Những sửa đổi này thay đổi luật dân sự cuả năm 1959, được chấp thuận sau cuộc cách mạng 14 tháng 7 năm 1958 dưới thời chính phủ Abdel Karim Kassem và trong thời điểm đó được coi như là một bộ luật tiến bộ nhất cho quyền phụ nữ và trẻ em.
Dự thảo sửa đổi đã được thông qua "trên nguyên tắc" một tuần trước đây bởi nghị viện Iraq, trong lúc mà dư luận đang bị phân tâm bởi cuộc khủng hoảng với Kurdistan.
Theo một số ý kiến, thì tuy Iraq đã thoát khỏi cái ách cuả Daesh (ISIS), nhưng tâm lý Hồi giáo đang lan rộng tới nền tảng pháp luật, gây ra những vi phạm vào các quyền của phụ nữ, cuả trẻ em và cuả những người theo tôn giáo ngoài Hồi giáo (đặc biệt là các Kitô hữu và người theo đạo Saba *).
Tại thời điểm cuả cuộc bỏ phiếu, mười lăm đại biểu đối lập đã bỏ ra ngoài trong một nỗ lực để chấm dứt cuộc họp nhưng đã bị bỏ qua.
Bộ luật năm 1959 đã từng trải qua những thăng trầm trong nhiều chục năm. Nó bị thách thức vào năm 2003 bởi "Hội Đồng Quản Trị" do lực lượng xâm chiếm Mỹ thiết lập. Ngày 29 tháng 12 năm 2003, vị chủ tịch hội đồng là Abdelaziz Al Hakim ban hành nghị định 137 mà đoạn đầu tiên viết "cần thiết phải áp dụng luật Hồi giáo sharia cho những việc hôn nhân, hồi môn, hợp đồng hôn nhân, thừa kế, ly hôn, quyền giám hộ... ". Đoạn văn thứ hai ghi thêm "huỷ bỏ bất kỳ đạo luật nào trái với nội dung của đoạn trên".
Lúc đó nghị định bị chỉ trích ồn ào ở Iraq và cà ở ngoài nước nên cuối cùng ông thống đốc Paul Bremer đã xóa bỏ nó. Sau 14 năm, Hồi Giáo cuả Iraq (Sunni và Shiite) lại cố gắng để thúc đẩy nó.
Thoạt nhìn qua dự luật lần này, thì dường như là một dự luật vô hại và cấp tiến, nhưng nhìn kỹ lại, ngưới ta thấy nó bao gồm đoạn văn số 1 và 2 của nghị định năm 2003. Dự luật viết: "người liên hệ vào bản án này được phép yêu cầu tòa án dân sự cho áp dụng luật sharia cuả tôn giáo mà đương sự thống thuộc" và đoạn số 9 (sau cùng) lại viết rằng "không có luật pháp nào khác được trái với luật được áp dụng này".
Tóm lại chỉ có luật Sharia cuả người Hồi Giáo Sunni hay Shiite là sẽ được công nhận, còn những qui luật cuả các tôn giáo khác sẽ không được áp dụng nữa.
Điều 9 nói trên đi ngược với điều 41 của Hiến pháp Iraq nói rằng "người Iraq có quyền được xét xử phù hợp với tôn giáo, giáo phái, niềm tin hay lựa chọn, và đây là quy định của pháp luật."
Áp dụng vào thực tế, đó là một ý đồ để áp dụng bô luật Awkaf của Đế quốc Ottoman, những ai không theo Hồi giáo sẽ bị coi là công dân hạng 2 và các điều luật cuả các tôn giáo khác phải nhường chỗ cho Hồi Giáo. Hiến pháp khẳng định rằng " Hồi giáo là tôn giáo chính thức của nhà nước và là nguồn gốc cơ bản của mọi pháp luật".
Bà Rizan Sheikh Dler, phó chủ tịch của ủy ban "Phụ nữ, gia đình và tuổi thơ" cuả Iraq, cho biết: "Đây là một thảm họa đối với phụ nữ." Và nói thêm: "Việc áp dụng luật này nhắc lại việc đối xử cuả bọn Daesh (ISIS) đối với phụ nữ, khi chúng bắt buộc những trẻ vị thành niên phải kết hôn với các chiến binh trong khi chúng chiếm đóng Mosul và Syria."
Tuy dự luật không rõ ràng nói ra chữ Sharia, nhưng rõ ràng nó lấy cảm hứng từ sharia. Sẽ là hợp pháp để gả con cho các em gái 12 tuổi (theo như luật của cả 2 phái Shiite Jafarist và Sunni Salafi).
Một số ý kiến bảo vệ dự luật cho rằng "việc tảo hôn trẻ vị thành niên thường xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, nhưng không chính thức được đăng ký cho đến khi chúng đến tuổi pháp lý". Một số người khác còn nhấn mạnh rằng không thể "cấm việc kết hôn với trẻ vị thành niên trong xã hội của các tín hữu".
Theo bà Farah El Siraj của Mosul thì dự luật mới sẽ "kéo lùi đất nước trở lại 100 năm", là thời gian của đế chế Ottoman. " Luật mới, bà El Siraj nói, cho phép quyền nuôi con cuả người phụ nữ ly dị chỉ được phép khi đứa con còn dưới hai tuổi," và "các cô gái được phép kết hôn ở tuổi 12."
Đối với bà El Siraj thì luật này "trái với luật pháp quốc tế và nhân quyền... và chỉ là nhằm xoa dịu những tên tôn giáo cuồng tín và để tìm kiếm lá phiếu của chúng." Bà El Siraj nói duy trì một luật như thế thì cũng tương tự như việc "áp dụng pháp luật cuả bọn Daesh trong những vùng đã được giải thoát khỏi chúng".
Đối với nhà hoạt động dân chủ là bà Majida Al Jburi thì không chỉ là một sự vi phạm các quyền của phụ nữ và trẻ vị thành niên, mà còn là phân biệt đối xử đối với mọi người không phải là Hồi Giáo, chẳng hạn như "người không theo Hồi giáo không có quyền kế thừa từ một người Hồi giáo; nhưng ngược lại, lại cho phép người Hồi giáo được kế thừa từ người không Hồi giáo; trẻ em được coi là Hồi giáo theo pháp luật, nếu chúng có một phụ huynh là người Hồi giáo; cấm người không hồi giáo được nuôi trẻ em nam Hồi giáo; cấm người Hồi giáo kết hôn với người không Hồi giáo ".
Ngay cả những chứng từ trên toà án cũng có sự phân biệt đối xử: "Toà sẽ từ chối những lời chứng từ người ngoài Hồi giáo" và "lời khai của người không Hồi giáo thì không hiệu lực so với lời khai cuả người Hồi giáo", trong khi phụ nữ Hồi giáo "bị cấm không được làm chứng ngoại trừ trong vài trường hợp hiếm hoi".
Đại biểu Josef Salyoa cuả người Thiên Chuá Giáo đã yêu cầu Quốc hội lắng nghe "tiếng nói của người dân trên đường phố" và lên án việc lén lút chấp thuận dự luật dù cho việc bỏ phiếu đã thiếu một đại biểu.
Nhà triết học Iraq là Abdel Khalek Hussein mô tả các luật mới là "tội phạm chống lại trẻ em" và kêu gọi tất cả các đảng phái và các lực lượng thế tục ở trong nước khởi kiện và kháng cáo lên Tòa án tối cao đòi hỏi "huỷ bỏ pháp luật mới vì nó vi hiến.”
*Đạo Saba: những người theo đạo mà truyền thuyết là đạo Thiên Chuá do hoàng hậu Saba thiết lập ở quê nhà (Nam Yemen) sau khi bà gặp vua Salomon.