Lại một cha nữa trong Dòng ra đi. Lần này là cha Giuse Trần Ngọc Thao. Một tuần mà ba cha về với Chúa là quá nhiều!
Thật là buồn! Tôi buồn ngây người ra! Tôi ngồi viết những dòng này mà nước mắt chảy dài. Vì tôi biết ngài là một trong những người yêu thương tôi nhất và nâng đỡ tôi nhiều nhất.
Vì trong Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, ngài là một trong những người tôi kính yêu nhất, là một trong những cha có đời sống tu hành mẫu mực nhất, có đóng góp nhiều nhất trong việc xây dựng Nhà Dòng và Giáo Hội.
Thánh Alfonso nói rằng nếu viết đúng thì tiểu sử của mỗi vị thánh phải dầy ít nhất gấp đôi.
Viết đúng là viết cả những giới hạn, yếu đuối và tội lỗi mà con người ai cũng có. Ai bảo mình không có thì đấy là người nói dối. Thánh Gioan nói vậy.
Nhưng với cha Giuse Trần Ngọc Thao qu ả thật ngài có nhiều nhân đức và công trạng mà tôi khó có thể kể hết.
Tôi kể một số điều liên quan đến ngài, với tư cách là chứng nhân. Vì 6 năm ngài làm Bề trên Giám tỉnh của tôi, gần 7 năm làm Giám đốc Học viện và giáo sư của tôi, 3 năm làm Bề trên Cộng đoàn của tôi và 6 năm phòng tôi và phòng ngài ở cạnh nhau vì thế ngài và tôi thường trò chuyện và chia sẻ với nhau.
Ngài kể ngài sinh ra ở Bên Thôn, Thạch Thất, Sơn Tây, nhưng ông cố của ngài làm nghề dạy học và từ lúc ngài còn rất nhỏ cả nhà đã chuyển về Hà Nội, sống ở ngõ nhà giáo, phố Nam Đồng, gần nhà thờ Thái Hà, tức ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng nay, vì vậy ngài nói giọng Hà Nội chứ không nói giọng líu lo khó nghe của người Bến Thôn thời trước.
Ngài sinh hoạt Hùng Tâm Dũng Chí ở Nhà thờ Thái Hà và gia nhập Đệ Tử viện DCCT ở đây.
NGÀI LÀ MỘT NGƯỜI LỊCH SỰ, NHÃ NHẶN VÀ CHUẨN MỰC TRONG LỐI SỐNG NÓI CHUNG, ĐẶC BIỆT TRONG ĂN MẶC, TRONG ĂN NÓI, TRONG GIAO TIẾP VÀ ỨNG XỬ.
Không bao giờ thấy ngài mặc quần short hay maillot, lúc nào cũng áo sơ mi bỏ trong quần, đi giầy tây hoặc sandales, đầu tóc chải chuốt đâu vào đó.
Anh em trong Dòng nói vui đố ai biết đùi cha Thao thế nào! Vì ngay khi ra khỏi phòng tắm về phòng riêng thì đã thấy ngài ăn mặc chỉnh tề rồi.
Ngài ăn nói từ tốn. Chăm chú lắng nghe và tôn trọng người đối thoại. Dù không bằng lòng điều gì thì ngài cũng không bao giờ lớn tiếng.
Ngài gọi chúng tôi, bằng tên riêng hoặc bằng anh và xưng là mình hoặc tôi. Nhưng khi chúng tôi đã làm linh mục, thì ngài gọi là cha dù chúng tôi chỉ là học trò và bề dưới của ngài, chỉ đáng tuổi con cháu ngài.
Khi phải nhắc bảo ai cái gì thì ngài đắn đo, cẩn trọng và nhắc nhở cách tế nhị vô cùng.
Ngài duy trì một thời gian biểu rất khoa học. Giờ nào ngày nào với ai ở đâu việc gì đều rất rõ ràng và chính xác. Chính xác đến từng phút từng giây một.
Thí dụ, 6:30 sáng ngài đi dạy học, nhưng nếu dắt xe máy ra sân mà còn thiếu một hai phút thì ngài cứ ngồi đợi trên xe; khi nào kim đồng hồ chỉ đúng 6: 30 thì ngài mới khởi hành.
Tôi chưa thấy ai ứng xử theo sát các phép nhân bản Tây và Ta chu đáo và toàn diện hơn ngài.
NGÀI LÀ NGƯỜI HIỀN LÀNH, BIẾT THÔNG CẢM VÀ LUÔN TÌM CÁCH GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC.
Thần sắc ngài trên thực tế trông tốt đẹp và phúc hậu hơn trên các ảnh chụp. Ngài không phải là người "ăn ảnh."
Dung nhan ngài, nhất là ánh mắt và cái miệng lúc nào cũng như đang mỉm cười với người khác. Chưa cần phải sống với ngài, chỉ cần nói chuyện với ngài ta thể cảm nhận được lòng nhân từ và độ lượng của ngài.
Cha Antôn Trần Thế Phiệt, năm nay 74 tuổi, thuộc lớp học trò và bề dưới đầu tiên của ngài, có dịp nói với anh em trong Dòng rằng các anh em sinh viên thế hệ ngài gọi Cha Giuse Trần Ngọc Thao là “Trần Được Anh”, vì đến trình bày và xin phép ngài điều gì ngài cũng nói “Được anh!”
Đến năm 1999, khi Tuân em tôi mới xong Trung học và vào Sài Gòn, tôi xin phép ngài ngày Chúa nhật dẫn em đi công viên Đầm Sen chơi và trưa không ăn cơm ở nhà. Ngài bảo tôi làm bề trên bao nhiêu năm giờ mới lần đầu thấy có anh xin phép đi công viên. Ngài phì cười và rồi cũng nói “Được Khải” và cho tôi 10 nghìn như tôi xin và chúc anh em tôi đi chơi bình an vui vẻ.
Những năm 90 ở Học viện chúng tôi, một số anh em vẫn còn hút thuốc. Có cha thấy anh em hút thuốc thì làm um lên. Mấy hôm sau, đến giờ gặp chúng tôi, ngài nói: “Tôi thông cảm với anh em! Nếu anh em chưa bỏ ngay được và nếu thèm thuốc quá, có hút thì cũng hút cách nào đó để tránh gây cớ vấp phạm cho người khác!”
Ngài khuyên anh em bỏ thuốc lá, nhưng ngài không lấy việc này để làm áp lực trên đời tu của chúng tôi.
Ngài không ác cảm người có ý kiến khác mình. Tôi là bề dưới của ngài, nhiều lần tôi có ý kiến khác ngài, thế nhưng ngài vẫn yêu thương và tôn trọng tôi, hơn nữa còn khích lệ tôi bằng lời nói và việc làm.
Ngài luôn cố gắng giúp đỡ chúng tôi hết sức và mong muốn cho chúng tôi trở nên hoàn thiện hơn trong mọi việc.
Rất nhiều bài viết, bài dịch của tôi lúc còn trong Học viện cũng như khi đã làm linh mục và sống bên cạnh ngài đã được sửa chữa và góp ý. Dù chỉ là một mảnh giấy nhắn tin, nếu tôi viết sai chính tả hay ngữ pháp thì ngài cũng sửa bằng bút đỏ hết sức cẩn thận và gửi lại cho tôi.
Ngài quảng đại và thông cảm trong lối sống bao nhiêu thì khắt khe và đòi hỏi trong công việc chuyên môn bấy nhiêu. Tôi biết mình viết chẳng dễ dàng gì, nếu bây giờ tôi viết bớt sai, thì có hai người đã sửa tôi nhiều nhất là ngài và trước đó là cha Vũ Ngọc Bích ở Hà Nội.
Tôi đặc biệt cảm nhận được tình yêu thương và sự giúp đỡ của ngài trong cái chết của cậu tôi năm 1998 ở Biên Hòa. Ngài đã cùng các cha trong Dòng sắp xếp để tôi đưa cậu từ Biên Hòa về làm đám tang tại Học viện và chính ngài cử hành lễ an táng cho cậu tôi tại nhà thờ Kỳ Đồng.
NGÀI LÀ NGƯỜI CỞI MỞ, KHIÊM TỐN VÀ BIẾT LẮNG NGHE Ý KIẾN CỦA NGƯỜI KHÁC.
Ngài dạy chúng tôi, nhưng đọc bài viết của chúng tôi thấy có vấn đề gì hoặc không hiểu thì ngài ân cần trao đổi chứ không khẳng định ý của mình là tuyệt đối duy nhất đúng. Nếu thấy anh em có lý ngài tiếp thu.
Dù có bằng Tiến sĩ Thần học Kinh Thánh, biết 6 thứ tiếng, nói được tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Ý và tiếng Latin, nhưng không bao giờ trong câu chuyện ngài tỏ ra hiểu biết hơn người khác về bất cứ lãnh vực gì. Ngài không tranh giành hơn thua với ai. Chỉ chăm chú hoàn thành bổn phận và đào sâu lãnh vực chuyên môn của mình.
Tôi nhớ khi lần đầu in Sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ ngài có tặng chúng tôi mỗi người một bản. Cha Hiện lúc đấy còn đang làm thầy nói với chúng tôi câu 1Pr 1,8 các tác giả dịch và diễn đạt chưa đúng mấy vì thế đọc nghe trúc trắc khó hiểu.
Cha Hiện đã đi góp ý với ngài. Sau đó cha Hiện nói với chúng tôi rằng ngài lấy làm vui mừng và cám ơn cha Hiện và trong những lần xuất bản tiếp theo, câu đó đã được sửa cho sáng sủa và rõ nghĩa như hiện nay.
Tôi nhớ hồi năm 1998, có anh em trong Học viện chia sẻ với tôi anh bị đau dạ dày thường xuyên. Sau khi nghe câu chuyện của anh tôi biết nguyên do là anh và người anh em cùng phòng sống không hợp nhau. Hồi đấy tu viện thiếu chỗ, mỗi phòng ngăn thành 2 ô và mỗi ô 2 anh em.
Thấy vậy tôi đã đến gặp ngài và đề nghị chuyển phòng tất cả các anh em cho khỏi ai bị tổn thương, vì cho đến lúc đấy, tôi thấy anh em Học viện chưa bao giờ chuyển phòng. Tôi nghĩ các anh em sống chung với nhau 6-7 năm trong một ô hay một phòng thì hợp nhau hay không hợp nhau đều không tốt cho đời tu. Thế là ngay hôm sau ngài đã cho anh em bắt thăm để nhận phòng mới người mới.
Hồi năm 2000, trong tư cách là Trưởng Ban Đào tạo, ngài phải ra đề thi Việt văn cho anh em vào Tiền tập. V ì không biết các bạn được dạy những gì ở Trung học và Đại học và trình độ Việt văn của các bạn trẻ ngày nay thế nào, ngài đã hỏi chuyện tôi và cuối cùng xin tôi giúp ngài chọn mấy đề tài cùng đưa ra yêu cầu của mỗi đề tài để ngài cho anh em thi và làm căn cứ chấm bài cho phù hợp.
Tôi cảm phục thái độ khiêm tốn của ngài. Vì lợi ích của các anh em trẻ mới vào tu, ngài cất công tìm hiểu và hạ mình vậy! Không làm liều! Tất cả cũng vì yêu thương và tôn trọng những người trẻ đang bắt đầu bước vào đời tu trong Dòng.
NGÀI LÀ NGƯỜI SỐNG NGHÈO KHÓ, GIẢN DỊ VÀ LÀNH MẠNH
Ngài ở trong cái phòng bé tý của ngôi nhà ván gỗ và mái tôn thấp lẹ thẹ của Tu viện Mai Thôn. Chỉ đủ kê cái giường nhỏ, cái bàn nhỏ và cái tủ nhỏ. Gia sản đáng giá nhất của ngài là cái xe máy CD 90 và cái Radio.
Khi ở Kỳ Đồng, phòng ngài cạnh phòng tôi, tôi thấy lúc này ngài có thêm cái máy tính để bàn. Đồ đạc trong phòng ngài vào đầu những năm 2000 còn đơn giản hơn nhiều phòng của các anh em sinh viên Học viện.
Ngài rất chăm chút quần áo mặc, nhưng phòng ở thì rất bụi bặm. Tôi thấy mỗi năm ngài chỉ quét v à lau vài lần. Trong khi quần áo thì ngài tự giặt lấy và tự ủi lấy. Ngài không quan tâm đến tiện nghi, đến hưởng thụ. Không đam mê ăn uống, không đam mê âm nhạc, không đam mê thể thao.
Chỉ đọc báo và coi ti vi nhưng coi gọi là. Ngài thường coi ti vi vào giờ khuya, khi các anh em khác đã đi ngủ. Ngài bật ti vi lên và ngồi đối diện trong khi đọc sách vở hay viết gì đó. Có khi ngài ngủ lúc nào ngay tại ghế ngồi. Có khi có anh em đi qua tắt ti vi và tắt điện trêu ngài.
Ngài rất chăm chút sức khỏe. Tuy không tập thể dục thể thao hay làm việc tay chân nhưng ngài cũng đi bộ lần hạt ở hành lang. Cứ sáu tháng ngài đi khám tổng quát một lần xem sức khỏe thế nào, đường, mỡ men gan ra sao rồi về tự điều chỉnh bằng chế độ ăn uống cho phù hợp.
Ngài đặc biệt cẩn thận trong việc ăn uống. Ăn vừa đủ. Uống vừa đủ. Rất điều độ! Không ai có thể mời ngài hay ép ngài ăn uống cái gì mà ngài xét là không tốt cho sức khỏe. Về điểm này ngài sánh được với thầy Placido ở Roma.
Chính vì vậy trong khi các cha khác cùng thế hệ bị đủ các chứng bệnh tiểu đường, huyết áp, tim mạch, bao tử…thì ngài vẫn khỏe mạnh và chẳng bị bất cứ bệnh gì. Đấy là điều tôi thấy ở ngài cho đến khi tôi rời Sài Gòn năm 2006.
NGÀI LÀ MỘT NHÀ ĐÀO TẠO MẪU MỰC
Ngài giảng dạy không hấp dẫn, độc đáo, nhưng tận tụy, rõ ràng, chính xác, dễ hiểu. Ngài cho thi cử nhẹ nhàng, nhưng nghiêm túc. Bài thi thường yêu cầu không quá 2 trang A5 hoặc 1 trang A4. Ai viết thêm cắt bỏ hoặc gạch bỏ phần dư và chỉ chấm nội dung trong phần giấy ngài đã quy định.
Không cha thầy nào trong DCCT tận tâm tận lực lo việc đào tạo anh em tu sĩ trẻ bằng ngài. Mấy chục năm ngài làm Giám đốc và làm Giáo sư Học viện DCCT. Phần lớn các linh mục DCCT tuổi từ cỡ trên dưới 75 trở xuống đều là những người được ngài hướng dẫn hoặc dạy dỗ ít nhiều.
Trong việc đào tạo, tôi thấy không khi nào ngài tỏ ra có tình cảm với một số anh em này hơn những anh em khác. Không khi nào ngài có ý theo dõi hay dò xét anh em nào. Không khi nào ngài có ác cảm với anh em nào. Ngài giao tiếp và ứng xử quân bình và công bằng với mọi kẻ thuộc quyền.
Ngài sống nghiêm khắc với chính mình nhưng nhân từ với các anh em. Nghiêm khắc và đòi hỏi trong lối sống và trong việc viết lách của các anh em, nhưng rất nhân từ và độ lượng trong việc đánh giá và quyết định cho các anh em khấn dòng hay tiến chức. Trừ việc giân lận thi cử!
Ngài nói các anh em khi đi học ở trong Dòng hay ngoài Dòng, cần trung thực. Không làm bài được thì thôi, đừng gian lận thi cử. Nếu không làm bài được ngài vẫn có cách “cứu” được anh em. Nhưng nếu ai cố tình gian lận thi cử ngài sẽ đề nghị loại ra khỏi Dòng.
Ngài không có những kế hoạch, những dự án tri thức và tâm linh này nọ, không can thiệp nhiều vào đời sống của các anh em. Không bám sát anh em khiến anh em ngạt thở hay sống mất tự nhiên. Anh nào cần đến trình bày ngài nghe và giúp đỡ. Còn gặp gỡ chính thức thì rất hiếm và rất ngắn.
Cả đời Học viện của tôi gần 7 năm, gặp gỡ chính thức chỉ 3 lần, mỗi lần không quá 5 phút. Lần khấn lại. Lần khấn trọn. Lần chịu chức phó tế. Lần nào ngài cũng hỏi mấy câu này: Khải sống trong Học viện có cảm thấy thoải mái không? Khải có cần giúp đỡ gì không? Khải có kinh nghiệm gì cụ thể về Chúa Thánh Thần không? Chỉ có vậy!
Tôi có cảm giác cái triết lý giáo dục của ngài chỉ cốt ở hai điểm này. Một là để cho Thánh Thần hướng dẫn và thánh hóa anh em. Hai là dùng tình thương và gương mẫu để các học trò tin tưởng, yêu mến và tự giác sống theo.
Lão Tử nói bậc thánh nhân không làm gì mà việc gì cũng thành. Cái lối đào tạo của ngài có lẽ là như là vậy. Ngài không can thiệp nhiều, không cậy sức cậy tài để ép bề dưới theo ý mình, nhưng kết quả là các anh em sống bình an, hiệp nhất, có ý thức dấn thân học tập và phục vụ rất cao.
NGÀI LÀ MỘT TRONG NHỮNG NGƯỜI LÀM VIỆC TRÍ THỨC CÁCH MẪU MỰC VÀ CHUYÊN CẦN.
Ngài học Thần học Kinh Thánh và ngoài việc bổn phận trong tư cách là Bề trên và Giám đốc, thì thời gian và tâm sức còn lại ngài đặt vào việc nghiên cứu, dịch thuật và giảng dạy Kinh Thánh.
Ngày nay người ta coi trọng và đề cao người biết làm việc chung theo đội nhóm. Ngài là người như vậy. Ngài làm việc chung theo nhóm rất giỏi. Cái điểm yếu chung của người Việt trong Đạo ngoài đời đối với ngài lại là điểm mạnh.
Ngài đã gia nhập Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ năm 1972 và ngài coi đó như gia đình thứ hai của mình sau Nhà Dòng. Ngài là một trong những thành viên kỳ cựu nhất của Nhóm trong suốt gần 50 năm và vì là ngời hiền hòa, dễ thương và làm việc nghiêm túc nên trong nhiều thập niên ngài được bầu làm Trưởng Nhóm.
Tôi đã từng nói rằng Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, một nhóm các nhà trí thức Công Giáo tồn tại lâu nhất, làm việc khoa học nhất, tạo ra những sản phẩm tri thức có phấm chất tốt nhất trong lãnh vực Kinh Thánh và Phụng Vụ, có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong Giáo Hội Việt Nam.
Nhóm đã in và phổ biến hơn 2 triệu bản Tân ước, hàng trăm nghìn bản Kinh Thánh trọn bộ, hàng chục nghìn bản Sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, hàng nghìn bản Sách Lễ Roma, các nghi thức Phụng Vụ, các sách chú giải Kinh Thánh... Đấy là chưa kể bản văn Kinh Thánh kèm theo chú giải được hàng trăm nghìn người sử dụng online.
Ngày nay, những ai có đọc Kinh Thánh và đọc Kinh Phụng Vụ và tham dự Thánh Lễ bằng tiếng Việt, những ai học Kinh Thánh, đều đang ít nhiều hưởng nhờ thành quả lao động trí thức của Nhóm CGKPV mà trong đó có phần đóng góp quan trọng của Cha Giuse Trần Ngọc Thao.
Cha Nguyễn Ngọc Tỉnh thường nói “Nhóm chúng tôi là một đội banh” và tôi tin cũng như các thành viên khác, Cha Giuse Trần Ngọc Thao là một cầu thủ kỳ cựu và quan trọng. Ngài là Đội trưởng của đội banh kia hay nhất kia của Giáo Hội Việt Nam trong nhiều thập niên.
NGÀI LÀ VỊ BỀ TRÊN GIÁM TỈNH KHÔN NGOAN ĐÃ LÀNH ĐẠO TỈNH DÒNG TRONG GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN NHẤT
Ngài là một trong những Bề trên Giám tỉnh lâu nhất trong DCCT Việt Nam. Ngài làm 4 khóa liên tiếp, từ năm 1981-1993. Đấy là một trong những giai đoạn khó khăn nhất của Nhà Dòng và Giáo Hội Việt Nam. Vì các tu viện bị nhà cầm quyền cướp đoạt nhà cửa, trường học, thư viện, đất đai, nhà máy, cơ sở chăn nuôi…. Nhiều anh em bị bắt đi tù. Rất nhiều anh em bị mất chỗ ở khi tu viện bị giải tán và phải về sống với gia đình và phải tự lạo động kiếm sống.
Bản thân ngài, dù là Bề trên Giám tỉnh cũng không được sống trong Tu viện Kỳ Đồng mà vẫn phải ở trong căn nhà lụp xụp bên Tu viện Mai Thôn. Mãi đến năm 1993 khi hết làm Giám Tỉnh và nhà nước bớt căng thẳng chuyện hộ khẩu, ngài mới được chuyển về tu viện Kỳ Đồng.
Nhà cầm quyền bấy giờ còn cấm các anh em ở các tỉnh về Sài Gòn tĩnh tâm chung hằng năm. Tệ nhất là cấm thuyên chuyển, cấm bổ nhiệm, cấm nhận người đào tạo, cấm khấn dòng, cấm chịu chức linh mục, cấm dạy thần học…
Thiếu thốn, khó khăn, nguy hiểm mọi đàng. Dẫn dắt một Tỉnh Dòng mà thời điểm bấy giờ là dòng tu duy nhất hiện diện cả ba miền Bắc-Trung-Nam và duy trì được tinh thần tu trì của các anh em trong giai đoạn khắc nghiệt ấy quả thật không đơn giản. Thế mà ngài đã làm được!
Ngài đã giúp được các anh em gắn bó hiệp nhất với nhau để cùng nhau phục vụ Chúa nơi người nghèo. DCCT ở Việt Nam hiếm có giai đoạn nào anh em đoàn kết và hiệp nhất như thời kỳ 12 năm ngài làm Bề trên Giám Tỉnh.
Ngài đã thành công trong việc tìm kiếm một mô hình thích hợp để cổ vũ và nâng đỡ việc tu, việc học và việc phục vụ của từng anh em trẻ đang thuộc diện đào tạo mà không được sống trong tu viện.
Ngài đã đưa ra các quyết định bí mật nhận ơn gọi, bí mật mở Tập viện, bí mật khấn Dòng, bí mật cho các anh em học triết học và thần học với các giáo sư riêng lẻ, bí mật cho anh em truyền chức linh mục, bất chấm lệnh cấm cản và trừng phạt của nhà cầm quyền.
Năm 1990 ngài còn quyết định mở Học viện tập trung tại Tu viện Kỳ Đồng khi ngài vừa là Bề trên Giám tỉnh, vừa là giám đốc Học viện trong khi cha Vũ Khởi Phụng làm Giám học.
Vì chỉ có như vậy các anh em trẻ mới có thể có cơ may được đào tạo bài bản và mau chóng. Từ đó ban ngày anh em đến Tu viện học tập. Tối ra ngoài nhà giáo dân ngủ để tránh sự khám xét, bắt bớ của nhà cầm quyền.
Cũng từ năm 1990, ngài đã quyết định cho các anh em đã học xong thần học được chịu chức linh mục bí mật nếu muốn. Trong số đó Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích và Vinhsơn Phạm Trung Thành là những người đầu tiên và cả hai về sau đều đã được bầu làm Bề trên Giám tỉnh như ngài.
Tôi tin rằng nếu không có đường hướng khôn ngoan và những quyết định can đảm kia của ngài vào thời điểm đó thì DCCT đã không có nhiều ơn gọi như hôm nay, bản thân tôi chưa chắc đã được nhận vào dự tu năm 1987 ở Tu viện Thái Hà và năm 1989 ở Tu viện Kỳ Đồng.
Tôi tin ngài là một trong những vị Bề trên Giám tỉnh tuyệt vời nhất của chúng tôi. Ngài là một trong vài người đã góp đắc lực nhất và to lớn nhất trong việc làm nên một DCCT Việt Nam như chúng ta thấy hôm nay.
***
Còn nhiều chuyện để nói về ngài nhưng tôi tạm dừng ở đây.
Trong mắt tôi ngài là một con người nhân bản, một tu sĩ mẫu mực, một thừa sai nhiệt thành, một trí thức cần mẫn, một bề trên khôn ngoan, can đảm và đầy lòng bao dung.
Ngài đã theo sát Chúa Kitô và là một hình ảnh sống động của Chúa Kitô. Ngài đã đóng góp hết mình trong việc xây dựng Giáo Hội và loan báo Tin mừng cho người nghèo, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn.
Hồi nhỏ khi còn sống ở gia đình, tôi thường nghe bố mẹ hỏi các cặp vợ chồng trẻ có “tin mừng”chưa, nghĩa là đã có thai chưa. Khi ai sinh nở mẹ tròn con vuông thì lại nói nhà đấy có “tin mừng” rồi.
Dần dần tôi hiểu, bên cạnh Tin mừng tuyệt đối là Chúa Kitô và lời rao giảng của Ngài, thì “tin mừng” còn là sự ra đời của một con người. Tuy nhiên, mỗi người có thật sự là "tin mừng" cho thế giới hay không, chỉ khi sống và nhất là khi hoàn tất cuộc đời mới biết được.
Chiêm ngưỡng cuộc đời của Cha Giuse Trần Ngọc Thao, tôi thấy ngài thực sự là tin mừng cho tôi, cho các anh em trong DCCT Việt Nam chúng tôi và trong chừng mực nào đó nhiều người Việt Nam.
Tôi tin ngài là quà tặng, là ân huệ Chúa ban cho tôi, cho DCCT và cho Giáo hội Việt Nam.
Xin tạm biệt ngài. Xin Chúa cho ngài được nghỉ yên trong Chúa và mong ngày được gặp lại ngài trong Nước Trời.
Roma 05.06.2021
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT.
1-Khoảng những năm 1994-1995 ngài được Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng giới thiệu với Tòa Thánh làm ứng viên Giám mục của Giáo phận Hưng Hóa. Tiếc rằng danh sách đợt ấy bị lộ ra ngoài và rơi vào tay nhà nước Việt Nam nên theo thông lệ Tòa Thánh không còn xét đến các ứng viên có tên trong danh sách ấy.
2.Ngài có lập trường đứng về công lý và sự thật. Ngài kh ông trực tiếp dấn thân, nhưng đã tích cực hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh của anh em ở Thái Hà, Hà Nội. Ngài ra tận Thái Hà để thăm anh em. Khi làm lễ ở nhà thờ ngài đã có những lời mạnh mẽ cổ vũ giáo dân và lên án nhà cầm quyền, làm nức lòng giáo dân.
TIỂU SỬ CHA GIUSE TR ̀N NGỌC THAO, C.Ss.R
--- *** ---
CHA GIUSE TR ̀N NGỌC THAO, C.Ss.R
Sinh ngày 24 tháng 03 năm 1935 ở Sơn Tây, Hà Tây.
Ngày 01.07.1945: Gia nhập Đệ Tử Dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Nội.
Năm 1949: vào Đệ Tử DCCT ở Huế.
Ngày 14.08.1953: Vào Nhà Tập DCCT ở Đà Lạt.
Ngày 15.08.1954: Khấn lần đầu tại Tu viện DCCT Đà Lạt.
Từ năm 1954 đến năm 1961: Học và làm mục vụ ở Đà Lạt.
Ngày 08.09.1957: Khấn trọn đời tại Tu viện DCCT Đà Lạt.
Ngày 05.09.1959: Lãnh thừa tác vụ linh mục tại Tu viện DCCT Sài Gòn.
Từ năm 1959 đến năm 1961: Dạy học tại Đệ Tử DCCT Huế.
Từ năm 1961 đến năm 1962: Dạy học tại Đệ Tử DCCT Vũng Tàu.
Từ năm 1962 đến năm 1964: Học thần học ở Paris.
Từ năm 1964 đến năm 1966: Học Thánh Kinh ở Rôma.
Từ năm 1966 đến năm 1971: Học tiến sĩ Thần học Thánh kinh ở Lyon.
Từ năm 1971 đến năm 1978: Dạy học và làm Giám đốc Học Viện ở Thủ Đức. Bắt đầu làm việc trong Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
Từ năm 1978 đến năm 1981: Làm Bề trên cộng đoàn DCCT Mai Thôn.
Từ năm 1981 đến năm 1993: Làm Giám Tỉnh DCCTVN.
Từ năm 1993 đến năm 2002: Làm giám đốc Học Viện DCCTVN
Từ năm 2002 đến năm 2005: Làm Bề trên DCCT Sài Gòn kiêm Chánh Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Gíup Sài Gòn.
Từ năm 2005 đến nay: Làm thành viên DCCT Sài Gòn.
Vào lúc, ngày, cha Giuse Trần Ngọc Thao đã được Chúa gọi về với Người, sau 86 năm làm con Chúa trên dương thế, 68 năm khấn Dòng và 62 năm linh mục.
Cuộc đời Cha Giuse là một cuộc đời chuẩn mực về đời sống nhân bản cũng như đời sống tu trì. Ngài diễn tả cảm nhận thế này: “Tôi cảm thấy thoải mái trong ơn gọi và đời tu DCCT. Gương hy sinh và tận tâm của các bậc đàn anh cũng như tinh thần phục vụ của các anh em khác đã khích lệ tôi rất nhiều trong cuộc sống, khi tôi phải thực hiện những công việc trong Tỉnh Dòng và trong Giáo Hội. Những kinh nghiệm cụ thể về con người và đời sống cộng đoàn cũng giúp tôi ngày càng trưởng thành hơn về nhân bản và đời tu.”
Ngoài mối bận tâm với tư cách lãnh đạo của Tỉnh Dòng trong hoàn cảnh khó khăn, ngoài việc miệt mài làm việc trong Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, thì mối bận tâm lớn nhất và sứ vụ dài nhất của Cha Giuse là đào tạo. Vì thế mà ngài tâm sự rằng: “Các anh em trẻ là những con người tôi muốn đặc biệt chú tâm đến với mục đích huấn luyện, đào tạo những thế hệ tu sĩ và linh mục DCCT có một tinh thần và một lối sống mới khác hẳn với những tranh chấp và tham vọng, để hướng họ về lý tưởng hết mình dấn thân phục vụ cho mầu nhiệm cứu độ trong DCCT.”
Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria - Mẹ Hằng Cứu Giúp, các Thánh trong Dòng, cùng với lời nguyện cầu của cộng đoàn dân Chúa, nguyện xin Thiên Chúa ban cho cha Giuse sớm hưởng vinh quang Nước Trời.
Ngợi khen Chúa Giêsu và Đức Bà Maria!
Văn Phòng Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.