Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Phát hiện đáng kính ngạc của các nhà địa lý: Bẩy đền thánh cổ kính tại Âu Châu và Trung Đông nằm trên một đường thẳng

Các nhà địa lý Italia vừa công bố một khám phá rất đáng kính ngạc: Bẩy đền thánh cổ kính của Châu Âu và Trung Đông nằm hoàn toàn khít trên một đường thẳng dù ở cách nhau rất xa. Toán học gọi là co-linear (đồng tuyến tính).

Hãng tin Aleteia của Italia nói đường thẳng này, theo truyền thuyết, có thể là đường lưỡi gươm của Tổng Lãnh Thiên Thần Micae chém ma qủy, đưa chúng xuống địa ngục.

Thật đáng ngạc nhiên hơn nữa là 6 trong số 7 đền thánh này là các đền kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae. Hơn thế nữa, ba đền thánh quan trọng nhất trong số này là Đền Tổng Lãnh Thiên Thần Micae ở Pháp; Đền Tổng Lãnh Thiên Thần Micae ở Val de Susa; và Đền Tổng Lãnh Thiên Thần Micae ở Gargano cách nhau cùng một khoảng cách. Toán học gọi là equi-distant.

Một số người nói đường thẳng này là một lời nhắc nhở từ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae rằng các tín hữu được trông đợi là người công chính, không hành xử quanh co nhưng đi theo một con đường thẳng.

2. Bẩy đền thánh cổ kính tại Âu Châu và Trung Đông nằm trên một đường thẳng

Các nhà địa lý nói rằng nếu hiện tượng bẩy đền thánh cổ kính này nằm khít trên một đường thẳng chưa đủ gây ngạc nhiên, thì có thêm một chi tiết thú vị nữa. Vào ngày hạ chí (Summer Solispice) của Bắc bán cầu (thường là vào ngày 21 tháng Sáu), bẩy ngôi đền thánh này nằm thẳng tắp trên đường hoàng hôn!

Đường thẳng nói trên bắt đầu ở đền thánh Skellig Michael kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae trên đảo Michael’s Rock của Ái Nhĩ Lan. Tương truyền đây là nơi Tổng lãnh thiên thần Michael đã hiện ra với Thánh Patrick, để giúp ngài giải phóng đất nước đó khỏi tay quỷ dữ.

Sau đó, con đường nghiêng về phía nam đến đền kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae trên đảo Cornish của Anh. Nói là đảo, nhưng khi thủy triều xuống, miền đất này được nối liền với đất liền. Tương truyền đây là nơi Tổng lãnh thiên thần Michael đã hiện ra với một nhóm ngư dân.

Con đường kỳ diệu này, sau đó, đi đến Pháp, nơi có đền thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae ở Mont Saint-Michel, cũng là một trong những nơi mà Tổng Lãnh Thiên Thần Micae đã hiện ra với các tín hữu Công Giáo Pháp. Đền thánh này, nằm ngoài khơi bờ biển Normandy, rất đẹp khiến cho khu vực này trở thành một trong những địa điểm du lịch được ghé thăm nhiều nhất ở Pháp, và đã được UNESCO công nhận là di sản Thế giới từ năm 1979. Năm 709, Tổng Lãnh Thiên Thần Micae đã hiện ra với Thánh Aubert, thúc giục ngài xây dựng một nhà thờ trên các tảng đá. Công việc được bắt đầu ngay lập tức, nhưng mãi đến năm 900 mới hoàn thành được.

Cách đó khoảng 1000 km, tại Val de Susa, là đền thánh thứ tư: Sacra di San Michele, cũng là một đền thánh kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae. Việc xây dựng đền thánh được bắt đầu vào khoảng năm 1000 và, trong suốt nhiều thế kỷ, các cấu trúc mới đã được thêm vào tòa nhà ban đầu. Các tu sĩ Bênêđíctô cũng đã xây thêm một nhà trọ, bởi vì đền thánh này nằm trên con đường Via Francigena là con đường những người hành hương đi qua để sang Rôma.

3. Bẩy đền thánh cổ kính tại Âu Châu và Trung Đông nằm trên một đường thẳng

Cách đó một ngàn cây số khác trên đường thẳng kỳ diệu này, là đền thánh kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae tại Gargano, Italia được xây dựng từ năm 490, khi Tổng Lãnh Thiên Thần Micae hiện ra với Thánh Lorenzo Maiorano.

Từ Ý, dấu chân của Tổng Lãnh Thiên Thần Micae đưa ta đến đền thánh thứ sáu. Đền thánh này trên đảo Symi của Hy Lạp. Đền thánh này có một bức tượng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae cao ba mét, là một trong những bức tượng lớn nhất thế giới.

Con đường kết thúc tại Israel, với đền thánh Mount Carmel, ở Haifa. Nơi đã được xây dựng từ thời cổ đại, với các thánh đường Công Giáo và Chính Thống Giáo có niên đại từ thế kỷ 12.

4. Nigeria: Nổ bom tự sát tại đền thờ Hồi Giáo giết chết 89 người

Trong một diễn biến bi đát, bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram đã nổ bom tự sát tại một đền thờ Hồi Giáo Shiite giết chết 89 người và làm bị thương 58 người khác.

Phát ngôn viên cảnh sát tại Mubi, một thị trấn khoảng 120 dặm về phía bắc của Yola, thủ phủ của bang Adamawa ở miền Đông Bắc Nigeria cho biết:

“Hai vụ đánh bom diễn ra khoảng 1 giờ chiều, hôm thứ Ba 1 tháng Năm. Những kẻ đánh bom tự sát gồm có hai thanh niên. Tên thứ nhất cho nổ một quả bom đầu tiên sau khi những lời cầu nguyện bắt đầu. Tên thứ hai, đứng sẵn bên ngoài, đã cho nổ một quả bom thứ hai khi mọi người ra bên ngoài”

Yemi Osinbajo, phó tổng thống Nigeria, cho biết trong một tuyên bố rằng chính phủ đã “bị sốc và cảm thấy bị xúc phạm” bởi các vụ đánh bom.

Osinbajo cho biết: “Việc xúc phạm đến một nơi thờ phượng bởi những tên tội phạm là bi thảm và phải bị kết án với những lời lẽ mạnh nhất”

Diễn biến mới nhất này cho thấy chính quyền của tổng thống Muhammadu Buhari đã không kiểm soát được tình hình đất nước.

Trước đó vài ngày, hôm 28 tháng Tư, các Giám mục Nigeria đã kêu gọi tổng thống Muhammadu Buhari từ chức sau vụ tấn công vào một nhà thờ Công Giáo vào hôm thứ Ba 24 tháng Tư và các cuộc tấn công tiếp theo vào các cộng đồng Kitô hữu gây ra bởi nhóm khủng bố Hồi Giáo Fulani.

Ít nhất 19 người trong đó có hai linh mục đã bị giết khi nhóm cực đoan Hồi Giáo Fulani xả súng vào một nhà thờ tại Ayar Mbalom trong bang Benue, Nigeria.

Các Giám Mục Nigeria đang ở Rôma tham dự ad limina đã ra một thông cáo kêu gọi tổng thống Muhammadu Buhari từ chức. Ông Muhammadu Buhari, một người Hồi Giáo, đã nhậm chức tổng thống từ ngày 29 tháng 5 năm 2015. Sau một thời gian chiến tranh dai dẳng với bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram, với khát vọng hòa bình, dân chúng đã chọn ông làm tổng thống vì ông từng là một vị tướng trong quân đội Nigeria. Tuy nhiên, lựa chọn này có lẽ là một sai lầm tai hại. Tổng thống Muhammadu Buhari tỏ ra bất lực không thể dẹp tan được Boko Haram. Đồng thời, quốc gia này lại còn gánh chịu thêm nhiều tang tóc gây ra bởi nhóm khủng bố Hồi Giáo Fulani. Tình hình tại Nigeria xấu đi một cách nhanh chóng.

5. Sứ thần Tòa Thánh tại Áo cảm thấy ‘nhục nhã’ vì các giáo sĩ Đức chống báng việc chính phủ bang Bavaria treo thánh giá

Sứ thần Tòa Thánh tại Áo đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các linh mục và giám mục Đức phản đối chính phủ miền Bavaria treo thánh giá tại các công thự của chính phủ.

Trong một bài giảng tại Tu viện Heiligenkreuz, Đức Tổng Giám Mục Peter Zurbriggen, người Thụy Sĩ, là Sứ thần Tòa Thánh tại Áo, cho biết phản ứng của một số giáo sĩ đối với quyết định của chính phủ miền Bavaria là “không thể chấp nhận được”

“Là Sứ Thần Tòa Thánh và đại diện của Đức Thánh Cha, tôi cảm thấy buồn và hổ thẹn khi khi thấy thánh giá được dựng lên ở một nước láng giềng mà chính các giám mục và linh mục lại đi chỉ trích một quyết định như thế. Thật đáng xấu hổ làm sao! Không thể chấp nhận được.”

Tuy không nêu rõ đích danh ai, rõ ràng những lời của Đức Tổng Giám Mục Peter Zurbriggen đã nhắm đến Đức Hồng Y Reinhard Marx.

Đức Hồng Y Marx, Tổng Giám mục Munich và Freising, cũng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức đã chỉ trích quyết định của bang Bavaria treo thánh giá trong các tòa nhà chính phủ vì cho rằng quyết định này sẽ gây ra “chia rẽ” và “đấu tranh chống lại nhau”.

“Nếu thánh giá chỉ được xem như một biểu tượng văn hóa, thì người ta chưa hiểu được thánh giá”, ngài nói. Theo Đức Hồng Y, thánh giá là “một dấu chỉ phản đối bạo lực, bất công, tội lỗi và cái chết, chứ không phải là một dấu chỉ [loại trừ] chống lại người khác.”

Tuy nhiên, Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg không đồng ý với những ý kiến của Đức Hồng Y Marx. Ngài đã lên tiếng hoan nghênh quyết định này của bang Bavaria. Đức Cha nói: “Thánh giá là hình ảnh thu nhỏ của văn hóa phương Tây. Đó là biểu hiện của một nền văn hóa tình yêu, bác ái và sự khẳng định cuộc sống. Thánh giá là một trong những nền tảng của châu Âu.”

Đức Cha Rudolf Voderholzer nói thêm, đó là lý do tại sao, người dân miền Bavaria có truyền thống đặt thánh giá chứ không phải là các biểu tượng khác ở các đỉnh núi của họ. “Không phải lá cờ quốc gia hay các biểu tượng khác của quyền bính con người, như những người khác có thể thích hơn ở những nơi khác, nhưng là thánh giá. Thánh giá nên được nhìn thấy mọi nơi,vì thánh giá là dấu chỉ của ơn cứu rỗi và cuộc sống trong đó Chúa Kitô giao hòa giữa trời và đất, Thiên Chúa và hòa giải con người, nạn nhân và thủ phạm.”

Thủ tướng Bavus Markus Söder của bang Bavaria đã công bố chính sách này vào tuần trước, nói rằng việc treo thánh giá sẽ phản ánh “bản sắc văn hóa và ảnh hưởng của phương Tây-Kitô giáo” trên miền này.

6. Công nghị Hồng Y tuyên thánh cho Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero

Trong thông cáo đưa ra hôm thứ Năm 3 tháng 5, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết một công nghị Hồng Y sẽ được tổ chức vào ngày 19 tháng 5 để định ngày tuyên thánh cho Đức Thánh Cha Phaolô VI, Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero và bốn vị khác.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã dọn đường cho việc tuyên thánh cho các vị vào đầu năm nay với việc công bố các nghị định công nhận các phép lạ do sự can thiệp của sáu vị Chân Phước.

Vatican cho biết ngày 3 tháng 5 rằng một “công nghị bình thường” - một cuộc họp của Đức Giáo Hoàng với các Hồng Y cư trú tại Rome và các giám mục và các chức sắc khác - sẽ được tổ chức vào ngày 19 tháng 5 để hoàn tất việc phê chuẩn sáu án tuyên thánh. Cuộc họp này của các Hồng Y và các vị cáo thỉnh viên chính thức chấm dứt tiến trình phê chuẩn án tuyên thánh một vị thánh mới.

Ngày và địa điểm cho các buổi lễ tuyên thánh sẽ được công bố ngay sau khi kết thúc công nghị Hồng Y này.

Trước đó, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, dự đoán rằng lễ tuyên thánh cho Đức Thánh Cha Phaolô VI sẽ diễn ra vào cuối Hội đồng Giám mục về thanh niên và sự phân định ơn gọi, diễn ra từ ngày 3 đến ngày 28 tháng 10.

Các vị khác sẽ được tuyên thánh gồm có: Cha Francesco Spinelli người Ý, đấng sáng lập ra dòng các Nữ Tu Tôn Sùng Bí Tích Thánh Thể; Cha Vincenzo Romano, linh mục của người nghèo ở Naples, Italia, cho đến khi ngài qua đời vào năm 1831; Mẹ Catherine Kasper, đấng sáng lập ra dòng Nữ tì khó nghèo của Chúa Giêsu Kitô; và Mẹ Nazaria Ignacia March Mesa, người Tây Ban Nha, đấng sáng lập dòng Thập Tự Quân Truyền Giáo.

7. Hiệp sĩ Giacomo Dalla Torre được bầu làm Hiệp Sĩ Tối Cao của Dòng Hiệp Sĩ Malta

Hiệp sĩ Giacomo Dalla Torre đã được bầu làm Hiệp Sĩ Tối Cao thứ 80 của Dòng Hiệp sĩ Malta vào ngày thứ Tư 2 tháng 5 và hứa sẽ tiếp tục công cuộc cải cách Dòng này bắt đầu năm ngoái khi ông được bầu làm nhà lãnh đạo tạm thời.

Trong một đám rước long trọng sau Thánh lễ buổi sáng, Dalla Torre 73 tuổi và 53 nhà lãnh đạo khác của Dòng Hiệp sĩ Malta - bao gồm, lần đầu tiên, hai người phụ nữ - đã bước vào biệt thự của dòng trên Đồi Aventine của Rome để bắt đầu cuộc bỏ phiếu bầu một lãnh đạo mới.

Các cử tri, hình thành nên Hội đồng Đại nghị của quốc gia Malta, đã hoàn thành việc bỏ phiếu vào buổi sáng. Họ đã chọn Hiệp Sĩ Tối Cao thứ 80 trong số 12 hiệp sĩ đủ điều kiện, tức là những người đã thực hiện những lời thề long trọng về sự thanh bần, khiết tịnh và vâng phục. Thay vì bầu Hiệp Sĩ Tối Cao, các vị cử tri cũng có thể bầu một vị lãnh đạo tạm thời để giám sát công việc của dòng trong một năm nữa. Tuy nhiên, các cử tri cảm thấy đã có đủ những dữ kiện cho họ có thể chọn một vị lãnh đạo chính thức.

Dalla Torre đã phục vụ trong năm qua với tư cách là nhà lãnh đạo tạm thời với nhiệm vụ là sửa đổi hiến pháp của dòng sau nhiều tháng bất ổn và khủng hoảng.

Dòng Hiệp sĩ Malta là một dòng tu Công Giáo Rôma được tổ chức như một lực lượng quân sự. Họ là các hiệp sĩ châu Âu lâu đời nhất trên thế giới. Sau khi chinh phục được Jerusalem vào năm 1099 trong cuộc Thập tự chinh thứ nhất, họ đã trở thành một dòng tu quân sự có điều lệ riêng với nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ Đất Thánh. Sau khi các vùng lãnh thổ ở Thánh Địa rơi vào tay người Hồi giáo thì dòng này rút quân về hoạt động ở đảo Rhodes (1310-1523), và sau đó là đảo Malta (1530-1798). Năm 1798, Napoléon Bonaparte chiếm được Malta thì dòng này rút về Roma nhưng vẫn được nhìn nhận tư cách một quốc gia có chủ quyền. Dù không thực sự có một vùng lãnh thổ xác định nhưng họ được cấp tư cách quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, được phát hành tem bưu chính, có hộ chiếu đi quốc tế, có quốc kỳ và quốc huy như một nhà nước.

Dòng hiện có khoảng 13,000 thành viên, 80,000 tình nguyện viên thường trực và 20,000 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, y tá, trợ tá) hiện diện tại hơn 120 quốc gia.

Ngày 22 tháng 12 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập một ủy ban đặc biệt để điều tra những bất hòa trong Dòng Hiệp Sĩ Malta sau khi vị Hiệp Sĩ Tối Cao của hội đáng kính này ra quyết định sa thải vị Thủ tướng.

Albrecht von Boeselager, là người bị cách chức, đã dính líu vào một chương trình phân phối bao cao su tránh thai để ngăn chặn việc lây lan bệnh liệt kháng (HIV). Tuy nhiên, ông nói rằng vị Hiệp Sĩ Tối Cao của hội Hiệp Sĩ Malta, là Matthew Festing, đã hành động vi phạm hiến pháp của hội khi ra lệnh buộc ông từ chức vì quan điểm ‘liberal’ của mình. Albrecht von Boeselager cũng nói với các ký giả là Đức Hồng Y Raymon Burke, là nhà lãnh đạo tinh thần của dòng, đã tác động trực tiếp vào quyết định buộc ông ta phải bị cách chức.

Dalla Torre sinh tại Rome vào ngày 9 tháng 12 năm 1944, và theo học khoa khảo cổ học và lịch sử nghệ thuật của Kitô giáo tại Đại học Rome. Ông dạy tiếng Hy Lạp cổ điển tại Đại học Giáo Hoàng Urbanô của Rôma và là giám đốc thư viện và văn khố của trường đại học.

Ông đã là một thành viên Dòng Hiệp sĩ Malta từ năm 1985 và đã thực hiện những lời thề long trọng vào năm 1993.

8. Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng gởi những người mẹ mất con trong cuộc chiến tranh bẩn thỉu tại Á Căn Đình

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một sứ điệp nhân kỷ niệm lần thứ 41 phong trào “Madres de Plaza de Mayo” (Các bà mẹ của quảng trường Mayo). Đây là một phong trào của những người phản đối chính quyền quân phiệt Á Căn Đình vì con cái của họ biến mất trong cuộc chiến tranh bẩn thỉu kéo dài từ 1976 đến 1983. Từ năm 1977 cho đến ngày tàn của chế độ quân phiệt Á Căn Đình, quảng trường Mayo ở thủ đô Buenos Aires đã là nơi tụ tập phản đối của các bà mẹ có con bị bắt đưa đi mất tích.

Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng đã được gửi đến Ana María Careaga, con gái của người sáng lập ra phong trào này, là bà Esther Ballestrino de Careaga, một người Uruguay lớn lên tại Paraguay. Bà đã bị cảnh sát bắt cóc tại Á Căn Đình vào ngày 17 hay 18 tháng 12, 1977 và vĩnh viễn biến mất.

Esther, một nhà hóa sinh, phụ trách phòng thí nghiệm nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng làm việc khi còn là một thanh niên.

Ngày 30 tháng Tư năm 1977, Esther đã lãnh đạo các bà mẹ có con bị bắt đưa đi mất tích biểu tình phản đối tại Buenos Aires. Họ đã diễn hành đến quảng trường Mayo nên phong trào các bà mẹ này có tên gọi là “Madres de Plaza de Mayo”

Sứ điệp của Đức Thánh Cha được phát sóng vào tối thứ Hai, ngày 1 tháng Năm, trong chương trình, “Ahora y Siempre” (Bây giờ và Mãi mãi) mà Ana Maria Careaga phụ trách trên Đài phát thanh Caput ở Buenos Aires.

Trong sứ điệp này, Đức Thánh Cha nói:

Kính gửi Ana Maria,

Những ngày này khi ta nhớ đến ngày 30 tháng 4 năm 1977, kỷ niệm ngày thành lập phong trào các “Bà mẹ” [của Plaza de Mayo], được chính các bà mẹ tổ chức, tôi rất nhớ mẹ của cô.

Bà làm việc chăm chỉ, và là một người tranh đấu; và cùng với nhiều phụ nữ đã chiến đấu vì công lý, bởi vì họ đã mất con hoặc chỉ đơn giản là vì những bà mẹ này đã nhìn thấy thảm cảnh của rất nhiều những bà mẹ khác có con mất tích. Họ đã đến với nhau để chiến đấu cho điều này.

Tôi chắc chắn rằng, ngoài sự công nhận phổ quát của thế giới, Thiên Chúa giữ họ trong trái tim Ngài. Họ là những chiến binh, họ chiến đấu vì công lý và họ đã dạy chúng ta con đường tiến lên phía trước.

Tôi vui mừng vì cô đang theo bước chân của mẹ mình và làm cho nhiều người biết đến câu chuyện này trong các chương trình phát thanh của cô. Do đó hôm nay, một cách đặc biệt, tôi cầu nguyện cho các bà mẹ, tôi cầu nguyện cho cô, tôi cầu nguyện cho mẹ Esther và tôi cầu nguyện cho tất cả những người nam nữ thiện chí, những người cùng nhau muốn tiến hành một kế hoạch công lý và tình huynh đệ.

9. Hơn 30,000 người Công Giáo Anh lần chuỗi Mân Côi dọc theo bờ biển

Hơn 30,000 người Công Giáo Anh đã cầu nguyện với kinh Mân Côi trên khắp nước Anh vào ngày Chúa Nhật 29 tháng Tư. Sự kiện này là cuộc tập hợp lớn nhất của người Công Giáo kể từ sau chuyến viếng thăm nước Anh của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào năm 2010. Hơn 400 nhóm đã cầu nguyện tại các địa điểm dọc theo bờ biển Anh, và cả tại một vài nước lân cận.

Donna Cooper, người đã tham gia buổi họp mặt tại Exmouth, nói với tờ Catholic Herald: “Nếu giới trẻ ngày nay là hy vọng cho tương lai của Giáo Hội, thì sự hiện diện của giới trẻ tụ tập tại bãi biển Exmouth để lần chuỗi Mân Côi là rất đáng khích lệ. Các linh mục và cộng đoàn vùng Exeter được khích lệ với sự tham gia của đông đảo các người trẻ rất nhiệt tình”.

“Chúng tôi chắc chắn điều này đã gây ấn tượng mạnh với những người đi bộ buổi chiều Chúa Nhật, đặc biệt là khi chúng tôi kết thúc thời gian cầu nguyện của chúng tôi với kinh Lạy Cha”.

Cha Ross Crichton, người lãnh đạo nhóm trên Đảo Eriskay ở Outer Hebrides, mô tả ngày cầu nguyện này thật là “vinh quang”. Nhóm này, ngài nói, cầu nguyện bằng cả tiếng Anh và Gaelic.

Trong khi đó, Cha Tom Grufferty dẫn đầu một nhóm ở Gosport, Hampshire. “Ngay khi chúng tôi bắt đầu lời cầu nguyện cổ kính của kinh Mân Côi, chúng tôi thực sự cảm nhận được một tinh thần cộng đồng trong đó tất cả mọi người nâng cao tâm trí và trái tim mình lên cùng Thiên Chúa trong lời cầu nguyện”

Cha nói thêm: “Cá nhân tôi đã có thể nhìn thấy những mầu nhiệm sự sáng với một ý nghĩa mới khi chúng tôi nhìn từ Solent hướng sang Đảo Wright. Mặc dù thời tiết có mây với một làn gió rất lạnh, chúng tôi đã xác định một cách dễ dàng với tất cả những người khác tụ tập quanh bờ biển nước Anh.”

Clare Short, người tham gia một nhóm ở Portsmouth, cho biết: “Khi cầu nguyện trên bãi biển ngày hôm nay, hiệp thông với hơn 30,000 người Công Giáo khác trên quần đảo Anh, tôi cảm thấy rằng chúng ta đã bắt đầu lấy lại được ý thức về bản sắc dân tộc.”

Tờ Catholic Herald thậm chí còn nhận được lời nhắn của một nhóm tập hợp ở tỉnh Tarragona, và ở Catalonia, Tây Ban Nha. Đặc biệt, Mục sư Anh Giáo Bernard Farrell-Roberts nói rằng ông, vợ ông và một linh mục người Tô Cách Lan đã cầu nguyện với một linh mục cho nước Anh từ bờ biển Địa Trung Hải.

10. Đức Thánh Cha nói với các ký giả báo Avvenire: “Tin Mừng phải là đường hướng biên tập”

Hôm thứ Ba 1 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với các nhân viên của tờ Avvenire (Tương Lai) và gia đình của họ. Avvenire là tờ báo hàng ngày của Hội Đồng Giám Mục Ý. Tờ báo được thành lập vào tháng 12 năm 1968 và hoạt động trên đất Ý liên tục từ đó cho đến nay.

Thánh Giuse, gương mẫu cho những người làm nghề truyền thông

Trong cuộc gặp gỡ mừng 50 năm hoạt động của báo Avvenire ở Ý, Đức Thánh Cha đưa ra nhận xét rằng Thánh Giuse là gương mẫu cho những người làm nghề truyền thông. Ngài thừa nhận rằng Tin Mừng không tường thuật một lời nào của Thánh Giuse. Do đó, Thánh Giuse có vẻ như là “tương phản với người làm nghề truyền thông”. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến khả năng của Thánh Giuse trong việc lắng nghe, phó thác chính mình cho Lời Chúa nhận được trong giấc mơ, và bừng tĩnh giữa đêm đen để “nhận ra lời hứa của Thiên Chúa”.

Thánh Giuse: biểu tượng của những người thánh thiện

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng Thánh Giuse có thể dạy chúng ta làm thế nào để lấy lại một “cảm thức từ tốn lành mạnh”, và “cởi mở với những lời nói và câu chuyện của người khác”. Thánh Giuse đã dùng cả trái tim và đôi chân của mình trong sự ngoan ngoãn đáp lại Lời Chúa được trao cho ngài qua giấc mơ. Vì vậy, ngài “là biểu tượng của những người thánh thiện trong chúng ta, những người nhận ra rằng điểm tham chiếu của họ là Thiên Chúa, Đấng bao trùm tất cả cuộc sống ta với một ý nghĩa thống nhất”.

Quá khứ của Avvenire

Đề cập đến sự xuất hiện của tờ báo 50 năm trước, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các nhân viên hiện tại của tờ báo rằng thật không phải dễ dàng để có được tờ báo này. “Bao nhiêu lúng túng và đề kháng, bao nhiêu sự khác biệt và những ý kiến trái ngược nhau tìm cách ngăn chặn ý chí của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục muốn cho ra đời của một tờ báo Công Giáo hàng ngày toàn quốc”.

Chuyển đổi của Avvenire

Đức Thánh Cha ghi nhận những chuyển đổi mà Avvenire đã và đang phải trải qua theo sau những thay đổi trong công nghệ truyền thông. Đó chính là lãnh vực mà “Giáo hội không muốn mình không có tiếng nói”. Trung thành với sứ mệnh của mình, Giáo Hội công bố Tin Mừng về Lòng Thương Xót; và các phương tiện truyền thông cung cấp một tiềm năng rất lớn để đóng góp cho nền văn hóa của cuộc gặp gỡ.

Những nhà truyền thông mà Giáo Hội cần

Đức Thánh Cha nhắc nhở cử tọa về những gì Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã nói về các nhà báo Công Giáo. Họ không được kêu gọi để tung ra các chuyện giật gân để thu hút độc giả, nhưng phải làm tốt công việc mình bằng cách lắng nghe và giáo dục độc giả suy nghĩ và đánh giá. Ngài khuyến khích cử tọa của mình đừng mệt mỏi trong việc tìm kiếm sự thật, bắt đầu với việc đọc sách Phúc âm như một thói quen. “Hãy để Phúc Âm là đường hướng biên tập ràng buộc sự liêm chính của anh chị em…. Khi đó anh chị em sẽ có ánh sáng để phân định, và những từ ngữ của sự thật để giải thích những gì đang xảy ra một cách đúng đắn”

Để kết luận, Đức Thánh Cha bày tỏ mong muốn của ngài rằng “cả anh chị em cũng thể hiện một Giáo Hội không nhìn vào thực tế từ bên ngoài, hoặc từ trên cao, mà đi vào bên trong, hòa nhập với Giáo Hội, sống với Giáo Hội và - qua dịch vụ mà anh chị em cung cấp— linh hứng và mở rộng hy vọng cho mọi người”.

11. Các tổ chức phò sinh hoan nghênh quyết định của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ bỏ quyền phá thai khỏi các nhân quyền

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã loại bỏ một phần nói về “quyền sinh sản” trong báo cáo nhân quyền thế giới hàng năm của mình và thay thế nó bằng các số liệu thống kê nói lên “sự ép buộc trong kiểm soát dân số”.

Báo cáo quốc gia năm 2017 về thực tiễn nhân quyền, được công bố tuần trước, đưa ra các thông tin về phá thai cưỡng bức, buộc triệt đường sinh sản và “các biện pháp kiểm soát dân số cưỡng chế khác”.

Mục này trước đây dưới thời Obama được gọi mục về “quyền sinh sản” mà trong thực chất là quyền phá thai, ngừa thai nhằm áp lực các quốc gia kém mở mang phải áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa trong sinh sản.

Ông Michael Kozak phát ngôn viên Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động cho biết sự thay đổi này là “không làm giảm các quyền của người phụ nữ” mà đúng hơn là “ngừng sử dụng một thuật ngữ có nhiều ý nghĩa khác nhau.”

Các nhóm phò sinh đã hoan nghênh sự thay đổi này. Lila Rose of Live Action cho biết: “Quyền sinh sản 'từ lâu đã là một thứ lộng ngôn xảo ngữ nhằm hủy hoại cuộc sống con người trong bụng mẹ.”

“Một cụm từ có vẻ như trao quyền cho người phụ nữ nhưng thực chất là buộc họ giết những đức con chưa chào đời.”

12. Tranh luận về vấn đề cho người Tin Lành rước lễ: Đức Thánh Cha khuyên các Giám Mục Đức tìm kiếm một sự đồng tâm nhất trí

Một nhóm các Giám mục Đức đã gặp nhau tại Vatican để có một cuộc thảo luận về đề xuất mục vụ liên quan đến việc cho phép người phối ngẫu Tin Lành của một người Công Giáo được Rước Lễ.

Trong cuộc họp diễn ra tại Vatican hôm thứ Năm 3 tháng 5, các quan chức cao cấp của Vatican và các thành viên của Hội Đồng Giám mục Đức đã tổ chức một cuộc thảo luận về một đề cương hướng dẫn mục vụ được Hội đồng Giám mục Đức công bố vào tháng Hai. Hội đồng Giám mục Đức vào thời điểm đó đã chuẩn y việc thảo ra các hướng dẫn, có khả năng mở rộng sự cho phép người phối ngẫu Tin Lành của một người Công Giáo được Rước Lễ.

Theo một tuyên bố từ Văn phòng báo chí Tòa Thánh, được phát hành sau khi cuộc gặp gỡ xảy ra, cuộc họp đã diễn ra trong một “bầu không khí thân ái và huynh đệ.”

Các Giám mục Đức đã được Đức Thánh Cha Phanxicô gọi đến Rôma sau khi “một số đáng kể” các Giám mục bày tỏ sự chống đối của họ đối với các hướng dẫn được đề xuất. Bảy Giám mục các giáo phận tại Đức đã lên tiếng kêu gọi Bộ Giáo lý Đức tin, Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo, và Hội đồng Giáo hoàng về giải thích các văn bản luật làm sáng tỏ việc này.

Trong cuộc đối thoại, diễn ra bằng tiếng Đức, Đức Tổng Giám Mục Luis Ladaria, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin giải thích rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “đánh giá cao sự dấn thân đại kết của các Giám mục Đức” và yêu cầu các ngài tìm kiếm “một dàn xếp có thể đồng tâm nhất trí với nhau được”.

Tuyên bố của phòng báo chí Tòa Thánh nói rằng trong cuộc họp, nhiều quan điểm khác nhau đã được thảo luận, liên quan đến, chẳng hạn như, việc mở rộng sự cho phép Rước Lễ này liên quan thế nào đến Đức tin và việc chăm sóc mục vụ; sự liên quan đối với Giáo Hội phổ quát; và các khía cạnh pháp lý khác nhau của vấn đề. “Đức Tổng Giám Mục Ladaria sẽ thông báo cho Đức Thánh Cha về nội dung của buổi thảo luận”. Tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh nói.

Cuộc họp hôm thứ Năm đã diễn ra tại trụ sở của Bộ Giáo Lý Đức Tin. Các giám mục Đức sau đây đã có mặt trong cuộc thảo luận: Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám mục Munich và Freising và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức; Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng giám mục Köln; Đức Giám Mục Felix Genn của Münster; Đức Giám Mục Karl Heinz Wiesemann, là Giám mục giáo phận Speyer và là chủ tịch ủy ban giáo lý của Hội Đồng Giám Mục Đức; Đức Giám Mục Rudolf Voderholzer, Giám mục Regensburg và là phó chủ tịch ủy ban giáo lý; Đức Giám Mục Gerhard Feige, Giám mục giáo phận Magdeburg và là chủ tịch Ủy ban Hội nghị đại kết Kitô Giáo; và Cha Hans Langendorfer, linh mục dòng Tên, thư ký Hội đồng Giám mục Đức.

Về phía Tòa Thánh, ngoài Đức Tổng Giám Mục Ladaria, còn có Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ vũ Hiệp Nhất Kitô Giáo; Đức cha Markus Graulich, Tổng thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về giải thích các văn bản lập pháp; và Cha Hermann Geissler, người đứng đầu văn phòng Bộ Giáo Lý Đức Tin.

13. Hồi Giáo tấn công vào nhà thờ ngay tại thủ đô Bangui giết chết một linh mục đang cử hành thánh lễ

Một sự yên tĩnh giả tạo và buồn thảm chụp xuống Bangui, thủ đô của Cộng hòa Trung Phi, sau vụ thảm sát hôm 1 tháng Năm. Ít nhất 16 người chết, trong đó có một linh mục Công Giáo.

Cha Albert Toungoumale-Baba đã bị giết tại nhà thờ Notre Dame de Fatima, không xa quận PK5, nơi sinh sống chủ yếu của người Hồi giáo.

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã liên lạc với Giáo hội địa phương và được cho biết rằng “tại thời điểm hiện nay tình hình lắng dịu ở Bangui, không có vụ nổ súng nào được báo cáo. Chúng tôi đang chờ tuyên bố của Đức Hồng Y Dieudonné Nzapalainga, Tổng giám mục Bangui. Ngài vừa trở về từ châu Âu”.

Sự việc đã xảy ra khi lực lượng an ninh ngăn chặn một chiếc xe chở Moussa Empereur, một thành viên của một lực lượng dân quân tự vệ của PK5. Moussa Empereur bỏ chạy và bị quân đội bắn bị thương.

Để trả thù, lực lượng dân quân tự vệ Hồi Giáo, đã tấn công lực lượng an ninh và cả các thường dân vô tội.

Một nhóm vũ trang Hồi Giáo đã tấn công vào giáo xứ Notre Dame de Fatima, trong khi Cha Albert Toungoumale-Baba và một số tín hữu đang cử hành Thánh Lễ kính Thánh Giuse Thợ. Ít nhất 16 tín hữu Công Giáo bị giết, trong đó có linh mục chủ tế.

Cha Albert Toungoumale-Baba không phải là linh mục tại Notre Dame of Fatima, mà thuộc giáo xứ Trung Phi (một trong những giáo xứ lâu đời nhất của giáo phận Bangui. Ngài là linh hướng của phong trào Lao Công Huynh Đệ Thánh Giuse đang tụ tập mừng lễ bổn mạng tại nhà thờ này.

Nhà thờ Notre Dame de Fatima đã từng là nơi diễn ra một cuộc tấn công đẫm máu vào ngày 28 tháng 5 năm 2014, trong đó 18 tín hữu Công Giáo đã bị thiệt mạng.

Theo báo chí địa phương, “một đám đông giận dữ đã đưa thể của vị linh mục bị giết đến dinh Tổng thống” và đã giải tán sau đó.

14. Các giám mục Miến Điện kêu gọi hòa bình và công lý tại bang Kachin điêu tàn vì chiến tranh

Năm tháng sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm quốc gia này, các nhà lãnh đạo Công Giáo Miến Điện đang ở Rome để chia sẻ mối quan tâm của các ngài, trong việc tìm kiếm hòa bình và hoà giải giữa khối đa số Phật giáo Miến Điện và nhiều nhóm dân tộc thiểu số khác nhau tại quốc gia này.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội từ bang Kachin miền bắc Myanmar đang kêu gọi công lý và hòa bình trong khu vực, sau một sự leo thang thù địch gay gắt giữa các lực lượng chính phủ và Quân đội Độc lập Kachin.

Liên Hiệp Quốc đưa tin tuần này rằng quân đội đã tiến hành các vụ không kích và bắn phá các ngôi làng gần biên giới với Trung Quốc. Phát ngôn viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Miến Điện cho biết hôm thứ Ba 1 tháng 5 rằng các thường dân đang bị “thảm sát và bị thương, và hàng trăm gia đình hiện đang chạy trốn vì mạng sống của họ bị đe dọa”.

Đức Giám Mục Francis Daw Tang đứng đầu giáo phận phía bắc Myitkyina cho biết ngài và các giám mục khác của Miến Điện đang ở Rome trong chương trình ad-limina và sẽ gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô hôm thứ Hai 7 tháng 5.

Ngài đã nói chuyện với Vatican News về những lo ngại của ngài, và về những nỗ lực không ngừng của các nhà lãnh đạo tôn giáo làm việc cho hòa bình và hòa giải trong khu vực điêu tàn vì chiến tranh này.

15. Đức Hồng Y Andrew Yeom Soo-jung kêu gọi người Công Giáo Nam Hàn tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình

Trong một cuộc phỏng vấn với Pyeonghwa Broadcasting Corporation (PBC), một cơ truyền hình và truyền thanh Công Giáo Nam Hàn, Đức Hồng Y Andrew Yeom Soo-jung, tổng giám mục Hán Thành và đồng thời là Giám quản Tông tòa của Bình Nhưỡng, đã ca ngợi những kết quả tích cực của hội nghị thượng đỉnh và kêu gọi các tín hữu tiếp tục cầu nguyện cho cuộc đối thoại vì hòa bình giữa Bắc và Nam Triều Tiên.

Đức Hồng Y cho biết trong 23 năm qua, Tổng Giáo Phận Hán Thành đã cử hành Thánh Lễ vào thứ Ba hàng tuần lúc 7 giờ tối tại Nhà Thờ Chính Tòa Mân Đông để cầu nguyện cho hòa bình trên Bán Đảo Triều Tiên.

Giáo Hội tại Nam Hàn cũng đã khởi động phong trào cầu nguyện “Nhớ đến các giáo xứ của miền Bắc” để nhớ đến 57 giáo xứ và khoảng 5,200 người Công Giáo ở Bắc Triều Tiên.

Ngài nói: “Qua những lời cầu nguyện, chúng ta đặt Thiên Chúa vào giữa cuộc sống của chúng ta. Qua những lời cầu nguyện, chúng ta trở thành anh chị em với nhau. Tôi yêu cầu tất cả anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho Bắc Triều Tiên vì Chúa sẽ nhậm lời cầu nguyện của chúng ta.

Tôi tin rằng ngọn lửa của Chúa Thánh Thần vẫn đang cháy ở Bắc Triều Tiên. Có lẽ còn đang cháy mạnh hơn nữa trong những tình huống khó khăn như vậy. Tôi cầu nguyện một cách nhiệt thành rằng một ngày nào đó tôi sẽ gặp những người Công Giáo Bắc Triều Tiên để nói chuyện với họ và cùng nhau cử hành Thánh Lễ.”

Trong các điều khoản được nêu trong tuyên bố chung giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo cộng sản Kim Jong-un có việc “Tổ chức đoàn tụ cho các gia đình”.

Đức Hồng Y nói: “Tôi đặc biệt kêu gọi quyết định sắp xếp cuộc hội ngộ của các gia đình, đó sẽ là cơ hội để chữa lành vết thương của sự chia ly. Có khoảng 130,000 thành viên các gia đình bị tách biệt ngay sau chiến tranh, nhưng nhiều người đã qua đời và khoảng 57,000 người vẫn còn sống cho đến ngày hôm nay. Vì phần lớn những người này ở độ tuổi 70 hoặc 90, tôi hy vọng cuộc hội ngộ sẽ sớm được diễn ra.”

16. Lễ tuyên thệ đầy mầu sắc của 33 tân ngự lâm quân Thụy Sĩ

Hôm Chúa Nhật 6 tháng 5, 33 tân ngự lâm quân Thụy Sĩ đã làm lễ tuyên thệ trong sân San Damaso thuộc Dinh Tông Tòa.

Hằng năm, vào ngày 06 tháng 05, đội ngự lâm quân Thụy Sĩ kỷ niệm việc 147 ngự lâm quân hy sinh tính mạng để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII trong vụ “cướp phá Rôma” vào năm 1527.

Để tưởng nhớ cái chết anh dũng của các ngự lâm quân, hàng năm việc tuyên thệ trọng thể của các tân binh được tổ chức đúng vào ngày này.

Từ năm 1970 các ngự lâm quân Thụy Sĩ đã đảm nhận tất cả các vai trò mang tính nghi lễ trong các biến cố và trong các buổi cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng và họ luôn được nhìn thấy trong trang phục nghi lễ đầy màu sắc với ngọn kích trên tay, sát cánh bên Đức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, vai trò của ngự lâm quân Thuỵ Sĩ trong lòng Giáo Hội Công Giáo vượt xa một đội nghi lễ với các trang phục lỗi thời. Họ là một lực lượng quân đội thực thụ, được đào tạo tinh nhuệ và được trang bị vũ khí hiện đại. Người ta có thể nhìn thấy họ trong trang phục thường nhật, khi họ bảo vệ Porta Santa Anna, cửa ngõ ra vào Quốc Gia Thành Vatican. Họ vừa là một quân đội, vừa là các vệ sĩ, vừa là lực lượng bảo vệ biên giới. Từ năm ngoái, các tân binh phải theo một chương trình mới trong đó họ được đào tạo tại trường võ bị Isone thuộc tổng Ticino bên Thụy Sĩ trước khi theo các khóa học tại Rôma.

Trước buổi lễ tuyên thệ này, hôm thứ Sáu 4 tháng 5, 33 tân ngự lâm quân, gia đình của họ và một phái đoàn của các cơ quan Thụy Sĩ đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến. Trong dịp này, ngài bày tỏ hy vọng rằng trong thời gian quân ngũ tại Vatican, các ngự lâm quân sẽ được tăng cường ý thức thuộc về cộng đồng giáo hội.

Đức Thánh Cha cảm ơn các ngự lâm quân về “kỷ luật, ý thức giáo hội, thận trọng, và sự chuyên nghiệp khắc khổ nhưng thanh thản” khi thực hiện các công việc mỗi ngày”

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh đến lòng trung thành họ đối với các giám mục của Rôma và đó là lý do các lễ nhậm chức luôn diễn ra vào ngày 06 tháng 5 là ngày kỷ niệm 147 ngự lâm Thụy Sĩ đã tử trận khi anh dũng bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII trong cuộc tấn công vào Rôma năm 1527.

Đức Thánh Cha nói:

“Ký ức về cử chỉ anh hùng này là một lời mời gọi liên tục để ghi nhớ và nhận ra những phẩm chất đã là điển hình của đoàn ngự lâm quân: đó là sống một cách nhất quán đức tin Công Giáo, kiên trì trong tình bạn với Chúa Giêsu và tình yêu dành cho Giáo Hội, vui tươi và tạn tụy trong những công việc lớn nhỏ và khiêm nhường hàng ngày, thể hiện lòng can đảm và kiên nhẫn, quảng đại và liên đới”

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng đây là những đức tính theo đó “một ngự lâm quân Thụy Sĩ luôn là một ngự lâm quân, khi đang thi hành nhiệm vụ và cả trong lúc nghỉ ngơi!”

Để được nhận vào đoàn quân đầy màu sắc này, các tân binh phải là Thụy Sĩ, thực hành đạo, chưa lập gia đình, tuổi từ 19 đến 30 tuổi và cao ít nhất 1.74 mét!

Cũng trong ngày thứ Sáu 4 tháng 5, tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, ông Cristoph Graf, chỉ huy đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ đã có một cuộc họp báo để giới thiệu chiếc nón mới của các ngự lâm quân.

Chiếc nón mới làm bằng nhựa và được làm bằng kỹ thuật in 3 chiều, nhẹ hơn, dễ đội hơn. Giá một chiếc nón như vậy là 740 EU, nghĩa là chỉ bằng nửa chiếc nón kim loại cũ.

Chiếc nón mới bằng nhựa PVC được đóng dấu với huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Giuliô II, là vị Giáo Hoàng đã thành lập đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ vào năm 1506.

Chiếc nón mới có khả năng chống tia cực tím là điều quan trọng vì các ngự lâm quân phải thi hành công việc của họ nhiều giờ dưới trời nắng.