Tác giả: John Horvat II Chuyển ngữ: Jos. VQK

Phản ứng của chúng ta đối với virút côrôna phản ánh việc xã hội thế tục của chúng ta bị khủng hoảng vì thiếu vắng Thiên Chúa.

Vấn đề không phải là con virut đó có khả năng gây chết người như nó có thể xảy ra. Sự bùng phát này là một sự kiện sinh học, tương tự như rất nhiều cái đã từng gây điêu đứng cho con người qua các thời đại.

Mặc dù virút là phi chính trị, tuy nhiên, nó có thể gây ra nhiều hậu quả chính trị. Điều gây nên xáo trộn hơn nhiều so với virút côrôna chính là nỗi sợ hãi về nó. Một nỗi sợ côrôna đang làm khắp hoàn cầu phải náo loạn. Theo nghĩa này, phản ứng với virút côrôna là cực kỳ có tính cách chính trị và thế tục. Nó phản ánh một xã hội đã quay lưng lại với Thiên Chúa. Chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chỉ với sự trông cậy vào bản thân và các thiết bị của chúng ta.

Chỉ có một mình con người

Thật vậy, khi đối phó với cuộc khủng hoảng virút côrôna người ta không chấp nhận sự trợ giúp từ bên ngoài. Thiên Chúa không có ý nghĩa hay chức năng gì bên trong tất cả những nỗ lực để xóa bỏ nó. Thay cho Chúa, các nhà cầm quyền huy động tối đa quyền lực để kiểm soát mọi khía cạnh của cuộc sống nhằm ngăn chặn sự lây lan của nó. Giới khoa học vung cánh tay hùng mạnh giành nhau tìm thuốc chủng ngừa. Giới tài chính và công nghệ được huy động để giảm thiểu những hậu quả tai hại của cuộc khủng hoảng.

Cho dù người ta đã sử dụng tất cả mọi nỗ lực để giải quyết các vấn đề, nhưng đều không mang lại kết quả như mong muốn. Những nỗ lực hiện tại đã làm một xã hội điên cuồng nghiện các giải pháp bấm nút, tức thì phải thất vọng. Thế giới đã buộc phải đóng cửa mà không xác định được mốc thời gian khi nào cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc.

Vì lý do này, nó thật đáng sợ. Có một số định chế, chẳng hạn như Giáo hội, có khả năng giảm nhẹ tình hình bằng cách đưa ra những giải pháp có tính nhân đạo và vừa sức chịu đựng. Chúng ta bị buộc vào thế một mình đối mặt với mối nguy hiểm lớn lao này. Con virút nhỏ bé làm cho các nạn nhân của nó bị cô lập và xa lánh, đưa họ ra khỏi xã hội. Trong nhiều trường hợp, đó là cá nhân đối mặt với Nhà nước. Kỹ thuật viên trong bộ đồ phòng hộ đối xử với đàn ông và phụ nữ như thể họ là virút. Ở Trung Quốc và những nơi khác, các quan chức sử dụng bạo lực để buộc tuân thủ các chỉ thị quyết liệt.

Không còn cần đến Thiên Chúa

Virút không có tính cách tôn giáo. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản nó có chiều kích tôn giáo. Virút côrôna xuất hiện vào thời điểm mà hầu như nhiều người trong xã hội cảm thấy không cần đến Chúa. Đối với những người này, Thiên Chúa từ lâu đã được thay thế bằng bánh mì và rạp xiếc. Những thú vui hiện đại cho thấy rằng chẳng cần thiên đàng. Các tệ nạn hậu hiện đại tuyên bố chẳng sợ địa ngục.

Tuy nhiên, virút côrôna có khả năng kỳ lạ khiến cho thiên đường vật chất của chúng ta biến thành địa ngục. Con tàu du lịch, biểu tượng của mọi thú vui trần gian, trở thành nhà tù gieo mầm bệnh cho những hành khách vốn phải tìm mọi cách để thoát ra. Những người đã biến thể thao trở thành thần tượng bây giờ lại thấy các sân vận động trống rỗng và các giải đấu bị hủy bỏ. Những người ngưỡng mộ tiền bạc bây giờ đang chứng kiến danh mục đầu tư bị suy giảm và lực lượng lao động bị cách ly. Những người tôn thờ giáo dục nhìn vào các trường và đại học trống rỗng của họ. Các tín đồ của chủ nghĩa tiêu thụ phải đối mặt với kệ siêu thị trống rỗng. Thế giới chúng ta tôn thờ đang sụp đổ. Những điều mà chúng ta vinh danh cũng đang bị hủy hoại.

Một con vi khuẩn bé nhỏ đã lật nhào những thần tượng từng được cho là vô cùng ổn định, mạnh mẽ và lâu bền. Nó đã khiến những kẻ tôn thờ chúng phải khuỵ đầu gối xuống. Nhưng người ta vẫn khẳng định rằng mình không cần đến Chúa. Người ta sẽ chi ra hàng nghìn tỷ đô la với hy vọng viển vông nhằm vá víu những thần tượng đang bị vỡ toang này.

Thiên Chúa đang bị xua đuổi.

Tuy nhiên, có một khía cạnh của cuộc khủng hoảng từ virút côrôna còn tồi tệ hơn. Quả là tệ hại khi Thiên Chúa bị thay thế hoặc bị bỏ qua một bên. Người ta còn tiến thêm một bước nữa: Thiên Chúa bị trục xuất khỏi hiện trường; Người bị cấm hành động.

Trong số các biện pháp hà khắc đã được đề ra, có việc các quan chức chính phủ cấm cử hành phụng tự công khai. Ở Ý, người ta đã cấm cử hành các Thánh lễ, ngừng việc rước lễ và xưng tội. Thánh đường và việc cử hành các bí tích bị coi là một dịp truyền nhiễm, đối xử không khác gì một sự kiện thể thao hoặc một buổi hòa nhạc.

Đến lượt mình, giới truyền thông chế giễu Giáo hội khi tuyên bố rằng ngay cả Chúa cũng đã tự cách ly.

Một cuộc khủng hoảng về đức tin

Đáng buồn thay, một số chức sắc trong Giáo hội quá nhiệt thành tuân thủ các biện pháp như vậy. Họ tước bỏ quyền của các tín hữu được hưởng các bí tích vào lúc cần nhất. Họ còn vượt xa những gì các quan chức yêu cầu, thậm chí đến mức không để nước thánh và thay thế chúng bằng các dụng cụ khử trùng. Họ không khuyến khích việc cử hành các Nghi thức sau cùng.

Thậm chí còn cấm cả những phép lạ nữa. Các viên chức nhà thờ đơn phương đóng cửa phòng tắm có sức chữa bệnh kỳ diệu tại Lộ Đức, nước Pháp! Nguồn nước kỳ diệu đó hẳn đã chữa lành mọi thứ bệnh mà nhân loại biết đến. Phải chăng virút côrôna này còn nguy hiểm chết người hơn?

Đó là thực trạng Đức tin của chúng ta trong cuộc khủng hoảng.

Giải pháp nằm trong việc làm cho đức tin thêm sinh khí

Một số người có thể phản đối khi cho rằng muốn có thái độ phi thế tục đối với virút thì phải có một bước nhảy vọt về đức tin. Tuy nhiên, chúng ta phải hỏi đó là bước nhảy vọt nào về đức tin – tín thác vào Giáo hội là Mẹ hay vào bàn tay lạnh lùng của một Nhà nước đã chứng tỏ không có khả năng giải quyết các vấn đề xã hội?

Chúng ta có đủ lý do để tín thác vào Chúa. Vấn đề là chúng ta có để cho người ta cư xử với Giáo hội như thể Giáo hội không biết gì về việc chữa lành thân xác và linh hồn. Người ta đã quên mất rằng Giáo hội là một người mẹ. Giáo hội thành lập các bệnh viện đầu tiên trên thế giới trong thời Trung cổ. Nền tảng của y học hiện đại bắt nguồn từ sự thái độ quan tâm của Giáo hội đối với người bệnh. Giáo hội chăm sóc từng bệnh nhân như với chính Chúa Kitô. Vì thế, Giáo hội đã cắt cử các linh mục, nam nữ tu sĩ đến chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người nghèo và người ốm đau trên toàn thế giới. Trải qua các thời đại, giữa những cơn dịch bệnh và dịch hại, người ta thấy Giáo hội hiện diện ở giữa họ, chăm sóc những người bị nhiễm bệnh bất chấp bao nhiêu là hiểm nguy.

Trên hết, Giáo hội chăm sóc linh hồn của những người đau khổ. Giáo hội vỗ về, an ủi và xức dầu cho người lâm cơn hoạn nạn. Giáo hội duy trì vô số linh địa, như Lộ Đức, nơi những người hành hương mà nhờ lòng tin họ được ân thưởng sự bình an trong tâm hồn, chữa lành và phép lạ.

Trong thời kỳ có dịch bệnh, toàn thể các cộng đoàn có thể dâng lên lời cầu nguyện để xin Chúa đến giúp đỡ cái xã hội tội lỗi cần đến lòng thương xót của Người. Lịch sử đã chứng minh rằng những lời cầu nguyện này thường được lắng nghe.

Khi Giáo hội hành động như thế là ngăn không cho những khủng hoảng như virút côrôna trở thành vô nhân đạo và có tính áp đảo. Tựa như một người mẹ, Giáo hội đem đến sự an ủi và hy vọng trong những lúc tối tăm. Giáo hội nhắc nhở rằng chúng ta không hề cô đơn và phải luôn luôn trông cậy vào Chúa. Thật vô nghĩa khi gạt Thiên Chúa ra khỏi cuộc chiến chống lại virút côrôna.

Quay về với Chúa

Thật vậy, cuộc khủng hoảng virút côrôna nên là một lời kêu gọi từ bỏ xã hội vô thần của chúng ta.

Cuộc khủng hoảng này có nguy cơ vượt ra ngoài cuộc khủng hoảng sức khỏe và làm suy giảm nền kinh tế (Mỹ). Vì thế chúng ta phải đặt nghi vấn vì lẽ gì mà Thiên Chúa lại bị thay thế, bị bỏ qua một bên và bị loại trừ. Đã đến lúc phải quay về với Thiên Chúa, bởi chỉ có một mình Người mới cứu chúng ta thoát khỏi thảm họa này.

Trở về với Chúa không có nghĩa là dâng lên một lời cầu nguyện tượng trưng hoặc tổ chức một đám rước với hy vọng quay lại cuộc sống tội lỗi và những thú vui khôn lường. Thay vào đó, nó phải bao gồm lời cầu nguyện chân thành, hy sinh và đền tội như lời Đức Mẹ đã kêu gọi tại Fatima năm 1917.

Quay về với Thiên Chúa bao hàm một sự sửa đổi đời sống khi đương đầu với một thế giới thù ghét luật pháp Chúa và ngăn ngừa sự hủy diệt của nó. Điều đó có nghĩa là hành động như Giáo hội đã luôn luôn làm, theo công lý, khôn ngoan, bác ái, nhưng, trên hết, là với đức tin và lòng tin tưởng. Tất cả những phương dược này của Giáo hội, đầy tràn sự êm ái và có sức chữa lành, đều nằm trong tầm tay của các tín hữu.

Trở về với Chúa không có nghĩa là chúng ta phủ nhận vai trò của chính phủ trong việc xử lý các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, đức tin phải là thành phần chính yếu của bất kỳ giải pháp nào. Thiên Chúa đang hiện diện cùng chúng ta. Chúng ta hãy đặt niền cậy trong vào Bí tích Thánh Thể, là sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa trong thế giới và là Đấng đã dựng nên ta. Chúng ta cũng hãy khẩn cầu với Mẹ Thiên Chúa, là Đức Trinh Nữ Maria, Người là Sức khỏe của bệnh nhân và là Mẹ của Lòng thương xót.


Source:Return To Order
John Horvat II là một học giả, nhà nghiên cứu, giáo dục và diễn giả quốc tế. Ông là tác giả cuốn Return to Order. Ông hiện là Phó Chủ tịch của American Society for the Defense of Tradition, Family and Property.