Theo tin CNA, ngay ngày đầu tiên tới Lỗ Ma Ni, cũng như Thánh Mẫu Maria mau mắn đi thăm người chị em họ Elizabeth, Đức Phanxicô đã vội vã đi thăm người anh em của ngài là Đức Thượng Phụ Daniel của Giáo Hội Chính Thống Lỗ Ma Ni.



Dịp này, ngài nói rằng người Công Giáo và người Chính Thống Giáo liên kết với nhau bằng “gia tài chung” cùng chịu đau khổ với Chúa Kitô từ thời các tông đồ tới thời các tử đạo ngày nay.

Ngài nói: “Biết bao vị tử đạo và người tuyên xưng đức tin! Trong những năm tháng gần đây, biết bao người, thuộc đủ các tín phái, đã đứng cạnh nhau trong các nhà tù để lần lượt hỗ trợ nhau”.

Ngài nói thêm: “Điều họ chịu đau khổ cho, thậm chí đến hy sinh mạng sống của họ cho, là một gia tài quá qúi giá không thể bỏ qua hay làm nhơ. Đó là gia tài chung và nó mời gọi chúng ta sống gần gũi các anh chị em cùng chia sẻ nó”.

Trong một cuộc gặp gỡ Đức Thượng Phụ Daniel và Thánh Công Đồng của Giáo Hội Lỗ Ma Ni ở Bucharest, Đức Phanxicô làm nổi bật việc các người Công Giáo và Chính Thống Giáo từng chịu đau khổ với nhau như thế nào dưới chế độ Cộng Sản Lỗ Ma Ni.

Trong 3 ngày viếng thăm nước này, Đức Phanxicô sẽ phong thánh cho 7 vị giám mục Công Giáo Hy Lạp của Lỗ Ma Ni bị Cộng Sản sát hại trong các năm từ 1950 tới 1970.

Ngài nói tại Tòa Thượng Phụ rằng “Các nối kết đức tin đang hợp nhất chúng ta có từ thời các Tông đồ, các nhân chứng của Chúa Giêsu phục sinh, và cách riêng từ dây liên kết giữa Thánh Phêrô và thánh Andrê, các vị mà theo truyền thống đã đem đức tin tới lãnh thổ này. Là anh em ruột, các vị cũng là anh em cách phi thường trong việc đổ máu ra vì Chúa.

“Các vị nhắc nhở chúng ta rằng có một tình anh em máu mủ đi trước chúng ta và, như một dòng suối ban sự sống tuôn tràn suốt nhiều thế kỷ, đã không bao giờ ngưng nuôi dưỡng và nâng đỡ chúng ta trong cuộc hành trình của mình”.

Đức Phanxicô lẽ dĩ nhiên không quên những đau khổ và thiệt thòi mà Giáo Công Giáo Hy Lạp của Lỗ Ma Ni vốn phải chịu dưới thời Cộng Sản và cả ngày nay nữa khi các tài sản của Giáo Hội bị tich thu và chưa được hoàn trả đầy đủ. Nhưng ngài vẫn khuyến khích “việc hành trình với nhau”, nhớ đến gốc rễ chứ không nhớ đến các thiệt thòi quá khứ.

Ngài nói “Việc nhớ đến các biện pháp đã đưa ra và cùng nhau hoàn tất sẽ khuyến khích chúng ta tiến về tương lai trong khi biết, chắc chắn như thế, các khác biệt của chúng ta, nhưng trên hết, trong lòng cảm tạ vì bầu khí gia đình lại tìm lại được và ký ức hiệp thông lại được phục sinh, một ký ức hiệp thông, giống một ngọn đèn, có thể soi sáng đường chúng ta đi”.

Ngài cầu xin “Chúa Thánh Thần đổi mới chúng ta, vì Người ghét sự độc dạng nhưng thích lên khuôn sự hợp nhất từ sự đa dạng hết sức tươi đẹp và hoà hợp. Xin Người, Đấng tạo nên sự mới mẻ, làm cho chúng ta được can đảm khi trải nghiệm những cách thế chia sẻ và truyền giáo chưa từng có”.



Kinh Lạy Cha tại Nhà Thờ Chính Tòa Chính Thống Bucharest

Từ Tòa Thượng Phụ, Đức Phanxicô đã tới viếng Nhà Thờ Chính Tòa mới của Giáo Hội Chính Thống tại Bucharest.
Theo VaticanNews, tại đó, ngài đã nói về Kinh Lạy Cha và cùng đọc kinh này với anh em Chính Thống Giáo. Ngài nhấn mạnh khi đọc “Lạy Cha chúng con” chúng ta luôn nối kết chữ “Cha” với chữ “chúng con”.

Ngài bảo chúng ta được mời gọi biến chữ “con” thành chữ “chúng con” khi chúng ta xin Chúa giúp chúng ta coi trọng đời sống của anh chị em chúng ta, biến lịch sử của họ thành lịch sử của chúng ta, không bao giờ phán xét họ vì các hành động và hạn chế của họ, nhưng chào đón họ như con trai con gái của Người: không bao giờ quên ơn phúc của người khác”.

Khi ta đọc “ở trên trời”, ta phải nghĩ tới trời như một nơi chào đón mọi người, trong đó, Chúa Cha cho mặt trời mọc trên người tốt và người xấu, trên người công chính và người bất chính”.

“Nguyện danh Cha cả sáng”, theo Đức Giáo Hoàng, có ý nói tới sự kiện chúng ta ước nguyện ‘làm sáng’ danh Cha bằng cách đặt danh này ở tâm điểm mọi điều chúng ta làm.

Đức Giáo Hoàng nói: xin cho danh Cha, lạy Cha, chứ không phải danh chúng con, trở thành Danh thúc đẩy và đánh thức trong chúng con việc thi hành bác ái. Vì, theo Đức Phanxicô, khi cầu nguyện, chúng ta vẫn thường xin ơn và liệt kê đủ thứ yêu cầu, mà quên rằng điều đầu tiên nên làm là ca ngợi Danh Người, thờ lạy Người, và nhìn nhận nơi anh chị em, những người Chúa đã đặt bên cạnh chúng ta, một hình ảnh sống động của chính Chúa.

Đức Giáo Hoàng nói rằng “giữa mọi điều chóng qua trong đó chúng con bị vướng víu này, lạy Cha, xin Cha giúp chúng con tìm kiếm điều thực sự bền lâu: sự hiện diện của Cha và sự hiện diện của anh chị em chúng con”.

Về câu “Nước Cha trị đến”, Đức Giáo Hoàng nói rằng chúng ta cầu mong nước Thiên Chúa ngự đến vì chúng ta thấy các việc làm của thế giới này không thuận lợi cho nước đó, vì chúng loay hoay với tiền bạc, lợi ích và quyền lực bản thân. Với lời cầu xin này, chúng ta xin Cha giúp chúng ta tin điều mình xin: từ bỏ sự an toàn êm ái của quyền lực, những rù quyến lừa đảo của tính thế gian, những cao ngạo phù phiếm của lòng tự mãn, sự giả hình trong việc chỉ vun xới vẻ bề ngoài.

Còn câu ‘ý Cha thể hiện’, theo Đức Giáo Hoàng, bao hàm việc chúng ta phải mở rộng các chân trời của mình, “kẻo chúng ta đặt chính các giới hạn riêng của chúng ta” lên “ý thương xót, cứu vớt muốn ôm lấy mọi người” của Thiên Chúa.

‘Bánh ăn hàng ngày’ chính là Thiên Chúa, Đấng vốn là bánh ban sự sống “bánh làm chúng ta hiểu ra rằng chúng ta là con trai con gái yêu qúi, và làm chúng ta cảm thấy không còn cô độc và mồ côi nữa”.
Người cũng là “bánh phục vụ, được bẻ ra để phục vụ chúng ta, và yêu cầu chúng ta phục vụ lẫn nhau”.

Chúng ta cũng xin được “bánh tưởng nhớ, tức ơn thánh biết chăm dưỡng các gốc rễ chung của bản sắc Kitô hữu của chúng ta”, một bản sắc mà Đức Giáo Hoàng cho là hết sức thiết yếu trong một thời đại trong đó, đặc biệt người trẻ, “có xu hướng cảm thấy không có gốc rễ giữa nhiều bất trắc của cuộc sống, và không có khả năng xây dựng cuộc sống của họ trên các nền tảng vững chắc”.

Xin cho bánh ấy, đang được gieo giống, vun xới và thu gặt, linh hứng cho chúng ta trở thành những người vun xới hiệp thông đầy kiên nhẫn “không ngờ vực hay dè dặt, không gây áp lực hay đòi phải độc dạng, trong niềm vui huynh đệ của tính đa dạng hòa giải”.

Đức Giáo Hoàng cũng nhắc nhớ rằng “bánh chúng ta xin hôm nay cũng là bánh mà rất nhiều người ngày nay đang thiếu thốn, trong khi một số ít có nhiều hơn cần thiết”.

Ngài còn cho rằng “Kinh Lạy Cha là lời kinh khiến chúng ta bất an và lên tiếng phản đối cơn đói tình yêu trong thời ta, phản đối chủ nghĩa duy cá nhân và lòng dửng dưng”.

‘Nợ, tha, sự dữ, cám dỗ’ được Đức Giáo Hoàng nhận định: phải can đảm mới có thể xin tha nợ vì điều này ngụ hàm ta phải tha nợ mà người khác mắc chúng ta.

Ở đây, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, ta xin Chúa ban sức mạnh để chúng ta chịu để quá khứ lại phía sau, không chiều theo sợ hãi, không coi cởi mở như một đe dọa.

Và ngài kết luận khi sự dữ trong lòng ta làm chúng ta bị cám dỗ muốn quay lưng khỏi người khác, chúng ta cầu xin Cha giúp chúng ta “nhận ra nơi mỗi người anh chị em chúng ta một nguồn hỗ trợ trong hành trình chung của chúng ta tiến về Người”.
Ngài nói, xin linh hứng trong chúng con lòng can đảm cùng đọc với nhau: Lạy Cha chúng con...

Đức Mẹ, mô hình gặp gỡ và hân hoan



Nói đến Đại Kết tại một đất nước đại đa số theo Chính Thống Giáo, không điều gì thích đáng hơn là nói về Đức Mẹ. May mắn thay, ngày đầu tiên trên Đất Lỗ Ma Ni Chính Thống Giáo rơi vào đúng Lễ Thăm Viếng, nên trong Thánh Lễ cử hành tại Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Giuse ở Bucharest, Đức Phanxicô đã say sưa nói về Đức Mẹ như là mô hình lữ hành, gặp gỡ và hân hoan.

Theo VaticanNews, trước nhất Đức Phanxicô nói tới cuộc hành trình của Đức Mẹ tới nhà Elizabeth. Ngài bảo đó là cuộc hành trình thứ nhất, trong nhiều cuộc hành trình tiếp theo, sẽ dẫn Đức Mẹ tới đồi Canvariô. Mọi cuộc hành trình này đều có chung một điểm: “chúng không dễ dàng; chúng luôn đòi lòng can đảm và sự nhẫn nại”.

Đức Mẹ của chúng ta biết lên dốc khó khăn như thế nào. “Ngài biết cuốc bộ mỏi mệt xiết bao và ngài sẵn sàng nắm tay chúng ta trong những lúc khó khăn”. Chiêm ngưỡng Đức Mẹ giúp ta “hướng con mắt ta về phía rất nhiều phụ nữ, các người mẹ và các người bà của lãnh thổ này, những người, qua các hy sinh, tận tụy và bỏ mình âm thầm của họ, đang định hình cho hiện tại và chuẩn bị đường cho các giấc mơ ngày mai. Sự hy sinh của họ là một sự hy sinh lặng lẽ, kiên trì và không đươc ai ca ngợi”.

Mô hình thứ hai của Thánh Mẫu là gặp gỡ: Đức Mẹ gặp gỡ người chị em họ Elizabeth, một phụ nữ trẻ đi gặp một phụ nữ lớn tuổi hơn, một việc được Đức Phanxicô gọi là “đi tìm gốc rễ. Ở đây, người trẻ và người gìa gặp nhau, ôm hôn và đánh thức những điều tốt đẹp nhất của nhau”. Ngài bảo đây là “một phép lạ do nền văn hóa gặp gỡ đem lại, trong đó, không ai bị vứt bỏ hay bị kỳ thị, nhưng ai cũng được tìm kiếm, vì ai cũng cần thiết trong việc biểu lộ gương mặt của Chúa”.

Nền văn hóa gặp gỡ thúc giục Kitô hữu chúng ta “trải nghiệm chức làm mẹ lạ lùng của Giáo Hội, khi Giáo Hội tìm kiếm, che chở và qui tụ con cái mình. Trong Giáo Hội, khi các nghi lễ gặp nhau, khi điều quan trọng nhất không phải là sự thống thuộc của riêng mình, nhóm hay sắc tộc, mà là Dân cùng nhau ca ngợi Thiên Chúa, thì những điều kỳ diệu sẽ xẩy ra. Phúc cho những ai tin và có can đảm cổ vũ gặp gỡ và hiệp thông”.

Mô hình thứ ba: Đức Mẹ hân hoan vì ngài mang Chúa Giêsu trong lòng dạ ngài. Đức Phanxicô nói rằng “không có niềm vui, chúng ta sẽ mãi tê liệt, làm nô lệ cho sự bất hạnh của mình”.

Ngài bảo “Đức tin phất phơ khi chỉ biết trôi qua trong buồn bã và ngã lòng. Khi chúng ta sống trong bất tín, khép kín vào chính mình, chúng ta nói ngược nói ngạo với đức tin. Thay vì nhận ra rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa mà vì chúng ta Người thực hiện những điều kỳ diệu, chúng ta giản lược mọi điều vào các nan đề của chính chúng ta”.

Đức Giáo Hoàng nói rằng đó chính là nơi chúng ta tìm thấy bí quyết của niềm vui: “Đức Mẹ, thấp hèn và khiêm nhường, khởi từ sự cao cả của Thiên Chúa và bất chấp các nan đề của ngài, không ít đâu, ngài tràn đầy niềm vui, vì ngài phó thác cho Chúa trong mọi sự. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa luôn có thể làm các kỳ công nếu chúng ta chịu mở lòng mình ra với Người và với các anh chị em của chúng ta”.

Đức Giáo Hoàng kết luận: “Đức Mẹ lữ hành, gặp gỡ và hân hoan vì ngài mang một điều lớn hơn chính ngài: ngài là người mang sự chúc phúc”.