Theo Vatican News, trong một bài báo đăng trên tờ "La Civiltà Cattolica" ngày 31 tháng 12, 2020, Đức Hồng Y Michael Czerny, phó Tổng thư ký phụ trách Phần Di Dân và Người Tị Nạn của Thánh Bộ Cổ Vũ Việc Phát Triển Toàn Diện Con Người, đã suy tư về tính đồng nghị (“synodality”) trong Giáo Hội và trong huấn quyền của Đức Thánh Cha Phanxicô.



Theo đó, tính đồng nghị không phải chỉ là “một diễn trình ra quyết định” nhưng là “nét căn bản của bản sắc Giáo Hội”.

Theo Đức Hồng Y, tính đồng nghị là cách trong đó “Giáo Hội điều hướng mọi chi thể của mình tới việc cùng chịu trách nhiệm với nhau, thăng tiến các đặc sủng và thừa tác vụ của họ, và tăng cường các dây liên kết yêu thương”. Theo chiều hướng này, nó tìm được các tiền đề của nó trong Lumen gentium: trong Hiến chế tín lý của Công đồng Vatican II này, “tầm quan trọng của giáo dân trong đời sống Giáo hội được bao gồm”, vì họ được kêu gọi tham dự vào việc cai quản Giáo hội “tùy theo nhiệm vụ, vai trò và cách sống của họ”. Nhưng không phải chỉ có thế: Đức Hồng Y Czerny nhấn mạnh rằng trong khi tính hợp đoàn (collegiality) chuyên biệt nói “đến việc thi hành thừa tác vụ của các giám mục”, thì tính đồng nghị là một khái niệm “rộng hơn”, vì nó “ngụ ý sự tham gia và sự can dự của toàn thể dân Chúa vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội ”. Đây là ý nghĩa mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho chữ “Thượng hội đồng”; nghĩa là, không những chỉ cảm thức về “cơ cấu giáo hội”, mà còn là cảm thức về “hình thức hiệp thông hữu hình”, về “con đường huynh đệ giáo hội, trong đó, mọi người đã được rửa tội đều đích thân tham gia và đóng góp”.

Đức Hồng Y viết bằng cách trích dẫn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tính đồng nghị là con đường mà Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba”, một Giáo hội, “giống như một kim tự tháp ngược”, “hòa hợp mọi chủ thể có liên quan với nó: dân Chúa, Hợp đoàn Giám mục, Người kế vị Thánh Phêrô ”. Có thể tìm thấy một giải thích rõ ràng về khái niệm này trong Tông huấn Evangelii gaudium, trong đó tính đồng nghị được định nghĩa là “điều kiện tiên quyết không thể thiếu để tạo cho Giáo hội một động lực truyền giáo đổi mới”. Đặc biệt, nơi giáo dân, Giáo hội “có nhiều điều để học hỏi”, chẳng hạn trong các lĩnh vực “lòng đạo đức bình dân, cam kết chăm sóc mục vụ thông thường, năng lực văn hóa và sự chung sống xã hội”. Đến nỗi, như Thánh John Henry Newman đã nói, “Giáo hội sẽ bị coi là ngu ngốc nếu không có họ”. Tất nhiên, theo Đức Hồng Y Czerny, có những trở ngại, làm nổi bật việc thiếu sự đào tạo thỏa đáng và não trạng giáo sĩ trị khiến tín hữu giáo dân “rơi vào vai trò phụ thuộc cấp dưới”. Tuy nhiên, đó là những trở ngại cần phải vượt qua, vì “việc cùng chịu trách nhiệm của toàn thể dân Chúa trong sứ mệnh của Giáo hội” đòi hỏi sự tham gia tích cực hơn nữa của hàng ngũ giáo dân. Trong bối cảnh này, Đức Hồng Y cũng nhắc đến Tông Hiến Episcopalis communio, được Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành vào năm 2018: một văn kiện“ đánh dấu sự tiến bộ đối với Công đồng Vatican II ” vì nó “chuyển dịch các lập luận lý thuyết thành thực hành của Giáo hội ”. Lắng nghe trở thành chìa khóa: của dân Chúa, của các mục tử và của Giám mục Rôma. Chỉ bằng cách này, sự thực dụng đồng nghị mới có thể bắt đầu, và chỉ bằng cách này, “tính hợp đoàn mới phục vụ tính đồng nghị”.

Đức Hồng Y Czerny cũng quả quyết rằng một công cụ thiết yếu khác để thực thi tính đồng nghị là việc “ưu tiên chọn người nghèo”, một điều vốn “không phải là sở thích thuộc bản chất xã hội học, mà là một ưu tiên thần học đúng nghĩa, vì nó dẫn ta trở lại với hành động cứu rỗi của Thiên Chúa”. Không hề nói lên “sự tốt bụng ngây thơ”, lựa chọn này “nên được nhìn nhận như một phần cấu tạo ra các Tin Mừng và diễn trình biến đổi do Công đồng khởi xướng”: Quả thế, vào thời điểm đó, có lập luận cho rằng Giáo hội nên di chuyển khỏi “một thực hành bác ái kiểu phúc lợi”, trong đó người nghèo chỉ là “đối tượng” của việc chăm sóc, để bước vào “việc nhìn nhận họ như thành viên của dân Chúa và là chủ thể của việc giải phóng chính họ”. Điều gì đúng lúc đó cũng đúng vào lúc này; và không phải ngẫu nhiên mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi phải có sự hội nhập “hữu hiệu và cụ thể” các người nghèo, người di cư, người tị nạn và những người phải tản cư trong nước, thúc giục chúng ta đừng “có ném các chương trình phúc lợi từ trên cao xuống”, mà hãy nhìn nhận những người này như “các tác nhân tích cực của việc rao giảng tin mừng”. Vị Phó Tổng thư ký của Vatican nhấn mạnh “Cuộc gặp gỡ với người nghèo là một cơ hội thuận lợi để chính mình được Chúa Kitô truyền giảng tin mừng”.

Đức Hồng Y Czerny nhắc nhở chúng ta rằng từ đây cũng phát sinh việc bảo vệ Sáng Thế, “ngôi nhà chung của chúng ta”: chăm sóc môi trường và quan tâm đến người nghèo có liên quan mật thiết với nhau. Thật vậy, “Mọi sự đều được liên kết với nhau”, như Thông điệp thứ hai của Đức Thánh Cha Phanxicô, “Laudato sí: về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” đã quả quyết. Nhưng làm thế nào để tính đồng nghị phát triển trong Giáo hội? Đức Hồng Y đề nghị “khởi động các diễn trình hoán cải”, nhằm “việc hiệp thông bao gồm”, nghĩa là bao gồm mọi thành tố của dân Chúa, đặc biệt là người nghèo. Nếu không có sự “chấp nhận lẫn nhau”, thì các cơ cấu giáo hội, các công cụ hiệp thông, “có thể không đủ để đạt được mục đích mà do đó, chúng đã được tạo ra”.

Phần cuối cùng của bài báo của Đức Hồng Y Czerny nói về phương thức hoạt động của Đức Thánh Cha Phanxicô: Đức Giáo Hoàng “không có những ý tưởng đóng gói sẵn để áp dụng vào thế giới thực, cũng không có một kế hoạch ý thức hệ về những cải cách làm sẵn”, cũng không có “các chiến lược được hình thành trên bảng vẽ” để “có được kết quả thống kê tốt hơn ”. Đúng hơn, Đức Giáo Hoàng tiến bước “dựa trên cơ sở kinh nghiệm tâm linh và cầu nguyện”, một điều được ngài chia sẻ “trong đối thoại, tham vấn, trong đáp ứng cụ thể với các tình huống dễ bị tổn thương, đau khổ và bất công”. Từ đó dẫn đến việc “cam kết và tiêu chuẩn hàng đầu đối với mọi hành động xã hội của dân Chúa là lắng nghe tiếng than của người nghèo và của trái đất, và nhớ lại các nguyên tắc căn bản trong học thuyết xã hội của Giáo hội”, bao gồm “phẩm giá bất khả nhượng của con người, đích đến phổ quát của hàng hóa, tính tối thượng của tình liên đới, đối thoại hướng tới hòa bình, và chăm sóc ngôi nhà chung”.