Thời giờ trong đời sống

Con người được tạo dựng sinh sống trong không gian và thời gian.

Không gian đó là công trình vũ trụ thiên nhiên, là quê hương quốc gia đất nước vùng tỉnh thành, làng xã thôn xóm nơi sinh sống, và mật thiết gắn bó chặt chẽ hơn là tổ ấm gia đình.

Còn khung cảnh thời giờ được kể tính bằng những con số theo niên lịch năm tháng ngày giờ. Thời giờ không có hình dạng khung cảnh cụ thể như không gian.

Có những người sống đạt tới tuổi trường thọ, đại thọ, nhưng suy nghĩ lại họ tự hỏi: Thời giờ đời tôi biến đi đâu rồi vậy?

Thời giờ một khi qua đi không thể giữ lại được. Có chăng là những hình ảnh biến cố đã xảy diễn ra trong thời gian đó.

Thời giờ trôi qua đi như dòng nước chảy trong lòng sông hồ đại dương.

Nhà hiền triết Platon (428 v. Chr. in Athen, + 348 v. Chr. in Athen) nghĩ rằng khung cảnh và thời giờ không là vật thể, nhưng chúng chỉ là những hình ảnh chuyển động của ý tưởng.

Còn nhà hiền triết Aristoteles ( * 384 v. Chr. in Stageria,+ 322 v. Chr. in Chalkis) có suy tư cho rằng thời giờ là kích thước của sự chuyển động và nó chỉ có thể có được qua đo lường. Thời giờ trôi đi liên tục không cùng tận.

Thánh Augustino có suy tư về mầu nhiệm bí ẩn của thời giờ. Ông phân biệt thời giờ theo vật lý đo lường và thời giờ theo cung cách khách quan của biến cố diễn xảy ra.

Thời giờ và khung cảnh không gian do Thiên Chúa tạo dựng nên và với Ngài tất cả là hiện tại.

Nhưng sau cùng Ông cũng nói lên tâm tư: Nếu hỏi tôi thời giờ là gì? Tôi muốn nói cho người hỏi tôi là tôi không biết thời giờ là gì.

Dẫu vậy trong đời sống thời giờ luôn có đó cho mọi loài thụ tạo trên trong trần gian. Mẩu đối thoại ngụ ngôn dưới đây nói về thời giờ theo cung cách nếp sống của mỗi loài thụ tạo.

„Một ngôi sao trên nền trời trong sáng giữa đêm khuya lên tiếng trò truyện với chúng bạn: Các Bạn có biết thời giờ là cái gì vậy ? Các ngôi sao tỏ ra hững hờ với câu hỏi xem ra chỉ để hỏi và chẳng ai có thể tìm ra câu trả lời thoả đáng được.

Họ tiếp tục làm phận sự lấp lánh trên bầu trời chiếu sáng cho công trình Ðấng Tạo Hoá vào ban đêm thêm vẻ thi vị và chỉ phương hướng cho người đang lênh đênh trên biển cả, cho người đang lần bước đi trong vùng rừng sâu núi thẳm, cho các nhà học giả về Thiên văn chiếu ống viễn vọng kính hướng lên bầu trời tìm hiểu về các tinh thể lúc ban đêm...

Ngôi sao Mai đang bay lượn ngang qua nghe thấy câu hỏi vang bên tai liền lên tiếng: Sao Bạn lại có câu hỏi ngộ nghĩnh như thế! Bạn biết không, từ hàng tỷ năm rồi tôi vẫn hằng bay lượn toả ra ánh sáng lấp lánh trên bầu trời, trước khi các bạn khám phá nhìn thấy tôi. Và đến một lúc nào đó, khi tôi không còn ở đây, các bạn cũng vẫn còn nhìn thấy tôi hằng tỷ năm nữa...

Một chỏm đá cao nhọn trên ngọn núi, ngày nọ lên tiếng hỏi vào thinh không: Thời gian là cái gì vậy ?

Rồi anh ta tự than thở: À, phải rồi, có lẽ từ hàng triệu năm rồi tôi trồi lên từ trong lòng đất thành tảng đá cao lớn chênh vênh giữa trời như bây giờ. Không có gì trên hoàn cầu này có thể di chuyển thay đổi được tôi đi chỗ khác...

Giòng nước vẫn hằng chảy trườn qua mọi ngóc ngách, vượt qua mọi cản trở trong lòng sông dưới khe suối cất tiếng: Ừ, Thời gian là cái gì vậy?

Không đợi cho ai trả lời, anh ta trầm ngâm: Tôi, mọi lúc bất kể ngày đêm hay mưa nắng, tứ thời bát tiết vẫn hằng chảy trườn đi khắp mọi nơi, và đã bắt gặp nhìn thấy những cánh ruộng đồng bao la bát ngát, đất đai núi đồi trùng điệp. Tôi lượn quanh uốn khúc ngoài đại dương, trong lòng sông, nơi khe suối trong lùm cây bụi cỏ, dưới ánh mặt trời ban ngày, và dưới ánh trăng sao lúc ban đêm. Tôi đã trải qua tất cả.

Chú Bọ Thiêu Thân bay lượn qua lại đùa giỡn quanh ngọn đèn đường cũng lên tiếng than vãn: Thời gian là cái gì vậy ?

Tung tăng bay lượn với chúng bạn, thình lình chú lao mình vào ngọn đèn đang cháy nóng chiếu sáng và tự trả lời cho mình: Ðó chính là đời sống của tôi! (Margarete Walke, Die Blume in der Wueste, Zeit . Tr. 40.)

Thời giờ được Đấng Tạo Hóa thiết lập cho đời sống con người.

„1 Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời :

2 một thời để chào đời, một thời để lìa thế ;

một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây ;

3 một thời để giết chết, một thời để chữa lành ;

một thời để phá đổ, một thời để xây dựng ;

4 một thời để khóc lóc, một thời để vui cười ;

một thời để than van, một thời để múa nhảy ;

5 một thời để quăng đá, một thời để lượm đá ;

một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn ;

6 một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất ;

một thời để giữ lại, một thời để vất đi ;

7 một thời để xé rách, một thời để vá khâu ;

một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng ;

8 một thời để yêu thương, một thời để thù ghét ;

một thời để gây chiến, một thời để làm hoà.“ ( Sách Giảng Viên 3, 1-8)

Và con người cũng cần phải có thời giờ cho Đấng tạo Hóa. Vì thế khi Chúa Giêsu đến trần gian đã kêu gọi con người dùng thời giờ cho hữu ích về phần tâm linh đạo giáo:

"Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm“ ( Mc 1, 15).

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long