Sự Hiện Diện Và Sinh Họat của Người Công Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ

Vào Thời Điểm Tháng 10 năm 2004


Tổng Thống Kennedy đã gọi Hoa Kỳ là đất nước của những người di dân. Tất cả những người đã đến đây đều đã có được cơ hội đồng đều để thăng tiến đời sống cho cá nhân mình và góp phần vào sự thịnh vượng của đất nước này. Tất cả các sắc dân trong quá khứ đều đã cố gắng giữ gìn được bản sắc của mình, đồng thời xây dựng cho đất nước Hoa Kỳ. Người Công Giáo Việt Nam cũng không ngoài định luật đó. Sau đây, chúng tôi muốn giới thiệu Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ trong những tổ chức đầu tiên, trong các sinh họat và trong các dự án cho những năm sắp tới.

1. Cộng Đồng Giáo Sĩ Tu Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ (The Community of Vietnamese Clergy and Religious in the U.S.A.)

Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã được thành lập ngay từ năm 1970 như một hội thân hữu dành cho các linh mục và tu sĩ được gửi sang du học tại Bắc Mỹ bao gồm Hoa Kỳ và Canada. Đến năm 1975, với cuộc di tản lần đầu tiên, số linh mục và tu sĩ nam nữ Việt Nam đã gia tăng lên rất đông. Các thành viên cộng đồng đã họp nhau lần đầu tiên tại thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, và quyết định thành lập riêng Cộng Đồng Giáo Sĩ Tu Sĩ Việt Nam cho Hoa Kỳ, bao gồm toàn thể các linh mục và tu sĩ Việt Nam hiện đang sống ơn gọi và làm việc tông đồ tại Hoa Kỳ.

Hiện nay, Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ có vào khoảng trên 700 Linh Mục dòng và triều, 45 Thầy Phó Tế Vĩnh Viễn, trên 400 Nữ Tu đã khấn, khoảng 500 Nam tu sĩ, chủng sinh, đệ tử, nhà tập đang theo đuổi ơn kêu gọi trong đời sống tu trì. Sinh hoạt đạo đức và thân hữu của tổ chức này rất tốt đẹp từ Trung Ương cho tới các Miền ở mỗi địa phương. Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ đánh giá tổ chức này khá cao vì đã cung cấp rất nhiều ơn kêu gọi cho các giáo phận và các dòng tu tại Hoa Kỳ. Trong những năm gần đây, mỗi năm có thêm vào khỏang 30 tân linh mục được phong chức và 20 nữ tu tuyên khấn. Tuy vậy, các linh mục và tu sĩ gốc Việt Nam vẫn ý thức được những điều kiện hạn hẹp của họ. Lý do là vì họ vẫn chỉ là một hội ái hữu để giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau sống ơn gọi mà không được hưởng tính cách pháp lý và sự yểm trợ đặc biệt nào của giáo quyền Hoa Kỳ. Họ vẫn làm việc trực thuộc các giáo phận hay các dòng tu và chỉ có thể tự nguyện dành ra một số cơ hội và thời giờ để sinh hoạt với nhau và nâng đỡ tinh thần lẫn nhau.

2. Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ (The Federation of Vietnamese Catholics in the U.S.A.)

Trước biến cố năm1975, tổng số người Việt Nam sinh sống tại Hoa Kỳ chỉ có vào khoảng 3,000 sinh viên và sĩ quan du học, cộng thêm với khoảng 20,000 người Việt Nam đã lập gia đình với người Hoa Kỳ. Nhưng đến năm 1975, với đợt di tản đầu tiên đã đưa tổng số người Việt Nam lên trên 120,000 người. Hiện nay, gần 30 năm di dân với các sắc diện, tổng số người Việt Nam đã lên tới trên 1,500,000 người, con số mà Tổng Thống Clinton đã nhắc tới khi tiếp xúc với sinh viên Việt Nam tại Hànoi ngày 17 tháng 11 năm 2000. Trong tổng số này, theo ước lượng khá chính xác từ các Cộng Đồng Công Giáo và Giáo Xứ trong các tiểu bang, dân số Công Giáo có vào khoảng từ 25 đến 35 phần trăm, tức là vào khoảng 450,000 người. Cũng như các sắc dân khác đã tới Hoa Kỳ trong dòng lịch sử, họ vẫn cố gắng giữ được bản sắc và đức tin của họ, thì người Công Giáo Việt Nam chúng ta ngay từ lúc ban đầu, dù phải sinh sống rải rắc khắp nơi trên toàn thể 50 tiểu bang, họ cũng đã có khuynh hướng quy tụ thành những cộng đoàn lớn để duy trì và phát huy văn hóa và đức tin, quy tụ vào các thành phố lớn trong các tiểu bang như California, Texas, Louisiana, Virginia, Washington, Pennsylvania, Maryland, Georgia, Florida, Massachusetts, Illinois, Michigan...

Hiện nay tại Hoa Kỳ, chúng tôi được biết có 45 Giáo Xứ Việt Nam, 3 Trung Tâm Mục Vụ, 50 Giáo Họ và trên 100 Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam lớn nhỏ, sinh hoạt theo sự phân chia thành 8 Miền rất hữu hiệu và sốt sắng. Nếu tính từ thủ đô và theo vòng kim đồng hồ, chúng ta có thể kể tên các Miền như sau: Miền Đông Bắc, Miền Trung Đông (Thủ Đô), Miền Đông Nam, Miền Nam, Miền Tây Nam, Miền Tây, Miền Tây Bắc và sau cùng là Miền Trung gồm các tiểu bang ở giữa nước Mỹ.

Về việc tổ chức và sinh hoạt của cộng đồng, thì từ bao nhiêu năm qua vai trò của người giáo dân trong Liên Đoàn chưa được xác định rõ ràng cho nên có sự khó khăn trong sinh hoạt. Nay Đại Hội Mùa Hè năm 2001 tại Dòng Đức Mẹ Đồng Công đã biểu quyết Bản Lược Đồ mới để tổ chức Liên Đoàn gồm có 3 thành phần chính: Cộng Đồng Giáo Sĩ và Nam Tu Sĩ, Cộng Đồng Nữ Tu (Liên Dòng Nữ) và Cộng Đồng Giáo Dân, đứng đầu mỗi thành phần là một vị phó chủ tịch của Liên Đoàn. Riêng Cộng Đồng Giáo Dân vào mùa hè năm 2002 đã có Đại Hội Liên Đoàn tại Đại học Chapman, Orange, California, và đã bầu ra được vị Đại Diện Giáo Dân lần đầu tiên là ông Phêrô Nguyễn Quang Vinh, Michgan.

Chiếu theo Nội Quy từ nhiều năm qua, sinh hoạt và truyền thống của Cộng Đồng Giáo Sĩ Tu Sĩ (CĐGSTS) và Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ (LĐCG/VN/HK), cả hai tổ chức trên đây chỉ có một vị chủ tịch được Đại Hội Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ bầu ra với nhiệm kỳ là 4 năm và chỉ được tái cử một lần. Các chức vụ khác sẽ do vị Chủ Tịch bổ nhiệm.

3. Tinh Thần và Sinh Hoạt của Liên Đoàn

Như đã được trình bầy ở trên, chúng ta sống trực thuộc vào các giáo phận và giáo quyền tại Hoa Kỳ. Do đó chúng ta chỉ có thể thành lập các hội ái hữu để giúp đỡ lẫn nhau sống ơn gọi tu trì và làm việc mục vụ; đồng thời cũng tự nguyện dành ra một ít thời giờ và cơ hội để sinh hoạt với nhau và nâng đỡ tinh thần lẫn nhau. Con số thành viên giáo dân tuy đông đảo, nhưng các sinh hoạt theo sự phân chia của các Miền vẫn chưa được chặt chẽ và hữu hiệu. Mùa hè vừa qua, Khối Anh Chị Em Giáo Dân lần đầu tiên đã tổ chức được Hội Nghị Mục Vụ Giới Chức - Kỳ I, từ ngày 3 đến 5 tháng 9 năm 2004, tại Houston, Texas. Đây là Hội Nghị lần đầu tiên quy tụ được nhiều quý chức, sẽ đem lại tinh thần hiệp nhất và hoạt động cho các thành viên trong Liên Đoàn. Về phía linh mục, Hành Trình Emmaus từ ngày 4-7 tháng 10 năm 2004 tại Orange County, California, cũng đã quy tụ gần 200 linh mục cùng ngồi lại với nhau hầu xây dựng những gì tốt đẹp cho tương lai của Liên Đoàn.

Tại mỗi Miền, chúng ta có một linh mục chủ tịch Miền và một giáo dân chủ tịch Miền, cùng với ban chấp hành Miền của giáo sĩ tu sĩ và ban chấp hành Miền của giáo dân. Chúng ta có rất nhiều các sinh hoạt chung với nhau như: cấm phòng, tĩnh tâm cho giáo sĩ tu sĩ, các cuộc hành hương, học tập, hội thảo cho anh chị em giáo dân... Dù sao, chúng ta phải thú nhận rằng chúng ta chưa phục vụ được anh chị em cách rộng rãi. Chúng ta rất hi vọng rằng trong những năm tới đây, chúng ta sẽ cố gắng hơn để có nhiều sinh hoạt về tinh thần, về tu đức và về đời sống nội tâm dẫn tới tinh thần huynh đệ giữa các linh mục và tu sĩ; đồng thời giáo dân cũng sẽ có được nhiều sinh hoạt tông đồ, tu đức và phục vụ, nhờ đó hàng ngũ sẽ được chặt chẽ gắn bó với nhau hơn.

Ngoài ra, trong mấy năm qua, tiếng nói của những người Á Châu và các sắc tộc tại Hoa Kỳ đã được Giáo Hội Hoàn Vũ và Giáo Hội Hoa Kỳ chú trọng đến nhiều hơn qua sự xuất hiện và nội dung khích lệ của những Văn Kiện quan trọng sau đây của Giáo Hội:

  • Năm 1999, Tông Hiến Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia), do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành, nhằm khích lệ tinh thần người tín hữu Á Châu.
  • Năm 2000, Tuyên Cáo Mục Vụ “Chào Mừng Những Người Lạ Mặt Giữa Chúng Ta: Hiệp Nhất Trong Dị Biệt (Welcome the Stranger Among Us: Unity in Diversity), của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ nhằm tiếp đón những anh chị em di dân như chúng ta.
  • Năm 2001, Tuyên Cáo Mục Vụ “Sự Hiện Diện Của Người Á Châu Và Thái Bình Dương: Hòa Hợp Trong Đức Tin (Asian and Pacific Presence: Harmony in Faith), cũng nhằm khích lệ và chào đón người dân Á Châu và cách riêng người Việt Nam.
Những tài liệu này có một tầm quan trọng trong đời sống của những người di dân thiểu số như chúng ta, mà chúng ta sẽ phải dành cơ hội để cùng nhau học hỏi. Chúng tôi đã quảng bá các tài liệu đến các Cha, các Thầy Phó Tế và Quý Chức trong Liên Đoàn.

4. Dự Án Thực Hiện Nguyện Đường Đức Mẹ LaVang (Our Lady of LaVang Chapel) Đang Tiến Hành Tốt Đẹp

Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Basilica of The National Shrine of The Immaculate Conception) tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn là ngôi đền thờ nổi tiếng nhất tại Hoa Kỳ. Trong ngôi thánh đường này, cả lầu trên lẫn hầm dưới có 60 gian nhà nguyện dành để tôn Kính Đức Mẹ của các sắc dân khác nhau. Tại mỗi nhà nguyện nhỏ ấy, có bàn thờ với ảnh tượng Đức Mẹ theo kiến trúc và nghệ thuật thánh của nước đó, cùng với bàn quỳ và bảng ghi chép về lịch sử và lòng sùng kính Đức Mẹ của sắc tộc. Gần đây nhà nguyện Đức Mẹ Phi Châu thứ 60 đã được khánh thành với tượng Đức Mẹ màu đen. Chỉ còn lại gian cuối cùng, Ủy Ban Quản Trị Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ đã đồng ý dành cho sắc tộc Việt Nam tại Hoa Kỳ thực hiện Nguyện Đường Đức Mẹ LaVang và đặt tượng Đức Mẹ LaVang tại đó. Hình ảnh Đức Mẹ LaVang với nghệ thuật thánh có phẩm chất cao sẽ là hình ảnh và tiếng nói giới thiệu về văn hóa, tinh thần, giáo hội và tập thể Việt Nam. Chúng tôi dự tính cho công trình này phải tốn phí tối đa vào khoảng 2 triệu Mỹ Kim. Chúng tôi hi vọng Công Trình sẽ hoàn thành và khánh thành vào Đại Hội Liên Đoàn vào Mùa Hè năm tới.

5. Hướng Về Tương Lai Trong Đại Hội Liên Đoàn Kỳ VII

Đại Hội Liên Đoàn Kỳ VII sẽ diễn ra ngày 12-14 tháng 8 năm 2005 tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, kỷ niệm 25 năm thành lập Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, là dịp để kiểm điểm, nhận định và cùng nhau bước vào một cuộc hành trình sống đạo “Hiệp nhất, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng” trong giai đoạn mới.

Có câu hỏi được đặt ra là: “làm sao cho các người trẻ Việt Nam kể cả các linh mục trẻ và mới chịu chức tại Hoa Kỳ và những linh mục đang coi sóc các giáo xứ Hoa Kỳ có thể lưu ý thêm nhiều hơn và sẽ tích cực cổ võ cho các dự án tiếp theo trong thời điểm đang tới?”

Câu trả lời là chúng ta sẽ cố gắng thách thức, trình bầy và cắt nghĩa cho mọi người vậy thôi. Trên bình diện yêu thương và phục vụ, chúng ta đang được kêu gọi trong tương quan và phục vụ cho mọi sắc tộc…. thì tương quan và mục vụ cho người Việt Nam cũng phải là một mối ưu tư và thân thương đến trái tim chúng ta hơn hết có phải vậy không?

(Tài liệu cập nhật ngày 25 tháng 10 năm 2004)