Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm B

Lịch sử cứu độ là lịch sử Tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người. Đó là tình yêu tạo dựng, tình yêu quan phòng và tình yêu cứu chuộc. Thật vậy, vì yêu nên Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người. Vì yêu nên Ngài đã tạo dựng mọi sự để cho con người cai quản và sử dụng. Vì yêu nên Ngài đã không chấp tội con người, trái lại đã ban chính Con Một của mình để cứu chuộc nhân loại. Tin mừng hôm nay khẳng định: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã sai Con Một Mình, ngõ hầu những ai tin vào Ngài sẽ không phải chết nhưng sẽ được sống đời đời”(Ga 3,15). Trong bài đọc II, Thánh Phaolô cũng cho biết : “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời.” (Ep 2,4-6). Ngài còn cho biết thêm : “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa.” (Ep 2,8). Cũng vì yêu nên khi xuống trần gian, Đức Giêsu đã chọn các Tông đồ để lập nên Giáo hội, thiết lập các Bí tích nhất là Bí tích Thánh Thể để ở lại với loài người cho đến Tận thế. Điều đặc biệt hơn nữa là Thiên Chúa không những yêu thế gian chung chung mà Ngài yêu thương chăm sóc chu đáo từng người một trong chúng ta giống như người cha yêu thương từng người con trong gia đình vậy.

Nhưng con người hay phản bội, đi ngược lại với tình yêu của Thiên Chúa. Lịch sử dân Do Thái là một lịch sử Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, nhưng đồng thời cũng là một lịch sử nói lên sự phản bội của con người đối với Thiên Chúa. Đoạn sách Sử Biên Niên quyển thứ II được trích đọc trong bài đọc I hôm nay cho chúng ta thấy điều đó. Thật vậy, dân Do thái đã sống bất trung, bắt chước những sự ghê tởm của dân ngoại. Họ làm dơ bẩn đền thờ Chúa đã được Chúa thánh hoá tại Giê-ru-sa-lem. Họ phụ bạc với tình yêu của Thiên Chúa, bất tuân lề luật, phá vỡ giao ước đã ký kết với Thiên Chúa (x. 2Sb 36,14). Hậu quả là đền thờ và thành thánh của họ bị sụp đỗ tan tành. Dân chúng bị tàn sát vô số, những người sống sót còn lại bị đưa đi lưu đầy (x. 2Sb 36, 19-20).

Tuy nhiên, cho dù Thiên Chúa có giận, có ra án phạt nhưng không phải vì ghét, vì oán thù mà nhằm mục đích để thanh luyện, thanh tẩy và chữa trị họ. Bằng chứng là khi dân sai phạm, Ngài đã sai các sứ giả đến để nhắc nhở họ nhiều lần: “Chúa là Thiên Chúa tổ phụ họ, đã luôn luôn đêm ngày sai sứ giả đến với họ, vì Người thương xót dân Người và đền thờ của Người.” (2Sb 36,15). Không những thế, Ngài còn thúc đẩy tâm hồn hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư để nhà vua ra lệnh truyền rao khắp đất nước, và ban chiếu chỉ rằng: “Ðây hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư tuyên bố: Chúa là Thiên Chúa trời đất đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất, và chính Người đã ra lệnh cho trẫm xây cất cho Người một đền thờ ở Giêrusalem trong xứ Giuđa. Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên.” (2Sb 36, 22-23).

Hình ảnh con rắn đồng được nhắc tới trong đoạn Tin mừng hôm nay cũng là biểu tượng của Tình yêu Thiên Chúa. Thật vậy, sau khi ra khỏi đất Ai cập, dân Do Thái phải sống ròng rã suốt 40 năm trong sa mạc, gặp mọi thử thách gian nan. Họ phàn nàn kêu trách Chúa vì đã để họ phải chịu cảnh lầm than khốn khổ. Thiên Chúa đã nổi cơn thịnh nộ và để cho rắn lửa cắn chết nhiều người. Họ khiếp sợ và thống hối tội lỗi của mình. Họ đến với Môsê và xin ông cầu nguyện cùng Thiên Chúa cứu giúp họ : “Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi đã nói phạm đến Đức Giavê và đến ông, xin ông cầu với Đức Giavê cho chúng tôi để Ngài đuổi lũ rắn này xa khỏi chúng tôi đi” (Ds 21,7). Thiên Chúa đoái thương bảo Môsê đúc một con rắn đồng treo lên và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được cứu thoát (x. Ds 21,8).

Con rắn đồng là biểu tượng của Đức Giêsu bị treo lên thập giá và ai tin vào Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá sẽ được cứu rỗi. Thánh Gioan nói: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Ngài, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa”(Ga 3,20). Cho nên, Thánh giá cũng là biểu tượng của tình yêu. Vì yêu thương nên Đức Giêsu đã chấp nhận bước vào con đường đau khổ, con đường thập giá. Khi suy niệm về những hình khổ Đức Giêsu đã chịu: đánh đòn, đội mạo gai, vác thập giá, đóng đinh vào thập giá…chắc chắn không ai không nghĩ đến tình yêu mà Đức Giêsu dành cho nhân loại. Đó là tình yêu cao quý trên mọi tình yêu. Chính Đức Giêsu đã nói: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13).

Thánh giá cũng là biểu tượng của sự tha thứ. Đức Giêsu đã chịu chết trên thập giá để cứu độ loài người, tha thứ tội lỗi cho loài người. Chính trên thập giá Ngài đã tha thứ cho kẻ đóng đinh Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Cũng trên thập giá, Ngài đã tha thứ cho kẻ trộm lành cùng đóng đinh với Ngài và hứa ban phúc Thiên đàng cho anh ta ngay ngày hôm đó.

Và nhờ công ơn cứu chuộc của Ngài, Ngài muốn Giáo hội tiếp tục sự tha thứ như thế mãi cho đến tận thế. Câu chuyện sau đây nói lên tinh thần đó. Chuyện kể rằng : một lần, tại nhà thờ này có một tội nhân đến xưng tội. Đối với một tội nhân có quá nhiều tội nặng như anh ta, vị Linh mục rất nghiêm khắc và ngăm đe nhiều điều. Nhưng chứng nào vẫn tật đó, ra khỏi toà giải tội ít lâu, hối nhân lại tiếp tục sa ngã. Rất nhiều lần như thế. Cuối cùng, vị linh mục đành răn đe: “Tôi không muốn anh vấp lại những tội như thế nữa. Đây là lần cuối cùng tôi tha tội cho anh”. Hối nhân ra khỏi toà giải tội mà lòng trĩu nặng và đau khổ.

Được vài tháng sau, anh ta lại đến xưng tội, và xưng cũng cùng những tội nặng y như những lần trước. Vị linh mục dứt khoát: “Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không tha”. Thật lạ lùng. Ngay lập tức, vị linh mục cùng hối nhân đều nghe có tiếng thì thầm phía bên trên. Từ cây Thánh giá, bàn tay phải của Chúa Giêsu được rút ra khỏi lỗ đinh và ban phép lành cho hối nhân. Vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy nói với chính mình: “Ta là người đổ máu ra cho người này chứ không phải con”.

Kể từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu không gắn vào thánh giá nữa, nhưng vẫn giữ tư thế đang ban phép lành, như không ngừng mời gọi: “Hãy trở về với Ta, các ngươi sẽ được tha thứ”. (Sưu tầm)

Lạy Thiên Chúa là nguồn tình yêu. Xin cho mỗi người chúng con luôn cảm nhận được tình yêu của Chúa để chúng con biết yêu thương tha nhân như Chúa đã yêu thương chúng con. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành