Khu vực được cho là nơi chôn xác thai nhi ở nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau. |
Trước đó, công ty TNHH Xây dựng-Thương mại-Du lịch Công Lý, chủ đầu tư Nhà máy Xử lý Rác thải TP Cà Mau đã gửi văn bản đến UBND tỉnh xin hỗ trợ trong việc xử lý tình trạng xác thai nhi đi theo rác thải vào nhà máy.
Báo Người Lao Động dẫn thông tin từ văn bản trên cho biết kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2012 đến nay, nhà máy đã phát hiện hơn 300 xác thai nhi, phần lớn là trong rác thải từ bệnh viện.
Vào năm 2013, công ty Công Lý đã gửi tờ trình cho UBND thành phố Cà Mau thông báo về tình trạng này và nhận được được chỉ đạo phải tiến hành hỏa thiêu. Tuy nhiên, do không có kinh phí nên công ty đã mua quách và tự chôn cất các thai nhi trong khuôn viên nhà máy.
Theo lời những công nhân đã phát hiện và chôn cất thai nhi ở nhà máy, xác thai nhi được phát hiện thường ở trong tình trạng không nguyên vẹn vì đã đi qua các máy nghiền xé bao rác trước đó, báo CAND tường thuật.
Đến nay, nhà máy xử lý rác đã không thể tiếp tục thực hiện chôn cất được nữa vì quỹ đất đã đầy. Vì vậy, công ty Công Lý đã gửi văn bản “cầu cứu” lên UBND tỉnh Cà Mau, xin xem xép cấp thêm 5 ha đất và hỗ trợ kinh phí để chôn cất thai nhi.
Thông tin cho báo chí vào ngày 29/4, Chủ tịch UBND TP Cà Mau, ông Phan Hoàng Vũ, cho biết sau khi khi giám định, nếu thật sự mẫu vật trong các hũ sành là thai nhi thì sẽ mở rộng tìm kiếm và có biện pháp di dời, xử lý thích hợp.
Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nạo phá thai, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới.
Trong số khoảng 300.000 ca nạo phá thai được công bố chính thức, có đến 80% tỷ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi. Đáng chú ý là có đến 60-70% các ca nạo phá thai là sinh viên, học sinh ở độ tuổi 15- 19 tuổi, 20-30% là phụ nữ chưa kết hôn.