Bài Giáo Lý 2 của ĐTC Phanxicô về Bí Tich Rửa Tội:

Bí Tích Rửa Tội: Dấu Chỉ của Đức Tin Kitô Giáo

“Bí Tích Rửa Tội ‘Kitô hoá’, những ai đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và được ‘Kitô hoá’ thì nên ‘giống Đức Kitô’, họ được biến đổi trong Đức Kitô và Bí Tích này làm cho họ thực sự thành một Kitô khác”.

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ nhất của ĐTC Phanxicô về Bí Tích Rửa Tội, được ban hành ngày 18 tháng 4, 2018 ở Quảng trường Thánh Phêrô. Từ bài giáo lý này, chúng tôi cũng cố gắng phiên dịch cả bài tóm tắt bằng Tiếng Anh được đọc trước bài nói chuyện của Đức Thánh Cha.

Anh chị em thân mến: Trong bài giáo lý tiếp tục của chúng ta về Bí Tích Rửa Tội, giờ đây chúng ta quay sang các lời nói và cử chỉ biểu lộ ý nghĩa của Bí Tích này như bắt đầu cuộc sống mới của chúng ta trong Đức Kitô. Thứ nhất, cha mẹ được hỏi là họ đặt tên gì cho đứa bé . Tên chúng ta nhận được khi Rửa Tội là một lời nhắc nhở liên tục rằng mỗi người chúng ta là một nhân vị độc đáo, được Thiên Chúa yêu thương và được mời gọi để đáp lại tình yêu ấy từng giây từng phút của cuộc đời mình. Được tái sinh bằng nước và Thánh Thần, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa và bắt đầu một cuộc hành trình đức tin và lớn lên trong sự thánh thiện trong sự kết hơp với Chúa Giêsu, Con hằng hữu của Chúa Cha. Sau khi hứa sẽ nuôi dạy con mình trong đức tin của Hội Thánh, cha mẹ và người đỡ đầu sau đó làm dấu Thánh Giá trên trán đứa bé. Mầu nhiệm thập giá đồng hành với chúng ta trong mỗi giây phút của cuộc đời chúng ta, giờ đây chúng ta thuộc về Đức Kitô và thông phần vào việc Vượt Qua của Người từ cái chết sang sự sống. Mỗi ngày, khi chúng ta làm dấu Thánh Giá, chúng ta có thể vui mừng trong ân sủng của Phép Rửa của mình và tìm cách đi sâu hơn nữa vào mầu nhiệm cứu chuộc, tái sinh và sự sống đời đời được Đức Kitô Đấng Cứu Độ ban cho chúng ta.

Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2018/documents/papa-francesco_20180418_udienza-generale.html, ngày 18 tháng 4, 2018 (trước khi được thay thế bằng bản dịch tiếng Anh dài).

* * *

Anh chị em thân mến, Chào anh chị em!

Chúng ta hãy tiếp tục bài giáo lý về Bí Tích Rửa Tội trong mùa Phục Sinh này. Ý nghĩa của Bí Tích Rửa Tội được thấy rõ trong việc cử hành Bí Tích này, vì vậy chúng ta hãy chú ý đến việc cử hành này. Khi xem xét các cử chỉ và lời nói của phụng vụ, chúng ta có thể hiểu được ân sủng và sự cam kết của bí tích này, là điều luôn luôn được tái khám phá. Chúng ta nhớ đến bí tích này bằng việc rảy nước thánh là điều có thể được làm vào ngày Chúa Nhật khi bắt đầu Thánh Lễ, cũng như trong việc lập lại các lời hứa rửa tội trong Đêm Vọng Phục Sinh. Thật vậy, điều xảy ra trong cuộc cử hành Bí tích Rửa Tội làm dấy lên một động lực thiêng liêng là động lực chạy qua suốt cuộc đời của những người đã được Rửa Tội; nó là khởi đầu của một tiến trình cho phép một người sống kết hợp với Đức Kitô trong Hội Thánh. Vì thế, khi trở lại nguồn gốc của đời sống Kitô hữu dẫn chúng ta đến việc hiểu rõ hơn về hồng ân nhận được trong ngày rửa tội của mình và canh tân cam kết dấn thân của chúng ta để đáp lại hồng ân này trong tình trạng hiện tại của mình. Tái cam kết, hiểu rõ hơn về hồng ân này, là Bí Tích Rửa Tội, và nhớ ngày Rửa Tội của mính. Thứ tư tuần trước tôi đã yêu cầu anh chị em làm bài tập ở nhà, là mỗi người chúng ta nhớ ngày rửa tội của mình, tôi chịu phép Rửa Tội vào ngày nào. Tôi biết rằng một số người biết nó, còn những người khác thì không; những người không biết, hãy hỏi bà con, những người như cha mẹ đỡ đầu,... và hỏi: “ngày rửa tội của con là ngày nào?” Bởi vì Rửa Tội là tái sinh và cũng giống một sinh nhật thứ hai. Anh chị em đã hiểu chưa? Hãy làm bài tập ở nhà này, hỏi: “Ngày rửa tội của con là ngày nào?”

Trước hết, trong nghi thức tiếp đón, tên của ứng viên được hỏi, bởi vì tên biểu thị căn tính của một người. Khi chúng ta tự giới thiệu, chúng ta cho biết ngay tên mình: “Tôi là tên này tên kia”, để không còn là người ẩn danh, ẩn danh là người không có tên. Để không còn ẩn danh nữa thì chúng ta giới thiệu ngay tên mình. Không có tên thì chưa được ai biết, nên không có quyền lợi và nhiệm vụ. Thiên Chúa kêu gọi tên từng người, yêu thương từng người cách cá nhân, trong thực tại của lịch sử chúng ta. Bí tích Rửa Tội thắp lên ơn gọi cá nhân để sống như những Kitô hữu, là điều sẽ phát triển trong suốt cuộc đời. Và nó ngụ ý một đáp trả cá nhân chứ không vay mượn, “sao và dán”. Đời sống Kitô hữu là một cuộc sống được đan kết bằng một loạt các ơn gọi và đáp trả: Thiên Chúa tiếp tục gọi tên của chúng ta hết năm này qua năm khác, lời mời gọi trở nên giống Chúa Giêsu Con Ngài vang lên bằng hàng ngàn cách. Cho nên tên thật quan trọng! Nó rất quan trọng! Cha mẹ nghĩ ra tên cho con thậm chí trước khi sinh ra: điều này cũng là một phần của việc mong đợi một đứa con trai, tên riêng của nó, sẽ có căn tính ban đầu của nó, cho đời sống Kitô hữu liên hệ với Thiên Chúa cũng thế.

Dĩ nhiên, trở thành một Kitô hữu là một hồng ân từ trên (x. Gl 3:3-8). Đức tin không thể mua được, nhưng được cầu xin, phải, và nhận được như một món quà, phải. “Lạy Chúa, xin ban cho con ơn đức tin”, đó là một lời cầu nguyện đẹp! “Xin cho con đức tin”, đó là một lời cầu nguyện đẹp. Hãy cầu xin nó như một món quà, nhưng anh chị em không thể mua nó, anh chị em cầu xin. Thực ra, “Bí tích Rửa T+1ội là bí tích của đức tin mà nhờ đó con người, được ân sủng của Chúa Thánh Thần soi sáng, đáp lại Tin Mừng của Đức Kitô” (Nghi Thức Rửa Tội cho Trẻ Em, Giới thiệu, số 3). Việc đào luyện của các dự tòng và chuẩn bị của cha mẹ có chiều hướng gợi hứng và đánh thức một đức tin chân thành khi đáp lại Tin Mừng, chẳng hạn như lắng nghe Lời Chúa trong chính việc cử hành Bí tích Rửa Tội.

Nếu các dự tòng người lớn trực tiếp bày tỏ những gì họ muốn nhận như hồng ân từ Hội Thánh, thì các trẻ em sẽ được cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu bày tỏ. Sự đối thoại với họ, cho phép họ diễn tả việc họ muốn cho con họ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và nói cho Hội Thánh ý định cử hành Bí Tích này. “Những mục đích này được diễn tả trong hành động khi cha mẹ và vị chủ tế làm dấu Thánh Giá trên trán của các trẻ em” (Nghi Thức Rửa Tội cho Trẻ Em, Giới thiệu, Số 16). “Dấu Thánh Giá diễn tả dấu ấn của Đức Kitô trên người sắp thuộc về Người và biểu thị ơn cứu chuộc mà Đức Kitô đã mang lại cho chúng ta qua Thánh Giá của Người” (GLHTCG, 1235). Trong buổi lễ, chúng ta làm dấu Thánh Giá trên trẻ em. Nhưng tôi muốn quay lại một chủ đề mà tôi đã nói với anh chị em. Con cái chúng ta có biết làm dấu Thánh Giá thế nào cho đúng không? Nhiều lần tôi đã thấy những đứa trẻ không biết làm dấu Thánh Giá. Và anh chị em, là cha, mẹ, ông bà, cha đỡ đầu, mẹ đỡ đầu, phải dạy chúng biết làm dấu Thánh Giá cho đúng, vì nó là lặp lại những gì đã được làm khi Rửa Tội. Anh chị em có hiểu rõ không? Hãy dạy trẻ em làm dấu hiệu Thánh Giá cho đúng. Nếu chúng khi còn nhỏ, chúng sẽ làm đúng sau này, khi lớn lên.

Thánh Giá là huy hiệu cho thấy chúng ta là ai: nói năng, suy nghĩ, tìm kiếm, làm việc dưới dấu Thánh Giá, đó là, dấu chỉ của tình yêu đến cùng của Chúa Giêsu. Các em được làm dấu trên trán. Các dự tòng người lớn cũng được làm dấu trên các giác quan, với những lời sau: “Hãy nhận dấu Thánh Giá trên tai của anh/chị/em để nghe tiếng Chúa”; “Trên mắt để nhìn thấy sự huy hoàng của dung nhan Thiên Chúa”; “Trên miệng, để đáp lại Lời Chúa”; “Trên ngực, bởi vì Đức Kitô ngự trong trái tim của anh/chị/em qua đức tin”; “Trên vai, để nâng đỡ cái ách nhẹ nhàng của Đức Kitô” (Nghi lễ Khai Tâm [Nhập Đạo] Kitô Giáo của Người Lớn, Số 85). Chúng ta trở thành Kitô hữu theo mức độ mà thánh giá được in trong chúng ta như là một dấu của “sự vượt Qua” (x. Kh 14:1; 22:4), làm cho cách người Kitô hữu đối diện với cuộc sống được nên hữu hình, kể cả bề ngoài. Làm dấu Thánh Giá khi chúng ta thức dậy, trước bữa ăn, trước một nguy hiểm, để bảo vệ chống lại sự dữ, ban đêm trước khi đi ngủ có nghĩa là nói với chính mình và những người khác rằng chúng ta thuộc về ai và chúng ta muốn là ai. Đó là lý do tại sao việc dạy con cái làm dấu Thánh Giá là điều rất quan trọng. Và, cũng như chúng ta làm dấu khi bước vào nhà thờ, chúng ta có thể làm dấu ở nhà, bằng cách giữ một ít nước thánh trong một cái bình nhỏ - một số gia đình làm như thế: vậy, mỗi lần chúng ta về nhà hay ra đi, qua việc làm dấu Thánh Giá bằng nước ấy, chúng ta nhớ rằng chúng ta đã chịu phép Rửa. Đừng quên, tôi lặp lại: dạy cho trẻ em làm dấu Thánh Giá.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2018/documents/papa-francesco_20180418_udienza-generale.html