CHÚA NHẬT LỄ LÁ C

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, phim CUỘC KHỔ NẠN CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ (The Passion of Jesus Christ) của đạo diễn Mel Gibson đang được nhắc đến một cách đầy ngưỡng mộ. Mới đây tài tử Jim Caviezel, người đóng vai Đức Giêsu trong phim kể trên, đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiếp kiến tại thư viện riêng của Ngài trong điện Vatican. Phải nhìn nhận rằng cuốn phim của Mel Gibson đã cống hiến cho khán giả một chân dung sống động của Đức Giêsu trong những giờ cuối cùng của Người ở trần thế, rất sát với các bài tường thuật thương khó của các tác giả Phúc âm. Luca là một trong bốn Phúc âm đã cho chúng ta thấy những nét độc đáo về chân dung và tâm hồn của Đấng bị đóng đinh thập giá trong bài tường thuật mà Giáo hội đọc trong Phụng vụ Chúa nhật Lễ Lá hôm nay.

I. LẮNG NGHE & TÌM HIỂU LỜI CHÚA

2.1 Bài đọc 1: Is 50, 4-7: (a) Isaia là cuốn lớn thứ nhất trong các sách ngôn sứ. Sách gồm ba phần thuộc ba thời kỳ khác nhau. (1o) 1-39 gọi là Isaia đệ nhất, vị ngôn sứ rao giảng ở xứ Giuđa vào thế kỷ VIII trước Công nguyên. Một vài chương của thời kỳ sau được chen vào đây (24-27 và 34-35) (2o) 40-55 gọi là sách An Ui, tức Isaia đệ nhị. Công trình của một ngôn sứ thời lưu đầy, loan báo niềm hy vọng cứu độ và sứ mạng mới của Dân Chúa. (3o) 56-66 gọi là Isaia đệ tam, có lẽ là một bộ sưu tập lời rao giảng của nhiều nhiều vị ngôn sứ từ lúc xây xong đền thờ mới (515 trước CN) cho đến 445 trước CN” (Kinh Thánh trọn bộ, Dẫn Nhập Cựu Ước, trang 28-29).

(b) Is 50,4-7: là những lời diễn tả cách ứng xử của người tôi tớ của Thiên Chúa: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.” Sở dĩ người tôi tớ của Thiên Chúa có thể làm như thế là vì: “Có Đức Chúa là Chúa Thượng tôi phù trợ tôi, vì thế tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng” Những lời sấm ngôn trên đã được thực hiện trọn vẹn trong cuộc Thương khó của Đức Giêsu.

2.2 Bài đọc 2: Pl 2,6-11: (a) là tuyệt tác của Thánh Phaolô, tán tụng Đức Giêsu Kitô hay vào bậc nhất trong Tân Ước, vừa về ý nghĩa thần học vừa về giá trị tu đức Kitô giáo: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ mình phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa

(b) Thánh Phaolô chẳng những đã khéo tóm tắt cuộc đời trần thế của Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, giống như mọi người và trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi, lại còn bị bắt, bị đánh đòn và bị nhạo báng, bị kết án chết trên thập giá. Chính vì Người đã hoàn toàn vâng phục Cha mà chấp nhận cuộc thương khó nên Cha đã làm cho Người chỗi dậy và tôn vinh Người bằng tước hiệu cao quý nhất, đặt Người lên ngai cao nhất để được mọi loài bái lạy.

2.3 Bài Tin Mừng: Lc 22,14-23,56: Lc tường thuật cuộc Thương Khó của Đức Giêsu. Cuộc Thương Khó trải dài trong 7 cảnh như sau:

1o).- Đức Giêsu dự tiệc với các môn đệ và lập Bí tích Thánh Thể. Trong khung cảnh Thày trò sắp chia tay này, Đức Giêsu còn phải bận rộn với việc dạy dỗ chỉ bảo cho các môn đệ về khiêm nhường và phục vụ. Đức Giêsu cũng củng cố các môn đệ để họ vững vàng trong cơn thử thách sắp tới.

2o).- Đức Giêsu đến Vườn Cây Dầu cầu nguyện. Các thượng tế và lãnh binh đền thờ và kỳ mục đến bắt. Giuđa phản bội Thày bằng nụ hôn cho người ta nhận dạng. Đức Giêsu xác định Người vô tội, nhưng để cho những người kia bắt Người và đem Người về nhà vị thượng tế.

3o).- Trong khi chờ trời sáng, Đức Giêsu bị quân lính đánh đập, nhạo báng. Còn Phêrô, tông đồ trưởng đã chối bỏ Thày những 3 lần, khi bị một người tớ gái và gia nhân vị thượng tế hạch hỏi về mối tương quan của ông với kẻ vừa bị bắt.

4o).- Sáng ra, đoàn kỳ mục trong dân, các thượng tế và kinh sư nhóm họp để tra hỏi Đức Giêsu. Trong cuộc khảo cung này Đức Giêsu đã xác nhận Người là Con Thiên Chúa. Trước lời khẳng định ấy người Do Thái dẫn Đức Giêsu đến dinh Philatô là tổng trấn Roma tại Giêrusalem để tố cáo Người phạm tội phản loạn chống lại triều đình La mã và hoàng đế Xêda.

5o).- Philatô tra vấn Đức Giêsu và Đức Giêsu xác nhận Người là Vua Do Thái. Để tránh trách nhiệm, Philatô ra lệnh đem Đức Giêsu đến Hêrôđê. Nhà Vua mừng rỡ vì từ lâu đã nghe nói và muốn gặp Đức Giêsu, nên hỏi Người nhiều câu, nhưng Người giữ im lặng không trả lời, khiến ông và thị vệ khinh dể Người ra mặt và trả Người lại cho Philatô. Philatô cho triệu tập các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng mà phân bua. Nhưng dưới áp lực của người Do Thái, Philatô đã không dám tha Đức Giêsu, mà giao Người cho người Do Thái đem Người đi đóng đinh thập giá.

6o).- Đức Giêsu bị dẫn đến nơi hành hình gọi là Núi Sọ. Dọc đường, quân lính bắt ông Simon vác đỡ thập giá cho Người. Dù khó nhọc nhấc bước, Đức Giêsu cũng ủi an những người phụ nữ Giêrusalem khóc than Người. Khi đến nơi, họ đóng đinh Người vào Thập giá cùng với hai tên gian phi. Các thủ lãnh chế nhạo Người. Một trong hai tên gian phi cũng nhạo báng Người, nhưng tên kia lại cầu cứu Người và được Người nhận lời. Cảnh trời chuyển biến lạ thường vào giờ thứ chín, giờ Đức Giêsu tắt thở sau khi phó thác linh hồn trong tay Chúa Cha.

7o).-Sau khi Đức Giêsu tắt thở, viên đại đội trưởng cất tiếng xưng tụng “Người này đích thực là người công chính”. Thi hài Đức Giêsu được ông Gioxép thành viên của Hội đồng đứng ra xin với tổng trấn cho hạ xuống và chôn cất trong ngôi mộ.

III. ĐÓN NHẬN & SỐNG SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA

Chứng kiến Đức Giêsu trong cuộc Khổ Nạn trong Tin Mừng Luca, chúng ta nhận thấy Dung mạo Người nổi bật với những nét sau đây:

1.Yêu thương đặc biệt đối với các môn đệ: Ở phần đầu bài tường thuật, Đức Giêsu chia sẻ tâm tình với các môn đệ, lập Bí tích Thánh Thể, căn dặn các môn đệ về khiêm nhường và phục vụ, củng cố lòng tin và nhắc nhở thử thách đang chờ đợi các ông. Riêng với Phêrô, tông đồ trưởng, thì lòng yêu thương của Đức Giêsu trở thành ơn thứ tha ngút trời sau khi ông chối Thày.

2. Bình tĩnh trước khổ đau và bất công: Xem phim Cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu Kitô của Mel Gibson, đố ai cầm được nước mắt, trước cảnh bạo tàn mà quân lính Do Thái và Rôma đã dành cho Đức Giêsu. Khán giả càng thán phục con người vĩ đại ấy luôn thể hiện sự bình tĩnh và tự chủ trước mọi khổ đau và bất công đổ ập xuống trên thân thể và tâm hồn Người. Không một phàm nhân nào có được những phẩm chất tuyệt vời ấy!

3. Quảng đại và bao dung đối với kẻ thù: Không chỉ phải chịu đau đớn khắp thân mình mà Đức Giêsu còn bị kẻ thù chế giễu, nhạo báng và hành hạ nhiều kiểu nhiều cách, từ nhà vị thượng tế cho đến đỉnh Núi Sọ. Thế nhưng tâm hồn Người vẫn rộng mở, tràn đầy bao dung đối với những kẻ đánh đập, nhạo báng và giết chết Người. Không một chút đắng cay, hằn học, bực tức trong cử chỉ, lời nói, hành động của Người. Thật phi thường!

4. Cởi mở đón nhận và chúc phúc cho những ai biết khát khao được chia sẻ đau khổ và hạnh phúc với Người: Những người phụ nữ thành Giêrusalem biết đấm ngực và than khóc đã được Người vỗ về ủi an. Anh chàng trộm lành nhận ra tội lỗi của mình và ước mong được Người thứ tha và đón nhận đã được toại nguyện. Viên đại đội trưởng La Mã ngoại đạo nhìn thấy cảnh bất công của Đấng Vô Tội đã được ban ơn nhận ra dung mạo “Người Công Chính” nơi tội phạm vừa tắt thở trên thập giá. Đó là ba hạng người đã được ơn đặc biệt. Dù Đức Giêsu có bị vùi dập cho đến chết trên con đường Thương Khó thì Người vẫn đủ tỉnh táo và rộng mở cõi lòng và thiên đường cho những ai biết khát khao được chia sẻ đau khổ và hạnh phúc với Người.

IV. CẦU NGUYỆN

Lạy Thiên Chúa Cha là Tình Yêu, Cha đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một cho thế gian để chúng con được sống và được ơn làm con Cha trong Đức Giêsu Kitô. Chúng con chúc tụng, ngợi khen và yêu mến Cha.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã chịu khổ nạn vì tội lỗi loài người, tội lỗi chúng con. Chúng con cảm tạ Tình Yêu Thương vô bờ vô bến của Chúa. Chúng con cám ơn Chúa vì được chiêm ngắm Dung Nhan Chúa trong cuộc Thương khó. Chúng con cảm nghiệm sâu sắc hơn những nỗi khổ đau về tinh thần và trên thân xác của Chúa. Chúng con nhận rõ hơn Dung Mạo và Tâm Hồn bao la Tình Yêu Thương của Chúa. Xin Chúa ban cho chúng con ơn biết khát khao chia sẻ khổ đau và hạnh phúc với Chúa, để chúng con luôn được ở kề bên Chúa, trong vòng tay yêu thương của Chúa.

Lạy Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Đức Kitô, xin Chúa hãy đưa chúng con vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô Giêsu, để chúng con được biến đổi và thanh luyện hầu chúng con được kết hiệp mật thiết với Đấng Thiên Chúa bị đóng đinh thập giá, cho phần rỗi chúng con và phần rỗi mọi người. Amen