Nhân gian ta có câu “nhà cháy mới ra mặt chuột”. Những lúc bình an, vui sướng thì ai cũng là bạn là bè, nhưng khi túng quẫn, muộn phiền mới biết ai là bè là bạn. Thế giới chúng ta vẫn đang đối mặt với dịch bệnh hoành hành; tuy một số nước đã tiêm chủng ngừa, nhưng biến thể ngày càng trầm trọng. Trong lúc ấy, các nước nghèo từ trước tới giờ vẫn còn loay hoay, vật lộn với tai ương, đại dịch và nay với vác-xin.
Như chúng ta biết: trước kia, chứng bệnh phong hủi là căn bệnh không có thuốc chữa trị. Ai mà mắc phải, thì rời khỏi gia đình, sống tách biệt một mình như sách Lê-vi quy định: “Vậy ai mắc bệnh phong cùi, và tư tế ra lệnh phải ở riêng, thì phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và la to rằng mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế. Bao lâu người đó còn mắc bệnh phong cùi và ô uế, họ phải ở riêng một mình ngoài trại” (Lv 13, 44-46). Như vậy, xem ra họ bị cô lập, bị mọi người xa lánh, và hơn hết, họ buộc cắt đứt mối liên hệ với cộng đồng.Thật đáng thương biết bao!
Tuy nhiên trong Tin Mừng, Đức Giê-su vẫn để người bệnh phong cùi tiến lại gần tiếp xúc với Người, và van xin “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch” (Mc 1, 40). Vì Đức Giê-su đến không phải để lên án, mà là để giải thoát và chữa lành, nên Ngài chẳng ngần ngại trực tiếp, đứng bên người phong cùi, mặc dù lề luật không cho phép. Hơn nữa, do lòng bao dung, nhân từ và thương xót sâu thẳm, Ngài đã chữa lành cho người ấy khỏi căn bệnh hiểm ác này, “Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi! Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch”” (Mc 1, 41-42). Dĩ nhiên, sau khi trình diện tư tế rằng mình đã lành bệnh, thì người ấy được trở lại đời sống cộng đồng, được trở lại với gia đình, với bạn bè, được kết nối tình thân với hết mọi người trên phương diện thể lý cũng như tâm linh, tôn giáo.
Ngày nay, căn bệnh phong hủi không còn bất khả trị, mà đã được điều trị tốt trong các trung tâm, làng cùi. Tuy họ sống tập trung một nơi, có thể cách xa, nhưng chúng ta vẫn được tiếp xúc, chuyện trò, thăm hỏi thoải mái, không quá khắt khe như xưa. Như vậy, tuy sống xa, nhưng không bị tách rời khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, điều đáng buồn thay, chứng phong hủi đương đại vượt lên trên khía cạnh thể lý hay tinh thần này. Mặc dù sống trong gia đình, trong cộng đoàn, trong giáo xứ, họ vẫn bị cô lập, họ bị bỏ mặc, chẳng được yêu mến, quan tâm! Vốn là thành viên trong giáo xứ, cộng đoàn, và gia đình, nhưng họ bị loại ra như kẻ phong hủi. Hơn nữa, thái độ xa rời, biệt lập, chẳng muốn chung đụng hay không muốn chịu trách nhiệm, cộng tác. v.v…sớm muộn gì cũng dẫn chúng ta đến chứng bệnh hủi ghê gớm này.
Ngược lại, những ai mắc phải chứng hủi đương đại lại chẳng buồn quay về kết nối với gia đình, với cộng đoàn, với giáo xứ, mà họ vẫn muốn ở mãi trong tình trạng khốn đốn ấy. Họ thà chịu ô uế, nhơ nhớp, dơ bẩn, xiềng xích nơi tối tăm của tội lỗi, đam mê, kết bè phái, nhóm tư lợi, âm mưu dè bỉu, “ném đá giấu tay”, “gắp lửa bỏ tay người”, phao tin đồn thổi, thay vì đơn thuần truyền tải nội dung trên mạng xã hội, thì nay đóng vai trò “xuất bản” và tự quy định ngăn chặn tự do truyền thông đích thật, hơn là “quay vào bờ”, mong được giải thoát, được rời xa tình trạng “phong cùi đương thời” này. Trong đời sống đạo, tuy lành lặn về thể chất, nhưng tâm hồn chúng ta có lẽ đang mắc chứng bệnh hủi biến chứng, nào là sống xa cách, từ chối mở lòng đón nhận anh chị em, khư khư não trạng, thói quen vô lối của bản thân, tự cao tự đại, phô trương, đạo đức giả, “ngôn hành bất nhất”, sống bằng câu cửa miệng, nhưng không thật sự thực hành giới răn bác ái, tha thứ, yêu thương anh chị em, v.v…
Đối diện với cách sống, lối nghĩ suy theo thói đời do chứng bệnh phong hủi đương đại mang lại, chúng ta là con cái Chúa, là người Ki-tô hữu, cần chạy đến khẩn nài cùng Đức Giê-su như anh bị bệnh cùi năm xưa đã quỳ xuống van xin Người: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch” (Mc 1, 40), và học đòi noi gương thánh Phao-lô đã một lòng sống theo hình mẫu tối ưu nơi Đức Ki-tô Giê-su: “Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Đức Ki-tô” (1Cr 11, 1). Cụ thể, sống chính trực, công bình, tha thứ, yêu mến hết thảy mọi người, trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, nơi mọi lãnh vực, công việc, ngay cả khi sinh hoạt thường nhật, và nhất là đừng làm cớ vấp phạm cho anh chị em khác, đừng làm gương xấu trong đời sống gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, hội dòng, “…dầu anh em làm việc gì, cũng hãy làm mọi sự cho sáng danh Chúa…, đừng nên cớ vấp phạm…không tìm điều gì lợi ích cho mình, nhưng tìm điều lợi ích cho nhiều người, để họ được cứu rỗi” (x. 1Cr 10, 31-33).
Lạy Chúa, xin đoái thương đến con
Sống trong tối tăm còn vương vấn
Phong hủi chứng bệnh bất cần
Giày xéo tâm hồn vạn lần ngày qua.
Con kêu cầu thiết tha nài van
Chữa lành con nồng nàn chan chứa
“Hủi đương thời” sáng chiều trưa
Tẩy sạch trong trắng, dẫn đưa con về… Amen!