Ngày 22-04-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 23/04: Dân Do Thái mong đợi ai? – Lm. Phêrô Trần Văn Tiến
Giáo Hội Năm Châu
02:06 22/04/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông. Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-môn. Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.” Đức Giê-su đáp: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. 30 Tôi và Chúa Cha là một.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:14 22/04/2024

24. Nếu không có ân sủng của Thiên Chúa trợ giúp, thì ngay cả nói chuyện trên trời của các vị đại thánh, cũng không làm cảm động lòng người.

(Thánh Teresa of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:18 22/04/2024
36. CHĂN BÔNG QUÁ NÓNG

Có một người trời nóng như thiêu mà đắp chăn bông kép để ngủ, có người hỏi ông ta tại sao đắp chăn kép, ông ta trả lời:

- “Bởi vì chăn bông quá nóng.”

(Tiếu lâm)

Suy tư 36:

Chăn bông nóng chứ không phải thời tiết nóng, đó là lập luận của những người thích “đùa” với lửa, tức là thích đùa với tội.

Có người vì quá mê đắm sắc dục nên khi được khuyên bào thì trả lời là tại cô ta đẹp bốc lửa nên tui mới thích; lại có người thích rượu chè be bét khi có người khuyên thì nói tại rượu say chứ mình không say...

Trời nóng là vì khí hậu nóng chứ không phải vì chăn bông nóng đó là lẽ tự nhiên của trời và đất, điều đó thì không có gì đáng sợ; nhưng cái đáng sợ nhất chính là lòng dạ con người bị “nóng” ngay cả khi trời đang lạnh, nóng ngay cả khi trời lạnh là lãnh đạm trước người nghèo khó, dưng dưng trước bất công và cười đùa hưởng thụ trên những đau khổ của người khác...

Người Ki-tô hữu thì luôn luôn điều chỉnh tâm hồn và cuộc sống của mình theo tinh thần Phúc Âm của Đức Chúa Ki-tô, để dù cho thời tiết xấu hay tốt, thì họ vẫn có thể làm cho hoàn cảnh nóng lên hoặc nguội xuống theo đời sống phục vụ cách tận tụy của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Luôn khích lệ
Lm. Minh Anh
15:10 22/04/2024
LUÔN KHÍCH LỆ
“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”.

“Hãy tâng bốc tôi, tôi có thể không tin bạn! Hãy chỉ trích tôi, tôi có thể không thích bạn! Hãy quên bẵng tôi, tôi có thể không tha cho bạn! Nhưng hãy khích lệ tôi, tôi sẽ không bao giờ quên bạn!” - William Arthur Ward.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy khích lệ tôi, tôi sẽ không bao giờ quên bạn!”. Thật thú vị! Các nhân vật của Lời Chúa hôm nay là những con người ‘luôn khích lệ’ mà Giáo Hội và thế giới sẽ không bao giờ quên lãng: Barnaba, ‘Con của sự khích lệ’; và Giêsu, ‘Thiên Chúa của sự khích lệ!’.

Công Vụ Tông Đồ tường thuật cuộc viếng thăm của Barnaba; “Barnaba”, tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘Con của sự khích lệ!’. Từ Giêrusalem, Barnaba được cử xuống Antiôkia để xét xem hiện tình. Vui mừng khi thấy “ơn Thiên Chúa” ban, Barnaba “khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa”; ông dành cho anh chị em tân tòng một sự khích lệ lớn lao. Sau đó, đến Taxô, Barnaba tìm Phaolô, người mới tin; đưa Phaolô đi Antiôkia để hỗ trợ cho Hội Thánh non trẻ này. Từ đó, Phaolô trở thành trụ cột của Antiôkia; và “Chính tại Antiôkia, lần đầu tiên, các môn đệ được gọi là Kitô hữu”, Hội Thánh ngày càng có nhiều người tin; Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ nỗi hân hoan, “Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa!”.

Lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay cũng thật khích lệ, “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”. Với Ngài, hạnh phúc tối thượng của mỗi con chiên là “sự sống đời đời”. Tuy nhiên, không phải là những con chiên thụ động nhưng là những con chiên biết lắng nghe Chủ Chiên, một điều gì đó không thể thiếu trong mối quan hệ của nó với Ngài, “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi”. Ngài ra sức bảo vệ chiên, “Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”; nhưng để khỏi bị cướp, mỗi con chiên cần đóng góp phần tích cực của mình. Nghĩa là, chúng ta phải im ắng đủ để nghe tiếng Mục Tử Giêsu qua từng biến cố, từng cử hành phụng vụ, từng trang Phúc Âm; siêng năng tìm đến suối nguồn ân sủng, các Bí tích. Bởi lẽ, ngày nay, đang có nhiều ‘tiếng người lạ’ dành giật sự chú ý; và thật không dễ để bạn và tôi có thể nghe được những lời ‘luôn khích lệ’ của Ngài.

Anh Chị em,

“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”. Noi gương Chúa Giêsu, ‘Thiên Chúa của sự khích lệ’; bắt chước Barnaba, ‘Con của sự khích lệ’, chúng ta cũng ao ước “sự sống đời đời” cho mình và cho tha nhân. Như các ngài, chúng ta khuyến khích nhau trong đức tin, giúp nhau lớn lên trong sự thân tình với Chúa và sống liên đới với nhau. Cha mẹ khuyến khích con cái, con cái khuyến khích cha mẹ; anh chị em, bạn bè khuyến khích nhau để nên thánh mỗi ngày; vì “Chúng ta không lên thiên đàng một mình!”. Ước gì bạn và tôi có một trái tim lặng đủ để nhanh nhạy ‘ngẩng lên’ khi nghe Giêsu Mục Tử gọi và mau mắn thi hành điều Ngài muốn! Từ đó, dám dấn thân, trở nên những con người sẵn sàng vực dậy những ai đang bủn rủn, đầu gối rã rời. Như vậy, trong mọi lĩnh vực, ‘mục vụ khuyến khích’, ‘văn hoá khuyến khích’ vẫn đóng một vai trò nhất định, không chỉ ở các Hội Thánh non trẻ, mà cả với Giáo Hội trưởng thành và ngay trong thế giới hiện đại!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con sống và dạy ‘văn hoá khuyến khích’. Đừng để con nhìn mọi sự dưới lăng kính tiêu cực. Cho con luôn dấn thân trong ‘mục vụ khuyến khích!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tất cả trong Thầy và trong Cha
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
22:16 22/04/2024
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH NĂM B : GA 15,1-8

1Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

“5Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em không làm gì được. 6Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là : Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy
”.


TẤT CẢ TRONG THẦY VÀ TRONG CHA

Suốt Cựu Ước, hình ảnh “cây nho” đã chỉ dân mà Thiên Chúa từng tuyển chọn và lo lắng với tình yêu (x. Is 5,1-7; 27,2-4; Gr 2,21; 12,10; Ed 15,1-8; 17,6-10; 19,10-14; Hs 10,1; Tv 80,8-17). Nhưng Ít-ra-en đã làm cho Thiên Chúa phải thất vọng, vì đã không trổ sinh cành lá tươi tốt, hoa trái ngon ngọt (x. Is 5,4; Gr 2,21). Đức Giê-su chiếm lấy hình ảnh này, biểu tượng này để giúp chúng ta khám phá một thực tại mới : “Thầy là cây nho đích thực”, nơi Ga 15,1-17. (Đoạn này chia làm hai phần: cc. 1-2: dụ ngôn cây nho và cành nho; cc. 3-17: áp dụng, quảng diễn dụ ngôn, trong văn mạch của Diễn từ Giã biệt).

1. Vì Thầy là Cây Nho

Luôn luôn có Thiên Chúa, người trồng nho chăm chỉ, và loài người, dân-vườn nho. Nhưng giữa cả hai nổi lên một con người-vườn nho, một con người “tập thể” : Đức Giê-su. Vườn nho với nhiều gốc rải rác trở thành Gốc nho độc nhất sẽ không ngừng lớn lên nhờ các cành : “Thầy là cây nho, anh em là cành”

Không nói : “Thầy là thân nho, anh em là cành nho” mà lại sử dụng kiểu nói lạ lùng vừa thấy, Đức Giê-su muốn cho ta nhận thức rõ một mầu nhiệm : mầu nhiệm hiệp nhất : sự hiệp nhất chặt chẽ của Người với các môn đệ Người. Mối hiệp nhất này rõ ràng khiến nghĩ đến sự liên đới loài người trong A-đam (liên đới trong họa), nhưng sự liên đới trong Đức Giê-su còn mạnh mẽ hơn và hoàn toàn có lợi (liên đới trong phúc) (x. Rm 5,12-21). Nó múc lấy sức mạnh từ một sự hiệp nhất khác : hiệp nhất giữa Đức Giê-su với Cha Người, giữa “gốc nho” với “người trồng nho”.

Có một từ tiêu biểu của Gio-an xác định sự hiệp nhất thần linh vốn lan đến chúng ta nhờ Đức Giê-su như thế : ở lại trong : “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em”. Nơi lời cầu nguyện dài cuối cùng, Đức Giê-su sẽ gợi lên lần sau hết kiểu hợp nhất trú ngụ chưa từng có ấy : “Xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta” (17,21). Rồi một hình ảnh biểu tượng rất đẹp nói lên việc cộng thông sự sống giữa Đức Ki-tô với những ai tin vào Người : nhựa cây nho. Không có Thầy, Đức Giê-su nói, không có sự sống của Thầy trong huyết quản anh em, anh em không thể làm gì, anh em không thể sống cái gì sâu xa, đầy sinh lực với Chúa Cha và giữa anh em. Anh em chỉ là một cành cây khô héo.

2. Vì anh em là Đoàn Dân, Hội Thánh, Thân Thể

Để biểu tượng hóa cũng chính sự hiệp nhất này, thánh Phao-lô sẽ thích dùng ý tưởng “thân thể” : chúng ta là Thân Thể Đức Ki-tô, một thân thể mang tên Hội Thánh : “Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. Quả thế, tất cả chúng ta, dù là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong Thần Khí duy nhất để trở nên một thân thể duy nhất” (1Cr 12,12-13; x. Rm 12,4-5). Đức Ki-tô và Hội Thánh làm nên “Đức Ki-tô toàn thể”. Thân thể này không phải là cộng số các chi thể, mà là nguyên lý thống nhất các chi thể. Trong tư duy Do-thái, thân thể đồng nghĩa với con người (x. Rm 6,6). Đức Ki-tô cũng vậy, bản thân Người là nguyên lý thống nhất, làm cho số đông các Ki-tô hữu được hợp nhất nên một.

Khái niệm “Thân Thể Đức Ki-tô” đưa chúng ta đến nhiều mầu nhiệm kết hợp, cư ngụ, đến cộng đồng sống giữa Đức Giê-su với những ai tin Người. “Trong thân thể này, sự sống Chúa Ki-tô tràn lan trên các tín hữu nhờ các bí tích… Trong Người, toàn thân lớn lên trong Thiên Chúa nhờ được bồi dưỡng và xây dựng qua sự liên kết ràng buộc với nhau. Trong thân thể Người là Hội Thánh, Người luôn quy định để ban các thừa tác vụ, nhờ đó, với thần lực Người, chúng ta mang đến cho nhau những việc phục vụ cần thiết cho ơn cứu rỗi, hầu khi thực hiện chân lý trong bác ái, chúng ta lớn lên về mọi phương diện trong Người là Đầu của chúng ta”. (Hiến chế Hội Thánh số 7). Với những tìm tòi mới của Tân Tô-ma thuyết (dùng mọi kiến thức khoa học của thời đại để hỗ trợ cho thần học, hầu có một cái nhìn tổng hợp về mọi công trình của Thiên Chúa và trình bày một đức tin để thấu hiểu và chấp nhận được đối với con người hôm nay), người ta ngày càng khám phá thấy có những liên hệ chặt chẽ và đối xứng sít sao giữa thân thể con người và Thân Thể Đức Ki-tô, giữa con người và Con Người Mới (Đức Ki-tô toàn mãn), giữa cuộc tiến hóa và cuộc thánh hóa, giữa sinh học (đặc biệt sinh học con người, một mũi nhọn của thế kỷ 21) và thần học, giữa công trình sáng tạo và công trình cứu chuộc. Đây là một mảnh đất màu mỡ đang được khai phá.

Từ công đồng Vatican II, chúng ta lại học yêu mến một khái niệm khác của Thánh Kinh, khái niệm Dân Thiên Chúa : “Thiên Chúa đã chọn Ít-ra-en làm dân Người, đã thiết lập với họ một giao ước, giáo huấn họ dần dần bằng cách tỏ chính mình và ý định mình qua lịch sử dân ấy… Tuy nhiên tất cả những điều ấy chỉ là chuẩn bị và là hình bóng của giao ước mới và hoàn hảo sẽ được ký kết trong Chúa Ki-tô… Người đã triệu tập dân chúng từ Ít-ra-en và từ các dân ngoại, họp thành một khối duy nhất trong Thánh Thần chứ không theo xác thịt, để làm họ nên dân mới Thiên Chúa, thành một “giống nòi được tuyển chọn, thành hàng tư tế vương giả, thành dân thánh, dân đã được Thiên Chúa thu phục” (Hiến chế Hội Thánh số 9). Khái niệm “Dân Thiên Chúa” này làm nổi lên hình ảnh những con người đang tiến bước, một đoàn lữ hành bao la vốn đã lên đường theo sau Áp-ra-ham, Mô-sê, Đa-vít, và Đức Giê-su Mục Tử đích thật.

Nhưng cũng chớ bỏ quên khái niệm đầu hết và thông thường hơn cả là khái niệm “Hội Thánh”. Khái niệm này lập tức gợi lên ý tưởng “những gì là thánh thì hội lại” : quanh Thiên Chúa Đấng Thánh, quanh Ba Ngôi Chí Thánh đã, đang và sẽ hội lại các thánh (những Ki-tô hữu cũng như những chính nhân của Cựu Ước và của cả nhân loại đã hoàn tất tốt đẹp cuộc đời), dân thánh (mọi Ki-tô hữu còn đang chiến đấu [x. Cv 9,13.32.41; 26.10…] cũng như những ai đang sống theo lương tâm ngay thẳng) và tất cả những gì được thánh hóa (nghĩa là toàn thể vũ trụ được cứu chuộc nhờ Đức Ki-tô với sự cộng tác của loài người) : “Từ nguyên thủy, Hội Thánh đã được tiên báo bằng hình bóng, được chuẩn bị kỳ diệu trong lịch sử dân Ít-ra-en và trong giao ước cũ, được thành lập trong thời cuối cùng và được biểu hiện lúc Chúa Thánh Thần ngự xuống, rồi đến ngày tận thế sẽ hoàn tất trong vinh quang. Bấy giờ, như chúng ta đọc thấy nơi các Thánh Giáo Phụ, mọi người công chính từ A-đam, “từ A-ben công chính đến người được tuyển chọn cuối cùng” sẽ được tập họp trong Hội Thánh phổ quát bên Chúa Cha” (Hc Hội Thánh số 2; x. 1Cr 15,25-28)

3. Kiểu sống xuất phát từ đó

Cây Nho, Đoàn Dân, Hội Thánh, Thân Thể, tất cả đều lôi chúng ta ra khỏi một cuộc sống Ki-tô hữu duy cá nhân. Và thậm chí khỏi một kiểu tương giao tưởng tượng “Ngài-con” với Thiên Chúa. Chúng ta chẳng bao giờ cô độc và chẳng bao giờ là hai cả; thực tại Ki-tô giáo là một bộ ba : sự hiệp thông của chúng ta với Ba Ngôi và với nhân loại. Hình ảnh các tương quan quá tách biệt, đường thẳng đứng (chúng ta với Thiên Chúa) và đường nằm ngang (chúng ta với mọi người), kể ra không được đẹp. Nên thấy mình ở trong một vũ trụ bao la, nơi tôi cùng lúc vươn tới Chúa và anh em của tôi khắp nơi.

Cuộc sống hiệp thông này, vừa duy nhất vừa đa dạng, hiển nhiên là một hiệp thông tình yêu. Trong các câu nổi tiếng tiếp theo mà chúng ta sẽ suy niệm tuần tới (15,9-17, bài tình ca của Gio-an), Đức Giê-su nói với chúng ta rằng cùng một nhựa sống thần linh, cùng một lòng yêu mến, phải dần dần biến mọi người nên một Dân-Cây nho trong Người.

Kính mời đọc thêm : Hội Thánh (vũ trụ), Thân thể Mầu nhiệm của Chúa Ki-tô (Thử đưa ra một cái nhìn tổng hợp về mầu nhiệm Hội Thánh).
https://ktcgkpv.org/articles/get-article?id=415
https://tonggiaophanhue.net/tu-lieu/tai-lieu-khac/hoi-thanh-vu-tru-than-the-mau-nhiem-cua-chua-kito/
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chuyến viếng thăm Thánh Địa của Đức Hồng Y Dolan đã bị rút ngắn
Vũ Văn An
14:00 22/04/2024

John Burger, trên Aleteia, ngày 21/04/24 cho biết: Đức Hồng Y Dolan gặp gỡ các nhà lãnh đạo Israel và Palestine, cũng như những người dân bình thường được các chương trình của Giáo hội giúp đỡ. Đức Hồng Y Hoa Kỳ Timothy M. Dolan đã gặp Chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas, Tổng thống Israel Isaac Herzog, và nhiều người dân bình thường được Giáo hội hỗ trợ tại Thánh địa trong chuyến thăm tuần này.



Đức Hồng Y Dolan, tổng giám mục New York, đã tới Israel và West Bank trong vai trò là chủ tịch Hiệp hội Phúc lợi Công Giáo Cận Đông (CNEWA) để giúp kỷ niệm 75 năm Hội Giáo hoàng Truyền Giáo tại Palestine. Ngài được tháp tùng bởi nhân viên của Tổng Giáo phận New York và Hiệp hội Phúc lợi Công Giáo Cận Đông, trong đó có Đức ông Peter I. Vaccari, chủ tịch của cả Hiệp hội Phúc lợi Công Giáo Cận Đông lẫn Hội Giáo hoàng Truyền Giáo. Phái đoàn đã có một số khoảnh khắc đáng sợ vào đêm 13-14/4, khi Iran phóng hơn 300 máy bay không người lái, tên lửa tầm xa và tên lửa đạn đạo chống lại Israel. Quân đội Israel đã chặn được hầu hết các vũ khí này.

Đức Hồng Y nói với Vatican News: “Điều đó thật đáng lo ngại đối với chúng tôi vào lúc nửa đêm - bị đánh thức bởi tiếng còi báo động và sau đó chạy xuống tầng hầm, tại nhà khách hành hương này” ở Giêrusalem. Nhưng rồi sáng hôm sau, ngồi đây, tôi ngạc nhiên khi thấy xe buýt, xe điện chật kín người đi làm và mọi sự đã trở lại trạng thái bình thường một cách nghịch lý. Một mặt, tôi nghĩ điều này thật bi thảm vì người dân ở đây đã quen với điều mà lẽ ra họ không bao giờ nên quen - chiến tranh. Và mặt khác, tôi nghĩ đó cũng là một tấm gương đẹp về sự kiên cường chống lại bạo lực và cái ác. Cuộc sống vẫn phải tiếp tục và chúng tôi cũng đến đây để hòa bình được tiếp tục”.

Đức Hồng Y Dolan và đoàn tùy tùng của ngài được cho là đã rời Thánh địa hai ngày trước ngày rời khỏi dự kiến là ngày 18 tháng 4, cảnh giác với sự leo thang trong cuộc xung đột ở Trung Đông, trong khi Israel thề sẽ trả thù cuộc tấn công của Iran.

Các Ki-tô hữu “được tôn trọng”

Nhưng ĐHY Dolan bày tỏ sự hài lòng với chuyến thăm, trong đó bao gồm các cuộc gặp gỡ với các viên chức Giáo hội và dân sự cũng như những người tị nạn Palestine. Về cuộc gặp với Chủ tịch Abbas [ảnh trên] và Herzog, Đức Hồng Y nói: “Cả hai đều đánh giá cao và cả hai đều rất quan tâm đến sự hiện diện của Kitô giáo. Tôi rất vui khi nhận được lòng biết ơn và những lời khen ngợi dành cho Hội Giáo hoàng Truyền giáo” từ họ. Ngài nói tiếp: “Tôi thấy các cộng đồng Kitô giáo, và đặc biệt là cộng đồng Công Giáo do Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa lãnh đạo, được đánh giá cao. Đặc biệt trong tình hình nghiêm trọng phát triển sau vụ tấn công ngày 7 tháng 10, những nỗ lực của chúng tôi trong việc luôn sử dụng những lời lẽ hòa bình, nhằm thúc đẩy một não trạng gặp gỡ đã được công nhận và đánh giá cao vượt xa các cộng đồng nhỏ bé của chúng tôi. Ngoài các hoạt động của chúng tôi, tôi nhận thấy mọi người hoan nghênh tiếng nói mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Một số chỉ trích ngài, một số vui mừng với ngài. Nhưng mọi người đều đánh giá cao tiếng nói mạnh mẽ của ngài trong việc thúc đẩy hòa bình và đối thoại.”

Bình luận về những nỗ lực tuyệt vọng để tìm kiếm hòa bình, cũng như mối đe dọa leo thang thành một cuộc chiến tranh Trung Đông rộng lớn hơn, Đức Hồng Y nhận xét: “Giải pháp thực sự là đổi mới niềm tin của chúng ta vào tình nhân loại chung, khiến chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa, được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh Người, đáng được tôn vinh và tôn trọng. Và đó không chỉ là tiếng nói của Đức Hồng Y Pizzaballa, mà còn là tiếng nói mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và của toàn thể Giáo hội, trong đó chúng tôi, với tư cách là Hội Giáo hoàng Truyền giáo, thực hiện một công việc phục vụ quý giá cho sự hiệp nhất và hòa bình – trở thành ánh sáng cho thế giới này như Tin Mừng yêu cầu chúng ta.”

Đức Hồng Y Dolan đã đến thăm Trại Tị nạn Aida gần Bethlehem, nơi Hội Giáo hoàng Truyền giáo hỗ trợ chương trình cho giới trẻ, và Creche, nơi trú ẩn cho trẻ em bị bỏ rơi ở Bê-lem, do các Nữ tử Bác ái điều hành. Hiệp hội Phúc lợi Công Giáo Cận Đông hỗ trợ Giáo Hội Công Giáo ở Trung Đông, Đông Bắc Phi, Ấn Độ và Đông Âu. Hội Giáo hoàng Truyền giáo được Đức Giáo Hoàng Piô XII thành lập năm 1949 để hỗ trợ công việc của Giáo hội tại Thánh địa.
 
Chúa Ki-tô gắn kết mọi điều lại với nhau và cho chúng ta biết chúng ta là ai
Vũ Văn An
14:24 22/04/2024

Tạp chí The Catholic Thing cho biết Hôm nay, 17 tháng 4, là ngày giỗ thứ năm của người bạn, linh mục, triết gia và cộng tác viên của họ, Cha James Schall, SJ. Để tưởng nhớ, họ cho công bố một trong những bài viết của ngài từ năm 2019, cũng như một chuyên mục của một trong số nhiều người mà Cha Jim đã truyền cảm hứng để mạo hiểm nghiên cứu triết học. Tiến sĩ Wood đề cập đến ba nhà triết học – Pla-tông và A-ris-tốt thời xưa, và một người đương thời, Đức ông Robert Sokolowski – tất cả đều được Cha Jim đặc biệt quý trọng. Họ nhớ đến ngài với tình cảm, sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn sâu sắc nhất. Xin cho ngài được nghỉ yên.

Bạn là ai?

Cha James V. Schall, SJ

Người Pha-ri-si Hỏi Chúa Giê-su của James Tissot, c. 1890 [Bảo tàng Brooklyn]


Có thể đặt ra ít nhất bốn câu hỏi nổi tiếng, không được lặp lại đủ thường xuyên của A-ris-tốt về bất cứ sự vật nào khi chúng ta cố gắng tìm hiểu xem nó là gì và tại sao. Đó là: 1) “Nó là gì?” – một cái cây, một con thỏ, một hành tinh? 2) “Nó có hiện hữu không?” Tức là nó có hiện hữu hơn là không hiện hữu không? Nó có đứng ngoài hư vô không? 3) Ai hoặc cái gì đã làm cho nó chuyển động hoặc hiện hữu? 4) “Tại sao nó hiện hữu?” Đâu là lý do nó hiện hữu lúc này?

Về con người, chúng ta có thể thêm một câu hỏi nữa: “Bạn là ai?” Nghĩa là, mỗi chúng ta đều có một sự hiện hữu đặc thù, đặc biệt, không thể lặp lại, không giống bất cứ hữu thể nào khác đã từng hiện hữu, nhưng chúng ta vẫn là con người. Mỗi “cái gì” của con người đều là một “bạn”.

Chúng ta có nguyên nhân mô thức, nguyên nhân chất thể, nguyên nhân hiệu quả và nguyên nhân cuối cùng. Chúng ta thấy rằng những nguyên nhân khác nhau này là cần thiết để giải thích điều gì đó có thật về những gì chúng ta gặp phải trong những sự vật hiện hữu.

Chúng ta không phải là thần thánh, chúng ta cũng không hòa lẫn vào một “tất cả” nào đó, do đó, chúng ta không còn hiện hữu với bản sắc riêng biệt của mình nữa. Chính tính lâu dài của bản sắc đặc biệt, độc đáo của chúng ta mới là điều quan trọng nhất đối với chúng ta. “Tôi” là người đã làm/không làm điều này điều kia. Chính bản sắc đặc biệt, duy nhất mà qua đó John không phải là Joseph, Suzie không phải là Sally, đã giúp chúng ta xác định được nguyên nhân chuyên biệt của những điều đã xảy ra trên thế giới này.

Mỗi “bạn” có thể lắng nghe một “bạn” khác và trả lời. Bạn đã làm hay chưa làm điều này? Theo một nghĩa nào đó, lịch sử thế giới trải qua sự lựa chọn của những con người đặc biệt, độc nhất. Những lựa chọn và hành động của họ cho thấy rõ họ là ai và tại sao.

Lịch sử thế giới ghi lại những phán xét, khôn ngoan và không khôn ngoan, được thực hiện bởi con người sống trên thế giới này trong một thời gian ngắn hay dài.

Trong chương tám của tin mừng Gio-an, Chúa Ki-tô nói với những người Pha-ri-siêu rằng Người sẽ đi đến nơi mà họ không thể tìm thấy Người. Một số người nghĩ rằng Người sắp tự sát. Nhưng Chúa Ki-tô nói với họ rằng họ sẽ chết trong tội lỗi của chính mình trừ khi họ tin rằng “Ta hằng hữu”.

Cùng một Đấng “Ta hằng hữu” này, những người Pha-ri-siêu chợt nhớ lại, là một cái tên mà người Pha-ri-siêu nhận ra. Đó là cái tên mà Mô-sê đã nghe khi ông hỏi tên Thiên Chúa.

Trong cơn thất vọng, người Pha-ri-siêu hỏi một cách hợp luận lý: “Vậy ông là ai?” Không cần phải nói, họ chưa được chuẩn bị cho câu trả lời của Người. Chúa Ki-tô đang nói với họ về Cha Người. Người nói thêm rằng khi họ nhìn thấy Người sống lại, họ sẽ biết rằng “Ta hằng hữu”.

Người không làm gì của riêng Người. Người làm những gì Chúa Cha đã dạy Người. Những gì Người đã nghe, Người sẽ “nói cho thế gian biết”. Đấng đã sai Người đang ở với Người. Người chỉ nói những gì đẹp lòng Chúa Cha. Vì Người phán với thẩm quyền nên nhiều người đã tin Người. Nhưng đa số không tin Người.

Điều nổi bật trong những cảnh này là sự bối rối của những người Pha-ri-siêu. Họ có những ý kiến riêng về việc Đấng Mê-xi-a đã hứa sẽ xuất hiện giữa họ như thế nào. Họ nước đôi và thận trọng. Họ khá chắc chắn rằng người trước mặt họ là kẻ giả mạo. Họ cố gắng hết sức để bắt quả tang Người nói phạm thượng.

Nhưng dường như Người luôn đi trước họ một bước. Người đưa ra những tuyên bố khá đáng ngạc nhiên dường như có nền tảng chính đáng trong truyền thống của chính họ. Người hỗ trợ họ bằng những gì chỉ có thể gọi là phép lạ. Người tự đồng hóa mình với Đền Thờ, với Giô-na, với Người Tôi Tớ Đau Khổ, và với một ai đó cao cả hơn ngày Sa-bát. Họ yêu cầu Người giải thích: “Vậy ông là ai?”

Năm 1988, Joseph Ratzinger nhắc lại nhận xét nổi tiếng của luật gia người Hà Lan, Hugo Grotius (mất 1645), rằng luật tự nhiên sẽ là luật tự nhiên “ngay cả khi” Thiên Chúa không hiện hữu. Về lời khẳng định này, Ratzinger nhận xét: “Nhưng nếu Thiên Chúa không hiện hữu thì sẽ không có gì giống như hiện nay; mọi thứ sẽ bắt đầu từ trống rỗng và trở lại trống rỗng. Những gì chúng ta gọi là công lý sẽ chỉ là sự thất thường mà chúng ta có thể viết lại theo ý muốn.”

Sự vật hiện hữu như chúng đang hiện hữu bởi vì chúng được tạo ra như vậy. Chúng không tạo ra sự hiện hữu của chính chúng. “Cho dù Thiên Chúa có hiện hữu hay không, câu trả lời cho câu hỏi đó cuối cùng sẽ quyết định liệu chúng ta có phải là con người hay không, liệu phẩm giá con người, nhân tính đích thực và công lý của con người có thể hiện hữu hay không.” (Cộng tác viên của sự thật).

Câu hỏi của người Pha-ri-siêu – “Vậy ông là ai?” – là một câu hỏi thích hợp. Nếu Thiên Chúa không hiện hữu thì sẽ không có gì giống như hiện tại. Mọi thứ sẽ trở về hư vô mà từ đó chúng xuất hiện; chỉ có điều lần này mọi thứ sẽ không có trật tự, không có ai hỏi: “Nhưng bạn là ai?”

Đấng Ki-tô là Đấng gắn kết mọi việc lại với nhau. Ngài là Lời của Chúa Cha.

Chất thể, Thân xác, Linh hồn, Thập giá và Phục sinh

Joseph R. Wood

Vấn đề làm thế nào linh hồn và thể xác hòa hợp với nhau đã nẩy sinh rất nhiều nỗ lực triết học. Sô-crat, theo tường trình của Pla-tông, tin rằng linh hồn tách biệt khỏi cơ thể (lưỡng tính), tồn tại trước cơ thể và sau khi nó chết.

Ông tố cáo các huyền thoại của Homer về tôn giáo của Athens trong đó các vị thần, trong cơ thể của họ, làm những điều xấu xa.

Nhưng ông không bác bỏ mọi huyền thoại. Thí dụ, trong Gorgias, Sô-crat kết thúc bằng một huyền thoại – điều mà ông liên tục khẳng định không chỉ là một câu chuyện mà là một “lời giải thích có lý” – kể về sự phán xét của linh hồn sau khi chết, được quyết định bởi những lựa chọn của linh hồn khi nó còn ở trong cơ thể. Sô-crat nói với bạn bè rằng số phận vĩnh cửu của họ phụ thuộc vào việc họ chấp nhận huyền thoại này, ít nhất là cho đến khi họ tìm được thứ gì đó tốt hơn.

Học trò của Pla-tông là A-ris-tốt coi linh hồn là nguyên lý của sự sống. Ở thực vật, nguyên lý này có tính dinh dưỡng: cây tìm kiếm những gì nó cần để phát triển trong đất, nước, không khí và ánh sáng mặt trời. Nơi động vật, tri nhận giác quan được bổ sung thêm vào khả năng dinh dưỡng. Nơi con người, lý trí làm hoàn hảo các khả năng dinh dưỡng và giác quan.

A-ris-tốt cho rằng mục đích hay telos của hữu thể nhân bản, tức là trở thành nhân bản hoàn toàn, là hạnh phúc, điều mà mọi thứ khác được con người tìm kiếm (tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp) được coi sẽ dẫn đến. Nhưng ông lập luận rằng hạnh phúc thực sự nằm ở việc chiêm ngưỡng thần linh.

A-ris-tốt cho rằng hạnh phúc như chiêm niệm đòi phải trau dồi các thói quen trí thức, vốn dựa trên các thói quen đạo đức, thói quen tiết độ và lòng dũng cảm. Nhưng không giống như hầu hết các sinh vật sống trong tự nhiên, con người thường không thể đạt tới mục đích này. Chúng ta không thể trở thành những gì chúng ta được ấn định trở thành.

Trí hiểu của chúng ta là điều có tính thần linh nhất trong chúng ta, và một cuộc sống thực hiện đầy đủ các thói quen trí thức về khoa học và khôn ngoan trong chiêm niệm là điều quá thần linh đối với chúng ta.

A-ris-tốt dường như nói rằng cơ thể, với những đòi hỏi và mong muốn của nó, đã gây ra tình trạng lưỡng nan này. Các thói quen luân lý có thể giúp chúng ta làm chủ thân xác mình để đôi khi có thể thực hiện được việc chiêm niệm (đối với A-ris-tốt, triết học hoặc lòng yêu khôn ngoan), nhưng không nhiều hơn thế.

A-ris-tốt đưa linh hồn và thể xác vào mối quan hệ gần gũi hơn nhiều so với thuyết nhị nguyên của Pla-tông. Linh hồn tạo mô thức cho chất thể của cơ thể trong một loài thực vật, động vật hoặc con người đặc thù. Ông có vẻ nghi ngờ về ý tưởng cho rằng linh hồn tồn tại lâu hơn thể xác hoặc có thể, giống như một thủy thủ trên một con tàu ở cảng, rời khỏi con tàu.

Cuốn sách Giới thiệu về Hiện tượng học của Đức ông Robert Sokolowski đưa ra một trường hợp hiện đại hơn. Hiện tượng học bắt đầu vào đầu thế kỷ 20 và nghe có vẻ đáng sợ. Nhưng như Đức Ông Sokolowski giải thích, sức mạnh của nó nằm ở việc khôi phục khả thể – được những người cổ thời như Pla-tông và A-ris-tốt chấp nhận – này là chúng ta thực sự có thể biết những điều nằm ngoài tâm trí chúng ta, những điều nằm ngoài ý tưởng và suy nghĩ của chúng ta.

Khái niệm tâm trí con người bị cô lập khỏi cơ thể của chính nó và với thế giới bên ngoài đã chiếm ưu thế trong triết học trong vài thế kỷ qua. Nó khiến chúng ta hoài nghi rằng chúng ta có thể biết bất cứ thực tại nào không chỉ là một số suy nghĩ nảy ra trong đầu chúng ta, hoặc thậm chí liệu có một thực tại như vậy hay không.

Sokolowski viết rằng linh hồn “có mối quan hệ thiết yếu với cơ thể và được thiết lập trên cơ thể để nó sinh động, quyết định và trong đó nó được phát biểu. Con người là những cơ thể được linh hồn làm sinh động chứ không phải những linh hồn bị giới hạn vào chất thể.”

Cơ thể không chỉ là vật trang trí hay phương tiện cho linh hồn. Và bởi vì nó mang lại cho chất thể của cơ thể mô thức nhân bản, nên linh hồn cùng với cơ thể là nhân bản.

Tuyên bố của Sokolowski phù hợp với A-ris-tốt và với Kinh thánh. Theo một nghĩa nào đó, thể xác có trước, vì vậy chúng ta có thể coi nó có trước linh hồn theo thời gian. Theo một nghĩa khác, linh hồn được ưu tiên hơn thể xác bằng cách tạo mô thức cho nó.

Sách Sáng thế chương 1 nói về việc Thiên Chúa tạo ra những vật vô tri, sau đó là thực vật và động vật, trước khi tạo ra con người có linh hồn hữu lý. Sự sáng tạo hoàn toàn đúng như những gì nó được giả thiết là – “rất tốt” – khi nó nằm dưới sự thống trị của con người hữu lý.

Sách Sáng thế chương 2 làm cho quan điểm của Sokolowski trở nên rõ ràng hơn: “Thiên Chúa lấy bụi từ đất tạo nên con người và hà sinh khí vào lỗ mũi; và con người trở thành một linh hồn sống động.” Thiên Chúa tạo nên thân xác rồi hà hơi vào đó do đó có một linh hồn sống động.

Trong bộ sưu tập các bài bình luận về Tin Mừng, Catena Aurea, Thánh Tôma Aquinô đã trích dẫn tu sĩ Alcuin ở thế kỷ thứ 8 nói về Gioan 1:14, “Và Lời đã trở nên xác thịt.” Alcuin viết, “linh hồn vô hình được nối với thể xác, do đó [từ] hai trở thành một con người.” Bình luận về cùng một câu, Thánh Xy-ri-lô thành Alexandria nói về Chúa Kitô “kết hợp với chính Người một thân xác xác thịt được linh hồn sinh động hóa bằng một linh hồn hữu lý,” và do đó trở thành nhân bản thực sự.

Cuộc tranh luận kéo dài về linh hồn và thể xác thúc đẩy chúng ta suy nghĩ về một mầu nhiệm khác trước đó. Làm thế nào Thiên Chúa, Đấng phi vật chất và không thay đổi, lại tạo ra chất thể? Chúng ta chấp nhận nó như xuất phát từ sự tốt lành và toàn năng của Thiên Chúa. Nhưng liệu chúng ta có thể hiểu linh hồn liên hệ với thể xác như thế nào nếu trước nhất không hiểu chất thể đã được tạo ra như thế nào bởi Tình yêu vô hình?

Sau khi sa ngã, Thiên Chúa đặt một thanh gươm rực lửa để bảo vệ cây sự sống và ngăn cản con người, giờ đây biết điều thiện và điều ác, được sống đời đời. Tôi cho rằng nhiệm vụ thực sự của thanh kiếm rực lửa là ngăn cản chúng ta hiểu biết đầy đủ về những mầu nhiệm của chất thể, cơ thể, và linh hồn. Sự hiểu biết đó sẽ là sống vĩnh cửu.

Thiên Chúa đã vạch ra con đường dẫn đến sự hiểu biết đó và sự hòa hợp trọn vẹn giữa thể xác và linh hồn, thông qua một mảnh chất thể, đặc biệt là gỗ. Vào Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta được mời gọi bước vào các mầu nhiệm thân xác và linh hồn qua chất thể của Thập Giá.

Chỉ với niềm tin vào một điều gì đó có thực, một điều gì đó ở bên ngoài đầu óc chúng ta, giờ đây chúng ta mới bắt đầu nhìn thấy Chúa Kitô trong Sự Phục Sinh, trong Lễ Phục Sinh, thân xác và linh hồn thần linh.
___________________________________________________________________________________________

(*) James V. Schall, S.J. (1928-2019), từng là giáo sư tại Đại học Georgetown trong 35 năm, là một trong những nhà văn Công Giáo viết nhiều nhất ở Mỹ. Trong số rất nhiều cuốn sách của ngài có các cuốn The Mind That Is Catholic, The Modern Age, Political Philosophy and Revelation: A Catholic Reading, Reasonable Pleasures, Docilitas: On Teaching and Being Taught, Catholicism and Intelligence [Tâm trí Công Giáo, Thời đại hiện đại, Triết học Chính trị và sự Mặc khải: Một bài đọc Công Giáo, Những thú vui hợp lý, Docilitas: Về giảng dạy và được giảng dạy, Công Giáo và Trí hiểu], và gần đây nhất là cuốn On Islam: A Chronological Record, 2002-2018 [Về Hồi giáo: Một bản ghi theo trình tự thời gian, 2002-2018].



Joseph Wood là một triết gia lưu động và là ẩn sĩ dễ tiếp cận, liên kết với Học viện Cana, Đại học Walsh, Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và Đại học Notre Dame Australia, không trường nào chịu trách nhiệm về những lỗi lầm hoặc sai lầm của ông.
 
Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi, Chương bốn 2
Vũ Văn An
18:17 22/04/2024

Chương Bốn: Màn chen quan trọng: Công đồng Vatican II, tiếp theo



Sơ lược về các văn kiện—và những tranh cãi

Tân tòng vĩ đại người Anh John Henry Newman—về sau được tấn phong Hồng Y và, theo sự nhất trí chung, là một trong số những người Anh lỗi lạc nhất của thế kỷ 19—được Giám mục Ullathorne của Birmingham hỏi vào năm 1859 “Ai là giáo dân?” Vị này nói, ngài đã trả lời, dù không chính xác bằng những hạn từ này: “Giáo hội sẽ trông thật ngu ngốc nếu không có họ.” (15) Thật quá lời khi nói rằng, trước Công đồng Vatican II, trong căn bản, giáo dân bị hạ giá trong nền thần học của Giáo hội: đã có sự đánh giá cao về ơn gọi giáo dân không những chỉ ở Newman, mà còn ở những nhân vật trước đó như Thánh Philip Neri, Thánh Phanxicô de Sales, và một số người khác, và sau này trong cả một nhóm “bảo thủ” như Opus Dei, được thành lập vào năm 1928— hơn ba thập niên trước Công đồng Vatican II. Nhưng như giai thoại của Newman đã cho thấy, nhiều thành viên của phẩm trật, và không chỉ giữa những người trong giáo triều Rôma, đã có một giả định rằng Giáo hội chủ yếu được đồng nhất với giáo hoàng, giám mục và linh mục. Người giáo dân, khi được nghĩ đến, phần lớn được cho là những người thụ động lãnh nhận các bí tích và ân sủng do giáo sĩ phân phát. (16)

Có lẽ sự thay đổi sâu rộng nhất và cần thiết cấp bách nhất được thực hiện tại Công đồng Vatican II là sự thay đổi trong cách hiểu về Giáo hội, một sự thay đổi mang lại sự nổi bật hơn nhiều cho giáo dân—“trao quyền cho giáo dân”, như người ta thường nói—mặc dù không phải trong những cách thường được tin tưởng. Một điều trớ trêu lớn trong sự thay đổi này là, đối với một số nhà giải thích, những lời phàn nàn về việc biến Giáo hội thành giáo sĩ trị quá mức có nghĩa là giáo dân nên được “trao quyền” để thực hiện các nhiệm vụ vốn dành riêng cho giáo sĩ. Nhiều người hơn người ta có thể nghĩ trước đây đã bắt đầu tụ tập xung quanh bàn thờ trong tư cách người đọc sách, “thừa tác viên” âm nhạc, và các thừa tác viên ngoại thường của Bí tích Thánh Thể. Ngoài ra, một đội ngũ “giáo dân” có tiếng nói bao gồm các cựu linh mục và nữ tu đã bị hồi tục, những người thường không ngừng muốn có tiếng nói trong việc điều hành Giáo hội. Giáo dân cũng được đưa vào các ban cố vấn ở các giáo xứ và giáo phận, nói là để trung thành hơn với Công đồng.

Một số thay đổi này có tác dụng tốt hoặc không gây hại đáng kể, nhưng tầm nhìn chính của công đồng đối với giáo dân là một điều gì đó hoàn toàn khác. Chương 4 của Lumen Gentium, lần đầu tiên được Công đồng xem xét rộng rãi về ơn gọi giáo dân, tuyên bố:

"Tính trần thế là nét riêng biệt và đặc thù của giáo dân. Thật vậy, mặc dù những người có chức thánh đôi khi có thể dấn thân vào những công việc trần thế, thậm chí làm một nghề nghiệp trần thế, nhưng do ơn gọi đặc thù, họ được tấn phong để đặc biệt chuyên trách về thừa tác vụ thánh... Còn giáo dân, do chính ơn gọi đặc biệt của mình, có bổn phận tìm kiếm vương quốc Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần thế, nghĩa là giữa tất cả và từng nghề nghiệp cũng như công việc trần thế, trong môi trường thông thường của cuộc sống gia đình và xã hội, tất cả những điều đó như thể dệt thành cuộc sống của họ. Trong khung cảnh đó, họ đã được Thiên Chúa mời gọi để nhờ việc chu toàn những bổn phận riêng của mình và được tinh thần Tin Mừng hướng dẫn, họ trở nên như nắm men góp phần vào việc thánh hóa thế giới từ bên trong” (LG 31)

Định hướng căn bản ở đây là một đạo Công Giáo không chỉ dựa vào giáo hoàng và giám mục để gây ảnh hưởng đến những diễn biến trong “thế giới” từ bên ngoài; giáo dân “trong tất cả các chuyên nghề và nghề nghiệp thế tục” sẽ truyền cảm hứng cho xã hội, văn hóa, luật pháp và chính trị bằng các giá trị Kitô giáo từ bên trong, và thậm chí có thể tham gia vào việc truyền giảng Tin Mừng, ở nơi mà họ có tài chuyên môn lớn lao nhất.

Điều này gần như hoàn toàn trái ngược với những gì đã bắt đầu diễn ra. Đầu thế kỷ, đã có nhiều nỗ lực khác nhau nhằm tạo ra các hiệp hội giáo dân, đủ thứ từ Công Giáo Tiến hành đến các đảng dân chủ Kitô giáo qua các liên đoàn lao động Kitô giáo đến các hiệp hội y tế, luật pháp và nghề nghiệp Công Giáo để đối phó với những thách thức đối với Đạo Công Giáo trong nền văn hóa hiện đại. Nghịch lý thay, sau cuộc họp của tất cả các giám mục trên thế giới, một cuộc họp đã đề xuất chính loại hoạt động này trên cơ sở cá nhân và nhóm, nhiều tổ chức như vậy bắt đầu lụi tàn—cũng như các quan điểm Công Giáo khác biệt từng đem lại cho chúng lý do để hiện hữu. Có lẽ không thể tránh khỏi việc mời giáo dân, với tài chuyên môn thế tục của họ, tham gia vào cuộc đàm luận của Giáo hội về chính mình sẽ đòi hỏi sự thẩm hóa nhiều điều vốn bị loại trừ một cách đáng sợ trong quá khứ. Nhưng sự thẩm hóa đã không xảy ra với bất cứ mức độ mở rộng thực sự ơn gọi giáo dân Công Giáo nào để mang chân lý vào thế giới. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã khai mạc Công đồng với niềm tin rằng không cần phải trình bày lại những gì “đã được dạy nhiều lần” và những điều căn bản của Đạo Công Giáo có thể “được coi là nổi tiếng và quen thuộc với tất cả mọi người”. Nhưng thực ra không phải như vậy. Thay vào đó, các giáo dân—từ chính trị gia đến bác sĩ và các nhà học thuật—không được đào tạo chuyên biệt về thần học hay công việc mục vụ bắt đầu nói với Giáo hội. Đôi khi họ nói một cách chính đáng, về việc cải cách các định chế cần đi vào đối thoại với những thành tựu hiện đại có thực chất, nhưng thậm chí có lẽ thường xuyên hơn với sự bất đồng về các vấn đề cốt lõi của Giáo hội mà giáo dân biết rất ít, khiến toàn bộ hệ thống Công Giáo rơi vào tình trạng quay như chong chóng.

Nói đúng ra, Lumen Gentium như thế không chịu trách nhiệm đối với bất cứ điều gì trong số này. Mỗi chương trong số bảy chương của nó đều được soạn thảo cẩn thận, và ngay cả thứ tự xuất hiện của chúng cũng đã được các Nghị phụ Công đồng thảo luận kỹ lưỡng để truyền đạt chính xác những gì mới và không mới trong những trang thiết yếu này. Lược đồ chuẩn bị (dự thảo văn kiện) mang tính Tân Kinh Viện, trong căn bản, lặp lại Vatican I, đã sớm bị bác bỏ để ủng hộ một bản văn — và một tầm nhìn — mang tính truyền giáo hơn, ít có tính định chế và duy luật hơn. Nhưng “ít hơn” không có nghĩa là các yếu tố định chế và tín điều đã được định tín bị làm ngơ hoặc loại bỏ; chúng chỉ đơn thuần được đặt trong một bối cảnh khác, nơi loại thẩm quyền được Giám mục Rôma thực thi và các tín điều dứt khoát được chứng tỏ là để phục vụ—chứ không phải bị bãi bỏ bởi—việc chăm sóc đoàn chiên và mệnh lệnh truyền giảng Tin Mừng cho tất cả các quốc gia. “Ánh sáng thế gian” mà tiêu đề nói đến không phải là Giáo hội, mà là chính Chúa Kitô, Đấng mà về Người Đạo Công Giáo đã trình bày chi tiết nhiều chân lý.

Theo đó, Chương 1 bàn về “Mầu nhiệm Giáo hội”, một mầu nhiệm xuất phát từ và tìm thấy đỉnh cao của nó trong Bí tích Thánh Thể, vốn là Nhiệm thể Chúa Kitô và là động lực đằng sau việc tạo ra Nhiệm thể. (17) Tất cả mọi người đều được mời gọi hiệp nhất trong cơ thể đó—không phải không tính đến các niềm tin mà họ thực sự đang duy trì, như đôi khi được khẳng định sau này, nhưng là một sự hợp nhất trong Giáo hội vô hình bằng tư cách thành viên của Giáo hội hữu hình. Lumen Gentium tiếp tục nói rõ rằng các hình thức tín ngưỡng khác cũng có giá trị của chúng, đặc biệt là các cộng đồng Kitô giáo và Do Thái giáo có mối liên hệ lịch sử và thần học sâu sắc với Giáo Hội Công Giáo. Nhưng tất cả điều này giả định một hậu cảnh tín điều để hiểu lý do tại sao “mầu nhiệm” lại quan trọng hoặc có bất cứ điều gì quan trọng để nói. Yves Congar, người mà chúng ta đã thấy là một trong những nguồn cảm hứng của Công đồng và là người ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đại kết Kitô giáo, đã chỉ trích cách trong đó, sau Công đồng, “dân Chúa” được dành cho một ý nghĩa dân chủ mơ hồ nào đó độc lập với mối liên kết của nó với ý tưởng về Giáo hội như một bí tích và như thân thể Chúa Kitô, “Chỉ có như vậy nó mới bảo đảm được sự quy chiếu đầy đủ về Kitô học của nó.” (18)

Chương 2, “dân Chúa”, được cố ý đặt sau phần trình bày trước đó. Ở đó, điều trở nên rõ ràng là Thiên Chúa muốn cứu tất cả mọi người dù họ ở đâu, ngay cả những người không và có lẽ không thể biết Đấng Trung gian duy nhất là Chúa Giêsu. Vì vậy, Giáo hội tìm kiếm mọi người bằng tình yêu và sự tôn trọng đối với những người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, mặc dù không đánh mất niềm tin vào tầm quan trọng của việc trở lại thực sự. Và chương này kết thúc:

"Như Chúa Con được Chúa Cha sai đến thế nào, thì Người cũng sai các Tông đồ như vậy; Người nói: 'Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân theo tất cả những gì Thầy đã truyền cho anh em. Và này đây Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế.' Giáo Hội đã nhận được mệnh lệnh long trọng này của Chúa Kitô từ các tông đồ là loan báo chân lý cứu độ và phải mang chân lý ấy đến tận cùng trái đất.... Vì Giáo Hội được Chúa Thánh Thần thúc giục phải thi hành phần vụ của mình để thực hiện trọn vẹn chương trình của Thiên Chúa, theo đó Người đã đặt Chúa Kitô làm nguồn ơn cứu độ cho toàn thế giới.... Nhờ công việc của mình, bất cứ điều gì tốt đẹp trong tâm trí con người, bất cứ điều gì tốt đẹp tiềm ẩn trong các thực hành tôn giáo và văn hóa của các dân tộc khác nhau, không những được cứu khỏi sự hủy diệt mà còn được tẩy sạch, nâng cao và hoàn thiện để làm vinh quang Thiên Chúa, làm ma quỷ hỗn loạn và làm cho con người hạnh phúc. Nghĩa vụ truyền bá đức tin được đặt ra cho mọi môn đệ của Chúa Kitô, tùy theo bậc sống của họ.... Như vậy, Giáo Hội vừa cầu nguyện vừa hoạt động để toàn thế giới trở thành Dân Thiên Chúa, Thân Mình Đức Kitô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần, và trong Đức Kitô là thủ lãnh muôn loài, mọi danh dự và vinh quang được dâng lên Đấng Tạo Hóa cũng là Cha của toàn thể vũ trụ" (Lumen Gentium 17)

Chỉ sau khi bàn về mầu nhiệm Giáo hội và dân Thiên Chúa như vậy, chương 3, “Về Cơ cấu Phẩm trật của Giáo hội và Đặc biệt về Hàng Giám mục”, mới xuất hiện. Một số Nghị Phụ Công Đồng, trong đó có Karol Wojtyła, nghĩ rằng điều đã trở thành chương 4, “Hàng ngũ Giáo Dân”, đáng lẽ nên theo sau đó mới đúng. Nhưng Công đồng đã quyết định trước tiên giải quyết một vấn đề còn sót lại từ Công đồng Vatican I khi quân đội của Garibaldi xâm lược Rôma năm 1870 và những người tham gia công đồng trước đó đã giải tán. Các ngài đã tuyên bố tính vô ngộ của Đức Giáo Hoàng trong các vấn đề đức tin và đạo đức nhưng đã bỏ ngỏ vấn đề về tư cách của các giám mục. Điều được gọi là “tính hợp đoàn” là giải pháp của Công đồng Vatican II cho câu hỏi chưa được trả lời đó. Trong lối nói bình dân, người ta thường gợi ý rằng các giám mục giờ đây được trao thẩm quyền bình đẳng trong tư cách cá nhân hoặc trong tư cách một cơ phận đối với thẩm quyền giáo hoàng, phần nào như thẩm quyền của quốc hội hoặc cơ quan lập pháp thực hiện chính sách kiểm tra và cân bằng [checks and balances] đối với người dứng đầu ngành hành pháp. Nhưng điều này làm lẫn lộn phạm trù chính trị và thần học. Các giám mục được công nhận là những người thừa kế hợp pháp của các tông đồ trong giáo phận của họ khi họ giảng dạy liên tục với các tông đồ, toàn thể Giáo hội và giám mục Rôma. Việc phát biểu rõ sự việc này không hẳn là vấn đề phân chia quyền lực cho bằng là một tuyên bố thần học rằng Giáo hội hiện hữu trong các giáo phận cá thể về mặt thần học trong sự kết hợp của Giáo hội với Chúa Kitô, chứ không phải chỉ là việc cấp quyền [franchise] điều hành các văn phòng của đại công ty trung ương.

Cách nhìn thẩm quyền giám mục này rõ ràng không làm hài lòng nhiều người trong Giáo triều Rôma hoặc những người ủng hộ họ trong số các Nghị phụ Công đồng. Họ sai về nguyên tắc, nhưng đúng một phần về những nguy hiểm trên thực tế. Nhiều hiểu sai đã diễn ra khi cố gắng cho rằng “tính hợp đoàn” của các giám mục trong sự hợp tác với Đức Thánh Cha phần nào là giấy phép để các giám mục cá nhân trệch khỏi các thực hành của Giáo hội hoàn vũ. (19) Công đồng quả thực đã nhấn mạnh thẩm quyền riêng của các giám mục trong giáo phận của mình, nhưng không chỗ nào gợi ý rằng thẩm quyền này được thực thi một cách tách biệt với thẩm quyền chung mà Chúa Kitô đã trao cho Giáo hội hoặc với thẩm quyền của giáo hoàng. Tuy nhiên, các giới hạn truyền thống được lặp lại một cách rõ ràng và được cả những người cấp tiến chấp thuận: “Tuy nhiên, Giám mục đoàn hoặc cộng đoàn Giám mục chỉ có quyền bính khi hợp nhất với Giám mục Rôma, Đấng kế vị thánh Phêrô, như là với Thủ lãnh của Giám mục đoàn, trong khi quyền tối thượng của ngài trên tất cả các Chủ chăn và tín hữu vẫn được bảo toàn trọn vẹn. Thật vậy, do chức vụ của mình là đại diện Đức Ki-tô và là Chủ chăn của toàn thể Giáo Hội, Giám mục Rôma có thẩm quyền trọn vẹn, tối cao và phổ quát trong Giáo Hội và luôn có thể tự do thực thi quyền bính này”. Ngay các công đồng chung cũng tùy thuộc quyền lực Phêrô: “Quyền tối cao của Giám mục đoàn trên toàn thể Giáo Hội được thi hành cách trọng thể trong Công Đồng chung. Nhưng không bao giờ có một Công Đồng chung nếu không được người kế vị thánh Phê-rô phê chuẩn hay ít ra chấp nhận” (LG 22). Một độc giả mới tiếp cận với những đoạn văn như vậy mà không biết gì về những gì đã xảy ra trong những năm sau Công đồng sẽ được biện minh khi nghĩ rằng nhiều người trong số những người cho rằng các tài liệu này cho phép một loại tinh thần mới hoang dã nào đó chỉ đơn giản là chưa đọc chúng.

Các Nghị Phụ Công Đồng có lẽ đã lường trước rằng có thể có một số nhầm lẫn, bởi vì họ đưa vào một đoạn văn sẽ được lặp lại trong những nỗ lực sau này nhằm kiềm chế các nhà thần học bất đồng chính kiến và các thực hành sai lạc, mặc dù ít có tác dụng:

“Trong các vấn đề về đức tin và đạo đức, các giám mục nói nhân danh Chúa Kitô và các tín hữu phải chấp nhận sự dạy dỗ của họ và tuân thủ nó với sự thuận ý tôn giáo. Sự phục tùng của tâm trí và ý chí tôn giáo này phải được thể hiện một cách đặc biệt đối với huấn quyền chân chính của Giám mục Rôma, ngay cả khi ngài không phát biểu ex cathedra [từ ngai tòa]; nghĩa là, nó phải được biểu lộ theo cách thẩm quyền tối cao của ngài được thừa nhận một cách tôn kính, các phán quyết do ngài đưa ra được tuân thủ một cách chân thành, theo tâm trí và ý chí rõ ràng của ngài. Tâm trí và ý chí của ngài trong vấn đề này có thể được biết hoặc từ đặc điểm của các tài liệu, từ việc ngài thường xuyên lặp lại cùng một tín lý, hoặc từ cách nói của ngài.” (LG 25)

Điều này, mặc dù chỉ một vài đoạn sau đó cũng có những tuyên bố mạnh mẽ về quyền hạn của các giám mục: “Nhờ quyền hạn này, các giám mục có quyền thánh thiêng và nghĩa vụ trước mặt Chúa phải ban hành luật lệ cho các người lệ thuộc các ngài, phải đưa ra phán quyết về họ và điều hòa mọi điều liên quan đến trật tự thờ phượng và làm tông đồ” (LG 27). Đây là một sự phát triển lớn. Các giám mục không còn cần nghĩ mình chỉ là cấp dưới của các viên chức giáo triều. Họ được tự do truyền giảng Tin Mừng khi họ thấy điều tốt nhất cho giáo phận của mình, nhưng luôn liên tục với đạo Công Giáo.

Có hai sự phát triển khác lớn hơn trong chương 4 khá bao quát—“Giáo dân”—và trong chương 5 lời kêu gọi phổ quát nên thánh. Nhiều học giả đã lưu ý rằng hai chương này dường như được cố ý đặt sau những nhận xét chung về Giáo hội và chiều kích phẩm trật. Giáo dân có các đặc quyền của mọi Kitô hữu, nhưng nơi hành động chính của họ là trong thế giới. Gaudium et Spes, “Hiến chế về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại” sau này, sẽ giải quyết vấn đề này một cách dài dòng hơn và đôi khi với sự lạc quan thái quá về một thế giới hiện đại được cho là “đã trưởng thành”. Nhưng ở đây, trọng tâm là mang các giá trị Tin Mừng vào thế giới trần tục. Và cách giáo dân định hướng toàn bộ cuộc sống của họ và tự chuẩn bị để hành động trong thế giới là thông qua việc theo đuổi sự thánh thiện giữa thế giới. Chương về giáo dân kết thúc với câu nổi tiếng từ Thư gửi Diognetus: “Đối với thế giới, các Kitô hữu phải như linh hồn đối với thể xác” (LG 38).

Phần còn lại của Lumen Gentium đề cập đến những cách thức bên trong Giáo hội nhằm đáp ứng ơn gọi nên thánh của mọi người. Chương 5 đề cập ngắn gọn về đời sống tu trì, và chương 6 đề cập đến cuộc hành hương của Giáo Hội xuyên qua thời gian. Chúng không có ý định trở thành các phương pháp điều trị toàn diện, nhưng bản chất tóm tắt của cả hai chương có thể được hiểu một cách công bằng là các Nghị phụ Công đồng không có nhiều điều để nói về cả hai chủ đề - và do đó họ không coi chúng có nhiều tầm quan trọng. Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm ơn gọi tu trì, nhưng có lẽ điều quan trọng hơn là chương 6 nhấn mạnh vào thiên đường mà bỏ qua hỏa ngục, điều này không bao giờ được đề cập ngoại trừ những lời nói vòng vo. Có một cuộc tranh luận thần học chính đáng về việc liệu có ai đó thực sự ở trong hỏa ngục hay không, nhưng hỏa ngục như một khả thể có thực không thể và không nên bị bỏ qua vì lý do đơn giản là chính Chúa Giêsu đã nói khá nhiều về nó trong Tân Ước. Đức Gioan XXIII muốn có một công đồng tích cực chứ không phải tiêu cực, nhưng nó tước mất toàn bộ động lực của đạo Công Giáo—chưa nói gì đến cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô—nếu định mệnh vĩnh cửu của con người được giả định một cách mơ hồ là thiên đàng cho dù họ làm bất cứ điều gì trên trái đất.

Một thế giới trong đó thiên đàng là một bảo đảm là một thế giới mà việc cố gắng nên thánh dường như ít khẩn cấp hơn nhiều. Song song với việc hiểu sai nhiều phát biểu được liệt kê ở trên, nhiều hành vi sùng đạo và thực hành khổ hạnh cổ xưa đã bị bỏ rơi sau Công đồng. Điều này không phải và, xét cho cùng, không thể là ý định của các Nghị Phụ Công Đồng. Thay vào đó, để phù hợp với các mục tiêu mục vụ của Đức Gioan XXIII, các Nghị Phụ đã cố gắng làm cho việc tham dự Bí tích Thánh Thể trở thành trọng tâm và làm cho các việc sùng kính khác bớt trở thành vấn đề luật lệ mà là vấn đề của sự gắn kết cá nhân ngày càng gia tăng với chính Thiên Chúa. Đó là một ý định đại lượng khác, đặc biệt là trong một thế giới hiện đại đầy rẫy luật lệ, quy tắc và bộ máy quan lại. Nhưng nó cung cấp cho những người có ý muốn bác bỏ sự cần thiết của chủ nghĩa khổ hạnh như vậy một giấy phép để phớt lờ các thực hành được khai triển trong quá khứ xa xôi đã được chứng tỏ là rất hữu hiệu trong nhiều thế kỷ. Đối với nhiều người, việc kiêng thịt vào các ngày thứ Sáu không còn bắt buộc đơn giản có nghĩa là việc đền tội và các thực hành khổ hạnh như vậy đã bị quét sạch.

Hiến chế kết thúc theo cách thông thường của hầu hết các tài liệu của Vatican với một phần nói về Đức Maria như mẫu gương hoàn hảo của đời sống Kitô hữu. Đã có cuộc tranh luận gay gắt về việc nên đưa phần nói về ngài vào đây hay xây dựng một tài liệu riêng đề cập đến tầm quan trọng của các khía cạnh khác nhau trong cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria. Trong cuộc bỏ phiếu khít khao nhất về bất cứ điều gì tại Công đồng, 1,114 giám mục đã bỏ phiếu non placet (không thuận) cho ý tưởng đề cập đến ngài trong một tài liệu khác, trong khi 1,074 vị đã bỏ phiếu placet (thuận). Đối với một người quan sát vô tư, xem ra miễn là những điều căn bản trong giáo huấn của Giáo hội về Đức Trinh Nữ được phát biểu, thì cả hai cách tiến hành đều thỏa đáng. Trong biến cố này, ngài chỉ được bao gồm như chương kết thúc trong Lumen Gentium. Một số Nghị Phụ Công Đồng phản đối rằng ngài đã bị “hạ bệ” chỉ vì điều này được nhắc đến ở cuối một tài liệu quan trọng... một việc nói quá và có lẽ là một giải thích sai. Nhưng trong điều kiện thực tế, những vị phản đối như vậy không hẳn sai hoàn toàn. Một số lòng sùng kính Đức Mẹ quả quá mức, nhưng những lòng sùng kính ấy vốn là một trong những biểu thức phổ biến nhất của lòng đạo đức bình dân trước Công đồng. Sau đó, chúng suy giảm gần như ở khắp nơi, có nơi đến mức biến mất - một tác động ngoài ý muốn của một Công đồng phần nào nhằm nâng cao địa vị của giáo dân.

Còn tiếp
 
Ngày Trái đất: Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi tất hãy có trách nhiệm đối với ngôi nhà chung của chúng ta
Thanh Quảng sdb
18:34 22/04/2024
Ngày Trái đất: Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi tất hãy có trách nhiệm đối với ngôi nhà chung của chúng ta

Nhân Ngày Trái đất Thế giới 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở mọi người về nghĩa vụ bảo vệ hành tinh và bảo vệ hòa bình.

(Tin Vatican - Lisa Zengarini)

Nhân Ngày thế giới về Trái đất vào Thứ Hai, ngày 22 tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời kêu gọi khẩn cấp của ngài về phải cấp tốc hành động cách nghiêm chỉnh để cứu ngôi nhà chung của chúng ta và vì hòa bình thế giới.

Ngày quốc tế về trái đất được thành lập vào năm 1970 nhằm nâng cao nhận thức trước những thách đố về môi trường quan yếu mà hành tinh chúng ta đang phải đối diện và huy động các nỗ lực để giải quyết chúng.

Việc kỷ niệm ngày này là cơ hội cho các cá nhân, cộng đồng, tổ chức và chính phủ cùng nhau tham gia vào các hoạt động nhằm vun góp và xây dựng một hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học nhằm gìn giữ hành tinh chúng ta đang sống cho các thế hệ tương lai.

Thế giới chưa nỗ lực đủ

Trong một bài đăng trên truyền thông xã hội X (trước đây gọi là Twitter), Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng thế hệ của ngài đã để lại nhiều của cải tài sản cho các thế hệ sau, nhưng làm được rất ít việc để bảo vệ hành tinh.

ĐTC cũng bình luận về mối liên hệ giữa môi trường hiện nay và nhiều cuộc xung đột đang hoành hành trên toàn thế giới.

"Thế hệ của chúng ta đã để lại rất nhiều của cải, nhưng chúng ta đã thất bại trong việc bảo vệ hành tinh và không bảo vệ hòa bình. Chúng ta được kêu gọi trở thành những nghệ nhân và người chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta, trái đất đang "rơi vào thảm cảnh hủy diệt!"

Suy tư của Đức Thánh Cha lặp lại những lời của ngài trong Thông điệp Laudato si’ năm 2015 về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và lời kêu gọi các cá nhân, cộng đồng và chính phủ quan tâm đến thiên nhiên.

Ngày Trái Đất 2024 vì một thế giới không dung bao nhựa

Mỗi năm, Ngày Trái đất có một chủ đề cụ thể nhằm thu hút sự chú ý toàn cầu về các vấn đề môi trường cấp bách. Qua chủ đề "Hành tinh vs. Nhựa", phiên bản thứ 54 tập trung vào ô nhiễm nhựa và nhu cầu cấp thiết là giảm việc xử dụng và sản xuất nhựa.

Ngoài những tác động đến môi trường, sự phát triển của nhựa còn gây ra mối đe dọa đáng kể cho với sức khỏe con người, giống như những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra.

400 triệu tấn nhựa được sản xuất hàng năm

Con người sản xuất hơn 400 triệu tấn nhựa mỗi năm, gần bằng trọng lượng của toàn bộ loài người trên trái đất.

Chỉ 9% được tái chế và khoảng 22% rác thải nhựa trên toàn thế giới không được thu gom, xử lý không đúng cách hoặc trở thành rác thải.

Khi nhựa phân hủy thành vi nhựa, chúng thải ra các hóa chất độc hại vào hệ sinh thái, làm ô nhiễm đại dương (nơi thải ra hơn 1 triệu tấn mỗi năm), nguồn thực phẩm và nước, đồng thời gây nguy hiểm cho cuộc sống.

Tác động có hại tới môi trường và sức khỏe con người

Do đó, chiến dịch năm nay ưu tiên nâng cao nhận thức về những tác động tác hại này. Chiến dịch kêu gọi tăng cường nghiên cứu về tác động sức khỏe của việc tiếp xúc với nhựa và yểm trợ cho sự minh bạch tìm hiểu việc tác hại của nhựa trong cuộc sống đại chúng.

Mục tiêu trước mắt của chiến dịch là nhanh chóng loại bỏ việc xử dụng nhựa vào năm 2030 và đưa cam kết này vào Hiệp ước Liên hợp quốc về ô nhiễm nhựa vào năm 2024, đảm bảo sự hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề cấp bách này.

Mục tiêu dài hạn là giảm 60% sản lượng nhựa vào năm 2040 để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Để đạt được mục tiêu này, chiến dịch cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào công nghệ và vật liệu tiên tiến để mở đường cho một thế giới không dùng nhựa nữa!
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày Ơn Gọi_GxTuỵ Hiền Tgp Hà nội 2024
Mai Lĩnh
18:45 22/04/2024
Ngày Cầu Nguyện Cho Ơn Thiên Triệu tại Giáo xứ Tuỵ Hiền Tgp. Hà nội năm 2024
Xem Hình

Chúa Nhật IV Phục Sinh ngày 21/04/2024, Nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn Thiên triệu lần thứ 61, hoà chung nhịp đập cùng với Giáo Hội hoàn vũ. Quý Cha Hạt Mỹ Đức – Hoà Bình đã quy tụ 277 em về giáo xứ Tuỵ Hiền Tổng Giáo Phận Hà Nội. Thành phần tham dự là các em nam nữ có ý hướng sống đời tu trì, và cũng hướng các em tới ơn phổ quát về sống đời Kitô hữu.

277 em đến từ các xứ họ : Vân Đình có 32 em; Vụ Bản 5 em; Đồng Gianh 25 em; Gò Mu 12 em; Thượng Lâm 8 em; Sơn Miêng 30 em; Đoan Nữ 22 em; Nghĩa Ải 10 em; Xuy Xá 25 em; Mường Cắt 14 em; Đồng Chiêm và Bắc Sơn 36 em; Vạn Thắng 10 em; Tuỵ Hiền, Đông Mỹ, Hà Đoạn, Tiên Mai có 50 em.

Ngay từ sáng sớm, khuôn viên nhà xứ, nhà thờ đã đông vui nhộn nhịp bởi bước chân của các em thiếu nhi, giới trẻ đến từ các giáo xứ giáo họ trong hạt Mỹ Đức Hoà Bình. Dù trời nắng nóng, oi bức nhưng không thể nào ngăn cản được những bước chân của các bạn trẻ đầy lòng nhiệt huyết dấn thân. Niềm vui được thể hiện trên khuôn mặt của các bạn trẻ khi được trở về nơi đây để gặp gỡ, chia sẻ, hiệp thông và học hỏi.

Đúng 8h00 sơ Maria Xuyên duyệt đội hình các nơi trước cửa nhà thờ, sau đó xếp hàng đi vào nhà thờ để chuẩn bị khai mạc ngày cầu cho ơn Thiên Triệu. Sau đó, cha xứ Antôn Nguyễn Văn Độ làm dấu, xin ơn thánh hoá và tuyên bố lý do ngày hội cầu nguyện cho ơn gọi. Với Chủ đề năm 2024 : “Được kêu gọi Gieo Hạt giống Hy vọng và Xây dựng Hòa bình”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến tình huynh đệ và niềm hy vọng. Cha An-tôn mời gọi các em ngoài cầu nguyện cho mình đáp lại tiếng Chúa làm tông đồ, còn cần phải cầu nguyện cho bố mẹ, sống đời gia đình để quảng đại sinh con, giáo dục và dâng con cho Chúa.

Ngay sau phần khai mạc, các em thiếu nhi giáo xứ Đồng Gianh đã đại diện cho các dòng tu giới thiệu đôi nét căn bản về linh đạo và hoạt động của các hội dòng. Tiếp đó là Quý Cha, Quý Thầy dòng Phanxicô Assisi, dòng Thừa Sai Đức Tin, Dòng Biển Đức Thiên Hà, Quý Sơ Dòng Mến Thánh Giá, Quý thầy Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội đã lên giới thiệu đôi nét về linh đạo cũng như hoạt động của dòng để các em có thêm hiểu biết cũng như sự đa dạng của các dòng tu qua đó có định hướng cho tương lai, góp phần xây dựng Giáo Hội qua đời sống dâng mình cho Chúa.

Đỉnh cao của ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu đó là thánh lễ đồng tế vào lúc 10h00, do cha xứ Antôn Nguyễn Văn Độ chủ sự, đồng tế với ngài có cha Giuse Vũ Đức Phán dòng Thừa Sai Đức Tin, cha Giuse Đinh Ngọc Cảnh Dòng Phanxicô và cha Giuse Trần Văn Hùng cùng đông đảo các bạn thiếu nhi, giới trẻ đến từ các giáo xứ trong hạt Mỹ Đức Hoà Bình.

Chia sẻ trong thánh lễ, cha Giuse Đinh Ngọc Cảnh đã quảng diễn cho mọi người về sự mầu nhiệm của ơn gọi. Đồng thời ngài cũng nhắc lại lời mời gọi của Chúa: “Hãy Theo Thầy” (Ga 21, 22). Đó như một lời mời gọi các bạn trẻ hãy quảng đại đáp trả lại tiếng Chúa nơi tâm hồn của mình để sẵn sàng từ bỏ và dấn thân bước theo Thầy Giêsu trên hành trình dâng hiến.Nhắc lại sứ điệp của Chúa Giêsu khi kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên, ngài mời gọi các bạn trẻ hãy lắng nghe tiếng Chúa đang mời gọi “Hãy theo Thầy”, hãy đáp lại tiếng Chúa, dâng hiến đời mình cho Chúa. Cuối Thánh lễ, Cha An-tôn Chủ tế nhắc các đáp lại tiếng Chúa gọi mời “Hãy làm môn đệ Cha, rao giảng Tin Mừng”, và thưa với Chúa : “Lạy Chúa con đây”.

Ngày hội ngộ được kết thúc vào 11h00 trưa. Ngay sau đó các em cùng chia sẻ với nhau bữa cơm huynh đệ đầy thân thương và tràn ngập tiếng cười.

Giây phút chia tay để lại nhiều lưu luyến nhưng lại hiện rõ một quyết tâm lên đường bước vào hành trình sống và tìm kiếm thánh ý Chúa trong cuộc đời, nơi từng bậc sống của mỗi thành viên trong ngày hội ngộ.

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bài học Gieo Giống
Đinh văn Tiến Hùng
15:13 22/04/2024
*Bài học Gieo Giống*

Phúc Âm: Lc 8, 4-15
"Hạt rơi trong đất tốt, là những người giữ lấy lời và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".
Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: "Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm".
Khi nói những lời đó, Người kêu lên rằng: "Ai có tai để nghe thì hãy nghe!". Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói rằng: "Phần các con, thì cho các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái
"

Bài học Gieo Giống

- Bài hoc 1 : Hạt rơi bên Vệ đường bị người chà đạp và chim trời đến ăn đi. Chính là những người đã được nghe Lời Chúa, nhưng quỉ đến cướp đi khỏi lòng họ, không được ơn cứu độ.

-Buổi sáng còn phủ sa mù,
Người gieo giống dậy còn mờ đầy sương,
Ruộng ta nằm canh ven đường,
Bao người qua lại ai thường lưu tâm,
Ta gieo hạt giống nhiều lần,
Hạt gieo vương vãi chẳng cần băn khoăn.
Quên Lời Chúa trong Phúc Âm,
Cũng như hạt giống ta cần quí yêu,
Nếu ta không giữ tín điều,
Còn luôn mê đắm bao nhiêu tội trần,
Sa-tan thừa lúc đến gần,
Cướp đi tất cả hồng ân Chúa Trời.

Bài hoc 2 : Hạt rơi trên Đá Sỏi bị khô héo vì không có đất ấm. Đó là những người vui vẻ đón nhận Lời Chúa nhưng không đâm rễ, tin tưởng nhất thời, gắp khó khăn là lùi bước.

-Người nông dân nọ vui lên
Vác bao hạt giống nghĩ theo bao điều,
Đươc mùa giống tốt bao nhiêu,
Nhìn quanh vui thích tiếng cười reo vang,
Một hạt giống một hạt vàng,
Nếu rơi trên sỏi lại càng héo khô.
Lời Chúa phán dạy năm xưa
Hạt giống cũng tựa cơn mưa lộc trời,
Khi gieo phải biết chọn nơi,
Tin Mừng Chúa dạy Nước Trời trao ban,
Nếu ta chuẩn bị sẵn sàng,
Bài học gieo giống lời vàng Chúa trao.

-Bài học 3 : Gieo vào Bụi Gai và gai góc cùng mọc lên bóp nghẹt nó nên không sinh được hoa trái, chỉ người lo lắng về giàu sang và những thú vui trần tục.

-Một ông trọc phú sang giàu,
Hay khoe áo mới, lời cầu vênh vang,
Đến mùa gieo giống chẳng màng,
Hạt rơi trên đá,hạt vào bụi gai,
Qua bao mưa nắng kéo dài,
Cỏ dại gai nhọn mọc tràn khắp nơi,
Hạt giống không thể vươn lên.
Như người đón nhận bao lời Chúa khuyên,
Hạt giống như lời Chúa truyền,
Đừng mê vui thú một đời lãng quên.
Kết quả vì không nghĩ suy,
Lời Chúa phán dạy không ghi vào lòng.

-Bài học 4 : Hạt rơi vào Đất Tốt kết quả hoa trái mọc lên gấp trăm lần, vì nghe Lời Chúa với lòng thiện hảo và kiên nhẫn giữ gìn.

-Có một bà góa rất nghèo,
Mảnh vườn nhỏ bé đi theo cuộc đời,
Sớm trưa sáng tối nhờ trời,
Nhưng mà chịu khó đắp bồi cũng nên,
Sang năm rau trái ra nhiều,
Mẹ con chia sẻ bao điều buồn vui,
Vững tin lời Chúa phán truyền,
Hạt giống Lời Chúa đổ nhiều hồng ân,
Mọi Lời Chúa dạy xin vâng,
Dù việc nhỏ bé cũng dâng cho Ngài,
Bình minh rực rỡ sớm mai,
Gieo vào đất tốt tương lai Vĩnh Hằng.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, ước gì cuộc đời mỗi chúng con cũng như mảnh đất tốt, để Lời Ngài gieo vào cũng được đơm bông, kết trái nơi tâm hồn chúng con. Xin đừng để những lo âu trần thế, những ăn chơi sa đọa bao phủ đời chúng con như những hạt giống rơi vào bụi gai bị chết ngạt. Nhưng xin cho chúng con biết cảm nghiệm Lời Chúa, để Lời sinh sôi trong tâm hồn chúng con. Và từ những hoa trái đó làm cho danh Thánh Chúa được lan tỏa khắp nơi. Amen.

 
VietCatholic TV
Sevastopol: Chiến hạm Nga bị tấn công, đang chìm dần. CIA cảnh báo thế giới về chiến lược của Putin
VietCatholic Media
03:34 22/04/2024


1. Cập nhật: Hải quân Ukraine xác nhận tàu Kommuna của Nga bị tấn công ở Sevastopol

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Update: Ukraine's Navy confirms Russian ship Kommuna hit in Sevastopol”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thuyền trưởng Trung Tá Dmytro Pletenchuk, phát ngôn nhân Hải Quân, nói với các phóng viên báo chí hôm Chúa Nhật, 21 Tháng Tư, rằng hải quân đã tấn công một con tàu ở Sevastopol bị tạm chiếm và xác nhận đó là Kommuna, một tàu trục vớt. Hiện chưa rõ mức độ thiệt hại của con tàu tại thời điểm công bố này.

Trước đó cùng ngày, quan chức do Nga bổ nhiệm Mikhail Razvozhayev tuyên bố một hỏa tiễn chống hạm đã bị “đẩy lùi” ở Sevastopol bị tạm chiếm và “các mảnh vỡ đã gây ra một đám cháy nhỏ và nhanh chóng được dập tắt”.

Tuy nhiên, một đoạn video được đăng lên mạng xã hội cho thấy một tàu hải quân Nga bốc cháy và truyền thông địa phương đưa tin cây cầu Crimea đã bị đóng cửa.

Kommuna được hạ thủy vào năm 1915 và là con tàu lâu đời nhất còn phục vụ trong Hải quân Nga.

Sevastopol là nơi đóng quân của Hạm đội Hắc Hải của Nga và thường xuyên là mục tiêu của các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái trên biển của Ukraine.

Hôm 30 Tháng Ba, Pletenchuk cho biết Nga đã rút gần như toàn bộ tàu lớn khỏi các cảng ở Crimea bị tạm chiếm sau các cuộc tấn công thành công của Ukraine.

Để ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo của máy bay không người lái Ukraine vào hạm đội Hắc Hải, các lực lượng Nga ở Crimea đang bị tạm chiếm đang xây dựng các rào cản ở lối vào Vịnh Sevastopol, nhóm du kích quân Atesh đưa tin vào ngày 27 tháng 3.

Nga cũng đang cố gắng tăng cường phòng thủ cảng Novorossiysk, nơi Mạc Tư Khoa đã bắt đầu tái triển khai hạm đội Hắc Hải từ Sevastopol vào năm ngoái, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản cập nhật hàng ngày vào ngày 31 Tháng Ba.

2. Vương Quốc Anh tố cáo các nhân vật cao cấp trong giới cầm quyền của Điện Cẩm Linh đang đi trên những chiếc xe Rolls-Royce ăn cắp từ Anh

Tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “XE CỦA CẨM LINH Những người bạn thân của Putin đi khắp nơi trên những chiếc Range Rovers và những chiếc Rolls-Royce trị giá 300 ngàn bảng Anh bị đánh cắp từ Anh khi các băng nhóm tội phạm gửi xe ăn cắp đến theo đơn đặt hàng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Những người bạn thân của VLADIMIR Putin đang được các băng nhóm tội phạm ở Anh cung cấp những chiếc Range Rover sang trọng và những chiếc Rolls-Royces sang trọng trị giá 300.000 bảng Anh.

Các nhóm đánh cắp xe từ Anh và gửi chúng sang Nga - nơi cánh tay phải của nhà độc tài có thể tận hưởng chúng.

Theo lời mách bảo, cảnh sát đã có một phát hiện gây sốc ở Essex khi họ dỡ bỏ một container vận chuyển màu đỏ.

Lúc đầu, họ chỉ tìm thấy những chiếc xe đạp nhưng sau khi dọn dẹp đống đồ đạc còn lại, họ tình cờ tìm thấy ba chiếc Range Rover bị đánh cắp, được bọc trong nệm và thảm, Telegraph đưa tin.

Và đây mới chỉ là sự khởi đầu, vì kể từ khi được phát hiện vào tháng 6 năm 2022, nhiều hơn nữa đã theo sau.

Những chiếc xe Bentley, Audi và Toyota trị giá 250.000 bảng Anh được tìm thấy bị nhét vào một thùng container và một chiếc Rolls-Royce Dawn trị giá 300.000 bảng Anh nằm giữa phần còn lại của 13 chiếc xe bị đánh cắp khác.

Năm ngoái, đơn vị tình báo xe bị đánh cắp của Cảnh sát Essex đã chặn hơn 60 container tương tự trước khi chúng được xuất khẩu.

Những chiếc này chở 240 chiếc xe hơi trị giá khoảng 13 triệu bảng Anh.

Các phương tiện hầu như luôn được ngụy trang bằng giấy tờ giả và thường đến các điểm đến ở Trung Đông, Phi Châu hoặc Á Châu trước khi được đưa sang Nga.

Các băng nhóm tội phạm có thể kiếm tiền từ những chiếc xe hơi sang trọng và phụ tùng xe hơi được mua.

Một phần nguyên nhân khiến số lượng xe hơi bị đánh cắp gia tăng thời gian gần đây được cho là do cuộc chiến tranh đang hoành hành ở Ukraine.

Cuộc xung đột đồng nghĩa với việc phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga - dẫn đến việc những người thân cận của Putin bị tước đoạt những xa xỉ của phương Tây - như xe hơi hạng sang.

Các biện pháp trừng phạt đang buộc họ phải trả nhiều tiền hơn cho cả động cơ và các bộ phận để bảo trì chúng, những thứ hiện rất phức tạp để có được.

Theo báo cáo, một cách mà họ đang tránh các biện pháp trừng phạt này là vận chuyển phương tiện đến các nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ và sau đó gửi chúng sang Nga.

Mike Briggs, Chủ tịch Hiệp hội điều tra trộm xe hơi quốc tế (IAATI) của Vương Quốc Anh Anh, cho biết các lệnh trừng phạt đang khiến nhu cầu xe hơi và phụ tùng xe hơi ở Nga trở nên “rất khó khăn”.

Ông nói thêm rằng “sự tuyệt vọng” là một phần lý do khiến ngày càng có nhiều phương tiện đi qua Trung Đông.

“Đó thực sự là một vấn đề đối với họ vào lúc này – bởi vì bất cứ thứ gì bạn nhìn thấy trên đường phố ở Nga cuối cùng đều sẽ cần đến phụ tùng thay thế,” ông nói.

“Thị trường chợ đen ở đó luôn đầy rẫy nhưng giờ đây nó ngày càng lớn hơn vì các lệnh trừng phạt, vì mọi người vẫn muốn có những chiếc xe sang trọng của họ”.

Nó xuất hiện khi Putin được cho là đã tặng Kim Chính Ân một chiếc limousine trị giá 350.000 bảng Anh như một lời cảm ơn vì vũ khí của Bắc Hàn.

Động thái này được cho là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ ngày càng tăng giữa hai nhà độc tài quyền lực.

Theo tờ Telegraph, các băng nhóm này có tổ chức chặt chẽ và sẽ nhận được đơn đặt hàng cho một mẫu xe hơi hoặc phụ tùng nhất định từ người mua.

Sau đó, họ sẽ đi săn tìm chiếc xe hơi được yêu cầu ở các thành phố lớn như Luân Đôn hay Manchester và tìm kiếm một mục tiêu yếu để đánh cắp.

Các gia đình và những người lái xe hơi nước ngoài giàu có thường được chọn là con mồi dễ dàng. Họ đột nhập vào xe hơi và tước bỏ mọi thiết bị theo dõi mà họ tìm thấy.

Sau đó, họ đậu nó ở đâu đó để chờ xem có ai đến tìm không.

Nếu không có người đến, các băng nhóm sẽ lấy các bộ phận của động cơ hoặc chuẩn bị xuất khẩu qua một container thường chất đầy hàng kim loại khác để ngụy trang hàng thật và gây nhầm lẫn cho máy quét tia X.

Sau đó nó được chuyển đến các địa điểm như Dubai hoặc Cộng hòa Dân chủ Congo.

3. Vladimir Putin đang chơi trò chờ đợi ở Ukraine

Giám đốc CIA William J. Burns nhận định rằng Vladimir Putin đang chơi trò chờ đợi ở Ukraine.

Đã sáu tháng kể từ ngày Tổng thống Biden lần đầu tiên tìm kiếm sự chấp thuận của Quốc hội về gói viện trợ mới cho Ukraine.

Kể từ đó, rất ít sự trợ giúp của Mỹ đến được tiền tuyến. Đó là sự hỗ trợ hữu ích cho lực lượng của Tổng thống Putin, lực lượng hiện đang tấn công ở Ukraine.

Việc miễn cưỡng nhanh chóng phê duyệt hỗ trợ cho Kyiv phản ánh xu hướng “Ukraine mệt mỏi” rộng hơn.

Các cuộc khảo sát cho thấy ở Mỹ cũng như ở Âu Châu, sự ủng hộ của công chúng đối với việc tiếp tục hỗ trợ tiền bạc và vũ khí cho người Ukraine đã giảm xuống, mặc dù vẫn ở mức trên 50% ở hầu hết các quốc gia.

Theo Burns, sự hỗ trợ của phương Tây đang suy giảm chính xác là điều mà Vladimir Putin đang đặt cược vào.

Lãnh đạo Điện Cẩm Linh đã tính toán: rằng, theo thời gian, Nga có thể tồn tại lâu hơn các nguồn lực và tinh thần mà cả Ukraine và các đối tác của họ đều có trong tay.

Burns nhấn mạnh rằng: “Những người ủng hộ Ukraine ở Washington đang hy vọng cuộc bỏ phiếu quốc hội ngày hôm nay sẽ nhắc nhở mọi người về nhu cầu cấp thiết phải duy trì sự ủng hộ dành cho Kyiv.”

Ngoại trưởng Ukraine nói: 'Một ngày tồi tệ đối với Putin'

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết cuộc bỏ phiếu hôm Thứ Bẩy, 20 Tháng Tư, là một “ngày tồi tệ đối với Putin” và là “ngày tồi tệ đối với bất kỳ ai dám tin rằng Mỹ có thể dao động khi bảo vệ những gì và đại diện cho ai”.

Ông ca ngợi cả các chính trị gia Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đều “đã đưa ra lựa chọn đúng đắn”.

Kuleba cho biết ông hy vọng dự luật sẽ sớm được thông qua hoàn toàn thành luật để tác động của nó có thể được “các chiến binh của chúng tôi ở tiền tuyến cảm nhận được”.

4. Orbán tuyên bố các lãnh đạo phương Tây 'chỉ còn một bước nữa' là gửi quân tới Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Western Leaders Are 'One Step Away' From Sending Troops to Ukraine: Orbán”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán hôm thứ Sáu cho biết các nhà lãnh đạo phương Tây “chỉ còn một bước nữa” là gửi binh lính đến chiến đấu ở Ukraine.

“Chúng ta chỉ còn một bước nữa là phương Tây sẽ gửi quân tới Ukraine. Đây là vòng xoáy quân sự có thể kéo Âu Châu xuống đáy. Brussels, địa điểm đặt trụ sở NATO, đang chơi với lửa”, Orbán nói tại một sự kiện tranh cử cho đảng chính trị Fidesz của ông, theo đài truyền hình Hír TV của Hung Gia Lợi.

Orbán là một trong số ít lãnh đạo NATO có cảm tình với Putin. Nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi cũng liên tục cố gắng ngăn chặn viện trợ từ Liên minh Âu Châu cho Ukraine và ông đã lên tiếng phản đối việc Ukraine trở thành thành viên NATO.

Bình luận của nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi hôm thứ Sáu được đưa ra sau khi một cuộc tranh luận quốc tế nổ ra khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 2 nói rằng NATO không nên loại trừ việc gửi quân vào Ukraine.

“Không có gì nên bị loại trừ,” Macron nói trong một cuộc họp báo về việc đưa quân phương Tây đến Ukraine. “Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để ngăn chặn Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến này”.

Trong khi một số nhà lãnh đạo NATO cho biết họ sẽ không ủng hộ một động thái như vậy thì những người khác lại cho rằng điều này cần được xem xét. Các đồng minh phương Tây của Kyiv chưa đưa quân tham chiến. Nhưng Orbán cho biết hôm thứ Sáu rằng các nhà lãnh đạo Âu Châu “đã” “tham gia” vào cuộc chiến ở Ukraine. Ông cũng tuyên bố họ gọi cuộc xung đột là “cuộc chiến của họ”.

“ Có đa số người ủng hộ chiến tranh ở Brussels ngày nay và nói thêm rằng nền chính trị của NATO “bị chi phối bởi logic của chiến tranh”.

Thủ tướng cho biết, mặc dù số tiền lớn và vũ khí được gửi tới Ukraine nhưng “tình hình vẫn không được cải thiện; trên thực tế, nó đang trở nên tồi tệ hơn.” Sau đó, ông cam kết rằng đất nước của ông sẽ không tham gia vào cuộc xung đột.

“Chúng tôi không muốn chiến tranh và chúng tôi không muốn Hung Gia Lợi lại trở thành món đồ chơi của các cường quốc. Đó là lý do tại sao chúng ta phải ủng hộ hòa bình”, Orbán nói. “Ở quê nhà, tại Brussels, Washington DC, Liên Hiệp Quốc và NATO, tôi khuyến nghị chúng ta nên đưa ra cam kết rõ ràng. Chừng nào còn có một chính phủ quốc gia đứng đầu đất nước, Hung Gia Lợi sẽ không tham gia vào cuộc chiến tranh Nga-Ukraine theo phe của bất kỳ ai”.

Orbán không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho tuyên bố của ông về việc các nhà lãnh đạo phương Tây sắp triển khai binh lính ở Ukraine. Điện Cẩm Linh trước đó đã cảnh báo rằng nếu quân đội phương Tây được điều đến chiến trường sẽ gây ra một cuộc đụng độ không thể tránh khỏi giữa NATO và Nga.

Phát biểu với báo chí vào tháng 2 sau những bình luận ban đầu của ông Macron, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết việc quân đội phương Tây tham gia vào cuộc chiến sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp “không thể tránh khỏi”.

Theo TASS, một cơ quan do Điện Cẩm Linh kiểm soát, vào thời điểm đó, Peskov cho biết: “Trong trường hợp đó, vấn đề không phải là về khả năng xảy ra mà là về tính tất yếu – đó là cách chúng tôi đánh giá nó”.

5. Nhẹ nhõm trước tiến bộ của Mỹ trong viện trợ Ukraine, Âu Châu cố gắng với sự hỗ trợ của riêng mình cho Kyiv

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Relieved by US progress on Ukraine aid, Europe grapples with its own support for Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Các nhà lãnh đạo Âu Châu ca ngợi việc Hạ viện Mỹ thông qua gói viện trợ trị giá 60,8 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine hôm thứ Bảy, nhưng một số cảnh báo rằng cần có thêm sự hỗ trợ khẩn cấp từ Âu Châu trước những cuộc tấn công dữ dội của Nga trong những tháng tới.

Hạ viện của Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua biện pháp này với tỷ lệ bỏ phiếu 311-112, vượt qua sự phản đối gay gắt của phe bảo thủ đối với nguồn tài trợ. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh rằng, nếu không có sự hỗ trợ, Ukraine có thể mất khả năng phòng thủ trước cuộc xâm lược của Nga vào cuối năm nay.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Tôi hoan nghênh việc Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một gói viện trợ lớn mới cho Ukraine”. “Ukraine đang sử dụng vũ khí do các đồng minh NATO cung cấp để tiêu diệt khả năng chiến đấu của Nga. Điều này làm cho tất cả chúng ta an toàn hơn ở Âu Châu và Bắc Mỹ.”

Một sĩ quan cao cấp của Ukraine đã chào đón tin tức về cuộc bỏ phiếu bằng một từ “tuyệt vời”. Nhưng khi được hỏi sẽ mất bao lâu để tiếp tế tới tiền tuyến, ông nói điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một quan chức giấu tên cho biết: “Việc thực hiện có thể mất vài tuần và vài tháng”.

Các nhà lãnh đạo và quan chức quân sự Ukraine nghi ngờ Nga sẽ tiến hành một cuộc tấn công vào tháng 6 hoặc tháng 7 và họ nói rằng việc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraine gần đây là một chiến dịch tiền tấn công.

Ivanna Klympush-Tsintsadze, cựu phó thủ tướng Ukraine và hiện là nhà lập pháp đối lập, nói với POLITICO: “Chúng tôi rất biết ơn Hạ viện vì quyết định lịch sử này”. Cô nói thêm: “Tôi hy vọng Thượng viện sẽ nhanh chóng thông qua, vì mỗi ngày không hỗ trợ Ukraine sẽ khiến thảm họa của nền văn minh phương Tây đến gần hơn”.

“Tôi hy vọng Mỹ sẽ không để điều đó xảy ra!” Klympush-Tsintsadze nói.

Cuộc đua marathon để thông qua dự luật của Mỹ, vốn vẫn cần sự chấp thuận của Thượng viện, trong vài tuần qua đã thúc đẩy Âu Châu tìm kiếm viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá.

“Cảm ơn nước Mỹ!” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã tweet. Ông nói: “Dự luật viện trợ quan trọng của Hoa Kỳ được Hạ viện thông qua ngày hôm nay sẽ giữ cho chiến tranh không lan rộng, cứu sống hàng ngàn hàng ngàn sinh mạng và giúp cả hai quốc gia của chúng ta trở nên hùng mạnh hơn”.

Một số nhà lãnh đạo Âu Châu lợi dụng cuộc bỏ phiếu của Mỹ để kêu gọi Âu Châu không nên tự mãn và mất đà khi sự hỗ trợ mới của Washington dự kiến sẽ sớm đến Kyiv.

“Hy vọng cuộc bỏ phiếu này khuyến khích tất cả các đồng minh xem xét kho hàng của họ và làm nhiều hơn nữa,” Thủ tướng Estonia Kaja Kallas.

Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billström cho biết: “Bây giờ cũng là lúc cần nhớ rằng Liên Hiệp Âu Châu hiện phải tăng cường sản xuất vũ khí, đạn dược và khí tài chiến tranh của chúng ta để hỗ trợ Ukraine về lâu dài”. “Cuộc bỏ phiếu tối nay cho thấy sự cần thiết của việc này. Chúng tôi cũng phải tự làm bài tập về nhà của mình”, ông nói thêm.

Ngoại trưởng Tiệp, Jan Lipavský, lặp lại quan điểm này khi nói: “Âu Châu cũng phải làm nhiều hơn nữa. Sự do dự và thiếu quyết đoán của chúng ta trong việc hỗ trợ hiệu quả cho Ukraine chỉ thúc đẩy Điện Cẩm Linh tiến hành các hành động gây hấn hơn nữa khiến nhiều sinh mạng phải trả giá hơn”.

Một thử thách quan trọng đối với Âu Châu sẽ diễn ra vào thứ Hai, khi 27 ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu tập trung tại Luxembourg để lên kế hoạch viện trợ quân sự trong tương lai cho Kyiv. Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Ukraine dự kiến sẽ tham gia cuộc thảo luận trực tuyến.

Theo ông Stoltenberg, trước cuối tuần, các đồng minh Âu Châu trong NATO đã cam kết đẩy mạnh chuyển giao các hệ thống phòng không sẵn có cho Ukraine.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, quan chức chủ chốt đứng đằng sau nỗ lực mới nhất nhằm bổ sung các hệ thống phòng không cho Kyiv, đã ca ngợi động thái lập pháp của Mỹ.

“Đây là một ngày lạc quan đối với Ukraine và an ninh Âu Châu,” Baerbock nói trên X.

6. Ukraine vô tình hạ sát phóng viên chiến trường hàng đầu của Nga

Tờ The Daily Mail của Vương Quốc Anh có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Phóng viên chiến trường hàng đầu của Nga thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái kamikaze của Ukraine mà Putin cho rằng đó là 'hành động trả thù cho việc thực hiện nghĩa vụ báo chí một cách trung thực'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một phóng viên chiến trường hàng đầu của Nga đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cảm tử kamikaze của Ukraine hôm thứ Sáu 19 Tháng Tư. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết như trên một ngày sau đó.

Semyon Eremin - người làm việc cho hãng tin thân Điện Cẩm Linh Izvestia - chết vì vết thương ở khu vực xung đột ở vùng Zaporizhzhia.

Người đàn ông 42 tuổi này bị tấn công khi trở về sau chuyến thăm đơn vị mới của Nga ở vùng Ukraine bị xâm chiếm trái phép. Không có bình luận ngay lập tức từ Kyiv.

Tờ báo Izvestia là một phần của nhóm truyền thông tuyên truyền ủng hộ Putin do Alina Kabaeva, 40 tuổi, người tình của Vladimir Putin đứng đầu.

Bộ Ngoại giao Nga đã tố cáo vụ giết người là “hành động trả thù cho việc thực hiện nghĩa vụ báo chí một cách trung thực”.

Eremin đã đưa tin về những điểm nóng nhất của cuộc chiến gây ra bởi cuộc xâm lược Ukraine có chủ quyền của ông Putin, 71 tuổi, trong số đó có các trận chiến giành Mariupol, Maryinka và Vuhledar.

Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi các tổ chức quốc tế 'có liên quan' và những người bảo vệ nhân quyền lên án 'vụ sát hại dã man' một nhà báo Nga khác.

Phát ngôn nhân Maria Zakharova nói: “Tiêu chuẩn kép trong việc bảo đảm quyền lợi của giới truyền thông và điều kiện an toàn cho hoạt động của họ là không thể chấp nhận được”.

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy tự do báo chí trên toàn thế giới, cho biết ít nhất 15 nhà báo đã thiệt mạng trong cuộc chiến ở Ukraine kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào tháng 2 năm 2022.

Các trận chiến dữ dội bằng máy bay không người lái và pháo binh - cùng với những hạn chế đối với các nhà báo ở cả hai phía của mặt trận 600 dặm - đã khiến cuộc chiến Ukraine trở nên rất nguy hiểm và rất khó đưa tin.

Tờ báo cho biết: 'Phóng viên chiến trường Izvestia Semyon Eremin đã bị giết vào ngày 19 tháng 4 trong một cuộc tấn công của máy bay không người lái FPV của Ukraine theo hướng Zaporizhzhia, nơi anh ta đã đến để quay phóng sự.'

Izvestia cho biết anh ta chết khi thực hiện 'nhiệm vụ nghề nghiệp' của mình.

Ngay lập tức đã có những lời kêu gọi Eremin được Điện Cẩm Linh trao tặng Huân chương Dũng cảm.

Izvestia là một phần của Tập đoàn Truyền thông Quốc gia, do cựu vận động viên thể dục dụng cụ Olympic Kabaeva đứng đầu.

7. Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chuyển tài sản Nga bị tịch thu sang Ukraine

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “US House approves bill to transfer seized Russian assets to Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hạ viện Mỹ ngày 20 Tháng Tư đã thông qua dự luật cho phép tịch thu và chuyển giao tài sản đông lạnh của Nga nắm giữ ở Mỹ cho Ukraine.

Dự luật đáp ứng các ưu tiên của Đảng Cộng hòa, bao gồm các lệnh trừng phạt đối với Iran và một biện pháp có thể dẫn đến lệnh cấm TikTok trên toàn quốc. Hạ viện cũng phê duyệt gói viện trợ nước ngoài quan trọng bao gồm gần 61 tỷ Mỹ Kim để hỗ trợ Ukraine.

Các dự luật hiện sẽ được đưa tới Thượng viện để bỏ phiếu trước khi gửi đến Tổng thống Joe Biden để ký.

Theo CNN, biện pháp được Hạ viện thông qua ngày 20 Tháng Tư sẽ cho phép cơ quan hành pháp tịch thu tài sản cố định của Nga và sử dụng chúng để hỗ trợ các nỗ lực quốc phòng và phục hồi của Ukraine.

Phần lớn tài sản của ngân hàng trung ương Nga bị Liên minh Âu Châu và Nhóm bảy nước, gọi tắt là G7, phong tỏa đều được nắm giữ ở Liên Hiệp Âu Châu. Mỹ nắm giữ khoảng 5 tỷ Mỹ Kim tài sản của Nga trong tổng số 300 tỷ Mỹ Kim bị phương Tây và các đồng minh khác của Kyiv phong tỏa.

Trong khi một số đối tác, như Mỹ, đang nỗ lực chuyển các khoản tiền này trực tiếp đến Kyiv thì các nước Âu Châu lại do dự hơn vì lo ngại những cạm bẫy kinh tế và pháp lý.

Thay vào đó, Liên Hiệp Âu Châu đang lên kế hoạch sử dụng lợi nhuận thu được từ tài sản bị phong tỏa để tài trợ cho hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine.

Trong một bước đi tích cực vào ngày 16 Tháng Tư, Hội đồng Nghị viện của Hội đồng Âu Châu (PACE) đã bỏ phiếu đồng thanh ủng hộ nghị quyết kêu gọi tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga và sử dụng chúng cho quỹ mới tái thiết Ukraine.

8. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết NATO có hệ thống phòng không sẵn sàng cho Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “NATO has air defense systems ready for Ukraine, Stoltenberg says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Các nước NATO hôm thứ Sáu xác nhận họ có sẵn các hệ thống phòng không có thể được gửi tới Ukraine, nhà lãnh đạo liên minh cho biết.

Tổng thư ký Jens Stoltenberg nói với giới truyền thông sau cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và các bộ trưởng quốc phòng NATO.

Cuộc họp khẩn cấp, theo thể thức của Hội đồng NATO-Ukraine, đã được Zelenskiy triệu tập hai ngày trước trong bối cảnh các cuộc tấn công hỏa tiễn ngày càng leo thang của Nga nhằm vào dân thường Ukraine. Nó diễn ra chỉ một ngày trước cuộc bỏ phiếu quan trọng của Quốc hội Mỹ để quyết định có cấp cho Ukraine gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ Mỹ Kim hay không.

“Các bộ trưởng quốc phòng NATO đã đồng ý tăng cường và cung cấp thêm hỗ trợ quân sự, bao gồm cả phòng không. NATO đã vạch ra các khả năng hiện có trên khắp các tuyến và có những hệ thống có thể được cung cấp cho Ukraine”, ông Stoltenberg nói.

“Vì vậy, tôi mong đợi sẽ sớm có những thông báo mới về khả năng phòng không của Ukraine… Tôi mong đợi những thông báo cụ thể trong tương lai gần dựa trên thông tin được chia sẻ với chúng tôi”, ông nói thêm.

Jens Stoltenberg cho biết, trong khi trọng tâm là hệ thống Patriot, “có những loại vũ khí khác mà các đồng minh có thể cung cấp, bao gồm cả SAMP/Ts”, đồng thời cho biết thêm: “Nhiều đồng minh không có hệ thống sẵn có đã cam kết hỗ trợ tài chính để mua chúng. cho Ukraine.”

Ông cho biết NATO cũng đang làm việc với ngành công nghiệp để tăng cường sản xuất và tân trang các hệ thống để chúng có thể hoạt động và phù hợp với mục đích sử dụng.

9. Tổng tư lệnh Đan Mạch gặp Syrskyi, Umerov để bàn thêm hỗ trợ cho Ukraine

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Danish commander-in-chief meets Syrskyi, Umerov to discuss further assistance for Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Đan Mạch Michael Wiggers Hyldgaard đã đến thăm Kyiv và gặp người đồng cấp Oleksandr Syrskyi và Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov vào ngày 20 Tháng Tư.

Wiggers Hyldgaard được bổ nhiệm vào đầu tháng Tư. Người tiền nhiệm của ông, Flemming Lenfter, đã bị cách chức vào ngày 3 tháng 4 vì ông không báo cáo hệ thống vũ khí bị trục trặc trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của phiến quân Houthi vào một tàu khu trục của Đan Mạch ở Biển Đỏ, được cho là đã khiến thủy thủ đoàn gồm 175 người gặp nguy hiểm.

Trong cuộc họp, Wiggers Hyldgaard, Umerov và Syrskyi đã thảo luận về nhu cầu của Ukraine ở tuyến đầu cũng như sự hỗ trợ thêm từ chính phủ Đan Mạch.

Syrskyi viết: “Kể từ ngày đầu tiên của cuộc xâm lược toàn diện, Đan Mạch đã đứng về phía Ukraine, đứng về phía dân chủ và bảo vệ tự do”.

Tổng tư lệnh Ukraine cũng cảm ơn chính phủ Đan Mạch và người dân nước này vì đã tiếp tục hỗ trợ lực lượng Ukraine.

Syrskyi nói thêm: “Mối quan hệ đối tác với Đan Mạch, một trong những quốc gia sáng lập NATO, vẫn là nguồn hỗ trợ đáng kể cho chúng tôi”.

Đan Mạch, một trong những nước ủng hộ chính của Kyiv trong suốt cuộc xâm lược toàn diện của Nga, gần đây đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 2,2 tỷ kroner hay 313 triệu Mỹ Kim, cho Ukraine. Đây là gói viện trợ quân sự thứ 17 của Đan Mạch cho Ukraine kể từ năm 2022.

Đan Mạch cũng trở thành quốc gia đầu tiên mua vũ khí và thiết bị cho Lực lượng vũ trang Ukraine từ một nhà sản xuất của Ukraine như một phần của gói viện trợ quân sự.

Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, cơ quan theo dõi viện trợ quốc tế cho Ukraine, Đan Mạch là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ tư cho Kyiv, đã chi khoảng 9 tỷ Mỹ Kim tính đến Tháng Giêng năm 2024.

10. Văn phòng công tố Ukraine: Ít nhất 545 trẻ em đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện

Ít nhất 1.843 trẻ em đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2/2022, Văn phòng Tổng công tố Ukraine báo cáo hôm 20 Tháng Tư.

Theo tính toán của các công tố viên, ít nhất 545 trẻ em đã thiệt mạng và 1.298 trẻ em bị thương ở mức độ nghiêm trọng khác nhau.

Hầu hết thương vong ở trẻ em, 529 em, được báo cáo ở tỉnh Donetsk.

346 trường hợp khác đã được xác nhận ở Kharkiv, 150 ở Kherson, 135 ở Dnipropetrovsk, 130 ở Kyiv, 108 ở Zaporizhzhia và 104 ở Mykolaiv.

Hôm 20 Tháng Tư,, một cậu bé 8 tuổi và một bé gái 14 tuổi đã thiệt mạng do một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào quận Synelnykove ở Dnipropetrovsk. Một cậu bé 6 tuổi cũng được cho là đã phải vào bệnh viện trong tình trạng bị thương nặng.

Vào ngày 19 tháng 4, quân đội Nga cũng tấn công làng Solonchaky ở tỉnh Mykolaiv. Vụ pháo kích làm một cậu bé 14 tuổi bị thương.

Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đã gây thiệt hại đáng kinh ngạc cho dân thường Ukraine.

Liên Hiệp Quốc hôm 10 Tháng Tư cho biết họ đã ghi nhận gần 11.000 dân thường thiệt mạng và hơn 20.500 người bị thương. Con số thực tế có thể còn cao hơn vì Nga ngăn chặn sự giám sát quốc tế ở những khu vực bị tạm chiếm bị tàn phá nặng nề nhất, như Mariupol.
 
Chuyến tông du dài nhất triều Giáo Hoàng đến Indonesia, Singapore, Đông Timor và Papua New Guinea
VietCatholic Media
03:47 22/04/2024


1. Vatican gửi thư tới đại sứ quán Pháp về quyết định của tòa án trong vụ sa thải nữ tu

Tòa Thánh hôm thứ Bảy xác nhận rằng họ đã gửi một lá thư ngoại giao tới đại sứ quán Pháp về phán quyết của tòa án Pháp liên quan đến việc một Hồng Y người Canada bị cáo buộc sa thải một nữ tu một cách sai trái.

Một tòa án Pháp ở Lorient, ở Brittany, hồi đầu tháng này đã phạt Đức Hồng Y người Canada Marc Ouellet, cùng với một số nhân vật khác, vì việc sa thải mà họ gọi là sai trái vào tháng 10 năm 2020 đối với Sabine Baudin de la Valette, người có tên tôn giáo là Mẹ Marie Ferréol.

Baudin de la Valette, 57 tuổi, được cho là đã sống ở tu viện Pháp từ năm 1987 mà không gặp bất kỳ sự việc nào đáng kể, nhưng vào năm 2011, bà đã tố cáo “những hành vi lạm dụng và sự thật nghiêm trọng” xảy ra trong cộng đồng.

Bà ấy đã bị đuổi khỏi cộng đồng sau chuyến thanh tra của Đức Hồng Y Ouellet. Người ta chưa bao giờ công khai chính xác những gì Vatican đã buộc tội bà, mặc dù người cựu nữ tu cho biết sắc lệnh sa thải “buộc tội cô có linh hồn ma quỷ nhưng không đưa ra lý do cụ thể”.

Trong khi đó, hôm thứ Bảy, Vatican News đưa tin rằng Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh Matteo Bruni đã xác nhận với các phóng viên rằng Phủ Quốc vụ khanh Vatican đã chuyển “Công hàm” hoặc một thông điệp ngoại giao tới Đại sứ quán Pháp tại Tòa thánh.

Bức thư đề cập đến “quyết định bị cáo buộc của Tòa án Lorient ở Pháp trong một tranh chấp dân sự liên quan đến việc sa thải bà Sabine de la Valette (trước đây là Nữ tu Marie Ferréol) khỏi dòng tu”, ông Bruni nói với các phóng viên.

Bruni nói với các nhà báo: “Một phán quyết từ Tòa án Lorient như vậy không chỉ phương hại những vấn đề quan trọng liên quan đến quyền miễn trừ, mà nếu tòa án ra phán quyết về kỷ luật nội bộ và tư cách thành viên trong một tu viện tôn giáo, thì nó có thể cấu thành sự vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản đối với tự do tôn giáo và tự do hiệp hội của các tín hữu Công Giáo.”

Đức Hồng Y Ouellet, người trước đây giữ chức vụ tổng trưởng Bộ Giám mục, “chưa bao giờ nhận được bất kỳ lệnh triệu tập nào từ Tòa án Lorient,” Bruni nói.

Vatican hôm thứ Bảy nói rằng Vatican chỉ biết về quyết định của tòa án từ báo chí.

Tòa án cũng cáo buộc cộng đồng tôn giáo, trong số những điều khác, đã không tuân thủ đúng thủ tục sa thải. Không có cảnh báo trước và không có lý do gì để sa thải khỏi cộng đồng.

Ngoài ra, tòa án cho biết, cộng đồng đã vi phạm nghĩa vụ chăm sóc của mình khi sa thải Baudin de la Valette, người không được đề nghị bất kỳ khoản bồi thường tài chính nào có thể giúp cô “được hưởng những điều kiện sống dân sự thích hợp sau 34 năm sống đời tu trì và phục vụ cộng đồng theo tinh thần công bằng và bác ái như được quy định trong giáo luật.”


Source:Catholic News Agency

2. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Indonesia, Singapore, Đông Timor và Papua New Guinea

Vatican thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore vào cuối năm nay.

Chuyến hành trình đa quốc gia kéo dài 11 ngày từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9 sẽ là chuyến đi quốc tế dài nhất dưới triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô.

Thông báo về chuyến đi được đưa ra sau khi vị Giáo hoàng 87 tuổi đã giảm bớt lịch trình công du của mình trong những tháng gần đây do vấn đề sức khỏe buộc ngài phải hủy bỏ một số lần xuất hiện trước công chúng. Đức Thánh Cha Phanxicô, người thường sử dụng xe lăn, đã không tông du quốc tế kể từ tháng 9 năm 2023.

Tại Indonesia, hay còn gọi là Nam Dương: Điểm dừng chân đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là Indonesia, nơi có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới. 229 triệu người Hồi giáo của đất nước này chiếm hơn 12% dân số Hồi giáo toàn cầu. Gần như tất cả người Hồi giáo ở Indonesia đều theo dòng Sunni.

Đức Hồng Y Ignatius Suharyo của Jakarta hoan nghênh tin tức rằng Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Indonesia từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 9.

“Người Công Giáo trên khắp Indonesia muốn bắt tay từng người một với Đức Thánh Cha, nhưng tất cả chúng ta đều biết điều đó là không thể”, Đức Hồng Y Suharyo nói trong một thông điệp video khi thông báo về chuyến thăm.

Hơn 29 triệu Kitô hữu sống ở Indonesia, 7 triệu trong số đó là người Công Giáo. Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã đến thăm đất nước này vào năm 1970 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm đất nước này vào năm 1989.

“Hy vọng rằng, với chuyến viếng thăm này, người Công Giáo Indonesia sẽ trở nên can đảm hơn trong việc nói lên sự thật và trở thành tấm gương cho những người thuộc các tôn giáo khác về đời sống tôn giáo thực sự, cụ thể là tình yêu trên hết, như Đức Thánh Cha luôn nhấn mạnh”, Đức Hồng Y Indonesia nói với UCA News.

Tại Papua New Guinea, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng thứ hai đến thăm Singapore, Đông Timor và Papua New Guinea sau Đức Gioan Phaolô II.

Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm các thành phố Port Moresby và Vanimo ở Papua New Guinea từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 9.

Papua New Guinea là quốc gia có gần 9 triệu dân nằm ở nửa phía đông của đảo New Guinea. Phía bên kia của hòn đảo bao gồm hai tỉnh của Indonesia. Papua New Guinea là một quốc gia có sự đa dạng văn hóa đáng kể, bao gồm hàng trăm nhóm dân tộc bản địa trên đảo với 851 ngôn ngữ bản địa được sử dụng trong nước.

Gần như tất cả công dân Papua New Guinea đều theo Kitô giáo và 26% dân số là người Công Giáo.

Tại Đông Timor: Điểm dừng chân tiếp theo của Đức Thánh Cha trong chuyến tông du Đông Nam Á sẽ là Dili, thủ đô của Đông Timor, từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 9.

Đông Timor là một quốc gia nhỏ trên đảo Timor. Nó giành được độc lập từ Indonesia vào năm 1999, sau nhiều thập kỷ xung đột đẫm máu khi khu vực tranh giành chủ quyền quốc gia.

Hơn 97% dân số 1 triệu người của Đông Timor là người Công Giáo. Đây là một trong số ít quốc gia có đa số người theo Công Giáo ở Đông Nam Á.

Một giám mục Công Giáo đến từ Đông Timor, Giám mục Carlos Filipe Ximenes Belo, đã nhận được Giải Nobel Hòa bình cùng với tổng thống thứ hai của đất nước, Jose Manuel Ramos-Horta, vào năm 1996 vì những nỗ lực của các vị nhằm đạt được một nền hòa bình và công bằng chấm dứt chiến tranh trong nước.

Vatican xác nhận vào năm 2022 rằng Belo đã bị hạn chế kỷ luật kể từ tháng 9 năm 2020 do cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.

Tại Singapore: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ kết thúc chuyến tông du của mình bằng chuyến viếng thăm đảo quốc Singapore từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 9.

Singapore có GDP bình quân đầu người cao nhất ở Á Châu và mật độ dân số cao thứ hai so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Tổng Giáo phận Singapore có dân số đa dạng gồm 395.000 người Công Giáo, cử hành Thánh lễ chủ yếu bằng tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Tamil cũng như các ngôn ngữ khác từ Đông Nam Á.

Theo điều tra dân số năm 2020, gần 75% dân số Singapore là người gốc Hoa, trong đó cũng liệt kê 13% dân số là người gốc Mã Lai và 9% là người gốc Ấn.

Báo cáo của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế cho biết trong số người dân tộc Ấn Độ ở Singapore, 57,3% theo đạo Hindu, 23,4% theo đạo Hồi và 12,6% theo Kitô giáo. Dân số gốc Hoa bao gồm Phật tử (40,4%), Kitô hữu (21,6%), Đạo giáo (11,6%) và 25,7% không có tôn giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô từ lâu đã bày tỏ sự quan tâm đến việc viếng thăm Indonesia và các quốc đảo lân cận khác ở Đông Nam Á. Chuyến đi của Giáo hoàng đến Indonesia, Papua New Guinea và Đông Timor đã bị hủy bỏ vào năm 2020 do đại dịch COVID-19.

Phát ngôn nhân Vatican Matteo Bruni cho biết lịch trình đầy đủ của Đức Thánh Cha cho chuyến tông du này sẽ được công bố sau.


Source:Catholic News Agency

3. Án phong thánh của Cha Luigi Giussani: Tổng giáo phận Milan bắt đầu thu thập chứng từ

Hôm thứ Hai, Tổng Giáo phận Milan công bố rằng họ sẽ bắt đầu thu thập chứng từ cho án phong thánh cho Tôi Tớ Chúa Luigi Giussani, người sáng lập phong trào Công Giáo giáo dân Hiệp thông và Giải phóng.

Đức Tổng Giám Mục Mario Delpini sẽ tổ chức phiên họp công khai đầu tiên về giai đoạn chứng thực án phong thánh của Giussani tại Vương cung thánh đường Sant'Ambrogio vào ngày 9 tháng 5, lễ trọng Chúa Thăng Thiên.

Trong giai đoạn mới này trong án phong thánh cho Cha Giussani, những người biết vị linh mục người Ý sẽ chia sẻ chứng từ của họ với một ủy ban được thành lập đặc biệt.

Cha Giussani sinh năm 1922 và qua đời năm 2005 thành lập Hiệp thông và Giải phóng vào những năm 1950 tại Milan để đáp lại việc “cảm thấy cấp bách phải tuyên bố sự cần thiết phải quay trở lại các khía cạnh cơ bản của Kitô giáo”.

Trong 70 năm kể từ khi thành lập, phong trào đã phát triển với 60.000 thành viên ở 90 quốc gia.

Trong suốt cuộc đời của mình, Cha Giussani đã gặp gỡ nhiều người trẻ với tư cách là một giáo viên, tác giả và giảng viên đại học và đã phát triển một phương pháp giáo dục nhấn mạnh đến sự gặp gỡ, như được nêu trong một trong nhiều cuốn sách của ngài, “Rủi ro của Giáo dục”.

Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, người giảng lễ tại tang lễ của Cha Giussani năm 2005, nói rằng Cha Giussani “hiểu rằng Kitô giáo không phải là một hệ thống trí tuệ, một gói giáo điều, một chủ nghĩa luân lý; Kitô giáo đúng hơn là một cuộc gặp gỡ, một câu chuyện tình yêu; đó là một sự kiện.”

Quá trình phong chân phước cho Cha Giussani lần đầu tiên được mở vào năm 2012. Cần phải có hai phép lạ nhờ sự chuyển cầu của ngài để ngài được phong thánh trong Giáo Hội Công Giáo.

Chủ tịch Hiệp hội và Giải phóng Davide Prosperi hoan nghênh tin tức rằng án phong thánh cho Cha Giussani đang tiến triển “với niềm vui lớn lao” trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 15 tháng Tư.

Ông nói: “Đây là một bước cơ bản trong tiến trình phong chân phước cho Cha Giussani thân yêu của chúng tôi”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi cũng rất biết ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì sự quan tâm và quý trọng mà ngài đã nhiều lần bày tỏ, cả một cách công khai, đối với hình ảnh của Cha Giussani và con đường mà phong trào đang đi trong giai đoạn này”.

Prosperi nói rằng các thành viên của Hiệp thông và Giải phóng sẽ tiếp tục cầu xin sự chuyển cầu của Giussani trong lời cầu nguyện, “đặt trong lòng chúng tôi niềm mong muốn không thể kìm nén được là sớm thấy Cha Giussani được kể trong số các chân phước và các vị thánh của Chúa trong tay Giáo hội”.

Chiara Minelli, là cáo thỉnh viên cho án kiện của Giussani cho Tổng giáo phận Milan, cho biết Cha Giussani từng nói: “Tôi đã được ban cho món quà đức tin để tôi có thể trao nó cho người khác, truyền đạt nó”.

“Làm cho mọi người nhận biết Chúa Kitô, nhân loại nhận biết Chúa Kitô, đây là nhiệm vụ của những người được kêu gọi, nhiệm vụ của dân Chúa, sứ mệnh: 'Ta đã chọn các con để các con có thể ra đi.'


Source:Catholic News Agency
 
Bước ngoặt: Nga giận dữ khi biết ATACMS TẦM XA sẽ sớm đến Kyiv. EU cho Kyiv gấp đôi số tiền của Mỹ
VietCatholic Media
14:55 22/04/2024


1. Liên Hiệp Âu Châu đã và sẽ trợ cấp cho Ukraine số tiền gấp đôi số tiền viện trợ của Hoa Kỳ để sớm kết thúc chiến tranh và bắt Putin ra trước tòa án The Hague

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “EU’s Michel tells Trump to ‘get the facts straight’ on Ukraine funding”, nghĩa là “Michel của Liên Hiệp Âu Châu nói với Trump hãy 'nắm bắt sự thật thẳng thắn' về việc tài trợ cho Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel hôm thứ Sáu đã phản pháo lại cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, yêu cầu ông “nắm bắt sự thật” sau khi nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa nói rằng Âu Châu nên làm nhiều hơn để hỗ trợ Ukraine.

“Đừng bị Putin đe dọa. Chúng tôi không hề bị ông ta dọa nạt,” Michel nói với cựu Tổng thống Trump trên mạng xã hội. “Hãy nắm bắt sự thật thẳng thắn.”

Cựu Tổng thống Trump, một người hoài nghi nổi bật về NATO, người có thể trở lại Tòa Bạch Ốc sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, đã phàn nàn về những đóng góp của Âu Châu cho Kyiv vào tối thứ Năm ngay khi Quốc hội Mỹ tiến gần hơn đến việc phê duyệt viện trợ quân sự mới cho Ukraine.

“Tại sao Âu Châu không cấp thêm tiền để giúp Ukraine? Tại sao Hoa Kỳ lại chi hơn 100 tỷ Mỹ Kim… vào Chiến tranh Ukraine nhiều hơn Âu Châu, và giữa chúng ta có một Đại dương ngăn cách!” cựu Tổng thống Trump đã viết trong một bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội.

Michel không để lời bình luận này trôi qua dễ dàng.

“Những con số tự nói lên điều đó,” ông đáp lại. “Đóng góp của Liên Hiệp Âu Châu cho Ukraine: 143 tỷ euro hay 150 tỷ Mỹ Kim.”

Ukraine đang nỗ lực chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Putin, với việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi phương Tây tăng cường hỗ trợ khi lực lượng Kyiv đang thiếu vũ khí và đạn dược quan trọng.

Cựu Tổng thống Trump trong nhiều năm đã cáo buộc các đồng minh Âu Châu của NATO dựa vào Washington để được bảo vệ chống lại các thế lực thù địch nước ngoài và yêu cầu họ chi nhiều hơn cho quốc phòng.

Theo Viện Kiel của Đức, cơ quan tổng hợp các đóng góp quốc gia cho nỗ lực chiến tranh của Kyiv, Liên Hiệp Âu Châu và các thành viên đã cam kết viện trợ quân sự và tài chính khoảng 144 tỷ euro cho Ukraine, nhưng chỉ phân bổ khoảng 77 tỷ euro trong số đó. Theo dữ liệu của Kiel, Mỹ đã cam kết tổng viện trợ khoảng 68 tỷ euro và đã phân bổ để chuyển giao khoảng 66 tỷ euro. Tuy nhiên, Mỹ dẫn đầu Âu Châu một chút về vấn đề viện trợ quân sự.

Liên Hiệp Âu Châu sẽ có cuộc họp các Ngoại trưởng vào thứ Hai 22 Tháng Tư, với nội dung chính là đóng góp thêm vào quỹ trợ giúp quân sự cho Ukraine. Số tiền có thể gấp đôi số tiền viện trợ của Hoa Kỳ để sớm kết thúc chiến tranh và bắt Putin ra trước tòa án The Hague

2. Thượng nghị sĩ: Mỹ có thể bắt đầu gửi ATACMS tới Kyiv sau 1 tuần

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Senator: US could start sending ATACMS to Kyiv in 1 week”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Thượng nghị sĩ Mỹ Mark Warner nói với CBS rằng Mỹ có thể bắt đầu chuyển hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, tầm xa cho Ukraine “vào cuối tuần” trong khi chờ Tòa Bạch Ốc phê duyệt gói viện trợ quân sự vừa được thông qua tại Hạ viện. Ông đưa ra lập trường trên trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 21 tháng 4.

Sau nhiều tháng trì hoãn và đấu tranh chính trị, Hạ viện vào ngày 20 tháng 4 đã phê duyệt gói viện trợ trị giá 61 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine. Thượng viện dự kiến sẽ thông qua dự luật trong những ngày tới, sau đó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ký thành luật.

Warner, một đảng viên Đảng Dân chủ, cho biết các lô hàng bao gồm hệ thống hỏa tiễn tầm xa có thể sẵn sàng được vận chuyển trong vòng vài ngày.

Warner nói: “Tôi hy vọng một khi Tổng thống ký… bảo đảm rằng Quốc hội thực hiện công việc của mình rằng những vật liệu này sẽ được vận chuyển vào cuối tuần”.

Mỹ lần đầu tiên chuyển hỏa tiễn ATACMS cho Ukraine vào tháng 10 năm 2023, sau nhiều tháng cân nhắc. Gói này chỉ bao gồm các mẫu cũ hơn với phạm vi hoạt động 165 km. Các biến thể mới hơn của ATACMS có tầm bắn tối đa khoảng 300 km và cho đến nay vẫn chưa được cung cấp cho Ukraine.

Vào cuối tháng 2, NBC News đưa tin Tòa Bạch Ốc sẵn sàng cung cấp cho Kyiv các biến thể hỏa tiễn ATACMS tầm xa hơn nếu Quốc hội thông qua gói tài trợ mới.

Warner cho biết ATACMS là một phần của gói viện trợ mới và đã sẵn sàng xuất xưởng.

“ATACMS - Tôi tin rằng chính quyền đã chuẩn bị trong vài tháng qua để chuẩn bị cung cấp ATACMS ngay khi có luật này”.

Việc chuyển viện trợ quân sự bổ sung của Mỹ được chờ đợi từ lâu diễn ra trong bối cảnh Ukraine phải đối mặt với điều kiện chiến trường ngày càng xấu đi và tình trạng thiếu trầm trọng hệ thống phòng không và pháo binh.

“Đáng lẽ nó phải xảy ra từ sáu tháng trước,” Warner nói về gói viện trợ mới.

“Thời điểm tốt nhất tiếp theo là ngay bây giờ, trong tuần này.”

Warner ca ngợi những thành tựu của quân đội Ukraine bất chấp những trở ngại này, đồng thời cho biết viện trợ của Mỹ cho Ukraine đã chứng tỏ rất xứng đáng với khoản đầu tư tài chính.

“Bây giờ và trong hai năm qua, với ít hơn 3% ngân sách quốc phòng của chúng ta, hai năm tiếp theo, người Ukraine đã loại bỏ 87% lực lượng Lục Quân hiện có của Nga, 63% xe tăng, 32% xe thiết giáp chở quân của họ, không có một người lính Mỹ nào bị thiệt mạng, nhờ lòng dũng cảm của người Ukraine và trang thiết bị mà họ nhận được từ chúng ta và từ các đồng minh Âu Châu của chúng ta”

Các hệ thống hỏa tiễn tầm xa từ lâu đã là ưu tiên hàng đầu của Kyiv, mặc dù một số chính phủ phương Tây đã hạn chế cung cấp vũ khí do lo ngại leo thang với Nga.

3. Sân bay Chisinau di tản sau khi bị đe dọa đánh bom

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Chisinau airport evacuated following bomb threat”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hành khách và nhân viên đã được di tản khỏi phi trường quốc tế Chisinau ở thủ đô Moldova vào hôm Chúa Nhật 21 Tháng Tư do có nguy cơ nổ.

“Sân bay Chisinau hiện đang trong tình trạng báo động. Tất cả các cơ quan của Bộ Nội vụ đang tiến hành kiểm tra tại chỗ. Hành khách và nhân viên phi trường đã được di tản khỏi tòa nhà”, Raisa Novitski, phát ngôn viên của Cảnh sát Biên giới Moldova, được hãng tin Ukrinform dẫn lời cho biết.

Để đề phòng an toàn, tuyến xe điện số 30 đã được chuyển hướng đến Phố Sân bay, theo Cục Vận tải Điện lực nước này.

Các quan chức không cung cấp thêm thông tin.

Một đêm trước đó, hành khách và nhân viên đã di tản khỏi phi trường Chisinau sau khi có báo cáo lúc 9 giờ 40 tối về cáo buộc có bom tại chỗ và trên một trong các máy bay. Báo động hóa ra là sai.

Trong bối cảnh lo ngại về khả năng gây bất ổn từ Nga, Mỹ đang tăng cường hợp tác với chính phủ Moldova, Ned Price, phó đại diện Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, nói với phóng viên Kyiv Independent hôm 11 Tháng Tư.

Căng thẳng giữa Mạc Tư Khoa và Chisinau gia tăng kể từ tháng 2/2022 trong bối cảnh lo ngại chiến tranh có thể lan sang Moldova qua Transnistria, lãnh thổ Moldova bị quân đội Nga xâm lược từ đầu những năm 1990.

4. Zelenskiy: Nga sẽ cố gắng chiếm Chasiv Yar trước Ngày Lễ Mừng Chiến thắng

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelensky: Russia will attempt to seize Chasiv Yar by Victory Day”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Nga sẽ cố gắng chiếm thị trấn Chasiv Yar ở tỉnh Donetsk, ngay phía tây Bakhmut bị Nga tạm chiếm, trước ngày 9 Tháng Năm, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong một cuộc phỏng vấn với NBC News công bố ngày 21 Tháng Tư.

Vào ngày 9 tháng 5, Nga kỷ niệm Ngày Chiến thắng, một ngày lễ quân sự hóa mạnh mẽ đánh dấu chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai.

Nhận xét của Zelenskiy phù hợp với nhận xét của Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrskyi vào ngày 14 tháng 4, trong bối cảnh tình hình khu vực đang xấu đi khi đạn dược và nguồn cung cấp của Ukraine cạn kiệt.

“Gần đây tôi đã đến thăm khu vực này. Tôi đã nói chuyện với những người lính. Những người lính nói rằng họ thiếu trang thiết bị”, Zelenskiy nói. “Họ cần phải chiến đấu với các máy bay không người lái trinh sát của Nga, vốn chủ yếu dẫn đường cho pháo binh. Và chúng ta cần đạn pháo. Tôi hy vọng chúng ta có thể ở lại và vũ khí sẽ đến đúng lúc, chúng ta sẽ đẩy lùi được đối phương và sau đó chúng ta sẽ phá vỡ các kế hoạch của Liên bang Nga”.

Trong nhiều tháng, Ukraine đã nhiều lần kêu gọi Mỹ chuyển hàng viện trợ rất cần thiết trong bối cảnh lực lượng phòng không và đạn dược trên chiến trường đang suy giảm. Quốc hội Mỹ đã thông qua gói viện trợ trị giá 61 tỷ Mỹ Kim vào ngày 20 Tháng Tư, trong đó gói viện trợ này được nhiều người dự đoán sẽ được Thượng viện Mỹ thông qua trong những ngày tới. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hứa sẽ nhanh chóng ký dự luật thành luật nếu được Thượng viện thông qua.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh ngày 20 Tháng Tư, lực lượng Nga vẫn có thể đạt được những tiến bộ đáng kể về mặt hoạt động trong những tuần tới khi nguồn cung cấp của Mỹ dần được chuyển vào Ukraine.

“ Bộ chỉ huy quân sự Nga có thể sẽ tăng cường các hoạt động tấn công cũng như các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái để theo đuổi những tác động đáng kể về mặt hoạt động mà chắc chắn sẽ khó đạt được hơn trước các lực lượng Ukraine được cung cấp đầy đủ”.

Chasiv Yar, một thị trấn gần như trống rỗng và bị tàn phá nặng nề nằm cách Bakhmut khoảng 10 km về phía tây, dường như là mục tiêu tiếp theo của Nga. Nga tăng cường tấn công vào Chasiv Yar sau khi chiếm được Avdiivka, nằm cách đó khoảng 50 km về phía nam, và nhịp độ tiến quân của họ đã giảm vào đầu tháng Ba. Quân đội Ukraine cho biết Nga coi Chasiv Yar là một cột mốc quan trọng cho những bước tiến xa hơn tới Kostiantynivka, Kramatorsk và Sloviansk.

Theo chính quyền địa phương, khoảng 800 người vẫn còn ở Chasiv Yar.

Trước đó vào ngày 5 Tháng Tư, lực lượng ủy nhiệm của Mạc Tư Khoa cho biết quân đội Nga đã tiến vào vùng ngoại ô Chasiv Yar, nhưng quân đội Ukraine sau đó đã bác bỏ tuyên bố đó.

5. Nga đưa ra cảnh báo giận dữ sau dự luật viện trợ Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Issues Furious Warning After Ukraine Aid Bill”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Điện Cẩm Linh đã phản ứng giận dữ trước thông tin Quốc hội Mỹ đã thông qua một gói viện trợ cho Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng gói viện trợ này sẽ dẫn đến “thêm cái chết của nhiều người Ukraine hơn nữa”.

Hôm thứ Bảy, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua khoản viện trợ hơn 60 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine sau khi khoản hỗ trợ có khả năng thay đổi cuộc chơi dành cho Kyiv bị trì hoãn trong nhiều tháng tại Quốc hội do đấu tranh chính trị nội bộ. Các nhà lập pháp cũng phê duyệt thêm hàng tỷ Mỹ Kim viện trợ cho các đồng minh khác của Mỹ. Thượng viện bây giờ sẽ bỏ phiếu về gói này trước khi nó được trình lên Tổng thống Joe Biden để phê duyệt.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, cho biết trong bài phát biểu được các cơ quan thông tấn nhà nước Nga đưa tin rằng quyết định này “sẽ làm cho nước Mỹ giàu có hơn, hủy hoại Ukraine hơn nữa và dẫn đến cái chết của nhiều người Ukraine hơn nữa, vì lỗi của chế độ Kiev”. Nga gọi Thủ đô của Ukraine là Kiev thay vì Kyiv như chính người Ukraine và các nước phương Tây gọi.

“Việc Mỹ phân bổ hỗ trợ quân sự cho Ukraine, Israel và Đài Loan sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng toàn cầu”.

Dmitry Medvedev, cựu tổng thống Nga và hiện là phó chủ tịch hội đồng an ninh Nga, cho biết việc phê duyệt viện trợ mới cho Ukraine là nhằm “bài Nga” và sẽ làm trầm trọng thêm “số nạn nhân của cuộc chiến này”.

“Tôi thực sự không thể không mong muốn Hoa Kỳ lao vào một cuộc nội chiến mới càng nhanh càng tốt”, Medvedev nói.

Cuộc xâm lược toàn diện đã nổ ra ở Ukraine trong hơn hai năm và Kyiv phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của phương Tây để duy trì nỗ lực chống lại Nga. Liên Bang Nga là một quốc gia lớn hơn nhiều, và đã thành công trong việc đặt ngành công nghiệp quốc phòng của mình vào tình thế chiến tranh.

Các quan chức Ukraine và các chuyên gia phương Tây đã cảnh báo rằng Kyiv sẽ tiếp tục mất lãnh thổ vào tay Mạc Tư Khoa nếu không có viện trợ quân sự từ Mỹ và nước này có thể phải đối mặt với một cuộc tấn công mới bắt đầu sớm nhất là vào cuối tháng tới. Lực lượng Ukraine đang cạn kiệt nguồn cung cấp quan trọng như đạn dược và hỏa tiễn đánh chặn cho hệ thống phòng không của nước này.

Nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trong một tuyên bố rằng Ukraine đã “đấu tranh từ lâu để có được” gói viện trợ được bổ sung, đồng thời gọi gói viện trợ này là “rất quan trọng”.

Ông nói: “Chúng tôi đánh giá cao mọi dấu hiệu ủng hộ đất nước chúng tôi cũng như nền độc lập, con người và lối sống của đất nước mà Nga đang cố gắng chôn vùi dưới đống đổ nát”.

Andriy Yermak, nhà lãnh đạo văn phòng của Zelenskiy cho biết: “Người dân Ukraine chân thành biết ơn Quốc hội Hoa Kỳ vì đã bỏ phiếu tích cực đối với dự luật gói viện trợ quân sự cho đất nước chúng tôi”. “Nó rất quan trọng đối với Ukraine.”

6. Stoltenberg của NATO, các nhà lãnh đạo Âu Châu ca ngợi việc Hạ viện thông qua dự luật viện trợ Ukraine

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “NATO's Stoltenberg, European leaders laud House passage of Ukraine aid bill”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các nhà lãnh đạo Âu Châu ca ngợi việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ Ukraine trị giá 61 tỷ Mỹ Kim vào ngày 20 Tháng Tư, nhưng một số cảnh báo rằng Âu Châu phải khẩn trương tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.

Đã hơn hai tháng trôi qua kể từ khi Thượng viện thông qua dự luật tương tự về hỗ trợ nước ngoài, và các nhà lập pháp Đảng Dân chủ và Cộng hòa, cùng với Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã kêu gọi Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đưa dự luật này tới Hạ viện để bỏ phiếu.

101 thành viên Hạ viện Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật viện trợ Ukraine, 112 người bỏ phiếu chống và một người bỏ phiếu có mặt. Trong khi đó, trong số các đảng viên Đảng Dân chủ, 210 thành viên Hạ viện đã bỏ phiếu đồng ý và không có ai phản đối dự luật.

Phiếu có mặt là gì? Thưa: Phiếu có mặt là phiếu chắc chắn không được đếm vào số phiếu chống, nó cũng không được thẳng thừng coi là phiếu ủng hộ, nhưng được đếm vào số phiếu ủng hộ nếu như cần thiết để thông qua. Thí dụ, cần 60 phiếu để thông qua nhưng chỉ có 59 phiếu thuận. Trong trường hợp đó, nếu có một phiếu có mặt thì dự luật được thông qua.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk viết: “Chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson, cảm ơn ông”. “Thà muộn còn hơn là không. Và tôi hy vọng mọi chuyện vẫn chưa quá muộn đối với Ukraine”.

Việc phê duyệt gói viện trợ của Mỹ diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Ukraine, được đánh dấu bởi tình hình ngày càng xấu đi ở tiền tuyến, nơi Nga gần đây đã đạt được những thành tựu đáng kể. Sự chậm trễ trong viện trợ quốc phòng của Mỹ cho Ukraine trước đó đã góp phần khiến thành phố tiền tuyến quan trọng Avdiivka ở tỉnh Donetsk bị mất.

“Tôi hoan nghênh việc Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua gói viện trợ lớn mới cho Ukraine”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói. “Ukraine đang sử dụng vũ khí do các đồng minh NATO cung cấp để tiêu diệt khả năng chiến đấu của Nga. Điều này làm cho tất cả chúng ta an toàn hơn ở Âu Châu và Bắc Mỹ.”

Thượng viện chuẩn bị bắt đầu xem xét dự luật được Hạ viện thông qua vào ngày 23 tháng 4 trước khi gửi đến Tổng thống Biden để ký. Tổng thống Biden đã ra tín hiệu rằng ông sẽ ký các dự luật sau khi Quốc hội thông qua.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói: “Quyết định quan trọng và đúng đắn của Hạ viện Hoa Kỳ về việc gửi viện trợ quân sự khẩn cấp cho Ukraine”. Hy vọng cuộc bỏ phiếu này sẽ khuyến khích tất cả các đồng minh xem xét kho hàng của họ và làm nhiều hơn nữa.”

Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billström lặp lại quan điểm này và nói thêm rằng các nhà lãnh đạo Âu Châu phải nhớ “rằng Liên Hiệp Âu Châu hiện phải tăng cường sản xuất vũ khí, đạn dược và vật tư của chính chúng ta để hỗ trợ Ukraine về lâu dài”.

“Cuộc bỏ phiếu tối nay cho thấy sự cần thiết của việc này. Chúng tôi cũng phải làm bài tập về nhà của riêng mình,” Billström nói thêm.

7. Lindsey Graham quở trách quan điểm 'Rác rưởi' của JD Vance

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Lindsey Graham Rebukes J.D. Vance's 'Garbage' Views”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, đảng viên Cộng hòa Nam Carolina, đã tấn công sự hoài nghi của Thượng nghị sĩ JD Vance về việc cung cấp viện trợ cho Ukraine trong cuộc phỏng vấn xuất hiện trên Fox News Sunday.

Khi người dẫn chương trình Shannon Bream chỉ ra rằng Vance, một đảng viên Đảng Cộng hòa ở Ohio, đã viết trong một bài xã luận cho tờ The New York Times rằng Ukraine không có đủ nhân lực cần thiết để tiếp tục chiến đấu chống lại Nga trong cuộc chiến đang diễn ra, Graham trả lời:

“Đó là rác rưởi. Tôi mới về cách đây hai tuần. Họ có đủ nhân lực cần thiết; họ chỉ cần vũ khí,” ông nói. “Tôi thách JD Vance tới Ukraine để nhận thông tin tóm tắt từ quân đội Ukraine và nói chuyện với người dân Ukraine. Sau đó cho tôi biết những gì bạn nghĩ. Hãy ngừng nói về những điều bạn không biết cho đến khi bạn đi.”

Graham đã tham gia chương trình cùng với Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal, một đảng viên Đảng Dân chủ Connecticut. Cả hai thượng nghị sĩ đều thúc giục Vance đi cùng họ tới Ukraine trong chuyến đi tiếp theo tới đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Hôm thứ Bảy, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua khoản viện trợ hơn 60 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine sau khi khoản hỗ trợ có khả năng thay đổi cuộc chơi dành cho Kyiv bị trì hoãn trong nhiều tháng tại Quốc hội do đấu tranh chính trị nội bộ.

Các nhà lập pháp cũng phê duyệt thêm hàng tỷ Mỹ Kim viện trợ cho các đồng minh khác của Mỹ như Đài Loan và Israel. Thượng viện bây giờ sẽ bỏ phiếu về gói này trước khi nó được trình lên Tổng thống Joe Biden để phê chuẩn.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Ba đã ký một đạo luật, có khả năng giúp Kyiv tăng cường nghĩa vụ quân sự để bổ sung lực lượng trong cuộc chiến đang diễn ra ở nước này bắt đầu khi Nga xâm chiếm vào tháng 2 năm 2022.

Luật huy động dự kiến sẽ có hiệu lực sau một tháng nữa và giúp việc xác định mọi người đủ điều kiện tham gia quân dịch trong nước trở nên dễ dàng hơn. Theo hãng tin AP, nhiều người đã trốn tránh nghĩa vụ quân sự bằng cách tránh tiếp xúc với chính quyền.

Luật cũng cung cấp cho binh lính những ưu đãi, chẳng hạn như tiền thưởng hoặc tiền mua nhà hoặc xe hơi.

Trong bài luận trên tờ New York Times đăng ngày 12 tháng 4 có tựa đề “Toán học về Ukraine không hiệu quả”, Vance lập luận rằng “Ukraine cần nhiều binh lính hơn mức có thể tham gia, ngay cả với các chính sách bắt buộc hà khắc. Và nó cần nhiều vật chất hơn những gì Hoa Kỳ có thể cung cấp. Thực tế này phải định hình bất kỳ chính sách nào về Ukraine trong tương lai, từ viện trợ quốc hội cho đến đường lối ngoại giao do tổng thống đề ra. “

Thượng nghị sĩ nói thêm rằng Ukraine nên sử dụng “chiến lược phòng thủ” trong cuộc chiến.

“Đào bằng những con mương, xi măng và mìn kiểu cũ là những gì đã giúp Nga vượt qua cuộc phản công năm 2023 của Ukraine. Các đồng minh của chúng ta ở Âu Châu cũng có thể hỗ trợ tốt hơn cho chiến lược như vậy. Trong khi một số nước Âu Châu đã cung cấp nguồn lực đáng kể, gánh nặng hỗ trợ quân sự cho đến nay vẫn đè nặng lên Hoa Kỳ,” ông viết.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Graham hôm Chúa Nhật cho rằng hỏa lực là nhu cầu lớn nhất của Ukraine.

“Nếu bạn muốn quân đội Mỹ đứng ngoài cuộc chiến với Nga, hãy giúp đỡ Ukraine. Nếu họ tiến vào một quốc gia NATO, chúng ta sẽ tham gia một cuộc chiến”, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa nói với Bream. “Nếu bạn rút lui khỏi Ukraine, thì Đài Loan sẽ thuộc về Trung Quốc vì Bắc Kinh đang theo dõi xem chúng ta làm gì.”

Graham nói thêm rằng hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, tầm xa do Mỹ cung cấp có thể được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công vào cây cầu nối Crimea và Nga. Crimea đã bị Mạc Tư Khoa sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014. Ngoài ra, ông cho biết Kyiv sẽ được hưởng lợi từ việc bổ sung thêm chiến đấu cơ F-16 của Mỹ.

Các quan chức Ukraine và các chuyên gia phương Tây đã cảnh báo rằng Kyiv sẽ tiếp tục mất lãnh thổ vào tay Mạc Tư Khoa nếu không có viện trợ quân sự từ Mỹ và nước này có thể phải đối mặt với một cuộc tấn công mới bắt đầu sớm nhất là vào cuối tháng tới. Lực lượng Ukraine đang cạn kiệt nguồn cung cấp quan trọng như đạn dược và hỏa tiễn đánh chặn cho hệ thống phòng không của nước này.

Ukraine từ lâu đã “đấu tranh để có được” gói viện trợ được bổ sung, ông Zelenskiy nói trong một tuyên bố và gọi gói viện trợ này là “rất có ý nghĩa”.

Ông nói: “Chúng tôi đánh giá cao mọi dấu hiệu ủng hộ đất nước chúng tôi cũng như nền độc lập, con người và lối sống của đất nước mà Nga đang cố gắng chôn vùi dưới đống đổ nát”.

Andriy Yermak, nhà lãnh đạo văn phòng của Zelenskiy, cho biết: “Người dân Ukraine chân thành biết ơn Quốc hội Hoa Kỳ vì đã bỏ phiếu tích cực đối với dự luật gói viện trợ quân sự cho đất nước chúng tôi”. “Nó rất quan trọng đối với Ukraine.”

8. Nga nói sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine sẽ kết thúc trong 'thất bại nhục nhã'

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia says US support for Ukraine will end in ‘humiliating fiasco’”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Mạc Tư Khoa cảnh báo hôm Chúa Nhật rằng sự hỗ trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine đang kéo Washington vào một “thất bại nhục nhã”, một ngày sau khi gói viện trợ trị giá 60,8 tỷ Mỹ Kim cho Kyiv đã xóa bỏ rào cản chính trong Quốc hội Mỹ.

Các quan sát viên cho rằng sau khi Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua gói viện trợ 61 tỷ Mỹ Kim, Nga đã đưa ra nhiều tuyên bố mê sảng mà các nhà tâm lý học cho rằng đó là phản ảnh của một trạng thái tinh thần hốt hoảng.

Theo Reuters, Maria Zakharova, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Mạc Tư Khoa, cho biết: “Việc Washington ngày càng lún sâu hơn vào cuộc chiến hỗn hợp chống lại Nga sẽ trở thành một thất bại ồn ào và nhục nhã đối với Hoa Kỳ cũng như ở Việt Nam và Afghanistan”.

Khoản tài trợ của Hoa Kỳ - bao gồm 23 tỷ Mỹ Kim để bổ sung lại các hầm chứa và cơ sở vật chất của Hoa Kỳ - vẫn cần được Thượng viện phê duyệt và được Tổng thống Joe Biden ký duyệt.

Một khi điều đó được niêm phong, các làn sóng hỗ trợ tiếp theo của Mỹ có thể được thực hiện để giúp Ukraine phòng thủ trước ưu thế pháo binh của Nga trong bối cảnh cơ sở hạ tầng quan trọng bị bắn phá trong những tuần gần đây.

Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hiệp Quốc, Dmitry Polyanskiy, nói trên X rằng gói viện trợ của Mỹ sẽ đồng nghĩa với việc Kiev “sẽ hoạt động lâu hơn một chút, sẽ bỏ túi nhiều tiền hơn, nhiều vũ khí bị đánh cắp hơn và hàng chục ngàn người Ukraine sẽ đến máy xay thịt.”

Gói tổng trị giá 95 tỷ Mỹ Kim được các nhà lập pháp Hoa Kỳ phê duyệt trong một loạt dự luật cũng bao gồm số tiền viện trợ nhỏ hơn cho Israel và Đài Loan.

Zakharova của Nga nói trên Telegram rằng “viện trợ quân sự cho chế độ Kiev là hỗ trợ tài chính trực tiếp cho hoạt động khủng bố.”

Nga gọi Thủ đô của Ukraine là Kiev thay vì Kyiv như chính người Ukraine và các nước phương Tây gọi.
 
Linh mục bị tấn công khi đang giải tội ở nhà thờ chính tòa Texas. ĐHY Ambongo bị chính quyền trả thù
VietCatholic Media
16:15 22/04/2024


1. Linh mục Công Giáo bị xịt hơi cay khi đang ngồi tòa giải tội tại nhà thờ chính tòa Texas

Theo một tuyên bố từ giáo xứ chính tòa, một linh mục Công Giáo phục vụ tại nhà thờ chính tòa St. Mary ở Amarillo, Texas, đã bị xịt hơi cay khi đang giải tội vào tuần trước.

Giáo xứ cho biết trong một tuyên bố trên Facebook rằng “ai đó đang giải quyết các vấn đề về sức khỏe tâm thần” đã xịt chất kích thích vào linh mục Tony Neusch trong khi ngài đang giải tội.

Cảnh sát đang điều tra về vụ việc. Hiện chưa rõ liệu cảnh sát đã xác định được nghi phạm vào thời điểm này hay chưa.

“Tôi ổn và không cần chăm sóc y tế,” Cha Neusch nói trong tuyên bố.

Nhà thờ đã tạm thời đình chỉ việc xưng tội thường lệ hai lần một tuần, và các linh mục chỉ giải tội theo lịch hẹn trong thời gian này.

Theo tuyên bố, việc xưng tội thường xuyên sẽ tiếp tục sau khi nhà thờ lắp đặt camera an ninh trong nhà nguyện.

Cha Neusch nói trong tuyên bố: “Tôi xin lỗi vì bất kỳ sự bất tiện nào mà điều này có thể gây ra, nhưng sự an toàn của các cha giải tội của chúng tôi và những người đang chờ nhận bí tích cần phải được bảo đảm”.

Vị linh mục đã từ chối bình luận khi được CNA liên hệ vào thứ Hai.

Trong khi đó, Sở Cảnh sát Amarillo không cung cấp ngay báo cáo của cảnh sát cho CNA và từ chối bình luận về vụ việc.


Source:National Catholic Register

2. Cảnh sát được yêu cầu đóng cửa Hội nghị Bảo thủ Quốc gia

Cảnh sát Brussels được lệnh đóng cửa một hội nghị dành cho các chính trị gia bảo thủ, bao gồm Brexiteer Nigel Farage và Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban, vào hôm thứ Ba.

Ngoài ông Orban, Đức Hồng Y Gehard Muller, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, vàcựu Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng phát biểu tại sự kiện hôm thứ Tư.

Các nhà tổ chức cho biết mọi người đã bị ngăn không cho tham gia Hội nghị Bảo thủ Quốc gia vài giờ sau khi nó bắt đầu - mặc dù những người bên trong vẫn tiếp tục.

Thị trưởng địa phương cho biết ông đã ban hành lệnh để bảo đảm an ninh công cộng.

Những người tổ chức hội nghị cho biết họ đã “vượt qua được những nỗ lực nhằm bịt miệng” họ. Ông Orban của Hung Gia Lợi - người phát biểu ở đó - đã phản ứng với sự phẫn nộ, đăng trên Facebook: “Brussels vừa tăng tốc. Nếu bất cứ ai đứng lên vì hòa bình, họ sẽ bị cấm.”

“Không nghi ngờ gì nữa, vào ngày 9 tháng 6 chúng ta phải nói rõ ràng: Không có chiến tranh!” ông nói thêm, đề cập đến ngày bầu cử Âu Châu.

Động thái đóng cửa hội nghị cũng bị Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo chỉ trích, gọi đó là “không thể chấp nhận được”.

“Cấm hội họp chính trị là vi hiến. Chấm dứt ngay,” ông De Croo viết trên X.

Đề cập đến việc chính thị trưởng địa phương, Emir Kir, là người phản đối hội nghị, ông De Croo nói rằng mặc dù quyền tự trị của thành phố là nền tảng của nền dân chủ Bỉ, nhưng nó “không bao giờ có thể bác bỏ hiến pháp Bỉ bảo đảm quyền tự do ngôn luận”.

Và Thủ tướng Anh Rishi Sunak gọi các báo cáo về hành động của cảnh sát là “cực kỳ đáng lo ngại”.

Phát ngôn nhân của ông Sunak cho biết ông là “người ủng hộ mạnh mẽ quyền tự do ngôn luận” và tin rằng “việc hủy bỏ các sự kiện hoặc ngăn cản sự tham dự và những phát ngôn nhân không có nền tảng sẽ gây tổn hại cho tự do ngôn luận và nền dân chủ”.


Source:BBC

3. Tổng giáo phận nói Đức Hồng Y Công Giáo bị đối xử tồi tệ tại phi trường Congo

Theo Tổng giáo phận Kinshasa, Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Bessungu đã bị nhân viên an ninh ngược đãi tại Sân bay Quốc tế N'djili ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Vào ngày 14 tháng 4, Ambongo – cố vấn chính của Đức Thánh Cha Phanxicô – đã bị hạch hỏi khi đang trên đường tới Rôma.

Đức Hồng Y người Congo có hộ chiếu ngoại giao, thường được hưởng những ưu đãi tại phi trường.

Trong một tuyên bố, Chưởng ấn của tổng giáo phận Kinshasa, Cha Clet-clay Mamvemba đã chỉ trích các quan chức phi trường và cho rằng cách đối xử đối với ngài có thể liên quan đến sự chỉ trích gay gắt của Đức Hồng Y Ambongo đối với chính quyền Congo trong thông điệp Phục sinh.

Cha Mamvemba cho biết trong tuyên bố: “Như anh chị em đã biết, Tổng Giám mục Thành phố Kinshasa là thành viên của C9, Hội đồng Hồng Y hỗ trợ Đức Thánh Cha Phanxicô trong dự án Cải cách Giáo hội”.

“Chính vì sứ mệnh này mà ngài đã phải thường xuyên đi du lịch”

“Thật đáng tiếc nếu cách đối xử này là để đáp trả những tuyên bố mang tính tiên tri của ngài, đặc biệt là bài giảng đêm Phục sinh trong đó ngài thách thức tất cả những người liên quan, cách này cách khác, trong cuộc khủng hoảng đang hoành hành đất nước chúng ta”.

Trong thông điệp Phục sinh của mình, Đức Hồng Y Ambongo than thở về các vấn đề an ninh dai dẳng đang gây khó khăn cho Cộng hòa Dân chủ Congo, mô tả quốc gia này “cực kỳ không khỏe”.

“Chúng ta biết rất rõ rằng đất nước chúng ta ngày nay là một đất nước đang đau đớn, bệnh nặng và khi một người bệnh nặng hôn mê thì rất nguy hiểm, chúng ta có thể đoán trước được tương lai của người đó và ngày nay Congo cũng đang ở trong hoàn cảnh này của người bệnh nặng, người gần như đang trong tình trạng hôn mê”, Đức Hồng Y nói trong bài giảng lễ Phục sinh vào ngày 30 tháng 3.

Ngài nói về quá trình tha hóa đất nước, lưu ý rằng “đất nước của chúng ta đang bị chia cắt trước mặt chúng ta và chúng ta hành động như thể đó không phải là đất nước của chúng ta”.

Đức Hồng Y chỉ trích lực lượng an ninh thiếu sáng kiến trong việc bảo vệ công dân và tài sản của họ.

“Ngoài những bài phát biểu mà chúng ta đang nghe ở đây, những bài phát biểu hoàn toàn vô dụng, thực tế là những kẻ khác vẫn tiếp tục tiến lên và xâm lược miền Đông đất nước chúng ta. Điều này là hiển nhiên vì lý do đơn giản là Congo không có đủ sức mạnh để bảo vệ sự toàn vẹn của đất nước mình”, ngài nói.

Cộng hòa Dân chủ Congo là quốc gia có diện tích lớn thứ hai ở Phi Châu sau Algeria, với diện tích bề mặt lớn hơn Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Thụy Điển và Na Uy cộng lại. Nó có dân số gần 105 triệu người – 52 triệu trong số đó là người Công Giáo – nhưng vị Giám Mục hàng đầu của đất nước so sánh nó với một con voi có chân bằng đất sét.

“Chúng ta rất lớn, nhưng như người ta vẫn nói, chúng ta là một con voi có chân bằng đất sét. Chúng ta đang phát biểu ở đây như thể chúng ta rất mạnh mẽ. Sự thật là Congo không có quân đội và điều đó rất nghiêm trọng đối với một quốc gia như chúng ta”, Đức Hồng Y nói trong thông điệp Phục sinh của mình.

Giáo Hội Công Giáo thường xuyên bày tỏ lo lắng về cuộc xung đột ở phía đông đất nước. Đây là trung tâm của một trong những cuộc xung đột kéo dài nhất ở Phi Châu trong hơn 20 năm. Sự bất ổn trong khu vực có thể là do sự leo thang căng thẳng về địa chính trị và sắc tộc sau cuộc diệt chủng ở Rwanda năm 1994.

Khoảng 100 nhóm vũ trang, bao gồm cả phiến quân M23, đã tạo ra xung đột và hỗn loạn khi họ tranh giành quyền kiểm soát nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ trong khu vực. Nó dẫn đến lo ngại về một sự phân chia đất nước cuối cùng, mô tả sự phân chia một quốc gia thành các thực thể nhỏ hơn, thường xuyên thù địch với nhau.

Những nghi ngờ rằng Rwanda muốn kiểm soát các khu vực của Cộng hòa Dân chủ Congo để sử dụng tài nguyên thiên nhiên là nguyên nhân khiến nỗi lo này trở nên tồi tệ hơn.

Hòa bình vẫn là một khái niệm khó nắm bắt ở Cộng hòa Dân chủ Congo mặc dù có rất nhiều sáng kiến hòa bình của Liên Hiệp Quốc, Liên minh Phi Châu và các chủ thể khu vực.

Sự phức tạp của cuộc xung đột, cộng thêm sự tham gia của các quốc gia láng giềng và sức hấp dẫn của nguồn tài nguyên khoáng sản của Cộng hòa Dân chủ Congo, tạo ra những trở ngại ghê gớm cho hòa bình. Cuộc xung đột đã tạo ra một thảm họa nhân đạo, khiến 6,9 triệu người phải di dời và chứng kiến những vi phạm nhân quyền trắng trợn.

Đức Hồng Y Ambongo, một người thường xuyên chỉ trích chính quyền, đã cho rằng người dân Congo và các nhà lãnh đạo của họ phải chịu trách nhiệm chính về tình trạng hỗn loạn đang diễn ra của quốc gia.

Ngài đã than thở về những cuộc tranh cãi nhỏ nhặt giữa các chính trị gia về quyền lực và tài nguyên, đặc biệt là trong thời điểm xung đột. Đức Hồng Y đã kêu gọi hình thành một mặt trận thống nhất trước các mối đe dọa quốc gia.

Lưu ý rằng những lời lẽ gay gắt như vậy nhắm vào giới lãnh đạo đất nước có thể đã thúc đẩy sự ngược đãi ngài tại phi trường, linh mục chưởng ấn của tổng giáo phận Kinshasa kêu gọi cộng đồng trong nước và quốc tế làm chứng cho vụ việc và kêu gọi các tín hữu cũng như tất cả những người thiện chí cầu nguyện cho Đức Hồng Y Ambongo.


Source:Crux
 
Thánh Ca
TV 21
Lm. Thái Nguyên
04:21 22/04/2024
 
Ở lại trong Thầy
Lm. Thái Nguyên
04:22 22/04/2024

 
Mỗi ngày đời con
Lm. Thái Nguyên
04:23 22/04/2024