NIỀM VUI TRỌN VẸN

Trong tâm tình chờ đón Chúa Giê-su giáng sinh, Mẹ giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta trút bỏ nỗi phiền muộn, vẻ mặt u ám, tâm trạng buồn tủi, và mặc lấy tâm hồn tín thác, con tim hoan hỷ, vui mừng với lòng cảm mến vô biên mà chúng ta cùng nhau dâng lên Chúa qua lời nguyện Nhập lễ “Anh chị em hãy vui luôn trong Chúa...” (Gaudete in Domino semper). Vì vậy, Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng còn được gọi là Chúa Nhật Hân Hoan (Gaudete Sunday), và chủ tế mặc áo lễ màu hồng để diễn tả niềm vui chờ đón Chúa Cứu thế.

Qua các bài đọc hôm nay, chúng ta có thể thấy một điểm chung, đó là: niềm hân hoan, lòng vui sướng vì Chúa đã gần đến. Niềm hoan hỷ, vui mừng này không phải cảm xúc hay tâm trạng nhất thời, chóng qua, nhưng tiên vàn là lòng hoan lạc xuất phát từ tâm hồn bình an, tín thác, chia san mà Thiên Chúa ân ban cho chúng ta. Như lời tiên tri Xê-phô-ni-a loan báo cùng dân Is-ra-en trong bài đọc I: “Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội” (Xp 3, 17-18). Tuy nhiên, trong tâm tình chờ đón, mong đợi Đấng Cứu thế, chúng ta nên hung đúc ngọn lửa của lòng hoan lạc và niềm hân hoan như thế nào?

Câu trả lời không đâu xa, mà rất gần gũi với chúng ta, đó là lời Thánh Phao-lô khuyến khích các tín hữu giáo đoàn Phi-líp-phê trong bài đọc II “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!...anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 4,4-7) Ông bà ta có câu: “vui không quên nhiệm vụ”. Thật chí lý, khi chúng ta vui mừng quá đỗi, chúng ta thường quên đi những gì nên làm và công việc phải làm. Do đó, để sống niềm hân hoan chờ đón Chúa giáng sinh, chúng ta nên khắc ghi trong tâm khảm của mỗi người chúng ta: lòng tín thác. Khi chúng ta đặt niềm tin vào Thiên Chúa thì chúng ta phó dâng tất cả cho Ngài trong mọi hoàn cảnh, mọi thời khắc của cuộc đời. Chẳng những cuộc sống hiện tại, mà mọi sự phía trước, những kế hoạch, dự định của chúng ta. Hơn nữa, niềm tín thác này dẫn chúng ta đến tâm tư luôn mong mỏi được kết hợp mật thiết với Chúa qua đời sống cầu nguyện. Nơi đó, ta gặp gỡ, chuyện trò, kết tình thân với Ngài. Nơi đó, ta đặt hết niềm tín thác nơi Ngài và Ngài cũng hết lòng tin tưởng chúng ta. Nơi đó, ta mong mỏi chờ đợi Ngài, và cũng chính nơi đó Ngài đang mong đợi ta vứt bỏ con người tội lỗi, những tính hư nết xấu mà quay trở về với Ngài.

Với lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa, chúng ta sẽ không còn ưu tư, sầu não, lo lắng không đâu nữa, và như vậy, chúng ta sẽ trung thành với đời sống cầu nguyện. Vì khi cầu nguyện chúng ta sẽ không còn bồn chồn, lo âu; ngược lại, khi chúng ta âu lo, não nề với vô vàn sự việc thế gian thì chúng ta sẽ không thể cầu nguyện được, tâm hồn sẽ chẳng được bình an và vui mừng! Hơn nữa, ngọn lửa của niềm hân hoan mong đợi Đấng Cứu Thế cần phải được hung đúc, cháy lên với lòng ước ao chia san với hết mọi người. Chẳng ai trong chúng ta có thể vui một mình được, mà nếu có đi chăng nữa, thì niềm vui ấy không được trọn vẹn! Những người đến gặp Gio-an Tẩy Giả ước ao được hưởng trọn niềm hân hoan mà Đấng Cứu Thế hứa ban qua lời tiên tri của ông, nên hỏi ông rằng: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì đây?” (Lc 3, 10). Và con thiết nghĩ, ai ai trong chúng ta cũng muốn đặt câu hỏi này với Gio-an Tiền Hô! Trong trình thuật Phúc m mà chúng ta đọc hôm nay, Gio-an Tẩy Giả trả lời rất cụ thể cho từng thành phần trong xã hội thời bấy giờ, nhưng chung quy lại là: để hưởng được niềm vui trọn vẹn, chúng ta hãy biết chia san, chu toàn bổn phận của mình với lòng mến, và lấy lòng nhân ái đối xử, giúp đỡ nhau. Sau cùng, biết khiêm hạ nhận mình là ‘người đến sau’, là ‘người dọn đàng’ như Gio-an Tiền Hô mà thôi “...tôi không xứng đáng cởi quai dép cho Người. Chính Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3, 16) Lòng khiêm tốn, khiêm nhu giúp chúng ta biết chính bản thân; giúp chúng ta sống hòa nhã, nhẫn nại, đơn sơ, chân thành, chia sẽ niềm vui với hết mọi người, đặc biệt trong gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, nơi công sở và xã hội. Lòng khiêm nhu chân thành dẫn đưa chúng ta đến một tâm hồn biết ơn, cảm tạ. Trong tinh thần ấy, niềm hân hoan, vui mừng sẽ được hung đúc, chia san, và trở nên trọn vẹn khi ta chờ đón Chúa Giáng Sinh.

Ma-na-ra-tha! Lạy Chúa Giê-su xin hãy đến đổi mới tâm trí, cõi lòng chúng con để chúng con xứng đáng lãnh nhận niềm hoan hỷ đích thật, lòng vui mừng khôn tả mà Ngài ban xuống cho thế trần. Ước gì niềm vui sướng, hoan lạc ấy cháy lên trong con qua lòng tín thác vào Chúa, tâm hồn khiêm nhu, tấm lòng biết mở ra chia san với hết mọi người. Amen!