Ngày 06-08-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:37 06/08/2024

CẦU NGUYỆN (2)



1. Cầu nguyện là cửa để các ân sủng tiến vào linh hồn của con người.

(Thánh Teresa of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:40 06/08/2024
26. PHẠM TỘI VÌ NHẶT DÂY THỪNG

Có một người vì trộm trâu nên bị bêu trước đám đông, người quen biết hỏi:

- “Anh phạm tội gì?”

Anh ta đáp:

- “Thật là rủi ro ! Hôm qua tôi đi trên chợ nhìn thấy bên đường có sợi dây thừng, cảm thấy bỏ đi thì uổng bèn nhặt lên, ai mà biết được, thế là phạm tội”.

Người quen lại hỏi:

- “Lẽ nào sợi dây thừng không buộc một thêm cái gì sao?”

Ông ta mới lúng túng trả lời:

- “Ai biết được sợi dây thừng ấy mắc trên đầu con bò, nó lại còn dắt thêm con bò nghé nữa chứ !”

(Tinh tuyển nhã tiếu)

Suy tư 26:

Rất ít người phạm tội mà mau mắn nhận mình có tội, bởi vì chính nguyên tổ A-dong cũng đã không nhận tội của mình, mà đã đổ lỗi cho vợ mình là bà E-va...

Dây thừng buộc vào cổ con bò chứ không phải con ruồi mà nói không thấy, con bò còn kéo thêm con nghé nữa thì chỉ có người mù mới không thấy, vậy mà anh chàng ăn trộm vẫn cứ không nhận tội của mình, mà chỉ than trách tại sao sợi dây lại buộc vào con bò. Cũng vậy, nguyên nhân đưa đến tội chính là cái cứ ngỡ: cứ ngỡ là không phạm tội nhưng lại phạm; cứ ngỡ là mình đứng vững lại té nhào; cứ ngỡ sợi dây không, ai dè sợi dây lại buộc vào con bò...

Có những người Ki-tô hữu vào tòa xưng tội nhưng vẫn cứ đổ tội cho người này người nọ, họ dám nhận rằng mình là tội nhân nhưng không can đảm nhận mình là nguyên nhân gây ra những đổ vỡ trong gia đình; họ dám thú tội mình ra nhưng không có can đảm thừa nhận mình cũng là người có lỗi khi phạm tội. Không dám nhận tội mình là vì con người thấy cái danh dự, tự ái của mình lớn hơn sự thật; vì con người coi chức vụ danh vọng của mình cao hơn chân lý và quan trọng hơn họ không có sự khiêm tốn khi đi xưng tội...

Không một ai nhặt sợi dây bên đường mà bị buộc tội cả, họ chỉ bị buộc tội khi sợi dây ấy có buộc thêm một con bò hay bất cứ vật gì có giá trị...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 07/08: Hiếu Tử chữa lành Từ Mẫu – Lm. Phêrô Trần Ngọc Đức, SDB
Giáo Hội Năm Châu
01:39 06/08/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu,

Khi ấy, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn, thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở vùng ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” Nhưng Người không đáp lại một lời.

Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!” Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.” Nhưng bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” Người đáp: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Bấy giờ Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi bệnh.

Đó là lời Chúa
 
Hãy tin vào Thầy
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
01:56 06/08/2024
CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN NĂM B : GA 6,41-51

41 Khi ấy, người Do-thái xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giê-su đã nói : “Tôi là bánh từ trời xuống”. 42 Họ nói : “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói : ‘Tôi từ trời xuống’?”

43 Đức Giê-su bảo họ : “Các ông đừng có xầm xì với nhau ! 44 Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. 45 Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ : Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. 46 Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. 47 Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. 48 Tôi là bánh trường sinh. 49 Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. 50 Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. 51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”


HÃY TIN VÀO THẦY !

Vào thế kỷ 8, trong nhà thờ thánh Legonzianô miền Lancianô nước Ý, có một linh mục dòng thánh Basiliô, khi truyền phép Thánh Thể, bỗng nghi ngờ sự hiện diện thật của Mình Máu Chúa trong bánh rượu. Tức thì sự lạ xảy ra ngay trong tay vị linh mục : bánh trở nên thịt sống và rượu trở nên máu tươi rồi đông đặc lại thành 5 cục to nhỏ — Ngày nay ta còn thấy rõ bánh đã biến thành thịt này có màu hơi nâu, nhìn dưới ánh sáng thấy máu hồng. Năm cục máu màu vàng nghệ. Các di tích thánh này được đặt trong một mặt nhật quý giá (thịt) và trong một chén thánh thủy tinh (máu) ở nhà thờ Lancianô cho giáo dân tự do kính viếng — Trong 12 thế kỷ qua, giáo quyền đã cho làm nhiều cuộc giám nghiệm vào năm 1574, 1637, 1770, 1886. Mới đây, theo yêu cầu của nhiều người, giáo quyền lại cho phép khảo sát thánh tích bằng những thiết bị khoa học tối tân. Công việc được giao cho ông Odoardo Linoli, giáo sư giải phẫu nhân hình kiêm mô học bệnh lý, hóa học và hiển vi học, cộng tác với giáo sư Ruggero Bertelli thuộc đại học Siena (Ý). Kết quả được công bố ngày 4-3-1971 tại nhà thờ thánh Phanxicô ở Lancianô trước giáo quyền, chính quyền, các giới khoa học và có trình bày một loạt phim ảnh trên truyền hình. Nhiều tạp chí khoa học trên thế giới cũng đăng tin về sự kiện — Kết luận như sau : 1- Thịt này thật là thịt, máu này đúng là máu. 2- Thịt máu này đúng là thịt máu của một con người. 3- Thịt máu này thuộc cùng một người có nhóm máu AB. 4- Đồ hình của máu ấy giống với đồ hình của máu được lấy ra từ cơ thể của một người trong cùng một ngày. 5- Thịt lấy ra từ mô cơ tim (myocarde) (phải chăng đó là biểu tượng Tình Yêu?). 6- Thịt máu này hoàn toàn giống với thịt máu của một con người còn sống (chứ không phải lấy từ một cơ thể đã chết). 7- Trong thịt máu không có vết tích của chất nào được dùng để ướp xác cả. 8- Miếng thịt lấy ra từ phần thịt của một trái tim cách khéo léo tuyệt vời như do một nhà phẫu thuật tài giỏi. 9- Các chất protein chứa trong máu được phân phối đều đặn theo một tỷ lệ y hệt như trong đồ hình huyết thanh của máu tươi hiện có. 10- Trong máu có chất clorure, phosphore, magnesium, potassium, sodium và calcium. 11- Việc các thánh tích này được lưu giữ bao nhiêu thế kỷ cách tự nhiên, lại chịu ảnh hưởng của những xúc tác vật lý, sinh hóa mà vẫn giữ nguyên tình trạng như thế là một hiện tượng kỳ lạ, khoa học không sao giải thích được. — Một miếng thịt bình thường để ra ngoài không khí sẽ bị ươn, thối hay khô đét lại rồi biến chất. Nhưng miếng thịt này và các cục máu này trải qua 1200 năm rồi mà vẫn giữ nguyên trạng như thế. Ngoài ra, trọng lượng của 5 cục máu không rõ ràng : mỗi viên đều có trọng lượng bằng nhau và trọng lượng mỗi viên cũng bằng cả năm viên cộng lại ! Đó là những điều khiến khoa học đành nhường bước cho ơn siêu nhiên và lời giải thích đến từ Thiên Chúa. Như thế, ngoài sự lạ xảy ra vào thế kỷ 8, còn có sự lạ về việc thịt và máu được bảo trì thường xuyên suốt hơn 12 thế kỷ. Nó chẳng có mục đích củng cố niềm tin của ta vào những lời tuyên bố (bị phản bác) của Đức Giê-su về Thánh Thể hôm nay sao?

Trong hoang địa Xi-nai, suốt cuộc Xuất hành, dân Hip-ri đã bày tỏ mối nghi ngờ của họ đối với Mô-sê qua nhiều lời kêu ca than vãn, đã từ chối tin vào sứ mệnh thần linh của ông và việc ông có khả năng bảo đảm cho họ bánh cùng nước trong hoang địa (x. Xh 16,2-3; 17,3). Như tổ tiên mình, người Do-thái hôm nay, qua những tiếng “xì xầm phản đối”, cũng bày tỏ một sự bất tín như thế đối với nguồn gốc, bản chất và sứ mệnh thần linh của Đức Giê-su

Họ không chấp nhận việc con người này, mà họ quá biết rõ lai lịch, tự cho mình có một vai trò và một nguồn gốc thần linh (x. 7,27). Thật vậy, theo một niềm tin bình dân, Đấng Ki-tô sẽ xuất hiện thình lình, và thiên hạ không biết Người từ đâu đến. Dĩ nhiên, qua lời ngôn sứ Cựu Ước, họ vẫn rõ Người thuộc dòng dõi Đa-vít và sinh tại Bê-lem, nhưng sau một cuộc sống tuyệt đối mai ẩn, Người sẽ xuất hiện đột ngột.

1. Thầy là lời Thiên Chúa

Thấy thính giả bị sốc vì lời mình tuyên bố (c. 41), Đức Giê-su liền khẳng định : “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha không lôi kéo người ấy”, vì “hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ”. Sau khi trích câu nói cổ xưa này của I-sai-a (54,13), Đức Giê-su lập tức sửa sai một lối giải thích có thể có, lối giải thích cho rằng chúng ta được Thiên Chúa trực tiếp dạy dỗ. “Không, Đức Giê-su xác định, Chúa Cha dạy dỗ anh em qua tôi, nhưng đó đúng là lời Người, vì tôi là lời của Người. Người đã phái tôi tới với anh em, tôi từ Người mà đến, từ trời mà đến; Người lôi kéo anh em tới tôi để anh em mong ước tin vào tôi; phần tôi, tôi lôi kéo anh em tới Người bằng cách tỏ cho biết Người là ai thật sự”.

Ta phải đi vào chính trong chuyển động mạc khải thần linh ấy để nhận được nhiều khẳng định gây chưng hửng khác, như có vô số dọc theo Tin Mừng. Thay vì bực dọc trước câu “Tôi là bánh từ trời xuống” vừa nói (cũng như nhiều câu trong đoạn tiếp : Ga 6,51-58), ta hãy nhìn người nói. Đây là ví dụ độc nhất vô nhị về tầm quan trọng chủ yếu của cái mà ta gọi là “lý chứng thẩm quyền” (hay “luận cứ quyền uy”) vốn thường được xếp sau cùng trong bảng giá trị các luận cứ. Ở đây, quyền uy của Đức Giê-su lớn lao đến độ chúng ta chấp nhận điều Người nói trước hết là vì chính Người đã nói điều ấy, sau đó ta sẽ cố gắng tìm hiểu, nhưng cũng là tìm hiểu bên trong thái độ gắn bó ban đầu và trọn vẹn của chúng ta với lời Người, vì đó là lời Thiên Chúa. Khi Đức Giê-su nói, là chúng ta được Thiên Chúa dạy dỗ. Xin lặp lại lần nữa, một lời trên môi miệng con người mà có sức mạnh và quyền uy như thế là chuyện hoàn toàn độc nhất vô nhị. Nếu đôi khi chúng ta xầm xì như người Do-thái, thì trước hết chớ vật lộn với các khẳng định quá cứng cỏi của Người, song hãy đánh thức đức tin của mình cách nhanh chóng nhất và tối đa nhất : lạy Đức Giê-su, lời Ngài là lời Thiên Chúa.

Nhưng nói thế chẳng có nghĩa là chúng ta phải gắn bó hoàn toàn vào quyền uy Đức Giê-su cách mù quáng, cuồng tín, tối dạ như kiểu : “Ngài có thể phán với con bất cứ điều gì, bởi lẽ chính Ngài là Đấng con đã thuận theo”. Nói thế là xúc phạm đến Đức Giê-su và đến chính chúng ta. Các khẳng định gây hoang mang nhất của Người, các đòi hỏi khắt khe nhất của Người, đến độ khiến ta nổi loạn, chỉ có thể là thông minh rất mực và đòi hỏi sự thông minh của ta. Việc được Thiên Chúa dạy dỗ chẳng bao giờ kéo theo sự bó buộc, bất xứng với một con người và với một con Chúa, là phải từ bỏ mọi ý thức tìm hiểu phê bình và thậm chí mọi hăng hái phê bình tìm hiểu. Đức tin của một hữu thể thông minh thì phải là thông minh. Quá ít Ki-tô hữu tìm cách làm cho đức tin của mình ngày càng thông minh, thật đáng tiếc ! Họ quên lời dạy của thánh Anselmô : “Đức tin đi tìm hiểu biết” (Fides quaerens intellectum). Điều này đòi hỏi suy tư, nghiên cứu, và có thể làm nảy sinh lắm xầm xì, lắm ngờ vực, nhưng đó là một cuộc chiến của con người, một can đảm xứng con người, và Thiên Chúa không chê ghét các trận đấu kiểu Gia-cóp như vậy (x. St 32,23-31). Xin Thiên Chúa cho chúng ta thông minh và dũng mạnh để giật lấy từ Người tất cả ánh sáng mà sống, vì Người rất muốn làm thầy dạy sống cho chúng ta.

2. Thầy là Bánh từ trời

Tiếp đến, Đức Giê-su lặp lại câu khẳng định ban đầu : “Tôi là bánh trường sinh… bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết… nhưng sẽ được sống muôn đời” (cc. 48-51)

Khẳng định này trước hết gây kinh ngạc qua kiểu nói “Tôi là…”. Trong Tin Mừng Gio-an, các nhà chú giải đã đếm được 7 câu xác quyết “Tôi là…” như thế (7 là con số chỉ sự trọn vẹn): Tôi là bánh sự sống (6,35tt), ánh sáng thế gian (8,12; 9,5); cửa đàn chiên (10,7-8), mục tử tốt lành (10,11.14), sự sống lại và là sự sống (11,25), con đường, sự thật và sự sống (14,6), cây nho đích thực (15,1-5). Cách nói “Tôi là / Ta là” với thuộc ngữ (attribut) là một giá trị sự sống như vậy gợi lên trong óc của thính giả Đức Giê-su một ý niệm về tuyệt đối. Duy Thiên Chúa mới có quyền bảo “Ta là…”. Con người chỉ có thể nói : tôi là kẻ này, người nọ, tôi có cái này, vật nọ… nhưng không được bảo (và ai dám bảo?) : Ta là bánh, là ánh sáng, là sự sống, là sự thật… Thế mà Đức Giê-su đã làm vậy. Một xác quyết kiểu đó sẽ gây nên công phẫn hay niềm tin như đã nói.

Thứ đến, từ “bánh hằng sống/ bánh trường sinh” tự nó quả là kỳ dị, vì bánh không bao giờ sống, ngoại trừ khi ám chỉ cách tỷ dụ một con người sống, như trong trường hợp đây. Đức Giê-su là bánh hằng sống, bởi vì Người là Thiên Chúa hằng sống, là Đấng Phục sinh, luôn sống mãi. Bởi thế, tín hữu được lôi kéo đến cùng Người, để ngay từ giờ thông phần vào mầu nhiệm của Người và cuối cùng được dẫn tới phục sinh vinh quang.

Đức Giê-su là bánh hằng sống, vì Người giữ cho sống những ai ăn lấy Người. Ta ăn lấy Đức Giê-su bằng đức tin mà ta tuyên xưng và giữ mãi đối với bản thân và sứ mệnh Người (cc. 35-36.40.47); ta cũng ăn Người qua Thánh Thể. Nhưng đức tin là một hồng ân của Chúa Cha, Đấng giao kẻ tin cho Đức Giê-su để Người cứu vớt và phục sinh trong ngày cùng tận (cc. 37-40.47). Thật ra, ai ăn lấy Đức Giê-su thì không hề chết (cc. 50-51), vì việc đi từ cái mà chúng ta gọi là ân sủng sang vinh quang không tạo nên một đứt đoạn, nhưng là một nối tiếp. Đối với thánh Gio-an, tất cả những cái này (ân sủng và vinh quang) được gọi là sự sống đời đời, sự sống vĩnh cửu.

Sự sống ấy được gọi là sự sống đời đời, vĩnh cửu, trước hết vì là của Đấng Đời Đời, Đấng Vĩnh Cửu. Đó là sự sống tràn đầy và trọn vẹn của toàn thể con người, một sự sống không tàn lụi và được kéo dài, trong trường hợp chết thể xác, bằng niềm hy vọng sống lại. Đó là sự sống thần linh, vì sự sống luôn là một đặc điểm của thần tính; và không những là sống thiêng liêng mà còn là sống thể xác nữa. Sự sống vĩnh cửu là sự sống đáng sống, sự sống hạnh phúc. Thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-ki-a đã hiểu điều đó khi viết về Thánh Thể : “Bánh này là linh dược ban bất tử tính, một thuốc giải độc để khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời trong Đức Giê-su Ki-tô”.
 
Thánh Thể, Mầu nhiệm vô cùng cao quý
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
06:17 06/08/2024
CHÚA NHẬT XIX MÙA THƯỜNG NIÊN
1 V 19,4-8; Ep 4,30-5,2; Ga 6,41-51
THÁNH THỂ, NHIỆM TÍCH VÔ CÙNG CAO QUÝ

Bí tích Thánh Thể là chóp đỉnh và là nguồn mạch của đời sống Kitô hữu. Vì tầm quan trọng của bí tích này, phụng vụ Lời Chúa tuần này tiếp tục mời gọi chúng ta suy niệm về diễn từ “Bánh hằng sống” trong chương 6 của Tin Mừng Gioan. Dưới ánh sáng của trích đoạn này, hôm nay, chúng ta tìm hiểu về ba điều quan trọng nhất nơi bí tích Thánh Thể bằng việc trả lời ba câu hỏi này:

1) Làm sao bánh và rượu trở thành Mình và Máu Thánh Chúa?
2) Chúa Giêsu hiện diện thực sự nơi Thánh Thể không?
3) Chúng ta phải chuẩn bị thế nào để rước lễ?

1. Bánh rượu trở thành Mình - Máu Chúa

Trước hết, chúng ta phải nói rằng bí tích Thánh Thể là sự mới mẻ nhất do Chúa Giêsu mang lại, nhưng đồng thời cũng là mạc khải khó tin nhất đối với con người mọi thời. Quả thế, khi Chúa Giêsu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51). Người Do Thái đã sốc khi nghe những lời này. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6,52).
Đối với chúng ta hôm nay, khi dự thánh lễ, câu hỏi đầu tiên mà chúng ta thường được đặt ra là làm sao bánh và rượu trở thành Mình và Máu thánh Chúa?
Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong Giáo Lý Công Giáo, theo đó, khi linh mục truyền phép, chính Chúa Thánh Thần là Đấng ngự xuống trên các lễ vật, nhờ quyền năng thần linh mình, Người biến đổi bánh thành Mình Chúa Kitô và rượu thành Máu Chúa Kitô. Theo ngôn ngữ thần học, đây là sự biến thể (transsubstantiatio), nghĩa là một sự biến đổi từ bên trong, bản thể của bánh rượu không còn là bánh rượu nữa, nhưng trở thành bản thể của Chúa Kitô, thành Thịt và Máu Người. Thánh Cyrillô thành Giêrusalem (313-387) giải thích về sự biến thể này như sau:
“Bánh này không còn là bánh, dù bằng chứng của vị giác thế nào đi nữa, nhưng là thân mình Chúa Kitô. Rượu này không còn là rượu dù giác quan có nói thế nào đi nữa, nhưng chính đây là máu Chúa Kitô” (Giáo Lý Nhiệm Huấn IV, 9)
Bởi vậy, khi chủ tế đọc lời khẩn cầu (epiclesis) chính là lúc Chúa Thánh Thần thực hiện sự biến đổi kỳ lạ này:
“Chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hoá những của lễ này, để trở nên cho chúng con, Mình và Máu Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể II).
Sau đó, chủ tế mới đọc: “Này là Mình Thầy… Này là chén Máu Thầy… sẽ đổ ra cho các con…”
Như thế, qua linh mục, Chúa Thánh Thần dùng quyền năng thần linh của Người biến đổi bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô.

2. Sự hiện diện đích thực

Câu hỏi thứ hai mà chúng ta thường thắc mắc là Chúa Giêsu có hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể không? Đây cũng là “hòn đá vấp chân cho nhiều người.” Đối với những người Tin Lành và Anh Giáo, họ chỉ tin và cử thành thánh lễ như là sự tưởng nhớ; bánh và rượu chỉ là biểu tượng về sự hiện diện thiêng liêng của Chúa; họ không tin rằng Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Thánh Thể.
Đối người Công Giáo, di sản quý báu nhất mà Giáo Hội có được chính là niềm tin vào bí tích Thánh Thể. Theo đó, chúng ta xác tín và tuyên xưng rằng:
“Trong bí tích Thánh Thể cực trọng, sự hiện diện Mình và Máu, cùng với linh hồn và thần tính, của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và vì vậy, Đức Kitô được ẩn chứa cách đúng đắn, chân thật và bản thể” (Giáo Lý, số 1374).
Thế nên, Chúa Giêsu thực sự hiện diện dưới hình bánh rượu, dầu giác quan con người không thấy. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng hiện tại hóa hy tế thập giá xưa của Chúa Giêsu trong mỗi thánh lễ được cử hành. Nên mỗi thánh lễ là một phép lạ đang diễn ra trước mắt chúng ta. Thánh Thể quả là “mầu nhiệm Đức Tin”; Thánh Thể là nhiệm tích vô cùng cao quý!
Bởi thế, để đến với Thánh Thể, chúng ta cần có đức tin. Nhờ cặp mắt đức tin, chúng ta tin nhận rằng Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Thánh Thể, Người ban Thịt và Máu Mình làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta.
Về điều này, trong lịch sử Giáo Hội, có nhiều phép lạ Thánh Thể xảy ra để củng cố niềm tin cho chúng ta. Ở Lanciano, nước Italia, vào thế kỷ thứ VIII, có một linh mục, thuộc Dòng thánh Basiliô, rất giỏi về khoa học, nhưng lại yếu đức tin, ngài thường nghi ngờ sự hiện diện của Chúa Giêsu trong thánh lễ. Một ngày nọ ngài đi hành hương ở Rôma. Trên đường về, ngài dâng lễ tại một nhà Dòng, sau khi truyền phép, một phép lạ xảy ra ngay tại bàn thờ, bánh trở thành thịt và rượu trở thành máu thật Chúa Giêsu. Ngày nay, người ta còn lưu giữ dấu tích cục máu đông tại Lanciano, được các nhà khoa học kiểm chứng thuộc nhóm máu AB như là bảo chứng của niềm tin vào Thánh Thể.

3. Chuẩn bị xứng đáng để rước lễ

Chúa Giêsu không chỉ mời gọi chúng ta đến nhà thờ để tham dự thánh lễ nhưng Người còn mời gọi chúng ta chuẩn bị xứng đáng để rước lễ.
Liên quan đến vấn đề này, trong văn kiện Bữa Tiệc Thánh, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói đến ba hạng người lên rước lễ:

1) Hạng người thứ nhất lên rước lễ chỉ vì phong trào, họ sợ người ta nghĩ mình không đạo đức hay thấy người khác lên, mình cũng lên, nhưng họ không có lòng yêu mến Thánh Thể. Họ rước lễ cách bất xứng.
2) Hạng người thứ hai là những người đang mắc tội trọng, nhưng đã đánh mất cảm thức về tội, không xưng tội, nhưng vẫn lên rước Mình Thánh Chúa. Họ rước lễ cách bất xứng và thêm tội phạm thánh. Giáo Hội dạy phải xưng tội trọng trước khi lên rước lễ.
3) Hạng người thứ ba lên rước lễ với tâm hồn sạch tội và yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Họ đón nhận được muôn vàn phúc lành đến từ Thánh Thể.

Chúng ta thuộc hạng người nào trong ba hạng người trên? Tôi không có quyền xét đoán và xếp loại ai, nhưng tôi để cho mỗi người xét mình và tự trả lời.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin ban cho chúng con lòng yêu mến Chúa và siêng năng tham dự thánh lễ, rước Mình Máu Chúa cách xứng đáng; đồng thời, xin giúp chúng con luôn ý thức rằng bí tích Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh” của đời sống Giáo Hội và mỗi người chúng con. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Thánh Thể, Nguồn sức mạnh cho chúng ta
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
06:21 06/08/2024
CHÚA NHẬT XIX MÙA THƯỜNG NIÊN
1 V 19,4-8; Ep 4,30-5,2; Ga 6,41-51
THÁNH THỂ, NGUỒN SỨC MẠNH CHO CHÚNG TA

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần trải qua kinh nghiệm về mỏi mệt, thất vọng và chán đời vì một lý do nào đó xảy ra trong cuộc sống mình, như thất nghiệp, thất tình, thất bại trong làm ăn, hay vì xung khắc với ai đó. Những lúc như thế, chúng ta muốn bỏ cuộc, đầu hàng và đôi khi không còn muốn sống nữa. Kinh nghiệm đó được Lời Chúa hôm nay đề cập đến, đồng thời giúp chúng ta tìm thấy sức mạnh, động lực mới đề tiếp tục sống qua nhân vật Êlia và Chúa Giêsu hôm nay.

1. Nỗi thất vọng của Êlia

Tiên tri Êlia, trong bài đọc I, cũng đã rơi vào tình cảnh thất vọng, chán đời. Ông được Chúa sai đi làm tiên tri, ông mạnh mẽ lên án tội thờ ngẫu tượng của hoàng hậu Ideven. Ông đã mạnh tay giết chết các sư sãi, nên ông bị truy nã gắt gao. Ông phải chạy trốn vào sa mạc đầy khó khăn và bất trắc, ông chán nãn và kêu trách Thiên Chúa: “Lạy Chúa, đủ rồi, xin Chúa hãy lấy mạng con đi.” Ông cảm thấy quá mệt nên thiếp đi và Thiên Chúa sai một thiên thần đến đụng vào ông và nói: “Dậy mà ăn.” Ông tỉnh dậy, thấy một chiếc bánh và một hũ nước. Sau khi ăn xong, ông thấy vẫn còn mệt, ông lại thiếp đi, thiên sứ đụng vào ông lần nữa và nói: “Dậy mà ăn vì ngươi còn phải đi đường xa” (1 V 19,4-8). Ăn xong ông được bổ sức và ông đi 40 đêm ngày tới núi Khôrép, Núi Thánh của Thiên Chúa.
Quả thế, hình ảnh tiên tri Êlia là hình ảnh thân phận làm người của chúng ta. Hành trình của Êlia cũng là hành trình của mỗi người Kitô hữu trên trần thế. Cuộc đời này có bao nhiêu nước mắt, đau khổ, khó khăn, thử thách, nhiều lúc làm cho chúng ta phải chán nản, thất vọng và muốn bỏ cuộc.
Tuy nhiên, Thiên Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm và đừng buông xuôi bỏ cuộc! Bởi vì, Thiên Chúa vẫn luôn ở bên chúng ta. Những ai tin vào Người thì không bao giờ cô đơn trong giây phút khó khăn thử thách (x. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI). Thiên Chúa không để chúng ta phải chịu khốn khó một mình trong những lúc gian truân thử thách.

2. Quà tặng và sức mạnh Thánh Thể

Nếu Êlia là hình ảnh cuộc đời của mỗi người chúng ta, thì “bánh và nước” mà thiên sứ mang đến cho ông là hình ảnh về bí tích Thánh Thể. Trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu nói rằng:
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51).
Khi Chúa Giêsu nói rằng: “Tôi là Bánh từ trời xuống,” rồi Người thêm: “Bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống.” Mạc khải này đã tạo nên một cú sốc mạnh đối với người Do Thái. Bởi vì, họ biết rõ Chúa Giêsu là ai, là con ông Giuse và bà Maria. Và đối với họ, ăn thịt và uống máu là điều ô uế. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không ngần ngại mạc khải điều đó. Thánh Gioan đã tinh tế ghi lại mạc khải này để nói về căn tính của Chúa Giêsu, Người không chỉ là một người bình thường mà chính là Con Thiên Chúa. Người được Chúa Cha sai Người xuống trần gian làm Đấng Cứu Độ của nhân loại. Chỉ mình Người mới có thể mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa là Cha. Và ai tin vào Người thì có sự sống đời đời.
Như thế, Chúa Giêsu tự giới thiệu mình là Bánh bởi trời, là món quà quý giá nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Thần học gia người Đức, Karl Rahner, trong cuốn sách của ông (Corso fondamentale sulla fede), nói rằng: “Nơi Thiên Chúa, Người tặng và Quà tặng thì giống nhau. Thiên Chúa không ban một cái gì, một vật gì, mà ban chính mình cho chúng ta. Chính nhờ quà tặng là chính Thiên Chúa, chúng ta mới có thể đón nhận sự sống của Thiên Chúa trong chúng ta.”
Quả thế, nơi bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa thông ban chính mình và sự sống của Ba Ngôi cho chúng ta. Bởi lẽ, nơi Thánh Thể không chỉ có sự hiện diện của Chúa Kitô, nhưng còn có sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa. Ba Ngôi hiện diện ở đó, bởi vì Ba Ngôi kết hiệp mật thiết và khăng khít với nhau luôn mãi. Sự hiệp nhất bản thể đó làm cho Ba Ngôi trở nên một với nhau. Nếu chúng ta đón nhận Thánh Thể, chúng ta sẽ được kết hợp với đời sống của Ba Ngôi. Chính vì thế, Chúa Giêsu nói: “Ai ăn bánh này thì được sống đời đời,” sự sống Thiên Chúa. Đó là mầu nhiệm đức tin, mầu nhiệm đưa chúng ta vào trong sự vĩnh cửu và vô biên của Thiên Chúa.

3. Cùng dâng lễ

Trong ý nghĩa đó, Giáo Hội đã ý thức rằng Thánh Thể là trung tâm điểm và là nguồn sống của đời sống Kitô hữu (Công Đồng Vaticanô II). Bởi thế, ngày Chúa Nhật là phải ngày cao điểm trong tuần sống của người Kitô hữu. Chúng ta được mời gọi đến nhà thờ, tham dự thánh lễ và hiệp lễ. Vì bí tích Thánh Thể là quà tặng vô giá mà Chúa ban cho chúng ta trên hành trình dương thế này. Mỗi ngày, nhất là mỗi Chúa Nhật, chúng ta hãy đến với Thánh Thể, là nguồn mạch sức mạnh cho chúng ta. Khi đến nhà thờ, chúng ta hãy mang tất cả những cố gắng, khó nhọc, niềm vui, nỗi buồn trong một tuần sống và dâng lên cho Chúa, cùng với bánh rượu tượng trưng cho lao công con người, để trở thành nguồn ơn cứu độ cho thế giới và cho mỗi chúng ta.

Nếu đến với Chúa với ý thức và tinh thần đó, chúng ta sẽ đón nhận được nhiều phúc lành và sự nâng đỡ lớn lao từ bí tích Thánh Thể như Chúa đã hứa với chúng ta. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Kéo xuống lòng thương xót
Lm. Minh Anh
14:29 06/08/2024
KÉO XUỐNG LÒNG THƯƠNG XÓT
“Này bà, lòng tin của bà mạnh thật!”.

“Khiêm nhượng là tĩnh lặng hoàn hảo của con tim; là ngôi nhà phước huệ, nơi tôi có thể đi vào, đóng cửa và quỳ lạy Cha tôi. Linh hồn tôi bình an như biển sâu êm đềm khi bên trên là bão tố; ở đó, khiêm nhượng sẽ kéo xuống lòng thương xót!” - Andrew Murray.

Kính thưa Anh Chị em,

Nơi “ngôi nhà phước huệ Giêsu”, người mẹ khốn khổ của Tin Mừng hôm nay “đã đi vào, đóng cửa và quỳ lạy”. Phép lạ đã xảy ra! Tâm hồn cô “như biển sâu êm đềm khi bên trên là bão tố”. Vì lẽ, lòng khiêm nhượng và niềm tin của cô đã ‘kéo xuống lòng thương xót!’.

“Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con!”. Có thực Chúa Giêsu ngụ ý việc cứu giúp người mẹ này tựa hồ việc ném thức ăn cho những con vật? Nhìn bên ngoài, có thể ‘có’; nhưng tận thâm tâm, Chúa Giêsu không nghĩ như thế. Chẳng có gì xúc phạm ở đây! Điều Ngài nói là sự thật và không thô lậu dưới bất cứ hình thức nào. Về căn bản, Ngài muốn nói, cô không xứng đáng với ân huệ này. Dẫu đây là một cách nói gây sốc, nhưng bằng cách này - lần đầu tiên - Chúa Giêsu cho biết một sự thật về tình trạng tội lỗi và bất xứng của bất cứ ai trước bất cứ ân huệ nào của Thiên Chúa. Và người phụ nữ này, đại diện cho cả nhân loại, xác nhận sự thật về sự bất xứng này!

Thứ hai, câu trả lời ‘muối mặt’ của Chúa Giêsu cho phép người phụ nữ này phản ứng với sự khiêm tốn và niềm tin đến mức tột đỉnh. Nó thể hiện ở chỗ, cô không phủ nhận việc mình ‘được’ sánh với một con vật dưới gầm bàn; thay vào đó, cô khiêm tốn chỉ ra rằng, cả những cún con cũng được phép nhặt những đồ thừa. Ôi khiêm nhường! Và Chúa Giêsu hẳn đã biết sự khiêm nhượng của cô lớn như thế nào, nó sẽ toả sáng làm sao cùng với niềm tin cô bày tỏ. Cô không bị xúc phạm bởi sự thật về sự bất xứng của mình nhưng cô đón nhận nó và tìm kiếm lòng thương xót Chúa bất chấp mọi sự.

Khiêm nhường có khả năng giải phóng đức tin, đức tin có khả năng giải phóng lòng thương xót và - hơn thế nữa - mở ra quyền năng của Thiên Chúa. Bài đọc Giêrêmia cho thấy điều tương tự. Chính đức tin và lòng khiêm nhượng của dân Chúa đã khiến họ nhìn nhận sự bất trung của mình; họ kêu cầu Ngài, và Ngài xót thương, “Ta vẫn dành cho ngươi lòng thương xót!”. Họ đã cảm nhận lòng nhân ái của Ngài, “Chúa canh giữ chúng ta như mục tử canh giữ đàn chiên!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Này bà, lòng tin của bà mạnh thật!”. Mỗi người chúng ta đều có câu chuyện của riêng mình và không phải lúc nào cũng là một câu chuyện “có thể xuất bản”, không phải lúc nào cũng là một câu chuyện trong sạch… Nhiều lần đó là một câu chuyện khó khăn với nhiều khổ đau, nhiều bất hạnh và nhiều tội lỗi. Tôi phải làm gì với câu chuyện của mình? Giấu nó? Không! Tôi phải mang nó đến trước Chúa Giêsu, “Lạy Chúa, xin dủ lòng thương con!”. Đây là điều mà người mẹ tuyệt vời này dạy chúng ta! Hãy can đảm mang câu chuyện đau thương của riêng mình đến trước Chúa Giêsu - dẫu luôn luôn có những điều xấu xí trong đó - chạm đến sự dịu dàng của Ngài. Hãy khiêm nhượng và tin tưởng, bạn và tôi cũng sẽ ‘kéo xuống lòng thương xót’ Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con can đảm đi vào ngôi nhà phước huệ Giêsu mỗi ngày, đóng cửa và quỳ lạy, để tâm hồn con rồi sẽ bình an như biển sâu êm đềm khi bên trên là bão tố!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Canh tân đời sống đức tin _ Gx Tụy Hiền - Hà Nội
BTTGx. Tụy Hiền
00:18 06/08/2024
47 BAN VÀ HỘI ĐOÀN VẠN THẮNG - TUỴ HIỀN TGP. HÀ NỘI CANH TÂN ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN

Xem Hình

Với chủ đề năm 2024 của Tổng giáo phận Hà Nội là: “Canh tân đời sống đức tin các hội đoàn”. Cha xứ Antôn Nguyễn Văn Độ đã mời Cha Giuse Đặng Đình Thà Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà về từ 01/7 đến ngày 16/7/2024, giúp các hội đoàn và các ban học hỏi về bổn phận, trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi thành viên thuộc hội, ban trong Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là giáo xứ.

Cao điểm là Chúa nhật, ngày 04/8/2024. Đại diện của 47 hội, ban thuộc 2 xứ Vạn Thắng và Tuỵ Hiền qui tụ về nhà thờ Tuỵ Hiền chia sẻ đời sống đức tin của các hội đoàn và ban, hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn vì hồng ân Đức tin và xin ơn canh tân đức tin, cung nghinh Thánh Thể Chúa.

Đúng 16h30, Cha xứ làm Dấu, xướng Kinh Chúa Thánh Thần. Thầy MC nói lên ý nghĩa của cuộc tập họp hôm nay. Tiếp đến, thầy MC giới thiệu đại diện các Ban-Hội đoàn nam và nữ tường trình về hoạt động của các Hội đoàn. Trong phần tường trình, đại diện của các Hội đoàn đã trình bày về những điều mà Hội đoàn đã làm được, cũng như nêu lên những khó khăn, thử thách về đời sống đức tin của Hội đoàn mình, đồng thời đưa ra những định hướng trong thời gian sắp tới.

Ông Giuse Hoàng Văn Bắc đại diện các hội đoàn nam Tuỵ Hiền tường trình:

Kính thưa quý Cha Xứ

Kính thưa quý thầy, quý sơ

Kính thưa các Ông- Bà trong Hội đoàn nhà xứ

Kính thưa cộng đoàn dân Chúa

Năm 2024 là năm Canh tân đời sống đức tin hội đoàn. Thay mặt cho các hội đoàn nam của Giáo Xứ tôi xin báo cáo như sau:

• Những việc mà Hội Nam đã làm được:

+ Hội đã duy trì số lượng nam vào hội đạt 97%, duy trì được đóng góp quỹ xây dựng hội đầy đủ- Ngày Lễ Quan Thầy của hội các ông và anh em về dự lễ đầy đủ.

+ Thực hiện sự đoàn kết thống nhất trong hội.

+ Duy trì tình nghĩa trong hội ốm đau hội sẽ đi thăm hỏi và khi có người qua đời hội sẽ đi viếng, đọc kinh.

• Những việc Chưa làm được

+ Trong đời sống đức tin của một ít các ông và anh em còn yếu chưa duy trì việc đi Lễ thường xuyên và tỷ lệ đi Lễ còn ít người bao gồm cả lễ Chúa Nhật.

• Phương hướng trong thời gian tới

+ Hội tiếp tục duy trì quân số và chuyển lên các hội khác để có thể phát triển quân số đông hơn.

+ Duy trì đóng góp quỹ hội đầy đủ, tiếp tục các hoạt động sinh hoạt Hội thực hiện sự đoàn kết thống nhất cao trong hội.

+ Thể hiện tình cảm ốm thăm, chết viếng và đọc kinh cầu nguyện cho nhau.

+ Xin đề nghị với anh em và các ông trong hội. Phải củng cố được đức tin trong đời sống bằng việc đến nhà thừ đi Lễ thường xuyên đặc biệt các ngày Lễ trọng, Lễ buộc, Lễ Chúa Nhật.

Thông qua báo cáo này Kính xin Quý Cha, Quý Thầy, Quý Sơ, Quý cộng đoàn năng cầu nguyện cho hội đoàn nam để qua đó hội đoàn nam trực thuộc giáo xứ Tụy Hiền có một đức tin kiên trung, bền vững qua đó có thể mang Chúa đến cho mọi người. Một lần nữa thay mặt cho hội đoàn nam xin cảm ơn Quý Cha, Quý Thầy, Quý Sơ, Quý cộng đoàn về dự lễ và lắng nghe báo cáo của hội đoàn.

Bà Maria Hoàng Thị Tuyến đại diện các hội đoàn nữ Tuỵ Hiền tường trình:

Kính thưa quý Cha Xứ

Kính thưa quý thầy, quý sơ

Kính thưa các Ông- Bà trong Hội đoàn nhà xứ

Kính thưa cộng đoàn dân Chúa

Hôm nay con thay mặt cho hội đoàn nữ trong giáo xứ trình bày về báo cáo của hội đoàn trong năm canh tân đời sống đức tin các ban – hội đoàn.

• Những việc mà hội đoàn nữ đã làm được

+ Nhiều người trong hội đã tham gia thậm chí 2 hội, Legio, cả ca đoàn để sinh hoạt và phục vụ Thánh lễ, tham gia vào công việc dọn dẹp nhà xứ giữ gìn vệ sinh chung.

+ Tham gia các chương trình hoan ca văn nghệ mừng Chúa giáng sinh, tham gia các việc đạo đức bình dân như rước kiệu Đức Mẹ, vận động các chị em tham gia dâng hoa trong tháng hoa mân côi.

+ Đọc kinh cho những người mới qua đời, thăm hỏi những người đau ốm.

• Những việc mà hội đoàn nữ chưa làm được

+ Không tham dự kỳ thi giáo lý

+ Nhiều chị em không tham gia dâng hoa kính Đức Mẹ

+ Chị em còn lười trong công việc chung

• Phương hướng trong thời gian tới

+ Canh tân lại đời sống đức tin của các hội viên

+ Giữ vững đức tin bằng việc đi nhà thờ, tham dự thánh lễ, làm việc đạo đức bình dân

Hội đoàn chúng con vẫn còn yếu kém kính xin Cha cùng quý thầy, quý sơ cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa thay lời cầu nguyện cho chúng con. Chúng con xin chân thành cảm ơn.

Ông Giuse Nguyễn Văn Thiện đại diện hội đoàn năm Vạn Thắng trình bày:

Kính thưa Quý Cha Xứ

Kính thưa quý thầy, quý sơ

Kính thưa các Ông- Bà trong Hội đoàn nhà xứ

Kính thưa cộng đoàn dân Chúa

Hôm nay con thay mặt cho hội đoàn nam trong giáo xứ trình bày về báo cáo của hội đoàn trong năm canh tân đời sống đức tin các ban – hội đoàn

Giáo xứ chúng con có ba hội đoàn nam bao gồm:

1, Hội ông Thánh Giuse

2, Hội ông Thánh Antôn

3, Hội ông Thánh Phaolô

4, Ban Hát

5, Giới trẻ

6, Thiếu nhi

Trước kia mới thành lập hội, đời sống đức tin của chúng con còn tồn tại rất nhiều khó khăn, vẫn còn khô khan, thường hay bỏ đọc kinh tối sáng ngày thường. Bỏ lễ Chúa Nhật, bỏ làm tuần nhưng kể từ khi có Cha xứ, Cha phó về chia sẻ lời Chúa cho chúng con mỗi ngày chúng con được thăng tiến hơn. Chúng con đã chịu khó siêng năng đi nhà thờ mỗi ngày trong năm canh tân đổi mới các hội đoàn được sốt sắng hơn. Đức tin trong chúng con được canh tân đổi mới, mỗi ngày, được một thăng tiến hơn, chũng con cũng hay động viên nhau học hỏi lời Chúa mỗi ngày. Chúng con nguyện cố gắng xây dựng giáo xứ và các hội đoàn, mỗi ngày một thăng tiến hơn.

Cuối cùng con thay mặt đội đoàn nam xin cảm tạ Cha xứ và Cha phó, Quý Thầy, Quý Sơ được vạn sự bình an trong Chúa Kitô. Con xin chân thành cảm ơn.

Bà Maria Phạm Thị Sen đại diện các hội đoàn nữ Vạn Thắng trình bày:

Kính thưa Quý Cha Xứ

Kính thưa quý thầy, quý sơ

Kính thưa các Ông- Bà trong Hội đoàn nhà xứ

Kính thưa cộng đoàn dân Chúa

Hôm nay con thay mặt cho hội đoàn nữ trong giáo xứ trình bày về báo cáo của hội đoàn trong năm canh tân đời sống đức tin các ban – hội đoàn

Giáo xứ chúng con có sáu hội đoàn nữ là:

1, Hội bà Thánh Anna 2, Hội mân côi

3, Hội vô nhiễm 4, Hiệp Hội Dòng mến Thánh Giá Tại Thế

5, Hội La Vang 6, Hội Nữ Vương 7, Legio Mariae

Trước Kia mới thành lập hội, đời sống đức tin của chúng con còn non yếu, khô khan, thường hay bỏ đọc kinh tối sáng ngày thường, bỏ các ngày lễ Chúa Nhật, bỏ làm tuần. Nhưng kể từ khi có Cha xứ, Cha phó về chia sẻ lời Chúa cho chúng con mỗi ngày chúng con được thăng tiến hơn, chịu khó đi lễ đi nhà thờ mỗi ngày để học hỏi Lời Chúa. Chúng con nguyện cố gắng xây dựng giáo xứ và các hội đoàn mỗi ngày được thăng tiến hơn.

Cuối cùng con thay mặt đội đoàn nữ xin cảm tạ Cha xứ và Cha phó, Quý Thầy, Quý Sơ được vạn sự bình an trong Chúa Kitô. Con xin chân thành cảm ơn.

Bà Anna Trần Thị Ngoan thay mặt các hội đoàn nữ Đông Mỹ tường trình:

Kính thưa Quý Cha Xứ

Kính thưa quý thầy, quý sơ

Kính thưa các Ông- Bà trong Hội đoàn nhà xứ

Kính thưa cộng đoàn dân Chúa

Hôm nay con thay mặt cho hội đoàn nữ trong giáo họ trình bày về báo cáo của hội đoàn trong năm canh tân đời sống đức tin các ban – hội đoàn

Con xin được đại diện cho sáu hội đoàn của giáo họ Đông Mỹ trình bày:

• Những việc mà hội đoàn nữ đã làm được

+ Đi lễ, đọc kinh, cầu nguyện và làm việc tông đồ

+ Động viên các con em đi nhà thờ, tham dự thánh lễ

+ Thăm hỏi người già yếu, ốm đau, bệnh tật, đọc kinh cho người qua đời

• Những việc mà hội đoàn nữ chưa làm được

+ Một số chị em bỏ lễ, không tham gia những công việc chung, và còn nhút nhát khi làm việc tông đồ

• Phương hướng trong thời gian tới

+ Quyết tâm đến với Chúa nhiều hơn

+ Giúp các hội viên cải thiện đồng thời thăng tiến về đời sống đức tin

Hội đoàn chúng con vẫn còn yếu kém kính xin Cha cùng quý thầy, quý sơ cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa thay lời cầu nguyện cho chúng con. Chúng con xin chân thành cảm ơn.

Ông Gioan Hoàng Văn Đức tổng kết:

Trọng kính Cha xứ,

Con xin phép được thay mặt cho các thành viên của 47 hội đoàn và ban trong hai xứ Vạn Thắng và Tuỵ Hiền cám ơn Cha.

Năm năm gần đây, hai giáo xứ chúng con có thêm xứ đoàn Piô 10, giới trẻ Đam Minh, giới trẻ Gioan Phaolô II, 5 gia đình Legio Mariae, hai Hiệp Hội Mền Thánh Giá tại thế Đông Mỹ và Vạn Thắng, 1 ban kèn Micae, nâng tổng số hội vốn có lên 47 hội đoàn và ban.

Sinh hoạt hội từ trước tời giờ vẫn gói gọn đến ngày lễ quan thầy chúng con xưng tội, mừng lễ, liên hoan. Mấy năm nay, Cha xứ An-tôn vạch ra cho chúng con, không thuần tuý như thế mà hội đoàn Hội Thánh Công Giáo phải giúp nhau nên thánh. Cha đề ra cho chúng con giờ kinh liên đới trong hội, làm tuần hội, phục vũ Thánh lễ theo phiên, làm việc bác ái và nhắm tới truyền giáo.

Thực tế chúng con chưa làm được là bao. Hội đoàn chúng con vẫn chưa chuyên chăm học giáo lý, tham gia làm việc tông đồ truyền giáo rất khiêm tốn, góp phần mình xây dựng giáo họ và giáo xứ còn rất hạn chế. Nếu nói đến số hội thì 2 giáo xứ có đến 47 hội, ban thì phải mạnh lắm. Nhưng thực tế lại không được như mong muốn. Nhiều hội viên, cứ xưng tội xong lại bỏ lễ Chúa nhật. Đó là hiện tình hội đoàn 2 giáo xứ chúng con, con xin kính trình Cha.

17 giờ 00: Cuộc Rước Cung Nghinh Các Thánh Các Hội Đoàn Và Ban, sau cùng có kiệu Đức Mẹ Fatima. Ý muốn Mẹ là Ngôi Sao Sáng và là Nữ Vương Các Thánh Nam cùng Các Thánh Nữ ráo bước với niêm hân hoan tiến vào Thánh đường.

Trong bài giảng, cha Antôn chia sẻ về tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể trong đời sống đức tin của người tín hữu. Trong đời sống, chúng ta bận tâm vào quá nhiều thứ, nhưng Chúa mới là bận tâm đích thực và cần thiết cho đời sống của chúng ta. Kết thúc bài chia sẻ, cha xứ Antôn nhắn nhủ: Ước mong với ơn Chúa, mỗi người trong giáo xứ biết sống đạo, giữ đạo để đời sống đức tin của cộng đoàn giáo miền Tuỵ Hiền – Vạn Thắng mỗi ngày thêm thăng tiến và trổ sinh nhiều hoa trái.

Cung nghinh Thánh Thể Chúa: Sau Thánh lễ cộng đoàn dân Chúa long trọng cung nghinh Thánh Thể xung quanh khuôn viên nhà thờ. Điểm dừng tại Đền Thánh Hưởng, suy niệm, cầu nguyện, kính múc lấy ơn Chúa. Nhà thờ là chặng đầu và cũng là cuối để dân chúng hát Bài Tạ Ơn.

Ước mong, ngày đại hội giúp mỗi thành viên trong các Ban-Hội đoàn luôn thăng tiến trong đời sống đức tin, sống liên đới, hiệp nhất và nên thánh, để từ đó, cùng nhau làm chứng cho Chúa Kitô và loan báo Tin Mừng.
 
VietCatholic TV
Kyiv thắng lớn: Cú tấn công phi trường thành công nhất đến nay. Iran sôi sục: Căn cứ Mỹ bị tấn công
VietCatholic Media
03:13 06/08/2024


1. Ukraine đang vượt qua 'ranh giới đỏ' khác của Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Is Crossing Another Russian 'Red Line'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các blogger quân sự Nga đang hạ thấp mối đe dọa mà các máy bay F-16 được giao cho Ukraine gây ra cho lực lượng Mạc Tư Khoa, trái ngược với những lo ngại trước đó của những tiếng nói ủng hộ cuộc xâm lược rằng, đối với Điện Cẩm Linh, “ranh giới đỏ” sẽ bị vượt qua nếu F-16 được giao cho Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm Chúa Nhật cho biết những chiếc F-16 được chờ đợi từ lâu đã được nhận, đồng thời ông cảm ơn Đan Mạch, Hòa Lan và Mỹ.

Theo The Economist, Kyiv cho đến nay đã nhận được 10 trong số 79 máy bay phản lực, lưu ý rằng các phi công Ukraine có thể bay nhiều gấp đôi số lượng đó vào cuối năm nay.

Tháng 7, năm ngoái 2023, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo rằng Mạc Tư Khoa sẽ coi việc cung cấp F-16 cho Ukraine là “mối đe dọa từ phương Tây trong lĩnh vực hạt nhân” vì khả năng mang vũ khí hạt nhân của máy bay phản lực này. Ông nhắc lại cảnh báo rằng khi cung cấp vũ khí cho Ukraine, các đồng minh NATO có nguy cơ bước vào “tình huống đối đầu vũ trang trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân”.

Vladimir Solovyov, tuyên truyền viên trên TV của Điện Cẩm Linh, làm rõ hơn lời đe dọa của Sergey Lavrov: “Ngày F-16 đáp xuống Ukraine, thế chiến thứ ba nổ ra ngay lập tức và phản ứng hạt nhân là không thể tránh khỏi.”

Bây giờ thì sao? F-16 đã đáp xuống Ukraine, và Tổng thống Zelenskiy đã trao nhiệm vụ cho phi đội F-16 tân lập.

Putin ra lệnh di tản các chiến đấu cơ khỏi bán đảo Crimea trong khi các blogger Nga đã đua nhau đánh giá thấp tác động của máy bay phản lực Lockhead Martin, vốn có thể mang bom, rocket và hỏa tiễn, trên chiến trường.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, cho biết lập trường này của những người ủng hộ chiến tranh ủng hộ Điện Cẩm Linh, những người đóng vai trò quan trọng trong cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa, cho thấy Nga tiếp tục lùi dần các “ranh giới đỏ” hay trên thực tế chả có cái “ranh giới đỏ”.

Trong bản cập nhật hôm Chúa Nhật, tổ chức nghiên cứu Washington DC than phiền rằng các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ thường dễ dàng bị thao túng khi các nhà bình luận và quan chức Nga liên tục cảnh báo rằng việc cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine sẽ vi phạm ranh giới đỏ, có thể buộc Nga phải đáp trả leo thang.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin, các đồng minh của Ukraine, dẫn đầu là Mỹ, đã điều chỉnh hỗ trợ quân sự của họ để tránh leo thang xung đột.

Tờ Kyiv Post đưa tin, năm ngoái, Nga đã đưa ra 15 tuyên bố chính thức về “ranh giới đỏ”, so với 24 tuyên bố mà nước này đưa ra trong năm đầu tiên xâm lược. Putin đã nói rằng mối đe dọa hành động hạt nhân có thể xảy ra nếu ranh giới đỏ của mối đe dọa sống còn đối với nhà nước bị vượt qua, mặc dù điều này chưa được xác định rõ ràng.

Vũ khí của Mỹ tại Kyiv đã chuyển đổi từ hỏa tiễn Javelin và Stinger đến hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, và pháo phản lực M777. Cảnh báo của Mạc Tư Khoa vào tháng 9 năm 2023 về việc Mỹ cung cấp hỏa tiễn ATACMS tầm xa đã bị Mạc Tư Khoa phớt lờ vào tháng sau đó.

Tháng 11 năm 2022, cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo về ngày tận thế nếu phương Tây cung cấp hệ thống hỏa tiễn Patriot, nhưng Patriot đã đến Ukraine. Có gì xảy ra không? Không.

Mạc Tư Khoa cũng cảnh báo không có hỏa tiễn nào do phương Tây sản xuất có thể bắn vào Nga. Nhưng các cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine vào tháng 12/2023 đã giết chết ít nhất 21 người ở vùng Belgorod của Nga.

Những trường hợp này nằm trong số những trường hợp mà ISW cho biết hôm Chúa Nhật cho thấy Mạc Tư Khoa đã “liên tục chứng minh” rằng việc đề cập đến các ranh giới đỏ “là một kỹ thuật kiểm soát phản xạ nhằm buộc phương Tây phải tự răn đe không cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine”.

ISW cho biết Kyiv và các đồng minh của họ đã vượt qua các ranh giới đỏ do Nga tự xác định mà không có phản ứng đáng kể nào từ phía Nga.

Hôm Chúa Nhật 17 Tháng Mười Hai, 2023, tại Diễn Đàn An Ninh Thế giới, Tướng Ben Hodges đã đưa ra nhận định sau:

“Khi chúng ta viện trợ cho Ukraine, Nga thường xuyên đề cập đến những lằn ranh đỏ kích hoạt vũ khí hạt nhân. Nhưng trong thực tế, chẳng có điều gì sẽ xảy ra, vì họ lo ngại chúng ta.”

“Chúng ta tiếp tục tự hù dọa chính mình. Nga biết rằng tất cả những gì họ phải làm là đề cập đến hạt nhân mỗi tuần một lần hoặc nhiều hơn, và điều đó khiến chúng ta dừng lại. Chúng ta đang bị tống tiền. Và tôi nghĩ đây là một tiền lệ khủng khiếp cho tương lai.”

2. Kyiv cho biết máy bay Su-34 của Nga bị phá hủy trong cuộc tấn công của Ukraine vào phi trường Morozovsk

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Hai, 05 Tháng Tám, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết quân đội Ukraine đã phá hủy một chiến đấu cơ ném bom Su-34 của Nga và một chứa bom lượn tại phi trường Morozovsk ở tỉnh Rostov của Nga vào ngày 3 Tháng Tám. Đại Úy Yusov cho biết như trên trích dẫn các hình ảnh vệ tinh làm bằng chứng.

Trước đó, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine xác nhận vụ tấn công vào phi trường Nga, và nói rằng một kho đạn chứa bom lượn đã bị tấn công.

Ông cho biết hai máy bay Su-34 khác của Nga có thể đã bị hư hại do các mảnh vỡ.

Đại Úy Yusov nhấn mạnh rằng cuộc tấn công đã phá hủy hoàn toàn một kho vũ khí hàng không của Nga. Các bức ảnh vệ tinh được công bố cho thấy các miệng hố do vụ nổ gây ra trên lãnh thổ của phi trường, nằm cách tiền tuyến 265 km.

Đại Úy Yusov cho biết thêm 4 tòa nhà kỹ thuật và 2 nhà chứa máy bay cũng bị hư hại.

Căn cứ không quân Morozovsk trước đây từng là mục tiêu của Ukraine. Một nguồn tin tình báo nói với tờ Kyiv Independent hồi tháng 4 rằng 6 chiến đấu cơ đồn trú tại phi trường đã bị phá hủy trong một cuộc tấn công của Ukraine.

Quân đội Ukraine cho biết, cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Ukraine hôm 2 Tháng Tám đã đánh chìm tàu ngầm lớp Kilo của Hạm đội Hắc Hải của Nga và làm hư hỏng hệ thống phòng không S-400 ở Crimea.

3. Lính Mỹ bị thương trong cuộc tấn công ở Iraq khi căng thẳng trong khu vực gia tăng

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “US troops injured in attack in Iraq as tensions in region increase”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết một số binh sĩ Mỹ đã bị thương trong một vụ tấn công hôm Thứ Hai, 05 Tháng Tám. Vụ tấn công bị nghi ngờ bằng hỏa tiễn đã nhằm vào căn cứ không quân Al-Asad ở Iraq, nơi có quân đội Mỹ và liên quân đồn trú.

Cuộc tấn công xảy ra trong bối cảnh Israel và Mỹ đang chuyển lực lượng trong khu vực trong khi chờ đợi một cuộc tấn công dự kiến của Iran nhằm vào Israel, mà các quan chức Mỹ cho rằng cũng có thể nhắm vào các căn cứ và tài sản của Mỹ trong khu vực.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Thiếu Tướng Pat Ryder, cho biết: “Chúng tôi có thể xác nhận rằng hôm nay đã xảy ra một vụ tấn công bằng hỏa tiễn nhằm vào lực lượng Mỹ và liên minh tại căn cứ không quân Al-Asad, Iraq”. “Dấu hiệu ban đầu cho thấy một số binh sĩ Mỹ đã bị thương.” Việc đánh giá thiệt hại đang được tiến hành.

Al-Asad đã bị tấn công nhiều lần từ lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn trong năm qua. Từ tháng 10 đến tháng Giêng, quân đội Mỹ và liên quân đã hứng chịu hơn 150 cuộc tấn công, đỉnh điểm là cuộc tấn công hồi Tháng Giêng vào một tiền đồn của Mỹ ở Jordan khiến 3 lính Mỹ thiệt mạng.

Đáp lại, Mỹ đã tiến hành một cuộc phản công lớn nhằm vào 85 mục tiêu trên khắp Iraq và Syria.

Khu vực này đã rơi vào tình trạng căng thẳng trong tuần qua sau vụ ám sát các thủ lĩnh hàng đầu của Hezbollah và Hamas ở Beirut và Tehran. Israel đã tuyên bố ghi công cho cái trước nhưng chưa bình luận công khai về cái sau.

Để chuẩn bị cho phản ứng dự kiến của Iran trước các vụ ám sát, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ra lệnh cho Hàng Không Mẫu Hạm USS Abraham Lincoln, hiện đang hoạt động ở Thái Bình Dương, và các tàu khu trục hộ tống tới khu vực, cùng với một phi đội chiến đấu cơ bổ sung. Hàng Không Mẫu Hạm Lincoln sẽ thay thế Hàng Không Mẫu Hạm Roosevelt đã có mặt trong khu vực.

Một lực lượng không quân mới của Mỹ và nhiều lực lượng phòng không khác cũng đã được điều động tới khu vực.

Những tài sản này sẽ tham gia vào sứ mệnh kéo dài hàng tháng ở Biển Đỏ, nơi một số tàu khu trục của Mỹ đã đóng quân kể từ tháng 12, nhằm bắn hạ máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn do nhóm phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen phóng đi.

Điều lo ngại là các lực lượng ủy nhiệm của Iran như Hezbollah ở Li Băng, Houthis ở Yemen và các nhóm chiến binh ở Iraq và Syria có thể tấn công đồng thời các lực lượng Israel và Mỹ từ nhiều hướng, làm căng các hệ thống phòng thủ và có khả năng đẩy khu vực vào một cuộc xung đột rộng hơn.

4. Lính Anh cảnh báo Nga có thể do thám việc huấn luyện quân đội Ukraine

Các binh sĩ Anh đã được cảnh báo rằng Nga có thể đang sử dụng gián điệp và máy bay điều khiển từ xa để lấy thông tin về các quân nhân Ukraine được đào tạo ở Anh, The Times đưa tin hôm Thứ Hai, 05 Tháng Tám, trích dẫn một cuốn sổ tay quân sự được lưu hành trong quân đội.

Điều này phản ánh những cảnh báo tương tự ở những nơi khác ở Âu Châu về việc Mạc Tư Khoa do thám những nỗ lực của phương Tây nhằm huấn luyện binh lính Ukraine.

Theo sổ tay quân sự của Anh, tình báo Nga đặc biệt quan tâm đến Chiến dịch Interflex, chương trình do Anh dẫn đầu nhằm đào tạo khoảng 34.000 tân binh Ukraine.

Các phương pháp gián điệp có thể bao gồm việc cho máy bay điều khiển từ xa bay qua các căn cứ quân sự và các điệp viên Nga tiếp cận trực tiếp hoặc trực tuyến các huấn luyện viên Anh.

Cuốn sổ tay viết: “Các địa điểm dễ bị tổn thương bao gồm các khu vực huấn luyện, phi trường, hải cảng cũng như các địa điểm lưu trú và hậu cần quan trọng”.

Các nguồn tin quốc phòng giấu tên nói với The Times rằng có “rất ít bằng chứng” Nga thực sự đã sử dụng máy bay điều khiển từ xa để do thám các cơ sở quân sự của Anh. Cuốn sổ tay này nhiều khả năng nhằm mục đích cảnh báo các nhân viên Anh về những rủi ro có thể xảy ra, trong bối cảnh gần đây có những trường hợp nghi ngờ máy bay điều khiển từ xa do thám đang theo dõi quá trình huấn luyện lính nghĩa vụ Ukraine ở Đức.

Hồi tháng Giêng, chính quyền Đức thừa nhận rằng các máy bay điều khiển từ xa không xác định được phát hiện trên khu vực huấn luyện quân sự là một vấn đề tái diễn và cho đến nay, chưa có chiếc nào trong số chúng bị đánh chặn thành công.

Một liên minh gồm 34 quốc gia giúp huấn luyện quân đội Ukraine ở nước ngoài như một cách hỗ trợ Kyiv chống lại sự xâm lược của Nga. Chiến dịch đa quốc gia do Anh lãnh đạo là một trong những dự án hàng đầu, chủ yếu được thiết kế để cung cấp huấn luyện quân sự cơ bản cho những tân binh tại các cơ sở huấn luyện khác nhau.

Ngoài ra, sứ mệnh EUMAM của Liên Hiệp Âu Châu nhằm mục đích huấn luyện 60.000 quân Ukraine vào cuối mùa hè.

5. ATACMS và drone của Ukraine nhắm vào các trung tâm dầu mỏ quan trọng phía Nam Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine's ATACMS, Drone Strikes Target Russia's Key Southern Oil Hubs”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Hai, 05 Tháng Tám, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết các lực lượng Ukraine đã sử dụng máy bay điều khiển từ xa để tấn công vào một trung tâm dầu mỏ quan trọng ở khu vực phía nam Rostov của Nga và sử dụng hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, do Mỹ sản xuất và hỏa tiễn Storm Shadow để tấn công một trung tâm nhiên liệu ở Luhansk bị tạm chiếm.

Theo kênh Astra Telegram do các nhà báo độc lập của Nga điều hành, một đám cháy lớn đã bùng phát tại thành phố Azov ở Rostov hôm Chúa Nhật sau khi máy bay điều khiển từ xa đâm vào một kho dầu. Kênh này đã chia sẻ đoạn video và hình ảnh về vụ cháy, cho thấy một cột khói đen khổng lồ bốc lên trời.

Vasily Golubev, Thống đốc khu vực Rostov của Nga, xác nhận vụ tấn công đã xảy ra nhưng nói rằng không có thương vong nào được báo cáo. Như thường lệ, ông cũng không đề cập đến tổn thất về cơ sở vật chất.

Tại khu vực phía đông Luhansk bị tạm chiếm của Ukraine, chính quyền do Điện Cẩm Linh cài đặt tuyên bố rằng lực lượng Ukraine đã sử dụng 12 hỏa tiễn do phương Tây cung cấp để nhắm vào khu vực này. Cuộc tấn công được cho là đã tấn công các kho lưu trữ nhiên liệu.

Nhà lãnh đạo khu vực tự xưng do Điện Cẩm Linh bổ nhiệm, Leonid Pasechnik, cho biết các hệ thống phòng không đã bắn hạ 4 hỏa tiễn.

“Lực lượng vũ trang Ukraine đã bắn 12 hỏa tiễn do phương Tây sản xuất vào Luhansk. Có lẽ là 8 hỏa tiễn ATACMS và 4 hỏa tiễn Storm Shadow”, Pasechnik cho biết. “Bốn hỏa tiễn đã bị lực lượng phòng không bắn hạ khi họ tiếp cận thành phố. Các cuộc tấn công đã tấn công các nhà kho nơi đặt thùng nhiên liệu và khu vực tư nhân.”

Thống đốc khu vực Luhansk, Artem Lysohor, cho biết đám cháy đã bùng phát tại một nhà máy dùng để lưu trữ và sửa chữa thiết bị quân sự của Nga do “hệ thống phòng không của Nga hoạt động kém”.

Đại Úy Yusov nói với các phóng viên báo chí rằng 15 máy bay điều khiển từ xa kamikaze đã được sử dụng để tấn công kho nhiên liệu Rostov của Nga.

Cuộc tấn công dường như là một phần trong chiến dịch đang diễn ra của Ukraine, bắt đầu vào tháng Giêng, nhằm vào các trung tâm dầu mỏ của Nga. Tờ Moscow Times đưa tin vào cuối tháng 6 rằng ít nhất 40 kho dầu và nhà máy lọc dầu của Nga đã bị máy bay điều khiển từ xa tấn công kể từ đầu năm, trong đó có một số kho lớn nhất nước.

Các cuộc tấn công thường được thực hiện bởi Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, và Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine, gọi tắt là GUR.

Vào tháng 3, Olha Stefanishyna, phó thủ tướng Ukraine cho biết các nhà máy lọc dầu của Nga là mục tiêu quân sự hợp pháp trong cuộc chiến vì chúng hỗ trợ nền kinh tế chiến tranh của nhà độc tài Vladimir Putin.

Các báo cáo cho thấy các quan chức Mỹ đã yêu cầu Ukraine hạn chế tấn công vào các trung tâm dầu mỏ để ngăn chặn sự gián đoạn có thể xảy ra đối với thị trường nhiên liệu toàn cầu. Vào tháng 5, cơ quan tình báo Ngũ Giác Đài ước tính rằng ít nhất 14% công suất lọc dầu của Nga đã bị gián đoạn do các cuộc tấn công gần đây.

6. Nga tấn công vào Thủ đô Kyiv để trả thù cho căn cứ không quân Morozovsk

Hôm Thứ Ba, 06 Tháng Tám, Thượng Tướng Serhiy Popko, Thống Đốc Biệt khu Thủ đô Kyiv, cho biết ít nhất 4 vụ nổ đã được nghe thấy ở Kyiv ngay sau khi cảnh báo trên không vang lên vào khoảng 23h giờ địa phương, hôm thứ Hai.

Vụ nổ đầu tiên được nghe thấy trong thành phố chỉ vài phút sau khi cảnh báo trên không lần đầu tiên vang lên.

Nhiều vụ nổ khác đã được nghe thấy ngay sau khi Không quân Ukraine cảnh báo rằng hỏa tiễn tốc độ cao đang hướng tới tỉnh Kyiv.

Tướng Popko cho biết, theo thông tin sơ bộ, Nga đã sử dụng hỏa tiễn đạn đạo Iskander-M hoặc KN-23 của Bắc Hàn.

Ông cho biết: “Tính đến thời điểm này, không có sự tàn phá nào được ghi nhận ở Kyiv và không có thông tin nào về các nạn nhân”.

Tướng Popko nhận định rằng, vụ tấn công này là nhằm trả đũa cho vụ tấn công của Ukraine vào căn cứ không quân Morozovsk của Nga, gây thiệt hại cho một kho đạn chứa bom lượn.

Một chiến đấu cơ ném bom Su-34 của Nga bị phá hủy hoàn toàn và 2 chiếc Su-34 bị hư hại nặng. Bốn tòa nhà kỹ thuật và hai nhà chứa máy bay cũng bị hư hại.

Căn cứ không quân Morozovsk, nằm cách tiền tuyến 265 km, trước đây đã từng là mục tiêu của Ukraine. Một nguồn tin tình báo nói với tờ Kyiv Independent vào tháng 4 rằng sáu chiến đấu cơ đồn trú tại phi trường đã bị phá hủy trong một cuộc tấn công của Ukraine.

7. Người Ai Cập được Nga tuyển mộ chiến đấu ở tỉnh Kharkiv

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Hai, 05 Tháng Tám, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết Nga đã triển khai các tình nguyện viên nước ngoài, cụ thể là cư dân Ai Cập, để chiến đấu trong cuộc chiến chống lại Ukraine ở tỉnh Kharkiv.

Ông cho biết: “Tại Vovchansk, đối phương đã tăng cường trinh sát trên không bằng máy bay điều khiển từ xa và đang di chuyển nhân sự”.

“Đối phương đang tuyển mộ những tình nguyện viên nước ngoài, đặc biệt là công dân Ai Cập, để tiến hành chiến sự.”

Nga được biết là đã tấn công vào những người đàn ông từ các quốc gia bao gồm Cuba, Kazakhstan, Somalia và Nepal để chiến đấu trong quân đội của mình.

Trụ sở điều phối đối xử với tù nhân chiến tranh của Ukraine trước đó báo cáo rằng Nga đang ngày càng thu hút lính đánh thuê nước ngoài từ các quốc gia có “tình hình kinh tế khó khăn” trong cuộc chiến ở Ukraine.

Vào cuối tháng 6, một tù binh người Nepal bị bắt đã nói với chính quyền Ukraine trên đoạn video do Kyiv Independent độc quyền thu được rằng hơn 3.000 người Nepal có thể đã gia nhập quân đội Nga.

Người đàn ông nói rằng người Nepal được hứa hẹn một công việc ở xa tiền tuyến và được ký một hợp đồng quy định thời gian đào tạo 105 ngày nhưng anh ta đã không nhận được. POW cho biết thêm Nga đang “tuyển mộ tất cả các quốc tịch”.

Cũng trong tháng 6, đài Kyrgyzstan của Radio Free Europe/Radio Liberty đưa tin rằng một công dân Kyrgyzstan đã bị kết án 5 năm tù vì chiến đấu cho Nga ở Ukraine, vì luật pháp nước này cấm tham gia các cuộc xung đột trên lãnh thổ nước ngoài.

Các tài liệu bị rò rỉ cũng tiết lộ rằng Nga đã ép buộc công dân Cuba gia nhập Lực lượng Vũ trang Nga với mức lương khoảng 2.000 Mỹ Kim mỗi tháng, bên cạnh việc cung cấp hộ chiếu Nga trong vòng vài tháng sau khi ghi danh, một cuộc điều tra của BBC tiết lộ vào ngày 4 tháng 5.

8. Liên Hiệp Âu Châu áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Belarus vì đàn áp nội bộ

Liên Hiệp Âu Châu ngày 5 Tháng Tám đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Belarus, nhắm vào 28 cá nhân vì đàn áp nội bộ và vi phạm nhân quyền.

Thông báo này được đưa ra vài ngày trước lễ kỷ niệm 4 năm cuộc bầu cử tổng thống Belarus năm 2020 khi nhà độc tài Alexander Lukashenko củng cố quyền lực của mình thông qua gian lận bầu cử và đàn áp hàng loạt.

Những bổ sung mới vào danh sách trừng phạt bao gồm hai Phó Cục trưởng Cục Chống tội phạm có tổ chức và tham nhũng, gọi tắt là HUBAZiK, tại Bộ Tư pháp Belarus.

“HUBAZiK là một trong những cơ quan chính chịu trách nhiệm đàn áp chính trị ở Belarus, bao gồm các vụ bắt giữ và ngược đãi tùy tiện và trái pháp luật, bao gồm cả tra tấn, đối với các nhà hoạt động và thành viên của xã hội dân sự,” thông cáo báo chí của Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu cho biết.

Các hạn chế cũng nhằm vào các thành viên khác nhau của cơ quan tư pháp, những người đã đưa ra các bản án có động cơ chính trị chống lại những người phản đối cuộc bầu cử tổng thống gian lận.

Danh sách này còn bao gồm những nhà lãnh đạo các nhà tù và trung tâm giam giữ khác nhau và các đồng minh thân cận của Lukashenko, chẳng hạn như giám đốc hãng thông tấn nhà nước Belta, Iryna Akulovich, nhà lãnh đạo hãng thông tấn trước đây và cựu thư ký báo chí của Lukashenko, Dmitry Zhuk, và người chủ trì việc phát hình các cuộc họp ở Thượng viện, Nikita Rachilovskiy.

Tính đến thời điểm hiện tại, 261 cá nhân và 37 tổ chức đã bị xử phạt như một phần trong các biện pháp hạn chế của Liên Hiệp Âu Châu đối với Belarus.

Lukashenko tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020 đã dẫn đến các cuộc biểu tình lớn trên khắp đất nước và bị quốc tế lên án. Lãnh đạo phe đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya cho biết bà giành được 60% phiếu bầu.

Theo nhóm nhân quyền Viasna của Belarus, hơn 50.000 công dân đã bị giam giữ vì lý do chính trị kể từ cuộc bầu cử năm 2020.

Đại diện của nhóm, Leanid Sudalenka, cho biết trong bình luận được Radio Free Europe/Radio Liberty đưa tin rằng ít nhất 5.472 người đã bị kết án vì các cáo buộc có động cơ chính trị.

Mặc dù Belarus có liên quan đến một cuộc trao đổi tù nhân lớn gần đây giữa phương Tây và Nga nhưng Minsk chỉ trả tự do cho công dân Đức Rico Krieger, người bị kết án tử hình vì tội “khủng bố” và “hoạt động đánh thuê”. Không có tù nhân chính trị Belarus nào được trả tự do.

Lukashenko, dưới sự lãnh đạo của Belarus, đã trở thành đồng minh thân cận của Nga trong cuộc chiến toàn diện chống Ukraine, cho biết ông sẽ tái tranh cử tổng thống vào năm 2025. Nhà độc tài này đã giữ chức tổng thống từ năm 1994.

9. Nga tuyên bố đã phá hủy hai hệ thống Patriot ở Odesa của Ukraine

Các lực lượng Nga đã phá hủy hai hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất của Ukraine ở khu vực Odesa, miền nam Ukraine, hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin hôm thứ Sáu.

“Lực lượng kháng chiến ở Odesa báo cáo về việc hai hệ thống phòng không Patriot bị phá hủy. Vào khoảng giờ ăn trưa, người dân nghe thấy một loạt vụ nổ và các vụ nổ thứ cấp”, Sergei Lebedev, cộng tác viên của Điện Cẩm Linh, người điều phối các nhóm thân Nga ở Ukraine nói với RIA Novosti.

Lebedev cho biết các vụ nổ đã được báo cáo tại làng Kotovsky, nơi đóng quân của một đơn vị quân đội Ukraine, đồng thời chia sẻ một bức ảnh với cơ quan truyền thông cho thấy một đám khói lớn.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Chúa Nhật, 04 Tháng Tám, khi được hỏi về tin tức này phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết đó là tin nhảm nhí. Ông chỉ ra rằng một chiến thắng oanh liệt của Nga như thế chắc chắn sẽ được phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, loan báo chứ không đến lượt một tên Lebedev nào đó, vô danh tiểu tốt, thậm chí có thể không tồn tại.

Cho đến nay Bộ Quốc Phòng Nga vẫn im lặng.

10. Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản đến Ukraine

Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Ryuji Koizumi đã đến Ukraine vào hôm Thứ Hai, 05 Tháng Tám, để thảo luận về khả năng hợp tác trong cải cách tư pháp và cuộc chiến chống tham nhũng.

Khi đến nơi, Koizumi đã gặp Tổng công tố viên Ukraine Andrii Kostin và đến thăm đài tưởng niệm nạn nhân Bucha. Ông cũng đã đến thăm một trung tâm điều phối dành cho các nạn nhân và nhân chứng của vụ thảm sát do lực lượng chiếm đóng của Nga thực hiện tại thị trấn vào đầu năm 2022.

Bucha, một vùng ngoại ô phía tây bắc Kyiv, đã bị quân đội Nga chiếm đóng ngay sau khi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Sau khi thị trấn được giải phóng vào cuối tháng 3 năm 2022, người ta đã phát hiện ra những ngôi mộ tập thể có thường dân và hàng nghìn tội ác chiến tranh đã được ghi nhận, khiến Bucha trở thành biểu tượng cho tội ác của Nga tại Ukraine.

Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ nhân đạo, kinh tế và các hoạt động hỗ trợ khác trị giá hơn 12 tỷ đô la cho Ukraine kể từ tháng 3 năm 2022. Theo một thỏa thuận an ninh được ký kết vào tháng 6, Tokyo đã cam kết cung cấp thêm 4,5 tỷ đô la cho Ukraine vào năm 2024 và tiếp tục hỗ trợ quốc gia này trong suốt 10 năm tới.

Chuyến thăm của Koizumi diễn ra chỉ một tuần sau khi người đồng nghiệp của ông, Bộ trưởng Giáo dục và Khoa học Masahito Moriyama, đến Kyiv để thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục.

11. Video Nga cho thấy nhiều vụ nổ sau các cuộc tấn công của Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Videos Show Explosions After Multiple Ukraine Strikes”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Video đã được đăng trên phương tiện truyền thông xã hội với nội dung cho thấy các cuộc tấn công qua đêm của Ukraine vào một căn cứ không quân của Nga tại Morozovsk, ở Rostov, nằm cách lãnh thổ gần nhất do Kyiv kiểm soát khoảng 290 dặm hay 467 km.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Chúa Nhật, 04 Tháng Tám, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết các kho chứa đạn dược, bao gồm cả bom lượn cực mạnh, đã bị tấn công và “thông tin liên quan đến việc phá hủy các thiết bị phòng không và máy bay địch đang được làm rõ”.

Ông cho biết, cuộc tấn công là một hoạt động chung có sự tham gia của Cơ quan An ninh Ukraine, Lực lượng Vũ trang Ukraine và Tổng cục Tình báo Chính của Bộ Quốc phòng Ukraine.

Quân đội Nga đang tiếp tục tấn công quân đội Ukraine trên ít nhất hai mặt trận ở khu vực phía đông Donbass và xa hơn về phía bắc xung quanh Kharkiv, trong nỗ lực tìm kiếm bước đột phá sau gần hai năm rưỡi giao tranh căng thẳng. Lực lượng Mạc Tư Khoa đã đạt được một số tiến bộ, chiếm được một số làng ở tỉnh Donetsk và tiến về Chasiv Yar, nhưng phải trả giá bằng thương vong cao.

Anton Gerashchenko, cố vấn cho bộ trưởng nội vụ Ukraine, đã đăng video trên X mà ông tuyên bố cho thấy hậu quả của một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào phi trường Morozovsk cũng như các hoạt động quân sự khác.

Video cũng được chia sẻ trên X bởi tài khoản giám sát xung đột Tendar, có hơn 360.000 người theo dõi, có mục đích chiếu cảnh các vụ nổ thứ cấp tại Morozovsk sau cuộc tấn công của Ukraine cho thấy các bãi chứa đạn dược đã bị tấn công.

Tài khoản viết: “Các vụ nổ thứ cấp xuất phát từ phi trường Morozovsk và được thấy trên một số video là rất đáng kể. Đây là vụ nổ nặng nề. Sẽ rất thú vị khi nghiên cứu các bức ảnh vệ tinh.”

Giáo sư Phillips P. O'Brien, người dạy nghiên cứu chiến lược tại Đại học St Andrews ở Anh, cho biết căn cứ không quân Morozovsk “được thắp sáng như một cây thông Noel” với “nhiều vụ nổ thứ cấp” sau cuộc tấn công qua đêm trong một bài đăng trên blog Substack của ông.

O'Brien nói thêm rằng dựa trên những thông tin có sẵn “chúng tôi có thể cho rằng kho đạn dược đã tan tành và khả năng máy bay Nga bị hư hại là rất cao.

“Hơn nữa, với những đám cháy lan rộng như vậy, khả năng các cơ sở bảo trì và sửa chữa bị phá hủy là rất cao.”

Đại Úy Yusov cũng tuyên bố lực lượng Ukraine đã tấn công “một số kho chứa dầu và cơ sở lưu trữ nhiên liệu và chất bôi trơn” trong đêm tại các khu vực Belgorod, Kursk và Rostov của Nga.