Trong thánh lễ Chúa Nhật Thứ Sáu Mùa Phục sinh tại nhà thờ St Germain l’Auxerrois, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit đã khai triển một câu trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan: “Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con” (Ga 15:12).
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ toàn văn bài giảng của ngài qua phần trình bày của Anh Chi.
Anh chị em thân mến! Chúng ta thường bắt đầu những lời khuyên nhủ của mình đối với các Kitô hữu bằng cách nhắc đến lòng yêu mến nhau. Tình huynh đệ là quan trọng đối với chúng ta, vì chúng ta có cùng một Cha. Qua phép rửa tội, chúng ta đã trở thành con cái Chúa. Chúa Kitô nhắc nhở chúng ta: “Anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (Mt 23: 9). Trước Chúa Giêsu Kitô, hình tượng người cha này đã hiện diện như được đề cập đến trong Thánh Vịnh 103: “Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.” Chúa Giêsu cho chúng ta thấy Lòng Thương Xót của Thiên Chúa tiến xa đến mức nào trong dụ ngôn về đứa con hoang đàng mà chúng ta biết rất rõ. Như Cha đã yêu thương chúng ta, chúng ta hãy yêu mến nhau.
Tình huynh đệ được ghi khắc trên tiền sảnh của các tòa thị chính của chúng ta cùng với tự do và bình đẳng. Gần đây khi nói chuyện với một số ủy viên hội đồng thành phố của chúng ta, tôi thấy mối quan tâm của họ là làm thế nào để có thể xây dựng lại tình huynh đệ giữa người Pháp với nhau sau thời gian bị cách ly, sau những rào cản, những khoảng cách mà chúng ta phải tôn trọng; và sau khi cái chiêu bài “Chúng ta hãy bảo vệ nhau” xem ra đã thay thế cho điều răn của Chúa Giêsu “Hãy yêu thương nhau”.
Đối với tôi, dường như trong các cộng đồng Kitô của chúng ta, chúng ta phải tạo ra không gian cho tình huynh đệ, nơi mọi người cảm thấy được chào đón trong tình trạng hiện nay của họ, và là nơi có thể coi là ngưỡng cửa cho những người chưa biết Chúa Giêsu Kitô.
Hôm nay chúng ta nghe thấy một điều khó tin đối với nhiều người: “Thầy gọi anh em là bạn hữu của Thầy”. Đây là những lời từ một vị Thiên Chúa đến giữa loài người để kết bạn với chúng ta. Điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây. Trong tất cả các nền văn minh, Thiên Chúa luôn là đấng vô hình, đấng là nguyên ủy của mọi sự, là đấng siêu việt mà chúng ta phải tôn thờ và đứng trước Ngài chúng ta chỉ có thể cúi đầu cung kính. Một vị Thiên Chúa lại tự biến mình thành bạn của chúng ta sao? Triết gia Michel de Montaigne định nghĩa tình bạn như một cuộc gặp gỡ của tâm hồn. Chúng ta cũng có thể nói rằng khi chúng ta là bạn bè, chúng ta có cùng chiều dài tâm hồn. Nếu chúng ta có cùng chiều dài tâm hồn với Chúa, thì chúng ta là một tôn giáo của tình bạn.
Chúng ta là bạn bè với nhau hay anh em với nhau? Một người anh của tôi khi còn là một thiếu niên thường nói: “Bạn bè chúng ta chọn được, anh em trong gia đình thì rán mà chịu”. Khi còn bé, tôi cảm thấy một chút tổn thương khi nghe những lời này. Nhưng bây giờ, khi những người bạn cũ của anh ấy không còn nữa và về già, anh ấy ngày càng gắn bó hơn với gia đình. Đối với tôi, là anh em với nhau có nghĩa là học cách yêu nhau trong sự khác biệt, vì anh chị em đã không chọn nhau. Làm bạn với nhau là chọn những người có thể chia sẻ những chuyện riêng tư của chúng ta.
Sống trong một gia đình mở rộng tầm nhìn của chúng ta vì trong cùng một gia đình, chúng ta rất khác nhau về những lựa chọn và quan điểm sống. Thường thì bạn bè của chúng ta là những người giống như chúng ta. Học cách yêu mến và sự dịu dàng trong bối cảnh một gia đình sẽ cho phép chúng ta sống trong xã hội với những người khác nhau. Đây là những gì đang xảy ra trong cộng đồng của chúng ta, nơi mọi người có nguồn gốc khác nhau đến với nhau, nơi những đối đầu nhạy cảm phải nhường bước cho lòng nhân từ. Ít nhất, đó là những gì cần phải được thực hiện. Và đây là vai trò chính của các cha xứ: hãy hiệp nhất cộng đoàn của ngài.
Làm sao chúng ta có thể hiểu được tình bạn mà Chúa Kitô dành cho chúng ta? Thưa: Chúng ta phải nhận ra mối nguy hiểm giữa chính chúng ta. Cảm xúc cá nhân, thường được gọi là sự đồng cảm, là một chút gì đó giống như các thuật toán của điện thoại di động, khóa chúng ta trong vòng vây của những người suy nghĩ hoặc tìm kiếm những điều tương tự như chúng ta.
Nhưng trong tình bạn mà Chúa Kitô trao ban, có một điều gì đó rất khác. Không phải ta chọn Chúa làm bạn, chính là Người chọn ta. Vì vậy, đó không phải là một cảm xúc cá nhân gắn kết chúng ta, nhưng là một ân sủng đến từ Thiên Chúa, ân sủng tình bạn.
Chúa Giêsu phán “Đây là điều răn của Thầy: hãy yêu thương nhau.” Đối với nhiều người, đây là một nghịch lý. Thật vậy, theo kinh nghiệm của chúng ta, tình yêu là cảm giác xuất phát từ con tim, không phải là một mệnh lệnh.
Tuy nhiên, qua mệnh lệnh này, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng tình yêu đích thực không đến từ sự đồng cảm tự nhiên với những người yêu thương chúng ta hoặc những người giống chúng ta. Tình yêu là ân sủng của Thiên Chúa, cho phép chúng ta yêu kẻ thù của mình để cảm nghiệm tình yêu vô điều kiện theo hình ảnh của Người: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu các em” (Ga 15:12). Chúng ta là anh chị em với nhau để trở thành bạn bè của tất cả mọi người. Đó thật là một ơn gọi cao cả.
Source:Paris Catholique