“Dead Man Walking”, thường được dịch sang tiếng Việt là “Người chết biết đi” là tựa đề một cuốn sách của sơ Helen Prejean, một nữ tu người Mỹ nổi tiếng khắp thế giới về những nỗ lực chống án tử hình. Sau cuốn sách gây chấn động của người nữ tu sinh quán tại Baton Rouge, Louisiana, cụm từ “Dead Man Walking” đã được dùng để chỉ các tù nhân đang chờ ngày bị hành quyết.

Một người chết biết đi như thế đã tham dự thánh lễ của Đức Giáo Hoàng tại Tokyo Dome. Ông là một cựu võ sĩ chuyên nghiệp người Nhật đã phải ngồi tù 48 năm vì tội giết người mà cho đến nay ông vẫn kiên quyết nói rằng ông hoàn toàn vô tội.

Iwao Hakamada đã tham gia trong số 50,000 người chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài đến sân vận động Tokyo Dome để cử hành Thánh lễ hôm thứ Hai 25 tháng 11.

Iwao Hakamada, đã cải đạo sang Công Giáo trong thời gian 48 năm bị giam cầm chờ ngày hành quyết. Các nhà tổ chức cho biết ông đã được mời tham dự Thánh lễ và có mặt cùng với em gái của mình,

Hakamada, 83 tuổi, được ra tù năm 2014 vì các bằng chứng DNA mới cho thấy ông vô tội. Từ đó, ông đã trở thành một biểu tượng của phong trào phản đối án tử hình ở Nhật Bản.

Ngày 2 tháng 8 năm ngoái, 2018, Đức Thánh Cha truyền rằng sách giáo lý Công Giáo sẽ được sửa đổi để khẳng định án tử hình là không thể chấp nhận được.

Hakamada đã ở trong đám đông khi Đức Thánh Cha Phanxicô vẫy tay chào và hôn các em bé trong khi đi xe vòng quanh đám đông trước thánh lễ.

Dù Đức Thánh Cha không trực tiếp gặp Hakamada nhưng việc ông được mời tham dự thánh lễ và ngồi trên hàng ghế danh dự chung với các đại diện của Phật Giáo và Thần Đạo là một khoảnh khắc minh oan cho Hakamada. Những người ủng hộ ông và luật sư của ông nói rằng ông là nạn nhân của một hệ thống tư pháp phụ thuộc rất nhiều vào những lời thú tội bị ép cung đến nỗi người ta gọi một cách mỉa mai là “công lý bị bắt làm con tin”.

Thoạt đầu, Hakamada thú nhận giết người vì bị cảnh sát thẩm vấn, đánh đập và ép cung hơn 10 giờ mỗi ngày mà không có mặt của luật sư. Ngay khi phiên tòa bắt đầu, ông đã phản cung.

Hakamada đã bị kết án về vụ giết người chủ của mình vào năm 1966 tại một nhà máy sản xuất bột đậu nành, cùng với vợ và hai đứa con ông ta. Ông đã bị kết án tử hình vào năm 1968.

Vào năm 2014, một tòa án cho thấy Hakamada nên được tái thẩm dựa trên các xét nghiệm DNA mới và truyền trả tự do cho ông. Phán quyết đó đã bị lật lại bởi một tòa án cao hơn vào năm ngoái, vì tòa này đặt ra các nghi vấn liên quan đến các xét nghiệm DNA. Vụ việc bây giờ được đưa ra trước Tòa án Tối cao.

“Anh tôi đã là một tử tù quá lâu. Tôi đang tràn đầy niềm vui khi anh ấy sống lại với tôi, thì anh ấy lại một lần nữa rơi vào trong tình trạng người chết biết đi,” người em của anh ta, Hideko Hakamada, nói với một đám đông tụ tập gần đây để thảo luận về án tử hình tại tòa nhà Quốc hội ở Tokyo.

Cô ấy lưu ý rằng anh trai cô vẫn chưa trở lại bình thường và dễ bị ảo tưởng vì chấn thương của nhà tù.

Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là những quốc gia duy nhất duy trì án tử hình trong nhóm các quốc gia có nền kinh tế phát triển, gọi tắt là OECD. Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã thực hiện các vụ hành quyết trong một số tiểu bang. Hàn Quốc đã không có án tử hình nào trong hơn một thập kỷ qua. Trong khi đó, Nhật Bản đã thực hiện đến 15 vụ hành quyết vào năm ngoái, tăng so với bốn năm trước.

Một trong những thẩm phán lúc đầu đã kết án Hakamada đã thừa nhận sau đó rằng ông ta đã mắc những sai lầm nghiêm trọng về vụ án này ngay từ đầu.

Cảnh sát trình bày bằng chứng quần áo dính máu được tìm thấy trong các thùng bột đậu nành, mặc dù các thùng này đã được tìm kiếm kỹ lưỡng trước đó.

Đau buồn trước sai lầm nghiêm trọng này, vị thẩm phán đã tự tử vì cảm giác tội lỗi. Nhưng ông được cứu sống kịp. Sau đó, ông đã theo đạo Công Giáo. Khi được rửa tội ông đã lấy cùng tên Thánh Phaolô Miki như Hakamada. Thánh Phaolô Miki và vị tử đạo tiên khởi của Nhật Bản. Thánh nhân và 25 bạn tử đạo của ngài đã bị đóng đinh vào thập giá trên đồi Nishizaka vào ngày 5 tháng 2 năm 1597.

Nhiều người lấy làm tiếc là không hiểu do các sắp xếp thế nào, Hakamada đã không được gặp riêng Đức Thánh Cha.

Cô Elisabetta Zunica của thông tấn xã Kyoto News, đã hỏi về chuyện này trong cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha dành cho giới báo chí trên chuyến bay từ Tokyo trở về Rôma.

Cô nói: “Hakamada Iwao là một người Nhật Bản bị kết án tử hình và đang chờ xem xét lại bản án. Ông có mặt trong Thánh lễ tại Tokyo Dome, nhưng không có cơ hội nói chuyện với ngài. Liệu có một cuộc họp ngắn ngủi với ngài đã được dự hoạch? Ở Nhật Bản, vấn đề án tử hình đang được thảo luận rất nhiều. Mười ba bản án tử hình đã được thực hiện ngay trước khi sửa đổi Sách Giáo lý về vấn đề này. Trong bài phát biểu của ngài, không thấy nhắc đến việc đó. Liệu Ngài đã có cơ hội để thảo luận điều này với Thủ tướng Shinto Abe hay không?”

Đức Thánh Cha cho biết như sau: Sau này, tôi mới nghe về trường hợp đó. Tôi không biết về người đó. Tôi đã nói về nhiều vấn đề với Thủ tướng: các phiên tòa, các bản án không bao giờ kết thúc, dù có hay không có tử hình. Tôi đã nói về những vấn đề tổng quát hiện cũng đang có ở các quốc gia khác: các nhà tù quá đông, nhiều người cứ phải chờ trong khi bị giam cầm phòng ngừa mà không có sự suy đoán vô tội. Mười lăm ngày trước đây, tôi đã có một bài phát biểu tại Hội nghị Quốc tế về Luật Hình và tôi đã nói nghiêm túc về vấn đề này. Án tử hình không được thi hành, nó vô luân. Điều này phải được liên kết với sự phát triển ý thức. Ví dụ, một số quốc gia không thể bãi bỏ nó vì các vấn đề chính trị, nhưng họ đình chỉ nó, đó là một cách kết án ai đó bị tù chung thân mà không tuyên bố như vậy. Nhưng bất cứ bản án nào cũng phải luôn luôn cho phép tái hội nhập, một bản án không có một tia hy vọng là vô nhân đạo. Ngay cả khi bị kết án tù chung thân, người ta phải nghĩ làm thế nào người thi hành bản án chung thân có thể được tái hội nhập, bên trong hoặc bên ngoài. Bạn sẽ bảo tôi: nhưng có những người bị kết án vì những vấn đề như điên khùng, bệnh tật, bất trị về di truyền. .. Trong trường hợp đó, phải tìm cho ra một cách làm cho họ cảm thấy họ là người. Các nhà tù quá đông ở nhiều nơi trên thế giới; chúng là những nhà kho của nhân loại. Thay vì trở nên tốt hơn, nhiều khi họ thành hư hỏng. Chúng ta phải từ từ chiến đấu chống án tử hình. Có những trường hợp khiến tôi hạnh phúc vì một số quốc gia nói: chúng tôi sẽ dừng lại. Năm ngoái, trước khi rời nhiệm sở, một Thống đốc Tiểu bang đã đình chỉ gần như dứt khoát, đây là những bước được thực hiện bởi lương tâm con người. Nhưng một số quốc gia vẫn chưa thành công trong việc hội nhập mình vào lối suy nghĩ nhân đạo này”.


Source:The Japan Times