1. Các thành viên của Tiến Trình Công Nghị Đức bác bỏ đề xuất tập trung vào truyền giáo của Đức Thánh Cha
Hôm thứ Năm 30 tháng 9, những người tham gia vào “Tiến Trình Công Nghị” của Giáo Hội Công Giáo Đức đã thông qua một đề xuất nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truyền giáo trong bối cảnh có những hoang mang về các thủ tục bỏ phiếu.
Theo CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, lời kêu gọi “nhấn mạnh hơn nữa ý thức truyền giáo” đã được đa số thông qua, nhưng các nhà tổ chức lại cho rằng biện pháp này đã không nhận được sự chấp thuận.
Phiên họp toàn thể của Tiến Trình Công Nghị đã diễn ra tại Frankfurt, Tây Nam nước Đức, từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 2 tháng 10.
Sự kiện này là cuộc họp thứ hai của Hội đồng Công Nghị, là cơ quan ra quyết định tối cao của Tiến Trình Công Nghị.
Hội đồng bao gồm các giám mục Đức, và 69 thành viên của Ủy ban Trung ương Giáo dân Đức rất có thế lực, cũng như đại diện của các bộ phận khác của Giáo hội Đức.
“Tiến Trình Công Nghị” là một quá trình kéo dài nhiều năm, tập hợp các giám mục và giáo dân để thảo luận về bốn chủ đề chính: cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ.
Những người tham gia Tiến Trình Công Nghị đã bỏ phiếu vào ngày 30 tháng 9 về 15 sửa đổi đối với hai văn kiện Cơ bản của Tiến Trình Công Nghị : phần mở đầu và văn bản định hướng thần học.
Điều thứ sáu trong số tám sửa đổi đối với phần mở đầu kêu gọi chú trọng nhiều hơn vào việc phúc âm hóa.
Sửa đổi nói rằng : “Ủy ban vận động khuyến nghị rằng ý định truyền giáo, mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào trong lá thư 'Gửi dân Chúa trên đường hành hương tại Đức' và đã được nêu trong thông báo về Tiến Trình Công Nghị trước toàn thế giới, cần được nhấn mạnh hơn trong tổng thể văn bản.”
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức thư dài 19 trang cho những người Công Giáo Đức vào tháng 6 năm 2019, kêu gọi truyền giáo trong bối cảnh “sự xói mòn và suy thoái đức tin ngày càng gia tăng”.
Ngài viết: “Mỗi khi một cộng đồng giáo hội cố gắng thoát ra khỏi những vấn đề của mình, chỉ dựa vào sức mạnh, phương pháp và trí thông minh của chính mình, thì cuối cùng cộng đồng đó lại nhân lên và nuôi dưỡng những tệ nạn mà họ muốn vượt qua”.
Điều thứ sáu, tức là điều nhấn mạnh vào Phúc Âm Hóa đã nhận được 94 phiếu thuận, 86 phiếu chống và 15 phiếu trắng. Bất chấp kết quả này Hội đồng Công Nghị đã phủ quyết.
Source:Catholic News Agency
2. Giải thưởng Người bảo vệ sự sống lần thứ nhất
Học viện Giáo hoàng về Sự sống của Vatican đã trao Giải thưởng Người bảo vệ sự sống cho một giáo dân Mỹ, là người đã cống hiến cuộc đời mình để phục vụ các tử tù. Đây là lần đầu tiên Tòa Thánh trao Giải thưởng này.
Học viện Giáo hoàng về Sự sống cho biết Giải thưởng Người bảo vệ sự sống dành cho những người đã “nổi bật trong cuộc sống riêng tư và nghề nghiệp của họ vì những hành động quan trọng nhằm hỗ trợ bảo vệ và thúc đẩy cuộc sống con người.”
Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống, cho biết mục vụ dành cho các tử tù là “điều cần thiết để mang lại sự an ủi cho những người bị loại bỏ một cách thô bạo khỏi thế giới này.”
Người được trao giải đầu tiên này là ông Dale Recinella, một luật sư đã tìm thấy ơn gọi thứ hai của mình là mục vụ tù nhân. Ông đã phục vụ hơn hai thập kỷ tại Nhà tù Bang Florida ở Raiford, nơi có số tử tù lớn thứ hai ở Hoa Kỳ.
Source:Aleteia
3. Hiện tượng bị ma quỷ đánh đập
Đức Ông Stephen Rossetti, linh mục trừ tà của Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ kể lại câu chuyện sau trong bài “Exorcist Diary #148: Socked by a Demon”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 148: Bị quỷ đá”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Một trong những người nhạy cảm tâm linh của chúng tôi đã gửi bức ảnh đính kèm về một vết bầm tím lớn khó chịu trên cơ thể cô ấy. Cô ấy đã hỗ trợ các linh mục trừ tà của chúng tôi trong việc tẩy rửa một tòa nhà bị quỷ ám. Dưới đây là văn bản trao đổi của chúng tôi:
Đề cập đến bức ảnh gửi cho tôi, cô ấy nói:
Đây là diễn biến mới nhất.
Đó có phải là cánh tay của con không?
Không, là chân con
Mọi sự diễn ra như thế nào vào đêm qua?
Đã trục xuất được 8 con quỷ.
Ok, cảm ơn con đã giúp làm điều đó.
Sau đó chúng đá vào chân con.
Nghe có vẻ lạ lùng? Hãy quan sát kỹ hơn cuộc đời của các thánh. Nhiều người trong số các ngài đã bị đánh đập bởi ma quỷ. Ví dụ, trong một lá thư gửi cho vị linh hướng của mình, Thánh Gemma Galgani viết: “Ma quỷ đã đuổi theo con bằng mọi cách có thể... Nó túm tóc con và lôi con đi... Nó đã hành hạ con như thế hơn bốn giờ, và con đã trải một đêm như thế”. Cô ấy bị quỷ ám đến nỗi cô ấy đã yêu cầu một lễ trừ tà. Nhưng vị linh mục đã từ chối ngay lập tức, trả lời rằng cô ấy không bị ma nhập.
Thánh Maria Gemma Umberta Galgani sinh ngày 12 tháng 3 năm 1878 và qua đời ngày 11 tháng 4 năm 1903 là một nhà thần bí người Ý, được tôn kính như một vị thánh trong Giáo Hội Công Giáo từ năm 1940. Thánh nhân được gọi là “Nữ tử Thương khó” vì sự bắt chước sâu sắc Cuộc Thương khó của Chúa Kitô. Thánh nữ được tôn kính đặc biệt trong Dòng Thương Khó
Tương tự như vậy, Thánh Piô thường bị ma quỷ đánh đập về thể xác: “Những con quỷ này không ngừng tấn công tôi, thậm chí còn khiến tôi ngã xuống giường. Chúng còn xé áo tôi để đánh tôi! Nhưng bây giờ chúng không làm tôi sợ nữa. Chúa Giêsu yêu tôi”. Một số thành viên trong cộng đồng của ngài đề nghị một lễ trừ tà cho ngài. Một lần nữa, cấp trên thẳng thừng từ chối.
Những người bị quỷ nhập và khống chế mạnh mẽ cũng có thể bị quỷ dữ cào, làm trầy xước và thâm tím. * Trong thực tế, đó là là một trong những câu hỏi tôi thường đặt ra trong quá trình phân định, “Anh chị có bất cứ vết bầm tím hoặc trầy xước không giải thích được không?” Tôi có nhiều bức ảnh như vậy.
Tôi đã được hỏi vài lần, “Tại sao Chúa không nhốt tất cả quỷ vào địa ngục và ngăn chúng làm khổ con người?” Câu hỏi hay. Đó là một phần của một câu hỏi lớn hơn: “Tại sao Thiên Chúa lại cho phép những điều tồi tệ xảy ra với con người?” Trên thực tế, những gì ma quỷ có thể làm với chúng ta về mặt thể chất nhạt nhòa hơn rất nhiều so với những gì con người làm cho nhau.
Ma quỷ rất hạn chế trong những gì Chúa cho phép. Chúng cám dỗ tất cả mọi người. Chúng có thể quấy rối và đôi khi hành hạ thể xác mọi người. Nhưng chúng không thể trực tiếp giết chúng ta, mặc dù con người có thể và, đáng buồn thay, vẫn thường làm như thế với nhau.
Vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu đã trả giá cho tất cả chúng ta. Trong đức tin, Đức Mẹ tham dự vào sự hy sinh cứu chuộc của Chúa Giêsu. Người nhạy cảm tâm linh của chúng tôi đã hào phóng hỗ trợ chúng tôi trong sứ vụ trừ tà này. Cô ấy đã phải trả giá cho điều đó. Chúa sẽ thưởng cho cô ấy vì điều đó.
*Xem. Cliff Ermatinger, The Rrouble with Magic, Padre Pio Press, tr. IX.
Source:Catholic Exorcism