Giải đáp phụng vụ: Có thể dùng lại cây nến Phục Sinh cũ không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con có một câu hỏi liên quan đến cây nến Phục Sinh. Con đang ở trong một tu viện nhỏ, do đó chúng con không có cây nến Phục Sinh để dùng trong khi đọc Các Giờ Kinh Phụng vụ. Con nghĩ rằng cây nến Phục Sinh là một biểu tượng đặc biệt cho một nhà thờ hoặc một tu viện lớn, nơi mà giáo dân đến cùng đọc Giờ Kinh Phụng vụ với các nữ tu. Đó là lý do tại sao chúng con không cần một cây nến Phục Sinh trong Thánh Lễ, hay trong Giờ Kinh Phụng vụ trong tu viện. Nhưng các nữ tu khác của con khăng khăng đòi có một cây Nến Phục Sinh, vì vậy các chị xin sử dụng cây nến Phục Sinh cũ của một nhà thờ từ năm trước. Các chị cạo số và sử dụng một miếng dán để thay đổi số của năm. Thưa cha, liệu có được phép sử dụng một cây nến Phục Sinh cũ theo cách này không? Nến này đã được làm phép, nhưng không phải cho năm nay. - T. M., Crosby, Texas, Hoa Kỳ.


Đáp: Đã có một số hướng dẫn gần đây, vốn cung cấp cách thức để giải quyết tình huống cụ thể này. Sự cần thiết phải có một vài cây nến Phục Sinh, dù cho chỉ có một buổi cử hành Vọng Phục sinh mà thôi, đang trở nên phổ biến hơn trong các trường hợp, thí dụ, khi một linh mục có vài nhà thờ thuộc quyền ngài quản lý. Trong trường hợp này, mỗi giáo xứ cần có một cây nến Phục Sinh để dùng trong các dịp rửa tội và lễ an táng, nhưng linh mục chỉ có thể làm phép một cây nến trong Lễ Vọng Phục Sinh mà thôi.

Thí dụ: Ủy ban Phượng tự của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đưa ra các gợi ý như sau trong tập “Eighteen Questions on the Paschal Triduum” (Mười tám câu hỏi về Tam Nhật Thánh):

"Trong trường hợp các nhà thờ truyền giáo và các giáo xứ cụm, có thể dùng nhiều cây nến Phục Sinh cho lễ Vọng Phục sinh không? Sách Lễ Rôma, không tiên liệu tình hình mục vụ của các nhà thờ truyền giáo hay các giáo xứ cụm, nói rõ rằng chỉ dùng một cây nến Phục Sinh cho lễ Vọng Phục Sinh mà thôi. Để đáp ứng các tình hình đặc biệt, Ban Thư ký của Ủy ban Phượng tự có thể gợi ý rằng, các cây nến của các nhà thờ truyền giáo hoặc các nhà thờ giáo xứ khác có thể hiện diện trong lễ Vọng Phục sinh, được chuẩn bị trước, và được làm phép cùng một lần với cây nến chính Phục sinh (có thể Phó tế hoặc các đại diện khác cầm các nến ấy). Nhằm phù hợp với chữ đỏ, để dành cho việc thắp các nến nhỏ và đám rước, chỉ một cây nến Phục sinh được thắp sáng mà thôi (tức cây nến chính, hoặc cây nến sẽ ở lại trong nhà thờ đó). Khi các ngọn nến khác trong cộng đoàn được thắp sáng, các cây nến Phục Sinh khác có thể được thắp sáng, và được cầm (nhưng không đưa lên cao, để duy trì sự nổi bật của cây nến chính Phục Sinh) bởi một người trong cộng đoàn. Sau khi mọi ngọn nến được tắt đi, sau bài ca Exsultet (Mừng vui lên), các cây nến Phục Sinh khác được đặt sang một bên. Vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh, các cây nến này có thể được đưa về các nhà thờ truyền giáo, và được cầm, thắp sáng trong đám rước đầu lễ nhất tại mỗi nhà thờ, và đặt vào vị trí trên cung thánh”.

Như tài liệu này nhắc nhở chúng ta, các sách phụng vụ và các hướng dẫn nhấn mạnh rất nhiểu rằng, chỉ có một cây nến Phục Sinh được chuẩn bị cho lễ Vọng mà thôi. Chẳng hạn, Thư luân lưu năm 1988 về việc chuẩn bị cho lễ Phục sinh do Thánh Bộ Phượng Tự công bố nói:

"Cây nến Phục Sinh cần được chuẩn bị, do là biểu tượng hiệu quả, phải được làm bằng sáp, không bao giờ là nhân tạo, phải thay mới mỗi năm, và chỉ có một cây nến như thế, có kích thước đủ lớn, để nó có thể gợi lên chân lý rằng Chúa Kitô là Ánh sáng trần gian. Nó được làm phép với các dấu hiệu và các chữ được quy định trong Sách Lễ, hay bởi Hội đồng Giám Mục".

Sự nhấn mạnh này phải làm với biểu tượng liên quan đến ánh sáng duy nhất của Chúa Kitô, mà từ đó tất cả các ngọn nến khác được thắp sáng.

Giải pháp được đề xuất trên đây không có hiệu lực pháp lý, nhưng trình bày một giải pháp cảm thức chung cho một vấn đề mục vụ đích thực. Tuy nhiên, nó không giải quyết được tất cả các vấn đề, và chúng ta cũng có thể lấy sự ra hiệu cho chúng ta từ các qui định có hiệu lực trước Công đồng chung Vatican II.

Vào thời điểm đó, nếu Thánh lễ hay Giờ Kinh Phụng Vụ được cử hành ở một bàn thờ cạnh trong mùa Phục Sinh, người ta được phép sử dụng cây nến Phục Sinh thứ hai, miễn là nó đã được làm phép, và có năm hạt trầm thơm.

Do đó, cũng như giải pháp được đề xuất ở trên, có thể rằng một linh mục sẽ làm phép nến riêng, và chuẩn bị các cây nến khác, vào một thời điểm thuận tiện sau Thánh lễ Vọng Phục Sinh, và chỉ đơn giản đặt chúng trong nhà thờ giáo xứ khác, trước lễ nhất của ngày Chúa Nhật, và không có các nghi thức đặc biệt nào.

Xét cho cùng, ngay cả khi Thánh Lễ Vọng đã được cử hành vào đêm trước, các người tham dự Thánh Lễ vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh thường thấy cây nến Phục Sinh đã được đặt vào vị trí trên cung thánh, và không có nghi thức đặc biệt nào được thực hiện nữa.

Tuy nhiên, thật là thích hợp để xông hương cho cây nến và bàn thờ ở đầu Thánh lễ.

Một tình huống tương tự cũng có thể áp dụng cho một tu viện hoặc một nhà nguyện nhỏ, nơi mà Thánh lễ Vọng không được cử hành. Tốt hơn là nên có một cây nến mới, ngay cả khi nó có kích thước tương đối ngắn, vì nó hầu như hiếm khi được tiêu thụ hết, trong các Thánh lễ và Giờ Kinh của mùa Phục Sinh.

Việc sử dụng cây nến cũ không phải là lý tưởng, mặc dù nó có thể chấp nhận được, nếu nó được điều chỉnh theo một cách nào đó, để gần như trở thành một cây nến mới. Điều này sẽ đòi hỏi một công việc nhiều hơn, so với chỉ cạo bỏ các con số năm cũ; ít nhất nó sẽ yêu cầu gỡ bỏ phần được sử dụng nhiều nhất, để một bấc nến sạch có thể được thắp sáng vào ngày Phục Sinh. Nếu cần, đồ vật trang trí cho cây nến cần được thay mới hoàn toàn. (Zenit.org 2-5-2017)

Nguyễn Trọng Đa