Ai Đã Trực Tiếp Chỉ Huy Bắt Tây Dương Đạo Trưởng Y Ty Anh (3)?

Ngày 1/9/1858 liên quân Pháp và Y Pha Nho nổ súng tấn công Đà Nẵng, triều đình càng nghi ngại người theo đạo Công Giáo: “ Rằng : quân Tả đạo với Tây/ Một lòng sinh sự phá rày biên cương”, cho nên vào tháng 4 năm Kỷ Mùi (1859) triều đình đã ban dụ Phân sáp: “ Lại dụ bảo các điều khoản nên làm: ( Người nào đã đi theo Tây dương thì bắt giam cha mẹ vợ con, bắt phải gọi về; người nào chưa đi theo Tây dương thì tìm nhiều cách ngăn giữ không cho chúng được đi lại với Tây dương. Người nào là hào cường đầu mục đi theo đạo thì ngầm giam giữ lại không cho đi đâu. Người già, trẻ con cùng phụ nữ, nếu yên phận giữ phép thì thôi; nếu còn vớ vẩn trông ngóng, thì lập tức đem sáp nhập vào xã thôn không có đạo Da tô để tiện quản thúc).Giao cho viên khâm phái châm chước mà làm. Còn 5 tỉnh thì dân theo đạo còn biết giữ phép, chưa đám sinh lòng khác: Sai quan tỉnh đều chiểu theo địa hạt phòng bị, khiến cho Gia Định được tiện việc thi hành.( Rồi thì bọn dân theo đạo ra thú rất nhiều. Những người nào ở xa đồn Tây dương thì cho xã dân sở tại kết nhận về quản thúc; người ở gần đồn Tây dương đều chia ghép vào xã thôn khác: Viên Khâm phái đều phân biệt tâu lên mà thi hành).(1)

Đến tháng 6 năm Tân Dậu (1861) lệnh Phân sápđược triều đình thắt chặt hơn: “ Sức nhắc lại các địa phương phải nghiêm nhặt chia ghép bọn dân đạo. Trước đây, chia ghép các dân đạo, còn nhiều sót lậu. Đến bây giờ, nghiêm bắt phủ huyện các địa phương: phàm những dân đạo trai gái già trẻ, không cứ đã bỏ đạo hay chưa, đều thích chữ vào mặt, chia ghép đến ở vào xã thôn không có đạo, mà phải quản thúc cho nghiêm. Những tên đầu mục hung ác vẫn nghiêm giam như cũ. Nếu người Tây dương đến nơi, thì đem bọn dân đạo ấy giết cho hết.Phủ huyện nào lại còn nhu nhơ dong kẻ gian, để đến nỗi sinh ra việc gì lo ngại, tất phải chiểu quân luật trị tội” (2).

Các quan lại khuyến khích dân chúng: “ Bắt đặng tả đạo thưởng cho bạc tiền”. Giám mục địa phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) là Étienne Théodore Cuénot Thể (nếu không gọi Étienne thì gọi Stéphane, người Việt đọc là Tê pha nô) cũng trốn tránh lệnh bắt đạo tại vùng Gò Bồi (nay thuộc thôn Gò Bồi, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước). Vào tháng 10 năm Tân Dậu, Giám mục Cuénot Thể bị bắt. Linh mục Đặng Đức Tuấn(1806-1874) thuật lại việc Giám mục bị bắt: “ Cha, thầy khác thể ngọn đèn/ Giấu che sao kín, chúc chen sao rồi?/ Các cha bắt đặng lần hồi/ Đức Thầy bắt đặng Gò Bồi, Thị Lưu/ Số là có đứa gian cừu/ Điềm chỉ cậu Thọ tạm lưu chốn này/ Quan quân hỏa tốc đến vây/ Soát nhà lái Sĩ thấy Thầy ở mô?/ Tịch phong ba chỗ nhà to/ Quan quân ở đó ra vô ba ngày/ Soát đặng áo lễ đồ Tây/ Hỏi tra ông Quả phải Thầy hay không?/ Ông ta chối mãi ròng ròng/ Tôi là bổn đạo biết sòng chi đâu!/ Quan quân tính việc còn lâu/ Dạy đóng gông giải để hầu tỉnh tra/ Đức Thầy khát nước thiết tha/ Ở trong lẫm lúa bước ra nhà ngoài/ Quan quân xem thấy kinh oai/ Kêu la truyền báo dậy tai vang làng/ Thanh la, mõ trống tứ bàng/ Dùi gậy giáo mác kéo đoàn phủ vây/ Lâu nay mới thấy ông Tây/ Baquân thiên hạ chật đầy đến coi/ Quan dạy đóng cũi cho rồi/ Bỏ vào trong ấy để ngồi coi chơi”.Giám mục Cuénot Thể bị quan quân nhốt vào cũi giải lên tỉnh đường Bình Định.

Sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn đã ghi lại việc bắt Giám mục Cuénot Thể: Tháng 10 năm Tân Dậu. Tự Đức năm thứ 14 (1861) “ Tỉnh Bình Định bắt được tên đạo trưởng người Tây dương tên là Y-ty-anh(3). Các quan tỉnh huyện đều được thưởng gia một cấp và tiền vàng, tiền bạc có thứ bậc khác nhau (Tỉnh thần là Nguyễn Đức Hựu, Bùi Huy Phan, Dương Vinh mỗi người đều một đồng tiền vàng Phi long hạng lớn, đi đốc bắt là quyền huyện Tuy Viễn Hoàng Hữu Xứng được thưởng tiền “Triệu dân” bằng bạc hạng lớn, hạng nhỏ mỗi thứ đều 5 đồng. Bọn người thám báo hiệp sức đi bắt chiểu lệ thưởng cấp (bạc 300 lạng)”(4)

Giám mục Cuénot Thể bị bắt vào tháng 10 âm lịch là vào mùa lụt: “ Trời lụt nước hãy còn to/ Quan truyền khiêng cũi lần dò đi lên/ Nam nữ hai mươi bốn tên/ Dẫn đi một lượt gông xiềng dọc ngang/ Giải trình lên nạp tỉnh quan/Lịnh truyền các trại phân tang giam cầm”.

Giám mục Cuénot Thể do bị nhiễm bệnh nên khoan tra xét: “ Đức cha quá nỗi ưu phiền/ Bịnh mang đã nặng quan truyền khoan tra/ Đòi thầy đầu dược điều hòa/ Kỳ mười lăm bửa may mà đặng thuyên/ Nào hay mạng tại hồ thiên/ Đến ngày kỳ hẹn bỏ miền dương gian”. Giám mục Cuénot Thể qua đời trong tù vào ngày 14/11/1861 và được quan tỉnh sai đem chôn: “Đức cha quan dạy táng rồi/ Mấy người còn lại ngậm ngùi than van”.

Sau khi bắt Giám mục Cuénot Thể, thì vào tháng 3 năm Nhâm Tuất (1862): “ Cất nhắc viên huấn đạo huyện Tuy Viễn (thuộc Bình Định) là Hoàng Hữu Xứng(5) làm tri huyện ( Xứng đỗ cử nhân, người Quảng Trị. Khi ấy bổ thụ huấn đạo mới được hơn 4 tháng, lệ chưa được thăng chức. Duy Hữu Xứng khi làm quyền huyện, tiết thứ bắt được một người đạo trưởng người Tây dương và 4 đạo trưởng người nước ta và bọn người theo đạo cùng là đồ dùng ở nhà thờ đạo giải nộp để xét,…Tỉnh thần đem việc ấy tâu lên.Bộ Hình cho là tra bắt xuất sắc, xin cho vượt cách cất dùng, chuẩn cho cất lên làm chức tri huyện Hà Đông (thuộc Quảng Nam) (6).

Hoàng Hữu Xứng trong thời gian làm quyền Tri huyện huyện Tuy Viễn đã bắt Giám mục Cuénot Thể và 4 đạo trưởng người Việt (4 đạo trưởng này chưa rõ danh tánh) và nhiều tín đồ Công Giáo khác nữa.

Nguyễn Văn Nghệ

Giáo xứ Cây Vông- Nha Trang

Chú thích:

1- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.608-609

2- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục , tr. 725

3- Y-ty-anh: Quốc sử quán triều Nguyễn phiên âm chữ Étienne trong tên của Giám mục Cuénot Thể thành Y-ty-anh

4- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7. Nxb Giáo dục, tr.736

5- Hoàng Hữu Xứng người xã Bích Khê, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị( nay là xã Triệu Long, huyện Triệu Phong). Đỗ cử nhân vị thứ 9/22 khoa Nhâm Tý (1852) tại trường thi Hương Thừa Thiên (X. Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nxb. TPHCM, tr. 312). Rạng sáng ngày 25/4/1882 (8/3 năm Nhâm Ngọ) quân Pháp chiếm thành Hà Nội, Hoàng Hữu Xứng (1831- 1905) đang giữ chức Tuần phủ Hà Nội tạm lánh vào hành cung, sau khi nghe Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết, Hoàng Hữu Xứng cũng định quyên sinh, nhưng lại nghe lời Tôn Thất Bá nên thôi ý định quyên sinh. Sau đó triều đình cách chức ông nhưng cho lập công chuộc tội, chẳng bao lâu lại được thu dụng như cũ.

6- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.765-766