“Chúng ta rời khỏi nhà thờ để ‘đi về bình an’ để mang phúc lành của Thiên Chúa vào các sinh hoạt hằng ngày”.

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ mười lăm của ĐTC Phanxicô về Thánh Lễ, được ban hành ngày 4 tháng 4, 2018 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC dạy về Các Nghi Thức Kết Lễ. Ngài giải thích: “Khi Thánh Lễ kết thúc, thì sự cam kết làm nhân chứng của Kitô hữu được mở ra. Các Kitô hữu không đi dự Thánh Lễ để chu toàn một nhiệm vụ hàng tuần và sau đó họ quên đi, không. Các Kitô hữu đi dự Thánh Lễ để tham dự Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa và sau đó sống nhiều hơn như các Kitô hữu… Từ việc cử hành đến đời sống, chúng ta hãy ý thức rằng Thánh Lễ được hoàn thành trong những lựa chọn cụ thể của những người có liên quan cá nhân với mầu nhiệm của Đức Kitô. Chúng ta đừng quên rằng mình cử hành Thánh Lễ để học cách trở thành những người nam nữ Thánh Thể”.


* * *

Anh chị em thân mến, Chào anh chị em và Chúc mừng Phục sinh!

Anh chị em thấy hôm nay có nhiều hoa: hoa nói lên sự vui mừng, hoan hỉ. Ở một số nơi, Lễ Phục Sinh còn được gọi là “Phục Sinh nở hoa”, bởi vì Đức Kitô Phục Sinh nở hoa: đó là hoa mới; hoa của sự công chính hóa của chúng ta; hoa của sự thánh thiện của Hội Thánh. Vì lý do này mà có nhiều hoa: đó là niềm vui của chúng ta. Chúng ta mừng Lễ Phục Sinh cả tuần, cả tuần. Và vì điều này chúng ta lại tự chúc nhau, một lần nữa, tất cả chúng ta cùng nhua chúc “Mừng Phục Sinh”. Hãy cùng nhau nói: “Mừng Phục Sinh!”, tất cả mọi người! [trả lời: “Mừng Phục Sinh!”]. Tôi cũng muốn chúng ta chúc mừng Phục Sinh đến Đức Thánh Cha Bênêđictô quý yêu của chúng ta - bởi vì ngài đã là Giám mục Rôma - ngài đang theo dõi chúng ta trên truyền hình. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau chúc Mừng Phục Sinh Đức Thánh Cha Bênêdictô: [họ nói: “Mừng Phục Sinh!”]. Và một tràng pháo tay lớn.

Với bài giáo lý này, chúng ta kết thúc chu kỳ giáo lý dành riêng cho Thánh Lễ, chính là một lễ tưởng niệm, nhưng không chỉ là một hồi tưởng, mà chúng ta tái sống cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Lần trước chúng ta đã đi đến Hiệp Lễ và lời nguyện sau Hiệp Lễ; sau lời nguyện này, Thánh Lễ kết thúc bằng phép lành được linh mục ban và sự ra về của dân chúng (xem Quy Chế Tồng Quát của Sách Lễ Rôma, 90). Như được mở đầu bằng Dấu Thánh Giá, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, thì Thánh Lễ cũng được kết thúc nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, tức là cử chì phụng vụ.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng khi Thánh Lễ kết thúc, thì sự cam kết làm nhân chứng của Kitô hữu được mở ra. Các Kitô hữu không đi dự Thánh Lễ để chu toàn một nhiệm vụ hàng tuần và sau đó họ quên đi, không. Các Kitô hữu đi dự Thánh Lễ để tham dự Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa và sau đó sống nhiều hơn như Kitô hữu: việc dấn thân để làm nhân chứng của Kitô hữu được mở ra. Chúng ta rời khỏi nhà thờ để “đi về bình an” để mang phúc lành của Thiên Chúa vào các sinh hoạt hằng ngày, ở nhà của mình, nơi sở làm, giữa các nghề nghiệp của thành phố trần thế, để “tôn vinh Chúa bằng cuộc sống của mình.” Nhưng nếu chúng ta nói chuyện khi rời khỏi nhà thờ và nói, “hãy nhìn cái này, hãy nhìn cái kia ...”, với nhiều lời, thì Thánh Lễ đã không đi vào lòng tôi được. Tại sao? Bởi vì tôi không thể sống đời chứng nhân cho Đức Kitô. Mỗi khi tôi rời khỏi Thánh Lễ, tôi phải đi ra như một người tốt hơn khi tôi đi vào, với nhiều sức sống hơn, với nhiều sức mạnh hơn, với ước ao làm chứng nhân cho Đức Kitô nhiều hơn. Qua Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đi vào trong chúng ta, trong lòng chúng ta và trong thịt chúng ta, để chúng ta có thể “diễn tả Bí Tích [mà mình] nhận được trong đức tin nơi đời sống mình” (Sách Lễ Rôma, Tổng Nguyện của Thứ Hai của Bát Nhật Phục Sinh).

Cho nên, Từ việc cử hành đến đời sống, chúng ta hãy ý thức rằng Thánh Lễ được hoàn thành trong những lựa chọn cụ thể của những người có liên quan cá nhân với mầu nhiệm của Đức Kitô. Chúng ta đừng quên rằng mình cử hành Thánh Lễ để học cách trở thành những người nam nữ Thánh Thể. Điều này có ý nghĩa gì? Có nghĩa là để cho Đức Kitô hành động trong các việc làm của chúng ta: rằng các tư tưởng của Người thành các tư tưởng của chúng ta, các cảm xúc của Người thành cảm xúc của chúng ta, các lựa chọn của Người thành các lựa chọn của chúng ta. Và đó là sự thánh thiện: làm như Đức Kitô đã làm là sự thánh thiện của Kitô hữu. Thánh Phaolô diễn tả nó một cách chính xác khi nói về sự đồng hóa chính mình với Chúa Giêsu rằng: “Tôi đã chịu đóng đinh vào thập giá cùng với Ðức Kitô, cho nên, tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi. Giờ đây tôi sống trong thân xác, là tôi sống trong đức tin vào Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu thương tôi và đã hiến mạng sống Mình vì tôi” (Gal 2:19-20). Đây là chứng nhân Kitô giáo. Kinh nghiệm của Thánh Phaolô cũng soi sáng chúng ta: theo mức độ chúng ta kìm hãm tính ích kỷ của mình, nghĩa là chúng ta chết cho những gì trái ngược với Tin Mừng và tình yêu của Chúa Giêsu, một không gian lớn hơn được tạo ra trong chúng ta cho quyền năng của Chúa Thánh Thần. Kitô hữu là những người nam nữ để cho linh hồn mình được mở rộng bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần, sau khi lãnh nhận Mình và Máu Đức Kitô. Hãy để tâm hồn anh chị em mở rộng! Không phải những linh hồn chật hẹp và đóng lại, nhỏ bé và ích kỷ, không! Những linh hồn đại lượng, những linh hồn cao thượng, với những chân trời vĩ đại ... Hãy mở rộng linh hồn của anh chị em bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần sau khi đã lãnh nhận Mình và Máu Đức Kitô.

Vì sự hiện diện thực sự của Đức Kitô trong Bánh được thánh hiến không kết thúc với Thánh Lễ (x. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, 1374), Thánh Thể được cất trong Nhà Tạm để cho các bệnh nhân Rước Lễ và để im lặng chầu kính Chúa trong Bí tích Cực Trọng; thực ra, việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, cả cá nhân lẫn cộng đồng, giúp chúng ta ở lại trong Đức Kitô (x. ibid., 1378-1380).

Vì thế, các hoa quả của Thánh Lễ được dành riêng để chín mùi trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta có thể nói như thế, một chút hơi gượng ép, bằng hình ảnh: Thánh Lễ như hạt lúa, hạt lúa miến, mà sau đó phát triển trong cuộc sống bình thường, phát triển và trưởng thành trong các việc lành, các thái độ làm cho chúng ta nên giống Chúa Giêsu. Như thế hoa quả của Thánh Lễ được dành riêng để chín mùi trong cuộc sống hàng ngày. Thật ra, trong khi gia tăng sự kết hợp của chúng ta với Đức Kitô, Thánh Thể cập nhật hoá ân sủng mà Chúa đã ban cho chúng ta trong Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, để việc làm nhân chứng cho Đức Kitô của chúng ta nên đáng tin (ibid., 1391-1392).

Một lần nữa, khi thắp lên tình yêu của Thiên Chúa trong lòng chúng ta, Thánh Thể làm gì? Thánh thể tách chúng ta ra khỏi tội lỗi: “Chúng ta càng chia sẻ sự sống của Đức Kitô và tiến triển trong tình bằng hữu của Người, thì chúng ta ra càng khó bị tách khỏi Người bởi tội trọng” (ibid., 1395).

Việc thường xuyên đến gần bàn tiệc Thánh Thể canh tân, củng cố và đào sâu mối liên hệ với các cộng đoàn Kitô hữu mà chúng ta thuộc về, theo nguyên tắc Thánh Thể làm thành Hội Thánh (x. ibid., 1396), Thánh Thể kết hợp tất cả chúng ta lại với nhau.

Cuối cùng, việc tham dự vào Thánh Thể giúp chúng ta quyết tâm dấn thân cho tha nhân, đặc biệt là những người nghèo, khi dạy chúng ta chuyển từ thịt Đức Kitô sang thịt anh em mình, trong đó Người đang chờ đợi để được chúng ta nhận ra, phục vụ, tôn kính và yêu thương (x. ibid., 1397).

Trong khi mang kho tàng kết hợp với Đức Kitô trong các bình sành (x. 2 Cr 4:7), chúng ta luôn cần phải quay trở lại bàn thờ thánh, cho đến khi chúng ta hoàn toàn vui hưởng hạnh phúc của tiệc cưới Chiên Con trên thiên đàng, (x. Kh 19:9).

Chúng ta cảm tạ Chúa về cuộc hành trình tái tìm hiểu Thánh Lễ, mà Người đã cho chúng ta cùng nhau thực hiện, và chúng ta hãy để cho mình được lôi kéo, bằng một đức tin được canh tân, đến cuộc gặp gỡ thật sự này với Chúa Giêsu, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta và những người đương thời của chúng ta. Và nguyện xin cho cuộc sống của chúng ta luôn luôn được “nở hoa” như Lễ Phục Sinh, với những hoa của hy vọng, đức tin và việc lành. Chớ gì chúng ta luôn tìm thấy sức mạnh cho điều này trong Bí Tích Thánh Thể, trong sự kết hợp với Chúa Giêsu. Mừng Phục Sinh tất cả mọi người!

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2018/documents/papa-francesco_20180404_udienza-generale.html