Hà Nội, Việt Nam, ngày 28 tháng 2 năm 2019 ( CNA ) .- Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà Lãnh Đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại Việt Nam đã chết yểu hôm thứ Năm sau khi các cuộc mặc cả đổi chác giữa việc bãi bỏ lệnh trừng phạt và việc chấm dứt chương trình hạt nhân tan rã.

“Cuộc đàm phán sụp đổ vì yêu cầu của Triều Tiên đòi dỡ bỏ lệnh trừng phạt,” ông Trump tuyên bố.

“Tôi nghĩ rằng thực sự chúng ta đã có hai ngày nhiều năng suất. Nhưng đôi khi bạn phải phủi tay. Và đây chỉ là một trong những lần đó.”

Trong buổi họp báo ngày 28 tháng 2, ông Trump thêm rằng “Bạn luôn phải chuẩn bị phủi tay.”

Người ta đã từng đặt nhiều hy vọng trước cuộc hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa Trump và Kim, như là hai bên sẽ đồng ý tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, cùng với sự bãi bỏ lệnh trừng phạt và giải trừ hạt nhân.

Tuy vấn đề Nhân Quyền chưa bao giờ được đưa lên bàn đàm phán tại Hà Nội trong tuần này, nhưng những lời bình luận của ông Trump về nhà tù chính trị của Triều Tiên ngay sau khi hội nghị tan rã đã khiến một số nhà phân tích hy vọng các vi phạm nhân quyền của chế độ Bắc Hàn sẽ được chú ý nhiều hơn sau này.

Liên Hợp Quốc đã tìm thấy bằng chứng về tội ác chống lại loài người ở Bắc Triều Tiên, bao gồm những vụ giết người, bắt làm nô lệ, tra tấn, cầm tù, hãm hiếp, cưỡng bức, phá thai, và cố tình gây ra nạn đói kéo dài.

Một chuyên gia phân tích chính sách châu Á, bà Olivia Enos cuả Trung Tâm Nghiên Cứu Di Sản Châu Á (the Heritage Foundation Asian Studies Center) nói rằng dù cho hội nghị thượng đỉnh có thất bại, nhưng nó sẽ là cơ hội cho những lo ngại về quyền con người được nêu ra, khi các cuộc đàm phán với Triều Tiên được nối lại.

Quy trình ngoại giao ‘hậu Hà Nội’ có thể là cơ hội để điều chỉnh lại chiến lược ngoại giao của Hoa Kỳ, mà trong đó nhân quyền đóng một vai trò nổi bật hơn trong các cuộc đàm phán tương lai.

“Những đàm phán ngoại giao trong tương lai cần phản ánh các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào hạt nhân, an ninh và nhân quyền,” theo ý kiến cuả bà Enos.

Hiện tại đang có khoảng 80.000 đến 120.000 tù nhân trong sáu trại tù chính trị ở Bắc Triều Tiên, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

“Trong những trại tù đó, có rất nhiều người, là những nơi tồi tệ và đã xảy ra những điều tồi tệ,” theo lời ông Trump, khi ông đề cập đến việc bắt giam và tra tấn anh sinh viên Mỹ Otto Warmbier ở Bắc Triều Tiên vào năm 2016.

Trường hợp của anh Warmbier là một minh họa cho tình hình nhân quyền ở Bắc Triều Tiên. Người Sinh viên cuả trường Đại học Virginia này đã bị kết án 15 năm lao động khổ sai vì âm mưu ăn cắp để mang về nhà một tấm áp phích tuyên truyền của Bắc Triều Tiên trong chuyến đi du lịch tới đất nước này.

Anh Warmbier đã qua đời ngay sau khi được thả ra vào năm 2017, sau khi được đưa trở lại Hoa Kỳ với tình trạng bị tổn thương não nghiêm trọng.

“Tôi thực sự tin rằng một điều gì đó khủng khiếp đã xảy ra với anh ấy và tôi thực sự không nghĩ rằng nhà lãnh đạo cao nhất đã biết về điều đó,” ông Trump nói, cho biết rằng chính ông Kim đã nói với ông ấy rằng ông ta không biết về tình trạng của Warmbier.

“Tuy rằng ông Trump không nên bào chữa cho Kim Jong-un sau khi ông ta và chế độ cuả ông ta đã đối xử với Otto Warmbier như thế. Tuy nhiên, vẫn có một điều đáng khích lệ là Tổng thống Trump đã thảo luận về quyền con người,” bà Enos nói.

Ông Trump đã bày tỏ sẵn sàng gặp lại ông Kim, nhưng cho biết không có cuộc đàm phán nào nữa được lên kế hoạch vào thời điểm này.

“Ngay cả khi các cuộc đàm phán không được khởi động lại, thì chính quyền (Mỹ) nên quay lại chiến lược gây áp lực và sử dụng các hình thức trừng phạt tối đa để thúc đẩy các cải cách cơ bản có thể dẫn đến cải thiện nhân quyền. Sau đó, cần phải đưa vấn đề quyền con người vào cuộc đối thoại trong tương lai với Triều Tiên,” bà Enos giải thích.

Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ là tiến sĩ Tenzin Dorjee cũng kêu gọi ôngTrump hãy tận dụng mọi cơ hội để nêu lên những lo ngại này cho đến khi người dân Triều Tiên có tự do tôn giáo và các quyền cơ bản khác và không sợ hãi.

Triều Tiên liên tục bị cơ quan ‘Open Door’ xếp hạng là quốc gia đàn áp Kitô hữu tồi tệ nhất. Kitô hữu đã bị bắt giữ, cải tạo trong các trại lao động, hoặc, trong một số trường hợp, bị xử tử vì đức tin của họ.

Đặc biệt Giáo Hội Công Giáo hầm trú ở Bắc Triều Tiên, ngoài những thách thức sẵn có, còn phải đối mặt với một khó khăn thêm nữa là không có bí tích vì không có linh mục ở Bắc Triều Tiên.

“Nói một cách đơn giản, tự do tôn giáo hoặc tự do tín ngưỡng không tồn tại ở Bắc Triều Tiên,” là lời tuyên bố mới nhất của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế cuả Hoa Kỳ.