Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. FBI cho biết 76 tội ác vì hận thù đức tin Công Giáo đã diễn ra tại Hoa Kỳ trong năm 2017

Trong báo cáo đưa ra hôm 13 tháng 11, Cục điều tra liên bang Hoa Kỳ, gọi tắt là FBI, cho biết số vụ tội phạm vì hận thù trong năm 2017 đã tăng 17% so với năm trước đó.

Báo cáo Thống kê Tội phạm Tội phạm Hàng năm (UCR), cho biết đã có 7,175 tội phạm vì hận thù trong năm 2017, so với 6,121 trường hợp trong năm 2016.

Theo báo cáo này, tội phạm vì hận thù chủng tộc/dân tộc/tổ tiên chiếm 59.6 phần trăm, vì hận thù tôn giáo 20.6 phần trăm và vì hận thù khuynh hướng tình dục là 15.8 phần trăm.

Trong tổng số 1,679 tội phạm vì hận thù tôn giáo, có 76 trường hợp được xem là vì lòng căm ghét đức tin Công Giáo, chiếm 4.5%. Trong mục các tội phạm vì hận thù tôn giáo, các trường hợp bài Do Thái Giáo là cao nhất, lên đến 58.1%, kế đó là các trường hợp bài Hồi Giáo với 18.7%.

Trong năm 2016, có 63 trường hợp được xem là vì lòng thù ghét đức tin Công Giáo, chiếm 4.1% trong tổng số 1,538 trường hợp.

Trong số 4,832 tội phạm vì hận thù chủng tộc/dân tộc/tổ tiên, cao nhất là bài người da đen 48.8%, bài da trắng 17.5%. Đặc biệt các trường hợp bài người Á Châu đã tăng từ 132 vụ trong năm 2016 lên 150 vụ trong năm 2017, chiếm 3.1% trong tổng số các trường hợp tội phạm vì hận thù chủng tộc/dân tộc/tổ tiên.

Tội ác vì căm thù là ưu tiên điều tra cao nhất trong các chương trình bảo vệ nhân quyền của FBI.

2. Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna làm Đồng Tổng Thư Ký Bộ Giáo Lý Đức Tin

Giữa một mối quan tâm toàn cầu ngày càng tăng về việc đối phó với các trường hợp lạm dụng tính dục và che đậy trong Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna, người Malta, nguyên là công tố viên hàng đầu của Vatican về các trường hợp lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ, trở lại nhiệm sở cũ của mình; mặc dù vị giám mục sẽ tiếp tục lãnh đạo Giáo hội ở Malta.

Với quyết định bổ nhiệm ngài làm Đồng Tổng Thư Ký, Đức Tổng Giám Mục Scicluna sẽ là nhân vật quan trọng thứ ba trong Bộ Giáo Lý Đức Tin. Quyết định trên đã được công bố hôm thứ Ba 13 tháng 11, một năm sau khi ngài lãnh trách nhiệm điều tra những cáo buộc lạm dụng tính dục tại Chí Lợi.

Giữa những trách nhiệm khác, Bộ Giáo Lý Đức Tin có trách nhiệm thụ lý các cáo buộc lạm dụng chống lại các giáo sĩ, và Đức Cha Scicluna cũng là chủ tịch của phân bộ này.

Đức Tổng Giám Mục Scicluna đã từng là một thành viên toàn thời gian của Bộ Giáo Lý Đức Tin cho đến năm 2014, khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm ngài về coi sóc Malta.

Trước đây, tại Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Cha Scicluna đã làm việc dưới quyền Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, và cả hai vị là những người đã tuyên án ngàn của các linh mục lạm dụng tính dục, trong đó có Cha Marcial Maciel Degollado, người Mễ Tây Cơ, là sáng lập viên Dòng Đạo Binh Chúa Kitô.

Theo kết quả của hai cuộc điều tra trong năm nay bởi Đức Cha Scicluna, và Đức Ông Jordi Bertomeu, người Tây Ban Nha, một viên chức của Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thừa nhận ngài đã sai lầm trong đánh giá tình hình ở Chí Lợi. Đức Thánh Cha đã xin lỗi những nạn nhân bị lạm dụng tính dục và triệu tập các Giám Mục Chí Lợi đến Rôma. Các Giám Mục Chí Lợi đã từ chức đồng loạt sau cuộc họp đó.

Đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của 7 trong số 34 giám mục Chí Lợi đang tại chức, và dự kiến sẽ chấp nhận đơn từ chức của một vài vị nữa, trong đó có Đức Hồng Y Ricardo Ezzati, Tổng Giám Mục Santiago và một trong tám giám mục đã bị văn phòng công tố viên địa phương triệu tập để trả lời cho các cáo buộc che đậy.

Đức Tổng Giám Mục Scicluna sẽ thay thế Đức Tổng Giám Mục Joseph Di Noia, người Mỹ, nghỉ hưu vì lý do tuổi tác.

3. Các Giám Mục Ý bỏ phiếu sửa lại bản dịch Kinh Lạy Cha

Các Giám Mục Ý đã thông qua một bản dịch mới những lời cầu nguyện trong thánh lễ, bao gồm những sửa đổi trong Kinh Vinh Danh và Kinh Lạy Cha. Các ngài cũng thông qua quyết định hình thành một văn phòng quốc gia dành riêng cho việc giúp các giáo phận trong việc bảo vệ trẻ vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương.

Phiên họp khoáng đại của Hội Đồng Giám Mục Ý đã diễn ra từ 12 đến 15 tháng 11 tại phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới của Vatican. Các Giám Mục Ý đã phê chuẩn bản dịch của ấn bản thứ ba sách lễ Rôma, là sách lễ được sử dụng trong các Thánh Lễ, trong đó bao gồm những thay đổi đối với văn bản của Kinh Lạy Cha và Kinh Vinh Danh.

Bản dịch cũ của Kinh Lạy Cha kết thúc với lời cầu “non ci indurre in tentazione” (“xin đừng dẫn đưa chúng con vào chước cám dỗ”) nay được đổi lại “non abbandonarci alla tentazione” (“xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”)

Năm 2002, các Giám Mục Ý đã phê chuẩn cách dịch “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” khi các ngài phê duyệt bản dịch Kinh Thánh được đọc trong Phụng Vụ.

Bản dịch cũ của Kinh Vinh Danh bắt đầu với câu “Gloria a Dio nell'alto dei cieli e pace in terra agli uomini di buona volontà.” (“Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm”) , được sửa thành “Gloria a Dio nell'alto dei cieli e pace in terra agli uomini amati dal Signore.” (“Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người Chúa thương”).

Bản dịch mới sang tiếng Ý của sách lễ Rôma còn phải được Vatican chấp thuận.

Các giám mục cũng đã phê duyệt hai đề xuất được thực hiện bởi ủy ban bảo vệ trẻ vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương.

Đề xuất thứ nhất là hình thành tại Hội Đồng Giám Mục Ý một văn phòng “dịch vụ quốc gia” dành riêng cho việc bảo vệ. Văn phòng sẽ có các đạo luật, tiêu chuẩn và ban thư ký thường trực là anh chị em giáo dân, các linh mục, tu sĩ và các chuyên gia nhằm giúp các giám mục trên toàn quốc.

Đề xuất thứ hai là chọn từ mỗi giáo phận một hay nhiều đại diện tham dự các khóa học được tổ chức ở các miền với sự giúp đỡ của Trung Tâm Bảo Vệ Trẻ Em của Đại Học Giáo Hoàng Grêgôriô.

4. Linh mục Ý chỉ trích Đức Giáo Hoàng bị vạ tuyệt thông

Ngày 13 tháng 11, 2018, Tổng Giáo Phận Palermo, Sicily, đã công bố một sắc lệnh chính thức ra vạ tuyệt thông “latae sententiae” (tiền kết) đối với một linh mục người Ý về tội lạc giáo và ly giáo.

Dưới đây, là thông báo về sắc lệnh ra vạ tuyệt thông đối với linh mục Alessandro Maria Minutella, được Tổng Giáo Phận Palermo công bố. Bản gốc bằng tiếng Ý có thể được tìm thấy trên trang web của Tổng Giáo Phận Palermo.

Vào ngày 13 tháng 11 năm 2018, Cha Alessandro Maria Minutella đã được thông báo về sắc lệnh số Prot. 046/18 do Đức Tổng Giám Mục Corrado Lorefice ký ngày 15 tháng 8 năm 2018 liên quan đến vạ tuyệt thông tiền kết đối với linh mục này về tội lạc giáo và ly giáo, theo quy định của giáo luật số 1364 triệt 1 bộ Giáo Luật, cùng với tất cả các hậu quả phát sinh từ vạ này.

Chưởng ấn Tòa Tổng Giám Mục

Cha Vincenzo Talluto

5. Vạ tuyệt thông là gì?

Vạ tuyệt thông (hay dứt phép thông công, rút phép thông công) là một hình phạt của Giáo hội dành cho những giáo sĩ và giáo dân phạm trọng tội. Khi một người bị tuyên án vạ tuyệt thông thì về bản chất, người ấy bị tách rời ra khỏi sự “hiệp thông” với những tín hữu khác trong Giáo hội, về hình thức là bị khai trừ khỏi Giáo hội. Tuy nhiên, vạ tuyệt thông không phải là Thiên Luật (luật của Chúa) mà là Nhân Luật (giáo luật của Giáo hội), nên vạ tuyệt thông không ảnh hưởng đến mối liên hệ riêng rẽ giữa cá nhân người bị vạ với Thiên Chúa.

Người Công Giáo bị vạ tuyệt thông vẫn còn là người Công Giáo và họ vẫn bị ràng buộc bởi nghĩa vụ tham dự Thánh Lễ, mặc dù họ bị tước quyền lãnh nhận Bí tích Thánh Thể và không được tham gia vào các việc thừa tác phụng vụ; người bị vạ tuyệt thông nếu là giáo sĩ thì còn bị tước mọi chức vụ trong Giáo hội. Mặc dù vậy, họ được khuyến khích duy trì một mối quan hệ với Giáo hội, mục đích là để khuyến khích họ ăn năn và quay trở lại tham gia tích cực trong Giáo hội.

Giáo luật khoản 1331 quy định người mắc vạ tuyệt thông bị cấm không được tham phần bằng bất cứ cách nào như thừa tác viên vào việc cử hành Hy Tế Thánh Thể, hay vào các lễ nghi phụng tự nào khác; không được cử hành các bí tích hay á bí tích, và lãnh nhận các bí tích; không được hành sử chức vụ, tác vụ, hay bất cứ nhiệm vụ nào, hay thi hành các hành vi cai trị.

Ngoài ra, còn có thể có các hậu quả tiếp theo sau khi một sắc lệnh về vạ tuyệt thông được chính thức công bố.

Vạ tuyệt thông tiền kết được ấn định cho một số tội. Ngay sau khi phạm, đương sự lập tức bị vạ, không cần Giáo hội phải ra công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn bảy loại vi phạm bị vạ tuyệt thông tiền kết. Đặc biệt người phá thai, hay trợ giúp phá thai bị vạ tuyệt thông tức khắc ngay khi việc phá thai có kết quả.

6. Lý do Cha Alessandro Maria Minutella bị vạ tuyệt thông

Cha Alessandro Maria Minutella năm nay 45 tuổi nguyên là cha sở nhà thờ San Giovanni Bosco, tại quận Romagnolo, một quận ngoại ô thành phố Palermo. Ngài thường lên tiếng chỉ trích Đức Thánh Cha Phanxicô và đi xa đến mức gọi Đức Giáo Hoàng là “tiên tri giả”. Tháng Ba, 2016 ngài thực hiện một video thu hình ngay tại tòa giảng trong đó ngài lên tiếng kêu gọi Đức Thánh Cha rút lại Tông Huấn Amoris Laetitia mà ngài cho là gây ra những ngộ nhận và sai lầm trong Giáo Hội Công Giáo. Sau đó, ngài còn kêu gọi một hội nghị gọi là “Công Giáo phản kháng” để chống lại Tông Huấn Amoris Laetitia.

Đức Tổng Giám Mục Corrado Lorefice của Palermo cách chức cha sở San Giovanni Bosco của ngài và đe dọa treo chén nếu ngài không từ bỏ ý định mở hội nghị “Công Giáo phản kháng”. Cha Minutella vâng lời và hủy bỏ hội nghị này.

Tuy nhiên, cha tiếp tục điều hành Radio Domina Nostra (Radio Đức Mẹ), viết sách, quy tụ anh chị em giáo dân trong các thánh lễ rất đông người, và tiếp tục chỉ trích Đức Giáo Hoàng.

7. Hà Lan triệu hồi nhân viên sứ quán tại Pakistan về nước sau khi bị Hồi Giáo cực đoan đe dọa

Hà Lan đã triệu hồi các nhân viên làm việc tại đại sứ quán ở Pakistan về nước sau các mối đe dọa vì nước này đã cho luật sư bào chữa cho Asia Bibi được quyền tị nạn. Ngoại trưởng Hà Lan cho biết như trên hôm thứ Hai 12/11.

Những người Hồi giáo cực đoan ở Pakistan đã tổ chức các cuộc biểu tình làm tê liệt sinh hoạt tại nhiều thành phố của quốc gia này sau khi Tòa án tối cao Pakistan tuyên bố tha bổng cho Asia Bibi hôm 31 tháng 10. Asia Bibi, 50 tuổi, đã bị kết án tử hình vào năm 2010 và đã bị giam trong tám năm qua.

Ngoại trưởng Stef Blok nói với đài phát thanh quốc gia rằng “đã có các mối đe dọa nhắm vào Hà Lan, và các nhà ngoại giao Hà Lan. Tôi đã thảo luận vấn đề này với các đối tác Pakistan và quyết định rút hết nhân viên sứ quán về nước.”

Đại sứ quán đã đóng cửa vào ngày thứ Hai và “một số lượng lớn các nhân viên” đã trở về đến Hà Lan, ngoại trưởng Blok nói.

Luật sư của Bibi, là ông Saiful Mulook, đã được các nhân viên Liên Hiệp Quốc đưa lên máy bay trốn sang Hà Lan vì lo sợ bị giết trước cơn cuồng loạn của người Hồi Giáo. Chính phủ Hà Lan hôm thứ Năm tuần trước đã công bố quyết định cho Mulook được hưởng quyền tị nạn tại quốc gia này.

Một ngày sau đó, hôm thứ Sáu, chính phủ Hà Lan cho biết đại sứ quán ở Pakistan, đã tạm thời ngừng cấp thị thực “vì những hoàn cảnh ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi”.

8. Pakistan muốn trao đổi Asia Bibi với nữ sát thủ Aafia Siddiqui

Trong cuộc họp báo tại Islamabad, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Pakistan Mohammad Faisal cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Canada, bà Chrystia Freeland đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Shah Mehmood Qureshi về triển vọng cho cô Asia Bibi và gia đình được sang Canada sinh sống.

Bà Chrystia Freeland đã lên tiếng ca ngợi quyết định can đảm của Tòa án tối cao và bài phát biểu tích cực của Thủ tướng Imran Khan, và bày tỏ mong muốn phía Pakistan cho cô Asia Bibi và gia đình được xuất cảng sang Canada.

Đáp lại, Ngoại trưởng Qureshi nói rằng Asia Bibi là công dân Pakistan và chính phủ quốc gia này hoàn toàn tôn trọng quyền lợi hợp pháp của cô.

Việc xác nhận các cuộc đàm phán giữa hai chính phủ về vấn đề này được đưa ra sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói hôm thứ Hai 12/11 rằng chính phủ của ông đang đàm phán với Pakistan về khả năng cung cấp nơi tị nạn cho Asia Bibi.

“Chúng tôi đang thảo luận với chính phủ Pakistan,” Trudeau nói trong một cuộc phỏng vấn với thông tấn xã AFP ở Paris, nơi ông đang tham dự một hội nghị hòa bình do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức.

“Vì bối cảnh tế nhị tại quốc gia này nên tôi không muốn nói thêm về chi tiết, nhưng tôi chỉ muốn nhắc nhở mọi người rằng Canada là một đất nước chào đón”, ông nói.

Radio Pakistan cho biết sau cuộc trò chuyện này, Ngoại trưởng Qureshi đã tiếp xúc với gia đình nữ sát thủ Aafia Siddiqui tại Islamabad và thông báo cho họ về nỗ lực của chính phủ Pakistan nhằm đưa Aafia Siddiqui ra khỏi một nhà tù tại Hoa Kỳ.

Có thể Pakistan thực sự đang nuôi giấc mộng đẹp là đưa được Aafia Siddiqui ra khỏi nhà tù Carswell ở Fort Worth, Texas nơi cô ta đang thụ án tù 86 năm.

Tuy nhiên, cũng có thể là chính phủ Pakistan chỉ muốn tìm cách ve vãn các thành phần Hồi Giáo cực đoan của quốc gia này nhằm cho Asia Bibi được xuất cảnh dưới áp lực của dư luận quốc tế. Thật thế, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã hai lần đòi trao đổi Aafia Siddiqui với hai tù binh Mỹ là anh James Foley và cô Kayla Mueller; nhưng cả hai lần chính phủ Mỹ đều từ chối.

9. Aafia Siddiqui là ai?

Aafia Siddiqui /ɑːfiə sɪdiːki/ sinh ngày 2 tháng 3 năm 1972 trong một gia đình Hồi giáo giàu có và rất cực đoan tại Islamabad. Từ năm 1990, cô theo học ngành thần kinh học tại Đại học Brandeis, Hoa Kỳ và năm 2001 giành được bằng tiến sĩ về thần kinh học tại đây.

Ngay sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, 2001, cô trở về thăm Pakistan. Cô trở về nước một lần nữa vào năm 2003 khi cuộc chiến ở Afghanistan đang ở thời cao độ.

Ngày 1 tháng Ba, 2003, tên Khalid Sheikh Muhammad, kẻ bị tình báo Hoa Kỳ cáo buộc là “kiến trúc sư” vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 của al-Qaeda bị bắt tại thành phố Rawalpindi. Tên này khai với FBI và CIA rằng Aafia Siddiqui là người cung cấp tiền bạc quyên góp tại Hoa Kỳ và các phương tiện kỹ thuật cho bọn khủng bố al-Qaeda. Lệnh lùng bắt được đưa ra, nhưng lúc đó Aafia Siddiqui đã dẫn 3 đứa con bỏ trốn về Pakistan.

Tháng 5, 2004, FBI đưa Siddiqui vào danh sách 7 tên khủng bố và trao giải thưởng cho bất cứ ai cung cấp tin tức dẫn đến việc bắt giữ hay giết chết Siddiqui.

Tháng 7, 2008 trong khi đang hoạt động tại Ghazni, Afghanistan, cô bị cảnh sát Afghanistan bắt giữ và bị các nhân viên tình báo Hoa Kỳ thẩm vấn.

Trong khi bị giam giữ, Siddiqui nói với các nhân viên tình báo rằng cô ta đã bị khủng bố Taliban bắt cóc và cầm tù. Tuy nhiên, người ta tìm thấy trên người cô các tài liệu chế tạo bom và một số lượng đáng kể sodium cyanide (NaCN).

Trong ngày thứ hai của cuộc phỏng vấn, Siddiqui bất ngờ chụp khẩu súng của người thẩm vấn và bắn một nhân viên FBI vừa đến từ Hoa Kỳ và một quân nhân Mỹ. Người quân nhân này bắn cô bị thương.

Sau khi được điều trị; cô được về Mỹ. Ngày 3 tháng 2 năm 2010 cô bị kết án 86 năm tù. Hiện nữ sát thủ này tại đang thụ án tại Trung Tâm Y Khoa Liên Bang Carswell ở Fort Worth, Texas. Đây là một nhà tù dành để chăm sóc y tế cho các tù nhân nữ bệnh nặng hoặc mắc bệnh tâm thần. Siddiqui bị nhốt trong khu biệt giam được canh gác rất nghiêm nhặt.

10. Lord Alton: Chính phủ Anh nên đình chỉ các khoản viện trợ cho Pakistan để gây áp lực trong vụ Asia Bibi

Chính phủ Anh nên đình chỉ các khoản viện trợ dành cho Pakistan cho đến khi Asia Bibi được phép xuất cảnh.

Lord David Alton, dân biểu đảng Dân Chủ Tự Do thuộc đơn vị Liverpool, cho rằng chính quyền Anh nên sử dụng kinh phí - tổng cộng lên đến 463 triệu bảng Anh - làm đòn bẩy giúp Asia Bibi có thể xuất cảnh tị nạn an toàn ở một quốc gia khác.

Lord Alton, một người Công Giáo, nói tại Quốc Hội Anh rằng “thất bại của chính phủ” không dám “nói hay hành động [thay mặt cho cô Bibi] là rất hèn nhát và đáng xấu hổ”.

Trước đó, Bộ Trưởng Nội Vụ Anh Sajid Javid, một người Hồi Giáo gốc Pakistan, viện dẫn các lý do lo sợ bị tấn công khủng bố đã khuyên chính phủ không nên cho Asia Bibi và gia đình được tị nạn tại Anh. Tuyên bố này của Sajid Javid đã bị lên án từ nhiều phía.

Tuy nhiên, thủ tướng Anh có vẻ xuôi theo chiều hướng này. Hôm thứ Tư 14/11, bà Theresa May nói rằng Vương quốc Anh đã “tiếp xúc gần gũi” với các nước khác để bảo đảm an toàn cho Asia Bibi và gia đình.

Lord Alton nói thêm: “Nước Anh cần làm hai việc. Đầu tiên, hãy cho cô ấy tị nạn ở đây. Thứ hai là, cho đến khi Pakistan tái lập sự cai trị bằng pháp luật và bảo vệ những sắc dân và các tôn giáo thiểu số, chúng ta nên chuyển hướng số tiền viện trợ lên đến 2.8 tỷ Anh trong hai thập kỷ qua – cho một quốc gia xứng đáng hơn.”

Asia Bibi đã được trả tự do và đưa ra khỏi nhà tù phụ nữ ở Multan và được đưa về một địa điểm bí mật tại thủ đô Islamabad của Pakistan.

Những kẻ Hồi Giáo cực đoan vẫn tiếp tục các cuộc biểu tình đòi treo cổ cô ngay lập tức.

11. Đoàn di dân Trung Mỹ đã đến thành phố Guadalajara tại Mễ Tây Cơ

Hơn hai ngàn người di dân từ Trung Mỹ đã đến thành phố lớn thứ hai của Mễ Tây Cơ là Guadalajara ở về phía Tây sau một tháng cuốc bộ. Họ vẫn còn một chặng đường dài mới có thể tới được biên giới Hoa Kỳ. .

Một số tài xế xe tải công tư đã giúp đoàn di dân này cho hay những người di dân này rất mệt mỏi và điểm đến tiếp theo của họ là thành phố Guadalajara. Khi họ đến nơi các nhà chức trách sẽ đưa họ về hội trường Benito Juarez, nơi đó họ được ăn uống, chăm sóc y tế, cung cấp chăn màn và truy cập vào internet, để họ có thể liên lạc với gia đình của họ. Cho đến nay, có 2,697 người di dân đã nộp đơn xin di dân tại Mễ Tây Cơ, mục đích là phòng ngừa một khi khi bị từ chối vào Hoa kỳ thì ít nhất họ có thể sinh sống tại Mễ Tây Cơ.

Đoàn di dân này đã phát xuất từ Honduras vào ngày 13 tháng 10. Một tháng qua họ dong duổi trên hành trình đường dài gần 2,000 km. Bây giờ mục tiêu của họ là đi tiếp con đường Thái Bình Dương đến Tijuana, giáp ranh giới San Diego của Hoa Kỳ. Đoạn hành trình này dài 2,500km nữa. Vấn nạn chính của cuộc hành trình di dân đường bộ này vận chuyển. Cho đến nay, các nhà chức trách Mễ Tây Cơ, không màng tới những lời cảnh báo của Hoa Kỳ, vẫn cung cấp các chuyến xe buýt cho những người di dân.

12. Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ thăm Marốc vào tháng 3 năm 2019

Thông cáo báo chí của Tòa Thánh loan báo vua Mohammed VI và Hội Đồng Giám Mục Marốc đã mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô viếng thăm quốc gia này nơi mà 99% dân chúng theo Hồi Giáo phái Sunni.

Theo dự trù, Đức Giáo Hoàng sẽ thăm Maroc từ ngày 30 đến 31 tháng Ba năm 2019. Ngài sẽ thăm các thành phố Rabat và Casablanca.

Chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn ra 34 năm sau chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 19 tháng 8 năm 1985.

Năm 1985 là năm đầu tiên trong lịch sử một Đức Giáo Hoàng phát biểu trước những người trẻ Hồi Giáo. Thời đó, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gặp gỡ các bạn trẻ tại sân vận động Casablanca. Cả sân vận động chật ních người trẻ. Tất cả họ đều mặc áo trắng giống như Vua Hassan II để bày tỏ tinh thần đón tiếp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II một cách nồng nhiệt.

Những người trẻ đã lắng nghe lời Đức Giáo Hoàng Ba Lan nói về niềm tin của hai tôn giáo có chung một Thiên Chúa. Ngài nói: “Các người Kitô giáo và Hồi giáo đã biết nhau, và đôi khi, trong quá khứ, hai bên đã chống đối và thậm chí còn dốc toàn lực tiêu diệt lẫn nhau trong các cuộc chiến tranh. Tôi tin rằng, ngày nay, Thiên Chúa mời gọi chúng ta thay đổi. Chúng ta phải tôn trọng lẫn nhau, phải khuyến khích nhau trong những công việc tốt trên con đường của Thiên Chúa.”

Đức Thánh Cha cũng nói về quyền con người có nền tảng từ Thiên Chúa bất kể giới tính: “họ phải được thừa nhận và phải được kính trọng như nhau”

13. Tổng thống Do Thái cám ơn Đức Thánh Cha về lập trường chống chủ nghĩa bài Do Thái

Tổng thống Reuven Rivlin đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong điện Tông Tòa của Vatican vào sáng thứ Năm 15 tháng 11. Thay mặt cho Israel và thế giới Do Thái, ông bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Cha về lập trường chống chủ nghĩa bài Do Thái.

Tổng thống nói: “Sự kết án tuyệt đối của ngài đối với các hành vi bài Do Thái và định nghĩa của ngài về những hành động đó như những gì không phù hợp với các Kitô hữu là một bước quan trọng trong cuộc chiến đấu vẫn đang tiếp diễn nhằm quét sạch chủ nghĩa bài Do Thái”.

Tổng thống cũng đề cập đến những tranh cãi chung quanh việc thành phố Giêrusalem áp đặt các loại thuế lên tài sản của các Giáo Hội tại thành thánh này.

Ông khẳng định với Đức Thánh Cha: “Nhà nước Israel hoàn toàn tôn trọng tự do thờ phượng của mọi tôn giáo ở mọi nơi thánh”.

Tháng Hai vừa qua, chính quyền thành phố Giêrusalem đã công bố ý định bắt đầu thu thuế trên các tài sản không phải là nhà cầu nguyện. 887 tài sản của các Giáo Hội tại Giêrusalem phải đóng hàng năm một con số lên đến 650 triệu tiền Do Thái, tương đương 175 triệu Mỹ Kim. Số tiền khổng lồ này đủ làm sạt nghiệp các Giáo Hội Kitô trong điều kiện khách hành hương không có bao nhiêu do tình hình an ninh bất ổn trong khu vực.

Các Giáo Hội Kitô đã đóng cửa Nhà thờ Thánh Mộ để gây áp lực ngăn chặn loại thuế này.

14. Đức Hồng Y Francisco Javier Errazuriz của Chí Lợi không còn là thành viên trong Hội Đồng Các Hồng Y Cố Vấn

Hôm thứ Tư 14 tháng 11, một vị Hồng Y Chí Lợi hiện đang là trung tâm bị tấn công trong cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ tại quốc gia này cho biết ngài không còn là thành viên của Hội Đồng 9 vị Hồng Y Cố Vấn, thường được gọi là C9.

Nói chuyện với Radio Cooperativa , Đức Hồng Y Francisco Javier Errazuriz nói rằng ngài đã không còn là thành viên C9 nữa, không phải vì ngài từ chức nhưng đơn giản là vì nhiệm kỳ 5 năm của ngài đã đến lúc kết thúc. Vị Hồng Y 85 tuổi nói ngài dự định sang Rôma để nói lời tạm biệt với Đức Giáo Hoàng và “cảm ơn ngài vì đã tin tưởng giao phó công việc này cho tôi.”

C9 là một nhóm các vị Hồng Y được Đức Thánh Cha Phanxicô hình thành vào đầu triều giáo hoàng của ngài để cải cách việc quản trị Giáo Hội, cụ thể là cải cách giáo triều Rôma. Đức Hồng Y Errazuriz đã mời vào Hội Đồng này khi ngài đã 80 tuổi và đã về hưu.

Cũng trong ngày thứ Tư, văn phòng Công tố của Chí Lợi cho biết Đức Hồng Y Errazuriz sẽ phải ra tòa để trả lời cho cáo buộc theo đó ngài đã bao che cho linh mục Jorge Laplagne, là người đã bị buộc tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.

15. Thảm sát kinh hoàng tại Cộng Hòa Trung Phi: 42 người bị thiêu sống, Tòa Giám Mục bị cướp phá, cha Tổng đại diện bị giết

Cha Mathieu Bondobo, Tổng đại diện của tổng giáo phận thủ đô Bangui của Cộng Hòa Trung Phi cho biết Tòa Giám Mục Alindao bị cướp phá và nhà thờ chánh tòa bị đốt cháy. Ít nhất 42 người chết trong cuộc tấn công của người Hồi giáo bắt đầu từ hôm thứ Năm 15/11 và kéo dài sang đến ngày thứ Sáu.

Cha Marcellin Kpeou, một linh mục người Cộng Hòa Trung Phi, đã từng sống tại Rôma trong 20 năm, hiện đang làm mục vụ tại Alindao cho Vatican News biết quân du kích Hồi Giáo trong cái gọi là Union for Peace in CAR (Liên minh vì hòa bình của Trung phi – gọi tắt là UPC) đã mở cuộc tấn công vào hôm thứ Năm. Chúng cướp phá Tòa Giám Mục Alindao và giết chết cha Tổng đại diện của giáo phận này. Đức Cha Cyr-Nestor Yapaupa, Giám Mục Alindao được tin là không có mặt tại Tòa Giám Mục khi xảy ra vụ tấn công.

Sau đó, chúng quay sang tấn công một trại tị nạn nằm đối diện với Tòa Giám Mục. Chúng thiêu sống các nạn nhân trong các lều bạt của họ. Nhà thờ chánh tòa Thánh Tâm của giáo phận cũng bị đốt cháy.

Ít nhất 42 người bị thiêu sống và một linh mục bị bọn UPC bắt đi mất.

UPC được các quan sát viên xem là một biến thể của quân Hồi Giáo Séneka.

Tòa Giám Mục Alindao thuộc về thành phố Alicia trên trục giao thông chiến lược Nam Bắc, là một điểm nóng trong cuộc nội chiến hiện nay tại Cộng Hòa Trung Phi.

Ước lượng khoảng 20,000 đã bỏ chạy tán loạn sau vụ tấn công hôm thứ Sáu.

Vladimir Monteiro, người phát ngôn cho quân gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, nói với AFP “Nhiều người đã chạy trốn vào các bụi rậm trong rừng. Họ sẽ gặp những khó khăn về lương thực và những nguy hiểm về an ninh vì giờ đây không ai bảo vệ cho họ”.

Giáo phận Alindao được thành lập từ năm 2004, tách ra từ giáo phận Bangassou. Tổng dân số là 162,000 dân trong đó có 39,200 tín hữu Công Giáo chiếm tỷ lệ 24% dân số.