Sống theo ơn Chúa Thánh Thần - Bài 2: Chúa Giêsu đổi mới vũ trụ vạn vật

Lời mở

Chúng ta đã suy niệm về ân sủng tột đỉnh của lòng Chúa Thương Xót là nâng con người chúng ta lên thành con cái Thiên Chúa, trở thành Thiên Chúa giống như Ngài. Lần này, tuần III PS năm B, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm về cuộc đổi mới toàn thể vũ trụ trong cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, mà mỗi người chúng ta đang được tham dự vào qua những đồ ăn, thức uống, vật chất ta dùng trong đời sống hằng ngày. Vậy Chúa Giêsu đã đổi mới như thế nào và làm thế nào để ta thể hiện cuộc đổi mới đó?

1. Chúa Giêsu đổi mới tất cả

Khi dựng nên vũ trụ, Thiên Chúa thấy tất cả mọi sự Ngài làm ra đều rất tốt đẹp (x. St 1, 4.10.12.18.21.25.31), vì Ngài chia sẻ cho vạn vật chân thiện mỹ, tình yêu và tất cả những ân sủng của mình. Vì thế, vũ trụ vạn vật cũng như con người đều thật sự tươi trẻ, tốt đẹp, vĩnh hằng. Thế nhưng, con người đã phạm tội, cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa, với nguồn chân thiện mỹ, với sự sống và tình yêu nên con người không còn sống mãi, trẻ đẹp mãi, tốt lành mãi và yêu thương quảng đại nữa. Con người đâm ra thù hận nhau, trở nên xấu xí, già nua, chết chóc. Vũ trụ, vì liên đới mật thiết với con người, cũng là bụi đất như con người, và làm nên thân xác con người, nên nó cũng bị kéo vào sự hư nát với con người. “Muôn loài thọ tạo cùng rên siết, quằn quại như sắp sinh nở”, mong được cứu độ (x. Rm 8,20-23).

Chúa Giêsu xuất hiện. Người là Ngôi Lời Thiên Chúa đã dựng nên tất cả, vì tất cả được dựng nên nhờ Người và cho Người, nên Người không chỉ muốn cứu độ con người, mà còn muốn cứu độ toàn thể vũ trụ như ý Chúa Cha mong ước. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Thế gian là thế giới, là vũ trụ. Vì thế khi Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người xuất hiện, Người yêu thương vũ trụ, nên vũ trụ nghe lời Người: gió yên, biển lặng, bánh cá hoá nhiều. Khi Chúa Giêsu hấp hối trên thập giá, trời đất đã tối sầm lại (x. Mt 27,45). Khi Chúa Giêsu gục đầu tắt thở “Người trao ban Thần Khí” để tạo thành một vũ trụ mới, cả trái đất rung động, nhiều mồ mả mở toang, nhiều vị thánh nhân đã sống lại hiện ra (x. Mt 27,51-54; 28,2) để bày tỏ cho chúng ta thấy vũ trụ cùng thông cảm với cuộc thương khó của Chúa Giêsu và cùng vui mừng khi Người hoàn tất chương trình cứu độ.

Nhờ cuộc sống lại của Chúa Giêsu, vũ trụ không còn bị giam cầm trong cảnh hư nát vì tội lỗi của người anh cả là con người nữa, mà nó đã được giải thoát cùng với con người để tạo nên một trời mới, một đất mới (x. 2Pr 3,13; Kh 21,1) với những con người mới (x. Ep 2,15; 4,24; Cl 3,10). Đây là niềm vui tuyệt vời cho chúng ta cũng như cho vũ trụ.

Vì thế, Bài đọc II (x. Ga 2,1-5) đã xác định: “Chính Chúa Giêsu là của lễ đền tội không phải chỉ cho con người mà còn đền tội cho cả thế gian”. Cả thế giới và vũ trụ này mong đợi Người đến để “phục hồi vạn vật” (Cv 3,21), như trong Bài đọc I (x. Cv 3,13-21), bài giảng đầu tiên của thánh Phêrô cho dân thành Giêrusalem.

Trong bài Tin Mừng (x. Lc 24,35-48), Chúa Giêsu minh chứng sự đổi mới của vạn vật khi Người đưa tay chân cho các môn đệ xem trong lần hiện ra vào buổi chiều ngày Chúa sống lại. Người nói: “Cứ rờ mà xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây”. Người muốn cho họ hiểu được rằng thể xác được cấu tạo bởi vật chất trước đây bị đóng đinh, nay đã sống lại, sự chết không còn tác động vào thân xác đó được nữa. Để minh chứng sự giải thoát của vũ trụ, Người ăn trước mặt các ông miếng bánh và mẫu cá nướng rồi đưa phần còn lại cho họ để minh chứng rằng khi vật chất được thân thể phục sinh của Người tiếp nhận, chúng đã được giải thoát khỏi cảnh hư nát để tồn tại mãi mãi. Chúng không còn nặng nề, bị giới hạn bởi không gian hay thời gian nữa nên dù cửa nhà của các môn đệ đóng kín, Người vẫn hiện đến, đứng giữa họ. Như thế là vũ trụ đã được hoàn toàn đổi mới. Nhưng con người chúng ta có cảm nhận được sự đổi mới không và làm sao thể hiện được sự đổi mới này?

2. Chúng ta sống tinh thần đổi mới này như thế nào?

Nhiều người hiện nay, nhất là các bạn trẻ, thường lặp lại câu hát trong bài Bạc trắng Tình đời của nhạc sĩ Minh Khang: “Thà là bỏ đi hết, ta làm lại từ đầu. Thà là bỏ đi hết, ta chẳng nợ gì nhau” và thực hiện như một nguyên tắc sống. Mới nghe qua chúng ta thấy hay hay vì người ta muốn xoá đi một quá khứ đen tối để bắt đầu một tương lai tốt đẹp, giống như xoá đi một bàn cờ để chơi lại ván mới. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ hơn, chúng ta không thể cứ làm mãi những điều ác đức, cứ gây khổ đau, bất hạnh, bất công cho người khác rồi lại nhủ thầm: “mình sẽ bỏ đi hết, ta làm lại từ đầu”. Thái độ này có thể chỉ là nguỵ biện của những kẻ lừa lọc, giả dối. Thật ra bất cứ một hành động gian dối, ác đức, bất công nào đối với người khác hay đối với vạn vật, chúng ta đều phải trả lẽ trước mặt Chúa, và phải đền bù cho con người.

Thiên Chúa nhìn thấu lòng người và thấy tất cả vạn vật. Ngài không bỏ đi cái gì hết vì Ngài dựng nên tất cả trong sự tốt lành, thánh thiện và đầy yêu thương của Ngài. Với cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã thay đổi tất cả những gì xấu xí, cũ kỹ, bất toàn, vô thường của vũ trụ này thành tốt đẹp, mới mẻ, hoàn hảo, vĩnh hằng như một cuộc tạo dựng mới. Vật chất và từng con người chúng ta với thân xác mỏng giòn đã được hoàn toàn biến đổi nên ta không thể giữ mãi thái độ bi quan, yếm thế như được mô tả trong bài Cát Bụi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi để một mai tôi về làm cát bụi…vết mực nào xoá bỏ không hay…”. Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhìn một cách tích cực và lạc quan, vì những vật chất đã được Người biến đổi, thân xác của chúng ta, cũng giống như thân xác của Chúa Giêsu, sẽ biến đổi sau cái chết và mang sự sống kỳ diệu phi thường của Thiên Chúa.

Trong đời sống hằng ngày có thể chúng ta coi thường những đồng bạc ta kiếm được, những bát cơm ta ăn, những đĩa rau ta dùng, những vật chất trong môi trường ta sống. Nhưng không có cái gì mà Chúa bỏ đi hết. Chúa đã biến đổi tất cả để chúng tồn tại mãi mãi nếu chúng ta đưa được tình yêu của Thiên Chúa vào trong những vạn vật ấy. Thánh Gioan kết thúc Bài đọc II hôm nay: “Hễ ai giữ lời Chúa Giêsu dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự trở nên hoàn hảo” (1Ga 2,5). Chúa Giêsu dạy ta hãy yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta.

Tình của con người đâu có bạc trắng như nhạc sĩ Minh Khang than thở đâu! Nó bạc trắng là do chúng ta, do những tội lỗi, dục vọng và tham vọng của chúng ta làm hư hoại. Thiên Chúa mời gọi ta đưa tình yêu của Ngài vào để vạn vật tồn tại mãi mãi; đó là tình yêu trong sáng, tốt đẹp, quảng đại của Đức Giêsu. Vì thế khi tôi ăn bát cơm bình thường, nhưng ăn vì tình yêu Thiên Chúa và để có sức phục vụ con người, thì bát cơm ấy tồn tại mãi mãi! Bài học, bài làm của các em học sinh hôm nay có vẻ như sẽ qua đi, nhưng thật ra chúng tồn tại mãi mãi vì chúng đã chuyển thành những kiến thức để làm sáng danh Chúa và phục vụ con người nếu các em đó học hành vì tình yêu.

Lời kết

Chỉ có một tình yêu như thế chúng ta mới thấy rằng cuộc sống của mình và của gia đình nhân loại sẽ tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và bình an vì chúng ta không bỏ đi bất cứ một cái gì và cũng chẳng cần làm lại từ đầu. Tình yêu chân thành sẽ làm cho tất cả tồn tại mãi mãi. “Chính anh em là chứng nhân về những điều ấy” (Lc 24,48).

Câu hỏi gợi ý:

1. Bạn có cảm nhận được tình yêu của vạn vật đang hy sinh cho bạn không? Bạn đáp lại tình yêu đó như thế nào?

2. Bạn làm gì để bảo vệ môi trường sống cho xanh, sạch, đẹp và những vật Chúa giao cho bạn một cách cẩn thận?