Nữ tu Nuala Kenny trình bầy phần đầu tiên trong 4 phần của cuộc hội thảo trực tuyến về việc bảo vệ an toàn cho trẻ em và các người dễ bị thương tổn do Liên hiệp Quốc tế Các Bề trên Cả tổ chức; bà đặt căn bản của việc bảo vệ an toàn trẻ em nơi chính tác phong của Chúa Giêsu đối với trẻ em.



Covid-19 đã buộc mọi người hiểu việc dễ bị thương tổn có nghĩa ra sao. Nữ tu Nuala Kenny đã khởi đầu bài trình bầy của bà như thế. Tựa đề đầy đủ bài trình bầy của bà là “Việc bảo vệ an toàn cho các Trẻ em, giới trẻ và các người trưởng thành dễ bị thương tổn và nhu cầu phải có một nền thần học nhất quán về tuổi thơ”. Gần 800 người khắp thế giới đã tham dự cuộc hội thảo trực tuyến này. Nhiều người khác xem ấn bản trực tuyến trên các trang mạng của Liên hiệp Quốc tế Các Bề trên Cả và Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Các Vị Thành Niên.

Muốn cho bất cứ việc bảo vệ an toàn nào được hữu hiệu, Nữ tu Nuala cho hay “cần một nền văn hóa về bảo vệ an toàn”, nếu không “các chính sách và giao thức đều không hữu hiệu”. Bà nói tiếp, trẻ em tại nhiều nơi trên thế giới chìm đắm trong một nền văn hóa vốn góp phần gây hại cho chúng. Chúng trở thành đối tượng của lạm dụng, văn hóa khiêu dâm trẻ em, nạn lao động trẻ em, buôn người, buộc phải đi lính v.v... Chính nền văn hóa bên trong Giáo Hội cũng đã “liên tiếp thất bại trong việc bàn đến các niềm tin và thực hành” vốn cổ vũ việc lạm dụng và bác bỏ, và việc đáp ứng nhất quán, bất thích hợp của giới lãnh đạo trong nhiều thế kỷ.

Dễ bị thương tổn và các vấn đề có tính hệ thống

Nữ tu Nuala nhận định rằng “Bất cứ mối liên hệ nào trong đó bất cứ người nào được tín nhiệm đều “có thể bị mất mát và lạm dụng”. Tuổi thơ là giai đoạn trong đó, con người nhân bản học cách biết bảo vệ tính dễ bị thương tổn của mình. Những ai bị lạm dụng lúc còn thơ, do đó, đặc biệt tan nát cõi lòng. Nữ tu Nuala giải thích “để một đứa trẻ bị lạm dụng, cần có một số điều kiện sẵn có. Các điều kiện này tạo cơ sở để người ta lạm dụng một đứa trẻ, tạo cơ sở trong đó các cơ chế bảo vệ trẻ em thông thường bị vượt qua". Nữ tu cho rằng: Khi một linh mục là người lạm dụng, thì “tai hại gấp đôi” đã diễn ra. Có người còn nói đó là việc “sát hại linh hồn”.

Hoán cải trong gia đình

Theo Nữ tu Nuala, việc hoán cải cần diễn ra là một diễn trình trong đó các thực hành lâu đời nào không phản ảnh gương sáng của Chúa Giêsu thì cần được nhận diện và biến đổi. Việc này bắt đầu từ gia đình, vốn là nơi hàng đầu để dưỡng dục và che chở trẻ em. Bất cứ nền thần học về tuổi thơ nào, do đó, cũng cần loại bỏ các khía cạnh gây hại tới “các giáo hội tại gia” của chúng ta, như: con cái là mục đích của hôn nhân, có con mới chứng tỏ nghị lực nam tính, con trai đáng quí hơn con gái, đức tin là chuyện nhiệm ý...

Hoán cải trong Giáo Hội

Trong Nhiệm thể Chúa Kitô, việc hoán cải này có nghĩa: chúng ta hiểu điều hợp nhất chúng ta hơn điều phân chia người ta thành những phạm trù hay tư thế chuyên biệt. Nó cũng đòi “cuộc đối thoại có ý nghĩa”. Bà cho hay “chúng ta được kêu gọi lớn tiếng chống lại bất công” nhất là khi người dễ bị thương tổn bị nhắm tấn công. Không lớn tiếng như thế là cho phép việc lạm dụng tiếp tục diễn ra. Các ý tưởng về luân lý tính cần được hoán cải từ việc nói về hành vi tội lỗi vốn dễ dàng được tha thứ trong toà giải tội qua việc hiểu cái tác hại mà các hành vi tội lỗi ấy gây ra cho người khác. Sau cùng, Nữ tu Nuala minh họa ý tưởng đương thịnh coi hoạt động phò sinh chỉ nhắm tác phong tính dục và phá thai. Theo bà, ý niệm phò sinh cần mở rộng để bao hàm việc che chở bất cứ ai, nhất là người dễ bị thương tổn, chống lại bất cứ loại tai hại nào.

Xử sự với trẻ em như Chúa Giêsu đã xử sự với chúng

Nữ tu Nuala tin rằng việc hoán cải cần có để cung cấp một nền văn hóa thân thiện với trẻ em là việc hoán cải khiến chúng ta bén rễ sâu “vào chính Chúa Giêsu và việc săn sóc và đụng chạm của Người đối với trẻ em”. Nữ tu Nuala nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu quan tâm đến trẻ em. Người chữa lành cả bé trai lẫn bé gái và trách mắng các môn đệ khi các ngài ngăn cản các em lại gần Người. Nữ tu cũng nhắc mọi người nhớ rằng chính một trẻ em đã cung cấp các ổ bánh và con cá để Chúa Giêsu nhân thừa và nuôi ăn đám đông (xem Ga 6:9). Chúa Giêsu cũng đã biểu lộ “sự giận dữ chính đáng” và những lời nói nghiêm khắc đối với những người gây hại cho trẻ em (xem Mt 18:5-8).

Kết luận, Nữ tu Nuala nói rằng “Trong Giáo Hội của Chúa Giêsu, chúng ta phải cung cấp điều Chúa Giêsu cung cấp cho các trẻ em của Người”.

Kỳ tới: Cha Zollner: Bảo vệ an toàn cho trẻ em trên mạng