BẦU CỬ SƠ TUYỂN TẠI PHÁP

Mùa Bầu cử 2016 vừa chấm dứt tại Hoa kỳ, cử tri nước Pháp bắt đầu bước vào mùa Tranh cử sơ bộ chuẩn bị cho cuộc tuyển chọn Tổng thống nhiệm kỳ 2017-2022 vào ngày 23.04.2017, vòng một, và ngày 07.05.2017, vòng hai nếu cần giữa hai ứng cử viên dặt số phiếu cao nhất.

Bầu cử sơ tuyển (primaire) chỉ được tổ chức tại Pháp lần đầu vào năm 2011 bởi đảng Xã hội (Parti Socialiste, PS). Trước đó, trong mỗi đảng, các đảng viên thỏa thuận với nhau chọn người đại diện cho đảng mình. Nguyên tắc, việc tuyển chọn Tổng thống là một sự tín nhiệm giữa của cử tri với cá nhân một ứng cử viên, chớ không cho một đảng. Tuy nhiên, việc tranh cử đòi hỏi những số tiền chi tiêu ngày càng vĩ đại, vượt khả năng tài chính của cá nhân, nên họ cần sự tài trợ của đảng. Lý do khác là số chính trị gia tự tin mình có ‘ơn gọi’ trở thành Tổng thống ngày càng nhiều mà đảng không thể tài trợ cho mọi người. Do đó đảng hay liên đảng (như hữu và trung phái – primaire à droite et au centre).

I. NHỮNG CUỘC BẦU CỬ SƠ TUYỂN.

A. Ðảng Xanh (Europe Ecologie Les Verts)

Ứng cử viên của đảng này, bà Eva Joly, đã chỉ đạt được 2,31% tổng số phiếu bầu Tổng thống năm 2012. Ðể tham gia đầu phiếu, các cử tri phải góp tài chính 5 euros.

Kết quả đầu phiếu sơ tuyển năm 2016:

- Vòng một ngày 19.10.2016 : Karima Delli : 9,82% số phiếu hợp lệ ; Cécile Duflot : 24,41% ; Yannick Jadot : 35,61% và Michèle Rivasi : 30,16%. Sự kiện bà Duflot, Dân biểu, bị loại đã gây ngạc nhiên nơi giới quan sát chính trị.

Vòng hai ngày 07.11.2016: ông Yannick Jadot, Dân biểu Nghị viện Âu châu, đoạt 57,11% số phiếu hợp lệ thắng bà Michèle Rivasi, Dân biểu Nghị viện Âu châu, thu được 42,89%.

B. Các đảng hữu và trung phái (les partis de la droite et du centre)

Trong cuộc Bầu cử Tổng thống năm 2012, khi Ðảng cầm quyền Liên hiệp vì một Phong trào Nhân dân (UMP, Union pour un Mouvement Populaire) hữu phái, một cách hợp lý vì thành quả được xem như tốt của Tổng thống xuất nhiệm Nicolas Sarkozy để Ðảng đề cử ông một lần chót, theo qui định của điều 6 Hiến pháp được tu chỉnh ngày 23.07.2008, đại diện Ðảng ứng cử Tổng thống năm đó.

Các lãnh đạo đảng UMP, ngày nay đã đổi tên thành đảng Cộng hòa (Les Républicains, LR) đã công bố vào tháng 04.2014 là sẽ tổ chức Bầu cử sơ tuyển để chọn ứng cử viên duy nhất vào năm 2016, hầu có thể được đề cử tham gia bầu cử Tổng thống năm 2017. Ngày 22.04.2016, bà Anne Levade, luật gia, Chủ tịch Thẩm quyền Tối cao (Haute–Autorité) tổ chức Bầu cử sơ tuyển, trình bày các tài liệu hướng dẫn quy định việc bầu cử. Cơ quan này chỉ có quyền ra ‘khuyến nghị chung’ hay ‘quan sát cá nhân’, nhưng không có ‘quyền xử phạt’.

1. Thời gian đầu phiếu. Vòng một sẽ diễn ra ngày Chúa Nhật 20.11.2016, và nếu cần thiết khi không ứng cử viên nào đạt được đa số tuyệt đối số phiếu bầu hợp lệ, một vòng đầu phiếu thứ hai vào ngày 27.11.2016, được tổ chức giữa hai ứng cử viên thu được số phiếu cao nhất.

2. Các ứng cử viên.

a) Ðiều kiện.

- dĩ nhiên, những người này phải hội đủ các điều kiện để ứng cử Tổng thống ;

- ứng cử viên phải có sự đề cử của ít nhất 250 viên chức dân cử, được bầu tại ít nhất 30 tỉnh (départements). Trong đó, cần có ít nhất 20 dân cử lập pháp (Nghị sĩ, Dân biểu Quốc hội Pháp hay Nghị viện Âu châu và ít nhất 2.500 đảng viên.

b) Danh sách ứng cử viên.

i. Nicolas Sarkozy. Cựu Tổng thống nhiệm kỳ 2007-2012, đang muốn phục thù vì bị đương kiêm Tổng thống François Hollande hứa hẹn cử tri bằng một chính sách tả phái, nhất là về kinh tế ‘có tăng trưởng kinh tế mới tạo việc làm để giảm bớt thất nghiệp’. Khi tranh cử, ông Hollande nói với đồng bào ông sẽ không theo sự ‘cố vấn’ của bà Angela Merkel, Thủ tướng Ðức. Nhưng khi tại chức, ông đã nhận sự ‘hướng dẫn’ của bà này khi nền kinh tế Pháp kém sức cạnh tranh hơn của Ðức. Chính phủ xã hội dùng chính sách làm giảm số người thất nghiệp bằng xóa tên người thất nghiệp khỏi ‘Danh sách’ bằng biện pháp hành chánh hay hàng ngàn những khế ước có tài trợ (contats aidés). Biện pháp thứ nhì này gây khiếm hụt ngân sách. Do đó, ông Sarkozy muốn thử thời vận một lần nữa trong khi, suốt năm năm nhiệm kỳ, chính phủ xã hội chỉ thành công một lần với luật ‘Marriage pour tous’ (Ðám cưới cho mọi người) vẫn còn tranh luận vì trái luật thiên nhiên và bất công vì người ta chỉ biết thụ hưởng mà không có trách nhiệm tương xứng. Ông tuyên bố chính thức tham gia sơ tuyển ngày 22.08.2016 và, do đó, đã từ chức Chủ tịch đảng Cộng hòa.

ii. Alain Juppé. Cựu Thủ tướng, Thị trưởng Bordeaux, thành phố thứ năm nước Pháp, chính thức tuyên bôÙ ứng cử ngày 20.08.2014 và luôn là đối thủ số 1 của ông Sarkozy. Trong hai năm qua, ông đã có phương pháp xây dựng tiến trình ứng cử của mình, với việc công bố các công trình nối tiếp nhau, về các vấn đề xã hội lẫn các đối tượng cho nền kinh tế.

iii. François Fillon. Cựu Thủ tướng 2007-2012, thâm niên nhất ở Pháp, đã tuyên bố ứng cử vào tháng 05/2013, khi đang thăm viếng Nhật Bản, đang về thứ ba trong các cuộc thăm dò dân ý (sondages).

iv. Bruno Le Maire. Cựu Tổng trưởng Canh nông, tuyên bố ứng cử ngày ngày 23.02.2016, tự cho thuộc Thế hệ Trẻ trong Chính trị. Năm 2014, về nhì trong cuộc bầu cử Chủ tịch đảng UMP thu được 29,18% số phiếu sau Nicolas Sarkozy.

v. Jean-Francois Cope. Thị trưởng Meaux công bố ứng cử ngày 14.02.2015, nửa năm sau ngày bị buộc phải từ chức Chủ tịch đảng UMP tháng 05/2014, sau các trường hợp Bygmalion. Ông cũng đã từng gây chiến tranh với François Fillon vì chức Chủ tịch đảng UMP vào năm 2012.

vi. Nathalie Kosciusko-Morizet. Cựu phó chủ tịch đảng Cộng hòa đã, nhân dịp ngày Quyền Phụ nữ 08.03.2016, để loan báo ứng cử trên truền hình TF1, với hy vọng trở thành người phụ nữ đầu tiên đạt được chức vụ cao nhất của Nhà nước Pháp.

vii. Jean-Frédéric Poisson. Dân biểu Quốc hội, Chủ tịch đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (Parti Chrétien-Démocrate).

3. Cử tri.

Phải là công dân Pháp và hội đủ các điều kiện sau :

- đã ghi tên trong danh sách cử tri trước ngày 31.12.2015 ;

- các vị thành viên sẽ phải đủ 18 tuổi để bầu Tổng thống vào ngày 23.04.2017 hay là đảng viên các đảng hữu và trung phái ;

- phải được đăng ký vào danh sách bầu cử, phải ký một tài liệu bảo đảm ‘chia sẽ những giá trị cộng hòa hữu và trung phái và cam kết luân chuyển (về chính trị) để phục hồi sự thành công của nước Pháp’ ;

- phải góp 2 euro cho mỗi vòng đầu phiếu. Ðó là để trả chi phí tổ chức. Cử tri cần chuẩn bị số tiền chính xác 2 euro hầu đề phòng trường hợp nơi đầu phiếu không có tiền lẽ để thối.

4. Ðịa điểm Ðầu phiếu.

Tất cả có 10 228 địa điểm phục vụ bầu cử vào ngày Bầu cử sơ tuyển 20.11.2016 cho vòng một và ngày 27.11.2016 cho vòng hai, nếu có. Các địa điểm này không nhất thiết phải là nơi cử tri có thói quen bỏ phiếu. Để biết thông tin, ban tổ chức mời cử tri mở trang web : www.monbureau.primaire2016.org

C. Ðảng xã hội.

Nguyên tắc, Tổng thống xuất nhiệm đương nhiên được tái ứng cử. Nhưng đến giờ phút này, đó không phải là trường hợp của ông Francois Hollande vì số bách phân tín nhiệm ông nơi cử tri Pháp quá thấp chỉ khoảng 10%. Ông hẹn sẽ trả lời v ào tháng 12/2016. Nếu ông tái ứng cử, ông có phải qua Bầu cử sơ tuyển không ? Thăm dò dân ý cho thấy ông Arnaud Montebourg, một Tổng trưởng từ chức thời ông Hollande có thể thắng. Một Tổng trưởng Kinh tài từ chức khác, ông Emmanuel Macron, ‘ni droite, ni gauche’ (không hữu, cũng không tả phái), ngày 16.11.2016, tuyên bố ứng cử Tổng thống năm 2017, hy vọng đạt được 15% số phiếu hợp lệ, nhưng vẫn về sau Juppé hay Sarkozy (LR) và bà Marine LePen (Mặt trận Quốc gia, Front National, FN).

II. THĂM DÒ DÂN Ý.

Cuộc khảo sát dân ý do viện Sofres OnePoint-Kantar thực hiện về ý định đầu phiếu Bầu cử sơ tuyển hữu và trung phái được công bố hôm 14.11.2016 cho thấy :

- Thứ hạng các ứng cử viên không thay đổi, nhưng khoảng cách số bách phân giữa 3 vị về đầu được thâu ngắn hơn.

- Ông Alain Juppé vẫn đứng đầu, nhưng chỉ với 36% số phiếu bầu, tức 6% ít hơn trong tháng mười.

- Ông Nicolas Sarkozy thu thêm được 2% để thành 30%.

- Ông François Fillon đã có bước tăng trưởng mạnh nhất, với 18% số phiếu bầu, 7% hơn so với tháng trước.

Ở vòng hai, ông Juppé sẽ thắng luôn luôn và rõ ràng, nhưng chỉ với 59% số phiếu (giảm 3%) so với 41% (tăng 3%) cho ông Sarkozy.

Nếu đắc cử vòng Sơ tuyển này, ông Alain Juppé có nhiều hy vọng trở thành Tổng thống nhiệm kỳ 2017-2022.

Hà Minh Thảo