Andrea Tornielli, Giám đốc Biên tập của Bộ Truyền Thông Vatican, nhân bài nói chuyện của Đức Phanxicô với các giám mục Trung Mỹ dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2019 tại Panama rằng việc truyền giảng Tin Mừng dựa vào tính trung tâm của lòng cảm thương, đã chỉ trích một số cơ quan truyền thông Công Giáo hàng ngày chỉ biết tập chú vào việc kết án người khác.

Theo Tornielli, Đức Giáo Hoàng đưa ra quan điểm trên hôm thứ Năm tuần rồi, tức ngày lễ thánh quan thầy các nhà báo, là thánh Phanxicô đệ Sales. Trong nhận định ấy, ngài nhắc đến một số cơ sở truyền thông Công Giáo trong khi nói chuyện với các giám mục Trung Mỹ.
Ngài nói rằng kết quả của việc truyền giảng Tin Mừng không dựa vào các phương tiện vật chất ta hiện có cũng không dựa vào con số các biến cố ta tổ chức, nhưng dựa vào “tính trung tâm của lòng cảm thương”.

Ngài giải thích: “tôi lo lắng về việc lòng cảm thương của Chúa Kitô đã mất đi vị trí trung tâm của nó trong Giáo Hội, ngay trong các nhóm Công Giáo, hay đang mất đi, nếu không quá bi quan. Ngay trong các phương tiện truyền thông Công Giáo, cũng có việc thiếu lòng cảm thương. Ở đấy, có đủ ly giáo, kết án, tàn bạo, tự khen mình quá lố, kết án lạc giáo...”

Tornielli cho rằng các lời lẽ của Đức Phanxicô giống như “ảnh chụp” một thực tại, bất hạnh thay, quá hiển nhiên ai cũng thấy: ngay trong các phương tiện truyền thông tự coi mình là Công Giáo, cũng có việc lan tràn thói quen muốn phán xử mọi điều và mọi người bằng cách đưa mình lên bệ cao và điên cuồng chống lại anh chị em mình trong đức tin chỉ vì có những ý kiến khác.

Theo Tornielli, ta không nên tin rằng thái độ phản Kitô Giáo sâu xa ấy chỉ là một hiện tượng chóng qua, chỉ liên hệ đến việc hàng ngày chỉ trích triều giáo hoàng hiện nay. Thực vậy, ở gốc rễ thái độ này là một điều sâu xa hơn và không hẳn tình cờ: đó là niềm tin cho rằng để hiện hữu và củng cố căn tính của tôi, tôi phải luôn tìm được một kẻ thù để trút cơn thịnh nộ lên. Một ai đó để tấn công, một ai đó để kết án, một ai đó để phán xử là lạc giáo.

Gương sáng của Chúa Giêsu

Về điểm này, việc làm chứng của Chúa Giêsu cho ta thấy một thay đổi hoàn toàn, một thay đổi tháo tung các truyền thống đã thủ đắc và các tác phong đã thành pháo đài, thách thức “các tư tưởng gia cao xa” mọi thời mọi nơi.

Tornielli cho rằng ta mục kích điều trên một lần nữa trong cuộc gặp gỡ của Đức Phanxicô ngày 25 tháng 1 tại Trung Tâm Giam Giữ Thiếu Niên Las Garzas de Pacora. Đức Giáo Hoàng đã ở lại Trung Tâm này mấy tiếng đồng hồ để tiếp cận một số bạn trẻ không thể tham dự các biến cố của Ngày Giới Trẻ Thế Giới đang diễn ra tại Panama. Chứng từ của ngài là một chứng từ cảm thương và thương xót gây xúc động, một chứng từ không học được trong sách giáo khoa, mà phát sinh từ lòng cảm thương và thương xót được chính bản thân trải nghiệm trước đó, để có thể tôn trọng người khác, tôn trọng người có tội, tôn trọng những người mắc lầm lỗi.

Đức Phanxicô giải thích cho các tù nhân trẻ rằng Chúa Giêsu không sợ tiếp cận với những người, vì nhiều lý do, bị trĩu nặng bởi sự kỳ thị của xã hội. Ngài nói rằng Chúa Giêsu ăn uống tại nhà những người thu thuế và tội lỗi, gây khó chịu cho mọi người. “Chúa Giêsu tiếp cận người khác, thỏa hiệp, đặt tiếng tăm của Người lên nguy cơ có thể bị tấn công, và luôn mời gọi ta hướng về một chân trời có khả năng đổi mới cuộc sống và lịch sử”.

Tuy nhiên, nhiều người không thể chịu đựng được cách chọn lựa này của Con Thiên Chúa; họ thích làm tê liệt và bêu xấu tác phong của những người mắc lầm lỗi bằng cách dán nhãn hiệu không những quá khứ mà cả hiện tại nữa. Đức Phanxicô giải thích: làm thế, chúng ta chỉ gieo rắc chia rẽ và phân cách người tốt khỏi người xấu, người công chính khỏi người có tội. Chúng ta dựng lên các bức tường vô hình, tin rằng vấn đề đã được giải quyết qua việc đẩy qua bên lề và cô lập hóa.

Thay vào đó, gần như trang Tin Mừng nào cũng cho ta thấy một thái độ khác, một cuộc cách mạng kiểu Coperních, diễn qua đôi mắt Chúa Giêsu, Đấng có thể nhìn người ta không phải để tìm ra lầm lẫn, tội lỗi hay tội ác họ đã phạm, nhưng để tìm ra điều đời sống họ có thể trở nên nếu được đánh động bởi lòng thương xót, lòng cảm thương và tình yêu vô hạn của Thiên Chúa, Đấng luôn ôm ấp bạn trước khi phán xử bạn.

Đức Giáo Hoàng cho hay: cái nhìn trên phát sinh từ trái tim Thiên Chúa. Ngài nói: “Ăn uống với các người thu thuế và tội lỗi, Chúa Giêsu đã phá bỏ thứ luận lý học phân rẽ, loại bỏ, cô lập, và thực sự phân chia người ta thành ‘người tốt’ và ‘người xấu’.

Chúa Giêsu không làm thế bằng sắc lệnh hay chỉ với ý hướng tốt mà thôi, cũng không bằng tác phong duy ý chí hay duy xúc cảm. Người làm thế bằng cách tạo ra các mối dây nối kết có khả năng cho phép các diễn trình mới mẻ, đánh cuộc trên một tương lai tươi đẹp hơn và ăn mừng mỗi bước tiến có thể làm được. Được như thế, vì ánh mắt Chúa, Đấng chúng ta có thể cảm nghiệm trong Bí Tích Thống Hối, “không nhìn thấy nhãn hiệu hay kết án: Người nhìn thấy con cái của Người”.