Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Giáo Hội phát triển “trong sự đơn sơ, trong lặng lẽ, trong lời chúc tụng Chúa, trong hy tế Thánh Thể, trong cộng đồng huynh đệ, nơi mọi người đều được yêu thương,” và không ai bị từ chối. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 15 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta. Bình luận về bài Tin Mừng trong ngày (Lc 17:20-25), Đức Thánh Cha nói rằng Nước Trời “không ngoạn mục”, nhưng phát triển trong lặng lẽ.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Giáo hội của Chúa Kitô, được thể hiện “nơi Thánh Thể và các việc lành phúc đức,” ngay cả khi những điều ấy “không phải là đầu đề tin tức.” Hiền thê của Chúa Kitô chuộng sự yên lặng; Giáo Hội sinh hoa kết quả mà không thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng, không kèn không trống nghinh ngang như người Pharisêu.
Chúa giải thích với chúng ta cách thức Giáo Hội phát triển trong dụ ngôn người gieo giống. Người gieo giống gieo hạt xuống đất và hạt giống lớn lên đêm ngày. Thiên Chúa làm cho nó lớn lên. Và những hoa trái sẽ được nhìn thấy tỏ tường. Nhưng điều quan trọng là: Thứ nhất Giáo Hội tăng trưởng trong lặng lẽ và kín đáo; Đó là phong cách của Giáo Hội. Thứ hai là sự tăng trưởng ấy được thể hiện thế nào trong Giáo Hội? Thưa, qua những hoa trái của những việc lành phúc đức để thiên hạ thấy và tôn vinh Chúa Cha, Đấng ngự trên trời, như Chúa Giêsu nói. Giáo Hội cũng thể hiện điều ấy trong việc cử hành, trong lời ngợi ca và hy tế của Chúa – nghĩa là trong Bí Tích Thánh Thể. Giáo Hội được thể hiện chính nơi Thánh Thể và trong các việc lành phúc đức.
“Giáo Hội phát triển nhờ các chứng tá, nhờ những lời cầu nguyện, nhờ sự thu hút của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động bên trong, chứ không phải nhờ các sự kiện.” Những sự kiện chắc chắn là hữu ích, nhưng sự tăng trưởng đích thực nơi Giáo Hội, sự tăng trưởng sinh hoa kết quả, là sự tăng trưởng trong lặng lẽ, kín đáo, qua những công việc lành và việc cử hành Hy Lễ Vượt Qua của Đức Kitô, và trong lời chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa.
Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng sa vào cám dỗ quyến rũ người ta. “Chúng ta mong muốn Giáo Hội được rạnh danh trong thiên hạ nhiều hơn, và chúng ta tự hỏi chúng ta có thể làm gì để Giáo Hội được vang danh nhiều hơn nữa? Và thường ta lại rơi vào một Giáo Hội của những sự kiện nghĩa là một Giáo Hội không có khả năng tăng trưởng trong lặng lẽ qua những việc lành phúc đức một cách kín đáo.
Đức Thánh Cha củng đưa ra lời nhắc nhở rằng:
Chúng ta đang sống trong một thế giới quá thường chiều theo cám dỗ muốn phô trương, chạy theo tinh thần thế gian, ưa chuộng vẻ bên ngoài. Đức Thánh Cha nhắc nhớ rằng ma quỷ cũng đã từng cám dỗ Chúa Giêsu phô trương quyền năng Ngài: “Sao lại phải mất nhiều thời gian để hoàn tất công trình cứu chuộc như thế? Hãy làm một phép lạ ngoạn mục xem nào. Ông hãy nhảy xuống từ nóc đền thờ này và mọi người sẽ xem thấy, sẽ chứng kiến tận mắt và sẽ tin ông.” Nhưng Ngài đã chọn con đường rao giảng, cầu nguyện, thi hành các việc lành, con đường thập giá và khổ đau.
Để kết luận, Đức Thánh Cha nói: “Giáo Hội lớn lên cùng với máu của các vị tử đạo, là những người nam và những người nữ trao ban cuộc sống mình. Ngày nay, có quá nhiều [những vị tử đạo]. Điều lạ lùng là: những điều này không phải là đầu đề của tin tức. Thế gian che giấu sự kiện này. Tinh thần thế gian không chấp nhận phúc tử đạo, nó bưng bít đi.”
2. Phép lạ Thánh Thể ngoạn mục tại Chirattakonam, Ấn Độ
Trong số các phép lạ Thánh Thể đã được Giáo Hội công nhận là chân thật, phép lạ Thánh Thể tại Chirattakonam thuộc tỉnh Trivandrum, ở cực Nam Ấn Độ về phía Tây của quốc gia này là phép lạ mới xảy ra nhất, ngay trong thế kỷ thứ 21 của chúng ta.
Phép lạ Thánh Thể này xảy ra vào ngày 5 tháng 5 năm 2001. Trong chiếc Mình Thánh Chúa lớn đã được thánh hiến và được đặt trong Mặt Nhật để các tín hữu kính viếng, đã xuất hiện khuôn mặt Chúa Kitô đầu đội mão gai.
Trong cuộc điều tra của tổng giáo phận Trivandrum, cha Johnson Karoor, là cha sở của nhà thờ nơi phép lạ Thánh Thể xảy ra, cho biết như sau:
Ngày 28 tháng 4 năm 2001, tại nhà thờ giáo xứ Đức Maria ở Chirattakonam, chúng tôi bắt đầu tuần Cửu Nhật Kính Thánh Giuđa Tađêô, như chúng tôi vẫn làm mỗi năm để cầu nguyện cho những người trong trường hợp tuyệt vọng và trong các hoàn cảnh nguy nan.
Vào lúc 8:49 sáng, sau khi đã dâng Thánh Lễ, tôi đặt Mình Thánh Chúa vào trong Mặt Nhật để tôn thờ trong buổi Chầu Thánh Thể.
Sau đó vài phút, tôi chú ý đến một hiện tượng lạ lùng là có 3 chấm đỏ xuất hiện trên Mình Thánh Chúa được đặt trong Mặt Nhật. Quá kinh ngạc, tôi ngưng cầu nguyện và tiến lên gần Mặt Nhật để nhìn rõ hơn. Tôi cũng mời anh chị em giáo dân cùng tiến lên trên bàn thờ để xem có phải họ cũng thấy như tôi không. Ai cũng thấy như thế. Sau đó, chúng tôi tiếp tục cầu nguyện một cách sốt sắng hơn nữa. Khi hết giờ Chầu Thánh Thể, tôi đã đặt Mình Thánh Chúa trở lại trong nhà tạm.
Ngày 30 tháng Tư, tôi cử hành thánh lễ trước khi lên thành phố Trivandrum để tham dự mấy ngày tĩnh tâm dành cho các linh mục. Tôi vẫn thấy có ba chấm đỏ trên Mình Thánh Chúa.
Sau khi dự khóa tĩnh tâm, sáng ngày 5 tháng 5, 2001, tôi trở lại cử hành thánh lễ tại Chirattakonam.
Khi tôi mở nhà tạm, tôi lập tức chú ý đến một hình ảnh như khuôn mặt người trên Mình Thánh Chúa. Tôi cẩn thận hỏi cậu bé giúp lễ xem cậu thấy gì trên Mình Thánh Chúa.
Cậu bé trả lời: “Con thấy hình dáng của một khuôn mặt người.”
Thấy sự bối rối của chúng tôi, anh chị em tín hữu cũng nhìn chằm chằm vào chiếc Mình Thánh Chúa. Tôi giơ cao cho mọi người nhìn và nhiều người bắt đầu khóc.
Thánh lễ chưa kết thúc nhưng tôi đã đặt Mình Thánh Chúa vào trong Mặt Nhật để mọi người tôn thờ. Hình người trên Mình Thánh Chúa càng lúc càng rõ hơn.
Tôi không có can đảm để nói bất cứ điều gì, và tôi bắt đầu khóc.
Trong thời gian Chầu Thánh Thể, chúng tôi có thói quen đọc một đoạn văn từ Thánh Kinh. Đoạn văn được chọn ngẫu nhiên ngày hôm đó là đoạn trong Chương 20 của Tin Mừng Thánh Gioan, khi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra cùng các Thánh Tông Đồ và bảo Thánh Tôma xỏ tay vào những vết thương của Ngài.
Tin về phép lạ Thánh Thể được loan truyền nhanh chóng đến mức một nhiếp ảnh gia tức tốc chạy đến nơi chụp ảnh Thánh Thể với khuôn mặt người bên trong. Các bức ảnh sau khi được in ra cho thấy khuôn mặt xuất hiện rất rõ ràng như ta vẫn thường thấy trong cảnh thương khó.
Chiếc Mình Thánh Chúa với khuôn mặt Chúa đầu đội mão gai hiện nay vẫn còn được tôn kính tại nhà thờ giáo xứ Đức Maria ở Chirattakonam lôi cuốn mỗi năm đông đảo các khách hành hương.
Khi chính thức công nhận tính chất siêu nhiên của hiện tượng này, Đức Tổng Giám Mục Blrilness Cyril Mar Baselice của tổng giáo phận Trivandrum nhận xét rằng:
“Đối với các tín hữu chúng ta, những gì chúng ta thấy là điều chúng ta vẫn luôn luôn tin tưởng. Nhưng Chúa đang nói với chúng ta qua dấu chỉ này, và điều này chắc chắn đòi hỏi nơi chúng ta những phản ứng thích hợp.”
3. Giám Mục là người đầy tớ khiêm nhường và hiền lành chứ không phải là một ông hoàng
Một tôi tớ khiêm nhường, hiền lành chứ không phải là ông hoàng. Đó là hình ảnh đúng đắn của một giám mục theo như mô tả của Đức Thánh Cha Phanxicô về phẩm chất phải có của một giám mục trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện Thánh Marta hôm thứ Hai 12/11.
Đức Thánh Cha đã đưa ra những nhận xét trên từ thư của thánh Phaolô tông đồ gửi cho Titô trong bài đọc Phụng Vụ ngày thứ Hai sau Chúa Nhật thứ 32 mùa Thường Niên, trong đó thánh nhân mô tả chi tiết về những phẩm hạnh của một giám mục nhằm mang đến trật tự trong Giáo Hội.
Đức Thánh Cha chỉ ra rằng Giáo Hội được sinh ra trong sự nhiệt thành và hỗn độn nhưng cũng có “nhiều điều tuyệt vời” đã được hoàn tất. Ngài lưu ý rằng luôn có sự nhầm lẫn và mất trật tự với sức mạnh của Thánh Thần nhưng chúng ta không cần phải sợ hãi vì đó là một dấu chỉ đẹp đẽ.
Nói bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha giải thích rằng “La Chiesa non è nata tutta ordinata”, Giáo Hội chưa bao giờ được sinh ra trong một trật tự hoàn chỉnh, mọi thứ đâu vào đó, không có vấn đề gì, không có mơ hồ nhầm lẫn nào – không bao giờ. Tuy nhiên, sự nhầm lẫn và hỗn độn này phải được giải quyết và đưa vào trật tự. Ngài đã đưa ra một ví dụ, đó là Công đồng đầu tiên tại Giêrusalem: đã có mâu thuẫn giữa những người Do Thái và không phải Do Thái nhưng Công đồng Giêrusalem cuối cùng đã sửa chữa những điều ấy.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thánh Phaolô đã để Tito ở lại Creta để ông sửa lại mọi thứ cho đúng và nhắc nhớ ông điều quan trọng nhất là đức tin. Đồng thời, thánh Phaolô cũng đưa ra những tiêu chuẩn và chỉ dẫn về chân dung của một vị giám mục.
Đức Thánh Cha tóm lược định nghĩa của một giám mục như là một “người quản lý của Thiên Chúa”, chứ không phải người quản lý của cải, quyền lực, không phải người quản lý những lợi lộc tư riêng với nhau nhưng là những lợi lộc của Thiên Chúa. Vị giám mục phải luôn phải sửa sai và tự vấn: “tôi có phải là người quản lý của Thiên Chúa hay tôi chỉ là một thương gia?”. Giám mục, là người quản lý của Thiên Chúa. Ngài phải là người không thể chê trách vào đâu được: đó chính là điều Thiên Chúa đã yêu cầu Abraham: “Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống trọn hảo.” Điều này, theo Đức Thánh Cha, là phẩm chất căn bản của một nhà lãnh đạo.
Đức Thánh Cha cũng đề cập đến những gì là không nên đối với một giám mục. Ngài không được ngạo mạn hay kiêu căng tự cao tự đại, không được nóng nảy hay chè chén say sưa, là một trong những thói xấu thường thấy trong thời thánh Phaolô, không được tham lam trục lợi hay dính bén với tiền bạc vật chất. Đức Thánh Cha cảnh cáo rằng một giám mục chỉ cần mắc vào một trong những khiếm khuyết ấy thôi cũng đủ trở thành một điều tai hại cho Giáo Hội rồi. Giám mục phải là “người hiếu khách”, một người “yêu mến sự thiện”, tế nhị, công chính, thánh thiện, tự chủ, trung thành với những Lời xứng đáng với đức tin mà ngài đã được dạy bảo”
Thật là tốt để tìm hiểu về những vấn đề trên ngay buổi đầu của việc điều tra trước khi bổ nhiệm giám mục, trước khi tìm hiểu bất cứ thứ gì khác.
Theo Đức Thánh Cha, trên hết, vị giám mục phải khiêm tốn, hiền lành, là một người phục vụ, chứ không phải ông hoàng. Đó chính là Lời Chúa, chứ không phải điều gì mới được đưa ra sau Công Đồng Vaticano II. Điều đó đã có sớm hơn rất nhiều ngay từ thời thánh Phaolô. Ngay từ đầu, Giáo Hội đã nhận thức được cần phải sửa chữa những vấn đề của các giám mục.
Điều đáng kể trước mặt Chúa, theo Đức Thánh Cha, không phải là dễ thương, giảng hay, nhưng là sự khiêm nhường và phục vụ.
Đức Thánh Cha đã kết thúc bài giảng của ngài với lời mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các vị giám mục để “các vị có thể nên, và cả chúng ta cũng phải nên, như Thánh Phaolô yêu cầu”