CARIBBEAN - Nếu có ai hỏi Pháp và Hòa Lan có chung biên giới không? Câu trả lời chắc chắn là không. Thế nhưng trên thực tế là “có”. Đảo Saint Martin / Sint Maarten có diện tích 87 km2, trong đó 53 km2 nằm dưới chủ quyền của Pháp, và 34 km2 dưới quyền chủ quyền của Hòa Lan. Đây là đường biên giới duy nhất trên đất liền được chia sẻ bởi Pháp và Hòa Lan bất cứ nơi nào trên trái đất.

Hình ảnh

Saint Martin (tiếng Pháp), Sint Maarten (tiếng Hòa Lan) là một hòn đảo nằm ở đông bắc Caribbean, cách Puerto Rico khoảng 300 km. Đảo có khoảng 80.000 người, trong đó số người sống ở phía Hòa Lan tương đối đông hơn so với phía Pháp.

Tiếng Anh là ngôn ngữ đa số dân chúng ở đây sử dụng, vì đa số dân chúng 85% dân sống nhờ vào ngành du lịch. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Pháp cho Saint-Martin, và tiếng Hòa Lan cho Sint Maarten. Các ngôn ngữ phổ biến khác bao gồm các loại creoles dựa trên Pháp khác nhau (tiếng nói của người nhập cư từ các hòn đảo Caribê khác ở Caribê), tiếng Tây Ban Nha (do người nhập cư từ Cộng hòa Dominican và các nước Nam Mỹ khác) và Papiamento (người Aruba, Bonaire và Curaçao nói).

Ngọn đồi cao nhất là Pic Paradis 424 mét nằm giữa một dãy đồi phía Pháp. Cả hai bên đều đồi núi với những đỉnh núi lớn. Những thung lũng là nơi có nhiều nhà cửa. Không có sông trên đảo, nhưng có nhiều rạch khô. Những con đường mòn đi bộ dẫn đến rừng khô bao phủ các đỉnh và dốc núi trên đảo.

Các thành phố chính gồm có thủ đô Philipsburg (phía Hòa Lan) và thủ đô Marigot (phía Pháp). Và đa số các vùng định cư ở khu Lower Prince's.

Thủ đô Philipsburg bên phía Hòa Lan

Thủ đô Philipsburg của Sint Maarten phía Hòa Lan được đặt tên theo John Philips, người thành lập. Thành có một số phòng trưng bày nghệ thuật quốc tế, những nơi bảo tồn thiên nhiên và môi sinh có tiếng, những bãi biển đẹp, đặc biệt được biết đến với cuộc sống về đêm vui chơi giải trí, đồ trang sức, đồ uống được chế biến từ rượu rum guarabry và sòng bạc nổi tiếng.

Thủ đô Marigot bên phía Pháp

Về phía Pháp nổi tiếng với những bãi biển khỏa thân, mua sắm (bao gồm cả các chợ ngoài trời) quần áo, và ẩm thực Pháp và Ấn Độ. Ở thủ đô Marigot có các nhà ăn danh tiếng với đồ ăn ngon, các quán cà phê đúng loại café au lait, chocolat đủ loại và các quán rượu vỉa hè.

Đi một vòng tham quan St. Martin

Từ bến tầu du lịch cảng Philipsburg ở phía Hòa Lan của hòn đảo, xe tour chở chúng tôi theo bờ biển phía đông của đảo, trên đường đi chúng tôi được chứng kiến các khu định cư lên đồi xuống dốc: khu định cư Saunders Hill, Quartier D’Orleans, Hope Hill, và đi qua nhìn xuống vịnh Orient, nơi có các khu bãi biển thời danh tắm truồng “Adong và Evà”.

Tiếp đến dừng chân tại Grand Case là thị trấn lớn thứ hai ở bên phía Pháp, đây là một làng chài hoang sơ cổ kính bao quanh bởi một vịnh bình dị, nhưng cũng được biết đến như nơi ăn ngon của vùng biển Caribbean.

Tại bến tầu Grand Case, chúng tôi xuống tàu ngầm SeaWorld Explorer (loại tầu ngầm có cửa kính chung quanh dưới đáy) đi tham quan trong vòng 45 phút các thảm san hô xung quanh gò đá Creole Rock. Tầu SeaWorld Explorer là một loại bán tầu ngầm nghệ thuật được phát triển tại Úc để sử dụng cho việc quan sát các thảm san hô lớn nhất trên trái đất là Great Barrier Reef.

Trên khoảng tầu giống như tầu thường ngồi ghế quan sát thiên nhiên và bãi biển, nhưng khi mở cửa xuống thân tàu ở dưới và ngồi trong phòng máy lạnh sâu 5 feet dưới mặt nước, hành trình khám phá cuộc sống dưới lòng biển bắt đâu qua các cửa sổ lớp kính trong suốt. Điểm nổi bật chuyến đi là khi các đoàn cá đủ mọi mầu sắc bao quanh người thợ lặn hiện ra ở phía trước cửa sổ của bạn với đồ ăn trong tay và đoàn cá theo sau. Một chuyên gia về đại dương học đang khi đó cung cấp những thông tin về thế giới dưới nước tuyệt vời, chỉ cho bạn loại cá nào, sinh hoạt ra sao… Trên chuyến đi trở lại vào bờ, chúngt tôi tận hưởng những cảnh quan tuyệt đẹp của vùng vịnh Grand Case Bay và tảng đá đẹp Creole Rock.

Sau đó chúng tôi tới thăm thủ đô Marigot của Pháp. Thành phố Pháp này đúng với danh hiệu là “Joie de vivre” (vui sống) với tất cả niềm đam mê của mình. Phong cảnh chung quanh thành phố trên núi dưới biển đẹp như tranh vẽ, thêm vào sức hấp dẫn của Marigot danh tiếng như là thủ đô ẩm thực của vùng biển Caribbean.

Một loạt các cửa hàng sang trọng và, các quán cà phê vỉa hè, quán rượu, cửa hàng bánh ngọt và các cửa hàng với các kỷ vật kỳ. Có một khu vực mua sắm cao cấp, cửa hàng quốc tế hàng hiệu cho người mua sắm sành điệu sang trọng ở dưới chân pháo đài Fort St Louis.

Gần bến cảng du khách tham quan Marina La Royale, trong đó có quần áo từ các nhà thiết kế mới nhất của châu Âu, cũng như đồ trang sức mỹ. Thành phố là chỉ có bốn con đường rộng, nên dễ dàng đi xung quanh và trải nghiệm tất cả cuộc sống đầy xinh động nơi đây.

Chúng tôi tìm đến thăm nhà thờ Công Giáo với tên vị thánh Martin của thành phố. Nhà thờ nằm trên lưng chừng dốc núi mà trên đỉnh núi là Fort St. Louis. Tiếc rằng khi chúng tôi đến thì nhà thờ đóng cửa không vào thăm bên trong được.

Trên đường về chúng tôi đi theo bờ biển dọc theo Vịnh Simpson, đi qua các căn biệt thự sang trọng, các du thuyền trị giá và các điểm tham quan ngoạn mục… Đặc biệt là đi qua bãi tắm nằm ngay dưới đường bay phi trường Princess Juliana International Airport. Nhiều du khách nhất định tới bãi tắm này đề được cảm nghiệm cảm giác giật gân khi đang tắm hay phơi nắng mà những chiếc máy bay khổng lồ đang hạ cánh như ngay trên đầu của mình. Nhiều người đang tắm biển đã phải chạy vào các hàng rào để bám chặt tay vào hàng rào, không thì sức ép của gió phát ra động lực phi cơ sẽ làm bạn bay ra biển…

Về tình hình kinh tế, chúng tôi được biết bình quân đầu người của Saint Martin mỗi năm là khoảng trên 15.000 Euro. Ngành công nghiệp chính của đảo là du lịch. Hòn đảo này đã có khoảng một triệu du khách hàng năm. Khoảng 85% lực lượng lao động tham gia vào ngành du lịch.

Mua sắm trên St Maarten và Saint Martin cung cấp hàng miễn thuế tại nhiều cửa hàng. Hàng hoá phổ biến bao gồm hàng thủ công mỹ nghệ địa phương, thực phẩm địa phương, đồ trang sức, rượu, thuốc lá, hàng da, cũng như hầu hết các hàng hoá thiết kế. Hầu hết các nhà thiết kế hàng hoá được chào bán với mức giảm giá đáng kể, thường thấp hơn 40% so với giá bán lẻ ở bên Âu châu EU.

Saint Martin sử dụng đồng Euro làm đơn vị tiền tệ, trong khi Sint Maarten sử dụng tiền Guilder Antilles của Hòa Lan (2 guilder bàng 1 Euro). Do hậu quả của việc giải thể tiền Giulder Antilles của Hòa Lan, nó sẽ bị thay thế bởi đồng Giulder Caribbean trong những năm tới. Hầu như mọi cửa hàng trên đảo cũng chấp nhận đồng đô la Mỹ,

Xe buýt công cộng là phương tiện chủ yếu để vận chuyển du khách trên đảo. Giao thông trên hòn đảo đã trở thành một vấn đề lớn. Ùn tắc giao thông thường kéo dài giữa Marigot, Philipsburg và sân bay.

Bởi vì hòn đảo nằm dọc theo vùng hội tụ bão hurrican liên vùng, đôi khi nó bị đe doạ bởi bão nhiệt đới vào cuối mùa hè và đầu mùa thu. Bão năm 1995 làm thiệt hại kể như 50% số nhà trên đảo.

Vài nét Lịch sử về đảo St Martin / St Maarten

Năm 1493, Christopher Columbus khởi hành chuyến đi thứ hai của mình tới Thế giới Mới. Theo truyền thuyết, Columbus đã nhìn thấy và có thể đã neo đậu tại hòn đảo Saint Martin vào ngày 11 tháng 11 năm 1493, ngày lễ Saint Martin của Tours. Để vinh danh vị thánh, Columbus đã đặt tên cho hòn đảo "San Martin". Tên này được dịch sang "Sint Maarten" (Hòa Lan).

Vào thời Columbus, St. Martin đã có dân cư ngụ và là người Carib Amerindians (thổ dân da đỏ trong vùng Caribbean). Lãnh thổ vùng Carib này (Tây Ấn West Indies) đã không hoàn toàn được chinh phục cho đến giữa thế kỷ 17 khi hầu hết những cường quốc thời đó chiến tranh đi dành đất làm thuộc địa gồm có: Pháp, Anh, Hòa Lan, Đan Mạch và Tây Ban Nha.

Mặc dù có sự hiện diện của người Hòa Lan trên hòn đảo trong thập niên 1620, người Tây Ban Nha đã chiếm lại St. Martin vào năm 1633. Một năm sau, họ xây dựng một pháo đài (nay là Ft Amsterdam) và một chiếc pháo đài khác tại Pointe Blanche để khẳng định quyền kiểm soát của mình trên đảo và tiếp cận với Great Bay.

Một đợt lớn đưa nô lệ người Phi châu đến đây đã xảy ra vào thế kỷ 18 với sự phát triển của đồn điền mía của người Tin Lành Pháp và người Hòa Lan. Khi chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ vào nửa đầu thế kỷ 19, người Anh đã nhập khẩu người Trung Quốc và người Nam Á để thay thế cho nô lệ trên một số lãnh thổ của họ. Do đó, St Martin và các hòn đảo khác trong vùng này được nhập cư với các sắc dân hỗn hợp gồm: Thổ dân da đỏ, người từ châu Âu, châu Phi, Ấn Độ và châu Á.

Vào ngày 23 tháng 3 năm 1648, Pháp và Cộng hòa Hòa Lan đã đồng ý chia đảo giữa hai lãnh thổ của họ với việc ký kết Hiệp ước Concordia. Truyền thuyết dân gian bao quanh lịch sử phân chia ranh giới giữa St Martin và Sint Maarten đáng chú ý, và một câu chuyện ly kỳ phổ biến giữa người dân địa phương kể rằng "Việc chia đảo thành hai phần, [vào năm 1648] dân chúng được yêu cầu chọn ra hai người đi bộ, một người từ cộng đồng Pháp cai trị, và người kia do cộng đồng người Hòa Lan cai trị. Hai người này được đưa ra hai nơi xa nhất ven biển của hòn đảo đối ngược lại với nhau, và cho họ đi bộ (không được chạy!) đối mặt lại với nhau. Điểm mà họ gặp nhau sẽ là biên giới chia đảo thành Saint Martin thuộc Pháp và Sint Maarten thuộc Hòa Lan. Và kết quả là người Pháp dã đi bộ nhiều hơn (được 54 cây số) là người Hòa Lan (32 cây số). Câu chuyện còn tường thuật là rằng người Pháp trước khi đi đã uống rượu nho còn người Hòa Lan uống rượu mạnh Janever (loại Gin của Hòa Lan) nên bị say xỉn. Trái lại người Hòa Lan đổ tội cho người Pháp ăn gian đã chạy thay vì đi bộ!

Các đảo lân cận St Martin bao gồm Saint Barthélemy (Pháp), Anguilla (Anh), Saba (Hòa Lan), Sint Eustatius "Statia" (Hòa Lan), Saint Kitts và Nevis (độc lập, trước đây là Anh). Ngoại trừ Nevis, tất cả các hòn đảo này đều dễ nhìn thấy được vào một ngày trong lành từ St. Martin.