Hôm đó là ngày 6 tháng Sáu năm 1987. Tổng Thống Ronald Reagan đang trên đường tới Rôma để hội kiến với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Cuộc hội kiến đầu tiên của họ đã diễn ra cách đó 5 năm, ngày 7 tháng Sáu năm 1982, trong đó, hai người chia sẻ với nhau các xác tín chung rằng việc Thiên Chúa cho họ sống thoát các mưu toan ám sát vào một năm trước chắc chắn có một mục đích đặc biệt, đó là đánh bại chủ nghĩa cộng sản vô thần Xô Viết. Với Đức Gioan Phaolô II, trải nghiệm gần chết này xẩy ra ngày 13 tháng Năm năm 1981, Ngày Lễ Đức Mẹ Fatima, Đấng mà lời bầu cử được ngài tin chắc đã cứu mạng sống ngài.

Nay, vào ngày 6 tháng Sáu, năm 1987, Tổng Thống Ronald Reagan chắc chắn đã nghe rõ câu truyện trên rồi, qua Frank Shakespeare, đại sứ của ông tại Vatican.

Paul Kengor, giáo sư Khoa Học Chính Trị tại Cao Đẳng Grove City, tác giả cuốn A Pope and a President, vừa xuất bản hồi tháng Tư vừa qua, cho hay chính cựu đại sứ Frank Shakespeare đã xác nhận với ông rằng Đại Sứ đã thuyết trình cho Tổng Thống Reagan về Fatima trong chuyến Ý du của ông này hồi tháng Sáu năm 1987. Lúc đó, Tổng Thống Reagan đang dự hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Bắc Ý. Ông mong bay tới Rôma để hội kiến với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người mà ông luôn tìm cách hội kiến bất cứ khi nào có thể. Đại Sứ Shakespeare luôn hiện diện bên Tổng Thống Reagan suốt trong những ngày ở Rôma, diện đối diện, trên máy bay, trong xe hơi.

Ông cho biết: “tôi nói với Tổng Thống Reagan về Fatima trong chuyến đi này, trên máy bay và ở trong xe. Và Tổng Thống lắng nghe một cách rất, rất ư cẩn thận, rất chú ý. Ông hết sức lưu tâm”.

Thực ra, theo Paul Kengor, Reagan từng được nghe về Fatima trước đó, tức ngày 9 tháng Năm năm 1985, lúc ông đọc diễn văn trước quốc hội Bồ Đào Nha.

Người viết bài diễn văn trên cho Tổng Thống Reagan chính là Tony Dolan, một người Công Giáo sùng đạo, có lòng sùng kính đối với Đức Mẹ, đối với Fatima và đối với các lần Đức Mẹ hiện ra. Dolan biết rất rõ về Fatima và cho Kengor hay: Tổng Thống Reagan cũng biết khá rõ: “Ông biết Fatima ra sao. Fatima từ lâu vốn là một phần của phong trào chống cộng sản. Phong trào Fatima là một điều ông đã biết từ lâu. Và ông biết cả khía cạnh huyền nhiệm của nó nữa”.

Nghĩa là Tổng Thống rất kính trọng Mẹ Chúa Giêsu. Hơn nữa, cha Reagan vốn là một người Công Giáo, người anh và chị dâu của ông cũng là những người Công Giáo sùng đạo, ngày nào cũng rước lễ, triệt để chống cộng, dĩ nhiên biết Đức Mẹ Fatima. Ngoài ra, ông còn được vây quanh bởi nhiều nhân viên Công Giáo, những người như Bill Casey và Bill Clark. Người ta còn cho rằng Reagan không xa lạ gì với câu truyện Fatima, vì hồi ông làm chủ tịch Nghiệp Đoàn Tài Tử Hollywood, một cuốn phim lớn về các cuộc hiện ra ở Fatima đã được sản xuất tại đây.

Dù gì, thì chứng cớ công cộng cho thấy hiểu biết của Tổng Thống Reagan về Fatima cũng rất hiển nhiên qua bài diễn văn đọc trước Quốc Hội Bồ Đào Nha năm 1985. Các dân biểu hôm đó hết sức ngạc nhiên khi họ nghe lời dịch bài diễn văn của ông:

“Những con người nhân bản không phải chỉ là một thành phần nữa của vũ trụ vật chất, không phải chỉ là một mớ nguyên tử. Chúng ta tin vào một chiều kích khác, khía cạnh tâm linh của con người. Chúng ta tìm được nguồn gốc siêu việt cho việc chúng ta đòi quyền tự do nhân bản, chúng ta cho rằng các quyền bất khả nhượng phát xuất từ một nguồn lớn lao hơn chính chúng ta.

“Không người nào đã làm nhiều hơn thế trong việc nhắc nhở thế giới nhớ tới chân lý về phẩm giá con người, cũng như chân lý cho rằng hoà bình và công lý bắt đầu từ mỗi người chúng ta, hơn là con người đặc biệt đã tới Bồ Đào Nha cách nay mấy năm sau cuộc mưu toan khủng khiếp nhằm ám sát ngài. Ngài tới đây, tới Fatima, địa điểm có đền thánh vĩ đại của qúy vị, để làm trọn lòng sùng kính đặc biệt của ngài đối với Đức Maria, để khẩn xin ơn tha thứ và lòng cảm thương giữa con người với nhau, để cầu xin cho hòa bình và việc nhìn nhận nhân phẩm khắp thế giới.

“Khi tôi gặp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II một năm trước đây ở Alaska, tôi đã cám ơn ngài vì đời sống và việc tông đồ của ngài. Và tôi dám góp ý với ngài rằng gương sáng của những người như ngài và việc cầu nguyện của những người đơn sơ khắp nơi, đơn sơ như các trẻ em Fatima, có nhiều sức mạnh hơn mọi đạo quân và các chính khách vĩ đại của thế giới”.

Khi nghe chữ “Fatima” từ chính miệng Tổng Thống Reagan, cả quốc Hội Bồ Đào Nha đã vỗ tay vang dội. Họ không ngờ một vị quốc trưởng Thệ Phản, trong một bài diễn văn chính thức, lại đã nhắc tới địa danh thánh thiêng của họ.

Dolan cho biết chính ông đã lồng địa danh ấy vào bài diễn văn và Tổng Thống Reagan rất đắc ý. Tuy nhiên, truyền thông chính giới Hoa Kỳ không ai lưu ý. Kengor cho rằng có thể vì trong chuyến Âu Du 10 ngày này, vụ Bitburg kéo chú ý của họ nhiều hơn.

Thực vậy, tại Tây Đức, Tổng Thống Reagan đã tới thăm và đặt vòng hoa tại nghĩa trang Bitburg, nơi an táng 2,000 binh sĩ Đức, trong đó có 49 SS của Quốc Xã. Việc này bị dư luận tại Đức và quốc nội Hoa Kỳ phản đối dữ dội, khiến ông sau đó phải hối tiếc vì đã “mở lại các vết thương cũ”, dù ông có thiện chí muốn nối “quá khứ với hiện tại”, các kẻ thù cũ nay thành bằng hữu. Nhân viên Tòa Bạch Ốc phải thừa nhận đây là “sự thất bại lớn nhất của nhiệm kỳ tổng thống của Ông Reagan”.

Như ta đã thấy, nhờ cả Tổng Thống Reagan lẫn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cùng lưu ý tới Fatima, nơi Đức Mẹ nói tới thảm họa Cộng Sản đầu tiên, hai người đã cùng nhau noi gương Đức Mẹ đạp dập đầu con rắn đỏ và đã thành công.