Sáng Chúa Nhật 24/11, từ Tokyo, Đức Thánh Cha đã đáp máy bay đến Nagasaki. Đức Thánh Cha dã viếng thăm công viên Hypocenter của Nagasaki nơi người Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống đây vào ngày 9 tháng 8, 1945, đúng ngay vào ngôi nhà thờ chính tòa Urakami.

Nagasaki đã từng là một cứ điểm truyền giáo. Các nhà truyền giáo Âu Châu nghỉ ngơi tại đây, học các ngôn ngữ rồi được đưa sang Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cambốt, Thái Lan và Mã Lai Á. Nagasaki cũng là nơi 26 vị tử đạo tiên khởi của Nhật Bản bị đóng đinh vào thập giá ngày 5 tháng Hai, 1597. 26 vị này được giáo sử ghi nhận là các vị tử đạo tiên khởi tại Nhật và đã được Đức Giáo Hoàng Urbanô thứ Tám tuyên thánh ngày 14 tháng 9, 1627.

Tại đền các thánh tử đạo trên đồi Nishizaka, Đức Thánh Cha đã có một diễn từ với các tín hữu.

Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến,

Chào buổi sáng!

Tôi đã rất mong chờ thời điểm này. Tôi đã đến đây như một người hành hương để cầu nguyện, để củng cố anh chị em trong đức tin, và được củng cố bởi đức tin của những anh chị em này là những người mà chứng tá và lòng sùng mộ của họ thắp sáng con đường của chúng ta. Tôi cảm ơn tất cả các anh chị em đã nồng nhiệt chào đón tôi.

Ngôi đền này ghi khắc hình ảnh và tên của các Kitô hữu đã tử đạo từ lâu, bắt đầu với Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo của ngài vào ngày 5 tháng 2 năm 1597, và một loạt các vị tử đạo khác đã thánh hiến mảnh đất này bởi sự đau khổ và cái chết của họ.

Tuy nhiên, ngôi đền này không chỉ nói về cái chết; nó cũng nói lên sự chiến thắng của sự sống trên cái chết. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xem nơi này không chỉ đơn giản là ngọn đồi của các vị tử đạo mà là một ngọn Núi Các Mối Phúc Thật thực sự, nơi trái tim của chúng ta có thể bị khuấy động bởi chứng tá của những người nam nữ đầy tràn Chúa Thánh Thần và được giải thoát khỏi tích ích kỷ, lòng tự mãn và tự hào (x. Tông huấn Gaudete et Exsultate – Mừng rỡ Hân hoan, 65). Vì ở đây, ánh sáng của Tin mừng tỏa sáng nơi tình yêu chiến thắng sự bách hại và thanh gươm.

Ngôi đền này trên hết là một tượng đài về lễ Phục sinh, vì nó công cáo với thế giới rằng - bất chấp mọi bằng chứng ngược lại - cái chết không có tiếng nói cuối cùng nhưng sự sống mới có tiếng nói chung cuộc. Chúng ta không được tiền định cho cái chết nhưng cho sự sống viên mãn. Đây là thông điệp mà các vị tử đạo tuyên bố. Vâng, ở đây chúng ta thấy bóng tối của cái chết và tử đạo, nhưng cũng thấy ánh sáng của sự phục sinh, khi máu của các vị tử đạo trở thành hạt giống của cuộc sống mới mà Chúa Giêsu muốn ban cho chúng ta. Chứng tá của các ngài củng cố chúng ta trong đức tin và giúp chúng ta đổi mới sự cống hiến và cam kết của chúng ta đối với sứ mệnh truyền giáo của người môn đệ Chúa, cố gắng tạo ra một nền văn hóa có khả năng bảo vệ và bênh vực tất cả sự sống thông qua sự phục vụ thầm lặng hàng ngày đối với tất cả mọi người, đặc biệt là những người quẫn bách nhất.

Tôi đã đến tượng đài các thánh tử đạo này để tỏ lòng tôn kính với những người nam nữ thánh thiện này. Nhưng tôi cũng đến trong sự khiêm nhường, với tư cách là một tu sĩ Dòng Tên từ thời tuổi trẻ ở một nơi xa xôi “tận cùng của trái đất”, đã tìm thấy nguồn cảm hứng mạnh mẽ trong câu chuyện về những nhà truyền giáo đầu tiên và các vị tử đạo Nhật Bản. Cầu xin cho chúng ta đừng bao giờ quên sự hy sinh anh dũng của các ngài! Cầu xin cho tượng đài này không chỉ còn là một di tích vinh quang của quá khứ, được lưu giữ và tôn vinh trong một bảo tàng viện, nhưng là một ký ức sống động, một nguồn cảm hứng cho các công việc tông đồ và thúc đẩy sự canh tân truyền giáo ở vùng đất này. Cầu xin cho Giáo Hội tại Nhật Bản trong thời đại của chúng ta, giữa muôn khó khăn và các dấu chỉ hy vọng, cảm thấy được mời gọi để nghe lại mỗi ngày thông điệp được Thánh Phaolô Miki tuyên bố từ thập giá, và chia sẻ với tất cả những người nam nữ niềm vui và vẻ đẹp của Tin mừng là con đường của sự thật và sự sống (x. Ga 14: 6). Cầu xin cho chúng ta có thể được giải thoát bản thân hàng ngày khỏi bất cứ điều gì đè nặng chúng ta và ngăn cản chúng ta bước đi trong khiêm nhường, tự do, hùng hồn nói lên sự thật và bác ái.

Anh chị em thân mến,

Ở nơi này, chúng ta hợp nhất với những Kitô hữu trên khắp thế giới, trong thời đại của chúng ta, đang chịu tử đạo vì đức tin. Họ là những vị tử đạo của thế kỷ hai mươi mốt và chứng tá của họ hiệu triệu chúng ta lên đường với lòng can đảm trên con đường các Các Mối Phúc Thật. Chúng ta hãy cầu nguyện với họ và cho họ. Chúng ta hãy lên tiếng và khẳng định rằng tự do tôn giáo phải được bảo đảm cho mọi người ở mọi nơi trên thế giới của chúng ta. Chúng ta cũng hãy lên án sự thao túng các tôn giáo thông qua “các chính sách cực đoan và chia rẽ, thông qua các hệ thống tìm kiếm lợi lộc không kềm chế hoặc thông qua các khuynh hướng ý thức hệ thù ghét đang thao túng các hành động và tương lai của những người nam nữ (Tuyên ngôn về tình huynh đệ nhân loại, Abu Dhabi, 4 tháng Hai, 2019).

Chúng ta hãy cầu xin cùng Đức Mẹ, Nữ vương các thánh tử vì đạo, Thánh Phaolô Miki và tất cả các bạn tử đạo của ngài, là những người trong suốt dòng lịch sử đã tuyên bố bằng cuộc sống của họ những điều kỳ diệu của Chúa, và cầu nguyện cho đất nước của anh chị em và cho toàn Giáo Hội. Cầu xin cho chứng tá của các ngài thức tỉnh và nâng đỡ tất cả chúng ta trong niềm vui của sứ vụ.


Source:Libreria Editrice Vaticana