Giảng tĩnh tâm 3 ngày (08/05/2018 – 10/05/2018)
cho các Tiểu Đệ
hội dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả
chuẩn bị tiến chức linh mục.


Chủ đề

NIỀM VUI TRUYỀN GIÁO
DƯỚI GIÁO HUẤN CỦA CHA VINCENT LEBBE
VÀ ĐỐI CHIẾU VỚI
TÔNG HUẤN NIỀM VUI TIN MỪNG CỦA
Đức Giáo Hoàng PHAN-XI-CÔ



Ngày thứ nhất:

TINH THẦN TU ĐỨC CỦA CHA VINCENT LEBBE

Cha Vincent Lebbe (19/08/1887 – 24/06/1940) nhà truyền giáo người Bỉ, là tu sĩ của dòng Vincent de Paul (dòng Vinh Sơn) đã qua truyền giáo tại Trung Hoa và để phục vụ việc truyền giáo cho được tốt hơn, nên ngày 16 tháng 12 năm 1928 cha Vincent Lebbe đã lập ra dòng “khổ tu Trung Hoa” với tên gọi “dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả” với 15 thầy đầu tiên vào nhà tập.
Tinh thần tu đức này được thực hành nhiều trong cuộc sống của đời truyền giáo tại Trung Hoa, với nhiều kinh nghiệm phục vụ tại các vùng truyền giáo mà cha Vincent Lebbe đã có một tinh thần tu đức rất sống động và thích ứng với thời đại, ngài đã đem kinh nghiệm rất hiệu quả này vào trong luật dòng của hội dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả như sau: “Để đạt tới tôn chỉ của Hội Dòng, tất cả các thành viên phải có tinh thần “thích ứng thời đại”, “hội nhập văn hóa địa phương” và “dũng cảm kiên nghị bền bỉ chịu đựng gian khổ”.
Từ trong kinh nghiệm truyền giáo này, cha Vincent Lebbe đã chọn cho mình và cho hai hội dòng mà ngài đã sáng lập, đó là hội dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả và hội dòng Tiểu Muội Thánh Tê-rê-xa một con đuong linh đạo tu đức, rất dễ nhớ và rất dễ thực hành trong đời sống tu trì và trong cuộc đời truyền giáo, con đường linh đạo tu đức đó là: “Toàn hy sinh, Thật yêu người và Luôn vui vẻ”.
Cha Vincent Lebbe là nhà truyền giáo của mọi thời đại, vì tinh thần tu đức của ngài không những phù hợp với con người của mọi thời đại, mà chính cuộc sống của ngài đã chứng minh điều đó khi những đau khổ mà ngài phải chịu không phải đến từ những tác nhân bên ngoài, mà trước hết là đến từ trong hội dòng Vinh Sơn bởi bề trên và các anh em tu sĩ trong dòng của ngài, qua việc ngài quá tích cực truyền giáo và quá yêu thương người Trung Quốc, tất cả cho người Trung Quốc, nên bề trên giám tỉnh dòng Vinh Sơn ở Trung Hoa đã cấm ngài không được cộng tác với báo chí nào cả và khuyên ngài nên lo cho người nghèo, và vì cha giám tỉnh chưa bao giờ đọc một bài báo nào của cha Vincent Lebbe viết, cũng chưa bao giờ nghe cha Vincent Lebbe diễn thuyết cả, cho nên đã lập tức cấm cha Vincent Lebbe tiếp xúc với giới báo chí, và điều quan trọng là ngài không biết nói tiếng Trung Hoa để hiểu được tâm tình con người và văn hóa Trung Hoa.
Cha Vincent Lebbe đã làm cho người Trung Hoa cảm phục và yêu mến rồi kinh trọng, bởi vì tinh thần truyền giáo của ngài đặt trọng tâm vào người Trung Hoa, và tất cả vì người Trung Hoa, cho nên ngay từ khi còn là đại chủng sinh được bề trên phái đi truyền giáo ở Trung Hoa, thì ngài đã tiếp xúc với các thầy người Trung Hoa mà không đùa giỡn với các thầy Âu châu, ngài kiếm sách tiếng Hoa đọc và xin các thầy người Trung Hoa cắt nghĩa những chữ mà ngài không biết. Khi bập bẹ nói được vài tiếng Trung Hoa thì ngài đi đến công trường xây cất nhà thờ để nói chuyện với thợ ...
Ngay từ ban đầu Chúa đã mời gọi cha Vincent Lebbe làm tông đồ cho người Trung Hoa, nên đã trang bị cho ngài những đức tính cần có để ngài làm công tác truyền giáo, những đức tính đó là: cương nghị, dũng cảm, ham học hỏi và một tấm lòng yêu thương người Trung Hoa.
Tinh thần tu đức của cha Vincent Lebbe được hình thành trong những năm tháng khi vừa bước chân xuống mảnh đât Trung Hoa, và các tinh thần tu đức này ngày càng được cha Vincent Lebbe thực hành, cảm nghiệm mà thành.

NIỀM VUI LUÔN LUÔN MỚI MẺ CỦA TIN MỪNG

NIỀM VUI ĐƯỢC CHIA SẺ CỦA CHA VINCENT LEBBE


Trong tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã thấy trước mối đe dọa thế giới do vật chất và sự hưởng thụ, ngài nói: “Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ.”
Niềm vui của Tin Mừng không phải bằng vật chất và sự hưởng thụ nó, nhưng chính là làm thế nào để mỗi linh mục, phó tế và những người đã được thánh hiến cho Thiên Chúa thấy được rằng, chính Chúa là niềm vui trong đời sống thánh hiền của họ. Bởi vì khi nhận Chúa làm gia nghiệp đời mình -thì cũng giống như người con có cả gia tài đồ sộ do cha mẹ để lại- không những hân hoan vui sướng hưởng thụ những ơn lành Chúa ban cho mà còn làm sinh lợi ra nhiều nơi các linh hồn.
Khi chọn vật chất làm thỏa mãn cuộc sống tu trì của mình, thì chính các linh mục, phó tế và các tu sĩ nam nữ đã về cùng với ma quỷ và thế gian để chống lại Thiên Chúa, đó không phải là niềm vui của Tin Mừng nữa, mà là tin mừng của sự chết nơi họ và lây lan qua người khác. Lúc đó họ như những công cụ truyền bá một mối nguy hại cho Giáo Hội và mỗi người giáo dân, nhất là những giáo dân mà linh hồn của họ được giáo phó cho các linh mục, phó tế và các tu sĩ ấy.
Khi chọn Chúa là gia nghiệp của mình, thì ân sủng của Chúa sẽ làm cho chúng ta được đổi mới hằng ngày, được tắm gội hằng ngày không phải bởi toan tính vật chất, mà là bởi những ân huệ mà Chúa ban cho chúng ta qua những hy sinh tìm tòi để công cuộc rao giảng Tin Mừng của mình được thăng hoa trưởng thành và cắm sâu vào trong tâm hồn của các tín hữu.
Cha Vincent Lebbe là một người như thế, đối với ngài tất cả đều là người Trung Hoa và người Trung Hoa thuộc về Chúa Ki-tô. Thấm nhuần tình yêu “người Trung Hoa thuộc về Chúa Ki-tô” nên khi vừa bước vào cửa ngõ Bắc Kinh, ngài rất ngạc nhiên khi thấy các giáo sĩ ngoại quốc đối xử phân biệt với các giáo sĩ người Trung Hoa, và tự trong tâm của ngài, ngài thấy rằng chúng ta -những giáo sĩ ngoại quốc- đến Trung Hoa là để truyền giáo, là đem ánh sáng Tin Mừng của Chúa cho người Trung Hoa, nên ngài đã phá bỏ luật lệ bất thành văn là chỉ nói chuyện với các giáo sĩ ngoại quốc, vì các giáo sĩ người bản địa thì chỉ được coi là hạng thứ- cha Vincent Lebbe đã quan tâm đến các thầy người Trung Hoa trong nhà dòng, và lấy làm vui khi được chia sẻ với họ những gì mình có, mà cái có lớn nhất của ngài là một trái tim yêu mến người Trung Hoa hơn cả người Trung Hoa yêu mến tổ quốc mình.
Vì tự mãn mình là giáo sĩ hạng nhất (ngoại quốc) nên các giáo sĩ trong dòng Vinh Sơn (Vincent de Paul) của cha Vincent Lebbe đã sống xa rời thực tế và xa lạ với người Trung Hoa ngay cả khi sống trên đất nước Trung Hoa, đây là mối nguy hiểm khôn lường cho việc truyền bá Phúc Âm giữa các dân tộc, là sự tự mãn làm hủy diệt những con người có tâm hồn hưởng thụ và ích kỷ, họ đã như những chủ nhân ông trên cánh đồng truyền giáo trung Hoa như Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã nói ở trên.
Niềm vui chia sẻ khi sống giữa xã hội, giữa con người với nhau, rất cần đến những con người can đảm chặt sợi xích vàng đang ràng buộc đôi chân của mình trong hưởng thụ và sự đi tìm kiếm vật chật, để “đôi chân tâm hồn” của họ thong dong tiến bước về phía trước và đến với mọi người. Bởi vì niềm vui của Tin Mừng thì luôn đổi mới, luôn làm cho tâm hồn của chúng ta mới bởi sự hướng dẫn của Đức Chúa Thánh Thần; bởi vì khi chúng ta dấn thân ra đi thì mỗi bước chân của chúng ta đều là những dấu chân mới mẽ trên con đường truyền giáo.
Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô nói tiếp: “Khi mà đời sống nội tâm của chúng ta bị trói chặt trong những lợi ích và những mối quan tâm riêng của nó, thì không còn chỗ cho người khác, không còn chỗ cho người nghèo. Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được nghe thấy, niềm vui an bình của tình yêu của Người không còn được cảm thấy, và ước muốn làm điều thiện bị phai mờ. Đây chính là một mối nguy cho cả người tín hữu. Nhiều người rơi vào mối nguy này, và kết cục là cảm giác bực bội, tức giận và chán nản. Đó không phải là cách để chúng ta sống một đời sống xứng đáng và sung mãn; đó không phải là ý muốn của Thiên Chúa đối với chúng ta, cũng không phải là đời sống trong Thần Khí bắt nguồn từ trái tim của Đức Kitô phục sinh.”
Linh mục Jacques Leclercq cũng đã nói về sự từ bỏ tất cả để theo Chúa và truyền giáo của cha Vincent Lebbe: “Ngài yêu thương tất cả những cái gì tốt đẹp, sẵn sàng hy sinh tất cả: hai điểm rất trái ngược này hòa hợp nơi con người cha Vincent Lebbe một cách thật tự nhiên; đó là một đặc tính của đạo Công Giáo. Yêu thương tha thiết và cắt đứt dễ dàng tất cả liên lạc ràng buộc khi Chúa đòi hỏi, nhưng không từ chối những liên hệ cao quý đó...”
Thế kỷ 21 là thế kỷ của khoa học vật chất và hưởng thụ, bởi vì những phát minh hiện đại đang có là để con người hưởng thụ và hưởng dùng, và đó cũng là nằm trong ý định của Thiên Chúa khi tạo dựng con người thay Ngài làm chủ thế giới và làm cho thế giới có bộ mặt ngày càng tốt đẹp hơn: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất.” Nhưng con người bởi tội nguyên tổ đã không còn nguyên vẹn hình hài thánh thiện của Thiên Chúa nơi họ nữa, bởi vì đã bất tuân lệnh Chúa mà phạm tội, nên tâm hồn luôn hướng về điều xấu xa của ma quỷ.
Thế kỷ 21 là thế kỷ chói lọi của khám phá vũ trụ cao tít trên xa và sâu tận cùng đáy biển, nhưng khoa học chưa khám phá ra tâm hồn của con người cao và sâu bao nhiêu. Chỉ có những tâm hồn biết đón nhận Tin Mừng làm niềm vui của mình thì mới có thể thấy rõ tình trạng của tâm hồn mình.
Và một tờ báo trong vùng Thiên Tân đã viết về cha Vincent Lebbe như sau: “Vị linh mục đó có một đức tin nhiệt thành, làm công tác tông đồ không biết mệt, cả Thiên Tân mến phục và tôn kính.” Đến nỗi người ta nói rằng : Tôi không thấy Chúa, nhưng đã thấy cha Vincent Lebbe.”
Người ta không thấy Chúa nhưng người ta thấy Chúa nơi con người của cha Vincent Lebbe. Ngài không để cho mọi sự ở đời làm ảnh hưởng đến việc truyền giáo của ngài, ngài đã sống như một con người thời đại của thế kỷ 21, nghĩa là ngài đã đi ra khỏi bốn bức tường bảo thủ cô độc giam hãm lời của Thiên Chúa nơi những người truyền giáo, ngài đã dấn thân đưa tay ra trước để cho người khác nắm và lôi kéo họ về với Chúa cách nhẹ nhàng nhưng rất quyết liệt. Bí quyết thành công của ngài như linh mục Jarques Leclercq nói: “Ngài yêu thương người Trung Hoa.”
Ngài sung sướng khi được hòa mình vào cuộc sống với người Trung Hoa, ước mơ từ tuổi thơ ấu đã muốn qua Trung Hoa truyền giáo của ngài đã thành hiện thực, giờ đây ngài đang sống như một người Trung Hoa chính hiệu dù cho đôi mắt xanh, da trắng cái mũi cao của ngài cũng không làm cho người Trung Hoa coi người là linh mục ngoại quốc.
Được đổi mới bằng niềm vui của Tin Mừng, cha Vincent Lebbe đã chia sẻ niềm vui này cho những ai tiếp xúc hoặc làm việc với ngài, niềm vui chia sẻ này đã trở thành một trong ba đường hướng tu đức của ngài và của hai hội dòng là hội dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả và hội dòng Tiểu Muội thánh Tê-rê-xa Hài Đồng do ngài sáng lập, đó chính là “Luôn Vui Vẻ”. Một người quảng cáo sản phẩm bột giặt của công ty mình mà mặc bộ áo quần nhơ bẩn thì không ai tin vào sản phẩm quảng cáo trắng tin của mình. Cũng vậy, cha Vincent Lebbe với “ba sản phẩm” tu đức được rút ra từ trong Phúc Âm là “Toàn Hy Sinh, Thật Yêu Người và Luôn Vui vẻ” vẫn cứ luôn luôn đổi mới trong cuộc sống của các tiểu đệ và tiểu muội.
Cha Vincent Lebbe luôn tươi cười trong mọi hoàn cảnh, ngài chia sẻ niềm vui này với mọi người dù tâm hồn ngài nặng nề đau buồn với những lo âu của người lãnh đạo với nhiều trong trách. Niềm vui chia sẻ này đã làm cho những người ngoại giáo nhận ra được một Đức Chúa Giê-su nơi con người của cha Vincent Lebbe.

KẾT:
Tĩnh tâm để lãnh nhận chức thánh (linh mục) là một cuộc tĩnh tâm đúng nghĩa với việc cầu nguyện cho ơn gọi và sứ mạng của mình, hai là suy tư đến những trách nhiệm và bổn phận của mình sau khi chịu chức linh mục. Bởi vì đây là cuộc tĩnh tâm để đón nhận ơn Chúa chứ không phải là một cuộc kiểm điểm lại những chặng đường ơn gọi của mình đã đi qua. Bởi vì những chặng đường ơn gọi là chúng ta phải suy tư và cầu nguyện, phận biện, lựa chọn mỗi ngày trong đời sống tu trì, chứ không phải đợi đến tĩnh tâm để khấn dòng hoặc để chịu chức thì mới suy tư đến ơn gọi của mình...
Để tài niềm vui truyền giáo của đấng sáng lập dòng chúng ta là cha Vincent Lebbe và đối chiếu lại tông huấn Niềm vui Tin Mừng của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, thì chúng ta mới thấy được viễn ảnh truyền giáo ngày mai của mỗi người. Cho nên các anh em hãy lợi dụng những ngày tĩnh tâm này, đề nói chuyện tương lai -chứ không nói chuyện quá khứ- với Chúa, hãy luôn sẵn sàng mở rộng tâm hồn của mình ra để đón ngọn gió niềm vui chia sẻ, để dựa vào niềm vui của Tin Mừng mà chúng ta biết phải đem đi những gì và bỏ lại những gì khi thành lễ tạ ơn (mở tay) đã kết thúc, và con đường trước mặt đã mở ra để các tiểu đệ hăng hái ra đi chia sẻ Niềm Vui Tin Mừng cho mọi người.

Câu hỏi gợi ý:
1. Đối với các tiểu đệ: Niềm Vui Tin Mừng là gì ?
2. Các tiểu đệ có kế hoạch gì sau này cho mình khi được sai đi truyền giáo ?



Ngày thứ hai:

NIỀM VUI CHIA SẺ CỦA CHA VINCENT LEBBE
VÀ TÂN PHÚC ÂM HOÁ
ĐỂ THÔNG TRUYỀN ĐỨC TIN CỦA TÔNG HUẤN NIỀM VUI TIN MỪNG


1/ Tân Phúc Âm hóa giữa đời thường.
Không một nhà truyền giáo thành công nào mà không yêu mến Thiên Chúa, càng không có một người truyền giáo nào lại khước từ mình với nơi chốn mà mình đến giàng Tin Mừng cho họ, bởi vì khi chúng ta -những nhà truyền giáo- không cách tân đổi mới từ suy nghĩ cho đến hành động, thì chắc chắn sẽ không đem lại kết ảu nào. Nhưng cha Vincent Lebbe đã làm được điều ấy: “Cha Vincent Lebbe thật sự sống cho tất cả mọi người, từ trẻ con đến người lớn, cho cả người lớn cũng như cho cả trẻ con...ngài mặc áo vải bông màu xanh như người dân thường Trung Hoa, đi giữa dân chúng trông như một người Trung Hoa, không có gì khác biệt ngoài chiếc xe đạp...Chiếc xe đạp này của ngài được chứng kiến nhiều chuyện ! Chính ngài đã khởi xướng dùng xe đạp ở Trung Quốc, khi nào có thể là ngài tránh không ngồi xe kéo, đi gần ngài dùng xe đạp, đi xa cũng dùng xe đạp...” cha Vincent Lebbe đã thực hành lời dạy của thánh Phao-lô tông đồ: vui với người vui, buồn với người buồn, ngài không cam tâm làm một giáo sĩ chỉ truyền giáo ở trong nhà thờ với phạm vị nhà cha sở, nhưng ngài đã đi ra khỏi nhà thờ, ra khỏi nhà xứ để mở rộng cửa tâm hồn đón nhận những người Trung Hoa muốn tìm Chúa.
Cha Vincent Lebbe đã trở thành người Trung Hoa để Phúc Âm hóa người Trung Hoa, ngài đã cổ vũ mọi người đi xe đạp để được như người nghèo khó Trung Hoa, chứ không ngồi xe kéo như một chủ nhân ông, và ngài sẵn sàng chia sẻ với tất cả những ai có nhu cầu tìm đến ngài.
Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô trong tông huấn “Niểm Vui Tin Mừng” đã nhấn mạnh: “Tất cả những điều này có tầm quan trọng lớn đối với việc rao giảng Tin Mừng, nếu chúng ta thực sự quan tâm làm cho vẻ đẹp của Tin Mừng được mọi người nhận ra rõ hơn và đón nhận. Đương nhiên chúng ta sẽ không bao giờ có thể làm cho giáo huấn của Hội Thánh được mọi người hiểu một cách dễ dàng và sẵn sàng chấp nhận. Đức tin mãi mãi vẫn là một thứ thập giá; nó luôn luôn hàm chứa một mảng mờ tối bất chấp sự ưng thuận vững vàng. Một số điều chỉ có thể được hiểu và chấp nhận từ cơ sở của sự ưng thuận này, người chị em với đức ái, vượt lên trên các lý do hay lập luận rõ ràng. Chúng ta cần nhớ rằng mọi lời giảng dạy tôn giáo rốt cuộc đều phải được phản chiếu nơi cách sống của người giảng dạy, chính cách sống này đánh thức sự ưng thuận của quả tim bằng sự gần gũi, yêu thương và chứng tá của nó.”
Đối chiếu giữa tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” và “Luôn Vui Vẻ” một trong ba linh đạo tu đức của cha Vincent Lebbe thật hài hòa, bởi vì một sự hội nhập luôn luôn cần có yếu tố từ bỏ: từ bỏ cái tôi của mình, từ bỏ những thiên kiến của mình để được xã hội mà chúng ta đang truyền giáo chấp nhận chúng ta như những người con người Trung Hoa thật thụ. Cha Vincent Lebbe đã làm được điều đó khi ngài hòa nhập vào cuộc sồng nghèo khổ của người Trung Hoa, học văn hóa và những phong tục tập quán của người trung Hoa để trở thành người Trung Hoa. “Chúng ta cần nhớ rằng mọi lời giảng dạy tôn giáo rốt cuộc đều phải được phản chiếu nơi cách sống của người giảng dạy, chính cách sống này đánh thức sự ưng thuận của quả tim bằng sự gần gũi, yêu thương và chứng tá của nó.” Chính cha Vincent Lebbe đã làm được việc này trong thời đại của ngài của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Cuộc sống của cha Vincent Lebbe phản ảnh lại những gì ngài đã nói đã dạy, để niềm vui chia sẻ của ngài được người dân Trung Hoa đón nhận.
Tân phúc âm hóa không có nghĩa là tìm ra những giáo điều khác nhưng là thích ứng với cuộc sống và truyển giáo hiện tại, nghĩa là -ngay tự trong tâm hồn- cần phải chuyển biến theo đả phát triển của xã hõi, mặc khác nắm bắt thời cơ và dấu chỉ để việc truyền giáo được như mong ước.

2/ Niềm vui chia sẻ giữa đời thường.
Truyền giáo là một nghệ thuật, tuy nó không phải là một môn hay một ngành học như các ngành học về kiến thức chuyên môn khác, nhưng nó đúng là một nghệ thuật mà chỉ có những ai yêu mến và từ bỏ những gì mình có thì mới có thể trở thành nhà truyền giáo, hay nói đúng hơn, trở thành công cụ truyền giáo của Thiên Chúa.
Cha Vincent Lebbe quá nhiệt thành với Đức Chúa Giê-su, nhân từ, hăng say, đón nhận tất cả những ý tưởng đại lượng và các sáng kiến hoạt động tông đồ, ngài cững thật khiêm tốn và siêu thoát, nghĩa là ngài đã không bảo thủ khép kín tâm hồn và trí óc của mình, nhưng đã mở ra đế đón nhận tất cả, đó là thái độ của người muốn tân Phúc Âm hóa cho kịp với thời đại, với cha Vincent Lebbe mà nói thì bất kỳ ở đâu, bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều có thể trở thành tân Phúc Âm hóa để loan truyền niềm tin cứu độ của Đức Chúa Giê-su.
Cha Vincent Lebbe phân vân giữa vâng lời và bác ái. Vâng lời theo luật dòng là một nhân đức siêu nhiên tuyệt đối và cha Vincent Lebbe đã chọn vâng lời dù như thế nào đi nữa, và vì vâng lời mà ngài đã bỏ tất cả những gì là thân yêu nhất không một phút do dự.
Giáo Hội không được xem như là một tổ chức xa lạ cho một khu vực hay một dân tộc, một quốc gia riêng rẽ. Bởi vì Giáo Hội là hoàn cầu, là ơn cứu độ cho toàn thể thế giới, mọi dân tộc, cho nên bất kỳ dân tộc nào cũng đều có thể cung cấp giáo sĩ để làm cho dân tộc mà họ được sai đến biết lề luật của Thiên Chúa và hướng dẫn họ trên con đường cứu rỗi. Đó chính là niềm vui và sứ mạng của Giáo Hội và cũng là niềm vui của người ra đi rao giảng Tin Mừng của Chúa cho mọi người.
Niềm vui trong đời truyền giáo không phải bắt tay là thành công là thành tựu, nhưng như trong tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” đã nói: “Thật vậy, “hoạt động truyền giáo hôm nay vẫn là thách thức lớn nhất cho Hội Thánh” và “nhiệm vụ truyền giáo phải là nhiệm vụ hàng đầu”. Sự thách thức này trước hết từ quan điểm của những con người bảo thủ trong một cộng đoàn truyền giáo, cho nên việc huấn luyện cho các giáo sĩ bản địa là việc cấp thiết, bởi vì một ngày kia họ sẽ là những người chịu trách nhiệm gánh vác công việc truyền giáo của xứ sở mình. Cha Vincent Lebbe đã thấy được điều đó cách đây cả thế kỷ, và ngài bằng mọi cách vận động để thành lập hàng giáo phẩm địa phương . Qua những năm tháng vận động trong đau khổ, bị hiểu lầm, bị chê cười.v.v...cuối cùng cũng có Đức Giám Mục người Trung Hoa. Đây là niềm vui to lớn và là thành quả của sự suy tư chín mùi và thực tế của cánh đồng truyền giáo Trung Hoa.
Cha Vincent Lebbe có những niềm vui nho nhỏ trong đời truyển giáo tại Trung Hoa của ngài: ngài thích mặc y phục Trung Hoa, (khác với những thừa sai khác cũng mặc y phục Trung Hoa, nhưng râu tóc thì lại theo kiểu Âu châu) ngài cạo râu, để tóc đuôi dài như người Trung Hoa chính hiệu, dùng đũa khi ăn cơm và ăn những món ăn trung Hoa. Niềm vui này ngài chia sẻ cho em trai của mình ở trời Âu: “Robert nhỏ của anh, nếu em biết được có những ngày tốt đẹp, những cuộc trở lại đạo tuyệt diệu, những buổi chiều tốt ngồi giữa những giáo dân của những thế kỷ đầu tiên; ngồi dưới mái tranh của nhà người Trung Hoa nào đó, nhìn làn khói ánh bạch lạp lung linh, ngồi dựa tay trên thành ghế, thưởng thức hương vị và hít hơi thuốc ngon lành của Mãn Châu; (có lúc người ta sống hưởng thụ chút xíu) trẻ con quây quần chung quanh, chúng thật ngoan ngoãn hiền lành và ngây thơ, các người nông dân có đạo tâm hồn can đảm như những hòn đá gắn chặt vào đức tin thánh thiện của chúng ta...” Niềm vui của Tin Mừng được chia sẻ là như vậy, được người bản địa đón nhận như người nhà của mình là một hạnh phúc lớn cho người truyền giáo, cha Vincent Lebbe đã có rất nhiều sáng kiến để việc truyền giáo của mình ở mảnh đất Trung Hoa có hiệu quả, đó chính là tân Phúc Âm hóa cuộc sống của cá nhân cho phù hợp với hoàn cảnh địa phương, đó chính là không ngừng làm việc tiếp xúc và học hỏi văn hóa của người bản xứ...

3/ Tân Phúc Âm hóa của các Tiểu Đệ.
Với cương lĩnh tinh thần tu đức của đấng sáng lập dòng (cha Vincent Lebbe), với sự hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng trong tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” chúng ta thấy rất rõ việc cấp bách của Giáo Hội trong thế giới ngày nay là truyền giáo, Giáo Hội không ngừng canh tân công việc truyền giáo của mình, và mời gọi tất cả những ai là con cái của Giáo Hội mạnh dạn ra đi rao giảng Tin Mừng.
Các tu sĩ của hội dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả cũng sẽ ra đi và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa trong xã hội hiện nay. Cương lĩnh tinh thần tu đức đã được cha Vincent Lebbe sống và thực hành, và ngài đã thành công trong việc truyền giáo tại trung Hoa, ngài vẫn luôn là thầy dạy là mẫu gương truyền giáo cho con cái của Ngài là các tu sĩ của 2 hội dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả và hội dòng Tiểu Muội thánh Tê-rê-xa Hài Đồng.
“Toàn hy sinh, Thật yêu người và Luôn Vui Vẻ” là ba bảo bối được cha Vincent Lebbe đúc kết từ những kinh nghiệm truyền giáo, và cũng là ba câu vè rất chính xác nói lên công việc của các anh em tiểu đệ và tiểu muội. Là ba bước tu đức nhảy vọt, là kim chỉ nam để nên thánh của các tiểu đệ, tiểu muội và là hướng dẫn mẫu mực để chúng ta sống.
Tân Phúc Âm hóa của các tiểu đệ là gì, nếu không phải là nên đồng hình đồng dạng với những con người mà chúng ta muốn đem Chúa và Giáo Hội đến cho họ. Thử đề nghị như sau:
Toàn hy sinh:
- Không thay đổi hiện trạng, nhưng điều chỉnh tâm hồn theo hoàn cảnh hiện trạng.
- Không đứng xa xa nhưng hội nhập vào cuộc sống của người dân.
Không đứng bên ngoài nhưng trở thành men trong bột.
Thật yêu người:
- Vui với người vui, khóc với người khóc.
- Đưa tay ra và nắm bắt con tim của người khác.
- Là gương mẫu trong cuộc sống như lời mình rao giảng.
Thật yêu người:
- Hy sinh thời gian cá nhân của mình.
- Luôn tỉnh thức (sẵn sàng) để mau lẹ thực hành đức ái.
- Không phân biệt người có đạo hay không có đạo.
Chắc chắn việc rao giảng Lời Chúa trong xã hội ngày nay sẽ không dể dàng, bởi vì ai cũng có thể tiếp cận với những khoa học, ai cũng có thể tra cứu dữ liệu trên trang mạng xã hội, và giữa rất nhiều thắc mắc cũng như giải đáp, thật có giả có, làm cho tin h thần con người thời nay hoang mang không phận biệt đâu là lời của Giáo Hội và đâu là lời của thế gian và ma quỷ...

Câu hỏi gợi ý:
1. Nếu được sai đi truyền giáo trong hoàn cảnh phồn vinh, thì bạn nghĩ sao ?
2. Tân Phúc Âm hóa, theo bạn có cần thiêt không ?


Ngày thứ ba:

“NIỀM VUI TIN MỪNG”: TRUYỀN GIÁO LÀ HÒA NHẬP.
CHA VINCENT LEBBE: PHẦN CON, CON PHẢI LÀM VIỆC.


Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” đã chỉ ra các nguyên nhân khó khăn trong việc truyền giáo của thế kỷ này.“Đồng thời, những thay đổi văn hoá sâu rộng và nhanh chóng hôm nay đòi chúng ta không ngừng tìm kiếm những cách thức diễn tả các chân lý bất biến bằng một ngôn ngữ làm nổi bật sự mới mẻ vững bền của chúng. “Kho ký thác đức tin là một chuyện... cách diễn tả nó lại là chuyện khác”. Có khi người Kitô hữu nghe một ngôn ngữ hoàn toàn chính thống, nhưng lại hiểu về một cái gì xa lạ với Tin Mừng đích thực của Đức Giêsu, bởi vì ngôn ngữ kia khác với cách họ dùng để nói với nhau và hiểu nhau. Với ý hướng thánh thiện muốn thông truyền chân lý về Thiên Chúa và loài người, chúng ta đôi khi [vô tình] cống hiến cho họ một vị thần giả tạo hay một lý tưởng nhân loại không thực sự là Kitô giáo. Cứ thế, chúng ta cố bám vào một công thức trong khi không chuyển đạt được nội dung cơ bản của nó. Đây là mối nguy lớn nhất. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng “chân lý có thể được diễn tả bằng những hình thức khác nhau. Việc đổi mới các cách diễn tả này trở thành cần thiết để thông truyền cho con người ngày nay sứ điệp Tin Mừng trong ý nghĩa không thay đổi của nó”.
Cha Vincent Lebbe thụ phong linh mục ngày 28/10/1901, trên ảnh kỷ niệm thụ phong linh mục ngài đã cho in lời của thánh Phao-lô nhắn nhủ ông Ti-mô-tê: “Về phần con, con hãy lảm việc” (Tu, vero. Labora). Chính câu châm ngôn này đã đi suốt cuộc đời của ngài trong công cuộc truyền giáo cho người Trung Hoa.
Hòa nhập vào một cộng đồng xa lạ với tất cả ngôn ngữ bất đồng, văn hóa, phong tục tập quán, thậm chí ngay cả việc ăn uống cũng có cá biệt, thì thật là khó khăn, nhưng lệnh truyền của Đức Chúa Giê-su cho giáo hội là phải ra đi và rao giảng Tin Mừng cho muôn dân vẫn còn đó, và giáo hội phải tiếp tục sư mạng cứu thế của Thầy Chí Thánh cho đến tận bờ cõi trái đất.
Ngôn ngữ truyền giáo sống động nhất và hiệu quả nhất là ngôn ngữ của yêu thương, là hành động tích cực chứ không chỉ nói suông, do đó mà người truyền giáo cần phải suy tư nhìn ngắm khuôn mặt và những hành động của Đức Chúa Giê-su khi Ngài rao giảng Tin Mừng cho người Do Thái, Ngài làm việc không ngừng, ngay cả giờ ăn cũng không có.
Đức Chúa Giê-su giảng dạy không theo một phương pháp cứng nhắc nào, nhưng phương pháp tạo ra hiệu quả và ứng dụng “dây chuyền” tuyệt vời nhất là “tùy tâm隨心”, tức là để cho con tim rung động đập theo hoàn cảnh của cuộc sống nơi những người đau khổ và bất hạnh. Đức Chúa Giê-su hòa nhập vào môi trường thiên nhiên nên mới có dụ ngôn “chuồng chiên” và “con chiên lạc”; Đức Chúa Giê-su hòa nhập với những người được coi là tội lỗi nên đã có một tông đồ Mat-thêu, mới có thêm người phụ tá là Ma-ri-a Mác-đa-la, và có thêm những dân ngoại tin vào ơn cứu chuộc mà Ngài đem tới. Sự hòa nhập này không phải phối cảnh tình tiết như sân khấu hay như một chương trình đại chúng, mà là do sự nhiệt tình truyền giáo của Đức Chúa Giê-su, tức là luôn luôn làm theo ý Cha trên trời, bởi vì như Ngài nói: Cho đến bây giờ Cha Ta vẫn đang còn làm việc , Tôi và Cha là một .
Cha Vincent Lebbe đã làm việc không ngừng như Đức Chúa Giê-su đã làm, con người của ngải như con thoi của người thợ dệt, thoăn thoắt lên rồi thoăn thoắt xuống để dệt ra cho Chúa những tấm vải tuyệt diệu là linh hồn của những người ngoại giáo quy y về với Chúa. Phương pháp làm việc của cha Vincent Lebbe vẫn cứ là không có phương pháp, mà chỉ có một bầu nhiệt huyệt truyền giáo đầy tình thương đối với người Trung Hoa.

1. Vấn đề truyền giáo của cha Vincent Lebbe.
Cha Vincent Lebbe rất có kinh nghiệm truyền giáo, nhưng sau này ngài đã hối hận với cách truyền giáo kiểu Tây Ban Nha của ngài, nghĩa là ngài bị lôi cuốn theo phương pháp dùng sức mạnh để đưa người ta vào giáo hội, và ngài nói có lẽ đây là lỗi lầm hồi còn trẻ và đôi lúc ngài nhắc lại. Cũng như chúng ta bây giờ, người dân Trung Hoa không phản đối cách truyền giáo này, bởi vì họ thường quy phục quyền bính của giáo hội, mà cụ thể là qua các linh mục chính xứ, các ngài độc đoán, độc tài uy quyền.v.v...từ lỗi lầm đó, ngài đã thay đổi lại cách thức truyền giáo của mình cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm, và phù hợp với những giáo huấn của giáo hội. Năm 1883 thánh bộ truyền giáo lại nhắc nhở các giáo phận ở Trung Hoa: “Mục đích chính yếu của việc truyền giáo là đem người ngoại trở về với Chúa Ki-tô, Chúa chúng ta !nhận biết người là được sống đời đời, vì vậy các giám mục phải tận tâm lo lắng...”

Phương pháp truyền giáo của cha Vincent Lebbe
a/ Cứng nhắc.
- Ngài chăm lo cho tân tòng khi họ đến nhà xứ học giáo lý.
- Đào tạo các thày giảng có chất lượng.
Ưu điểm: các tân tòng không lo việc ăn uống, mà giáo xứ lo cho họ.
Khuyết điểm: Chỉ quan tâm trước hết những người trở lại, còn những người tân tòng có thiện ý hay không, cũng không đáng trách.
b/ Hòa nhập.
- Cùng làm việc, tham gia sinh hoạt với mọi lứa tuồi.
- Học hỏi cách ứng xử của người Trung Hoa (mặc y phục Trung Hoa, dung2 đũa khi ăn cơm, hút thuốc lào.v.v...)
- Suy nghĩ như người Trung Hoa.
- Hoàn toàn vì người Trung Hoa.
Ưu điểm: Có nhiều người lãnh nhận bí tích Rửa Tội, và tinh thần giáo dân rất nhiệt tình với tín ngưỡng của họ.
Khuyết điểm: Các đồng nghiệp không thích và chống đối.

2. Sự đòi hỏi hòa nhập của tông huấn “Niềm vui Tin Mừng”.
“Bản thân Hội Thánh là một người môn đệ truyền giáo, cần phải học phát triển việc giải thích lời mặc khải và sự hiểu biết của mình về chân lý.” Khi nói đến “bản thân hội thánh” thì Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô nhắm đến mỗi một phần tử trong hội thánh, tức là những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, đặc biệt là những nhà truyền giáo cần phải học phát triển việc giải thích lời mặc khải.
Đương nhiên ngoài nghĩa đen là phải học cách giải thích Lời Chúa cho người nghe, mà quan trọng hơn là tự bản thân của người truyền giáo cũng là cách giải tích lời mặc khải, tức là qua cách sống của họ mà người ta hiểu ra được lời mặc khải không xa lạ gì với họ, mà gần gủi bên cạnh họ, đó là những nhà truyền giáo vậy.
Không ai cho cái mà mình không có, cũng như không ai đi buôn mà không có vốn.
Hòa nhập vào một cộng đồng xã hội (lớn hay nhỏ) cũng đều bắt buộc người truyền giáo phải đem cả tâm hồn và sức lực của mình “ném” vào trong cộng đồng ấy, để cộng đồng ấy bùng cháy lên lửa yêu thương của Đức Chúa Giê-su. Khi tinh thần và thể xác được cống hiến cho một tình yêu cứu rỗi, thì người truyền giáo sẽ cảm nhận và hiểu được “men và bột” “bóng đêm và ánh sáng” của Đức Chúa Giê-su đã nói.
a/ Hòa nhập:
- Tâm hồn và thân xác.
- Quên đi cái tôi và thân phận của mình (như CGS đã quên mình đồng bản tính với Chúa Cha).
- Đón nhận cộng đồng mới như là gia đình của mình.
- Biết thao thức cho cộng đồng và cùng với cộng đồng thao thức.

Cuối cùng, xin mượn lời nói của cha Vincent Lebbe để kết thúc ba ngày tĩnh tâm của chúng ta:
“Nếu tôi cứ sống như người Âu châu, thì tôi sẽ mãi mãi là một tử thi.”
--------
Taiwan, ngày 10/05/2018
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.