Hôm nay Giáo Hội tưởng niệm những giây phút cuối cùng khi Chúa Giêsu tiến gần đến cái chết, khi sức sống và sức mạnh của Ngài đang cạn kiệt dần.

Bài Phúc Âm tường thuật cho chúng ta cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và một trong hai người tội phạm cùng bị đóng đinh với Ngài mà truyền thống thường gọi là người “trộm lành”, người đã hoán cải trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời. “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi nhé!”

Rồi có tiếng đáp lại của Chúa Giêsu, nhanh chóng và như một lời thì thầm: “Hôm nay anh sẽ ở với tôi trên nước Thiên Đàng”

Trong ngày đau khổ và đớn đau này, hai người bị đóng đinh ấy không nói gì khác, nhưng vài lời thốt lên từ trong cổ họng khô kiệt của họ vang dội đến ngày nay. Những lời này còn tiếp tục vang dội như một dấu chỉ của hy vọng và ơn cứu độ cho những ai đã phạm tội nhưng cũng đã tin và tín thác ngay cả trước đường biên cuối cùng của cuộc đời.

Đức Thánh Cha Phanxicô đang nằm phủ phục trước bàn thờ chính Đền Thờ Thánh Phêrô. Lúc này là 5 giờ chiều ngày thứ Sáu 30 tháng Ba.

Trước sự hiện diện của gần 9 ngàn tín hữu, hơn 40 Hồng Y và 50 Giám Mục trong giáo triều Rôma, Đức Thánh Cha đang quì gối trong thinh lặng, trước khi mở đầu với lời nguyện, xin Chúa nhớ lại lòng từ bi và đoái thương, bảo vệ gia đình mà Chúa Kitô, Con Chúa, đã khai mạc mầu nhiệm vượt qua cho họ trong máu của Người.

BÀI ĐỌC I: Is 52,13 - 53,12

“Người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta”.

(Bài ca thứ tư của người Tôi Tớ Chúa)

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Này tôi tớ Ta sẽ được cao minh, sẽ vinh thăng tấn phát, cao cả tuyệt vời. Cũng như nhiều người đã kinh ngạc, vì thấy người tàn tạ mất hết vẻ người, dung nhan người cũng không còn nữa, cũng thế, muôn dân sẽ sửng sốt, các vua không còn biết nói chi trước mặt người. Vì họ sẽ thấy việc chưa ai kể cho mình, sẽ biết điều mình chưa hề được nghe. Ai mà tin được điều chúng ta nghe? Và Chúa đã tỏ ra sức mạnh cho ai? Người sẽ lớn lên trước mặt Ngài như một chồi non, như một rễ cây, tự đất khô khan. Người chẳng còn hình dáng, cũng chẳng còn sắc đẹp để chúng ta nhìn ngắm, không còn vẻ bên ngoài, để chúng ta yêu thích; bị người đời khinh dể như kẻ thấp hèn nhất, như kẻ đớn đau nhất, như kẻ bệnh hoạn, như một người bị che mặt và bị khinh dể, bởi đó, chúng ta không kể chi đến người. Thật sự, người đã mang lấy sự đau yếu của chúng ta, người đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta. Mà chúng ta lại coi người như kẻ phong cùi, bị Thiên Chúa đánh phạt và làm cho nhuốc hổ. Nhưng người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị tan nát vì sự gian ác chúng ta. Người lãnh lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích người mà chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lang thang như chiên cừu, mỗi người một ngả. Chúa đã chất trên người tội ác của tất cả chúng ta. Người hiến thân vì người tình nguyện và không mở miệng như con chiên bị đem đi giết, và như chiên non trước mặt người xén lông, người thinh lặng chẳng hé môi. Do cưỡng bách và án lệnh, người đã bị tiêu diệt; ai sẽ còn kể đến dòng dõi người nữa, bởi vì người đã bị khai trừ khỏi đất người sống; vì tội lỗi dân Ta, Ta đánh phạt người. Người ta định đặt mồ người giữa những kẻ gian ác, nhưng khi chết, người được chôn giữa kẻ giàu sang, mặc dầu người đã không làm chi bất chánh, và miệng người không nói lời gian dối. Chúa đã muốn hành hạ người trong đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thoả mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ. Bởi đó, Ta trao phó nhiều dân cho người, người sẽ chia chiến lợi phẩm với người hùng mạnh. Bởi vì người đã hiến thân chịu chết và đã bị liệt vào hàng phạm nhân, người đã mang lấy tội của nhiều người, và đã cầu bầu cho các phạm nhân. Đó là lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 30, 2 và 6. 12-13. 15-16. 17 và 25

Ðáp: Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha (Lc 23, 46).

1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con muôn đời tủi hổ, vì đức công minh Ngài, xin cứu chữa con! Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa, lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con.

2) Con trở nên đồ ô nhục đối với những người thù, nên trò cười cho khách lân bang, và mối lo sợ cho người quen biết; gặp con ngoài đường, họ tránh xa con. Con bị người ta quên, không để ý tới, dường như đã chết, con đã trở nên như cái bình bị vỡ tan.

3) Phần con, lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài, con kêu lên: Ngài là Thiên Chúa của con! Vận mạng con ở trong tay Ngài, xin cứu gỡ con khỏi tay quân thù và những người bách hại.

4) Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa. Lòng chư vị hãy can trường mạnh bạo, hết thảy chư vị là người cậy trông ở Chúa.

BÀI ĐỌC II: Dt 4, 14-16; 5, 7-9

“Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời”.

Bài trích thư gởi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, chúng ta có một thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành kính, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người. Đó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Pl 2, 8-9

Chúa Kitô vì chúng ta đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.

Các vị phó tế đang đọc bài thương khó vì bài quá dài xin được mạn phép chỉ tường trình đoạn cuối:

Ðứng gần thập giá Chúa Giêsu, lúc đó có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria, vợ ông Clopas và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng:

“Hỡi Bà, này là con Bà”.

Rồi Người lại nói với môn đệ:

“Này là Mẹ con”.

Và từ giờ đó môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình. Sau đó, vì biết rằng mọi sự đã hoàn tất, để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, Chúa Giêsu nói:

“Ta khát!”

Ở đó có một bình đầy dấm. Họ liền lấy miếng bông biển thấm đầy dấm cắm vào đầu ngành cây hương thảo đưa lên miệng Người. Khi đã nếm dấm rồi, Chúa Giêsu nói:

“Mọi sự đã hoàn tất”.

Và Người gục đầu xuống trút hơi thở cuối cùng.

Đức Thánh Cha và cộng đoàn cùng quỳ gối thinh lặng

Hôm đó là ngày chuẩn bị lễ: để tội nhân khỏi treo trên thập giá trong ngày Sabbat, vì ngày Sabbat là ngày đại lễ, nên người Do-thái xin Philatô cho đánh dập ống chân tội nhân và cho cất xác xuống. Quân lính đến đánh dập ống chân của người thứ nhất và người thứ hai cùng chịu treo trên thập giá với Người. Nhưng lúc họ đến gần Chúa Giêsu, họ thấy Người đã chết, nên không đánh dập ống chân Người nữa, tuy nhiên một tên lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người; tức thì máu cùng nước chảy ra. Kẻ đã xem thấy thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cho các người cũng tin nữa. Những sự việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Người ta sẽ không đánh dập một cái xương nào của Người”. Lời Kinh Thánh khác rằng: “Họ sẽ nhìn xem Ðấng họ đã đâm thâu qua”.

Sau đó, Giuse người xứ Arimathia, môn đệ Chúa Giêsu, nhưng thầm kín vì sợ người Do-thái, xin Philatô cho phép cất xác Chúa Giêsu. Philatô cho phép. Và ông đến cất xác Chúa Giêsu. Nicôđêmô cũng đến, ông là người trước kia đã đến gặp Chúa Giêsu ban đêm. Ông đem theo chừng một trăm cân mộc dược trộn lẫn với trầm hương. Họ lấy xác Chúa Giêsu và lấy khăn bọc lại cùng với thuốc thơm theo tục khâm liệm người Do-thái. Ở nơi Chúa chịu đóng đinh có cái vườn và trong vườn có một ngôi mộ mới, chưa chôn cất ai. Vì là ngày chuẩn bị lễ của người Do-thái và ngôi mộ lại rất gần, nên họ đã mai táng Chúa Giêsu trong mộ đó.

Sau bài thương khó, cha Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng, đã trình bày với Đức Thánh Cha, giáo triều Rôma và cộng đoàn bài chia sẻ của ngài như sau:

“Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19: 33-35).

Không ai có thể thuyết phục chúng ta rằng lời chứng long trọng này không đúng với sự thật lịch sử, rằng người nói rằng ông đã ở đó và thấy điều này thực sự đã không có ở đó và không nhìn thấy gì. Tác giả đặt hết sự trung thực của mình ra để làm chứng trong trường hợp này. Trên đồi Canvê, dưới chân thập giá, là mẹ của Chúa Giêsu và bên cạnh bà, có “môn đệ mà Chúa Giêsu yêu thương”. Chúng ta có chứng tá của một chứng nhân mắt thấy tai nghe!

Tác giả “đã thấy” không chỉ những gì xảy ra như mọi người thấy, nhưng trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần sau Lễ Vượt Qua, tác giả cũng thấy được cả ý nghĩa của những gì đã xảy ra: trong khoảnh khắc này, Chiên Con thật của Thiên Chúa đã bị hiến tế và ý nghĩa của lễ Vượt Qua xưa đã được ứng nghiệm; Chúa Kitô trên thập tự giá là đền thờ mới của Thiên Chúa mà từ cạnh sườn người, như tiên tri Ezekiel tiên đoán (47: 1ff), đã tuôn trào nước hằng sống; thần khí mà Ngài đã trao ra lúc trút hơi thở sau cùng đã bắt đầu sự sáng tạo mới, như thuở khai sinh lập địa “Thần khí của Thiên Chúa”, lơ lửng trên mặt nước, đã biến đổi sự hỗn loạn thành vũ trụ. Gioan đã hiểu ý nghĩa của những lời cuối cùng của Chúa Giêsu: “Thế là đã hoàn tất” (xem Ga 19:30).

Nhưng chúng ta có thể tự hỏi mình tại sao lại có sự tập trung vô hạn vào ý nghĩa thập giá của Chúa Kitô? Tại sao một Ðấng bị đóng đinh hiện diện cùng khắp trong các nhà thờ của chúng ta, trên các bàn thờ, và ở mọi nơi các Kitô hữu thường lui tới?

Có người cho rằng một chìa khóa để hiểu được mầu nhiệm Kitô Giáo, là Thiên Chúa tỏ mình ra theo cách “sub contraria specie”, nghĩa là dưới một hình thức trái ngược lại với thực tại của mình: Chúa cho thấy sức mạnh của Ngài trong sự yếu đuối, sự khôn ngoan trong sự ngu xuẩn, sự giàu có trong cảnh nghèo hèn.

Tuy nhiên, chìa khóa này không áp dụng cho thập giá. Trên thập tự giá, Thiên Chúa tỏ ra mình ra một cách “sub propria specie”, nghĩa là Chúa mạc khải chính mình cho chúng ta như Ngài thực sự là, trong thực tại gần gũi và thực tế nhất của Người. “Thiên Chúa là tình yêu”, Gioan viết (1 Ga 4:10), một tình yêu dâng hiến, một tình yêu bao gồm trong sự tự hiến, và chỉ trên thập tự giá mà khả năng tự hiến vô hạn của Thiên Chúa mới biểu lộ hết chiều dài của nó. “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13:1); “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban nghĩa là lên án tử, Con duy nhất của Ngài” (Ga 3:16); “Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gal 2:20).

Năm nay, năm mà Giáo hội sẽ tổ chức một Thượng Hội đồng về Thanh niên và đặt ra mục tiêu là đưa họ vào vị trí trung tâm trong quan tâm mục vụ của Giáo Hội, sự hiện diện trên đồi Calvê của môn đệ mà Chúa Giêsu yêu thương có một sứ điệp đặc biệt. Chúng ta có mọi lý do để tin rằng Gioan đã gia nhập với Chúa Giêsu trong thời thanh niên. Đó thực sự là một tình yêu. Mọi thứ khác đột nhiên đứng ở vị trí thứ hai. Đó là một cuộc gặp gỡ hiện sinh “cá vị”. Trong khi trung tâm suy nghĩ của thánh Phaolô là công việc của Chúa Giêsu – nghĩa là mầu nhiệm vượt qua của cái chết và sự sống lại của Ngài – thì dòng suy nghĩ của thánh Gioan đặt trung tâm nơi bản ngã, nơi con người của Chúa Giêsu. Đây là nguồn gốc của tất cả các câu nói “Ta là” với cộng hưởng thần thánh được nhắc đến nhiều lần trong Tin Mừng của ngài: “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống”; “Ta là cửa”; đơn giản “Ta là”

Gioan hầu như chắc chắn là một trong hai môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả khi Chúa Giêsu xuất hiện tại nơi thánh Gioan làm phép rửa và đã đi theo Người. Khi họ hỏi, “Thưa thầy, thầy ở đâu?” Chúa Giêsu đáp: “Hãy đến và xem. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1: 35-39). Giờ đó đã quyết định cuộc đời của Gioan, và anh không bao giờ quên nó.

Trong năm nay, thật là phù hợp để chúng ta cố gắng khám phá cùng với những người trẻ những gì Đức Kitô mong đợi nơi họ, những gì họ có thể cống hiến cho Giáo Hội và xã hội. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là một cái gì đó khác hơn nữa: đó là giúp những người trẻ tuổi hiểu những gì Chúa Giêsu mang đến cho họ. Gioan đã khám phá ra điều này trong khi ở cùng Ngài, đó là “sự đầy tràn niềm vui” và “cuộc sống sung mãn”. Chúng ta hãy làm sao để trong tất cả các diễn từ về thanh thiếu niên và những người trẻ tuổi, lời mời gọi chân thành của Đức Thánh Cha trong tông huấn Niềm Vui Phúc Âm được vang vọng như những lời dưới đây:

“Tôi mời gọi tất cả Kitô hữu, ở mọi nơi, vào khoảnh khắc này, hãy canh tân một cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu Kitô, hoặc ít nhất là một sự cởi mở để cho Người có thể gặp được họ; Tôi yêu cầu tất cả các bạn làm điều này không mệt mỏi mỗi ngày. Đừng ai nghĩ rằng lời mời gọi này không dành cho mình, vì không ai bị loại trừ khỏi niềm vui được Chúa mang đến (Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, số 3).

Gặp gỡ Chúa Kitô một cách cá vị vẫn còn là điều có thể trong cuộc sống hôm nay vì Người đã sống lại; Người đang sống, không phải là một nhân vật của quá khứ. Mọi thứ đều có thể sau cuộc gặp gỡ cá vị này; trái lại, khi không có cuộc gặp gỡ đó, không có gì ổn định hoặc lâu dài.

Bên cạnh tấm gương là cuộc đời của ngài, Thánh Gioan Thánh Sử cũng đã để lại một thông điệp bằng văn bản cho những người trẻ tuổi. Trong thư Thứ Nhất của ngài, chúng ta đọc thấy những lời làm rung động từ những bậc cao niên cho đến những người trẻ trong các giáo đoàn mà ngài thành lập:

“Hỡi các bạn trẻ, tôi đã viết cho anh em: anh em là những người mạnh mẽ; lời Thiên Chúa ở lại trong anh em và anh em đã thắng ác thần. Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian.” (1Ga 2: 14-15)

Thế giới mà chúng ta đừng mê say, cái thế giới mà chúng ta đừng chiều theo, như chúng ta biết, không phải là thế giới được tạo ra và yêu mến bởi Thiên Chúa; hay là thế giới của những người mà chúng ta phải luôn luôn đi ra để gặp gỡ họ, đặc biệt là người nghèo và những người ở giai tầng thấp nhất của xã hội. “Hòa vào” với thế giới đau khổ và bị gạt ra ngoài lề này, một cách nghịch lý, lại chính là cách tốt nhất để “cách ly” chúng ta khỏi thế giới bởi vì nó có nghĩa là đi theo hướng mà thế giới đang muốn bỏ chạy càng xa càng tốt. Nó có nghĩa là tách chúng ta khỏi chính nguyên tắc “đặt mình là trung tâm” đang thống trị thế giới này.

Không, thế giới chúng ta đừng mê say là cái gì đó khác; đó là cái thế giới sau khi đã bị thống trị bở Satan và tội lỗi, bởi “quyền lực trên không trung”, như Thánh Phaolô đã gọi trong thư Êphêsô (2: 1-2). Cái thế giới đó đang đóng một vai trò quyết định trong dư luận, và ngày nay nó đúng là một quyền lực trên không trung theo nghĩa đen bởi vì nó lan truyền qua vô hạn các phương thế điện tử thông qua sóng điện từ. Một nhà văn nổi tiếng viết rằng quyền lực này “cao độ và mạnh mẽ đến nỗi không một cá nhân nào có thể thoát khỏi. Nó được coi là một tiêu chuẩn được mặc nhiên công nhận. Hành động, suy nghĩ hoặc nói năng ngược lại với tinh thần này được coi là ngớ ngẩn hoặc thậm chí là sai lầm và phạm tội. Chính trong tinh thần này mà con người ngày nay gặp gỡ thế giới và các sứ vụ, nghĩa là họ đón nhận thế giới mà cái tinh thần này trình bày với họ”

Đây là những gì chúng ta gọi là sự thích nghi với tinh thần của thời đại, nói vắn tắt là sự phù hợp. Một tín hữu thi sĩ lớn trong thế kỷ vừa qua, là T. S. Eliot, đã viết ba câu nói nhiều hơn cả những quyển sách: “Trong một thế giới của những kẻ trốn chạy / Người đi ngược chiều / Sẽ được coi là đang trốn chạy.” [2]

Các Kitô hữu trẻ thân mến, nếu các bạn cho phép một ông lão như Gioan nói chuyện trực tiếp với các bạn, thì tôi đây sẽ khuyên các bạn: hãy là những người đi ngược chiều! Hãy có can đảm để đi ngược dòng! Cái hướng ngược chiều này đối với chúng ta không phải là một nơi chốn nhưng là một con người; chính là Chúa Giêsu, bạn của chúng ta, và là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.

Một nhiệm vụ và là một sứ mệnh được đặc biệt ủy thác cho các bạn: là hãy giải cứu tình yêu của con người khỏi sự trôi dạt bi thảm đã đưa đến chỗ: tình yêu không còn là món quà trao ban bản thân mà chỉ là sự chiếm đoạt người khác một cách thường khi bạo lực và độc đoán. Thiên Chúa tự tỏ mình trên thập tự giá như agape, tình yêu tự hiến.

Nhưng tình yêu tự hiến không bao giờ tách rời khỏi tình ái, không tách khỏi một tình yêu chào đón, theo đuổi, mong muốn, và vui mừng khi được yêu thương. Thiên Chúa không những chỉ thực thi “lòng bác ái” khi yêu thương chúng ta, nhưng Ngài cũng mong muốn chúng ta; trong suốt Kinh thánh, Người tỏ mình ra như một người phối ngẫu yêu thương và ghen tuông. Tình yêu của Ngài cũng là thứ “tình ái” theo nghĩa cao quý của từ đó. Đây là những gì Đức Bênêđíctô XVI giải thích trong thông điệp Deus Caritas, Thiên Chúa là tình yêu, của ngài:

Tình yêu ham muốn và tình yêu ban tặng - một thứ tình yêu “đi lên” và một thứ tình yêu “đi xuống” không bao giờ tách biệt nhau. Niềm tin theo Thánh Kinh không tạo nên một thế giới song song bên cạnh hay một thế giới nghịch lại với hiện tượng nguyên thủy của con người là tình yêu, nhưng đón nhận con người trọn vẹn, can thiệp vào sự tìm kiếm tình yêu của họ để thanh luyện và từ đó khai mở cho họ những chiều kích mới. (số 7-8)

Đây không phải là vấn đề từ bỏ những niềm vui của tình yêu, sự thu hút và ham muốn, nhưng là biết phải làm sao kết hiệp được tình yêu ham muốn và tình yêu ban tặng thành một mong muốn cho nhau, thành một khả năng trao ban chính mình cho người khác, trong khi nhớ lại lời thánh Phaolô viện dẫn một câu nói của Chúa Giêsu “Cho thì có phúc là nhận” (Công vụ 20:35).

Tuy nhiên, khả năng này không xảy đến một sớm một chiều. Cần phải chuẩn bị chính mình để trở nên một món quà tổng thể của bản thân mình cho một sinh vật khác trong hôn nhân, hoặc cho Thiên Chúa trong đời sống tận hiến, bắt đầu bằng cách trao ra những món quà là thời gian, nụ cười của các bạn, và thời gian trong cuộc sống dành cho gia đình, giáo xứ, và các công việc tình nguyện. Đây là điều mà rất nhiều bạn đã lặng lẽ làm.

Trên thập giá, Chúa Giêsu không chỉ đưa ra cho chúng ta một ví dụ về tình yêu tự hiến đến cùng; Người cũng ban ân sủng cho chúng ta để có thể thực hiện tình yêu ấy đến một mức độ nào đó trong cuộc sống của chúng ta. Nước và máu chảy ra từ cạnh sườn Ngài tuôn đến chúng ta hôm nay qua các bí tích của Hội Thánh, qua Lời Chúa, và thậm chí qua việc đơn thuần là nhìn vào Đấng bị Đóng Đinh trong đức tin. Một điều cuối cùng Gioan đã nhìn thấy một cách tiên tri dưới cây thập tự: những người nam và nữ của mọi thời đại và mọi nơi sẽ hướng mắt nhìn lên “Đấng đã bị đâm thâu qua” và khóc lóc với những giọt lệ ăn năn và được ủi an (xem Ga 19:37 và Zac 12: 10). Chúng ta hãy hiệp cùng họ trong những lễ nghi phụng vụ tiếp theo.

Sau bài giảng của cha Cantalamessa lễ nghi được tiếp nối với 10 lời nguyện cho các nhu cầu của Công Giáo và mọi thành phần trong nhân loại.

I. Cầu Cho Hội Thánh

Anh chị em thân mến, ta hãy cầu nguyện cho Hội Thánh Chúa. Xin cho Hội Thánh được hiệp nhất và bình an, được Chúa bảo toàn ở khắp nơi trên hoàn cầu. Xin Chúa cũng ban cho ta được an cư lạc nghiệp hầu tôn vinh Người là Cha toàn năng.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho muôn dân được thấy vinh quang Chúa tỏ hiện nơi Ðức Ki-tô, là Ðấng yêu thương gầy dựng Hội Thánh Chúa. Cúi xin Chúa bảo vệ giữ gìn, để Hội Thánh đang hiện diện khắp nơi, luôn tin kính một niềm mà xưng tụng danh Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa, và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

II. Cầu Cho Ðức Thánh Cha

Ta hãy cầu nguyện cho Ðức Thánh Cha Phanxicô Chính Chúa đã chọn người giữa hàng giám mục, xin Chúa cũng ban cho người luôn an khang để lãnh đạo toàn thể dân thánh.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa an bài mọi sự cách khôn ngoan lạ lùng. Chính Chúa đã tuyển chọn con và trao cho con nhiệm vụ lãnh đạo dân thánh Chúa. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện, mà ân cần săn sóc giữ gìn người; để nhờ người, đức tin của mọi tín hữu luôn bền vững sắt son. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa, và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

III. Cầu cho hàng giáo sĩ và giáo dân

Ta hãy cầu cho hàng Giám Mục, linh mục, phó tế, cũng như mọi người phục vụ dân thánh, và cho toàn thể cộng đoàn tín hữu khắp địa cầu.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Thánh Thần Chúa luôn hướng dẫn và thánh hoá toàn thể Hội Thánh. Này chúng con tha thiết nguyện cầu: xin Chúa thương cho mỗi thành phần Hội Thánh biết theo ơn đặc sủng Chúa ban để trung thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa, và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

IV. Cầu Cho Dự Tòng

Ta hãy cầu cho anh Chị Em dự tòng. Xin Chúa thương soi sáng tâm hồn họ, để họ được hiểu biết Chúa hơn. Xin Người mở lượng từ bi ban cho họ ơn tái sinh nhờ bí tích Thánh Tẩy, để họ được thứ tha tội lỗi và trở thành chi thể của Chúa Kitô.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa làm cho Hội Thánh không ngừng sinh thêm nhiều con cái. Xin cho anh chị em dự tòng, được thêm lòng tin kính và hiểu biết Chúa hơn, hầu xứng đáng lãnh nhận ơn tái sinh nhờ bí tích Thánh Tẩy, và gia nhập đoàn nghĩa tử của Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa, và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

V. Cầu cho các tín hữu được hiệp nhất

Ta hãy cầu cho mọi anh chị em cùng tin vào Ðức Kitô, và đang cố gắng sống theo sự thật, xin Chúa thương quy tụ và gìn giữ tất cả trong Hội Thánh duy nhất của Người.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa muốn làm cho những ai ly tán được trở về đoàn tụ, và những kẻ sum vầy được luôn luôn hiệp nhất. Xin Chúa thương nhìn đến đoàn chiên của Ðức Kitô, và cho mọi người đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy được mãi mãi đoàn kết với nhau, nhờ sống cùng một đức tin toàn vẹn, và chia sẻ một đức ái vững bền. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa, và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

VI. Cầu cho người Do-thái

Ta hãy cầu cho người Do-thái. Cha ông họ là những người đầu tiên đã được nghe lời Chúa phán dạy. Giờ đây xin Chúa làm cho họ ngày càng mến yêu danh thánh Chúa và trung thành với giao ước của Người.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã hứa ban ơn cứu độ cho tổ phụ Áp-ra-ham và con cháu của người. Xin Chúa thương nghe lời Hội Thánh cầu nguyện cho dân tộc Chúa đã chọn xưa kia cũng được hưởng nhờ ơn cứu độ viên mãn của Ðức Kitô, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

VII. Cầu cho người ngoài Kitô giáo

Ta hãy cầu cho những người ngoài Kitô giáo. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng dẫn đưa họ vào đường cứu độ.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho những người tuy không tin vào Ðức Kitô, nhưng trước mặt Chúa vẫn ăn ngay ở lành, được hồng ân tìm thấy chân lý. Xin cũng ban cho chính chúng con, ngày càng biết tương thân tương ái và thiết tha sống kết hợp với Chúa, để trước mặt thế gian, chúng con có thể minh chứng rằng Chúa chính là tình thương. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa, và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

VIII. Cầu cho người vô thần

Ta hãy cầu cho những người không nhận biết Thiên Chúa, nhưng vẫn sống theo lương tâm ngay thẳng: xin cho họ một ngày kia được gặp thấy Người.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã đặt vào trái tim con người niềm khát vọng đi tìm kiếm Chúa, khiến con người chỉ được bình an khi đã gặp thấy Chúa. Xin cho mọi người khắp thế gian, dù đang sống giữa muôn vàn nghịch cảnh, vẫn có thể nhận ra những dấu chỉ của tình yêu Chúa; và khi thấy các tín hữu sống đời bác ái yêu thương, họ sẽ vui mừng tin nhận duy có Chúa là Thiên Chúa đích thực và là Cha của hết mọi người. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa, và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

IX. Cầu cho những nhà lãnh đạo quốc gia

Ta hãy cầu cho những nhà lãnh đạo quốc gia. Xin Chúa thương soi trí mở lòng để họ biết hành động theo thánh ý mà tận tình lo cho dân nước được an cư lạc nghiệp và vui hưởng tự do.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa làm chủ lòng người, và bảo vệ quyền lợi của nhân dân các nước. Xin ghé mắt nhân từ mà ban ơn soi sáng trợ lực cho những nhà lãnh đạo quốc gia, để họ biết cùng nhau làm cho thế giới được hoà bình, muôn dân được thịnh vượng, và mọi người được hưởng tự do tôn giáo. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa, và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

X. Cầu cho những người đau khổ và những ai đang trong những thử thách

Anh chị em thân mến, ta hãy cầu xin Thiên Chúa là Cha toàn năng, dủ lòng thương giải thoát thế giới khỏi mọi sai lầm, khử trừ muôn bệnh tật, xua đuổi cơn đói kém, mở cửa ngục tù, bẻ tan xiềng xích, giữ gìn lữ khách được bình an, đưa kẻ tha hương về xứ sở, chữa lành các bệnh nhân, ban ơn cứu độ cho người đang hấp hối.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa hằng an ủi kẻ ưu phiền, ban sức mạnh cho người vất vả lầm than. Xin nghe tiếng nhân loại khổ đau nài van Chúa, và ban cho những người lâm cơn hoạn nạn được vui mừng cảm thấy Chúa nhân hậu phù trì. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa, và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

Sau các lời nguyện cho các nhu cầu của Công Giáo và mọi thành phần trong nhân loại là lễ nghi suy tôn thánh giá.

Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh không phải là một Thánh Lễ, do đó Thánh Thể không được thánh hiến. Tuy nhiên, Mình Thánh Chúa đã được trao cho các tín hữu bởi hàng chục linh mục. Sau khi Đức Giáo Hoàng đọc lời chúc bình an, phụng vụ đã kết thúc trong im lặng theo như là truyền thống Phụng Vụ của Giáo Hội trong ngày thứ Năm và thứ Sáu Tuần Thánh.