Chương II: Ba khía cạnh quan yếu

Các mới lạ của thế giới kỹ thuật số

Một thực tại hiện diện khắp nơi

Tài Liệu Sau Cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2018 về Giới Trẻ, Phần 1, Chương 1

21. Thế giới kỹ thuật số là đặc điểm của thế giới đương thời. Nhiều thành phần rộng lớn của nhân loại đắm chìm trong đó một cách bình thường và liên tục. Đây không chỉ là vấn đề "sử dụng" các phương tiện truyền thông, mà là sống trong một nền văn hóa phần lớn được kỹ thuật số hóa, một nền văn hóa ảnh hưởng sâu sắc đến các ý niệm thời gian và không gian, nhận thức bản thân, người khác và thế giới, cách thế truyền thông, học hỏi, tự thông tri và bước vào tương quan với người khác. Cách tiếp cận thực tại có xu hướng dành ưu tiên cho hình ảnh hơn là việc nghe và đọc có tác động đến cách học và phát triển ý thức phê phán. Từ nay, điều rõ ràng là "môi trường kỹ thuật số không phải là một thế giới song song hay ảo thuần túy, mà là một phần trong thực tại hàng ngày của nhiều người, đặc biệt là những người trẻ nhất" (Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp cho Ngày Truyền thông Xã Hội Thế giới lần thứ XLVII).

Mạng lưới cơ hội

22. Liên Mạng (internet) và các mạng lưới xã hội là những không gian nơi người trẻ sống nhiều thì giờ và gặp nhau dễ dàng, cho dù mọi người không truy cập cùng cách như nhau, đặc biệt ở một số nơi trên thế giới. Dù thế nào, chúng tạo ra một cơ hội phi thường để đối thoại, gặp gỡ và trao đổi giữa nhiều người và cung cấp sự truy cập thông tin và kiến thức. Ngoài ra, môi trường kỹ thuật số là bối cảnh của việc tham gia chính trị xã hội và quyền công dân tích cực và nó có thể tạo điều kiện cho việc lưu hành luồng thông tin độc lập có khả năng bảo vệ hữu hiệu nhất những người dễ bị tổn thương nhất bằng cách tiết lộ giữa thanh thiên bạch nhật các vi phạm quyền của họ. Ở nhiều quốc gia, liên mạng và các mạng xã hội từ nay trở đi, tượng trưng cho một nơi không thể tránh được để tiếp cận và làm cho giới trẻ tham gia, đặc biệt là vào các sáng kiến và hoạt động mục vụ.

Mặt tối của mạng lưới

23. Thế giới kỹ thuật số cũng là nơi cô đơn, thao túng, bóc lột và bạo lực, đến chỗ cực đoan là các mạng đen tối (dark web). Phương tiện truyền thông kỹ thuật số có thể dẫn người ta đến chỗ nguy cơ bị phụ thuộc, tự cô lập và dần dần mất giao tiếp với thực tại cụ thể, do đó cản trở việc phát triển các mối liên hệ liên bản ngã chân thực. Các hình thức bạo lực mới đang lan tràn qua các phương tiện truyền thông xã hội, chẳng hạn viêc kết nạp hội viên mới trên mạng (cyber bizutage); liên mạng cũng là một kênh để phân phối văn hóa khiêu dâm và khai thác con người cho các mục đích tình dục hoặc thông qua việc quanh co trong các trò chơi may rủi.

24. Cuối cùng, các quyền lợi kinh tế to lớn cũng đang hoạt động trong thế giới kỹ thuật số. Họ có thể đặt để các hình thức kiểm soát vừa tinh vi vừa xâm lấn, tạo ra các cơ chế để thao túng lương tâm và các diễn trình dân chủ. Việc vận hành của nhiều hệ điều hành (plate-formes) thường kết thúc bằng việc khuyến khích sự gặp gỡ giữa những người có suy nghĩ như nhau, ngăn chặn việc so sánh giữa các khác biệt. Những mạch khép kín này tạo điều kiện cho việc phổ biến thông tin sai lệch và tin tức sai lệch, xúi giục định kiến và thù hận. Việc phổ biến các tin tức giả nói lên một nền văn hóa đã đánh mất ý thức về sự thật và bắt các sự kiện lệ thuộc các quyền lợi riêng. Danh tiếng của người ta bị đe dọa bởi các bản tóm lược vụ kiện trên trực tuyến. Hiện tượng này cũng liên quan đến Giáo hội và các mục tử của Giáo Hội.

Các di dân như điển hình thời ta

Một hiện tượng nhiều mặt

25. Ở bình diện hoàn cầu, các hiện tượng di dân nói lên một hiện tượng có tính cơ cấu chứ không phải một trường hợp khẩn cấp có tính tạm thời. Các cuộc di dân có thể xảy ra trong một quốc gia hoặc giữa các quốc gia khác nhau. Mối quan tâm của Giáo hội đặc biệt liên quan tới những người chạy trốn chiến tranh, bạo lực, bách hại chính trị hoặc tôn giáo, các thiên tai do biến đổi khí hậu và nghèo đói cùng cực: nhiều người trong số họ là người trẻ. Nói chung, họ đang tìm kiếm cơ hội cho bản thân và gia đình. Họ mơ ước một tương lai tốt đẹp hơn và muốn tạo điều kiện để thể hiện nó.

Nhiều Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh rằng di dân là một "điển hình" (paradigme) có khả năng soi sáng thời đại chúng ta và, đặc biệt, tình thế của người trẻ; họ nhắc nhở chúng ta tình thế nguyên sơ của đức tin, tình thế "khách lạ và khách du trên trái đất" (Dt 11:13).

Bạo lực và dễ bị tổn thương

26. Các di dân khác ra đi vì họ bị thu hút bởi nền văn hóa phương Tây, đôi khi nuôi dưỡng những kỳ vọng không thực tế khiến họ thất vọng nặng nề. Những tay buôn người vô lương tâm, thường nối kết với các băng đảng ma túy và vũ khí, khai thác điểm yếu của các di dân, những người, trong suốt hành trình của họ, thường xuyên phải chịu thương tổn vì bạo lực, vì nạn buôn người, vì bị lạm dụng tâm lý và thậm chí cả thể lý nữa, và các đau khổ không kể xiết. Cần phải cảnh báo việc dễ bị tổn thương đặc biệt của các di dân không có người đi cùng và tình huống của những người bị buộc phải sống nhiều năm trong các trại tị nạn hoặc đã bị nhốt một thời gian dài tại các quốc gia quá cảnh, mà không thể tiếp tục học tập, hoặc thể hiện tài năng của họ. Ở một số quốc gia tiếp đón, các hiện tượng di dân làm phát sinh các báo nguy và nỗi sợ hãi, thường được xúi giục và khai thác cho các mục tiêu chính trị. Não trạng bài ngoại, đóng cửa và rút lui vào chính mình lúc đó sẽ khuếch tán. Chúng ta phải kiên quyết chống lại điều đó.

Các câu chuyện phân ly và gặp gỡ

27. Người di dân trẻ sống cách ly với môi trường gốc của họ và thường trải nghiệm việc mất gốc về văn hóa và tôn giáo. Sự phân cách này cũng ảnh hưởng đến các cộng đồng địa phương, những cộng đồng đang mất đi các thành phần mạnh mẽ và năng nổ nhất của họ, và các gia đình, đặc biệt khi một trong hai cha mẹ di cư, hoặc cả hai, để con cái họ ở lại quê nhà. Giáo hội có một vai trò quan trọng để đóng là trở thành điểm tham chiếu cho những người trẻ của các gia đình tan vỡ này. Nhưng những câu chuyện về di dân cũng là những câu chuyện về gặp gỡ giữa những con người và nền văn hóa: đối với cộng đồng và các xã hội chủ nhà, họ tượng trưng một cơ hội làm phong phú và phát triển con người toàn diện cho mọi người. Các sáng kiến tiếp đón có liên hệ mật thiết với Giáo hội có một vai trò quan trọng trong quan điểm này và có thể hồi sinh để các cộng đồng có năng lực mang chúng ra thực hiện.

Vai trò tiên tri của Giáo hội

28. Nhờ nguồn gốc khác nhau của các Nghị Phụ, Thượng hội đồng đã nhìn thấy nhiều quan điểm về chủ đề di dân đã gặp nhau, đặc biệt giữa các quốc gia bỏ đi và các quốc gia đi đến. Ngoài ra, người ta đã nghe vang lên một tiếng kêu báo động của các giáo hội có các thành viên buộc phải chạy trốn chiến tranh và bách hại và coi những cuộc di dân bắt buộc này như mối đe dọa đối với chính sự tồn tại của họ. Sự kiện bao gồm tất cả các quan điểm khác nhau vào lòng mình này đã đặt Giáo hội vào vị trí đóng vai trò tiên tri đối với xã hội trong vấn đề di dân.

Nhận biết và phản ứng trước mọi loại lạm dụng

Tỏ sự thật và xin tha thứ

29. Các loại lạm dụng khác nhau, do các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân vi phạm, đã phát sinh nơi các nạn nhân, nhất là người trẻ, nhiều đau khổ có thể kéo dài suốt đời của nhiều nạn nhân, và không có sự ăn năn nào có thể đem lại thuốc chữa. Hiện tượng này đang lan tỏa trong xã hội, nhưng nó cũng ảnh hưởng đến Giáo hội và tượng trưng cho một trở ngại nghiêm trọng đối với sứ mệnh của Giáo Hội. Thượng hội đồng tái khẳng định lời cam kết cương quyết trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt để ngăn chặn điều này tái diễn, bắt đầu là việc lựa chọn và đào tạo những người sẽ được trao nhiệm vụ có trách nhiệm và giáo dục.

Đi đến tận gốc

30. Có nhiều loại lạm dụng khác nhau: lạm quyền, lạm dụng kinh tế, lạm dụng lương tâm, lạm dụng tình dục. Nhiệm vụ nhổ tận gốc các hình thức thi hành thẩm quyền mà trên đó các lạm dụng đã được ghép vào và đấu tranh chống lại sự thiếu trách nhiệm và minh bạch mà nhiều trường hợp đã được quản lý là điều hiển nhiên. Mong muốn thống trị, thiếu đối thoại và minh bạch, các hình thức sống hai mặt, sự trống rỗng thiêng liêng, cũng như các yếu ớt tâm lý tạo đất sống cho sự nẩy nở thối nát. Đặc biệt, nạn giáo sĩ trị "phát sinh từ một tầm nhìn duy ưu tú và độc quyền về ơn gọi, một tầm nhìn giải tích thừa tác vụ nhận được như một quyền lực để thi hành thay vì là một phục vụ nhưng không và quảng đại phải cung ứng. Và điều này dẫn đến việc tin rằng mình thuộc về một nhóm có mọi câu trả lời và không cần phải lắng nghe ai và học hỏi bất cứ điều gì, hoặc giả vờ lắng nghe"(Đức Phanxicô, Bài Diễn Văn trước Phiên Họp Toàn Thể Thượng hội đồng Giám Mục lần thứ XV, ngày 3 tháng 10 năm 2018).

Lòng biết ơn và sự khích lệ

31. Thượng hội đồng bày tỏ lòng biết ơn đối với những người có can đảm tố cáo cái ác phải chịu: họ giúp Giáo hội ý thức được những gì đã xảy ra và cần phải phản ứng kiên quyết. Thượng Hội Đồng cũng đánh giá cao và khuyến khích các nỗ lực chân thành của vô số giáo dân nam nữ, linh mục, người thánh hiến và giám mục, những người, hàng ngày, hiến thân một cách trung thực và tận tụy để phục vụ giới trẻ. Công việc của họ là một khu rừng phát triển mà không gây ồn ào. Nhiều người trẻ có mặt tại Thượng hội đồng cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đồng hành với họ và họ nhắc nhớ tới việc rất cần có các nhân vật để tham chiếu.

Chúa Giêsu, Đấng không bao giờ từ bỏ Giáo hội của Người, ban cho Giáo Hội sức mạnh và khí cụ để đi một con đường mới. Xác nhận đường lối “các hành động và chế tài cần thiết” và kịp thời (Đức Phanxicô, Thư gửi dân Chúa, ngày 20 tháng 8 năm 2018, số 2) và ý thức rằng lòng thương xót đòi hỏi công lý, Thượng hội đồng công nhận rằng đương đầu với vấn đề lạm dụng dưới mọi khía cạnh của nó, đặc biệt là với sự giúp đỡ quý giá của những người trẻ, thực sự có thể là dịp tốt để cải cách một cách có ý nghĩa lịch sử.

Kỳ sau: Chương III: Căn Tính và các mối Liên Hệ