Các lời cầu nguyện trong Thánh Kinh đều là những lời đối thoại của tín hữu với Thiên Chúa, trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, để nói lên sự thờ phượng, lòng cảm tạ biết ơn, để xin sự trợ giúp cho người nghèo, xin che chở khỏi địch thù, xin cứu thoát khỏi kẻ áp bức, xin yêu Chúa và các giới răn của Người, xin được ơn biết tín thác vào đức tín trung của Người.

Chúng tôi cho gom góp tất cả các lời cầu nguyện trong cuộc sống hàng ngày của nhiều nhân vật khác nhau trong Thánh Kinh, theo bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Ước mong những lời cầu nguyện này trở thành những lời cầu nguyện của chúng ta trong những lúc vui buồn, thăng trầm của cuộc sống. Tuy nhiên, những lời cầu nguyện này không bao gồm các Thánh Vịnh, là sách ai cũng biết và có thể tra cứu dễ dàng bất cứ lúc nào.

1. Lời cầu để biết chắc của Ápraham (Sách Sáng Thế 18, 22b-33)

Ta biết chương 18 sách Sáng Thế thuật lại truyện Chúa đến thăm Ápraham tại lều du mục của ông ở Mam-rê. Lạ một điều khi ngước mắt lên, ông không thấy Chúa nhưng thấy “ba người đứng gần ông”. Đang khi được ông tiếp đãi, ‘khách’ loan báo cho ông tin vui: bằng rày năm sau, Xa-ra vợ ông sẽ có một con trai. Khi nghe Xa-ra cười, ‘Chúa’ bèn hỏi: sao lại cười? Xa-ra chối. ‘Người bảo: có, ngươi có cười’.

Ta nên để ý đến số người ở đây lúc thì một, lúc thì hai, lúc lại là ba. Hai người kia không được nêu danh hiệu, nhưng một trong ba người ấy có danh hiệu là ‘Chúa’ và ‘Chúa’ là người nói với Ápraham. Ta hãy đọc tiếp:

“Từ nơi đó ba người kia đứng dậy và nhìn xuống phía Xơ-đôm. Ông Ápraham cùng đi để tiễn khách. Chúa phán: "Ta có nên giấu Ápraham điều Ta sắp làm chăng? Ápraham sẽ trở thành một dân tộc lớn mạnh và mọi dân tộc sẽ được chúc phúc nhờ nó.Thật vậy, Ta đã chọn nó, để nó truyền cho con cái nó và gia tộc nó sau này phải giữ đường lối của Chúa mà thực hiện điều công minh chính trực; như thế Chúa sẽ làm cho Ápraham điều Người đã phán về nó." Chúa phán: "Tiếng kêu trách Xơ-đôm và Gô-mô-ra thật quá lớn! Tội lỗi của chúng quá nặng nề! Ta phải xuống xem thật sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không. Có hay không, Ta sẽ biết.

“Hai người kia bỏ nơi đó mà đi về phía Xơ-đôm, nhưng Chúa còn đứng lại với ông Ápraham. Ông lại gần và thưa:

"Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao? " Chúa đáp: "Nếu Ta tìm được trong thành Xơ-đôm năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó.
“Ông Ápraham lại nói: "Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa: Giả như trong số năm mươi người lành lại thiếu mất năm, vì năm người đó, Ngài sẽ phá huỷ cả thành sao? " Chúa đáp: "Không! Ta sẽ không phá huỷ, nếu Ta tìm được bốn mươi lăm người." Ông lại thưa một lần nữa: "Giả như trong thành tìm được bốn mươi người thì sao? " Chúa đáp: "Vì bốn mươi người đó, Ta sẽ không làm."


“Ông nói: "Xin Chúa đừng giận, cho con nói tiếp: Giả như ở đó có ba mươi người thì sao? " Chúa đáp: "Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không làm." Ông nói: Con xin mạn phép thưa với Chúa: "Giả như tìm được hai mươi người thì sao? " Chúa đáp: "Vì hai mươi người đó, Ta sẽ không phá huỷ." Ông nói: "Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao? " Chúa đáp: "Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm."

Sau khi phán với ông Ápraham, Chúa đi, còn ông Ápraham thì trở về nhà. (Sáng Thế 18-16-33).

Chung quanh biến cố này, cha Nguyễn Thế Thuấn ghi chú mấy điều sau đây. Thứ nhất trình thuật này thuộc nguồn văn Gia-vít, kể việc Gia-vê hiện ra. Thứ hai, trong ba vị khách, hai “người” kia là hai thần sứ theo hầu (xem St chương 19:1). Tuy nhiên, bản văn tỏ ra do dự giữa số nhiều và số ít. Bởi có ba người mà Ápraham lại chỉ vái lạy một lần và xưng hô theo số ít, nên nhiều giáo phụ đã muốn thấy đây là triệu báo về Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm phải chờ Tân Ước mới được mạc khải. Thứ ba, dù có lúc Ápraham đối đãi với ba vị như ba người khách phương xa, nhưng tính ‘thiêng liêng’ của họ từ từ được lộ ra: đột ngột xuất hiện, biết tên Xa-ra, biết gia đình hiếm con, báo chắc chắn sẽ có con, biết cả ý nghĩ của Xa-ra. Thứ bốn: đây là truyện độc nhất trong Cựu Ước nói Thiên Chúa dùng bữa. Thứ năm, ở đây có vấn đề phán xét công minh: lành phải liên lụy với dữ và phải phạt vì kẻ dữ, theo nhãn giới liên đới trách nhiệm. Truyện không đặt vấn đề: kẻ lành từng người có được cứu không, tuy rằng trong truyện Lót, ông này đã được cứu làm một với cả gia đình (St 19: 15-16), còn trách nhiệm cá nhân, thì mãi sau này mới được nêu lên (Đnl 24:16; Grm 31:29-30; Edk 14:13…). Bởi thế, Ápraham mới hỏi: khi mọi người đều chịu chung một số phận, thì một số ít người lành không lấn át được tội của số nhiều kẻ dữ hay sao? Gia-vê trả lời y chuẩn vai trò cứu nhân độ thế của người thánh, nhưng Ápraham, dù có già lời, cũng không dám đi quá số mười. Nhưng Grm 5:1 và Edk 22:30 đã đi xa hơn. Thiên Chúa sẽ dung thứ cho Giêrusalem nếu trong thành có được một người công chính. Điều cực đoan ấy dẫn đến đạo lý Is 53: người tôi tớ thống khổ, thí mạng mình để cứu lấy cả dân, nhưng lời tiên tri này chỉ hiểu được vào thời Tân Ước nơi sự chết chuộc tội của Chúa Kitô. Thứ sáu, cuộc mà cả của Ápraham với lòng khoan dung của Gia-vê hạ xuống dần dần: 50, 45, 40, 30, 20, 10. Thoạt đầu, ông chỉ dám hạ thấp có 5 (tỷ lệ 1/10) càng về sau tỷ lệ ấy càng tăng, đến tột cùng là 1/2. Rõ ràng càng ngày Ápraham càng tin tưởng hơn vào lượng khoan dung của Chúa. Và càng tin tưởng, ông càng xin nhiều hơn. Điều ấy cũng cho thấy không hẳn đây là lần đầu ‘hai người’ gặp nhau, chắc chắn người xin đã thưa truyện nhiều lần với người ban ơn và biết rõ người ban ơn rất kiên nhẫn trước lời cầu xin ‘hết sức gian manh, láu cá’ của mình (Xem Kinh Thánh, Dòng Chúa Cứu Thế, 1976, tr. 38-39).

Richard J. Clifford S.J. và Roland E. Murphy, O.Carm khi chú giải về sách Sáng Thế trong bộ The New Jerome Biblical Commentary, cho rằng:

1) Mối ưu tư về sự công minh của Chúa là một chủ đề thời lưu đầy (xem Edk 14:12-23 và chương 18). Dù định niên biểu ra sao chăng nữa, ta thấy ở đây Ápraham không cầu khẩn cho Xơ-đôm, như nhiều nhà chú giải vẫn nghĩ. Trái lại, nhờ các câu hỏi mạnh dạn của mình, ông biết được rằng Thiên Chúa, phán quan của thế giới, quả tình là Đấng Công Minh, biết phân biệt kẻ dữ với người lành, giống như trong trường hợp Nô-e và nhân loại tội lỗi nơi St 6-9.

2) Cuộc độc thoại của Giavê trong St 18:17-19, tự hỏi có nên dấu không cho Ápraham biết kế hoạch của mình hay không. Hai tác giả này nhận xét: tại Cận Đông ngày xưa, bày tôi của một ông vua thường là bạn, người thân cận chia sẻ bí mật đối với các kế sách lớn của vua. Câu trả lời của Giavê do đó là: vì dân tộc do Ápraham tạo nên sẽ vĩ đại giữa các dân tộc, nên bày tôi này phải được ơn hiểu biết kế hoạch của Thiên Chúa. Đàng khác, vì dân này sẽ “làm điều công minh chính trực”, cho nên không còn gì thích đáng hơn là cho người sáng lập nên dân ấy thấy rõ Thiên Chúa làm điều công minh chính trực nghĩa là trừng phạt kẻ có tội (các trang 23).

Trong số những người cho rằng Ápraham khẩn cầu cho Xơ-đôm, ta thấy có các tác giả trong cuốn “Mysteries of the Bible” do tạp chí Reader’s Digest thu thập và xuất bản năm 1988. Các tác giả này cho rằng: từ trước đến nay, Ápraham vốn thụ động vâng theo ý muốn và các lệnh truyền của Thiên Chúa. Nhưng lần này, ông lên tiếng “phản đối” để bênh vực cho hai thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra, hai thành phố nổi tiếng về tội lỗi, và tìm cách thuyết phục để Chúa tha cho hai thành phố này (trang 52).

John White, trong “People in Prayer” (Inter-Varsity Press, 1978), cho hay: trong bất cứ cuộc đàm thoại nào giữa Thiên Chúa và Ápraham, ta đều thấy điều này: Thiên Chúa đưa ra sáng kiến. Người lên tiếng và Ápraham đáp lại. Đời sống cầu nguyện của ta sẽ đơn giản biết bao nếu biết nhìn nhận điều ấy. Thực vậy, phần đông chúng ta vốn nghĩ cầu nguyện là nói. Và quả tình có vấn đề nói thật. Nhưng phẩm chất một cuộc đàm thoại rất có thể được xác định bởi người đưa ra sáng kiến cho cuộc đàm thoại ấy. Thực thế, trọn bộ phản ứng của ta đối với một cuộc đàm thoại thường tùy thuộc vào người khởi xướng nó trước nhất. Trong nhóm người xa lạ, thật cảm kích nếu có ai lên tiếng chào mừng ta trước và tỏ ý quan tâm tới ta. Mặt khác, đối với ta đôi khi khó mà khởi đầu được một câu truyện, nhất là khi gặp khuôn mặt khó thương của người ta muốn nói với.

Thiên Chúa không thế, Người luôn luôn lên tiếng. Để nghe được tiếng của Người, chẳng cần phải có cảm nghiệm huyền học, chỉ cần sẵn sàng để ý tới Chúa, để Chúa đi vào trái tim ta, để Người lên tiếng và ta đáp ứng.

Người không lên tiếng như một ông chủ, như một người xa lạ mà như một người bạn. Chúa Giêsu Kitô sau này cho hay: “bày tôi đâu biết việc chủ làm” (Ga 15:15). Ở đây, rõ ràng Thiên Chúa cho Ápraham biết kế hoạch mầu nhiệm của mình, không những nâng ông lên hàng bạn bè mà còn là người “làm ăn hùn hạp” (partner) chia sẻ mọi bí nhiệm của Người. Từ đó, ta rút ra kết luận: nếu ta là bằng hữu của Người, Người sẽ chia sẻ các tâm tư và kế hoạch của Người với ta. Nếu bạn là người hùn hạp của Người, Người sẽ quan tâm tới quan điểm của bạn đối với các kế hoạch và dự án của Người. Như thế, cầu nguyện chủ yếu là chia sẻ là bàn bạc với Thiên Chúa về những vấn đề có tầm quan trọng đối với Người. Bạn thấy ngay: điều ấy nâng việc cầu nguyện lên một trình độ khác hẳn. Nó không chủ yếu tập trung vào các nhu cầu và lo lắng nhỏ mọn của tôi. Dĩ nhiên, Thiên Chúa có quan tâm tới các nhu cầu và lo lắng ấy. Chúng có chỗ đứng trong nghị trình của Người. Nhưng chính nghị trình ấy thì đã được xếp đặt sẵn ở trên trời và được dùng để xử lý những vấn đề hết sức quan trọng. Ở đây, vấn đề là sự công minh chính trực của Chúa, sau khi Người đã “lo” việc riêng “có con” cho ông vào năm sau.

Đáp ứng của Ápraham quả tình xứng hợp. Ông đã không còn thắc mắc chi đến chuyện tư riêng nữa. Đã đành là có Lót, cháu ông, tại Xơ-đôm. Nhưng nếu chỉ để cứu Lót và gia đình người cháu này, chắc chắn Ápraham đã bắt đầu đi thẳng vào con số bốn (hai vợ chồng Lót và hai cô con gái), có đâu phải “vòng vo tam quốc” bắt đầu con số giả tưởng 50, rồi 45, 40 mà dừng lại ở số 10! Không, quan tâm của Ápraham lớn hơn thế.

Điểm nữa, chính sáng kiến coi ông như bạn khiến lời cầu nguyện của Ápraham vừa pha lẫn kinh hoàng vừa pha lẫn táo bạo. Nó không đơn giản thuộc loại “Xin cứu Xơ-đôm nếu hợp ý Chúa. Amen”. Muốn nói gì thì nói, nhưng đây quả là lối cầu nguyện có vấn đề thực sự, có sự kiện và con số đàng hoàng. Nhưng phải nói gì về lối cầu nguyện “nếu hợp ý Chúa”? Lối cầu nguyện ấy có hợp với Thánh Kinh hay không? Ai cũng biết Kinh Lạy Cha xin cho: “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Nghĩa là lời cầu nguyện quả có ăn có với việc thực thi ý Chúa. Bạn được mời gọi cầu xin cho bạn hoặc là biết hợp tác với Chúa để làm cho ý Chúa được thể hiện hay là có được một cái nhìn rộng lớn hơn về chính Người. Nhưng câu “nếu hợp ý Chúa” đôi khi bị hiểu lầm chỉ là một lối thoái thác với nghĩa tôi chả cần chi phải tìm hiểu ý Chúa ra sao hay không chịu thực thi niềm tin theo cung cách Đấng Vô Hình vốn làm việc một cách mầu nhiệm trước vận rủi dường như không thể nào vượt qua được. “Nếu hợp ý Chúa” như thế đã trở thành một thứ tôn kính giả hiệu, một thứ “que sera, sera” (whatever will be, will be)(muốn ra sao thì ra). Thành thử ra, dù rất kính sợ Chúa, Ápraham cũng vẫn muốn biết rõ sự kiện.

Nhiều người lại cho rằng lời đáp lại của Ápraham chỉ phản ảnh cái lối quen thuộc cả trong nghệ thuật buôn bán trao đổi của người Trung Đông. Nhưng thực ra, Ápraham biết rõ ông không có gì để trao đổi với Thiên Chúa. Đàng khác “con bài tẩy” trong tay Thiên Chúa lớn quá, ông đâu dám “thương lượng”, ông chỉ muốn hiểu.

Ông muốn hiểu điều chi? Ở đây, ta thấy John White cũng cùng một quan điểm như hai linh mục Clifford S.J. và Murphy O.Carm trên đây. Theo White, số phận Xơ-đôm không phải là chủ điểm trong lời cầu nguyện của Ápraham, mà là ‘tính khí’ của Thiên Chúa, là chính bản chất của Thiên Chúa, mà theo Ápraham, chính là sự công minh, là sự chính trực và trung tín. Thiên Chúa mà ông phụng thờ là Thiên Chúa công minh, chính trực và trung tín. Có đâu lại là một Thiên Chúa đùng đùng nổi giận muốn triệt hạ cả kẻ lành lẫn kẻ dữ như vị Thiên Chúa đang ở trước mặt ông? Đây quả là một thách thức dày vò, khiến ông vừa run sợ vừa hoang mang cực điểm và lên tiếng thăm dò để tìm ra ‘chân tướng’ đích thực của Người. Hãy nghe ông buột miệng tỏ thái độ với một Thiên Chúa hình như đã ra xa lạ với ông: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao?... Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?”

Thiên Chúa nào thèm biện hộ cho mình trước mặt Ápraham. Một khi Người đã mạc khải ý định của Người, thì Người chỉ ‘nói truyện’ với những kẻ muốn tìm hiểu thêm về lời mạc khải ấy, chứ không vặn vẹo, tìm cách thoái thác hay chỉ trích, chống đối. Rất may cho Ápraham, Người là Đấng thấu suốt tâm hồn ông, nên Người hiểu rõ trong nỗi hoảng loạn của Ápraham, vẫn vững chãi một gắn bó mà ta có thể dùng từ ngữ ‘tích cực’ để mô tả, y như từ ngữ tích cực trong chủ trương ‘secularity’ (tính thế tục) của Đức Bênêđíctô XVI và Tổng Thống Nicolas Sarkozy của Pháp mới đây.

Trong cuốn Tại Sao Các Cuộc Hôn Nhân Thành Công Hay Thất Bại (Why Marriages Succeed or Fail) của John Gottman do nhà Simon & Schuster, New York, xuất bản năm 1994, ta thấy có đề cập đến nghệ thuật truyền đạt giữa lúc hai vợ chồng đang cãi nhau kịch liệt. Theo Gottman, thái độ tích cực này đòi người nghe lời “thóa mạ” phải tìm ra then máy (mechanism) có thể xoay chiều được lời thóa mạ ấy. Ông cho một thí dụ:

Dũng: em đừng tự trách em mỗi lần con nó hỗn.
Lan: Anh khỏi phải dạy em. Đừng có mà lên mặt ta đây với em hoài!
Dũng: Câm cái mồm lại! Anh đâu có lên mặt ta đây với em.
Lan: Thấy không, lại hống hách nữa! Anh giống hệt ba anh. Đừng có hòng bắt em câm họng ạ
.

Dũng có đưa ra một ‘then máy’ đó là câu: “anh đâu có lên mặt ta đây với em” nhưng câu ấy bị chìm phía sau câu “câm cái mồm lại” nên Lan không nghe thấy. Nếu như Lan ‘tích cực’ hơn một chút mà nghe ra câu ấy, thì câu truyện giữa hai vợ chồng sẽ có thể như thế này:

Dũng: em đừng tự trách em mỗi lần con nó hỗn.
Lan: Anh khỏi phải dạy em. Đừng có mà lên mặt ta đây với em hoài!
Dũng: Câm cái mồm lại! Anh đâu có lên mặt ta đây với em.
Lan: Thực không, thực không muốn lên mặt hả?
Dũng: Đúng vậy.
Lan: Vì khi anh bảo em đừng thế này đừng thế nọ, em có cảm giác như anh muốn điều khiển em.
Dũng: Đâu có, anh chỉ muốn giúp em thôi.


Thiên Chúa nhìn rõ ‘then máy’ trong lời hoảng loạn của Ápraham. Nó nằm giữa câu giáo đầu và lời kết thúc đầy ‘hỗn xược’: "Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao? ". Nên Người ‘nhỏ nhẹ’ nói với Ápraham: "Nếu Ta tìm được trong thành Xơ-đôm năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó”.

Đó mới là chủ điểm lời cầu nguyện của Ápraham: tìm xem Chúa có thực sự công minh chính trực như ông vẫn tin. Đời ông hoàn toàn xây dựng trên niềm tin ấy. Mất niềm tin ấy là mất tất cả. Giờ đây, Thiên Chúa lại đã trở thành thân thuộc như ngày nào và câu truyện xoay chiều tốt đẹp hẳn lại, hết còn hoảng loạn mất hướng. Ông cứ cái hướng ấy mà ‘tăng’ lòng tin nơi Thiên Chúa theo tỷ lệ ngược với điều tiêu cực: từ 50 xuống 45, 40, 30, 20 rồi 10. Nhưng sao ông lại ngưng ở số 10? Ta không biết được. Có điều chắc chắn ông đã an tâm tìm lại được Đấng Thiên Chúa quen thuộc, bởi đề nghị gì của Ápraham cũng được Người tích cực đáp ứng: “Ta sẽ dung thứ… Ta sẽ dung thứ…”. Ông thấy Người cao cả hơn, ông hiểu rõ Người hơn, và do đó tin tưởng ở Người hơn. Xơ-đôm có bị tiêu diệt hay không, không còn là vấn đề đối với ông, vì vũ trụ vẫn được Đấng Thiên Chúa công minh chính trực, biết phân biệt kẻ lành và kẻ dữ, quan phòng chăm sóc.