chỉ tổ chức lễ cầu nguyện công khai vài phút mỗi năm vào cuối lễ rước Thánh Gioan, như tôi được kể lại.

Vấn đề ở đây là: Chúa là người bảo vệ Giáo hội của Người. Và Chúa làm việc theo những cách phi thường, không thể hiểu thấu.

Thánh Gioan có thực sự đến Rôma để sống sót sau khi bị chiên ngập dầu, để ngài có thể chuyển đến Hy Lạp và viết Kinh thánh không?

Tôi không biết.

Nhưng tôi biết rằng Chúa thực sự đang hành động trên thế giới, để duy trì Giáo hội của Người — đôi khi theo những cách hữu hình, và thường xuyên hơn là theo sự chuyển động mầu nhiệm của Chúa Thánh Thần theo những cách thực sự kỳ lạ hơn nhiều, đẹp đẽ hơn nhiều và sâu sắc hơn nhiều.

Các Hồng Y sẽ chọn một vị giáo hoàng. Ngài sẽ là một giáo hoàng tốt hay một giáo hoàng xấu, chúng ta vẫn chưa biết. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả chúng ta, cuộc sống của các giáo xứ và con cái chúng ta. Giáo hoàng là ai mới là điều quan trọng.

Nhưng giáo hoàng không phải là người duy trì Giáo hội. Chúng ta không nên đặt niềm tin vào giáo hoàng. Đó là Chúa có thể giữ cho con người sống trong những thùng dầu sôi, hoặc cứu họ khỏi cái chết bằng thuốc độc. Đó là Chúa đã chiến thắng chính cái chết.

Đó là Chúa đã biến Giáo hội này thành bí tích cứu rỗi, bất chấp tội lỗi, khuyết điểm, sai lầm và xung đột trong 2,000 năm.

Đó là một mầu nhiệm sâu sắc đối với tôi. Đó là điều mà tôi đặt niềm tin vào. Thiên Chúa là có thật, và Người yêu Giáo hội của Người, trong mọi thế hệ.

Đức Phanxicô đã công bố điều này, trong Lumen fidei: “Những gì được truyền đạt trong Giáo hội, những gì được truyền lại trong Truyền thống sống động của Giáo hội, là ánh sáng mới phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa đích thực, một ánh sáng chạm đến cốt lõi của bản thể chúng ta và thu hút tâm trí, ý chí và cảm xúc của chúng ta, mở ra cho chúng ta những mối quan hệ được sống trong sự hiệp thông.”

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin đó.
 
Cơ Mật Viện Hồng Y 2025: Vai trò của Chúa Thánh Thần trong cuộc bầu cử Giáo hoàng
J.B. Đặng Minh An dịch
15:46 06/05/2025

Tờ National Catholic Register có bài phân tích nhan đề “Conclave 2025: The Holy Spirit’s Role in the Papal Election”, nghĩa là “Cơ Mật Viện Hồng Y 2025: Vai trò của Chúa Thánh Thần trong cuộc bầu cử Giáo hoàng”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Khi các Hồng Y tập trung tại Nhà nguyện Pauline và diễn hành đến Nhà nguyện Sistina vào ngày 7 tháng 5 để bắt đầu quá trình bầu chọn giáo hoàng mới, các ngài cầu xin sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần khi hát bài Veni Creator Spiritus – “Thánh Thần, khấn xin ngự đến”

Nhiều người cho rằng Chúa Thánh Thần trực tiếp tiết lộ chính xác người nào nên là giáo hoàng. Nếu đúng như vậy, sẽ có cuộc bầu cử nhanh chóng. Nhưng một số Cơ Mật Viện trong nhiều thế kỷ đã kéo dài cả tuần, thậm chí cả tháng — hoặc hết năm này sang năm khác — trong khi những Cơ Mật Viện khác đã bầu ra những giáo hoàng có tính cách đáng ngờ.

Mặt khác, có quan niệm cho rằng Cơ Mật Viện gần giống với kiểu thỏa thuận ngầm thường thấy ở thời kỳ đã qua của các cỗ máy chính trị.

Không có kịch bản nào trong số này là đúng.

'Hướng dẫn' là từ khóa cần chú ý

Đức Ông Roger Landry, giám đốc quốc gia của Hội Truyền giáo Giáo hoàng và là cộng tác viên thường xuyên của EWTN và Register, giải thích rằng, “Chúa Thánh Thần luôn hoạt động để cố gắng hướng dẫn Giáo hội và từng tín hữu. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta — và các Hồng Y trong các Cơ Mật Viện — có ngoan ngoãn với những nguồn cảm hứng của Người, thường rất tinh tế, giống như một làn gió nhẹ, như được mô tả trong cuộc trò chuyện của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô hay không. Vì vậy, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống cùng với những ân sủng của Người trên các Hồng Y — đặc biệt là những ân sủng về sự khôn ngoan, thận trọng, lòng can đảm và lòng kính sợ Chúa — và cũng ban cho các ngài những ân sủng thực sự để tìm kiếm và theo đuổi những nguồn cảm hứng của Người.”

Đức Ông Roger Landry nhắc nhớ đến một sự kiện vào năm 1997, khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger khi đó được hỏi trên truyền hình Bavarian rằng Chúa Thánh Thần có chọn giáo hoàng hay không, và ngài trả lời: “Tôi sẽ không nói như vậy, theo nghĩa là Chúa Thánh Thần chọn ai là giáo hoàng. … Tôi sẽ nói rằng Chúa Thánh Thần không thực sự kiểm soát công việc, mà giống như một nhà giáo dục giỏi, để lại cho chúng ta nhiều không gian, nhiều tự do, mà không hoàn toàn từ bỏ chúng ta. Do đó, vai trò của Chúa Thánh Thần nên được hiểu theo nghĩa linh hoạt hơn nhiều, không phải là Người ra lệnh bầu cho một ứng cử viên nhất định nào mà người ta phải bỏ phiếu. Có lẽ sự bảo đảm duy nhất mà Người đưa ra là mọi thứ không thể bị hủy hoại hoàn toàn.”

Ralph Martin, chủ tịch của Renewal Ministries và giám đốc chương trình thần học sau đại học về Tân Phúc Âm hóa tại Đại Chủng viện Sacred Heart thuộc Tổng giáo phận Detroit, cho biết: “Tôi phải thừa nhận rằng tôi đã bị sốc khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 nói rằng không phải Chúa Thánh Thần lựa chọn Đức Giáo Hoàng, mà là các Hồng Y”.

“Nhưng khi suy ngẫm về những lời của ngài, tôi hiểu rằng ý ngài muốn nói là Chúa Thánh Thần thường hoạt động thông qua các công cụ của con người — mặc dù con người có thể bác bỏ Ngài nếu họ muốn — và rằng chúng ta, những công cụ của con người, bao gồm cả các Hồng Y, có thể 'dập tắt' hoặc 'làm buồn' Chúa Thánh Thần, như Kinh thánh cảnh báo chúng ta không được làm như thế.”

Ông nói thêm, “Rõ ràng là con người chúng ta, kể cả các Hồng Y, có thể đầu hàng trước sự đố kỵ, sợ hãi, ganh ghét, ganh đua, áp lực từ bạn bè, hèn nhát hoặc chỉ đơn thuần là sự mù quáng và thiếu hiểu biết về mặt tâm linh, và đi đến chỗ không còn khả năng vâng phục Thánh Linh nữa.”

Khi suy ngẫm thêm về “tuyên bố gây sốc ban đầu” của Đức Bênêđíctô, Martin cho biết ông đã nhận ra rằng, “Điều đó rất có lý vì trong suốt 2.000 năm qua, chúng ta đã có những vị giáo hoàng tầm thường hoặc thậm chí rất tệ - không chỉ về mặt đạo đức hay tâm linh, mà còn về mặt trí tuệ, tầm nhìn, khả năng lãnh đạo, v.v. - và chắc chắn đã có những thời điểm các Hồng Y 'tự mình' lựa chọn giáo hoàng tiếp theo mà ít chú ý đến Chúa Thánh Thần”.

Như Đức Ông Landry đã giải thích, “Sẽ là phạm thượng khi nghĩ rằng mọi quyết định mà các Hồng Y đưa ra, cũng giống như mọi quyết định mà chúng ta đưa ra, đều tự động là điều mà Chúa Thánh Thần muốn. Nếu không, chúng ta sẽ không bao giờ có một số giáo hoàng vô đạo đức đã lãnh đạo Giáo hội trong 2.000 năm qua. Trong khi Chúa Thánh Thần ngăn cản các ngài, thông qua đặc sủng bất khả ngộ, không bao giờ giảng dạy điều gì đó hoàn toàn trái ngược với kho tàng đức tin và luân lý, thì những giáo hoàng vô đạo đức này rõ ràng đã chọn sống theo xác thịt hơn là theo Chúa Thánh Thần trong cuộc sống cá nhân và trong nhiều khía cạnh khác nhau trong việc cai quản của các ngài”.

Ví dụ, vào thế kỷ 16, hai vị giáo hoàng từ gia đình Medici phù hợp với khuôn mẫu này. Đó là lý do tại sao “sự hợp tác với ân sủng của Chúa lại quan trọng đến vậy vì rất dễ rơi vào lối suy nghĩ thế tục, chủ nghĩa bè phái và tham vọng”, R. Jared Staudt, giám đốc nội dung tại tông đồ Công Giáo dành cho nam giới Exodus 90 và là thành viên hội đồng quản trị của Rosary College ở Greenville, Nam Carolina, lưu ý.

Mặt khác, ngài giải thích, “Các Hồng Y càng thánh thiện và càng hợp tác với ân sủng của Chúa thì Chúa Thánh Thần càng có thể hướng dẫn các quyết định của các ngài. … Chúng tôi hy vọng rằng các Hồng Y sẽ tiếp cận nhiệm vụ lớn lao là bầu giáo hoàng với thiện chí, tích cực tìm kiếm điều tốt nhất cho toàn thể Giáo hội chứ không chỉ cho bất kỳ phe phái cụ thể nào.”

Tuy nhiên, vì Chúa Thánh Linh không thể phạm sai lầm, vậy chúng ta nên xem xét những lựa chọn tồi tệ đã xảy ra trong quá khứ như thế nào?

“Sự quan phòng của Chúa hoạt động vì lợi ích của Giáo hội thông qua mọi sự,” Staudt giải thích. “Khi giáo sĩ và giáo dân của Giáo hội thánh thiện, các kế hoạch quan phòng của Chúa sẽ diễn ra dễ dàng hơn, nhưng khi điều ngược lại xảy ra, Chúa cho phép những khó khăn để thanh lọc Giáo hội và mang lại sự đổi mới.”

Vai trò của sự phân định

Cha dòng Phanxicô Capuchin Thomas Weinandy, cựu thành viên Ủy ban Thần học Quốc tế của Vatican, người cũng đã giảng dạy tại Đại học Oxford ở Anh trong nhiều năm, nói với tờ Register rằng rõ ràng Chúa Thánh Thần có vai trò trong việc lựa chọn giáo hoàng mới trong Cơ Mật Viện thông qua sự phân định.

“Ngài muốn khai sáng trái tim và khối óc của các Hồng Y đang bỏ phiếu xem ai là ứng cử viên tốt nhất. Nhưng rõ ràng là Ngài đang truyền cảm hứng cho con người,” vị linh mục nói.

“Theo một nghĩa nào đó, Chúa Thánh Thần không ra lệnh cho các Hồng Y, mà giúp các ngài phân định xem ai có đủ tiêu chuẩn tốt nhất vào thời điểm Cơ Mật Viện, những gì cần thiết ở một giáo hoàng vào thời điểm này,” Cha Weinandy nói thêm. “Ngài có nghĩ đến một ứng cử viên cụ thể nào không? Tôi không biết. Người ta cho rằng sẽ có một số Hồng Y là ứng cử viên xuất sắc. Vì vậy, đó là sự kết hợp giữa Chúa Thánh Thần soi sáng cho các Hồng Y, nhưng cũng là sự kết hợp giữa các Hồng Y sử dụng lý trí của riêng các ngài và đánh giá các tiêu chuẩn của các Hồng Y và nhu cầu của Giáo hội tại thời điểm giáo hoàng được bầu chọn.”

Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng Chúa Thánh Thần không can thiệp vào ý chí tự do của con người.

“Chúa Thánh Thần có thể khai sáng lương tâm của các Hồng Y, để các Hồng Y tự do lựa chọn người mà các vị ấy nghĩ là ứng cử viên tốt nhất cho sư vụ giáo hoàng. Hy vọng rằng những gì xuất hiện vào cuối cùng, sau khi bỏ phiếu và giáo hoàng được chọn, là một người mà Chúa Thánh Thần rõ ràng đã tham gia vào.”

Cha Weinandy giải thích rằng, mỗi lần bỏ phiếu, vị Hồng Y sẽ giơ lá phiếu của mình lên bằng tay phải và “thề trước Chúa rằng, trong tâm trí mình, người mà ngài bỏ phiếu là ứng viên tốt nhất, người nên trở thành Giáo hoàng”.

“Nó giống như việc thoát khỏi mọi chính trị, định kiến để chấp nhận sự can thiệp vào những gì Chúa Thánh Thần muốn thực hiện”.

Các Hồng Y đã tập trung vào việc cầu nguyện trong những ngày trước khi diễn ra Cơ Mật Viện — và mời toàn thể Giáo hội tham gia cùng họ.

“Chắc chắn chúng ta nên cầu nguyện,” Đức Ông Charles Pope, một linh mục tại Tổng giáo phận Washington và là cộng tác viên thường xuyên của Register, khuyên. “Những lời cầu nguyện của chúng ta tạo nên sự khác biệt lớn. Chúa luôn biết liệu chúng ta có cầu nguyện hay không. Chúa sẽ gia tăng ân sủng nếu chúng ta cầu nguyện. Nhưng đến cuối ngày, Người sẽ không bảo đảm kết quả theo nghĩa là điều đó sẽ cướp đi sự tự do của các Hồng Y.”

Martin nói thêm, “Lời cầu nguyện của tôi cho Cơ Mật Viện sắp tới là Chúa Thánh Thần sẽ hoạt động mạnh mẽ đến nỗi ngay cả những Hồng Y thiếu chú ý nhất về mặt tâm linh hoặc những người có ham muốn vô cùng hỗn loạn cũng không thể không nghe thấy tiếng nói của Người hoặc không thấy Người đang dẫn dắt họ lựa chọn ai. Hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến!”


Source:National Catholic Register
 
Mật Nghị bầu tân Giáo Hoàng bắt đầu vào ngày 07.5.2025
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
16:53 06/05/2025
Mật Nghị bầu tân Giáo Hoàng bắt đầu vào ngày 07.5.2025

Sau nghi thức an táng của ĐGH Phanxicô đã hoàn tất tại đền thờ Đức Bà Cả vào thứ bẩy, 26.4.2025, thì Tòa Thánh Vatican đã ấn định Mật Nghị bầu tân Giáo Hoàng sẽ bắt đầu vào thứ tư, ngày 07.5.2025.

Từ thời gian này tất cả Giáo Hội Công Giáo và thế giới hiện tại đều dõi mắt hướng về Vatican và mọi sự chú ý đều đổ dồn vào việc bầu chọn vị kế nhiệm ĐGH Phanxicô.

Các Hồng Y cử tri cho biết họ đã ấn định ngày này trong cuộc họp kín lần đầu tiên sau tang lễ của ĐGH Phanxicô. Chỉ trong hơn một tuần nữa, các Hồng Y đủ điều kiện bỏ phiếu (dưới 80 tuổi) từ khắp nơi trên thế giới sẽ trở lại Tòa Thánh Vatican và tập họp trong Nhà Nguyện Sixtine để cầu nguyện, bỏ phiếu - gọi là Mật Nghị (Conklave) cho đến khi bầu ra được vị Giáo Hoàng mới cho Giáo Hội Công Giáo. Nên nhắc lại, vào năm 2005 mật nghị bầu được GH Bênêđictô XVI và năm 2013 bầu GH Phanxicô, thì cả hai lần Mật Nghị này đều kéo dài chỉ có hai ngày. Khi họp Mật Nghị bầu tân Giáo Hoàng mọi liên lạc với thế giới bên ngoài bị nghiêm cấm trong thời gian này. Chắc chắn trong thời đại Internet thì Tòa Thánh sẽ có biện pháp loại bỏ triệt để tất cả điện thoại di động của từng Hồng Y. Và rong thời gian họp Mật Nghị thì tất cả HY sẽ cư trú trong nội thành Vatican gọi là nhà Domus Sanctae Marthae.

Có bao nhiêu Hồng Y được tham dự?

Tất cả các Hồng Y chưa đến 80 tuổi vào thời điểm Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua đời đều đủ điều kiện bỏ phiếu. Trong số 252 Hồng Y hiện tại thì có 135 Hồng Y hợp với điều kiện này để bầu Giáo Hoàng. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa rõ có bao nhiêu người trong số họ thực sự sẽ tham gia, ngoại trừ bệnh tật thì hầu như ai cũng không muốn vuột mất cơ hội tham dự bầu Giáo Hoàng trong một đời người làm Hồng Y. Như thế 117 vị Hồng Y trong Giáo Hội trên 80 tuổi, trong đó có HY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (TGP Hà Nội, SN 1938) và HY Gioan B. Phạm Minh Mẫn (TGP Sài Gòn, SN 1934) đã quá giới hạn tuổi tham dự Mật Nghị bầu Giáo Hoàng.

Trong Giáo Hội Công Giáo các Châu Lục được tính số 135 HY dưới 80 tuổi như sau: 53 HY của Âu Châu, 23 của Á Châu, 17 của Châu Mỹ Latinh, 20 của Châu Mỹ, 18 của Châu Phi và 4 của Ozeanien. Có vài HY mà trong họ chưa hề quen biết nhau, ví dụ như HY Anders Arborelius của Thụy Điển vừa cho báo chí biết là các quốc gia mới có HY đầu tiên như Myanmar, Haiti và Ruanda thì ĐHY Arborelius chưa hề gặp mặt họ. Trong số 135 HY hiện tại dưới 80 tuổi thì có 22 vị HY đã được tấn phong bởi ĐGH Bênêđictô XVI và 5 HY bởi ĐGH Gioan Phaolô II.

Vị Hồng Y được chọn trong Mật Nghị bầu Giáo Hoàng 2025 sẽ là Giáo Hoàng thứ 267 của GH Công Giáo và là người đứng đầu 1,4 tỷ người Công Giáo trên toàn thế giới.

Bằng lá phiếu của mình, 135 Hồng Y không chỉ quyết định về vị lãnh đạo tôn giáo của người Công Giáo - thường được gọi là đấng kế vị Thánh Phêrô Tông Đồ, mà còn quyết định cả đường hướng của Giáo Hội. Có những Hồng Y đã bày tỏ mong muốn tiếp tục sự tập trung của Đức GH Phanxicô vào những người nghèo sống bên lề xã hội và vì công lý xã hội. Nhưng trong số những Hồng Y bảo thủ, một số muốn đưa Giáo Hội trở lại phù hợp hơn với những giáo lý cốt lõi căn bản vốn đã có dưới thời các Giáo Hoàng trước là Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI làm trọng tâm.

Chuyện gì sẽ xảy ra trước Mật Nghị bầu Giáo Hoàng?

Trong thời kỳ "Trống Tòa" (Sedis vacantia), Hồng Y đoàn tạm thời đảm nhiệm việc điều hành Giáo Hội hoàn vũ, nhưng không đưa ra bất kỳ một quyết định cơ bản nào về luật giáo luật.

Cho đến khi cuộc bầu cử Giáo Hoàng bắt đầu, các đại diện của Giáo Hội sẽ ở trong thời khắc gọi là "Tiền Mật Nghị" - khoảng thời gian giữa thông báo chính thức về cái chết của Giáo Hoàng và Mật Nghị. Giai đoạn này kéo dài ít nhất 15 ngày và tối đa là 20 ngày.

Các Hồng Y đang có mặt tại Rôma tận dụng khoảng thời gian này: dưới sự chỉ đạo của Hồng Y Trưởng, các "Đại hội đồng" hàng ngày đều diễn ra tại Vatican. Các Hồng Y ở mọi lứa tuổi đều có quyền phát biểu và bỏ phiếu tại các cuộc họp này. Đối với nhiều HY, đây là cơ hội đầu tiên để họ phát biểu trước những cử tri tương lai. Các vấn đề về tổ chức lễ an táng và họp Mật Nghị được quyết định trước tiên. Ngoài ra, tình hình của Giáo Hội và những yêu cầu đối với một Giáo Hoàng tương lai cũng được thảo luận.

Người kế nhiệm Đức GH Phanxicô có thể đến từ Châu Phi, Châu Á không?

Chúng ta nên biết, ĐGH Phanxicô là vị GH thứ 266 của Giáo Hội và là người đầu tiên đến từ Á Căn Đình thuộc về Châu Mỹ Latinh. Cũng như vậy chưa bao giờ có một Giáo Hoàng người Châu Phi, Châu Á - nhưng hiện nay một số nhận định đang được thảo luận vì thực tế con số giáo dân đang gia tăng rất mau chóng tại hai Châu lục này.

Thông thường, các ứng cử viên Hồng Y nổi bật được ưa chuộng luôn được các phương tiện truyền thông đưa tin, bàn tán trước ngày khai mạc Mật Nghị - nhưng kết quả bỏ phiếu thường khá khác biệt vào cuối cùng, lúc mọi người sẽ nhìn thấy khói trắng bay cao trên ống khói nhà nguyện Sixtine và cả thế giới sẽ được tòa Thánh Vatican long trọng báo tin: "Habemus Papam - Chúng ta có Giáo Hoàng".

Có một câu ngạn ngữ từ ngàn năm: "Ai bước vào mật nghị là Giáo Hoàng và khi bước ra vẫn là Hồng Y", vì thế vị tân Giáo Hoàng luôn là một kết quả khác hẳn sự đoán ý của con người và chúng ta thường nói đó là việc làm của Chúa Thánh Thần.

Thời gian tới mọi người Công Giáo chúng ta và toàn thế giới rất hồi hộp lắng nghe: "Habemus Papam".

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bí Tích Thêm Sức _ Gx Đức Mẹ La Vang Fresno California
Magarita Nguyễn Phương Lan
00:53 06/05/2025
Thánh Lễ Ban Bí Tích Thêm Sức GX Đức Mẹ La Vang Fresno California do Đức Giám Mục Joseph V. Brennan 5/4/2025
XEM HÌNH
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Ơn gọi Linh mục và Tu sĩ trong Giáo hội hôm nay
Lm Thái Nguyên
06:34 06/05/2025
ƠN GỌI LINH MỤC VÀ TU SĨ TRONG GIÁO HỘI HÔM NAY

I. MỞ ĐẦU
• Bối cảnh xã hội và văn hóa hiện đại
• Mục tiêu đề tài: Làm sáng tỏ nền tảng thần học – Kinh Thánh về ơn gọi, cho thấy thực trạng ơn gọi hiện nay, và đề xuất hướng canh tân – phát triển.

II. NỀN TẢNG THẦN HỌC VÀ KINH THÁNH VỀ ƠN GỌI
1. Một sự chọn lựa thần linh, không phải là tuyển dụng nhân sự
2. Ơn gọi là nhiệm mầu tình yêu, không phải vì công trạng
3. Ơn gọi là lời mời gọi đáp lại tình yêu, không phải là nghĩa vụ
4. Tính siêu việt và nhưng không của ơn gọi

III. THỰC TRẠNG ƠN GỌI HÔM NAY
1. Những tín hiệu tích cực
• Sự tăng trưởng tại Á Châu và Phi Châu
• Khát vọng sống đời dâng hiến của giới trẻ
2. Những thách đố lớn
• Khủng hoảng căn tính linh mục – tu sĩ
• Chủ nghĩa cá nhân – hưởng thụ
• Thiếu nâng đỡ từ gia đình và cộng đoàn
3. Suy giảm số lượng tại nhiều nơi
• Tình trạng báo động tại Âu – Mỹ
• Nhu cầu cấp thiết phải canh tân mục vụ ơn gọi
4. Tình hình tại Việt Nam: Ổn định nhưng chuyển biến
a. Tương đối ổn định nhưng không đồng đều
b. Thách đố từ xã hội hiện đại
c. Thiếu môi trường và sự đồng hành thiêng liêng
d. Tác động từ khủng hoảng trong Giáo Hội toàn cầu

IV. HƯỚNG CANH TÂN VÀ PHÁT TRIỂN ƠN GỌI
1. Đào sâu căn tính và linh đạo
2. Đồng hành và phân định ơn gọi
3. Tạo môi trường vun trồng ơn gọi
4. Làm chứng bằng đời sống hấp dẫn và chân thực

V. KẾT LUẬN

ƠN GỌI LINH MỤC VÀ TU SĨ TRONG GIÁO HỘI HÔM NAY

LỜI MỞ

Chúng ta đang sống trong một thế giới biến động chưa từng có. Cuộc cách mạng công nghệ số, sự lan rộng của toàn cầu hóa, cùng với làn sóng tục hóa đang làm thay đổi tận căn nền văn hóa nhân loại. Con người ngày nay đang rơi vào một lối sống thực dụng, cá nhân chủ nghĩa và tương đối hóa chân lý. Trong bối cảnh đó, Giáo Hội cũng đang phải đối diện với những thách đố nghiêm trọng: số tín hữu thực hành đạo giảm sút, nhiều người trẻ rời xa Giáo Hội, và đặc biệt là sự khủng hoảng về ơn gọi linh mục và tu sĩ. Tình trạng thiếu hụt ơn gọi tại nhiều giáo phận và dòng tu là một thực tế đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Người trẻ ngày nay khó đáp lại lời mời gọi tận hiến vì nhiều lý do: sự quyến rũ của đời sống tiện nghi, sự thiếu mẫu gương sống động, và cả sự mất phương hướng về căn tính và ý nghĩa cuộc đời.
Tuy nhiên, giữa lòng thế giới đang biến động và bị tục hóa ấy, ơn gọi linh mục và tu sĩ vẫn là một dấu chỉ ngôn sứ và sống động của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Những con người dám dâng hiến trọn vẹn đời mình cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân là những chứng nhân sống động cho niềm hy vọng và sự hiện diện của Nước Trời. Họ không chỉ thi hành một sứ mạng chức năng, mà còn là biểu tượng của một đời sống hiến thân vì tình yêu.
Chính vì thế, đề tài “Ơn gọi linh mục và tu sĩ trong Giáo Hội hôm nay” muốn đào sâu nền tảng Kinh Thánh và thần học của ơn gọi đời sống thánh hiến, nhìn lại thực trạng ơn gọi trong thế giới hiện tại, và từ đó đề xuất những định hướng canh tân nhằm khơi dậy, nuôi dưỡng và phát triển ơn gọi trong Giáo Hội. Đây không chỉ là một vấn đề mục vụ cấp bách, mà còn là một công việc loan báo Tin Mừng trong bối cảnh thời đại.
Ơn gọi trong Giáo Hội không phát sinh từ con người hay tổ chức, nhưng từ chính Thiên Chúa – Đấng yêu thương và kêu gọi con người cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Ngài. Cái nhìn thần học và Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu rằng ơn gọi là một mầu nhiệm – mầu nhiệm của tình yêu được trao ban, của lời mời gọi bước theo, và của sự đáp trả quảng đại.

I. NỀN TẢNG THẦN HỌC VÀ KINH THÁNH VỀ ƠN GỌI
ƠN GỌI LÀ SÁNG KIẾN CỦA THIÊN CHÚA

Ơn gọi – đặc biệt là ơn gọi linh mục và tu sĩ – không khởi đi từ khát vọng tự nhiên của con người, nhưng luôn là một lời mời gọi từ Thiên Chúa. Sáng kiến này hoàn toàn thuộc về Ngài, Đấng nhìn thấy trước và kêu gọi mỗi người theo một kế hoạch yêu thương đã được chuẩn bị từ thuở đời đời.

1. Một sự chọn lựa thần linh, không phải tuyển chọn nhân sự

Ngay từ thời Cựu Ước, Kinh Thánh đã minh chứng: ơn gọi luôn đến từ Thiên Chúa. Không ai có thể tự “ứng tuyển” vào sứ vụ ngôn sứ hay tư tế mà không được Thiên Chúa kêu gọi:
• Ngôn sứ Giêrêmia là một ví dụ điển hình: ông không xin làm ngôn sứ, trái lại còn muốn thoái thác. Nhưng Thiên Chúa đã quả quyết với ông: “Trước khi cho ngươi thành hình trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đã đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1,5).
• Tương tự, Môsê cũng được gọi giữa bụi gai cháy, dù ông vốn sợ hãi, cảm thấy mình bất xứng và yếu kém trong ăn nói (x. Xh 3,1-12). Chính Thiên Chúa đã trấn an ông: “Ta sẽ ở với ngươi”.
Những lời ấy cho thấy: không phải khả năng cá nhân, mà là lòng tín thác và sự vâng phục mới là nền tảng của ơn gọi.

2. Ơn gọi là một nhiệm mầu tình yêu, chứ không phải là sự tuyển chọn vì công trạng

Trong Tân Ước, Chúa Giêsu cũng bày tỏ rất rõ điều này nơi các môn đệ đầu tiên: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16). Đây là một tuyên ngôn then chốt để hiểu bản chất của ơn gọi: nó không phát xuất từ phía con người, mà từ Thiên Chúa – và lý do của sự chọn lựa đó không nằm ở tài năng, học vấn, hay đạo đức của người được gọi, mà là tình yêu nhưng không của Thiên Chúa.
Nhìn lại các môn đệ đầu tiên – Phêrô, Anrê, Gioan, Giacôbê – họ không phải là những người có “lý lịch đạo đức” xuất sắc. Họ là những ngư phủ, thô ráp, nóng tính, và thậm chí đầy sai lầm. Thế nhưng chính họ được Chúa chọn để xây dựng nền móng của Hội Thánh. Điều này cho thấy ơn gọi là ân huệ, không phải phần thưởng cho những ai xứng đáng.
Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Côrintô, cũng làm nổi bật ý tưởng này: “Thiên Chúa đã chọn những gì hèn mọn trước thế gian… để không ai được tự hào trước mặt Người” (1 Cr 1,27-29). Đây không phải là một chiến lược “nghịch lý” của Thiên Chúa, mà là cách Ngài bày tỏ quyền năng trong yếu đuối và lòng thương xót nơi những người không tự cứu mình.
Ơn gọi, vì thế, mang tính huyền nhiệm: không thể dự đoán, không thể đòi hỏi, không thể mua được. Nó chỉ có thể được đón nhận trong tâm tình khiêm tốn và biết ơn, như Mẹ Maria thưa: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1,48).

3. Một lời mời gọi đáp lại tình yêu, chứ không phải là nghĩa vụ

Ơn gọi không phải là sự cưỡng ép hay áp đặt, nhưng là một “cuộc hẹn yêu thương” mà Thiên Chúa mời gọi con người đáp lại bằng tự do và tình yêu. Chính vì vậy, trong mỗi ơn gọi đích thực, luôn có một yếu tố nhiệm mầu và riêng tư: đó là sự chạm đến của Thiên Chúa trong sâu thẳm cõi lòng.
Nhiều người đã kể lại họ cảm thấy “bị đánh động”, “bị lôi cuốn” vào đời sống thánh hiến không phải vì ép buộc hay điều kiện, mà vì họ không thể không đáp lại tình yêu quá lớn mà họ cảm nghiệm nơi Thiên Chúa.

4. Tính siêu việt và nhưng không của ơn gọi

Thánh Phaolô đã từng thốt lên: “Thiên Chúa đã chọn những gì thế gian cho là dại dột để làm hổ thẹn những ai khôn ngoan” (1Cr 1,27). Qua đó, ta thấy rõ hơn: Thiên Chúa kêu gọi ai tùy ý Ngài, không theo tiêu chuẩn nhân loại. Điều này vừa là một niềm an ủi cho người yếu đuối, vừa là một sự thức tỉnh cho người tự mãn.
Tóm lại: Ơn gọi không phải là chuyện “người ta muốn dâng hiến”, nhưng là chuyện Thiên Chúa muốn trao ban một sứ vụ. Con người chỉ có thể sống ơn gọi ấy cách trọn vẹn khi nhận ra: mình được biết – được yêu – và được sai đi từ một Thiên Chúa luôn đi bước trước.

II. THỰC TRẠNG ƠN GỌI HÔM NAY

Ơn gọi linh mục và tu sĩ trong Giáo Hội không diễn tiến theo đường thẳng, nhưng phản ánh những chuyển biến sâu sắc của thời đại. Thực trạng hôm nay là một bức tranh đa sắc: có ánh sáng hy vọng nhưng cũng không thiếu những vùng tối đáng lo ngại.

1. Những tín hiệu tích cực

Mặc dù nhiều nơi đang lo ngại về sự sụt giảm ơn gọi, vẫn có những điểm sáng mang lại niềm hy vọng cho tương lai Giáo Hội:
• Tại Á Châu và Phi Châu, số lượng ơn gọi linh mục và tu sĩ tiếp tục tăng trưởng đều đặn. Theo thống kê của Tòa Thánh, trong vài thập kỷ qua, hơn 60% ơn gọi mới của Giáo Hội đến từ các châu lục này. Đây là dấu hiệu cho thấy sức sống đức tin mãnh liệt nơi các cộng đoàn trẻ trung, năng động, dù còn nghèo về vật chất nhưng lại giàu lòng đạo đức và nhiệt huyết truyền giáo
• Nhiều người trẻ khát khao đời dâng hiến. Những phong trào tân Phúc âm hóa, các cuộc hành hương, đại hội giới trẻ, và việc tiếp xúc với các chứng nhân sống động đã khơi dậy trong giới trẻ lòng mến Chúa và thao thức sống đời phục vụ, đặc biệt giữa người nghèo và những người bị bỏ rơi. Điều này phản ánh một cuộc tìm kiếm sâu xa ý nghĩa cuộc đời giữa xã hội tiêu thụ hiện đại.

2. Những thách đố lớn

Tuy nhiên, ơn gọi hôm nay cũng đối diện với những khó khăn nghiêm trọng, vừa đến từ bên ngoài xã hội, vừa đến từ chính nội tại Giáo Hội:
• Khủng hoảng căn tính linh mục – tu sĩ: Trong một thế giới đề cao hiệu quả, kỹ năng và thành công, đời sống chiêm niệm và thiêng liêng có nguy cơ bị lu mờ. Một số người sống đời thánh hiến bị cám dỗ chạy theo “não trạng chức năng”, đánh mất chiều sâu cầu nguyện, sự hiệp nhất nội tâm, và căn tính người môn đệ.
• Chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ: Tư tưởng “tôi là trung tâm” cùng lối sống hưởng thụ, dễ dãi khiến nhiều bạn trẻ không còn sẵn sàng cho một sự dấn thân lâu dài. Họ sợ mất tự do, sợ cam kết suốt đời, sợ bỏ lại những tiện nghi quen thuộc. Đây là một rào cản lớn đối với việc chọn lựa đời sống tu trì –vốn đòi hỏi sự từ bỏ và tự hiến.
• Gia đình và cộng đoàn ít nâng đỡ: Gia đình là "vườn ươm ơn gọi", nhưng nhiều gia đình ngày nay không còn đặt nền tảng trên đức tin. Tình trạng ly dị, giáo dục đạo đức lỏng lẻo, áp lực học hành – nghề nghiệp khiến các bậc phụ huynh không sẵn lòng “hiến dâng” con mình cho Giáo Hội. Bên cạnh đó, cộng đoàn giáo xứ thiếu những mô hình sống động, thiếu các linh mục và tu sĩ hiện diện, đồng hành, để giới thiệu vẻ đẹp của đời sống dâng hiến.

3. Suy giảm số lượng tại nhiều nơi

Một thực trạng đáng báo động là sự suy giảm trầm trọng ơn gọi tại các nước Âu – Mỹ:
• Nhiều giáo phận tại châu Âu và Bắc Mỹ đang trong tình trạng thiếu linh mục nặng nề. Có nơi, một linh mục phải phục vụ cho 3–5 giáo xứ. Các dòng tu từng rất phát triển nay đang dần khép lại, không còn ơn gọi trẻ thay thế.
• Cơ cấu cộng đoàn già hóa, lớp trẻ hiếm hoi khiến sinh khí tu trì bị suy yếu. Việc duy trì hoạt động mục vụ trở thành một gánh nặng lớn. Đây là một lời cảnh tỉnh cho toàn Giáo Hội về nhu cầu canh tân mục vụ ơn gọi và đồng hành với giới trẻ trong môi trường văn hóa đang tục hóa sâu rộng.

4. Tình hình tại Việt Nam: Tương đối ổn định nhưng đang chuyển biến.

Tại Việt Nam, so với nhiều quốc gia phương Tây đang trải qua cuộc khủng hoảng trầm trọng về ơn gọi, thì tình hình ơn gọi linh mục và tu sĩ vẫn tương đối khả quan. Một số giáo phận như Xuân Lộc, Bùi Chu, Phát Diệm, Vinh… vẫn tiếp tục có đông chủng sinh và ơn gọi dòng tu. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ổn định ấy là những chuyển biến âm thầm đáng lưu ý.

a. Tương đối ổn định nhưng không đồng đều

Nhiều giáo phận vẫn ghi nhận số lượng ơn gọi dồi dào hàng năm, điển hình như Xuân Lộc với hàng trăm chủng sinh và thỉnh sinh mỗi năm, được xem là giáo phận có đông chủng sinh nhất cả nước. Tuy nhiên, một số giáo phận khác lại ghi nhận sự sụt giảm, nhất là ở các thành phố lớn, nơi nhịp sống hiện đại và trào lưu tục hóa gia tăng nhanh chóng.
Sự phân hóa giữa các vùng miền phản ánh thực trạng: ơn gọi không còn là hiện tượng đại trà, mà ngày càng trở thành một chọn lựa hiếm hoi và có ý thức hơn.

b. Những thách đố từ xã hội hiện đại

Người trẻ ngày nay bị lôi kéo bởi những giá trị thực dụng, tự do cá nhân, đam mê thành đạt và hưởng thụ. Đời sống tu trì, với những đòi hỏi khắt khe về khiết tịnh, khó nghèo, và vâng phục, không còn dễ thu hút như trước đây. Thêm vào đó, áp lực kinh tế gia đình, gánh nặng học hành, và tâm lý sợ ràng buộc cũng khiến nhiều bạn trẻ không dám bước vào đời tu. Sự hiện diện tràn ngập của mạng xã hội và văn hóa tiêu dùng làm cho đời sống chiêm niệm, cầu nguyện và đơn sơ trở nên xa lạ và khó sống đối với nhiều người trẻ.

c. Thiếu môi trường và sự đồng hành thiêng liêng

Một số nghiên cứu mục vụ cho thấy: đa phần người trẻ không có một người đồng hành thiêng liêng lâu dài, và cũng ít được khuyến khích từ môi trường gia đình hay giáo xứ. Việc nuôi dưỡng ơn gọi từ nhỏ đang bị bỏ ngỏ. Trong khi đó, chính Giáo hội mời gọi không ngừng: “Ơn gọi cần được gieo trồng, vun tưới và chăm sóc trong môi trường cụ thể: gia đình, giáo xứ, cộng đoàn”. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng: “Việc đồng hành là một nghệ thuật, và cần những người mục tử có khả năng lắng nghe, thấu hiểu và dẫn dắt”.

d. Tác động của những khủng hoảng trong Giáo Hội toàn cầu

Các vụ bê bối liên quan đến đời sống linh mục tại một số nơi trên thế giới, dù không trực tiếp tại Việt Nam, vẫn ảnh hưởng đến cái nhìn của người trẻ về ơn gọi. Tâm lý nghi ngờ, mất niềm tin hoặc dè dặt với đời sống tận hiến có thể khiến họ “chần chừ” hoặc chọn lựa những con đường khác. Đây là lời mời gọi khẩn thiết cho các linh mục và tu sĩ phải trở thành những chứng nhân đáng tin cậy, có đời sống nội tâm sâu xa, nhân cách trưởng thành và niềm vui hiện diện đích thực.
Đặc biệt, những linh mục – tu sĩ sống vui tươi, gần gũi, đơn sơ, và dấn thân nơi người nghèo đang trở thành những “ánh sáng hy vọng” cho người trẻ đang tìm kiếm căn tính và lý tưởng sống. Dù có những vùng tối đáng lo, nhưng các điểm sáng về ơn gọi – nhất là ở những vùng đất trẻ trung, nghèo nhưng đạo đức – vẫn thắp lên hy vọng. Thách đố hôm nay chính là lời mời gọi canh tân: đổi mới đời sống tu trì, đẩy mạnh đồng hành thiêng liêng và làm chứng bằng niềm vui Tin Mừng.

Iii. HƯỚNG CANH TÂN VÀ PHÁT TRIỂN ƠN GỌI

1. Đào sâu căn tính và linh đạo

Ơn gọi không phải là một công việc hay chức danh, nhưng là một lối sống – sống thuộc trọn về Chúa. Linh mục và tu sĩ không đơn thuần là những người “làm việc tông đồ”, mà trước tiên là những người “thuộc về Chúa Kitô”. Họ phải là người chiêm niệm giữa lòng thế giới, người giữ lửa Đức Tin trong thời đại nhiều chuyển động.
Việc đào tạo cần nhấn mạnh đời sống nội tâm, linh đạo cá vị với Chúa, học biết sống thinh lặng, cầu nguyện, sống các bí tích, lắng nghe Lời Chúa… Như Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis: “Căn tính linh mục không phải hình thành từ một công thức cứng nhắc, mà từ một con tim sống động kết hiệp với Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành”.

2. Đồng hành và phân định ơn gọi

Nhiều người trẻ cảm thấy bối rối trước những chọn lựa cuộc đời. Ơn gọi không thể ép buộc, cũng không thể khám phá một mình. Giáo Hội được mời gọi phát triển các nhóm đồng hành ơn gọi, các chương trình linh thao, tĩnh tâm, gặp gỡ thiêng liêng – nơi đó, người trẻ được lắng nghe, giải thích, phân định với sự đồng hành của linh hướng.
Đức Phanxicô đề cập đến “nghệ thuật đồng hành” : không áp đặt, nhưng biết đồng hành với lòng kiên nhẫn, biết tôn trọng sự trưởng thành nội tâm của từng người, và để Chúa Thánh Thần hướng dẫn tiến trình. Đức Phanxicô cho biết: “Phân định không phải là phép tính logic, mà là sự nhạy bén trước tiếng nói của Chúa trong lòng mình.”

3. Tạo môi trường vun trồng ơn gọi

Ơn gọi không sinh ra từ hư không. Nó nảy mầm trong những cộng đoàn đức tin sống động: gia đình đạo đức, giáo xứ cầu nguyện, nhóm bạn trẻ dấn thân… Đây là mảnh đất cần được chăm bón bằng đời sống bí tích, chia sẻ Lời Chúa, tấm gương phục vụ và bầu khí yêu thương.
Giáo Hội cần khơi dậy nơi người trẻ “văn hóa ơn gọi” – nghĩa là có cái nhìn tích cực và rộng mở về đời sống tận hiến như một lối sống đẹp, một chọn lựa có giá trị trong thời đại này. Các hoạt động cụ thể gồm: ngày cầu nguyện cho ơn gọi, chia sẻ chứng từ, trại ơn gọi, chương trình truyền thông ơn gọi sáng tạo trên mạng xã hội...

4. Làm chứng bằng đời sống hấp dẫn và chân thực

Ơn gọi lôi cuốn không phải qua bài giảng hay lý thuyết, mà chính là qua cuộc đời chứng nhân. Một linh mục đơn sơ, vui tươi, phục vụ hết mình; một nữ tu sống chan hòa, khiêm tốn và gần gũi – chính là “Tin Mừng sống động”.
Đã có biết bao nhiêu người nên chứng tá như thế trong thời đại chúng ta, như Thánh Têrêsa Calcutta; Tổng Giám Mục Oscar Romero; Cha Pedro Opeka,v,v… Họ không chiêu mộ, nhưng cuộc đời họ mời gọi cách mạnh mẽ. Thế giới cần thấy những tu sĩ đang sống, chứ không chỉ đang tồn tại.
Ơn gọi là một quà tặng – nhưng cũng là một mầm sống cần chăm sóc. Việc canh tân ơn gọi không thể tách rời khỏi đời sống thiêng liêng, mục vụ đồng hành, môi trường giáo dục đức tin và chứng tá sống động của các bậc sống tận hiến. Canh tân ơn gọi là canh tân chính Giáo Hội trong cội nguồn thâm sâu nhất: là thân mình sống động của Đức Kitô.

KẾT LUẬN

Ơn gọi linh mục và tu sĩ là một quà tặng vô giá Thiên Chúa ban cho Giáo Hội. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào của lịch sử – khủng hoảng niềm tin, tục hoá văn hóa, hay thách đố nhân bản – Chúa vẫn tiếp tục kêu gọi, và vẫn có những tâm hồn quảng đại đáp trả. Ơn gọi không bao giờ là vấn đề “không còn ai muốn đi tu”, mà là câu hỏi: “Chúng ta có đủ không gian nội tâm để nghe tiếng Chúa và đủ cộng đoàn nâng đỡ để sống lời đáp trả ấy không?”
Ngày nay, giữa những con số suy giảm tại Âu – Mỹ, lại là thời điểm nảy nở ơn gọi nơi Á – Phi. Chính trong thời khủng hoảng, Thiên Chúa đang thực hiện những điều mới. Tương lai của Giáo Hội không thuộc về sự hoài niệm quá khứ, nhưng thuộc về những ai biết nhìn về phía trước với đức tin, thắp sáng hy vọng, và dám gieo mình vào cánh đồng truyền giáo.
Ơn gọi không còn là con đường dành riêng cho những người “tốt lành đặc biệt”, mà là tiếng gọi phổ quát của một Thiên Chúa không ngừng bước vào đời thường, mời gọi từng người sống một đời hiến thân – có thể là hiến thân trong đời sống linh mục, tu sĩ, hay giữa lòng đời với linh đạo phục vụ và tình yêu trọn vẹn.

Giáo Hội hôm nay cần những người:
• Dám sống với Chúa trước khi làm việc cho Chúa.
• Dám yêu Giáo Hội trong những vết thương của nó.
• Dám sống chứng tá giữa một thế giới vô thần bằng niềm vui và tình yêu.
Ơn gọi hôm nay không chỉ là “trả lời cho quá khứ”, mà còn là hướng tới một tương lai hy vọng. Thế giới ngày càng khát khao những người có đời sống siêu việt, có trái tim rộng mở, và có can đảm sống nghịch dòng.
Hơn bao giờ hết, Chúa Thánh Thần vẫn đang âm thầm hoạt động. Chúng ta được mời gọi không ngừng cầu nguyện, nâng đỡ, và can đảm xây dựng một nền văn hóa ơn gọi – nơi mỗi người trẻ có thể lắng nghe, phân định và can đảm bước đi.
Và trên hết, chúng ta được mời gọi tin tưởng: Dù có bao nhiêu bóng tối, thì ơn gọi là ánh sáng vẫn không tắt. Tương lai của Giáo Hội không phải là sự suy tàn, mà là mùa xuân của những ơn gọi đích thực – được thanh luyện, thắp lửa, và sai đi.

Lm. Thái Nguyên

Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi: https://youtu.be/R2OsXnc_ntc?si=H0zYyFANJboQnXCS

 
Khuôn mặt tháng hoa kính Đức Me Maria
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
16:17 06/05/2025
Khuôn mặt tháng hoa kính Đức Me Maria

Trong giáo hội Công giáo có tập tục nếp sống đạo đức hằng năm vào tháng Năm mừng kính Đức Mẹ Maria.

Tập tục này ở bên Âu châu có nguồn gốc từ thần thoại trước thời Chúa giáng sinh. Tháng Năm, nguyên ngữ tiếng latinh Mensis Maius, dân ngoại Roma thờ kính nữ thần sự sinh sôi nẩy nở phúc lộc Maia, nên đặt tên gọi tháng thứ năm hằng năm là Maius. Vị nữ thần Maia được dân Roma thời xa xưa rất yêu chuộng sùng mộ là vị nữ thần bổn mạng của cây cối hoa qủa mùa màng phát triển tươi tốt mang lại thu hoạch thành công tốt đẹp, bội thu.

Khi đức tin, văn minh Kitô giáo phổ biến lan rộng, vào thời trung cổ đã có tập tục nếp sống sùng kính Đức Mẹ Maria vào tháng Năm, thay vì mừng kính các ngày lễ vị nữ thần Maia của dân ngoại theo tập tục dân Roma. Như thế Giáo hội Công giáo đã rửa tội cho tập tục thờ kính nữ thần Maia của dân ngoại trở nên tập tục mộ mến kính Đức mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa, mẹ Giáo hội và mẹ loài người.

Tập tục này ăn rễ sâu có chỗ đứng trong đời sống đạo đức người Công giáo từ hàng bao thế kỷ nay. Tập tục này cũng phù hợp với khung cảnh ngoài thiên nhiên, nhất là với thời tiết dịu mát vào mùa hoa nở tươi thắm ở vùng trời đất bên Âu Châu, nơi là gốc rễ nền văn minh Kytô giáo phát triển lớn mạnh cùng lan tỏa sang các miền vùng châu lục địa khắp nơi trên thế giới từ hơn hai ngàn năm nay. Và có lẽ vì thế, xưa nay thường gọi tháng Năm kính Đức Mẹ Maria là tháng hoa.

Mừng kính Đức Mẹ Maria là mẹ Thiên Chúa cùng là mẹ loài người. Nhưng người tín hữu Chúa Kitô không chỉ dừng lại nơi đó, trái lại còn muốn nhìn vào con đường đời sống Đức Mẹ mà học hỏi.

Con đường đời sống Đức Mẹ có nhiều điều cho chúng ta học hỏi noi theo. Một trong những khía cạnh đạo đức đó là đời sống đức tin.

Ngày hôm nay chúng ta đang trải qua những khủng hoảng hồ nghi về đức tin.

Trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng:“ Tôi tin Hội Thánh duy nhất, Công giáo thánh thiện và tông truyền „. Nhưng luôn có những ý kiến tiếng nói hồ nghi về Giáo Hội, hoặc muốn Giáo Hội phải theo như ý kiến mong muốn…

Tình trạng khủng hoảng đức tin cùng hồ nghi về Giáo Hội hôm nay có thể nói, cũng tựa như hoàn cảnh ngày xưa giữa tiệc cưới Cana hết rượu ( Ga 2, 1-11). Tiệc cưới mà hết rượu đãi khách, thật là một bẽ bàng nguy hiểm cho chủ nhà, cho đôi tân hôn. Trong lúc khủng hoảng nguy hiểm chỉ còn biết lo lắng chạy đến cầu xin Trời cao cứu giúp.

Đức Mẹ là người tế nhị nhậy cảm đứng ra bầu cử xin Chúa Giêsu ra tay cứu giúp. Nhưng Chúa Giêsu lại nói: Việc liên can gì đến mẹ và con. Giờ con chưa tới!“. Qua đó, Chúa muốn nói: Ngài không chối từ lời cầu xin. Nhưng con đường thánh ý Chúa khác. Con đường thánh ý Chúa không phải là con đường do con người định đoạt phải như thế nọ thế kia.

Thánh ý Chúa không dẫn đến sự thành công thắng lợi vẻ vang. Nhưng muốn dẫn đưa con người đến sự tin tưởng vào bàn tay quan phòng của Ngài định liệu, mà lúc này tâm trí con người không sao hiểu nổi và không thể định đoạt được.

Chắc hẳn con người hầu như ai cũng có kinh nghiệm trong đời sống đã có khi bước vào con đường đời sống hoàn toàn xảy ra khác, mà mình không hay biết hay chưa hề nghĩ tới bao giờ. Chả thế mà dân gian thường nói: Mình lo Chúa liệu!

Đời sống con người nhiều khi chỉ toàn nước lã nhạt nhẽo buồn tẻ. Kinh nghiệm này chúng ta có thể kêu lên cùng Chúa. Và như đôi tân hôn, nhờ lời bầu cử với lòng tin tưởng của Đức Mẹ, họ đã nhận được rượu mà không biết từ đâu. Lòng tin tưởng vào Chúa, nguồn đời sống giúp ta có được sức mạnh nhận ra thánh ý Chúa ẩn dấu trong đời sống.

Đức Mẹ Maria đã sống tin tưởng vào Chúa, dù rất nhiều khi người không hiểu nổi thánh ý Chúa thế nào với mình. Nhưng Đức Mẹ hằng lắng nghe tiếng Chúa nói trong tâm hồn mình.

Đức Mẹ Maria qua lời nói: Ngài bảo gì, các anh cứ làm theo! muốn nhắn nhủ con người: Tin tưởng vào bàn tay lo liệu quan phòng của Chúa trong đời sống, dù không biết hay hiểu được lúc này như thế nào!

Với lòng tin tưởng vào Giáo Hội cũng không khác gì hơn. Vì Gíao Hội là do Chúa tạo lập nên. Và Ngài hằng ở cùng Giáo Hội nuôi dưỡng củng cố cho sống động làm chứng cho tình yêu Chúa giữa dòng đời sống con người xã hội trần gian hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Tháng hoa kính Đức Mẹ Maria

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
VietCatholic TV
Sỉ nhục Putin trước cuộc diễn binh: Drone lũ lượt tấn công Moscow. Ukraine tấn công xuyên biên giới
VietCatholic Media
02:28 06/05/2025


1. Trước cuộc diễn hành Ngày Chiến thắng của Putin, máy bay điều khiển từ xa của Ukraine nhắm vào Mạc Tư Khoa, các quan chức Nga tuyên bố

Hôm Thứ Ba, 06 Tháng Năm, Thị trưởng Mạc Tư Khoa Sergei Sobyanin cho biết vào tối Thứ Hai, 05 Tháng Năm, bốn máy bay điều khiển từ xa đã bị chặn lại trong đêm khi chúng tiếp cận Mạc Tư Khoa, chỉ vài ngày trước lễ diễn hành Ngày Chiến thắng thường niên của Nga.

Sobyanin cho biết máy bay điều khiển từ xa đã bị bắn hạ gần thị trấn Podolsk, phía nam thủ đô, và không có báo cáo về thương vong hay thiệt hại. Các cuộc không kích, diễn ra trước đó vào sáng sớm ngày 5 tháng 5, được tường trình đã làm gián đoạn hoạt động tại các phi trường của Mạc Tư Khoa. Các video được chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội của Nga ghi lại được âm thanh của các hệ thống phòng không trong khu vực.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố bắn hạ bốn máy bay điều khiển từ xa trên vùng Mạc Tư Khoa. Bộ này cũng báo cáo đã chặn được 17 máy bay điều khiển từ xa trên vùng Bryansk và năm máy bay khác trên vùng Kaluga.

Vụ tấn công xảy ra trước lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Nga vào ngày 9 tháng 5, đánh dấu vai trò của Liên Xô trong việc đánh bại Đức Quốc xã trong Thế chiến II.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cảnh báo vào ngày 3 tháng 5 rằng Nga có thể dàn dựng các hành động khiêu khích, chẳng hạn như “đốt phá, nổ bom hoặc các hành động khác” xung quanh sự kiện này và cố gắng đổ lỗi cho Ukraine.

Ngày Chiến thắng, một trong những ngày lễ mang tính biểu tượng nhất của Nga, dự kiến sẽ có một cuộc diễn hành quân sự tại Quảng trường Đỏ của Mạc Tư Khoa. Điện Cẩm Linh đã mời khách nước ngoài tham dự, mặc dù hầu hết đã từ chối.

Ukraine, cùng với hầu hết các quốc gia Âu Châu, kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở Âu Châu vào ngày 8 tháng 5 và đã mời các quan chức cao cấp của Liên Hiệp Âu Châu đến Kyiv vào ngày hôm đó như một hành động phản đối mang tính biểu tượng đối với hành động của Mạc Tư Khoa.

[Kyiv Independent: Ahead of Putin's Victory Day Parade, Ukrainian drones reportedly target Moscow, Russian officials claim]

2. Ukraine để mắt đến cuộc tấn công mới vào Nga trước cuộc diễn hành Ngày Chiến thắng của Putin

Lực lượng Ukraine được tường trình đã tiến hành một cuộc tấn công mới vào khu vực biên giới Kursk của Nga, nơi các quan chức Kyiv hy vọng sẽ giành được đòn bẩy trong các cuộc đàm phán hòa bình.

Kênh Telegram của quân đội Nga đưa tin quân đội Ukraine đã vi phạm biên giới Nga gần làng Tetkino.

Sự việc này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Nga tuyên bố giành lại khu vực Kursk, nơi Ukraine đã tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào năm ngoái.

Việc Kyiv chiếm thành công một phần khu vực này có thể sẽ là đòn giáng mạnh vào Putin trước cuộc diễn hành Ngày Chiến thắng vào ngày 9 tháng 5, nơi ông đã ca ngợi thành công của quân đội trong suốt cuộc xâm lược toàn diện vào nước láng giềng.

Các phương tiện truyền thông Nga đưa tin hôm thứ Hai rằng có một đoạn video cho thấy lực lượng Ukraine đang cố gắng tấn công vào làng Tetkino ở Kursk.

Đoạn phim do cơ quan báo chí không chính thức của Nhóm lực lượng phía Bắc của Nga công bố được cho là cho thấy cảnh các xe quân sự của Ukraine tiến về biên giới Nga trước khi bị quân đội Nga bắn phá.

Euan MacDonald, một nhà báo tại Kyiv thường xuyên đăng tải các tin tức cập nhật về cuộc chiến trên X, cho biết Ukraine có thể đang muốn chiếm giữ một phần đáng kể lãnh thổ của Nga trước cuộc diễn hành quân sự Ngày Chiến thắng hàng năm của Putin vào ngày 9 tháng 5.

Ngày Chiến thắng là ngày kỷ niệm hàng năm về thất bại của Đức Quốc xã trong Thế chiến II. Năm nay đánh dấu kỷ niệm 80 năm lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng. Putin thường sử dụng ngày này để thể hiện sức mạnh quân sự của Nga và mời các nhà lãnh đạo nước ngoài đến dự lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ ở Mạc Tư Khoa.

Kênh SHOT Telegram, một kênh của Nga chuyên đăng tải thông tin cập nhật về cuộc chiến, cho biết 250 quân Ukraine, hơn 15 đơn vị thiết bị hạng nặng và xe địa hình đã được Ukraine sử dụng trong đợt tấn công mới vào Kursk.

Quân đội Ukraine đã phủ nhận tuyên bố của Nga rằng quân đội nước này đã đẩy lùi toàn bộ lực lượng Ukraine khỏi Kursk.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và các quan chức chính phủ nổi tiếng trước đây đã ám chỉ rằng Kursk có thể là một phần của các cuộc đàm phán hòa bình có thể xảy ra. Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết trong một chương trình phát sóng truyền hình quốc gia vào tháng 8 năm 2024 rằng cuộc tấn công Kursk vào mùa hè sẽ giúp thúc đẩy vị thế của Kyiv trong các cuộc đàm phán tiềm năng trong tương lai với Nga.

[Newsweek: Ukraine Eyes New Russia Incursion Ahead of Putin's Victory Day Parade]

3. Đài truyền hình nhà nước Nga nói rằng cuộc tấn công hạt nhân sẽ biến Hoa Kỳ thành ‘Thế giới dưới nước’

Trong một phát biểu khiêu khích trên truyền hình nhà nước Nga, Vladimir Solovyov, người dẫn chương trình Buổi tối với Vladimir Solovyov, đã cảnh báo rằng một cuộc tấn công hạt nhân của Nga có thể biến nước Mỹ thành một bối cảnh hậu tận thế gợi nhớ đến bộ phim Waterworld năm 1995.

Bình luận này được đưa ra để đáp lại những phát biểu gần đây của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Hoa Kỳ John Kennedy, người đã mô tả Putin là người đáng bị biến thành “thức ăn cho cá”.

Theo Newsweek đưa tin, Kennedy đã chỉ trích gay gắt Putin, cáo buộc ông này không nghiêm chỉnh trong các cuộc đàm phán hòa bình trong một cuộc phỏng vấn với Fox News.

“Tôi nghĩ ông ấy nghĩ chúng ta sợ ông ấy,” thượng nghị sĩ Louisiana nói về nhà lãnh đạo Nga. “Ông ấy đã qua mặt Tổng thống Trump ở mọi ngã rẽ. Ông ấy đã không tôn trọng tổng thống của chúng ta. Tôi không nghĩ mọi chuyện sẽ tốt hơn cho đến khi chúng ta nói rõ với Putin rằng chúng ta sẵn sàng biến ông ta và đất nước của ông ta thành thức ăn cho cá.”

Lời chỉ trích giận dữ của Solovyov đánh dấu bước leo thang mới nhất trong làn sóng đưa tin ngày càng gay gắt của truyền thông Điện Cẩm Linh về chính quyền Tổng thống Trump và các đồng minh của nước này, trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mạc Tư Khoa, Kyiv và Washington dường như đang đi vào ngõ cụt.

Solovyov, nổi tiếng với tài hùng biện sôi nổi và sự ủng hộ mạnh mẽ của Điện Cẩm Linh, đã nắm bắt cơ hội để leo thang căng thẳng. Trong một video được đăng trên YouTube của Russian Media Monitor và tài khoản trực tuyến X của người sáng tạo Julia Davis, Solovyov cho biết:

“Tôi không muốn nghe Thượng nghị sĩ Kennedy lẩm bẩm nhưng tên khốn này nói rằng họ đã sẵn sàng biến tổng thống của chúng ta và đất nước của ông ta, tức là đất nước của chúng ta, thành thức ăn cho cá. Ông ta nói rằng ông ta không nói về chiến tranh hạt nhân: 'Chúng ta nên dừng bán dầu, chúng ta nên gây áp lực lên Nga và bóp nghẹt họ, nếu không, họ sẽ không chịu ngồi vào bàn đàm phán đâu.'

“Nghe này... đường lối thức ăn cho cá có thể được sử dụng bất cứ lúc nào, nhờ vào sự vĩ đại của một nhà đấu tranh nhân quyền nổi tiếng, một kỹ sư tài năng và một nhà vật lý, và một Học giả, người nhận được vô số giải thưởng. Và một anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa ba lần, tôi nghĩ vậy. Tên ông là Andrei Sakharov.

“Vào thời của ông, học giả Sakharov đã đề xuất như sau, các đồng nghiệp của chúng tôi biết điều này, nhưng vì Tổng thống Trump và các đồng chí của ông đang theo dõi, tôi sẽ giải thích vì lợi ích của họ. Ông đã đề xuất một kế hoạch cho nổ tung hai quả bom hạt nhân [...], bom khinh khí, dù chúng có là bom nhiệt hạch hay không, hãy cho nổ tung chúng gần hai bờ biển của Hoa Kỳ.

“Làn sóng thần phóng xạ sắp tới sẽ biến Hoa Kỳ thành một loại Thế giới dưới nước, như sau này được Hollywood mô tả. Eo biển được tạo ra trong quá trình này sẽ được đặt tên để vinh danh đồng chí Stalin.”

[Kyiv Independent: Russian State TV Says Nuclear Strike Would Turn US Into 'Waterworld']

4. Tổng thống Trump nói về đề xuất ngừng bắn 3 ngày của Putin rằng đó là rất nhiều

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố vào ngày 5 tháng 5 rằng đề xuất ngừng bắn trong ba ngày của Putin là một bước tiến quan trọng hướng tới giải pháp hòa bình.

“Như các bạn đã biết, Tổng thống Putin vừa tuyên bố lệnh ngừng bắn kéo dài ba ngày, nghe có vẻ không đáng kể, nhưng thực ra là rất lớn, nếu các bạn biết chúng tôi bắt đầu từ đâu,” Tổng thống Trump nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tại Phòng Bầu dục.

Putin vào ngày 28 tháng 4 đã công bố cái gọi là “lệnh ngừng bắn nhân đạo” từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 5, nhằm kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Mạc Tư Khoa. Đề xuất này được đưa ra khi Nga tiếp tục bác bỏ lời kêu gọi của Kyiv và Washington về lệnh ngừng bắn hoàn toàn trong 30 ngày đối với mọi hành động thù địch.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã bác bỏ tuyên bố của Putin và coi đó là một “màn kịch” chứ không phải là động thái nghiêm chỉnh hướng tới hòa bình.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn bày tỏ sự lạc quan về triển vọng đạt được thỏa thuận hòa bình trong tương lai mới.

“Tôi nghĩ Nga, với giá dầu hiện nay, giá dầu đã giảm, tôi nghĩ chúng ta đang ở vị thế tốt để giải quyết vấn đề”, ông nói với các phóng viên.

“ Họ muốn giải quyết, Ukraine muốn giải quyết. Nếu tôi không phải là tổng thống, sẽ không có ai giải quyết.”

Đề xuất của Putin về lệnh ngừng bắn Ngày Chiến thắng được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Trump bày tỏ sự thất vọng với việc Nga thiếu hợp tác trong các cuộc đàm phán hòa bình. Ngày 26 tháng 4, Tổng thống Trump cho biết Putin có thể không thực sự quan tâm đến việc chấm dứt chiến tranh.

“Ông ấy chỉ đang lợi dụng tôi thôi”, Tổng thống Trump nhận định, đồng thời nói thêm rằng Hoa Kỳ có thể cần phải leo thang bằng cách áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Hai ngày sau, Putin tuyên bố lệnh ngừng bắn ba ngày. Tương tự, Putin kêu gọi lệnh ngừng bắn tạm thời vào lễ Phục sinh ngay sau khi Tổng thống Trump đe dọa rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Động thái này đã bị các nhà lãnh đạo thế giới bác bỏ rộng rãi như một chiêu trò truyền thông để xoa dịu Tổng thống Trump. Ukraine cáo buộc Nga vi phạm lệnh ngừng bắn của chính mình gần 3.000 lần trong 30 giờ.

Ukraine đã sẵn sàng bắt đầu lệnh ngừng bắn toàn diện trong 30 ngày với Nga kể từ đầu tháng 3, khi Hoa Kỳ lần đầu tiên đề xuất lệnh ngừng bắn tạm thời. Yêu cầu duy nhất của Kyiv là Mạc Tư Khoa phải tuân thủ các điều khoản tương tự, trong khi Nga đã từ chối áp đặt lệnh ngừng bắn toàn diện trừ khi Ukraine đưa ra những nhượng bộ đặc biệt, chẳng hạn như từ chối mọi viện trợ quân sự nước ngoài.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov tuyên bố vào ngày 5 tháng 5 rằng một cuộc gặp giữa Putin và Tổng thống Trump đang “nằm trong tầm ngắm” nhưng vẫn chưa được lên lịch. Putin đã gặp nhiều lần với Đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Trump là Steve Witkoff, người đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán Nga-Ukraine.

[Kyiv Independent: 'It's a lot' — Trump on Putin's proposed 3-day truce]

5. Kyiv phản ứng với phát biểu ‘bài Ukraine’ của Fico trước chuyến thăm Nga của Thủ tướng Slovakia để tham dự Lễ diễn hành Chiến thắng ở Mạc Tư Khoa

Hôm Thứ Hai, 05 Tháng Năm, Đại sứ quán Ukraine tại Slovakia đã lên án những phát biểu mà họ gọi là “chống Ukraine” của Thủ tướng Slovakia Robert Fico, người chỉ trích lời cảnh báo của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy rằng Nga có thể dàn dựng các hành động khiêu khích trong lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 tại Mạc Tư Khoa.

Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Ukraine cho biết họ lấy làm tiếc về những cáo buộc của Fico và kêu gọi các quan chức Slovakia “nghiên cứu, xem xét lại và phân tích kỹ hơn” những tuyên bố của Tổng thống Zelenskiy.

Tổng thống Zelenskiy ngày 3 tháng 5 cho biết Ukraine không thể bảo đảm an toàn cho các quan chức nước ngoài có kế hoạch tham dự lễ diễn hành Ngày Chiến thắng của Nga tại Mạc Tư Khoa vào ngày 9 tháng 5, cảnh báo Nga có thể dàn dựng các hành động khiêu khích, bao gồm “đốt phá, nổ hoặc các hành động khác” và cố gắng đổ lỗi cho Ukraine. Nga có trách nhiệm bảo đảm an toàn và an ninh trên lãnh thổ của mình, Tổng thống Zelenskiy nói thêm.

Fico, người có kế hoạch tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Nga, trước đó đã lên án Tổng thống Zelenskiy vì “đe dọa” các phái đoàn nước ngoài, gọi những phát biểu đó là “không thể chấp nhận được” và cáo buộc nhà lãnh đạo Ukraine không tôn trọng vai trò của Nga trong việc đánh bại chủ nghĩa phát xít trong Thế chiến II.

Đại sứ quán cho biết Tổng thống Zelenskiy chỉ cảnh báo rằng Nga có thể lợi dụng cuộc diễn hành để gây hấn và đổ lỗi cho Ukraine, do đó không thể bảo đảm an toàn cho các quan chức nước ngoài đến thăm.

Trong phản hồi của mình, Đại sứ quán Ukraine cho biết họ coi những phát biểu của ông Fico là “rất đáng tiếc”, đặc biệt là trong bối cảnh hành động xâm lược đang diễn ra của Nga.

“Liên quan đến nhu cầu không nên trộn lẫn lịch sử với hiện tại, Đại sứ quán lấy làm tiếc khi lưu ý rằng hành động xâm lược hiện nay của Nga đối với Ukraine đã quay trở lại mức độ tàn bạo chưa từng thấy kể từ Thế chiến II, mà Nga hiện đang sử dụng chỉ để biện minh cho cuộc chiến chống lại đất nước chúng tôi”, Đại sứ quán cho biết.

“Cần nhớ rằng trong Thế chiến thứ hai, những người lính Ukraine đã có những đóng góp to lớn vào chiến thắng trước chủ nghĩa Quốc xã, họ thể hiện tinh thần anh hùng, lòng dũng cảm và sự hy sinh quên mình trên mọi mặt trận”, tuyên bố viết.

Nhấn mạnh sự đóng góp của Ukraine vào nỗ lực chiến tranh của Đồng minh, đại sứ quán lưu ý rằng sáu triệu người Ukraine đã chiến đấu chống lại chủ nghĩa Quốc xã, cả trong quân đội Liên Xô và các lực lượng Đồng minh khác. Cuộc chiến, theo đại sứ quán, đã cướp đi sinh mạng của hơn tám triệu người Ukraine.

Đại sứ quán cũng phản đối lời kêu gọi ngừng bắn của Fico vào đúng ngày kỷ niệm Thế chiến II, lưu ý rằng Ukraine đã đồng ý ngừng bắn hoàn toàn vào ngày 11 tháng 3, trong khi Nga “liên tục bác bỏ lựa chọn này và đưa ra các yêu sách mới, thao túng, leo thang khủng bố, và hiện đưa ra lệnh ngừng bắn ngắn hạn trong 3 ngày, đây không phải là con đường nghiêm chỉnh hướng tới hòa bình”.

Fico, một người theo chủ nghĩa dân túy có khuynh hướng thân Nga, là một trong số ít nhà lãnh đạo Âu Châu sẽ tham dự Ngày Chiến thắng của Nga trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

Vào ngày 9 tháng 5, Nga tổ chức các cuộc diễn hành quân sự hoành tráng để kỷ niệm ngày kết thúc Thế chiến II ở Âu Châu. Ukraine và hầu hết các quốc gia Âu Châu kỷ niệm ngày 8 tháng 5 là Ngày Chiến thắng ở Âu Châu.

Ukraine đã mời các nhà lãnh đạo và quan chức cao cấp của Liên Hiệp Âu Châu tới Kyiv vào ngày 9 tháng 5 để phản đối lễ kỷ niệm của Nga.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu, Kaja Kallas, đã cảnh báo các nhà lãnh đạo Âu Châu không nên tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Nga tại Mạc Tư Khoa vào ngày 15 tháng 4.

[Kyiv Independent: Kyiv responds to Fico’s 'anti-Ukrainian' remarks ahead of Slovak PM's Russia visit to attend Moscow Victory Parade]

6. Các quan chức Nga phàn nàn rằng trước cuộc diễn hành Ngày Chiến thắng của Putin, máy bay điều khiển từ xa của Ukraine được thường xuyên nhắm vào Mạc Tư Khoa

Thị trưởng Mạc Tư Khoa Sergei Sobyanin và Bộ Quốc phòng Nga cho biết vào ngày 5 tháng 5, bốn máy bay điều khiển từ xa đã bị chặn lại trong đêm khi chúng tiếp cận Mạc Tư Khoa, chỉ vài ngày trước cuộc diễn hành Ngày Chiến thắng thường niên của Nga và sau khi Putin đưa ra đề xuất ngừng bắn tạm thời.

Sobyanin cho biết máy bay điều khiển từ xa đã bị bắn hạ gần thị trấn Podolsk, phía nam thủ đô, và không có báo cáo về thương vong hay thiệt hại. Các cuộc không kích, diễn ra vào sáng sớm ngày 5 tháng 5, được tường trình đã làm gián đoạn hoạt động tại các phi trường của Mạc Tư Khoa. Các video được chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội của Nga dường như ghi lại được âm thanh của các hệ thống phòng không trong khu vực.

Sobyanin phàn nàn rằng các cuộc tấn công cũng diễn ra trong hai đêm 3 và 4 Tháng Năm, mặc dù không nêu chi tiết về địa điểm tấn công và hậu quả.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố bắn hạ bốn máy bay điều khiển từ xa trên vùng Mạc Tư Khoa. Bộ này cũng báo cáo đã chặn được 17 máy bay điều khiển từ xa trên vùng Bryansk và năm máy bay khác trên vùng Kaluga.

Chính phủ Ukraine chưa bình luận về vụ tấn công được báo cáo.

Vụ tấn công xảy ra trước lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Nga vào ngày 9 tháng 5, đánh dấu vai trò của Liên Xô trong việc đánh bại Đức Quốc xã trong Thế chiến II.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảnh báo vào ngày 3 tháng 5 rằng Nga có thể dàn dựng các hành động khiêu khích, chẳng hạn như “đốt phá, nổ bom hoặc các hành động khác” xung quanh sự kiện này và cố gắng đổ lỗi cho Ukraine.

Ngày Chiến thắng, một trong những ngày lễ mang tính biểu tượng nhất của Nga, dự kiến sẽ có một cuộc diễn hành quân sự tại Quảng trường Đỏ của Mạc Tư Khoa. Điện Cẩm Linh đã mời khách nước ngoài tham dự, mặc dù nhiều quan chức phương Tây đã từ chối.

Ukraine, cùng với hầu hết các quốc gia Âu Châu, kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở Âu Châu vào ngày 8 tháng 5 và đã mời các quan chức cao cấp của Liên Hiệp Âu Châu đến Kyiv vào ngày hôm đó như một hành động phản đối mang tính biểu tượng đối với hành động của Mạc Tư Khoa.

Cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa diễn ra sau tuyên bố của Nga về “lệnh ngừng bắn nhân đạo” đơn phương từ ngày 8 tháng 5 đến ngày 11 tháng 5. Tổng thống Zelenskiy bác bỏ động thái này là một “màn trình diễn”, cáo buộc Nga lợi dụng lệnh ngừng bắn ngắn hạn để thao túng nhận thức quốc tế trong khi vẫn tiếp tục các cuộc tấn công trước và sau đó.

Lệnh ngừng bắn Ngày Chiến thắng là sáng kiến ngừng bắn mới nhất trong một loạt các sáng kiến do Mạc Tư Khoa công bố, tất cả đều bị Nga vi phạm.

Đầu tháng này, Nga đã tuyên bố ngừng bắn trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh, mặc dù Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cáo buộc Mạc Tư Khoa đã vi phạm gần 3.000 lần từ ngày 19 tháng 4 đến ngày 21 tháng 4.

Ukraine cũng cho biết lực lượng Nga đã nhiều lần vi phạm lệnh ngừng bắn một phần về các cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng được thỏa thuận vào ngày 25 tháng 3.

Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẵn sàng đàm phán hòa bình trong khi đồng thời thúc đẩy các yêu cầu tối đa. Kyiv đã bác bỏ những tuyên bố này là một chiêu trò tuyên truyền, lưu ý rằng lực lượng Nga chỉ tăng cường các cuộc tấn công vào các thành phố và thị trấn của Ukraine.

[Kyiv Independent: Ahead of Putin's Victory Day Parade, Ukrainian drones reportedly target Moscow, Russian officials claim]

7. Hoa Kỳ sẽ gửi hệ thống phòng không Patriot tân trang từ Israel tới Ukraine, Tờ New York Times đưa tin

Hệ thống phòng không Patriot đặt tại Israel sẽ được chuyển giao cho Ukraine sau khi tân trang, tờ New York Times đưa tin vào ngày 4 tháng 5, trích dẫn nguồn tin từ bốn quan chức Mỹ hiện tại và trước đây giấu tên.

Theo cơ quan truyền thông này, các đồng minh phương Tây cũng đang thảo luận về vấn đề hậu cần cung cấp các hệ thống bổ sung từ Đức hoặc Hy Lạp khi Nga leo thang các cuộc tấn công trên khắp Ukraine.

Các nguồn tin từ chối cung cấp thông tin chi tiết về lập trường của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về quyết định này hoặc làm rõ liệu động thái này có được khởi xướng trước khi ông nhậm chức hay không, dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Joe Biden.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh các cuộc không kích của Nga gia tăng mạnh mẽ, gây ra nhiều thương vong ở Kryvyi Rih, Sumy, Odesa, Kharkiv và Kyiv.

Kyiv liên tục gây áp lực buộc các đối tác phương Tây tăng cường khả năng phòng không của Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng năng lực hiện tại của nước này là không đủ để chống lại quy mô các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa của Nga.

Hệ thống Patriot, một hệ thống hỏa tiễn đất đối không do Hoa Kỳ sản xuất, được công nhận rộng rãi vì khả năng phát hiện, theo dõi và đánh chặn máy bay, hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo có độ chính xác cao.

Theo tờ New York Times, Ukraine hiện có tám hệ thống Patriot, trong đó chỉ có sáu hệ thống đang hoạt động. Hai hệ thống còn lại được cho là đang trong quá trình tân trang.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nhắc lại nhu cầu cấp thiết của Ukraine về phòng không trong cuộc phỏng vấn với CBS News ngày 13 tháng 4, cho biết Kyiv sẵn sàng mua 10 hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất với giá 15 tỷ đô la để bảo vệ các thành phố đông dân cư.

“Chúng tôi sẽ tìm tiền và chi trả cho mọi thứ”, Tổng thống Zelenskiy nói, nhấn mạnh ý định mua chứ không phải yêu cầu mua thêm các hệ thống bổ sung của Ukraine.

Bất chấp lời kêu gọi của Kyiv, Tổng thống Trump đã bác bỏ yêu cầu này vào ngày 14 tháng 4, cáo buộc Tổng thống Zelenskiy “luôn tìm cách mua hỏa tiễn” và đổ lỗi sai cho Ukraine về việc kích động chiến tranh.

Giọng điệu của Tổng thống Trump về Ukraine đã thay đổi trong những tuần gần đây. Vào ngày 24 tháng 4, ông chỉ trích cuộc tấn công của Nga vào Kyiv khiến ít nhất chín thường dân thiệt mạng và 87 người bị thương, gọi đó là “không cần thiết” và thúc giục Putin dừng các cuộc tấn công.

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ áp thuế và trừng phạt Nga để buộc phải đàm phán, nói rằng “chúng ta có thể thực hiện theo cách dễ dàng hoặc khó khăn”, mặc dù cho đến nay vẫn chưa có biện pháp nào được đưa ra.

Tổng thống Trump gần đây đã đặt câu hỏi về ý định tìm kiếm hòa bình của Nga, khi Mạc Tư Khoa tiếp tục từ chối thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn, tăng cường các cuộc tấn công vào khu vực dân sự của Ukraine.

[Kyiv Independent: US to send refurbished Patriot air defense system from Israel to Ukraine, NYT reports]

8. Cuộc chiến của Hoa Kỳ với người Houthis: Năm điều cần chú ý

Hoa Kỳ đã tăng cường tấn công lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen sau hơn một tháng không kích, nhưng người Houthi vẫn tiếp tục phản kháng.

Hành động chống lại Houthis là hoạt động quân sự lớn đầu tiên được lệnh của chính quyền thứ hai của Tổng thống Trump và do đó được coi là một phép thử về ý chí cũng như năng lực quân sự. Houthis đã làm mất ổn định một tuyến đường quan trọng cho hoạt động vận chuyển toàn cầu ở Biển Đỏ, một điều mà Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ bảo vệ.

Sau đây là một số điểm chính cần lưu ý:

Diễn tập Hàng Không Mẫu Hạm Hoa Kỳ

Hoa Kỳ đã mất một chiếc F/A-18E Super Hornet trong tuần này, các quan chức cho biết nó đã rơi khỏi tàu USS Harry S. Truman xuống Biển Đỏ. Hình ảnh vệ tinh cho thấy Hàng Không Mẫu Hạm này đã thực hiện một động tác chuyển hướng gấp rút vào thời điểm Houthis cho biết họ đang phóng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa tấn công tàu.

Hải quân Hoa Kỳ đã tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực, ngoài ra còn điều động tàu USS Carl Vinson. Houthis đã tuyên bố tấn công cả hai Hàng Không Mẫu Hạm.

Houthi phóng hỏa tiễn

Houthis tiếp tục phóng hỏa tiễn vào Israel với nhiều cuộc tấn công hơn vào thứ sáu. Phát ngôn nhân quân sự của nhóm Yahya Saree cho biết hai hỏa tiễn đạn đạo siêu thanh đã được phóng vào thành phố Haifa ở phía bắc.

Lực lượng Phòng vệ Israel, gọi tắt là IDF đã báo cáo hai trường hợp còi báo động vang lên ở miền bắc Israel do các quả đạn phóng từ Yemen, không có báo cáo nào về thương vong. Các mảnh vỡ từ một vụ đánh chặn hỏa tiễn đã làm hư hại nhẹ một trường mẫu giáo, theo The Times of Israel.

Quân đội Israel cho biết họ đã có thể đánh chặn hầu hết các hỏa tiễn được bắn từ Yemen. Người Houthis đã thề sẽ leo thang chiến tranh vì các hoạt động tàn khốc của Israel ở Gaza chống lại Hamas kể từ khi nhóm Hồi giáo Palestine này tấn công Israel vào tháng 10 năm 2023.

Hỗ trợ cho Hoa Kỳ

Anh đã tham gia cùng Hoa Kỳ trong việc tiến hành các cuộc không kích vào các mục tiêu quân sự của Houthi ở Yemen vào thứ Ba. Bộ Quốc phòng Anh cho biết hoạt động này phù hợp với chính sách lâu dài chống lại nhóm này, nhưng đây là lần đầu tiên Anh tham gia các hoạt động dưới thời Tổng thống Trump.

Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Ý, Hòa Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha đều là một phần của liên minh đa quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden nhằm chống lại mối đe dọa của Houthis đối với tuyến đường vận chuyển toàn cầu. Các nước Âu Châu sau đó đã tham gia vào các hoạt động riêng biệt.

Vai trò của Iran

Bằng cách tấn công Houthis, Hoa Kỳ cũng gửi một thông điệp tới những người ủng hộ lực lượng dân quân này ở Iran và tới các đồng minh khu vực của Hoa Kỳ, bao gồm các quốc gia vùng Vịnh cũng như Israel. Tổng thống Trump và chính quyền của ông đã đe dọa Cộng hòa Hồi giáo bằng “hậu quả” và cáo buộc nước này hỗ trợ gây tử vong cho Houthis.

Iran phủ nhận những cáo buộc này và lên án các cuộc không kích ở Yemen. Vào tháng 3, Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã phát biểu rằng Hoa Kỳ đang trong tình trạng “hoảng loạn” vì sự kháng cự ngày càng gia tăng trong khu vực.

Căng thẳng đã làm trầm trọng thêm tình hình mong manh trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Iran đang gặp khó khăn và tình hình quân sự đang gia tăng trong khu vực.

Tấn công mặt đất

Hoa Kỳ cho biết chiến dịch quân sự của họ đã tiêu diệt hàng trăm mục tiêu và chiến binh Houthi ở Yemen. Các chuyên gia cho biết đây có thể là tiền đề cho một cuộc tấn công trên bộ của chính phủ Yemen được quốc tế công nhận.

Hoa Kỳ chưa nói liệu họ có hỗ trợ lực lượng chính phủ trong bất kỳ cuộc chiến nào chống lại Houthis hay không. Các quan chức chính phủ đã tuyên bố quân đội sẵn sàng chiến đấu với Houthis.

Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ, Tướng Michael Erik Kurilla, gần đây đã thảo luận về những nỗ lực khôi phục quyền tự do hàng hải ở Biển Đỏ trong một cuộc họp với tổng tham mưu trưởng quân đội Yemen được Hoa Kỳ công nhận, trong chuyến đi tới Trung Đông.

[Newsweek: U.S. War on the Houthis: Five Things to Watch]

9. Số phận của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ vẫn còn đang gặp khó khăn

Tương lai của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ vẫn còn bất định sau khi tòa phúc thẩm liên bang hôm thứ Bảy đã tạm dừng phán quyết đảo ngược quyết định giải thể cơ quan thông tấn đang gặp khó khăn này — một ngày sau khi các nhà báo được thông báo rằng họ sẽ sớm quay trở lại làm việc.

Một email của Bộ Tư pháp gửi cho các luật sư đại diện cho nhân viên VOA vào thứ sáu cho biết cơ quan này sẽ bắt đầu “trở lại theo từng giai đoạn” và tiếp tục chương trình vào tuần tới. Nhưng đến chiều thứ bảy, một hội đồng Tòa án DC chia rẽ đã ban hành lệnh hoãn lệnh của tòa án cấp dưới muốn khôi phục lại đài phát thanh.

VOA đã chuẩn bị phát sóng trở lại sau gần hai tháng ngừng phát sóng, sau khi chính quyền Tổng thống Trump ngừng phát sóng theo lệnh hành pháp ngày 14 tháng 3 nhắm vào một số cơ quan và văn phòng liên bang, bao gồm Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ, cơ quan mẹ của hãng truyền thông do chính phủ tài trợ.

Hiện tại, kế hoạch cho cơ quan này vẫn chưa rõ ràng sau phán quyết có lợi cho chính quyền Tổng thống Trump vào chiều thứ bảy.

Phát ngôn nhân của USAGM không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về kế hoạch của cơ quan này sau chiến thắng vào cuối tuần.

Nỗ lực giải thể cơ quan truyền thông do chính phủ hậu thuẫn đã trở thành tâm điểm của một cuộc chiến pháp lý gay gắt. Thẩm phán Tòa án Quận Hoa Kỳ Royce Lamberth đã ra lệnh cho chính quyền Tổng thống Trump khôi phục Đài Tiếng nói Hoa Kỳ trong lệnh tạm thời được ban hành vào ngày 22 tháng 4. Lamberth lập luận rằng quyết định giải thể Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, gọi tắt là VOA của chính quyền có khả năng vi phạm hiến pháp.

Trợ lý Luật sư Hoa Kỳ Brenda González Horowitz đã xác nhận việc trở lại văn phòng trong một email gửi cho các luật sư đại diện cho nhân viên VOA. Email cũng xác nhận rằng tất cả nhân viên VOA đã lấy lại được quyền truy cập hệ thống.

“USAGM hiện đang mong đợi nhân viên sẽ bắt đầu quay trở lại văn phòng vào tuần tới, vì các vấn đề về an ninh, không gian xây dựng và thiết bị đòi hỏi phải quay trở lại theo từng giai đoạn”, González Horowitz viết trong email, được POLITICO thu thập được. Tờ Washington Post là tờ đầu tiên đưa tin về sự trở lại sắp tới của VOA.

Theo điều lệ của VOA, đài này đã hoạt động trong hơn 80 năm để đưa tin “chính xác, khách quan và toàn diện” nhằm “trình bày các chính sách của Hoa Kỳ một cách rõ ràng và hiệu quả”.

Vào tháng 3, chính quyền Tổng thống Trump đã ra lệnh rằng các khoản tài trợ liên bang thông qua USAGM sẽ được xem xét và “loại bỏ ở mức tối đa phù hợp với luật hiện hành”. Một hội đồng của Tòa án quận DC đã tạm dừng các lệnh chặn việc cắt giảm tài trợ cho USAGM cho các cơ quan truyền thông khác vào thứ năm, nhưng không dừng lệnh cho phép nhân viên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ trở lại làm việc.

Lệnh ra vào thứ Bảy đã thay đổi điều đó, với các thẩm phán phúc thẩm Neomi Rao và Gregory Katsas — cả hai đều là người được Tổng thống Trump bổ nhiệm — cùng nhau ra phán quyết tạm dừng một phần lệnh của tòa án cấp dưới yêu cầu chính phủ “thực hiện mọi bước cần thiết để đưa nhân viên và nhà thầu của USAGM trở lại tình trạng trước” theo lệnh hành pháp của Tổng thống Trump.

Họ thấy rằng tòa án cấp dưới có thể không có thẩm quyền ra lệnh cho nhân viên quay lại làm việc.

Thẩm phán Nina Pillard, người được Obama bổ nhiệm, đã phản đối vào thứ Bảy, viết rằng quyết định này tương đương với việc “làm im tiếng Đài Tiếng nói Hoa Kỳ trong tương lai gần”.

Nhưng ngay cả khi nhân viên mong muốn quay lại làm việc, một số người vẫn đặt câu hỏi liệu cơ quan có thể trở lại trạng thái trước đó hay không.

“Chúng ta sẽ phải đưa VOA ra khỏi tình trạng hôn mê sâu,” Steve Herman, phóng viên quốc gia chính của VOA, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với POLITICO trước phán quyết hôm thứ Bảy. “Và liệu nó có thể lấy lại được ý thức hoàn toàn không? Điều đó vẫn còn phải chờ xem, bởi vì rất nhiều bộ não của VOA đã bị phá hủy khi cố gắng bóp nghẹt chúng ta.”

[Kyiv Independent: Embattled Voice of America’s fate uncertain after brief apparent reprieve]
 
Gần đến diễn binh chiến thắng, Putin toàn gặp chiến bại. Su-27 Ukraine vừa xóa sổ sở chỉ huy Nga
VietCatholic Media
15:14 06/05/2025


1. Chiến đấu cơ Su-27 xóa sổ sở chỉ huy của Nga

Một đoạn video cho thấy chiến đấu cơ Su-27 của Ukraine đã nhắm vào một sở chỉ huy tiểu đoàn của Nga trong một cuộc tấn công có độ chính xác cao ở khu vực Donetsk.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Ba, 06 Tháng Năm, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết cuộc không kích của Không quân Ukraine đã phá hủy sở chỉ huy của tiểu đoàn và một nhóm điều khiển máy bay điều khiển từ xa tại thành phố Novohrodivka ở Donetsk.

Đã có giao tranh dữ dội ở Donetsk khi Putin tìm cách giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực bị tạm chiếm một phần. Cả Ukraine và Nga đều đang cạnh tranh giành chiến thắng trên chiến trường khi Tổng thống Trump cố gắng làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình trong cuộc xung đột.

Đại Tá Yurii Ihnat cho biết chiến đấu cơ Su-27 của Ukraine đã sử dụng bom dẫn đường bằng Đạn tấn công trực tiếp chung, gọi tắt là JDAM có độ chính xác cao để tấn công sở chỉ huy tiểu đoàn của Nga và các đơn vị điều khiển máy bay điều khiển từ xa.

Theo Hải quân Hoa Kỳ, JDAM là bộ dẫn đường giúp chuyển đổi các loại bom không điều khiển hiện có thành loại đạn dược “thông minh” có điều khiển chính xác và cải thiện độ chính xác của bom không điều khiển.

“Không quân vẫn tiếp tục hoạt động trên mọi mặt trận, Su-27 phá hủy sở chỉ huy tiểu đoàn và một nhóm UAV ở Novohrodivka,” ông nói.

“JDAM không chờ đàm phán—nó chỉ đơn giản là chia quân xâm lược thành các nguyên tử. Các báo cáo cho thấy một số sĩ quan và người điều khiển UAV đã mất tích sau cuộc tấn công.”

Những nỗ lực chấm dứt xung đột của Tổng thống Trump đang gặp nhiều trở ngại, vì Putin dường như đang chuẩn bị cho xã hội Nga trước một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine—và những cuộc đối đầu có thể xảy ra trong tương lai với phương Tây.

Trong một bộ phim tài liệu do nhà báo Điện Cẩm Linh Pavel Zarubin công bố trên kênh truyền hình nhà nước Russia-1, Putin dường như đang cố gắng “thuyết phục khán giả trong nước rằng Nga không thể đàm phán với phương Tây và cần tiếp tục chiến tranh”, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW cho biết trong bài phân tích mới nhất về cuộc xung đột ở Ukraine vào Chúa Nhật.

Nhóm nghiên cứu này cho biết: “Những tuyên bố của Putin trong suốt bộ phim tài liệu cho thấy Putin có thể không có ý định làm chậm các hoạt động tấn công hoặc chuyển sang các hoạt động phòng thủ ở Ukraine mà thay vào đó đang cố gắng chuẩn bị về mặt tư tưởng cho xã hội Nga trong nước cho một cuộc chiến tranh lâu dài”.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nói với chương trình Meet the Press của NBC trong một cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Kristen Welker phát sóng vào Chúa Nhật: “Tôi tin rằng chúng ta gần gũi hơn với một đảng. Và có thể không gần gũi bằng với đảng kia, nhưng chúng ta sẽ phải xem. Trung bình, có năm ngàn binh lính tử trận mỗi tuần. Họ không phải là lính Mỹ. Nhưng tôi muốn giải quyết vấn đề.

[Newsweek: Ukraine Video Shows Su-27 Fighter Jet Obliterate Russian Command Post]

2. Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết Ukraine tấn công trung tâm điều khiển máy bay điều khiển từ xa của Nga ở Kursk

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Ba, 06 Tháng Năm, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết Không quân Ukraine đã tấn công vào trung tâm điều khiển của các đơn vị máy bay điều khiển từ xa của Nga gần làng Tetkino ở Tỉnh Kursk của Nga vào ngày 4 tháng 5.

Các phi hành đoàn máy bay trinh sát và tấn công điều khiển từ xa đã có mặt tại địa điểm này. Theo tuyên bố, cuộc tấn công đã khiến 20 binh sĩ Nga thiệt mạng và thiết bị của họ bị phá hủy.‌‌‌‌

Thị trấn Tetkino ở Kursk cách biên giới Ukraine chưa đầy 10 km, hay 6 dặm. Trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga, thị trấn này là nơi sinh sống của tới 4.000 người.‌‌‌‌

Lực lượng Ukraine đã nhiều lần nhắm vào các cơ sở quân sự và công nghiệp của Nga ở hậu phương để làm suy yếu khả năng tiến hành chiến tranh toàn diện của Mạc Tư Khoa.

Trong khi đó, Nga vẫn thường xuyên tấn công các thành phố và làng mạc của Ukraine bằng máy bay điều khiển từ xa, hỏa tiễn, bom lượn và pháo binh, gây ra thương vong nặng nề cho dân thường.

Lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 42 trong số 116 máy bay điều khiển từ xa tấn công và mồi nhử do Nga phóng đi trong đêm, Không quân đưa tin. Theo tuyên bố, 21 máy bay điều khiển từ xa mồi nhử đã biến mất khỏi radar mà không gây ra thiệt hại.

[Kyiv Independent: Ukraine strikes Russian drone control center in Kursk Oblast, Ukraine's General Staff says]

3. Fico chỉ trích Tổng thống Zelenskiy giữa những lo ngại về an ninh Ngày Chiến thắng ở Mạc Tư Khoa

Hôm Thứ Hai, 05 Tháng Năm, Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã lên án Tổng thống Volodymyr Zelenskiy vì cảnh báo “các phái đoàn nước ngoài không đến” dự lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng của Nga vào ngày 9 tháng 5.

Tổng thống Zelenskiy ngày 3 tháng 5 cho biết Ukraine không thể bảo đảm an toàn cho các quan chức nước ngoài có kế hoạch tham dự lễ diễn hành Ngày Chiến thắng của Nga tại Mạc Tư Khoa vào ngày 9 tháng 5, cảnh báo Nga có thể dàn dựng các hành động khiêu khích, bao gồm “đốt phá, nổ hoặc các hành động khác” và cố gắng đổ lỗi cho Ukraine. Tổng thống Zelenskiy cho biết Nga có trách nhiệm bảo đảm an toàn và an ninh trên lãnh thổ của mình.

“Tôi bác bỏ những lời đe dọa như vậy vì lý do an ninh. Tôi hoàn toàn tôn trọng rằng sự an toàn của những người tham gia là vấn đề nội bộ của Liên bang Nga. Nhưng nếu ông Tổng thống Zelenskiy tin rằng những tuyên bố của ông sẽ buộc các phái đoàn nước ngoài không đến, thì ông đã nhầm to”, Fico nói.

Nhà lãnh đạo đã kêu gọi “đình chiến” trong dịp kỷ niệm 80 năm ngày kết thúc Thế chiến II, đồng thời nói thêm rằng Tổng thống Zelenskiy nên “giữ im lặng”.

“Thật là thiếu tôn trọng khi ai đó nói với một quốc gia đã có những đóng góp to lớn nhất cho chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít và đã phải chịu những hy sinh to lớn nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng rằng: 'Được rồi, hãy ăn mừng, chúng tôi có thể thả một máy bay điều khiển từ xa hoặc thứ gì đó tương tự xuống các người'. Đối với tôi, đây là những điều không thể chấp nhận được”, Fico nói.

Jonathan Brunstedt, phó giáo sư lịch sử tại Đại học Texas A&M, chuyên nghiên cứu về chủ nghĩa dân tộc và ký ức lịch sử ở Liên Xô, cho biết Mạc Tư Khoa thường coi chiến thắng trong Thế chiến II là thành tựu của riêng Nga chứ không phải của nhiều quốc gia.

“Họ chịu trách nhiệm về sự an toàn của các bạn. Chúng tôi sẽ không đưa ra bất kỳ bảo đảm nào, vì chúng tôi không biết Nga có thể làm gì vào những ngày đó”, Tổng thống Zelenskiy nói vào ngày 3 tháng 5.

Fico, người ủng hộ Putin, sẽ tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Nga, bất chấp cuộc chiến của Nga với Ukraine.

Vào ngày 9 tháng 5, Nga tổ chức các cuộc diễn hành quân sự hoành tráng để kỷ niệm ngày kết thúc Thế chiến II ở Âu Châu. Ukraine và hầu hết các quốc gia Âu Châu kỷ niệm ngày 8 tháng 5 là Ngày Chiến thắng ở Âu Châu.

Ukraine đã mời các nhà lãnh đạo và quan chức cao cấp của Liên Hiệp Âu Châu tới Kyiv vào ngày 9 tháng 5 để phản đối lễ kỷ niệm của Nga.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu, Kaja Kallas, đã cảnh báo các nhà lãnh đạo Âu Châu không nên tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Nga tại Mạc Tư Khoa vào ngày 15 tháng 4.

Bà cho biết: “Điều cũng được thảo luận rất rõ ràng và được nhiều quốc gia thành viên khác nhau nêu ra là bất kỳ sự tham gia nào vào các cuộc diễn hành hoặc lễ kỷ niệm ngày 9 tháng 5 tại Mạc Tư Khoa sẽ không được Âu Châu coi nhẹ, vì Nga thực sự đang tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện ở Âu Châu”.

Kallas cho biết Liên Hiệp Âu Châu không muốn thấy bất kỳ quốc gia nào mong muốn gia nhập khối này tham gia vào các lễ kỷ niệm do chính phủ Putin tổ chức.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic xác nhận vào ngày 16 tháng 4 rằng ông có ý định tới Mạc Tư Khoa để tham dự Lễ duyệt binh Chiến thắng của Putin vào ngày 9 tháng 5 bất chấp áp lực từ Liên Hiệp Âu Châu.

Serbia là quốc gia ứng cử viên gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và đã trải qua các cuộc đàm phán gia nhập với khối này trong nhiều năm.

Theo báo cáo, Vucic đã bị bệnh, gây nguy hiểm cho khả năng tham gia lễ kỷ niệm của Nga của tổng thống Serbia, Newsweek đưa tin vào ngày 4 tháng 5.

[Kyiv Independent: Fico slams Zelensky amid Moscow Victory Day security concerns]

4. Tổng thống Duda của Ba Lan yêu cầu Tổng thống Trump buộc Putin phải ‘làm hòa’

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm thứ Hai cho biết ông đang gây áp lực với Tổng thống Donald Trump tăng cường lệnh trừng phạt đối với Nga nhằm chấm dứt chiến tranh.

Tổng thống Duda cho biết Tổng thống Trump là người duy nhất có thể buộc Putin phải ngồi vào bàn đàm phán.

“Mỹ có thể sử dụng nhiều công cụ kinh tế khác nhau để buộc Nga phải tôn trọng một số hành động nhất định”, Duda nói “Vì vậy, nếu có ai đó có thể buộc Vladimir Putin phải làm hòa, thì đó chính là Mỹ, tổng thống Hoa Kỳ”.

Bình luận của Duda phản ánh hy vọng của nhiều nhà lãnh đạo Âu Châu muốn thấy Tổng thống Trump sử dụng đòn bẩy của Mỹ với Putin. Cho đến nay ông chỉ gây áp lực buộc Ukraine phải nhượng bộ, bao gồm cả việc tuyên bố Kyiv sẽ không bao giờ là một phần của NATO và đưa ra các đề xuất hòa bình mà theo đó Ukraine sẽ nhượng lại quyền kiểm soát Crimea. Hoa Kỳ và Ukraine đã ký một thỏa thuận khoáng sản vào tuần trước mà Tổng thống Trump hy vọng sẽ là tín hiệu để Putin chấp nhận các điều khoản hòa bình của ông.

Tổng thống Trump nhậm chức với lời hứa sẽ chấm dứt chiến tranh giữa Nga và Ukraine trong vòng 24 giờ. Kể từ đó, ông đã thúc giục tìm ra giải pháp nhanh chóng và đã nhiều lần cử đặc phái viên Steve Witkoff đến Mạc Tư Khoa để gặp Putin. Cho đến nay, các cuộc họp vẫn chưa khiến Nga nới lỏng các yêu cầu của mình.

Nhưng Tổng thống Trump đã ám chỉ rằng ông có thể sớm thay đổi hướng đi. Sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Rôma vào tháng trước, Tổng thống Trump cho biết ông đang cân nhắc trừng phạt Mạc Tư Khoa sau khi Putin tiếp tục tấn công các khu vực dân sự.

Duda cho biết Tổng thống Trump đã “nhìn thấy thực tế” sau các cuộc thảo luận gần đây với Putin và có “những công cụ phù hợp để ngăn chặn các lợi ích cơ bản của Putin”.

“Ông ấy có thể thấy được lập trường của mình và mức độ sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán nghiêm chỉnh về việc chấm dứt chiến tranh”, Duda nói.

Ông nói thêm: “Tổng thống Hoa Kỳ có đủ phương tiện để buộc Nga phải tuân thủ. Một số phương tiện này có thể rất cực đoan, rất khắc nghiệt, tôi tin vậy, đặc biệt là các công cụ kinh tế khác nhau. Nhưng tôi tin rằng Tổng thống Trump có khả năng thực hiện chúng.”

Sự lạc quan ban đầu của Tổng thống Trump về việc chấm dứt xung đột dường như đang suy yếu. Trong một cuộc phỏng vấn của NBC phát sóng vào Chúa Nhật, Tổng thống Trump nói rằng “có lẽ điều đó không thể thực hiện được”. Cho đến nay, Tổng thống Trump cho biết ông không từ bỏ tiến trình này, mặc dù ông đã nói rằng ông có thể.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn nhấn mạnh vào thứ Hai rằng “chúng ta đang ở vị thế tốt để giải quyết. Họ muốn giải quyết. Ukraine muốn giải quyết.”

Tòa Bạch Ốc đang cân nhắc nhiều biện pháp hơn nữa để gây áp lực với Nga, trong đó lệnh trừng phạt có thể là bước đi tiếp theo, như tờ POLITICO đưa tin vào tuần trước.

Đồng minh của Tổng thống Trump, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã tài trợ cho luật sẽ áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Nga và thuế quan 500 phần trăm đối với các quốc gia mua dầu, khí đốt và nhôm của Nga. Các biện pháp này nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng.

Tổng thống Ba Lan cũng cho biết ông tin rằng Tổng thống Trump sẽ tiếp tục bảo vệ liên minh NATO, sẽ họp thượng đỉnh thường niên vào tháng 6 tại The Hague. Trong khi Tổng thống Trump kêu gọi tăng chi tiêu lên 5 phần trăm GDP, Duda cho biết ông ủng hộ mức 3 phần trăm.

“Có nhiều đề xuất khác nhau, 3,5 phần trăm, một số đề xuất là 5 phần trăm. Tôi nói rằng chúng ta hãy bình tĩnh: hãy quyết định ngay bây giờ là 3 phần trăm, và tất cả các quốc gia nên hành động nhanh chóng và tăng mức của họ”, ông nói trong cuộc phỏng vấn.

[Politico: Poland’s Duda tells Trump to force Putin ‘to make peace’]

5. Liên Hiệp Âu Châu nên đầu tư vào quốc phòng Ukraine để ‘gấp đôi’ số vũ khí được gửi đến Kyiv

Hôm Thứ Hai, 05 Tháng Năm, Kaja Kallas, phó chủ tịch Ủy ban Âu Châu, và cũng là Đại diện cấp cao của Liên Hiệp Âu Châu về chính sách đối ngoại và an ninh nhận xét rằng Liên Hiệp Âu Châu “sẽ thực sự tăng gấp đôi khối lượng vũ khí mà Ukraine nhận được” bằng cách đầu tư vào sản xuất vũ khí trong nước.

Kallas cho biết: “Nếu Putin không bị Tổng thống Trump thuyết phục để lập lại hòa bình, chúng ta có thể đưa ra những lập luận thuyết phục hơn về hòa bình rất nhanh chóng — bằng cách tăng đáng kể sự hỗ trợ quân sự của chúng ta cho Ukraine”.

Đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng trong nước của Ukraine đã trở nên phổ biến trong số các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu khi Âu Châu đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu quốc phòng của Ukraine. Cô ca ngợi “mô hình Đan Mạch” đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine thay vì cung cấp thiết bị.

“Cho đến nay, Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ đã cung cấp khoảng 40 tỷ euro, hay 45 tỷ đô la, viện trợ quân sự mỗi năm cho Ukraine. Nhưng chúng ta có thể chi số tiền đó để mua vũ khí hiện đại ở Ukraine, với chi phí chỉ bằng một nửa so với vũ khí được sản xuất tại Liên Hiệp Âu Châu hoặc Hoa Kỳ”, Kallas cho biết.

Kallas kêu gọi các thành viên Liên Hiệp Âu Châu tận dụng sáng kiến Hành động An ninh vì Âu Châu, gọi tắt là SAFE mới của khối để tăng cường sức mạnh cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại chiến tranh của Nga.

SAFE là công cụ cho vay của Liên Hiệp Âu Châu nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp quốc phòng quan trọng bằng cách tài trợ cho các quốc gia trong khối theo yêu cầu.

Kallas cho biết: “Điều này sẽ thực sự tăng gấp đôi khối lượng vũ khí mà Ukraine nhận được với cùng số tiền 40 tỷ euro, hay 45 tỷ đô la. Giá trị thực sự của sự hỗ trợ của chúng tôi sẽ tăng lên 80 tỷ euro, hay 91 tỷ đô la,”.

Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen ngày 8 Tháng Tư cho biết mô hình của Đan Mạch đã chứng minh rằng Ukraine có khả năng tự sản xuất vũ khí và kêu gọi các đồng minh noi theo mô hình này.

“Mô hình Đan Mạch đã cho thấy rằng có một năng lực của Ukraine trong việc sản xuất và cung cấp thiết bị cho cuộc đấu tranh giành tự do của Ukraine. Đan Mạch phải tiếp tục đầu tư vào điều này, và tôi hy vọng rằng các quốc gia khác sẽ noi gương chúng tôi ở mức độ lớn hơn nữa”, Poulsen nói.

Vào tháng Giêng, Đan Mạch đã dành riêng 135 triệu euro, hay 153 triệu đô la, để mua thêm vũ khí cho Ukraine theo mô hình của Đan Mạch vào năm 2025.

[Kyiv Independent: EU should invest in Ukrainian defense to 'double' weapons sent to Kyiv, commissioner says]

6. Cộng hòa Tiệp sẵn sàng đào tạo phi công Ukraine lái máy bay F-16, L-39, Thủ tướng Tiệp cho biết

Cộng hòa Tiệp sẵn sàng đào tạo phi công Ukraine lái chiến đấu cơ F-16 và máy bay huấn luyện L-39 thông qua sự hợp tác với các đối tác của mình từ “liên minh những người tự nguyện”, Thủ tướng Tiệp Petr Fiala cho biết vào ngày 5 tháng 5 trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.

Một ngày trước đó, Tổng thống Zelenskiy và Đệ nhất phu nhân Olena Zelenska đã đến Cộng hòa Tiệp để thăm chính thức. Một trong những mục tiêu của chuyến thăm của tổng thống Ukraine là thảo luận về việc hợp tác hơn nữa với Prague về cung cấp pháo binh và hỗ trợ cho phi đội F-16 của Ukraine.

“Chúng tôi sẵn sàng tăng cường đóng góp của mình vào việc đào tạo quân đội Ukraine. Chúng tôi đã đồng ý rằng cùng với các đối tác của chúng tôi từ 'liên minh những người sẵn sàng', chúng tôi sẽ đào tạo phi công Ukraine trên máy bay F-16 và L-39”, Fiala nói.

Trong buổi họp báo, Fiala cho biết các phi công Ukraine sẽ được đào tạo tại các căn cứ ở Cộng hòa Tiệp. Thủ tướng Tiệp nói thêm rằng các phi công Ukraine đã được đào tạo trên các mẫu máy bay của Tiệp cung cấp cho Ukraine. Ông không nêu rõ ông đang nói đến những mẫu máy bay nào.

Trước đó, Tổng thống Zelenskiy cho biết Ukraine đang hợp tác với Cộng hòa Tiệp để mở trường đào tạo phi công lái chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine-Tiệp.

“Rõ ràng là, cho đến nay, vì lý do an ninh, chúng tôi không thể mở một căn cứ như vậy ở Ukraine, và các cuộc không kích của Nga vẫn tiếp diễn hàng ngày. Do đó, chúng tôi đang làm việc với các đối tác để các trường học như vậy có thể mở bên ngoài Ukraine, và điều này sẽ xảy ra”, Tổng thống Zelenskiy nói.

Vào năm 2023, Ukraine và các đồng minh đã thành lập một liên minh hàng không để cung cấp cho Ukraine chiến đấu cơ F-16.

Lô máy bay F-16 đầu tiên được Hòa Lan chuyển giao cho Ukraine, thông báo được đưa ra vào tháng 10 năm 2024. Đan Mạch đã chuyển lô máy bay thứ hai, dự kiến đến Ukraine vào tháng 12 năm 2024.

Bốn quốc gia - Hòa Lan, Đan Mạch, Bỉ và Na Uy - đã đồng ý cung cấp máy bay F-16 cho Kyiv.

[Kyiv Independent: Czech Republic ready to train Ukrainian pilots on F-16, L-39 aircraft, Czech PM says]

7. Rumani hỗn loạn khi thủ tướng từ chức

Thủ tướng Rumani Marcel Ciolacu hôm thứ Hai tuyên bố ông sẽ từ chức, đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn hơn nữa sau khi một ứng cử viên cực hữu dễ dàng giành chiến thắng trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống nước này.

Truyền thông địa phương đưa tin, trích dẫn nguồn tin từ chính quyền tổng thống Rumani, một thủ tướng lâm thời sẽ được bổ nhiệm vào sáng thứ Ba.

Ciolacu là thủ tướng từ năm 2023, lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội, gọi tắt là PSD cầm quyền trung tả. Ứng cử viên tổng thống của PSD, Crin Antonescu, đứng thứ ba trong cuộc bầu cử được theo dõi chặt chẽ vào Chúa Nhật.

Vòng thứ hai diễn ra vào ngày 18 tháng 5 sẽ là cuộc đối đầu giữa nhà lãnh đạo cánh hữu cứng rắn George Simion và thị trưởng độc lập Bucharest Nicușor Dan, loại bỏ hoàn toàn các đảng phái chính thống của Rumani.

Bản thân Ciolacu đã ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử bị hủy bỏ năm ngoái. Chiến dịch của ông bị chỉ trích vì sử dụng máy bay hạng sang, và ông đứng thứ ba, với chưa đến một phần năm số phiếu bầu. Ông đã đệ đơn từ chức sau đó nhưng cuối cùng vẫn giữ chức vụ của mình.

Trong một cuộc phỏng vấn với POLITICO trước cuộc bầu cử, Simion dự đoán rằng thủ tướng sẽ phải ra đi nếu các đảng thành lập lại thất bại — và ông đã chào mời Călin Georgescu, người chiến thắng bị loại trong cuộc bầu cử bị hủy bỏ vào tháng 11 năm ngoái, cho vị trí này.

[Politico: Romania in chaos as prime minister resigns]

8. Bộ trưởng Kinh tế sẽ gặp các nhà lãnh đạo đảng trước khi quốc hội phê chuẩn thỏa thuận khoáng sản

Bộ trưởng Kinh tế và Phó Thủ tướng Ukraine Yulia Svyrydenko sẽ gặp gỡ từng phe phái của Verkhovna Rada, quốc hội Ukraine, trước khi chính phủ bỏ phiếu phê chuẩn thỏa thuận khoáng sản với Hoa Kỳ, hãng tin Suspilne đưa tin vào ngày 5 tháng 5.

Svyrydenko đã ký thỏa thuận khoáng sản được mong đợi từ lâu tại Washington DC vào ngày 30 tháng 4 cùng với Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent. Thỏa thuận này thiết lập một quỹ đầu tư chung giữa Kyiv và Washington và cấp cho Hoa Kỳ quyền tiếp cận đặc biệt đối với các dự án phát triển tài nguyên thiên nhiên của Ukraine.

Trước khi quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn thỏa thuận khoáng sản, Svyrydenko sẽ tổ chức các cuộc họp riêng với các thành viên của Verkhovna Rada từ mỗi phe phái, Serhii Sobolev, một nghị sĩ của đảng Batkivshchyna, nghĩa là Tổ quốc, nói với Suspilne.

Ông Sobolev cho biết các đại biểu quốc hội có thể đặt câu hỏi và tìm hiểu thêm về các chi tiết của thỏa thuận trong các cuộc họp này.

“Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa có cơ hội đọc các phụ lục, có lẽ vì chúng chứa các tài liệu liên quan đến bí mật nhà nước hoặc bí mật thương mại và không thể công bố công khai”, ông nói.

Theo Sobolev, cuộc gặp với Svyrydenko sẽ diễn ra vào ngày 6 và 7 tháng 5.

Verkhovna Rada đã lên lịch bỏ phiếu phê chuẩn vào ngày 8 tháng 5.

Việc ký kết thỏa thuận khoáng sản diễn ra sau nhiều tháng đàm phán đôi khi trở nên căng thẳng và làm căng thẳng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ukraine. Các quốc gia ban đầu có kế hoạch ký kết thỏa thuận vào cuối tháng 2, nhưng thỏa thuận đã đổ vỡ sau cuộc tranh cãi khét tiếng tại Tòa Bạch Ốc giữa Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Thỏa thuận cuối cùng tránh được nhiều yếu tố trong các bản thảo trước đó mà các chuyên gia coi là khai thác Ukraine, nhưng vẫn không đưa ra bất kỳ bảo đảm an ninh cụ thể nào từ Hoa Kỳ. Thỏa thuận cuối cùng ngăn cản việc tính viện trợ quân sự của Hoa Kỳ đã chuyển giao trước đó vào khoản đóng góp cho quỹ chung.

[Kyiv Independent: Economy minister to meet with party leaders before parliament ratifies minerals deal]

9. Tổng thống Trump thảo luận về chiến tranh ở Ukraine với Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc điện đàm

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thảo luận về cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine trong cuộc điện đàm vào ngày 5 tháng 5.

Thổ Nhĩ Kỳ đã định vị mình là một bên trung gian tiềm năng trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, cuộc chiến mà Tổng thống Trump đã hứa sẽ chấm dứt bằng cách làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình.

Tổng thống Trump cho biết cuộc trò chuyện mới nhất của các nhà lãnh đạo “rất tốt và hiệu quả”.

Các nhà lãnh đạo đã thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine, cùng với các chủ đề khác, và mở rộng lời mời đến thăm quốc gia tương ứng của nhau. Tổng thống Trump mô tả mối quan hệ của mình với Erdogan trong nhiệm kỳ đầu tiên là “tuyệt vời”.

“Trong mọi trường hợp, tôi mong muốn được làm việc với Tổng thống Erdogan để chấm dứt cuộc chiến vô lý nhưng đẫm máu giữa Nga và Ukraine — ngay bây giờ!” Tổng thống Trump nói.

Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ đã duy trì quan hệ ngoại giao và kinh tế với cả hai quốc gia trong khi vẫn ủng hộ chủ quyền của Ukraine. Tận dụng vị thế chiến lược và ảnh hưởng của mình tại khu vực Hắc Hải, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán, xuất khẩu ngũ cốc và bày tỏ mong muốn tham gia giám sát lệnh ngừng bắn.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga.

Vào tháng 4, các đại diện Hoa Kỳ đã gặp gỡ các phái đoàn Nga để hội đàm tại Istanbul, mặc dù Ukraine được cho là không có trong chương trình nghị sự của các cuộc thảo luận đó.

Tổng thống Trump cũng nói với các phóng viên vào ngày 5 tháng 5 rằng Hoa Kỳ “ở vị thế tốt” để đạt được một cuộc đàm phán hòa bình và cả Nga và Ukraine đều sẵn sàng đạt được một thỏa thuận. Tổng thống Trump tuyên bố rằng lệnh ngừng bắn ba ngày do Putin đề xuất là một dấu hiệu cho thấy Mạc Tư Khoa sẵn sàng thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình.

[Kyiv Independent: Trump discusses war in Ukraine with Turkey's Erdogan in phone call]

10. Đại sứ cho biết khoáng sản đóng vai trò ‘quan trọng’ trong việc bảo đảm an ninh trong tương lai

Thỏa thuận khoáng sản được ký kết giữa Ukraine và Hoa Kỳ là “một phần quan trọng của... các bảo đảm an ninh trong tương lai”, đại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ, Oksana Markarova, cho biết hôm Thứ Hai, 05 Tháng Năm.

“Thỏa thuận hợp tác kinh tế này tự nó là một phần rất quan trọng của an ninh rộng lớn hơn... kiến trúc... thẳng thắn mà nói, quỹ đó sẽ thành công nếu Ukraine ổn định và hòa bình. Vì vậy, theo một cách nào đó, nó là một phần quan trọng của... bảo đảm an ninh trong tương lai,” Markarova nói.

“Đây là một thỏa thuận hợp tác kinh tế nhằm tạo ra một quỹ đầu tư... để cả hai quốc gia chúng ta cùng được hưởng lợi từ các cơ hội đầu tư tuyệt vời mà Ukraine đang có”, Markarova nói thêm.

Ukraine và Hoa Kỳ vào ngày 30 tháng 4 đã ký một thỏa thuận khoáng sản thành lập một quỹ đầu tư chung tại Ukraine. Thỏa thuận này đã được đàm phán trong nhiều tháng và dẫn đến điểm thấp trong quan hệ song phương sau cuộc tranh cãi khét tiếng tại Tòa Bạch Ốc giữa Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào ngày 28 tháng 2.

Markarova lưu ý rằng thỏa thuận khoáng sản là một “thỏa thuận đối tác kinh tế” không chỉ giới hạn ở đất hiếm.

“Đó là một quan hệ đối tác thực sự, nơi chúng ta có thể tập hợp nguồn lực để đầu tư vào nhiều dự án khác nhau, bao gồm cơ sở hạ tầng, bao gồm đất hiếm, bao gồm các khoáng sản quan trọng và cả hai quốc gia chúng ta đều sẽ được hưởng lợi từ điều đó”, Markarova cho biết.

“Ukraine có đất nông nghiệp và đất đen... ngay cả trong thời chiến, chúng tôi vẫn nuôi sống hơn 400 triệu người. Chúng tôi có năng lượng, chúng tôi có... các mỏ khoáng sản quan trọng. Chúng tôi có rất nhiều, bao gồm... tài năng của con người, và chúng tôi có thể cùng nhau phát triển chúng”, bà nói.

Markarova lưu ý rằng thỏa thuận khoáng sản này dựa trên sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine trong suốt cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine.

“Chúng ta có thể có một số bất đồng... ở một số lĩnh vực, nhưng Ukraine cam kết vì hòa bình. Ukraine muốn hòa bình hơn bất kỳ ai. Chúng tôi đang bảo vệ tự do ở Ukraine. Chúng tôi không phải là những người bắt đầu cuộc chiến này,” Markarova nói.

Markarova mô tả mối quan hệ giữa Ukraine và Hoa Kỳ là “quan hệ đối tác chiến lược”.

“Hãy nhìn xem, quan hệ đối tác của chúng tôi với Hoa Kỳ rất quan trọng... Chúng tôi thực sự biết ơn người dân Hoa Kỳ vì mọi sự ủng hộ mà chúng tôi nhận được từ Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ không thể tự vệ nếu không có những quả Javelin đó, nếu không có những vũ khí mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho chúng tôi”, Markarova cho biết.

Phó Thủ tướng thứ nhất Yulia Svyrydenko và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent đã ký thỏa thuận khoáng sản tại Washington vào ngày 30 tháng 4.

Ông Svyrydenko cho biết vào ngày 1 tháng 5 rằng quỹ đầu tư chung có thể bắt đầu hoạt động trong vòng vài tháng sau khi được Verkhovna Rada phê chuẩn.

[Kyiv Independent: Minerals deal 'important part' of future security guarantees, ambassador says]
 
07.05 Diễn biến bầu Giáo Hoàng: Khai mạc Cơ Mật Viện. Ngày nào có kết quả? ĐGH mới là Gioan 24?
VietCatholic Media
15:43 06/05/2025


1. Ngày nào có Tân Giáo Hoàng?

Thứ tư, ngày 7 tháng 5, sẽ đánh dấu sự khởi đầu của Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng mới cho Giáo Hội Công Giáo. Nếu các Hồng Y đồng ý nhanh như các ngài đã làm trong Cơ Mật Viện năm 2005 và 2013, Giáo hội sẽ có một Đức Giáo Hoàng vào ngày Thứ Năm, 08 Tháng Năm.

Cảnh sát Ý phối hợp với hiến binh Vatican đang chuẩn bị các rào chắn và điều động các lực lượng an ninh khi hàng trăm ngàn người đổ xô về quảng trường Thánh Phêrô để trông chờ kết quả bầu Giáo Hoàng. Theo tờ Corriere della Sera, trong những ngày này nếu bạn hỏi một người nào đó trên đường phố Rôma ngày nào có vị Tân Giáo Hoàng, họ sẽ trả lời Thứ Năm, 08 Tháng Năm. Chỉ có một câu trả lời duy nhất, mặc dù đã có những cảnh báo rằng Cơ Mật Viện lần này có thể sẽ kéo dài hơn hai Cơ Mật Viện trước đó.

Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tấn phong cho 163 Hồng Y từ 76 quốc gia, trong đó có 25 quốc gia chưa bao giờ có Hồng Y. Sự phân tán như vậy có những lợi ích, nhưng liên quan đến việc bầu tân Giáo Hoàng sẽ có trở ngại vì các Hồng Y không biết nhau. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng chủ yếu dựa vào nhóm Hồng Y cố vấn gồm 9 vị. Thành ra, Hồng Y Đoàn ít có dịp gặp gỡ nhau.

Việc công khai vận động tranh cử—hoặc thậm chí thảo luận—về người kế nhiệm Giáo Hoàng khi ngài vẫn còn sống là điều bị nghiêm cấm đối với các Hồng Y. Mặc dù các Hồng Y có thể thảo luận riêng về các ứng cử viên trước Cơ Mật Viện, nhưng việc vận động tranh cử công khai bị phản đối. Thay vào đó, một số Hồng Y có ước muốn trở thành Giáo Hoàng sẽ vận động tranh cử một cách bí mật, thường là bằng cách đi thăm các Hồng Y khác hoặc thuyết trình. Tất cả các phương thức ấy đều rất tốn kém và mất thời gian trong bối cảnh phân tán địa lý của Hồng Y đoàn.

Thành ra, nhiều người cho rằng Cơ Mật Viện lần này có thể sẽ kéo dài hơn hai Cơ Mật Viện trước đó. Dù vậy, nhiều người vẫn kỳ vọng vào ngày Thứ Năm, 08 Tháng Năm. Cũng có các phương tiện truyền thông Ý đề xuất một khoảng thời gian an toàn hơn là trước hay trễ lắm ngày Thứ Bẩy, 10 Tháng Năm.

2. Các Hồng Y cử tri có nhất thiết bầu cho một vị đang có mặt trong nhà nguyện Sistina hay không?

Trong các Cơ Mật Viện gần đây, các Hồng Y cử tri thường chỉ bầu cho một vị đang có mặt trong nhà nguyện Sistina. Tuy nhiên, giáo luật quy định rằng người được bầu là bất cứ người Công Giáo nào đã được rửa tội. Đó là yêu cầu duy nhất.

Trong lịch sử điều đó đã xảy ra đối với trường hợp Thánh Giáo Hoàng Fabianô. Khi được bầu làm Giáo Hoàng vào thế kỷ thứ 3, ngài không phải là Hồng Y, không phải là giám mục, thậm chí không phải là linh mục. Ngài chỉ là một người nông dân bình thường tình cờ có mặt trong đám đông đến theo dõi cuộc bầu cử vị Tân Giáo Hoàng.

Câu chuyện được Eusebius kể lại trong cuốn Lịch sử Giáo hội.

Sau cái chết của Đức Giáo Hoàng Anteros, người nông dân bình thường Fabianô đã đến Rôma để tham dự lễ tang của vị Giáo Hoàng quá cố. Khi tất cả các anh em đã tập hợp lại để lựa chọn bằng cách bỏ phiếu người sẽ kế nhiệm sứ vụ Phêrô, một số người đàn ông nổi tiếng và đáng kính đã ở trong tâm trí của nhiều người. Fabianô, mặc dù có mặt, không có trong tâm trí của bất kỳ ai.

Lý do duy nhất khiến ông được chọn làm Đức Giáo Hoàng là vì một con chim bồ câu đã đáp xuống Fabianô:

Họ kể rằng đột nhiên một con chim bồ câu bay xuống đậu trên đầu ngài, giống như Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đấng Cứu Thế dưới hình dạng một con chim bồ câu. Sau đó, toàn thể dân chúng, như thể được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần, với tất cả sự háo hức, đã đồng thanh kêu lên rằng ngài xứng đáng, và không chậm trễ, họ đã đón ngài và đặt ngài lên ghế Giáo Hoàng.

Fabianô đã lãnh nhận bí tích Truyền chức thánh và nhanh chóng được nâng lên hàng Đức Giáo Hoàng.

Đây chắc chắn là một chuỗi sự kiện kỳ lạ, nhưng vào thời điểm đó, mọi người đều coi đó là sự can thiệp kỳ diệu.

Fabianoo đã chứng tỏ mình là một vị Giáo Hoàng xứng đáng và đã chết như một vị tử đạo vào khoảng năm 250.

Kiểu đồng thanh tung hô này khó có thể xảy ra trong thời đại hiện đại, vì Cơ Mật Viện bầu Đức Giáo Hoàng tiếp theo được tiến hành hoàn toàn bí mật và sau cánh cửa đóng kín.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Chúa Thánh Thần sẽ bị loại khỏi tiến trình này. Chúa vẫn có thể hướng dẫn trái tim và khối óc của các Hồng Y để chọn người mà Người muốn ngồi vào ghế của Thánh Phêrô.


Source:Aleteia

3. Gặp gỡ Hồng Y Péter Erdő, ứng viên Giáo Hoàng sáng giá

Tờ Pillar có bài tường trình nhan đề “Meet the conclave: Cardinal Péter Erdő” nghĩa là “Gặp gỡ Cơ Mật Viện: Đức Hồng Y Péter Erdő”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Khi cậu Péter Erdő lớn lên ở Budapest vào những năm 1950, Công Giáo hầu như không được chế độ cộng sản Hung Gia Lợi chấp nhận. Nhưng bất chấp sự ngăn cản chính thức, gia đình Erdő vẫn cầu nguyện ở nhà và cùng nhau đi nhà thờ. Cha cậu đã dạy giáo lý cho sáu người con của gia đình.

Sau đó, Erdő nhận ra rằng cha cậu, một luật gia, và mẹ cậu, một giáo viên, không được phép hành nghề vì họ bị coi là quá sùng đạo.

Cha mẹ của cậu thuộc về một cộng đồng các gia đình Công Giáo do một linh mục tên là Cha Imre Mihalik lãnh đạo, một học giả tài năng nhưng con đường sự nghiệp học vấn của vị linh mục đã bị chính quyền ngăn cản. Cha mẹ của Erdő đã giúp đỡ vị linh mục, người sống trong một căn nhà cho thuê, bằng cách gửi cậu con trai bảy tuổi của họ đến học tiếng Pháp với ngài. Ở trường, cậu bé cũng học tiếng Nga và tiếng Latinh. Sau đó, cậu học thêm tiếng Đức và tiếng Anh, cũng như phát triển trình độ thành thạo tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý.

Với nền tảng đa ngôn ngữ này, thầy Erdő được thụ phong linh mục vào năm 1975 tại Budapest và được yêu cầu lãnh đạo một giáo xứ ở Dorog, một thành phố phía tây bắc Budapest. Người tiền nhiệm của ngài trong giáo xứ đã bị bắt đi lính. Nhiệm vụ của cha Erdő bao gồm tiếp quản các lớp học tôn giáo của vị linh mục tiền nhiệm. Các lớp học không được phép diễn ra trong nhà xứ, chỉ được phép diễn ra trong phòng thánh của nhà thờ: một căn phòng lạnh lẽo chỉ được sưởi ấm bằng một chiếc bếp lò phủ một lớp muội than lên mọi thứ.

“Vào một buổi chiều mưa, có lẽ chính xác là do trời mưa, chỉ có ba đứa trẻ đến lớp,” cha Erdő nhớ lại. “Đột nhiên, một thanh tra của hội đồng thành phố xuất hiện. 'Tất cả các em đều thế à?' ông hỏi. Ông vội vàng tạm biệt. Ông gần như thương hại tôi. 'Cậu ta hầu như không gây nguy hiểm cho trật tự công cộng,' có lẽ ông ấy tự nhủ như vậy.”

Sau khi lấy bằng tiến sĩ thần học, Cha Erdő học tiến sĩ luật giáo luật tại Institutum Utriusque Iuris của Đại học Giáo Hoàng Latêranô ở Rôma. Trong những năm 1980 và 1990, ngài là giáo sư thần học và giáo luật tại Hung Gia Lợi, và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Giáo Hoàng Grêgôriô.

Vào cuối năm 1999, khi mới 47 tuổi, ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Székesfehérvár, một giáo phận lân cận với tổng giáo phận Esztergom-Budapest. Vị chủ phong chính của ngài là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, được hỗ trợ bởi Đức Tổng Giám Mục Giovanni Battista Re, niên trưởng Hồng Y Đoàn.

Ba năm sau, Đức Cha Erdő được bổ nhiệm làm nhà lãnh đạo tổng giáo phận và là Giáo chủ của Hung Gia Lợi. Ngài được trao chiếc mũ đỏ vài tháng sau đó, trở thành một trong những Hồng Y trẻ nhất thế giới, ở tuổi 51.

Ảnh hưởng của Đức Hồng Y Erdő bắt đầu mở rộng vượt xa khỏi Hung Gia Lợi sau khi ngài được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Âu Châu vào năm 2006, một chức vụ ngài đã giữ trong một thập niên.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm vị Hồng Y người Hung Gia Lợi làm tổng tường trình viên — một dạng điều phối viên chính — của các Thượng Hội Đồng về gia đình trong 2 năm 2014, 2015, vốn đã bị khuấy động bởi cuộc tranh luận về việc rước lễ của những người Công Giáo đã ly dị và tái hôn dân sự. Đức Hồng Y Erdő đã có bài phát biểu khai mạc tại phiên họp năm 2015 được coi là lời bảo vệ mạnh mẽ cho lập trường đã được thiết lập của Giáo hội. Mặc dù khó có thể nhận ra tác động chính xác của bài phát biểu đối với quỹ đạo của các hội nghị, nhưng nó đã khiến vị Hồng Y người Hung Gia Lợi trở thành một nhân vật cố định trong danh sách papabili.

Mặc dù có lập trường chính thống rất quyết liệt, Đức Hồng Y Erdő dường như vẫn duy trì mối quan hệ tốt với Đức Thánh Cha Phanxicô. Hung Gia Lợi là một trong số ít quốc gia mà Vị Giáo Hoàng người Á Căn Đình đã đến thăm hai lần, một chuyến ngắn vào năm 2021 cho Đại hội Thánh Thể Quốc tế tại Budapest và ba ngày vào năm 2023.

Quê hương của Đức Hồng Y Erdő đã trải qua một cuộc chuyển đổi lớn vào năm 2010, với cuộc bầu cử Thủ tướng Viktor Orbán, người đã khởi xướng một cuộc cải tổ hiến pháp, phương tiện truyền thông, tư pháp và chính sách nhập cư của đất nước. Đảng của Orbán, Fidesz, đã chuyển các khoản trợ cấp hào phóng cho các giáo phận, khiến những người chỉ trích cáo buộc Fidesz tìm cách mua chuộc sự im lặng của Giáo hội về các sáng kiến gây tranh cãi nhất của mình — một lời khẳng định mà các nhà lãnh đạo Giáo hội bác bỏ.

Đức Hồng Y có mối quan hệ căng thẳng với Orbán, một người theo Tin lành Calvin, người mô tả Hung Gia Lợi là “một thành trì bất khả xâm phạm của nền văn hóa Do Thái - Kitô giáo ở Âu Châu”. Đức Hồng Y Erdő đã chỉ trích chính phủ khi quốc hữu hóa các phòng khám thụ tinh trong ống nghiệm vào năm 2019, nhưng dường như không muốn tham gia vào cuộc tranh luận về lập trường cứng rắn của Fidesz đối với người di cư.

Trong khi đó, cộng đồng Công Giáo Hung Gia Lợi đã phải đối mặt với những thách thức về mặt nhân khẩu học. Một cuộc điều tra dân số năm 2022 cho thấy 2,6 triệu người tự nhận là người Công Giáo La tinh trong tổng số 9,6 triệu người. Trong thống kê 2001, Hung Gia Lợi, có 5,3 triệu người trong đó gần một nửa là người Công Giáo Latinh.(Điều quan trọng cần lưu ý là câu hỏi về tôn giáo là tùy chọn và 40% số người tham gia cuộc điều tra dân số năm 2022 đã từ chối trả lời.

Hung Gia Lợi cũng không miễn nhiễm với tình trạng thiếu hụt linh mục đang ảnh hưởng đến các nước Tây Âu. Đức Hồng Y Erdő cho rằng một phần nguyên nhân là do di sản chết chóc của chủ nghĩa cộng sản. Khi suy ngẫm về sự xuất hiện của ơn gọi linh mục của mình tại Cộng hòa Nhân dân Hung Gia Lợi, ngài cho biết cha mẹ đã giúp ngài thấy rằng đức tin là điều thiết yếu nhất trong cuộc sống.

“Do đó, nếu đức tin là điều quan trọng nhất trong cuộc sống, thì việc phục vụ đức tin của người khác, truyền bá đức tin, giảng dạy đức tin, và đặc biệt là phục vụ trong phụng vụ, là những điều vĩ đại nhất trong cuộc sống, là những điều quan trọng nhất mà người ta có thể làm, và hữu ích nhất, cho sự cứu rỗi chính mình và người khác,” ngài nói

“Đây là động lực chính mà tôi cảm thấy ngay từ khi còn là một cậu bé.”

4. Danh hiệu Giáo Hoàng có ý nghĩa gì? Một chút lịch sử và sự hài hước

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đùa nhiều lần về danh hiệu Giáo Hoàng mà ngài mong đợi người kế nhiệm mình sẽ chọn

Năm 2022, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói đùa rằng một Vị Giáo Hoàng sẽ đến tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới, nhưng ngài không biết đó sẽ là ngài hay “Đức Giáo Hoàng Gioan 24”. Đây không phải là lần đầu tiên ngài nhắc đến “Đức Giáo Hoàng Gioan 24” -- năm 2021, khi được mời đến thăm Ragusa, Ý, vào năm 2025, ngài đã nói rằng Đức Gioan 24 thực hiện chuyến thăm đó. Tất nhiên, ngài đang ám chỉ nhẹ đến tuổi tác của mình và rằng ngài có thể sẽ qua đời trước khi những sự kiện này diễn ra.

Có một báo cáo giai thoại từ Cơ Mật Viện năm 2005 -- rằng Đức Hồng Y Bergoglio (tương lai là Đức Phanxicô) được cho là đã nói rằng ngài sẽ lấy danh hiệu là Gioan 24 nếu được bầu. Năm đó, ngài không được bầu; Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã được bầu. Năm 2013, khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Bergoglio là Đức Giáo Hoàng đầu tiên lấy hiệu là Đức Thánh Cha Phanxicô.

Mọi người đều quan tâm đến việc Đức Giáo Hoàng mới sẽ chọn tên nào và cái tên đó có ý nghĩa gì.

Nhiều vị Giáo Hoàng đã lấy tên của các Đức Giáo Hoàng trước đó (ngoại trừ một trường hợp đáng chú ý là tên của Đức Giáo Hoàng đầu tiên, Thánh Phêrô, tên của ngài đã được bỏ qua vì lòng tôn kính).

Có 23 Đức Giáo Hoàng Gioan mà chúng ta đã có cho đến nay. Những câu nói đùa của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng có thể mang tính tiên tri, vì Thánh Gioan 23 là Đức Giáo Hoàng đã bắt đầu Công đồng Vatican II, và kỷ niệm 60 năm ngày kết thúc sự kiện đó sẽ nằm trong lịch của Đức Giáo Hoàng tiếp theo vào tháng 12... mặc dù, khi suy nghĩ lại, điều đó có vẻ như “Phaolô Đệ Lục” sẽ là một lựa chọn tốt hơn vì Đức Gioan 23 là người khai mạc Công đồng Vatican II, và Đức Phaolô Đệ Lục là người bế mạc.

Sau đó là Đức Gioan Phaolô I, người đã đưa ra một lựa chọn độc đáo khi chọn không chỉ một mà là cả hai vị tiền nhiệm trực tiếp của mình (Gioan 23 và Phaolô Đệ Lục). Sau 33 ngày tại vị, Vị Giáo Hoàng tiếp theo -- Gioan Phaolô Đệ Nhị -- đã quyết định làm theo.

Nhiều vị Giáo Hoàng đắc cử sẽ tránh xa việc lấy tên của một Giáo Hoàng khi nó đã bị “phá hỏng” bởi một người tiền nhiệm có tiếng xấu. Ví dụ, không có Đức Giáo Hoàng Alexander nào kể từ năm 1503, vì Đức Giáo Hoàng Alexander Đệ Lục cai quản Giáo Hội từ năm 1492 đến năm 1503 có nhiều tai tiếng.

Như chúng ta biết từ Đức Thánh Cha Phanxicô, các Đức Giáo Hoàng đắc cử cũng có thể chọn những cái tên mới, chưa từng được sử dụng trước đây. Hai ví dụ nổi bật trong lịch sử Giáo hội là Đức Giáo Hoàng Lando, cai quản Giáo Hội từ năm 913 đến năm 914, và Đức Giáo Hoàng Hilariô, cai quản Giáo Hội từ năm 461 đến năm 468. Danh hiệu hilarius không được ưa chuộng vì từ hilarious phát âm gần đúng như thế có nghĩa là “cực kỳ vui nhộn”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô lấy tên của Thánh Phanxicô thành Assisi và chia sẻ câu chuyện sau đây về cuộc bầu cử của mình:

“Khi tình hình trở nên hơi căng thẳng trong Cơ Mật Viện, Hồng Y Hummes đã an ủi tôi. Và rồi, khi số phiếu đạt đến hai phần ba, tiếng vỗ tay như thường lệ vang lên, vì Đức Giáo Hoàng đã được bầu. Và ngài ôm tôi, hôn tôi, và nói: 'Đừng quên người nghèo.' Và những lời đó đến với tôi: người nghèo, người nghèo. Sau đó, ngay lập tức, khi nghĩ đến người nghèo, tôi nghĩ đến Phanxicô Assisi.”

Ngài là người của hòa bình. Ngài là người của sự nghèo khó. Ngài là người yêu thương và bảo vệ tạo vật. Ngày nay chúng ta không có mối quan hệ tốt đẹp với tạo vật, phải không? Ngài là người mang đến cho chúng ta tinh thần hòa bình này, người nghèo.... Ôi, tôi muốn một Giáo hội nghèo và vì người nghèo biết bao!

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã chọn tên của mình theo tên của hai người đàn ông. Người đầu tiên là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 15, người mà cựu Hồng Y Ratzinger đã nói, “Ngài là một nhà tiên tri hòa bình thực sự và can đảm và đã làm việc không mệt mỏi cho hòa bình trong thảm kịch của Thế chiến thứ nhất.”

Người kia là Thánh Bênêđíctô thành Nursia, người sáng lập ra đời sống viện tu phương Tây. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 giải thích, “Ngài đại diện cho một điểm tham chiếu cơ bản cho sự thống nhất của Âu Châu và là lời nhắc nhở mạnh mẽ về nguồn gốc Kitô giáo không thể thiếu của nền văn hóa và nền văn minh của Âu Châu.”

Trong số hai vị Thánh Giáo Hoàng gần đây nhất, rõ ràng là các Đức Giáo Hoàng có thể sẽ chọn một danh hiệu thể hiện phần nào tinh thần mà các ngài muốn phục vụ với tư cách là Đức Thánh Cha.

Sau khi người được bầu chấp nhận sự lựa chọn của các Hồng Y và trở thành Đức Giáo Hoàng tiếp theo, ngài sẽ được giới thiệu với thế giới. Trong tiếng Latin, chúng ta sẽ nghe những lời này, “Tôi thông báo với anh chị em một niềm vui lớn: Chúng ta có một Đức Giáo Hoàng!” Tiếp theo là tên rửa tội của Đức Giáo Hoàng mới và thông báo danh hiệu đã chọn của ngài.

[Aleteia: What’s in a (papal) name? Some history and humor

5. George Weigel: Trước thềm một Cơ Mật Viện có tầm quan trọng lớn

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài tường trình từ Rôma nhan đề “On the Eve of a Conclave of Great Consequence”, nghĩa là “Trước thềm một Cơ Mật Viện có tầm quan trọng lớn”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong những ngày qua, một số Hồng Y cử tri đã sống ở nhiều địa điểm khác nhau quanh Rôma. Tuy nhiên, toàn bộ cử tri đoàn sẽ phải chuyển đến Vatican vào đêm Thứ Ba, 06 Tháng Năm, hoặc chậm nhất là sáng sớm thứ Tư.

Các Hồng Y cử tri không có đủ chỗ ở tại nhà trọ Santa Marta vì số lượng cử tri đoàn lớn chưa từng có và quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng vào năm 2013 là sống tại nhà trọ Santa Marta - một quyết định nhiều người phàn nàn rằng đã khiến Vatican mất một số tiền thuê nhà và làm trầm trọng thêm các vấn đề an ninh của hiến binh Vatican và Đội cận vệ Thụy Sĩ. Phần lớn tầng hai, nơi Đức Cố Giáo Hoàng đã dần tiếp quản, đã bị niêm phong, theo lệnh của tông hiến chi phối thời kỳ trống ngôi Giáo Hoàng và Cơ Mật Viện.

Vì vậy, phần lớn các Hồng Y cử tri sẽ ở tại nhà trọ, nhưng một nhóm nhỏ hơn ở trong một cơ sở cũ hơn của Vatican. Đây không phải là một tình huống tốt và tình trạng này có thể được ngăn chặn bằng cách vị Giáo Hoàng tiếp theo nên trở về căn nhà của Đức Giáo Hoàng tại điện Tông Tòa—và sau đó mời báo chí quốc tế đến thăm, để cho thế giới thấy rằng đó là một ngôi nhà của tầng lớp trung lưu Ý, chứ không phải là một Xanadu xa hoa.

Trong tuần qua trong các phiên họp của Đại hội đồng, đã có một vài ví dụ về những gì một số người coi là những bài phát biểu vận động tinh tế. Không ai có vẻ hiểu tại sao một số Hồng Y (thường là người hay nói) được phép có ba lần can thiệp trong khi những người khác phải vật lộn để có được năm phút phát biểu.

Sau khi một Hồng Y mới can đảm hỏi Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y Đoàn, người chủ trì các phiên họp này, vấn đề được sáng tỏ là các vị Hồng Y không biết tên nhau. Ít nhất một Hồng Y đã bị xướng danh nhầm trên màn hình khi đưa ra bài phát biểu của mình. Nhiều vị Hồng Y thừa nhận ngay từ đầu rằng các ngài không biết nhau. Cuối cùng, đã có một hình thức nhận dạng là bảng tên cho phép các ngài giao tiếp với nhau bằng tên.

Bất chấp những trục trặc nhỏ đó, đã có nhiều bài can thiệp quan trọng trong các phiên họp Đại hội đồng. Những bài phát biểu đó, cùng với cơn sóng thần bình luận sau cái chết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã nêu ra một số câu hỏi mà tôi muốn bình luận ngắn gọn.

Thứ nhất, trong các phiên họp Đại Hội Đồng, một số Hồng Y đã thúc giục anh em của mình không nên vội vàng phán đoán trong Cơ Mật Viện; những người khác muốn đưa ra quyết định nhanh chóng và ra về. Có thể hiểu được rằng những người đàn ông ở một độ tuổi nhất định, những người vừa trải qua Tuần Thánh và Lễ Phục sinh nghiêm ngặt trong giáo phận của mình, không muốn xa rời sự thoải mái quen thuộc trong một thời gian dài. Tuy nhiên, có thể nhớ rằng gần đây nhất là năm 1978, trong cuộc bầu cử của Đức Gioan Phaolô I và Gioan Phaolô Đệ Nhị, các Hồng Y cử tri đã sống trong những điều kiện thực sự khốn khổ, đặc biệt là trong Cơ Mật Viện đầu tiên năm 1978.

Khi đó, các ngài được đưa vào ở trong những “phòng” tạm thời được dựng tạm khắp Điện Tông Tòa; một số vị ngủ trên giường xếp; các thiết bị vệ sinh không đầy đủ và phải sử dụng bô vệ sinh; trời nóng kinh khủng (hai Đức Giáo Hoàng tương lai, Karol Wojtyła và Joseph Ratzinger, đã đi dạo một đêm ở Cortile San Damaso để tránh nóng—và bắt đầu một cuộc trò chuyện có ý nghĩa to lớn, qua đó chứng minh rằng sự khó chịu tạm thời có thể mang lại kết quả tốt đẹp lâu dài). Để tránh những tình huống khốn khổ tột cùng như vậy, Đức Gioan Phaolô II đã xây dựng nhà trọ Santa Martha, nơi hoàn toàn thoải mái, nếu không muốn nói là giống như Four Seasons đã được gợi ý trong một số phần của bộ phim Conclave.

Các Hồng Y mới dường như hoan nghênh ý tưởng về một Cơ Mật Viện cần có thời gian. Tiếng nói của họ cần được lắng nghe. Trong nhiều trường hợp, các Hồng Y kỳ cựu, lớn tuổi hơn cũng nghĩ rằng ít nhất các ngài vẫn còn một công việc phục vụ quan trọng này để làm cho Giáo hội. Tôi cầu nguyện rằng các ngài dành thời gian để thưởng thức nó, trong khi để Chúa Thánh Thần quyết định tốc độ thảo luận của các vị.

Thứ hai, làn sóng chỉ trích chính sách Trung Quốc của Vatican dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô đã lan truyền nhanh chóng và một số nhận xét về vấn đề này là hợp lý. Trước đây, nhiều người cho rằng về cơ bản đó chỉ là mối quan ngại của Hoa Kỳ. Tình hình đã thay đổi.

Đầu tiên, chính sách hiện tại, cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc đóng vai trò lãnh đạo trong việc đề cử giám mục, vi phạm Điều 377.5 của Bộ Giáo luật. Khoản giáo luật này đưa giáo huấn của Công đồng Vatican II vào hình thức pháp lý trong Sắc lệnh về Chức vụ Mục vụ của Giám mục trong Giáo hội: Chính phủ không được tham gia vào việc bổ nhiệm giám mục. Sự bất hợp pháp trên thực tế theo giáo luật (làm suy yếu luật pháp trong toàn Giáo hội) nên được mọi người quan tâm.

Thứ hai, những người chỉ trích chính sách này hiểu rõ rằng Tòa thánh thường phải đối phó với các chính phủ không tốt. Thách thức là phải đối phó với các chính phủ đó theo cách thận trọng về mặt chiến lược mà không làm cho tình hình của một Giáo hội địa phương đang bị áp lực trở nên khó khăn hơn. Chính sách Trung Quốc hiện tại không đáp ứng được thách thức đó.

Chính sách “Hán hóa” mọi tôn giáo ở Trung Quốc của Tập Cận Bình chính là công thức cho sự hủy diệt chậm rãi các tôn giáo: do đó, trong trường hợp Công Giáo, đã xảy ra việc thay thế bắt buộc các hình ảnh tôn giáo (như Đàng Thánh Giá) trong nhà thờ bằng chân dung của Tập Cận Bình và những câu nói của ông ta.

Hơn nữa, chế độ Trung Quốc đã trắng trợn phá vỡ thỏa thuận mà họ đã ký lần đầu với Vatican vào năm 2018, gần đây nhất là bằng cách sắp xếp “cuộc bầu cử” và bổ nhiệm hai giám mục mới trong thời kỳ trống ngôi Giáo Hoàng - một thời gian mà không có giám mục nào được bổ nhiệm, vì nhiệm vụ giám mục phải đến từ Đức Giáo Hoàng và tại thời điểm đó không có Đức Giáo Hoàng nào. Lo ngại về một cường quốc liên tục từ bỏ các thỏa thuận của mình với Tòa thánh, trong khi tìm cách khuất phục mọi hoạt động tôn giáo cho một nhà nước toàn trị với ý thức hệ vô thần, không chỉ là âu lo của hàng giáo phẩm Hoa Kỳ.

Thứ ba, những nhà phê bình chu đáo về chính sách của Vatican về Trung Quốc hiện tại đã nêu rõ rằng mối quan tâm của họ về cơ bản là truyền giáo: nghĩa là, chính sách này không hỗ trợ cho việc truyền giáo của Trung Quốc ngày nay và có khả năng sẽ cản trở việc truyền giáo trong tương lai. Khi chế độ cộng sản Trung Quốc đi vào thùng rác của lịch sử, như tất cả các chế độ cộng sản cuối cùng sẽ trải qua, Trung Quốc sẽ là lĩnh vực truyền giáo Kitô vĩ đại nhất kể từ khi người Âu Châu đến Tây bán cầu vào thế kỷ XVI. Lợi thế tương đối trong lĩnh vực truyền giáo rộng lớn đó sẽ không nằm ở những người được xác định là a dua với chế độ trước đó, mà là những người không cúi mình trước nó—và do đó chứng minh sự kiên định trong niềm tin của họ rằng Chúa Giêsu, chứ không phải Caesar, mới là Chúa.

Thứ tư, các can thiệp trong các phiên họp của Đại Hội Đồng thường tập trung vào các vấn đề nội bộ của Giáo hội, chẳng hạn như mệnh lệnh cải cách tài chính; nhu cầu quay trở lại chế độ quản lý Giáo Hoàng ít chuyên quyền hơn; những hiểu biết khác nhau về “ tính đồng nghị” và mối quan hệ của nó với thẩm quyền của các giám mục trong Giáo hội; v.v. Điều này hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, người ta hy vọng rằng, trong các cuộc trò chuyện riêng tư và các cuộc họp nhóm “ ngoài Broadway “, có thể nói như vậy, các Hồng Y đang nhận ra rằng họ đang lựa chọn một Đức Giáo Hoàng trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng văn hóa lớn: một cuộc khủng hoảng đe dọa chính nền văn minh. Và đó là cuộc khủng hoảng trong chính ý tưởng về con người trong đó nhiễm sắc thể không tạo ra sự khác biệt; nhưng ý chí cá nhân là tất cả, đã gây ra đau khổ không kể xiết. Nó đã dẫn đến sự suy giảm sức khỏe tâm thần trên quy mô lớn. Nó khiến việc hình thành tình bạn lâu dài trở nên khó khăn, bao gồm cả hình thức tình bạn độc đáo là hôn nhân. Nó đã làm hỏng y học, khoa học, luật pháp và giáo dục. Nó đã thả lỏng sự cám dỗ toàn trị trong các nền dân chủ cũ, như khi những người chủ nhà ở Vương quốc Anh được cho biết rằng họ có thể là tội phạm nếu họ cầu nguyện trong nhà của họ cho những phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai khủng hoảng, nếu nhà của họ quá gần một phòng khám phá thai. (Tôi không bịa ra điều đó.) Và như nhiều hơn một trong những đồng nghiệp của tôi trong các trang này đã lưu ý, cuộc khủng hoảng nhân học đã có tác động tàn phá đến thần học đạo đức Công Giáo, khi các nhà thần học của Giáo hội đã phá hủy những hiểu biết cổ điển của Công Giáo về những gì tạo nên hạnh phúc và sự phát triển của con người, bằng cách nhượng bộ một lượng lớn cơ sở đạo đức cho các chương trình nghị sự về tình dục và giới tính thức tỉnh.

Giáo Hội Công Giáo là một trong số ít các tổ chức trên thế giới có cả sức mạnh trí tuệ và năng lực tổ chức để thách thức sự bác bỏ khái niệm Kinh thánh về phẩm giá và số phận con người, và giúp chữa lành nhiều nạn nhân của quan niệm bóp méo cuộc sống rằng mọi thứ trong tình trạng con người đều có thể thay đổi theo ý muốn của chúng ta—bất kể ý muốn của chúng ta có thể mất phương hướng như thế nào. Nhà lãnh đạo tiếp theo của Giáo hội phải là một người có thể nói, với sự tin tưởng và lòng trắc ẩn, những chân lý Kinh thánh về con người chúng ta (sáng tạo, chứ không phải là tình cờ); chúng ta đến từ đâu (một Đấng Tạo Hóa yêu thương); cách chúng ta hình thành cộng đồng đích thực (mà Giáo hội là một “bí tích”, theo Công đồng Vatican II); cách chúng ta sống xứng đáng (bằng cách tự hiến, chứ không phải tự khẳng định); và số phận cuối cùng của chúng ta là gì (cuộc sống vĩnh cửu, chứ không phải sự lãng quên).

Việc suy ngẫm về các bức bích họa của Michelangelo trong Nhà nguyện Sistina trong suốt Cơ Mật Viện có thể giúp tập trung sự chú ý vào tất cả những điều này.

Thứ năm, Cha James Martin, Dòng Tên, có lẽ là người ủng hộ hàng đầu của Giáo hội cho những gì ngài gọi là “Người Công Giáo LGBTQ”, gần đây đã viết về “nỗi sợ” mà nhiều người mà ngài tiếp xúc có về Cơ Mật Viện và kết quả có thể xảy ra của nó. Không một người Công Giáo nào muốn bất kỳ người Công Giáo nào khác sống trong sợ hãi về Giáo hội. Sau cùng, Chúa Kitô đã hứa rằng Người sẽ luôn ở cùng chúng ta, và việc nhắc nhở nhau về điều đó là một công việc thiết yếu của lòng bác ái và tình đoàn kết Kitô giáo.

Tuy nhiên, điều tốt là phải thừa nhận rằng vẫn còn những nỗi lo sợ khác trong Giáo hội—và chúng đáng được các Hồng Y cử tri xem xét.

Người ta lo ngại rằng sự thiếu rõ ràng về học thuyết Công Giáo, giáo lý đạo đức và thực hành mục vụ sẽ dẫn Công Giáo vào con đường lãng quên mà Tin Lành Tự do đã đi qua trong hai thế kỷ qua.

Người ta lo sợ rằng lòng thương xót và sự thật, lòng bác ái và sự thật sẽ tiếp tục bị đặt cạnh nhau một cách sai trái trong một số cộng đồng Công Giáo, với sự chấp thuận ngầm từ một số nhà lãnh đạo Giáo hội.

Người ta lo ngại rằng một số người sẽ tiếp tục hiểu sai Công đồng Vatican II là thời điểm mà Giáo Hội Công Giáo được Đức Gioan XXIII kêu gọi tái tạo chính mình: đó là điều cuối cùng mà Đức Gioan XXIII nghĩ đến.

Người ta lo sợ rằng sự hiệp nhất của Giáo hội sẽ bị hiểu lầm là sự hiệp nhất của một cuộc đối thoại đang diễn ra trong đó mọi ý kiến đều được coi là bình đẳng và không có gì được giải quyết, thay vì sự hiệp nhất trong chân lý mà Chúa Kitô đã để lại cho Giáo hội.

Người ta lo ngại rằng tiếng nói của Vatican sẽ tiếp tục bị dập tắt, như thường lệ trong mười hai năm qua, trong những tình huống mà cộng đồng Công Giáo đang bị đàn áp dã man.

Người ta lo ngại rằng nạn lạm dụng tình dục của giáo sĩ, đặc biệt là ở Mỹ Latinh, sẽ không được các Hồng Y cử tri coi trọng như đáng lẽ phải làm, và hồ sơ của các ứng cử viên Đức Giáo Hoàng tiềm năng trong việc giải quyết những vấn đề nghiêm trọng này - trong đó các tâm hồn bị tổn thương nghiêm trọng và công cuộc truyền giáo bị cản trở nghiêm trọng - sẽ không được thẩm tra đầy đủ.

Người ta lo ngại rằng sự phản ánh nghiêm chỉnh của Rôma về các vấn đề cấp bách của cuộc sống sẽ bị đe dọa hơn nữa nếu Viện Gioan Phaolô Đệ Nhị về Hôn nhân và Gia đình tại Đại học Giáo Hoàng Latêranô tiếp tục thu hút các giảng viên thách thức hoặc bất đồng quan điểm với giáo huấn đã được Giáo hội thiết lập và Học viện Đức Giáo Hoàng về Sự sống tiếp tục bổ nhiệm các thành viên tuyên bố rằng phán quyết Dobbs của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, là phán quyết bác bỏ tuyên bố rằng có quyền phá thai theo hiến pháp, là sai sót về mặt đạo đức vì không tính đến quyền “tự chủ” của phụ nữ.

Vì vậy, có nhiều nỗi sợ hãi trong Giáo hội.

Người theo chủ nghĩa Marx bất đồng chính kiến Nam Tư Milovan Djilas, một người đàn ông dũng cảm đã thách thức chế độ độc tài Tito, đã từng nói rằng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị là người đàn ông duy nhất mà ông từng gặp hoàn toàn không sợ hãi. Đó là một lời tri ân cảm động, nhưng cách diễn đạt có thể hơi sai. Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị không sống mà không sợ hãi nhưng ngài vượt qua nỗi sợ hãi. Và ngài có thể làm như vậy vì ngài hoàn toàn tin rằng Chúa Giêsu đã gánh chịu mọi nỗi sợ hãi của con người khi Ngài bước lên cây Thánh giá, nơi ngài hiến tế nỗi sợ hãi đó trong ngọn lửa tình yêu thiêng liêng—do đó cho phép tất cả những ai theo ngài và sự nghiệp của ngài có thể sống vượt qua nỗi sợ hãi. Đức tin hình thập tự giá, lấy Chúa Kitô làm trung tâm là nguồn gốc của sự không sợ hãi của Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị.

Câu trả lời cho nỗi sợ về Giáo hội hoặc trong Giáo hội là hướng về Chúa Giêsu Kitô, Đấng ban cho mọi người món quà là tình bạn với Con Thiên Chúa nhập thể, sự cứu rỗi và sự sống vĩnh cửu—theo các điều kiện của Người, không phải của chúng ta. Và các điều kiện của Người đã được nêu ra một cách ngắn gọn vào lúc bắt đầu sứ vụ công khai của Người: “Hãy ăn năn và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Nếu Giáo Hội Công Giáo không công bố và sống sự hoán cải của tâm trí và trái tim đó, thì đó chỉ là một tổ chức phi chính phủ quốc tế khác. Nếu Giáo hội công bố và sống sự hoán cải đó, thì Giáo Hội sẽ làm bùng cháy thế giới.

6. Câu hỏi này đã làm rung động Đức Gioan Phaolô II — Bây giờ một người đàn ông khác phải đáp lại lời triệu tập của Chúa Kitô

Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Ngài vừa có bài viết nhan đề “This Question Shook John Paul II — Now Another Man Must Answer Christ’s Summons”, nghĩa là “Câu hỏi này đã làm rung động Đức Gioan Phaolô II — Bây giờ một người đàn ông khác phải đáp lại lời triệu tập của Chúa Kitô”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Vào Chúa Nhật trước khi Cơ Mật Viện bắt đầu, khá nhiều Hồng Y đã đến thăm “các nhà thờ hiệu tòa” của các ngài ở Rôma. Vào ngày Chúa Nhật đó, các ngài sẽ có một văn bản Phúc Âm có thể truyền cảm hứng cho bài giảng của các ngài khi các ngài chuẩn bị bầu một vị Tân Giáo Hoàng.

Bài Phúc Âm được chỉ định cho Chúa Nhật này là Gioan 21:1-19. Chúa Giêsu yêu cầu Phêrô ba lần tuyên xưng tình yêu dành cho Người, và ba lần trao cho ông sứ mệnh chăm sóc toàn thể đàn chiên — “hãy chăn dắt chiên con của Ta, hãy chăn dắt chiên của Ta.” Vì đây là bài Phúc Âm được chỉ định cho Thánh lễ Chúa Nhật trên toàn thế giới, nên các nhà thuyết giáo ở khắp mọi nơi có thể sẽ giảng về quyền tối thượng của Phêrô.

Mỗi Hồng Y, khi nhận mũ đỏ, được chỉ định một nhà thờ ở Rôma, để trở thành, như thể, một linh mục giáo xứ địa phương. Trên thực tế, ngài không phải là như vậy, nhưng việc chỉ định chức danh này duy trì một truyền thống cổ xưa rằng giám mục địa phương được các giáo sĩ địa phương lựa chọn — trong trường hợp này, giám mục của Rôma được các giáo sĩ của Rôma bầu chọn. Hồng Y đoàn thể hiện tính phổ quát của toàn thể Giáo hội; các nhà thờ hiệu tòa của các ngài liên kết các ngài với giáo phận địa phương Rôma.

Các chuyến viếng thăm trước Cơ Mật Viện để cử hành Thánh lễ Chúa Nhật có thể gây ra khá nhiều náo động. Các Hồng Y sống xa Rôma hiếm khi đến thăm nhà thờ hiệu tòa của các ngài, vì vậy bất kỳ chuyến viếng thăm nào cũng có thể là một sự kiện địa phương.

Với bầu không khí sốt sắng ngay trước một Cơ Mật Viện, các Hồng Y nổi tiếng nhất thu hút một nhóm người ủng hộ, những người tò mò và giới truyền thông. Những vị Hồng Y được truyền thông đồn đoán là đang dẫn đầu sẽ nói gì? Điều đó có giúp ích hay gây tổn hại cho mục đích của các ngài hay không? Những người được gọi là những nhà tạo vương đang muốn chọn ai? Có những lời cầu nguyện chuyển cầu bằng tiếng Quan Thoại không? Có những lời cầu nguyện cho những người Công Giáo bị đàn áp không? Có thể là một cảnh tượng khá ngoạn mục.

Gioan 21 cũng được sử dụng trong tang lễ của Đức Giáo Hoàng. Nó được sử dụng cho cả Đức Thánh Cha Phanxicô và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị. Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, người đã thuyết giảng tuần trước, hầu như không để ý đến đoạn Phúc âm trong bài giảng của mình khi dành phần lớn bài giảng theo khuôn sáo để nhắc lại cuộc đời của Đức Thánh Cha Phanxicô. Các Đức Hồng Y chắc chắn sẽ làm tốt hơn thế vào Chúa Nhật này.

Năm 2005, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã có bài giảng tuyệt tác tại tang lễ của Đức Gioan Phaolô II, được xây dựng xung quanh những lời cuối cùng của Chúa Giêsu nói với Phêrô: Hãy theo Ta! Người ta hy vọng các nhà thuyết giáo cấp Hồng Y có thể đến gần Đức Hồng Y Ratzinger vào Chúa Nhật này.

Bài giảng vĩ đại nhất trước Cơ Mật Viện Hồng Y cũng đề cập đến chính văn bản đó, Gioan 21, vào tháng 10 năm 1978. Đức Gioan Phaolô I đã qua đời chỉ sau 33 ngày, và các Hồng Y sửng sốt đã tập trung cho Cơ Mật Viện Hồng Y lần thứ hai trong năm đó.

Sau khi đến Rôma, các Hồng Y Ba Lan đã dâng Thánh lễ cho Đức Cố Giáo Hoàng. Đức Hồng Y Stefan Wyszyński, giáo chủ Ba Lan, là vị chủ tế chính, và Đức Hồng Y Karol Wojtyła, tổng giám mục Kraków, đã thuyết giảng về cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và Phêrô.

Không có video nào về sự kiện này và hầu như không ai biết đến cho đến khi nhà viết tiểu sử Giáo Hoàng George Weigel đưa nó vào Witness to Hope – Chứng Nhân Hy Vọng, cuốn tiểu sử năm 1999 về Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị. Weigel phát hiện ra nó trong Kalendarium życia Karola Wojtyła, một sưu tập đầy đủ về các bài giảng trước khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng do Adam Boniecki biên soạn.

Với phẩm chất gần như huyền bí, Vị Giáo Hoàng tương lai đã thuyết giảng vào ngày hôm đó về người tiền nhiệm trực tiếp của mình, Đức Gioan Phaolô I, và người tiền nhiệm đầu tiên của mình, Thánh Phêrô:

Sự kế vị Phêrô, lời triệu tập vào sứ vụ Giáo Hoàng, luôn chứa đựng trong đó lời kêu gọi đến tình yêu cao cả nhất, đến một tình yêu rất đặc biệt. Và khi Chúa Kitô nói với một ai đó, 'Hãy đến, theo Ta,' Người luôn luôn hỏi người đó điều Người đã yêu cầu Simon: 'Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?'“

Câu hỏi cốt lõi của mọi ơn gọi đều giống nhau: “Con có yêu mến Thầy không?” Nhưng chức thánh Phêrô, là Đại diện của Chúa Kitô, thật đáng sợ đến nỗi trái tim không thể chịu nổi sức nặng. Đức Hồng Y Wojtyła một lần nữa cho biết:

Khi đó, trái tim con người phải run rẩy. Trái tim của Simon đã run rẩy, và trái tim của Albino Luciani, trước khi ngài lấy hiệu là Gioan Phaolô I, cũng đã run rẩy. Trái tim con người phải run rẩy, bởi vì trong câu hỏi cũng có một yêu cầu. Bạn phải yêu! Bạn phải yêu nhiều hơn những người khác, nếu toàn bộ đàn chiên được giao phó cho bạn, nếu lệnh truyền, 'Hãy chăn chiên của Thầy' muốn đạt được phạm vi được nêu trong ơn gọi và sứ mệnh của Phêrô.

Đây thực sự là một đoạn văn đáng chú ý. Trước ngưỡng cửa của sứ vụ Giáo Hoàng năm 1978, Đức Hồng Y Wojtyła đã cảm thấy sức nặng của lời kêu gọi — một sức nặng quá lớn đối với trái tim con người. Chắc chắn trái tim của vị Hồng Y người Ba Lan đã run rẩy. Để Giáo hội có thể nhận được món quà là Phêrô, một người phải sẵn sàng trả giá. Thánh Phêrô đã trả giá đó bằng mạng sống của mình, bị đóng đinh trên đồi Vatican.

Một lần nữa, bài giảng của Đức Hồng Y Wojtyła nói:

Chúa Kitô nói những lời bí ẩn, Người nói với Phêrô: 'Khi còn trẻ, con đã tự thắt lưng và đi đến nơi con muốn. Nhưng khi con già đi, người khác sẽ thắt lưng và dẫn con đến nơi con không muốn đến.' Những lời đầy bí ẩn. … Và vì vậy, trong lời triệu tập này, được Chúa Kitô hướng dẫn cho Phêrô sau khi Người Phục sinh, lệnh truyền của Chúa Kitô, 'Hãy theo Ta', có ý nghĩa kép. Đó là lời triệu tập để phục vụ, và lời triệu tập để chết …

Chỉ vài ngày sau, lời triệu tập đó đã đến với Đức Hồng Y Karol Wojtyła của Kraków. Như tất cả các vị Giáo Hoàng khác, ngài đã được hỏi trong Cơ Mật Viện: “Ngài có chấp nhận cuộc bầu cử của mình không?” Ngài thực sự đã được hỏi, trong Nhà nguyện Sistina, trước bức tượng Chúa Kitô Thẩm phán đồ sộ của Michelangelo: “Con có yêu mến Thầy những người này không?”

Hai mươi lăm năm sau, vào tháng 10 năm 2003, tại lễ kỷ niệm 25 năm ngày lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã nhắc lại Gioan 21:

Mỗi ngày, cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Phêrô diễn ra trong lòng tôi. Trong tinh thần, tôi hướng mắt về Chúa Kitô Phục sinh. Ngài, hiểu rõ sự yếu đuối của con người tôi, khuyến khích tôi đáp lại bằng lòng tin tưởng như Phêrô đã làm: “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự; Chúa biết con yêu Chúa” (Ga 21:17). Và rồi Ngài mời gọi tôi đảm nhận những trách nhiệm mà chính Ngài đã giao phó cho tôi.

Trong triều Giáo Hoàng dài của mình, khi Đức Gioan Phaolô II nói về sứ vụ Giáo Hoàng của mình, ngài thích trích dẫn văn bản Luca 22:32. Chúa Giêsu, dự đoán về sự chối Chúa của Thánh Phêrô, bảo đảm với thánh nhân rằng Ngài đã cầu nguyện cho ông để “đức tin của ông không bị mất” và rằng Phêrô sẽ trở lại và có sứ mệnh củng cố đức tin của những người khác. Đức Gioan Phaolô II ít khi trích dẫn các đoạn văn nổi tiếng hơn liên quan đến Thánh Phêrô trong Matthêu 16 và Gioan 21. Nhưng trong cuộc sống cầu nguyện nội tâm của Đức Gioan Phaolô II với Chúa, cuộc trò chuyện trong Gioan 21 luôn đồng hành cùng ngài.

Trong thánh lễ an táng trọng thể của Đức Gioan Phaolô II năm 2005, Đức Hồng Y Ratzinger đã đặt toàn bộ triều Giáo Hoàng vào bối cảnh của Gioan 21:

Trong những năm đầu của triều Giáo Hoàng, khi còn trẻ và tràn đầy năng lượng, được Chúa Kitô hướng dẫn, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị đã đi đến tận cùng trái đất. Nhưng sau đó, ngài ngày càng đi vào sự hiệp thông với những đau khổ của Chúa Kitô; ngài ngày càng hiểu được sự thật của những lời này: 'Một người khác sẽ thắt lưng cho anh'. Và trong chính sự hiệp thông này với Chúa đau khổ, không mệt mỏi và với cường độ mới, ngài đã công bố Tin Mừng, mầu nhiệm của tình yêu đó đến cùng (x. Ga 13:1).

Khi trao quyền tối thượng cho Phêrô, Chúa Giêsu đã đặt quyền này vào trong mầu nhiệm tình yêu. Một tình yêu sâu sắc và rộng lớn đến nỗi trái tim con người khó có thể chứa đựng được. Vì thế, trái tim run rẩy.

Vào Chúa Nhật vừa qua, đối với nhiều Hồng Y, bài giảng là lời phát biểu công khai cuối cùng của các ngài trước khi Cơ Mật Viện bắt đầu vào thứ Tư. Sau đó, đối với một người, lệnh triệu tập sẽ đến gần, và trái tim sẽ run rẩy.

7. Đếm ngược đến ngày khai mạc Cơ Mật Viện: Những phẩm chất cần tìm kiếm ở vị Giáo Hoàng tiếp theo

Edward Petin phân tích gia của tờ National Catholic Register có bài nhận định nhan đề “Conclave Countdown: Qualities to Look for in the Next Pope”, nghĩa là “Đếm ngược đến ngày khai mạc Cơ Mật Viện: Những phẩm chất cần tìm kiếm ở vị Giáo Hoàng tiếp theo”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Những phẩm chất của một vị Giáo Hoàng không chỉ đơn thuần là những phẩm chất của một dạng giám đốc điều hành Giáo Hội Công Giáo.

Tối thiểu, ngài phải có đức tin mạnh mẽ và lòng khiêm nhường, sẵn sàng tuân thủ giáo huấn của Giáo hội và truyền thống tông đồ, và thể hiện danh hiệu cổ xưa của Đức Giáo Hoàng là servus servorum Dei, Người tôi tớ của các Người tôi tớ Chúa.

Nhưng ngài cũng phải sở hữu những phẩm chất đặc biệt khác, và lý tưởng nhất là thể hiện sự thánh thiện tuyệt vời cùng đức hạnh nổi bật — đức hạnh mà, như tôi đã viết trong cuốn sách The Next Pope xuất bản năm 2020, có thể được hiểu rõ nhất bằng cách nhìn vào tấm gương của Thánh Phêrô trong Tân Ước.

Được Chúa Kitô Phục sinh yêu cầu “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy” (Ga 21:17) sau khi Phêrô chối Người, một vị Giáo Hoàng phải thể hiện tình yêu dành cho Chúa Kitô, tình yêu này lan tỏa đến mọi thành viên trong thân thể huyền nhiệm của Chúa Kitô — “đàn chiên” mà Chúa Kitô là Người Chăn Chiên Nhân Lành.

Không giống như một chính trị gia chỉ tập trung vào thế giới này, trách nhiệm chính của một vị Giáo Hoàng là giúp dẫn dắt hàng triệu linh hồn đến thế giới tiếp theo. Do đó, lòng bác ái của ngài phải cho phép ngài “chăm sóc” đàn chiên thông qua việc cai quản, “nuôi dưỡng” đàn chiên thông qua phụng vụ và dạy họ giáo lý lành mạnh như một nhà tiên tri — về bản chất, ba munera hay ba nhiệm vụ của một giám mục là giảng dạy, cai quản và thánh hóa.

Thánh Phêrô mở rộng chủ đề này bằng cách khuyên nhủ các linh mục:

“Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế, khi Vị Mục Tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát.” (1 Pr 5:2-4)

Hơn nữa, cũng giống như Thánh Phêrô, người đã được mặc quần áo và dẫn đến nơi mà ngài “không muốn đến”, một vị Giáo Hoàng phải luôn khiêm nhường và phục tùng Chúa Quan Phòng. Và như Phêrô, “tảng đá” mà Giáo hội hữu hình được thành lập trên đó, người kế nhiệm ngài, nhờ ân sủng Chúa, phải mạnh mẽ về cả tính cách và đức tin.

Được giao phó “chìa khóa Nước Trời,” với quyền “buộc và tháo,” Đức Giáo Hoàng phải phán đoán công bằng, điều hòa công lý với lòng thương xót để cứu rỗi các linh hồn. Ngài cũng được kêu gọi xác nhận các tín hữu trong giáo lý của Giáo Hội, duy trì truyền thống và bảo vệ sự chính thống — những trách nhiệm vừa được đề cập đến xác định sứ mệnh chính của Thánh Phêrô. Ngài phải bảo vệ kho tàng đức tin và, trong khi làm như vậy, duy trì sự hiệp nhất của Giáo Hội.

Một trong những hướng dẫn tốt nhất về phẩm chất của Đức Giáo Hoàng đến từ Thánh Bernard xứ Clairvaux trong một hướng dẫn có tựa đề “Về sự cân nhắc”. Những suy nghĩ của vị tu sĩ Xitô này đã tác động đến các vị Giáo Hoàng trong suốt nhiều thế kỷ, đặc biệt là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV, cai quản Giáo Hội từ 1740 đến 1758. Ngài coi đó là quy tắc để đánh giá sự thánh thiện của một vị Giáo Hoàng. Đức Bênêđíctô đã tóm tắt “lời khuyên vàng” của Thánh Bernard, đưa ra một manh mối tốt về những gì cần tìm kiếm ở các Hồng Y được coi là papabile, như sau:

Đức Giáo Hoàng không nên quá bận tâm vào hoạt động nhưng phải nhớ rằng công việc chính của mình là xây dựng Giáo hội, cầu nguyện và dạy dỗ mọi người.

Trên hết mọi đức tính khác, một Đức Giáo Hoàng phải vun đắp lòng khiêm nhường: “Bạn càng được nâng cao hơn người khác bao nhiêu, thì lòng khiêm nhường của bạn càng phải được thể hiện nhiều hơn nữa.”

Lòng nhiệt thành của một Đức Giáo Hoàng phải liên quan đến sự thánh thiện cá nhân của mình, chứ không phải danh dự thế gian.

Một Đức Giáo Hoàng phải có những người bạn nổi tiếng vì sự tốt lành của họ.

Bởi vì cơ cấu quyền lực dễ tiếp nhận những người tốt hơn là đào tạo ra những người tốt, nên Đức Giáo Hoàng nên cố gắng thăng chức cho những người đã được chứng minh là có đức hạnh.

Khi đối phó với kẻ gian ác, Đức Giáo Hoàng nên quay mặt lại với họ: “Hãy để kẻ không sợ con người, phải sợ tinh thần giận dữ của bạn. Hãy để kẻ khinh thường lời khuyên răn của bạn, phải sợ lời cầu nguyện của bạn.”

Đức Bênêđíctô XIV cũng lưu ý đến đặc điểm thứ bảy, được Công đồng Trentô nhấn mạnh: đó là một Đức Giáo Hoàng phải chọn các Hồng Y từ những người xuất chúng nhất về học vấn và đức hạnh, những người là mục tử tốt và có trình độ cao.

Theo lời thề cổ xưa mà các Đức Giáo Hoàng đã tuyên thệ khi nhậm chức giám mục Rôma, các ngài cũng phải có lòng nhiệt thành trong việc truyền bá Đức tin Công Giáo, khuyến khích và khôi phục kỷ luật tôn giáo, và bảo vệ các quyền của Tòa thánh.

Thánh Robert Bellarmine, tu sĩ dòng Tên thế kỷ 16 và là Tiến sĩ Hội Thánh, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một vị Giáo Hoàng trong việc có khả năng bổ nhiệm các giám mục tốt, bảo đảm rằng các ngài hoàn thành nhiệm vụ của mình và nếu cần thiết, buộc các ngài phải làm như vậy. Hơn nữa, nhận thức sâu sắc về những gì cần thiết để một người trở thành một vị Giáo Hoàng tốt và thánh thiện, Thánh Robert đã than thở trước một Cơ Mật Viện vào năm 1605 rằng ngài không thể nghĩ ra một ứng cử viên nào phù hợp để trở thành giám mục của Rôma.

“Chúng ta cần nhiều lời cầu nguyện,” ngài viết, “vì tôi không thấy một người nào trong Hồng Y Đoàn sở hữu những phẩm chất cần thiết. Và tệ hơn nữa, không ai quan tâm tìm kiếm một người như vậy. Đối với tôi, có vẻ như đối với Đại diện của Chúa Kitô, chúng ta không tìm kiếm một người biết thánh ý của Chúa, nghĩa là, người thông thạo Thánh kinh; thay vào đó chúng ta đang tìm kiếm chỉ một người biết ý muốn của Đại Đế Giúttinianô và các nhà cầm quyền tương tự khác. Chúng ta đang tìm kiếm một hoàng tử thế tục tốt, chứ không phải một giám mục thánh thiện thực sự dành trọn cuộc đời mình cho lợi ích của các linh hồn.”

Cuối cùng, các Hồng Y đã bầu Đức Hồng Y Camillo Borghese, 52 tuổi, lấy hiệu là Phaolô Đệ Ngũ. Triều Giáo Hoàng của ngài gặp nhiều căng thẳng bởi các cuộc xung đột như Chiến tranh Ba mươi năm, tranh chấp với Galileo Galilei và nạn gia đình trị, nhưng ngài đã có những đóng góp đáng kể cho cảnh quan kiến trúc của Rôma trước khi qua đời ở tuổi 70.

Người ta thường tự hỏi Chúa Thánh Thần can thiệp nhiều đến mức nào vào một Cơ Mật Viện. Đức Hồng Y Joseph Ratzinger giải thích rằng Ngôi Ba của Chúa Ba Ngôi “không thực sự kiểm soát công việc, mà giống như một nhà giáo dục giỏi, để lại cho chúng ta nhiều không gian, nhiều tự do, mà không hoàn toàn từ bỏ chúng ta.”

“Vì vậy, vai trò của Thánh Linh nên được hiểu theo nghĩa linh hoạt hơn nhiều, không phải là Ngài ra lệnh cho người ta phải bỏ phiếu cho ai. Có lẽ lời bảo đảm duy nhất mà Chúa Thánh Thần đưa ra là mọi thứ không thể bị hủy hoại hoàn toàn.” Ngài nói thêm: “Có quá nhiều trường hợp phản chứng về các Giáo Hoàng mà rõ ràng là Thánh Linh sẽ không chọn!”

Nhiều yếu tố khác cũng sẽ quyết định những người mà các Hồng Y cuối cùng lựa chọn, chẳng hạn như tuổi tác, vị trí địa lý, khuynh hướng thần học, kinh nghiệm và sức khỏe cá nhân. Nhưng xét về phẩm chất cá nhân, đây là những phẩm chất, ít nhất là trong lịch sử, đã đóng vai trò là khuôn mẫu để chi phối các lựa chọn của các Hồng Y.


Source:National Catholic Register
 
Thánh Ca
TV 99 – Chúa nhật 4 Phục Sinh C
Lm Thái Nguyên
06:07 06/05/2025