Theo Vatican News ngày 30 tháng 6, 2020, Liên hiệp Quốc tế Các Bề Trên Cả (UISG) vừa tiết lộ 2 sáng kiến trong buổi hội thảo trực tuyến hôm nay về Nạn nhân học và Mô hình An toàn Tương quan (Victimology and the Relational Safety Model).
Nữ tu Pat Murray, Thư ký Chấp hành của Liên hiệp Quốc tế Các Bề Trên Cả công bố hai sáng kiến này trước khi buổi hội thảo bắt đầu. Bà cho hay: vào ngày 22 tháng 6, buổi hội thảo đầu tiên diễn ra là của Ủy Ban Hỗn hợp giữa Liên hiệp Quốc tế Các Bề Trên Cả và đối tác nam của nó là Liên hiệp Các Bề trên Cả. Ủy ban hỗn hợp này bao gồm 5 đại diện của mỗi tổ chức, và nó “sẽ hướng dẫn các cố gắng của chúng tôi trong tương lai nhằm làm việc với các thánh bộ và các cơ quan khác về việc bảo vệ các vị thành niên và người lớn tuổi dễ bị thương tổn”.
Chưa hết, Nữ tu Pat cho hay: còn có “hai khai triển khác”. Liên hiệp Quốc tế Các Bề Trên Cả đã thiết lập hai văn phòng: Văn phòng Săn sóc và Bảo vệ, và Văn phòng Công Giáo Săn sóc Trẻ em Quốc tế. Nữ tu giải thích “cùng với nhau, hai văn phòng này tạo thành một sáng kiến khắp thế giới để tham gia với các cơ quan đang tập chú vào việc di chuyển trẻ em từ việc săn sóc có tính định chế qua việc săn sóc có tính gia đình”.
Viễn kiến bảo vệ an toàn
Buổi hội thảo trực tuyến sau đó đã diễn tiến với diễn giả khách là Tiến sĩ Gabriel Dy-Liacco, tâm lý gia, cha của 5 đứa con từ Phi Luật Tân, và là thành viên sáng lập của Ủy Ban Giáo Hoàng về Bảo vệ Các Vị thành niên.
Tiến sĩ Dy-Liacco bắt đầu cho hay: “Bảo vệ an toàn là một sứ mệnh, chứ không phải là một nghĩa vụ phải thực hiện”. Đây không phải là ý tưởng của ông, mà là của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người cũng coi việc bảo vệ an toàn cho trẻ em là một phần của việc tân phú âm hóa. Tiến sĩ Dy-Liacco nói: Trở ngại tồi tệ nhất cho sứ mệnh này trong Giáo hội là sự sợ hãi. Chỉ có thể khắc phục nỗi sợ hãi này bằng “linh đạo, và cảm thức ơn gọi”; chúng sẽ giúp chúng ta trở nên sinh hoa kết trái nhiều hơn vì chúng ta phục vụ tất cả những ai trong Giáo hội đang phải chịu bất cứ hình thức lạm dụng nào.
Nạn nhân học
Tiến sĩ Dy-Liacco trình bày ba điều kiện cần thiết để lạm dụng xảy ra, đặt ra chu kỳ của nạn nhân học. (1) Một người dễ bị tổn thương hiện diện trước một (2) người phạm tội, kẻ luôn lạm dụng quyền lực của mình, trong khi (3) không có người giám hộ có nhiệm vụ bảo vệ người dễ bị tổn thương. Tiến sĩ Dy-Liacco nói rằng: Bất cứ khi nào một đứa trẻ hiện diện trước một kẻ phạm tội trong khi không có người giám hộ, có 90% khả năng đứa trẻ này sẽ bị lạm dụng.
Ông nói, trong trường hợp Giáo Hội, điều đang thiếu là khả năng Giáo Hội trở thành người bảo vệ. Ông bảo “Chúng ta đã không trông chừng tốt các vị thành niên và những người dễ bị tổn thương của chúng ta”. Thực thế, “chúng ta có điều ngược hẳn lại: bác bỏ các cáo buộc, che đậy các sự kiện, cung cấp nhiều nguồn lực cho những người phạm tội để phục hồi, nhưng không bao nhiêu cho các nạn nhân”. Ông so sánh sự lan tràn các loại thừa tác vụ khác ở cấp giáo phận trong Giáo hội, như Thừa tác vụ Tuổi Trẻ và Chăm sóc Sáng thế. Tuy nhiên, cùng một sự phổ biến như thế đã không diễn ra trong việc bảo vệ trẻ em ở mọi giáo phận của Giáo hội.
Các người phạm tội trong Giáo Hội
Tiến sĩ Dy-Liacco sau đó trình bày các số liệu thống kê từ Hoa Kỳ, Úc và Đức, nơi các nghiên cứu về việc giáo sĩ lạm dụng tình dục các vị thành niên đã được tiến hành và có thể được coi là đáng tin cậy. Một thống kê cho thấy những người phạm tội hàng loạt bắt đầu phạm tội ngay trong năm đầu tiên được phong chức và không phân biệt nạn nhân hoặc bạn tình của họ dựa trên tuổi tác hoặc phái tính. Tác phong chung đối với cả những người phạm tội hàng loạt và những người thỉnh thoảng mới phạm tội là cách họ tán tỉnh các nạn nhân của họ một cách đầy chú ý, tặng quà và đặc quyền để rù quyến nạn nhân tuân theo các yêu cầu của họ.
Một thống kê khác cho thấy các linh mục được điều trị vì lạm dụng tình dục vị thành niên là những người có nhiều xác suất từng bị lạm dụng trong quá khứ. Tỷ lệ này cao hơn nhiều ở các linh mục so với 20% nơi công chúng. Các linh mục từng lạm dụng tình dục trẻ em biểu lộ sự khó khăn trong việc duy trì các mối tương quan với người lớn khác nhưng duy trì một cách dễ dàng các mối tương quan với thiếu niên. Họ cũng có xu hướng đối phó với căng thẳng qua các tác phong nghiện ngập khác như lạm dụng rượu hoặc thức ăn, hoặc tham gia bài bạc.
Những nghiên cứu này cũng cho thấy 80% linh mục từng lạm dụng tình dục các vị thành niên cũng có mối quan hệ tình dục với người lớn của cả hai giới. Do đó, thống kê cho thấy xu hướng tính dục không dự đoán được việc một linh mục sẽ phạm tội. Điều có thể dự đoán hành vi phạm tội là việc có thể tiếp cận những người dễ bị tổn thương mà không có sự giám sát của những người lớn khác đóng vai trò người giám hộ.
Giáo Hội như người giám hộ
Tiến sĩ Dy-Liacco nói rằng lời khuyên bảo đầu tiên chống lại các mối quan hệ tình dục của đàn ông với con trai tìm thấy trong Didaché, được viết vào năm 80AD; việc này chứng thực: đây là một vấn đề đã có trong Giáo hội từ rất lâu. Tiến sĩ Dy-Liacco nói “đáp ứng định chế của chúng ta đang được cải thiện nhưng đang thụt lùi ở một số nơi trên thế giới”. Sau đó, ông chỉ ra các nhân tố có tính cơ cấu vốn tích lũy như thế trong Giáo hội, gây khó khăn trong việc cung cấp môi trường an toàn cho trẻ em. Các nhân tố này bao gồm một mức độ cô lập cao về phía các linh mục giáo phận và ít có sự giám sát trực tiếp.
Thứ hai, ông nói rằng các nhà lãnh đạo Giáo hội, trong lịch sử, đã tập trung đáp ứng của họ vào các linh mục thủ phạm, thay vì vào những người bị lạm dụng. Nó được xử lý một cách bí mật vì các hệ thống bí mật giáo hoàng (pontifical secret) và các hệ thống khác, một điều, cuối cùng, đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô dỡ bỏ vào tháng 12 năm 2020. Trước đây, các linh mục phạm tội được gửi đi điều trị, trở lại thừa tác vụ và được chuyển đến một giáo xứ khác, thường chỉ để tái phạm. Ngày nay, họ được nghỉ phép hành chính và các năng quyền (faculties) bị hạn chế.
Tại sao điều này xảy ra
Trong một định chế hoàn toàn chống lại các hành vi khủng khiếp như vậy, Tiến sĩ Dy-Liacco đặt câu hỏi, “Tại sao? Tại sao nó xảy ra trong Giáo hội và tại sao nó lại diễn ra quá lâu như thế? ” Câu trả lời của ông: Điều đó xảy ra vì các thành viên trong Giáo hội đã bỏ qua vai trò làm người giám hộ của họ và các thành viên khác trong Giáo hội đã sử dụng người thuộc quyền săn sóc của mình để thỏa mãn các nhu cầu rối loạn của chính mình thay vì đưa họ về với Chúa.
Các mức độ bảo vệ
Tiến sĩ Dy-Liacco giải thích, vai trò của người giám hộ có ba cấp độ. Nó bắt đầu với việc tự chăm sóc mình của người cung cấp việc bảo vệ. Người bảo vệ trước hết phải an toàn với chính mình để có thể an toàn với người khác và đảm bảo sự an toàn cho người khác. Những người này sau đó tạo thành một mạng lưới với những người lớn an toàn khác để tạo ra một cộng đồng an toàn. Hai nhân tố này sau đó xây dựng các hệ thống hoặc cơ cấu an toàn trong đó thừa tác vụ an toàn có thể được cung cấp trong một môi trường an toàn.
An toàn là an toàn ra sao?
Cả ba cấp độ cần phải có mặt để bảo đảm cho Giáo hội trở thành một nơi an toàn cho mọi người, đặc biệt các trẻ em và những người dễ bị tổn thương khác. Tiến sĩ Dy-Liacco nói, trong một tổ chức như vậy, những kẻ phạm tội sẽ không bị che giấu, các nạn nhân sẽ không bị truyền lệnh phải giữ im lặng và mọi người trưởng thành đặt ưu tiên để các biện pháp bảo vệ an toàn được thực hiện. Tiến sĩ Dy-Liacco kết luận bằng cách đặt câu hỏi, “Giáo hội cần an toàn đến mức nào? An toàn như chính mô hình của Giáo Hội: an toàn như Chúa Kitô”, Đấng cho phép trẻ em đến gần và nói rằng bất cứ ai xúc phạm chúng nên có một cối xay buộc quanh cổ và ném xuống biển...
Kỳ tới: Giáo sư Caffo “Chăm sóc Trẻ em sau cơn cấm cách – đại dịch thay đổi ra sao các mối tương quan của chúng ta? ”