Cai tổng Luca Phạm-Viết-Thìn.

Bi bắt tháng 6-1858,bị thắt cổ 13-1-1859 tại Nam-Định.

Kính ngày 13 tháng 01

Thánh Lu-Ca Phạm-Viết-Thìn,

Cha: quan án Khảm, vững tin thật thà.

Mẹ: bà Phương họ Đức Bà,

Xứ Quần-Cống, tỉnh hiện là tỉnh Nam(Nam-Định).

Nhà giầu nên chẳng phải làm,

Học hành tới chốn, chẳng kham khổ gì.

Năm ba mươi tuổi trở đi,

Bổ làm chánh tổng đời thì phục khâm.

Vợ ông, tên gọi là Tâm,

Ông vì chức vụ, sai lầm về sau.

Đi đây đó bởi nhu cầu,

Trẻ trung nên dễ sa vào trái ngang.

Vợ hai ăn ở với nàng,

Sau ba năm bệnh bàng hoàng ăn năn.

Theo cha giải tội khuyên răn,

Quyết tâm từ bỏ, khó khăn dường nào.

Vâng theo ý Chúa chẳng nao,

Sống đời đạo hạnh, chức cao nhân từ.

Đến ngày hăm tám tháng Tư,

Tuổi vua mười một tính từ lên ngôi.

Tám trăm năm sáu trong đời,

Của vua Tự-Đức tháng thời giữa niên (6-1856).

Quan trường qua lại thường xuyên,

Đức Cha nhờ cậy ông lên Nam thành (Đ.C.Sampedro).

Xin cùng quan thượng Tân dành,

Nhượng người Công Giáo yên lành mưu sinh.

Với vua, cam kết trọn tình,

Quyết không phản nghịch, đệ trình lên quan.

Rủi thay có một giáo dân,

Đứng lên nổi loạn, quan Tân giận lòng.

Tại ngay Cao-Xá làng trong,

Tổng Thìn bị bắt, bị còng giam ngay.

Một người cả đám vạ lây,

Coi như cả lũ phản thầy, nghịch vua.

Đồn làng Quần-Cống một hùa,

Thừa sai chứa chấp a dua theo bè.

Lệnh vây Quần-Cống khi nghe,

Qủa nhiên Cha Ét-Tơ-Vê ẩn cùng (Estevez).

Sam-Pơ Dro giám mục chung (Sampedro),

Hai Ngài đang ẩn trong vùng bị vây.

Trong khi lục soát vùng này,

Ba lần tra khảo hỏi ngay Tổng Thìn.

Bắt ông đạp ảnh bỏ tin,

Không vâng phục, dẫu muôn nghìn khổ đau.

Quan truyền xích nhốt ngục sâu,

Thản nhiên viết giấy xưng tâu rõ ràng:

Kiên cường, khẳng khái, hiên ngang,

Tử hình,cực khổ sẵn sàng chịu thôi.

Quyết không chối đạo Chúa Trời,

Chính tay tôi viết lên lời tôi tin.

Ký trên giấy rõ tên Thìn,

Đức tin sắt đá hằn in đáy lòng.

Thượng Tân qúa tức, nên ông,

Sai thêm lính bắt người trong họ hàng.

Chẳng hề bối rối hoang mang,

Người không đạo tiếc giầu sang nhủ rằng:

Giữ tiền, giữ mạng chối phăng,

Cần gì lại cứ cắn răng chịu tù.

Tôi tin thờ Chúa Giêsu,

Theo Ngài là đúng, chẳng ngu đâu mà.

Tôi thà mất hết chẳng thà,

Tan thây, chẳng phạm đến Cha tôi thờ.

Máu đào đổ vẫn ước mơ,

Chết vì đạo Chúa hằng chờ hằng mong.

Vào đầu tháng bảy vùng trong,

Tại làng Quần-Cống bắt dong giải về.

Tỉnh Nam-Định, tổng Thìn nghe

Có Cha là Khảm, chẳng hề khổ đau.

Gặp Cha kính cẩn cúi đầu,

Chào Cha vì Chúa nhiệm mầu,chịu chung.

Rồi ông mạnh mẽ tuyên xưng,

Trước ba quan lớn, lòng mừng hỉ hoan.

Phúc ơn tử đạo rộng ban,

Đức Cha Sam bị bắt giam với Ngài.

Thượng Tân muốn biết một hai,

Bắt ông đối chất thừa sai ngọai kiều.

Chẳng hề sợ đám quan liêu,

Tổng Thìn qùy gối kính yêu Cha hiền.

Quan nhìn giận giữ,truyền đem,

Giam trong ngục, bắt chịu thêm cực hình.

Mười ngày bốn tháng chịu khinh,

Anh hùng Quần-Cống bình sinh can trường.

Khuyên nhau vững bước theo đường,

Gian nan khốn khó Chúa thương độ trì.

Mười ba tháng một sử ghi (13-1-1859),

Tám trăm năm chín điệu đi hành hình.

Ông Thìn thắc mắc đinh ninh,

Chẳng hề được biết tội mình nên thưa:

Tội gì quan lớn truyền đưa,

Tôi đi xử tử, qủa chưa rõ ràng?

Quan rằng: phản nghịch còn mang,

Thừa sai ngoại quốc vào hàng chống vua.

Ngài liền bác lại nên thưa:

Tây phương đạo trưởng đón đưa tiếp vào.

Và theo Công Giáo, chứ nào,

Chống vua, việc ấy chẳng bao giờ làm.

Nguyên điều này ắt phải cam,

Chịu hành quyết, chớ có càm nhàm chi.

Cấm theo đạo, chẳng nhớ ghi,

Vua truyền đạp ảnh,ngươi thì chẳng vâng.

Biết vì đạo chết, vui mừng,

Chào quan xin chết, ông ưng thuận liền.

Lấy ra trong ngực giơ lên,

Tượng hình Thánh Giá Chúa trên làm giường.

Hiên ngang xưng đạo nêu gương,

Ăn năn tiến đến pháp trường hy sinh.

Ô Choa Giám Mục đệ trình (Ochoa).

Mười ba tháng một,xác minh rằng là:

Thánh Thìn,Thánh Khảm là Cha,

Cột chèo: Thánh Tả, cùng là Khóa-Sơn.

Lý-Lê cùng bốn giáo dân,

Đàng Tây địa phận hợp quần tử chung.

Làng Quần-Cống chín anh hùng,

Đức tin, lòng mến kiên trung trọn đời.

Gương lành chiếu rọi nơi nơi,

Ánh dương rực sáng giữa đời gian tham.