Niềm đam mê bóng đá, cúp Âu Châu trong bối cảnh Đức Thánh Cha nằm bệnh viện

Nhìn từ bên ngoài, bạn có thể nghĩ rằng điều được nhắc đến nhiều nhất ở Rôma lúc này là Đức Thánh Cha Phanxicô đang nằm trong bệnh viện Gemelli, với nhiều giả thuyết khác nhau được lan truyền rằng ngài thực sự bệnh nặng hơn những gì Vatican đang nói, hay cuộc phẫu thuật viêm đại tràng không phải đã thực sự được “lên kế hoạch” từ trước như Vatican đã tuyên bố, v.v.

Sự thật thì bạn đã nhầm.

Trước đây, người Rôma đã từng trải qua những lần sợ hãi về sức khỏe của Đức Giáo Hoàng, và họ có một loại giác quan thứ sáu có thể đánh hơi được điều gì thực sự nghiêm trọng. Hiện tại, hầu hết mọi người ở đây dường như đang cho rằng đây là con đường phải trải qua của một người đàn ông bình thường, đã 84 tuổi

Mặt khác, mọi người Rôma mà bạn gặp ngay bây giờ, cho dù trong siêu thị, taxi, nhà hàng hay cửa hàng thuốc lá hay bất cứ nơi nào, họ chỉ có một câu hỏi dành cho bạn: Bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra vào tối Chúa Nhật?

Điều họ muốn đề cập đến là trận chung kết lịch sử của giải bóng đá Euro 2020, trận đấu giữa Ý với Anh sau một quá trình kéo dài hàng tháng trời để chọn từ 24 đội ra hai đội. Có lẽ chưa bao giờ kể từ cuộc Cải cách Tin lành ở Anh, Ý và Anh lại đấu với nhau một cách khá kịch tính như vậy.

Cả hai đội đều đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt, từ các hiệp phụ đến các loạt sút luân lưu để quyết định các trận đấu. Đội tuyển quốc gia Anh đã không giành được một chức vô địch lớn nào trong 55 năm qua, nhưng họ có lợi thế đang chơi trên sân nhà ở Sân vận động Wembley, trong khi Ý đang chơi cho một đất nước suy thoái, sau những bất ổn về kinh tế và xã hội vì coronavirus, rất cần được nâng đỡ, và đối với bóng đá hoặc calcio, như người Ý thường gọi, phơi áo trước đối phương là một nỗi ám ảnh của quốc gia.

Trận đấu sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ tối Chúa Nhật theo giờ London, 3 giờ chiều theo giờ Đông Bộ Hoa Kỳ và sẽ được phát sóng toàn quốc trên kênh ESPN.

Hai điều về phản ứng của người Ý đặc biệt thú vị.

Đầu tiên, nhà báo kỳ cựu người Ý Beppe Severgnini đã có một chuyên mục ngày hôm qua trên tờ Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều, là tờ nhật báo có thẩm quyền nhất của Ý, trong đó ông lưu ý rằng các bàn thắng mà đội Ý ghi được trong giải đấu năm nay không chỉ mang tính chiến thuật mà còn đẹp mắt về mặt thẩm mỹ - thể thao, nghệ thuật, kịch tính.

Một phần, Severgnini cho rằng xu hướng đó là do tác động của huấn luyện viên Roberto Mancini, nhưng cũng là do tính cách dân tộc Ý.

“Những bàn thắng ngoạn mục này đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người Ý, là điều không bao giờ được đánh giá thấp. Giữa những gì tốt và những gì đẹp, chúng ta thường ưu tiên cho cái đẹp. Hãy nghĩ về xu hướng quốc gia đối với các nghĩa cử cao đẹp, và cách chúng ta đấu tranh để có hành vi tốt”.

Severgnini viết: “Vẻ đẹp tự nhiên, vẻ đẹp nghệ thuật, vẻ đẹp gắn liền với đồ vật, đồ ăn hay quần áo - không có chuyện người Ý ăn mặc xấu, chỉ có người Ý không quan tâm đến việc ăn mặc đẹp”.

Niềm khao khát đối với vẻ đẹp - bella figura, làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp, cũng đã đến được Vatican, và luôn luôn có ở đó. Nó giúp giải thích lý do tại sao Vatican có một khả năng vô tận cho các nghi lễ và các sự kiện lớn khác với sự khởi sắc tuyệt vời, và cả khả năng khơi dậy các tiềm năng bên dưới những diễn biến hào nhoáng đó.

Một khía cạnh đáng chú ý khác của mối quan tâm hiện tại của người Ý đối với số phận của đội tuyển quốc gia là vai trò của cả bóng đá và Công Giáo trong việc hình thành bản sắc ở đây.

Cho đến năm 1870, Ý vẫn chưa thống nhất như chúng ta thấy hiện nay, và câu hỏi về điều gì khiến một người nào đó trở thành “người Ý”, chứ không phải người Naples, Sicilia, Umbria, hoặc một trong những vùng khác biệt của Ý, luôn là một câu hỏi gây bức xúc. Nó phát sinh với cường độ đặc biệt dưới thời phát xít trong những năm 1920 và 30, vì việc khắc sâu sự trung thành đối với tổ quốc là một nỗi ám ảnh đối với Mussolini.

Trong cùng thời gian này, các giải vô địch bóng đá quốc tế bắt đầu hình thành, và Ý là một trong những cường quốc ban đầu. Đội tuyển quốc gia Ý đã giành chức vô địch World Cup năm 1934 và cuộc thi bóng đá tại Thế vận hội Berlin năm 1936, khơi gợi lòng nhiệt thành từ khắp nơi trên bán đảo Ý - lần đầu tiên, trên nhiều phương diện, một câu trả lời thuyết phục cho câu hỏi đâu là “Ý nghĩa của việc là người Ý?”

Một cách trả lời, và một câu trả lời sẽ có ý nghĩa đối với nhiều người Ý ngay cả ngày nay: Là người Ý đối với nhiều người có nghĩa là cổ vũ cho Azzurri, hay đội tuyển quốc gia. Đội tuyển Ý được gọi là Azzurri, hay đội tuyển “màu xanh lam”, bởi vì màu xanh lam là màu của triều đại Savoy đã giúp đưa Ý đến thống nhất.

Sự thật, người Ý có vài điểm chung đáng quý. Phong cách sống, giá trị, quan điểm và kỳ vọng của một người sống ở Piedmont xa xôi phía bắc khác hẳn với những người sống trên hòn đảo Sicily xa xôi phía nam. Bên cạnh thực tế là người Ý có chung một chính phủ quốc gia - và có cùng xu hướng phàn nàn không ngừng về chính phủ đó - lực lượng duy nhất bao trùm toàn bộ bán đảo là Giáo Hội Công Giáo và niềm đam mê đối với đội tuyển bóng đá quốc gia.

Ở Ý sau khi thống nhất, Giáo Hội không thể được nhà nước hoặc xã hội thế tục cổ vũ như một cơ sở của bản sắc dân tộc, vì vậy bóng đá đã trở thành tôn giáo dân sự trên thực tế, một trụ cột thế tục của bản sắc Ý. Để cổ vũ cho Azzurri, người Ý còn làm nhiều hơn là cổ vũ cho đội bóng của họ chiến thắng - họ công bố mình là một dân tộc, bất kể các khác biệt.

Tuy nhiên, dù những người theo Đảng Cộng hòa hay Phát xít có thể muốn niềm đam mê bóng đá đừng dính líu đến bản sắc Công Giáo của Ý, nhưng cuối cùng thì cả hai đều không thể kìm hãm sự hòa vào nhau. Thứ Ba tuần trước, khi Italia đối mặt với Tây Ban Nha ở trận bán kết và phải đá luân lưu trước khi giành chiến thắng cuối cùng, người dân Italia từ trên xuống dưới đều cầu nguyện với Đức Mẹ, xoa nắn các bức tượng và các bức ảnh Đức Mẹ và các thánh, cũng như thắp nến trước những cú sút định mệnh.

Nói cách khác, rất nhiều điều khiến Ý trở thành Ý - và khiến Vatican trở thành Vatican - sẽ có mặt trên sân vào đêm Chúa Nhật, khi Azzurri một lần nữa chơi vì niềm tự hào dân tộc, và khi các tín đồ của họ thay mặt họ xông lên thiên đường với hình thức cầu nguyện riêng biệt của Công Giáo.

Đó là một hiện tượng mà Đức Giáo Hoàng hiện tại chắc chắn đang theo dõi với sự quan tâm từ phòng bệnh của mình, vì tổ tiên của ngài đến từ vùng Piedmont của Ý và tất nhiên, vì bản thân ngài cũng là một người hâm mộ bóng đá, và quê hương của ngài, Á Căn Đình, sẽ đấu với đối thủ khó chịu của họ là Brazil trong trận chung kết Copa America vào ngày thứ Bảy.
Source:Crux