1./ Di chúc của vua Trần nhân Tông :

« Các người chớ quên. Chính Nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo, vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Hoa. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải.

Các việc trên, khiến ta nghĩ đến chuyện khác lớn hơn, tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta. Lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn :
« Một tấc đất của tiền nhân để lại,cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu ».

2.- Di chúc Mao Trạch Đông :
« Nước ta và nhân dân Việt Nam có mối hận thù dân tộc hàng nghìn năm nay… Chúng ta không được coi họ là đồng chí chân chính của mình, đem tất cả vốn liếng của ta trao cho họ. Ngược lại, chúng ta phải tìm mọi cách làm cho Nước họ ở trong tình trạng không mạnh, không yếu mới có thể buộc họ ở trong tình trạng hiện nay… Về bề ngoài, chúng ta đối xử với họ như đồng chí của mình, nhưng trên tinh thần ta phải chuẩn bị họ trở thành kẻ thù của chúng ta ».

I./ ÐỨC CHA MICAE HOÀNG ÐỨC OANH.

A.- Thư ngỏ gởi Chủ tịch nhà nước.

Trong hai ngày 16/06 và 14/07/2018, Ðức cha Micae Hoàng Ðức Oanh, nguyên Giám mục Giáo phận Kontum, đã gởi hai lá thư ngỏ cho Trần Đại Quang, Chủ tịch nhà nước, để chỉ trích mạnh mẽ luật mới ‘An ninh mạng’ và dự luật ‘Ðặc khu hành chính và kinh tế’. Ngoài ra, Ðức cha còn kêu gọi chế độ tôn trọng ý nguyện và quyền hợp pháp của công dân, đồng thời, trả tự do cho tất cả những người bị bắt trong thời gian trước đó. Chúng tôi xin nhắc lại các ý chính của Ðức cha.

Với tư cách công dân yêu nước, thấy tình hình đất nước nguy ngập, đặc biệt với luật và dự thảo luật này đều không thích hợp và tác hại quyền lợi Tổ Quốc. Một cái bịt miệng người ta, rồi từ đó có thể tiến hành biết bao điều khác. Cái thứ hai, kinh nghiệm cho thấy Tàu cộng đã bỏ tiền ra, 90% các dự án tại đây để họ trúng thầu. Sau đó, thì họ làm rất giả dối, tốn kém và không có hiệu quả tốt đẹp cho đất nước. Nhìn thấy nguy cơ đó và với lòng yêu nước, Ngài phải lên tiếng.

Ðức cha nghĩ mình rất thành thật, không chống đối ai, kể cả với những anh em cộng sản. Với niềm tin của Ngài, tất cả đều là anh em của nhau, là công dân Việt Nam. Ngài không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản và càng không chấp nhận hệ thống điều hành đất nước. Ngài ý thức tất cả mọi điều đều phát xuất từ Điều 4 Hiến pháp, rồi từ đó họ quyết định hết tất cả. Cuối cùng, kinh nghiệm cho thấy bao nhiêu năm trời, họ không giải quyết được gì mà chỉ càng bế tắc thêm.

Khi phóng viên đài VOA (Tiếng nói Mỹ quốc) hỏi : « Với dự luật về đặc khu, các lãnh đạo Việt Nam nói rằng họ không đề cập một chữ nào đến Trung Quốc nhưng tại sao người dân lại chống đối. Vậy Đức cha nhận xét thế nào về yếu tố Trung Quốc trong sự phản đối của dân chúng đối với Luật Đặc khu? ».

Ðức cha đáp : « Không cần phải nói đến từ ‘Trung Quốc’. Quý vị đó phải hiểu rằng với kinh nghiệm của đất nước, với 3 địa điểm làm đặc khu đó, với tình hình Việt Nam đã bị lấn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa cũng như trong 90% các dự án mà Tàu cộng trúng thầu, chúng tôi nghĩ rằng 3 địa điểm đó rất nguy hiểm cho an ninh, quốc phòng, kinh tế… nên chúng tôi mới chống đối ».

Ðức cha cho biết ‘rất ngạc nhiên’ khi đồng bào nói lên ý kiến mình do thấy nguy cơ mất nước và tương lai Dân tộc, nên họ biểu tình rất ôn hòa. Trong khi đó, lực lượng an ninh thay vì giữ gìn trật tự, phục vụ người dân thì lại đàn áp, đánh đập. Chính vì thế Ngài muốn lên tiếng nói thay cho họ, những người thấp cổ bé miệng để nói với ông Chủ tịch nước, nhưng vì gửi thư bao nhiêu lần không được nên tôi phải gửi thư ngỏ. Ðức cha nói : « Tôi nghĩ đáng lẽ Quốc hội phải giải quyết Luật biểu tình trước để có một khuôn phép cho dân cứ thế mà làm. Hiến pháp thì công nhận [quyền biểu tình], nhưng ra luật thì cứ hoãn miết, ngăn chặn quyền tự do ngôn luận, biểu đạt ý kiến của dân. Ðồng bào chống lại luật ‘an ninh mạng’ nhằm ngu dân và dự luật ‘đặc khu kinh tế và hành chánh’ nhằm ‘bán đứng đất đai cho Trung Quốc’.

Trong thư ngỏ gởi Chủ tịch nước ngày 16.06.2018, Đức cha lên án một số tuyên bố hung hăng của các viên chức nhà nước và thúc giục họ ăn nói lễ độ để tạo sự hài hòa trong xã hội và tôn trọng quyền hợp pháp của công dân. Bình luận về những cuộc biểu ngày 10.06.2018 và những ngày kế tiếp, Ngài nhận thấy chính phủ đã tấn công dân dã man thay vì lắng nghe họ! Sau đó, hàng loạt người đã bị bắt tại Bình Thuận và những nơi khác!. Ngài yêu cầu ông Chủ tịch nước ra lệnh cho chính quyền các cấp trả tự do cho tất cả những người bị bắt, công bố luật về quyền biểu tình theo quy định của Hiến pháp.

Ðề nghị hủy bỏ Luật Đặc khu mà đảng rêu rao là một chủ trương quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam, Đức cha đề xuất : « Trong thời hiện đại ngày nay, có rất nhiều cách :
- Thứ nhất, bỏ Điều 4 Hiến pháp.
- Thứ hai, bỏ cái đuôi ‘theo định hướng xã hội chủ nghĩa’. Bởi vì như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói ‘Đến cuối thế kỷ này cũng chưa biết XHCN đi tới đâu, thành hình thế nào?’, mà bây giờ mình mông lung như vậy.
- Thứ ba, quyền tư hữu đã bị tước đoạt thì phải trả lại quyền tư hữu.
Tất cả mọi điều xảy ra khốn đốn cho dân tộc Việt Nam từ trước tới nay, dưới chế độ Cộng sản, là phát xuất từ 3 điểm đó.

Trong một video đăng trên Internet, Đức cha công khai khiển trách các linh mục là thành viên Quốc hội (có người gắn cho tên ‘đảng hội’). Tất cả những người này được tường thuật đã biểu quyết ủng hộ luật an ninh mạng vào ngày 12.06.2018. Ðức cha nói : « Các linh mục đó phản bội đức tin của họ và phản bội đất nước chúng ta, vì tiền và thế giá mà người ta ban cho họ ».

B.- Ðức Giám mục đáng kính.

Trước khi chấm dứt cuộc phỏng vấn ngày 20.07.2018, ký giả Nguyễn Tuấn, RFA (đài Á châu Tự do) đặt câu hỏi với Ðức cha : « Đức Giám Mục có được sự chia sẻ nào của những người thân quen khi gióng lên hồi chuông cảnh báo ‘Đất nước lâm nguy’ như trong thư gửi Chủ tịch nước Trần Đại Quang hay không, thưa Đức Giám Mục? ». Ngài đáp : « Tôi đã nhận được rất nhiều điện thoại, cũng như tin nhắn và đọc trên các bài bình luận của các chuyên gia. Mọi người chia sẻ khi đọc bức thư của tôi thì tuyệt đa số là khích lệ tôi và đồng ý với tôi là nhận xét rằng tôi nói rất đúng và hoàn toàn có cơ sở ». Ðó là Sự Thật mà chúng tôi rất đồng ý và cám ơn.

Ðức Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh sinh năm 1938 tại Hà Nội. Từ khi còn là chủng sinh tại Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, thày đã có thành tích học tập xuất sắc nên được tuyển chọn theo học Triết học và Thần học tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô Đà Lạt. Sau khi chịu chức linh mục tại Sài Gòn năm 1968, cha nhận ‘bài sai’ về làm phó xứ ở Pleiku và là Hiệu trưởng Trường tư thục Minh Đức. Sau đó, cha lần lượt giữ các chức vụ Giáo sư Tiểu chủng viện Thừa sai Kon Tum, Tổng đại diện Giáo phận Kon Tum và được tấn phong Giám mục Kon Tum ngày 28.08.2003. Ngài là một trong những lãnh đạo Công Giáo có tầm ảnh hưởng vì đã mạnh mẽ lên tiếng trước những vấn đề xã hội quan trọng, liên quan đến vận mệnh đất nước và quyền lợi của người dân.

Trong thư gởi Thầy, Cô giáo Giáo phận Kon Tum nhân Ngày Nhà Giáo 2010, Ðức cha viết : ‘Nhà Nước Việt Nam đã và đang độc quyền giáo dục trên toàn quốc từ sau 1975. Từ đường lối, chương trình, giáo khoa cho đến đào tạo và quản lý đều nằm gọn trong tay nhà nước theo xã hội chủ nghĩa vô thần duy vật. Mọi tôn giáo, mọi tổ chức tư nhân bị gạt ra ngoài. Tất cả các cơ sở đào tạo và giáo dục của các Giáo hội cũng như của các tổ chức tư nhân đều bị quốc hữu hóa!’. Đấy là những thực tế đau thương đã dẫn tới tình trạng phá sản trong nền giáo dục Việt Nam từ hơn ba thập niên qua.

Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh có kể : « Một lần Ngài đi nước ngoài. Khi đến cơ quan nhà nước nhận hộ chiếu, người ta dặn dò: ‘Ông đi nước ngoài nhớ đừng chụp hình với lá cờ vàng ba sọc đỏ, nếu không là toi đời ông!’.
Ngài đáp ngay: ‘Vậy tôi trả hộ chiếu lại cho các ông, tôi không đi nữa’. Họ ngạc nhiên hỏi Đức cha : ‘Sao vậy?’ Ngài cười: ‘Chứ nếu đi nước ngoài mà toi đời thì đi làm gì?’.

Rồi Ngài nói với các ông ấy: ‘Này nhé, tôi vào nhà ông, thấy ông để tượng Hồ chí Minh với lá cờ đỏ, tôi có bảo ông đem đặt chỗ khác không? Đến nhà người ta ai làm thế. Ở nước ngoài, nơi tôi đến có lá cờ vàng, chẳng lẽ tôi bảo họ đem đi chỗ khác cho tôi ngồi và chụp hình à?’

Ngài lý luận sắc bén: ‘Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây, vậy các ông có ghét Tàu và Tây lắm không? Tôi thấy mấy ông lãnh đạo vẫn đứng chào cờ Trung quốc, chào cờ Pháp, Mỹ đó thôi. Vậy tại sao lá Cờ Vàng của anh em người Việt mình mà các ông căm ghét đến thế?’

‘Còn nữa, hàng năm chúng ta đón bao nhiêu Việt kiều, nhận bao nhiêu tiền họ gửi về, sao lại phải lúc nào cũng căm ghét cờ của họ?’

Đức cha tâm sự, nghe rất xúc động: ‘Năm 1954 gia đình tôi di cư vào Nam. Gia đình tôi sống được và tôi lớn lên, ăn học dưới lá Cờ Vàng. Nếu các ông di cư năm ấy thì các ông cũng thế thôi’. Nghe những lời vô cùng hợp lý như thế, chắc họ bất ngờ và ngượng ngùng lắm nên cuối cùng họ bảo: ‘Thôi ông cứ đi…’ ».

II./ TƯƠNG LAI GẦN ÐẦY BẠO LỰC ?

Trong những ngày gần đây, xuất hiện từ Quốc dân Ðồng bào những lời kêu mời biểu tình chống Tàu cộng và phản đối luật ‘An ninh mạng’ và dự luật ‘Ðặc khu hành chánh và kinh tế’ ngày 02.09.2018.

Trong cuộc họp Ủy ban nhân dân Hà Nội ngày 27.08.2018, chủ tịch Nguyễn Đức Chung phán : « Công an cần chủ động nắm tình hình, quản lý tốt đối tượng, có giải pháp tuyên truyền, phòng ngừa, không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người, hành vi quá khích trên địa bàn thành phố trong dịp cao điểm này. »

Trong khi đồng bào mời nhau tham gia biểu tình, một hành động được ghi trong Hiến pháp nơi Ðiều 25 quy định ‘người dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội và biểu tình, nhưng 'việc thực hiện những quyền này do pháp luật quy định' là mâu thuẫn. Phải chăng vì sợ Quốc hội bị phê phán là chỉ lo lãnh tiền lương mà không khả năng để làm luật biểu tình. Kể cả ông Dương Trung Quốc ồn ào nói nhiều nhưng cũng chẳng làm có kết quả bao nhiêu vì tất cả thành viên Ðảng hội đều được chọn vào theo cơ cấu. Nghe đâu ông cũng chỉ là chỉ điểm cho công an mà thôi. Tại sao các công dân Nguyễn Quang A, Ðặng Bích Phượng, Nguyễn Thúy Hạnh, Lê Quốc Quân, Võ An Ðôn,… đều bị bác đơn ứng cử ?

A.- Học thuyết Xã hội Công Giáo.

Đức Giêsu và quyền hành chính trị. Đời sống Ngôi Hai Thiên Chúa tại thế gian được ghi lại trong Phúc âm để cho làm chuẩn cho chúng ta theo và được sự trợ giúp của Giáo huấn xã hội Công Giáo:

« Dù không đồng ý với sự cầm quyền đàn áp và chuyên chế của các nhà lãnh đạo quốc gia (x. Mc 10,42), cũng như phản đối tham vọng của họ là muốn mọi người gọi mình là ân nhân (x. Lc 22,25), nhưng Đức Giêsu cũng không trực tiếp chống đối các nhà cầm quyền đương thời. Khi đưa ra ý kiến về việc nộp thuế cho hoàng đế (x. Mc 12,13-17; Mt 22,15-22; Lc 20,20-26), Người cũng khẳng định rằng phải trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, gián tiếp lên án mọi toan tính biến quyền bính trần gian thành quyền bính thần linh hay tuyệt đối: chỉ có Thiên Chúa mới có quyền đòi hỏi mọi sự từ phía con người. Nhưng đồng thời quyền bính trần gian cũng được quyền đòi những gì thuộc về mình: Đức Giêsu không coi việc nộp thuế cho hoàng đế là chuyện bất công (số 379*).

* Đây là những số trong ‘Tóm lược Học thuyết Xã hội Công Giáo.

Những vấn đề này thuộc về luân lý Kitô giáo, được bàn trong sách Giáo lý Công Giáo số 2234-2243.

B.- Nền tảng của quyền bính chính trị

1/ Giáo hội phải đương đầu với nhiều quan niệm về quyền bính, và luôn bảo vệ khuôn mẫu quyền bính dựa trên bản tính xã hội của các nhân vị (số 393*).

Bản tính của quyền bính:
- xã hội không thể đứng vững nếu không có một người chỉ huy để điều động các phần tử phục vụ công ích;
- vì thế tất cả mọi cộng đồng của con người đều cần đến một quyền bính điều hành.
- quyền bính cũng như xã hội đều bắt nguồn từ bản chất của con người (nature), có nghĩa là từ chính Thiên Chúa.

Bởi vậy quyền bính chính trị (autorité politique gọi tắt: chính quyền) là điều cần thiết vì những nhiệm vụ được trao phó (GLCG, Giáo lý Công Giáo số 1897).

2/ Chính quyền có trách nhiệm bảo đảm nếp sống yên ổn trật tự của cộng đồng, nhưng không phải thay thế các cá nhân hay đoàn thể cho bằng hướng họ về công ích (số 394*).

Chính quyền phải phục vụ sự thăng tiến toàn diện của con người, thi hành chức năng trong khuôn khổ của trật tự luân lý, phù hợp với một trật tự pháp lý đã được quy định hợp pháp. Trong điều kiện như vậy, các công dân có bổn phận lương tâm phải tuân hành.

3/ Chủ thể của chính quyền là nhân dân xét theo toàn thể: họ là kẻ nắm giữ chủ quyền (số 395*).
- Nhân dân chuyển giao việc thi hành chủ quyền cho những người mà họ lựa chọn làm đại biểu, và nhân dân giữ quyền kiểm soát.
- Chủ nghĩa dân chủ, nhờ có những cơ chế kiểm soát, cho phép đảm bảo việc thực thi chủ quyền.
- Tuy nhiên, chỉ nguyên sự đồng lòng của nhân dân chưa đủ để coi việc hành sử chính quyền là công bình.

B.- Quyền bính như là sức mạnh luân lý

1/ Quyền bính cần được hướng dẫn bởi luật luân lý (số 396*)
- Quyền bính được uy tín khi thi hành trong khuôn khổ của trật tự luân lý. Trật tự luân lý dựa trên Thiên Chúa là nguyên uỷ và cứu cánh.
- Không thể nào quan nhiệm quyền bính như là một sức mạnh thuần tuý xã hội và lịch sử. Nếu khước từ trật tự luân lý, thì không thể nào quy tụ được các phần tử, để thuyết phục họ nhất trí chấp nhận một quan điểm công lý.
- Trật tự luân lý cần dựa trên Thiên Chúa; nếu tách rời khỏi Thiên Chúa thì nó sẽ tan rã. Nhờ dựa trên trật tự luân lý mà quyền bính lấy sức mạnh truyền khiến bó buộc.

2/ Quyền bính cần phải nhìn nhận, tôn trọng và cổ động các giá trị nhân bản và luân lý thiết yếu (số 397*).

Các giá trị luân lý nằm ngay trong bản tính của con người, diễn tả và bảo vệ phẩm giá con người, và là những yếu tố của một luật luân lý khách quan được khắc trong tâm khảm của mỗi người[10]. Những giá trị này không dựa theo ý kiến của đa số, và không có thể thay đổi do một cuộc trưng cầu ý kiến. Các luật pháp của quốc gia cần phải quy chiếu về các giá trị luân lý.

3/ Chính quyền phải ban hành những luật công bằng, nghĩa là phù hợp với phẩm giá nhân vị và với những đòi hỏi của lý trí ngay thẳng (số 398*).
Chỉ khi nào phù hợp với lý trí ngay thẳng và với luật vĩnh cử thì luật pháp mới xứng đáng với danh nghĩa của nó. Nếu không, nó trở thành luật bất chính (bất nhân) và là hành động bạo lực.

- Ai khước từ tuân phục quyền bính hành động theo trật tự luân lý thì sẽ làm trái ngược với trật tự do Thiên Chúa thiết lập (Rm 13,2). Một cách tương tự như vậy, quyền bính nào không quan tâm đến việc thực hiện công ích thì làm mất mục tiêu của mình và mất thế lực.

C.- Quyền phản đối theo lương tâm

Lương tâm không bắt buộc phải tuân giữ những quy định của chính quyền nếu chúng trái nghịch với những đòi hỏi luân lý (số 399*).
Sự phản đối theo lương tâm không chỉ là một bổn phận luân lý nhưng còn là một quyền lợi cản bản của con người. Quyền này phải được luật quốc gia bảo vệ.

D. Quyền chống đối

1/ Luân lý cho phép chống đối quyền bính trong trường hợp họ vi phạm các nguyên tắc của luật tự nhiên một cách trầm trọng và liên tục (số 400*). Thánh Tôma Aquinô viết rằng: “người ta chỉ buộc phải vâng lời trong mức độ do trật tự công lý đòi hỏi” (Summa Theologiae II-II, q.104, a.6). Do đó, nền tảng của quyền chống đối là luật tự nhiên.

2/ Giáo huấn Xã hội Công Giáo đã vạch ra những tiêu chuẩn của việc thi hành quyền chống đối (số 401*). Những điều kiện biện minh cho việc sử dụng vũ trang là:
a) có sự xâm phạm các quyền căn bản của con người cách chắc chắn, nghiêm trọng và kéo dài;
b) đã sử dụng hết mọi phương thế khác để sửa đổi mà không kết quả;
c) sự chống đối sẽ không gây ra những bất ổn tệ hại hơn;
d) có hy vọng thành công với những lý do có cơ sở;
e) không thể tiên liệu hợp lý được những giải pháp nào tốt hơn” (GLCG số 2243).
Xét vì những nguy hiểm của việc chống đối bằng vũ lực, khuyên nên sử dụng đường lối “chống đối thụ động” bởi vì phù hợp hơn với các nguyên tắc luân lý và không kém hứa hẹn thành công.

III. VẤN ÐỀ THỜI SỰ CỦA CHÚNG TA.

A.- Do hiểu biết và giảng dạy khác nhau về cái gọi là ‘làm chính trị’, tín hữu Ðức Kitô, giáo sĩ lẫn giáo dân, vẫn tranh cải và chê nhau có thể cho đến khi Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tan biến trong Giáo hội nhà nước Tàu, tự do gia nhập Hội đồng Giám mục độc lập với Ðức Thánh Cha.

Mọi thành phần Giáo hội, Giáo sĩ và Giáo dân, đều phải tham gia vào chiều kích trần thế của Giáo hội. Ðó là điều chắc chắn, nhưng có nhiều cách thế khác nhau. Đặc biệt sự tham dự của người giáo dân có một hình thái thực hiện và chức vụ ‘riêng rẽ và đặc biệt’ theo như Công đồng Vatican II phân tích và được gọi đó là ‘tính cách trần thế’ cùng quả quyết: ‘Tính cách trần thế là đặc tính riêng biệt của giáo dân’ và ‘chính đó là nơi họ được mời gọi’ (Ánh Sáng Muôn Dân, số 31).

Tính cách trần thế là ở giữa trần thế, sống với đời sống của trần thế và sống cho trần thế, nghĩa là không phải sống bị lôi cuốn theo các chiều hướng xấu của trần thế, trái lại, để cải hóa trần thế theo tinh thần Ðức Kitô, như Ngài đã căn dặn: ‘Chúng con là muối đất… chúng con là ánh sáng của thế gian’ (Mt 5: 16).

Do đó, Giáo luật có những điều đặc biệt dành cho các Giáo sĩ :

- Điều 285: (1) Các giáo sĩ nên xa tránh tất cả những gì không xứng hợp với bậc mình, theo như những qui định của luật địa phương.
(2) Giáo sĩ nên tránh tất cả những gì, cho dù không xấu xa, nhưng xa lạ không thích hợp với bậc giáo sĩ.
(3) Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền có kèm theo việc hành sử quyền bính dân sự.
(4) Nếu không được phép của Bản Quyền riêng, giáo sĩ không được nhận làm Quản Lý những tài sản thuộc các giáo dân hoặc những chức vụ trần thế kèm theo nghĩa vụ phải kế toán sổ sách; cũng không được làm bảo chứng cho dù dựa vào tài sản riêng của mình nếu không tham khảo ý kiến của Bản Quyền riêng; phải tránh không nên cam kết những khế ước bảo lãnh trả một món nợ mà không định rõ căn nguyên.

Điều 287: (1) Các giáo sĩ hãy tận lực cổ võ duy trì hòa bình và hòa đồng giữa mọi người, dựa trên nền tảng công bằng.
(2) Các giáo sĩ không được tham gia tích cực vào các đảng phái chính trị, hoặc dự phần lãnh đạo trong các nghiệp đoàn, trừ khi nào, theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội và cổ võ công ích đòi hỏi như vậy.

B.- Kitô hữu có nên tham gia biểu tình công khai không?

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời cho chúng ta : « Phải nói rằng các Kitô hữu nên ra đường phố thường hơn trước, và không phải chỉ những gì liên quan đến họ bị đe dọa. Bất cứ khi nào những kẻ có thế lực đàn áp công lý, các Kitô hữu phải đứng hàng đầu trong số những người phản đối ».
Đức Thánh Cha thêm, đặc biệt cho giới trẻ : « Thanh niên hãy biểu tình trên các ngã đường..... Xin đừng đẩy việc đó cho những người khác, mà thanh niên cần trở thành những người chủ lực tạo ra sự thay đổi, các bạn là những người nắm giữ tương lai !"
« Các Kitô hữu cần biểu tình (cùng với những người khác) để chống lại thái độ thù nghịch và bạo lực, những điều kiện làm việc xuống cấp, nạn xén bớt tiền lương chính đáng, hủy hoại môi trường sống, áp bức nhóm thiểu số ».

« Thông thường, các Kitô hữu muốn trở thành những công dân tốt trong xã hội, do đó, họ ít có kỹ thuật phản đối ở nơi công cộng so với các nhóm chính trị cánh tả. Các Kitô hữu cần học hỏi về điều đó, để có thể tạo nên ý thức chính trị; họ cũng phải ra đường phố để tranh đấu cho sự sống con người từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên ».

« Vì Kitô giáo trên toàn thế giới là tôn giáo chịu bị bách hại nhiều nhất, nên các Kitô hữu cũng phải đấu tranh cho quyền lợi của những Kitô hữu gặp bất lợi và bị áp bức, ví dụ đòi giữ ngày Chúa Nhật như là ngày nghỉ, và chống lại nạn phỉ báng Hội Thánh ».
--- Trích văn kiện DOCAT (Giáo Huấn Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo)
Giáo hoàng Phanxico 2013. ---

C.- Con người có Lý trí và sự Tự do.

Thiên Chúa toàn năng, Đấng Tạo Hoá, với Lý trí siêu việt, đã hoàn tất tiến trình tác thành trời đất và, cuối cùng, tạo dựng nên nhân loại. Người có Tự do toàn quyền trao ban sự hiện hữu và sự sống cho con người chúng ta. Chính vì vậy, người nam và người nữ đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26-27), được mời gọi hãy trở thành dấu chỉ hữu hình và dụng cụ hữu hiệu để tỏ lộ hành vi tặng không của Thiên Chúa khi đặt họ vào vườn để canh tác và trông coi các công trình sáng tạo khác (x. số 26 Tóm lược Học thuyết xã hội Công Giáo). Vì giống Thiên Chúa, con người cũng có Lý trí và sự Tự do.

Ước mong, với Lý trí, chúng ta tìm hiểu lý do và ý nghĩa của các cuộc biểu tình vì sự tồn vong của Tổ Quốc và Dân Tộc. Với Tự do, chúng ta quyết định có tham gia biểu tình hay để đồng bào yêu nước bị bạo lực đánh đập và tiêu diệt.

Hà Minh Thảo