Nhiều người trong chúng ta có thể đã hỏi ít nhất một lần trong đời rằng: Đức Giê-su vào hoang địa, chịu cám dỗ để làm gì? Ngài là Ngôi Lời, là Thiên Chúa, thì chắc chắn sẽ chiến thắng mọi cơn xúi giục, lôi kéo, cám dỗ của ma quỷ, điều này không đúng sao? Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Nước Trời cách công khai, biến cố Đức Giê-su chịu cám dỗ có ý nghĩa gì? Hơn hết, cuộc chiến chống lại cám dỗ của Ngài có cần thiết và hệ trọng đối với chúng ta, đặc biệt trong đời sống đạo của mỗi người chúng ta chăng?
Đây chỉ là một số câu hỏi, thiết nghĩ chúng ta đôi lần cũng tự đặt ra cho mình, cũng như cho những ai có trách nhiệm giảng dạy, đào tạo và đồng hành thiêng liêng. Tuy nhiên, ở đây, chúng ta không cố gắng tìm lời giải đáp cho tất cả mọi nghi vấn, câu hỏi mà chúng ta đặt ra. Cho bằng, chúng ta cùng đặt bản thân mình vào các bài đọc hôm nay, nhất là đoạn Tin Mừng ngắn ngủi này, hy vọng chúng ta sẽ tìm thấy, sẽ khám phá điều gì Chúa muốn nói với chúng ta trong Mùa Chay Thánh này: “Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giê-su vào hoang địa và Ngài ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Sa-tan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Ngài” (Mc 1, 12-13).
Như chúng ta biết, sau khi Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan, thì Ngài được Thần Khí thúc đẩy đưa vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ, nơi đó Ngài ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày (x. Mt 3, 16 - 4, 2; Lc 3, 21- 4, 2). Như thế, đây không đơn giản là cuộc chiến chống lại cơn cám dỗ đơn thuần, mà đúng hơn, qua biến cố này, Đức Giê-su để lại tấm gương quý giá, và bộc lộ khả năng thần thiêng nơi con người, bởi lẽ con người được Thiên Chúa dựng nên giống Ngài và theo hình ảnh Ngài (Imago Dei). Thật sự, con người đã sa ngã, phạm tội, không giữ lời hứa với Thiên Chúa (x. hình ảnh A-đam và E-và ăn trái cấm), nhưng tiềm ẩn trong con người vẫn không mất đi tính thần thiêng, cũng chẳng mất đi khả năng chống lại cơn cám dỗ của ma quỷ. Thánh Sử Mác-cô không kể chi tiết Đức Giê-su đã chịu cơn cám dỗ ra sao, và Ngài đã chiến đấu với những cơn cám dỗ thế nào; nhưng Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu và Lu-ca cho chúng ta thấy rõ ba loại cám dỗ chính liên quan đến vật chất (tiền bạc), quyền lực và danh vọng (x. Mt 4, 2-11; Lc 4, 2-13). Đức Giê-su đã dùng Lời Chúa, dùng việc ăn chay cầu nguyện và sự tín thác kiên vững của Ngài mà chống lại sự xúi giục của ma quỷ. Đây chính là cách chúng ta soi vào, noi gương Ngài mỗi khi bị cám dỗ, hoặc có những xu hướng lệch lạc, khiến chúng ta xa rời Thiên Chúa, hoặc đối nghịch với giáo lý Giáo Hội.
Giữa thời đại này, có quá nhiều kiểu cám dỗ, vô vàn loại hình lôi kéo chúng ta bỏ đàng công chính, sống buông thả theo lối ‘đến đâu hay đến đấy’. Một trong nhiều thứ cám dỗ mà chúng ta cảm nhận rõ rệt ngày nay, đó là: ‘chẳng sao đâu, anh (chị) vẫn còn nhiều thời gian/thời giờ mà!’, ‘để sau cũng được mà! Chứ vội vàng (xưng tội, ăn năn sám hối…) làm chi!’, ‘hôm nào tiện thì làm (ví dụ: chần chừ đi xưng tội, phạm hết tội nhẹ đến tội trọng, nhưng dự định gộp một lần rồi xưng tội) luôn một thể’, đặc biệt khi sống làm việc ở xứ người, vừa không biết ngôn ngữ vừa biếng nhác, chưa trưởng thành trong đời sống đạo. Ngoài ra, một loại cám dỗ khác cũng khá phổ biến thời nay, đó là: ‘hành vi/hành động sai/xấu nhưng nếu chẳng ai bắt được tận tay, thì xem như bình thường’, ví dụ: ăn cắp vặt, ăn trộm vặt, nếu không ai thấy thì hành vi sai trái ấy vẫn coi như chẳng có gì nghiêm trọng cả. Như chúng ta biết hành vi sai trái, tội lỗi ở bản chất nó thì cho dù khi thực hiện có ai bắt được hay có ai thấy hay không, hành vi đó vẫn sai trái, tội lỗi. Hơn thế, một thứ cám dỗ khác như thể ‘vàng thật vàng thau lẫn lộn’, ấy là: hành động sai ngay tại bản chất của nó, nhưng nếu nhiều người làm thì nó lại trở nên bình thường như ‘bình chân như vại’! Một hành vi xấu xa ở bản chất của nó, thì cho dù nhiều hay ít người làm đi chăng nữa, nó vẫn là hành vi sai trái. Tuy ba kiểu cám dỗ thời đại này tinh vi, và hầu như phải chiến đấu nội tâm, nhưng ở mức độ nào đó, chúng vẫn liên quan đến tiền-tài-tình hoặc tiền tài-quyền lực-danh vọng-sắc dục.
Với tấm gương kiên định chống lại cám dỗ của Đức Giê-su, và trong niềm tín thác “Chúa Ki-tô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Ngài là Đấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa” (1Pr 3, 18), thì chúng ta vượt thắng mọi cơn cám dỗ. Nhờ vào lòng nhân từ Chúa, gia đình ông No-ê (gồm tám người) được cứu khỏi lụt đại hồng thuỷ (x. St 8-9) và Ngài đã ký kết giao ước với ông qua dấu chỉ ‘chiếc cầu vòng’ (‘cái mống’ hoặc ‘cây cung trên trời’ như một số bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt sử dụng), rằng: Thiên Chúa sẽ không trừng phạt như vậy nữa; thay vào đó, Ngài khoan dung, nhân từ, nhẫn nại, chờ đợi con người. Ngài thanh tẩy và ban cho con người một lương tâm ngay thẳng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa hằng sống (x. 1Pr 3, 21-22). Nhờ đó, chúng ta thêm mạnh sức, chống chọi với mọi cám dỗ, mọi xúi giục, mọi lôi kéo của ma quỷ, hòng tách rời chúng ta xa lìa Thiên Chúa. Với đời sống cầu nguyện liên lỉ bền bỉ, ăn chay hãm mình đền tội, và tận tâm làm việc bác ái yêu thương trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta sẽ luôn cảm nghiệm Chúa nâng đỡ, và đồng hành qua Giáo Hội; chúng ta sẽ được thông phần vào mầu nhiệm Thương Khó-Tử Nạn-Phục Sinh của Đức Ki-tô.
Giờ đây, chúng ta thành tâm dâng lời nguyện cầu:
Chúa đã chiến thắng cám dỗ thế nào
Xin cho chúng con chẳng nao lòng vậy
Kiên vững chống lại ma quỷ xấu thay
An chay, cầu nguyện, tháng ngày yêu thương. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng