Lĩnh vực sở hữu trí tuệ vốn được nhiều chuyên gia coi là một trong những thách thức khó khăn nhất đối với VN trong quá trình chuẩn bị để trở thành thành viên Tổ chức Mậu dịch Thế giới, WTO.

Được biết từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ phải tiến hành một loạt các cuộc đàm phán song phương với hơn 10 quốc gia thành viên của WTO.

Với rất nhiều công việc cần phải chuẩn bị, ngay chính tổ chức WTO cũng nhận định rằng Việt Nam sẽ cần phải có một “bước nhảy vọt” mới hòng mong trở thành thành viên WTO vào năm 2005.

Theo thoả thuận về sở hữu trí tuệ liên quan tới các lĩnh vực thương mại của WTO, gọi tắt là TRIPS, các nước thành viên thường phải bảo đảm tuân thủ một loạt các điều kiện đã được đặt ra.

Nguồn gốc xuất phát của những mặt hàng xuất khẩu từ một nước thường bị đặt những câu hỏi như hàng hóa xuất phát từ đâu, có bản quyền hay không..v.v.. để người ta tính thuế nhập.

Đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, Trung Quốc..v.v, khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới, họ thường vi phạm những qui định về sở hữu trí tuệ, vì có nhiều mặt hàng thường bị làm giả.

Theo ông Nguyễn Thắng, chuyên gia thuộc diễn đàn kinh tế thế giới, một trong những khó khăn của Việt Nam hiện nay là có quá nhiều mặt hàng làm giả, thường nhái theo những hàng hóa của nước ngoài.

Vấn đề nan giải là làm sao để Việt Nam, thay vì làm lậu những mặt hàng này, có thể sản xuất theo bản quyền.

Bản quyền này có thể từ một công ti nước ngoài, hoặc sản xuất dưới sự cho phép của một công ti nào đó, để có thể làm công khai các mặt hàng.

Vấn đề nan giải thứ hai, theo ông Nguyễn Thắng, là làm sao cho giá thành những mặt hàng sản xuất theo bản quyền của nước ngoài rẻ hơn, hoặc nhập vào Việt Nam rẻ hơn những mặt hàng làm lậu ở ngoài, thì sẽ chấm dứt được nạn hàng giả.

Không những thế, người tiêu dùng còn được lợi ở chỗ họ sẽ có những hàng hóa với giá rẻ mà vẫn có chất lượng tốt.

Việt Nam chuẩn bị tốt?

Ngay tại Việt Nam, trong khi các phương tiện truyền thông vẫn liên tục kêu ca về tình trạng vi phạm bản quyền về băng đĩa và phần mềm, thì chính những người làm trong ngành sở hữu trí tuệ lại tỏ ra lạc quan về sự chuẩn bị của Việt Nam cho đến giờ.

Được hỏi VN sẵn sàng chưa, trong việc chuẩn bị về lĩnh vực sở hữu trí tuệ cho việc gia nhập WTO, ông Phạm Đình Chướng, cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết về căn bản, Việt Nam đã đạt được những tiêu chuẩn mà hiệp định TRIPS của WTO ấn định.

Tuy vậy, về hệ thống luật pháp, theo ông Chướng, những qui phạm liên quan đến trình tự, thủ tục kiện tụng và tranh chấp về sở hữu trí tuệ vẫn còn thiếu một số qui định.

Tại Việt Nam hiện nay, khi có tranh chấp về sở hữu trí tuệ, đa phần vẫn được giải quyết bằng các biện pháp hành chính thay vì đưa ra trước tòa án.

Theo ông Chướng, tại Việt Nam, vấn đề của sở hữu trí tuệ vẫn là tính hiệu quả; tức là khả năng áp dụng hệ thống sở hữu trí tuệ để giải quyết những tranh chấp, xâm phạm, vi phạm về bản quyền vẫn còn thấp.

"Đó là thách thức mà Việt Nam cần phải vượt qua", ông Chướng cho biết.

Việt Nam, theo nhiều các đánh giá, được coi là nước vi phạm về bản quyền băng đĩa và phần mềm lớn thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Indonesia.

Giải pháp?

Để giải quyết những vấn đề về sở hữu trí tuệ, theo ông Phạm Đình Chướng, Việt Nam cần phải áp dụng một loạt các biện pháp, chẳng hạn, một mặt, phải ban hành thêm một loạt các qui định cụ thể cho từng lĩnh vực.

Mặt khác, Việt Nam cần phải nâng cao năng lực thực thi của các cơ quan, trong đó, đặc biệt là tòa án, cũng như các cơ quan quản lý về phần mềm.

Đồng thời, người ta phải nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ, chẳng hạn về phần mềm, vì đây vẫn còn là lĩnh vực mới mẻ tại Việt Nam. (BBC)