1. Cần có sự châu phê của Tòa thánh đối với các Dòng Tu mới trong các Giáo hội Phương Đông
Trong một Tông thư được ban hành dưới dạng Tự sắc - 'motu proprio', Đức Thánh Cha Phanxicô sửa đổi điều luật trong giáo luật nói về sự phê chuẩn của Tòa thánh đối với các dòng tu trong các Giáo hội Phương Đông, cần phải có sự chấp thuận của Tòa Thánh về việc nhìn nhận cách hợp pháp các Hội Dòng và Tu Hội mới theo pháp luật của các Thượng phụ của các Giáo hội Đông Phương.
(Tin Vatican)
Đức Thánh Cha Phanxicô, với Tông thư ban hành Tự sắc "Ab Initio", đã sửa đổi các điều luật 435 §1 và 506 §1 liên quan đến việc Giáo Hội châu phê các Hội dòng hoặc các Tu đoàn mới theo luật của các Thượng phụ cai quản các Giáo hội Phương Đông.
Những sửa đổi mới về Giáo luật là các Giám mục Thượng phụ phải nhận được văn bản châu phê của Tòa Thánh như là một phán quyết cuối cùng, trong việc thành lập một Hội Dòng hay một Tu đoàn theo luật của các Thượng phụ cai quản các Giáo Hội Công Giáo Đông phương.
Tông thư được công bố sau Tự sắc “Authenticum charismatis” được ban hành vào ngày 4 tháng 11 năm 2020, trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉnh sửa lại phần giáo luật của Giáo hội Lamã, đòi hỏi phải có sự chấp thuận bằng văn bản của Tòa thánh trong việc thành lập các Dòng Tu.
Các chỉnh sửa này được ban hành trên tờ L’Osservatore Romano và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 8 tháng 12. Sau đó, những luật mới này được xuất bản chính thức trong một Văn thư của Tòa Thánh.
Mở rộng các Gia đình Hội Dòng
Tông thư ghi nhận rằng ngay từ những ngày đầu của Giáo hội, một số tín hữu đã được kêu gọi “dâng hiến cuộc đời mình cách đặc biệt cho Thiên Chúa và phục vụ anh chị em mình, các chứng nhân này đã rời bỏ cuộc sống xã hội ồn ào mà sống nếp sống đan tu, sau này trở thành các tu sĩ sống theo những lời khuyên Phúc âm, với lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục.” Như Tông thư diễn tả tất cả được bắt đầu bằng những kinh nghiệm cá nhân trong các giáo hội phương Đông, và sau đó được lan tỏa ra ở phương Tây bằng đời sống chung được qui định bằng những Hiến luật và Quy chế và sự tuân phục bề trên.
Vì thế như cây được trồng trong cánh đồng của Chúa, “nhiều hình thức Tu đoàn và đời sống cộng đồng, như các gia đình tu sĩ đã được nẩy sinh một cách kỳ diệu và đa dạng, đáp ứng những nhu cầu của các thành viên trong các gia đình cộng đoàn khác nhau nhằm giúp thăng tiến và mưu ích cho toàn thể Giáo hội Chúa Kitô ”(Hiến chế Tín lý Vui mừng và Hy vọng “Lumen Gentium’’ §43).
Tòa thánh và các Hội Dòng mới
Tông thư nhấn mạnh thêm rằng Giáo hội chào đón các hình thức khác nhau của đời sống thánh hiến như là một “biểu hiện của sự phong phú các hồng ân của Chúa Thánh Thần”. Tuy nhiên, thẩm quyền của Giáo hội - đặc biệt là các vị chủ chăn của các Giáo hội địa phương cần giải thích cho các Tu Đoàn chấn chỉnh các cách sống của họ và từ đó, kiến tạo thành các hình thức sống ổn định, tránh được tình trạng đáng tiếc như “sự chào đời các Tu đoàn không có lợi hoặc không có một đoàn sủng thực sự!” (Quy chế về Đời sống Thánh Hiến - Perfectae caritatis số §19).
Về vấn đề này, Tòa Thánh có trách nhiệm đồng hành với các vị mục tử trong quá trình phân định, dẫn đến việc Giáo hội châu phê một Tu đoàn mới hoặc một Tu hội mới theo luật của các Thượng phụ Đông Phương. Tòa Thánh cũng là người thẩm định cuối cùng để kiểm tra tính xác thực của ơn đoàn sủng của vị sáng lập.
Tiến trình luật pháp tương tự như trên cũng được áp dụng cho toàn thể Giáo hội.
Trong một cuộc phỏng vấn của đài Vatican, ký giả Gabriella Ceraso phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Giorgio Demetrio Gallaro, Thư ký của Thánh Bộ đặc trách về Giáo hội Đông phương, ngài thích rằng qua Tông thư ngày 4 tháng 11 về “Ơn Đoàn Sủng Chân chính”, “Authenticum Charistmatis” và những chỉnh sửa mới, Đức Thánh Cha Phanxicô đang đặt ra một luật pháp tương tự cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo, cả phương Đông lẫn phương Tây.
Đức Tổng Giám Mục cho hay thêm rằng kể từ Công đồng Vatican II, đã phát sinh nhiều hình thức mới cho đời sống thánh hiến và các Hội Dòng, đôi khi có những sự trùng lắp giống nhau…
Để tránh những trường hợp trùng lắp như vậy, cần phải có văn bản cho phép của Tòa Thánh đối với các Tu Đoàn trong Giáo hội Latinh và Phương Đông về các Tu Đoàn và Tu hội cho Đời sống Thánh hiến tu trì và các Tu Hội Đời cho các việc Tông đồ, cũng như cho các Tu đoàn tương tự trong các Giáo hội Phương Đông.
2. ĐTC Phanxicô kỷ niệm 51 năm linh mục
Được thụ phong linh mục ngày 13 tháng 12 năm 1969, vị Giáo hoàng tương lai đã khám phá ra ơn gọi của mình mười sáu năm trước đó, vào ngày 21 tháng 9 năm 1953, vào ngày lễ Thánh Mátthêu.
(Tin Vatican)
Năm mươi mốt năm trước, ngày 13 tháng 12 năm 1969; chỉ vài ngày trước ngày sinh nhật thứ ba mươi ba của mình, thầy Jorge Mario Bergoglio đã được thụ phong chức linh mục.
Mười một năm trước đó, ngày 11 tháng 3 năm 1958, ngài đã vào nhà tập Tu hội Dòng Tên, và chưa đầy bốn năm sau, ngài được khấn dòng, và đã tuyên khấn trọng thể vào ngày 22 tháng 4 năm 1973.
Một kinh nghiệm gặp gỡ
Vị Giáo Hoàng tương lai đã khám phá ra ơn gọi của mình vào năm 1953, vào ngày 21 tháng 9 - lễ thánh Mátthêu. Vào ngày đó, cậu thanh niên 17 tuổi, Jorge Bergoglio đi ngang qua một giáo xứ mà cậu theo học khi còn ở Buenos Aires, cậu cảm thấy cần phải đi xưng tội. Cậu thấy một linh mục mà cậu không biết, và lần hòa giải đó đã thay đổi cuộc đời của cậu.
Đức Thánh Cha Phanxicô sau này kể lại: “Đối với tôi, đây là một kinh nghiệm gặp gỡ.” Phát biểu trong thánh Lễ Vọng Hiện Xuống ngày 18 tháng 5 năm 2013, Đức Thánh Cha nói về chuyến viếng thăm một nhà thờ cách đây rất lâu, “Tôi cảm thấy như có ai đó đang đợi tôi. Tuy nhiên, tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, tôi không thể nhớ, tôi không biết tại sao vị linh mục đó lại ở đó! hoặc tại sao tôi cảm thấy muốn đi xưng tội, dường như, sự thật là có ai đó đang đợi tôi. Người đó đã đợi tôi lâu rồi. Sau khi xưng tội, tôi cảm thấy có điều gì đó đã thay đổi tôi. Tôi không còn là tôi trước đó nữa! Tôi nghe văng vẳng một cái gì đó như một giọng nói, hoặc một lời mời gọi… và tôi đã bị thuyết phục mình phải nên trở nên một linh mục”.
Chàng Jorge Bergoglio đã cảm nghiệm được một sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa trong cuộc đời mình, cảm thấy trái tim mình rung động và cảm nhận được sự tuôn tràn của lòng thương xót Chúa, với ánh nhìn đầy trìu mến dịu dàng, Chúa đã gọi ngài bước vào đời tu, theo gương Thánh Ignatiô thành Loyola. Chính trong giai đoạn này, ngài đã cảm hứng lựa chọn một phương châm sống mà sau này đã trở thành huy hiệu Giám mục, và Giáo hoàng của ngài là “Miserando atque eligendo” (Chúa nhìn âu yếm và gọi) được trích từ bài giảng của Chân phước Bede (Hom. 21; CCL 122, 149-151), khi Ngài đề cập đến đoạn Tin Mừng viết về ơn gọi của Thánh Matthêu, như ngài viết: “Vidit ergo lesus publicanum et quia misrando atque eligendo vidit, ait illi sequere me” (Chúa Giêsu đã nhìn thấy người thu thuế và vì đã nhìn thấu thánh nhân qua ánh mắt thương xót và chọn thánh nhân khi Chúa nói: “Hãy theo Ta”).
Các linh mục trong trái tim của Vị Giáo Hoàng
Đức Thánh Cha Phanxicô thường tâm sự với các linh mục trong các bài giảng và phát biểu của mình. Đặc biệt, trong năm nay, ngài đã đề cập đến các linh mục nhiều lần liên quan đến cơn đại dịch hiện tại và những dấn thân của các ngài với tín hữu, trong các tình huống nguy ngập về sức khỏe.
Trong Thánh lễ “Truyền Dầu” (Chrism) bị hoãn lại trong năm nay, vì những hạn chế của cơn dịch Covid-19, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết một Tâm thư gửi các linh mục của Giáo phận Rôma, trong đó Đức Thánh Cha nồng nhiệt ngỏ lời với các mục tử của dân Chúa, những người đã “tận tay đụng chạm tới nỗi đau của dân chúng,” luôn ở gần họ, chia sẻ với họ và giúp họ trong bước đường hành trình của niềm tin yêu hy vọng... “Là một cộng đoàn các linh mục,” ĐTC Phanxicô viết, “chúng ta không xa lạ gì trước những tình huống này; chúng ta đã không nhìn chúng qua cánh cửa sổ! mà vượt qua mọi thử thách, chúng ta tìm cách để hiện diện và đồng hành với cộng đoàn của mình; khi sói đến, chúng ta không bỏ chạy hay bỏ bầy chiên”.
Đức Thánh Cha kêu gọi các linh mục hãy khôn ngoan, nhìn xa trông rộng mà dấn thân; hãy nhìn về tương lai, ĐTC đề cập tới các thách đố của các linh mục “phát triển khả năng lắng nghe một cách chú ý nhưng với niềm hy vọng, thanh thản nhưng kiên cường, kiên trì nhưng không hãi sợ.”
ĐTC kết thúc lá thư của mình, bằng lưu ý rằng "Là các linh mục, thuộc dòng tộc tư tế, chúng ta phải có trách nhiệm về tương lai và kế hoạch cho dân chúng như những người anh chị em của chúng ta."
Tinh thần tông đồ của các linh mục
Sau đó, khi nói với các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế của miền Lombardy ở Pháp, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại “lòng nhiệt thành mục vụ và sự chăm sóc sáng tạo”, người đã “giúp mọi người tiếp tục hành trình đức tin, chứ không giam mình trong nỗi đau và hãi sợ."
ĐTC nói: “Cha rất ngưỡng mộ tinh thần dấn thân tông đồ của rất nhiều linh mục, những người đã khích lệ anh chị em mình qua điện thoại, hoặc đi gõ cửa từng nhà và hỏi han: ‘Anh chị em có cần gì không? Tôi sẽ mua cho... '. “Những linh mục này đã sát cánh cùng đoàn chiên của mình, để quan tâm, chia sẻ cuộc sống hàng ngày: Các ngài là dấu chỉ cho thấy sự hiện diện ủi an của Chúa.” Sau đó, ĐTC nói thêm: “Đáng tiếc một số các linh mục trong số đó đã tử vong, các bác sĩ và các nhân viên y tế cũng thiệt mạng”; và ĐTC nhớ đến nhiều linh mục đã bị nhiễm bệnh, nhưng “cám ơn Chúa” các ngài đã được chữa lành. ĐTC cám ơn tất cả các giáo sĩ ở Ý, "những người đã hiên ngang làm chứng cho lòng dũng cảm và tình yêu dành cho đoàn chiên."